ĐẠI THỪA VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI TIỂU THỪA
Nguyên tác: Nalinaksha Dutt – HT. Thích Minh Châu dịch,
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999

LỜI DỊCH GIẢ

Tôi dịch tập “Aspects of Mahàyana Buddhism and its relation to Hìnayàna Buddhism” với mục đích rất khiêm tốn là giúp tài liệu học tập cho sinh viên Phật khoa Vạn Hạnh. Vừa dạy, vừa dịch, kéo dài trong một thời gian hơn một năm. Vừa dịch vừa in, nhiều khi bị chức vụ đa đoan của Viện Trưởng làm gián đoạn, đến khi gần xong, xem lại, tôi muốn bản dịch và bản in đó phải dịch lại và in lại cho hoàn hảo hơn. Nhưng vì Viện nghèo, tiếc tiền tiếc công nên tôi phải cho in cho xong và cho xuất bản với một vài lời cáo lỗi.

Tôi cáo lỗi vì dịch không được trọn vẹn. Phần bị chú rất quan hệ trong tập sách này, tôi chỉ dịch một phần nhỏ, vì sinh viên Phật khoa chưa cần đến, và nếu có dịch cũng in không được vì quá nhiều chữ Sanskrit và Pàli. Các vị nào có cần khảo cứu đầy đủ, xin mời đến thư viện Vạn Hạnh xem. Tôi bỏ chương chót về giới luật Đại thừa, không dịch, vì nghĩ ở Việt Nam giới luật Đại thừa khá phổ thông và cũng dễ tìm hiểu.

Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa (P1)

Lời cáo lỗi thứ hai là không cho in bị chú dưới mỗi trang sách mà cho in sau mỗi chương, và in không dùng chữ xiên lại in một thứ chữ với các trang chính. Do vậy các độc giả khó phân biệt phần nào là bị chú, phần nào là trang chính. Lỗi lớn vì tại nhà in thiếu chữ, nhất là chữ Sanskrit và Pàli. Mong các độc giả chịu khó phân biệt.

Lời cáo lỗi thứ ba là cáo lỗi với tác giả mà tôi quen biết rất nhiều khi ở Ấn Độ, vì bản dịch này không phản ảnh trung thực giá trị của tác phẩm. Tác giả không những uyên thâm về Sanskrit và Pàli, lại được hướng dẫn bởi những nhà học giả trứ danh Pháp, nên trình bày tập sách rất khoa học và khúc chiết, và tài liệu vừa dồi dào vừa chính xác, thật là một công trình khảo cứu hy hữu.

Giá trị của tập sách này là diễn đạt được tiến trình lịch sử tư tưởng Phật giáo qua ba giai đoạn: Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo các bộ phái, và Phật giáo Đại thừa. Tiến trình này của tư tưởng Phật giáo là một tiến trình liên tục, không có gián đoạn, tuần tự nhi tiến chứ không có đột ngột. Tác giả đã thật sự thành công khi trình bày tiến trình các qua điểm về các vấn đề Ba thân, Niết bàn, Tứ đế, các vị trí tu chứng, ngang qua các phái Thượng tọa bộ, Nhất thế hữu bộ, Đại thừa giáo khi mới hưng khởi, các nhà Duy thức và các vị Hậu Đại thừa. Đoạn truy nguyên các tác phẩm Bát nhã Ba-la-mật, truy nguyên nguồn gốc và địa điểm phát khởi Đại thừa giáo đáng được chúng ta đặc biệt chú ý, vì tài liệu thật chính xác và khá phong phú. Tác giả đã nối liền lại hai giòng tư tưởng Tiểu thừa và Đại thừa, và giúp chúng ta tìm được sự liên tục giữa hai giòng tư tưởng nhiều khi mâu thuẫn và chống đối.

Đọc kỹ tiến trình tư tưởng Phật giáo, chúng ta sẽ thấy các luận sư không vị nào là không muốn diễn đạt cho thật sự trung thành giáo nghĩa nguyên thủy của đức Từ Phụ. Dầu cho sự diễn đạt đặt dưới nhiều quan điểm và khía cạnh sai khác, lồng vào những bối cảnh có thể nói là mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những sóng ngầm đồng nhất, thật sự nguyên thủy trong sự cố gắng trung thành của các nhà luận sư. Cho nên quan điểm của một số học giả Pàli cho rằng những gì ngoài ba Tạng Pàli là ngụy tạo, vừa nguy hiểm, vừa nông nổi nếu không phải là lạc hậu. Nguy hiểm vì tự mình phủ nhận những cố gắng trung thành với đạo Phật nguyên thủy của các nhà luận sư, như chúng ta đã thấy quá rõ ràng trong tập sách này. Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta phủ nhận luôn những tinh hoa đạo Phật nguyên thủy do chính các nhà luận sư khai thác và diễn đạt. Nông nổi và lạc hậu, vì ngày nay các nhà học giả Phật giáo phần lớn đều chấp nhận một số tư tưởng Đại thừa là những tư tưởng của đạo Phật nguyên thủy và xác nhận chính trong tam tạng Pàli, được kiết tập trong một thời gian một vài thế kỷ, lẽ dĩ nhiên phải có những đoạn phi nguyên thủy xen kẽ vào. Nếu có nhà học giả nào chịu khó so sánh bốn tập A Hàm (Trung Hoa) với các tập Pàli Nikàya tương đương, các vị ấy sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm Trung Hoa lại nguyên thủy hơn các đoạn văn Pàli.

Thái độ của một số Phật tử Đại thừa ngược lại xem những gì Tiểu thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản trí thức. Nguy hiểm vì tự nhiên phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm và các luật tạng, những tinh hoa tốt đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy. Và làm vậy chúng ta mắc mưu các nhà Bà-la-môn giáo đã khôn khéo loại bỏ ra ngoài Phật giáo những tinh ba của lời Phật dạy, bằng cách gán cho danh từ “Tiểu thừa”. Nông nổi và ngây thơ, vì thật sự danh từ Tiểu thừa và Đại thừa không được tìm trong ba tạng Pàli và bốn bộ A Hàm và chỉ là những danh từ được tạo ra về sau. Hơn nữa, tìm hiểu quá trình lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta chỉ có thể hiểu được tư tưởng Đại thừa sau khi chúng ta tìm hiểu được tư tưởng nguyên thủy. Loại bỏ tư tưởng nguyên thủy để tìm hiểu tư tưởng Đại thừa cũng như thả mồi bắt bóng, và bắt bóng ở đây là bắt bóng tà ma ngoại đạo, mới thật sự nguy hiểm hơn. Các nhà gọi là Đại thừa cần phải xác nhận một sự thật lịch sử, là các nước Tiểu thừa chống giữ sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo kiên trì và hữu hiệu hơn các nước Đại thừa. Lý do chính là tư tưởng Đại thừa và tà giáo ngoại đạo nhiều khi cách xa chỉ có gang tấc, và nhiều nhà tự cho là Đại thừa lại sẵn sàng bước qua biên giới ấy.

Ngày nay, với sự tiến triển của khoa Phật học và ngôn ngữ học, các sinh viên Phật khoa cũng như những ai muốn thật sự tìm hiểu thế nào là nguyên thủy Phật giáo, cần phải có một căn bản Phật học toàn diện các học phái, kể cả Nguyên thủy, Tiểu thừa và Đại thừa, cũng như cần phải hiểu biết các cổ ngữ Sanskrit, Pàli, Tây Tạng ngữ, Hán ngữ, nếu không muốn nói đến các sinh ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật, v.v…

Cho dịch tập sách này, tôi chỉ mong các sinh viên Phật khoa Đại học Vạn Hạnh cũng như những nhà học giả đạo Phật ý thức được sự quan trọng của một cái nhìn toàn diện lịch sử tư tưởng Phật giáo, một thái độ nghiên cứu đạo Phật, vô tư và khách quan, đánh giá đúng giá trị các tài liệu tham khảo cũng như ý thức được sự cần thiết trang bị cho chính mình những dụng cụ ngôn ngữ để tìm hiểu đạo Phật.

Vạn Hạnh, ngày mùng 3 tháng 2 năm 1971
Tỳ-Kheo Thích Minh Châu dịch
Viện Trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn

CHƯƠNG I

KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CỦA THỜI ĐẠI CHUYỂN TIẾP TỪ TIỂU THỪA QUA ĐẠI THỪA

Lịch sử Phật giáo trong sáu, bảy thế kỷ đầu tiên có thể xem là bao trùm ba thời kỳ như sau:

A- Phật giáo Tiểu thừa nguyên thủy hay thuần túy, được gìn giữ phần lớn trong các tập Pàli Nikàya, Vinaya (kinh bộ và luật bộ) hay trong những đoạn văn Sanskrit tương đương đã tìm được.

B- Phật giáo Tiểu thừa hỗn tạp được đại diện bởi những học phái thành hình khoảng một thế kỷ sau đức Phật nhập diệt. Tài liệu của thời đại này rất khan hiếm, được hạn chế trong một số kinh sách, hoặc rõ ràng thuộc một học phái đặc biệt nào hay có những bằng chứng cụ thể xác nhận thuộc một học phái nào. Những tài liệu này cũng được tìm thấy trong những biên khảo đặc biệt đề cập đ?n lịch sử của một số học phái hay những giáo lý của các học phái này.

C- Thời hưng khởi của Phật giáo Đại thừa hay như Rosenberg đã viết, thời kỳ chống đối giữa Tiểu thừa và Đại thừa. Tài liệu của thời kỳ này phần lớn được tìm thấy trong các tập Prajnàpàramità (Bát nhã Ba-la-mật), Saddharma Pundarìka (Diệu pháp liên hoa kinh), Dasabhùmikasù tra (Thập địa kinh), Gandavyùha (Hoa nghiêm), Lankàvatàra (Nhập lăng già) và các luận tác của các Ngài Nàgarjuna (Long thọ), Asvaghosa (Mã minh), Asanga (Vô trước) và một số vị khác, khi các tập này đề cập đến vị trí tương đối của Tiểu thừa và Đại thừa.

CHƯƠNG II

NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ SỰ LIÊN HỆ  GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA

Trong suốt trường sử Phật giáo, đồng nhất trong khác biệt là một đặc tính nổi bật. Mỗi học giả hay tín đồ Phật giáo, bất cứ thời nào hay chỗ nào, đều công nhận đức Phật dạy một con đường Trung đạo (Madhyamà pratipad), gồm có một giáo lý tránh xa hai cực đoan: Sự hiện hữu và không hiện hữu, (1) thường còn và không thường còn của thế giới và vạn hữu, một kỷ luật tránh xa khổ hạnh và một đời sống dục lạc. Không nghi ngờ giá trị giáo lý của vị Đạo sư về hai cực đoan, các triết gia Phật giáo tìm thấy đầy đủ tự do để biện luận về con đường Trung đạo, nhưng các vị này không đồng chung quan điểm về một đời sống mà đức Phật muốn hướng dẫn mọi người theo. Một số người cho rằng đời sống ấy là đời sống của vị tu sĩ nhận thức được tánh vô thường của sự vật gồm cả tự ngã; một số người khác lại cho rằng chính là một đời sống ở trongvà ngang qua đời sống hiện tại và nhận thức được rằng hoàn toàn không có sai khác gì giữa mình và mọi vật trên thế giới, hay trong danh từ các tác phẩm Đại thừa, giữa Samsàra (Luân hồi) và Nirvàna (Niết bàn). Cho đến các công thức Sarvam duhkam, Sarvam anityam và Sarvam anàtmam (tất cả là khổ đau, tất cả là vô thường, tất cả là vô ngã), ba Pháp Ấn của đạo Phật cũng mất giá trị trong con mắt các Phật tử hậu thế, các vị Đại thừa. Tuy nhiên, Nirvànam Sàntam (Niết bàn tịnh lạc) (2) trái lại không bao giờ mất sự hấp dẫn với các nhà tư tưởng đạo Phật. Hầu hết các vị này đều xem Niết bàn là Sànta (Tịnh lạc) (nghĩa là không bị sanh tử chi phối) vượt ngoài ngôn ngữ văn tự và không sanh không diệt. Niết bàn thường được diễn tả bằng những câu quen thuộc như sau:

– Màdhyamika Vrtti (3): Aniruddham anutpannam etan nìrvànam ucyate. (Niết bàn là bất diệt bất sanh), và

– Itivuttaka (4): Atthi, bhikkhave, abhùtamakatam asankhatam (Này các Tỷ kheo, có cái bất sanh, bất tác, vô vi).

Mức độ đồng ý về quan niệm Sunayatà

Mọi vật là vô thường, mọi vật là vô ngã, thường được diễn tả với danh từ Sarvam sùnyam(mọi vật đều không) và vấn đề này trở thành đề tài cho những tranh luận sôi nổi giữa các học phái. Những quan niệm bất đồng qui tụ vào vấn đề mức độ cần phải áp dụng lý thuyết thế giới là vô thường. Các nhà Tiểu thừa tự bằng lòng với định nghĩa giản dị về Sùnya, tuyên bố “vì thế giới không có tự ngã và những sở thuộc của ngã, nên được gọi là Sùnya (yasmà ca sunnamattena va attaniyena va tasmà sunno loko ti vuccati ti). Nói một cách khác, các nhà Tiểu thừa nói rằng vì không có gì thường còn và cá biệt trên đời này, nên đời không có gì chắc thật cả. Các nhà Đại thừa, đặc biệt là các nhà Màdhyamikas, không dừng ở nơi đây. Các vị này áp dụng quan niệm Sùnya đến triệt để, và đạt đến một quan niệm Sùnyatà không những về những đời sống giả tạm, mà cả về Như Lai (5), Niết bàn, hay Hư không (Àkàsa). Các vị này nói thêm, các đức Như Lai không nhọc lòng để ý những danh từ này. Đối với các vị ấy, chúng cũng vô nghĩa như lối diễn tả tự mâu thuẫn sau đây: “Đứa con của một người đàn bà không thể sinh sản” (6). Nói đến sự không hiện hữu của mọi vật, các nhà Đại thừa thường viết: “Na Sùnyatayà rùpam sùnyam, nànyatrà rùpàt sùnyatà, rùpam eva sùnyatà, sùnyataiva rùpam” (Sắc không phải không có không, không không phải khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc) (7).

Điều đáng chú ý là hình thức phổ biến về Sùnyatà được đề cập đến, không những bởi các nhà Đại thừa đầu tiên trong tập Prajnàpàramità, mà còn bởi các nhà Màdhyamika (Trung quán) (8) và các nhà Yogàcàras (Duy thức học) (9). Có sự cố gắng, với sự giúp đỡ của định nghĩa trên, để giải thích rằng du Sùnyatà hình như được xem là sự trừu tượng tuyệt đối của tất cả Dharma (Pháp), chữ ấy chính là danh từ để gọi Svabhàva (tự tánh chân thật) của các pháp (Dharmas hay dravyas). Sùnyatà được gọi là Dharmat (Pháp nhĩ như thị) với ý nghĩa là Sùyat không phải ra ngoài các pháp hay tức là các pháp. Nếu chúng ta nói Dharmatà ra ngoài các pháp, như thế có nghĩa là các pháp sẽ trống không; và nếu chúng ta nói Dharmata tức là các pháp, các pháp trở thành nitya (thường còn). Quan niệm này về Sùnyatà chỉ mới manh nha chứ không xuất hiện, dưới một hình thức triển khai rõ ràng trong văn học Pàli, trong các đoạn như:

“Avyàkatam mayà tam jìvam tam sarìram”, hay

“Annam jìvam annam sarìram. Hoti Tathàgato param maranà; na hoti Tathàgato param maranà; hoti ca na hoti ca Tathàgato param maranà; n eva hoti na na hoti Tathàgato param marana” (10)

(Ta không giải thích mạng sống và thân thể là một hay sai khác; Ta cũng không giải thích sau khi chết, đức Như Lai có tồn tại hay không tồn tại, hoặc sau khi chết, đức Như Lai có tồn tại và không tồn tại hay đức Như Lai không tồn tại và không không tồn tại).

Những từ ngữ này, chỉ được đề cập một cách sơ lược trong văn học Pàli với hàm ý chỉ những bậc chứng quả mới hiểu được ý nghĩa đích thực của những danh từ này. Tuy vậy, các Phật tử về sau dựa trên những từ ngữ này, đưa ra rất nhiều giả thuyết. Các nhà Duy thức học xác nhận rằng sự thật vượt ngoài từ cú, nghĩa là giống nhau hay khác hay cả hai hay không cả hai, tức là phái này khôg công nhận những câu hỏi về hiện hữu hay không hiện hữu. (11). Nhưng sự xác nhận này không ngăn cản các vị này quan niệm một Tathàgatagarbha (Như lai tạng) hay linh hồn siêu thoát của con người vừa chịu sự trói buộc của nghiệp báo. Các nhà Màdhyamikà quá nghiêm khắc trong những kết luận luận lý của mình, xem bốn cú là những sự kiện không thể có được và mọi thảo luận về những vấn đề này giống như sự thảo luận về “màu da đứa con trai của một người đàn bà không thể sinh sản”; và vì lý do này, đức Phật không có cách nào khác hơn là nói rằng những vấn đề ấy là Avyàkrtà (bất khả thuyết) (12). Tuy vậy, tứ cú này giúp các nhà Màdhyamika xây dựng lý thuyết Sùnyatà như là một nguyên tắc tuyệt đối vô ngã, và như vậy vượt ngoài giới hạn của bốn cú nói trên.

Sự tương đồng về giáo lý Tứ Đế và lý Duyên khởi

Dù cho các nhà Tiểu thừa và Đại thừa không đồng ý nhau về quan niệm Sùnyatà, nhưng cả hai đều chấp nhận đức Phật có giảng về Tứ Đế (Àryasatyas) và lý Duyên khởi (Pratìtyasamutpàta) (13). Bốn sự thật, Dukkha, Samudaga, Nirodha, Màrga (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và Pratìtyasamutpàda (Duyên khởi) đã trở thành những danh từ lý tưởng cho các nhà Tiểu thừa và không cần phải giải thích địa vị quan trọng của chúng trong văn học Tiểu thừa. Nhưng đối với những người xem đời hiện tại là huyễn hóa hay do thức biến, thời cần phải giải thích lý do tại sao nhưng sự thật và lý Duyên khởi lại chiếm một địa vị trong giáo lý của chúng.

Nàgàrjuna dành hai chương (14) cho hai vấn đề này, và bắt đầu chương về Tứ Đế, Ngài đã đoán trước sự chỉ trích này và trả lời rằng, nếu không có Tứ Đế, và lý Duyên khởi, thời không có Phật, Pháp và Tăng, vì chính nhờ hai giáo lý này mà sự thật tuyệt đối mới chứng đạt và vì vậy được chấp nhận trong giáo lý của các nhà Đại thừa. Theo Ngài, Sùnyatà không phải là hư vô luận nhưng là nguyên tắc tuyệt đối tiềm tàng trong tất cả, và vì vậy, không có liên lạc với thế pháp và dụng pháp; Tứ đế và định lý Duyên khởi thuộc về thế tục và nằm trong phạm vi tục đế. Các nhà Duy thức học có một quan niệm tương tự. Có ba hình thức của sự thật gọi là Parikalpita (Biến kế sở chấp), Paratantrà (tha khởi) và Parinispanna (Viên thành thực) (15). Quan niệm về Sùnyatà của các nhà Duy thức học là thế giới do Thức biến và đây thuộc Parinispanna (Viên thành thực), còn Tứ đế và lý Duyên khởi thuộc Y tha khởi và Biến kế sở chấp.

Tóm lại, các nhà Đại thừa xem Tứ Đế và lý Duyên khởi là những giai đoạn dự bị để chứng ngộ sự thật tuyệt đối. Giáo lý Đại thừa ra đời để hướng dẫn chúng sanh mê muội từ vô minh đến trí tuệ, từ âm u đến ánh sáng, là chính nhờ giáo lý Tứ đế và lý Duyên khởi này.

Dù cho lý Duyên khởi bị các nhà Đại thừa liệt vào hàng Tục đế, chúng ta sẽ thấy giáo lý này rất được các vị này đặc biệt chú ý. Nàgàrjuna bắt đầu tác phẩm của mình với một luận tác khá dài về lý Duyên khởi để chứng minh rằng sự sự vật vật mà chúng ta nhận thức, toàn có giá trị tương đối, sanh và diệt do các nhân duyên và xác nhận rằng khi một người chứng ngộ nguyên lý này, người ấy biết được sự thật Sùnyatà (16). Các nhà Tiểu thừa và các nhà Đại thừa không đồng ý nhau về sự thật nhưng đồng ý rằng sự thật như các vị ấy quan niệm, có thể giác ngộ nhờ sự hiểu biết giáo lý Duyên khởi, và vì vậy các tác phẩm đạo Phật, Tiểu thừa hay Đại thừa (17) đều đồng ý rằng:

Yah pratìtyasamutpàdam pasyati so dharmam pasyati, yo dharmam pasyati so buddham pasyati.

(Ai thấy lý Duyên khởi, người ấy thấy Pháp. Ai thấy Pháp, người ấy thấy Phật).

Định lý Duyên khởi quá hấp dẫn đối với Phật tử, tất cả thời và tất cả chỗ, đến nỗi không những Tam Tạng kinh điển của Tiểu thừa và Đại thừa mà cả đến những bia ký cũng ghi chép:

“Yo dharmà hetuprabhavà hetum tesam Tathàgàtam hyavadat. Tesàm ca yo nirodha evam vàdimahàsramanah”.

(Đức Như Lai giải thích nguyên nhân của sự vật, sự vật phát sanh từ một nguyên nhân. Ngài cũng giải thích sự diệt trừ của chúng. Đó là lời dạy của vị Đại sa môn.)

Như vậy chứng tỏ có sự đồng ý hoàn toàn qua các học phái về vấn đề đức Phật giảng lý Tứ đế và lý Duyên khởi. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng tuy lý Tứ đế, lý Duyên khởi và Vô vi Niết bàn đều được tất cả các học phái công nhận, nhưng vị trí của chúng, theo quan điểm của từng học phái, lại sai khác nhau như trời vực. Sự thật, xung quanh ba nguyên lý này, đã phát triển rất nhiều ý kiến mâu thuẫn, nhiều học phái phát sanh, mỗi học phái cố gắng nêu rõ quan niệm của mình về ba nguyên tắc này là đúng, còn quan niệm của các học phái khác là sai lầm.

Ekayànatà (Nhất thừa)

Vì các nhà Tiểu thừa tự tin mình đã gìn giữ lời dạy nguyên thủy của bậc Đạo sư và ra đời trước các nhà Đại thừa, nên các nhà Tiểu thừa nghĩ không cần thiết phải nêu rõ những điểm tương đồng và bất đồng giữa giáo lý của mình và giáo lý Đại thừa. Nhưng các nhà Đại thừa nhận thấy sự sanh sau đẻ muộn của mình và sự xa cách của mình đối với vị giáo chủ, nên phải chú tâm xác định vị trí của mình là đại diện chân chính cho Phật giáo. Các nhà Đại thừa cố gắng chứng minh rằng quan điểm chính xác của vị giáo chủ đã bị các nhà Tiểu thừa bỏ qua, và các vị này được các nhà Đại thừa gọi là hàng Thanh văn (Sràvaka) và hàng Độc giác (Pratyekabuddha). Các nhà Đại thừa không phủ nhận giá trị chính xác của nền văn học và giáo lý Tiểu thừa. Nhưng các vị này muốn chứng minh là đức Phật hiểu hết trí óc thấp kém của phần lớn đệ tử của mình nên giảng giải một đạo Phật biến thể hợp với trình độ hầu hết của những đệ tử này và riêng một số ít đệ tử chọn lọc, đức Phật mới giảng dạy giáo lý chân thực của mình, và giáo lý ấy tức là giáo lý Đại thừa. Các nhà Đại thừa không nói rằng đức Phật có nhiều sự thực khác nhau.

Theo các nhà Đại thừa, đức Phật chỉ dạy một và chỉ một sự thật và một con đường; nhưng các hàng Thanh văn và Độc giác chỉ thấy và thực hành một phần mà thôi. Những vị này không bị ngăn cản không thấy sự thật toàn diện và con đường chơn chánh, vì nhiều vị này đã được như vậy, nhờ trở thành Đại thừa, sau khi chứng quả A-la-hán hay Độc giác. Các nhà Đại thừa không tuyên bố có hai loại trí tuệ (Prajnà), một dành cho Tiểu thừa và một trí tuệ khác dành cho Đại thừa để chứng ngộ sự thật, cho nên tập Prajnàpàramità, trong những bài kệ mở đầu, nói với Prajnà (Trí tuệ) như sau:

“Buddhaih pratyekabuddbais ca sràvakais nisevità, Màrgastvam ekà moksasya nàsty anyati niscayah – Người là con đường độc nhất đi đến giải thoát, không có con đường nào khác. Đó là con đường của chư Phật, chư vị Độc giác và các hàng Thanh văn theo giống nhau”.(18).

Các tập Prajnàpàramità đặt nặng về sự thực hành Bát nhã Ba-la-mật, và nhiều khi xem Bát nhã Ba-la-mật là sự thật tuyệt đối. Các tác phẩm lưu ý trong nhiều chỗ rằng cả ba Thừa đều được bao hàm trong Prajnàpàramità, và sự thành tựu của các vị Bồ-tát, Thanh văn hay Độc giác đều tùy thuộc Prajnàpàramità. Cho nên, theo những tác phẩm này Prajnàpàramità là Thừa độc nhất đưa đến sự thật (19), và Thừa này gồm cả ba Thừa.

Tập Saddharmapundarìkasùtra (kinh Pháp hoa) với dụng ý chứng minh Tiểu thừa chỉ là những bước đầu tiên tiến đến Đại thừa ủng hộ tư tưởng này trong những câu văn như sau:

Ekam hi yànam dvitiyam na vidyate,
Trtiyam hi naivàsti kadàci loke.
Yad yàna-nànàtyupàdarsayanti.
Anyatrupàyà purusottamanàm
Bauddhasya jnànasya prakàsanàrtham,
Loke samutpadyati lokanàthah
Na hìnayàneda nayanti Buddhàh.

(Chỉ có một con đường, không có con đường thứ hai, không bao giờ có con đường thứ ba ở trong đời. Sự trình bày nhiều Thừa khác nhau chỉ là một phương tiện được các vị Thánh nhân áp dụng. Vị Đạo sư ra đời chỉ để dạy Phật trí. Ngài chỉ có một đối tượng, một mục đích, không có gì khác. Các đức Phật không dùng hạ thừa để hướng dẫn chúng sanh).

Và ở chỗ khác, kinh ấy lại nêu thêm: (21)

Sa pasyati mahàprajno dharmakàyam asesatàh Nàsti yànatrayam kincid ekayànam ihàsti tu.

Đối với Ngài, bậc Đại trí, đã thấy được Pháp thân toàn diện, chỉ có một Thừa mà thôi, không có ba Thừa).

Nhưng vì mục đích công khai của tập Saddharmapundarìkà là để nêu rõ Thanh văn thừa chỉ là một phương tiện (upàya) của bậc Đạo sư bày ra để hướng thượng tín đồ, tập này nhắc đi nhắc lại chủ đề:

Ekam eva yànam àrabhya sattvànam dharmam desitavanto yad idam Buddhàyanam sarvajnatàparyavasànam v.v… (22)

(Chỉ vì một Thừa mà dharma được giảng dạy. Đó là Phật thừa đưa đến toàn giác v.v).

Mục đích của những câu kệ này là để nêu rõ rằng sự thật và con đường chân chính chỉ là một, và phương pháp các đức Phật và các vị Bồ-tát thực hành cuối cùng sẽ được các vị Thanh văn và Độc giác tuân theo. Như vậy, thật sự không phải có ba thừa được gọi là Thanh văn, Độc giác và Phật thừa, mà chỉ có một thừa mà thôi và đó tức là Phật thừa hay Đại thừa.

CHƯƠNG BA

SO SÁNH GIỮA GIÁO LÝ TIỂU THỪA  VÀ GIÁO LÝ ĐẠI THỪA 

LỜI NÓI ĐẦU

Giáo lý Tiểu thừa được đánh giá trong các tài liệu Đại thừa đầu tiên.

Trong khi quan sát thái độ các nhà Đại thừa đối với các nhà Tiểu thừa, chúng tôi thấy các nhà Đại thừa dùng những giáo lý Tiểu thừa nhưng tự xem những giáo lý này chỉ là một sự trình bày thiếu sót về sự thật mà đức Phật muốn hướng đến. Các tập Prajnàpàramitas nói đến những giáo lý hết sức quan trọng dưới cặp mắt của Tiểu thừa, như giáo lý Tứ đế, Duyên khởi, các phẩm trợ đạo Bồ đề, Bốn thánh quả, những phân loại chính và phụ tỷ mỉ về Giới, Tâm và Tâm sở. Tập này đề cập đến những giáo lý này cốt để nêu rõ đứng trên bình diện Sùnyatà (chơn không) những giáo lý mà Tiểu thừa hết sức quan tâm đến và đã cực nhọc phân tích một cách rất tỉ mỉ, những giáo lý này rất ít có giá trị vì chỉ thuộc Tục đế (Sàmvrta) và không thể đưa đến mục đích giải thoát và giúp đỡ chứng đạt được chân đế tối hậu. Tập Saddharmapundarika xem Tiểu thừa như một nấc thang đưa đến Đại thừa, không loại bỏ giáo lý Tiểu thừa như hoàn toàn vô dụng. Tập này nêu rõ giáo lý Tiểu thừa có giá trị của chúng. Dù những giáo lý này không đưa đến Chân đế nhưng cũng có thể đưa đến một địa vị mà từ đó có thể chứng được một cách dễ dàng mục đích tối hậu theo quan niệm Đại thừa. Tập này cũng công nhận giáo lý Tiểu thừa cũng do đức Phật thuyết giảng như giáo Đại thừa, nhưng giáo lý Tiểu thừa chỉ là những phương tiện đức Phật phải dùng để đáp ứng trí tuệ kém cỏi của những vị đệ tử đầu tiên của Ngài. Tập Pundarìka (1), về điểm này trích dẫn một câu đức Phật nói:

“Ta là vị Đại ẩn sĩ Rsi, cha tất cả chúng sanh sinh trong ba giới. (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới) và bị dục vọng (Kàmam) chi phối. Ba giới rất dễ sợ, đầy rẫy những khổ đau; chúng sanh bị nung nấu đốt cháy trong ba giới này bởi những ngọn lửa sanh tử, già nua và bệnh tật. Ta đã thoát lý ra ngoài ba giới, sống một mình ngoài trời thanh tịnh, nhưng vì những ngọn lửa ấy đốt cháy con cháu ngu si của ta, nên cũng ảnh hưởng đến ta. Ta đã biết những sự nguy hiểm và ta cũng biết con đường thoát ly những nguy hiểm ấy, nhưng những người ngu si này không nghe những lời dạy tốt đẹp của ta. Vì vậy ta cần phải dùng phương tiện để chỉ cho chúng biết con đường giải thoát khỏi những sự khổ đau trong ba giới. Đối với những chúng sanh đã quy y ta và đã chứng được sáu Thắng trí và Tam minh (2) hay đối với những vị đã trở thành Độc giác hoặc những vị Bồ-tát bất thối chuyển (Avaivartika), nay ta nói các vị này phải theo Phật thừa để trở thành những vị Jinas (giải thoát). Ta giảng sự giác ngộ vi diệu của các đức Phật, Phật lực, Phật thiền, Phật giải thoát và Phật định. Đối với những Thanh văn đã chứng được Niết bàn của Thanh văn, ta nói: những vị này là con của ta và ta là thân phụ của chúng. Ta đã đưa chúng ra khỏi sự đau khổ đọa đầy chúng nhiều đời nhiều kiếp. Ta gọi trạng thái giải thoát của hàng Thanh văn là Nirvrti nhưng không phải là một Nirvrti toàn diện, các vị này đã giải thoát khỏi sự đau khổ của luân hồi, nay phải tìm Yàna (Thừa) đưa đến Phật quả”.

Vị Đạo sư dạy các vị Bồ-tát cần phải thực hành những hạnh đưa đến Phật quả, cò những người có dục vọng thấp kém đức Phật dạy cần phải chứng Tứ đế. Đối với những vị không biết đến đau khổ và nguyên nhân của đau khổ, đức Phật dạy nguyên nhân của đau khổ là Ái (Trsnà). Muốn thoát khỏi Trsnà thời Diệt đế và Đạo đế được đem giảng dạy. Nhưng sự thật những ai đạt được mục đích tối hậu của màrga, các vị này cũng chưa được giải thoát hoàn toàn và vì vậy không được xem là giải thoát tuyệt đối và chỉ những vị chứng được vô thượng Bồ đề (Agrabodhi) mới thất sự giải thoát.

Để nêu rõ ràng hơn sự liên lạc giữa giáo lý Đại thừa và giáo lý Tiểu thừa, tập Pundarìka giới thiệu một thí dụ rất thường dùng trong văn học Phật giáo (3), ví dụ người sinh ra đã mù. Một người sinh ra đã mù không tin sự hiện hữu mặt trời, mặt trăng và những vật khác, dù cho được nói đến sự có mặt của chúng; Một lương y có thể chữa tất cả bệnh hoạn, thấy rằng người ấy sở dĩ mù vì những hành động độc ác trong quá khứ. Vị này biết các bệnh đều do trạng thái bất thường của gió (vata), mật (pitta), niêm dịch (slesman) hay sự rối loạn phiền phức của chúng (Sàmnipàtika). Vị thầy thuốc nghĩ đến cách chữa bệnh và tìm thấy những loại thuốc đặc biệt cần để chữa bệnh chỉ có thể tìm thấy ở núi Hy mã lạp sơn. Vì lòng thương người mù, vị thầy thuốc tìm được phương thuốc và chữa bệnh nhân khỏi mù lòa. Lúc này người bệnh mới biết mình ngu si, đã không tin có mặt trăng, mặt trời và các vì sao. Người này, nay tin có thể thấy được tất cả những gì có thể thấy và tất cả những gì người khác thấy.

Một vài ẩn sĩ đã chứng được năm Thắng trí nói với người ấy lòng tự mãn như vậy không có căn bản, vì người ấy chưa có trí truệ (prajnà) và vì vậy không được xem là người có trí (pandita), không thể thấy những gì sau bức tường, không biết được tâm tư người khác hay không nghe được những tiếng cách xa năm do tuần (yojana). Khi được hỏi làm thế nào chứng được những Thắng trí trên, vị này được khuyên sống trong rừng hay trong hang đá, trầm tưởng suy tư để diệt trừ các phiền não. Theo lời khuyên vị này từ bỏ cuộc đời, sống trong rừng rậm và chứng được năm Thắng trí ấy. Vị này biết rằng sự hiểu biết trước của mình rất bé nhỏ, so sánh với những Thắng trí mới chứng được.

Người mù chỉ cho những loài hữu tình sống một trong lục đạo và không biết đâu là chánh pháp. Chúng bị vô minh làm cho mù quáng, do đó tác động những hành vi Sanskàra (hành). Do những hành vị này đưa đến danh sắc (Nàma-Rùpa) và cuối cùng đưa đến khổ uẩn (Dukkhaskandha). Đức Như Lai đã thoát khỏi ba giới, Ngài xuất hiện ở đời vì lòng thương tưởng chúng sanh như con cháu ruột thịt. Ngài thấy chúng sanh luân hồi trong sanh tử không biết phương tiện để thoát ly. Với oai đức đặc biệt của mình, Ngài nhận thấy có chúng sanh nhẹ về lòng sân nhưng nặng về lòng tham (mandadvesa tìvraràga). Có chúng sanh nhẹ về lòng tham nhưng nặng về lòng sân (mandaràga tìvradvesa), có chúng sanh sáng suốt (pandita) hay si mê (alpaprajnà), thanh tịnh (paripàkasuddha) hay có những tà kiến (mithyàdrsti). Cho nên Ngài thuyết pháp dùng nhiều phương tiện sai khác để thích ứng sự sai biệt tâm tánh từng người. Các vị ẩn sĩ chứng được năm Thắng trí là những vị Bồ-tát đã phát triển Phật tâm và sau khi chứng anutpati kadharmaksànti (Bất sanh pháp nhẫn) (4) sẽ trở thành Phật.

Vị thầy thuốc tức là đức Như Lai, gió (vàta), mật (pitta) và niêm dịch (Slesman) là tham, sân và si. Bốn loại thuốc tức là: thiền định về Sùnyatà (không), animitatà (vô tướng, không bị nhiễm bởi đối tượng), apranihitatà (vô nguyện vô tác: giải thoát khỏi những tham vọng đối với đối tượng) và sự chứng đạt nirvànadvàra (Niết bàn môn). Nhờ ứng dụng các môn thuốc, bệnh tật được tiêu trừ, cũng vậy, nhờ thiền định về Sùnyatà, animitta và apranihita, nên vô minh và các đau khổ dần dần được tiêu trừ và tâm trí không còn bám chặt vào những tư tưởng thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Các nhà Thanh văn và Độc giác được so sánh như những người mù lòa sau khi thấy lại được. Những vị này đã cắt đứt những sợi dây sanh tử (Samsàra), giải thoát khỏi các phiền não (klesa) và vượt ra ngoài ba giới. Những vị này nghĩ rằng khi chứng được Niết bàn như vậy đã đạt được sự giải thoát tuyệt đối. Đức Như Lai dạy các vị này chỉ có chứng ngộ tánh Samatà (Bình đẳng tánh trí) đối với tất cả các pháp, các vị này mới thật sự chứng Niết bàn. Những vị này được dạy cần phải phát Bồ đề tâm (Bodhicitta) và nhận chân được mình không ở trong sanh tử (samsàra), cũng không ở Niết bàn (Nirvàna). Nay các vị ấy nhận thức được rằng cả ba giới trong mười phương đều là không (Sùnya) như những vọng tưởng trong cơn mộng mi, thấy vạn pháp đều bất sanh (anutpannà), bất diệt (niruddhà), bất triền phược (abaddhà), bất nhiễm (amuktà), không phải vô minh (anandakàrà), cũng không phải vô minh tận (atamà). Những ai chứng được như vậy trong cả ba giới sẽ thấy được những vật mà thường không trông thấy (5).

NHỮNG ĐIỂM SAI BIỆT CĂN BẢN

Tập Saddharmapundarìka cũng nêu rõ một cách tương tự những điểm sai biệt căn bản giữa Tiểu thưa và Đại thừa. Tập này nêu rõ:

– Đức Phật sống ra ngoài ba giới nhưng xuất hiện trong ba giới vì lòng từ bi thương tưởng vô lượng chúng sanh đã bị đau khổ vì vô minh không nhận chân được sự thật;

– Niết bàn của hàng Thanh văn chỉ là một chỗ dừng nghỉ không có đau khổ, nhưng không phải là sự giải thoát chân thực và tuyệt đối, và những hàng Thanh văn sau khi chứng Niết bàn của mình, còn cần phải tu tập để chứng được Phật quả, đây mới thực là chân giải thoát; và

– Căn tánh chúng sanh sai khác nhau, nên đối với một hạng chúng sanh (chỉ cho Thanh văn) Bốn đế và lý Duyên khởi được dạy cho các vị này để được giải thoát khỏi ba giới: dục, sắc và vô sắc giới.

Ba điểm trên cần được giải thích riêng biệt vì điểm đầu nói đến quan điểm ba thân của các nhà Đại thừa. Điểm thứ hai nói đến quan điểm Niết bàn của các hàng Thanh văn là Bồ-tát, và điểm thứ ba đề cập đến Tục đế và Chân đế của Tiểu thừa và Đại thừa.

Giáo lý về Kàya (Thân)

Điểm sai khác đầu tiên giữa Tiểu thừa và Đại thừa như tập Saddharmapundarìka đề cập đến là đức Phật hiện hóa trong ba giới. Quan điểm này khiến chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề kàya (thân) của đức Phật theo quan điểm các nhà Tiểu thừa và Đại thừa. Trong các học phái Tiểu thừa, học phái Thượng tọa bộ đề cập rất ít đến vấn đề Pháp thân, vì theo quan điểm của phái này, đức Phật như một người thường sống ở trong đời và như các chúng sanh khác, cũng bị chi phối bởi những giả tạm của một thân thể bị hoại diệt. Nhiều khi học phái này một cách trừu tượng đề cập đến đức Phật và Pháp của Ngài (dhamma) là một, nhưng không có ẩn ý siêu hình nào. Nhưng chính những đề cập này đã là một dịp cho phái Nhất thế hữu bộ và Đại thừa giời thiệu và phát triển quan điểm dhammakàya (Pháp thân).

Các nhà Nhất thế hữu bộ bắt đầu bàn luận đến vấn đề Kàya của đức Phật, nhưng chỉ có phái Đại chúng bộ mới đi sâu vào vấn đề một cách hăng hái và mở đường cho những cuộc biện luận của các nhà Đại thừa.

Những nhà Đại thừa đầu tiên mà giáo lý phần lớn được tìm thấy trong tập Astasàhasrikà Prajnàpàramità (Bát nhã Ba-la-mật bát thiên tụng) với học phái của Ngài Long Thọ đã quan niệm có hai thân: (I) Rùpa hay Nirmànakàya (Sắc thân hay Hóa thân), tức gồm những thân thô hay tế chỉ chúng cho các loài hữu tình. (II) Dharmakàya (Pháp thân) dùng theo hai nghĩa, một là chỉ cho pháp uẩn, tổng hợp các pháp Phật dạy khiến một người trở thành Phật. Nghĩa thứ hai là nguyên tắc siêu hình bao trùm vạn pháp (Tathatà = chân như).

Học phái Yogàcàra phân biệt thô sắc thân và tế sắc thân, gọi thô sắc thân là Rùpakàya hay Nirmànakàya và gọi tế sắc thân là Sambhogakàya (Thọ dụng thân). Tập Lankàvatàra đại diện cho giai đoạn sơ khởi của quan điểm Yògacàra, gọi Sambhogakàya là Nisyandabuddha (đẳng lưu Phật), hay Dharmatà-nisyadabuddha (Pháp tánh đẳng lưu Phật hay đức Phật do Dhamatà tạo ra). Tập Sutrà lankàra (6) dùng danh từ Sambhogakàya thay cho danh từ Nisyanda buddha và danh từ Svàbhàvikakàya (tự tánh thân) thay cho dharmakàya. Trong tập Abhisamayàlankàrakàrikà và tập Pancavimsatisàhasrikà, Prajnàpàramità được kiết tập lại, Sambhogakàya chỉ cho thân thanh tịnh mà các đức Phật dùng để thuyết pháp cho hàng Bồ-tát và Dharmakàya chỉ cho thân thanh tịnh nhờ sự thực hành các Bồ đề phần và các pháp khác để thành Phật. Đối với Dharmakàya siêu hình, những vị này dùng danh từ Svàbhàva hay Svàbhàvikakàya (tự tánh thân) Tập Vijnaptimàtratasiddhi (Thành duy thức) gìn giữ quan niệm của tập Kàrikà, nhưng dùng một danh từ mới, Svasambhogakàya (tự thọ dụng thân) để chỉ Dharmakàya của tập Kàrikà, và dùng danh từ Parasambhogakàya (tha thọ dụng thân) để chỉ Sambhogakàya của tập Kàrikà.

QUAN ĐIỂM HIỆN THỰC VỀ ĐỨC PHẬT TRONG NHỮNG TẬP NIKÀYAS

Trong một quốc độ mà khuynh hướng thần thánh hóa các nhân vật rất mãnh liệt, chúng ta phải khen các nhàTiểu thừa đầu tiên đã có thể gìn giữ được quan điểm nhân bản của đức Phật cho đến thế kỷ thứ I hay thứ II sau khi Ngài nhập diệt, khi các kinh điểm được xem là đã kiết tập thành hình. Các vị Tiểu thừa diễn tả đức Phật với những lời như sau:

Bhagavà araham sammàsambuddho vijjàcaranasampanno Sugato lokavidù anuttaro purisadammasàrathi satthà devamanussànam buddho bhagava. Soimam lokam sadevakam samàrakam sabrahmakam sassamanabràhmanim pajam sadevamanussam sayam abhinnà sacchikatvà pavedeti. So dhammam desedi àdikalyànam v.v…

Đức Thế Tôn là vị A-la-hán, chánh đẳng giác, minh hạnh túc, thiện thệ, thế giản giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn, Ngài biết hoàn toàn thế giới chư thiên, ma vương, sa môn, Bà-la-môn và loài người, và sau khi biết Ngài đem giảng dạy cho mọi loài. Ngài giảng chánh pháp sơ thiện, trung thiện và hậu thiện (7).

Qua sự diễn tả này không có ẩn ý đức Phật là một vị siêu nhân. Theo vũ trụ quan của Phật tử, các hàng chư thiên ở các thiên giới mà thiên giới cao nhất là Phạm thiên giới (8), chỉ là những chúng sanh có công đức và năng lực cao đẳng, nhưng về thành đạt tâm linh, những vị này thua các vị Thánh hay A-la-hán; như vậy trong đoạn diễn tả này, các nhà Tiểu thừa không thần thánh hóa hay siêu thánh hóa đức Phật. Các nhà Tiểu thừa chỉ nói rằng Thích Ca Mâu Ni nhờ tu tập những khả năng tâm linh thanh tịnh và giản dị trong đời Ngài và nhờ kết quả những công đức chất chứa trong nhiều đời trước đã thành tựu được sự giải thoát siêu đẳng và đã chứng được không những trí tuệ và năng lực hơn tất cả thiên nhơn mà còn chứng được trí tuệ và năng lực cao nhất có thể chứng được. Trong tập Majjhima-Nikàya, Ngài A Nan giải thích vì sao đức Phật chỉ được xem là siêu đẳng hơn các vị A-la-hán, dù cả hai đều cùng đạt đến môt mục tiêu.

Ngài nói rằng không có một vị Tỳ kheo nào được xem là đầy đủ những đức tính trong mọi phương diện như những đức tính của một đức Phật. Hơn nữa đức Phật là vị đã khám phá ra con đường chưa được khám phá từ trước, một vị đã biết và đã thuyết con đường ấy. Các hàng Thanh văn chỉ là những người noi theo con đường ấy mà thôi (9).

Những đoạn trong các tập Nikàya công nhận có một quan điểm siêu thực

Trước sự diễn đạt đức Phật như vậy thật khó cho những học phái Tiểu thừa về sau có thể xóa bỏ những nhân tính đức Phật, nếu không có một vài danh từ trong những tập Tam tạng sớm nhất, chính những đoạn này giúp cho có nhiều sự giải thích khác hơn. Một vài đoạn ấy được kê như sau:

1/- yo vo Ànanda mayà dhammo ca vinayo ca desito pannatto so vo mam accayena satthà.

(Đức Phật đã nói với Ngài A Nan trước khi Ngài nhập Niết bàn: Pháp và Luật ta dạy sẽ là vị đạo sư cho ngươi sau khi ta chết) (10).

Pháp và Luật ở đây rõ ràng chỉ cho các giáo lý và giới luật do đức Phật giảng dạy: điểm này cũng rõ ràng từ nơi câu chuyện của Ngài A Nan với Gopak Moggallàna khi Ngài A Nan giải thích vì sao các vị Tỳ kheo sau khi đức Phật nhập diệt, không thể xem là không có sự y chỉ (appatisarana). Ngài nói rằng nay các vị Tỳ kheo có thể y chỉ nơi chánh pháp và chánh pháp ở đây là giáo lý và giới luật (11)

2/- Bhagavato mhi putto oraso mukhato jàtodhammajo dhammanim-mito dhammadàyàdo iti. Tam kissa hetu? Tathàgatassa h’etam ahdhivacanam. Dhammakàyo iti pi Brahmakàyo iti pi. Dhammabhùto iti pì ti.

(Như một người Bà-la-môn nói rằng mình tự sanh ở miệng của Phạm thiên, cũng vậy một sa môn Thích tử có thể nói mình sanh từ đức Thế Tôn, do nơi miệng của Ngài, sanh từ giáo lý của Ngài, đào tạo do giáo lý của Ngài v.v…) Dù trong đoạn này Dhamma được xem là ngang hàng với Brahmà, nhưng đoạn này không bao hàm ý nghĩa siêu hình gì. Đây chỉ là một sự so sánh giữa một vị Bà-la-môn và một vị sa môn Thích tử và Dhammakàya được xem là tương đương với Brahmakàya.

3/- Vakkali khi lâm chung rất muốn gặp đức Phật; nên đức Phật đến một bên giường và nói:

“Alam Vakkali kim te pùtikàyena ditthena. Yo kho Vakkali dhammam passati so mam passati. Yo mam passati so dhammam passati”.
(Này Vakkali, thôi đừng xem cái thân uế trược này. Này Vkkali, ai thấy pháp tức thấy ta, ai thấy ta tức thấy pháp).

Sau khi nói câu này, đức Phật giảng pháp Vô thường (Anicca) của mình. Trong các tập Nikàya có nhiều đoạn cùng một ý nghĩa tương đương và những đoạn này có thể được xem là đi tiên phong cho những quan niệm sau này và rất có thể thành căn bản cho những luận thuyết Đại thừa. Nhưng đoạn văn vừa đề cập đến thật ra không có ý nghĩa siêu hình gì. Trong đoạn này đức Phật nói đến thân của Ngài là thân uế trược và để nhấn mạnh phần giáo lý của mình. Ngài nói giáo lý của Ngài cần phải được các đệ tử của Ngài xem một cách kính cẩn như thân thể của Ngài(12).

4/- Đoạn văn trong tập Anguttara Nikàya (13) đức Phật nói Ngài không phải là một thiên thần, không phải là một Gandhabba (Càn thát bà), không phải là một người. Đoạn này được giáo sư Masson Oursel (14) xem là có bao hàm ý niệm Đại thừa về Kàya. Không phải là không có thể xem có những ẩn ý siêu hình trong đoạn này, dù người kiết tập kinh tạng thật không có ý định đề cập đến. Bà-la-môn Dona thấy hình ảnh pháp luân dưới bàn chân đức Phật, hỏi Ngài có phải là một vị thiên thần, một Càn thát bà, một Dạ xoa hay một người thường. Đức Phật trả lời Ngài không phải là một loài hữu tình trên vì Ngài đã diệt trừ được các lậu hoặc (Àsava). Chính những lậu hoặc này khiến con người trở thành thiên thần, Càn thát bà, Dạ xoa hay người thường. Như một hoa sen sanh trong nước, lớn lên trong nước, nhưng vượt lên trên và không bị dính dáng gì với nước. Cũng vậy, một đức Phật sinh ở trong đời, lớn lên ở trong đời, nhưng đã nhiếp phục (abhibhuyya) đời và sống không bị chi phối bởi đời. Do vậy Ngài nói vị Bà-la-môn nên xem Ngài như một đức Phật chứ không phải loại hữu tình nào cả.

5/- Lại có nhiều đoạn khác nói đến thần thông đức Phật như Ngài có thể sống trong một kiếp hay có thể hiện ra nhiều hóa thân khác nhau và làm nhiều thần thông khác? Nhưng chúng ta phải để ý những thần thông ấy không phải chỉ riêng đức Phật mới có mà các vị đệ tử của Ngài cũng chứng được nếu đã đạt được những Thánh quả cao hơn (15).

Quan điểm về Kàya của Thượng tọa bộ không thay đổi

Chúng ta có thể xem tư tưởng Đại thừa đã hàm chứa trong những đoạn văn trên tuy không được phát lộ một cách đầy đủ. Nhưng tập Kathàvatthu (16) xác chứng sự có mặt lịch sử đức Phật chống với những người không chấp nhận sựï kiện này và dẫn chứng những sự tích đức Phật trong những tập Nikàyas. Những điểm trên khiến chúng ta thấy rõ quan điểm của Thượng tọa bộ đối với vấn đề của đức Phật. Dù từ những danh từ Rùpakàya và Dharmakàya, từ những tác phẩm Đại thừa hay bán Đại thừa, được đưa vào các tác phẩm Pàli về sau (17), những danh từ này không mang theo những tư tưởng siêu thực. Ngài Buddhaghosa chậm cho đến thế kỷ thứ V sau kỷ nguyên, đã nói đến những Kàyas như sau:

Yo pi so Bhagavà asìti anuvyanjanapatimandita -dvattimsamahàpurisalakkhanavicitra -rùpakàyo sabbàkàraparisuddhasì lakkhandhàdi- gunaratanasamiddha -dhammakàyo yasamahatta- punnamahatta… appatipuggalo araham sammàsambuddho.

(Đức Thế Tôn có một Rùpakàya đẹp đẽ, đầy đủ 32 tướng tốt của một vị đại nhân và 80 tùy hình hảo, và có một Dharmakàya thanh tịnh hoàn toàn và đầy đủ giới luật và thiền định v.v… (18) danh xưng đầy đủ và công đức rốt ráo… một vị siêu nhân, A-la-hán, Chánh đẳng giác (19).

Dù cho quan điểm của Buddhaghosa rất thực tiễn, Ngài cũng không thoát khỏi sự chi phối của thiên kiến tôn giáo và gán cho đức Phật những năng lực siêu nhân. Trong tập Atthasàlini (20), Ngài nói, trong ba tháng đức Phật vắng mặt ở thế giới này, Ngài đã ở tại cung trời Đâu suất giảng Abhidhamma cho bà mẹ đức Phật đã tạo ra những hóa Phật Nimittabuddha giống hệt như thân thể của Ngài. Những hóa Phật này giống đức Phật thiệt về giọng nói, lời nói cho đến những hào quang phát chiếu tự thân. Các vị hóa Phật chỉ được chư thiên ở thiên giới cao hơn phân biệt, chứ không do những chư thiên ở thiên giơi thấp hơn và loài người.

Tóm lại, các nhà Tiểu thừa đầu tiên quan niệm Rùpakàva của đức Phật như thân của một người thường (21) và Dharmakàya của Ngài là Pháp và Luật kiết tập lại…

QUAN ĐIỂM CỦA NHẤT THẾ HỮU BỘ

Học phái Nhất thế hữu bộ gìn giữ quan điểm thực tại của đức Phật và chỉ khác đôi chút với quan điểm của Thượng tọa bộ. Rất tiếc ba Tạng bằng tiếng Sanskrit của phái này đã bị mất hẳn, chỉ còn lại những đoạn mảnh mún tìm được ở Trung Á, hay những bản dịch A Hàm chữ Hán, những bản dịch này rất ít người chú tâm nghiên cứu (22).

Nguồn tài liệu chính của chúng tôi hiện nay là tập Abhidharmakosa đã được giáo sư La Vallée Poussin dịch ra tiếng Pháp, một công trình vĩ đại rất đáng tán dương. Ở đây cần phải chú ý tập Kosa được viết ra sau các tập Àgamas một thời gian khá dài là công trình của một vị tóm thâu tư tưởng A tỳ đàm của Nhất thế hữu bộ. Tập Kosa đối với Àgama tương đương với tập Visuddhimagga đôi với tạng Pàli. Với trình độ hiểu biết của chúng ta hiện tại, tập Dviyàvadàna và tập Lalitavistàra thuộc học phái Nhất thế hữu bộ, nhưng được các nhà Đại thừa kiết tập lại. Vì vậy chúng ta cần phải thận trọng khi nghiên cứu một vài lời tuyên bố của hai tập này về Kàya.

I – Dviyàvadàna

Có một vài đoạn trong tập Dviyàvadàna về rùpakàya và dharmakàya của đức Phật và cũng đồng ý nghĩa với các tập Pàli. Một thời Srona Kotikarna nói nhờ hồng ân sư phụ, ông đã thấy Dharmakàya của đức Phật, nhưng vì muốn thấy Rùpakàya của đức Phật nên ông muốn đi đến chỗ đức Phật hiện an trú (23). Upagupta (Ưu ba cúc đa) một lần nói với Màra là Ngài chỉ thấy dharmakàya và nhờ Màra chỉ cho rùpakàya, Màra liền hiện một hóa thân (Vigraha) của đức Phật, đầy đủ các tướng tốt và tướng phụ của vị đại nhân (24). Trong câu trả lời của vua Rudràyàna cho vua Bimbisàra: “naràjan krpano loke dharmakàyena sansprset”. (Thưa Đại vương, đừng để một người vô tôn giáo rờ đến Dharmakàya), danh từ Dharmakàya (Pháp thân) có thể có một ý nghĩa siêu hình nhưng đoạn này không có ý nghĩa ấy (25). Sau khi Upagupta chỉ cho Ngài thấy tháp Ngài A Nan, câu trả lời vua A-dục đã nêu rõ ý nghĩa chữ Dharmakàya. Câu ấy như sau: “Cái thân Ngài cho là thanh tịnh, hoàn hảo và do dharma làm ra, thân ấy do Visoka (Ànanda) mang giữ , vì vậy tháp Ngài đáng được tôn kính. Ngọn đèn dharma, ngọn đèn này đã phá tan đêm tối phiền não, đang được soi chiếu giữa loài người nhờ năng lực người con của Sugatendra và vì vậy cần phải được kính lễ một cách tín thành (26).

Tuy vậy có một số Avadànas (Thí dụ) trong tập Divyàvadàna có hàm chứa ý nghĩa Đại thừa. Chúng ta đọc trong tập Rudràyanàvadàna (27) như chúng ta thường tìm thấy trong các tập Đại thừa, tả những hào quang phát từ miệng đức Phật khi Ngài mỉm cười, những hào quang này chiếu sáng các loài hữu tình ở thiên giới và địa ngục. Chúng ta cần để ý tập Atthasàlinì (28) cũng nói đến những hào quang sáu màu của đức Phật phát chiếu từ thân Ngài, hình như tư tưởng Đại thừa dần dần ảnh hưởng đến thành trì bảo thử của Thượng tọa bộ.

II. – Lalitavisatàra (Thần thông du hí kinh)

Tập Lalitavistàra cho chúng ta một hình ảnh đức Phật siêu nhân hơn là nhân tánh, nhưng vẫn rất xa những quan điểm Đại thừa về Sambhogakàya và Dharmakàya, dù hai chương cuối tập này nói đến giáo lý tathàtà (chân như). Trong tập Lalitavistàra, đức Phật đã được thần thánh hóa nhưng không đề cập đến vấn đề Trikàya (Ba thân).Tập này trong nhiều đoạn nói đức Phật xuất hiện trong thế giới loài người theo lokànuvartana (29) (nghĩa là theo quan niệm thế gian) và nếu Ngài muốn, Ngài có thể tránh được, bằng cách ở lại trong một thiên giới và nhập Niết bàn từ nơi này.

Bài tường thuật đời sống đức Phật đã bị gián đoạn nhiều chỗ – có lẽ các nhà kiết tập nghĩ thêm về sau – bởi những câu chuyện giữa đức Phật và Ananda, khiến tập này có vẻ Đại thừa chứ không phải Tiểu thừa. Có một đoạn, đức Phật giải thích cho Ananda rằng Ngài không giống loài người, không bị bào thai làm nhơ nhớp. Ngài ở trong một hộp bảo châu (Ratnavyùha) đặt trong bào thai. Hộp này cứng như kim cương nhưng mềm dịu như lông tơ con chim Kàcilindika. Ngài giáng sanh cùng các sự kiện liên hệ đến Ngài giáng sanh đều thuộc siêu nhân. Ngài cũng tiên đóan, trong tương lai có những người không chế ngự thân, khẩu và ý, ngu muội, bất tín, tự phụ, tin những điều mình nghe mà không suy nghĩ; những hạng này sẽ không tin tính cách siêu nhân qua sự giáng sanh của Ngài (31).

Chúng ta có thể thấy, ngang qua sự phóng đại đầy thi vị của tập Lalitavistàra, tập này quan niệm đức Phật như một người lịch sử, đầy đủ những tướng tốt chính và tướng tốt phụ, cuối cùng vẫn là một con người, cần phải được các nhạc sĩ thiên giới nhắc nhở đến những hành động của mình trong quá khứ và sự phát nguyện của mình cứu độ chúng sanh khỏi sự đau khổ, một người cần phải có sự khuyến khích mới có thể từ giã cuộc đời để thành đạt chí nguyện của mình (32). Về vấn đề chư thiên cúng dường nhà cửa cho vị Bồ-tát khi còn trong bào thai, tập ấy chép rằng: “Muốn cho tất cả chư thiên cúng dường nhà cửa đều hoan hỉ, vị Bồ-tát khiến bà Màyàdevi (Hoàng hậu Ma gia) đang có thai xuất hiện trong mỗi một nhà được dâng cúng nhờ thiền định mahàvyùha của mình (đại trang nghiêm tam ma địa). Đây không có ý nghĩa gì về nirmànakàya một cách rõ ràng – trái lại có vẻ giống như những thần thông nói trong tập Nikàya.

Trong chương cuối, tập Lalitavistàra nói đến những đặc tính của đức Phật. Đức Phật được gọi là Cây lớn (Mahàdruma) vì Ngài có thân Dharmakàyajnàna (Pháp thân trí) (33). Vì chương này có thể thuộc Đại thừa được thêm vào sau, chúng ta có lý để xem tập Lalitavistara nguyên bản là một tác phẩm Nhất thế hữu bộ, quan niệm đức Phật như một con người có những đặc tính siêu nhân.

III. – Abhidharmakosa

Nay chúng ta có thể xem tác phẩm của Vasubandhu, thuyết trình viên vĩ đại của học phái Nhất thế hữu bộ. Trong tập Abhidharmakosa, Ngài đã đem vào một ý nghĩa mới cho chữ Dharmakàya và Rùpakàya. Trong khi bàn luận vấn đề Tam Quy, Ngài cố gắng nêu rõ ý nghĩa chân thức của Buddha, Dharma và Sangha mà vị đệ tử quy y, Ngài nói những ai quy y Phật tức là sự thật quy y những đức tánh (Dharma) tác thành một đức Phật, nghĩa là những pháp mà những ai thực chứng được gọi là đức Phật, hay nói cách khác những pháp mà một người nếu chứng được sẽ hiểu mọi sự mọi vật. Những pháp ấy là Ksayajnàna (tận trí hay diệt tận trí), Anutpàdajnàna (vô sanh trí) (34) và Samyagdrsti (chánh tri kiến) của những vị Asaikas (vô học) cùng với những pháp tương ứng với trí (jnànas), tức là 5 uẩn thanh tịnh. Một Dharmakàya là do những pháp này tác thành.

Tại một chỗ khác, khi nêu rõ sự đồng nhất về dharmakàya của tất cả đức Phật, Ngài giải thích Dharmakàya như là một liên tục của những pháp thanh tịnh hay đúng hơn một sự đổi mới các phần tử danh và sắc của một tiềm thức (anàsravadharmasamtàna, àsrayapàravrtti) (vô lậu pháp tương tục, biến trú sở y) (35). Như vậy Dharmakàya có nghĩa là một cá tánh thanh tịnh mới mẻ hay một Àsraya (sở trú). Nhưng một Dharmakàya như thế, một vị A-la-hán cũng có thể chứng được (36).

Trong tập Sùtràlankàra (37), mẹ đức Phật và một cư sĩ tu hành khá cao được xem là chứng Dharmakàya như trên. Theo đó Kosa có hai giải thích về Dharmakàya, một là những đức tánh của một đức Phật, hai là cá tánh thanh tịnh (àsraya) của một đức Phật.

Sự thật tập Kosa đã thay đổi những quan điểm cá thể về Dharmakàya trong tập Nikàya và Divyàvadàna với một quan niệm trừu tượng. Trong hai tập này, Dharmakàya chỉ có nghĩa là những giáo lý, nghĩa là các Bồ đề phận hay vô thường, khổ và vô ngã cùng với giới luật (Vinaya) ghi chép trong tập Patimokkha (giới bổn). Còn theo Vasubandhu, Dharmakàya còn có nghĩa là những đức tánh của một đức Phật và cá tánh sở y thanh tịnh (Àsraya).

Nói đến công thức tam quy, Vasubandhu nói vì nhục thân (rùpakàya) đức Phật không thay đổi khi Ngài chứng quả Bồ đề, chúng ta không nên quy y rùpakàya của đức Phật, vì đó là rùpakàya của vị Bồ-tát và như vậy còn thuộc hữu lậu. Cũng như một người kính trọng một vị tu sĩ vì những đức tánh của vị này, chứ không phải vì thân thể của vị tu sĩ, do vậy môt tín đồ phải quy y Phật tánh (Buddhatva) chứ không phải quy y nhục thân đức Phật. Cũng vậy, Vasubandhu giải thích quy y Pháp và quy y Tăng. Pháp được giải thích là Niết bàn hay ba sự thật: khổ, tập, và đạo hay lạc, khổ và phi khổ phi lạc. Tăng được giải thích là những đức tánh mà một giáo hội tu sĩ phải chứng được (38).

Tập Vihàsà (Tỳ bà sa) tin cho chúng ta biết, có người quy y Phật, tức là quy y nhục thân của đức Phật gồm có đầu, cổ, bụng, lưng, tay và chân của đức Như Lai. Có người nói vì thân đức Phật do cha mẹ sinh, thân ấy còn hữu lậu và không thể là một chỗ để quy y, vậy chỗ quy y phải là những pháp vô học (Asaiksa) tác thành một đức Phật, nghĩa là dharmakàya (39). Rõ ràng Vibhàsà trường hợp đầu, nói đến các học phái Tiểu thừa đầu tiên và trường hợp thứ hai, nói đến học phái Nhất thế hữu bộ và những đệ tử của học phái này.

Quan điểm Dharmakàya tương tự của các nhà Thành thực tôn và Đại thừa

Học phái Thành thực tôn có một quan điểm về Dharmakàya gần giống quan điểm của Nhất thế hữu bộ. Theo học phái này, Dharmakàya gồm có giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Buddhaghosa , Nàgàrjuna và tác giả tập Milindapanha cũng đều nói đến một Dharmakàya tương tự. Nghĩa là nhục thân đức Phật được trở thành thanh tịnh nhờ thực hành năm uẩn (Skandhas) này và như vậy được gọi là Dharmakàya. Nhưng vì những vị A-la-hán cũng chứng được những pháp thanh tịnh này, nên Harivarman, người sáng lập Thành thực tôn, phân biệt Dharmakàya của đức Phật bằng cách nói rằng Dharmakàya của đức Phật không những gồm có năm pháp thanh tịnh trên mà còn gồm có mười lực, bốn vô sở úy và ba niệm xứ mà một vị A-la-hán không thể thành tựu được.

Tập Abhisamayàlankàrakàrika và tập Pancavimsatisàhasrika-Pàramita, là những tác phẩm quan trọng của Duy thức tông, đã định nghĩa Dharmakàya với một ý nghĩa tương tự. Hai tập này nói rằng các pháp như Bồ đề phần, vô lượng tâm, giải thoát, thánh quả v.v… những pháp này tác thành Nhất thế trí (Sarvajnàtà) và Nhất thế trí tức là Dharmakàya. Chúng ta cần phải nhớ tập Kàrikà và Prajnàpàramita dùng danh từ này khác với ý nghĩa thông thường của các tác phẩm Đại thừa, thật sự chúng nó nghĩa Tự thọ dụng thân (svasambhogakàya) của các nhà hậu Duy thức.

Tập Prajnàpàramita cũng duy trì quan điểm cho rằng Dharmakàya gồm có những pháp (dharma) và pháp cao thượng nhất theo tập này là Bát nhã Ba-la-mật, nghĩa là trí tuệ giúp cho một người chứng được pháp không. Tập Astasàhasrikà đặt vấn đề tôn kính xá lợi Như Lai có nhiều công đức hơn sự tôn kính Prajnàpàramita, như bằng cách chép một bổn của tập này hay không? Câu trả lời là những xá lợi tùy thuộc vào thân đã được Prajnàpàramita làm cho thanh tịnh, và như vậy Bát nhã Ba-la-mật trở thành nguồn gốc tác thành đức Ph?t, và nguồn gốc đáng được tôn kính hơn là di sản của kết quả, tức là xá lợi, do nguồn gốc ấy tạo nên. Như vậy tôn Prajnàpàramita được nhiều công đức hơn tôn kính xá lợi đức Phật. Tập này thêm rằng tất cả lời dạy của đức Phật phát xuất từ Prajnàpàramita và chính những vị dharmabhànakà (pháp sư) gìn giữ và truyền bá những lời dạy của đức Phật; do vậy những vị dharmabhànakà cũng phải được tôn kính. Những vị này được Pháp thân, Bát nhã Ba-la-mật che chở. Sarvajnatà (Nhất thế trí) được thấm nhuần bởi Prajnà pàramita; từ Nhất thế trí phát sanh thân Như Lai, những xá lợi thân này được cung kính đảnh lễ, do vậy Prajnàpàramita đáng được tôn kính (40).

CÁC BIỆN LUẬN CỦA TIỂU THỪA

Rùpakàya có phải là Vipàkaja (dị thục sanh) không?

Tập Kosa quan niệm rằng Rùpakàya (sắc thân) đức Phật đầy đủ tướng tốt chính và phụ là kết quả những thiện nghiệp của Ngài trong những đời trước. Do vậy chính các đức Phật cũng không thoát khỏi kết quả những nghiệp của mình. Devadatta chia rẽ Tăng già là do một hành động độc ác quá khứ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tập Vyàkhyà và Vibhàsà giải thích sự tình này chỉ xảy đến với đức Phật Thích Ca mà thôi, không đến các đức Phật khác, vì trong một đời trước Ngài đã chia rẽ giữa đệ tử một vị tu sĩ đã chứng được năm Thắng trí (Abbijnàs) (41).

Quan điểm xem đức Phật thọ hưởng hoặc gánh chịu kết quả nghiệp của mình … cũng được tập Divyàvadàna (42) và Majjhima Nikàya (43) chấp nhận.

Theo tập Divyàvadàna, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói các vị Jinas cũng không thể thoát khỏi nghiệp của mình. Còn tập Majjhima Nikàya nói đức Như Lai làm các thiện nghiệp trong những đời trước, do đó Ngài được hưởng những cảm giác thanh tịnh và hoan lạc hiện tại. Truyền thống chép khi đức Phật bị Devadatta ném miếng đá làm bị thương, Ngài nói chín mươi mốt kiếp về trước, Ngài đã dùng mũi lao làm một người bị thương; do kết quả ác nghiệp ấy, nay Ngài bị vết thương này.

Trái lại, tập Milindapanha lại có một quan điểm khác xa. Tập này công nhận Devadatta quả có tạo ra sự chia rẽ trong giáo hội, nhưng tập này nói sự chia rẽ này không do một hành động nào đức Phật tạo ra, mà chỉ do một ảnh hưởng ngoại lai, do không thể nói đức Phật vì kết quả nghiệp của mình mà phải chịu một giáo hội phân hóa (bhejjapariso). Cũng vậy, tập này giải thích vết thương hay chứng bệnh mà đức Phật phải đương chịu. Trước hết tập này xác nhận đức Phật chứng được toàn giác sau khi nhổ tận gốc rễ các ác pháp, do vậy Ngài không thể có sự đau khổ gì do nghiệp tạo nên. Rồi tập ấy nói thêm ngoài Karma (nghiệp), còn có những nguyên nhân khác tạo ra cảm giác đau khổ như ba khí chất, thời tiết v.v… Do vậy vết thương mà đức Phật gánh chịu là do một Opakammika (bất thường) và bệnh của Ngài là do những nguyên nhân không phải là nghiệp (44).

Đức Phật là Jaràyaja (thai sanh) hay Upapàduka (hóa sanh)?

Để loại trừ những nghi ngờ đối với đản sanh một vị đại nhân và đại công đức như vị Bồ-tát trong đời sống cuối cùng của Ngài, một sự nghi ngờ điều mà tập Lalitavistara đã đề cập tới là một hộp bảo châu đã được tạo ra để vị Bồ-tát trú ẩn trong bào thai bà mẹ – Tập Kosa (45) tiếp tục nêu rõ những vị Bồ-tát có năng lực lựa chọn loại đản sanh (upapattivasitva) của mình và đức Thích Ca Mâu Ni lựa lối thai sanh với hai mục đích. Một là để giúp ích cho giòng tộc Sakya và đừng để người ta lầm tưởng đức Phật như một nhà phù thủy, một thiên thần hay quỷ sứ . Một đích thứ hai là để lại một vài xá lợi thân Ngài và nhờ cúng dường những xálợi này, hàng ngàn loại người và các loài hữu tình khác sanh lên thiên giới hay được giải thoát.

Phái Đại chúng bộ và môn phái (46) xác nhận đức Thích Ca Mâu Ni là Upapàduka (hóa sanh) và con của Ngài Ràhula cũng là một vị hóa sanh, vì các vị Bồ-tát không thể có dục vọng. Các vị Đại chúng bộ xác nhận các vị Bồ-tát có thần thông àdhisthànikirddhi (thần thông có thể hiện ra bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào và dưới hình thức nào), nà nhờ thần thông này, đức Thích Ca Mâu Ni đóng vai trò đản sanh trong bào thai của Hoàng hậu Màya. Những vị này quan niệm đức Phật như một vị Lokottara (siêu thế tánh) và đức Thích Ca chỉ là một hình bóng Nirmànakàya (hóa thân). Đức Phật siêu thế có một rù pakàya vô tận, thường còn, thoát khỏi mọi hữu lậu pháp. Đức Phật luôn luôn sống trong thiền định, không bao giờ ngủ hay nằm mộng (47) và biết tất cả mọi vật trong một sát-na. Ngài không bao giờ biết mệt mỏi hay cần nghỉ ngơi và luôn luôn bận tâm giác ngộ mọi loài hữu tình. Năng lực và đời sống của Ngài là vô tận. Vì muốn giúp đỡ mọi loài hữu tình, Ngài có thể tùy nguyện hiện ra một trong lục đạo, những điều gì Ngài nói đều đúng với sự thật dù cho người nghe có thể hiểu Ngài không giống nhau.

Tóm lại các vị Đại chúng bộ xem đức Phật như một vị hoàn toàn siêu nhân với năng lực và trí tuệ vô tận và không bao giờ muốn nhập Niết bàn (48).

QUAN NIỆM KÀYA KHI ĐẠI THỪA MỚI ĐƯỢC THÀNH HÌNH

Các nhà Đại thừa thâu nhận quan niệm Nirmànakàya của phái Đại chúng bộ vào lý thuyết Trikàya của mình, thêm vào Sambhogakàya (thọ dụng thân) và Dharmakàya (pháp thân). Sambhogakàya gần giống với quan điểm của Đại chúng bộ về đức Phật siêu nhân và Dharmakàya là một quan niệm triết lý mới của các nhà Đại thừa.

Hình như những quan niệm Kàya mới này không được hoan nghênh cho lắm, khi Đại thừa mới được thành hình. Tập Saddharmapundarìkà và Suvarnaprabhàsa cố gắng xóa nhòa trong tâm trí mọi người hình ảnh đời sống lịch sử của đức Thích Ca Mâu Ni. Trong tập Pundarikà chúng ta thấy Ngài Maitreya (Di Lặc) đóng vai trò một người đa nghi và hỏi vì sao đức Phật có thể, trong thời gian ngắn ngủi 40 năm sau khi giác ngộ ở Gayà, thành tựu vô lượng vô số phận sự của một đức Như Lai và dắt dẫn được vô số Bồ-tát thành tựu Phật quả. Thật giống như sự mâu thuẫn một người 25 tuổi lại có thể xem những người 100 tuổi là con của mình và những người ấy gọi mình là cha. Cũng mâu thuẫn khi đức Phật chỉ các vị Bồ-tát trải hằng triệu năm đang cứu độ chúng sanh là đệ tử của Ngài. Ngài Maitreya nói thêm, trong tâm trí các vị Bồ-tát mới trở thành Đại thừa sẽ có sự nghi ngờ như vậy, nên đức Như Lai cần phải giải thích sự mâu thuẫn đó để giúp Phật giáo được phát triển. Rồi đức Phật ba lần bảo thính chúng tin theo lời dạy của mình và nói rằng:

“Đừng xem đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni mới từ giã gia đình và chứng Bồ đề ở Gayà, ta đã chứng Bồ đề vô lượng vô số kiếp về trước và từ đấy đang tiếp tục giảng dạy chánh pháp. Những điều ta nói về các đức Như Lai quá khứ Ngài Nhiên Đăng v.v… và sự nhập Niết bàn của các Ngài đều do tự ta đặt ra, những điều ấy chỉ là những xảo phương tiện để ta thuyết pháp. Những điều ta nói khi ta còn trẻ, mới sanh, xuất gia và chứng Bồ đề là để thuyết phục một hạng người về giá trị của tôn giáo và sự lợi ích của tôn giáo ấy. Nhưng những điều ta nói không phải không đúng sự thật vì các đức Như Lai biết sự thật về ba giới, các đức Như Lai biết rằng ba giới là không sanh, không diệt, không tạo tác, không bị tạo tác, không hiện hữu, không không hiện hữu; không phải là một, không phải là khác, không phải là chân chánh, không phải là không chân chánh. Tất cả những điều các đức Như Lai nói đều đúng sự thật. Nhưng vì loài người không có chánh tri kiến nên hiểu sai lạc. Dù ta không chứng Niết bàn ta nói ta đã chứng Niết bàn. Vì muốn mọi người tìm hiểu khiến mọi người muốn được thấy đức Phật nên ta nói sự xuất hiện đức Phật là một sự kiện hết sức hi hữu, ta hóa hiện Niết bàn nhưng không bao giờ nhập Niết bàn. Loài người vì tri kiến lệch lạc không thể thấy chân ngã của ta và chỉ biết chăm chú đảnh lễ xá lợi của ta. Nhưng điều này cũng có một kết quả tốt đẹp vì nhờ vậy chúng trở thành chân chánh và từ bỏ dục lạc. Nhờ những vị này, ta tạo thành giáo hội Thanh văn, hiện ra ở núi Linh Thứu và giải thích cho chúng như thế nào ta chứng được vô thượng Bồ đề”.

Trong tập Suvarnaprabhàsa (49), Ruciraketu (Diệu Tràng) và Bà-la-môn Kaundilya (?) đóng vai trò những người đa nghi. Ruciraketu tìm hiểu tại sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm biết bao nhiêu thiện sự mà chỉ sống được 80 năm. Còn Kaundilya tìm cầu một xá lợi đức Phật nhỏ bằng hột cải để lễ bái và nhờ vậy được sanh lên thiên giới. Ruciraketu được chư Phật trong tất cả thế giới trả lời rằng các Ngài không biết có một người nào hay một vị thiên thần nào có thể tính được thọ mạng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bao nhiêu năm. Các đức Phật nói có thể đếm được những giọt nước trong biển cả, nhưng không có thể xác nhận thọ mạng đức Thích Ca Mâu Ni. Bà-la-môn Kaundilya giả vờ ngu si được Litsaviku màra trả lời rằng thật là ngu xuẩn nếu mong cây gioi sanh ra trái dừa. Cũng vậy, thật là ngu xuẩn nếu mong xá lợi từ Buddhakàya (Phật thân). Đức Như Lai không sanh, luôn luôn thường hằng và không thể quan niệm. Loài người chỉ có thể thấy được hóa thân mà thôi, làm sao một thân không có xương, không có máu lại có thể có xá lợi? Các đức Phật chỉ có Dharmakàya mà thôi và chỉ có Dharmadhàtu (Pháp giới) mà thôi.

NIRMÀNAKAYA (Hóa thân)

Một mặt các tập Đại thừa cố gắng nêu rõ các nhà Tiểu thừa là sai lầm khi các vị này tin đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một người bàng xương bằng thịt và có để lại các xá lợi. Mặt khác các tập Đại thừa này giới thiệu hai quan điểm Nirmanakàya (hóa thân) và Buddhakàya (Phật thân). Những tập này xem tất cả những gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm đều làm với thân giả tạo của Buddhakàya, một hình ảnh hóa trang để theo tập thế gian (Lokànuvartana), để khiến mọi người tin tưởng sự chứng đạt Phật quả là một việc không phải không làm được vì các đức Phật đều chứng được kriyànusthànajnàna (Thành sở tác trí) (50). Các vị này có thể hiện hóa thân nào cũng được để độ thoát các loài hữu tình. Quan điểm về Nirmànakàya của các nhà Đại thừa trên căn bản giống quan điểm các nhà Đại chúng bộ.

Các tập Prajnàpàramita nói đến Nirmànakàya hay Rùpakàya (sắc thân) một cách rất đặc biệt. Tập Pancavimsati nói rằng một vị Bồ-tát sau khi thành tựu các pháp cần thiết và thực hành Bát nhã Ba-la-mật sẽ chứng được chánh đẳng giác. Rồi vị này giúp đỡ cho các loài hữu tình trong mười phương thế giới (lokadhàtu), trong tất cả thời với nirmànamegha (hóa vân) như vậy gọi là Nairmànikà-kàya (Hóa thân) (51). Từ những tài liệu Trung Hoa, chúng ta được biết Ngài Nàgàrjuna trong tập sớ giải Bát nhã Ba-la-mật gọi là Mahàprajnàpàramità-sàstra, nói đến hai kàya: Rùpakàya là thân do cha mẹ sanh, đầy đủ những đức tánh của loài hữu tình và chịu sự chi phối của con người nhu nhược. Thân này sinh ở Kosala (Kiều Tất La), còn Dharmakàya được sanh ở Ràjagrha (Vương xá). Thân vật chất này cần thiết cho sự thật thế gian. Vì muốn giải thoát các loài hữu tình, đức Phật hiện nhiều thân khác nhau, chỗ đản sanh và phương pháp giải thoát khác nhau. Sự giải thích về Rùpa và Dharmakàya này được hai tập chữ Hán Parinirvànasùtra (Giải thâm mật kinh) (52) noi theo. Một vài tập Yogàcàra giúp chúng ta biết quan điểm Nirmànakàya của các nhà Duy thức học như sau:

1/- Tập Sùtràlankàra (53) giải thích Nirmànakàya như những hình dáng đức Phật ứng dụng để giúp đỡ các loài hữu tình trong nhiều giới khác nhau. Phần nhiều danh từ này chỉ cho thân người đức Phật khi Ngài phải học tập các văn vũ nghệ cần thiết cho một người ở đời, sống đời sống một người có gia đình rồi xuất gia và cuối cùng chứng Niết bàn, sau khi sống đời sống của một vị tu sĩ.

2/- Tập Vijnaptimàtratàsiddhi cho chúng ta biết Nirmànakàya là dành cho các vị Thanh văn, Độc giác, phàm phu và các vị Bồ-tát chưa chứng được một trong mười địa. Thân này có thể hiện ra trong tất cả quốc độ thanh tịnh hay không thanh tịnh. Các tập sớ giải Trung Hoa về Thành duy thức nói đến những phương tiện đức Phật dùng để hiện hóa thân mình hay thân người khác, hay tiếng nói của người khác và tâm của mình, hay tâm của người khác tùy theo mục đích và trường hợp. Không những Ngài có thể hóa thân Ngài thành thân Thích Ca Mâu Ni hay hóa Ngài Xá Lợi Phất thành một người thiếu nữ, mà Ngài có thể tạo ra một thân hiển hóa hoàn hoàn mới, lẽ dĩ nhiên không phải là một loài hữu tình linh động và có suy tư. Nhiều khi Ngài dùng tiếng nói của Brahmà, hay nhờ miệng của Ngài Xá Lợi Phất và Tu Bồ Đề để giải bày tư tưởng của mình. Đây là nguyên nhân tại sao Ngài Xá Lợi Phất hay Tu Bồ Đề giải thích một vài giáo lý Đại thừa rất mầu nhiệm mà tự các ngài không thể hiểu thấu (54).

Phương pháp thứ ba để Ngài thay đổi giọng nói của Ngài là tạo ra những tiếng nói ở trên hư không. Tư tưởng của Ngài là xuất thế và vô lậu. Ngài có thể tạo ra trong tâm trí Ngài những tư tưởng gì Ngài thích. Sự thật Ngài đã xuất hiện trong hóa thân Thích Ca Mâu Ni với một tâm trí thích hợp với thế gian pháp. Ngài cũng có thể bắt buộc người khác có tư tưởng giống mình.

3/- Tập Abhisamayàlankàrakarikà tuyên bố rằng có bốn loại thân, chỉ có Svàbhavikakàya (tự tánh thân) là thật, còn ba thân khác tức Dharmakàya (= Svasambhogakàya: tự thọ dụng thân), Sambhogakàya (=Parasambhogakàya: tha thọ dụng thân) và Nirmànakàya là thuộc về tục đế, nghĩa là không chân thật; những thân này dùng cho các đức Phật, các vị Bồ-tát và các vị Thanh văn. Như vậy Nirmànakàya dành cho các hàng Thanh văn và cho các vị Bồ-tát chưa chứng được một trong mười địa. Tập này tả Nirmànakàya như là một thân không rời khỏi thân chân thật và những hành động tạo ra bởi thân này không thể tách rời khỏi thân. Những hành động này phải được xem là Asamsàra (siêu thế, không thuộc thế gian), rồi tập này tiếp tục trình bày37 hành động thanh tịnh do Nirmànakàya tạo tác và những hành động này chính là hành động của Dharmakàya. 37 hành động như được tập này giải thích là 37 tầng bậc mà một Nirmànakàya phải đi ngang qua sau khi phát sanh. Những hành động ấy như sau:

(I) Không quan tâm đến cõi thiện hay cõi ác; nghĩa là có thể sanh ra như một loài vật, loài người hay thiên thần tùy theo sự nhu cầu, như vậy gọi là Gatiprasama

(II) Sangrahavastu: Thực hành bốn nhiếp pháp;

(III) Tự trau dồi kiến thức về những vấn đề tương phản thiện và ác nhờ Srutramayi (văn sanh huệ) hay những loại trí tuệ khác và áp dụng sở học để phục vụ mọi loài, tự mình hoàn toàn vô tư, nghĩa là không có Anunaya (tùy tham), như một nhà phù thủy đối với những vật mình hiển hóa.

(IV) Thực hành sáu Ba-la-mật theo nguyên tắc ba vật đều thanh tịnh (Trimadala-parisuddha: Tam quyến thuộc thanh tịnh);

(V) Tự mình làm và khuyến khích người khác làm mười thiện nghiệp và như vậy an trú mọi người trên con đường hướng đến Phật quả;

(VI) Tinh tấn để chứng ngộ tánh vô sanh của sự vật.

(VII) Hiểu được tánh bất nhị của sự vật và tánh chất trùng trùng điệp điệp của Pháp giới v.v… cho đến khi chứng được Như Lai địa, sau khi nhận chân được vô phân biệt tánh giữa các pháp hữu vi và các pháp vô vi (55).

Tóm lại tập Kàrikà muốn nói rằng đời sống của một vị Bồ-tát trải qua vô lượng, vô số sanh tử chỉ là hóa thân; hóa thân này không ra ngoài pháp thân vì theo triết học Đại thừa, mọi pháp hữu vi đều không phải một, không phải khác với pháp giới.

4/- Tập Lankavatàra giải thích sự liên lạc giữa Nirmànakàya và Dharmakàya giống như tập Karikà. Tập Lankavatàra tuyên bố các hóa Phật không do nghiệp tạo ra; Đức Phật không phải ở trong nghiệp cũng như không phải ở ngoài nghiệp (sarve hi nirmitabuddha na karma prabhavà na tesu tathàgato na cànyatra tebhyas tathàgatah) (56). Chỉ khi nào các Phật tử nhận thức đươc thế giới hiện hữu không có đời sống riêng ngoại tâm (citta), khi ấy các Phật tử mớichứng được hóa thân thoát khỏi Kriyà (nghiệp) và sanrskàra (hành) và chứng được các pháp bala (lực), abhijnà (thắng trí), và Vasità (tự tại) (57). Như tập Thành duy thức, tập này nói các đức Như Lai tạo ra hóa thân để thực hành những bổn phận của một đức Như Lai, tập này có cho biết thêm các Vajrapàni (thần kim cang) đứng hầu các vị hóa Phật chớ không hầu các đức Phật chân thực và bổn phận của một đức Phật như vậy là để diễn giảng và giải thích những vấn đề như bố thí, trì giới, thiền, định, tâm, tuệ, trí, uẩn giới, xứ, giải thoát và thức (58).

SAMBHOGAKÀYA (Thọ dụng thân)

Chúng ta đã thấy, Rùpakàya hay Nirmànakàya là dùng cho các vị Thanh văn, Độc giác, phàm phu và các vị Bồ-tát chưa chứng được một trong mười địa, cho nên một kàya khác phải tạo nên, một kàya hết sức tế nhị hơn cho tất cả các vị Bồ-tát. Thân ấy gọi là Parasambhogakàya (Tha thọ dụng thân), khác với Svasambhogakàya (Tự thọ dụng thân), một thân tế nhị tương tự, chỉ có đức Phật mới nhận thức được. Chính Tha th? dung thân này đóng vai trò vị giảng sư trong nhiều kinh Đại thừa khác, phần lớn giảng tại Linh Thứu (Grdhrakùta), chỗ độc nhất trong ba giới được xem là thanh tịnh và thích hợp cho sự xuất hiện một Sambhogakàya, hay tại thế giới cực lạc hay một trong thiên giới.

Từ cách diễn tả sự xuất hiện của đức Phật và cách thức Ngài diễn giảng các kinh điển, ta thấy các nhà Đại thừa chưa có thể quên được hay vượt lên trên quan điểm nhân tánh của các nhà Tiểu thừa. Các nhà Đại thừa vẫn đặt đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào địa vị một đức Phật ngự trị trên thế giới và tất cả các vị Bồ-tát, Thanh văn và cư sĩ trong mười phương thế giới đều đến để chiêm ngưỡng với bông và hương, để nghe đức Phật giảng kinh Prajnàpàramita, Saddharmapundarìka và Gandavyùha.

Những vị Bồ-tát này lại có những đức Phật mà các vị chiêm ngưỡng, những vị này theo siêu hình học Đại thừa, cũng đồng một pháp thân như đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những vị Bồ-tát này đến, hoặc do các đức Phật của mình gởi đến, với những lời chúc tụng và với bông hoa để tỏ sự cung kính hiến dâng lên đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Quốc độ của đức Phật này là Sahà Lokadhàtu (Ta bà thế giới); nhiều khi chính các đức Phật tự thân hành đến nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp và đạo tràng của chư Phật, chư vị Bồ-tát đông cho đến nỗi cõi Ta bà thế giới cần phải gỡ sạch tất cả biển lớn, núi, sông, biển nhỏ và thành phố cùng cả chư thiên loài người và các loài hữu tình khác. Như trong các tác phẩm Tiểu thừa, chúng ta đọc thấy các vị tu sĩ đến yết kiến đức Phật có một hay hai Sa di đi hầu, nên chúng ta cũng đọc trong tập Daddharma-Pundarìka vì thiếu chỗ nên vô số đức Phật không có thể đem theo trên hai vị Bồ-tát để làm những người hầu cận (59).

Nay chúng ta cố gắng tìm hiểu quan điểm kàya về đức Phật của các nhà Đại thừa như thế nào. Theo tập Satasàhasrikà và Pancavimsatisàhasrikà, thân này là một thân hết sức sáng suốt vô số hào quang phát xuất từ mỗi lỗ chân lông chiếu sáng hằng hà sa số thế giới. Khi thân này le lưỡi, vô số hào quang phát xuất từ lưỡi này và trên mỗi hào quang có hoa sen ngàn cánh, trên mỗi hoa sen có ngồi một đức Như Lai Vigraha (hóa Phật), một hình ảnh của đức Như Lai, một loại hóa thân và đang diễn giảng cho chư vị Bồ-tát, các vị cư sĩ, các vị tu sĩ và những người khác. Chánh pháp được diễn giảng đây là sáu Ba-la-mật. Sau khi nhập thiền định Simhavikìdita samàdhi (= Sư tử Uy thiền định), thân Ngài chiếu sáng tam thiên đại thiên thế giới ( trisàhasramahàsahasralokadhàtù) như mặt trời sáng hay mặt trăng rằm chiếu khắp thế giới. Rồi đức Phật nêu rõ Prakrtyàtmabhava (tự tánh thân) cho toàn thể thế giới, các chư thiền và các loài người của bốn cõi như Diêm phù đề v.v… thấy tự tánh thân này và nghĩ đức Như Lai đang ngồi trước mặt mình và thuyết pháp. Từ nơi thân này phát xuất những hào quang, nhờ những hào quang này mà tất cả các loài hữu tình trong thập phương thế giới thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Prajnàpàramita cho đại chúng Tỳ kheo, đại chúng Bồ-tát.

Dù cho quan điểm một thân đức Phật phóng hào quang được nói đến trong tập Prajnàpàramita, danh từ Sambhogakàya chưa đuợc các tập này biết đến. Những tập này thường dùng danh từ Prakrtyàtmabhàva (tự tánh thân) hay Àsecanaka àtmabhàva (thân chiếu tỏa cùng khắp). Sự thật tập Astasàhasrikà không biết đến Prakrtyàtmabhàva hay Àsècanaka-àtmabhàva, như vậy chứng tỏ tập này sớm hơn các tập Bát nhã Ba-la-mật khác. Tập này chỉ nói đến Rùpakàya và Dharmakàya và đoạn diễn tả rất dài dòng về Phật thân trong các tập Sata và Pancavimsati-sàhasrikà như là tự phần cho hai tập sách trên, đoạn này không tìm thấy trong tập Astasàhasrikà. Chỉ có trong đoạn kiết tập lại của tập Pancavimsati mà danh từ Sàmbhogikàkàya (thọ dụng thân) được giới thiệu như là một đề tài được đem ra bàn luận (60). Sambhogakàya được diễn tả như sau: Các chư vị Bồ-tát sau khi chứng quả Bồ đề nhờ Bát nhã Ba-la-mật, dùng một thân đầy đủ 32 tướng chính và 80 tướng phụ với mục đích thuyết pháp Đại thừa cho hàng Bồ-tát và cũng để làm khởi dậy trong tâm trí những vị này lòng hoan hỷ, thích thú đối với diệu pháp.

Tập Prajnàpàramità nguyên thủy xem thân có hào quang này là một hóa thân và như vậy được gồm trong Rùpakàya và nghĩ không cần giới thiệu một thân thứ ba là Sàmbhogikakàya.

Theo thuyết hai thân của tập Prajnàpàramità, Nàgàrjuna cũng không nói đến hay có lẽ không biết đến thân thứ ba, Sàmbhogika. Cả hai vị tiến sĩ Akanuma và Masuda không thể tìm vết tích quan điểm Sambhogakàya trong tập Mahàprajnàpàramitàsàstra của Nàgàrjuna. Tiến sĩ Akanuma cũng không tin thuyết Tây Tạng cho rằng chính Ngài Nàgàrjuna đã viết bài “Tôn kính tam thân (Trikàya)” (61). Nếu chúng ta tìm hiểu các bài kệ của Nàgàrjuna nói về Tathàgatakàya (Như lai thân) (62), chúng ta thấy rõ rằng Ngài Long Thọ chỉ muốn giải thích chân thân (tức là Pháp thân hay Tự tánh thân) mà thôi. Đối với Ngài, sự phân biệt giữa Sambhogakàya và Rùpakàya không quan trọng vì cả hai đều không thật.

Như vậy chúng ta thấy cho đến thời Nàgàrjuna, quan điểm Sambhgakàya (Thọ dụng thân) không được phân biệt khác với Rùpa (sắc) hay Nirmànakàya (Hóa thân). Tập Lankàvatàra lần đầu tiên giới thiệu quan điểm này với chúng ta và gọi là Nisyanda hay Dharmatà-nisyanda-Buddha (Đẳng lưu hay Pháp tánh đẳng lưu Phật), và hình như danh từ Sambhogakàya chưa được biết đến. Chúng ta đã thấy trong các tập Tiểu thừa, thân thể diệu hảo của đức Phật, với các tướng chính và tướng phụ của bậc đại nhân, được xem là do vô lượng thiện nghiệp Ngài đã làm trong những đời trước. Chữ Hán dịch Sambhogakàya là Báo thân, báo nghĩa là kết quả, cũng nêu rõ chữ Sambhoga chỉ có nghĩa là vipàka (dị thục quả) hay nisyanda (đẳng lưu). Các nhà hậu Duy thức gọi là Parasambhogakàya (Tha thọ dụng thân) đã phân biệt với Svasambhoga (Tự thọ dụng thân). Dù cho tập Astsàhasrikà không phân biệt Sambhogakàya với Nirmànakàya (Hóa thân), tập ấy có nói đến thân thù thắng của đức Phật do kết quả nhiều đời nhiều kiếp của Ngài trong các đời trước (63). Tập Lankavatàra dùng danh từ vipàkaja (dị thục sanh) hay vipàkastha và như vậy đóng vai trò giai đoạn chuyển tiếp từ quan điểm Tiểu thừa về Vipàkaja-kàya (Dị thục sanh thân) đến quan điểm Parasambhogakàya (Tha thọ dụng thân) của Đại thừa.

Tập Lànkàvatàra nói rằng bổn phận của Nisyanda-Buddha (Đẳng lưu Phật) là dạy Parikalpita (Biến kế sở chấp tánh) và Paratantra (Y tha khởi tánh) của sự vật cho những người tự dệt một màn lưới tâm tư bao phủ mình, không biết đến tánh giả tạm của vạn hữu (64). Đó cũng là trách nhiệm của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở Ta bà thế giới (Sahàlokadhàtu), khi Ngài gỉang giáo lý Prajnàpàramità hay Saddharmapundarìka (65).

Tập Sùtràlankàra cũng không phân biệt Thọ dụng thân thành Tự thọ dụng thân và Tha thọ dụng thân. Tập này nói rằng với thân này các đức Phật thọ hưởng các pháp (Dharma) và thân này sai khác tùy theo quốc độ, với hàm ý rằng mỗi một quốc độ, một đức Phật có một Sambhogakàya khác nhau, khác với Thọ dụng thân của các đức Phật khác tại các Phật sai khác (66).

Tập Suvarnaprabhàsa và tập Abhisamayàlankàrakàrikà cho chúng ta biết Sambhogakàya là một thân rất tế nhị, gồm có tướng tốt của bậc đại nhân và được đức Phật dùng để giảng những sự thật siêu hình và cao hơn cho những vị Bồ-tát cao đẳng. Tập Suvarnaprabhàsa (67) cũng không nói đến hai loại Sambhogakàya, như được tìm thấy trong tập Siddhi.

Tập Siddhi nói có hai Thọ dụng thân gọi là Tha thọ dụng thân và Tự thọ dụng thân. Tha thọ dụng thân được chư vị Bồ-tát thấy, còn Tự thọ dụng thân được chư Phật ở các quốc độ khác nhau thấy, chớ không phải các vị Bồ-tát. Còn về vấn đề hào quang, vô lượng và vô số tánh, thời không có gì khác giữa hai thân này. Cả hai thân đều có sắc, hình (varna-rùpa-samsthàva) và tiếng (sabda). Vì các đức Phật đã chứng được bình đẳng tánh trí, nên thân là vô lậu (anàsrava). Thân này chỉ hiện ra tại một tịnh độ như Sukhàvatìvyùha (Cực lạc thế giới) hay Grdhrakùtà (Linh Thứu). Sự sai khác giữa Tha thọ dụng thân và Tự thọ dụng thân là Tha thọ dụng thân có tướng tốt của bậc đại nhân, còn Tự thọ dụng thân thời không có. Còn tâm (citta) của Tha thọ dụng thân thời không thật như tâm của Hóa thân; còn tâm của Tự thọ dụng thân là thật. Ngoài ra, tâm này chứng được bốn trí: àdarsajnàna (Đại viên kính trí) (68), Samatà-jnàna (Bình đẳng tánh trí), Pratyaveksanà-jnàna (Diệu quan sát trí) và Krtyà, nusthàna-jnàna (Thành sở tác trí). Rùpa (sắc) của hai Thọ dụng thân hết sức tế vi và vô lượng vô biên, tuy vậy vẫn là sapratigha (hữu đối). Nhưng thân tế vi của vô số Phật là tương nhập.

Bản đúc kết lại của tập Pancavimsati nói đến Thọ dụng thân, nhưng khác với Kàrikà, không phân biệt Dharmakàya (hay Tự thọ dụng thân) với Parasambhogakàya (Tha thọ dụng thân), nguyên nhân chính là vì trong nguyên bản Pancavimsati, cũng như trong các tập Prajnàpàramità khác, chỉ có quan điểm hai thân, không phải ba hay bốn thân. Sự thật, tập Kàrikà ủng hộ tập Siddhi trong quan điểm về thân, nhưng chỉ dùng danh từ sai khác. Quan điểm Tự thọ dụng thân nêu rõ xu hướng của phái Duy thức muốn nói đến một cái gì như Isvara (Tự tại) của tập Upanisad (Áo nghĩa thư), sau cái hiện tượng vũ trụ. Dharmakàya (Pháp thân) tương đương với quan điểm Tuyệt đối phi nhân của tập Vedanta, vị Phạm thiên. Sambhogakàya tương đương với Isvara khi Phạm thiên có tên và hình thức.

Chúng ta cần phải để ý, mỗi một đức Phật đều có Sambhogakàya của mình. Nhưng tất cả các đức Phật đều chỉ có một Dharmakàya. Tập Lankàvatara cũng gợi ý đến quan điểm này. Tập này nói rằng Abhàva (vô tánh) không phải là Như Lai vì Như Lai được diễn tả là bất sanh bất diệt nên tự nó cũng có ý nghĩa. Rồi tập này chú thích về Dharmakàya do ý sanh (manomaya-dharmakàya), thân này các người không phải Phật tử, các hàng Thanh văn, Độc giác, cho đến các vị Bồ-tát ở một trong bảy địa đầu tiên cũng không thể thấy được. Như những tên khác nhau của một vật hay của một người, ví dụ hasta, karapàni hay Indra Sakra, Purandara, chỉ cho những phương tiện sai khác của một vật.

Cũng vậy những tên sai khác của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại Ta bà thế giới như những tên: Svàyambhuva, Nàyaka, Vrsabha, Visnu, Isvara, Pradhàna, Kapila, Soma, Bhàskara, Ràma, Vyàsa, Sùnyatà, Tathatà, Bhùtakoti, Nirvàna, Sarvajna v.v… chỉ cho những phương diện sai khác của đức Phật Thích Ca Mâu Ni (69). Loài người bị chi phối bởi những quan niệm về hai cực đoan hiện hữu hay không hiện hữu (dvayàntapatitayà) nên không biết được đức Phật như một phản ánh của mặt trăng trên nước, không hiện ra cũng như không biến đi. Đoạn này rõ ràng gợi ý pháp thân do ý sanh có mặt trong Ta bà thế giới lại giống như Tự thọ dụng thân của tập Siddhi và Àsecanaka-àtma-bhàva hay Prakrtyàtmabhàva của các tập Prajnapàramità và tương đương với quan điểm Isvara của tập Upanisad.

DHARMAKÀYA (Pháp thân)

Ba thân từ trước đã đề cập đến, thuộc về Tục đế tùy theo thế tục và hữu hạn và do vậy các nhà Đại thừa đầu tiên kể cả Nàgàrjuna xem như là Rùpakàya hay Nirmànakàya. Cái thân độc nhất chân thật của đức Phật là sự thật như các nhà Đại thừa quan niệm và không khác với những sự vật hay các loài hữu tình trong vũ trụ (70). Dù sự cố gắng để định nghĩa thân này với những chữ và những danh từ thường dùng không thể nào chính xác và có thể bị hiểu lầm, các tập Đại thừa cũng cố gắng dùng văn tự để gợi lên một vài ý niệm về thân này. Tập Kàrikà và tập Siddhi gọi thân này là svabhàvika hay Svàbhàvakàya (tự tánh thân). Theo hai tập ấy, thân này là vô lượng và vô số. Thân này đầy khắp vũ trụ, là căn bản cho Thọ dụng thân và hóa thân, không có tướng tốt gì (tướng tốt vị đại nhân) và vô hý luận tướng (Nisprapanca). Thân này có những công đức (guna) thường còn, chân thật và vô lượng, không có tâm, không có sắc và cũng không khác tâm và sắc, chỉ có một và một Dharmakàya mà thôi.

Các đức Phật có thể có Thọ dụng thân riêng, nhưng các đức Phật chỉ có một Dharmakàya mà thôi. Thân này chỉ có thể tự chứng, chớ không có thể diễn tả, vì không khác như sự cố gắng của một người mù để diễn tả mặt trời mà mình không bao giờ thấy. Thường người ta hỏi rằng quan niệm Dharmakàya có thể tìm thấy trong những tập prajnàpàramità hay những tác phẩm của Nàgàrjuna không, hoặc các tập Prajnàpàramità và Nàgàrjuna công nhận một sự thật như vậy, hay diễn giải một lý thuyết phủ định thuần túy và hoàn toàn. Nói một cách khác, có phải mục đích của những tập Prajnàpàramità và Nàgàrjuna là để nêu rõ những sự mâu thuẫn của thế giới này và kiến thức thế tục và tránh không tuyên bố về vấn đề sự thật hay chân lý.

Tập Astasàhasrika và các tập Bát nhã Ba-la-mật khác, dù vẫn cương quyết phủ nhận các lời tuyên bố về sự thật, không bao giờ xác nhận rằng Tathàta hay Sùnyatà hay Dharmakàya trong nghĩa chân thật của chúng là không hiện hữu. Những lời tuyên bố như tathatàvikàrà nirvikàvàvikalpà, nirvikalpà (chân như là không thay đổi, không biến chuyển, thoát ngoài các vọng tưởng và phân biệt), nêu rõ một quan điểm tích cực về sự thật hơn là một quan điểm thuần túy tiêu cực. Về vấn đề Dharmakàya, tập Astàsàhasrika cũng có lời tuyên bố tương tự; tập này nói rằng những ai biết được các pháp hiện hữu trong giới này hay được đức Như Lai diễn giảng, không thực sự hiện hữu như vật ở trong mộng và không tìm hiểu đức Như Lai từ đâu đến và sẽ đi đâu, người ấy sẽ chứng được Tathàgata nhờ Dharmatà, Buddhakàya mà người ta nói đến, khởi lên do nhân và duyên như tiếng thổi sáo; thật sự thân này không có xuất hiện hay biến mất. Những ai chạy theo hình sắc và giọng nói của Như Lai, và quan niệm về sự xuất hiện và biến mất của Như Lai sẽ rất xa sự thật (71). Những lời tuyên bố thêm về vấn đề sự thật chỉ có thể là hý luận (Prapanca).

Khi tập Astasàhasrika xác nhận rằng đức Như Lai không hiện hữu, tập này nói đến đức Như Lai do một người đọc các tập Đại thừa quan niệm. Cho đến các vị Bồ-tát trừ phi và cho đến khi chứng được địa thứ mười, không thể thoát ra ngoài quan điểm về Như Lai thân, dù cho quan điểm ấy tế vi như thế nào (tự thọ dụng thân). Những vị ấy vẫn đang còn mê mờ và chính sự mê mờ này mà các tập Prajnàpàramità cố gắng diệt trừ khi tuyên bố rằng không có Tathàgata (Như Lai). Ngài Long thọ khi phủ nhận sự hiện hữu của cái gọi là Tathàgata không làm gì hơn điều mà những tập Prajnàpàramita cố gắng thiết lập. Quan điểm của Ngài là nếu sự liên tục của đời sống bhavasantati được công nhận, thời sự hiện hữu của Như Lai cũng phải được công nhận vì Như Lai đại diện cho giai đoạn cuối cùng của bhavasantati; Như Lai là giai đoạn cuối cùng mà một chúng sanh đạt đến sau một chuỗi dài đời sống. Theo Chân đế thời không có bhavasantati nên không có tathagata- một hữu tình được xem là trở thành đức Như Lai sau khi thực hành Đại từ bi và các đức tánh khác, và nhờ đó được giác ngộ hoàn toàn. Nếu Như Lai thật sự hiện hữu thời Ngài sẽ giống như năm uẩn hay khác với năm uẩn hay các uẩn sẽ ở trong Ngài hay Ngài ở trong các uẩn, nhưng vì Ngài không phải là một trong những pháp ấy và những pháp ấy không phải là Ngài cho nên Ngài không có hiện hữu thực sự. Với những lý luận như vậy và những lý luận tương tự, Nàgàrjuna xác nhận là không có tathàgata. Với sự phủ nhận này, Ngài chỉ xác nhận rằng đức Như Lai, trạng thái cuối cùng của bhavasantati, không có hiện hữu.

Candrakìrti (Nguyệt xứng), để ủng hộ lý luận của Nàgàrjuna, có nêu lên một đoạn trong tập Astasàhasrika(trang 479). Trong đoạn này đức Phật và pháp của Ngài đã được ví dụ là Mayà (giả tạo) hay Svapna (mộng huyễn), nhưng rồi Ngài nói “Chúng tôi không xác nhận sự không hiện hữu của Như Lai dưới mọi hình thức vì như vậy chúng tôi phạm lỗi Apavàda (phủ nhận). Nhưng vì muốn diễn tả Như Lai bằng những phương tiện tục đế (vyavahàra-satya) và bởi dùng những phương tiện samàropa, chúng tôi nói rằng Tathàgata là không, hay không phải không, hay không và không không, hay là cũng không phải không và không không (tứ cú). Và những ai cố gắng chứng được Như Lai chân thật bằng cách dùng những lời tuyên bố khẳng định hay phủ định đều không bao giờ biết đến Ngài. Candrakirti, để ủng hộ quan điểm này, có đề cập đến những câu kệ trong kinh Kim Cang. Câu này tập Astasàhasrika cũng nói đến: “Nhược nhĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.

Dharmato buddhà drastavyà dharmakàya hi nàyakàh.
Dharmatà càpy avijneyà nà sà sakyà vijànitum.

(Một đức Phật cần phải được xem trong nghĩa dharmatà (pháp tánh) vì các vị lãnh đạo loài người chỉ có pháp thân mà thôi. Pháp tánh này không thể biết đến, cũng vậy đức Như Lai)

Nàgàrjuna kết luận sự nhận xét của Ngài về tathàgatakàya bằng cách xem tathàgata giống với Jagat (thế gian), hay thiên nhiên và tuyên bố rằng tathàgata mà loài người hay các vị Bồ-tát quan niệm chỉ là một bimba (ảo ảnh) của các thiện pháp chớ không phải tathàta hay tathàgata chân thật. Một nhà biện luận như Nàgàrjuna không thể đi xa hơn để xác chứng sự thật, chỉ có cách phủ nhận sự hiện hữu của các sự vật không thật có, kể cả cái gọi là tathàgata, mà Ngài hướng đến sự thật tathàgatakàya, dharmakàya chân thật.

Quan điểm về Dharmakàya được các nhà Duy thức học đặc biệt chú ý. Tập Lankàvatàra khi diễn tả dharmakàya nói rằng đức Phật không có sở y (Niràlamba) và vượt ngoài sự nhận thức của năm căn, các bằng chứng và dấu hiệu và như vậy vượt ngoài vòng nhận thức của hàng Thanh văn, Độc giác hay các vị không phải Đại thừa. Thân này chỉ có thể tự chứng ở tự thân mình. Tập Sùtràlankàra goiï là Svàbhàvika Dharmakàya (tự tánh pháp thân), đồng nhất cho tất cả đức Phật rất tế vi, không thể hiểu thấu và thường hằng. Tập Trimsikà giải thích dharmakàya như là một sở y, được thay đổi (asraya đây chỉ cho àlayavjnàna = a lại gia thức), sự thay đổi được thành hình nhờ trí và sự diệt trừ phiền não chướng và sở tri chướng. Bài Àloka về tập Abhisamayàlankàrakàrikà cũng giải thích Dharmakàya một cách tương tự. Theo tập này, có hai loại Dharmakàya, một là các pháp Bồ đề phận và các pháp khác, những pháp này thanh tịnh và tạo tác ra trí tuệ thanh tịnh (nisprapancajnànàtmakà); hai là àsraya được thay đổi của những pháp ấy và được gọi là Svadhàvakàya (Tự tánh thân). Giáo sư Stcherbatsky giúp chúng ta với những tin tức gần như tương tự mà chúng ta tìm thấy trong tập Àloka, nhưng từ tài liệu nào thì giáo sư không cho biết. Giáo sư nói rằng: “theo các nhà Tiền duy thức, Dharmakàya được chia thành Svabhàvakàya (Tự tánh thân) và Jnànakàya (Trí thân); Thân đầu là tánh chất thường còn (nitya) của vũ trụ; thân thứ hai là vô thường thay đổi ( anitya). Rõ ràng giáo sư hiểu Jnànakàya như là Dharmakàya, gồm có các pháp Bồ đề phận và các pháp khác của tập Àloka. Còn Svabhàvakàya la Nityakàya, thân thường hằng như giáo sư đề cập, cũng được tập Suvarnaprabhàsa và các tập khác xác nhận (72).

Các nhà sớ giải Trung Hoa về tập Siddhi nói rằng Dharmakàya là nguyên tắc siêu hình của citta và rùpa chân thực của Như Lai. Dharmakàya là tánh chân thực của vạn pháp và có thể xem giống như Tathatà, Dharmadhàtu hay Tathàgatagarba (Như Lai tạng).

Mục đích của các vị Bồ-tát là chứng ngộ Dharmakàya. Mỗi loại hữu tình đều có Dharmakàya hay Dharmakàya gồm tất cả các loại hữu tình trong vũ trụ, nhưng vì bị vô minh che lấp nên không nhận chân được sự kiện ấy. Mục đích của vị Bồ-tát là diệt trừ vô minh này và chứng đạt sự kiện là mình với Dharmakàya là một. Đoạn Àloka về tập kàrikà để những thứ bậc môt vị Bồ-tát phải trải qua và nêu rõ rằng thứ bậc cuối cùng là chứng được Dharmakàya. Sau khi chứng được, thật rất dễ dàng cho vị Bồ-tát hiện hạnh bốn thân nào cũng được. Trong tập Lankàvatàra, chúng ta để ý rằng Mahàmati tha thiết muốn biết làm thế nào vị Bồ-tát, sau khi thực hành mười địa, có thể chứng được Như Lai thân hay Pháp thân và đi đến một trong Phật sát hay thiên giới nào.

Tập Lankàvatàra cũng diễn tả với mầu sắc linh động trạng thái chứng được Pháp thân. Vị Bồ-tát khi chứng được Mahàdharmamegha (Đại pháp vân) trong địa thứ chín, được trang hoàng với nhiều châu báu và ngồi trên một hoa sen trong lâu đài châu báu, xung quanh có nhiều vị Bồ-tát cùng một đẳng cấp cùng ngồi. Ở đây vị này hiểu được tánh vô thường của sự vật, và được Vajrapàni (Thần kim cang) quán đảnh cho thành con của đức Phật. Rồi vị Bồ-tát vượt ra ngoài địa giới của hàng Buddhasuta nhờ tự chứng Pháp không và đối diện với Dharmakàya (73). Tập Trimsikà nói rằng, như giải thoát thân (Vimuktikàya) là mục đích của các vị A-la-hán, Pháp thân là mục đích của các vị Bồ-tát. Tập này nêu rằng các vị A-la-hán, nhờ diệt trừ phiền não chướng, chứng được một thân thanh tịnh. Cũng vậy đức Phật, nhờ diệt trừ được phiền não chướng và sở tri chướng, chứng được Pháp thân (74).

CHÚ THÍCH CHƯƠNG III, Mục Ba Thân

1 – Sad. P; tr.89-92.

2 – Tam minh trong bản liệt kê liên hệ đến ba trong sáu thắng trí, nghĩa là Pubbenivàsà-nussatinànam, Sattànam catùpatàte nànam, và Àsavànam khaye nànam. Xem Dìgha, III tr. 220. Ba thắng trí còn lại là: Dibbasota, Dibbacakkhu và Paracittavijànanam.

3 – CF. Mil; tr.134-135

4 – Xem cách giải nghĩa ở tập Siksà; tr.212; Kosa, I. 6, 39; II, 53, 250, 266; Dh.s; tr.63.

5 – Tập Sad. P; tr.133-137.

6 – Sùtrà; tr.45, 188.

7 – Đoạn này choán nhiều chỗ trong tập Nikàyas, xem Dìgha, I, tr.87-88; cf. Lal,Vis; tr.3; Sad. P; tr.144; 376.

8 – Cả trong các tác phẩm Đại thừa, thí dụ trong tập Dasa; cũng tuyên bố rằng một vị Bồ-tát có thể trở thành một Đại phạm thiên trong địa thứ chín nếu vị này muốn thế.

9 – Majjhima, III, tr.8.

10 – Dìgha. II; tr.154; Mil; tr.99.

11 – Majjhima, Gopaka- Moggallàna Sutta (số 108). Cf. Saddhamma Sangaha (J.P.T.S; 1890), chương X, tr.65: Đức Phật nói: “84.000 pháp môn đã được ta giảng dạy trong 45 năm. Chỉ riêng mình ta tịch diệt, trong khi còn có 84.000 pháp môn, chúng như 84.000 đức Phật (Buddha-sadisa) sẽ khuyến dạy ngươi”.

12 – Samyutta, III; tr.120; Majjhima, I, tr.190-191: Yo pattccasamuppàdam passati so dhammampassati, yo dhammam passati so paticcasamuppàdam passati. Các tài liệu tham khảo khác: xem bài của giáo sư Ballee Poussin: “Notes sur les Corps du Buddha” trong tập Le Muséon, 1913, tr.259-290. So sánh các chú thích trong các tác phẩm Pàli sau này.

– Saddhamma Sangaha (J.P.T.S; 1890), tr.61: Yo me passati saddhammam so mam passati Vakkali. Apassmàno saddhammam mam passe pi na passati.

– Milinda, tr.71: Yodhammam passati so bhagavantam passati dhammo hi mahàraja bhagavatà desito ti.

– Ibid; tr.73: Dhammakàyena pana kho mahàràja sakkà bhagavà nidassetum, dhammo hi mahàràja bhagavatà desito ti.

13 – Anguttara, II, tr.38.

14 – Giáo sư Masson- Ourel viết trong bài “Les Trois Corps du Bouddha”. J.S; 1913, tr.581ff.

15 – Xem Kosa II, 10 (cũng cần tham chiếu trong các tập Nikàyas),

16 – Kvu; XVII, 1: Những nhà Vetulyakas (Đại thừa) dựa vào đoạn văn nêu trên nói rằng: “thật không đúng nếu nói rằng đức Phật cao cả sống trong thế giới của loài người”. Những nhà Thượng tọa bộ đã không đồng ý với các vị này. Ngài Buddhaghosa cũng nêu rõ cách thức phải giải thích đoạn này.

17 – Xem Sad. San. (J.P.T.S; 1890 0; tr.69: Sambuddhànam dve kàyà rùpakàyo Sirìdharo, Yo tehi desito dhammo dhammakàyo ti vuccati.

18 – Năm uẩn được đề cập ở đây là: giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Xem Mil; tr.98.

19 – Vis. M; tr.234; Jàtaka; I, tr.84: Rùpakàyasirì.

20 – Attha; tr.16.

21 – Xem quyển Bouddhisme của giáo sư Vallee Poussin, tr.232f.

22 – Dr. Chizen Akanuma (Eastern Buddhist, II, tr.7) trích vài đoạn các tập Anguttara và Samyukta Àgamas Hán văn và nêu rõ rằng Dharmakàya của đức Phật có nghĩa là sự tập nhóm các Pháp (lời dạy của Ngài).

23 – Divyà; tr.19.

24 – Ibid; tr.360.

25 – Ibid; tr.560.

(Còn tiếp)