Có chiều cao bằng một tòa nhà… 10 tầng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, bạn có biết pho tượng Phật ấy nằm ở đâu không?
Nằm không xa thành phố Thành Đông, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc là bức tượng Lạc Sơn Đại Phật lớn nhất thế giới. Được tạc thẳng vào một mặt của núi Lăng Vân, bức tượng này có niên đại lên tới 1300 năm và được cho là tượng đá Đức Phật lâu đời nhất thế giới, đồng thời cũng là bức tượng cận hiện đại cao nhất. Di tích này thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan mỗi năm. Vậy đằng sau bức tượng lâu đời này là những câu chuyện thú vị nào?
Tượng Lạc Sơn Đại Phật nằm ở phía đông thành phố Lạc Sơn, tọa lạc ở nơi giao nhau của 3 con sông: sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Người ta cho rằng bức tượng này là Phật Di Lặc với vóc dáng đẫy đà, khuôn miệng mỉm cười đầy nhân từ, dáng ngồi khoan thai, tay đặt lên đầu gối và trông thẳng ra con sông bên dưới.
Điểm nổi bật của bức tượng này không chỉ nằm ở kích cỡ mà còn sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Bức tượng hoàn toàn bằng đá, trừ phần tai bằng gỗ được bọc bằng đất sét. Đặc biệt, phần tóc của Phật là 1021 lọn tóc xoắn ốc được xếp cạnh nhau rất cẩn thận và đẹp mắt.
Nếu Đức Phật “đứng” lên, bức tượng có thể đạt chiều cao ngang ngửa với tượng Nữ Thần Tự Do. Không thể diễn tả được sự khổng lồ của Lạc Sơn Đại Phật này bởi 100 vị sư có thể ngồi vừa chỉ trên… một bàn chân của pho tượng. Tổng chiều cao của Lạc Sơn Đại Phật đạt đến 71m với phần đầu là 15m, phần vai rộng 28m, mỗi lông mày của Đức Phật dài 5,5m, tai 7m.
Cho đến nay, trải qua hàng trăm năm nhưng bức tượng vẫn đứng sừng sững, không bị xói mòn nghiêm trọng. Bí ẩn nằm ở hệ thống thoát nước được trang bị khuất trong một số bộ phận của bức tượng như tóc, cổ, ngực và sau tai. Chính hệ thống này đã giúp ngăn chặn sự xói mòn do thiên nhiên và thời tiết trong hàng trăm năm qua. Hệ thống thoát nước của tượng Lạc Sơn Đại Phật là một hệ thống phức tạp gồm nhiều máng ẩn và kênh, giúp thoát nước mưa một cách triệt để nhất, giữ cho các bộ phận bên trong khô ráo.
So với khi xuất hiện những ngày đầu, bức tượng trông đã có ít nhiều thay đổi. Trước đây, bức tượng từng được rào lại để bảo vệ, chống xói mòn. Tuy nhiên, đến cuối thời nhà Minh, những hàng rào gỗ này bị dỡ bỏ, trả lại bức tượng về với nguyên hiện trạng ban đầu.
Đối với người Trung Quốc cổ đại, việc xây dựng một bức tượng có kích thước và tầm vóc lớn là một cách để thể hiện sự biết ơn và tôn sùng đối với các vị thần. Ngay sau khi Lạc Sơn Đại Phật này được hoàn thành, người dân vẫn tiếp tục khắc những pho tượng Phật nhỏ hơn xung quanh bức tượng khổng lồ này. Trên vách đá cạnh tượng Phật là hai chiến binh đá trong bộ giáp, tay cầm chiếc giáo nhọn.
Ngoài ra, quần thể những bức tượng nhỏ nêu trên cùng những lăng mộ từ thời nhà Hán, đền thờ, chùa chiền… đã tạo nên một khu bảo tàng điêu khắc đậm chất Phật giáo – một điển hình cho kiến trúc tôn giáo đáng chú ý, làm cho khu vực này trở thành đối tượng nghiên cứu đặc biệt quan trọng đối với các nhà khảo cổ.
(Theo YAN News)