Câu 50: Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên dòm coi họ đã làm gì hay không làm gì, chỉ nên ngó lại hành động của mình, thử đã làm được gì và chưa làm được gì.

kinh phap cu pham hoa 50
Lược giảng

Phật dạy: Người tu chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên dòm coi họ đã làm gì hay không làm gì, chỉ nên ngó lại hành động của mình. Lời dạy nầy, Phật đã nhắm đến cái căn bệnh trầm kha của con người. Cái căn bệnh hay dòm ngó lỗi người để phê bình khen chê. Ít có mấy ai nhìn thấy lỗi mình. Nhà mình đầy rác rến, mà không lo dọn quét, thích cầm chổi đi quét nhà người ta. Bởi vậy mới có câu nói:

“Chưn mình còn lắm lê mê
Mà đi xách đuốc lại rê chưn người”.

Vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, đó là tật xấu của con người. Ai cũng thích làm cảnh sát quốc tế. Tối ngày cứ hết thổi tu hít phạt người nầy, tới phạt người kia, mà mình không biết phạt mình, dù mình có lỗi trầm trọng hơn người. Thái độ chỉ trích chê bai kẻ khác, đó là thái độ tối kỵ của người tu. Nếu là người thật tu hành, thì mình chỉ nên nhìn ngó lại lỗi lầm của mình để lo sửa đổi. Nếu vì xây dựng tốt cho nhau, để sự tu hành của chúng ta mỗi ngày mỗi tiến bộ, thì Phật cho chỉ lỗi cho nhau. Tuy nhiên, sự chỉ lỗi nầy, hoàn toàn không có chút tự ái, vì bản ngã của mình mà hạ nhục người khác. Đó là điều không nên có. Chúng ta nhứt quyết không bao giờ để tình trạng nầy xảy ra trong chúng. Nói về thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, trong quyển Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng tập một, do Thiền Sư Thích Thanh Từ biên soạn, trang 67, có nêu ra câu chuyện giữa đức Lục Tổ và Ngài Thần Hội. Có đoạn kể rằng: “Năm Thần Hội 14 tuổi, còn là một chú Sa di ở chùa Ngọc Tuyền. Một hôm, Ngài tìm đến yết kiến Lục Tổ. Khi đến, Tổ hỏi:

– Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến, có đem được gốc (Bổn) theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?

Sư thưa:

– Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Tổ bảo:

– Sa di đâu nên dùng lời đó.

Sư thưa:

– Hòa Thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?

Tổ cầm gậy đánh Sư ba gậy, hỏi:

– Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?

– Cũng đau cũng chẳng đau.

– Ta thấy cũng chẳng thấy.

– Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy?

Chỗ ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là cũng thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng với cây cỏ, nếu ngươi đau thì đồng với phàm phu, ắt khởi tâm giận hờn. Trước ngươi nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ngươi không thấy tự tánh mà dám cợt với người.

Sư lễ bái sám hối.

Tổ bảo:

– Nếu ngươi tâm mê không thấy nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi được. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?

Sư lễ bái hơn trăm lạy cầu xin sám hối.
Từ đây, Sư ở lại hầu hạ Tổ không lúc nào rời”.

Qua câu chuyện trên, Ngài Thần Hội tuy vướng phải lỗi lầm chưa được thấy tánh mà dám cợt đùa với Tổ. Nhưng có điều ta phải thán phục Ngài, vì Ngài rất thông minh lanh lợi, chỉ mới 14 tuổi thôi mà đã có cái thấy như thế, dù cái thấy đó là sai lầm. Như vậy, đủ chứng minh rằng, Ngài đã tu hành gieo trồng thiện căn sâu dầy trong nhiều đời. Nên Ngài mới sớm gặp Phật pháp và mới có được một căn cơ lanh lợi như thế.

Người tu, thường nhìn lại mình mới thật là người thật tu. Bởi vậy, nên đức Lục Tổ dạy:

“Bằng thật người tu đạo
Không thấy lỗi thế gian
Nếu thấy lỗi của người
Thì lỗi mình đã đến bên”.

Thích Phước Thái