TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 18

Tụng tổng biệt môn thứ năm:

Phần thi cật tam chuyển,
Xả đọa ngã thân vong,
Giới Bí-sô bất ưng,
Bất hợp ngũ bì dụng.

Nhiếp tụng một trong biệt môn năm:

Phần thi tụng tam khải,
Mục Liên nhân đả vong,
Bất ưng quảng đại tác,
Ða hoặc chư trân bảo.

* Duyên khởi tại rừng Thệ Ða, thành Thất La Phiệt. Trong thành có một trưởng giả lấy vợ chưa bao lâu sinh được một trai. Tuổi vừa khôn lớn, cậu này xuất gia trong Phật-pháp, chẳng may bị bệnh qua đời. Các Bí-sô mang thi thể cùng y bát bỏ một bên đường. Có người thế tục thấy vậy nói:

– Sa-môn Thích-tử chết bị vứt bỏ.

Có người nói:

– Ta hãy xem thử.

Xem xong, họ biết rõ nên báo cho mọi người đấy là con của trưởng giả. Mọi người chê trách:

– Xuất gia trong Thích tử không được giúp đỡ. Trước đây, nếu người ấy sống tại gia tất được thân quyến hỏa thiêu đúng pháp.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu Bí-sô chết, nên cúng dường thân thể vị ấy.

Bí-sô không biết cúng dường như thế nào. Phật dạy:

– Nên hỏa thiêu.

Cụ thọ Ô-Ba-Ly thưa Thế Tôn:

– Như Phật đã dạy trong thân thể có tám vạn hộ trùng, làm sao được thiêu?

Phật dạy:

– Những loại trùng này, người sống chúng sống, người chết chúng chết theo, thiêu không có lỗi. Thân có lở lói, xem kỹ không có trùng mới được thiêu.

Khi sắp thiêu, không tìm được củi. Phật dạy:

– Có thể thả xuống sông. Nếu không có sông thì đào lỗ chôn.

Mùa hạ đất ẩm có nhiều trùng kiến. Phật dạy:

– Chỗ khuất sâu trong rừng lớn, đặt thi thể đầu hướng về Bắc, nghiêng bên phải, dùng cọng cỏ giữ đầu, phủ trên thân bằng cỏ hay lá. Khi tống táng Bí-sô nên bảo người có khả năng tụng kinh Tam Khải Vô Thường và đọc kệ chú nguyện cho họ.

Xong việc về chùa, họ không tắm rửa đã giải tán. Thấy vậy, người tục chê trách:

– Thích-tử thật nhơ bẩn, tiếp xúc tử thi mà không tắm rửa.

Phật dạy:

– Không nên vậy, phải tắm rửa.

Họ đều tắm hết. Phật dạy:

– Ai trực tiếp tiếp xúc với thây chết thì tắm. Ai không trực tiếp thì chỉ rửa tay chân.

Họ về chùa không lễ bái tháp. Phật dạy:

– Nên lễ bái tháp.

* Duyên khởi tại thành Vương-xá. Cụ thọ Xá-Lợi-Tử và Mục-Kiền-Liên thường xuyên quán sát năm đường địa-ngục, ngã-quỷ, bàng-sinh, trời, người. Khi tuần hành đến địa ngục Vô-gián, Xá Lợi Tử bảo Mục KiềnLiên:

– Cụ thọ nên làm cho ngừng lại sự khổ nóng bức trong địa ngục này.

Nghe nói như vậy, Mục-Kiền-Liên bay lên hư không mưa trận mưa lớn hạt to như bánh xe trên đại địa ngục. Mưa rơi đến đâu cũng bị lửa dữ trong địa ngục làm tiêu mất. Thấy như vậy, Xá-Lợi-Tử bảo với Mục-Liên:

– Cụ thọ hãy ngừng lại để tôi diệt lửa ấy.

Ðáp:

– Tùy ý!

Xá-Lợi-Phất liền nhập vào giải thoát Tam Ma Ðịa mưa trận mưa lớn làm cho ngục Vô-gián đều thành bùn, trở nên mát mẻ các khổ ngưng lại. Họ thấy ngoại đạo Bộ Kích Noa vì ngày trước giảng giáo thuyết tà ác cho người, đang chịu quả báo thân lớn, trên lưỡi có năm trăm cày sắt cày cho đổ máu. Thấy hai Tôn giả, ông ta nói:

– Ðại đức, nếu các ngài đến châu Chiêm Bộ truyền lời tôi nói đến môn đồ của tôi: “Vì sinh thời, miệng tôi nói pháp tà khi dối người khác. Do sức ác nghiệp ấy đọa vào ngục Vô-gián, trên lưỡi tôi có năm trăm cày sắt, cày cho đổ máu chịu khổ vô cùng”. Khi các người cúng dường tháp thờ tôi làm thân tôi càng thêm đau khổ kịch liệt. Từ nay về sau chớ nên cúng dường.

Nghe nói như vậy, hai Tôn giả im lặng ghi nhận. Từ địa ngục về thành Vương-xá, hai người cùng nhau đi vào trong thành, trên đường gặp các ngoại đạo thuộc hệ phái cầm trượng, chùy và vòng hoa. Bọn họ thương nghị:

– Ta muốn đánh Sa-môn Thích tử kia.

Một người nói:

– Thật đúng lúc, nhưng họ có lỗi mới đánh, chớ làm hại vật chịu nghe. Ta hỏi trước, vừa ý ta thì tốt, nếu không vừa ý thì đánh chẳng muộn.

Xá Lợi Tử đi trước, vừa đến nơi, bị hỏi:

– Bí-sô, trong chúng chánh mạng có Sa-môn không?

Suy nghĩ: “Câu hỏi này với tâm nào, Xá Lợi Tử quán sát biết họ muốn đánh nên nói kệ: (Ngoại đạo lõa hình tự xưng là chánh mạng).

Trong chúng Chánh Mạng không Sa Môn,
Sa-môn có trong chúng Thích Ca,
Nếu A-la-hán có tham ái,
Tức là phàm phu, kẻ ngu si.

Nhóm ngoại ấy không hiểu ý nghĩa bài kệ nên bảo Tôn giả:

– Ngươi tán thán ta vậy nên đi tùy ý.

Tôn giả liền thuận đường mà đi.

Nghiệp đời trước sắp chín, Tôn giả Mục Liên chậm rãi đi đến. Thấy Tôn giả, ngoại đạo hỏi:

– Này Bí-sô, trong chúng chánh mạng có sa môn không?

Nếu không quán sát trước thì tuy trí của bậc La-hán cũng không biết được, nên Tôn giả đáp:

– Trong chúng các người làm gì có sa môn. Như lời Phật dạy:

– Ðây là đệ nhất Sa môn; đây là đệ nhị Sa môn; đây là đệ tam Sa môn; đây là đệ tứ Sa môn, ngoài đây ra không có Sa-môn khác. Bà-la-môn chỉ có danh suông, gọi là Sa-môn Bà-la-môn mà không có thật chất. Như vậy, ở giữa trời người và chúng Thanh văn, Ta nói lời không dối trá với tiếng rống sư tử.

Lại nữa, thầy ngươi là Bộ-Kích-Noa khi còn làm người nói pháp tà ác dối gạt mọi người nên sinh vào địa ngục mang thân to lớn, trên lưỡi có năm trăm lưỡi cày sắt cày cho đổ máu chịu đau khổ vô cùng. Ông ấy nhắn với ta:

– Vì tôi nói pháp tà ác cho mọi người, dối gạt chúng sinh nay bị đọa vào đường ác chịu khổ cày lưỡi, xin báo cho hết đồ chúng, các người đừng cúng dường tháp của tôi nữa. Mỗi khi cúng dường làm cho thân tôi lại thêm đau khổ kịch liệt gấp bội. Từ nay về sau nhớ lời tôi dạy.

Nghe như vậy xong, bọn chúng rất phẫn nộ, nói:

– Mọi người nên biết, Sa môn trọc đầu này chẳng những cố bàn luận về lỗi của ta mà còn phỉ báng cả đến thầy của chúng ta. Nay ta phải làm sao?

Một người nói:

– Hãy đánh cho nhừ tử chứ còn nói gì nữa! Chẳng cần bình luận có lỗi mới đánh, đã phỉ báng đại sư của ta chính là lỗi nặng, đánh thật hợp lý.

Cả nhóm dùng gậy đánh đập Tôn giả, làm cho thân thể dập nát như chùy đập cỏ lau, rồi bỏ đi tứ tản.

Tôn giả Xá Lợi Tử lấy làm lạ vì sao tôn-giả Mục-Liên ở sau đi chậm không đến nên trở lại xem, thấy thân thể Tôn giả dập nát như cỏ lau bị đập rãi trên đất, nên hỏi:

– Cụ thọ vì sao như thế này?

Ðáp:

– Xá Lợi Tử, đây là nghiệp đã chín, biết làm thế nào!

Xá Lợi Phất nói:

– Chẳng phải trong chúng Thanh văn, cụ thọ được tôn xưng là thần thông đệ nhất hay sao, vậy làm sao đến nỗi này?

Ðáp:

– Do sức nghiệp giữ lại, chữ thần tôi còn không nhớ làm sao phát thông được?

Bấy giờ, Xá Lợi Tử dùng y bảy điều bọc thây Tôn giả như em bé, bồng đem về chùa. Mọi người kinh hãi, tập họp lại hỏi Xá Lợi Tử:

– Vì sao thân thể Tôn giả như thế này?

Ðáp:

– Bị ngoại đạo cầm gậy đánh dập nát như thế này.

Tôn giả nhẹ nhàng đặt y xuống đất. Các Bí-sô hỏi Xá Lợi Tử:

– Chẳng phải là Ðức Ðại sư nói trong chúng thanh văn Tôn giả Mục Liên thần thông đệ nhất hay sao?

Ðáp:

– Ðúng vậy, các vị nên biết nghiệp lực rất lớn, tuy Ðại Mục Kiền Liên có đại khí lực dùng ngón chân phải ấn lên cung Chiến Thắng của Thiên Ðế Thích làm cho nó dao động cơ hồ muốn nghiêng ngã. Ðức Như Lai tán thán Tôn giả là bậc có đại uy lực,thần thông đệ nhất trong chúng thanh văn. Nhưng do nghiệp lực đời trước giữ lấy nên không còn nhớ được chữ thần, huống chi phát thông.

Khi ấy, Tôn giả Mục Liên suy nghĩ: “Ta dùng thân thể vô dụng bất tịnh này thân cận bên Phật để phục vụ, phụng hành lệnh Phật, tùy theo sức lực và khả năng không có trái phạm, đáp đền được một chút ân huệ với đức Giáo chủ, đối với Biển-đức làm sao báo đền cho hết được? Với thân này, ta không thể gánh vác được nữa, rất nhàm chán vật đựng vô biên đau khổ này, nên cầu tịch tịnh, không nên trú lại lâu dài”.

Tôn giả còn giữ sự sống nhưng xả bỏ tuổi thọ. Các Bí-sô chưa đắc thánh đạo thấy sự việc này lòng rất đau buồn sinh tâm xuất ly, liền đi đến A Lan Nhã trong rừng, sống thiểu dục dưới gốc cây, xa lìa nhân gian chuyên tu tập tịch tịnh.

Khi ấy ở thành Vương-xá và các trú xứ khác, mọi người đều nghe ngoại đạo chấp trượng cùng nhau đánh thánh giả Ðại Mục Kiền Liên dập nát toàn thân như cỏ lau bị chày đập, được Xá Lợi Tử dùng y bọc lại như em bé đem về Trúc Lâm, chỉ còn thoi thóp đau đớn vô cùng không bao lâu sẽ chết.

Có trăm ngàn đại chúng cùng họp nhau ở Trúc Viên, các quan tâu vua:

– Ngoại đạo chấp trượng cùng nhau đánh thánh giả Ðại Mục Kiền Liên dập nát toàn thân như cỏ lau bị chày đập, được Xá-Lợi-Tử dùng y bọc lại như em bé đem về Trúc Lâm, chỉ còn thoi thóp đau đớn vô cùng không bao lâu sẽ chết.

Nghe như vậy, vua rất thương cảm nên cùng với nội cung, thái tử, tể tướng và nhân dân trong thành cùng vân tập đến Trúc Viên. Thấy vua đến, mọi người mở đường ra, nhà vua đến chỗ Tôn giả, nước mắt đằm đìa như cây đại thọ bị ngã trên đất, cầm chân Tôn giả kêu khóc nói:

– Vì sao bỗng dưng đến nỗi thế này?

Ðáp:

– Ðại vương đây do tiền thân đã gây nghiệp nay chín mùi, biết làm thế nào?

Vua rất tức giận, bảo đại thần:

– Các khanh hãy đi khắp nơi tìm bọn ngoại đạo kia. Nếu bắt được, bỏ bọn chúng vào căn phòng trống dùng lửa thiêu đốt.

Tôn giả nói:

– Ðại vương! Không nên làm như vậy, nghiệp trước đây tôi đã làm cũng như dòng nước mạnh xối ngay vào thân, người khác không chịu thế được.

Vua bảo đại thần:

– Nếu như vậy, lệnh bậc trên khó làm trái. Nếu bắt được chúng phải đuổi ra khỏi nước.

Nhà vua lại thưa:

– Những gì con có xin dâng lên Thánh giả, tùy ý ngài thọ dụng. Thánh giả, chẳng phải là ngài được Thế Tôn khen là bậc thần thông đệ nhất trong chúng Thanh văn, vậy tại sao ngài không bay lên để tránh đau khổ này.

Ðáp:

– Ðại vương, đúng là Ðại sư dạy như vậy, nhưng bị nghiệp lực giữ lấy, chữ thần tôi còn không nhớ, huống chi phát thông! Như đức Ðại sư không nói hai lời, đích thân nói kệ:

Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Khi nhân duyên hội ngộ,
Tự nhận lấy quả báo.

Hiện nay tôi nhận quả báo còn biết nói gì.

Vua Vị Sinh Oán lấy y lau nước mắt, bảo các y sĩ:

– Trong bảy ngày nếu không làm cho các chi phần trên thân thể của Tôn giả phục hồi lại như cũ, ta sẽ tước bỏ hết các bổng lộc hiện tại của các ngươi.

Nhà vua lại sai đại thần đích thân săn sóc rồi ân cần đích thân kính lễ sát chân Tôn giả rồi từ giã ra về.

Ðại Mục Kiền Liên bảo Xá Lợi Tử:

– Cụï thọ biết cho, xin ban ân tha thứ, xin ban ân tha thứ, tôi sẽ Niết-bàn.

Nghe như vậy, Xá Lợi Tử nói:

– Hai chúng ta cùng cầu thiện pháp, đồng thời xuất gia, đồng chứng cam lộ, đồng quy viên tịch, nên làm như vậy.

Tôn giả Mã Thắng nghe Ðại Mục Kiền Liên thân thể bị khổ sở, nên đến nơi ủy lạo thăm hỏi, cụ thọ nên biết:

Không trên núi, dưới biển,
Không có địa phương nào,
Cũng không trong không trung,
Thoát khỏi nghiệp đã làm,

Như bóng đi theo người,
Không có đứng một chỗ,
Nghiệp thiện ác không mất,
Ð?c Vô-thượng dạy vậy.

Ðại Mục Liên cùng Xá Lợi Tử làm lễ sát chân Tôn giả Mã-Thắng, đi nhiễu bên phải ba vòng, bạch: A Dá Lợi Da:

Việc làm, con đã xong,
Nay từ biệt lần cuối,
Sẽ vào Vô dư y,
Cảnh Niết-bàn trong mát.

Tôn giả Mã Thắng nói kệ bảo Tôn giả Xá Lợi Tử:

– Việc làm của ông đã hoàn thành,
Thường chuyển pháp-luân theo ý Phật,
Ngày nay, ông muốn vào Niết-bàn,
Ánh đèn tướng pháp thế gian tắt.

Những y sĩ đã tuân lệnh vua cùng nhau bàn luận:

– Vua ban nghiêm lệnh, chúng ta phải làm sao?

Một người nói:

– Biết làm gì nữa, Thánh giả tuổi cao, bị gậy đánh tan nát như chày đập cỏ lau, làm sao trị được. Nhưng Tôn giả này có đại bi lực, chúng ta cầu xin, ngài sẽ ban ân.

Mọi người đều nói; thật là diệu kế. Họ cùng nhau đến gặp Tôn giả đảnh lễ sát chân thưa:

– Ðại vương có ra lệnh cho tất cả y sĩ nếu trong bảy ngày không làm cho thân thể Thánh giả bình phục như cũ sẽ truất phế hết tất cả bổng lộc họ đang hưởng. Nhưng Thánh giả tuổi già lại bị khổ hại này thật khó bình phục. Xin mong ngài từ bi ban cho sức phương tiện khiến cho chúng con không bị mất bổng lộc.

Tôn giả nói với họ:

– Nếu như vậy, ngươi hãy đi tâu vua, sau bảy ngày thánh giả Mục Liên đi vào thành Vương-xá khất thực.

Mọi người vui mừng từ giã, cùng đến gặp vua, tâu:

– Sau bảy ngày, thánh giả Mục Liên sẽ vào thành Vương-xá thứ lớp khất thực.

Nghe như vậy, vua rất vui mừng nói:

– Lành thay nếu thật như vậy.

Sau bảy ngày, với sức thần thông, Tôn giả trừ các đau đớn vào thành Vương Xá thứ tự khất thực đi đến cửa cung vua. Thấy vậy, người giữ cửa báo cho vua:

– Tôn giả Ðại Mục Liên đang ở trước cửa, muốn gặp đại vương.

Nghe tâu, vua vô cùng vui mừng vội đứng dậy trải toà, ra ngoài cửa, thấy Tôn giả liền quỳ sát năm vóc xuống đất ân cần làm lễ rồi thỉnh vào an tọa nơi tòa, thưa:

– Thánh giả, tôn thể ngài đi lại có an ổn không?

Tôn giả đáp:

– Ðại vương nên biết,

Nay tôi cần gì thân máu huyết,
Vác những khổ đau không ngừng nghỉ,
Nay đã trừ hết độc rắn rồi,
An ổn sẽ đến thành Niết-bàn,

Trong thành Niết-bàn không có khổ,
Duyên sinh các khổ cũng không còn,
Phật và thánh chúng sống trong đó,
Kẻ ngu luân hồi không vào được.

Ðại vương nên biết! Ðây là túc nghiệp của tôi nên phải chịu quả báo thân như lau bị đập, không thể trị liệu được. Giả sử cổ đại y vương cũng không thể trị hết, xin ngài phóng thích các y sĩ.

Nghe như vậy, vua ra lệnh phóng thích các y sĩ rồi nước mắt đằm đìa lạy sát chân Tôn giả.

Sau khi dạy bảo vua chớ phóng dật, lược thuyết giáo pháp, Tôn giả từ giã.

Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Tửû nhập định quán sát vì sao cụ thọ Mục Liên tuy gặp khổ nạn này còn vào thành khất thực, mới thấy sắp vào Niết-bàn.

Sau khi thấy Tôn giả Mục Liên bị đánh, Tôn giả Xá Lợi Tử sinh bi cảm nên phát bệnh đau đớn, suy nghĩ: “Cụ thọ Mục Liên nhập Niết Bàn vậy ta trụ lại đây làm gì, ta nên vào viên tịch trước!”.

Sau khi suy nghĩ như vậy, Tôn giả đến gặp cụ thọ A Nan Ðà Nan Ðà để từ biệt rộng như kinh nói; thứ đến gặp Thế Tôn lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:

Phật dạy, con thọ trì,
Tùy sức giảng cho người,
Ðã phục vụ Thánh chúng,
Tâm không ái luyến thân,

Gắng làm việc mình xong,
Ðã tu hạnh Niết-bàn,
Ba nghiệp thân, khẩu, ý
Theo chánh đạo không sai,

Con không tham ái sinh
Không lo buồn về chết,
Thế nên con Niết-bàn,
Lạc này là tối thượng.

Sau khi Tôn giả nói kệ, Thế Tôn hỏi:

– Trong giáo pháp thù thắng này, ông đến cuối cùng mà lại ra đi đầu tiên, có ý gì vậy?

Tôn giả chắp tay cung kính nói kệ:

– Không chịu thấy Phật vào Niết-bàn,
Mục Liên thù thắng cũng như vậy.
Tướng quân Phật pháp việc đã xong,
Nên muốn chứng vào Viên-tịch trước.
Xin thưa Ðại-thánh Nhân-trung-tôn,
Con muốn trở về nơi quê cũ,
Giảng thuyết giáo pháp cho thân thuộc,
Ðể bỏ thân năm ấm luân hồi.

Phật bảo Xá Lợi Tử:

– Ông muốn vào Niết bàn?

– Thế Tôn! Con muốn vào Niết bàn.

Phật lại bảo:

– Ông muốn vào Niết-bàn?

– Thiện thệ! con muốn vào Niết-bàn.

– Này Xá Lợi Tử, ông đã muốn vào Niết bàn, các hành vô thường là pháp sinh diệt, đúng theo ý ông muốn, Ta có gì để nói nữa.

Bấy giờ, Xá Lợi Tử lạy Phật lần cuối cùng, chắp tay cung kính đi nhiễu bên phải ba vòng rồi từ giã ra đi.

Sau đó, Tôn giả đến gặp Ð?i Mục Liên, nói:

– Cụ thọ, tôi có bệnh nặng, thầy biết không? Tôi muốn đi về tụ lạc Na-la-đà, thuyết pháp cho thân tộc rồi sẽ hướng đến Niết bàn.

Ðáp:

– Cụ thọ, nên làm theo ý thầy. Tôi cũng đi về tụ lạc Lâm-viên, thuyết pháp yếu cho thân quyến rồi sẽ vào Niết bàn.

Sau đó, đến gặp Nan Ðà, A Nan Ðà, A Ny Lư Ðà, Hiệt Ly Phạt Ða, Bạt Ðà Ca, La Hổ La … các vị đại thanh văn, Tôn giả đều từ biệt hết và nói sắp vào Niết bàn. Các vị tôn túc kia nói:

– Cẩn thận.

Xá Lợi Tử, thị giả Chuẩn Ðà và chúng Bí-sô đi đến thôn Na Lan Ðà (Cách chùa Na-lan-đà chừng hai mươi dặm về hướng Ðông-Nam) Cụ thọ La-Hổ-La cùng chúng Bí-sô đi theo sau.

Bằng lời từ ái, Tôn giả Xá Lợi Tử nói với La Hổ La:

– Nếu có chí cầu đến giải thoát
Nên biết tất cả đều vô thường.
Thế gian chẳng gì đáng luyến ái,
Quán sát đúng vậy, chớ phóng dật,

Thân mạng vô thường chẳng gì vui,
Như vẽ trên nước không giữ được,
Liễu tri tất cả đều như mộng,
Tập hợp đời sống, nguy như vậy.

Lễ Phật, lễ Pháp, cúng dường Tăng,
Y chỉ theo pháp tạng của Phật .

Này La Hổ La nghe Ta dạy:
– Với bậc kỳ túc nên thân cận,
Có nghi ngờ gì trong tam-tạng,
Trừ ta, khó có người giải đáp,
Nếu có, hãy thưa hỏi Thế Tôn.
Ngài giảng thật nghĩa, giải nghi cho.

Cụ thọ La Hổ La nói kệ đáp:

– Con xem theo tuần tự,
Không lâu, Phật cũng Diệt,
Như cây cháy bốn cành,
Thân làm sao đứng vững.

Tôn giả La Hổ La lạy sát chân Xá Lợi Tử, nhiễu ba vòng, liễu tri các hành đều vô thường, liền đi trở về.

Từ trong nước Ma-yết-đà, với cầu-tịch Chuẩn Ðà làm thị giả, Tôn giả Xá Lợi Tử du hành nhân gian, đi dần đến thôn Na La Ðà, tiến về hướng bắc trú ở rừng Nhiếp ba, thuyết giảng giáo pháp cho thân thuộc làm cho họ thọ ba quy y và năm học xứ.

Nghe Xá Lợi Tử sắp vào Niết-bàn, có vô lượng trăm ngàn chúng sinh vân tập đến. Tôn giả quán sát những người này có thể giáo hóa được, tùy theo căn tánh của họ mà phương tiện thuyết pháp, khai thị khuyến hóa khen ngợi vui mừng, làm cho những người ấy được Noãn pháp, hoặc Ðảnh pháp, nhẫn, thế đệ Nhất pháp, hoặc đắc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất-hoàn, hoặc xuất gia chứng quả Ứng Cúng, hoặc trồng chủng tử Vô Thượng Bồ Ðề, hoặc trồng chủng tử Ðộc Giác, Thanh Văn.

Sau khi độ cho thân thuộc và mọi người phát sinh lòng tin thanh tịnh rồi, vào buổi sáng Tôn giả bay lên hư không phóng hào quang lớn, hiện các thần biến nhập vào cảnh giới Vô dư y Diệu Niết bàn.

Ngay khi Ngài viên tịch, quả đất chấn động, lửa phát ra bốn phương rơi rụng như sao xẹt, trong hư không vang tiếng trống trời. Những chúng Bí-sô đang cư trú ở Bắc Câu Lô, Ðông Tây hai châu, hoặc ở Diệu Cao Sơn, hay bảy núi khác, Núi Tuyết Hương … các hang động, bờ sông, đang tu tập thiền định các nơi đang thọ hưởng Giải Thoát Lạc, thấy mặt đất chấn động như vậy, những vị ấy suy nghĩ: “Vì sao mặt đất bỗng nhiên chấn động như vậy”.

Họ chánh niệm quán sát thấy Thân Giáo Sư đã nhập Niết-bàn, nên cùng suy nghĩ: “Hiện nay ta không nên an trú ở Chiêm Bộ Châu mà không có Thân Giáo Sư “.

Sau khi suy nghĩ, tám vạn A-la-hán đệ tử của Tôn giả đồng thời cùng nhập Niết Bàn.

Vào sáng sớm, Ðại Mục Kiền Liên mặc y mang bát, dùng sức thần thông duy trì thân thể, vào thành Vương xá thứ lớp khất thực, sau đó trở về chỗ ở, thọ thực xong thu xếp y bát, rửa chân, đi đến gặp Thế Tôn, lạy sát hai chân, bạch:

– Thân này là tập hợp máu huyết,
Không bền, nguy hiểm, thường thay đổi,
Cũng như bánh độc, con vứt đi,
Xin đức Ðại sư thương tha cho.

Tôn giả lại nói kệ:

– Con không còn mắc nợ,
Ý cho là thỏa mãn,
Biển sinh tử không bờ,
Thoát sợ, lên bờ kia.

Bạn con, Xá Lợi Tử,
Ðại-trí đã viên tịch,
Nay con đi theo sau,
Xin Ðại-hùng biết cho.

Phật hỏi Mục Liên:

– Ông muốn Niết-bàn?

Ðáp:

– Thế Tôn, con muốn vào Niết-bàn.

Phật lại hỏi:

– Ông muốn vào Niết-bàn?

– Thiện thệ, con muốn vào Niết-bàn.

Phật lại hỏi:

– Nếu ông muốn vào Niết-bàn, các hành vô thường là pháp sinh diệt, theo ý ông muốn, Ta còn nói gì.

Ðại Mục Liên lễ Phật lần cuối cùng, chắp tay cung kính nhiễu bên phải ba vòng, từ giã ra đi.

Tôn giả đi đến thôn Lâm Viên, thuyết giảng giáo pháp cho quyến thuộc rộng như nói ở trước … Có vô lượng người thọ quy giới phát tâm chứng quả. Vào buổi chiều, Tôn giả vào Niết-bàn. Bảy vạn bảy ngàn A-la-hán đệ tử đồng thời vào Niết bàn.

Sau khi đệ nhị thánh giả vào Niết-bàn, các vị thân thuộc Bà-la-môn cư sĩ thu lấy xá lợi, xây tháp cúng dường. Mọi người đều tạo nghiệp thắng diệu sinh thiên giải thoát.

Nghe Xá Lợi Tử và Mục Kiền Liên đã vào Niết-bàn, cụ thọ A Nan Ðà và La Hổ La nước mắt đoanh tròng, đi đến gặp Phật, lạy sát chân Ngài, cùng đứng qua một bên. Cụ thọ A Nan Ðà thưa:

– Thế Tôn!

Con nghe Thân-tử, Mục Liên diệt
Khắp cả thân tâm con rung động,
Mắt mờ không thấy phương hướng nào,
Nếu có nghe pháp, tâm cũng loạn.

Thế Tôn nói kệ bảo cả hai:

– Các ông chớ khổ não
Ân ái đều biệt ly,
Trước đã dạy các ông.
Vậy nên chớ ưu bi,
Ðã sinh, không thoát tử
Thế giới thật vô thường,
Trong năm nẻo luân hồi,
Không có gì tồn tại.

Sau khi hỏa thiêu nhục thân cho Ô Ba Ðà Da, cầu tịch Chuẩn Ðà thu lấy di cốt của Xá Lợi Tử cùng y bát, mang về thành Vương-xá. Về đến trú xứ, sau khi thu xếp y bát, rửa chân, Chuẩn Ðà đến gặp cụ thọ A Nan Ðà, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, thưa:

– Ðại đức biết không, thân giáo sư của con là đại đức Xá Lợi Tử đã vào Niết-bàn. Ðây là di thân và ba y, bát.

A Nan Ðà đưa Chuẩn Ðà đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên bạch:

– Con nghe Thân-tử Diệt
Toàn thân con như si,
Không còn biết phương hướng,
Nghe pháp tâm không hiểu.

Cầu tịch Chuẩn Ðà đến thưa với con:- Ðại đức biết không! Ðại đức Xá Lợi Tử thân giáo sư của con đã nhập Niết bàn. Con đã hỏa thiêu cúng dường, thu lấy xá-lợi và mang y bát đến đây, nay phải làm sao?

Phật bảo A Nan Ðà:

– Bí-sô Xá Lợi Tử có đem các giới uẩn vào Niết-bàn không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Có đem các Ðịnh uẩn, Tuệ uẩn, Giải thoát uẩn, Giải thoát tri kiến uẩn vào Niết bàn không?

– Bạch Thế Tôn không!

– Lại nữa, Xá Lợi Tử có mang theo các pháp do Ta tự giác ngộ nói ra như bốn niệm-trụ, bốn chánh-cần, bốn thần-túc, năm-căn, năm-lực, bảy giác-phần, tám thánh-đạo vào Niết-bàn không?

– Bạch Thế Tôn không! Cụ thọ Xá Lợi Phất không đem ba pháp uẩn vô lậu cùng ba mươi bảy pháp bồ-đề phần này vào Niết-bàn, nhưng cụ thọ Xá Lợi Tử đầy đủ giới, đa văn, thiểu dục, tri túc, thích hạnh tịch tịnh, luôn luôn tinh tấn, chánh niệm hiện tiền, có đầy đủ chánh-tri tuệ, tốc-tật tuệ, xuất-ly tuệ, thú-nhập tuệ, đại-lợi tuệ, khoan-quảng tuệ, thậm-thâm tuệ, vô-đẳng tuệ, không tuệ, khai thị hướng dẫn, khuyến khích làm cho vui mừng, nghe rồi hiểu rõ, tuyên dương giáo pháp giữa chúng, không có khiếp nhược. Nhưng con và Xá Lợi Tử cùng nhau thọ hưởng Phật-pháp, nay Tôn giả ấy Niết bàn nên con nhớ đến buồn rầu khóc lóc không vui.

Phật bảo A Nan Ðà:

– Ông chớ ưu sầu, buồn khóc không vui, không thể nào có đạo lý như thế này, pháp do nhân duyên sinh mà lại muốn chúng thường trú, không thể có việc này. Ðã biết các pháp đã có tính chất hoại diệt thì không nên buồn rầu.

Này A Nan Ðà, trước đây ta đã từng dạy ở khắp nơi:

– Tất cả những việc ân ái hoan lạc đều là vô thường, cuối cùng cũng quy về biệt ly. Như cây đại thọ rễ sâu vững chắc, cành lá rậm rạp, hoa trái sung mãn, nhánh nào mọc dài ra ngoài tất bị gãy trước. Như núi báu lớn, phần đỉnh vút cao tất bị ngã trước.

Nay cũng như vậy, Phật là thượng thủ, Bí-sô tăng già đang trú tại thế mà Xá Lợi Tử đã nhập Niết Bàn trước. Lại nữa này A Nan Ðà, nơi Xá Lợi Phất đã đi qua, những địa phương ấy tràn ngập tiếng khen nên Ta không lo lắng. Thế nên, ông chớ có lo buồn, tướng trạng của thế gian là như vậy, cuối cùng trở về biệt ly. Dù Ta có hiện đời hoặc đã vắng bóng, phải nên biết tự lấy mình làm hòn đảo, tự cứu hộ mình; lấy pháp làm hòn đảo, dùng pháp để cứu hộ; không có hòn đảo khác, không chỗ quy y nào khác.

– Này A Nan Ðà! Ông hãy làm hòn đảo cho mình … cho đến … không quy y chỗ nào khác. Những đệ tử trong giáo pháp của Ta, ai giữ gìn giới luật là hạng đứng đầu. Thế nào là Bí-sô tự lấy mình làm hòn đảo, tự mình cứu hộ mình; lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm cứu hộ, không y cứ hòn đảo khác, không quy y nơi khác? Bí-sô nào quán sát ngay nội thân tinh cần chánh niệm, biết rõ sân nhuế ưu sầu trong thế gian nên không còn sinh phiền não; hoặc ngay ngoại thân, hoặc nội thân, hoặc nội ngoại thân … nói rộng như trên quán sát về thọ, tâm, pháp tinh cần chánh niệm biết rõ sân nhuế ưu sầu trong thế gian nên không còn sinh phiền não. Ðó chính là tự lấy mình làm hòn đảo cho đến không quy y nơi khác.

Nghe Phật dạy như vậy, A Nan Ðà đảnh lễ sát chân Phật từ giã ra đi.

Khi ấy, các Bí-sô đều có nghi ngờ, thưa hỏi Thế Tôn:

– Thánh giả Mục Liên từng làm nghiệp gì mà bị ngoại đạo đập nát thân thể?

Thế Tôn nói:

– Này các Bí-sô, nghiệp mà Ðại Mục Kiền Liên đã làm, không ai chịu thế được. Ngày xưa, tại một thành kia, có một Bà-la-môn lấy vợ chưa bao lâu sinh được một bé trai. Khi trưởng thành, người cha cưới vợ cho anh ta. Rất luyến ái vợ nên khi mẹ giận người vợ mới này, anh ta rất phẫn nộ không kính trọng mẹ nữa. Người mẹ trách con:- Ngươi luyến ái vợ nên nghịch lại cả ta.

Nghe như vậy, người vợ sinh ác niệm: – Bà lão này tuổi đã già, mà vẫn bên cạnh chồng ta chưa chịu rời ra, lại còn cố nói lỗi lầm của chồng ta nữa.

Từ đó về sau, cô ta thường tìm lỗi của mẹ. Sau đó, người vợ thấy cha mẹ chồng làm việc riêng tư nên nói với chồng để cùng sinh tức giận.

Người con nói với mẹ:- Ngu si già cả còn không ngăn tâm được, với ta còn trẻ lại cố trách mắng.

Anh ta lại nổi sân, nói lời độc hại:- Làm sao được người có sức mạnh đánh thân thể bà ta dập nát như chày đập cỏ lau.

Này các Bí-sô chớ có nghi ngờ, con trai người Bà-la-môn ngày xưa nay là Mục Kiền Liên. Do phát sinh ý nghĩ ác lại nói lời bất nghĩa đối với cha mẹ nên trong năm trăm đời thân thể thường bị đánh dập nát như chày đập cỏ lau, cho đến ngày nay với thân cuối cùng là bậc thần thông đệ nhất trong chúng Thanh văn đệ tử của Ta, còn bị quả báo này. Thế nên các ông nên biết, nghiệp gì trước đây đã làm rồi phải chịu lấy không ai thay thế được.v.v … nên học như vậy.

Nghe Phật dạy xong, các Bí-sô đều phụng hành.

Các Bí-sô lại thưa hỏi Phật:

– Vì lý do gì, các ngoại đạo không đánh Xá Lợi Tử mà đánh Mục Kiền Liên?

Phật dạy:

– Chẳng phải ngày nay họ đánh một thả một mà ngày xưa cũng vậy. Các ông hãy lắng nghe:

– Ngày xưa bên thôn nọ có nhiều đồng tử tụ tập chơi đùa, thấy hai thanh niên cùng nhau đang đi đến, nên chúng bảo nhau: – Ta đánh hai người này chơi.

Họ lại bàn nhau:

– Không nên đánh ngay, hãy hỏi họ đã. Ai nói vừa ý, ta không đánh, như không vừa ý mới đánh.

Một người hỏi:

– Lúc nào trời lạnh?

Một thanh niên suy nghĩ:

– Ý gì họ hỏi vậy.

Thấy bộ dạng của họ như muốn đánh mình nên thanh niên đáp:

– Chẳng kể Ðông hay Hạ
Chỉ cần có gió thổi,
Có gió thì trời lạnh
Không gió, trời không lạnh.

Các đồng tử nghe nói, liền cho đi qua, lại hỏi người thứ hai. Anh ta đáp:

– Tháng Ðông thì trời lạnh
Mùa Hạ không có lạnh,
Việc này ai cũng biết
Kẻ vô trí nên nghi.

Nghe nói vậy, các đồng tử nổi giận đánh tơi bời rồi bỏ đi.

– Này các Bí-sô, thời quá khứ, người được cho đi nay là Xá Lợi Phất, người bị đánh nay là Mục Kiền Liên; ngày nay cũng vậy.

Khi ấy, các Bí-sô lại có nghi khác, thưa với Thế Tôn:

– Hy hữu thay đại đức! Cụ thọ A Nan Ðà phát sinh khổ não lớn, được Thế Tôn đại bi làm cho giải tỏa.

Phật bảo các Bí-sô:

– Ngày nay Ta giải tỏa ưu buồn của Khánh Hỷ chưa phải là hy hữu. Thời quá khứ ta cũng đã trừ ưu buồn cho Khánh Hỷ. Các ông hãy lắng nghe; Vào thời quá khứ tại thành Ba La Ny Tư, nước Ca thi, vua hiệu Phạm Thọ,.v.v … cho đến giàu có an ổn. Nhà vua có con tên Thiện Sinh. Thiện Sinh có con hình dáng xinh đẹp nên mời thân tộc tập họp lại để đặt tên. Mọi người bàn nhau: “Ðây là cháu của quốc vương Ca Thy, nên đặt tên là Ca Thy Tôn Ðà La”.

Sau đó, một hôm vương tử Thiện Sinh bỗng nhiên qua đời. Bấy giờ vua Phạm-Thọ quá thương yêu con, hai tay bồng tử thi bi thương khóc lóc, đấm ngực kêu gào buồn khổ ngây dại.

Khi ấy, Ca Thi Tôn Ðà La có trí hiểu biết, suy nghĩ: “Ðại vương buồn khổ quá, có khi bị chết, ta nên giải tỏa đau buồn cho ngài”.

Ca Thi đến gặp vua, lạy sát chân bạch:

– Ðại vương, con có điều mong muốn.

Vua hỏi:

– Con muốn vật gì?

Ðáp:

– Xin làm cho con chiếc xe mà bánh xe bằng nhật nguyệt, trang trí tinh xảo có thể chạy tới nhanh. Nếu đến bảy ngày ngài không cho, ngực con sẽ vỡ ra mà chết.

Nghe như vậy, vua càng buồn sợ, bảo với cháu:

– Làm việc vô ích này,
Là lời của kẻ ngu,
Chắc chắn ta không thể
Làm được dù cố tìm.

Người cháu nói:

– Ðại vương, cháu không ngu,
Quốc chủ mới là ngu,
Ôm thây thịt thối này
Gọi con bi thương khổ,
Nhật nguyệt vừa mọc lên
Chiếu sáng khắp thế nhân,
Trừ hết tối bốn phương,
Làm cho sáng rực rỡ,
Nay vua cha không biết
Con chết sinh cảnh khác,
Ðịa ngục, bàng sinh, quỷ
Trời người trong các đường,
Chớ bám nơi chẳng có,
Ðại vương nên quán sát,
Cố gắng định ý lại,
Chỉ quy y theo pháp,
Vua nghe đồng tử nói,
Cả thân tâm hoan hỷ,
Nhổ tên độc buồn ra,
Bỏ thây chết con xuống.

– Này các Bí-sô, chớ có nghĩ khác, Ca Thi Tôn Ðà La ngày xưa, nay chính là Ta. Thiện Sinh là Xá Lợi Tử. Vua Phạm Thọ là A Nan Ðà. Phật nói kệ:

– Vương tử là thân Ta,
Cha Ta: Xá Lợi Phất,
A Nan Ðà: Phạm Thọ
Việc xưa, nên biết vậy.

Khi ấy, Thế Tôn ra khỏi thành Vương-xá, đi về nước Kiều Tát La, du hành trong nhân gian đến vườn Cấp Cô Ðộc thành Thất La Phiệt.

Cụ thọ A Nan Ðà hương hoa cúng dường di cốt của Tôn giả Xá Lợi Tử.

Nghe Xá Lợi Tử đã vào Niết-bàn, đích thân A Nan Ðà đang cúng dường di cốt, trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến gặp Tôn giả lễ sát chân, thưa:

– Thánh giả biết không, nay Tôn giả Xá Lợi Phất đã vào Niết-bàn. Vị ấy là bậc mà trước đây con rất tôn trọng, cả ngày lẫn đêm kính ngưỡng rất sâu, Tôn giả đem cốt vị ấy về cúng dường. Con cũng có tâm muốn cúng dường, xin Tôn giả đưa cho con.

Ðáp:

– Trưởng giả, tôi cũng như vậy, vị ấy là bậc trước đây tôi tôn kính nên không thể trao cho ngài được…

Cho đến trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến gặp Phật, bạch:

-Thế Tôn, xin Ngài từ mẫn cho con nhận di cốt của Tôn giả Xá Lợi Tử để được đích thân cúng duờng.

Phật bảo A Nan Ðà:

– Ông cúng dường di cốt cho vị đồng phạm hạnh nhưng đối với Như Lai chưa phải là cúng dường, chưa phải là báo ân. Ðối với việc như thế này, ai có thể làm được mới là chân thật cúng dường Như Lai, là báo ân một cách to lớn. Ðó là có thể giúp cho người khác xuất gia thọ cận-viên hoặc cho y chỉ, dạy họ học tập, khuyến khích họ thiền quán, chuyên cần tìm đường xuất ly chớ để thời gian trôi qua trống rỗng. Vì sao?

– Này A Nan Ðà, Như Lai Thế Tôn trong ba vô số đại kiếp vì các hữu tình chịu đựng vô lượng trăm ngàn vạn loại hạnh khổ khó làm, mới chứng được Vô-thượng Chánh-đẳng Bồ-đề.

– Này A Nan Ðà, nhờ y chỉ với Ta làm thiện tri thức cho nên các hữu tình được giải thoát khỏi tất cả sinh lão bệnh tử ưu bi khổ não. Thế nên, ông hãy trao di cốt cho trưởng giả để ông ấy cúng dường.

Ðược Phật dạy bảo xong, A Nan Ðà liền đem di cốt trao cho trưởng giả. Vì sao A Nan Ðà không trái lời Phật dạy?

– Do ngày xưa, khi Phật hành đạo Bồ Tát chưa từng chống trái lại lời dạy bảo của cha mẹ, sư trưởng và bậc tôn trưởng nên nay không ai dám trái lại lời Ngài.

Nhận được di cốt, trưởng giả lễ Phật từ giã, đem về nhà mình bố trí lên nơi cao quý, cả gia đìønh và quyến thuộc cùng nhau đích thân đem hương hoa vật đẹp cúng dường.

Khi ấy, nhân dân trong thành đều nghe Tôn giả Xá Lợi Tử đã Niết Bàn ở tụ lạc Na La, thành Ma Già Ðà. Cầu tịch Chuẩn Ðà mang di cốt của Tôn giả giao cho A Nan Ðà. Sau khi Tôn giả A Nan Ðà mang về đây, Phật bảo trao cho trưởng giả Cấp Cô Ðộc. Ông ấy mang về nhà cùng gia đình thân cận cúng dường. Vua Thắng Quang cùng Thắng Man phu nhân, Hành Vũ phu nhân và các trưởng giả Ô Ba Sách Ca, Tỳ-Xá Khư Ô Ba Tư Ca và những người khác đều mang theo những hoa hương phẩm vật đặc biệt đến nhà trưởng giả đích thân cúng dường. Có người từng nhờ nơi Xá Lợi T? mà chứng đạo quả, nhớ đến ân xưa cũng đến nơi cúng dường.

Một hôm nọ, có việc cần, trưởng giả khóa cửa đi ra ngoài. Khi ấy mọi người đang cầm vật cúng dường đến cửa, thấy cửa đóng nên bất mãn:

– Vì sao trưởng giả ngăn chận đường sinh ra phước báu?!

Về đến nhà, trưởng giả được gia nhân báo lại:

– Có nhiều người đến muốn đích thân cúng dường, thấy cửa khóa nên họ bất mãn:

– Vì sao lại ngăn phước nghiệp?

Nghe như vậy, trưởng giả suy nghĩ: “Ðây chính là duyên cớ nên đến gặp Phật”.

Sau khi lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên, trưởng giả bạch Phật:

– Thế Tôn! Có nhiều người đối với xá lợi của Tôn giả Xá Lợi Tử, có tâm kính trọng mang các vật đẹp đến nhà con để đích thân cúng dường. Con có việc nên khóa cửa ra đi.

Ðến nơi thấy vậy, mọi người bất mãn nói:

– Trưởng giả đóng cửa ngăn đường phước của chúng ta. Nếu được Phật cho phép, con muốn xây dựng tháp thờ xá lợi của Tôn giả nơi chỗ cao rộng để mọi người tùy ý cúng dường.

Phật dạy:

– Trưởng giả tùy ý nên làm.

Trưởng giả lại suy nghĩ:

– Nên làm ra sao?

Phật dạy:

– Nên xây hai lớp gạch làm móng, tiếp theo xây thân tháp, trên làm hình bát úp, xây cao tùy ý, trên cùng làm chóp bằng, cao 1,2 thước, vuông vức 2,3 thước, chuẩn theo kích cỡ giữa dựng cây bánh xe, gắn hình bánh xe theo thứ tự chồng lên nhau từ một, hai, ba, bốn, cho đến mười ba, thứ đến an trí bình báu.

Với suy nghĩ: “Chỉ riêng có Xá Lợi Tử được xây tháp như vậy, hay là vị khác cũng được?

Trưởng giả đến bạch Phật. Phật bảo trưởng giả:

– Nếu xây tháp cho Như Lai thì làm đầy đủ như đã nói ở trên. Nếu làm cho Ðộc Giác thì không an trí bình báu. Nếu làm cho A-la-hán thì chỉ bốn tầng hình bánh xe; Bất-hoàn thì ba tầng; Nhất-lai thì hai tầng; Dự-lưu thì một tầng. Thiện nhân phàm phu thì trên đầu tháp làm bằng phẳng không có hình bánh xe chụp lên.

Như Thế Tôn dạy nên làm như trên, nhưng Bí-sô không biết an trí ở đâu.

Phật dạy:

– Nên an trí tháp của Ðại Sư giữa nơi Thế Tôn trú pháp. Các đại Thanh văn thì ở hai bên, các vị tôn túc khác an trí tùy theo lớn nhỏ. Thiện nhân phàm phu thì ở ngoài chùa.

Sau khi xây tháp xong, trưởng giả bạch Phật:

– Nếu được cho phép, con sẽ tổ chức đại hội bố thí để khánh thành tháp Tôn giả Xá Lợi Tử.

Phật dạy:

– Tùy ý.

Nghe đại trưởng giả xin phép Phật muốn tổ chức lễ khánh thành tháp Tôn giả Xáù Lợi Tử, vua Thắng Quang suy nghĩ: “Ta nên hỗ trợ “.

Vua ra lệnh rung chuông báo cho tất cả nhân dân trong thành và những thương nhân khác ở nơi xa đến:

– Người nào đến tham dự pháp hội này, tùy ý mua bán trao đổi hàng hóa mà không bị nộp thuế.

Bấy giờ, có năm trăm thương nhân gặp phải gió bão trong biển lớn muốn phá tan ghe thuyền. Những người này trước đây từng thọ quy giới với Tôn giả Xá Lợi Tử nên cùng nhau xưng niệm, lại nhờ chư Thiên cùng hộ trì nên vượt qua sóng lớn, bình yên trở về đây, nghe vua Thắng Quang ra lệnh như vậy, nên cùng nhau suy nghĩ: “Nhờ nghiệp ngày xưa mà nhà vua hưởng ngôi vị tối thắng, nay vẫn chưa chán lại muốn bố thí nữa. Vì sao bọn ta không làm phước?”.

Những thương nhân đều sinh tâm kính tín nên đem nhiều vàng bạc trân bảo chân châu bối ngọc, chí thành cúng dường trong pháp hội rồi ra đi. Sau khi nhận, Bí-sô không biết phân vật ấy cho chỗ nào.

Phật dạy:

– Vỏ ốc thổi vang tiếng được, nên dùng vào chỗ hình tượng chiêm-bộ. Những vật trân bảo khác nên giữ lại nhiều ít cúng dường việc sửa sang tháp Xá Lợi Tửû. Nếu có y vật có thể treo cúng dường nên giữ lại nhiều ít để vào ngày trai nhật treo cúng dường. Những vật như y phục vải lụa và tiền bối … hiện tiền tăng nên cùng nhau phân chia, chính là xử dụng hợp lý tài vật của đồng phạm hạnh. Ðây chỉ là cách phân chia vật của tháp Xá Lợi Tử. Nếu vật thuộc tháp Phật, đều dùng vào tháp.

Nhiếp tụng hai trong biệt môn năm:

Cật vấn linh ức niệm,
Vấn bỉ dung hứa phủ,
Giáo thọ sự bất vi,
Trưởng-tịnh cập tùy-ý.

* Phật tại thành Thất La Phiệt. Không xét rõ việc thuộc thấy, nghe hay nghi, Lục chúng liền cật vấn Bí-sô. Nghe tra hỏi vậy, các Bí-sô đều xấu hổ buồn rầu nên thân thể gầy ốm, nhan sắc tiều tụy, sức lực suy giảm, không thể đọc tụng tư duy đúng lý … cho đến Phật bảo các Bí-sô:

– Từ nay về sau, chưa xét rõ về việc thấy, nghe, nghi, Bí-sô này không được cật vấn Bí-sô khác. Ai cật vấn trách cứ người khác như vậy, bị tội vượt pháp.

Về việc cật vấn như vậy, nên biết thẩm vấn ức-niệm, không giáo thọ, trưởng tịnh, tùy-ý, căn cứ đây để biết, đều bị tội vượt pháp.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 12. Người - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 35 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 13. Phú Tàng - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 39 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Khuyên Dạy Các Vị Tỳ Kheo Mới Phải Nghiêm Trì Giới Luật - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 4. Tự Tứ - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng