Câu 69: Khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật; nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, họ nhất định phải chịu khổ đắng cay.

kinh phap cu 69

Lược giảng

Một người tạo nhân ác, khi quả báo chưa đến, họ tưởng là không có nhân quả, hay nhân quả không đúng. Họ không biết rằng, nhân quả phải trải qua ba thời kỳ: “quá khứ, hiện tại và vị lai”. Có khi vừa gây nhân là có kết quả liền. Thí dụ: ta có ăn là có no liền, hay ta học là ta biết chữ liền. Ăn là nhân mà no là quả. Học là nhân, biết chữ là quả. Đó là nhân quả hiện tiền. Trong nhà Phật gọi là hiện báo. Đời nầy gây, thì đời nầy trả. Chẳng qua, tùy nhân gây tạo mà nó có mau chậm. Như kẻ giết người, sau đó, họ tẩu thoát và trốn tránh. Trong thời gian nầy, luật pháp chưa phát hiện ra họ. Họ tưởng không ai tìm thấy họ. Nhưng họ quên rằng, cái quả báo nó có ngay khi họ cầm súng hoặc cầm dao giết người rồi. Trước sau gì họ cũng phải đền tội. Luật pháp không bao giờ nới tay dung tha họ. Luật pháp đang truy nả họ. Họ tưởng qua rồi mọi việc êm xuôi. Không đâu. Giống như pháp cú trên nói: “khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật.” Nên nhớ, chỉ có kẻ ngu muội mới nghĩ như thế. Sở dĩ họ thấy là đường mật, là vì quả báo chưa thành thục, tức là chưa đến giai đoạn chín mùi. Khi trái cây đã chín mùi rồi, dù ta không hái, tự nó cũng sẽ rụng. Và nó sẽ rụng bất cứ lúc nào. Khi rụng rồi, thì dù cho ta có than van trách phận, thì ôi thôi! cũng đã quá muộn màng rồi! Kinh dạy:

“Giả sử bá thiên kiếp
Sở tạo nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ”.

Nghĩa là:

Dù trải qua trăm ngàn kiếp
Chỗ tạo nghiệp không mất
Khi nhân duyên đến rồi
Quả báo phải chịu lấy.

Luật nhân quả không bao giờ sai lệch. Lưới trời tuy thưa mà lồng lộng, không lọt một ai. Dù cho ta có cao bay xa chạy đến đâu, cuối cùng rồi cũng phải trả. Bởi thế sách Nho có câu:

“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.
Hành tàng hư thiệt tự gia tri
Họa phước nhơn do cánh vấn thùy.
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”.

Nghĩa là:

Làm lành hay làm dữ, cuối cùng rồi cũng phải trả.
Đừng có hòng cao bay xa chạy mà tránh khỏi,
Cũng không thể che dấu được ai.
Chẳng qua là quả báo nó đến với mình sớm hoặc muộn mà thôi.
Việc làm của mình có giả dối hay thật tình,
Thì chính mình, mình tự biết rõ.
Việc họa phước đến không cần phải hỏi ai.
Chẳng qua là nó sẽ đến với mình sớm hoặc muộn mà thôi.

Nhưng chắc chắn là nó sẽ đến. Có khi nó đến một cách hung tợn, rùng rợn; cũng có khi nó đến một cách rất âm thầm lặng lẽ. Nhưng dù hung tợn hay âm thầm, tùy theo cái nhân đã gây, điều quả quyết chắc chắn là không ai tránh khỏi. Làm sao tránh khỏi đây, khi mà cái quả báo nó luôn bám sát theo mình. Khác nào như bóng theo hình. Hình như thế nào thì bóng sẽ như thế ấy. Có người chỉ biết có hình mà quên bóng. Nếu chúng ta luôn luôn nhớ bóng, nó luôn bám sát theo mình, thì đời ta chắc sẽ bớt khổ nhiều lắm. Vì có nhớ như vậy, làm sao ta dám gây tạo nghiệp ác. Bởi thế, Phật mới quở ta là kẻ ngu khờ dại dột. Cho nên đừng nghĩ rằng, khi ta tạo nghiệp ác, không ai thấy biết. Dù cho con mắt phàm nhơn không thấy biết, nhưng dưới đôi mắt “Thần nhân quả” nhìn ngó, ta khó thoát khỏi. Đôi mắt đó như ánh đèn pha soi rõ việc làm của ta. Nó luôn theo dõi dòm ngó ta lom lom từng giây phút. Cuối cùng rồi, ta cũng phải xuôi tay mà nạp mạng. Đã có biết bao nhiêu người nạp mạng như thế. Đã gây nhân bất thiện rồi, thì khó thoát khỏi lưới Trời. Lưới trời pháp luật tuy thưa, nhưng mà rất khó lọt. Lưới pháp luật thế gian còn không lọt được, làm sao lọt lưới Nhân Quả. Hiểu như thế, mới thấy lời Phật dạy không bao giờ sai chạy. Một mảy may không sai sót. Biết vậy, ta không thể lơ là trong việc tu hành.

Ta nên nhớ luật tắc căn bản: “Ai ăn nấy no, ai học nấy biết chữ, không ai ăn thế hay học thế cho ai được”. Trong sự sinh hoạt hằng ngày, ta luôn nhớ đến nhân quả, thì đời ta chắc chắn sẽ được an vui. Vì sao? Vì nhớ nhân quả, nên ta cố gắng vun bồi tạo thêm điều lành. Đã gây nhân lành, vô lý ta lại thọ quả dữ. Trừ phi, quả báo của quá khứ mà ta đã gây. Đến nay, nó tới thời kỳ chín mùi, tất nhiên ta phải trả. Đúng như lời Phật dạy trong Pháp cú trên: “nhưng khi ác nghiệp đã thuần thục, họ nhất định phải chịu quả đắng cay”.

Thích Phước Thái