Khuyên Dạy Các Vị Tỳ Kheo Mới Phải Nghiêm Trì Giới Luật

Giáo Giới Tân Học Tì Kheo Hạnh Hộ Luật Nghi

Đường Đạo Tuyên thuật

Bản Việt dịch của Thích Nguyên Chơn

***

Xét thấy những người mới vào đạo, phần nhiều chưa thông thạo đức hạnh thanh cao, cho nên cần phải tuân hành theo lời dạy thì mới hiểu được luật nghi. Về sự, nếu thiếu sự truyền thừa, thì việc hộ trì sẽ mờ mịt, không có qui chuẩn. Cho nên biết, không có giáo giới thì lấy gì tuyên bày hành tướng; không có người học thì phép tắc lập ra cho ai! Nhưng pháp mà Thích Tôn giáo hóa vốn tại Tây Thiên, từ kim khẩu của Ngài phóng quang, ngôn từ lưu truyền sang Đông thổ. Hóa giáo[15] bao hàm Đốn-Tiệm, rưới nước định khắp tam thiên; Chế giáo khinh trọng đã phân chia, xông giới hương đến trăm nghìn loại. Luật chế tì-kheo trong năm tuổi hạ phải cầu y chỉ, ý ở chỗ giúp điều phục sáu căn; người có trí thì cho phép lìa thầy, kẻ vô trí thì suốt đời nương tựa. Từng có người sơ tâm học đạo, khi gặp việc thì không am tường, lại không nghiên cứu giáo chương, nên đối với pháp bị lưới nghi trói buộc. Hoặc có việc chẳng phải chế định mà cho là chế định, có giới điều đã chế định rồi lại trái phạm. Hoặc tự cho rằng ta là người Đại thừa, không hành theo pháp Tiểu thừa. Những người như thế chẳng phải hai ba mà là rất nhiều. Bọn họ, trong thì trái tâm Bồ-tát, ngoài thì thiếu hạnh Thanh văn, trong bốn oai nghi không thấm nhuần phép tắc. Đó gọi là chúng sinh ‘cây khô’. Những hạng người này, xưa nay luôn có, nếu chẳng phải là bậc thông đạt trì pháp, thì ai có khả năng chiếu xét đây!

Người học thời nay, dụng tâm thô tháo, cầu hạnh thì ít mà mong giải thì nhiều, rất xem thường môn Chế nghi. Tất cả họ, vì chẳng tu Thiền-na tam-muội, nên mãi trái với tâm chân trí, lại chẳng tu tập luật nghi nên khó thành tựu hạnh cao quí. Vì thế các đại đức xưa nay, thật là ruộng tốt của thế gian, Tịnh nghiệp thành tựu từ đạo nghi, tâm trong sạch tròn nơi giới phẩm; khí tiết cao như Ngân hà, uy nghi nghiêm như mây cuộn; đức nặng như non cao, danh tuôn chảy như sông dài; tài năng cao siêu kiệt xuất, sức học ưu tú nghìn tầm; lòng từ sâu như biển, sóng ân trải muôn trùng; bên trong chứa đức tính của sư tử, bên ngoài hiện uy thế của tượng vương; trời người ngợi ca, long thần kính phục. Đúng là chúng sinh có cảm, đời chẳng luống suông. Vì thế đức thì tỏa sáng, nối tiếp chiếu soi, truyền muôn đời không dứt, hạnh thì cao nhã, tiết tháo lại kiên cường, đúng là chân Tăng bảo vậy!

Tôi căn cứ theo giáo pháp soạn ra thanh huấn này để khuyên dạy cho người chưa được nghe. Tông chỉ của giới luật, về lí thì có cái chí giữ gìn, khiến cho bên trong tăng trưởng tâm thiện, bên ngoài giúp cho oai nghi đáng nhìn. Các điều chương hành trì, tôi ghi chép sau đây để soi sáng cho người học, đồng thời cũng viết lời tựa này. Về hành tướng, tổng cộng có bốn trăm sáu mươi sáu điều như sau:

Phép tắc vào chùa

Tì-kheo tân học vào chùa cần phải biết mười một điều: Một, khi đến cổng chùa nên chuẩn bị đầy đủ oai nghi; hai, vào cổng chùa thì đảnh lễ, rồi quì xuống nói lời ca ngợi Phật như thường hành; ba, thâu tọa cụ, chắp tay khom người rồi nghiêm sắc mặt theo một bên hành lang mà vào, nên đi thong thả, nhìn thẳng về phía trước; bốn, không được buông tay, nên hiện dáng vẻ lo sợ; năm, không được đạp lên bóng của tháp hay điện Phật; sáu, gặp bậc tôn túc trước điện không được lễ lạy; bảy, khi vào điện hay tháp, nên chắp tay và nhiễu theo chiều phải, không được đi theo chiều trái; tám, khi ra khỏi điện Phật, nên men theo vách cửa mà bước; nếu muốn khạc nhổ thì nên tìm chỗ kín đáo; mười, cũng nên đến tham lễ bậc tôn túc; mười một, cần phải biết nơi đại tiểu tiện.

2. Phép đứng trước thầy

Tì-kheo tân học đứng trước thầy cần phải biết sáu điều: Một, không được đứng ngay trước mặt; hai, không được đứng sau lưng; ba, không được đứng quá gần; bốn, không được đứng quá xa; năm, không được đứng chỗ cao hơn; sáu, nên đứng bên góc, cách thầy khoảng hai mét mốt.

3. Phép tắc hầu thầy

Tì-kheo tân học hầu thầy cần phải biết năm mươi mốt điều: Một, luôn nhìn sắc mặt thầy, không được làm cho thầy không vừa lòng; hai, đến chỗ của thầy phải chỉnh đốn đầy đủ oai nghi; ba, đứng trước thầy, không được cùng đồng bạn thi lễ nhau; bốn, đứng trước thầy không được nhận sự lễ lạy của người khác; năm, thăm hỏi thầy nên chắp tay, khom người; sáu, nói chuyện với thầy không được tranh hơn; bảy, luôn nói lời hòa dịu; tám, thầy nói chưa xong thì không được ngắt lời; chín, muốn làm gì cũng phải thưa trình; mười, thầy có dạy bảo gì thì nên thuận theo, không được trái nghịch; mười một, hễ được dạy thì nên đảnh lễ tạ ơn; mười hai, nếu bị thầy quở mắng thì nên tự trách, dùng lời hòa dịu mà sám hối tạ lỗi; mười ba, bị thầy quở trách không được nổi giận; mười bốn, thấy y hậu, quần áo, khăn mũ của thầy dơ thì nên thưa cho thầy biết rồi mang đi giặt sạch sẽ; mười lăm, thấy y áo của thầy rách thì nên vá lại; mười sáu, chỉnh sửa giày dép và gấp xếp y hậu, quần áo, chăn màn của thầy cho ngay ngắn; mười bảy, rửa bát của thầy rồi mới rửa bát của mình; mười tám, luôn luôn giữ ý tứ, chớ cười nói ồn ào; mười chín, không được đi ngủ trước thầy; hai mươi, không được thức dậy sau thầy; hai mươi mốt, muốn vào phòng thầy, khi đến trước cửa phải búng ngón tay rồi mới vào; hai mươi hai, sáng sớm, sau ba tiếng chuông thì liền đến vấn an thầy và thưa trình các việc; hai mươi ba, mọi nơi đều phải nhường tránh tòa của thầy, không được thình lình xông thẳng đến; hai mươi bốn, đi theo thầy thì không được cười đùa ồn náo, không được đạp lên bóng thầy, đi cách xa khoảng hai mét mốt; hai mươi lăm, khi kính vâng lời dạy bảo nên sinh lòng hổ thẹn, luôn nghĩ nhớ đến việc tu giới-định để báo ân thầy; hai mươi sáu, nghe tin thầy từ bên ngoài trở về thì liền ra đón tiếp; hai mươi bảy, thầy từ ngoài trở về thì nên đến gấp xếp y hậu…; hai mươi tám, thầy muốn rửa chân thì nên chuẩn bị nước ấm và khăn lau; hai mươi chín, thường xuyên quét dọn phòng thầy; ba mươi, thấy giường thầy bám bụi, thì nên lau giũ sạch sẽ; ba mươi mốt, không được tùy tiện nằm ngồi vào giường ghế mà thầy thường nằm ngồi; ba mươi hai, nên đi theo cửa bên và nép qua một bên vách mà bước chân vào phòng thầy; ba mươi ba, khi nâng rèm cửa để ra vào, tay nên đỡ lấy mắc vào vách bên cửa, chớ để phát ra tiếng động, đóng cửa cũng chớ để phát ra tiếng; ba mươi bốn, khi hạ rèm, không được buông mạnh mà phải dùng tay đỡ xuống từ từ; ba mươi lăm, khi cuốn rèm lên thì nên cuốn lại từ bên trong, hai đầu bằng nhau; ba mươi bốn, chà răng, hỉ mũi và khạc nhổ, nên đến chỗ kín; ba mươi bảy, không được để bình của thầy còn nước của đêm qua, thời tiết nóng bức rất kị điều này; ba mươi tám, luôn châm nước đầy bình, không được vơi cạn; ba mươi chín, trước mặt thầy không được gièm pha nói xấu người khác, nói lỗi của người, nếu không, sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục chịu khổ, cần phải tự răn điều này, như trong luận Trí độ đã nói rộng; bốn mươi ba, trước thầy, không được nói những việc vô ích; bốn mươi bốn, khi đối diện thầy, không được gãi ngứa; bốn mươi lăm, nếu muốn ngáp thì dùng tay che miệng; bốn mươi sáu, không được đứng trước thầy mà mặc quần; bốn mươi bảy, đứng trức thầy, thầy chưa bảo đi thì không được tự ý bỏ đi; năm mươi, khi thầy sắp ra khỏi chùa, thì nên chuẩn bị những vật cần dùng; năm mươi mốt, thầy sắp lên trai đường, thì phải rửa bát, xem xét mọi thứ, đóng cửa phòng…

4. Phép tắc trụ trong chùa

Tì-kheo tân học trụ trong chùa cần phải biết ba mươi mốt điều: Một, không được tìm tòi cố biết việc của người khác và nói lỗi của người khác; hai, không được tham gia vào việc tranh luận của người khác; ba, không được loan truyền việc xấu của người khác; bốn, không được đóng đinh trên tường vách; năm, không được viết vẽ trên cửa và tường vách; sáu, thấy điện thờ, tháp Phật-Tổ không sạch thì nên quét dọn cho sạch; bảy, khi đi không được thỏng tay; tám, khi đi không được quay đầu nhìn hai bên; chín, khi đi nên nhìn xuống đất, cách chân khoảng hai mét mốt, tránh đạp các loài côn trùng; mười, khi đi tay có cầm vật, nếu trên đường gặp bậc tôn túc thì nên đặt xuống một nơi để thăm hỏi; mười một, không được nhảy vọt qua tường rào, trừ các trường hợp kịp gặp được y, kịp hội hạ… ; mười hai, không được cầm khúc cây đột nhiên đến đứng hay đi qua trước mặt bậc tôn túc; mười ba, không được đắp ca-sa phủ trùm hai vai; mười bốn, luôn thắt quai ca-sa; mười lăm, hễ mang giày dép, khi đi trước tiên nên đặt gót chân xuống đất, không để phát ra tiếng; mười sáu, hỉ mũi, khạc nhổ nên đến chỗ kín; mười bảy, không được ngồi trên ngưỡng cửa; mười tám, chân không được đạp lên ngạch cửa; mười chín, không được đến chỗ cười đùa xấu ác; hai mươi, bốn mùa, nếu không có việc quan trọng thì không được du hành; hai mươi mốt, không được dùng lời ác mắng người; hai mươi hai, không được nổi giận mắng gió mưa; hai mươi ba, không được đi quá nhanh, nên bước đi như trâu chúa, voi chúa; hai mươi bốn, không được đi ngay giữa hành lang; hai mươi lăm, nên đi một bên hành lang, đây là lễ nghi; hai mươi sáu, đi dưới hành lang không được lớn tiếng nói năng cười đùa; hai mươi bảy, đại tiểu tiện thì phải biết nơi chốn; hai mươi tám, không có việc, không được vào phòng người khác; hai mươi chín, luôn thể hiện lòng từ bi, nhã nhặn và khéo tùy thuận, luận ghi: “Từ chính là muốn nói đến tâm ý nhu hòa, bị người khác xúc não vẫn không nổi giận. Bi chính là nói đến việc làm lợi ích, khéo tùy thuận tâm người khác”; ba mươi, khi ra khỏi phòng thì không được đường đột chạm mặt bậc tôn túc; ba mươi mốt, đi dưới hành lang không được ca hát, ngâm vịnh.

5. Phép tắc trụ trong viện

Tì-kheo tân học trụ trong viện cần phải biết năm mươi lăm điều: Một, luôn siêng năng tu tập chính nghiệp, không được bàn suông việc đời; hai, khi lọc nước, đầu tiên hạ thùng nước xuống giếng, kế đến khuấy động nước để trùng tan ra rồi mới múc; ba, khi lọc cần dùng ba lớp vải dày, chuyên tâm lọc nước; bốn, thả và kéo thùng múc nước không được để va đập vào thành giếng; năm, khi kéo thùng nước lên đến miệng giếng, nên đúng pháp rửa sạch thanh ngang của thùng, sau đó lau cho khô; sáu, khi lọc nước, xách thùng từ miệng giếng ra, không được để nước rơi ra ngoài đãy lọc; bảy, khi rót nước không được để bắn vào thau nước đã lọc, nếu đã nước bắn vào thì nên lọc lại hết; tám, vào mùa hạ, nước để qua đêm thì sẽ sinh các loại trùng, sáng sớm lấy nước đến trưa thì các loại trùng cũng sinh, nên cần phải lọc lại; chín, mùa đông nước đóng băng, vì thế sáng sớm không được lọc nước, vì sợ rằng trùng nằm trên đãy lọc nước sẽ bị lạnh chết; mười, đợi mặt trời lên mới lọc nước, thùng và đãy lọc cần phải để ý dội kĩ trong ngoài để trôi hết trùng mới dừng (phương pháp lọc nước rất khó, nay chỉ lược nêu mấy điều như vậy mà thôi); mười một, khi đốt cũi khô mà nghi có trùng, thì nên chẻ nhỏ ra xem; mười hai, luôn kiểm tra đèn, không để tắt; mười ba, nếu giặt quần áo lót thì trước tiên nên bắt hết rận; mười bốn, rửa chân và giặt quần thì nên dùng một thau riêng; mười lăm, thau giặt tịnh y thì không được dùng rửa chân và giặt quần; mười sáu, không được phơi tịnh y trên bụi tre; mười bảy, giặt tịnh y cần phải dùng bình nước sạch, tay sạch cầm gáo múc nước; mười tám, khi giặt xong nên dùng nước sạch tráng rửa thau, chậu cho sạch sẽ; mười chín, rửa chân xong, lại phải dùng nước dội tay chân cho sạch; hai mươi, vào mùa hè nắng nóng, khi dùng thau chậu xong, thì nên rửa tráng cho sạch rồi úp lại cho khô, không được để ngửa, vì để ngửa thì trùng sinh trong đó; hai mươi mốt, luôn giữ lễ tiết với các bậc thượng, trung, hạ tọa; hai mươi hai, không được nói lời vô nghĩa với thượng, trung, hạ tọa; hai mươi ba, không được nói những lời dơ xấu; hai mươi bốn, phàm có nghiên cứu học tập gì, thì nên siêng năng hỏi thầy ý nghĩa để cầu sinh tuệ giải; hai mươi lăm, luôn nghĩ đến bệnh và chết, sách tấn ba nghiệp, tu hạnh xuất thế; hai mươi sáu, luôn có tâm hổ thẹn, và nghĩ đến việc báo ân, cứu giúp chúng sinh trong ba cõi; hai mươi bảy, nên khởi ý niệm khó gặp Tam bảo; hai mươi tám, nên quán Tứ niệm xứ, y cứ theo kinh luận Đai-Tiểu thừa đã dạy mà trong mỗi niệm luôn khởi từ bi, phát tâm Bồ-đề; hai mươi chín, nên quí tiếc và giữ gìn tài vật của Tam bảo, không được làm tổn thất; ba mươi, bát còn ướt thì không được đặt trên ghế xếp đan bằng dây, ván gỗ, chiếu; ba mươi mốt, nếu làm hao tổn vật của thường trụ thì phải bồi thường; ba mươi hai, khi thấy các chân ghế hoặc giường chưa đứng ngay bằng trên đất, thì không được vội ngồi; ba mươi ba, khi thấy ghế xếp đan bằng dây, giường-ghế gỗ đang nằm ngoài đất trống thì nên mang vào nhà; ba mươi bốn, không được dùng ghế bàn còn tốt để phơi thuốc… dưới ánh nắng; ba mươi lăm, khi dời giường hoặc bàn ghế thì không được kéo lê, nên khiêng đi; ba mươi sáu, chỗ cột nhà bị nghiêng thì không được đặt bình nước; ba mươi bảy, khi đắp ca-sa thì cần phải buộc dây; ba mươi tám, không được dùng tay nắm lấy ca-sa; ba mươi chín, khi giặt ca-sa, không được dùng tay đè, dùng chân đạp; bốn mươi, không được ngậm nước phun lên ca-sa; bốn mươi mốt, khi xếp ca-sa, không được dùng miệng ngậm, cũng không được dùng chân dẵm lên; bốn mươi hai, không được ngồi mà đắp ca-sa; bốn ba, khi muốn cầm kinh thì phải rửa tay bằng xà phòng; bốn mươi bốn, nên phơi khô khăn sạch lau tay; bốn mươi lăm, cần phải biết giường chiếu dơ-sạch trong viện, cái nào dơ thì nên làm sạch; bốn mươi sáu, làm việc và súc miệng, rửa ráy thì nên đắp y năm điều, nếu không có, đắp y bảy điều cũng được; bốn mươi bảy, làm sạch giường chiếu, trước tiên nên phủi sạch bụi, rồi dùng khăn ướt lau qua; bốn mươi tám, nếu có nhận thuốc, trà, muối và tất cả những vật có thể ăn được thì nên lượng vừa đủ, tùy thời dùng trong ngày cho hết, không được nhận nhiều quá, dùng không hết sẽ để thừa qua đêm, đại chúng phần nhiều dễ phạm điều này, nên cẩn thận! Bốn mươi chín, gáo múc nước, khi cho vào bồn, nếu ngang với chỗ nước vào là tịnh, nếu nước thường ngang với chỗ tay cầm là bất tịnh, nếu là chỗ tịnh thì không được cầm vào đó; năm mươi, nếu có người bệnh thì nên tỏ lòng thương xót mà chăm sóc trước sau, trong phòng có người đang ngủ thì không được gõ đập vào vật phát ra tiếng, cũng không được lớn tiếng nói năng cười đùa; năm mươi mốt, khi từ bên ngoài trở về, nếu cửa đã đóng thì nên gõ từ từ, không được làm đại chúng giật mình; năm mươi hai, khi muốn rời khỏi chùa viện, thì nên thưa với Tăng trong viện để Tăng chỉ cho biết chỗ nên đến; năm mươi ba, biết sắp phải đại-tiểu tiện thì nên đi cho sớm, nếu để đến lúc cấp bách mới đi thì sẽ làm mất oai nghi, phép tắc; năm mươi bốn, nên hai tay cầm bình nước, không được thỏng tay xách bình, như vậy thì y sẽ chạm đáy bình; năm mươi lăm, đóng cửa chùa hoặc phòng nhà thì nên chú tâm, cẩn thận, không được sơ suất để dẫn đến mất mát đồ vật.

6. Phép tắc trụ trong Tăng phòng

Tì-kheo tân học trụ trong phòng cần phải biết ba mươi hai điều: Một, không được nằm chung giường với tì-kheo năm hạ trở lên; hai, nếu ở cùng phòng với người đồng tuổi hạ, thì nên thường giúp đỡ lẫn nhau, không được tranh cãi ồn náo; ba, luôn khởi ý thăm hỏi lẫn nhau, nên biết lớn nhỏ; bốn, nếu có lỡ lời thì liền xin người kia hoan hỉ, không được để qua đêm mà kết lấy nghiệp tội; năm, khen ngợi lẫn nhau, sau lưng không được chê bai lẫn nhau; sáu, muốn đến phòng khác, trước phải báo cho người trong phòng biết nơi mà mình đến; bảy, đắp y bảy điều, nhưng cần phải dự phòng y năm điều; tám, nếu cởi y năm điều thì phải đắp y bảy điều, không được lìa y; chín, nếu muốn đem lửa vào phòng, trước phải báo: “Lửa sắp đem vào!” khiến mọi người trong phòng biết; mười, không được dùng miệng thổi tắt đèn; mười một, muốn tắt đèn trước phải hỏi người trong phòng: “Dùng đèn nữa không?”; mười hai, người trong phòng và các phòng khác đã ngủ, thì không được đọc sách phát ra tiếng; mười ba, không được lớn tiếng tụng niệm; mười bốn, đã là hạ tọa thì phải nhận lãnh làm những việc khó khổ trước; mười lăm, hễ có việc tốt thì nên nhường cho bậc Thượng tọa, như cách của tì-kheo Hải Bản[16]; mười sáu, không được luận bàn việc bất thiện; mười bảy, không được dùng những lời châm biếm để chê bai chỉ trích lẫn nhau; mười tám, không được bắt chấy rận bỏ trên đất trong Tăng phòng, nên dùng bông tơ bọc lại và đặt ở nơi an ổn; mười chín, đi, đứng, nằm, ngồi, ra vào đều mang ca-sa bên thân; hai mươi, dẫu có ra vào đại-tiểu tiện cũng có ca-sa bên thân; hai mươi mốt, khi nằm nên co gối, không được làm dơ chiếu; hai mươi hai, nên nằm nghiêng, hông phải dính chiếu, xoay mặt ra ngoài, không được xoay vào vách; hai mươi ba, không được nằm ngửa, hay nằm nghiêng hông trái, hai chân xếp chồng; hai mươi bốn, không được lõa thân mà nằm; hai mươi lăm, khi nằm, không được đặt ba y phía sau chân; hai mươi sáu, đi đứng nằm ngồi đều không được suy nghĩ đến việc xấu ác; hai mươi bảy, ban đêm nằm nên nghĩ đến trời sáng; hai mươi tám, vào mùa hè nên phơi khô quần áo, chiếu chăn; hai mươi chín, không được treo giày dép cao quá đầu người; ba mươi, suốt đời nên giữ quần áo sạch sẽ, không được để dính cáu bẩn và mùi hôi dơ; ba mươi mốt, không được để lộ đèn đuốc mà không ngăn che; ba mươi hai, trong phòng phải ngăn nắp, sạch sẽ, không được để bừa bãi.

7. Phép tắc đối diện vị A-xà-lê lớn hơn mình năm hạ

Tì-kheo tân học đối trước vị A-xà-lê lớn hơn mình năm hạ phải biết hai mươi hai điều: Một, đắp ca-sa cần phải thắt quai; hai, không được đắp y trùm cả hai vai (Kinh ghi: “Đối trước Phật, Tăng và Thượng tọa mà tì-kheo đắp ca-sa trùm hai vai thì sau khi chết rơi vào địa ngục Giáp sắt); ba, không được nghiêng chân đứng tựa; bốn, không được buông hai tay; năm, không được cười nói không đúng lúc; sáu, cách đứng thì giống như trong chương Phép tắc hầu thầy ở trên; bảy, nếu vị ấy có dạy bảo gì thì nên đảnh lễ; tám, nên thể hiện tâm khiêm hạ; chín, không được gãi đầu; mười, không được khạc nhổ; mười một, không được xỉa hoặc chải răng; mười hai, chưa bảo ngồi thì không được tự ý ngồi; mười ba, không được ngồi chung một tòa; mười bốn, không được ngồi hoặc nằm trên ghế giường thường dùng của A-xà-lê ấy; mười lăm, cần phải biết, người năm hạ trở lên là giai vị A-xà-lê, mười hạ trở lên là giai vị Hòa thượng; mười sáu, những vị ấy bảo ngồi, thì phải chắp tay, khom lưng kính lễ rồi mới ngồi; mười bảy, khi ngồi thì không được vô lễ, buông thân nghiêng đông ngã tây; mười tám, nếu có nói gì thì lòng nên khiêm hạ, không được tranh hơn; mười chín, không được há miệng ngáp lớn mà nên lấy tay che miệng; hai mươi, không được dùng tay đỡ mặt; hai mươi mốt, không được thở mạnh ra tiếng; hai mươi hai, nên ngồi ngay thẳng, an định.

8. Phép tắc hai thời thụ thực

Tì-kheo tân học khi thụ thực phải biết sáu mươi điều: Một, khi nghe ba tiếng chuông, thì phải dừng tất cả mọi công việc, nhưng cũng nên lo liệu việc đại-tiểu tiện; hai, trước tiên dùng xà phong rửa sạch tay; ba, mặc quần không quá cao, quá thấp, nên ngang mắc cá chân; bốn, đắp y bảy điều nên bằng với cổ áo hậu, kéo xuống che phủ vai đến nửa trên của cánh tay; năm, muốn ôm bát lên trai đường, thì cần phải làm sạch tay, lau khô tay trên khăn, lại dùng ngón giữa và ngón trỏ kẹp lấy khăn; sáu, đến trai đường, khi thụ thực chưa xong thì luôn giữ sạch ngón tay và bàn tay, không được xúc chạm bất cứ vật gì, nhưng nếu vị trụ trì cầm kinh, thì không cần phải rửa tay, chỉ cần dùng hương làm thanh tịnh là được; bảy, bên ngoài bát gồm ba phần, hai phần trên thì tịnh, một phần dưới thì xúc (có thể chạm); tám, cầm bát, xối nước rửa không được đưa cao, nên khom lưng cúi đầu xối nước, khiến bát cách đất một gang tay là vừa; chín, nếu bảo đồng hành[17] trao bát thì cách thức cũng giống như tì-kheo kẹp khăn, chứ không được nắm khăn, nếu bảo đồng hành bưng bát thì sinh rất nhiều lỗi không thể kể hết, nhiều người phạm phải lỗi này, nếu chỉ bảo trao bát còn tự mình kẹp khăn thì tốt; mười, đợi tiếng chuông ngắn vang lên thì đúng như pháp, dùng hai ngón tay kẹp khăn, ôm bát, cán muỗng hướng vào thân; mười một, không được ôm bát quá cao cũng không quá thấp, ngang ngực là vừa; mười hai, không đứng ngay trước của bậc tôn túc, nên đứng một bên hành lang, không được đi ngay giữa hành lang, lại không được cười đùa; mười ba, không được đi chung với bậc Thượng tọa, nên nhường Thượng tọa đi trước; mười bốn, khi đi, nên nhìn thẳng xuống đất về phía trước, cách chân khoảng hai mét mốt; mười lăm, không được đi nhanh, nên bước đi khoan thai, thể hiện oai nghi đáng kính; mười sáu, nên từ một bên cửa mà bước vào trai đường, khi ra cũng như thế; mười bảy, đến chỗ ngồi, trước tiên là đặt khăn, kế đến đặt bát xuống, sau cùng thì dùng hai ngón tay kẹp lấy giày đưa vào đặt dưới giường tòa; mười tám, cũng dùng hai ngón tay kẹp để kéo tọa cụ ra và trải trên đất; mười chín, lễ lạy xong, khi nghe tiếng chuông sắp dứt thì đứng dậy thâu tọa cụ và ngồi vào giường tòa, không được đứng hoặc quì dưới đất; hai mươi, ngồi vào giường tòa đợi cho tiếng chuông dứt, không được để tọa cụ lại trên chiếu trước giường tòa; hai mươi mốt, lên ngồi trên giường tòa không được lộ mắt cá chân; hai mươi hai, khi ngồi không được để nội y[18] lộ ra ngoài; hai mươi ba, vào trai đường, trước khi tiếng chuông rút ngắn, thì nên lễ lạy, thâu tọa cụ, và ngồi vào giường tòa, không được để y hậu rủ dính vào thanh giường; hai mươi bốn, khi hành hương[19], không được giấu tay, mà phải đưa ra và chắp tay, lại không được nói cười; hai mươi lăm, không được tự ý lấy nhiều thức ăn; hai mươi sáu, nếu theo thứ tự xướng lễ, thì cứ xướng một vị Phật nên một lạy, không nhanh cũng không chậm mà phải dung hòa, thích hợp; hai mươi bảy, nên theo thứ tự tán tụng, phải tán tụng hết một bài kệ, không được tán nửa bài, khi ít người, cũng phải tán tụng hết, không nên lược bớt; hai mươi tám, nếu trái phép tắc của tăng, thì khi nghe bạch chùy phải lập tức xuống, không được chống trái; hai mươi chín, phải thu vén phú kiên y, không được ngồi mà đắp ca-sa; ba mươi, mở khăn ăn, móng tay không được chạm vào bề mặt của ngón tay khác; ba mươi mốt, khi trải khăn ăn, nên bằng với mép giường tòa; ba mươi hai, chén bát nên cách xa khăn phủ đầu gối, không được đặt tay lên hai đầu gối; ba mươi ba, không được nghiêng bát làm bắn nước xuống giường tòa; ba mươi bốn, hễ nhận thức ăn thì nên bưng chén bát lên, không được để trên giường tòa; ba mươi lăm, không được ăn nhanh giống như người đói, nên đưa bát đến miệng, lại không được đưa cơm vào đầy hai bên má như bụng khỉ; ba mươi sáu, hễ nhận thức ăn thì nên ngửa tay; ba mươi bảy, nhận thức ăn, không được cầm đũa muỗng múc hay gắp lấy từ tay tịnh nhân[20]; ba mươi tám, không được trao đũa muỗng cho tịnh nhân bảo họ lấy thức ăn từ vật chứa thức ăn của Tăng; ba mươi chín, nhận thức ăn, nếu có nghi thì nên khởi ‘mạn tâm’ (tâm rộng rãi, tùy thuận), nói mạn tâm: Như sáng sớm lẽ ra dùng cháo, nhưng tịnh nhân xướng lầm, thì lúc ấy suy nghĩ nên thụ nhận tất các các loại cháo, tất cả các món khác cũng thụ nhận giống như vậy; bốn mươi, khi nhận thức ăn, nếu khởi ‘khắc tâm’ (tâm ước thúc vào một thứ), đến khi thụ thực thì tâm và cảnh trái nhau, việc thụ nhận sẽ không thành, phải thụ nhận lại mới thành, nói ‘’khắc tâm’, như khi thụ thì thụ cháo đậu thị, khi thụ rồi mới biết là đậu thường, đó gọi là tâm cảnh trái nhau; bốn mươi mốt, khi nhận thức ăn, nếu tịnh nhân vung tay làm những vụn bánh hoặc nước canh rơi vào bát thì cần phải thụ lại; bốn mươi hai, nếu muốn xuất sanh cháo, không được cầm muỗng sạch chấm vào trong chén xuất sanh của tịnh nhân, nếu đã chấm vào rồi thì phải thụ muỗng lại; bốn mươi ba, nên lượng sức ăn bao nhiêu thì thụ nhận bấy nhiêu, không được để thừa; bốn mươi bốn, khi ăn không được khuấy trộn mạnh và nuốt ra tiếng; bốn mươi lăm, xuất sanh, nếu là bánh thì lấy một mẩu bằng nửa đồng tiền, nếu là cơm thì bảy hạt, những thức ăn khác cũng không được nhiều hơn; bốn mươi sáu, việc xuất sanh cần phải đúng như pháp; bốn mươi bảy, không được đem những thức ăn hôi thiêu đã vứt bỏ đổ vào chỗ cơm hay bánh xuất sanh; bốn mươi tám, theo phép, thức ăn xuất sanh nên đặt vào một nơi rộng rãi bên cạnh giường tòa, sao cho tịnh nhân tranh nhau giật lấy được, không nên tự dùng tay chấm vào, vì muốn giữ tay sạch sẽ; bốn mươi chín, không được dùng muỗng đũa nạo vét bát phát ra tiếng, chỉ nên dùng nước ấm tráng sạch, không được làm mất nước men bóng của bát, nếu làm mất thì dầu mỡ và thức ăn dễ bám, rất khó rửa sạch; năm mươi, không được há miệng quá to, muỗng múc đầy cơm cho vào, như vậy sẽ có cơm rơi trở lại vào bát, Thượng tọa chưa dùng cơm thì hạ tọa không được dùng trước; năm mươi mốt, một miếng cần ba muỗng cơm, đưa muỗng thẳng vào miệng; năm mươi hai, khi ăn không được làm rơi cơm canh… vào khăn; năm mươi ba, không được đặt thức ăn trên khăn mà ăn; năm mươi bốn, thức ăn rơi trên khăn không được lượm ăn mà nên dùng móng tay dồn lại một chỗ, sau đó trao cho tịnh nhân; năm mươi lăm, trong cơm có hạt thóc thì nên bỏ vỏ rồi ăn; năm mươi sáu, nếu trong bát còn thừa cơm cũng không được mang về phòng; năm mươi bảy, của thường trụ, sau khi ăn xong nếu còn thừa mang về phòng thì phải bồi hoàn; năm mươi tám, khi ăn nên sinh tâm hổ thẹn, thường quán tưởng; năm mươi chín, nên biết ăn cháo có mười điều lợi ích, như trong kệ đã nói rõ; sáu mươi, nên biết, người bố thí thức ăn sẽ đạt được năm pháp thường hằng: sắc, lực, thọ mạng, an lạc, vô ngại biện.

9. Phép tắc thụ thực xong ra khỏi trai đường

Tì-kheo tân học khi thụ thực xong ra khỏi trai đường phải biết mười điều: Một, đang ở trong chúng, khi ăn xong không được súc miệng phát ra tiếng; hai, đang ở trong chúng, khi ăn xong không được nhổ nước vào bát và những nơi khác; ba, khi nghe bài tán Xứ thế giới nhược hư không, tự liên hoa bất trước thủy, tâm thanh tịnh siêu ư bỉ, khể thủ lễ Vô Thượng Tôn thì chắp tay tụng theo; bốn, ăn xong thì khởi tâm ‘chấm dứt’, không được nuốt nước miếng; năm, bước xuống giường tòa không được để lộ mắt cá chân; sáu, ăn xong ra khỏi trai đường, trước tiên cất chân phía bên mé cửa, cán muỗng hướng vào thân, ôm bát ngang ngực, không nhìn lại phía sau và hai bên; bảy, ăn xong ra khỏi trai đường, khi chưa vào phòng hoặc đến chỗ kín thì không được khạc nhổ; tám, ra khỏi trai đường, nên đi theo một bên hành lang, dáng vẻ khoan thai như chim nhạn bước đi; chín, không được dụm đầu cười nói làm mất trật tự; mười, ăn xong muốn ra khỏi trai đường, trước tiên thu phú kiên y, chỉnh sửa ca-sa, chớ để xốc xếch, y theo thứ tự mà đi.

10. Phép tắc rửa bát

Tì-kheo tân học, khi rửa bát phải biết mười bảy điều: Một, ra khỏi trai đường, trước tiên phải đổ nước vào bát để ngâm; hai, dùng một ngụm nước lớn để tẩm miếng xà phòng dài sáu phân trong chén; ba, nên ở chỗ kín súc miệng bằng nước tro và chải răng bằng cành dương, cũng không nên đối diện Thượng tọa và nên dùng tay che miệng; bốn, nếu sàn rửa bát ngắn thì nên nhường cho Thượng tọa rửa trước, không nên đặt lộn xộn, làm trở ngại người khác rửa bát; năm, muốn rửa bát, trước phải vén y phục, chớ để chấm đất; sáu, trước tiên dùng nước sạch rửa qua một lần, kế đến đổ nước xà phòng đã ngâm trong chén vào bát, nhưng cần phải giữ lại một phần xà phòng trong chén để chà rửa các đồ đựng thức ăn, thì mới sạch được các chất dầu mỡ bám chặt trong đó; bảy, rửa bát, trước tiên rửa bốn phía, kế đến mới rửa những chỗ khác; tám, không được rửa tay trong bát; chín, không được nói-cười khi rửa bát; mười, nên nhấc bát khỏi sàn để rửa, cách mặt đất khoảng một gang tay; mười một, không được hỉ mũi và khạc nhổ chung quanh sàn rửa bát; mười hai, thùng nước sạch và gáo múc nước, khi rửa bát, lúc đầu nắm vào chỗ được xúc chạm, rửa bát xong lại dùng nước rửa sạch cán gáo mới rồi mới được cầm; mười ba, rửa bát xong, không được dùng miệng ngậm bát để hớp nước súc miệng; mười bốn, mùa hè, sau khi rửa bát xong thì nên phơi khô bát ở nơi sạch sẽ; mười lăm, vào tháng nóng, nếu sáng sớm rửa bát thì nên dùng nước mới lấy; mười sáu, nếu có nước để qua đêm thì cần phải lọc lại rồi mới dùng để rửa bát, sợ nước để qua đêm sinh ra trùng; mười bảy, dùng cháo xong, nếu nhận lời thỉnh bên ngoài mà không thể mang bát tùy thân, thì nên dùng xà-phòng rửa sạch, xuân hạ thu đông đều như vậy.

11. Phép tắc giữ gìn bát

Tì-kheo tân học phải biết mười ba điều giữ gìn bát: Một, không được đặt bát dưới hàng rào tre và trên lan can; hai, không được đặt bát dưới một vật đang treo; ba, không được đặt bát bên những cành cây tựa vào tre trúc; bốn không được đặt bát trên tảng đá; năm, không được đặt bát dưới cội cây ăn trái; sáu, không được rửa bát dưới cây có trái; bảy, không được đặt bát tại các góc và bốn biên của sàn, vì dễ rơi; tám, không được chứa khăn và các vật khác trong bát; chín, không được trao bát, các vật dụng chứa thức ăn cho đồng hành, nếu trao thì trái lời Phật dạy, lại sợ bị vỡ, rất nên tránh điều này; mười, không được một tay cầm hai bát, trừ trường hợp giữa hai bát có vật ngăn cách; mười một, nếu mang bát tùy thân thì nên hướng miệng bát ra ngoài; mười hai, không được treo bát trên đầu gậy; mười ba, không được để bát ở tất cả những nơi nguy hiểm.

12. Phép tắc nhập chúng

Tì-kheo tân học nhập chúng phải biết mười hai điều: Một, đắp y ngay ngắn; hai, mang theo tọa cụ và đặt trên cánh tay; ba, khi ngồi, nên phân biệt lớn nhỏ; bốn, chưa đánh chuông thì không được vào Tăng đường, pháp đường hoặc trai đường trước; năm, Thượng tọa chưa ngồi thì không được ngồi; sáu, nên nghiêm mặt và im lặng, không được nói cười; bảy, lên hay xuống giường tòa đều phải đúng phép tắc, không được lộ bắp chân và mắt cá chân; tám, thân đứng ngay ngắn, không được luôn lay động; chín, không được ngoái nhìn hai bên; mười, nếu muốn ngáp thì nên dùng tay che miệng; mười một, không được gãi ngứa; mười hai, nên nghĩ đến pháp môn tu tập, không nghĩ đến các việc khác.

13.Phép tắc vào nơi bố-tát (Phần này trong văn sao và Bố-tát nghi đã nói rõ, ở đây không thuật lại).

14. Phép tắc vào nhà xí

Tì-kheo tân học khi vào nhà xí cần phải biết hai mươi điều: Một, biết sắp đến lúc đại tiểu tiện thì nên đi cho sớm, để thúc bách mới đi thì mất oai nghi; hai, nên dùng hai tay cầm bình nước, không được thỏng tay xách bình; ba, đến trước nhà xí, biết có bậc tôn túc thì nên tránh nhường; bốn, đến trước nhà xí nên búng ngón tay ba lần, hoặc tằng hắng, nếu biết không có người trong đó thì mới vào; năm, tùy cao thấp mà vén y áo, vừa ngồi vừa vén, không được dự trước vén áo cao quá khiến lộ thân; sáu, nếu là ban đêm tối tăm thì nên dùng thẻ tre vạch từ trước sau, tính lường lỗ cầu rộng hay hẹp, dài hay ngắn, ngồi đã đúng giữa lỗ cầu hay chưa; bảy, không được hỉ mũi khạc nhổ lên bốn vách và cửa nhà xí; tám, dùng xong thẻ tre thì ném xuống lỗ cầu, không được bỏ vào ống và giắt trên vách, lại không được dùng giấy cũ có văn tự; chín, tùy tay thuận tiện mà cầm bình nước, nên bảy lần dùng nước rửa sạch, nếu không sạch thì không được ngồi trên giường tòa của Tăng; mười, khi dùng nước rửa, nhất định không được làm nước văng ướt các tấm vách chung quanh lỗ cầu; mười một, nơi đông người, nếu bên ngoài nhà xí có nhiều người đợi gấp, thì dẫu chưa hoàn toàn xong thì cũng nên ra ngoài; mười hai, giày không sạch, thì không được cởi đặt vào chỗ mà giày sạch thường bước đến; mười ba, rửa sạch tay, trước nên dùng hai ba lần đất vàng, kế đến dùng tro mịn và xà phòng; mười bốn, luôn lo liệu đầy đủ thẻ dùng trong nhà xí, không được để thiếu; mười lăm, trước tiên nên luôn dùng tro, kế đến dùng đất, cho nên không để thiếu hai thứ này; mười sáu, thấy nhà xí bừa bãi thì nên quét dọn sạch; mười bảy, thấy trong ngoài dơ dáy thì nên quét dọn sạch; mười tám, khăn lau đã dơ thì nên giặt sạch; mười chín, thấy giày dùng cho nhà xí đã dơ thì nên giặt sạch; hai mươi, nơi dùng tro và đất không được để bừa bãi, dơ dáy.

15. Sáu thời không được nói cười

Tì-kheo tân học phải biết sáu khoảng thời gian không được nói chuyện và cười đùa: Khi lễ Phật, khi nghe pháp, khi chúng Tăng nhóm họp, khi dùng cơm trưa, khi ăn cháo sáng, khi đại-tiểu tiện.

16. Phép tắc vào nhà tắm

Tì-kheo tân học phải biết mười sáu điều khi vào nhà tắm: Một, đầy đủ oai nghi, mang theo tọa cụ; hai, bậc tôn túc chưa tắm thì không được tắm trước; ba, cần phải mang theo bình nước; bốn, phải dùng hai tay cầm bình; năm, không được thỏng tay xách bình; sáu, không được tắm chung với người lớn lơn mình năm hạ trở lên; bảy, không được đặt ca-sa dưới các y phục khác; tám, cởi áo sạch mắc lên sào sạch; chín cởi áo dơ mắc lên sào dành cho áo dơ; mười, không được đại-tiểu tiện trong nhà tắm, nên lo liệu việc này trước, sau đó mới vào nhà tắm; mười một, tắm từ dưới lên trên; mười hai, nên dùng khăn ướt lau, mỗi tay cầm một đầu khăn vắt ngang qua lưng mà kéo rút, như vậy sạch được cáu bẩn; mười ba, nên im lặng, không được cười đùa; mười bốn, không được làm vấy bẩn nước nóng, nếu tay không sạch thì nên dùng nước trong bình để rửa tay; mười lăm, không được hỉ mũi, khạc nhỗ trong nhà tắm; mười sáu, tắm xong, nên dùng nước nóng rửa sạch chỗ ngồi, không được để xà phòng bừa bãi.

17. Năm trường hợp gặp Hòa thượng a-xà-lê mà không đứng dậy:

Khi bị bệnh nặng, khi cạo tóc, lúc thụ dụng bữa trưa, khi dùng cháo buổi sáng, khi mình ngồi trên tòa cao.

18. Mười một trường hợp gặp Hòa thượng a-xà-lê mà không đỉnh lễ:

Một, trước Phật; hai, trước tháp và Phật điện; ba, khi đại chúng nhóm họp; bốn, khi bệnh; năm, khi mình ngồi trên tòa cao; sáu, khi Hòa thượng đang nằm; bảy, khi Hòa thượng đang rửa bát và cạo tóc; tám, khi Hòa thượng đang rửa chân; chín, khi Hòa thượng đang súc miệng và đánh răng; mười, khi Hòa thượng đang đi trong thôn xóm; mười một, khi Hòa thượng đang tắm hoặc đại-tiểu tiện.

19. Phép tắc chăm sóc Hòa thượng a-xà-lê bị bệnh

Tì-kheo tân học phải biết mười hai điều khi chăm sóc Hòa thượng a-xà-lê bị bệnh: Một, có tâm hiếu dưỡng, xem Hòa thượng như cha mẹ; hai, không được chê hôi dơ; ba, thường lo liệu thuốc men; bốn, không cho dùng những món mà Hòa thượng không được ăn; năm, cho ăn uống điều độ và thích nghi; sáu, giặt giũ quần áo; bảy, luôn dọn dẹp phân tiểu sạch sẽ; tám, siêng năng đốt hương; chín, luôn lo liệu quần áo, chăn màn dày mỏng thích hợp; mười, luôn đầy đủ đèn lửa; mười một, luôn có ý tứ và cẩn thận, không được thô tháo, vội vàng; mười hai, luôn niệm bồ-tát Quán Thế Âm, cầu mong Hòa thượng sớm khỏi bệnh.

20. Phép tắc kính trọng Thượng tọa

Tì-kheo tân học phải biết mười sáu pháp kính trọng Thượng tọa: Một, thấy Thượng tọa, nên đứng dậy đón tiếp; hai, Thượng tọa chưa ngồi, mình không nên ngồi trước; ba, Thượng tọa chưa nhận thức ăn, mình không nên nhận trước; bốn, Thượng tọa chưa dùng cơm, mình không nên dùng trước; năm, không được tranh hơn với Thượng tọa; sáu, hễ có việc tốt thì nên nhường cho Thượng tọa; bảy, Thượng tọa có chỗ làm không đúng, thì nên dùng lời nhu hòa can gián, không được quở mắng; tám, bị Thượng tọa quở trách, nên dùng lời nhẹ nhàng sám hối cảm tạ; chín, ở bên Thượng tọa, không được nói những lời chê bai, chỉ trích người; mười, luôn hạ mình khiêm kính Thượng tọa; mười một, bị Thượng tọa trách mắng, không được sân hận, nên thuận Thượng tọa, không được chống trái; mười hai, như có việc thưa thỉnh, thì nên thuận ý Thượng tọa, không được trái mệnh; mười ba, đi thì nhường bước, ngồi thì nhường chỗ; mười bốn, phàm có việc khó thì hạ tọa đi trước, làm trước; mười lăm, không được đi trước Thượng tọa; mười sáu, thấy Thượng tọa thì nên thăm hỏi, không được gây ồn náo, nói những chuyện thị phi.

21. Phép tắc quét đất

Tì-kheo tân học khi quét đất phải biết tám điều: Một, khi quét không để bụi đất bay tứ tán; hai, nếu đất khô thì nên rưới nước, đợi một lát cho đất ráo rồi mới quét; ba, nên quét thuận theo chiều gió, không được quét ngược gió; bốn, quét cho sạch, không được để sót; năm, không được quay lưng lại với người; sáu, quét từ nhẹ tay đến nặng tay; bảy, không được nhóm rác sau cánh cửa và những nơi khác; tám, quét xong, dùng ki hốt sạch rác đổ vào nơi qui định.

22. Phép tắc dùng bình nước sạch

Tì-kheo tân học khi sử dụng bình nước sạch phải biết mười điều: Một, luôn châm nước đầy bình; hai, không được để bình ngay đường đi; ba, khi dùng bình nước phải ngồi xổm, không để văng nước ướt áo quần; bốn, không được kê miệng vào miệng bình để hớp nước súc miệng; năm, không được dùng tro chà rửa bình; sáu, không được để bình ở những nơi dễ bị rơi vỡ; bảy, mùa hè thời tiết nóng bức, nên luôn thay nước mới; tám, không được để bình trên sàn rửa bát; chín, nên hai tay cầm lấy bình, không được thỏng tay cầm bình; mười, khi thêm nước thì không được đặt bình trên bồn nước, sợ nước đã múc rơi lại vào bồn nước sạch.

23. Phép tắc vào thôn xóm

Tì-kheo tân học khi vào làng xóm phải biết ba mươi điều: Một, việc đúng pháp nhưng bạn đồng hành không đúng pháp thì không đến; hai, việc không đúng pháp, bạn đúng pháp cũng không nên đến; ba, bạn và việc đều không đúng pháp lại càng không nên đến; bốn, việc và bạn đồng hành đều đúng pháp mới nên đến; năm, không có nhân duyên cần thiết, không được vào nhà người thế tục; sáu, dẫu có nhân duyên cần thiết, nhưng cũng không nên tự vào; bảy, không có duyên sự không được nhiều lần vào hàng quán chợ búa; tám, khi vào làng xóm nên mang theo bình nước sạch; chín, vào làng xóm qua đêm, nên mang theo ba y, bát, tọa cụ, túi nước dập lửa…; mười, khi đi, nên nhìn thẳng xuống đất về phía trước, cách chân khoảng hai mét mốt, không dẵm đạp loài trùng kiến, nếu có bạn cùng đi thì hai người cách nhau cũng khoảng hai mét mốt; mười một, dáng đi đầy đủ oai nghi, không đi nhanh quá; mười hai, thấy quan lại và người say từ xa thì lập tức tránh nơi khác; mười ba, khi đi, tay không được buông thỏng và vung vẩy cánh tay; mười bốn, trên đường, không được đi cùng với người nữ; mười lăm, trên đường đi, không được nói chuyện với ni và người nữ; mười sáu, không được cùng đi với người uống rượu và ăn năm thứ cay nồng; mười bảy, không được vào nhà đồ tể và quán rượu, trừ họ có lời thỉnh cầu; mười tám, không được vào nhà không có người nam, trừ khi họ thỉnh cầu và có bạn thì mới nên đến; mười chín, không được đến nhà kẻ rao bán nữ sắc; hai mươi, vào nhà thế tục nên đầy đủ bốn oai nghi, khiến họ sanh tâm thiện kính; hai mươi mốt, luôn giữ gìn thanh tịnh; hai mươi hai, gặp nhà người quen cũ, nếu muốn vào thì nên gõ cửa rồi mới vào; hai mươi ba, không được nói chuyện với người nữ; hai mươi bốn, không được dùng tà mạng[21] để giáo hóa, khích phát khiến họ cúng dường; hai mươi lăm, không được tự khen đức hạnh của mình, chê bai các tì-kheo khác; hai mươi sáu, không được cười đùa ồn náo; hai mươi bảy, không được nói những việc vô ích của thế gian, nên nói lời pháp để họ tăng trưởng tâm thiện; hai mươi tám, nên xem trọng ý của người thế tục, chớ làm họ mất lòng kính tin; hai mươi chín, những lời nói ra đều từ hòa, không được dùng lời thô tháo; ba mươi, luôn thu nhiếp sáu căn, không để rong ruổi theo trần cảnh.

Từ trên đến đây, lược thuật giáo giới như vậy. Còn các hành tướng khác thì như trong giới bản đã thuật rõ. Mọi người nên siêng năng thưa hỏi, tùy giới mà phân biệt hành tướng, thì cam lộ rưới lên đảnh, đề hồ rót vào tâm, lợi lạc vô bờ, truyền thừa có nguồn gốc.

*

Chú thích:

[15] Hóa giáo-Chế giáo 化教-制教: Hai tạng kinh và luận nói chung về lí nhân quả để giáo hóa tăng-tục, gọi là Hóa giáo. Một tạng giới luật nói về giới pháp của tì-kheo, chỉ cấm chế nội chúng, thì gọi là Chế giáo.

[16] Tì-kheo Hải Bản 海板比丘: Ngày xưa có một nhóm tì-kheo cùng với các thương nhân ra biển tìm châu báu. Một hôm thuyền bị sóng đánh vỡ. Bấy giờ, vị tì-kheo trẻ tuổi chộp được một tấm ván, còn vị Thượng tọa thì không có. Lúc sắp chìm, vị Thượng tọa nói với tì-kheo trẻ: “Thầy không nhớ lời Phật dạy là nên kính bậc Thượng tọa hay sao?”. Vị tì-kheo trẻ tuổi nghe lời này liền suy nghĩ: “Như Lai thật có nói lời này sao?” rồi nói kệ: “Vì vâng lời Phật dạy, bỏ thân dâng tấm ván, nếu chẳng vì việc khó, trọn chẳng thành đạo quả”. Nói kệ xong, tì-kheo trẻ nhường tấm ván cho vị Thượng tọa. Thần biển cảm động trước lòng chí thành của tì-kheo trẻ, nên đưa vị ấy lên bờ.

[17] Đồng hành 童行: Thiếu niên vào chùa tập sự tu tập, chưa được thế phát xuất gia.

[18] Nội y 內衣: Y mặc bên trong, sát với thân, tức y an-đà-hội, một trong ba y.

[19] Hành hương 行香: Thí chủ phân chia hương đến tất cả Tăng chúng, khi tổ chức trai hội cúng dường.

[20] Tịnh nhân 淨人: Người thế tục vào chùa phụng sự tì-kheo tăng, vì họ hiểu lời nói thanh tịnh của Tăng nên gọi là Tịnh nhân.

[21] Tà mạng 邪命: Tì-kheo làm những việc không đúng chính pháp để cầu tài lợi.

    Xem thêm:

  • Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi (Ba Ngàn Oai Nghi Của Vị Đại Tỳ Kheo) - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 4. Tự Tứ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 12. Người - Luật Tạng
  • Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1C - Luật Tạng
  • Sa Di Luật Nghi Yếu Lược - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 2. Tăng Tàn - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 13. Phú Tàng - Luật Tạng