Câu 100. Tụng đến ngàn câu vô nghĩa chẳng bằng một câu có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.

Lược giảng

Pháp cú nầy, Phật dạy tại Trúc Lâm có liên quan đến chuyện tên đao phủ Răng Đồng.

Tên đao phủ nầy, khi được gia nhập vào bọn cướp khoảng 499 người, nhưng sau đó ít lâu, cả bọn cướp đều bị bắt. Khi nhà vua ra lệnh tử hình bằng cách chặt đầu, thì không có ai dám đứng ra để làm đao thủ phủ. Tên Răng Đồng nầy, vì hung dữ, nên hắn ta được tên cướp đầu đảng, cử hắn đứng ra làm việc nầy. Hắn lãnh sứ mạng và chặt đầu tất cả. Những kẻ cướp ở các nơi trong nước, sau khi bị bắt, đều dẫn đến và bị hắn chặt đầu, cọng chung có cả gần hai ngàn người.

kinh phap cu 100

Về già, hắn vẫn còn giữ hành nghề chặt đầu người, nhưng đôi khi chặt không đứt như khi còn trẻ. Có khi phải chặt hai ba nhát mới đứt.

Một hôm, Ngài Xá lợi Phất, sau khi xảû thiền, đến trước nhà tên đao phủ nầy. Hắùn ta mừng rỡ liền mang sữa và mật dâng cúng. Ngài Xá lợi Phất bảo ông uống đi, vì ông rất thèm khát. Hắn bạch với Ngài Xá lợi Phất, rằng: mỗi khi nhớ lại cảnh giết người, hắn quá sợ hãi, đâm ra rối loạn tinh thần.

Ngài Xá lợi Phất hỏi: “Ông tự ý giết người hay là do người khác sai bảo?”

Hắn thưa: “Do người khác sai bảo”.

Xá lợi Phất nói: “Nếu thế thì ngươi đâu có lỗi gì”.

Sau khi hắn chết được sanh lên cõi trời Đâu Suất.

Chuyện nầy, đến tai Phật. Các vị Tỳ kheo thắc mắc, bạch trình với Phật và nhân đó Phật mới dạy câu pháp cú nầy. (Tóm lược truyện tích)

Qua câu chuyện lược dẫn trên, chắc chắn, chúng ta sẽ thắc mắc và tự hỏi: Tại sao tên đao phủ ác ôn kia, cuộc đời của hắn chuyên giết người như thế, mà sau cuối cùng, hắn lại được sanh thiên? Như vậy, thì giải thích nhân quả như thế nào? Luật nhân quả có đúng không? Tại sao và tại sao lại có chuyện ngược đời như thế? Chắc chắn, sẽ còn có nhiều câu thắc mắc hơn nữa?

Ở đây, tuy cuối câu chuyện không có lời giải đáp lý do tại sao. Và Phật chỉ nói một bài kệ:

Người đao phủ trong thành
Nghe những lời khéo nói
Được nhẫn và sau đó
Lên cõi trời hưởng vui.

Điều mà chúng ta nên lưu ý, đọc qua pháp cú nầy, mục đích chính là Phật khuyên dạy chúng ta, chỉ cần nói một câu ngắn gọn mà có đầy đủ ý nghĩa, còn hơn nói nhiều lời mà vô nghĩa. Như thế, thì làm cho người nghe cũng không được lợi ích gì. Đó là ý chính của lời Phật dạy nầy. Tuy nhiên, để chứng minh lời Phật dạy, người ta dẫn câu chuyện tóm lược trên.

Qua câu chuyện được trích dẫn ngắn gọn đó, chắc hẳn mỗi người chúng ta, sẽ có mỗi ý nghĩ và có thể hiểu khác nhau. Mục đích của chúng ta ở đây, không phải là bàn giải sâu vào câu chuyện, mà mục đích của chúng ta là tìm hiểu sơ qua về lời Phật dạy nầy. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ và chỗ hiểu của chúng tôi, thì qua câu chuyện trên, không phải là không đúng nhân quả. Lý do tại sao? Vì tên đao phủ nầy, thứ nhứt, hắn ta không phải tự ý làm ác. Mà hắn làm với một động cơ bị kẻ khác sai sử. Khi bị kẻ khác sai sử, thì rõ ràng hắn không có chủ tâm. Mà tội có ra nặng là phải do từ ý nghiệp chủ động phát sanh. Nên qua câu nói của Ngài Xá lợi Phất: Nếu ngươi làm vì người khác sai sử thì ngươi đâu có lỗi gì. Do lời nói nầy mà tên đao phủ hết mặc cảm tội lỗi và không còn hối hận ăn năn nữa. Chính câu nói ngắn gọn đó, là mấu chốt của câu pháp cú Phật dạy nầy.

Quả thật, nếu xét kỹ, ta thấy, một việc làm mà hoàn toàn bị động, thì lỗi đó rất nhỏ. Vì chính họ không phải là người chủ mưu hay đồng lỏa. Trường hợp đồng lỏa thì khác. Đồng lỏa, có nghĩa là đã biểu đồng tình với việc mình làm. Tuy mình không phải là người đứng ra lãnh đạo chủ chốt. Nhưng mình vẫn đóng vai trò hợp tác chặt chẽ với người chủ mưu. Tội đó, chỉ nhẹ hơn người chủ mưu một chút mà thôi. Nhưng vẫn phải có tội. Gọi là tội đồng lỏa.

Trường hợp ở đây, tên đao phủ nầy, tuy bề ngoài thấy hắn ta làm ác, nhưng tay của hắn ta làm theo lệnh của người khác, chớ không phải nghe theo lệnh của tâm hắn sai sử. Do đó, mà tội của hắn, nếu có cũng rất nhẹ. Vấn đề nầy, cũng giống như vua Trần Nhân Tông, khi điều binh khiển tướng chống quân Nguyên, hoàn toàn không phải làm theo lệnh của nhà vua. Mà nhà vua chỉ làm theo ý kiến của toàn dân, qua hai cuộc đại hội: Bình Than và Diên Hồng. Do thế, vì không phải nhà vua chủ định, nên tội đó rất nhẹ, chỉ cần sám hối là hết. Nhờ thế mà nhà vua sau khi tu mới chứng quả thành Tổ được.

Điều thứ hai, tên đao phủ nầy, được sự giáo hóa của Tôn giả Xá lợi Phất. Đồng thời, tâm của hắn ta vẫn là tâm lương thiện. Hắn mang thức ăn ra cúng dường Tôn giả Xá lợi phất. Hơn nữa, hắn đã biết cải hối việc làm của hắn trước kia, mặc dù không phải hắn ta tự ý làm. Nhưng có tâm hối cải ăn năn, thì đó là tâm lành. Nhờ đó, khi hắn được Ngài Xá lợi Phất khai thị cho hắn một câu ngắn gọn, nhưng xoáy mạnh vào tâm thức của hắn, nên bao nhiêu những ray rức ưu tư sợ hãi, phút chốc tan biến hết. Bởi hắn tin tưởng vào câu nói của một bậc tu hành có đầy đủ đức độ và uy tín lớn. Chính nhờ lời dạy đó, như một tiếng chuông vang dội cảnh tỉnh cho hắn và từ đó hắn biết tu hành và cuối cùng được sanh thiên.

Qua lời dạy nầy, ta thấy cái chủ ý của Phật là muốn thức nhắc chúng ta, khi phát ngôn muốn chỉ bảo ai, trước hết, cần phải biết đối cơ của mình muốn nói. Và khi nói, chỉ cần nói một câu chứa đựng đầy ý nghĩa sâu sắc, làm cho người nghe bắt buộc họ phải lưu tâm và suy nghĩ thật kỹ, nhứt là phải đúng bệnh và hợp cơ. Như thế, mới có kết quả. Bằng không, thì dù mình có nói tràng giang đại hải, toàn là những lời nói rỗng suông, không đâu vào đâu, tức không đúng lẽ thật, thì làm sao người nghe tin tưởng và được lợi ích. Thế nên, nói ít mà phải đúng với chánh lý. Nhờ đó, mà tâm của người nghe được an vui tịch tịnh. Đây là một nghệ thuật và cũng là một tâm lý khi chỉ dạy đối cơ và phải là người thật có uy tín đạo đức. Vì có như thế, người ta mới tin. Có tin, lòng họ mới không nghi. Vì không nghi ngờ, nên mới có được sự an lạc. Đây là Phật nói trong trường hợp chỉ một hai người đối diện, chớ không phải là ở giữa đại chúng. Nếu trường hợp thuyết pháp cho đại chúng nghe thì có khác. Ngoại trừ, có một vài vị Thiền sư khi thượng đường, các Ngài không giảng thuyết nhiều, chỉ nói một vài câu ngắn gọn, nhưng rất súc tích, nhằm mục đích khai thị cho đương cơ lãnh hội. Nhưng trường hợp nầy cũng rất ít thôi.

Thích Phước Thái