Câu 40: Hãy biết rằng thân nầy mong manh như đồ gốm và giam giữ tâm ngươi như thành quách, ngươi hãy đánh dẹp ma quân với thanh huệ kiếm sẵn có của mình và nắm giữ phần thắng lợi, chứ đừng sanh tâm đắm trước.

Lược giảng

Phật dạy: “Thân này mong manh như đồ gốm và giam giữ tâm ngươi như thành quách”. Tại sao Phật nói như thế? Chúng ta thử quán chiếu có đúng không.

kinh phap cu pham tam 40
Nói đồ gốm tức là những thứ do đất sét tạo thành. Tất cả đều do duyên hợp giả có. Nếu thiếu một duyên thì không thành. Như thiếu lò để nung hay thiếu người làm, thì món đồ gốm đó không thể nào thành tựu được. Đã do duyên hợp, tất phải do duyên tan. Nhìn lại thân thể chúng ta đang mang có khác gì món đồ gốm. Người ta tạo ra đồ gốm, như cái bình, cái chậu v..v.. mục đích là để đựng đồ.

Cũng thế, thân nầy do bốn đại: đất, nước, gió, lửa tạo thành. Đồ gốm nào cũng do 4 thứ đó tạo thành. Thiếu một trong 4 thứ đó thì không thành. Thân nầy cũng thế. Thiếu một đại trong 4 đại, thì không thành thân. Đã có thân, thì nó chứa toàn là những thứ bất tịnh. Chúng ta đừng quên đồ gốm rất dễ bể. Chỉ cần sẩy tay là sẽ bể tan nát ngay. Thân nầy cũng thế, chỉ cần một cơn đau nặng, hoặc một tai nạn xảy ra, thì thân thể cũng không còn. Vô thường xảy ra trong nháy mắt.

Phật so sánh thân nầy với đồ gốm, thật chẳng khác gì nhau. Bởi đồ gốm chỉ là thứ vật chất bất tri giác. Thân nầy cũng chỉ là thứ vật chất bất tri giác. Song có điều khác hơn là trong thân ta còn có thứ tri giác, đó là phần tinh thần, nói theo giáo lý Đại thừa, đây là do sự kết hợp của thất đại: đất, nước, gió, lửa, không, kiến và thức.

Tại sao nói “giam giữ tâm như thành quách”? Vì rời thân nầy không có tâm. Thân và tâm không thể tách rời ra được. Nhưng thân không phải là tâm và tâm không phải là thân. Cũng như chiếc xe không phải anh tài xế, hay ngược lại, anh tài xế cũng không phải là chiếc xe. Nhưng chiếc xe, nếu thiếu anh tài xế điều khiển, thì xe cũng không thể chạy được. Nhưng, nếu chỉ có anh tài xế không thôi, thì thử hỏi anh tài xế lái cái gì? Cả hai, đều có sự tương quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, nếu người nào quá chấp nặng, lệ thuộc ở nơi thân, mà quên mất tâm, thì có khác nào kẻ chỉ biết có chiếc xe mà quên mất anh tài xế. Giống như kẻ giam tâm trong thành quách. Thành quách có ra là do tâm tạo. Giống như họa sĩ vẽ ra thành quách, chớ thành quách không vẽ ra người họa sĩ. Thành quách chỉ là ngọn chớ không phải gốc. Người nào nhận biết như thế, thì không còn nặng chấp ở nơi thân. Đã thế, thì thân không còn giam giữ tâm ta được nữa. Tâm ta vốn trùm khắp tất cả, chớ không phải hạn cuộc ở nơi thân. Cũng như hư không ở trong cái bình sành, ta cứ ngỡ là hư không nhỏ như cái bình. Thật ra hư không không nhỏ như cái bình. Một khi cái bình bể vỡ ra, thì hư không sẽ tràn ngập hòa đồng cùng hư không bên ngoài trùm khắp không có nơi chốn. Cũng thế, nếu chúng ta sống trở về với cái tâm chơn thật rồi, thì thân nầy còn mất chỉ là chuyện của thân, chớ không liên hệ gì đến tâm. Cũng như bình sành hư bể, không liên hệ gì với hư không trong bình. Như thế, thì chuyện thân còn hay mất là chuyện trò chơi. Còn như nếu ta chưa nhận ra được bản tâm chơn thật của ta, thì ta vẫn còn thấy thân nầy là quan trọng, như thành quách giam hãm ta. Nhưng muốn thấy thân nầy còn mất giả hợp như trò đùa, thì hành giả cần phải có thanh huệ kiếm trong tay mới có thể tiêu diệt được quân ma phiền não.

Phật bảo chúng ta phải dành lấy phần thắng lợi. Nếu không, thì ta sẽ là kẻ đầu hàng làm nô lệ cho bọn chúng sai sử. Quyết định ta phải cố gắng dõng mãnh vươn lên để dành thắng lợi, nếu không được toàn triệt, thì ít ra cũng phải được chiếm cứ dành lấy chủ quyền từng phần theo kiểu hòa bình da beo. Như thế, thì đời ta mới có hy vọng chấm dứt khổ đau. Mong sao mọi người chúng ta cùng nhau cố gắng vươn lên dành lấy chủ quyền!

Thích Phước Thái