Ông từng đảm trách Thư ký tòa soạn Báo Sông Lô – quân khu 10 Việt Bắc 1947; tham gia lớp báo chí cách mạng VN đầu tiên – khóa Huỳnh Thúc Kháng 1948 tại Việt Bắc; phụ trách trang văn nghệ báo Cứu Quốc… Sau khi nước nhà thống nhất – 1975, ông chuyển vào TP.HCM, từng có thời gian làm việc tại Báo Giác Ngộ với chức danh Phó Tổng thư ký tòa soạn.
Ông đã qua đời vào lúc 7g23 sáng 30-6-2017 (nhằm ngày 7-6-Đinh Dậu), tại nhà riêng, hưởng thọ 95 tuổi.
Thay mặt BBT Báo Giác Ngộ, sáng nay 1-7, ĐĐ.Thích Tâm Hải đã dẫn đoàn Báo Giác Ngộ đến viếng tang, tưởng niệm và phân ưu cùng gia quyến của nhà thơ Hải Như tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Nhà thơ Hải Như là tác giả của các thi tập đã được xuất bản: Trái đất mai này còn lại tình yêu, NXB Văn học, 1985; Nỗi buồn hoa bất tử, NXB Lao động, 1994; Thơ viết về Người, NXB Nghệ An, 2004…
Tưởng niệm nhà thơ Hải Như, xin giới thiệu cùng bạn đọc hai tác phẩm của ông cảm hứng về Phật giáo, .
Đạo Phật nếu tôi yêu
Với Tuệ Trung thượng sĩ – Nhà Phật học lớn đời Trần
“Phật là Phật – Anh là anh
Anh không cần thành Phật
Phật không cần thành anh!…”
Ơi thượng sĩ Tuệ Trung
Câu nói đó đã vào lịch sử
Cửa Thiền gia…
Tôi sống cách xa Người
Hơn bảy trăm năm còn nghe rõ tiếng ai cười
Trên bàn tiệc trả lời cô em gái
Ôi con người con người mãi mãi
Không thấy cần trở thành chính mình
Với vẻ đẹp an nhiên
Lại viễn mơ thành Phật – bởi quên
Phật không ở ngoài ta Phật trong ta
Cảm ơn Tuệ Trung khơi dậy
Từ bảy thế kỷ trước Tuệ Trung đã thấy
Bảy thế kỷ sau con người vẫn chưa tỉnh vọng mê
Nhân loại trên ngưỡng cửa 2000 đặt chân tới sao Khuê
Nhưng hạnh phúc trần gian đang còn ẩn số
Tuệ Trung đánh thức mọi tâm linh đừng mặc cảm mình bé nhỏ
Phút thăng hoa chào đón mọi con người
Phật trong anh Phật cũng ở trong tôi
Khi trở thành chính mình tất cả đều là Phật
Con người đầy ảo tưởng vô minh
Đánh mất mình quá lâu
Cần khôi phục “chân thân” – đừng để mất
Tuệ Trung không muốn chúng ta hiểu sai đạo Phật – lạc đường
“Phật với chúng sinh diện mạo vốn cùng khuôn”
Đạo Phật nếu tôi yêu
Cảm ơn. Cảm ơn nhiều – thượng sĩ…
***
Đêm trăng trên chùa Pháp Hoa
Có phải thuở hồng hoang thế đó
Trong mối giao hòa vạn vật thân nhau
Ta muốn hỏi bức tranh ai họa
Chùa Pháp Hoa treo ở trên lầu?
Bức tranh vẽ một nhà đạo sĩ
Gối đầu lên lưng hổ – giấc nồng
Trong tĩnh lặng rừng khuya trăng sáng
Trời đêm nay trùng lặp cung trăng trong
Thầy viện chủ giờ này đang thiền tọa
Dưới tăng phòng khách một mình ta
Bỗng đạo sĩ trong tranh thức giấc
Ta nhận ra Người – đạo sĩ nhận ra ta!
Đạo sĩ nở nụ cười thuần phác
Khẽ ghé vào tai hổ – bạn mình
Hổ đứng dậy vươn vai hớn hở
Cả hai cùng ra khỏi bức tranh…
Ta khao khát bao điều ấp ủ
Muốn hàn huyên – chợt động tiếng chân người
Hổ lẹ trườn mình ra hiệu nhà đạo sĩ
Quay trở về tranh đứng – bỏ ta thôi!
Ta chạy theo định giữ chân ai lại
Nhưng trông lên đã thấy hổ và người
Lại trìu mến gối đầu nhau dưới nguyệt
Hổ lánh xa vì thoáng thấy bóng đời
Thuở hồng hoang hổ với người kết bạn
Nay hổ tránh người – sợ bạn – buồn ơi
Khuya chơi chùa Pháp Hoa về ta không ngủ nổi
Nhân loại hôm nay cần xem lại con người…