Câu 7: Những người chỉ muốn sống trong khoái lạc, không chịu nhiếp hộ các căn, uống ăn vô độ biếng nhác chẳng tinh cần, họ thật là người dễ bị ma nhiếp phục như cành mềm trước cơn gió lốc.

Câu 8: Những người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc, khôn khéo nhiếp hộ các căn, uống ăn tiết độ, vững tín và siêng năng, ma không dễ gì thắng họ như gió thổi núi đá.

Bản sao của Bản sao của kinh phap cu pham song yeu 7

Lược giảng

Một cuộc sống buông thả theo ngũ dục lạc thế gian, không tự chế phục, đó là cuộc sống sa đọa. Sống như thế, khác nào như một khúc gỗ trôi theo dòng nước, không định hướng. Hậu quả của một đời sống bê tha, thác loạn sẽ gây ra nhiều tai hại cho chính bản thân mình và xã hội. Con người sống thích hưởng thụ khoái lạc. Hiện trạng bức tranh xã hội ngày nay đã vẽ lên biết bao nhiêu cảnh thương tâm của thanh thiếu niên nam nữ đã và đang nướng mình trong những khoái lạc nghiện ngập hút sách xì ke ma túy, cuối cùng lãnh lấy hậu quả thê thảm thân tàn ma dại. Cảm thọ hay xúc thực là một thứ tai hại khổ đau rất lớn, nếu con người không biết hạn chế nhiếp hộ 6 căn. Trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật có nói rõ: chúng sanh bị luân hồi khổ đau hay được giải thoát, cũng đều do ở nơi 6 căn. Nếu 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần cảnh, mà chúng ta biết làm chủ, không để cho 6 trần lôi cuốn, thì đó là giải thoát. Ngược lại, thì đau khổ dài dài. Vì vậy,vấn đề nhiếp hộ 6 căn là một vấn đề tối hệ trọng đối với người tu. Không nhiếp hộ 6 căn, khác nào như con khỉ bị dính nhựa và làm mồi cho anh chàng thợ săn ngon bữa.

Đời sống hiện thực, chúng ta rất cần những nhu cầu cho sự sống. Nhu cầu hệ trọng trước tiên là ăn uống. Mọi nhu cầu khác đều là trợ duyên. Nhưng, nếu chúng ta không khéo biết tiết chế sự ăn uống cho có điều độ chừng mực, chọn lựa thức ăn thích hợp, thì đó cũng là một tai hại cho sức khỏe. Thực phẩm ngày nay có chứa quá nhiều độc tố. Các nhà kinh doanh chuyên sản xuất thực phẩm, vì muốn cạnh tranh trên thương trường để kiếm được nhiều tiền, làm giàu, nên họ bất chấp thủ đoạn trong khi chế tạo. Dù chánh phủ đã có theo dõi, đặc trách chuyên ngành kiểm thực, nhưng cũng không thể nào kiểm hết được. Do đó, ta thấy thỉnh thoảng hay xảy ra tình trạng bị nhiễm độc thức ăn. Đó là hậu quả tai hại mà hầu hết các quốc gia khắp nơi trên thế giới, nơi nào cũng có. Vì vậy, người tiêu thụ thực phẩm, thật khó tránh khỏi tai hại bệnh hoạn, tử vong. Dù vậy, nhưng nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu tìm hiểu vấn đề ăn uống, theo sự chỉ dẫn của ngành y học, thì cũng rất có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, có rất nhiều sách nói về thuật dưỡng sinh. Ta nên tìm kiếm để đọc, rất có lợi ích. Ta nên nhớ, bao giờ ngừa bệnh cũng hơn là chữa bệnh. Người ta thường nói tham thực cực thân. Chẳng những cực thân thôi, mà đôi khi còn phải bị mất mạng nữa.

Lười biếng cũng là một trạng thái sa đọa. Dù sống ở bất cứ lãnh vực nào, ngoài đời hay trong đạo, nhứt là đối với người xuất gia, nếu lười biếng thì sự nghiệp trí huệ giải thoát khó thành. Ngoài đời, người nào mang chứng bệnh lười biếng, thì sự nghiệp không mong gì thành công được. Ở đây, Phật muốn nhằm khuyên bảo người xuất gia phải luôn siêng năng chuyên cần tu niệm. Vì đời người quá ngắn ngủi, vô thường đến không hẹn trước được. Nên người xuất gia muốn được giác ngộ giải thoát thì không thể nào giải đãi, xao lãng thờ ơ trong việc tu học. Pháp Cú nầy, Phật cho chúng ta thấy rõ kẻ nào vướng phải những tệ hại nói trên, thì sẽ bị ma lực nhiếp phục một cách dễ dàng. Nói cách khác, kẻ đó sẽ là quyến thuộc của ma vương. Một khi làm quyến thuộc của ma vương rồi, thì ma vương muốn sai sử ta thế nào cũng được, có khác nào như cành mềm trước cơn gió lốc. Pháp cú thứ 8, Phật cho chúng ta thấy hình ảnh ngược lại của người khéo biết tu. Nếu người tu có được một đạo lực khá cao, thì bọn ma vương không dễ gì thắng họ được, khác nào như gió thổi núi đá, thật chẳng hề hấn gì.

Thích Phước Thái