Nay xuống bút vài hàng ngụ ý

Tả đôi lời hữu chí cánh thành,

Sống trong bầu vũ trụ đã đành

Sao nhắm mắt đưa theo chiều gió?

Đồ vật chất tham giành cho có

Bã lợi danh là gió làm duyên

Cuộc hồng trần lắm nỗi đảo điên

Cảnh đời ví như xiềng xích trói.

Có thân khổ làm sao tránh khỏi

Mau nhìn đường tìm tỏi bước ra

Vật trên đời như mật dính hoa

Ghẹo bướm nọ, kêu ong nhử kiến.

Kẻ giác ngộ chớ vì tham luyến

Thấy vật đời là miếng mồi trần

Mến tham thì khổ lụy tấm thân

Nên mau dứt, lìa trần giải thoát.

Thấy thời thế đắng, cay, chua, chát…

Cứ vì nhau xô xát mãi hoài

Thương chúng sanh vũ trụ muôn loài

Cam khốn khổ biết ngày nào hết?

Còn khổ bịnh, khổ già, khổ chết

Nỗi vô thường là vết đầu tiên

Trong chúng sanh tất cả các miền

Sanh với diệt xoay chuyền liên kết.

Nếu có sống ắt là có chết!

Sự nghiệp tan như kết vầng mây

Sống con người rày đó mai đây

Như đèn nọ treo ngay trước gió.

Nhìn thấy đó bỗng liền mất đó

Nó vô thường huyễn hoặc lắm thay!

Phận con người ở chốn trần ai

Thân cũng tạm, vật nay cũng tạm!

Chớ tham đắm mà tâm mờ ám

Bụi hồng trần khuyến cám dụ người

Làm cho ta lỡ khóc lỡ cười…

Mà có bấy nhiêu người hiểu rõ?

Nhớ thuở trước anh hùng Hạng Võ

Lược thao tài có mấy ai hơn…

Rốt cuộc rồi đến lúc lâm cơn

Cắt đầu nạp giao cho Hàn Tín.

Cũng lắm kẻ bao người dự thính

Thì về sau cũng dính tay không

Giống dã tràng xe cát biển Đông

Rủi lượn sóng, uổng công khó nhọc.

Thương kẻ dốt mà không chịu học

Trốn bỏ trường đi chọc phá đời

Theo văn minh nhiễm thói chơi bời

Nên khốn khổ cho thời lầm lạc.

Cũng chẳng khác con bò hông mạc

Thấy bóng đèn cứ tạt nhảy vô

Thảm thương thay! Chết héo, chết khô

Mà chẳng rõ cơ đồ tại nó…

Mây cuồn cuộn đưa theo chiều gió

Sau lâu ngày cũng có rã tan,

Cảnh hồng trần là cuộc mơ màng

Thay đổi mãi hết tan đến hiệp.

Sự mộng ảo diễn ra liên tiếp!

Cái vô thường kiếp kiếp chóng mau

Người chẳng lo đường đạo bước vào

Tu giải thoát ngày sau vĩnh viễn.

Chớ tham đắm cuộc đời mộng huyễn

Nào thân bằng, quyến luyến vợ con

Cũng đền đài, kiệu phụng, lầu son

Và cha mẹ, bà con, bạn hữu…

Vì tham tiếc của tiền đầy tủ

Vật chất nhiều quyến rũ kéo lôi

Cả tiếng kêu người trí kia ôi!

Mau dứt nó cho rồi rảnh khổ.

Hồi thuở trước Thích Ca Phật Tổ

Còn lìa trần kiếm chỗ tu thân

Bỏ lầu đài, cung điện, mỹ nhân

Cùng vợ đẹp, con thơ kia đó.

Ngài còn nói cạn lời phân tỏ

Đường sông mê thật khó lướt qua

Nhưng Ngài nghĩ đó là biển khổ

Nên mau mau kiếm chỗ thoát thân.

Ngài nói rằng: Cảnh thế bụi trần

Sự giả tạm do nhân duyên hiệp

Thấy cảnh khổ diễn ra liên tiếp

Sống con người trong kiếp mấy hồi!

Ngài nhìn tường thấy cảnh hỡi ôi

Thương sanh chúng đắp bôi trần tục

Chốn hắc ám là nơi địa ngục

Biết bao người tự rúc nhào vô…

Giành tước quyền, cấu xé lấn xô…

Tạo nghệ nghiệp, cơ đồ, dinh thự

Mạnh hiếp yếu, kẻ hiền thua dữ

Ở trên đời chẳng chữ “công bình”.

Tả làm sao hết khổ cho minh

Ngài thấy vậy, động lòng thương xót

Cõi trần thế mấy ai thoát lọt

Nỗi tử, sanh khổ não bịnh, già…

Ngài liền xin với lịnh vua cha

Cho con được xuất gia giải thoát

Nghe lời xin lịnh vua ngơ ngác

Rằng: “Cha già chỉ có một con”

Nào đền đài, kiệu phụng, lầu son

Tước đế vị, sau con nối nghiệp

Và mỹ nữ, cung phi, thê thiếp

Các lâu đài hạp tiết bốn mùa…

Xuân sang, Đông Hạ mãn, Thu qua

Cho con ở, đờn ca giải trí…

Con còn muốn vật gì nhất quý

Cha hết lòng cũng phỉ phê cho.

Vợ con thì có đủ người phò

Con nên nghĩ xét so cho rõ?”

Ngài liền nói cạn lời phân tỏ:

“Con muốn vầy: Trẻ mãi chớ già!

Cùng ốm đau, chết chẳng lân la

Được giải thoát lìa xa cõi tục

Chẳng trìu mến cuộc đời nhục dục

Tránh hai đường sanh tử luân hồi”…

Lịnh vua cha nghe nói hỡi ôi

“Xin điều ấy làm sao phê được?

Cha nay cũng còn trong ngũ trược

Thì làm sao con được thanh bai?

Cõi hồng trần sanh tử xưa nay

Mà xin phú có ai phê được?

Vua sợ nỗi cho Ngài thoát vượt

Nên canh phòng nghiêm ngặt hơn xưa

Gặp thời may sắp có chuyển mưa

Trời u ám, mây mờ đen hắc.

Ngài lên cỡi mã long Kiền Trắc

Thừa đêm khuya lén trốn vào rừng

Lìa cha già, vợ đẹp, con cưng

Tìm đạo lý cứu cho trần thế.

Thấy tứ khổ chúng sanh rất tệ

Ngài phát nguyền để tế độ đời

Sống trong bầu vũ trụ đất trời

Nơi tất cả ai ai cũng có…

SANH: Trong bụng mẹ lọt ra khóc ó

Tiếng “Khổ a” khó khó cảnh đời!

Nhờ mọi người tất cả nơi nơi

Mạng sống chết giao cho người giữ

LÃO: Ngày một lớn tập lần ngôn ngữ…

Thì lần lần sắp tử đến già

Khổ thứ này nào có gì qua

Mắt mờ mịt dòm xa chẳng thấy.

Tai thì điếc, nhờ nương cây gậy

Gối run lia như bẫy mắc giò

Tóc bạc đầu, răng rụng, ốm o

Da bọc lấy xương cho đỡ tạm.

BỊNH: Bịnh đưa đến càng thêm rất thảm

Vì uống ăn chẳng đặng điều hòa

Bịnh căn này thân ấy phát ra

Thì đau khổ rên la nhức nhối.

Cơn bịnh hoạn không phương tránh nổi

Còn mang thêm tật nọ tật kia

Sự thúi hôi ai cũng xa lìa

Thân trằn trọc lăn qua lội lại.

Bịnh đủ chứng: cùi, phong, tê, bại

Bịnh suyễn ho, bịnh tại phổi gan

Bịnh nhức đầu, sổ mũi, trái, ban

Chẳng kể xiết muôn ngàn chứng bịnh…

TỬ: Rồi lần lượt thân này tịch tịnh

Kể từ đây đến lúc chia lìa

Đường tử sanh hai ngả phân chia

Kẻ ở lại, người về âm cảnh!

Xa cách biệt ngàn năm hiu quạnh

Cảnh giả trần hết thạnh rồi suy

Sống con người gẫm có ích gì?

Mà say đắm làm chi cho khổ!

Nên thuở trước Đức Ngài Phật Tổ

Có dạy truyền di giáo lời này:

Người chớ đeo vật chất mê say

Mà đi lạc đường ngay nẻo chánh.

Phải noi dấu theo đường Phật Thánh

Dứt nghiệp duyên xa lánh hồng trần

Tìm đạo vàng nương dựa tu thân

Đặng tìm xét kiếm phần ngọc báu.

Chớ cung điện, lâu đài, áo mão

Nó vốn là mộng ảo vô thường

Lại gây điều nghiệp báo oan ương!

Vì Đức Phật lòng thương bác ái,

Nên Ngài mới đem lời huấn dạy

Kẻo người đời cứ mãi trau dồi

Phải chìm đắm luân hồi biển nghiệp.

Nay trở gót mau tu cho kịp

Đồng chung cùng hội hiệp đi lên

Con đường tu Phật – Đạo đứng trên

Ta cần bước qua nền mới vững.

Niết-bàn cảnh thanh nhàn chứa đựng

Cho người đời hết nghiệp bước qua

Cảnh trường tồn, bất diệt có ta

Thì dứt hẳn Ta-bà kham khổ!

Thì quyết hẳn ra ngoài đau khổ!…

Đánh trống giộng chuông thức tỉnh đời

Cuộc trần giả tạm vốn trò chơi

Đeo theo chi mãi điều oan nghiệp

Đây lắm lòng thương tỏ hết lời.

Tứ Kệ Tĩnh Tâm