“Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng như thế giáo-lý của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.
VẤN ĐỀ GIẢI THOÁT
“Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng như thế giáo lý của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.
Câu nói ấy của đức Bổn sư đã xác nhận rằng mục đích duy nhất của đạo Phật là đưa chúng sanh đến chỗ giải thoát giác ngộ. Như vậy thì tất cả các Phật tử, dù xuất gia hay tại gia, cũng đều phải hướng về mục đích giải thoát ấy cả.
Nhưng nói đến giải thoát tức là nói đến một sự cởi mở, thoát ly. Mà chỉ khi nào người ta cảm thấy bị ràng buộc, tù túng người ta mới nghĩ đến sự cởi mở, thoát ly, nói tóm lại, mới nghĩ đến việc giải thoát.
Vậy thì ở đây, con người bị cái gì ràng buộc, câu thúc?
“Tất cả các chúng sinh vì vô minh che lấp mất chân tánh, bị dục vọng phiền não sai khiến, tạo ra muôn ngàn nghiệp ác vì đó mà phải trôi nổi trong biển khổ luân hồi” (Kinh Lăng Nghiêm ).
Đi từ quả đến nhân, ta thấy: Biển khổ sanh tử luân hồi – nghiệp ác – dục vọng phiền não – lấp mất chân tánh – vô minh. Do vô minh mà chân tánh bị mờ ám, chân tánh mờ ám cho nên sinh ra dục vọng phiền não, dục vọng tạo ra nghiệp ác, và nghiệp ác đưa đến kết quả khổ đau luân hồi. Giải thoát nghĩa là phá tan được dòng nhân quả liên tục ấy.
Nhưng muốn được giải thoát, trước hết, người ta phải nhận thấy rằng mình đang bị ràng buộc. Biết bao nhiêu kẻ đang sống trong sự ràng buộc mà không hề biết rằng mình bị buộc ràng, cho nên không hề nghĩ đến sự giải thoát. Vì thế, muốn cho họ có ý tưởng giải thoát, phải tìm cách làm cho họ nhận thấy rằng họ đang bị ràng buộc đã.
Phương pháp của đạo Phật là làm cho con người có ý thức rõ ràng về cuộc đời mà mình đang sống: một cuộc đời khổ đau. Con người không thể an vui được trong cuộc đời khổ đau: phải tìm cách thoát ly cuộc đời ấy. Những dây xích nào đã ràng buôïc con người vào cuộc đời khổ đau? Đấy chính là dục vọng, là phiền não, là ác nghiệp, là vô minh. Phá tan những xiềng xích này thì có thể tìm đến một chân trời tự do, không còn bị khổ đau bức bách.
Vậy con đường Giải Thoát bắt đầu bằng một nhận thức: nhận thức cuộc đời là khổ. Đó là chân lý thứ nhất trong Tứ diệu đế. Biết bao nhiêu người đã nhờ ý thức sâu xa chân lý ấy mà được giải thoát. Càng cảm thấy đời là khổ đau bao nhiêu, người ta càng mạnh mẽ bước lên đường giải thoát bấy nhiêu. Khổ đau ở đây là một thứ thuốc đắng, thật đắng, nhưng đã là một thứ thần dược giúp người mau thoát được bệnh não phiền.
Nhưng “khổ đau” ở đây không những chỉ có nghĩa là những cảm giác đớn đau mà thôi. Tiếng khổ (dukkha) của đạo Phật còn có nghĩa là vô ngã, bất tịnh, vô thường và u tối nữa.
Sống, nhưng ta có thể thắc mắc rất nhiều về tự thân chúng ta. Bản ngã chúng ta là một cái gì mà chính ta cũng không thể nhận biết được. Đó là một cái thể sinh lý (sắc) hay đó là những hiện tượng tâm lý (thọ, tưởng, hành, thức) kết hợp? Tại sao qua những hiện tượng biến đổi vô thường lại có thể có một cái Ta đồng nhất bất biến? Phải chăng cái Ta ấy chỉ là một giả danh, một đối tượng của óc vọng tưởng?
Sống, nhưng ta luôn luôn nhận thấy rằng tâm ta là nguồn gốc phát sinh bao nhiêu tư tưởng bất thiện tội lỗi: tham lam, giận dữ, si mê, thân ta là một khí cụ để tạo bao nhiêu nghiệp ác: sát hại, trộm cắp, tà hạnh… Tâm cũng như thân, đều là những rừng tội (tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu: Kinh Bát đại nhân giác). Lắm lúc chúng ta lại tự chán ghét chính cả cái bản thân của chúng ta.
Sống, nhưng ta luôn luôn cảm thấy ta là nô lệ. Nô lệ cho dục vọng. Nô lệ cho cả cuộc đời do ác nghiệp của chúng ta dựng nên. Chúng ta bị vây trong vòng nghiệp báo, bị đắm trong đêm tối của vô minh.
Chúng ta có được sống trong hiện tại đâu, có thấy được hiện tại đâu, có vươn được tới hiện tại đâu? Hình thể của cuộc đời mà ta nhận thấy bằng giác quan, đã là hình thể của một cuộc đời quá khứ mất rồi! Vạn vật luôn luôn chuyển biến vô thường. Ta chỉ sống được trong cái quá khứ của cuộc sống chứ chưa bao giờ được sống trong cuộc sống cả. Chúng ta cũng giống hệt, như những người ngồi trên xe hơi, lưng quay về phía trước, và chỉ thấy được cảnh vật đã qua. Ban đêm, vũ trụ đầy tinh tú mà ta trông thấy đây chắc chắn không phải là vũ trụ của hiện tại. Bởi vì có hàng triệu ngôi sao đã tan vỡ từ bao nhiêu thế kỷ, mà hình dáng vẫn còn để cho ta trông thấy hôm nay. Và vũ trụ tinh tú của hôm nay, có lẽ đến bao nhiêu đời sau, cháu chắt ta mới trông thấy được!
Chưa bao giờ được sống trong cuộc sống, chưa bao giờ được sống với hiện tại! Khổ đau cho chúng ta đến chừng nào! Ta tưởng như bao nhiêu uất ức dồn lên, ta muốn phá tan bao nhiêu xiềng xích vô-minh, buộc ràng, để vươn đến chân trời thực tại, sống tự do trong bản thân cuộc sống, thể nhập vào cuộc sống muôn đời.
Những khổ đau, những cảm tưởng tù đày của cuộc sống ấy, làm tiêu tán nơi ta những ước muốn thỏa mãn dục lạc phờ phỉnh của cuộc đời và làm cho ta cương-quyết tiến bước mạnh dạn trên đường tự giải phóng.
Chân lý “đời là khổ” phải gây nơi ta một bất mãn. Sự bất mãn ấy phải lên tới cực độ để có thể thực hiện trong tâm hồn ta môït cuộc khủng hoảng mầu nhiệm khiến ta chuyển hướng cuộc đời. Ta gạt bỏ tất cả những ước-ao của cuộc đời tầm thường khổ não, ta lên đường đi tìm chân lý và giải thoát. Trong thế giới chân lý và tự do, ta sẽ được tự tại và an nhiên, thoát ly bao nhiêu khổ đau thắc mắc.
“Đời là khổ” vì thế đối với chúng ta là một vấn đề then chốt. Chân lý này không được quan niệm một cách quá thô sơ! Không nên hiểu chữ “khổ” nầy như là những “cảm giác khổ thọ”, mà phải hiểu với tất cả những nghĩa vô thường, vô ngã, bất tịnh, vô minh của nó.
Tuy nhiên, một đặc điểm của đạo Phật là giáo-lý cần khế hợp với thời cơ. Chân lý “đời là khổ” kia đối với hạng đại căn nếu là một thứ thuốc hay, thì đối với hạng yếu đuối lại là một thứ thuốc nguy hiểm. Một bên nhờ nhận thấy cuộc đời là khổ mà có thể ra công diệt khổ để giải thoát. Một bên vì nhận thấy cuộc đời là khổ mà càng thêm khổ đau, tay chân bủn rủn và rốt cuộc bị đắm chìm sâu thêm trong biển khổ. Cho nên với những người đại căn có năng lực giải thoát, đạo Phật mới khai thị cho họ chân lý “đời là khổ” ấy. Một khi họ ý thức được rằng họ đang sống trong “đau khổ” họ sẽ cương quyết diệt khổ. Đạo lý dành cho hạng người nầy là đạo lý xuất thế (xuất thế pháp).
Còn đối với những kẻ mà căn cơ yếu hèn, đạo Phật chủ trương xây dựng cho họ một bản lĩnh trước đã. Giáo lý của họ là giáo lý nhập thế (nhập thế pháp) của nhân thừa và thiên thừa. Không cần đặt mục đích giải thoát cho họ giải thoát ngay trong hiện tại. Bởi vì nếu đặt vấn đề ấy ngay bây giờ, họ sẽ chán nản, khiếp sợ, vì càng ý thức về cái khổ bao nhiêu, họ càng cảm thấy đau khổ bấy nhiêu. Mục đích mà họ nhắm đến thì gần với họ hơn mục đích giải thoát nhiều. Họ sẽ đi từng chặng đường, và chỉ khi nào đủ sức, họ mới được nhắm vào mục đích tối hậu là mục đích giải thoát. Những mục đích gần kia, tuy không hẳn đã là mục đích cuối cùng, nhưng là những phương tiện để đưa dần đến mục đích cuối cùng. Qua giáo lý phương tiện, ta có thể nhìn thấy giáo lý cứu cánh, và qua năm thừa của đạo Phật, ta có thể thấy được một Phật thừa duy nhất (Kinh Pháp Hoa). Vì lẽ ấy cho nên đức Phật dạy rằng giáo lý của ngài chỉ có một vị là vị giải thoát.
Chân lý “đời là khổ” chính là giáo lý xuất thế, dành cho các bậc xuất trần thượng sĩ; đại đa số quần chúng vì căn cơ yếu đuối, không thể đủ sức thi hành. Họ phải nương theo giáo lý nhân thiên thừa, đặt những mục đích gần hơn để cho khỏi chói, khỏi ngợp và ít nản lòng. Giáo lý nhập thế không bắt buộc con người phải nhìn đời với tất cả những sự thật khổ đau của nó, để rồi chán nản với khổ đau thêm. Nhà văn Lê văn Siêu đã không nhận được tinh thần thiệp thế phương tiện ấy của đạo Phật khi ông nói: “Đối với quảng đại quần chúng, công dụng của tư tưởng và giáo lý ấy (đời là khổ) lại là thúc đẩy thêm ý thức về những đau khổ của cuộc sống mà mình đương quằn quại chịu đựng”.
Người ta thường bảo đạo Phật chủ trương chán đời. Đúng! Bởi vì còn ham mê cuộc đời và lặn lội theo bao nhiêu dục vọng của nó thì làm sao mà giải thoát khổ đau cho được. Có chán đời đến triệt để thì mới nghĩ đến sự giải thoát. Chán, ở đây là chán một lối sống (sống theo dục vọng vô minh) và cũng là tìm một lối sống khác (sống theo tình thương và chân lý). Cho nên giải thoát khác với thoát ly. Cuộc sống của mình từ bất tịnh trở thành thanh tịnh, từ khổ đau trở thành an lạc: đó là giải thoát.
Cái chán của đạo Phật là một thứ chán lành mạnh, bởi vì đối tượng của cái chán ấy là dục vọng. Chán mà không nản. Cái chán ở đời trái lại là cái chán bệnh tật, một thứ chán nản chủ trương buông xuôi hai tay. Những ai “chê” đạo Phật là chán đời hãy thử tập “chán” cái chán của đạo Phật trong giây lát xem có được không. Sợ là không, bởi vì lực lượng dục vọng nơi những kẻ kia không phải là nhỏ; muốn chán thì ít ra cũng phải tiêu diệt một phần nào các dục vọng ấy đã.
Tuy nhiên đó là nói về phương diện giáo lý xuất thế gian. Còn về phương diện thế gian, đại đa số nhân loại còn chưa đủ năng lực để đặt ngay vấn đề giải thoát. Họ phải thực hành giáo lý nhân thiên thừa, bỏ ác, làm lành, nuôi dưỡng trí tuệ và từ bi để đào luyện một căn cơ vững mạnh làm nền tảng cho giai đoạn xuất thế. Đặt vấn đề khổ đau cho họ trong khi họ đang còn yếu đuối thì chỉ làm cho họ thêm khổ đau mà thôi vậy.
VẤN ĐỀ LUÂN HỒI
Đối với những bậc đệ tử đã giác ngộ, Luân Hồi là một thực thể hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhưng các bậc ấy chỉ có xuất hiện nhiều trong thời đại đức Phật hay hơn nữa là trong những thế kỷ kế cận mà thôi. Ngày nay, rất ít người chứng được quả A La Hán, và cũng vì thế ít người có thể tự mình chứng-nghiệm được những giáo lý Phật dạy. Cũng do đó mà giáo lý Nghiệp Báo Luân Hồi ngày nay đã trở thành những chủ đề tín ngưỡng. Vấn đề Luân-Hồi đã trở thành một vấn đề tín ngưỡng cá nhân.
Theo lời Phật dạy, chúng ta tin tưởng rằng do những nghiệp nhân quá khứ mà ta có kiếp sống hiện tại. Bản thân của ta sinh hoạt trong hoàn cảnh hiện tại là kết quả của những ý tưởng, ngôn ngữ và hành động của ta từ những kiếp trước. Do vô minh thường xuyên, chúng ta tạo nghiệp và sinh hoạt trong cuộc sống vô thường, khổ không và vô ngã. Lại cũng do vô minh mà ta lầm tưởng có một Bản Ngã riêng biệt, thường còn, bất biến. Sự vọng tưởng về Bản Ngã ấy đã làm phát sinh và trưởng thành nhiều dục vọng, và chính dục vọng thúc đẩy ta tạo thêm vọng nghiệp để rồi phải bị sinh tử luân hồi mãi mãi trong cuộc đời khổ đau.
Bao giờ ta diệt được tận gốc những vọng nghiệp, ta sẽ được giải thoát ra ngoài vòng sinh tử lưu chuyển. Lúc bấy giờ cuộc đời vô thường khổ đau không còn tồn tại nữa, và ta sẽ an nhiên thường trú trong Niết Bàn tịnh lạc, kết quả tích cực của bao nhiêu thiện nghiệp vô lậu mà ta đã vun xới bón trồng. Lúc bấy giờ những vô minh vọng tưởng không còn nữa, vì ta đã đạt đến Trí Tuệ vôthượng, hoàn toàn giải thoát khỏi bóng tối mê lầm.
Giáo lý Nghiệp Báo và giáo lý Luân Hồi là hai sự thực bất tương ly. Tin tưởng thuyết Nghiệp Báo tức là tin tưởng thuyết Luân Hồi. Người Phật tử không cần đến những “chứng minh khoa học” mới tin tưởng được lý Nghiệp Báo và Luân Hồi. Bởi vì chính giáo lý ấy đã được thành-lập trên định luật bất di bất dịch của vũ trụ mà đức Phật đã trực nhận nhờ Trí Tuệ Giác Ngộ của Ngài. Đức Thích Ca đã trình bày những khám phá của Ngài trong những giáo-lý căn bản như Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Duyên Khởi. Ngài đã tự mình chứng nghiệm Chân Lý tuyệt đối và theo lời Ngài dạy, tất cả mọi người đều có thể đạt đến quả vị giác ngộ để tự mình giải-thoát ra ngoài vòng luân hồi nghiệp báo.
Con đường đi đến giác ngộ là con đường Bát Chánh Đạo. Đức Phật và các bậc giác ngộ khác đã nhờ trực giác nội tâm mà chứng quả giải thoát. Con đường trực giác nội tâm là con đường của các nhà đạo học đông phương, trong khi con đường của tây phương là con đường trung gian của nhận xét khoa học và kinh nghiệm. Phương pháp của người Tây phương căn cứ trên sự đo lường chính xác và trên những khảo sát toán học, nhờ sự giúp đỡ của máy móc và của những dụng cụ khoa học. Cái phương pháp khoa học để đi đến chân lý ấy là một phương pháp lâu lắc; tuy nhiên, khoa học đã đưa lại nhiều tiến bộ, nhất là trong các địa vực y học, hóa học và lý học. Nhưng điều đáng kể hơn cả là khoa học đã giúp ta nhận biết được vạn vật một cách rõ ràng hơn.
Khoa học đã phát minh nhiều phương tiện để giúp đỡ giác quan của chúng ta mở rộng được phạm vi nhận biết. Tuy nhiên, tất cả những phát minh thần diệu ấy chỉ có thể khoáng đại thêm cái phạm vi nhận biết của giác quan mà thôi, chứ không thể giúp ta nhận biết được sự thật tuyệt đối của vạn hữu. Chúng ta chỉ có thể nhận biết sự thật trong một giới hạn rất hẹp hòi. Chúng ta chỉ có thể nhìn vũ trụ qua những cửa sổ tí hon, mặc dù khoa học đã giúp cho thị giác và thính giác của chúng ta một khả năng nhận biết rất lớn lao. Con người của thời đại mới đã phải kết luận rằng trong vũ trụ còn có vô-số những sự vật mà chúng ta không thể nhận biết bằng giác quan được, dù ta có nhờ đến những phát minh kỳ diệu của khoa học giúp sức đi nữa.
Các nhà khoa học cũng đã bắt đầu tự hỏi có phương pháp nào giúp giác quan nhận được sự thật một cách hữu hiệu hơn phương pháp khoa học không, và một số đã quay về tâm linh học.
Có những nhân vật siêu phàm đã sáng suốt nhận biết được nhiều sự vật thực tại mà giác quan tầm thường không thể nhận biết. Sự kiện rõ ràng này đã chứng minh rằng con người có thể nhận biết thực tại bằng những phương pháp khác hẳn với phương pháp nhận biết thông thường của giác quan.
Hơn nữa từ khi Freud khám phá ra hiện tượng “vô thức” (l’inconsient) – khám phá nhờ phương pháp thôi miên và những phương pháp phân tâm học trị bệnh – người ta thấy có nhiều người, nhờ lực lượng thôi miên, có thể nhớ lại được những chuyện hồi còn ba bốn tuổi mà khi tỉnh táo họ hoàn toàn quên lãng. Ngày nay, y học đã áp dụng phương pháp phân tâm thôi miên bằng cách chích vào mạch máu bệnh nhân chất Sodium Amytal hay chất Penthotal trong lúc ngủ để tìm hiểu chứng-trạng của các bệnh thác loạn tâm trí và cũng để trị liệu một vài chứng bệnh như bệnh suy nhược tinh thần (psychonévrose) chẳng hạn.
Lại nữa trong những cuộc thí nghiệm gọi là “hoàn đồng” (régression de l’âge), các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng trong trạng thái thôi miên, người ta có thể hoàn toàn sống lại như thời thơ ấu. Các nhà tâm lý học kia có thể bắt những người chịu thôi miên viết đúng theo tuồng chữ mà những người này đã viết hồi mười tuổi hay bảy tuổi. Nếu cứ “đẩy lui” riết cho đến khi họ trở về ba bốn tuổi, họ sẽ không viết được nữa và chỉ kẻ được lên giấy những dòng lăng nhăng mà thôi.
Tâm lý học hiện đại đã chứng minh một cách khoa học rằng ngoài tác dụng ý thức, con người còn có tác dụng vô ý thức, duy trì những kinh nghiệm và nhận thức từ hồi con người mới sinh.
Nhờ ánh sáng của khoa tâm lý học mới, giáo lý Luân Hồi bỗng nhiên trở thành dễ hiểu, dễ nhận đối với những người có chút ít kiến thức về khoa học. Bởi vì người ta đã thấy rõ ràng rằng không những cõi vô-thức duy trì ảnh tượng và kinh nghiệm của đời này mà còn bảo tồn những kinh nghiệm và ảnh tượng của những đời quá khứ nữa. Điều ấy chứng minh rằng khả năng vô thức kia đã chứa đựng nghiệp nhân quá khứ của nhiều giai đoạn sinh mệnh quá khứ.
Giáo lý đạo Phật dạy rằng khi con người chết, nghiệp nhân đã gây trong kiếp sống vẫn còn lại; và chính đó là nguyên nhân cho một giai đoạn sinh mệnh khác. Cũng có nghĩa là nghiệp nhân ấy tái sinh trong vô thức cuả một chúng sinh mới, và biến thành một động lực thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển của chúng sinh ấy. Nghiệp lực được xem như là đồng nhất với tâm thức, và tâm thức ấy được gọi là “Kết sanh tương tục thức” (Pàtisanddhis Vinnana).
Khi đứa trẻ mới sinh, vô thức đã nằm sẵn trong đáy sâu của tâm thức; trong lúc ấy ngoài biểu diện ý thức bắt đầu khai mở và phát triển.
Vô thức chứa đựng nghiệp nhân quá khứ, ảnh hưởng và điều động ý thức sinh hoạt theo lề lối quá khứ. Trong kiếp sống hiện tại, chúng ta hành động dưới ảnh hưởng của những tiềm lực mà tâm lý học ngày nay gọi là những “ước muốn vô thức” (souhaits inconscients) đã sẵn có khi mới sinh và từ những kiếp trước. Tuy vậy, con người còn ý chí tự do của mình, có thể cản ngăn không cho hành động tư tưởng và ngôn ngữ của mình đi theo đường lối vọng nghiệp cũ, rồi lấy đó làm phương tiện diệt trừ những nghiệp nhân mê vọng ngày xưa.
Để được tự chủ và thoát ra ngoài những chi phối của những lề thói quá khứ, người Phật tử phải thực hành phép thiền quán. Sự tập trung tư tưởng giúp cho người có ý thức tràn đầy về những kinh nghiệm quá khứ. Con người sẽ hiểu rằng bao nhiêu khổ đau hiện tại chính là nghiệp nhân của chính mình đã tự tạo, và cũng thấy rằng mình có những phiền não Tham, Sân, Si đã ràng buộc mình vào cái vòng sinh tử thụ động và khổ đau. Nhờ nhận thức ấy, con người sẽ có năng lực giải thoát luân hồi.
Khoa học hiện đại, khi khám phá ra nguyên tử lực, đã chứng minh rằng luật vô thường (Anicca) của đạo Phật là một thực tại. Tâm lý học ngày nay cũng đã tìm ra hiện tượng vô thức trong bề sâu của tâm lý con người. Một ngày mai, nhờ phương pháp “hoàn đồng” hay những phương pháp phân tâm học mới mẻ hơn, khoa học sẽ có thể chứng minh được sự thực tại của Luân Hồi. Những bằng chứng ấy sẽ đánh tan được trở ngại cuối cùng, để cho mọi người có thể nhận rõ giáo lý đạo Phật, và cũng để cho nhân loại ngày nay có thể tìm được sự an tĩnh của tâm hồn.
Là Phật tử, chúng ta không cần đến những bằng chứng khoa học để tin tưởng. Luân Hồi đối với chúng ta là một sự thực, bởi vì ta đã thấy nhiều người có thể nhớ lại những kiếp gần đây của họ. Đức Phật đã dạy cho chúng ta con đường Bát Chính để đi đến sự thoát ly Khổ Não và Luân Hồi. Con đường đã vạch, chúng ta có thể tiến bước với một niềm tin vững mạnh.
VẤN ĐỀ NHÂN DUYÊN
Vào thời đại của đức Phật, vấn đề nguyên lý của vạn vật là một vấn đề rất được chú trọng trong tư tưởng giới Ấn Độ. Kinh Phạm Động có chép lại đến sáu mươi hai lối giải thích khác nhau của các triết phái Ấn Độ thời ấy. Tựu trung, ta thấy có ba khuynh hướng sau đây:
1.Khuynh hướng Túc mệnh luận (Pubba katahetu). Các triết phái thuộc khuynh hướng này chủ trương tất cả tự nhiên giới và nhân sự giới đều do tiền định an bài. Mọi sự đều vận hành theo những quy luật tự nhiên sẵn có. Giá trị nhân lực và vật lực ở đây không được thừa nhận.
2.Khuynh hướng Thần ý luận (Issara mimmarahetu). Các triết phái thuộc khuynh hướng này chủ trương tất cả vạn sự đều tồn tại do ý chí của một đấng thần minh. Vị thần minh ở đây là Phạm Thiên (Brahma) và trung tâm của các triết phái thuộc khuynh hướng này là Bà la môn giáo.
3.Khuynh hướng Ngẫu nhiên luận (Ahetu apaccaya). Các triết phái thuộc khuynh hướng này không thừa nhận có lý nhân quả. Tất cả vạn tượng đều sinh khởi và tồn tại một cách ngẫu nhiên, không theo một quy luật, một lý pháp nào cả.
Khuynh hướng thứ nhất và thứ hai quy tất cả trách nhiệm cho một thế lực siêu nhiên. Trách nhiệm cá nhân ở đây không thành vấn đề; họa phúc đều là những gì mà con người không thể quyết định. Những hành vi thiện ác của con người không phải là động cơ của tất cả mọi sự thành bại hư nên.
Khuynh hướng thứ ba cũng không đặt được nền tảng của trách nhiệm đạo đức cá nhân. Nếu tất cả đều là ngẫu nhiên, thì thiện cũng ngẫu nhiên, ác cũng ngẫu nhiên, họa phước cũng ngẫu nhiên; không có gì làm tiêu chuẩn cho hành vi con người cả. Do đó con người không thể tiến dần đến chân mỹ thiện, trái lại còn rất dễ sa vào dốc tội lỗi và trụy lạc nữa.
Đứng về phương diện lý luận, những thuyết thuộc khuynh hướng trên đều có nhiều khuyết điểm. Đứng về phương diện nhân sinh, hậu quả do những thuyết kia đem lại là những hậu quả đen tối, buồn nản. Tất cả đều không thể gây cho con người một sự an tâm lập mạng, không xác nhận được khả năng cần thiết và sẵn có của con người.
Lập trường của đức Phật là thuyết minh nguyên lý vũ trụ để làm nền tảng cho một đường lối nhân sinh. Nguyên lý ấy phải phù hợp với sự thật của muôn ngàn hiện tượng, và đường lối nhân sinh ấy phải đưa con người đến sự hoàn thành một giá trị đạo đức và tôn giáo. Mục đích của đức Phật khi thuyết Trường A Hàm không phải là cố đánh đổ lý thuyết của kẻ khác mà chỉ là để bài xích những quan niệm triết học sai lạc có thể cản ngăn sự thực hiện đạo đức và giải thoát của con người.
Thế giới quan mà đức Phật thuyết minh là thế giới quan nhân duyên (paticca samuppada). Tất cả mọi hiện tượng đều nương vào nhau để mà thành lập. Tất cả đều có liên hệ mật thiết đến nhau. Không có sự liên hệ ấy, sẽ không có một vật nào được thành lập. Sự liên hệ ấy chính là nhân duyên. Trong kinh điển có những danh từ NHÂN (Hetu), DUYÊN (Paccaga), ĐIỀU KIỆN (Nidana), TẬP (Samudaya) đều là những tên gọi khác nhau để chỉ sự liên-hệ ấy. Đức Phật đã định nghĩa NHÂN-DUYÊN như sau:
“Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh, nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt…”
(Cái nầy có thì cái kia có, cái nầy sinh thì cái kia sinh, cái nầy không thì cái kia không, cái nầy diệt thì cái kia diệt…”
Nói “Cái nầy có thì cái kia có, cái nầy không thì cái kia không” tức là trình bày sự quan hệ của những sự vật tồn tại đồng thời. Nói “Cái nầy sinh thì cái kia sinh, cái nầy diệt thì cái kia diệt” tức là trình bày sự quan-hệ của những sự vật tồn tại khác thời. Tất cả các pháp đều sinh diệt và tồn tại trong sự hỗ tương liên hệ rất mật thiết ấy; không có pháp (hiện tượng) nào có thể tồn tại độc lập và tuyệt đối. Nhân trước quả sau thì gọi là dị thời nhân quả, nhân quả cùng một lúc thì gọi là đồng thời nhân quả. Một nhân có thể có những quả khác nhau tùy theo các duyên (điều kiện) phụ tiếp. Vì vậy, không thể có nhân tuyệt đối và cũng không có quả tuyệt đối.
Thế giới được dệt thành bởi những hệ thống nhân-duyên đồng thời (đứng về phương diện không gian) và những hệ thống nhân duyên dị thời (đứng về phương diện thời gian). Đó là quan niệm nhân quả của đạo Phật. Trong kinh luận, danh từ hữu vi pháp (Samkhata dhamma) chính là để chỉ cho những hiện tượng của thế giới nhân duyên ấy. Tất cả đều vô thường biến thiên chính cũng do sự liên hệ nhân duyên, bởi vì trong thế giới nhân duyên, không thể có những hiện tượng thường hằng vĩnh cửu. Do quan niệm duyên sinh nầy mà đạo Phật bài xích quan niệm sáng tạo thế giới của một đấng Thượng Đế hữu ngã. Đó là một điều mà chúng ta không thể không thừa nhận.
Theo chủ trương của Hoa Nghiêm Tông, toàn thể vũ trụ là cả một hệ thống duyên khởi trùng điệp vô tận. Giáo lý Hoa Nghiêm, như thế, đã thành lập trên quan niệm liên hệ nhân quả của A Hàm. Còn tác phẩm A Tỳ Đạt Ma của Phật giáo Nam Tông cũng đã phân loại nhân duyên để quan sát tìm hiểu và chính đó cũng là nhiệm vụ chủ yếu của các luận sư Thượng tọa bộ. (Luận Mahapakarana phân biệt đến 24 duyên; Xá Lợi Phất A Tỳ Đàm Luận quyển 25 phân biệt 10 duyên; Hữu Bộ chủ trương 4 duyên).
Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu sơ-lược về hai loại: dị thời nhân quả và đồng thời nhân quả.
1.Vấn đề đồng hời nhân quả, cũng là vấn đề chủ quan và khách quan. Đức Phật dạy: thế giới là sự giao tiếp giữa nhận thức chủ quan và đối tượng khách quan. Ngoài ra, không có gì có thể gọi là thế giới nữa:
“Nầy các thầy Tỳ kheo! Ta muốn khai thị cho các ngươi về vấn đề tất cả (các pháp). Các ngươi hãy lắng nghe.
Các thầy Tỳ Kheo! sao gọi là “tất cả (các pháp)?” Đó là mắt đối với sắc, tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, tâm đối với pháp. Nầy các thầy Tỳ-Kheo! Như thế gọi là “tất cả (các pháp)” (Samyutta)
Như thế, thế giới được thành lập trên sự liên hệ nhận thức của lục căn và lục trần. Ngoài lục căn và lục trần tất cả đối với chúng ta đều là vô nghĩa. Cho nên như lời Phật dạy, nếu không có chủ quan thì không có khách quan, không có đối tượng thì không có chủ thể! Nếu ly khai sự liên hệ giữa chủ quan và khách quan thì thế giới không thể thành lập. Tất cả đều được thành lập trên sự liên hệ ấy, cũng như hai nhánh lau dựa nhau mà sống vững:
“Này các bạn! Như hai cây lau nhờ liên hệ nhau, dựa nhau mà đứng, cũng như thế, nhờ Danh, Sắc (le nom et la forme) làm duyên mà có Thức, nhờ Thức làm duyên mà có Danh, Sắc… Trong hai cây lau, nếu lấy cây này đi cây kia sẽ ngã, nếu lấy cây kia đi, cây này sẽ ngã. Như thế, này bạn! do Danh, Sắc diệt cho nên thức diệt, do Thức diệt cho nên Danh, sắc diệt.” (Samyutta)
“Danh Sắc” ở đây là chỉ cho tổ chức sinh lý và tâm lý của loài hữu tình, làm đối tượng cho “Thức” tức là phần nhận thức chủ quan. Nhưng không phải Danh Sắc là những gì tồn tại biệt lập ngoài Thức. Cả hai nương nhau để được thành lập. Giữa cả hai có một liên hệ mầu nhiệm, không phải một cái có trước, một cái có sau. Lìa sự liên hệ ấy, cả hai đều không thể tồn tại.
2.Vấn đề dị thời nhân quả cũng là vấn đề liên tục tồn tại. Tất cả mọi hiện tượng tuy là vô thường, biến thiên, nhưng không có một vật nào hoàn toàn đoạn diệt. Không có một cá thể nào vĩnh cửu bất biến, nhưng luôn luôn có những “dòng” hiện tượng liên tục bất đoạn. Mọi vật biến chuyển liên tục theo những phép tắc nhất định, Đức Phật đã chú trọng đặc biệt về sự thuyết minh dòng liên tục sinh mạng; nghĩa là về những hiện tượng hữu tình. Ngài dạy rằng động cơ căn bản của luân hồi sinh tử là vô minh và ái dục. Bản thân loài hữu tình là những kết hợp của toàn thể những kinh nghiệm và những nghiệp nhân quá khứ. Do những nghiệp nhân hiện tại, các loài hữu tình sẽ đi đến những giai đoạn sinh mệnh vị lai. Về phương diện luân lý, Ngài khai thị quy luật dị thục nhân và dị thục quả. Về phương diện tâm lý, Ngài giải bày quy luật đồng loại nhân và đẳng lưu quả. Về phương diện siêu hình, Ngài trình bày quy luật Thập Nhị Nhân Duyên. Tuy rằng cách đây hai ngàn năm trăm năm, những thuật ngữ và cách dụng ngữ còn nghèo nàn, nhưng văn tự Tứ A Hàm cũng đã có thể diễn giải được những giáo lý tinh vi ấy.
Tóm lại, quan niệm nhân quả của Phật Giáo theo nghĩa hẹp, chỉ là Nhân quả luật (Loi de Causalité); nhưng theo nghĩa rộng, không phải chỉ là những quan hệ nhân quả có tính cách thuần túy lý luận. Quan niệm nhân quả của đạo Phật bao hàm cả những quan hệ đạo đức, giải thoát; bề rộng thì dàn trải khắp mười phương và chiều dài thì thấu suốt quá khứ vị lai hiện tại. “Một” có liên hệ mật thiết đến “Tất Cả’ và “Tất Cả” có thể nhận thức qua “Một”. Một vị thiền sư Việt Nam thời xưa đã diễn tả lý ấy trong hai câu thần diệu:
“Tác hữu trần sa hữu
Vi không, nhất thiết không”
Dịch:
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.”
Một hạt bụi tuy là nhỏ, nhưng đã tồn tại trên sự liên hệ của toàn thể. Toàn thể tuy là lớn, nhưng mất sự liên hệ với hạt bụi nhỏ, sẽ không thể thành lập. Vì vậy, một vị thiền sư khác triều Lý đã diễn tả:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
(Càn khôn rút lại đầu lông xíu,
Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng.)
Sự lớn nhỏ ở đây không còn là sự lớn nhỏ nữa. Một hạt cải tuy nhỏ, nhưng đã được thành lập trên sự liên-hệ của toàn thể. Tất cả vũ trụ đã hòa hợp để tạo nên nó cũng như nó đã hòa hợp với tất cả vũ trụ để tạo nên nhật nguyệt. Có nó thì có tất cả, không có nó thì tất cả đều không. “Trời Đất có thể nằm gọn trên đầu một sợi tóc.” Chính là ý ấy.
Thế giới vũ trụ và muôn loại được dệt nên bởi những hệ thống nhân duyên trùng trùng vô tận. Đó là nhận định căn bản và sâu sắc của đạo Phật. Trên nhận định ấy, sẽ được thành lập nên những hệ thống giáo lý siêu việt và những phương pháp hành trì mầu nhiệm. Khoa học hiện thời đã vượt qua quan niệm nhân quả đơn giản một chiều và đã tiến gần đến quan niệm trùng trùng duyên khởi của đạo Phật. Chúng ta mong rằng một ngày kia bó đuốc của giáo lý nhân duyên sẽ được hoàn toàn tỏ rạng để tiếp tục phá trừ những quan niệm về túc mệnh, về ngẫu nhiên và về thần tạo, để loài người sớm nhận thức được đường lối của mình.
Thích Nhất Hạnh
(Còn tiếp)