Đỉnh núi Các thuộc xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chứa đựng dấu tích của ngôi chùa cổ và các hiện vật xa xưa ngày càng phát lộ, thu hút giới nghiên cứu sử học và hàng nghìn du khách.
Tại vùng đồng bằng ven biển, hệ thống núi Các thuộc các xã Định Hải và Các Sơn (huyện Tĩnh Gia) trùng điệp, cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, được xem như nơi thâm sơn cùng cốc của vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Nên từ nhiều đời nay, rất ít người chinh phục hết dãy núi có thế nhọn, cong hình cánh cung gồm 9 ngọn núi cao chót vót ở về phía Tây Bắc của huyện Tĩnh Gia này.
Hệ thống quần thể chùa cổ trên các triền núi cao ở đây đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng và các cổ vật rơi rớt lại, bị núi non um tùm che kín. Duy chỉ có ngôi chùa Hạ nằm trên lưng chừng núi Các, cách chân núi khoảng 4km vẫn được người dân địa phương thỉnh thoảng men theo đường mòn, lên hương khói.
Khoảng năm 2005, một số người dân địa phương đã phát hiện thêm nhiều nền móng và các hiện vật bằng đá trên phía gần đỉnh các ngọn núi. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm về đây, dần khám phá ra những điều thú vị về lịch sử qua những nền móng, cổ vật lộ thiên và trong lòng núi.
Người có công lớn nhất trong việc tìm các dấu tích và nghiên cứu các tài liệu, thư tịch cổ về quần thể di tích Am Các này là Đại Đức Thích Nguyên Đại, trụ trì chùa Yên Cát ở xã Quảng Cát (TP Thanh Hóa), nay được bổ nhiệm trụ trì chùa cổ Am Các.
Bà Nguyễn Thị Khuyến – Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, nhận định: “Nằm trên vùng đất có bề dày truyền thống của đạo Phật mà Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (sử sách chép ông là người huyện Tĩnh Gia) – là vị Tăng Thống đứng đầu các nhà sư trong nước dưới triều Đinh – Lê, cùng với nhiều ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng như chùa Đót Tiên, xã Hải Thanh, chùa Phúc Long, xã Hải Ninh…, chùa Am Các được xây dựng trong các thế kỷ sau đó đã khẳng định sự nhập thế của đạo Phật, hòa đồng với tinh thần độc lập dân tộc, là nét nổi trội trong lịch sử Phật giáo ở vùng đất này và nó chi phối mọi hoạt động văn hóa tín ngưỡng của cư dân ở đây diễn ra một thời kỳ dài trong lịch sử dân tộc”.
Còn nhiều bức màn bí mật sau những cổ vật và hệ thống nền móng chưa được biết đến. Tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định, hệ thống chùa Am Các là một quần thể công trình phật giáo tầm cỡ và cổ xưa bậc nhất tại xứ Thanh từng được phát hiện.
Ngôi chùa Hạ, cách chân núi Các khoảng 4km, lâu nay người dân địa phương vẫn men theo đường mòn giữa núi rừng, lên chùa hương khói.
Tại ngôi Tam Bảo chùa Hạ vẫn lưu giữ và thờ cúng pho tượng bằng đá từ thời xa xưa.
Các hiện vật và nền móng của quần thể các chùa như: Tượng pháp, chân tảng đá hoa sen, bàn thờ đá, bệ đá hoa sen, bát hương, gạch ngói cổ… và nền móng nhà Tổ, nhà Mẫu, chùa Chính cùng với cảnh quan cho thấy hệ thống chùa Am Các trước đây được xây dựng quy mô to lớn. Tuy nhiên, quần thể công trình kiến trúc không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại các dấu tích.
Dọc đường đi có thể bắt gặp nhiều phiến đá có hình dạng như những chiếc mõ, chuông, hình con voi, rùa,…”Tiếng vọng ngàn xưa – Mõ chùa” là tên gọi một phiến đá to có hình dạng giống chiếc mõ được sư thầy Thích Nguyên Đại đặt tên.
Nhiều công trình kiến trúc cổ bị phá huỷ, giữa núi rừng chỉ còn rơi rớt lại một vài nền móng và cổ vật. Đây là một trong những lăng mộ được xem là của sư trụ trì chùa ngày xưa.
Cách chùa Hạ khoảng 1-3km, men theo những con đường mòn là dấu tích của một số nền móng chùa cũ như chùa Thượng, chùa Trung, khu thờ Tứ Phủ, thờ Mẫu… Chùa Trung cũng được sư thầy Thích Nguyên Đại cho phục dựng.
Một tảng đá khắc chữ Hán đã bị mờ trước chùa Hạ. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm về đây, dần khám phá ra những điều thú vị về lịch sử qua những nền móng, cổ vật lộ thiên và trong lòng núi.
Giữa núi rừng sỏi đá là một giếng nước to trong vắt dù không có hệ thống lưu thông ra bên ngoài trước chùa Hạ mới được trùng tu.
Chùa Thượng được phục dựng trên đỉnh cao nhất núi Các, nơi được ví như “cổng trời” nơi hạ thế. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát Khu kinh tế Nghi Sơn, đảo Hòn Mê xa xa mờ ảo và nhiều vùng của huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Thanh…
Ngoài những công trình kiến trúc cổ, có thể bắt gặp cảnh non nước hữu tình của hồ Hao Hao rộng hàng chục hécta, quanh năm nước xanh mát và dòng suối sâu nằm uốn mình quanh chân núi. Ở độ cao vừa phải nhìn xuống hồ đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.
Những con đường lên núi đang được quy hoạch, mở rộng giúp việc đi lại của du khách thuận tiện hơn, nhiều công trình đang được phục dựng.
Mai Anh