1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19

Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu

Minh Trí Húc Tập Thích

Bản Việt dịch của Thích Đỗng Minh

***

BÀI TỰA LUẬT TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU

Giáo pháp của Như Lai vang lừng khắp Ðông Ðộ, trước sau đều nhờ vào giới luật. Pháp âm từ bi nhờ vậy ban bố cho chúng sanh, mở mang hưng thịnh và hoàn bị đến ngày nay.

Giới luật thịnh hay suy đều do con người, mà nay con người đã đến lúc quá suy đồi!

Việc truyền giới các nơi trong quốc độ này phần nhiều chưa y vào Luật và Pháp. Nói đúng hơn, thậm chí ngày nay, sự truyền giới và thọ giới trong nước ta đều sai lầm. Thật là sự sai lầm cho cả mình và người. Tất cả tệ trạng này đều do thầy trò truyền thừa cho nhau trái với lời dạy của Phật đã chế định.

Ngài Thiên Thọ Chấn Công Hòa thượng tinh tường tu tập ba tông, thấu triệt tận những chỗ vi tế. Ngài chống tích trượng du hóa nơi đất Tần, gặp cơ duyên trú ở Thiên Thọ. Ngài cảm thương cho luật pháp không được hoằng truyền, nên phát nguyện thay đổi tệ trạng này.

Hơn mười năm, ngài lấy Luật làm đầu. Nên dưới ngài có một số các vị có tâm chí muốn truyền trì giới luật, trong đó Tỳ-kheo Tấn Liêu nhiệt thành và có khả năng nhất. Tấn Liêu thiên tư đặc biệt chuyên về Luật tông, xem hết giáo lý Tỳ- nại- da (giới luật), nghiên cứu cùng tận cương chỉ của năm thiên (1).

Tiếc thay những nhà chú thích Luật không nhiều, Tạng luật lại phức tạp. Thế nên làm cho người học cũng khó thấu triệt. Duy có bộ Trùng trị tỳ-ni này là có khả năng thức tỉnh những tệ trạng hiện nay, đủ để trình bày rõ chỗ hướng về. Do thế, tôi rất tha thiết mong được khắc bản để lưu truyền ở đời, hy vọng đáp ứng cho mọi người được phần nào.

Ý muốn là một việc, nhưng thời gian không cho phép, nên chưa thực hiện được. May thay gặp caùc vị Tỳ-kheo: Cốc Ấp, Triêu Dương, Truyền Giới, Tự Luật cũng đều nghĩ rằng: Nếu khắc bản được bộ Trùng trị tỳ-ni đề lưu hành thì lợi ích cho Luật học và người đi sau có chỗ học hỏi.

Khi ấy các vị: Cửu Thánh, Tuệ Thạch, Phật Bích, Thiên Thọ, Trí Ðài cùng một số vị Thượng tọa trì luật khác đồng ý cử người lo tài chánh đề khởi công in. Tất cả đều một lòng quyết chí với nhau, lao khổ không sờn, chông gai chẳng ngại. Khắc bản luôn hai năm, công việc mới xong.

Ngưỡng mong những vị được thấy được nghe đều hoan hỷ thọ trì, ngõ hầu treo mặt trời Giới giữa hư không, dựng lại Chánh pháp trong thời mạt vận. Thứ nữa, không phụ lòng thương vì pháp của Tổ và báo đáp ân đức của Phật, như một giọt nước trong biển cả!

Luật học Tỳ-kheo Trí Ðài soạn

—o0o—

Nguyên bài tựa bộ Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu và bản mục lục này lần khắc bản đầu tiên không có. Sau khảo cứu thấy ở trường Viễn Ðông Bác Cổ Hà Nội, nguyên bản của Nhật Bổn đầy đủ toàn bộ, sửa chữa bản khắc rất hoàn mỹ. Bộ này đủ từ đầu đến cuối. Từ phần “Lời tiểu dẫn…” từ cuốn đầu cho đến phần “hồi hướng” cuốn 18, tất cả là 595 tờ, nay kính cẩn ghi lại.

Bản lưu tại chùa Bửu Khám, xã Tế Xuyên, huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam.

BÀI TỰA TRÙNG TRỊ TỲ-NI TẬP YẾU

Tôi sanh vào giờ Hợi, ngày mồng 3 tháng Năm, năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vạn Lịch thứ 27, đời nhà Minh (1599).

Ðến năm 24 tuổi, tôi cạo tóc xuất gia, ngày mồng 7 tháng Năm, năm Nhâm Tuất, tức năm 1622.

Năm sau, ngày mồng 8 tháng Chạp, tôi thọ giới Cụ túc1 trước tượng ngài Hòa thượng Vân Thê. Năm sau nữa, tôi thọ giới Bồ-tát trước tháp ngài Hòa thượng Vân Thê. Các vị A-xà-lê đều là bậc Cổ đức Pháp sư.

Năm 27 tuổi, vào mùa Xuân tôi xem qua bộ Luật, soạn “Tập sự nghĩa yếu lược”, chỉ được hơn 100 tờ.

Năm 30 tuổi, vào mùa Hạ tôi nghiên cứu Luật lần thứ hai soạn thêm được bốn tập nữa.

Năm 31 tuổi, vào mùa Ðông tôi lại nghiên cứu Luật lần thứ ba, soạn thành sáu tập, gồm 18 cuốn.

Năm 32 tuổi, vào mùa Hạ tôi lại dạy cho 3 người bạn là Tịch Cốc, Như Thị và Tuyết Hàng, giảng qua một lần rất kỹ. Năm đó, tôi thêm vào hai tập đầu và cuối, thành ra 8 tập.

Năm 33 tuổi, vào mùa Ðông tôi chỉ giảng bảy quyển cho Kim Ðài pháp chủ, người cùng quê, ở chùa Phật Nhật, núi Cao Ðình, tại Linh Phong.

Mùa Hạ năm sau, tôi tiếp tục giảng cho 10 vị, một cách đầy đủ. Trong 10 vị đó có Tỳ-kheo Triết Nhân là người có khả năng thực hành.

Năm 35 tuổi, tôi kiết hạ tại Kim Ðình Tây, chùa Tiểu Hồ, giảng qua một lần cho 9 vị Tỳ-kheo, trong số đó có 3 vị Ðại đức: Triết Nhân, Tự Quán, Duyên Huyễn là thuộc hạng đáng quan tâm.

Năm 36 tuổi, mùa Ðông, tại Ngô Môn, nơi am Huyễn Trú, tôi lại giảng qua một lần nữa. Người nghe độ 5, 6 vị, hai Tỳ-kheo Tự Quán và Tăng Tụ có khả năng thực hành.

Năm 38 tuổi, tôi vào núi Cửu Hoa, năm 40 tuổi, tôi vào đất Mân Trung. Năm 44 tuổi tôi đến Ðiều Thành. Từ đó đến 13, 14 năm sau, tôi tự thấy không thể thực hiện được gì thêm vì không có người để trao đổi mà khả năng mình thì có hạn. Ba vị Triết Nhân, Tự Quán và Tăng Tụ đều quá vãng cả. Luật học thật đã không phát huy được.

Năm 51 tuổi, mùa Ðông tôi từ Kim Lăng về khu mình ở Linh Phong; mùa an cư năm sau, mới có chừng 10 vị phát tâm học Luật và họ yêu cầu tôi giảng lại bộ Luật này. Nhân nghĩ đến số tài liệu đã soạn trước, tuy các điều hay đã thâu vào, nhưng chưa chọn lọc từng vấn đề. Hơn nữa, hai phần “vấn biện” và “âm nghĩa” chưa khắc in, chi bằng gom vào bộ Tập yếu này mà chỉnh đốn lại. Sau đó, tôi san định, loại bỏ những chỗ rườm rà, giữ lại những phần thiết yếu và gọn gàng, để những người căn độn khỏi phải than phiền trước sự mênh mông như biển cả của Luật học.

Ngày 21 tháng Sáu năm Canh Dần (1650), Cổ Ngô, Ngẫu Ích, Sa-môn Trí Húc tự viết bài tựa này.

—o0o—

KHAI TỪ

Tạng luật là kỷ cương của Phật pháp, là mạng sống của Tăng-già, là bến lành nơi bể khổ, là đường chính đưa đến Niết-bàn. Khởi đầu từ Kê Viên(*), đức Thế Tôn đã đề xướng Luaät học, bằng cách Ngài gọi: “Thiện lai Tỳ-kheo” thì người được gọi, giới thể thành tựu, cho đến khi Thế Tôn thị tịch tại Sa-la song thọ, chính Ngài dặn dò rằng: “Giới luật là quan trọng nhất”.

Tuy rằng do người vi phạm mới chế giới, nhưng giới thể hiệp Ngay với vô tác; nên tùy duyên mở ra, tùy trường hợp ngăn cấm, đó chính là nêu cao sự sống động vi diệu và bao quát của Luật học.

Giới luật là con đường chung của cả Ðại thừa và Tiểu thừa, đâu phải chỉ là nẻo riêng của Thanh văn.

Buồn thay! Cuối đời tượng pháp, con người mù mờ, không đạt được chơn tông; Kẻ ngu muội bởi kiến văn hẹp hòi, người cuồng trí thì rơi vào ngạo nghễ; hoặc có người dựa vào thiền cơ để trốn tránh, lại có kẻ lấy Phương quảng(2), để sơn thếp cách nói năng. Các vị ấy đều bị lệ thuộc vào văn tự, mấy ai hiểu được thật nghĩa. Như ngài Huệ Năng đắc tâm ấn nơi Hoàng Mai ngũ Tổ, tại sao ngài không ra hoằng hóa ngay ở Tào Khê mà cần phải đăng đàn thọ giới Cụ túc, Quốc sư Trừng Quán hoằng dương giáo lý Hoa nghiêm nơi núi Ngũ Ðài, là bậc mô phạm cho cả triều đình đến dân gian mà còn lập ra mười lời thề để giữ thân. Khi đức Ðại Hùng còn tại thế, Pháp bảo và Tăng bảo đều do bậc Chánh Giác phát huy, nhưng khi Thế Tôn thị tịch thì Phật bảo và Pháp bảo đều được kiến lập từ Tăng-già. Nếu Tăng-già chỉ có 10 giới trọng và 48 giới khinh thì khác nào kẻ tại gia, và nếu không có Năm thiên Bảy tụ(3) thì làm sao biết được sự thoát ly thế tục là cao cả?

Thế nên biết rằng, kinh Phạm võng bao gồm cả năm đạo, chỉ trừ địa ngục, vì xuyên suốt nhau nên thành ra rộng lớn. Tạng luật chỉ áp dụng cho loài người ngăn ngừa các nạn. Vì chế như vậy nên trở thành tôn quý. Ắt hẳn có người ngưỡng mộ Ðại thừa nên không chịu lệ thuộc vào tiểu tiết, tự mình để tóc, không mặc pháp y, muốn làm đóa sen trong biển lửa. Nếu như các vị ấy có lòng thương đời mạt pháp, có chí làm bậc trụ cột, sao lại buông lung phóng túng theo ý mình, cam làm con giòi trong thân con sư tử vậy?

Trí Húc tôi, tự nghĩ mình nghiệp chướng nặng nề không thể tu hành theo lý huyền diệu được, lại buồn vì tuổi đã lớn, mà chưa được gần gũi các bậc Hiền triết. Ðau đớn nhất là không níu kéo được thời gian, nên tôi từ giã mẹ hiền đi xuất gia, và nghĩ rằng Tịnh độ có thể về. Tôi ái mộ đại sư Liên Trì nhưng chỉ được học với ngài qua sách vở để lại.

Biện biệt về kỷ cương của Tông mỗi khi nhớ đến phong thái của ngài Tư Bá, hộ pháp quên thân, nguyện kế tục theo phái Khuông Sơn, mà thấy kẻ lưu tục đương thời nên than thở, đọc kinh Di giáo lại càng thêm buồn tủi.

Mãi đến cuối mùa Ðông năm Giáp Tý, tôi làm lễ tháp Vô Lượng Quang, lòng càng bội phục nên phát tâm tăng thượng, cầu xin các bậc Cổ đức Xà-lê chứng minh, để học giới Bồ-tát. Sau đó, tôi tham khảo Luật bộ của cả Ðại thừa và Tiểu thừa, lấy Tứ phần luật làm chuẩn, và tham khảo luật của những bộ phái khác, soạn thành bộ Sự nghĩa yếu lược. Tôi làm việc này với cái khả năng nhận thức ngu muội quê mùa, do đó, không thể trình bày hết sự cao rộng của Luật học được, nhưng việc làm này là để tạo tư lương cho mình với sự vô tâm không vụ lợi.

Mùa Xuân năm Mậu Thìn, tôi gặp Tuyết Hàng Tiếp Công, lòng rất mừng vui vì ngài nghiêm tịnh Tỳ-ni. Nhân đó tôi có ý muốn vào núi gấp để tra cứu lại những chỗ trích lục (ghi chép) vẫn còn nhiều sơ sót. Tôi đến hang Thiền Long Cư, xem lại văn trong Tạng, không luận bộ phái mình hay tông phái khác, những vấn đề nào chính yếu tôi đều trích lục cả, tra cứu những chỗ khinh trọng của Luật rất tận tường, để xác định rõ ràng tiêu chuẩn của sự khai, giá. Ðồng thời, tôi tra cứu Ðại luật, tìm cho được nguồn gốc sự đồng dị, và hết sức tránh những ý kiến riêng tư, nên không mắc phải cái sai là chê Tiểu thừa, do đó những kẻ thích sự thẳng mực, khó có cớ mượn lý Ðại thừa để phê phán. Tôi khảo đính thành một pho, đặt tên là “Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu”.

Tôi tham khảo ý kiến của các bậc Chân Tịch, Bốc Lão nhân, thiền sư Bác Sơn Vô Dị thì các ngài đều khuyến khích khắc bản lưu thông.

Sau đó, tôi lại cùng với hai pháp hữu Bích Như và Quy Nhất xem xét thảo luận lại cho chắc chắn, và bổ túc cho hoàn chỉnh.

Kim Ðài Pháp Chủ ở chùa Phật Nhật rất hoan hỷ và cho khắc bản. Cơ duyên hưng khởi của Phật pháp chắc chắn nhờ vào lúc này.

Nhưng than ôi! Tập yếu lược đây ví như hạt bụi nhỏ, đối với thể của Luật như núi cao mầu nhiệm. Ðây là kết quả do khả năng kém cỏi của tôi, nhưng có thể nói là hết sức mình.

Tôi tự hận, sự hiểu biết của mình quá thô sơ, hành trì lại thiếu kém, nhìn lên rất thẹn với bậc Hiền triết đi trước, nhìn xuống thêm tủi hổ với hàng hậu tấn. Rất mong các bạn lành đồng học, xét chỗ tâm thành của tôi, thương cho sự không bén nhạy lạc hậu của tôi, cùng một lòng, một trí phò trì vận mệnh của Phật pháp, báo đáp phần nào ân đức Phật.

Ðầu mùa Xuân năm Tân Mùi, Trí Húc viết tại chùa Cao Ðình Cổ Vĩnh Khánh.

NGUYÊN BẠT

Luật Ma-ha Tăng kỳ nói:

“Thiện nam tử nào muốn xây dựng Phật pháp, cần phải quyết tâm thọ trì Luật này. Vị nào muốn cho Phật pháp cửu trụ tại thế gian, cần phải quyết tâm thọ trì Luật này. Vị nào tâm sợ sệt vì phạm tội, muốn tìm chỗ nương tựa, cần phải quyết tâm thọ trì Luật này. Vị nào muốn không còn có nghi hối để khỏi phải hỏi người khác, cần phải quyết tâm thọ trì Luật này. Vị nào muốn đi du hóa khắp nơi, không bị trở ngại thì cần phải thọ trì Luật này”.

Luận Tát-bà-đa nói:

“Tỳ-ni có bốn nghĩa mà kinh khác không có:

-Một là vùng đất bằng của Phật pháp, các thiện pháp đều sanh trưởng từ đó.

-Hai là tất cả đệ tử của Phật đều y vào luật để sinh hoạt, và tất cả chúng sanh do giới mà có.

. Ba là cửa ngõ đầu tiên để đến Niết-bàn.

. Bốn là xâu chuỗi ngọc để trang nghiêm Phật pháp.

Do đủ bốn nghĩa này nên không có gì quý bằng Luật”.

Than ôi! Lợi ích của giới đâu phải là nhỏ, tại sao cách Phật đã xa, việc nhầm lẫn lại nhiều, và chúng sanh đời mạt pháp ít gặp bậc chơn phong?

Từ khi giới luật truyền vào Trung Quốc, khởi đầu từ ngài Tăng Khải đời Tào Ngụy, ngài Tự Huy và Hoài Tố Luật sư đến nay, những bậc am tường về luật thật là hiếm. Ðôi khi có một hai vị Ðại sĩ thông suốt hoằng truyền thì đã không được như sư tử ra khỏi hang, chẳng khác nào như con ngỗng chúa chọn sữa uống (chừa nước), gần thì bỏ cương tôn của 5 bộ, mà nhận lấy những cương mục hỏi đáp bên cạnh, chú trọng gấp điều đáng hoãn, hoãn lại điều đáng gấp, tự mâu thuẫn nhau, mất dê ngày càng dài. Do đó, bậc hào kiệt chưa từng hỏi đến. Vậy thì biết nhờ đâu cho mặt trăng giới sáng giữa đêm sâu, duy trì giềng mối cũ khỏi bị đứt tuyệt.

Thọ Trù tôi, đọc kỹ những tài liệu để lại, phát sinh nhiều mối cảm xúc. Tôi thấy sư huynh Trí Húc, nặng tình với Chánh pháp, lòng bi nguyện rất sâu, tham khảo hết chỗ kín đáo của Luật tạng. Tự chọn Tứ phần làm cương lĩnh và dựa vào các bộ khác để soi sáng, tìm tận nguồn nước để lấy được cam lồ, góp lại thành nhiều quyển, đều tuân theo lời dạy của Cổ đức, không phải những lời nói ngoa, mong sao ai uống được một giọt, có thể trị hết những bệnh lâu ngày; ai uống no đủ thì bệnh mới không phát sinh. Biển giới sẽ được trong sáng là chính nhờ ở hành động này.

Không biết nhờ đời trước tôi đã làm nhân tốt gì mà nay được dự phần trong pháp tịch Tỳ-ni? Vì quá vui mừng nên vội nếm trước, và gởi vài lời vào cuối sách này.

Người biết Chánh pháp, ắt không phải vì mưu tính mà làm; kẻ bất tiếu, thì không hùa theo cái đẹp của người khác.

Mùa Xuân năm Canh Ngọ, người em trong Luật học, hậu học U Khê Thọ Trù kính ghi.

(Bài bạt này nằm ở cuối quyển thứ 18 của bộ Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu, nay để vào nơi đây cũng theo sự sắp xếp của bản Trùng trị cũ).

TỔNG VẤN BlỆN

HỎI: -Luật học chú trọng đến chỗ tin chắc, và nỗ lực hành trì. Ai giữ được Năm thiên, chắc sanh vào cõi trời cõi người; nhưng khi phước của họ nếu hết, tương lai sẽ ra sao? Người nào tu theo Tông, Giáo: trước hết, phải biết mở mắt ra, sau đó đạo cộng giới(a) mới sanh, đó là việc cần gấp. Nguời xưa có nói: Quý ở chỗ thấy tánh, không quý ở hành trì, há không đúng hay sao?

ÐÁP: – Luật học là nhân chánh để xuất thế. Thành tựu giới Ba-la-mật mới đạt đến địa vị Phật-đà. Vậy Luật học đâu phải chỉ là phước baùo của cõi trời, cõi người! Sự kiến tánh của Tông, Giáo tuy rằng giống nhau, nhưng muốn rời giới luật để nói riêng về Giáo và Tông thì đó chỉ là bỏ sự cầu lý, rơi vào ác tri kiến.

Ngài Qui Sơn có nói: “Chưa thân cận và học hỏi theo giới luật thì chơn nghĩa của Tối thượng thừa làm sao thấu triệt được ?”

Tôn giả Kinh Khê nói: “Bốn giới đầu làm cảnh, sáu giới sau quán chung, sự lý tương tức”(b).

Nên biết rằng: Thiên và Tụ không thể thiếu sót. Người đời coi thường Sự mà lại muốn đạt đến Lý sâu, xét ra quan niệm này rất hư huyễn, không có cơ sở gì cả. Ðã thiếu caûnh quán thì lấy gì để quán? Nhưng dù Tông hay Giáo đều có răn dạy rõ ràng, tại sao không nghĩ đến điều ấy?

Người xưa sở dĩ nói: “Quý ở chỗ thấy tánh, không quý ở hành trì”. Chính vì có thấy tánh tức có hành trì, nhưng có hành trì chưa chắc đã thấy tánh. Nay ta lại cho rằng giới pháp Vô thượng của đức Phật thuộc nhơn, thiên, bỏ cả Luật nghi, chỉ nói suông về Ðạo cộng giới, chánh kiến đã bị phá thì hành trì sai là lẽ dĩ nhiên. Như vậy chắc chắn bị đọa trong ba đường ác, tuy muốn sanh vào trời, người nhưng cũng không thể được.

HỎI: – Ðời mạt pháp con người căn tánh chậm lụt, chỉ nên nói gọn. Tứ phần luật vì ai cũng sợ sự phức tạp chi ly của nó, nên chỉ đặt lên chỗ cao mà thờ. Nay bộ Tập yếu này lại trích dẫn thêm các bộ Luật khác càng thêm phiền toái. Tại sao không lấy ngay Giới bổn Tứ phần để giải thích gọn các choã nghi ngờ, có hay hơn không?

ÐÁP: – Ðời mạt pháp, con người căn tánh chậm lụt, chỉ thích gọn không ưa rộng là một chứng bệnh, cố thủ sự ngu si, không hiểu biết. Càng theo xu hướng ấy càng đi xuống mà thôi, cuối cùng không bao giờ giải tỏa được sự nghi ngờ. Nay muốn cứu vãn cái khổ nạn ấy, cần phải học rộng, phá bỏ sự hẹp hòi, mới có thể có chỗ y cứ. Nếu chỉ đem Giới bổn Tứ phần giải thích sơ qua thì làm sao phân tích cho rõ các vấn đề khai, giá, trì, phạm; người ưa chuộng Phật pháp còn khó thông đạt được, huống chi kẻ theo thói biếng nhác, không chịu để ý đến, tới lui sai quấy, có ích lợi gì!

HỎI: – Pháp môn niệm Phật, rộng lớn lại dễ dàng, chỉ tin theo và hành trì là được. Hành giả cố gắng nhất tâm niệm Phật tự nhiên ngăn được điều sai quấy, chận đứng các điều ác, phiền gì phải cần cù cả năm học pháp luật này, danh tướng mênh mông phiền toái, không đơn giản chút nào. Quả vị do trì giới, cao lắm là Thanh văn, rộng lớn gì đâu; như vậy sợ rằng không bằng chuyên chú phát triển một pháp môn vi diệu của Tịnh độ?

ÐÁP: -Trì giới và niệm Phật vốn là một pháp môn chứ không phải hai đường; tịnh giới là nhân, Tịnh độ là quả. Nếu ta gọi việc niệm Phật là đường tắt còn Luật học là đi quanh thì chính ta đã đi ngược lại lời giáo huấn tha thiết cuối cùng của đức Phật thì làm sao thành tựu được niệm Phật tam-muội? Lại nữa, giới như biển không bờ, như báu cầu không chán, sao lại không rộng lớn? Làm là phạm, đình chỉ là trì, bảo đảm giải thoát, sao lại không đơn giản; Thế nên người nhất tâm niệm Phật, tuy có thể ngừa điều sai, chận việc ác, nhưng người chuyên tinh Luật học, thật là kẻ giữ lấy lời dạy sáng ngời của đức Phật. Hiện tại làm hưng thịnh ngôi Tam bảo, khi lâm chung sanh lên cảnh giới thượng thượng phẩm. Sự vi diệu của pháp môn nào, làm sao hơn thế được!

HỎI: – Ðức Như Lai giáng sanh ở Ấn Ðộ, những giới luật thuộc về giá tội đều chế cấm do sự chê trách của cư sĩ đời này, song cũng tùy theo địa phương mà giới luật có thay đổi. Nay ở xứ ta, nếu không tuân hành, chưa chắc cư sĩ đã chê trách. Giả sử bỏ đi các giới vi tế, có gì sai với luật Phật dạy đâu? Lại nữa, nay thời mạt pháp, ngoại duyên hỗ trợ không nhiều, chính nhân bên trong lại mỏng và ít, nên muốn giữ lại tất cả các giới để không phạm, thì làm sao diễn giảng giáo pháp cho rộng rãi. Giữ gìn trọn vẹn các tiểu tiết để mất sự lợi ích lớn lao, đâu phải là bản tâm của Bồ-tát, kẻ chơn chánh học Nhất thừa như vậy sao?

ÐÁP: – Ðức Như Lai với tri kiến sâu rộng, Ngài vì chúng sanh khắp trên đại thiên thế giới chế ra giới luật. Còn lục quần Tỳ-kheo đều là bậc đại quyền Bồ-tát thị hiện, tự đặt mình vào hình thái của chúng sanh đời mạt pháp, nên tạo ra các nhân duyên phạm giới. Chính do tính người lười biếng, không giữ những giới trọng và giới khinh nên làm cho pháp của Phật suy đồi. Nay muốn hoằng truyền Tông, diễn thuyết Giáo nghĩa đều phải lấy trì giới làm gốc. Vị nào giới luật tinh nghiêm thì chánh nhân bên trong đôn hậu, phụ duyên bên ngoài tự đầy đủ; trong tướng bạch hào(c) một phần sáng rực, quả quyết không phải là lời nói hư cuồng. Nếu ta cho giới là tiểu tiết, tứùc hủy báng Chánh pháp. Người như vậy thì giảng về Tông, thuyết về Giáo đều là chuyện vu vơ vô ích. Nếu có thu hoạch được ảnh hưởng ngoại duyên nào, thì tất cả đều là ma nghiệp có ích lợi gì cho Chánh pháp.

HỎI: – Chư Tổ ở Tây Trúc đều tinh thông tam học. Tại đất nước thô lậu này, thời gian cách Phật lại xa, tri kiến mọi người lại hẹp hòi, từ đời Ðường, Tống trở lại đây có vài vị Tôn túc, đạo phong sáng tỏ dưới rừng cây, bên dòng suối nước, núp dưới vài tấm phên, với một cây cuốc tự sống một đời thuần tịnh. Ðến khi các vị ấy ra lãnh chúng thì đưa ra quy tắc: “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, đến lúc độ người thì lại dùng tiếng hét và gậy làm phương tiện để đưa người hướng thượng. Tất cả những phương tiện ấy đều không tương ưng với giới luật. Thế mà những người hảo tâm xuất gia đều theo lối hành cước(4) vào núi, rồi sau đó lên tòa đắp y, những người sau này đều bắt chước theo cách ấy. Ngày nay bao nhiêu người làm theo như Tổ, họ có thật là Tỳ-kheo không? Nếu không phải là Tỳ-kheo thì làm sao kế thừa được địa vị của chư Tổ? Nếu họ là Tỳ-kheo tại sao không tuân theo Luật chế? Lại nữa, những người kế thừa địa vị của chư Tổ xem nhẹ Luật học, không biết chư Tổ đi trước có xem nhẹ Luật học như vậy hay không? Lại nữa, ngày nay những người kế thừa địa vị chư Tổ, tuy không tuân theo giới luật nhưng họ lại truyền giới cho người; không rõ chư Tổ đi trước có truyền giới cho người đi theo kiểu đó hay không?

ÐÁP: – Chư Tổ đi trước có 3 hạng:

-Bậc thứ nhất, nghiêm trì giới luật thanh tịnh làm mô phạm cho ba cõi, như các ngài: Huệ Viễn, Trí Giả, Tả Khê, Vĩnh Gia, Kinh Khê, Ðại Mai, Vĩnh Minh, Giác Phạm, Cao Phong, Trung Phong, Sở Thạch v.v… Ngài Giác Phạm không ăn phi thời, ngài Trung Phong mùa Ðông mùa Hạ chỉ mặc một

. Những tấm gương sáng đó được ghi đầy đủ rõ ràng trong sử sách. Từ xưa đến nay, những bậc Tri thức như vậy cũng nhiều, là chỗ đáng kính ngưỡng để chúng ta bắt chước theo.

– Bậc thứ hai, sống trong đời mạt pháp, ở vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, tuân theo di mệnh của Phật, song lại lược bỏ các giới vi tế, ở chùa thời cày cấy trồng trọt, lãnh chúng thời khai khẩn ruộng đất. Nhưng đối với các giới không ăn phi thời v.v… các vị ấy vẫn tuân hành đầy đủ. Trong Bách Trượng thanh quy gọi bữa ăn chiều là thuốc chữa bệnh mà không gọi là ăn cháo, chỉ cho là uống thuốc phi thời, thuốc bảy ngày, thuốc trọn đời mà thôi.

Lại nữa, ngài Ðức Sơn đem cất bình bát vì thấy mặt trời đã xế. Từ những chi tiết đó, nên biết rằng vấn đề không ăn phi thời đã được sáng tỏ; nhưng những bậc Tri thức ấy đâu dám vì người truyền giới. Cho nên, từ đời Ðường, Tống trở lại, Thiền sư thì có chùa của Thiền sư, Giảng sư thì có chùa của Giảng sư, Luật sư thì có chùa của Luật sư. Những người khi mới xuất gia phần đông học luật đầu tiên, ai có sở đắc về luật thì lấy luật làm tông phái của mình, nếu ai không có sở đắc về luật thì theo học giáo thuyết hay tham thiền, nhưng họ chỉ bỏ các giới nhỏ nhặt chứ không bỏ các trọng giới và tánh giới. Nếu ai không học luật thì tìm đến Thiền giáo để tham học, đây gọi là thừa gấp giới hoãn, nhưng vẫn giữ gìn 5 giới căn bản, tránh việc không hủy báng hay phạm trọng giới, các vị ấy vẫn không dám xưng là Tỳ-kheo và chắc chắn không dám khinh thường người học luật, họ tự thẹn là không thể hành trì theo giới luật, lấy đó làm đức tàm quý. Những vị ấy khi nhập thế tiếp độ mọi người thì họ thọ giới lại, để tánh giới và giá giới(5) đều thanh tịnh như đức Lục Tổ Huệ Năng v.v… Hoặc tự tu tự chứng, gặp cơ duyên chỉ tiếp độ một lần như ngài Thọ Xương. Có người hỏi ngài Thọ Xương:

“Phật chế Tỳ-kheo không được đào đất, tổn thương cây cỏ. Tại sao ngày nay ngài tự cày, tự gieo cây hạt, tự làm cỏ, tự gặt hái?”

Ngài đáp:

“Chúng tôi chỉ ngộ được tâm Phật, truyền thừa ý chỉ của chư Tổ sư, chỉ bày cho người có duyên thấy được tâm tánh. Nếu đem Chánh pháp mà xét thì chúng tôi chỉ có thể gọi là cư sĩ trọc đầu, chứ đâu xứng danh Tỳ-kheo”.

Lại hỏi:

“Giả như ngày nay có người hành trì được giới Tỳ-kheo đúng như Pháp thì ngài đối với vị ấy thế nào?”

Ngài đáp:

“Nếu thật có hạng người như vậy, nên kính họ như Phật, hầu hạ đúng như pháp thờ thầy. Chúng tôi không phải không làm, mà thật sự chưa thể làm được vậy”.

Lại như, Ðại sư Tử Bá suốt đời chỉ ăn cháo buổi sáng, ăn cơm buổi trưa, ngoài ra không ăn tạp, hơn 40 năm không nằm, hành trì như vậy mà ngài còn cho rằng chưa giữ được các giới vi tế, nên trọn đời không dám truyền giới Sa-di hay Tỳ-kheo cho người khác. Trường hợp bất đắc dĩ, ngài chỉ truyền 5 giới mà thôi.

Than ôi! Các vị Tổ sư trên đã tôn trọng giới luật như vậy, đâu dám xem thường, nếu ai khinh thường giới luật chắc chắn thuộc loại tà kiến, chẳng phải chơn thật là bậc mô phạm.

-Bậc thứ ba, thì đại vận dụng phương tiện, xem xét các cơ duyên lợi ích, phá nghi chấp cho người, nên không câu chấp vào quy tắc thường áp dụng. Như ngài Văn-thù Bồ-tát cầm gươm bức Phật(6) ba nơi phá hạ. Tỳ-kheo Trùng Thắng cùng người đồng nữ ngồi khiến cho họ chứng quả Vô sanh. Ðến như Hàn Sơn, Thập Ðắc mắng cả Luật chủ, Quy Tông Nam Tuyền chặt rắn, giết mèo… Những hành động ấy, vào lúc quyền hiện không thể không làm. Như thầy thuốc giỏi dùng vị tỳ sương(7) để chữa bệnh. Ðại tướng lập trận đồ để dẹp giặc, chẳng qua là chỉ dùng trong nhất thời, không thể đưa vào quy tắc của sách vở cần yếu hàng ngày.

Lại như những hành động la Phật, mắng Tổ, đánh thật đau, hét thật lớn, đều là việc bất đắc dĩ phải sử dụng. Thường gọi: “Binh là vật bất tường” chính là nghĩa đây vậy. Không phải như dùng gạo, đậu, lúa, bắp để so sánh được. Cách sử dụng hình như ngược lại với luật, nhưng người trì luật chơn chánh đã nắm được ý chỉ cuûa luật. Trường hợp như Mạt-lợi phu nhơn uống rượu để cứu người khỏi chết; đức Phật tán thán phu nhơn là người giữ trai giới chơn thật.

Bồ-tát giới bổn chép: Bồ-tát thấy việc thiết yếu phải làm thì được phép sát sanh, ăn trộm… hành động có mục đích lợi ích như vậy, Bồ-tát không bị phạm giới, mà còn sanh trưởng nhiều phước đức. Nếu như sử dụng sai chỗ thì sẽ tạo ra nhận định sai lầm cho người đi sau, tai hại không nhỏ, như Ưu Mạnh bắt chước Thúc Ngao(8).

Những kẻ Tông chẳng phải Tông, Luật lại không phải Luật, hủy báng Ðại Bát-nhã, gây nghi ngờ, tạo sai lầm cho người hậu thế, quả báo trong ba đường ác làm sao tránh khỏi; giả như vì khuyến dụ kẻ ngu si hướng về Tam bảo, mà làm các phước nghiệp tà mạng, do phước lực này giữ gìn không bị đọa lạc ngay, nhưng cuối cùng vẫn là quyến thuộc của ma vương ngoại đạo, không phải là đệ tử của Phật.

Trong đời mạt pháp loại ma tà như vậy rất nhiều. Chúng dối gạt thế gian, lại nhờ sức hỗ trợ của ma vương nên được cúng dường đầy đủ. Chúng thường tụ tập cả trăm ngàn quyến thuộc con cháu của chúng, phân bổ khắp thế gian, chúng hủy giới luật của Như Lai. Người ngu không hiểu biết tham muốn danh tiếng của chúng nên tranh nhau bắt chước, làm cho những người hảo tâm xuất gia đều bị đọa lạc vào bè đảng của chúng, họ muốn cầu thoát ra, lại bị rơi vào, thật đau lòng biết bao! Song những người ấy, nhờ Tam bảo làm cảnh sở duyên, nên khi tội báo hết lại nhờ vào năng lực của Phật Pháp Tăng độ thoát. Như người bị té trên đất nhờ dựa vào đất được đứng dậy. Những người này so với những người không nghe danh hiệu Tam bảo còn hơn một bậc. Thế nên Ma vương nói với đức Phật:

“Chúng tôi ở trong đời mạt pháp của Ngài, sẽ sai quyến thuộc của chúng tôi, ăn cơm của Ngài, mặc áo của Ngài, ở nhà của Ngài để phá hoại giáo pháp của Ngài”.

Ðức Phật bảo Ma vương rằng:

“Các ngươi chỉ tự phá lấy mình chứ pháp của Ta không thể bị phá hoại được”.

Nay ai muốn không bị đọa vào ba đường ác, đi thẳng lên quả Thánh, thì trì giới là việc làm hàng đầu. Nếu ai không thể giữ giới được, nên tán thán giới, tự thân phải tàm quý.

Ai tự mình đã mang danh thọ giới, sao lại xem thường giáo pháp? Tự thân không giưõ giới tinh nghiêm mà lại làm thầy truyền giới cho người, đã vì người truyền giới, lại không dạy người học giới đúng như pháp, thế mà những vị này còn nói: “Giới luật là Tiểu thừa, không cần phải học tập”. Những người này chắc chắn phải đọa vào tam đồ, làm quyến thuộc của ma, tự mình thọ lấy cái khổ đã tạo ra, không ai có thể cứu được. Tuy vậy, cuối cùng ai cũng có thể thành Phật được. Tôi đâu dám khinh thường họ!

PHÀM LỆ

1) Văn dịch trong Luật tạng rất phức tạp, nay muốn cho người học dễ nắm được, nên tôi nhằm vào ý nghĩa chủ yếu, lược bớt văn tự. Văn tuy được rút gọn, nhưng ý nghĩa chính vẫn giữ nguyên, nếu vị nào không tin, xin cứ đem Luật tạng ra đối chiếu.

2) Sau khi đức Như Lai diệt độ, Luật tạng được kiết tập, ban đầu không có chủ trương riêng của từng bộ phái. Sau này do kiến giải sai khác, nên phân

thành nhiều bộ, khi đã phân thành bộ phái, tất nhiên ai đi theo chủ trương nấy. Như ngài Nghĩa Tịnh chỉ hoằng dương luật Căn bản, ngài Hoài Tố đề cao luật Tứ phần, cho nên khó mà hội thông được.

Sợ rằng: Có học xứ bị bên này bỏ ra, lại được bên kia thu dụng, hoặc bỏ giới giá lấy giới khai, đưa đến tình trạng chú trọng giới khinh, xem thường giới trọng. Tôi phỏng theo ý chỉ của Luật sư Nam Sơn để đả thông tất cả sự dị đồng của các bộ. Chính yếu là sử dụng những ý kiến hợp lý nhất, không dựa vào cơ sở nào hết, như tránh né, thu dụng hoặc loại bỏ. Mục đích chính là hoàn thành việc tổng hợp những quan điểm đúng của các bộ phái. Ngõ hầu khế hợp được bản ý của Như Lai.

HỎI: – Tuyên luật sư sử dụng các bộ phái còn bị Hoài Tố luật sư chê. Nay y cứ vào đâu để làm cơ sở cho việc lấy, bỏ, đúng, sai? Nếu dựa vào sự suy luận của phàm phu thì liệu có đúng với quy định của Phật không?

ÐÁP: – Do sự tranh chấp nên sanh ra nhiều bộ phái, hiện tượng đó là sự suy thoái của đạo pháp. Sử dụng những sở trường của các bộ, chính là ý muốn tập thành. Tuy Hoài Tố chê, có chỗ cũng có căn cứ, nhưng chẳng lẽ Luật học của Tuyên luật sư sai hết hay sao? Huống chi Phật có dạy rõ: “Người nhiều trí tuệ có thể bỏ, có thể lấy, nhưng kẻ ngu si không thể phân biệt được”. Thế nên ở đây, lấy sự phân minh để tập đại thành là nghĩ đến người đi sau. Cho nên bộ Tập yếu này sử dụng sở trường của các bộ, là để đủ điều kiện tham khảo. Hơn nữa, vì ngược dòng tìm đến tận nguồn, nên đâu phải căn cứ trên những suy luận riêng tư để lấy hay bỏ một cách tùy tiện.

3) Riêng luật Thiện kiến phân giá tội và tánh tội(d) nhưng bên dưới mỗi giới có chỗ phân có chỗ không. Nay tôi theo nguyên bản không dám thêm vào, ai muốn đối chiếu nguyên bản thì có thế thấy rõ. Lại nữa, theo luật Thiện kiến gọi là chế tội, thì ở đây gọi là giá tội, chữ dùng tuy khác, ý nghĩa như nhau.

4) Theo sau mỗi giới, đều có các phần: Duyên khởi, thích nghĩa, đưa ra sự khinh trọng của tướng tội, hỏi và đáp để nêu lên lẽ đúng, lẽ sai. Sau hết dẫn chứng các bộ Luật oai nghi khác, những điều tương tự giới đó cũng phụ lục vào. Sáu phần này có khi nêu ra hết, có khi giảm bớt, vì thấy không cần thiết, nên không liệt kê chi tiết mà chỉ sử dụng sáu từ: Duyên, thích, tướng, biện, chứng và phụ, để nêu lên từng phần muốn nói.

5) Xét về mặt dịch thuật các bộ Luật, có trường hợp sử dụng từ ngữ khác nhau nhưng ý nghĩa đồng, hoặc lời văn khó hiểu. Những trường hợp như vậy có thể chú thích được thì chú thích, nếu không thể chú thích thì đưa vào cuối mỗi quyển để tiện tham khảo.

6) Giá tội của Thanh-văn, Ðại thừa đồng học. Cho đến những điều vì chúng sanh nên phương tiện mở ra, đều có chứng cứ rõ ràng trong kinh, không thể lẫn lộn được. Nay y cứ kinh Phạm võng và Từ thị giới bổn, mỗi giới chỉ thuyết minh phần chính. Ðó là phỏng theo ý của Sớ giải Thiên Thai.

ÐỀ CƯƠNG

1) Năm phần Pháp thân đều y cứ theo giới, ba môn học Vô lậu, lấy giới làm đầu, không một đức Như Lai nào không đủ giới thể, không một Bồ-tát nào không tu giới Ba-la-mật, không một kinh điển nào không đề cao giới pháp, không vị Thánh, bậc Hiền nào không giữ giới hạnh trang nghiêm. Trì giới giống như đất, tất cả thiện pháp đều từ đó mà sanh trưởng. Trì giới như thành quách, dựa vào đó mà xa lìa được ma chướng. Luận về sự thù thắng siêu việt của giới thì một người phàm phu khi được thọ giới, liền được gọi ngay là phước điền của thế gian; còn đạt đến chỗ cùng tận của giới thì chỉ có Phật mới được gọi là bậc tròn đầy về giới.

Bốn tầng lầu cao, mỗi bậc là cảnh giới viên đốn. Tám vạn tế hạnh, mỗi hạnh cùng pháp giới tương ưng. Nếu không trì giới thì dù có học tập giáo lý, tọa thiền, tạo các phước nghiệp đều là nếp sống của ma và rơi vào bè đảng của chúng. Thế nên ngườí hảo tâm, xuất gia, nhất thiết phải bắt đầu từ trì giới, và sau đó việc tự lợi lợi tha, các pháp mới thành tựu. Nếu bỏ con đường thông suốt này, thì không còn lối đi nào ngắn hơn nữa.

HỎI: -Tạng luật của Tỳ-kheo vốn thuộc Thanh văn, giới kinh Phạm võng mới là đại giáo, nay lại noùi rằng: Bốn cấp bậc đều là cảnh viên đốn, làm sao phân rõ được Ðại và Tiểu thừa? Lại nữa, đã gọi là viên đốn thì một cấp bậc là đủ rồi, cần gì phải bốn cấp bậc.

ÐÁP: – Người viên, khi thọ pháp, không pháp nào không viên. Ai đã nhận chân được chỉ thú của kinh Pháp hoa mở bày thì nhất sắc, nhất hương đều là trung đạo. Như vậy, có giáo pháp nào là không viên đốn? Pháp hoa huyền nghĩa nói: Khai thô (hiển) thì Luật học là Ðại thừa. Thức xoa, Thức xoa tứclà nghĩa thứ nhất của Ðại thừa. Ánh sáng không phải là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, 250 giới đều là Ðại thừa. Như vậy, sao lại có thô giới khác với diệu giới? Giới đã diệu thì người thọ giới cũng diệu, nên câu “Ngươi thật là con ta” chính là nghĩa này. Ðây gọi là diệu giới, không còn đối đãi.

Than ôi! Do đây, quán sát từng cấp bậc đều là viên đốn, một và nhiều không ngại nhau, mới thành bất khả tư nghì. Nếu cho rằng một loạt là đủ, thì như kinh Hoa nghiêm có bảy chỗ, chín hội(e). Vậy, ta có thể đặt vấn đề là một chỗ, một hội là đủ có được không?

HỎI: -Năm giới, mười giới, Tỳ-kheo giới, Bồ-tát giới dụ như bốn cấp bậc vào nhà lầu. Thế nên nói rằng: Không thọ năm giới mà thọ mười giới, chođến không thọ Tỳ-kheo giới mà thọ Bồ-tát giới, việc làm ấy không đúng. Ý nghĩa thứ lớp đã rõ ràng như vậy, huống chi ngày nay, cho Sa-di thọ giới Bồ-tát, há không tự làm ngược lại và vượt lên lời dạy chơn thật của Phật hay sao?

ÐÁP: -Dụ về nhà lầu, chẳng qua thuyết minh tiến trình của một lần đi lên, nhưng nếu chấp hành một cách cứng ngắt như vậy thì Ưu-bà-tắc cũng không được thọ Bồ-tát giới. Sự thật thì Ưu-bà-tắc có thể thọ giới được vậy tại sao không cho phép Sa-di thọ? không lẽ Sa-di lại không bằng Ưu-bà-tắc hay sao? Giới Bồ-tát theo Nghĩa sớ thì cộng thông cả bảy chúng, mà các chùa đại và tiểu ở Tây Trúc chia riêng, như vậy chẳng lẽ các chùa của Ðại thừa lại không có Sa-di hay sao?

HỎI: -Ba môn, Thiền, Giáo, Luật cũng như lan mùa Xuân, cúc mùa Thu, đều phô trương cái đẹp của mình. Nay chỉ lấy giới làm đường đi chung, tại sao từ xưa lại lập ra ba Tông?

ÐÁP: – Hai mươi tám vị Tổ ở Tây Vực đều bảo trì ba Tạng, khi Phật pháp lưu truyền đến Ðông Ðộ thì mới phân chia thành môn phái, nhưng không một vị Thiền sư nào, một vị Giảng chủ nào không lấy giới luật để thúc liễm thân tâm, ngõ hầu không gây ác nghiệp.

2) Người chưa học giới, phần nhiều sợ giữ khó khăn, nguyên nhân chính là họ không hiểu giới pháp nên sanh lòng thối thất. Nếu ai học giới này, mới thấy rằng đức Như Lai trí tuệ vô cùng, hiểu tận lòng người. Ngài ngăn ngừa và mở ra rất đúng chỗ, nên sự giữ giới không khó khăn gì cả.

Tôi nhớ lúc mới xuất gia, tự thị cho rằng căn bản mình thanh tịnh, rất sợ sự hành trì bó buộc với nhiều chi tiết, nên mười giới Sa-di tôi còn chẳng chịu thọ, huống chi là giới Tỳ-kheo. Sau này, nhân theo đại chúng ở Tùng lâm nên gượng thọ mười giới. Sau đó xem qua giới bổn, cho đến học Luật tạng mới tin rằng: muốn được tự tại không còn sợ gì, thì cần phải thông suốt giới luật.

Người chưa học luật, gặp việc gì cuõng bế tắc cả. Nhà Nho nói: “Người không học lễ, không thể lập thân.” Lời nói ấy đúng thay!

3) Xứ Tây Trúc khí hậu nóng và ẩm, cây cỏ không sanh trưởng được, nên đức Phật cho phép Tỳ-kheo ăn 5 thứ tịnh nhục. Xứ này rau trái rất nhiều, quyết định không đuợc ăn thịt. Lại nữa, các nước ở Tây Vực, nếu thực hành theo pháp Tiểu thừa mới ăn 5 thứ tịnh nhục, còn các người hành trì theo Ðại thừa, đều cấm không cho ăn.

Nay tại xứ này giáo pháp Ðại thừa đã truyền khắp, nếu Tỳ-kheo ăn thịt, nhất định tăng thêm sự hủy báng. Ðể ngăn sự chê bai của thế gian, nên chú trọng việc này, dù ai chưa thọ giới Bồ-tát cũng không được ăn thịt, nếu ăn thịt thì không phải nếp sống của Sa-môn.

4) Hai tạng Kinh và Luận quý ở chỗ lưu thông, riêng có tạng Luật rất quý giá và kín đáo, vì luật là pháp của Ðại Tăng không phải dành cho người ngoài.

Luật Căn bản chép: “Người tại gia chỉ được nghe hai tạng Kinh và Luận, tạng Luật là phép tắc của người xuất gia không được xem”.

Bài tựa của kinh Giới nhân duyên chép: “Tại Thiên Trúc, luật được giữ kín, chỉ có bậc Ðầu-đà và những vị có trí tuệ vững chắc mới được phép mở xem và cùng truyền cho nhau”.

Ngài Da-xá dặn đi dặn lại rất kỹ việc này: “Con người nên bảo họ làm chứ không nên cho họ biết”. Câu nói này thật là chí lý chí thiết, cần lưu ý và cẩn thận mong rằng những vị đồng giới phải cẩn thận vấn đề truyền thọ. Ai chưa đủ năm hạ, chẳng phải người trì luật, chớ nên cho họ biết. Xem rõ hai Luật đều nói như vậy, nên biết việc này phải cẩn thận, nếu để Sa-di hiểu rõ Năm thiên thì sẽ thành già nạn khi họ thọ Cụ túc giới.

Bộ Tập yếu này đặc biệt dành cho người thích gọn, tiện dụng khi hành trì. Chớ nên cho người chưa thọ giới xem trước. Nếu Sa-di trao cho nhau xem, phải trách họ và ngăn cản ngay, nếu không làm như vậy ta và họ đều có tội.

HỎI: – Ðức Thế Tôn giảng pháp như một trận mưa làm thấm ướt khắp nơi, người nào thấm nhuần đều được lợi ích. Ngày xưa có người nghe nửa bài kệ trong kinh, được thoát khỏi tội đầu thai làm chó, và trâu chở đại kinh, đời sau được sanh làm Sa-môn. Như vậy, tại sao Tạng luật lại cho là quý báu và giữ kín? Chẳng lẽ luật không có lợi ích cho người, hay là quý vị không muốn đem luật làm lợi ích cho mọi người? Lại nữa, giả như có người chưa thọ Cụ túc giới, phát tâm duyệt Tạng luật, không biết Phật cấm chỗ nào không được đọc. Lại như những người viết chép, khắc bản in… thì phải xem qua, giả như sau này họ phát tâm thọ giới, nếu vì những người aáy cho thọ giới thì họ có mắc trọng nạn hay không? Nếu điều đó là trọng nạn thì trong Phật pháp cũng có những hạn chế và tác dụng ngược lại “Cam lồ biến thành độc dược?”

ÐÁP: – Kinh điển quý ở chỗ lưu thông, nhờ thế nên thành chủng tử của văn huân, còn Luật quý báu ở chỗ giữ kín nên ngăn ngừa được cái nạn của tặc trụ. Một bên là giữ kín, một bên là phơi bày, đều là nằm trong Tứ tất-đàn của Như Lai, cho đến như người không biết gì mà lầm xem hay xem qua khi chép, khắc, in… thì đâu có tâm trộm pháp, tất nhiên không liệt vào trường hợp bị trọng nạn. Nhưng những người chép hay khắc chưa hiểu rõ được thì còn có thể dung thứ, còn như người xem mà hiểu rõ thì phải ngăn cấm. Vì vậy, đối với những người biết pháp cần phải khéo léo hướng dẫn cho họ.

HỎI: – Các thiên và tụ của luật đã không cho Cư sĩ và Sa-di được biết, tại sao trên hội Niết-bàn đức Thế Tôn nói với đại chúng trời, người về 5 thiên 7 tụ và phó chúc cho đời sau không được vi phạm, chẳng lẽ trong kinh Niết-bàn nói riêng cho Tỳ-kheo và không thể lưu thông trong thế gian hay sao?

ÐÁP: -Hội Niết-bàn thuần là chúng đại Bồ-tát, chắc chắn không có kẻ ác trộm pháp, nên đức Phật đối với tên của thiên và tụ không kiêng cữ. Tuy nhiên Phật chỉ nói ra tên chứ không trình bày sự nghĩa, nếu ai muốn giảng kinh Niết-bàn cũng không nên giải thích chi tiết.

HỎI: – Sa-di hiểu được 5 thiên thì thành già nạn khi thọ giới Cụ túc. Nay giả như có người muốn thọ giới Cụ túc nhưng trước đây lỡ đọc 5 thiên thì có thành già nạn không?

ÐÁP: – Giới pháp của Tỳ-kheo chỉ cho phép hành trì sau khi thọ. Trước khi thọ giới không được đọc giới bổn, nếu không biết mà xem nhầm thì có thể tha thứ được, còn biết mà cố ý vi phạm thì khó có thể bỏ qua.

5) Giới thể của Tỳ-kheo rất tôn quý, nếp sống của người thế tục rất ô nhiễm. Tụng kinh, lễ sám còn có thể gọi là pháp thí, nhưng thổi tiêu, đánh bạt thì khác gì kẻ xướng ca? Trường hợp trong kinh Pháp hoa cho phép làm như vậy để cúng dường Phật thì vốn là bảo người khác làm, chứ đã mang hình dáng trang nghiêm của Tăng sĩ, sao lại tự mình làm nhưõng điệu bộ khó coi như vậy! Nếu am viện nào muốn thay đổi nếp sống, theo Thiền tông thì cũng không được sử dụng các loại âm nhạc, nếu ai không từ bỏ thì trái với những quy định của Phật.

HỎI: – Nếu cho rằng việc thổi tiêu, gõ bạt cũng giống như hát xướng, nhưng truyện Ký qui có ghi: “Ðại hội Tự tứ có gõ nhạc, đánh trống, treo tràng hoa, đi hành hương các miếu thờ”. Như vậy, xét về nội dung thì khác gì thổi tiêu, gõ bạt, tại sao lại không cho? Giả sử bảo người khác làm, có khác gì mình làm mà lại không phạm tội?

ÐÁP: – Tội ngũ nghịch, thập ác là tánh tội của thế gian, nên bảo người khác làm hay tự mình làm đều chịu quả báo như nhau. Nay việc ca hát, xướng múa là Giá tội của người xuất gia, còn bảo người đánh nhạc để cúng dường thì đó là phước nghiệp, việc này không thể xem là tánh tội được.

6) Giới không ăn phi thời, tất cả kinh, luật đều nghiêm cấm rõ ràng và đầy đủ, không một bộ luật nào khai cho giới này. Câu nói: “Ăn quá ngọ là dược thạch”, không phải lời của Phật dạy, đó là quyền xảo của người xưa, nếu thân thể yếu ớt nhiều bệnh thì cho dùng nước phi thời, nước bảy ngày, thuốc trọn đời, có thể đáp ứng sự suy yếu của cơ thể. Tại sao lại cam tâm phá giới này? Trừ trường hợp vì nhân duyên mất mạng không còn cách nào để bảo tồn sinh mạng thì hoặc là xả giới Tỳ-kheo, Sa-di, chỉ làm một người cận trú Bồ-tát, hoặc cứ 15 ngày hàng tháng thành khẩn sám hối, nguyện không làm Giới sư thì có thể được.

HỎI: – Giới không ăn phi thời còn gọi là trai, chắc chắn không được phạm rồi. Nhưng những bậc Tri thức xưa nay, phần nhiều không thể giữ được.

Nếu như người nào, các giới căn bản đã thanh tịnh, chẳng lẽ bị đọa vì các giới khác không thanh tịnh hay sao?

ÐÁP: -Phá giới phá trai đều gọi là ác pháp, nếu chỉ giữ giới căn bản, thà đừng thọ dụng của tín thí. Từ xưa đến nay, những bậc Tri thức chơn chánh theo khuynh hướng “Thừa cấp giới hoãn”, đều biết đức tàm quý, không làm Giới sư như ngài Tử Bá, Thọ Xương. Những bậc Tri thức gần đây không tuân theo giới vi tế, đã làm thầy mọi người một cách sai lầm, nếu họ chưa bị đọa lạc có thể nhờ phước nghiệp đặc biệt nào đó bảo trì. Ngài Huệ Viễn cương quyết từ chối uống nước mật, ngài Cao Phong chỉ ăn một bữa, ngài Ðạt Quán quá ngọ không nếm một thứ gì cả. Các ngài danh túc về Thiền giáo từ trước, giữ gìn trai giới thanh tịnh rất nhiều, chính là giữ gìn giáo. Ta không thể học theo kẻ Tri thức đời sau, cầu lợi một cách bẩn thỉu.

7) Trong luật quy định Tỳ-kheo chưa đủ 10 hạ không được phép làm Hòa thượng hay y chỉ A-xà-lê, nếu vị nào vội vã làm thầy, đó là người biết pháp mà lạm pháp.

HỎI: – Bây giờ thời mạt pháp, mạng người vô thường, thân như sương buổi sớm, làm sao có thể chờ đợi đúng lúc? Hoặc là có thể nào mở ra một trường hợp ngoại lệ để Tăng bảo không bị đoạn tuyệt hay không?

ÐÁP: -Do đời mạt pháp không y theo luật định, Tăng luân suy đồi, nên thành suy giảm như thế. Nay muốn phục hưng lại phải tuân theo sự quy định của Phật. Ai muốn độ người xuất gia, ít nhất phải đủ 10 hạ, biết rõ hai bộ luật của Tăng và Ni.

8) Theo luật, mỗi ngày chia làm ba thời, cho phép hai thời học nội điển, một thời còn lại học sách vở khác, thuộc sách ngoài. Những người lợi căn, có thể dựa vào đó để hàng phục ngoại đạo, vì các nước ở Tây Vực rất nhiều ngoại đạo chống đối Phật pháp. Ở xứ này, việc ấy không đối tượng, nên vị nào chỉ chuyên tâm theo việc chính của mình thì hàng Cư sĩ càng thêm kính trọng. Như ai đắm nhiễm thơ văn thì người giỏi được đời thương cảm tổn và kẻ dở bị chê bai. Tôi chỉ thấy họ bị người ngoài hàng phục họ, chứ nào thấy họ hàng phục được ai đâu. Vị nào căn cơ có hạn, thì giờ không nhiều, phải mau học việc chánh yếu, cho rõ ràng thông suốt, còn sợ không kịp thì giờ. Nếu tham đắm thơ văn chắc chắn không là người giới tử chơn thật.

9) Luật này là nền tảng của định tuệ, là gốc của giải thoát. Nền móng xây xong, nhà cửa làm theo thiết kế, gốc cây đã vững thì đến khi trổ hoa kết trái lẽ tất nhiên hơn nhiều. Nếu không rèn luyện nội tâm, mà chỉ trang sức hình tướng bên ngoài thì ngược với nhơn chánh thọ giới, vĩnh viễn đoạn tuyệt diệu quả Niết-bàn.

HỎI: – Giới là nền móng của định tuệ, là gốc của giải thoát. Không xây nền móng, tất nhiên không xây nhà được. Nhưng nếu chỉ có nền móng thì chưa phải là hoàn thành toàn bộ, nên cần phải lấy việc học giáo nghĩa, tham thiền để đạt đến cứu cánh, chẳng lẽ chỉ có luật mới đạt đến cứu cánh hay sao?

ÐÁP: -Thọ được Luật nghi, đó chính là nền móng, để Ðịnh cộng giới2 và Ðạo cộng giới hoàn thành, cho nên mới nói: Cần phải rèn luyện nội taâm. Như phần đại tiểu Kiền-độ trình bày: Ban đầu hành giả tu tập Thánh giới để đạt đến Ngũ thông, Tam minh, tất cả đều thuộc về thật nghĩa của giới. Như vậy, lại có thể tìm cầu cứu cánh nào bên ngoài luật hay sao?

10) Giới luật không hạn chế ở Thanh-văn, nếu ai phát tâm ắt bằng bậc Ðại sĩ. Vả lại, đủ các giới hạnh mới là chánh nhơn của thượng phẩm.

Niệm Phật được độ thoát, thời nay chính là lúc tin vào sự ghi chép, nếu không về được nơi an lạc thì chưa hoàn toàn tuân theo lời Phật dạy. Mong rằng những vị đồng tu hãy biết rõ nơi hướng về.

HỎI: – Ðầy đủ các giới hạnh, tất nhiên là đủ điều kiện để được sanh thượng phẩm thượng sanh và sanh vào một trong ba loại chúng sanh. Trì giới giống như mặt đất, tất cả thiện pháp đều sanh thành từ đóù. Nếu Ðịnh cộng và Ðạo cộng đều bao hàm đầy đuû thì cần gì phải niệm Phật? Lại nữa, niệm Phật là pháp môn ngắn nhất để ra khỏi ba cõi, khi lâm chung chỉ cần 10 niệm, tức được vãng sanh, cần gì phải hành trì giới tướng cho phiền phức? Cả hai pháp môn đều là đường tắt, chỉ cần đi một đường là đến đích, cần gì phải bước cả hai đường mới gọi là hoàn toàn tuân theo lời Phật dạy?

ÐÁP: – Ðịnh cộng và Ðạo cộng tất nhiên có khả năng thoát khỏi sanh tử, nhưng nếu không nguyện sanh về Tịnh độ thì đương nhiên chỉ sanh về cõi phương tiện uế độ mà thôi. Còn nếu trì giới kiêm niệm Phật, có thể đoạn được thông hoặc (kiến tư hoặc) và biệt hoặc (trần sa, vô minh), đương nhiên có thể sanh vào ba cõi Tịnh độ: Phương tiện, Thật báo và Tịch quang Tịnh độ. Giả như chưa đoạn được hoặc, cũng có thể sinh vào cõi Ðồng cư Tịnh độ. Lại nữa, niệm Phật để tâm được tịnh, đó là Vô thượng diệu giới. Nếu không tuân theo lời dạy “niệm Phật được giải thoát” thì cũng chính là đi ngược lời dạy của Phật, giới luật cũng chê trách điều đó. Nhưng nếu ỷ lại vào con đường tắc, 10 niệm vãng sanh khinh thường giới tướng cho là phiền phức, cũng không phải là người niệm Phật chơn chánh, 10 niệm lúc lâm chung khó thành tựu. Thế nên người tu cần phải lấy Tịnh giới làm nhân, Tịnh độ làm quả, mới lấy việc chính yếu để giải thoát; đây chính là một con đường thanh tịnh sao gọi là hai đường ư?

11) Bộ Tập yếu này chỉ đáp ứng cho việc tự lợi, nếu vị nào muốn hoằng truyền luật thì cần phải tham khảo hết Tạng luật, mới có thể hiểu rõ hết nguồn gốc, mà chỉ bày lại cho người sau. Ðã là bậc thầy mô phạm, đâu có thể cho phép chỉ chọn sự tóm lược mà bỏ đi sự rõ ràng đầy đủ. Nay nếu vị nào y cứ giới luật làm cơ sở, riêng tu giáo quán Thiền tông v.v… trước hết cần phải thuộc lòng chánh văn của giới bổn, sau đó y cứ giới bổn nghiên cứu cho thấu triệt những chỗ vi tế. Những vị như thế không bị chê là dê câm. Nếu ai quyết chí hoằng dương giới luật tiếp dẫn người sau, trước hết căn cứ vào bản Tập yếu này nghiên cứu cho rõ ràng nhuần nhuyễn, sau đó cần phải tham khảo toàn Tạng luật thì mang danh Luật sư mới không hổ thẹn vậy.

LUẬT TẠNG TỔNG MỤC

1) TỨ PHẦN LUẬT TẠNG: 60 quyển -Ðời Diêu Taàn -Kế Tân -Tam Tạng Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm cùng dịch.

2) TỨ PHẦN GIỚI BỔN: 1 quyển – Tam tạng Phật-đà-da-xá dịch.

3) TỨ PHẦN GIỚI BỔN: 1 quyển.

TỲ-KHEO-NI GIỚI BỔN: 1 quyển -Ðường, chùa Tây Thái Nguyên, Sa-môn Hoài Tố y luật tập xuất.

4) ÐÀM-VÔ-ÐỨC LUẬT TẠP YẾT-MA: 1 quyển -Tiền Ngụy, Tam Tạng Thiên Trúc Khương Tăng Khải dịch.

5) YẾT-MA – Tào Ngụy – Sa-môn Ðàm-đế tập.

6) TỨ PHẦN TỲ-KHEO-NI YẾT-MA PHÁP: 1 quyển -Lưu Tống -Tam Tạng nước Kế Tân Cầu-na-bạt-ma dịch.

7) TỨ PHẦN LUẬT SAN BỔ TÙY CƠ YẾT-MA: 2 quyển – Kinh Triệu -chùa Sùng Nghĩa, Sa-môn Ðạo Tuyên soạn.

8) TỨ PHẦN TĂNG YẾT-MA: 3 quyển.

TỨ PHẦN NI YẾT-MA: 3 quyển – Ðường, chùa Tây Thái Nguyên, Sa-môn Hoài Tố y luật tập xuất.

9) MA-HA TĂNG KỲ LUẬT: 40 quyển -Ðông Tấn – Tam Tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la cùng Sa-môn Pháp Hiển dịch.

10) BA-LA-ÐỀ-MỘC-XOA TĂNG KỲ GIỚI BỔN: 1 quyển – Phật-đà-bạt-đà-la dịch.

11) TỲ-KHEO-NI TĂNG KỲ LUẬT BA-LA-ÐỀ-MỘC-XOA GIỚI KINH[1]: 1 quyển – Ðông Tấn, Sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương cùng Giác Hiền dịch.

12) DI-SA-TẮC NGŨ PHẦN LUẬT: 30 quyển – Tống, Tam Tạng nước Kế Tân Phật-đà-thập và Trúc Ðạo Sanh dịch.

13) NGŨ PHẦN GIỚI BỔN: 1 quyển.

TỲ-KHEO-NI GIỚI BỔN: 1 quyển – Lương, chùa Kiến Sơ – Sa-môn Minh Huy biên tập.

14) NGŨ PHẦN LUẬT YẾT-MA BỔN: 1 quyển – Ðại Ðường, chùa Khai Nghiệp, Sa-môn Ái Ðồng ghi chép.

15) THẬP TỤNG LUẬT: 58 quyển – Diêu Tần, Tam Tạng Phất-nhã-đa-la, Cưu-ma-la-thập cùng dịch.

16) THẬP TỤNG TỲ-NI TỰ: 3 quyển – Ðông Tấn, Tam Tạng Tỳ-ma-la-xoa dịch tiếp theo.

17) THẬP TỤNG LUẬT TỲ-KHEO GIỚI BỔN: 1 quyển – Cưu-ma-la-thập dịch.

18) THẬP TỤNG LUẬT TỲ-KHEO-NI GIỚI BỔN: 1 quyển – Tống, chùa Trường Can, Sa-môn Pháp Dĩnh tập xuất.

19) TÁT-BÀ-ÐA TỲ-NI TỲ-BÀ-SA: 6 quyển, thêm một quyển tiếp theo.

Mất tên người dịch. Phụ vào thời Tam Tần sao chép. 20) TÁT-BÀ-ÐA TỲ-NI MA-ÐẮC-LẶC-GIÀ: 10 quyển – Tống, Tam Tạng Pháp sư Tăng-già-bạt-ma dịch.

21) ÐẠI SA-MÔN BÁCH NHẤT YẾT-MA PHÁP: 1 quyển – Mất tên người

dịch. Phụ vào thời Tống sao chép. 22) THẬP TỤNG YẾT-MA TỲ-KHEO YẾU DỤNG: 1 quyển -Lưu Tống, Thích Tăng Cừ y luật soạn.

23) CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HƯÕU BỘ TỲ-NẠI-DA: 50 quyển. 24) (Như trên[2]) BÍ-SÔ-NI TỲ-NẠI-DA: 20 quyển. 25) (Như trên) TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ: 40 quyển. 26) (Như trên) TỲ-NẠI-DA PHÁ TĂNG SỰ: 20 quyển. 27) (Như trên) TỲ-ÐÀ-NA: 5 quyển. MỤC-ÐẮC-CA: 5 quyển. 28) (Như trên) BÁCH NHẤT YẾT-MA: 10 quyển. 29) (Như trên) GIỚI KINH: 1 quyển.

BÍ-SÔ-NI GIỚI KINH: 1 quyển. 30) NY-ÐÀ-NA-MỤC-ÐẮC-CA NHIẾP TỤNG[3], TẠP SỰ NHIẾP TỤNG[4]: 1 quyển – Ðường, Tam Tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh phụng dịch.

31) CĂN BẢN TÁT-BÀ-ÐA BỘ LUẬT NHIẾP: 14 quyển – Tôn giả Thắng

Hữu tạo. Nghĩa Tịnh dịch. 32) CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ-NẠI-DA TỤNG: 3 quyển – Tôn giả Tỳ-xá-khư tạo. Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch.

33) (Như trên) XUẤT GIA THỌ CẬN VIÊN YẾT-MA NGHI QUỸ: 1 quyển.

34) BÍ-SÔ TẬP LƯỢC PHÁP: 1 quyển – Nguyên, Ðế sư[5] Bí-sô Bạt-hiệp-tư-ba tập.

35) GIỚI NHÂN DUYÊN KINH[6]: 10 quyển – Diêu Tần, Tam Tạng Trúc Phật Niệm dịch.

36) GIẢI THOÁT GIỚI BẢN KINH: 1 quyển – thuộc Ca-diếp-tỳ bộ – Nguyên Ngụy, Bà-la-môn Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi dịch.

37) THIỆN KIẾN TỲ-BÀ-SA LUẬT: 18 quyển Tiêu Tề -Sa-môn ngoại quốc Tăng-kỳ-bạt-đà-la[7] dịch.

38) TỲ-NI MẪU KINH: 8 quyển – Mất tên người. Phụ vào thời Tần sao chép.

39) PHẬT A-TỲ-ÐÀM KINH: 2 quyển – Ðời Trần, Tam Tạng Pháp sư Chơn Ðế dịch.

40) XÁ-LỢI-PHẤT VẤN KINH: 1 quyển – Ðông Tấn, mất tên người dịch

41) ƯU-BA-LY VẤN KINH: 1 quyển -Lưu Tống, niên hiệu Nguyên Gia, Cầu-na-bạt-ma dịch.

42) CA-DIẾP CẤM GIỚI KINH: 1 quyển – Tống, Cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh dịch.

43) PHẬT THUYẾT PHẠM GIỚI TỘI KHINH TRỌNG KINH: 1 quyển -Hậu Hán, Tam Tạng An Thế Cao người An Tức dịch.

44) PHẬT THUYẾT MỤC-LIÊN SỞ VẤN KINH: 1 quyển -Ðồng như kinh trên, Tam tạng dịch kinh Triêu tán đại phu thí hồng lô thiếu khanh truyền giáo đại sư[8] Pháp Thiên người Tây Thiên phụng chiếu dịch.

Xét hai bản dịch 43 và 44 đều là một phẩm đầu của kinh Ngũ bách vấn đang lưu truyền.

Theo ý của kinh Ngũ bách vấn, người sau dựa vào đó thêm vào. Tôi (tác giả) đã từng xem kỹ, không những ngược với luật Tứ phần mà còn mâu thuẫn hầu hết tất cả luật luận 5 bộ phái. Tuy nói rằng: Thánh ý không thể xét bừa bãi kinh điển, không nên bàn luận một cách khinh xuất. Nhưng hành trì theo thì rõ là ngược với các bộ luật đang hiện có. Chẳng lẽ bỏ tất cả những nguyên tắc cộng thông để giữ lấy pháp môn đang còn nghi ngờ. Không rõ các vị Luật chủ trong cận đại, đang lưu thông kinh này, đã từng tham khảo toàn Luật tạng chưa? Nay tôi đã nghiên cứu kỹ nguồn gốc của 5 hệ thống luật không thể không nêu ra những nghi ngờ này được.

45) LUẬT NHỊ THẬP NHỊ MINH LIỄU LUẬN: 1 quyển – Chánh lượng bộ  Pháp sư Phật-đà-đa-la-đa tạo. Trần, Tam Tạng Pháp sư Chơn Ðế dịch.

46) ÐẠI TỲ-KHEO TAM THIÊN OAI NGHI: 2 quyển -Hậu Hán, An Thế Cao dịch. Ngài Tăng Hựu nói mất tên người dịch.

47) SA-DI THẬP GIỚI PHÁP VÀ OAI NGHI: 1 quyển -Mất tên người dịch. Phụ vào thời Ðông Tấn sao chép.

48) SA-DI OAI NGHI: 1 quyển – Tống, Tam Tạng Thiên Trúc Cầu-na-bạt-ma dịch.

49) SA-DI-NI GIỚI KINH: 1 quyển -Mất tên người dịch, thời Hán sao chép.

50) SA-DI-NI LY GIỚI VĂN: 1 quyển – Mất tên dịch.

51) ƯU-BÀ-TẮC NGŨ GIỚI TƯỚNG KINH: 1 quyển -Tống, Tam Tạng Thiên Trúc Cầu-na-bạt-ma dịch.

52) GIỚI TIÊU TAI KINH: 1 quyển – Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm người Nhục Chi dịch.

53) NAM HẢI KÝ QUI NỘI PHÁP TRUYỆN: 4 quyển.

. Thọ dụng tam thủy yếu hành pháp.

. Hộ mạng phóng sanh nghi quỹ pháp.

. Tuyết tội yếu hành pháp. 3 pháp trên hiệp một quyển.

Ðường, Tam Tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh dịch.

TỨ PHẦN LUẬT TẠNG PHẨM MỤC

1) Phần thứ nhất: 21 quyển. Tỳ-kheo giới 2) Phần thứ hai: 15 quyển.

Tỳ-kheo-ni giới. Kiền-độ Thọ giới. Kiền-độ Thuyết giới. 3) Phần thứ ba: 13 quyển. An cư – Tự tứ – Bì cách – Y dược – Y công đức – Câu-thiểm-di – Chiêm-ba –

Quở trách – Nhân Che giấu – Ngăn phá tăng – Diệt tránh – Kiền-độ Tỳ-kheo-ni – Kiền-độ Pháp.

4) Phần thứ tư: 11 quyển. Phòng xá – Tạp – Ngũ bách kiết tập – Thất bách kiết tập Tỳ-ni – Ðiều bộ Tỳ-ni – Tỳ-ni tăng nhất.

MỤC LỤC DẪN CÁC KINH LUẬN

– Ðại bát-niết-bàn kinh – Tạ Linh Vận trùng trị.

– Ðại Bát-nhã kinh – Huyền Trang pháp sư dịch.

– Bồ-tát thiện giới kinh – Cầu-na-bạt-ma dịch.

– Ưu-bà-tắc giới kinh – Ðàm-vô-sấm dịch.

– Pháp giới thứ đệ sơ môn – Trí giả đại sư soạn. – Quán Tâm Luận Sớ Chương An Tôn giả soạn

– Tri Môn Cảnh Huấn Chưa rõ người tập thành

Chú thích:

(1) Năm thiên (ngũ thiên) gồm có:

a) Tội Ba-la-di波羅夷 Ä (Skt=Pāli. pārājika), dịch là đứt đầu. Tội này rất nặng như người bị đứt đầu không thể sanh trở lại được. Tỳ-kheo cũng thế,

phạm vào là không thể làm Tỳ-kheo trở lại được (Tỳ-kheo có 4 giới, Tỳ-kheo-ni có 8 giới).

b) Tội Tăng-già-bà-thi-sa 僧伽婆尸沙 Å (Skt. Saṃghāvẳeṣa, Pāli. Saṃghādisesa), Trung Hoa dịch là Tăng tàn, phạm vào tội này cũng như người bị chém cổ, chỉ còn lại cuống họng cần phải cấp cứu mới có thể sống lại được. Tỳ-kheo cũng vậy muốn trở lại làm Tỳ-kheo thanh tịnh, thì cần

phải có sự cứu chữa của Tăng bằng cách hướng về Tăng chúng sám hối tội này (Tỳ-kheo có 13 giới, Tỳ-kheo-ni có 17 giới).

c) Ba-dật-đề波逸提 Ý (Skt. Pāyattika, Pāli. pācittika), Trung Hoa dịch là đọa, là Tỳ-kheo nào phạm vào tội này thì bị đọa vào địa ngục. Ở đây có 2

loại đơn đọa và xả đọa (hai loại này cộng lại thì đối với Tỳ-kheo có 120 giới, Tỳ-kheo-ni có 208 giới).

d) Ðề-xá-ni, gọi đủ là Ba-la-đề đề-xá-ni 波羅提提舍尼 (Skt. Pratideśanỵya, Pāli. pātidesanỵya), dịch là “huớng vào người khác mà sám hối”, nghĩa là

Tỳ-kheo nào phạm vào tội này phải hướng về Tỳ-kheo khác mà sám hối, thì tội này mới tiêu diệt (Tỳ-kheo 4 giới, Tỳ-kheo-ni 8 giới).

e) Ðột-kiết-la 突吉羅 (Skt. duṣkṛta, Pāli. dukkaṭa), dịch là “ác tác”, nghĩa là chỉ cho những hành động tạo tác ác. Tội này thuộc loại nhẹ.

(*) Kê Viên: Ở Tây Trúc có chùa Kê-đầu-ma cách Lộc Uyển (vườn nai) không xa. Cho nên kinh Ðại Phật đảnh nói: “Ta ở Lộc Uyển, cũng ở Kê Viên”. (xem Như Lai tối sơ thành đạo).

(2) Phương quảng: là tên chỉ chung cho kinh điển Ðại thừa, với 12 bộ kinh thì kinh Phương quảng nếu theo thứ tự là thứ 10 trong 12 bộ.

(3) Bảy tụ (thất tụ): Căn cứ vào sự khác biệt của năm thiên đã kết thành quả tội, cùng cái nghĩa cấp yếu của nó để thiết lập Bảy tụ. Trong những trường hợp tội quả sít soát với Ba-la-di hay Tăng tàn, vì chúng chưa thành nên ở đây gọi là Thâu-lan-giá và tội Ðột-kiết-la của hai nghiệp thân, khẩu được phân định trở lại là Ðột-kiết-la, chỉ cho thân gọi là ác tác, còn khẩu gọi là ác thuyết. Do đó bảy tụ gồm có: Ba-la-di, Tăng tàn, Thâu-lan-giá, Ba-dật-đề, Ðề-xá-ni, ác tác, ác thuyết.

(a) Ðạo cộng giới: là 1 trong 3 loại luật nghi của Thánh giả Tam thừa. Khi hành giả nhập vào sắc giới thì sẽ phát ra định Vô lậu, cùng với trí Vô lậu, ở trong thân tự phát ra được giới thể phòng phi chỉ ác (luật nghi Vô lậu), đó gọi là luật nghi Vô lậu hay cũng gọi là Ðạo cộng giới. Vì luật nghi Vô lậu cùng với Ðạo vô lậu cùng phát sanh và cùng diệt, cho nên gọi là Ðạo cộng giới.

(b) Mười giới: Theo đại Kinh thì có 10 loại: 1. Cấm giới; 2. Thanh tịnh giới; 3. Thiện giới; 4. Bất khuyết giới; 5. Bất chiết giới; 6. Ðại thừa giới; 7. Bất thối giới; 8. Tùy thuận giới; 9. Tất cánh giới; 10. Cụ túc Ba-la-mật giới. 4 giới đầu thuộc về sự là cảnh để quán. Còn 6 loại sau thì dùng lý sự tương tức quán. Trong 6 giới này thì giới thứ năm là giới không quán tương ưng, giới thứ 6, thứ 7 và 8 thuộc về giới giả quán tương ưng, giới thứ 9 và thứ 10 thuộc về giới trung quán tương ưng.

(c) Tướng bạch hào: là 1 trong 32 tướng của đức Như Lai. Tướng của nó là một cái lông sắc trắng ở giữa hai đường lông mày của đức Thế Tôn, xoáy tròn về phía hữu như mặt trời giữa trưa, phóng ra ánh sáng. Lúc mới sanh ánh sáng dài cỡ một thước, lúc thành đạo dài cỡ một trượng năm thước, cho nên gọi là tướng lông trắng.

(4) Hành cước: là từ chuyên môn dành cho các thiền Tăng, trước khi chưa chứng ngộ phải lấy việc đi tham học nơi các Thiền sư làm sự nghiệp cho mình, nên vấn đề đi tham học là sự nghiệp chính. Tổ đình sự uyển có nói rằng: “Nguời hành cước là nguời xa lìa làng xóm đi hành cước trong thiên hạ, dứt bỏ tình cảm trói buộc, tầm phỏng thầy bạn để cầu pháp chứng ngộ, bởi vì học vô thượng sư nên phải trải khắp”.

(5) Tánh giới và giá giới: Tánh giới là giới của chính tự tánh, ví như tự tánh của sát, đạo, dâm là giới không đợi Phật chế mới có giới nên gọi là tánh giới. Giá giới là ngược lại với tánh giới, nghĩa là những giới này do tướng phạm mà căn cứ vào đó đức Phật chế ra để răn cấm không cho phạm.

(6) Văn-thù Bồ-tát cầm gươm bức Phật: (Truyền thuyết) theo kinh Ðại bảo tích quyển 105 nói: “Khi 500 vị Bồ-tát được trí Túc mạng biết về nhiều kiếp trước đã tạo nhiều trọng tội, vì vậy nên lo tu hối hận khiến không thể chẳng được Vô sanh pháp nhẫn. Lúc bấy giờ, ngài Văn-thù biết được tâm niệm của họ, ở trong đại chúng trịch áo vai phải, tay cầm kiếm bén hướng thẳng về đức Thế Tôn muốn hại ngài, đức Phật bảo ngài Văn-thù chớ hại Ta, nhưng nếu muốn hại thì nên hại một cách khéo léo. Vì sao vậy? Vì tất cả các pháp như mộng huyễn, không ngã không nhơn, bị ai sát hại mà thọ tai ương? Lúc ấy, các vị Bồ-tát biết rằng các tội kiếp trước của mình đều như huyễn hóa nên đạt được Vô sanh pháp nhẫn, khắp miệng đồng nói kệ rằng:

Văn Thù người đại trí,

Ðạt sâu nguồn gốc pháp.

Tự tay cầm kiếm báu,

Quyết bức thân Như Lai.

Như kiếm Phật không khác,

Một tướng không có hai.

Không tướng không chỗ sanh,

Ở đây sao gọi sát.”

(7) Tỳ sương砒霜 : cũng gọi là thạch tín là một loại thuốc độc, uống vào chết nguời.

(8) Ưu Mạnh là nhạc công của Sở Trang Vương trước đời Tần, giỏi khôi hài can gián. Tể tướng Tôn Thúc Ngao rất coi trọng phẩm đức của ông, lúc lâm chung di chúc cho con sau này có gì khó khăn nên tìm đến Ưu Mạnh. Sau này, quả nhiên con Tôn Thúc Ngao nghèo đến nỗi phải đi đốn củi để sống qua ngày, bèn tìm Ưu Mạnh xin giúp đỡ.

Ưu Mạnh mặc quần áo của Tôn Thúc Ngao, mô phỏng động tác và lời nói của Tôn Thúc Ngao… Luyện tập bắt chước hơn một năm, ông cải trang thành Tôn Thúc Ngao. Một lần, Trang Vương mở tiệc, Ưu Mạnh bước lên dâng rượu, khiến Trang Vương tưởng Tôn Thúc Ngao tái sanh, muốn mời về làm Tể tướng lần nữa… Ưu Mạnh trả lời: “Vợ con của thần làm Tể tướng nước sở là không xứng đáng, như Tôn Thúc Ngao trung thành liêm khiết cai trị quốc gia, làm cho nước Sở xưng bá trong thiên hạ, thế mà đến khi chết con cái nghèo không có cơm ăn….” Rồi Ưu Mạnh hát khúc ca, đại ý…. Làm quan sạch thì nghèo khổ… Trang Vương nghe khúc ca tỉnh ngộ, cho gọi con trai Tôn Thúc Ngao ban thưởng đất đai và nô bộc. (Bách khoa thư văn hoá cổ điển Trung Quốc – Nxb Văn hoá thông tin).

(d) Tánh tội và giá tội: Tánh tội là tội ác không cần đức Phật chế ra mà phạm vào là mắc tội như các điều ác của sát, đạo, dâm, nếu phạm vào những điều này là mắc tội. Còn giá tội là tội đã phạm vào những điều đã được đức Phật ngăn cấm đối với những người xuất gia, Phật muốn giữ gìn mọi điều cơ hiềm của thế gian có thể xảy ra, nên đức Phật chế ra giới pháp để ngăn ngừa không cho phạm, nếu phạm phải những điều cấm đó thì mắc tội như các loại chứa dư y, ăn đồ cách đêm, đào đất, hại cỏ v.v…

(e) Bảy chỗ chín hội: theo Thập bát hoa nghiêm kinh một bộ có 39 phẩm thì có 7 chỗ nói và gồm có 9 hội.

7 chỗ: – Nhân gian gồm có 3 chỗ: 1. Bồ-đề đạo tràng, 2. Phổ Quang Minh điện, 3. Trùng Các giảng đường,

-Thiên thượng gồm có 4 chỗ: 1. Ðao-lợi thiên, 2. Dạ-ma thiên, 3. Ðâu-suất thiên, 4. Tha Hóa thiên.

Ðó là 7 chỗ nói kinh Hoa nghiêm. Và gồm có 9 hội:

1. Thế chủ diệu nghiêm phẩm, 2. Như Lai danh hiệu phẩm, 3. Thăng Ðao-lợi thiên cung phẩm, 4. Thăng Dạ-ma thiên cung phẩm, 5. Thăng Ðâu-suất thiên cung phẩm, 6. Thập địa phẩm, 7. Thập định phẩm, 8. Ly thế gian phẩm, 9. Nhập pháp giới phẩm. Ðó là chín hội nói kinh Hoa nghiêm của đức Phật.

2 Ðịnh cộng giới: còn gọi là Tịnh lự sanh luật nghi. Khi nhập vào sơ thiền, nhị thiền cùng các thiền định khác, thì cùng với thiền định, giới thể phòng phi chỉ ác tự nhiên cùng sanh, tất cả những động tác của thân và khẩu đều kết hợp với luật nghi. Câu-xá luận 14 nói: “Tịnh lự sanh nghĩa là luật nghi từ nơi tịnh lự sanh ra, hoặc y vào tịnh lự. Nếu đạt được tịnh lự thì định thành ra luật nghi này.”

[1] Tỳ-kheo-ni Tăng kỳ luật Ba-la-đề-mộc-xoa giới kinh: là Ma-ha Tăng kỳ Tỳ-kheo-ni giới bổn, tr. 556, Ðại22n1427.

[2] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ.

[3] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da ni-đà-na-mục-đắc-ca nhiếp tụng.

[4] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ lược Tỳ-nại-da tạp sự nhiếp tụng.

[5] Ðế sư: thầy của vua.

[6] Giới nhân duyên kinh: tên khác Tỷ-nại-da, Tỷ-nại-da kinh, Giới quả nhân duyên kinh – tr. 851, Ðại 24n1464.

[7] Tăng-kỳ-bạt-đà-la 僧祇跋陀 I羅: Bản nguyên tác in nhầm chữ (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu quyển đầu, tr. 347c22, Vạn ‘Tục tạng’ 40n719). Ðính

chính: Tăng-già-bạt-đà-la 僧伽跋陀 I羅 (skt. Saṃghabhadra – dịch là Tăng Hiền, Chúng Hiền), người Tây Vực. Ngài đến Quảng Châu năm Vĩnh Minh (483-493) thời Nam Tề. Ngài dịch bộ Thiện kiến luật tỳ-bà-sa tại chùa Trúc Lâm, Quảng Châu, năm thứ 7 (có thuyết nói năm thứ 6), niên hiệu Vĩnh Minh (489).

[8] Triêu tán đại phu thí hồng lô thiếu khanh truyền giáo đại sư: là tước hiệu do vua ban cho ngài Pháp Thiên.

    Xem thêm:

  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Yết Sỉ Na Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1B - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 1. Phòng Xá - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Quang dịch - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Đại Cương Về Luật Tu Sĩ - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 39 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng