Câu 62: “Đây là con ta; đây là tài sản ta”: Kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính ta còn không thiệt có, huống là con ta hay tài sản ta?

kinh phap cu 62

Lược giảng

Căn bản đau khổ của kiếp người là do chấp ngã mà ra. Trong Kinh, dù Tiểu thừa hay Đại thừa, Phật đều lặp tới lặp lui về giáo lý căn bản nầy. Phật muốn lột trần cho chúng ta thấy cái bề sâu của đau khổ. Bản tánh của chúng sanh là hay khinh lờn và dễ duôi. Phật nhắc tới nhắc lui mãi để cho chúng ta phải lưu tâm mà tư duy quán sát thật kỹ về lý vô ngã nầy. Đối với người ngu, trong đó có chúng ta, thì mãi chấp chặt những gì mình đã gây tạo. Như con cái, tiền bạc của cải v.v. là những thứ ta luôn coi trọng. Ta quá đặt nặng và tham chấp. Nhưng ta quên rằng, chính bản thân ta còn không thật có, nói chi đến những gì ngoài ta mà có thật sao? Phật bảo cái nỗi khổ của con lạc đà kéo nặng suốt đời suốt kiếp cũng chưa gọi là khổ. Chỉ có những kẻ “mê muội chấp ngã” mới đáng gọi là khổ. Sự việc nghe qua đôi lần ta cho là nhàm, nhưng giải quyết được sự việc đó cho đến nơi đến chốn, thì suốt cả đời ta chưa chắc đã làm được. Khác gì câu chuyện giữa Thiền sư Ô Sào và ông Bạch Cư Dị. Bạch Cư Dị hay còn gọi là Bạch Lạc Thiên. Ông làm quan ở vào thời đại thạnh Đường ở Trung Quốc (772- 846). Ông là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, công minh. Ông cũng còn là một thi nhân nổi tiếng. Một hôm, ông tìm đến để yết kiến Thiền Sư Ô Sào. Khi đến nơi, ông thấy Thiền Sư Ô Sào đang ngồi thiền ở trên chảng cây có ba nhánh và chỗ Thiền sư ngồi y như cái ổ quạ. Vì lẽ đó, mà người ta gọi ông là Thiền sư Ô Sào. Bấy giờ, ông đứng dưới ngước mắt nhìn lên và hỏi:

Bạch Thiền Sư, con từ phương xa lặn lội đến đây, chỉ xin hỏi Thiền Sư một câu và xin Thiền Sư trả lời cho con một cách tóm tắt hết cái yếu lý của Phật pháp để con y theo đó mà tu hành.

– Được! Ông cứ hỏi đi.

– Bạch Thiền Sư phải tu hành như thế nào mới hết khổ?

– Thiền Sư liền nói một bài kệ của Phật Ca Diếp:

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là:

Các điều ác chớ làm
Vâng làm các điều lành
Giữ ý mình cho trong sạch
Đó là lời chư Phật dạy.

Nghe qua, ông mỉm cười trề môi và nói:

– Thưa Thiền Sư bài kệ mà Ngài vừa nói, thật ra đứa con nít tám tuổi còn biết và thuộc nằm lòng, có gì là quan trọng đâu.

– Ậy! Đứa con nít tám tuổi, tuy nó thuộc nằm lòng, nhưng chắc gì ông già 80 tuổi làm được.

Ông Bạch Cư Dị muốn Thiền Sư Ô Sào nói cho một câu tóm hết cái yếu lý của Phật pháp. Nhưng khi Thiền Sư nói, thì ông lại tỏ ý chê bai, cho rằng câu nói đó trẻ con đều biết. Quả thật, điều đó chứng tỏ ông chưa hiểu được yếu lý thâm huyền của bài kệ. Bài kệ trên đã tóm tắt hết giáo điển của Phật giáo. Vì quá quan trọng, cho nên chư Phật nào cũng dạy như thế.

Trở lại, pháp cú trên, Phật nhấn mạnh cho chúng ta biết, cái lầm chấp của kẻ ngu muội là như thế. Tại sao ta phải cam tâm làm kiếp ngu muội mãi! Đời người, không ai tự vỗ ngực cho mình là kẻ hạnh phúc. Có ai trong ta, dám quả quyết rằng mình không khổ. Biết khổ, chán khổ mà không tu để đoạn trừ phiền não, thì ta tự mâu thuẫn lấy ta. Lẽ ra biết khổ, ta phải cố gắng vươn lên để tìm phương thoát khổ. Muốn thoát khổ, không ai cởi trói cho ta bằng chính ta. Chúng ta hãy nghe câu chuyện sau đây giữa Tổ Tăng Xán và Đạo Tín.

– “Đời nhà Tùy khoảng niên hiệu Khai Hoàng có ông Sa di hiệu Đạo Tín được 14 tuổi đến lễ Sư thưa:

– Xin Hòa Thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

Sư hỏi:

– Ai trói buộc ngươi?

– Không ai trói buộc.

– Đã không trói buộc, đâu cần giải thoát.

Đạo Tín nghe liền ngộ.

Từ đây, Đạo Tín theo hầu hạ Sư suốt chín năm”.

(Tổ Thiền Tông, soạn giả Thích Thanh Từ)

Tâm lý con người từ xưa nay, thường đổ trút cho ngoại cảnh. Vì cảnh duyên trói buộc, nên không thể tu được. Thật ra, cảnh duyên không trói buộc được ta, mà chính ta tự trói ta. Những phiền não rối rắm trong tâm ta nó trói buộc ta. Chính nó làm cho ta phải nhức đầu đau khổ suốt ngày. Tâm trạng của Sa di Đạo Tín, thật chẳng khác gì tâm trạng của tất cả chúng ta hiện nay. Con người ai cũng muốn thoát khổ. Song có điều, lúc nhỏ, ta không được cái diễm phúc lớn lao như Ngài. Ta không có được cái căn duyên sâu dầy Phật pháp như Ngài. Nhờ cái căn duyên trồng sâu của Ngài, nên khi gặp Tổ, Tổ nói cho một câu là Ngài tỏ ngộ ngay. Đối với chúng ta, vì nghiệp chướng quá sâu dầy, nên cũng nghe câu nói đó, mà tâm trí ta không chút gì khai phát tỏ ngộ. Rõ ràng là chúng ta quá si mê. Dù tâm trạng của chúng ta cũng muốn thoát ly nỗi thống khổ của kiếp người.

Nhưng muốn là một chuyện, còn làm lại là một chuyện khác. Hằng ngày, ta không thường xuyên tỉnh thức để tự cởi trói, mà cứ mãi cầu mong nhờ Phật Tổ cởi trói giùm. Ai còn ôm ấp tâm niệm cầu mong đó, thì thật là trái xa với lời Phật dạy. Bằng chứng, qua câu chuyện trên, Ngài Đạo Tín cầu mong Tổ ban cho pháp giải thoát. Tổ liền hỏi vặn lại: Ai trói ngươi? Một câu hỏi có một năng lực xoáy mạnh vào tâm trí của một chú Sa di, đã từng thao thức ôm ấp nỗi đau khổ vày vò trong tâm thức muốn được giải thoát. Chú cứ ngỡ rằng, sự giải thoát phải nhờ đến bàn tay của phép lạ, hay của một bậc thầy nào đó có đạo lực cao siêu. Nhưng Chú không ngờ rằng, vấn đề mà mình nghĩ bấy lâu nay, hoàn toàn thất vọng. Cho nên trả lời một cách rất thật thà và trung thực rằng: “Không ai trói buộc”. Liền đó, Tổ bồi thêm cho một câu xoáy mạnh vào khả năng tự lực của chính mình, đánh đổ hoàn toàn ý hướng vọng ngoại mong cầu và ỷ lại ở nơi tha nhân. Tổ nói: “Đã không trói buộc, đâu cần giải thoát”. Có trói, mới có mở. Không trói thì mở cái gì? Bản tâm của chúng ta từ xưa nay vốn thanh tịnh sáng suốt, nhưng vì bị phiền não che ngăn, nên không thể hiển lộ. Chỉ cần xoay lại dẹp hết mây mù vô minh, thì mặt trời trí huệ tự nhiên xuất hiện. Như thế, thì có trói, có mở gì đâu? Tự thể bản nhiên là như vậy. Ngay câu nói nầy, chú Sa di Đạo Tín liền tỉnh ngộ ngay. Tất cả đều do mình định đoạt số phận mình, chớ không ai giải quyết thế cho mình. Đó là một yếu lý căn bản của sự tu hành và cũng là một yếu lý của Phật giáo.

Thích Phước Thái