Ở Solu Kumbu, hằng ngày tất cả người già đều quay kinh luân. Buổi sáng khi họ ở nhà và buổi tối trước khi họ đi ngủ, họ đều cầm một chuỗi hạt (mala) trong tay trái, một chiếc kinh luân trong tay phải, và trì tụng thần chú OM MANI PADME HUNG.
Và khi họ đi lại, họ không ngừng quay kinh luân và trì tụng thần chú OM MANI PADME HUNG.
Tôi thường nghĩ rằng: “Làm sao quay kinh luân lại là sự thực hành Phật Pháp được nhỉ?” Trong tâm tôi đã khởi lên câu hỏi như vậy, chỉ vì tôi ngu muội, không biết đến những lợi lạc của pháp tu này. Tôi đã không biết đến tầm quan trọng và khả năng tịnh hóa lớn lao của kinh luân. Chỉ cần chạm tay vào và quay chiếc kinh luân thôi, bạn cũng tịnh hóa được vô số tội lỗi và tích tập được một lượng công đức đồ sộ.
Ở Lawudo tôi tìm thấy nhiều bản văn cổ, những bản viết tay của Lạt-ma Lawudo. Các hóa thân trước của Lạt-ma Lawudo thường được gọi là Lạt-ma (Kunsang) Yeshe và một số người nghĩ rằng tôi là tái sinh của Ngài. Lạt-ma Lawudo không sống trong tu viện, Ngài ẩn tu trong một hang động. Ngài đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để sao chép các pháp tu liên quan đến nhiều vị bổn tôn của Kim Cương thừa. Vào lúc đó các văn bản như thế rất hiếm, vì vậy Ngài đã chép tay ra rất nhiều bản.
Bởi vì chúng đã được giữ trong các hang động vô cùng ẩm thấp, các bản văn đã bị ẩm ướt, và tôi đã hong khô chúng dưới ánh mặt trời. Nếu bạn không hong khô chúng, các nốt sùi sẽ phát triển và các loài sâu bọ sẽ làm chúng bị hư hoại. Các loài sâu bọ sinh sôi và đục khoét thành lỗ nhỏ trên các bản văn.
Một hôm khi tôi đang trải các bản văn ra dưới ánh sáng mặt trời, tôi thấy một trong những bản văn cổ có tiêu đề “Mani Kabum”. Nó nói về toàn bộ lịch sử quá trình tiến hóa của thế giới, bao gồm cả việc Phật Pháp đã đi vào thế giới này như thế nào và làm sao mà người dân Tây Tạng, Xứ Tuyết, lại trở thành đối tượng cụ thể được đức Phật của lòng Từ Bi Quán Thế Âm thu phục. Đức Phật A-di-đà và đức Phật của lòng Từ Bi là như nhau trong bản tánh và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Và trong hơn hai mươi năm, đức Phật của lòng Từ Bi và đức Phật A-di-đà đã không chỉ dẫn dắt Tây Tạng và Trung Quốc, mà còn cả các quốc gia phương Tây, đặc biệt là bằng cách truyền bá Phật pháp.
Trong kinh văn Mani Kabum, tôi thấy có một đoạn lược giải về dòng truyền thừa của pháp tu kinh luân và một đoạn chỉ dẫn ngắn gọn về cách quán tưởng và thiền định khi bạn thực hành pháp này. Ở Tây Tạng, và nói chung là bất cứ nơi nào có giáo lý Đại thừa của Kim Cương thừa, pháp tu kinh luân đều lan tới. Ngài Long Thọ đã ban pháp này cho Sư Diện Phật Mẫu (Dakini Singhamukha). Sau đó Sư Diện Phật Mẫu đã trao pháp này cho đức Liên Hoa Sanh, người sau đó đã truyền pháp này vào Tây Tạng.
Sau khi đọc bản kinh này, tôi đã có thêm niềm tin rằng pháp tu này không phải là vô nghĩa, nó được căn cứ trên kinh điển, có giá trị và ý nghĩa. Từ bản kinh này, tôi đã có một số hiểu biết về khả năng tịnh hóa tâm thức mạnh mẽ và tích lũy vô lượng công đức của pháp tu kinh luân.
Năm 1987, khi tôi đang ở học viện Chenrezig tại Úc, tôi nhận thấy nơi đây cực kỳ thanh bình. Một cảm giác thanh thản đến nỗi mà bạn muốn được ở lại đó, sống ở đó. Trước đây học viện Chenrezig không được như thế, và tôi tự hỏi tại sao nó lại thay đổi. Vào thời điểm ấy, Geshe Lạt-ma Konchog đang ở đó. Geshe-la đã hành trì rất nhiều Pháp. Sau khi trốn thoát khỏi Tây Tạng, Ngài đã dành nhiều năm ẩn tu trong các hang động của Milarepa ở dãy Himalaya. Ngài đã thực hiện 2000 pháp Nyung-nays, khóa ẩn tu hai ngày thiền quán về đức Phật của lòng Từ Bi, bao gồm cả việc thọ tám giới Đại thừa và thực hiện nhiều lễ lạy và trì tụng thần chú. Geshe Lạt-ma Konchog đã rèn luyện tâm rất tốt trên đường tu của mình, vì vậy tôi nghĩ rằng sự thanh bình của học viện Chenrezig có thể là do Bồ-đề tâm của Ngài.
Tuy nhiên, vào một ngày gần cuối đợt tôi ở đó, suy nghĩ sau lại đi vào đầu tôi, “Ồ, sự thay đổi này có thể là do sự xuất hiện của kinh luân – trước đó nó không có ở đây.” Chiếc kinh luân ở đây nhỏ hơn nhiều so với các kinh luân ở vùng đất của đức Phật Dược Sư, nhưng nó rất độc đáo và ở bên trong nó vẫn chứa rất nhiều thần chú được in với cỡ chữ siêu nhỏ. Một thời gian sau, khi tôi đến Brazil theo lời mời của một trung tâm thiền ở đó, một đệ tử đã tặng tôi một cuốn sách được viết bởi một trong những đệ tử cao cấp của Tarthang Tulku về kinh nghiệm của ông ta khi phụ trách xây dựng bảo tháp và kinh luân tại các trung tâm của Tarthang Tulku. Trong một đoạn văn, ông nói rằng sau khi kinh luân được xây dựng, khu vực này đã hoàn toàn biến đổi, trở nên yên bình, dễ chịu, và lợi lạc cho tâm.
Điều này khẳng định niềm tin của tôi, dựa trên lý luận của riêng tôi, rằng học viện Chenrezig đã trở nên yên bình vì sự xuất hiện của kinh luân mới ở đó. Việc người đó đã cảm nghiệm được hiệu quả tương tự từ việc xây dựng kinh luân đã giúp tôi củng cố thêm niềm tin của mình.
Có bốn loại: địa kinh luân, thủy kinh luân, hỏa kinh luân và phong kinh luân. Một trong những lợi ích của kinh luân là nó tượng trưng cho tất cả các phẩm hạnh của chư Phật và Bồ Tát khắp mười phương. Để làm lợi lạc chúng sinh, chư Phật và Bồ Tát đã thị hiện trong các kinh luân để tịnh hóa tất cả những ác nghiệp và che chướng của chúng ta, giúp chúng ta hiện thực hóa những thực chứng trên con đường tu tới giác ngộ. Tất cả các chúng sinh (không chỉ loài người mà còn cả các loài côn trùng), trong khu vực các kinh luân được xây dựng sẽ được cứu độ khỏi việc tái sinh vào các cõi thấp; họ sẽ được sinh vào cõi thiên hoặc cõi người, hoặc được vãng sanh vào cõi tịnh độ của đức Phật.
Nếu bạn có một chiếc kinh luân mang thần chú Mani trong nhà, thì ngôi nhà của bạn sẽ giống như Potala, cõi tịnh độ của Đức Phật của lòng Từ Bi. Nếu bạn có một chiếc kinh luân bên cạnh khi bạn chết, bạn sẽ không cần pháp chuyển di thần thức (powa) nữa. Việc có một chiếc kinh luân tự nó đã trở thành một pháp tu để chuyển di thần thức bạn đến một cõi tịnh độ. Chỉ cần nghĩ đến chiếc kinh luân cũng giúp một người sắp chết đưa thần thức đến kinh mạch trung ương và đi ra ngoài đỉnh đầu để vãng sang vào cõi tịnh độ của đức Phật A-di-đà hoặc của đức Phật của lòng Từ Bi. Chỉ cần chạm tay vào chiếc kinh luân cũng tịnh hóa được vô số ác nghiệp và che chướng. Khi quay một chiếc kinh luân có chứa 100.000.000 câu thần chú OM MANI PADME HUNG, bạn sẽ tích tập được lượng công đức giống như khi đọc 100.000.000 lần câu thần chú OM MANI PADME HUNG.
Các kinh luân ở đây tại vùng đất của đức Phật Dược Sư có chứa 11,8 tỉ câu thần chú, do đó chỉ cần quay kinh luân một vòng cũng tương tự như đọc từng ấy lần thần chú. Trong vài giây ngắn ngủi, bạn đã được tịnh hóa một cách mạnh mẽ và tích lũy được rất nhiều công đức. Chỉ quay kinh luân một lần cũng tương đương với nhiều năm ẩn tu. Điều này được giải thích như là một trong những lợi ích của kinh luân.
Với kinh luân quay bằng sức nước, khi nước chạm vào nó thì nước sẽ được gia hộ. Khi nước đó chảy ra đại dương hoặc ao hồ, nó sẽ mang sức mạnh để tịnh hóa tất cả hàng tỷ loài động vật và côn trùng ở đó.
Tôi đã có một mong muốn, gần đây mong muốn ấy càng trở nên mãnh liệt hơn, để xây dựng một chiếc kinh luân ngoài đại dương. Bởi vì người ta đã yêu cầu tôi giúp đỡ trong rất nhiều dự án Phật Pháp khác, nên ý tưởng làm một kinh luân quay bằng sức nước đã bị trì hoãn. Tuy nhiên, gần đây khi tôi đến một trung tâm ở Đài Loan, trong một cuộc trò chuyện về kinh luân, tôi đã đề cập đến ý tưởng này. Một trong những thí chủ, người đã điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình trong vài năm qua, đã rất hoan hỷ làm một chiếc kinh luân quay bằng sức nước bởi vì cha ông đã khởi nghiệp bằng nghề buôn bán cá. Vì sự thịnh vượng của gia đình đến từ việc đánh bắt cá, ông ta cảm thấy gia đình mình còn mắc nợ các loài cá rất nhiều, và trong thâm tâm, ông đã mong muốn làm gì đó để trả nợ hay làm lợi lạc cho các loài cá.
Khi tôi đề cập đến ý tưởng làm một chiếc kinh luân ở dưới nước, ông ta như muốn khóc, và sau đó ông ta đã hỏi: “Tại sao Ngài lại bảo tôi xây dựng chiếc kinh luân này?” Sau khi nghe tôi giải thích lý do, ông đã rất hoan hỷ xây dựng một kinh luân ở dưới biển. Tôi đề xuất ý tưởng xây dựng nó ở một vùng biển gần Đài Loan, nhưng ông nghĩ nên xây dựng nó ở Hawaii, nơi nước biển Thái Bình Dương sẽ được tiếp xúc với kinh luân và mang lại vô vàn lợi lạc.
Lại có loại kinh luân quay bằng sức nóng của ngọn nến hoặc ánh đèn điện. Ánh sáng phát ra từ các kinh luân sẽ tịnh hóa các ác nghiệp của chúng sinh mà nó chạm tới. Kinh luân quay bằng sức gió cũng tương tự như vậy. Những cơn gió chạm vào kinh luân sẽ được gia hộ và sau đó sẽ có năng lực để tịnh hóa các ác nghiệp và che chướng của bất kỳ chúng sinh nào nó chạm đến.
Bởi vì kinh luân có khả năng tịnh hóa ác nghiệp rất mạnh mẽ, tôi nghĩ rằng sẽ là một ý tưởng rất hay khi sử dụng chúng. Một vài năm trước đây, sau khi tôi giải thích về những lợi ích của kinh luân ở Kopan, Lorna và Terry đã tình nguyện làm ra những chiếc kinh luân cho các đệ tử khác, những người muốn thực hành pháp này. Họ đã rất hào phóng làm những chiếc kinh luân nho nhỏ và tặng cho nhiều đệ tử, và cho cả tôi nữa.
Sau đó tôi tặng chiếc kinh luân của mình cho quốc vương Nepal. Khi tôi nói với ông ta rằng chiếc kinh luân này sẽ giúp người ta khi lâm chung, đột nhiên ông ta tỏ vẻ lạnh lùng. Tôi nghĩ rằng đó không phải là chủ đề mà người ta thường hay nói với ông ta. Khi ông ta hỏi: “Liệu tôi có phải giữ nó không?” Thì tôi nói: “Có”.
Trong bản kinh cũng đề cập rằng kinh luân giúp ngăn chặn các tinh linh và các chúng sinh khác gây hại và ngăn chặn bệnh tật, vì vậy tôi có ý tưởng sử dụng chúng để chữa bệnh. Bất cứ ai mắc phải các bệnh như AIDS hay ung thư, dù có hoặc không có bất kỳ sự hiểu biết nào về Phật Pháp, đều có thể sử dụng kinh luân để thiền định và chữa bệnh. Ví dụ, người bệnh có thể đến vùng đất của đức Phật Dược Sư này vài giờ mỗi ngày để quay các kinh luân và thực hành quán tưởng.
Có hai pháp thực hành quán tưởng. Với pháp đầu tiên, bạn hình dung những tia sáng phát ra từ các câu thần chú trong kinh luân, chiếu sáng bạn và tịnh hóa bạn khỏi tất cả bệnh tật và những nguyên nhân của bệnh tật, những suy nghĩ tiêu cực của bạn và những dấu ấn của chúng còn lưu lại trong dòng tâm thức tương tục của bạn. Sau đó, bạn hình dung ánh sáng soi rọi tất cả chúng sinh và tịnh hóa tất cả những đau khổ của họ, cũng như những ác nghiệp và che chướng của họ.
Trong pháp quán tưởng thứ hai, những tia ánh sáng được phát ra từ các câu thần chú, giống như một chiếc máy hút bụi moi móc hết tất cả các bệnh tật, tổn hại tinh thần và quan trọng nhất, nguyên nhân của bệnh tật, những ác nghiệp và che chướng. Tất cả những thứ này đều bị hút vào kinh luân. Trong khi niệm năm hoặc mười chuỗi thần chú, bạn hãy quán tưởng tự tịnh hóa mình theo cách này.
Cuối cùng, bạn hãy trì tụng một vài chuỗi trong khi quán tưởng rằng các tia sáng phát ra từ các kinh luân tịnh hóa tất cả những đau khổ và che chướng của chúng sinh trong sáu cõi. Những thứ này bị hút vào trong kinh luân và sau đó tất cả chúng sinh, bao gồm cả bạn, được giải thoát, hiện thực hóa toàn bộ con đường tu và trở thành đức Phật của lòng Từ Bi. (Bạn cũng có thể thực hành đi nhiễu quanh các bảo tháp, thánh tích trong khi thực tập quán tưởng như vậy).
Nếu ai đó bị bệnh AIDS, ung thư hoặc một số bệnh khác thì nên thiền định như thế mỗi ngày, càng lâu càng tốt, chắc chắn sẽ có tác dụng. Tôi biết một vài người đã hoàn toàn hồi phục khỏi bệnh ung thư giai đoạn cuối thông qua thiền định. Mặc dù người ta có thể không biết gì về Phật Pháp, về tái sinh hay nghiệp. Bởi vì họ muốn an tâm trong hiện tại và ra đi thanh thản, bởi vì họ quan tâm đến việc có được một cơ thể khỏe mạnh và một tâm trí lành mạnh, họ nên sử dụng phương pháp cực kỳ mạnh mẽ và vô cùng ý nghĩa này để chữa bệnh.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng mỗi kinh luân dù lớn hay nhỏ đều có thể được người bệnh sử dụng để chữa trị. Pháp tu này rất thiết thực và rất có ý nghĩa. Hai năm trước, tôi đã đề nghị Jim McCann xây dựng một chiếc kinh luân ở đây, tại vùng đất của đức Phật Dược Sư này, không chỉ cho mọi người thực hành pháp này, mà còn là để gia hộ cho đất đai. Nó hữu ích cho tất cả các loài côn trùng và động vật cũng như con người. Jim và vợ ông, bà Sandra, đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để hiện thực hóa chiếc kinh luân tuyệt đẹp này, mặc dù tôi dám chắc rằng có nhiều người khác đã giúp đỡ họ. Từ đáy lòng mình, tôi muốn cảm ơn họ rất nhiều vì thành tựu này. Một chiếc kinh luân làm cho nơi này trở nên thiêng liêng và cao quý, giống như một cõi tịnh độ vậy.