Câu 37. Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, đi rất xa, vô hình vô dạng như ẩn náu hang sâu, nếu người nào điều phục được tâm, thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc.
Lược giảng
Phật gợi cho chúng ta một hình ảnh về “tâm vọng” qua những từ ngữ để chúng ta có thể hình dung tâm vọng của chúng ta. Những cụm từ “lén lút đi một mình”, “đi rất xa”, “ẩn náu hang sâu”, đủ để chúng ta thấy rõ điều đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, ít khi nào chúng ta thật sự quán chiếu lại nội tâm để biết rõ tâm ta. Thường chúng ta bị đồng hóa với ngoại cảnh. Cho nên ta không nhận diện được nó. Nó luôn luôn gây cho ta bất an. Ta đau khổ cũng chỉ vì nó. Ta muốn nó ở yên, nhưng nó nào có chịu. Nó cứ lén lút rời bỏ ta đi một mình. Hai chữ “lén lút”, nói lên một hành động thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. “Đi một mình, đi rất xa, vô hình, vô dạng như ẩn náu hang sâu”. Cái gì lén lút? Và tại sao phải đi như thế? Sợ ai mà phải lén lút? Tại sao không đi công khai? Đó là những câu hỏi mà ta cần phải nêu ra để tìm hiểu.
Thông thường, chỉ có những kẻ bất chánh mới hành động lén lút, vì sợ người ta nhận diện biết được. Chớ nếu là kẻ quang minh chánh đại, thì sợ ai mà phải lén lút. Kẻ lén lút là kẻ dối trá, tà vạy là kẻ mà ta cần phải luôn luôn đề phòng. Vì chúng như là kẻ trộm. Chỉ hai chữ “lén lút” thôi, mà Phật đã cho chúng ta có thể hình dung được tâm “lũ tâm vọng phiền não của ta”.
Thật vậy, tâm ta là thứ vọng tưởng, giả dối không thật. Vì là dối trá, gian xảo, nên thường làm những việc lén lút. Kẻ gian dối bao giờ cũng muốn hành động một mình, sợ người khác để ý dòm ngó. Vì vậy, nên chúng chợt đến, chợt đi, như bóng ma trơi. Nó biến dạng, tàng hình dưới mọi hình thức không ai biết được. Lũ tâm vọng phiền não nầy bình thường như ẩn trốn hang sâu, nhưng khi gặp duyên, xúc cảnh, thì bọn chúng xuất đầu lộ diện tràn ra như ong vỡ tổ tha hồ đốt cắn mọi người. Thật là ghê gớm đáng sợ thay! Tuy vậy, chúng chỉ là một thứ đội quân tạp nhạp, thiếu kỹ luật, không có đội hình trật tự và tất cả cũng chỉ là một thứ bóng mờ mà thôi. Dù chúng có một sức mạnh rất lớn! Nhưng, sức mạnh đó, cũng không thể nào chống cự nỗi với cây “thanh đao, bảo kiếm” của người trí tuệ. Khi người trí tuệ giơ cao ngọn thanh đao, hay bảo kiếm lên, thì bọn chúng thấy sẽ kinh hồn khiếp đảm tan hình biến dạng hết. Cho nên, câu kế tiếp Phật mới nói rằng: “Nếu người nào điều phục được tâm, thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc”. Như vậy, là kẻ đó đã chiến thắng ca khúc khải hoàn, phục hồi lại đất nước tâm thanh bình thạnh trị.
Thích Phước Thái