Câu 41: Thân nầy thật là ngắn ngủi ! Nó sẽ ngủ một giấc ngủ dài dưới ba thước đất, vô ý thức, bị vất bỏ như khúc cây khô vô dụng.

Lược giảng

Đức Phật đã cảnh giác, nói rõ về thân vô thường. Cái “thân nầy thật là ngắn ngủi”. So với dòng thời gian bất tận, thì quả thật kiếp sống của con người nó ngắn ngủi còn hơn một nháy mắt. Mới thấy đó rồi mất đó. Khác nào như con phù du sáng sanh chiều chết. Tổ Qui Sơn nói: “Sanh, già, bệnh, chết, không hẹn cùng người. Sớm còn tối mất, chợt qua đời khác. Thí như sương mùa xuân, đóng trên đầu ngọn cỏ, chợt có liền không, như cây trên bờ giây dưới giếng đâu đặng lâu dài”. Quả thật:

“Đời người khác thể loài hoa
Sớm còn tối mất nở ra lại tàn”.

Hay:

“Dép dưới giường lên giường vội biệt
Sống ngày nay dễ biết được ngày mai
Mạng người hô hấp lắm thay!
Nghĩ cơn vĩnh biệt tiền đài mà đau”.

kinh phap cu pham tam 41

Phật nói tiếp: “Nó sẽ ngủ một giấc ngủ dài dưới ba thước đất, vô ý thức, bị vất bỏ như khúc cây khô vô dụng”. Thật là buồn tủi! Thử ngẫm lại, có thân ai mà không ngủ một giấc ngủ triền miên chôn sâu dưới lòng đất lạnh. Biết thế, mà con người khi còn ba tấc hơi, thì vẫn còn tranh danh đoạt lợi, hơn thua từng chút, đấu đá chém giết lẫn nhau, không một chút từ tâm yêu thương đồng loại. Nhưng họ quên rằng:

“Mùi phú quý nhử làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc nam kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.

Hay:

“Danh mà chi lợi lắm mà chi!
Của công danh như bọt nước có ra gì
Mùi phú quý như vầng mây tan hiệp
Sang cho mấy cũng rồi một kiếp
Giàu đến đâu cũng chỉ hưởng một đời”

Tất cả, kết cuộc chỉ là một “bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương”. Sống mà không có ý thức đến sự vô thường nhanh chóng của kiếp con người, thì Phật cho đó là sống “vô ý thức”. Đã thế, thì có khác gì một khúc cây khô vô dụng vất bỏ bên đường! Mỗi người chúng ta hãy tự xét lại, xem mình có tỉnh thức về lý vô thường Phật dạy không? Và chúng ta có thật sự giác ngộ chưa? Nếu chưa, thì mỗi người nên cố gắng quán chiếu cho thật sâu sắc qua kinh nghiệm bản thân cũng như đối với tha nhân và ngoại cảnh. Để từ đó, chúng ta gắng sức tinh tấn tu hành thoát ly sanh tử khổ đau.

Thích Phước Thái