Câu 63. Ngu mà tự biết ngu tức là có trí, ngu mà tự xưng rằng trí, chính đó mới thật là ngu.

Lược giảng

Pháp cú trên, để cho rõ nghĩa, ta tạm tách chia ra làm hai câu để tìm hiểu. Câu một: Ngu mà tự biết ngu tức là có trí. Trong câu nầy, ta nên chú ý ở nơi chữ “Biết”. Tại sao phải chú ý ở nơi chữ biết? Như nói người ngủ “Biết” mình thức sao gọi là ngủ? Đã ngủ thì không thức, ngược lại, đã thức thì không ngủ. Không có ai vừa ngủ lại vừa thức. Có chăng, chỉ có kẻ nào ngược kỳ đời, quá điên khùng mới nói như thế. Cho nên chữ “Biết” rất là quan trọng.

 kinh phap cu 63

Người xưa nói: Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có Biết là sống. Chữ Biết trong câu nói nầy, hàm ý là theo cách xử thế. Biết đây là biết theo thời cơ. Phải biết chìu theo ngọn gió đùa. Nghĩa là có lúc phải biết giả dại; có lúc cần phải biết giả khôn. Giả khôn hay giả dại, chỉ tùy thời qua ải thế thôi. Biết tấn, biết thối để bảo tồn sinh mạng. Chớ “Biết” như kiểu Dương Tu, thì tránh sao khỏi chết dưới tay đa nghi và ác độc của Tào Tháo. Cái biết của Dương Tu, để tỏ ra mình là kẻ khôn hơn chủ. Biết như thế chưa phải là người khôn ngoan thật biết. Chứng tỏ thật khôn, nhưng thật ra là quá dại. Bởi do sử dụng cái biết không đúng chỗ, nên Dương Tu tự rước lấy cái họa vào thân, cuối cùng phải chết dưới tay Tào Tháo. Ở đời không ai muốn kẻ khác hơn mình.

Ngược lại, cái biết trong Phật giáo thì có khác. Cái Biết Phật dạy trên, ý nghĩa thật là sâu sắc thâm trầm. Mình muốn làm kẻ có trí, tất mình phải biết cái ngu của mình. Phải ứng dụng cái Biết thường xuyên trong đời sống, thì đời sống mới có ý nghĩa. Biết đây có thể nói là đồng nghĩa với tỉnh thức.

Con người sống trong tỉnh thức, tất nhiên là con người sáng suốt. Thí dụ: Mình là kẻ đang mắc chứng bệnh gan. Tự biết rõ bệnh trạng của mình, nên tuyệt đối không bao giờ uống rượu mạnh vào để gây ra tác hại cho gan. Nhận biết như thế, thì quả họ là người có trí. Ngược lại, mình đang bị đau như thế, mà vẫn không kiêng cử rượu, cứ uống nhiều rượu vào, bệnh càng ngày càng nặng, thì người đó quả họ là kẻ vô trí. Vì họ không tự biết họ bệnh, giống như người ngu mà không biết họ ngu, cứ ngỡ rằng mình khôn. Lỗi lầm (ngu), mình biết mình có lỗi lầm (trí), tất nhiên mình sám hối không dám tái phạm nữa, đó là người trí.

Chúng ta biết hiện tại chúng ta đang đau khổ, nên cần phải tìm cách thoát khổ. Kẻ đang say sưa nghiện ngập rượu chè hoặc ma túy (ngu) mà họ biết việc làm của họ sai (trí). Họ quyết tâm cai nghiện, kết quả họ không còn mang bệnh ghiền nữa. Người như thế quả họ chuyển ngu thành trí, chuyển họa thành phước. Trên đời nầy, không một ai không lầm lỗi. Nhưng lầm lỗi mà biết cải hối sửa đổi, thì không phải người trí là gì? Người như thế, ai dám đánh giá họ là kẻ ngu si. Trừ phi mình không còn biết gì nữa thì kẻ đó mới thật là ngu mê. Ngược lại, mình đang trong cơn mê mà mình tự nói rằng mình là kẻ tỉnh, thì đó mới thật là kẻ điên rồ.

Cho nên câu kế tiếp, Phật mới nói: “Ngu mà tự xưng rằng trí, chính đó mới thật là ngu”. Ý của câu nầy giống như: mình là người dân (ngu) mà cả gan tự xưng mình là vua (trí), như vậy, kẻ đó chắc chắn phải bị rơi đầu (đại ngu). Vì họ không biết thân phận của họ là dân (ngu) mà dám ngang nhiên xưng vương (trí) không sợ ai, nên cuối cùng họ bị chết một cách thê thảm. Như kẻ cướp giựt đồ của người khác, bị cảnh sát bắt bỏ tù, như vậy kẻ đó có tự nói mình là kẻ có trí được không? Nếu họ thật là người trí, thì làm gì họ đi cướp giựt đồ của người ta. Quả họ thật là kẻ ngu muội mà dám tự xưng mình là người trí. Như thế không phải ngu là gì!

Cũng thế, trong lãnh vực tu hành, nếu ta chưa diệt hết phiền não mà tự nói ta đã đạt được Niết bàn. Như vậy kẻ đó sẽ như thế nào? Chắc là ta nói kẻ đó là đại ngu. Vì dám nói láo lường gạt mọi người. Tu hành chẳng ra chi mà dám đại ngôn tự cho mình là kẻ chứng Thánh quả. Người như thế, Phật cho đó là Tăng thượng mạn. Hạng người nầy thật là nguy hiểm trong đạo pháp. Vì lợi dưỡng, họ bất chấp tội lỗi, miễn sao họ được vinh thân phì da thì thôi. Cho nên mới nói: “Kẻ ngu mà cho rằng mình trí, chính đó mới thật là kẻ đại ngu”.

Thích Phước Thái