Câu 82. Như hồ nước sâu, yên lặng trong sạch, những người có trí sau khi nghe pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng.

Lược giảng

Pháp cú nầy, Phật dùng hồ nước sâu, yên lặng trong sạch, để thí dụ so sánh cho người trí, sau khi nghe pháp tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng. Thử chúng ta đặt vấn đề, để tìm hiểu lý do: Tại sao người trí sau khi nghe pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng? Trong lời dạy nầy, ta nên chú ý cụm từ “những người có trí”. Điều chúng ta nên nhớ, phẩm nầy là Phẩm Hiền Trí, dĩ nhiên, người có trí phải khác hơn người thường vô trí. Nghe pháp thì có rất nhiều người nghe. Trường hợp như chúng ta đã nghe pháp qua bao nhiêu lần? Vấn đề nghe pháp như thế nào, chúng ta sẽ bàn giải sau. Ở đây, chúng ta nên tìm hiểu người trí là người như thế nào? Người trí Phật nói ở đây, không phải là người trí thức thông thường ở thế gian.

kinh phap cu 82

Người trí trong Phật pháp, là người có kích thước chiều sâu. Họ thường quán chiếu nội tại hơn ngoại tại. Nhờ quán chiếu như thế, nên họ biết rõ tự ngã của họ hơn. Từ đó, họ nghe pháp lãnh hội dễ dàng. Bởi vì, những lời Phật thuyết pháp, chung quy, cũng chỉ nói lại những gì mà trong người chúng ta sẵn có. Phật không nói những gì ngoài con người. Song rất tiếc, ta chưa có đủ trí huệ sáng suốt, để hiểu thông hết những lời Phật nói. Do đó, nếu chúng ta nghe pháp mà không xoay lại con người của mình để tìm hiểu, thì khó mà lãnh hội được lời Phật dạy.

Nghe pháp của người trí, không phải nghe pháp theo kiểu thường tình của chúng ta.Thường, chúng ta nghe hay chạy theo nắm bắt âm thanh bên ngoài, ít có ai quán chiếu lại mình. Nghe với một tâm hồn dao động, xáo trộn, vọng ngoại, thì làm sao nhận ra lời Phật nói. Ngược lại, người trí thì không như thế. Người trí họ nghe trong sự tỉnh thức. Tâm thức của họ lắng trong như hồ nước trong xanh. Họ nghe lại họ, nhiều hơn là ở ngoại cảnh. Họ nghe câu nào là họ quán chiếu sâu sắc ở nơi câu đó. Họ coi văn tự như là phương tiện, để họ nương đó mà thực tập quán chiếu. Nhờ quán chiếu một cách sâu sắc như thế, nên tâm họ được lắng trong. Xin nhớ quán chiếu, chớ không phải suy tư tìm hiểu. Vì suy tư tìm hiểu là có sự tìm tòi lục lọi của ý thức. Còn quán chiếu thì không. Quán chiếu giống như ánh sáng mặt trời chiếu soi vào muôn vật. Chiếu một cách rõ ràng không qua ý niệm đắn đo phân biệt. Phân biệt là xé nát sự vật ra làm muôn mảnh. Ngược lại, quán chiếu chỉ tương ưng với chánh niệm. Chánh niệm, thì không phân tách chia chẻ sự vật chi ly. Hãy để sự vật giữ nguyên tự thể của nó. Nghe pháp như thế, mới thật sự là nghe pháp của người trí. Và như thế, thì tâm của họ không thanh tịnh, yên lặng là gì!

Cứ nhìn vào hồ nước trong xanh, lặng yên không một gợn sóng lăn tăn, thì ta có thể hình dung được tâm trí yên lặng như thế nào! Ta tự hỏi: Tại sao hồ nước trong xanh yên lặng như thế? Dễ hiểu thôi. Bởi lẽ, không có gì làm chao động nó. Gió không, cặn cáu không, không thứ gì làm đục. Nói gọn, là hồ nước không bị điều kiện gì làm cho nó bị dao động. Vì không có ngoại duyên và nội duyên xen vào, nên nó giữ được tự thể bản chất nước trong xanh. Đơn giản thế thôi.

Nhìn hồ nước trong xanh đó, ta có thể hiểu, tại sao Phật so sánh người trí sau khi nghe pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng. Nếu sau khi nghe pháp mà tâm ta thả chạy rong ngao du sơn thủy, thăm nơi nầy, viếng nơi nọ, thì thử hỏi tâm ta có thanh tịnh yên lặng không? Pháp của Phật dạy để cho ta làm gì? Có phải dạy để cho tâm ta được thanh tịnh an lạc không? Mà muốn có thanh tịnh, an lạc ta phải làm gì? Ta cứ lấy tay quậy hoài trong hồ nước tâm của ta, thì bảo sao nó yên lặng được. Tại sao ta không để yên như Phật dạy, mà ta cứ thích quậy. Một mặt thì quậy không ngừng, mặt khác, thì lại muốn yên như hồ nước trong xanh. Như thế, ta có tự mâu thuẫn lấy ta hay không? Tại sao ta lại tự mâu thuẫn như thế? Cái gì bắt ta phải mâu thuẫn lấy ta? Có phải Phật chỉ dạy một đàng, ta làm một nẻo không? Ta hãy thành thật tự vấn và tự trả lời với chính ta. Có trả lời một cách thành thật, thì ta mới có thể tìm ra lý do của sự mâu thuẫn đó.

Đạo Phật là đạo như thật. Đạo Phật đưa ta trở về với cội nguồn của ta. Đạo Phật không muốn cho chúng ta phải phiêu lưu trong ảo tưởng. Vì còn ảo tưởng là còn rơi vào hố thẩm của vọng chấp hai đầu. Ta hãy tập nghe pháp của người trí nghe. Đã lâu rồi, ta nghe theo tiếng gọi của vọng thức. Nghe như thế, thì có khác nào như Ngài Pháp Đạt tụng Kinh Pháp Hoa ba ngàn bộ. Vì Ngài đã bị Pháp Hoa chuyển. Tụng Kinh mà Ngài không chuyển nỗi Kinh. Phải đến Tào Khê gặp Lục Tổ và nhờ Lục Tổ chỉ điểm trúng bệnh, nên Ngài mới hết bị Kinh chuyển.

Tâm trạng nghe pháp của ta hiện nay cũng thế. Vì ta chưa làm nổi theo kiểu nghe pháp của người trí. Bệnh vọng chấp của ta còn nặng quá! Ta chưa dám buông như Ngài Pháp Đạt. Ta viện lý do, vì nghiệp nặng. Thế là ta an trí khỏi phải tìm sâu. Cứ một câu: nghiệp chướng sâu dầy là hết chuyện. Cả đời trôi lăn, cũng theo nghiệp chướng sâu dầy. Nếu ta biết ta nghiệp chướng sâu dầy, thì tại sao ta không cố gắng vươn lên để dũa mòn nghiệp chướng! Nói dũa mòn là một cách nói thôi. Kỳ thật nghiệp chướng bổn lai không, thì có gì phải dũa, phải mài!

Pháp cú nầy, Phật dạy ta cố tập cho được cách nghe pháp của người trí. Cách nghe pháp của người trí là không bị ngoại thanh trần lôi cuốn họ. Họ có một chánh niệm tự chủ vững vàng. Ở đây, Phật muốn cho ta phải tập làm người trí. Phải biết cách nghe pháp. Hãy xoay lại nghe pháp ở nơi chính mình. Vì tâm mình là bài pháp lớn. Có nghe như thế, thì tâm ta mới thật sự thanh tịnh và yên lặng.

Thích Phước Thái