TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 9

(Tiếp theo nhiếp tụng bốn trong biệt môn thứ hai).

Bấy giờ, Ác Sinh bảo Khổ Mẫu:

– Thật khó chống lại các Thích chủng dũng mãnh ở thành Kiếp Tỳ La, họ đóng cửa thành và phòng thủ ở trên, vậy chúng ta làm sao sát hại họ được, thôi hãy lui binh.

Khổ Mẫu đáp:

– Ðối với các thành lớn, dùng phương pháp tấn công thì phá tan được. Thần từng nghe các vị tiên xưa nói: Có năm việc quyết định thắng họ. Năm việc ấy là:

Giao hảo, ngầm hối lộ
Lừa gạt, dùng kế độc
Sau đó, dùng binh lực
Là hành động người trí.

Theo mưu lược này, đầu tiên dùng những phương pháp để lừa gạt, sai sứ mang lệnh vua đến nói với họ:

– Ðối với ngài, ta rất thương mến, không có ác ý, nhưng có việc nhỏ cần phải vào thành, mong ngài mở cửa cho phép vào chốc lát rồi lui ra ngay không dám ở lâu.

Theo kế này, sau khi sứ giả thi hành, những người trong thành cùng nhau thương nghị:

– Nên cho họ vào hay không? Có người nói cho vào, có người không cho, có người nói nên tập trung lại rút thẻ, bên nào nhiều thẻ nghe theo bên ấy. Theo ý kiến ấy,mọi người cùng nhau rút thẻ.

Khi ấy, sau khi suy nghĩ: “Ta thường theo dõi Sa-môn Kiều Ðáp Ma tìm sự sơ suất của ông ấy nhưng không được, nay chính là lúc ta nên hại quyến thuộc của ông ta”. Ma vương liền biến thành một Thích tử già ngồi trên ghế cao bắt thẻ trước. Thấy ông ta bắt thẻ, đến lượt những người khác, họ đều nói:

– Bậc kỳ túc đã nhận, tại sao ta không lấy?

Bấy giờ, trong hội có nhiều người nhận thẻ. Thấy bên nhận thẻ nhiều, nên họï mở cửa thành cho quân lính vào. Vua Ác Sinh ra lệnh:

– Ta đã vứt bỏ những tên họ Thích, hãy tùy ý chém giết.

Nghe như vậy, tướng sĩ xua bốn loại binh, cờ trống vang trời, tiếng reo dậy đất, chém giết khắp nơi, không chút thương xót. Thấy sự việc này, rất thương xót cho thân quyến, mang đầu tóc rối tung, Thích tử Ðại Danh vội vàng chạy đến gặp Ác Sinh thưa:

– Xin đại vương ban cho tôi ước nguyện.

Vua hỏi:

– Cần việc gì?

Thưa:

– Xin ngài cho các Thích chủng được bình an!

Vua nói:

– Ta không tha các Thích chủng khác được, nhưng gia quyến của ngươi được tùy ý ra đi.

Ðáp:

– Tôi sẽ lặn xuống đáy hồ, trong lúc tôi chưa nổi lên xin cho quyến thuộc tôi được chạy đi.

Nghe như vậy, vua nhìn quần thần. Họ tâu vua:

– Ðại Danh này là bạn thân của tiên vương, nên cho hắn được toại nguyện.

Vua phán:

– Nếu vậy, thả họ trong một lúc.

Ðược nhà vua cho phép, với tâm ý đau buồn thương xót thân quyến, Ðại Danh vội vàng nhảy vào hồ, lặn xuống đáy nước, rồi lấy tóc mình cột vào rễ cây nên chết ở đó. Khi ấy, những Thích chủng không cộng nghiệp trong thời quá khứ, chạy ra khỏi thành, hoặc đến nước Mạt La, hoặc đến nư?c Nê Ba La, hoặc đến các tụ lạc thành phố khác. Những người cộng nghiệp trong thời quá khứ, chạy ra cửa Ðông lại vào cửa Nam, chạy ra cửa Nam chạy vào cửa Tây, chạy ra cửa Tây chạy vào cửa Bắc, chạy ra cửa Bắc chạy vào cửa Ðông.

Thấy vậy, quần thần tâu vua:

– Các Thích chủng đang tự đốt mình. Vì sao biết như vậy? Những người ra khỏi thành đều chạy vào lại. Sau khi hỏi:

– Hãy xem vì sao Ðại Danh lặn lâu vậy, nhà vua sai người xem xét. Thấy Ðại Danh đã chết, họ tâu vua. Biết ông ta đã chết, càng thêm phẫn nộ, vua ra lệnh đại thần:

– Hãy làm tòa cao, ta sẽ lên tòa, để chính mắt thấy, nếu không thấy máu người tuôn chảy tràn ngập khắp các nẻo đường, thì không bao giờ rời khỏi tòa này.

Sau đó, nhà vua lên tòa. Khi những người mạnh mẽ bị giết, máu cũng không chảy nhiều. Quần thần bàn nhau:

– Quý vị nên biết, nay vua Ác Sinh gây tội lỗi lớn, tự muốn thấy máu chảy lan tràn, làm sao có được như vậy, hãy lấy khoáng chất đỏ tía nấu ra màu đỏ, rót đầy cả ngàn bình, đổ khắp các nẻo đường, xem nó chảy không khác gì máu cả.

Sau khi làm theo kế này, họ tâu lên:

– Máu chảy đến!

Trông thấy nước này cho là máu, Ác Sinh suy nghĩ: “Ta đã nhìn thỏa mãn, vậy hãy trở về”.

Trong trận này, kẻ ngu Ác Sinh giết oan bảy vạn bảy ngàn Thích chủng. Trong số, có nhiều vị đã kiến đế. Sau khi giết hại các vị hiền thiện như thế xong, phe Ác Sinh dẫn năm trăm đồng nam và năm trăm đồng nữ Thích chủng đến một khu vườn là trú xứ của ngoại đạo.

Khổ Mẫu tâu:

– 1000 tên này đều là oán gia, tại sao không giết hết đi?

Vua nói:

– Nên giết thế nào?

Tâu:

– Sai bầy voi giày họ.

Khi ấy, trong năm trăm Thích chủng có người rất khỏe mạnh, đánh voi ngã và dùng tay xô ra. Thấy vậy, Khổ Mẫu tâu vua:

– Ðại vương thấy những người mạnh khỏe này không?

Vua đáp:

– Ta thấy!

Tâu:

– Nếu thả ra, bọn này sẽ gây bất lợi cho ngài.

Vua nói:

– Có cách gì giết họ được?

Ðáp:

– Ðào hố chôn sống cho ló đầu lên, dùng sắt đóng cho tan nát.

Khi ấy, có hai đồng tử chạy đến chỗ Phật. Thế Tôn muốn làm cho mọi người biết nghiệp báo thật có, nên dùng thần lực hóa bát lớn lên và để họ núp vào, nhưng vẫn bị chín rục trong bát.

Khi hai Thích chủng bị chết, Phật rất đau đầu, bảo A Nan:

– Hãy múc bát nước đầy, đem đến cho ta.

Khi A Nan dâng bát nước, có hai ba giọt mồ hôi trên cổ Ðức Thế Tôn nhỏ vào bát nước, làm cho bốc khói phát tiếng kêu như lấy miếng sắt nóng bỏ vào nước.

Bấy giờ, sau khi sai một người:

– Ngươi hãy ở lại đây, nếu Phật có nói gì về ta, hãy mau đến báo lại, vua Ác Sinh đem năm trăm đồng nữ về nước.

Thấy sự việc như vậy, các Bí-sô đều có thắc mắc nên bạch Phật:

– Ðại đức! vì nghiệp gì mà Ngài đau đầu? Các Thích chủng ở thành Kiếp Tỷ La đã tạo nghiệp gì, nay tuy không phạm tội mà bị kẻ ngu Ác Sinh tiêu diệt?

Thế Tôn bảo A Nan Ðà:

– Thầy hãy đi gọi các Bí-sô tập trung tại vườn ngoại đạo, ta sẽ nói về nhân duyên túc nghiệp về việc kẻ ngu si chúng sinh Ác Sinh tàn sát các Thích chủng.

Vâng lệnh Phật, Tôn giả đi thưa với chúng tăng.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng các Bí-sô đi đến vườn ấy. Giữa đường, có Bà-la-môn trông thấy Thế Tôn, nói:

– Này Kiều Ðáp Ma, kẻ ngu si Ác Sinh tạo rất nhiều nghiệp ác, đang giết oan nhiều Thích chủng vô tội.

Phật bảo Bà-la-môn:

– Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ngu si Ác Sinh tạo ra vô lượng nghiệp ác nặng nề, Thích chủng vô tội bị tàn sát oan uổng.

Ðến vườn kia, Phật thấy những đồng nam đồng nữ bị sắt đóng còn đang sống thoi thóp. Khi thấy Phật, họ đều gào khóc.

Sau khi đứng lại một bên, trải tọa cụ, ngồi xuống, Thế Tôn bảo các Bí-sô:

– Các Thích chủng ở thành Kiếp Tỷ La đã ba lần bị người khác sát hại, kêu khóc vang trời. Quá khứ, là những người đánh cá giết hại thủy tộc, lại giết hại nhiều người trong làng xóm, hiện nay họ đang bị Ác Sinh giết hại, còn chút hơi tàn kêu khóc vang dậy không khác ngày xưa. Này các Bí-sô! Có từng nghe các thợ săn đồ tể, nuôi sống bằng nghiệp này mà có voi ngựa xa bộ uy nghiêm mạnh mẽ không?

– Bạch Thế Tôn! Chưa từng thấy sự việc như vậy.

Phật dạy:

– Lành thay Bí-sô! Ta cũng chưa từng nghe thấy sự việc, bọn thợ săn mà có binh lính hùng mạnh như vậy. Vì sao? Do bọn đồ tể có tội ác vì tâm luôn tìm cầu sinh mạng thú vật. Ai gây nghiệp ác này, không thể có được quân đội tượng mã xa bộ hùng mạnh, tài sản phong phú. Vì sao? Khi các loại cầm thú như dê v.v … bị giết, dùng tâm ác độc nhìn người giết, do đó họ không có được tượng mã xa bộ hùng mạnh và nhiều tài sản. Này các Bí-sô! Khi những kẻ bị súc sinh nhìn bằng mắt ác độc còn làm cho họ không có bốn loại binh và nhiều tài sản, huống chi Ác Sinh quá ngu si giết hại các vị hữu học đầy đủ uy đức trì giới thanh tịnh, mà phát triển được tượng mã xa bộ tài sản, và được an ổn không bị tiêu diệt, thì không có việc này. Các thầy nên biết! Như rồng độc nhìn đến đâu thì nơi ấy bị tiêu diệt, thành Kiều Tát La này cũng vậy, kẻ ngu Ác Sinh cùng với Khổ Mẫu bị lửa đốt cháy kêu khóc vang trời, bị đọa vào ngục Vô gián khổ não vô cùng. Thế nên, các thầy nên biết! Ðối với cây khô còn không nên có tâm ác, huống chi với các loại chúng sinh khác.

Thấy sự việc này, các Bí-sô đều nghi ngờ, bạch Thế Tôn:

– Năm trăm Thích chủng không phạm lỗi đã từng làm nghiệp gì và do nghiệp lực ấy nên bị kẻ ngu Ác Sinh giết oan? Lại do nghiệp gì, khi họ bị sát hại, Phật bị đau đầu?

Phật bảo các Bí-sô:

– Các thầy lắng nghe về nghiệp của các Thích chủng và Ta đã làm. Nghiệp đã tạo kia khi hội đủ nhân duyên làm cho chín mùi, như nước cuồng lưu không thể ngăn cho cạn, không ai chịu thay được, v.v… cho đến quả báo tự mình phải chịu.

Này các Bí-sô, thời quá khứ, bên bờ sông kia có năm trăm ngư dân sống ở đó. Có hai con cá lớn từ biển lội vào sông, ngoi lên mặt nước. Thấy hai cá này, ngư dân rất vui mừng, thả lưới lớn và bắt được chúng. Thấy chúng quá lớn, họ bàn nhau:

– Giờ phải làm sao, cá to quá, nếu giết hết thì thịt chúng sẽ bị ương rã vì dùng không hết.

Có người bàn:

– Giết một con và cột một con dưới nước. Hoặc bàn:

– Cả hai đều lớn, nếu giết một con thì thịt nó cũng bị ương rã vậy nên cột vào trụ dưới nước, đừng cho chết, khi cần cắt lấy thịt sống để ăn.

Tất cả đều đồng ý rồi cùng nhau chia cắt thịt. Bị đau đớn khổ sở, cá kêu rống vang trời.

Bấy giờ, có một đồng tử trong đám ngư dân, thấy vậy nên thích thú. Hai con cá lớn suy nghĩ: “Ta thật bất hạnh tự dưng bị đau khổ, trong đời tương lai họ sinh đến đâu ta sinh đến đấy. Tuy họ vô tội, ta cũng sát hại làm cho đau khổ “.

Này các Bí-sô! Ðừng suy nghĩ khác, hai con cá ấy nay là Ác Sinh và Khổ Mẫu, năm trăm ngư dân nay là năm trăm Thích tử. Vì năm trăm ngư dân làm cho hai con cá bị đau khổ kịch liệt nên nay bị Ác Sinh và Khổ Mẫu chôn sống dùng sắt đóng lên làm cho Thích chủng đau khổ vô cùng. Các Thích chủng khác chính là những người trong lúc ấy vui vẻ theo. Ðồng tử trong số ngư dân ấy, nay chính là Ta, vì thấy giết cá, sinh tâm hoan hỷ nên tạo thành nghiệp. Do nghiệp ấy, tuy đã chứng đắc Vô thượng Bồ đề nhưng Ta vẫn còn bị đau đầu. Nếu Ta không có được phước tụ như vầy, với vô biên công đức, thì cũng bị tàn sát như những người kia.

Lại nữa, này các Bí-sô! Hãy lắng nghe về nghiệp của các Thích chủng thành Kiếp Tỷ La đã gây trong thời quá khứ. Có năm trăm tên giặc đến thôn nọ cướp đoạt tài vật. Có hai trưởng giả đang ở trên lầu bị giặc gọi xuống nhưng không tuân lệnh. Bọn giặc lại bảo:

– Nếu không xuống, làm cho ngươi chết hết.

Trưởng giả đáp:

– Ta thà chết chứ không xuống.

Bọn giặc liền chất củi phóng hỏa thiêu lầu. Lửa cháy bùng lên, thiêu đốt rất đau khổ, Trưởng giả suy nghĩ: “Ta không có tội gì mà bị khổ thế này, trong đời tương lai ngươi sinh về đâu, ta cũng sinh đến đó, làm cho ngươi bị khổ này “.

Này các Bí-sô! Chớ nghĩ gì khác, hai Trưởng giả kia nay là Ác Sinh và Khổ Mẫu, năm trăm tên giặc nay là năm trăm Thích chủng. Vì bọn giặc giết hai Trưởng giả, nên nay hai người này giết lại bọn họ. Thế nên, này các Bí-sô! Gây nghiệp đen bị quả báo đen, làm nghiệp trắng được quả báo trắng, tạo nghiệp tạp bị quả báo tạp. Vì vậy, các thầy nên từ bỏ hai nghiệp đen và tạp, cần tu tập nghiệp trắng, nên học như vậy.

Giết Thích chủng xong, về đến thành Thất La Phiệt, vua Ác Sinh sắp đi vào. Trên lầu cao, thái tử Thệ Ða đang cùng các thể nữ ca tấu âm nhạc, hưởng thụ năm dục. Nghe như vậy, Ác Sinh hỏi là ai, quần thần đáp:

– Thái tử Thệ Ða.

Vua phán:

– Hãy gọi đến đây.

Thái tử vâng lệnh đi đến.

Vua trách:

– Ta đi dẹp kẻ thù vô cùng mệt nhọc, tại sao ở nhà ngươi hưởng dục lạc?

Thái tử đáp:

– Ðại vương! Thần không rõ, vậy kẻ thù là ai?

Vua nói:

– Các Thích tử ở thành Kiếp Tỷ La là kẻ thù của ta.

Thái tử nói:

– Nếu Thích tử là kẻ thù vậy ai là bạn thân?

Nghe nói, vua rất giận dữ, bảûo các đại thần: – Ðây cũng là phe đảng của Thích tử, hãy mau tru diệt.

Các quan liền giết thái tử. Sau khi qua đời, thái tử sinh vào cõi trời 33. Vì chưa hết quả báo thù thắng ở cõi người, nên thái tử vẫn hưởng thụ diệu lạc ở cõi trời.

Bấy giờ, Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa này, nên nói tụng:

Ðời này hoan hỷ, đời sau hỷ
Vì làm việc phước, hai đời vui
Tự biết vui này do nghiệp trước
Lại được chuyển sinh vào thiện xứ.

Ðời này an lạc, đời sau lạc
Vì làm việc phước, hai đời lạc
Tự biết lạc này do nghiệp trước
Sinh đến nơi khác cũng an lạc.

Nghe Phật thuyết kệ xong, Cụ thọ A Nan Ðà bạch Phật:

– Ðại đức, con không hiểu ý nghĩa của bài kệ này.

Phật dạy:

– Này A Nan Ðà, thái tử Thệ Ða không có lỗi lầm, bị kẻ ngu Ác Sinh giết oan, nhưng quả báo thù thắng ở nhân gian chưa hết, nên vẫn hưởng thọ diệu lạc ở cõi trời. Vì vậy, Ta thuyết bài kệ ấy.

A Nan Ðà im lặng hoan hỷ tín thọ.

Sau đó, cùng các thể nữ đang ở trong cung điện, vua Ác Sinh tự khoe khoang:

– Ta là bậc có sức dũng mãnh hiếm có, vô song, trong thế gian có ai bằng không?

Nghe nói xong, năm trăm thể nữ do Ác Sinh mang về đồng nói kệ:

Họ là con nhà Phật
Vì giữ gìn giới luật
Nay ngài giết hết rồi
Tự khoe để làm gì?

Nghe Thích ca nữ nói kệ xong, vua rất phẫn nộ, nói kệ bảo đại thần:

Giết rồng, giữ long nữ
Sinh sân độc với ta
Hãy mau chặt tay chân
Ðể mau theo thân tộc.

Các đại thần dẫn năm trăm Thích-nữ đến bên bờ hồ Ba Thát La, chặt tay chân của họ. Vì vậy, hồ này tên là hồ Chặt Tay Chân. Câu ở đầu các kinh: “Phật ở bên bờ hồ Chặt Tay Chân, chính do việc này ” . Bị chặt tay chân, quá đau khổ không thể chịu nổi, năm trăm Thích nữ suy nghĩ: “Chúng ta đang bị đau đớn thống khổ không chịu nổi, Thế Tôn đại từ lẽ nào không thương xót “.

Thường pháp của chư Phật là không việc gì không biết. Khi ấy, Thế Tôn với tâm đại bi đi đến chỗ ấy, thấy các Thích nữ đang ngồi lỏa hình.

Thấy vậy, Thế Tôn khởi lên trí Thế gian. Theo thường pháp của chư Phật là khi khởi Tâm thế tục, cho đến côn trùng cũng biết ý Phật. Nếu khởi tâm xuất thế, cho đến Duyên giác Thanh văn cũng không biết ý Phật, huống chi chúng sinh khác mà có thể biết được. Phật suy nghĩ: “Lành thay! Nếu được thiên nữ Xá Chi đem y phục và nước đến đây thì thật thích hợp “. Phật vừa suy nghĩ, thiên nữ Xá Chi liền biết ý Phật, nên suy nghĩ: “Vì sao Thế Tôn khởi thế gian niệm, theo ta biết Thế Tôn muốn tuyên thuyết diêäu pháp cho năm trăm Thích nữ nên cần y phục và nước “.

Sau khi suy nghĩ, thiên nữ cầm năm trăm thiên y, đến ao Vô Nhiệt dùng bình múc đầy nước đem đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, bạch:

– Ðại đức! Chúng con đem đến năm trăm thiên y và nước thơm vi diệu.

Phật dạy:

– Ngươi hãy đến an ủi các Thích ca nữ, cho họ tắm rửa và mặc y phục.

Xá Chi lần lượt làm theo lời Phật dạy. Khi ấy, đức Như Lai dùng sức thần thông làm cho năm trăm Thích nữ không còn đau khổ nữa và dạy:

– Này các thiện nữ nhân! Tự mình gây nghiệp nay đã thành thục, phải tự chịu lấy, không ai thay thế được.

Dạy xong, đức Phật đi đến nơi khác. Sau khi phát tâm tịnh tín với Thế Tôn, các Thích nữ qua đời, sinh lên trời Tứ thiên vương. Khi nam hay nữ vừa sinh đến thiên giới đều có ba ý nghĩ: “Ta chết từ chỗ nào, nay sinh đến nơi nào, do đã làm nghiệp gì? ” Họ nhớ lại mình đã chết từ cõi người, nay sinh lên cung trời Tứ thiên vương, vì nhờ sinh tâm rất thanh tịnh kính trọng Thế Tôn.

Năm trăm thiên nữ suy nghĩ nếu chúng ta không đến lễ bái Thế Tôn thì bất kính và không đúng, nên trang sức anh lạc xinh đẹp sáng chói, dùng thiên y đựng các loại hoa Ôn bát la, Bát đầu ma, Câu vật đầu, Phân đà lợi, Mạn đàn la. Vào lúc nữa đêm, với hào quang rực rỡ chiếu sáng cả rừng Thệ Ða, năm trăm thiên nữ đến gặp đức Phật, cúng dường thiên hoa, lạy sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên lắng nghe diệu pháp. Thế Tôn tùy theo căn cơ sở thích của các thiên nữ mà thuyết diệu pháp, làm cho họ được ngộ lý Bốn thánh đế.

Bấy giờ, các thiên nữ dùng chày trí Kim cương phá tan 25 núi ngã kiến, chứng quả Dự Lưu. Sau khi kiến đế, ba lần bạch Thế Tôn:

– Ðại đức! Nhờ Phật Thế Tôn làm cho con chứng đắc được quả giải thoát, không phải do cha mẹ, quốc vương, chư thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, bạn bè, thân quyến làm cho. Con được gặp Thế Tôn là bậc thiện tri thức giúp đỡ làm cho thoát khỏi địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, ở yên nơi cõi trời thắng diệu, sẽ hết sinh tử đến đường Niết bàn, khô cạn biển máu vượt qua núi xương, dùng chày trí Kim cương đập nát ngã kiến đã tích tụ từ vô thủy, chứng quả Dự Lưu. Từ nay cho đến trọn đời, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng bảo, thọ trì năm học xứ không sát sinh cho đến không uống rượu. Cầu xin Thế Tôn chứng tri cho con là Ô Ba Tư Ca.

Ngay trước Ðức Phật, họ chắp tay cung kính nói kệ:

Chúng con nhờ Phật lực
Ðóng hẳn ba đường ác.
Sinh cõi trời thắng diệu
Hướng mãi đường Niết bàn

Con nhờ vào Thế Tôn
Ðược con mắt thanh tịnh
Kiến đạo thấy chân lý
Sẽ thoát khỏi biển khổ

Vượt qua cõi trời người
Viễn ly khổ sinh tử
Biển hữu khó gặp Phật
Con gặp nên được thoát

Con trang nghiêm thân
Tịnh tâm lạy chân Phật thể
Nhiễu phải trừ thù oán
Xin trở lại thiên cung.

Sau khi trình bày ý nguyện của mình, như người đi buôn được nhiều tài lợi, như nông phu thu hoạch nhiều nông sản, như người dũng mãnh chiến thắng kẻ giặc thù, như người bệnh nặng được khỏe mạnh hẳn, năm trăm thiên nữ hoan hỷ từ giã đức Phật trở về thiên cung.

Nghe nói như vậy, các Bí-sô đều nghi ngờ, thưa với Thế Tôn:

– Năm trăm Thích nữ này từng tạo nghiệp gì và do sức nghiệp ấy làm cho đời này tuy không phạm tội lỗi mà bị kẻ ngu Ác Sinh chặt oan tay chân, lại nhân nghiệp gì được sinh lên trời, nghe chánh pháp của Phật chứng chân đế lý?

Phật bảo các Bí-sô:

– Nghiệp của các Thích nữ kia đã làm, khi thành thục, nhân duyên gặp nhau … như nói ở trên, đều tự chịu lấy quả báo của mình. Này các Bí-sô! Thời quá khứ trong Hiền kiếp này, khi loài người thọ hai vạn tuổi, có đức Phật ra đời hiệu là Ca Nhiếp Ba Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Năm trăm Thích nữ này xuất gia trong giáo pháp đức Phật ấy, làm Bí-sô ni thường đến mắng chưởi đòi chặt tay chặt chân các vị Bí-sô ni hữu học, vô học. Do nghiệp lực này, họ bị đọa trong địa ngục chịu thiêu đốt khổ não trong vô lượng năm, vì dư nghiệp này nên thường bị chặt tay chân trong năm trăm đời, cho đến đời này bị khổ sở như vậy. Nhờ phát tâm thanh tịnh đối với Ta, nên họ được sinh lên trời. Lại do ngày xưa làm Bí-sô ni có thọ trì đọc tụng chánh pháp, nên được gặp Ta, nghe pháp chứng đắc kiến đế. Này các Bí-sô! Việc này đều do nghiệp … như nói ở trên.

Bấy giờ, nghe Phật dự báo, người mà vua Ác Sinh để lại, trở về gặp vua. Hỏi:

– Thế Tôn nói gì về ta?

Ðáp:

– Ðại vương, Như Lai nói như vầy: “Qua bảy ngày, nước Kiều Tát La sẽ bị phá diệt, Ác Sinh và Khổ Mẫu bị lửa thiêu đốt, đọa vào đại địa ngục Vô gián “.

Nghe nói như vậy, Ác Sinh rất phiền não, tay ôm trán. Thấy vậy, Khổ Mẫu hỏi:

– Vì sao đại vương ưu sầu?

Ðáp:

– Này Khổ Mẫu! Làm sao ta không ưu sầu. Thế Tôn có dự báo vào bảy ngày sau ta cùng khanh bị lửa dữ thiêu đốt và đọa vào đại địa ngục Vô-gián.

Khổ Mẫu tâu:

– Ðại vương! Như Bà-la-môn, khất sĩ vào nhà cầu xin. Khi không được cho vật gì, họ muốn làm cho nhà ấy bị trăm ngàn việc chẳng lành. Huống chi Sa-môn Kiều Ðáp Ma có thân tộc bị đại vương giết hết, làm sao không nói lời oán hận nặng nề, tuỳ theo tâm ác mà trù rủa. Nếu vua sợ thì trong hồ nước ở vườn sau, làm một lầu đ?p và đến ở đó trong bảy ngày, qua thời gian đó mới trở vào thành.

Vua đồng ý và sai làm lầu rồi đưa các cung nhân cùng Khổ Mẫu lên ở trên lầu. Sau một đêm, Khổ Mẫu tâu:

– Ðại vương! Ðã qua một đêm chỉ còn sáu đêm, sẽ cùng nhau vào thành.

Như vậy hai, ba cho đến ngày thứ bảy, Khổ Mẫu tâu:

– Hôm nay an ổn, hãy cùng vào thành.

Khi ấy, bỗng nhiên mây nổi che bốn phía. Thông thường người nữ ưa ngắm nữ trang, nên sau khi bảo nhau:

– Hãy trang sức cho xong để vào trong thành.

Bọn cung nhân lo sửa soạn y phục. Có một cung nữ lấy ngọc Nhật quang để trên cái gối, rồi lo trang điểm. Bấy giờ, mây tan trời sáng, ánh sáng mặt trời hiện ra chiếu vào viên ngọc, hội tụ phát ra lửa đốt cái gối, lửa ngọn phụt lên đốt cháy ngôi lầu. Bọn cung nhân bỏ chạy tứ tản. Bị lửa đốt, Ác Sinh và Khổ Mẫu muốn bỏ chạy, nhưng có phi nhân đóng kín cửa nên họ không thoát ra được. Bấy giờ, bị lửa thiêu đốt đau đớn thấu tâm can, Ác Sinh bảo Khổ Mẫu:

– Tai hại thay! Ta đang bị đau khổ vì lửa đốt!

Khổ mẫu nói:

– Ðại vương! Thần cũng vậy.

Thân thể cả hai bị lửa hừng hực đốt cháy chín rã nên kêu gào dữ dội, liền đọa vào địa ngục đại Vô gián, chịu các khổ não.

Thế Tôn nói kệ:

Ðời này bị đốt, đời sau đốt
Tạo tội, hai đời đều bị đốt
Tự biết bị đốt do nghiệp ác
Sau đó bị đọa vào đường ác

Ðời này chịu khổ, đời sau khổ
Người gây ra tội hai đời khổ
Tự biết khổ này do nghiệp ác
Lại còn chịu khổ nơi cõi khác.

Nghe Phật nói kệ xong, Cụ thọ A Nan Ðà bạch Phật:

– Ðại đức! Con không hiểu ý nghĩa bài kệ này.

Phật dạy:

– Này A Nan Ðà! Kẻ ngu Ác Sinh cùng với Khổ Mẫu bị lửa thiêu đốt đọa vào đại địa ngục A tỳ. Nhân sự việc đó, Ta thuyết kệ này với ý ấy … rộng như nói trên.

Sau khi Ác Sinh tru diệt họ Thích, trong thành ấy còn để lại những vật trang sức như anh lạc, vòng nhẫn … Thấy những vật ấy, các Thích nữ khóc lóc, sầu não. Sau khi suy nghĩ: “Khi những người chủ vật này còn sống rất kính trọng chúng Tăng, vậy nên đem chúng làm phước bằng cách dâng lên chư Tăng “. Họ dâng các vật ấy đến chư Tăng. Ðược cúng các vật ấy, Lục chúng đem ra trang sức thân thể, đi vào thành Kiếp Tỷ La thứ lớp khất thực. Trông thấy những vật trang sức này, các Thích nữ lại khóc lóc như trước, thưa:

– Thánh giả! Chúng con không muốn nhìn lại những vật này nên dâng đến các vị để không còn ưu phiền. Nay, các vị lại làm cho chúng con nhớ lại chuyện cũ.

Lục chúng im lặng. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật suy nghĩ: “Vì các Bí-sô trang sức anh lạc, vòng xuyến, mang dây bằng vàng nên có lỗi như vậy “. Ngài chế định:

– Từ nay về sau, các Bí-sô không được trang sức bằng những vật nhiều màu. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Nhiếp tụng năm trong biệt môn thứ hai:

Xuất gia hữu ngũ lợi
Bất tróc tiền thọ học
Ðại chúng thuyết già đà
Yên đồng thấu thính hứa.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Trong tụ lạc kia, có trưởng giả lấy vợ sống hạnh phúc. Sau đó chẳng bao lâu, gia tộc ly tan, tài sản không còn, nên ông ta suy nghĩ: “Ta đã lớn tuổi, không thể làm ra tiền tài để sử dụng, thân tộc của ta cũng không còn. Vậy ta hãy bỏ tục xuất gia “. Sau khi suy nghĩ, ông ta bảo vợ:

– Hiền thủ! Tôi đã già, không thể làm ra tiền tài, mà sản nghiệp cùng thân tộc không còn, nên muốn xuất gia.

Người vợ đáp:

– Tốt! Nhưng phải trở về thăm tôi.

-Ðược! Người chồng đáp.

Sau khi đến rừng Thệ Ða, gặp các Bí-sô, làm lễ sát hai chân, người chồng thưa:

– Thánh giả! Con cầu xin xuất gia.

Ðáp:

– Hiền thủ! Ðấy là việc tốt, ông sẽ được toại ý. Như Thế Tôn dạy: “Những người có trí thấy năm điều lợi nên ưa thích xuất gia. Năm điều ấy là:

– Một, ta được tự lợi người khác không có; Vậy người trí nên cầu xuất gia.

– Hai, tự biết ta là kẻ ti tiện bị người khác sai khiến, sau khi xuất gia được họ cung kính khen ngợi lễ bái ; Vậy người trí nên cầu xuất gia.

– Ba, sẽ chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng ; Vậy người trí nên cầu xuất gia.

– Bốn, qua đời ở đây sẽ sinh cõi trời ; Vậy người trí nên cầu xuất gia.

– Năm, thường được chư Phật, chúng Thanh văn và các bậc thắng nhân khen ngợi ; Vậy người trí nên cầu xuất gia trong pháp luật toàn thiện “.Ông phát tâm này, thật là tốt đẹp.

Các Bí-sô cho vị này xuất gia và thọ cận viên. Qua hai ba ngày, sau khi dạy bảo các pháp thức, họ bảo vị này:

– Hiền thủ! Nai không nuôi nai, thành Thất La Phạt rộng lớn là cảnh giới của Phật, nên đi khất thực để nuôi mạng sống.

Vào sáng sớm, mặc y ôm bát vào thành Thất La Phạt khất thực, gặp một phụ nữ giống vợ mình, nên vị ấy suy nghĩ: “Trước đây ta có hứa với vợ, sau khi được xuất gia sẽ về thăm viếng. Ta đã xuất gia, vậy hãy giữ lời hứa, chớ làm cho bà ấy buồn rầu “. Khất thực xong, về lại rừng Thệ Ða, sau đó vị ấy thưa với Ô Ba Ðà Da:

– Trước đây con có hứa với vợ cũ là sau khi được xuất gia sẽ về thăm viếng. Xin thầy cho phép.

Vị thầy đáp:

– Ông đi tùy ý nhưng khéo hộ trì tâm mình.

Thưa:

– Xin vâng.

Sau khi từ giã, vị ấy đi dần về làng cũ. Vừa trông thấy, người vợ vội chạy ra trước đón rước, kêu to:

– Kính chào! Thánh tử mới về! Và muốn nắm y giữ bát.

Bí-sô nói:

– Hiền thủ muốn làm gì?

Ðáp:

– Muốn đón lấy y bát.

Bí-sô nói:

– Ðừng đụng vào y bát.

Hỏi:

– Vì sao vậy?

Ðáp:

– Tôi phụng hành lời dạy của Ô Ba Ðà Da là khéo hộ trì tâm ý.

Ðáp:

– Thánh tử! Người hãy tự giữ tâm, tôi nào gây trở ngại gì! Bà ấy vẫn thu xếp y bát, trải tòa mời ngồi và lấy nước rửa chân.

Hỏi:

– Muốn làm gì?

Vợ đáp:

– Muốn rửa chân.

Nói:

– Ðừng chạm vào chân tôi.

Hỏi:

– Vì sao?

Ðáp:

– Tôi vâng lệnh của thầy bảo phải hộ trì tâm ý.

Vợ nói như trước và cứ rửa chân cho, rồi đem dầu đến muốn thoa. Bí-sô thấy vậy hỏi và vợ đáp muốn thoa chân. Bí-sô nói:

– Chớ thoa cho tôi.

Hỏi đáp như trước … thầy tôi dạy phải hộ trì tâm.

Vợ nói:

– Thánh tử! Người hãy tự hộ trì tâm.

Bà ta lại dọn ăn và muốn ăn chung.

Hỏi:

– Làm gì vậy?

Ðáp:

– Xa cách đã lâu, không ăn chung mâm, ý muốn ăn chung.

Bí-sô không đồng ý, hỏi đáp như trước. Bà ta lại trải tấm nệm, thưa:

– Thánh tử! Ði xa mệt nhọc, xin nghỉ ngơi một lúc.

Sau khi rửa chân, Bí-sô nằm nghỉ. Người vợ đến, muốn cùng nằm chung.

Bí-sô hỏi:

– Người muốn làm gì?

Ðáp:

– Thánh tử! Ðã lâu không nằm chung, nay muốn nằm chung.

Hỏi đáp như trước … Bí-sô không cho, nhưng bà ấy vẫn đến ôm đại. Người nữ tiếp xúc thật độc hại. Khi tiếp xúc, tâm Bí-sô bị loạn động phát ra ý niệm xấu liền giao hợp. Sau khi sống chung nhiều ngày, Bí-sô bảo vợ:

– Tôi muốn trở về chùa.

Sau khi suy nghĩ, ông ấy tư thông với ta, người ngoài không thấy, ta nên làm cho mọi người biết việc ấy, chắc chắn các Bí-sô trục xuất và trở về lại với ta, người vợ thưa:

– Thánh tử chẳng nên đi không, hãy mang theo ít lương thực và bối xĩ (tiền thời đó).

Bí-sô nói:

– Tôi không được cầm các vật như vàng, bối xỉ … làm sao mang đi.

Người vợ nói:

– Tôi sẽ tìm cách làm để không bị xúc chạm.

Sau khi đem các vật ấy treo trên tích trượng, bà ta nói:

– Hãy đem đi.

Bí-sô cầm tích trượng đi đến thành Thất La Phiệt. Thông thường, Lục chúng Bí-sô giữ cửa chứ chẳng chịu ở không. Ðang kinh hành trước cửa, trông thấy Bí-sô ấy đến với đầu như chim cú, lông mi dài rũ xuống, sau khi suy nghĩ: “Ðấy là Tôn giả nào đến đây, ta hãy đón tiếp “. Ô Ba Nan Ðà đi ngược lại, kêu lên:

– Xin chào! Xin chào Tôn giả!

Bí-sô kia đáp:

– Xin kính lễ! Kính lễ A Dá Lợi Da.

Sau khi suy nghĩ: “Bí-sô này chắc là Bí-sô già cả ngu độn nên không biết Ô Ba Nan Ðà, không rõ A Dá Lợi Da, ta hãy hỏi hắn từ đâu đến “. Ô Ba Nan Ðà đến hỏi:

– Lão già từ đâu đến?

Ðáp:

– A Dá Lợi Da! Con đi thăm vợ cũ về.

Ô Ba Nan Ðà nói:

– Ông là người tốt nên còn giữ ân cũ, ai cũng khen ngợi người nhớ ân cũ. Thế Tôn cũng có nói: “Này các Bí-sô! Nên thường học cách báo ân, ân nhỏ còn báo huống chi ân lớn!” Ông còn nhớ ân cũ, vậy gặp vợ không?

Ðáp:

– Con có gặp.

Hỏi:

– Bình an không?

Ðáp:

– May mắn được che chở nên vẫn bình an.

Hỏi:

– Vật gì treo trên tích trượng của ông vậy?

Ðáp:

– Ðó là bối-xỉ của vợ cho để đổi lương thực đi đường.

Sau khi khen: – Lão già, ông thật có phúc đức, đi thăm vợ lại được lợi này nữa, Ô Ba Nan Ðà suy nghĩ: “Xem hình dáng cử chỉ của hắn chắc có việc riêng, ta hãy ôn hòa tra hỏi hắn. Với bẩm tính chất phác, Ma Ha La kể hết ra những sự việc đã làm.

Ô Ba Nan Ðà nói:

– Hãy đem những việc ông đã làm đến thưa cho Ô Ba Ðà Da nghe, vị ấy tất vui mừng.

Ðến gặp thầy, ông này kể lại tất cả. Nghe như vậy, vị thầy nói lại các Bí-sô về chuyện này. Bí-sô đem sự việc bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô:

– Bí-sô già cả ngu độn này không biết khinh trọng, không cố ý phạm. Nếu ai chưa từng được nghe bốn pháp Ba La Thị Ca, cũng không phạm.

– Này các Bí-sô! Vì lý do này, sau khi truyền cận viên, phải thuyết giảng bốn pháp Ba La Thị Ca (cho người thọ). Nếu ai không thuyết bị tội vượt pháp.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 35 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 40 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 21 - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Sa - Luật Tạng