Câu 60″ Đêm rất dài đối với kẻ mất ngủ, đường rất xa dối với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân hồi sẽ tiếp nối vô tận đối với kẻ ngu si không minh đạt Chánh pháp.
Lược giảng
Ai đã từng mất ngủ mới biết đêm dài. Ai trong chúng ta mà không có đôi lần trải qua những đêm không ngủ. Đối với những người bị chứng bệnh mất ngủ, thì một đêm đối với họ thật là dài lâu. Tục ngữ có câu:
“Thức đêm mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết lòng người ra sao”!
Và ai đã từng là kẻ lữ hành mới biết đường xa. Phật nêu ra hai hình ảnh trên để so sánh về tâm trạng khổ đau của những kẻ đi mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Phật cho chúng ta biết rõ lý do, vì sao mà ta đi mãi trong vòng luân hồi sanh tử như thế? Đó là tại vì chúng ta “quá ngu si không minh đạt chánh pháp”. Thử đặt vấn đề: Cái gì dẫn ta đi trong luân hồi? Ai cũng biết, đó là nghiệp. Vậy, nghiệp là gì? Nghiệp tiếng Phạn là Karma hay kamma (Pali) Trung hoa dịch là nghiệp. Nghiệp có nghĩa là một hành động. Hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Nghiệp có nghiệp lành và nghiệp dữ. Tức thiện nghiệp và ác nghiệp. Chỗ tạo thành nghiệp gồm có ba thứ: thân, khẩu và ý. Trong ba thứ nầy, ý nghiệp là chủ động. Hai thứ kia chỉ là phụ thuộc của ý. Tất cả đều do ý sai sử. Làm lành hay làm dữ đều do ý điều khiển. Nghiệp là một tác nhân trên chiều hướng nhân quả. Nhân quả là căn cứ theo dòng thời gian mà định đoạt. Tạo nghiệp là nhân, chiêu cảm quả lành hay quả dữ là quả. Từ nhân đến quả phải có thời gian. Theo Duy Thức Học chia ra làm 3 loại:
1. Dị thời nhi thục.
2. Biến dị nhi thục.
3. Dị loại nhi thục.
Thế nào là Dị thời nhi thục? Nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả, phải khác thời gian mới chín (thục). Như một học sinh, bắt đầu vào trường học là nhân, đến khi đổ đạt thành tài là quả. Từ khi đi học cho đến khi đổ đạt lấy bằng, phải mất một thời gian rất lâu.
Thế nào là Biến dị nhi thục? Nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả, phải trải qua thời gian biến đổi. Thí dụ: học sinh mới cấp sách vào trường mẫu giáo là một em bé tí hon, đến khi thi đậu lấy bằng cử nhân hay tiến sĩ, thì trở thành một cô thiếu nữ sinh đẹp, hay một nam thanh niên tuấn tú. Một thí dụ khác: khi ta gieo hạt lúa, cho đến khi thành bông lúa để gặt hái, phải trải qua thời gian biến đổi. Khi hạt lúa nẩy mầm lên khỏi mặt đất, thì người ta không còn gọi là lúa nữa, mà gọi nó là mạ. Đến khi lên hơi cao một chút, đúng ngày tháng, bấy giờ, người ta nhổ đem đi cấy, thì người ta gọi là nhổ mạ. Cấy xong lên thành cây, thành bụi, thì trở thành là cây lúa hay bụi lúa v.v. Như vậy, từ khi cái chánh nhân là một hạt lúa, đến kết thành bông lúa, phải trải qua một thời gian biến đổi và tên gọi khác nhau. Nhưng trước sau vẫn là lúa, chớ không phải là nếp hay thứ gì khác. Do đó, nên nói là Biến dị nhi thục.
Thế nào là Dị loại nhi thục? Nghĩa là khác loài mới chín. Tùy theo chỗ tạo nhân mà kết quả thọ sanh qua các loài khác nhau. Thí dụ: do nhân bỏn sẻn keo kiết mà thọ quả báo ngạ quỷ v.v
Qua đó chúng ta thấy, đầu mối của luân hồi là do nghiệp dẫn, dù nghiệp lành hay nghiệp dữ. Mà chủ động tạo thành nghiệp là do Ý thức. Như vậy, hễ còn có chú Ý, (dụ như con khỉ hay con vượn), hoạt động là chúng ta còn đi trong sanh tử luân hồi. Bao giờ chú Ý thức nầy, không còn hoạt động tạo nghiệp nữa, thì chúng ta mới chấm dứt luân hồi thọ khổ. Thế thì, gốc của sanh tử luân hồi thọ khổ là ở chỗ đó. Bởi thế, nên Phật dạy vô lượng pháp môn tu, pháp môn nào cũng nhắm thẳng vào việc dẹp chú ý thức nầy, phải cho chú ý thức nầy nằm yên (định) không hoạt động nữa, đó là Niết bàn. Nhưng hành giả muốn đạt được cảnh giới Niết bàn nầy, tất nhiên, phải có trí huệ. Vì có trí huệ mới có thể diệt trừ hết phiền não. Đối với hàng Bồ tát, thì các Ngài dùng trí huệ để chiếu phá vô minh. Ngược lại, đối với hàng Thanh văn, thì các Ngài dùng Định lực nhiều hơn để đoạn trừ phiền não. Sự khác biệt tu hành giữa Bồ tát và Thanh văn khác nhau ở chỗ đó. Dù cả hai đều nhắm đến mục đích chung là đạt được quả vị Niết bàn. Bởi do nhân tu sai khác, nên kết quả đạt được Niết bàn cũng sai khác. Niết Bàn của Bồ tát là Vô trụ xứ Niết bàn. Dù quả vị Niết bàn có sai khác, nhưng tựu trung cũng là chấm dứt vòng sanh tử luân hồi khổ đau. Bằng ngược lại, thì chúng ta sẽ đi mãi trong sanh tử luân hồi. Đúng như lời Phật nói: “Vòng luân hồi khổ đau sẽ tiếp nối vô tận đối với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp”.
Thích Phước Thái