Câu 91. Kẻ dũng mãnh chánh niệm, tâm không ưa thích tại gia; ví như con ngỗng trời, khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại cái ao hồ không chút nhớ tiếc.

Lược giảng

Theo truyện tích kể lại, thì pháp cú nầy có liên quan đến Tôn giả Đại Ca Diếp và Phật nói tại tinh xá Trúc Lâm.

Sau mùa hạ, Phật loan tin cho các vị Tỳ kheo biết là nửa tháng sau, mọi người sẽ rời khỏi thành Vương xá để lên đường du hóa khất thực nơi khác. Mọi người đều lo chuẩn bị, giặt y, rửa bát. Trong khi đó, thì Tôn giả Đại Ca Diếp, đã bị một số các Tỳ kheo nói mỉa rằng, dễ gì Ngài Ca Diếp ra khỏi thành. Dân khắp trong thành nầy, nếu không phải là thân thuộc, thì cũng là những người quen thân, thuộc Đàn na thí chủ của Ngài. Dễ gì mà Ngài đi xa được. Dẫu có theo Thế Tôn, thì cũng không ra khỏi thành xa.

kinh phap cu 91

Khi ra đi được một đoạn đường, Đức Phật bảo Ngài trở về để trông coi tinh xá. Đó là cái cớ để cho các vị Tỳ kheo càng xầm xì hơn nữa. Phật biết, trong đoàn có ý nói xấu Ngài Ca Diếp, nên Phật lên tiếng bảo rằng: “Ca Diếp trở về tinh xá là do lệnh của Ta. Không phải tự ông luyến tiếc thân quyến hay tứ sự cúng dường mà không đi theo đoàn”. Nhân đó, Phật kể lại tiền thân nhiều kiếp của Ngài chưa bao giờ dính mắc vào người cúng dường, của cúng dường và tinh xá cũng như tịnh thất; như con ngỗng chúa xuống hồ bơi lội tự tại trong đó. Bởi vì, khi con ngỗng ra khỏi ao thì chẳng còn nghĩ tưởng đến mồi, cỏ, nước trong ao của mình.

Qua chuyện tích tóm lược trên, cho chúng ta thấy, trong hàng đệ tử của Phật thời bấy giờ, ngoài những vị Tỳ kheo đã chứng quả A la hán, tất nhiên, đã sạch hết phiền não, thì đối với các Ngài nầy, không còn gì phải nói mỉa mai xiên xỏ. Ngược lại, những vị chưa sạch hết phiền não, đôi khi cũng còn khởi lên những phiền muộn bất bình, nên mới có câu chuyện trên. Ngài Ca Diếp là vị đệ tử lớn của Phật. Ngài tu hạnh Đầu đà đệ nhất. Ngài thường bị các vị Tỳ kheo trẻ khinh khi và chế giễu. Nhưng vì Ngài là một bậc Đại A La Hán, mọi phiền não dứt sạch, nên dù có bị chê bai hay nói xấu, Ngài cũng vẫn thản nhiên, vô sự. Ngược lại, nếu trường hợp chúng ta thì sao? Chắc là ăn thua đủ. Vì chúng ta còn phiền não. Chúng ta nên cố gắng tập theo hạnh của Ngài, mỗi khi bị người khác mỉa mai chê trách.

Quan trọng của lời Phật dạy trên là ở nơi “dũng mãnh chánh niệm”. Người có chánh niệm mà chánh niệm một cách dũng mãnh, thì thử hỏi, còn có việc gì mà làm lay động họ được. Chánh niệm là con đường dẫn tới an lạc. Ngược lại, thất niệm là con đường dẫn tới đau khổ. Thế gian nầy, lắm người bị đau khổ vì mất chánh niệm. Người có chánh niệm, biết rõ hậu quả của việc mình làm. Chẳng những biết rõ trong mỗi hành động, mà họ còn biết rõ khi khởi niệm lành hay dữ. Có chánh niệm như thế, thì làm sao không an lạc cho được? Bởi họ có làm điều gì sái quấy đâu. Ngài Ca Diếp luôn sống trong chánh niệm, nên tất cả lời chê bai mai mỉa, đối với Ngài quả thật như uống nước cam lồ và mát tợ xuân phong. Đúng như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói:

Ngã văn kháp tợ ẩm cam lồ
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.

Phật cho chúng ta thấy giữa hai hạng người. Ai còn cưu mang phiền não và ai đã thoát ra khỏi. Lòng ganh tỵ của con người thời nào cũng có. Người có tài đức thường bị kẻ bất tài ganh ghét. Người được người khác kính nể, cúng dường trọng hậu, cũng bị kẻ khác dèm pha nói xấu. Nói cho cùng, thì vì sống trong nghiệp thức, nên không ai tránh khỏi những sự tỵ hiềm ganh ghét đó. Điều quan trọng là mình có nhẫn nhịn được hay không? Nếu không, thì mình cũng tạo nghiệp và sa đọa như ai. Không có chút gì tiến bộ

trên đường tu. Đã tu, thì ta phải chấp nhận sự khen chê phải trái. Chúng ta phải tập cho được cái hạnh nhẫn nhục của Ngài Ca Diếp. Phải tập cho có chánh niệm dũng mãnh kiên cường. Không vì hư danh, cúng dường lợi dưỡng mà ta đánh mất đạo đức cao đẹp của chính ta. Phải tập làm con ngỗng trời, khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại cái ao hồ không chút nhớ tiếc. Cái ao hồ là nơi trú ẩn êm ấm của chúng. Đây là Phật mượn hình ảnh của con ngỗng trời để dụ cho các hàng Tỳ kheo, đừng vì lợi dưỡng nhỏ nhoi mà quên đi cái lý tưởng vĩ đại tu hành giải thoát.

Thích Phước Thái