QUYỂN 12
I. PHÁP Y CHỈ
Phần thứ hai[1] thuyết minh:
Lúc bấy giờ, có các vị Tỳ-kheo mới thọ giới, Hòa thượng viên tịch, không người dạy bảo, cho nên không biết giữ gìn oai nghi… cho đến giống như Bà-la-môn nhóm họp.
Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật cho phép trường hợp như vậy nên thỉnh A-xà-lê, như trong vấn đề “Hòa thượng” đã trình bày. Thưa thỉnh như sau:
“Xin Ðại đức một lòng nhớ nghĩ! Con Tỳ-kheo tên là… nay cần cầu Ðại đức làm người y chỉ. Xin Ðại đức cho con được y chỉ. Con y chỉ nơi Ðại đức để sống.” (thưa 3 lần).
Vị được thỉnh cầu nói:
“Ðược, tôi cho ông nương tựa, ông chớ buông lung.”
Trường hợp vị Tỳ-kheo mới thọ giới muốn ở chỗ nhàn tịnh, cho phép y chỉ nơi chỗ khác, nếu trong ngày trở về kịp.
Không nên sai người nhận y chỉ hay trao y chỉ người khác.
Không nên không lựa chọn người thọ y chỉ, hay (lựa chọn) người cho y chỉ.
Bệnh hay là trông nom bệnh không y chỉ, được ở riêng.
Luật Tăng kỳ nói rõ:
Thỉnh y chỉ có 5 pháp:
1) Quí mến.
2) Cung kính.
3) Biết xấu.
4) Biết hổ thẹn.
5) Ưa sống với nhau.
A-xà-lê có 4 hạng:
1) Không cung cấp lương thực mà cũng không dạy dỗ Chánh pháp. Hạng người này không phiền thưa, cứ bỏ đi.
2) Có cung cấp lương thực mà không dạy dỗ Chánh pháp. Hạng người này nên thưa mà đi.
3) Không cung cấp lương thực mà có dạy dỗ giáo lý. Hạng này tuy khổ, trọn đời không nên đi.
4) Có cung cấp lương thực mà cũng có dạy dỗ giáo lý. Hạng này tuy xua đuổi, trọn đời không nên đi.
Nếu đệ tử không nghe lời dạy bảo nên nói với người trông coi về giường mền, đừng cung cấp giường mền, nói với người trị nhật, không phân phối phần ăn. Nếu người đó hung ác có thế lực, có thể tạo việc bất lợi, Hòa thượng nên tránh đi. Thầy y chỉ nên xếp y bát ra ngoài cương giới một đêm, tức là cắt đứt sự y chỉ với người không nghe lời dạy bảo ấy.
Nếu Hòa thượng, A-xà-lê có lỗi, đệ tử nên can gián không nên dùng lời thô mà khuyên can. Y như pháp giáo giới, nên nói lời nhã nhặn để thầy đừng làm việc ấy. Thầy thuận nghe thì tốt, nếu ngược lại thầy tạo thêm tội lỗi chê trách bác bỏ lời khuyên can thì nên tránh xa. Nếu là bậc A-xà-lê thì mình ôm y bát ra ngoài giới ở một đêm rồi trở lại y chỉ nơi vị khác… Nếu người ấy có thế lực thì nên tránh xa họ đi.
Trường hợp y chỉ với người có đức hạnh mà vị Hòa thượng ấy mạng chung hay thôi tu, hay bị cử tội, hay ra ngoài cương giới ngủ, hoặc đệ tử tự ra ngoài cương giới ngủ, như vậy gọi là không y chỉ.
Nếu A-xà-lê mạng chung, thôi tu, bị cử tội, ra ngoài cương giới ngủ, hoặc đệ tử ra ngoài giới ngủ, cũng vậy.
Nếu đủ 5 hạ, biết rõ pháp, biết rõ luật thì được phép lìa y chỉ, gọi là xả y chỉ.
Nếu Tỳ-kheo không biết rõ pháp, không biết luật, không thể tự lập, không thể hướng dẫn kẻ khác thì trọn đời không được ly y chỉ để sống.
Nếu đủ 10 hạ, biết rõ pháp, biết rõ luật, có khả năng tự lập, có khả năng dựng lập cho kẻ khác, Tỳ-kheo như vậy được nhận người khác y chỉ.
Luật Ngũ phần nói rõ:
Cho phép không nhận y chỉ cho đến sáu đêm.
Ðệ tử muốn đến chỗ khác, việc cần yếu là phải thưa với thầy trước khi đi hai đến ba ngày. Vị thầy nên trù tính nơi chỗ đệ tử mình xin dơøi đến đó có người để họ y chỉ thì mới cho đi.
Mỗi khi đến trú xứ nào, trước hết phải lễ Tháp, lễ Thượng toạ. Kế đó xin phòng ở, vậy sau mới cầu y chỉ. Vị được cầu làm y chỉ nên hỏi: “Nhị sư (Hòa thượng, A-xà-lê) của ông là ai? Trước đây ông ở đâu? Ông thường tụng kinh gì?” Nếu người cầu y chỉ trả lời đúng pháp thì nhận cho y chỉ. Nếu trả lời không đúng pháp thì nên nói rằng: “Ông không biết tôi, tôi không biết ông, ông nên đến người có sự quen biết để cầu y chỉ.” Trường hợp có sự nghi ngờ, nên nói chờ thời gian. Thời gian người ấy chờ cho đến 6 đêm, xem xét họ, nếu hợp ý thì nên cho y chỉ. Nếu không hợp ý thì nên trả lời như trên đã trình bày.
Không nên y chỉ Tăng hay Tháp mà nên y chỉ với bậc Thượng tọa, Tỳ-kheo như pháp, người có khả năng giáo giới.
Luật Thập tụng nói rõ:
Phải thành tựu 5 pháp, cùng 5 hạ đầy đủ thì khỏi cần cầu y chỉ. Năm pháp ấy là:
1) Biết phạm.
2) Biết không phạm.
3) Biết tội nhẹ.
4) Biết tội nặng.
5) Tụng Ba-la-đề-mộc-xoa, học rộng, khéo nói.
Trường hợp thọ Tỳ-kheo giới lâu năm mà không biết 5 pháp trên thì trọn đời nên y chỉ với người khác.
Ðại Tỳ-kheo cũng nên theo tiểu Tỳ-kheo cầu thọ y chỉ, nếu mình chưa đủ 5 pháp trên. Trường hợp này vẫn phải thừa sự cúng dường tiểu Tỳ-kheo, trừ vấn đề lễ lạy.
Cho phép năm, sáu đêm không y chỉ thì không phạm. Nếu có vị Y chỉ sư tốt mà không y chỉ dù chỉ một đêm vẫn phạm Ðột-kiết-la, thậm chí cũng không được lấy nước rửa chân của Tăng để dùng.
Trường hợp gặp lúc đói khát, có thể được thì hằng ngày đến thăm Hòa thượng và cho phép ở lại đó, nếu không thể được thì năm ngày đến một lần. Trường hợp mỗi năm ngày không đến được thì lúc Bố-tát cần đến. Nếu Bố-tát không theå đến được cho đến xa hai do-tuần rưỡi, đến ngày Tự tứ cũng nên đến thăm Hòa thượng.
Bộ Căn bản ni-đà-na nói rõ:
Chưa đủ 5 hạ, tuy thành tựu 5 pháp, cho đến khéo biết rõ Tam tạng, Tam minh chứng đủ, trừ hết 3 cấu, nhưng cũng phải y chỉ. Nếu đủ 5 hạ, cho lìa y chỉ để du hóa, nhưng đến bất cứ chỗ nào cũng phải y chỉ.
Nếu có tâm cầu Y chỉ sư thì được ly y chỉ năm đêm. Nếu không có tâm cầu Y chỉ sư thì lìa y chỉ một đêm cũng không được.
Trường hợp không có y chỉ mà ở trong chúng Tăng thọ dụng ẩm thực… đều chẳng hợp lệ. Cho đến trong vòng 10 hạ đều như vậy.
Bộ Bách nhất yết-ma nói rõ:
Cho dù đã thọ Tỳ-kheo, đến 60 tuổi hạ, và 80 tuổi đời, mà đối với kinh Biệt giải thoát chưa từng đọc tụng, không rõ nghĩa nó, thì cũng phải y chỉ nơi bậc Trưởng lão. Trường hợp không có vị Trưởng lão thì y chỉ nơi vị niên thiếu Tỳ-kheo cũng được. Trường hợp như vậy chỉ trừ lễ bái, còn bao nhiêu việc khác cần phải phục vụ như trò đối với thầy. Hạng người này cần được gọi là Tỳ-kheo già mà là trẻ vậy.
Bộ Tạp sự nói rằng:
Có duyên sự cần phải tạm đi xa nhưng chắc chắn sẽ trở về lại, nên tâm niệm nương theo cựu sư (thầy cũ) khỏi phiền phải thọ y chỉ lại.
Người y chỉ, người dạy dỗ đọc tụng đều phải cung phụng hầu hạ. Trường hợp hai vị đều lâm bệnh, nếu có khả năng thì chăm sóc cả hai. Nếu không có khả năng thì cung phụng vị y chỉ. Nếu không có thầy dạy dỗ đọc tụng thì tùy đó có thể tạm ở được. Nhưng nếu không có vị y chỉ sư mà tạm ở là không hợp lệ. Có một vị Bí-sô, ở một trú xứ, làm y chỉ cho nhiều môn nhơn. Nhưng khi vị Bí-sô ấy mạng chung, không có người để y chỉ. Phật dạy: “Tìm một vị có đức, nên cung cấp phòng ở tốt, miễn các công tác, cung phụng hầu hạ, ngọa cụ vật dụng không thiếu thốn cái chi, tất cả đều đầy đủ. Nếu không có vị ấy thì không được ở nơi đó đến kỳ Bố-tát thứ hai”.
Lại có trường hợp tiền an cư, vị y chỉ viên tịch, Phật bảo phải cầu y chỉ sư giống như trường hợp trên. Nếu không có vị nào thì nên đến trú xứ khác cầu vị Y chỉ sư, rồi thọ hậu an cư.
Có trường hợp hậu an cư, thầy qua đời, Phật bảo trong thời gian tháng mưa kiểm tra lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau, cẩn thận cùng nhau sống. Qua tháng mưa rồi, có người y chỉ, và cung cấp đầy đủ tất cả như trước đã trình bày. Trường hợp không có thì không được quá lần Trưởng tịnh thứ hai.
Có thể đến các trú xứ khác cần cầu Y chỉ sư. Nếu Bổn sư viên tịch v.v… đều cũng như trước mà giải quyết.
Kinh Tỳ-ni mẫu nói rõ:
Thọ y chỉ rồi, xin phép ra ngoài giới bảy ngày, đủ bảy ngày trở lại chùa, không mất y chỉ.
II. TƯ CÁCH ÔNG THẦY
Phần thứ hai[2] nói rõ:
Tôn giả Hòa-tiên mới vừa 2 tuổi hạ, dẫn một người đệ tử 1 tuổi hạ, đến chỗ đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn tuy biết mà vẫn chỉ nơi người đệ tử hỏi:
– Ðây là vị Tỳ-kheo nào?
Tôn giả Hòa-tiên thưa:
– Ðệ tử của con.
Ðức phật hỏi Tôn giả Hòa-tiên:
– Hiện ông bao nhiêu tuổi (hạ)?
Tôn giả Hòa Tiên thưa:
– Con 2 tuổi.
Ðức Phật lại hỏi:
– Ðệ tử ông bao nhiêu tuổi?
Tôn giả Hòa-tiên thưa:
– Ðệ tử con 1 tuổi.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bằng mọi cách quở trách:
– Việc làm của ông là quấy, không phải oai nghi, không phải pháp của Sa-môn, không phải tịnh hạnh, không phải hạnh tùy thuận. Ông làm việc không nên làm. Này ông Hòa-tiên! Ông chưa hết bú sữa mà nhận dạy dỗ cho người khác, làm sao ông dạy được.
Từ nay cho phép Tỳ-kheo nào đủ 10 hạ, có trí tuệ mới trao truyền giới Cụ túc cho người, cho người y chỉ. Cần thi hành pháp Hòa thượng, A-xà-lê như sau:
Nếu chúng Tăng vì người đệ tử mình tác Yết-ma, tác ha trách, tác tẫn, tác y chỉ, tác Yết-ma không cho đến nhà bạch y, tác bất kiến tội cử, bất sám hối cử, bất xả ác kiến cử thì Hòa thượng như pháp liệu lý, hoặc giả bằng cách nào để cho chúng Tăng đừng tác pháp Yết-ma cho đệ tử. Trường hợp chúng Tăng tác pháp, bằng cách làm sao khiến cho hợp pháp và như pháp mà liệu lý, dạy bảo đệ tử mình thuận tùng đối với Tăng, không trái nghịch, cầu mong trừ tội lỗi để Tăng sớm giải pháp Yết-ma.
Nếu đệ tử phạm Tăng tàn, Hòa thượng nên như pháp liệu lý, hoặc nên áp dụng Ba-lợi-bà-sa, hoặc nên áp dụng Bổn nhật trị, hoặc nên áp dụng Ma-na-đỏa, hoặc nên xuất tội đều tùy theo đó mà áp dụng.
Lại nữa, nếu đệ tử lâm bệnh, Hòa thượng nên chăm sóc hoặc sai bảo người chăm sóc, cho đến lành bệnh hay mạng chung.
Nếu đệ tử không vui ở chỗ này tu hành, thì hoặc tự đưa đi chỗ khác, hoặc bảo người khác đưa đi.
Nếu đệ tử có chỗ nghi ngờ nên dùng pháp, dùng luật, như lời Phật dạy, như pháp giải trừ.
Bộ Yết-ma ngài Ðàm-đế soạn tập[3] nói rõ:
– PHÁP: Chỉ có 5 món viễn ly hành:
1) Xuất ly phi thế pháp.
2) Việc độ phi thọ pháp.
3) Vô dục phi hữu dục.
4) Vô kết phi hữu kết.
5) Bất thân cận sanh tử phi thân cận.
– LUẬT: Tức là 5 món xuất yếu hành:
1) Thiểu dục phi đa dục.
2) Tri túc phi vô yểm.
3) Dị hộ phi nan hộ.
4) Dị dưỡng phi nan dưỡng.
5) Trí tuệ phi ngu si.
– PHẬT SỞ GIÁO: Tức là 5 món giáo giới hành:
1) Hữu tội giả chế.
2) Vô tội giả thính.
3) Nhược chế, nhược thính, pháp hữu giảm khuyết giả như pháp cử chi.
4) Số số vi phạm chiết phục dữ niệm.
5) Chơn thật công đức, ái niệm xưng tán.
(Tạm dịch:
Pháp là những gì hướng dẫn chúng ta ra khỏi đời đau khổ, vượt lên trên vấn đề chấp thọ, không ái dục, không bị buộc ràng.
Luật là phương pháp để ra khỏi luân hồi: phải thiểu dục, tri túc, yểm ly, phòng hộ, phương tiện sống hết sức đơn giản và dễ dàng, cần có trí tuệ để tuyển trạch.
Những điều Phật dạy: Việc sai quấy thì cấm, việc có ích không tổn hại thì cho làm. Cấm làm mà làm thì phạm, cho làm mà không làm là phạm, ‘chỉ mà tác là phạm, tác mà chỉ là phạm’. Kẻ phạm thường xuyên phải bắt buộc nhiếp niệm. Công đức thật sự thì khen ngợi)[4].
Trường hợp đệ tử mình sanh ác kiến, phải dạy bảo họ bỏ ác kiến, trụ nơi thiệân kiến, phải dùng pháp và y thực nhiếp hộ họ, dạy họ tăng giới, tăng tâm, tăng huệ. Dạy họ học hỏi tụng kinh. Phải giải quyết vấn đề y thực, ngoạ cụ, y dược cho họ theo khả năng của mình.
Có 5 phương pháp để khiển trách đệ tử:
1) Bảo họ đi đi (đi đâu thì đi).
2) Ông đừng vào phòng tôi.
3) Ông đừng hầu hạ tôi nữa.
4) Ông đừng đến chỗ tôi.
5) Tôi không nói với ông nữa đâu.
(Nếu là bậc A-xà-lê thì điều 4 đổi lại là: Ông đừng y chỉ nơi tôi nữa).
Ðệ tử có 5 việc nên quở trách:
1) Không biết xấu.
2) Không biết hổ thẹn.
3) Không thọ giáo.
4) Mất oai nghi.
5) Không cung kính.
Lại có 5 việc cần quở trách:
1) Không biết xấu.
2) Không biết hổ thẹn.
3) Nói không nghe tức không nghe lời dạy.
4) Ưa làm bạn với kẻ dữ.
5) Ưa đến nhà dâm nữ.
Lại ưa đến nhà phụ nữ, nhà con gái chưa có chồng, nhà huỳnh môn, tịnh xá Tỳ-kheo-ni, tịnh xá Thức-xoa, Sa-di-ni, ưa đến những chỗ mại dâm. Những việc như vậy cần quở trách.
– Không nên quở trách luôn luôn.
– Không nên an cư xong quở trách.
– Khi bệnh không nên quở trách.
– Không nên quở trách khi vắng mặt.
– Không nên không nói rõ tội mà quở trách.
– Quở trách rồi không nên liền nhận sự cung cấp hay sai khiến. Không nên cho y chỉ.
– Cho phép người khác hướng dẫn họ, vì hai thầy, như pháp sám hối để đem lại sự hòa hợp.
– Không nên dẫn dụ đệ tử người khác về nuôi.
– Trường hợp hai thầy của họ phá giới v.v… làm như vậy với ý nghĩ: Dẫn đệ tử họ đi để đem lại pháp Sa-môn được tăng ích, tức là kỉnh giác hai thầy của họ… thì được.
– Ðệ tử sám hối đúng pháp, thầy nên chấp nhận.
– Ðệ tử xin phép hai thầy đi xa, nên hỏi đi có việc gì? Ai là bạn, đến chỗ nào? Có vấn đề nào xét thấy không tốt thì nên ngăn ngừa đừng cho đi.
Phần thứ tư [5]nói rằng:
Không được nuôi hai Sa-di. Trường hợp nếu có khả năng dạy dỗ, giữ giới, tăng tâm, tăng huệ, tăng học vấn, phúng tụng thì cho phép nuôi.
Luật Tăng kỳ nói rằng:
Không được nghĩ rằng nuôi Ðiệu để nó phục vụ cho mình. Nên nghĩ rằng mình độ họ để họ nhờ mình mà tu các thieän pháp, đắc thành đạo quả.
Không thể hàng phục được mình, mà đòi hàng phục người là điều không có được.
Không thể điều phục được mình mà đòi điều phục người; không thể tự độ mà đòi độ tha, mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người khác. Tất cả những việc này đều không có được.
Phải thành tựu 10 pháp sau đây mới cho độ người xuất gia thọ Cụ túc giới:
1) Giữ giới.
2) Học nhiều Luận (thông suốt luận).
3) Học nhiều Luật (thông suốt luật).
4) Học giới điều.
5) Học thiền định.
6) Học trí tuệ.
7) Có thể xuất tội, có khả năng dạy người xuất tội.
8) Có khả năng chăm sóc bệnh, có khả năng dạy người chăm sóc bệnh.
9) Ðệ tử gặp khó khăn, có khả năng giải quyết vấn đề khó khăn đó mau chóng, và có khả năng khiến người giải thoát mau chóng.
10) Ðủ 10 hạ. Vừa đủ 10 hạ mà biết 2 bộ luật cũng được độ người. Nhận cho người y chỉ cũng vậy.
Không nên nuôi nhiều Sa-di. Chỉ nên nuôi nhiều lắm là ba Sa-di mà thôi. Trường hợp vị Tỳ-kheo có đức lớn, nhiều người tôn trọng xin tu, thì nên nói với một vị Tôn túc khác rằng: “Tôi biết có người chỉ muốn sống gần bên thầy để tập kinh pháp, hầu tăng trưởng đạo nghiệp”. Rồi mới tự mình dạy dỗ họ.
Bộ Luật nhiếp nói:
Ðủ 10 hạ, ở vào vị trí bậc thầy, nhưng phải thành tựu 5 pháp:
1) Biết có phạm tội.
2) Biết không phạm tội.
3) Biết phạm nhẹ.
4) Biết phạm nặng.
5) Ðối với kinh Biệt giải thoát phải thấu hiểu thâm nghĩa, đối với các học xứ nên hiểu rõ duyên khởi kiết giới, tùy khai như thế nào? Nếu gặp nạn duyên khác biết vận dụng. Thường tụng Giới bổn, có thể giải quyết lòng nghi của người khác. Hiểu nhiều về giới luật; mình, người đều được lợi. Oai nghi, hành pháp không hề trái phạm. Ðầy đủ đức độ như vậy, gọi là Thân giáo sư, chỉ nhờ vị Thân giáo sư mới có khả năng dạy pháp xuất ly. Tuy là Tỳ-kheo, nhưng đối với các học xứ không biết giới nào trọng, giới nào khinh, thì dầu 60 tuổi hạ, vẫn phải y chỉ nơi vị minh đức mà sống. Nếu vị minh đức đó còn nhỏ, chỉ trừ lễ bái, còn bao nhiêu việc khác đều phải phục dịch, trường hợp này gọi là Lão thiểu Tỳ-kheo không được cho người khác xuất gia, và thọ giới Cụ túc vậy.
Thà là làm tên đồ tể tạo nghiệp sát hại, chứ đừng cho người xuất gia thọ Tỳ-kheo rồi buông trôi không dạy dỗ, khiến Chánh pháp của Ta sớm hoại diệt.
Trường hợp đáng quở trách lại không quở trách, không đáng quở trách lại quở trách. Trường hợp nên tha thứ lại không tha thứ, không nên tha thứ lại tha thứ đều mắc tội ác.
Nếu người đã thọ giới cận viên (Tỳ-kheo) không hành pháp cung kính, không nghe lời dạy dỗ, nên cho họ sáu vật (ba y, bát, ngọa cụ, đãy lọc nước) rồi đuổi, bảo họ đi chỗ khác. Nếu là cầu tịch (Sa-di) cho họ hai y (nội y và y vai trái) cũng đuổi, bảo họ đi đâu thì đi.
Trường hợp cha mẹ có lòng tin, đem đứa con nhỏ đến cho Bí-sô thì Bí-sô nên nhận. Sau đó, nếu họ đòi thì trả lại cho họ. Trường hợp họ lấy tiền, nhiều ít, tùy theo đó mà đưa cho họ, không phạm. Ðứa trẻ này ở bên Bí-sô, Bí-sô dùng mảnh cà-sa quấn nơi cổ nó, tùy thời nuôi dạy nó. Sau khi nó lớn khôn, cha mẹ nó nghĩ việc trả ơn đem phẩm vật cúng dường, tùy ý nên nhận.
Luật Ngũ phần nói rằng :
Khi độ người nên hỏi: “Ông vì cái gì xin xuất gia?” Nếu họ nói là: Vì cơm áo, thì không nên độ. Nếu họ nói: Vì cầu pháp lành, nhàm chán sanh, tử, lão, bệnh, ưu bi khổ não, thì nên độ.
Bộ Căn bản tạp sự nói:
Muốn cho người xuất gia, trước phải sắm sửa 6 vật, ba y, phu cụ, bát và đãy lọc nước.
Bộ Ni-đà-na nói:
Muốn độ Sa-di cũng cho bình bát và bát nhỏ, chén đầy đủ, không được thiếu thốn.
Kinh Tỳ-ni mẫu nói rằng:
Truyền giao giới Cụ túc rồi, thời gian một năm, dạy dỗ tất cả những việc làm của vị Tỳ-kheo. Sau đó, có người cầu xin thọ giới Cụ túc thì nên trao truyền. Chưa đủ năm thì không nên chấp thuận trao truyền. Sau khi ông Sa-di thọ Ðại giới rồi được nhận độ một Sa-di khác. Pháp y chỉ, cũng sau một năm lại được nhận người khác y chỉ. Không được thọ một lúc hai người y chỉ.
Luật Thiện kiến nói:
Danh từ Hòa thượng theo đời Hán dịch nghĩa là: Biết có tội, biết không có tội thì gọi là Hòa thượng.
Luận Tát-bà-đa nói rằng:
Khi truyền trao giới pháp, trước đó phải thuyết pháp, hướng dẫn tâm họ lãnh hội rõ ràng, khiến cho họ đối với tất cả chúng sanh, khởi tâm bi mẫn. Khi họ đã được tâm tăng thượng thì được giới tăng thượng.
(Việc làm này ‘việc khai đạo giới tử’ nên thực hiện trước khi đăng đàn, khéo léo khai thị, chủ yếu là cho họ lãnh hội rõ ràng. Ðâu được phép sau khi chư Tăng ‘Thập sư’ tập hợp, sắp tác pháp Yết-ma, khi đó mới đem ra tuyên đọc dài dòng văn tự? Ðại chúng ngồi lâu thì mỏi mệt, giới tử mọp lạy thì mờ mịt không hiểu gì, trở thành vô nghĩa).
Bộ Nam hải ký qui nói:
Người cư sĩ đến chỗ ở của Bí-sô, chuyên tụng kinh Phật, cạo bỏ râu tóc, mặc áo nâu sồng, gọi là đồng tử. Hoặc tìm cầu ngoại điển, không có tâm xuất ly, gọi là học sinh. Hai hạng người này đều phải tự túc, nếu thọ dụng của thường trụ, Thánh giáo hoàn toàn cấm ngăn. Nếu có công lao với chúng Tăng thì theo công lao có thể thọ dụng vậy. Hoặc bữa cơm thường hay là thí chủ có tâm dự định trước thì thọ dụng không can gì. Chùa Tăng bên Tây quốc, phần nhiều học sinh đến chư Tăng học tập ngoại điển; một là để chư Tăng sai bảo lặt vặt, hai là dạy họ phát khởi lòng tốt, có lợi mình, lợi người thì nuôi dưỡng không sao. Một bát cơm khất thực, theo lý thì chẳng nhọc nhằn, nếu họ có phục vụ chút ít thì cũng là điều cần thiết. Bảo họ đưa một cây tăm xỉa răng mà cho họ ăn uống, trong lúc đúng thời, thì không làm hại đến đạo từ bi vậy.
Kinh Bồ-tát thiện giới nói rằng:
Từ những kẻ Chiên-đà-la cho đến hạng đồ tể, tuy làm nghiệp ác, nhưng không phá hoại Chánh pháp Như Lai, thì không hẳn sẽ đọa vào trong đường ác. Nhưng làm thầy mà không thể dạy bảo la rầy đệ tử, thì đó là phá pháp của Phật, chắc chắn đọa vào địa ngục.
Kinh Ưu-bà-tắc giới nói rằng:
Thà thọ ác giới, trong một ngày mà đoạn vô lượng mạng căn, chứ nhất quyết không nuôi dưỡng đệ tử tệ ác, không thể điều phục. Vì sao vậy? Bởi ác luật nghi chỉ đem lại sự tác hại cho thân mình thôi, còn nuôi đệ tử tệ ác, không thể dạy dỗ thì làm cho vô lượng chúng sanh tạo ác. Chúng có thể hủy báng vô lượng pháp tốt đẹp huyền diệu, và phá hòa hợp Tăng, khiến cho nhiều chúng sanh tác ngũ vô gián tội. Cho nên tai hại hơn ác luật nghi là vậy.
III. PHÁP ÐỆ TỬ THỜ THẦY
Phần thứ ba (luật Tứ phần) nói rằng:
Hòa thượng: Là vị thầy từ nơi ngài mà chúng ta nhận được giới.
Ðồng đẳng Hòa thượng: Là những vị thầy, phần lớn đã đủ 10 tuổi hạ.
A-xà-lê có 5 hạng[6]:
1) Xuất gia A-xà-lê, là vị thầy chúng ta nương vào để được xuất gia.
2) Thọ giới (Yết-ma) A-xà-lê, là vị thầy tác pháp Yết-ma. khi thọ giới.
3) Giáo thọ A-xà-lê, là vị thầy dạy dỗ oai nghi giới hạnh.
4) Thọ kinh A-xà-lê, là vị Thầy từ nơi ngài ta học kinh, thuyết nghĩa.
5) Y chỉ A-xà-lê, là vị thầy từ nơi ngài chúng ta nương vào để sống đời đạo hạnh, cho đến một đêm.
Những vị A-xà-lê như vậy phần nhiều đã trên 5 tuổi hạ.
Phần thứ hai[7] thuyết minh:
Trường hợp Tăng vì thầy mình tác pháp Yết-ma… đệ tử nên như pháp liệu lý, khiến cho Thầy thuận tùng đối với Tăng, mong cầu trừ hết tội, mau giải pháp Yết-ma.
Trường hợp thầy phạm Tăng tàn, hoặc bệnh, hoặc không muốn ở nơi trú xứ này, hoặc có việc nghi ngờ, tất cả đều như trong pháp làmtThầy đã nói. Trường hợp Thầy sanh ác kiến, nên khuyên từ bỏ. Nên dùng hai việc (pháp và thực) để nhiếp hộ, cũng như trong pháp làm thầy đã nói.
Ðệ tử không thưa với thầy, không được vào xóm, không được vào nhà người khác, không được theo các Tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các Tỳ-kheo khác, không được cho, không được nhận, không được giúp đỡ các việc, không được nhận sự giúp đỡ mọi việc của người khác. Không được cùng người khác cạo tóc, không được nhờ người khác cạo tóc. Không được vào trong nhà tắm, không được lau chùi xoa thân cho người, không được nhận sự lau chùi xoa thân của người khác. Không được ban ngày đến nơi phòng khác của trú xứ, không được đến nơi gò mả, không được ra ngoài cương giới, không được đi phương khác.
Mỗi sáng sớm nên vào phòng thầy thưa hỏi nghĩa kinh, đổ bỏ đồ tiểu tiện. Ðến giờ rửa tay phải thưa thầy và đưa bột đậu, tro… để thầy rửa. Nếu có khẩu phần của thầy nên nhận. Tăng có lợi dưỡng gì về phần thầy, nên nhận.
Nên thưa thầy: – Cần vào thôn (khất thực) không? Nếu thầy nói: – Không cần. Nên thưa thầy: – Nhận đồ ăn ở đâu? Nếu thầy cho biết nhận chỗ nào thì đến nơi đó nhận.
Nếu thầy cần vào thôn, nên rửa tay sạch lấy y An-đà-hội, giây lưng, Tăng-kỳ-chi, y Uất-đa-la-tăng, từ trên sào tre giũ sạch, trao cho thầy, nên vắt Tăng-già-lê nơi vai. Kế đến lấy bình bát, lấy đãy đựng bát, lấy áo choàng (phú kiên) trao cho thầy. Lại lấy vật rửa chân, áo lông dùng để nằm, trao cho thầy. Khi thầy xuất hành nên xách guốc dép đi đường đến cho thầy. Khi ra khỏi phòng phải ngó lại xem cửa đóng chưa, nên vặn thử, có chắc không. Nếu không chắc phải đóng lại, nên cất chìa khóa nơi kín đáo.
Khi đi, thầy đi trước. Trên đường gặp người quen, nên khéo nói, khéo nhiếp niệm. Khi đi nên tránh đường người đi, nếu muốn vào thôn, nên đứng bên đường để bát xuống một bên, lấy Tăng-già-lê trao cho thầy. Nếu ngoài thôn có quán khách, quán bán, nơi chế tạo sản xuất… nên cầm guốc dép đi đường gởi vào trong đó. Nên thưa thầy: – Con được phép cùng đi với thầy không? Nếu thầy nói: – Ðược. Mình nên đi theo. Nếu Thầy nói: – Không cần đi theo… đợi nơi nào… thì đợi nơi chỗ thầy chỉ định. Khi ra khỏi thôn nên lấy lại guốc dép, để bát nơi bên đường nhận lại Tăng-già-lê, vắt nơi vai. Khi đến chỗ thầy dùng cơm, nên quét sạch nơi đó, trải tọa cụ, sửa soạn bình tịnh thủy, đồ để tắm, đồ đựng vật thực. Lại an trí ghế ngồi tắm, đá rửa chân, khăn lau chân… Nếu thấy thầy đến liền đứng dậy nghinh đón, rước bình bát nơi tay thầy để chỗ cẩn thận, xếp Tăng-già-lê, đừng để dơ nhớp, nếu có dơ nhớp phải giặt tẩy. Thầy rửa chân rồi, phải đổ bỏ nước dơ nơi chậu, đem đá rửa chân, lấy khăn lau chân để lại chỗ cũ. Kế đó mình rửa tay cho sạch rồi trao nước sạch cho thầy rửa tay. Mình có thức ăn gì đem dâng lên thầy. Thưa rằng: – Ðây là thức ăn phần của con, mời thầy dùng. Thầy cần gì nên đáp ứng. Thầy dùng cơm nên đứng hầu, cung cấp những gì thầy cần. Nếu giờ ngọ gần qua, nên cùng thầy dùng một lượt. Thầy dùng xong nên rước bát nơi tay thầy, dâng nước súc miệng cho thầy, mình ăn xong, đồ ăn còn dư nên cho người hay cho phi nhơn, hoặc đổ trên đất chỗ không có cỏ, hoặc đổ trong nước, chỗ không có trùng. Rửa sạch những đồ đựng thức ăn, để lại chỗ cũ, xếp tọa cụ, dẹp đồ rửa chân, bình nước sạch, bình súc miệng để lại chỗ cũ, quét sạch đất chỗ vừa ăn. Kế đó vào phòng thầy, nếu thấy dơ thì quét, giường dây, đồ trải đất, để y lại chỗ cũ. Sau khi lau quét xong, đất bụi quét phòng thầy… khi đổ, cần để ý xem nếu có kim, chỉ, dao nhỏ, cho đến một, hai viên thuốc cũng lượm để chỗ dễ trông thấy, cho người chủ của vật ấy thấy, nhận lại. Lại phải nhìn lên trên cái giá y, cái móc áo, hay là nơi phòng có chỗ nào hư hoại hang ổ, ổ chuột, chỗ nào cần trét thì trét, chỗ nào cần nện thì nện, chỗ nào cần làm cho bằng thì làm cho bằng, làm thế nào cho hết sức sạch sẽ. Nếu cái ghế ngồi không tề chỉnh, phải sửa lại cho tề chỉnh, nếu vốn đã tề chỉnh thì nên như cũ mà sắp xếp vật nào chỗ ấy đâu đó đàng hoàng. Trước sân đất bụi liền nên quét dọn. Bình nước rửa hết rồi nên múc bình nước sạch khác để lại chỗ cũ. Nước uống, nước nhà tắm đều như vậy. Thầy cần tắm nên đến nhà tắm xem coi, cần lau thì lau, cần quét thì quét, cần thay nước thì thay, cần chẻ củi thì chẻ, cần nấu nước tắm thì nấu. Những gì cần khi tắm nên sửa soạn đầy đủ. Nên thưa thầy trước khi nấu nước, nấu xong nên thưa để thầy biết. Nếu thầy ốm yếu, cần đỡ vào nhà tắm thì đỡ. Thầy cần xoa, kỳ, chà lưng, thì xoa kỳ, chà lưng, nhưng phải đứng sau lưng thầy. Nếu cần nhờ người chà lưng hay chà lưng cho người khác, cần phải thưa với thầy. Thầy tắm xong mình rửa sạch sẽ. Nếu thầy ốm yếu vì già cần dìu ra khỏi nhà tắm, về lại phòng xong, mình nên trở lại nhà tắm, xem khắp mọi chỗ, cái gì cần xếp lại chỗ cũ thì xếp. Mỗi ngày nên ba lần, mai, trưa, chiều đến thăm hỏi thầy. Nên vì thầy phục vụ hai việc nhọc cho thầy. Không neân từ chối. Hai việc đó là: Sửa chữa phòng ốc và giặt vá y áo.
Những gì thầy dạy như pháp đều phải phụng hành không được từ chối những điều sai bảo, nếu có. Khi bị la rầy, quở trách rồi nên đến thầy xin sám hối.
Phương thức sám hối: mặc y trống vai bên hữu, không mang guốc, quỳ gối, chắp tay thưa rằng:
– Thưa thầy! Nay con xin sám hối, con không dám tái phạm.
Trường hợp thầy cho sám hối thì tốt; nếu không cho sám hối, cần phải nhỏ nhẹ, tùy thuận khéo léo tìm cách trình bày vấn đề phạm tội.
Có 5 việc phi pháp của thầy, đệ tử nên sám hối mà đi[8]. Nên trình bày 5 việc ấy với thầy là:
1) Con sống như pháp, thầy không biết.
2) Con sống không như pháp, thầy cũng không biết.
3) Con phạm tội, thầy không quở trách dạy dỗ.
4) Con phạm tội, thầy cũng không biết.
5) Con phạm tội mà sám hối, thầy cũng không biết.
Bộ Căn bản tạp sự thuyết minh:
Có người nương tựa nơi thầy, xuất gia trong giáo pháp của Phật, cạo bỏ râu tóc, mặc áo pháp của Phật, tâm hồn trong trắng đầy đủ lòng tin, gọi là xuất gia như pháp. Người ấy đối với thầy, cho đến trọn đời tứ sự cúng dường, cũng chưa có thể trả ơn hết được.
Bộ Luật nhiếp nói rằng:
Trường hợp cha mẹ và hai thầy (Hòa thượng, A-xà-lê), bốn hạng người này có phá giới, vẫn nên cúng dường, không nên khinh mạn.
Luật Thiện kiến thuyết minh:
Người có trí tuệ, khi đến nơi vị Túc đức (đức cao vọng trọng), cần tránh sáu pháp không nên phạm, sau đó mới ngồi:
1) Quá cách xa.
2) Quá áp gần.
3) Trên đầu gió.
4) Chỗ cao hơn.
5) Sát trước mặt.
6) Ở sau lưng.
Trường hợp đệ tử đi theo hầu thầy, giữa đường gặp thuyết pháp, vì ham nghe pháp suốt đêm, đến tướng ban ngày hôm sau xuất hiện, thì không phạm tội lìa thầy. Vì không quyết tâm xa lìa thầy vậy.
GIẢI THÍCH:
Hỏi: Trong 5 hạng A-xà-lê, 4 hạng quyết định là bậc Thượng tọa, chỉ có hạng dạy bảo đọc tụng, hoặc có thể là bậc Hạ tọa. Như vậy vấn đề hầu hạ, cung phụng nên như thế nào?
Ðáp: Chỉ trừ vấn đề lễ bái, còn tất cả đều như pháp phụng sự thầy.
Hỏi: Tỳ-kheo ăn dư, nên cho người hay phi nhơn,
hoặc đổ nơi đất sạch, cho các chim chóc, hoặc là đổ trong nước thí cho loài cá trạch. Nay tại sao nói nên đổ trong nước không có trùng?
Ðáp: Trong luật Tăng kỳ nói: “Trùng không phải là loài cá trạch mà là một loại ở dưới nước rất là nhỏ. Vì loài ấy quá nhỏ nên sợ trong đồ ăn có chất muối và nhơ bẩn, khiến cho tổn đến sinh mạng của chúng nó.”
IV. PHÁP THƯỢNG TỌA
Luận Tỳ-bà-sa thuyết minh:
Có 3 hạng Thượng tọa:
1) Sanh niên Thượng tọa, giới lạp tối cao.
2) Thế tục Thượng tọa, bậc đại phước đại huệ, tuy tuổi chỉ 20, nên cùng nhau suy tôn lên bậc Thượng tọa.
3) Pháp tánh Thượng tọa, tức bậc A-la-hán.
Âm tiếng Phạn gọi là Tất-thế-na, Hoa dịch là Thượng tọa, cũng gọi là Thượng sĩ. Còn hạng người không tự lợi mà cũng không lợi tha gọi là Hạ sĩ. Chỉ có tự lợi gọi là Trung sĩ. Cả hai đều lợi gọi là Thượng sĩ.
GIẢI THÍCH:
Hỏi: Kẻ Tỳ-kheo mới học, dầu thông kinh, luận, chưa thuộc luật pháp, cần phải y chỉ 5 hạ. Dầu là
bậc đại phước, đại huệ, tại sao suy tôn lên bậc Thượng tọa, mà không y chỉ 5 hạ ư?
Ðáp: Suy tôn lên bậc Thượng tọa trong vấn đề giảng kinh, giảng luận, mở mang phước nghiệp, chứ
chẳng phải lìa y chỉ.
Kinh Tỳ-ni mẫu thuyết minh:
Từ không hạ đến 9 hạ gọi là Hạ tọa. Từ 10 đến 19 hạ gọi là Trung tọa. Từ 20 đến 49 hạ gọi là Thượng tọa. Từ 50 trở lên gọi là kỳ cựu Trưởng túc.
Phần thứ tư (luật Tứ phần) nói:
Phật dạy các Thầy Tỳ-kheo: Trường hợp có những vị Thượng tọa đã không học giới, cũng không khen ngợi giới, mà có các Tỳ-kheo vui học giới, ưa khen ngợi giới, cũng không lúc nào Thượng tọa đó khuyên lơn khen ngợi các Tỳ-kheo ấy. Hạng Thượng tọa như vậy không nên gần gũi, không nên học theo nếp sống của Thượng tọa đó. Nếu học theo nếp sống như vậy thì thọ khổ nhiều đời.
Luật Thập tụng thuyết minh:
Có 5 pháp làm cho Chánh pháp diệt vong, mai một:
1) Không ưa thích cảnh niết-bàn (Vô dục).
2) Ðộn căn.
3) Ðọc tụng mà không lãnh thọ một cách chơn
chánh, cũng không khiến người khác hiểu rõ.
4) Không có khả năng khiến cho người lãnh thọ không có oai nghi cung kính, không có thuyết pháp, không có khả năng dạy dỗ như pháp.
5) Ðấu tranh với nhau, không ở nơi A-lan-nhã,
cũng không ái kính người ở A-lan-nhã.
Trái với 5 pháp trên thì Chánh pháp không diệt vong, không mai một.
Lại có 5 pháp làm cho Chánh pháp diệt vong, mai một:
1) Không dạy theo Chánh pháp mà dạy theo
phi pháp.
2) Không theo pháp nhẫn mà theo pháp không
nhẫn.
3) Không cung kính Thượng tọa, không có
oai nghi.
4) Thượng tọa không dùng Chánh pháp dạy dỗ.
5) Khi Thượng tọa nói pháp thì sầu não, làm cho
hậu sanh không được thọ học Tam tạng. Sau khi mạng chung Tỳ-kheo phóng dật, học tập phi pháp, mất các pháp lành.
Trái với 5 pháp trên thì Chánh pháp không diệt vong, không mai một.
Lại có 7 pháp làm cho Chánh pháp diệt vong, mai một:
1) Không chánh tín.
2) Lười biếng.
3) Không biết xấu.
4) Không biết hổ thẹn.
5) Dễ quên.
6) Không định.
7) Ít trí tuệ.
Thời kỳ Chánh pháp diệt rồi, thời kỳ Tượng pháp xuất hiện 5 phi pháp:
1) Có hạng Tỳ-kheo, tâm hồn có được một chút định, bèn nói rằng mình được Thánh pháp.
2) Hàng cư sĩ thì được sanh lên cõi trời, còn hàng xuất gia lại đọa vào trong đường dữ.
3) Có người từ bỏ đời sống thế tục để xuất gia mà
lại phá giới.
4) Có trường hợp người phá giới lại có nhiều người ủng hộ, kẻ trì giới lại không ai giúp đỡ.
5) Người tu hành bị mạ nhục, cho đến bậc A-la-
hán cũng bị mạ nhục.
Phật bảo ngài Ưu-ba-ly: Sau này có 5 việc đáng sợ, nhưng hiện tại thì chưa xảy ra, ông nên biết để tìm cách tiêu diệt:
1) Có hàng Tỳ-kheo không tu thân, không tu giới không tu tâm, không tu trí, mà độ người xuất gia thọ giới. Họ không có khả năng dạy chúng tu thân, giới, tâm, trí. Ðó là hạng người đáng sợ thứ nhất.
2) và 3) Có hàng Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí mà cho người khác y chỉ. Họ nuôi Sa-di không có khả năng dạy chúng tu thân, giới, tâm, trí. Ðó là hạng người đáng sợ thứ hai, thứ ba.
4) Có hàng Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí mà cho người tịnh nhơn, Sa-di, cùng ở gần, không biết ba tướng: Cuốc đất, đốn cây, dùng nước có trùng để tưới rửa. Ðó là hạng người đáng sợ thứ tư.
5) Có hàng Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí cùng nhau tụng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, đem trước sau vô giữa, đem giữa làm trước sau, trước mắt không thấy được bạch pháp, phạm hay là không phạm. Ðó là hạng người đáng sợ thứ năm.
Lại có 5 việc đáng sợ, hiện tại chưa có, đời sau mới có, nên biết để khéo léo tìm cách tiêu diệt:
1) Tỳ-kheo đời tương lai không tu thân, giới, tâm, trí, không ưa thích cảnh niết-bàn (vô dục), căn độn, tuy tụng cú nghĩa mà không lãnh thọ một cách chơn chánh. Ðó là điều thứ nhất đáng sợ.
2) Có hạng Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí, cho Ni cùng ở gần, hoặc phạm việc “tày trời”, xả giới hoàn tục. Ðó là điều đáng sợ thứ hai.
3) Có hạng Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí những gì đức Như Lai dạy, như Tu-đa-la thậm thâm, Không, Vô tướng, Vô nguyện, 12 nhân duyên, các pháp thâm yếu, không khả năng tin ưa thọ trì, dù có thọ trì nhưng không có khả năng thông lợi. Khi cần nói hay dạy dỗ thì không có tâm lân mẫn, không có tâm ái lạc, ưa sáng tác văn tụng, làm đẹp chương cú, ưa pháp thế tục, muốn cái muốn của đời, khi nói pháp thế tục, có lòng tin ưa, có lòng thích muốn. Cho nên những pháp đức Như Lai đã nói ra như Tu-đa-la thậm thâm, Không, Vô tướng, Vô nguyện, 12 nhân duyên, các pháp thâm yếu, đều bị tiêu diệt. Ðó là điều đáng sợ thứ ba.
4 và 5) Có hàng Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí, vì vấn đề ăn mặc bỏ chốn A-lan-nhã, bỏ đời sống dưới gốc cây trong rừng vào xóm làng. Vì vấn đề ăn mặc, mà tìm cầu khắp nơi, khi đã tìm cầu thì nhiễu loạn. Ðó là hạng đáng sợ thứ tư và thứ năm.
(Pháp môn đáng sợ này là trách nhiệm của người lớn tuổi, nên ghi chép ra đây để nhắc nhở cảnh giác vậy).
V. PHÁP ÐỒNG HỌC
Phần thứ tư[9] thuyết minh:
Tỳ-kheo có 5 pháp, không nên kết làm bạn thân.
1) Người ưa đấu tranh.
2) Người ưa tác nghiệp.
3) Ưa cãi lộn cho hơn người.
4) Ưa ngao du đây đó.
5) Không vì người nói pháp, không dạy điều hay
lẽ phải.
Lại có 5 pháp không nên làm bạn cùng đi[10]:
1) Ưa đi trước quá xa.
2) Ưa đi sau quá xa.
3) Ưa nhại theo lời nói của đoán nhơn.
4) Không phân biệt lời lành lời dữ, không khen
lời lành, lại khen lời dữ.
5) Ðược lợi dưỡng như pháp, không vì người kia thọ đúng thời.
Bộ Căn bản tạp sự nói:
Ngài A-nan bạch Phật: – Người Thiện tri thức chỉ có nửa phạm hạnh phải không? Phật dạy ngài A-nan: – Bậc Thiện tri thức là toàn phạm hạnh chứ không phải nửa phạm hạnh.
Luật Tăng kỳ thuyết minh:
Tỳ-kheo có 10 việc làm cho người không ưa thích:
1) Không cùng nhau gần gũi.
2) Coi nhẹ việc gần gũi.
3) Vì lợi mà gần gũi.
4) Người đáng ưa lại không ưa.
5) Người không đáng ưa lại ưa.
6) Nói thật lại không ưa tin.
7) Ưa dự vào việc người.
8) Thật không oai đức, lại muốn thụ hưởng.
9) Ưa giấu việc riêng.
10) Nhiều ham muốn.
Vị Tỳ-kheo ở nơi A-lan-nhã không nên khinh vị Tỳ-kheo ở nơi tụ lạc, nói: “Ngài ở đây nếm đủ mùi vị, đâu thiếu thứ gì” Mà nên khen rằng: “Ngài ở tụ lạc để thuyết pháp giáo hóa, bảo vệ Chánh pháp, thay thế cho chúng tôi”.
Vị Tỳ-kheo ở nơi tụ lạc không nên khinh chê vị Tỳ-kheo ở nơi A-lan-nhã, nói: “Ngài ở nơi A-lan-nhã này, hy vọng danh lợi, các loài cầm thú cũng ở nơi A-lan-nhã này. Ngài chỉ sống cho qua ngày đoạn tháng mà thôi!” Mà nên khen rằng: “Ngài tránh xa tụ lạc, nhàn tịnh tư duy, tôn sùng thượng nghiệp. Ðây là việc khó làm. Ngài ở nơi đây để chấm dứt vọng tâm. Không có tranh luận cùng nhau giành phần hơn”.
VI. PHÁP LỄ KÍNH
Luật Nhiếp thuyết minh:
Có 4 hạng người nên lễ:
1) Ðức Như Lai, tất cả người, trời, đều nên hết
lòng kính lễ.
2) Người xuất gia không lễ người thế tục. Người
này đáng được kính lễ.
3) Nên kính lễ vị thọ cận viên trước, trừ cận
viên Ni.
4) Người chưa thọ cận viên nên lễ người cận viên.
Có 10 hạng người không nên lễ: 4 hạng người hành biệt trụ – Người thọ học pháp – 3 hạng người bị xả trí (bị gạt sang một bên) – Các cư sĩ – Người chưa cận viên.
Nghi lễ kính có 2 cách khác nhau:
1) Năm vóc gieo sát đất.
2) Ðầu mặt sát chân.
Miệng nói: – Bạn-đệ 畔睇 (Bạn-đệ là danh từ chí kính bên Tây Trúc, chưa thấy phiên dịch. Có thể là “Bàn-na-mị” hoặc là “Bàn-đàm” nói sai ra là “Hòa nam”, dịch là: Tôi lễ lạy).
Nếu biết thân người khác có uế trược mà lễ kính, hoặc thân mình có uế trược mà lễ kính người đều mắc tội ác tác.
Có hai thứ uế trược:
1) Ăn xong chưa súc miệng.
2) Ðại tiểu tiện xong chưa rửa sạch.
Lễ bái nơi chỗ tối, không nên lễ sát đất. Miệng nói: – Bạn-đệ. Nghĩa là hết lòng cung kính.
Phần thứ tư (luật Tứ phần) thuyết minh:
Có 10 oai nghi của Tỳ-kheo không nên lễ: – Ðại tiện – Tiểu tiện – Chưa mặc đồ – Ðang cạo tóc – Khi nói pháp – Lúc xỉa răng – Lúc súc miệng – Lúc uống – Lúc ăn cơm – Lúc nhai trái cây.
Bộ Căn bản tạp sự nói:
Không nên mặc một y mà lễ người, cũng không nên mặc một y mà nhận người lễ.
VII. PHÁP HIẾU KÍNH CHA MẸ
Luật Ngũ phần thuyết minh:
Ngài Tất-lăng-già-bà-ta, cha mẹ bần cùng, muốn lấy tấm y để cúng dường cha mẹ mà không dám. Ngài đem vấn đề aáy bạch với Phật. Phật dạy:
– Này các Tỳ-kheo! Nếu có người tròn 100 năm, vai mặt cõng cha, vai trái cõng mẹ. Cha mẹ cả đại lẫn tiểu tiện luôn ở trên vai, dùng tất cả món ăn mặc cao đẹp nhất để cúng dường. Hiếu đễ như thế cũng vẫn không thể trả ơn cha mẹ được, dù chỉ nói đến công ơn trong chốc lát. Từ nay cho phép các thầy Tỳ-kheo, hết lòng suốt đời cúng dường cha mẹ. Nếu không cúng dường thì mắc tội rất nặng.
Bộ Căn bản ni-đà-na nói rằng:
Cha mẹ đối với con, hay làm những việc khó nhọc, gánh vác việc khổ. Giả như xuất gia, đối với cha mẹ, nên phải cung cấp. Chỉ trừ y và bát, còn bao nhiêu vật khác có thể cung phụng. Nếu không có vật khác, có thể đến nhà thí chủ, tùy theo đó mà cầu xin. Nếu trường hợp xin mà khó được, nên dùng những vật thường nhận lãnh được nơi Tăng, nên dùng phần ăn mà Tăng chia cho mình, giảm lấy phân nửa để mà cứu giúp cung phụng cha mẹ. Hoặc là phần ăn do khất thực mà được, truất lấy một nửa của mình để mà cung phụng cha mẹ.
VIII. PHÁP AN CƯ[11]
Không nên suốt năm đi du hóa trong nhân gian. Cho phép 3 tháng mùa hạ phải an cư. Thưa với vị y chỉ của ta, nơi an cư như sau:
– Trưởng lão một lòng nghĩ! Tôi là Tỳ-kheo… nương nơi tụ lạc tên là… hoặc Già-lam tên là… hoặc phòng nhà số… ba tháng trước mùa hạ an cư. Phòng xá nếu có hư xin được sửa chữa. (Thưa như vậy 3 lần thì thành lễ an cư).
Pháp hậu an cư cũng như vậy, chỉ đổi chữ “trước” thành chữ “sau” mà thôi. Nếu không có người Y chỉ thì tâm niệm an cư. Vì vấn đề an cư mà đến, liền thành an cư.
Ðã vào an cư rồi, khách Tỳ-kheo đến, không nên dời chỗ, cũng không nên bỏ đi.
Nếu muốn an cư, trước hết tự mình đến, xem phòng xá, ngọa cụ, sau đó mới thọ an cư.
Nên Bạch nhị yết-ma để sai người phân phối phòng xá, ngọa cụ. Vị được sai, nên tính bao nhiêu Tỳ-kheo, bao nhiêu phòng, bao nhiêu ngọa cụ, cho đến có bao nhiêu vị có phước đức nhiều, ít v.v… đâu đó xong. Ðến trước bậc Thượng tọa thưa:
“Thưa Ðại đức Thượng tọa, hiện có bao nhiêu phòng xá, bao nhiêu ngọa cụ như vậy, Thượng tọa cần nhận phòng nào, ngọa cụ nào, xin tùy ý nhận.” (Phân phối Thượng tọa xong, thứ đến Trung tọa, lần lượt đến Hạ tọa).
Nhận phòng rồi, tùy theo khả năng mà sửa chữa, bài trí, trang hoàng.
Không nên phân chia bằng cách tập trung Tăng vào mộ chỗ.
Muốn an cư chỗ nào thì trước tiên phải làm dấu, sau khi đi phải xóa mà đi.
Không nên dời giường, nệm, ngọa cụ của phòng này sang phòng khác. Nếu cần, phải báo cáo với vị cựu trú Tỳ-kheo, sau đó mới dời. Trước khi đi phải hoàn lại chỗ cũ. Nếu phòng xá bị hư hoại, nên dời đến phòng khác, sửa chữa xong hoàn lại như cũ. Ðối với các chùa khác cũng vậy. Nếu có loại ngọa cụ không cố định, cho đến gậy, quạt… trong phòng nào không có thì phân phối. Trường hợp dư thì phân phối lại từ Thượng tọa lần xuống.
An cư có tiền an cư, hậu an cư. Dù tiền hay hậu, cũng phải đủ 3 tháng mới được. Hậu an cư cũng cho phép thọ Tự tứ. Cho phép nhận phẩm vật cúng dường, cho phép nhận ngọa cụ… tín thí cúng trong mùa an cư. Không nên chưa đủ 3 tháng mà tính một tuổi, phải đợi đủ 3 tháng mới được.
Không được an cư nơi đất trống, cho phép an cư dưới gốc cây. An cư trong một căn phòng nhỏ, an cư trong hang núi, an cư trong tàng bóng mát của cây.
Trong khi an cư, nếu có việc cần như pháp, cho phép xin đi bảy ngày. Ðủ bảy ngày phải trở về. Trường hợp bảy ngày mà công việc chưa xong thì phải Bạch nhị yết-ma, xin phép đi quá bảy ngày, hoặc nửa tháng, hay một tháng rồi về lại.
Trường hợp có mạng nạn, phạm hạnh nạn thì tránh đi. Nếu có trường hợp bị phá Tăng thì nên tránh đi. Nếu vì ngăn chặn việc phá Tăng thì nên đi. Nếu vì vấn đề hòa hợp Tăng của trú xứ thì nên đi.
Thọ pháp bảy ngày ra khỏi giới, có nạn lưu lại, không trở về kịp, không mất hạ.
Tiền an cư ở trú xứ này, nghe trú xứ kia được nhiều lợi dưỡng, liền đến trú xứ kia thì không được dựa vào trú xứ trước mà tính tuổi hạ, trái với vấn đề cơ bản thì mắc tội. Hoặc không có việc như pháp mà đi, hoặc thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới mà quá bảy ngày trái với vấn đề cơ bản thì mắc tội. Trong vòng bảy ngày về kịp thì vô tội. Cuối hạ, thọ pháp ra ngoài giới bảy ngày, trở lại, hay không trở lại thì không có tội. Hậu an cư cũng như vậy.
Nhận sự mời an cư của người khác, có mạng nạn, phạm hạnh nạn, nên đến nói cho Ðàn-việt biết để dời đi. Ðàn-việt đồng ý thì tốt, nếu không đồng ý cũng đi.
Phần thứ tư (luật Tứ phần) thuyết minh:
Nếu an cư ở trú xứ này, nghe Tăng ở trú xứ kia được nhiều y vật, bèn bỏ trú xứ này đến trú xứ kia, liền mất pháp an cư nơi trú xứ này. Ở nơi trú xứ kia một thời gian ngắn rồi trở lại trú xứ này, lại mất pháp an cư nơi trú xứ kia.
Luật Tăng kỳ thuyết minh:
Nếu trên đường hành đạo, ngày an cư đến mà chưa đến trú xứ, nên ở bên đường, hoặc nơi gốc cây, hoặc nơi xe, nên thọ an cư. Ðến khi minh tướng xuất hiện mới đến trú xứ. Ðến ngày hậu an cư, mặc áo trống vai, quỳ gối, chắp tay, thưa:
– Trưởng lão ức niệm, tôi Tỳ-kheo tên… tại Tăng-già-lam này, xin vũ an cư 3 tháng sau (nói 3 lần). (Tháng mùa Hạ cũng gọi là thời kỳ mưa, nên gọi là vũ an cư vậy).
Nếu Tỳ-kheo hành đạo, mà không thọ tiền an cư, thì mắc tội Việt tỳ-ni. Khi đến trú xứ, mà không thọ hậu an cư mắc hai tội Việt tỳ-ni. Người như vậy là người phá an cư, không được nhận y dâng cúng trong kỳ an cư của Tăng.
Mùa Xuân và mùa Ðông, sau khi phân phối phòng xá, có Thượng tọa đến, theo thứ tự mà sắp xếp lại để ở. Nhưng sau khi đã vào an cư, phân phối phòng xá xong rồi, có Thượng tọa đến, không nên thay đổi những vị đã phân phối, có nghĩa là nếu cần, vẫn không theo thứ tự mà sắp xếp. Nếu khi an cư mà đuổi người khác ra khỏi phòng là phạm tội Việt tỳ-ni.
Không cho phép, không cùng nhau nói chuyện (cùng im lặng). Muốn tạo phương tiện để bớt mất thì giờ và nhiều chuyện có thể xảy ra thì trong vòng nửa tháng cho phép không nói chuyện với nhau. Nhưng đến ngày Bố-tát phải nói chuyện với nhau, trao đổi lẫn nhau, cầu nguyện chúc tụng cho nhau. Qua ngày Bố-tát rồi, trở lại như trước.
Luật Ngũ phần nói:
Cho phép an cư chỗ vừa đủ ngồi kiết già và đủ chỗ để y bát mà mưa không dột tới.
Không có việc gì thì nên tiền an cư. Có việc thì cho phép hậu an cư.
Muốn an cư, trước hết phải tính toán, nơi đó có nạn hay không nạn.
Có một thầy Tỳ-kheo an cư, cho đến đồ ăn tồi (thô thực) cũng không đủ no. Phật cho phép gặp trường hợp này, phá an cư không có tội. Trường hợp gặp phạm hạnh nạn, mạng nạn, cuõng như vậy.
Luật Thập tụng nói:
Vị Thượng tọa hậu an cư không nên dùng phòng xá, ngọa cụ của vị Thượng tọa tiền an cư. Nếu vị Thượng tọa tiền an cư có hai phần ngọa cụ thì nên phân phối cho vị Thượng tọa hậu an cư một phần.
Pháp xin ra ngoài đại giới trong vòng bảy ngày thì đối với vị trong 5 chúng mà xin (thọ) không được tâm niệm xin (thọ), trừ trường hợp Tỳ-kheo ở nơi A-lan-nhã một mình.
Thuyền neo trên dòng nước, trôi lên, trôi xuống, không được an cư trên đó, nếu cột chặt không di chuyển thì được.
Nếu muốn an cư, trước hết phải tìm xem trú xứ đó có an ổn hay không, có bạn đồng hành tốt hay không? Vấn đề tọa thiền, thuyết pháp, ăn uống, thuốc men v.v… có đáp ứng không? Sau đó mới an cư. Nếu không có nhân duyên như Phật đã cho phép thì không được phép ra ngoài giới ngủ, cho đến một đêm.
Thọ Á pháp (tức pháp câm)[12], phạm Thâu-lan-giá. Không nói chuyện với nhau là pháp của ngoại đạo vậy.
Bộ Căn bản yết-ma thuyết minh:
Có duyên sự xin đi một ngày cho đến bảy ngày, có thể thưa một người, nếu quá bảy ngày, cho đến 40 ngày, nên xin giữa Tăng, quá 40 ngày thì mất hạ. Nếu có nạn duyên thì không gọi là mất hạ.
GIẢI THÍCH:
Hỏi: Hậu an cư chưa đủ ba tháng, không được tính tuổi hạ. Thọ pháp ra ngoài giới bảy ngày, lưu nạn, không trở lại mới gọi là không mất hạ. Nay có người không thọ an cư, hoặc chú tâm phá hạ như vậy có thể tính tuổi hạ không? Nếu không tính tuổi hạ thì người thọ giới trước, người thọ giới sau, tránh được sự bất ổn không? Hơn nữa, luật Tăng kỳ nói: “Ðến ngày tiền an cư mà không thọ an cư thì phạm một tội Việt tỳ-ni”. Các bộ khác thì không đề cập đến (tức là không kết tội này). Nay dựa vào bộ nào?
Ðáp: Kiết hạ an cư là vấn đề chính yếu của Tỳ-kheo, nếu trái luật chế thì mất lợi ích rất nhiều.
Trường hợp có duyên sự thì cho phép kiết hậu an cư. Không có duyên sự thì phải thọ tiền an cư. Luật Tăng kỳ kiết tội là để trừng trị các tội mạt pháp, thật ra cùng với các bộ khác, không mâu thuẫn nhau mấy. Song, nói là mất hạ là chỉ không được nhận y dâng cúng trong mùa an cư, và không làm người giữ y công đức. Hơn nữa, không đủ 10 hạ thì không được làm Hòa thượng v.v… chứ không phải người thọ giới trước, theo trật tự, nay lại phải thối lui khiến thành người nhỏ vậy. Trong truyện ký quy nơi mục đầu đã nói rõ vấn đề này.
IX. PHÁP TỰ TỨ[13]
Có chúng Tỳ-kheo ở nơi cư trú khác, cùng nhau kiết hạ an cư, lập quy chế với nhau không nói chuyện, không lễ bái, không hỏi han nhau. Ai ưng khất thực lúc nào tùy ý mình, hoặc trước hoặc sau. Cần việc gì thì dùng tay làm dấu chứ không nói. Không nói chuyện với nhau như vậy cho nên trong 3 tháng an cư được an ổn. An cư xong, họ đến chỗ Phật, Phật hỏi thăm và an ủi xong. Họ trình với Phật về vấn đề nội quy mà họ đã cùng nhau thực hiện. Phật dạy:
– Các ông là bọn người ngu si, tự cho đó là điều hay mà thật sự là vô cùng dở. Các ông là bọn người ngu si ở với nhau, giống như oan gia, giống như những con dê trắng. Bằng nhiều caùch Ta đã dạy các ông rằng: “Các vị Tỳ-kheo nên cùng dạy dỗ nhau, cùng chuyện trò với nhau, giúp nhau giác ngộ.” Các ông là bọn người ngu si, đồng như ngoại đạo, chấp nhận phụng hành pháp câm (không nói với nhau).
Lúc bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo nghe vậy, bèn cử tội các vị Tỳ-kheo thanh tịnh. Phật dạy: “Nếu muốn cử tội một Tỳ-kheo nào trước hết phải cầu thính (xin ý kiến, xin phép trước)”. Lục quần Tỳ-kheo cơ hiềm các Tỳ-kheo thanh tịnh, thường đến cầu thính hàng thanh tịnh Tỳ-kheo để cử tội.
Phật dạy: phải đuû 5 pháp mới được cầu thính:
1) Cử tội đúng thời chứ không phải phi thời.
2) Ðúng sự thật chứ không phải ngụy.
3) Ðem lại lợi ích chứ không phải vô ích.
4) Nói lời nhã nhặn chứ không thô lỗ.
5) Với tất cả từ tâm chứ không vì sân hận.
Hàng Lục quần Tỳ-kheo bản chất không có đủ 5 pháp trên, các vị Tỳ-kheo khác thì đủ. Tỳ-kheo đủ 5 pháp đến cầu thính thì Lục quần không cho (bất thính – không đồng ý cử).
Phật dạy:
– Từ nay, an cư xong nên Tự tứ. Lễ Tự tứ khỏi phải cầu thính. Tại sao vậy? Tự tứ tức là thính.
Không nên Tự tứ tập thể đồng loạt, mà là từng người một Tự tứ. Không nên Tự tứ theo ý của mình, nên Tự tứ theo thứ tự, bắt đầu từ Thượng tọa trở xuống. Cho phép sai người nhận Tự tứ. Người nhận Tự tứ phải đủ 5 đức: không ái, không sân, không sợ, không si, biết người Tự tứ hay chưa Tự tứ.
Bạch nhị yết-ma để sai người nhận Tự tứ như
sau:
“Xin Ðại đức Tăng lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng sai Tỳ-kheo tên… làm người nhận Tự tứ. Ðây là lời tác bạch”.
Vị Yết-ma, theo nghi thức mà tác pháp Yết-ma.
Không nên ngồi trên tòa mà Tự tứ. Bậc Thượng tọa lìa khỏi tòa, cùng quỳ, tất cả Tăng phải lìa khỏi tòa cùng quỳ để Tự tứ. Tự tứ rồi ngồi lại vị trí cũ. Nên Tự tứ một cách rõ ràng, Tự tứ một cách thong thả, nói 3 lần Tự tứ. Mặc áo trống vai bên mặt, quỳ gối, chắp tay, thưa rằng:
“Ðại đức, hôm nay chúng Tăng Tự tứ. Tôi Tỳ-kheo tên là… cũng Tự tứ. Nếu có tội được thấy, được nghe hay được nghi, Ðại đức (Trưởng lão), thương xót chỉ bảo tôi. Nếu tôi thấy có tội, sẽ như pháp sám hối”. (nói 3 lần).
Vị được sai làm người nhận Tự tứ nên tác bạch như sau, rồi mới nhận người Tự tứ:
“Xin Ðại đức Tăng lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng Tự tứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, hòa hợp Tự tứ. Ðây là lời tác bạch.”
Không nên phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp, pháp biệt chúng Tự tứ, nên như pháp hòa hợp mà Tự tứ.
Cho phép Tự tứ tại nhà thuyết giới.
Trường hợp trên đường đi, gặp ngày Tự tứ, tất cả chúng nên hòa hợp để cùng nhau Tự tứ thì tốt, bằng không hòa hợp được toàn chúng, thì những người thân hậu (bạn) đồng ý với nhau, nên di chuyển đến một chỗ khác, kiết tiểu giới để Tự tứ. Tự tứ xong nên giải giới rồi mới đi.
Trường hợp Tỳ-kheo ở một mình, đến ngày Tự tứ đến nơi chỗ thuyết giới, lau quét, cho đến sửa soạn đầy đủ hành Xá-la 舍羅 (kiểm Tăng số bằng cách phát thẻ để đếm số người) rồi đợi khách Tỳ-kheo đến. Nếu số lượng năm người trở lên thì sai người nhận Tự tứ. Nếu bốn người trở xuống, cùng nhau đối thú Tự tứ. Văn bạch đối thú Tự tứ như sau:
“Hôm nay, chúng Tăng Tự tứ, tôi Tỳ-kheo tên… cũng thanh tịnh Tự tứ.” (nói như vậy 3 lần. Nếu không có người đến thì nên tâm niệm, miệng cũng nói như trên 3 lần.)
Có việc dặn dò người khác, người nhận sự dặn dò nếu có việc thì chuyển sự dặn dò đó cho người khác. Việc rồi nên tự trở lại.
Trường hợp có 8 nạn hay các duyên sự khác đột khởi, nên Tự tứ lược. Tự tứ lược bằng cách nói 2 lần hay một lần thay vì nói 3 lần. Hoặc cùng nhau (tập thể đồng loạt) nói 3 lần, nói 2 lần, hay nói một lần. Hoặc giả vừa nói vừa giải tán, tùy theo nạn sự đến gần hay xa.
Trường hợp gặp ngày Tự tứ, mà có việc gây tụng xảy ra, hoặc có thể bị phá Tăng, không nên Tự tứ liền mà nên hoãn lại thời gian, chờ sự ổn định.
Nếu người ngăn cản sự Tự tứ mà ba nghiệp không thanh tịnh v.v… thì áp dụng như trong mục Bố-tát đã trình bày. Trường hợp bịnh cũng vậy.
Trường hợp chúng Tỳ-kheo cảm thấy sự tu hành được thoải mái, có chiều hướng tăng thượng chứng quả, sợ Tự tứ hôm nay (Rằm tháng Bảy Âm lịch) thì không được hưởng niềm vui ấy, nên tác bạch Tăng thêm thời gian Tự tứ, để đến đúng 4 tháng (Rằm tháng Tám Âm lịch) sẽ Tự tứ.
Hoặc có Tỳ-kheo ở trú xứ khác, không hòa hợp, muốn đến Tự tứ nơi trú xứ này, đều như trong mục Bố-tát đã nói. Theo tinh thần của luật Thập tụng thì đến tháng Tám mà khách Tỳ-kheo vẫn không chịu đi, thì không nên Tự tứ mà phải bỏ đi, chứ đừng nên dùng lời đấu tranh lẫn nhau.
Không nên ở trước Tỳ-kheo-ni và trước người chưa thọ Ðại giới tác Yết-ma Tự tứ.
Không nên Tự tứ rồi lại thuyết giới. Tự tứ tức là thuyết giới vậy.
Luật Thập tụng thuyết minh:
Tự tứ rồi nên đến trước Thượng tọa xướng rằng:
“Tăng chúng một lòng Tự tứ xong.”
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu trong chúng an cư có một người tiền an cư, đến Rằm tháng Bảy, cả chúng nên đồng với vị tiền an cư mà Tự tứ. Tự tứ rồi phải ở cho đến Rằm tháng Tám mới ra hạ. Nếu tất cả đều hậu an cư thì tất cả nên để Rằm tháng Tám mới Tự tứ. Trường hợp có các Tỳ-kheo an cư nơi xóm làng, nghe ngày Tự tứ trong thành phố, có nhiều vật phẩm cúng dường, ban đêm lại có thuyết pháp, chúng muốn đến đó, thì nên Tự tứ ngày 14 rồi (mới) được đi.
Vấn đề người nhận Tự tứ thì nên sai một hay hai người chứ không được sai nhiều. Nếu sai hai người nhận Tự tứ thì một người đến nhận Tự tứ nơi Thượng tọa, một người đến trước vị thứ tọa. Thượng tọa nói rồi, thứ tọa mới nói (Tự tứ), như vậy lần lượt cho đến hết. Hễ đến phiên mình thì phải Tự tứ, không nên đợi Taêng xong, sau đó mới Tự tứ.
Luật Ngũ phần thuyết minh:
Cho phép tám vị Thượng tọa, Tự tứ từng vị một. Còn các vị dưới đồng tuổi hạ thì cùng Tự tứ một lần 3 người.
Kinh Tỳ-ni mẫu thuyết minh:
Trong chúng nếu có người không thanh tịnh thì nên đình chỉ, không nên Tự tứ. Nên tác pháp đình chỉ Yết-ma Tự tứ. Nên xét vấn đề không thanh tịnh đó, nếu thuộc về trọng tội thì đuổi ra, nếu nhẹ thì khiến cho sám hối, sau đó mới Tự tứ. Nếu người không thanh tịnh ấy ỷ mình thông minh, đa trí, hay ỷ có nhiều đồ chúng, hoặc sức mạnh của quốc vương đại thần, không thể đuổi ra được, nên chờ đến hậu Tự tứ (Rằm tháng Tám Âm lịch). Hậu Tự tứ đến mà người ấy vẫn không chịu đi, chúng Tăng có thể ra ngoài giới mà Tự tứ, được gọi là thanh tịnh vậy.
Bộ Nam hải ký quy nói:
Âm tiếng Phạn là Bát-thích-bà-thích-noa, dịch là tùy ý. Tức là tùy theo ý của người khác, ở trong ba việc thấy, nghe, nghi, dựa vào nhận xét của mình nêu lên. Có nghĩa là nói lên điều lầm lỗi để trừ tội khiên của mình. Cựu dịch là Tự tứ, theo nghĩa mà phiên dịch vậy.
Nghi lễ diễn tiến như sau:
Tối 14 phải thỉnh một vị kinh sư, lên pháp tòa tụng Kinh, đồng thời Tăng ni thiện tín vân tập, đốt đèn sáng luôn đêm, hương hoa cúng dường, sáng hôm sau, đi vòng quanh trong thành ấp, mỗi người đều hết lòng thành, lễ bái các bảo tháp, xe kiệu hình tượng, trống nhạc trổi lên, tràng phan bảo cái bao quanh, rợp mát cả vùng trời, nhiễu quanh khắp vùng, mới trở về chùa. Ðến giờ ngọ thiết lễ đại trai đàn (thọ trai), sau giờ ngọ mới tập hợp lại làm lễ tùy ý (Tự tứ). Trước hết Bí-sô làm lễ Tự tứ, kế theo là Bí-sô-ni, rồi đến ba chúng dưới. Trường hợp chúng đông, sợ kéo dài thời gian, nên sai nhiều người nhận Tự tứ. Bị người khác cử tội thì như pháp mà trình bày để diệt trừ tội lỗi. Trong khi Tự tứ có tín thí cúng dường, hoặc chúng Tăng cần phân chia phẩm vật, thì đem ra giữa chúng, người đủ năm đức, đến trươùc bậc Thượng tọa thưa rằng:
– Những phẩm vật này được làm vật trong lễ Tự tứ để chia cho chúng Tăng không?
Thượng tọa đáp:
– Ðược.
Những thứ như y phục, dao nhỏ, kim chỉ, bút mực, nhận rồi đem chia đều. Lễ Tự tứ xong rồi, ai về chùa nấy. Người nói lên tội lỗi của mình, ý muốn trình bày tội lỗi của mình, nói những lỗi lầm về trước đã sám hối và dặn lòng về sau không tái phạm. Với tất cả lòng thành khẩn nhận lấy trách nhiệm như vậy, mỗi nửa tháng trong ngày Bố-tát, nhớ lại trong mỗi ngày, những điều tội lỗi của mình phạm. Nếu phạm ở thiên đầu thì không thể sám hối để trị. Phạm vào thiên thứ hai phải đủ 20 vị mới xả tội. Nếu phạm phải những tội nhẹ hơn, tùy theo đó mà sám hối để được thanh tịnh. Vấn đề xử tội phải rành rõ từng thiên một thì tội phạm mới hy vọng diệt trừ. Nếu nói chung vấn đề không rành mạch rõ ràng thì đó là điều không phải luật định vậy.
GHI CHÚ:
Hỏi: Luật Tăng kỳ nói: Sai Tự tứ nhơn (người nhận Tự tứ) không được quá hai người. Ký quy truyện thì cho phép sai nhiều người. Tứ phần và Tăng kỳ, hai bộ luật này đều nói: Từng người một Tự tứ. Luật Ngũ phần thì nói: Trừ tám vị Thượng tọa, còn bao nhiêu thì đồng một tuổi hạ, được phép Tự tứ tập thể. Như vậy nên theo bên nào?
Ðáp: Nếu sai người nhận Tự tứ nhiều quá thì khó
tránh khỏi vấn đề ồn ào náo loạn. Do đó, nên theo luật Tăng kỳ. Còn từng người một Tự tứ thì chúng đông phải kéo dài thời gian. Do đó, nên theo luật Ngũ phần vậy.
X. Y CA-THI-NA[14]
Có chúng Tỳ-kheo an cư, Tự tứ xong, đến yết kiến đức Thế Tôn, giữa đường bị mưa, y phục đều bị ướt. Chúng Tỳ-kheo bị mệt nhọc, vì y Tăng-già-lê quá nặng. Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng:
– An cư xong có 4 việc cần phải làm:
1) Tự tứ.
2) Giải giới.
3) Kiết giới.
4) Thọ y công đức.
GHI CHÚ:
Nếu muốn kiết giới lại, hoặc lớn hơn hay nhỏ hơn, thì phải giải giới cũ rồi mới kiết lại giới mới. Nếu không cần kiết lại thời khỏi phải giải giới cũ vậy, tức là còn hai việc phải làm mà thôi. Hai việc đó là: Tự tứ và thọ y công đức (y Ca-thi-na).
Thọ công đức y rồi, được hưởng năm công đức:
1) Ðược phép chứa y dư – ngoài ba y.
2) Ðược lìa y ngủ.
3) Ăn riêng chúng.
4) Ăn nhiều lần – trong giờ hợp pháp.
5) Trước hay sau bữa ăn, cần vào xóm, khỏi dặn Tỳ-kheo khác.
Thế nào gọi là công đức y được thành tựu?
Nếu được y mới, y Ðàn-việt cúng, y phấn tảo (y do vải lượm may lại thành y).
Hoặc là y mới, hoặc là y cũ. Vật mới thì phải điểm tịnh. Hoặc đã giặt, giặt rồi may là tác tịnh. Y đó không phải do tà mạng mà được, không phải do quanh co mà được, không phải do xem tướng mà được, không phải do gợi ý mà được, y đó không được để cách đêm, không phải y do xả đọa rồi tác tịnh, y đó đem đến cùng ngày là đúng pháp, y đó may viền bốn bên, năm điều thì 10 khoảng cách. Ðiều số nhiều hơn cũng được. Phải tự mình giặt nhuộm, trương ra để may, làm thành pháp y. Thọ trước mặt chúng Tăng. Bạch như thế này:
“Xin Ðại đức Tăng lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng thọ y công đức. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Chúng Tăng hòa hợp thọ y công đức. Ðây là lời tác bạch.”
Sau đó nên hỏi: “Vị nào có thể giữ y công đức?”. Nếu người nào trả lời: “Tôi có thể trì”. Nên Bạch nhị yết-ma để sai. Văn bạch như sau:
“Xin Ðại đức Tăng lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng sai Tỳ-kheo hiệu…. vì Tăng trì y công đức. Ðây là lời tác bạch”.
Vị Yết-ma như pháp tác Yết-ma. Kế tiếp Bạch nhị yết-ma giao y để vị được sai trì (gìn giữ). Văn bạch Yết-ma:
“Xin Ðại đức Tăng lắng nghe! Nơi trú xứ này, được y vật có thể chia, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Tăng đem y này giao cho Tỳ-kheo hiệu…. Tỳ-kheo này nên giữ y này vì Tăng nhận làm y công đức, trì nơi trú xứ này. Ðây là lời tác bạch”.
Vị Yết-ma như pháp tác Yết-ma. Vị Tỳ-kheo trì y nên đứng dậy cầm y, đến nơi vị trí mà các vị Tỳ-kheo vừa đưa tay đụng y, trình bày rõ điều tướng của y, rồi bạch như sau:
“Y này chúng Tăng sẽ thọ y công đức, y này chúng Tăng nay thọ y công đức, y này chúng Tăng đã thọ y công đức rồi”.
Nói như vậy 3 lần. Các thầy Tỳ-kheo nên nói như vầy:
“Người thọ đã khéo thọ. Trong đây được những công đức gì đều có phần của tôi.”
Vị trì y nên trả lời là: “Ðược!”
Như vậy tuần tự cho đến vị Hạ tọa.
Trường hợp được vải chưa thành y, nên giữa Tăng Yết-ma sai một Tỳ-kheo may, may xong, nên như pháp thọ.
Mùa Ðông hết, Tăng nên làm lễ xuất y công đức:
Phương thức xuất y công đức:
Tập Tăng hỏi: – Hòa hợp không? Người chưa thọ đại giới ra khỏi giới trường chưa? Tỳ-kheo không đến phải thuyết dục không? Tăng nay hòa hợp để làm gì?
Vị Duy-na trả lời: – Xuất y công đức.
Văn bạch như vầy:
“Xin Ðại đức Tăng lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng xuất y công đức. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng nay hòa hợp xuất y công đức. Ðây là lời tác bạch.”
Nếu không xuất, quá hạng của y công đức (đến ngày Rằm tháng 12, thì phạm tội Ðột-kiết-la).
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu một người đơn độc thực hiện thì khi nhận vải nên nói: “Ðây là y Ca-thi-na sẽ cắt, nay thọ.” Nói như vậy 3 lần. Khi cắt may nên nói: “Ðây là y Ca-thi-na tôi sẽ thọ.” Khi may, khi giặt (nhuộm), khi điểm, khi đao tịnh[15] cũng nói như trên. Khi tác thành rồi, nên tâm nghĩ miệng nói: “Tôi Tỳ-kheo tên là… thọ y công đức này.” Nói 3 lần.
Có 10 trường hợp xả y Ca-thi-na:
1) Y xong, xả – Khi thọ y nói rằng: “Tôi thọ y xong rồi!” Như thế y Ca-thi-na liền mất hiệu lực đối với người ấy.
2) Khi thọ, xả – Khi thọ y người nào nghĩ rằng thọ y, thì y liền xả.
3) Thời xong, xả – Vị nào nghĩ thời gian cho phép tôi xả, thì y liền xả.
4) Nghe xả – Vị nào nghĩ rằng: nghe hai thầy xả, thì y liền xả.
5) Tống xả – Vị nào nghĩ: y tôi cho người khác rồi, thì y liền xả.
6) Hoại xả – Thọ y Ca-thi-na rồi, thời gian nào
đó nói: Tôi nay xả y, thì y liền xả.
7) Mất xả – Vị nào nghĩ: y đã hư mất không còn nữa, thì y liền xả.
8) Ra khỏi, xả – Vị nào nghĩ: Tôi sẽ ra khỏi chỗ này, thì y liền xả.
9) Thời quá, xả – Rằm tháng 12 chưa xả, 16 tháng 12, y liền xả. Phạm tội Việt tỳ-ni.
10) Hết hạn, xả – Rằm tháng 12 một vị ở trong Tăng xướng để xả[16].
Luật Ngũ phần thuyết minh:
Nếu giặt, nhuộm, ủi may không như pháp, hoặc y bằng gấm vóc, hoặc chưa Tự tứ mà thọ, hoặc tham lợi dưỡng, hay cố ý muốn xả 5 việc đều không thành thọ.
Có 30 ngày để thọ y công đức, cũng có 30 ngày để xả y công đức. Nếu tiền an cư, ngày 16 tháng Bảy thọ, thì đến Rằm tháng Mười Một xả. Nếu 17 tháng Bảy thọ, thì đến 16 tháng Mười Một xả. Cho đến 16 tháng Tám thọ, thì đến Rằm tháng Chạp xả.
Luật Thập tụng nói:
Có 5 hạng Tỳ-kheo không được làm người giữ y Ca-thi-na:
– Người không có tuổi hạ.
– Người phá hạ.
– Người hậu an cư.
– Người bị tẫn.
– Người biệt trụ.
GIẢI THÍCH:
Hỏi: Sau khi Tự tứ, đức Phật cho phép thọ y công đức, cho đến Rằm tháng Chạp thì xả. Thời nay, tạo y công đức, ngày thường đắp mặc, không có thời tiết kỳ hạn chi cả. Lại có chủ thuyết: Một lần dâng luôn cả ba y. Như vậy là đúng hay sai?
Ðáp: Duyên khởi của vấn đề này là nhân sau khi Tăng Tự tứ rồi, mang y đến yết kiến đức Phật, gặp mưa, y bị ướt vất vả, Phật mới cho phép thọ y công đức. Kèm theo có năm điều lợi ích. Thời hạn chót cho phép là hết mùa Ðông, vượt qua thời hạn ấy thì chuốc lấy tội lỗi. Hơn nữa, giữa Tăng xướng thọ, rồi cất kỹ trong rương, vốn không phải là đồ để đắp mặc. Y năm điều, 10 khoảng cách, giống y An-đà-hội, đâu nên dùng để dâng. Kẻ Tăng, người tục lưu truyền thật là lầm lỗi quá đáng!
Hỏi: Luật Ngũ phần cho kẻ hậu an cư đến 16 tháng Tám được thọ y công đức. Còn luật Thập tụng lại không cho Tỳ-kheo hậu an cư làm người giữ y công đức. Như vậy nên theo Bộ luật nào?
Ðáp: Theo luật Tăng kỳ, cho đến chỉ có một người thọ tiền an cư thì cả chúng đều cùng người ấy thọ tiền Tự tứ, nhiên hậu chờ đủ 3 tháng mới ra hạ, nên biết người hậu an cư, tuy đồng tiền an cư Tự tứ, nhưng còn chưa đủ tuổi. Sỡ dĩ không cho làm người giữ y công đức là vậy. Nếu cả chúng đều hậu an cư, thời Rằm tháng Tám, mãn hạ Tự tứ, ngày 16 thọ y Ca-thi-na, thì làm gì có điều lỗi!
TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU
HẾT QUYỂN THỨ MƯỜI HAI
Chú thích:
1 Tứ phần luật 34, phần thứ hai Kiền-độ thọ giới, tr. 803a, Ðại 22n1428.
2 Tứ phần luật 33, phần thứ hai Kiền-độ thọ giới, tr. 800a12, Ðại 22n1428.
3 Yết-ma (1 quyển), tr. 1064a07, Ðại 22n1433.
4 Ðoạn trong ngoặc là của Dịch giả giải thích.
5 Không phải phần thứ tư, ngài Trí Húc dẫn nhầm (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 12, tr. 441a15, Vạn 40n719). Tứ phần luật 34, phần thứ hai Kiền-độ thọ giới, tr. 811a07, Ðại 22n1428.
6 Ngũ phần luật 16, tr. 113a07, Ðại 22n1421.
7 Tứ phần luật 33, phần thứ hai Kiền-độ thọ giới, tr. 801b11, Ðại 22n1428.
8 Tứ phần luật 59, phần thứ tư Tỳ-ni tăng nhất, tr. 1004b10, Ðại 22n1428.
9 Tứ phần luật 59, phần thứ tư Tỳ-ni tăng nhất, tr. 1006b17, Ðại 22n1428.
10 Tứ phần luật 59, tr. 1006c14, Ðại 22n1428.
11 Tứ phần luật 27, phần thứ hai Kiền-độ an cư, tr. 830c05, Ðại 22n1428.
12 Thập tụng 23, tr. 165b11, Ðại 23n1435. Tăng kỳ 27, tr. 451a26, Ðại 22n1425: “…Bấy giờ, A-na-luật, Kim-tì-lô, Bạt-đề an cư tại Tháp sơn. An cư xong trở về thành Xá-vệ thăm đức Phật. Ðức Phật hỏi, biết họ sống im lặng an lạc ba tháng không nói chuyện với nhau. Ðức Phật quở trách: Ðó là việc xấu, giống như oan gia sống với nhau.
13 Tứ phần luật 37, phần thứ hai Kiền-độ tự tứ, tr. 835c, Ðại 22n1428.
14 Tứ phần luật 43, phần thứ ba Kiền-độ y ca-thi-na, tr. 877c, Ðại 22n1428.
15 Tăng kỳ 27, tr. 452a29, Ðại 22n1425: Ðiểm tịnh là chấm ở góc để tác tịnh. Ðao tịnh là dùng dao cắt ba nhát, đứt ba sợi, cách đầu góc tấm vải chừng bốn ngón tay. Ðó gọi là đao tịnh.
16 Tứ phần luật 43, phần thứ ba Kiền-độ y ca-thi-na 878c28, Ðại 22n1428: có tám nhân duyên xả y công đức, ra đi (khứ), y thành (cánh), y chưa thành (bất cánh), mất y (thất), mất hi vọng (đoạn vọng), nghe xả (văn), ra khỏi đại giới (xuất giới), đồng xả (cộng xuất).