Câu 88: Người trí cần gột sạch cấu uế trong tâm, cầu cái vui chánh pháp, xa lìa ngũ dục, chẳng còn vướng mắc chi.

Lược giảng

Muốn gột sạch cấu uế trong tâm, người trí phải làm gì? Người trí là người tỉnh thức, khác với kẻ mê. Người tỉnh thức là người luôn sáng bên trong. Muốn sáng bên trong, người trí phải thường xuyên nhìn lại mình. Ta hãy bình tâm nhìn lại thật kỹ, từ xưa tới nay, từ Phật Tổ cho đến các bậc tu hành đạt đạo, có vị nào để tâm chạy rong bên ngoài, đeo đuổi theo trần cảnh mà được ngộ đạo hay không? Hay là tất cả đều phải nhìn lại chính mình (phản quan tự kỷ) để thiền quán, gạn lọc hết phiền não mà được đắc đạo.

kinh phap cu 88

Đức Phật đã ngồi dưới cội Bồ đề tư duy quán sát nội tâm trải qua 49 ngày, để gột trừ hết những cấu uế vô minh phiền não, cuối cùng mới được thành tựu được đạo quả. Đến chư Tổ sư cũng thế, không một vị nào hướng ngoại tìm cầu mà được ngộ đạo. Phật Tổ thường nói: “ngoài tâm cầu đạo là ngoại đạo”. Bởi vì, nói thành Phật hay thành đạo không có gì xa lạ ngoài con người. Đạo Phật lấy con người làm gốc. Con người biết quay lại và sống trọn vẹn với chơn thể của chính mình, thì gọi đó là người giác ngộ. Như vậy, đạo Phật nhắm thẳng vào con người để khám phá phát minh những điều mới lạ.

Đạo Phật khác với khoa học là ở chỗ: một đàng chinh phục nội giới và một đàng chinh phục ngoại giới. Khoa học dù phát minh tiến bộ đến đâu, cũng chỉ là chinh phục nhiên giới mà thôi. Các nhà khoa học chưa trọn vẹn làm chủ được con người họ. Bản thân họ vẫn còn đầy dẫy vô minh phiền não tham sân si Họ vẫn còn những nỗi âu lo và những sự bất đồng nội tại. Đời sống của họ vẫn còn đau khổ dài dài. Họ chưa bao giờ có hạnh phúc. Tâm trí họ vẫn rối bời. Dù trí họ vẫn sáng. Nhưng cái sáng của họ là để chiếu soi nghiên tầm ngoại giới. Do đó, họ phát minh nhiều loại cơ khí tối tân. Nhơn loại ngày nay đều mang ơn và phục tài họ. Nhưng dù họ có tài giỏi phát minh đến đâu, họ cũng vẫn là một con người đau khổ như bao nhiêu con người tầm thường khác. Lý do, là vì họ chưa nhìn kỹ lại họ. Họ chưa khắc phục và làm chủ chính họ. Họ vẫn còn bị ngoại giới lôi kéo. Bên trong, họ vẫn còn những thứ rối bời làm họ bất an. Họ thua các nhà tu Phật là ở chỗ đó.

Ngày nay, họ hướng về đạo Phật cũng là ở điểm siêu việt đó. Họ kính trọng đức Phật, vì đức Phật là một con người quá vĩ đại. Vĩ đại ở chỗ đức Phật hoàn toàn giác ngộ. Một khi đã gột sạch hết vô minh rồi, thì đức Phật không có gì là không biết. Cho nên đức Phật còn có danh hiệu là đấng Chánh biến tri, là một con người biết khắp tất cả. Biết một cách đúng như thật ở nơi các pháp. Biết một cách rõ ràng qua sự thực chứng của Ngài, chớ không phải qua suy luận.

Trong Kinh A Hàm có nói, trong đêm thứ 49, Ngài chứng được Tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh. Do chứng Tam minh nầy, Ngài nhìn thấu suốt tất cả vạn vật vượt qua thời gian và không gian. Kinh diễn tả, như một người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã ba đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng.

Ngược lại, khoa học vì chưa khám phá và thực chứng nội tại như Phật, nên họ chỉ dùng trí óc suy luận mò mẫm phát minh những gì thuộc về nhiên giới mà thôi. Ngày nay cả nhơn loại ca tụng và quy hướng về đạo Phật chính là ở điểm đó. Bởi những gì Phật nói ra, tất cả đều xuất phát từ chỗ chứng ngộ của Ngài. Sự chứng ngộ đó, là chứng ngộ một cách toàn triệt ở nơi chơn lý. Bởi vậy, người ta gọi đạo Phật là đạo “nội quan” hay là một đạo hoàn toàn “nhân bản”. Đó là điều vinh hạnh cho chúng ta theo một đạo giáo phù hợp với chân lý. Tất cả đều tôn trọng sự thật. Được thế do đâu? Phải chăng do Phật quán chiếu sâu thẩm vào tự ngã. Gột sạch hết mọi phiền não cấu uế mà được thành tựu.

Nhưng muốn thế, tất nhiên là ta cần phải có phương pháp. Bất cứ phương pháp nào mà ta thấy thích hợp với căn tánh và sở thích của ta. Như niệm Phật, trì chú, hoặc thiền định v.v. Tất cả đều phải nhắm thẳng vào mục đích chính là tiêu diệt phiền não. Dù là căn cơ bậc thượng hay bậc hạ gì cũng thế. Chỉ khác nhau trên phương diện hành trì có Đốn có Tiệm mà thôi. Đốn, như Tổ Huệ Năng, Tiệm, như Ngài Thần Tú. Với căn cơ hạ liệt của chúng ta, tất nhiên là ta không thể nào Đốn tu như đức Lục Tổ, thì tại sao ta không áp dụng theo phương pháp Tiệm tu của Ngài Thần Tú?

Thân thị Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai

Nghĩa là:

Thân như cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn thường lau chùi
Chỗ nào dính bụi bặm.

Hiện tại chúng ta chọn pháp môn Tịnh độ để tu, lấy trì danh niệm Phật làm chính, mục đích cũng là để tiêu trừ phiền não. Phiền não có hết, thì con đường vãng sanh của ta mới bảo đảm chắc chắn. Nếu chúng ta nỗ lực gia công tinh tấn lau chùi thường xuyên, tất nhiên sẽ có ngày hết bụi bặm phiền não. Đó là điều xác quyết khẳng định, không có con đường nào khác.

Ngày nay, tu theo đạo Phật, chúng ta không thể đi lệch hướng của Phật đã đi. Lệch hướng là ta sẽ rơi vào tà kiến. Đã thế, thì làm sao ta nhận chân được lẽ thật? Kìa! một hồ nước trong xanh, vạn vật đang soi mình in hình rõ bóng. Mặt nước phẳng lì, không một gợn sóng lăn tăn. Đàn chim trời bay ngang qua, không lưu lại dấu vết. Hồ nước vẫn đứng yên, dù muôn vật soi hình vào đó.

Hồ nước tâm của mọi người cũng thế. Một khi những cáu bợn đã gột sạch rồi, thì nó vẫn trong xanh chiếu soi muôn hình vạn vật. Ta cố gắng tự tạo cho mình có được một hồ nước trong xanh tươi mát như thế. Được vậy, thì mới xứng hợp với lời Phật dạy: Người trí cần gột sạch cấu uế trong tâm.

Khi cấu uế đã sạch rồi, thì ta không muốn an lạc, tự nó cũng an lạc. Trên đời không có một niềm vui nào cao tột bằng niềm vui chánh pháp. Nói thế, ta có chủ quan lắm không? Không. Tại sao ta lại khẳng định như thế? Bởi vì, đã có biết bao người đi ngang qua cuộc đời, không ai là không để lại những dấu ấn sâu đậm của vết thương lòng. Những vết thương đã hằng sâu vào tâm khảm của họ. Cả đời họ, chưa có được một niềm vui hạnh phúc chân thật, dù chỉ trong một phút giây thôi! Niềm vui của thế nhân chỉ là niềm vui giả trá tạm bợ, che đậy bởi một lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Vui đó, rồi khổ đó! Người ta nói: “thú vui chỉ mở đường cho đau khổ” là thế.

Ngược lại, một người đã từng có nếm qua mùi vị niềm vui của chánh pháp, họ mới cảm nhận được một niềm vui hạnh phúc chân thật. Tuy nó không nhộn nhịp, sống động như niềm vui của thế nhân, mà nó rất nhẹ nhàng tươi mát như xuân phong, làm vơi đi những sầu muộn ưu phiền. Trong nhà Phật có nói nhiều về những thứ vui nầy. Nào là hỷ lạc, pháp lạc, và cao hơn là Thiền duyệt. Trong Đạo Phật, có một loại Thiền định của phàm phu, gọi là Tứ thiền.

Tứ thiền gồm có:

Sơ thiền ly sanh hỷ lạc.
Nhị thiền định sanh hỷ lạc.
Tam thiền ly hỷ diệu lạc.
Tứ thiền xả niệm thanh tịnh.

Tất cả chỉ có một niềm vui. Một niềm vui rất nhẹ nhàng thanh thoát. Đó mới thật sự là niềm vui chân hạnh phúc. Muốn an hưởng được niềm vui của chánh pháp, tất nhiên, hành giả phải xa lánh ngũ dục. Vì còn tham đắm ngũ dục, thì làm gì có được niềm vui đó. Ta không thể nào bắt cá hai tay. Phải buông bỏ tất cả, không còn vướng mắc điều chi, thì ta mới có được niềm vui trọn vẹn. Đó là chân lý muôn đời.

Thích Phước Thái