TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 27

Tiếp theo tụng thứ tư trong biệt môn sáu: Thyết minh chuyện Ðại Dược.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng pháp vô thượng thần thông biến hóa lợi ích, chiến thắng làm cho các ngoại đạo thối lui đi trốn ở biên phương vì không còn gì để nói. Thấy sự việc như vậy, các Bí-sô đều có nghi ng?, thưa với Thế Tôn:

– Như Lai Ðại sư dùng sức thần thông, đốt đuốc chánh pháp, phá cờ vọng kiến, chiến thắng bọn tà, thành tựu việc hiếm có. Lành thay! Bậc Ðại thánh cao siêu đã thực hiện việc lợi ích lớn như vậy.

Thế Tôn bảo:

– Các ông nên biết! Hiện nay, Ta đã bỏ hẳn ba độc, đủ Nhất Thiết Trí, được đại uy lực, đến bờ giải thoát chứng quả Vô thượng, điều ngự hạng trượng phu làm Thầy của Trời người, làm cho những kẻ kia thối lui, chưa phải kỳ lạ. Vì sao? – Ta nhớ thời quá khứ khi chưa thoát ly dục nhiễm, sân hận, ngu si, sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não, còn đầy cả phiền trược, mà đã chiến thắng Lục-sư và quyến thuộc, làm cho họ không dám đối địch bỏ chạy đến biên phương cho đến tự trầm mình.

– Này các Bí-sô hãy lắng nghe. Thời quá khứ, nước Tỳ Ðề Ê, vua hiệu Thiện Sinh dùng pháp trị nước … nói đủ như các nơi khác. Phu nhân của vua rất xinh đẹp được vua rất sủng ái. Họ có một hoàng tử mà mọi người đều thích chiêm ngưỡng. Nhờ phước lực của hoàng tử, trong nước mưa gió thuận hòa, ngũ cốc phong phú, ăn uống dễ dàng. Sau hai mươi mốt ngày, triệu thân tộc đến làm lễ đặt tên, nhà vua suy nghĩ: “Con ta sinh ra, sự ăn uống dễ dàng vậy nên đặt tên nó là Túc ẩm thực (ăn uống đủ) và giao cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng đúng pháp.

Khi lớn khôn, hoàng tử thông thạo các kỹ thuật nghề nghiệp, dũng mãnh, trung hậu không ai hơn được.

Ỷ vào tài nghệ của con mình, đại phu nhân rất kiêu mạn, thường không tuân theo lệnh vua. Vì thế, vua có dáng buồn bã. Các đại thần thấy vua không vui, tâu:

– Hình như đại vương có tâm sự ưu tư?

Sau khi nghe vua nói rõ việc này, đại thần tâu vua:

– Nếu vậy, sao không cưới thêm người nhu hòa hiền đức làm cho đại phu nhân dần dần cũng hòa thuận theo.

Vua nói:

– Cưới ở đâu?

Ðáp:

– Nên cưới vương nữ ở nước láng giềng.

Vua nói:

– Họ vốn có hiềm khích, làm sao cưới được?

Ðáp:

– B?ng phương pháp khéo léo gây thân cận với họ. Ðại vương hãy an tâm để thần đi quan sát.

Sau khi đến gặp quốc vương nước lân cận, đại thần xin cầu hôn. Nghe tâu, vua bảo đại thần:

– Muốn tính việc hôn nhân, trước phải cam kết không trái lời. Nếu con ta sinh trai phải lập làm tự quân (sẽ thừa kế ngôi vua), ta sẽ gả cho.

Ðáp:

– Xin phục tùng lệnh vua.

Vua bảo:

– Khanh hãy về nước, báo cho vua biết, nếu đồng ý cam kết sẽ trở lại đây.

Ðáp:

– Tính việc lập thái tử cho đất nước đều do đại thần, đã nói thành thật, nào dám hai lời.

Sau khi nghe đại thần báo tin, nhà vua tổ chức lễ cưới, tâm tình rất tương đắc với vương nữ.

Vua nói:

– Nàng rất hòa nhã nhu thuận vậy muốn cầu điều gì?

Vương nữ chắp tay thưa:

– Ðược đại vương ban ân, thiếp xin cho điều ước nguyện nếu sinh con trai thì được lập làm tự quân.

Nghe xin như vậy, vua sinh ưu buồn không đáp ngay vì nghĩ rằng nếu ta chấp nhận lời xin này thì vương tử dũng mãnh trung lương tài giỏi, tướng mạo tuấn tú không ai sánh được, sao lại bị phế bỏ để lập người khác; thật khó xử không biết theo ai.

Xem thần sắc, biết vua có điều ưu tư, đại thần tâu vua:

– Vì sao ngài có dáng buồn rầu?

Nghe vua kể lại sự việc, đại thần tâu:

– Việc này chẳng đáng lo. Trước đây khi cầu hôn, thần đã cam kết, nay nên tùy theo ý muốn của bà ấy chớ làm buồn lòng. Chẳng biết phu nhân có phải là thạch nữ hay không, giả như có sinh cũng chưa xác định trai hay gái, vua nên thuận theo.

Vua bảo phu nhân:

– Ta chìu theo ý nàng.

Sau đó không bao lâu, phu nhân sinh một trai tuấn tú dị thường. Sau 21 ngày, khi làm lễ đặt tên, thân tộc bàn bạc nên đặt đứa bé này tên gì. Vua nói:

– Ðứa bé này chưa sinh đã cầu vương vị, nên đặt tên là Cầu Vương.

Ðứa bé được giao cho tám bà nhũ mẫu phục vụ. Khi đã lớn khôn nhưng vua vẫn chưa tính chuyện lập tự quân. Nghi ngờ nhà vua bội tín, Phụ vương phu nhân sai sứ đến nhắc: trước đây có cam kết con ta sinh trai được lập làm tự quân, nay đã đúng lúc xin giữ lời hứa. Nếu không giữ lời, ta sẽ thống lĩnh bốn loại binh đến hỏi tội.

Nghe nói, kinh sợ không biết tính kế gì, vua rất ưu sầu. Thấy vậy, đại thần hỏi:

– Vì sao đại vương có sắc buồn?

Sau khi nghe vua nói, đại thần tâu:

– Ðại vương, không còn kế nào khác, nên lập Cầu Vương làm thái tử, trừ khử vương tử Túc Thực.

Vua nói:

– Không nên nói việc phi pháp như vậy. Ta đã từng nghe con giết cha chứ chưa nghe cha giết con. Ta không thể làm việc bất nhân này.

Thần nói:

– Nếu không giết thì gây tàn hại.

Vua nói:

– Tàn hại khác gì giết chết!

Ðáp:

– Nếu không như vậy thì đuổi đi xa.

Vua nói:

– Người lành vô tội, việc gì bị đuổi đi?

Ðáp:

– Muốn tìm lỗi họ nào có khó gì, nhưng đại vương tạm lập vương tử làm tự quân, thái tử Túc Thực tự biết xử trí.

Bấy giờ, nhà vua chọn ngày tốt, lập Cầu Vvương làm thái tử. Biết ra, Túc Thực suy nghĩ: “Phụ vương đã bỏ ta, ở đây chắc bị giết”. Ðến gặp mẹ, Túc Thực trình bày ý này:

– Con muốn đến nước Bán Giá La để bảo tồn tính mệnh.

Nghe như vậy, như tên bắn vào tim, mẹ nhào đến ôm cổ con kinh hòang khóc lóc, nói kệ bảo con:

Con thường nằm ngồi trên nệm cao,
Thân mặc y phục đẹp thêu hoa,
Làm sao cô độc qua nước khác,
Nằm đất, áo xấu sống sao nổi.
Ngủ thức, con luôn luôn an ổn,
Cung mát, điện đẹp du ngoạn khắp,
Làm sao chịu nóng lạnh đói khát!
Phong sương tân khổ nơi hoang vắng.
Cỡi voi đi ngựa ở vương cung,
Cao lương mỹ vị ăn tùy thích,
Y phục thượng hạng ngăn nóng lạnh,
Vì sao vứt bỏ, đến rừng hoang,
Trống nhạc đàn ca luôn hòa tấu,
Làm cho người nghe sướng tinh thần,
Mọi người kính ngưỡng theo hầu hạ,
Lòng con buồn rầu muốn đi đâu?

Vương tử đáp:

Ai hưởng an lạc mãi?
Ai chịu gian khổ mãi?
Ách nạn ai cũng có,
Thua thế phải tùy thuộc,
Hết khổ sẽ được vui,
Như sao trời xoay chuyển,
Hội họp sinh ưu khổ,
Thế pháp là như vậy.

Sau khi dùng lời lẽ đau khổ như thế thưa với mẹ, vương tử từ biệt mẹ đi đến nước Bán Giá La. Sắp đến nước ấy, bị đói khát, vương tử nghỉ dưới gốc cây ven đường, nhìn bốn phương không biết tính sao nên nằm ngủ quên.

Nhân đi qua đó, đại thần nước Bán Gia La thấy hình dáng vương tử uy nghi khác thường nên đứng lại hồi lâu, gọi dậy hỏi:

– Người là ai, con nhà ai?

Ðáp:

– Tôi là Túc Ẩm Thực con vua nước Ty Đề Ê.

Hỏi:

– Vì sao đến đây?

Sau khi nghe vương tử trình bày lại sự việc, cận thần biết rõ nên đưa đến gặp vua, tâu:

– Ðại vương, đây là vương tử của Thiện Sinh tên là Túc Ẩm Thực. Do cha lập nhỏ bỏ lớn nên vương tử chạy đến đây.

Ðược nhà vua hỏi, vương tử kể lại sự việc. Nghe xong, nhà vua vui buồn lẫn lộn, hoan hỷ an ủi, ban đất đai và gả con cho.

Không bao lâu họ sinh một trai, dung mạo khả ái, ai cũng khen ngợi. Trong ngày sinh cả vương quốc ăn uống rất dễ dàng. Họ mời thân thuộc đến đặt tên. Ðây là dòng dõi của vương tử Túc Thực, vừa sinh ra, ăn uống nhiều vậy nên đặt tên đứa bé là Ða Túc Thực. Em bé được vua giao cho tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng, lớn lên tài nghệ song toàn.

Chẳng may, vương tử Túc Thực qua đời. Người vợ thương nhớ đau buồn vô cùng. Thấy vậy, vua suy nghĩ: bản tính phụ nữ luôn nghĩ đến chồng. Ta hãy cải giá vương nữ cho đại thần và cho cháu đi theo.

Sau khi đến nhà kia, vương nữ thỏa mãn vừa ý nên không buồn nữa.

Gần nhà đại thần, có con gà ngủ trên cây. Thấy vậy, tướng sư nói:

– Người nào ăn thịt gà này sẽ được làm vua.

Nghe nói, không hỏi rõ với tướng sư, đại thần giết gà ấy, bảo vợ:

– Nàng hãy làm thức ăn, đợi ta ở triều về.

Khi phu nhân nấu chín gà, Ða Túc Thực từ trường về, không thâùy mẹ, đang đói bụng thấy nồi đang sôi, với ý nghĩ mẹ ta chưa về, hãy xem trong nồi có gì ăn không, thấy đầu gà liền bẻ ra ăn tạm. Khi về đến, mẹ hỏi:

– Con ăn chưa?

Nghe con nói vừa ăn đầu gà, mẹ cho ăn no rồi bảo đến trường.

Về đến nhà, đại thần bảo dọn ăn. Sau khi phu nhân dọn lên, thấy gà không có đầu, đại thần hỏi tại sao.

Phu nhân đáp:

– Con đã ăn rồi.

Ăn hết thịt được làm vua hay ăn một phần ít cũng được. Với suy nghĩ như thế, đại thần sinh ra nghi ngờ, đi ra đường hỏi tướng sư: trước đây, ngài dự đoán ai ăn thịt gà ấy sẽ được làm vua là ăn hêùt hay ăn một ít cũng được?

Ðáp:

– Không cần hết, ăn đầu thì được. Nếu có người đã ăn đầu gà, giết người ấy lấy đầu ăn cũng được làm vua.

Nghe xong, đại thần suy nghĩ: nên giết đứa bé này lấy đầu ăn nhưng mẹ nó không biết thì thật khó làm.Vậy trước phải hỏi ý mẹ nó như thế nào?

Sau đó, nhân nói chuyện, đại thần hỏi đùa phu nhân:

– Giữa chồng và con, nàng muốn ai làm vua?

Nghe nói, người vợ sinh nghi ngờ nên suy nghĩ: “Nếu ta nói muốn con làm vua thì người này sẽ bỏ ta, vậy phải nói thuận theo hắn”. Nghĩ vậy, vợ nói:

– Chỉ muốn chồng làm vua.

Người vợ thông minh tài trí nên dự đoán:

– Ðại thần này vì cái đầu gà nên muốn giết con ta, trong lúc này ta phải đề phòng, nên tính kế trước chớ để người thân bị nguy hiểm.

Tại chỗ vắng, bà ta bảo con:

– Con ăn đầu gà nên cha muốn giết, hãy bỏ nước này đi đến nước Ty Ðề Ê. Ðó là nơi quê hương tổ tông của con, thân nhân quyến thuộc đều còn ở đó. Nếu con đến nơi, tất hưởng thọ an lạc.

Nghe dạy, con cố gắng tuân lời, từ giả mẹ đi Ty Ðề Ê, khi sắp đến nơi, đói quá nằm ngủ dưới gốc cây.

Bấy giờ, bị bệnh nặng, vua Cầu Sinh qua đời. Theo luật pháp trong nước quy định từ xưa, nếu chưa lập vua mới thì xe tang vua cũ không được đi. Vua không có con, không biết lập ai, các quan cùng nhau bàn bạc: “Ai có thể làm vua, chúng ta sẽ tôn lên”.

Các quan thấy một trượng phu kỳ vĩ dị thường hiếm có trong đời dưới bóng cây. Mặt trời tuy chếch qua nhưng bóng cây không nghiêng, mọi người trông thấy đều thán phục: Người đàn ông này tướng mạo xinh đẹp, không ai hơn được, bóng cây cố che lại, chắc chắn là bậc phi phàm, hãy gọi thức dậy. Bị đánh thức, vị này hỏi:

– Vì sao gọi tôi dậy?

Ðáp:

– Ngài xứng đáng làm vua nên gọi dậy.

Nói:

– Phép tắc gọi vua dậy nào phải như vậy!

Mọi người hỏi:

– Phép ấy như thế nào?

Ðáp:

– Trước hết tấu âm nhạc từ từ làm cho thức giấc.

Nghe nói, quần thần suy nghĩ: “Ðây không phải con nhà nghèo, chắc chắn xuất thân từ nhà cao sang”.

Họ cùng nhau hỏi:

– Ngài ở đâu là con nhà ai?

Tuy tuổi vừa 20 nhưng vương tử đã tráng kiện như sư tử vương, giọng nói trong vút, tự thuật về tổ tông cho mọi người biết:

– Tiên vương của tôi là Thiện Sinh, con ngài hiệu Túc Ẩm Thực, tôi là con của người. Sáu vị đại thần nghe nói đều vui mừng nói rằng chúng ta lại được vua cũ. Họ tổ chức nghi lễ, âm nhạc đầy đủ, người xe đông đảo đưa vương tử vào thành làm lễ quán đảnh lên ngôi trị vì trăm họ, trước đây tên Ða Túc Thực nay đổi là Toại Ẩn; do tông tộc được hưng thịnh trở lại nên lấy hiệu là Trùng Hưng.

Còn nhỏ tuổi nên vua bị quần thần xem thường ít khi thi hành mệnh lệnh. Vào ngày rảnh rỗi, nhà vua ra khỏi thành du ngoạn, thăm hỏi dân chúng trong các làng xóm, những phòng ấp này thuộc quyền của ai. Họ đáp đều là sở hữu của đại thần …

Vua suy nghĩ: “Thành phố xóm lành đều thuộc đại thần. Tuy là vua, ta chỉ có cung điện và ăn uống, không có tài sản nào của quốc gia cả. Nếu họ làm trái hiến pháp thì làm sao đây?”.

Biết ý nghĩ của vua, một thiên thần trên không trung nói:

– Vua không nên buồn, trong nước này có một thành phố tên là Mãn Tài. Trong thành có một người tên Viên Mãn, sẽ sinh con trai tên Ðại Dược. Sau khi Ðại Dược được dùng sẽ lo liệu cho vua, lâm sự xử đoán ai cũng tuân phục, vua rất khoái lạc thảnh thơi an tâm.

Khi ấy, vua sai sứ đến thành Mãn Tài, tìm hiểu có Viên Mãn hay không. Nếu có người ấy thì xem vợ ông ta có thai hay không.

Vâng lệnh, sứ giả đến thành kia tìm hiểu, gặp được chồng và biết vợ có thai nên về tâu lại:

– Việc này có thật, vợ ông ta đang có thai.

Nghe xong, vua bảo sứ giả Triệu Mãn Tài đến, khéo dùng lời phủ dụ, ban cho thành này và bảo:

– Vợ khanh có thai hãy nuôi dưỡng bảo hộ kỹ chớ để bị tổn thương.

Ðủ ngày tháng, bà ấy sinh một bé trai hình dáng xinh đẹp không ai sánh được. Sau 21 ngày muốn đặt tên, thân tộc họp lại bàn nhau, không biết nên đặt tên cháu là gì?

Người mẹ nói:

– Tôi vốn bị bệnh sởi, hỏi khắp các thầy thuốc, tuy cho uống đủ các loại dược liệu nhưng không thuyên giảm, khi mang thai đứa con này, bệnh ấy không còn, vậy nên đặt tên nó là Ðạ Dại Dược.

Người mẹ nói kệ:

Chữa trị các bệnh hoạn,
Ðại Dược là hơn hết,
Ðây là thuốc hay nhất,
Nên đặt tên Ðại Dược.

Một hôm, người cha cõng Ðại Dược đến ao để tắm, trên đường thấy xương cá cho là bảo châu nên lấy chân đá lật lên. Ðại Dược nói kệ:

Thấy xương cá dưới đất,
Tưởng bảo châu, đá lên,
Việc mình không chịu làm,
Ráng tìm báu người rơi.
Xương cá của người vứt,
Ðó chẳng phải bảo châu,
Nào phải Tỳ Sa-môn,
Mà vứt ngọc ngoài đường.

Ðến ao, để Ðại Dược trên bờ, người cha cởi y phục đi xuống nước, thấy cò trắng đậu trên lá sen, nghĩ rằng hãy bắt chim này. Thấy ông ta tiến sắp tới nơi, chim bay lên cao. Ðại Dược nói kệ:

Chim đậu trên lá sen,
Thấy cha liền bay cao,
Không nên đến gần trước,
Ðể bắt sinh mạng họ.

Hôm khác, cõng Ðại Dược đến sông Căng Già để tắm. Ðến nơi, để con trên bờ, cởi y phục đi xuống nước, thấy bát lớn bằng đồng từ phía Ðông trôi xuống, có chim Bạch Nga đậu ở trên, cha quái lạ không biết vật gì, nhìn lên hỏi con. Ðại Dược đáp:

Căng Già chảy về đông,
Bát đồng trôi theo giòng,
Bạch Nga đậu ở trên,
Vật lạ gì mà trông!

Hôm khác, cha đi tắm mang Ðại Dược theo để trên bờ như trước. Có bình rửa lớn và cỏ trôi nổi theo giòng nước, chim đậu ở trên, Ðại Dược nói kệ với cha như trước.

Khi Ðại Dược vừa tuổi thiếu niên cùng các mục đồng du ngoạn một nơi. Chúng bàn nhau: “Bọn ta không có chúa, nên tôn Ðại Dược làm vua”.

Sau khi được tôn lên, Ðại Dược chọn những đồng tử khác làm phụ tá. Từ đó về sau, bè đảng ngày càng đông.

Bà-la-môn nọ cưới được vợ trẻ. Trên đường đi đến làng xóm khác, ông ta đi đến một rừng thưa để đại tiện. Một người to lớn đến hỏi người vợ:

– Người ấy là cha hay ông của cô?

Ðáp:

– Không phải cha hay ông mà là chồng tôi.

Người to lớn nói:

– Cô không biết xấu hổ với bạn bè, trên đời này rất nhiều đàn ông tuấn tú, không thấy hay sao mà lại theo lão Bà-la-môn già ấy? Cô em xinh đẹp như hoa lại làm cho uổng phí đi, hãy bỏ lão ấy để làm vợ anh. Nếu lão già ấy đến tranh giành, giữa mọi người, cô hãy gọi anh là chồng.

Nghe theo lời, cô vợ liền đi theo người to lớn.

Sau khi đến ao rửa xong, tìm vợ không thấy, Bà-la-môn lên chổ cao nhìn kiếm khắp nơi, thấy họ dắt nhau đi nên vội chạy theo, đến nơi nắm lấy một tay vợ kéo lại. Người to lớn kia cũng lôi một tay.

Bà-la-môn nói:

– Ngươi trộm vợ của ta.

Kẻ kia nói:

– Ta xin thề đây là vợ ta, hoàn toàn không phải vợ ông.

Hai bên lôi kéo cãi lẫy nhau. Người kia trẻ khỏe nên kéo cô gái về phía mình. Tự biết sức yếu, mong có người giúp đỡ, đến nơi đồng trống Bà-la-môn kêu to:

– Giặc cướp vợ tôi.

Ðang chơi ở trong rừng trống, nghe tiếng kêu mất vợ của người kia, các đồng tử thưa với Ðại Dược:

– Ngài đã xưng vương, có tiếng kêu mất vợ là việc trái đạo lý, sao lại không cứu họ?

Nghe xong, Ðại Dược bảo các đồng tử giữ ba người lại hỏi vừa rồi tranh nhau chuyện gì.

Bà-la-môn đáp:

– Tôi già cả không có sức bị giặc cướp vợ.

Giặc nói:

– Người này nói dối, thật sự là vợ tôi.

Ðại Dược hỏi cô gái:

– Ai là chồng chị?

Cô ta chỉ tên giặc, bảo là chồng mình. Thấy ông Bà-la-môn đấm ngực đau buồn cào cấu dưới đất, Ð?i-dược muốn kiểm tra sự hư thật, hỏi thiếu niên:

– Người dẫn vợ từ đâu đến đây?

Ðáp:

– Từ nhà vợ đến đây.

Hỏi:

– Ăn uống gì?

Ðáp:

– Ăn canh thịt, cơm và rượu.

– Nếu vậy cho ta xem thức ăn để rõ hư thật.

Ðại Dược nói xong lấy tay chọc vào miệng người kia chỉ có nước miếng trào ra chứ không có vật gì cả.

Hỏi Bà-la-môn:

– Ông từ đâu đến đây?

Ðáp:

– Từ nhà vợ đến đây.

Hỏi:

– Ðã ăn gì?

Ðáp:

– Sữa chua và bánh thêm bột phục linh.

Nghe bảo hãy mửa ra, ông lão liền mửa ra đúng như lời nói.

Thấy vậy, Ðại Dược biết tên trẻ là giặc cướp vợ ông già nên đánh hắn nhiều gậy, đào đất chôn đến tận cổ, lấy mật công viết trên trán: “Những kẻ cướp vợ hãy xem đây để liệu tội”.

Như vậy, lần lượt có đến năm trăm tên trộm bò dê bị xử trị như vậy.

Bấy giờ, thành phố làng xóm trong nước đều bị sáu đại thần khống chế nên vua Trùng Hưng suy nghĩ: “Ta đang thế kém phải làm sao đây?”.

Nhớ đến Ðại Dược, muốn gặp nhau nên không bảo các quan, Vua tự dẫn quân đi đến thành Mãn Tài, để thăm cậu ta. Ngang qua nơi hiểm trở nghe có tiếng kêu lớn, nhìn khắp nơi không thấy có người, tả hữu của vua đi tìm chung quanh thấy năm trăm tên giặc bị chôn sống ló đầu lên, báo cho vua biết, đọc trên trán có chữ ghi là giặc.

Thấy vậy, vua hỏi:

– Ai gây khổ cho ngươi vậy?

Mọi người đáp:

– Ðây là đồng tử Ðại Dược làm theo đúng pháp, không phạt kẻ vô tội.

Vua khen tốt nhưng sinh tâm từ mẫn nên tha cho họ.

Nghe vua đem quân đến, Ð?i Dược cùng các đồng tử ai về chỗ nấy.

Trong thành Mãn Tài nghe vua sắp đến, dân chúng đều bày biện những vật tốt đẹp, mang bình vàng đựng nước và cờ lọng tràng phan ra khỏi thành nghênh đón. Sau khi ủy lạo, vua hỏi:

– Con của Viên Mãn tên là Ðại Dược hãy mau đến đây.

Cha tâu vua:

– Ðồng tử còn nhỏ chưa thể phụng mệnh.

Vua lại bảo:

– Cứ gọi đến đây.

Khi người cha dẫn lại, vua thấy đồng tử tướng mạo uy nghi tuấn tú lại có tài dũng lược nhưng vì còn nhỏ tuổi không thể giao phó công việc nên giao lại cho cha, kéo quân trở về thành.

Về đến thành, vua suy nghĩ: “Ta nên thí nghiệm tài trí mưu lược của đồng tử Ðại Dược”.

Vua sai sứ đến bảo Viên Mãn:

– Dùng cát vàng bện thành sợi dây dài một trăm khuỷu tay, mau đem lại đây.

Nghe sắc lệnh, Viên Mãn rất sợ hãi buồn bã vô cùng, mãi suy nghĩ lo lắng: “Từ xưa đến nay ta chưa từng nghe thấy sự việc lấy cát bện thành dây như vậy”.

Thấy cha buồn lo, Ðại Dược hỏi:

– Vì sao cha có sắc buồn?

Ðáp:

– Vua bảo cha làm sợi dây bằng cát dài một trăm khuỷu tay, cha chưa từng nghe sự việc như thế này, chắc là dùng cách này gây tội cho ta.

Ðại Dược hỏi:

– Sứ giả ở đâu cho con gặp để gửi lời về tâu với vua.

Khi cha bảo sứ giả đến, Ð?i Dược bảo sứ giả:

– Xin ngài giúp tôi tâu lên vua rằng tiểu thần quê mùa nên kiêùn văn thiển cận, lại không có mưu trí mong đoán được ý trời, không biết đại vương cần loại dây màu gì. Ngài ở đế đô nhiều người tài giỏi, xin ban cho một đoạn để làm mẫu. Chẳng phải đoạn ngắn trăm khuỷu mà đến ngàn tầm cũng làm xong.

Về triều, sứ giả tâu lại vua sự việc ấy. Vua hỏi:

– Ðấy là lời nói của con hay cha?

Ðáp:

– Là lời của Ðại Dược.

Nghe xong, vua rất thán phục, nhớ lại lời nói của Thiên thần, nếu chính là sự thật, sẽ làm cho vua giành lại uy quyền bá vương trong nước.

Sau đó, vua lại sai sứ đến thành kia, bảo họ nấu cơm đem lại nhưng với điều kiện bằng gạo không được giả trong cối, không được một hạt bể, không được nấu trong nhà hay ngoài trời, khi nấu chẳng được bằng lửa hay khác lửa, khi đem cơm đến không đi trên đường hay chẳng phải đường, không đi bộ cũng không đi ngựa, không được thấy mặt trời cũng không chỗ bóng tối; người mang cơm chẳng phải nam hay nữ.

Mang lệnh vua, sứ giả đến thành Mãn Tài, sau khi thăm hỏi xong, đem lệnh vua ra báo cho Viên Mãn biết.

Nghe báo, ông ta rất kinh hoàng lo buồn. Thấy cha buồn, Ðại Dược thưa:

– Vì sao cha có dáng buồn lo vậy?

Sau khi nghe cha nói, Ðại Dược thưa:

– Việc này không đáng lo, con sẽ làm chu toàn.

Ðại Dược đem lúa nếp ra, tập họp nhiều người dùng ngón tay bóc từng vỏ trấu nên gạo không bị nát. Khi đã có gạo, liền tìm chỗ nấu, bố trí nồi nấu ngay tại bên hiên ngoài cửa, ánh nắng gắt ở trên, dùng lửa đốt bên cạnh lấy nhiệt độ. Sau khi cơm chín, đến giờ mang cơm đi bảo sứ giả rằng đi một chân trên đường, một chân bên lề, đặt bồn cơm trên đầu che bằng dù lọng chẳng nắng chẳng tối, một chân mang giày, một chân đi trần, đây là chẳng phải đi chân không cũng chẳng phải đi xe, dùng người bị hoạn mang đi là phi nam phi nữ.

Mang cơm đến dâng lên, vua hỏi sứ giả, họ đáp lại đầy đủ, vua rất vui mừng hỏi:

– Ai bày ra vậy?

Ðáp:

– Ðại Dược.

Vua rất kinh ngạc bảo với sứ giả:

– Ðại Dược có mưu lược sâu xa, có trí tuệ lớn, thông thạo các phương pháp, xem sách lược của cậu ta, thật có tài giúp đỡ vua.

Sau đó, vua lại sai sứ giả đến bảo với Viên Mõãn:

– Ta cần khu vườn đủ các rừng ao hoa trái xum xuê, hãy mau đem lại.

Sau khi sứ giả đến ra lệnh của vua, Viên Mãn lo buồn vì việc không làm được, khu vườn là vật vô tri không thể di chuyển, muốn đem đi làm sao được.

Ðại Dược thấy cha buồn nên hỏi đáp như trước. Cha nói:

– Làm sao không buồn, vua đòi vườn ao, làm sao đem đi!

Ðại Dược nói:

– Cha không cần lo, con sẽ làm hết cho vua vui mừng.

Cậu ta bảo sứ giả:

– Ðã nhận lệnh vua nào dám không thi hành, nhưng ở xứ này vườn ao từ lâu đã quen thói hoang dã, hoàn toàn không biết nghi thức tới lui, nếu đến thành đô sợ có khinh suất. Cúi mong đại vương ban cho một vườn nhỏ tạm đến hướng dẫn để đi theo sau thì việc này mới thành.

Về triều, nghe sứ giả tâu lại đầy đủ, vua hỏi:

– Ðấy là lời của ai?

Ðược sứ cho biết Ðại Dược, vua rất kinh ngạc bội phục cho là kỳ lạ.

Sau đó, vua sai sứ đem đến giao năm trăm bò đực cho Viên Mãn nuôi để cung cấp sữa bơ cho vua, không được thiếu sót. Nghe sứ đến ra lệnh, ông ta rất lo buồn. Thấy cha như vậy, Ðại Dược hỏi đáp như trước.

Cha đáp:

– Làm sao không buồn, vua đưa bò đực đến để lấy sữa bơ để cấp cho ngài, không đúng chỗ làm sao có được. Nếu không tuân lệnh vua tất bị tội nặng.

Ðại Dược:

– Xin cha chớ lo, để con nghĩ kế làm cho vua đồng ý không thu sữa bơ.

Gọi hai cha con người kia đến, Ðại Dược bày bảo:

– Người đến thành đô, theo dõi thời gian khi vua ra ngoài, đến nơi cách đó không xa lấy bát gỗ lớn độn vào bụng cha, che quần lên trên, lăn lộn dưới đất rên rỉ còn người lấy hương hoa cầu khẩn chư Thiên khắp mười phương xin hộ trì cho cha ngươi được sinh an ổn.

Sau khi nghe dạy, hai cha con cùng nhau đến đô thành, thấy vua sắp đi ra, liền đến nơi gần đó lần lượt làm theo lời dặn. Người con khóc lóc cầu khẩn chư Thiên:

– Xin các ngài từ bi làm cho cha của con được sinh an ổn.

Nghe lời như vậy, vua sai sứ đến hỏi vì sao nói thế. Ðến nơi, thấy một người lăn lộn dưới đất, bụng phình to, kêu la rên rỉ, người con đang dâng hương hoa cầu khẩn chư thiên, sứ giả hỏi:

– Ngươi làm gì vậy?

Ðáp:

– Vì cha tôi sắp sinh, đau đớn kêu la, nên tôi cầu khẩn chư Thiên ủng hộ.

Nghe sứ về báo lại, vua gọi cha con lại hỏi làm việc gì. Người con đáp rằng:

– Cha tôi muốn sinh nhưng không được nên rên la.

Nghe nói, vua cười nói:

– Ta chưa từng nghe đàn ông sinh con.

Người con nói:

– Ðúng như vua nói, ngài biết đàn ông không thể sinh sản vậy vì sao giao năm trăm bò đực cho Viên Mãn để cung cấp sữa bơ? Có khi nào ngài nghe bò đực sinh con không; đã không sinh con, làm sao có sữa bơ?

Vua cười hỏi:

– Kế này của ai vậy?

Nghe sứ giả nói của Ðại Dược, vua thán phục trí của cậu ta.

Sau đó, vua cùng đại thần bàn luận: “Ðại Dược nhiều trí, ít người sánh bằng, nên dùng việc khác để thử xem tinh thần của cậu ấy bằng cách giao cho Viên-mãn một con la để nuôi giữ nhưng không được cột, không nhốt trong chuồng, không để đói cỏ mà thả tự do”.

Ðến thành kia, sứ giả giao La cho Viên Mãn, nói rõ lời của vua:

– Ông hãy nuôi dưỡng kỹ đừng cho chạy mất, nếu không y lệnh sẽ trị tội.

Nghe lệnh, Viên mãn đau đớn như tên bắn vào tim, suy nghĩ: việc khó thế này, trời không làm được huống chi con người.

Thấy vậy, Ðại Dược hỏi cha và đáp như trước: cha đừng lo, con sẽ làm hết.

Ban ngày, Ðại Dược thả chăn La trong ruộng, ban đêm lùa vào nhà. Nơi trống trải xa rộng không có cột dây, việc này thật khó làm. Ðại Dược sai hai mươi người trông coi đến giữa đêm. Mỗi nhóm năm ngươì phối hợp nhau giữ dưới chân, một người cỡi lên, cùng nhau nắm giữ luân phiên trở lại. Sau khi theo lệnh vua âm thầm theo dõi xem chăn giữ như thế nào, sứ giả tâu lại sự việc. Vua nói:

– Nếu như vậy, con La không có đường chạy thoát, làm sao bắt tội?

Ðại thần nói:

– Nên ra lệnh người biết cỡi, vào đêm khuya khi ngủ, lén cỡi la đi không cho ai biết.

Bị họ làm theo lời dặn, vào sáng mai, những người canh giữ báo cho Viên Mãn biết con La đã mất. Nghe như vậy, vì sợ mất mạng nên ông ta bị sợ hãi thiêu đốt trong lòng. Biết như vậy, sau khi suy nghĩ: như để chậm rãi mới tính kế được, gặp việc quá gấp trong lòng cũng bị trở ngại, Ðại Dược thưa cha:

– Có một kế này nhưng làm hơi khó, nếu cha chịu đựng được sự mắc cở thì hy vọng thoát tội.

Cha nói:

– Chỉ mong thoát chết, chứ không từ chối việc gì cả.

Ðại Dược liền cạo tóc cha thành bảy đường rồi lấy màu sắc xanh vàng đỏ trắng bôi trên thân, cỡi trên một con lừa đi đến đô thành, rao to rằng Ðại Dược đang cùng cha đi đến, cạo tóc trang sức hình dáng thật là kỳ dị.

Nghe rao như vậy, vua và đại thần cùng nhau bàn luận:

– Ðại Dược từ xa đến thật tốt, nhưng làm nhục cha mình thì vi phạm hiến pháp.

Vua cùng mọi người kéo nhau ra ngoài thành đón Ðại Dược để xem hành động hư thật. Ðến nơi, họ thấy đúng là sự thật.

Bấy giờ, đại thần tâu vua:

– Vì sao trước đây đại vương tuyên bố rằng Ðại Dược thông minh mưu trí hơn người nhưng xem hành động này thật đê tiện làm sao!

Vua hỏi Ðại Dược:

– Vì sao ngươi làm cho cha bị hủy nhục đến thế?

Ðáp:

– Ðại vương, thần cho là vinh chứ không biết đó là nhục. Thần có nhiều trí tuệ tài giỏi, nên lấy việc này dâng cho cha.

Vua hỏi:

– Trí của ngươi và cha, ai hơn thua?

Ðáp:

– Thần hơn.

Vua nói:

– Ta chưa từng nghe con hơn cha. Con do cha sinh ra, nuôi dưỡng lao nhọc, do đó nên nói cha hơn con.

Ðại Dược tâu:

– Xin vua xét kỹ cha với con, ai hiền hơn?

Vua và đại thần đều nói:

– Cha hiền hơn.

Ðại Dược ra trước quỳ lạy tâu:

– Trước đây, ngài sai chăn con La nay đã chạy mất. Con lừa này là cha con La, theo lý thì nó hơn con La. Xin vua nhận lấy đừng trách phạt nữa.

Nghe nói như vậy, vua và đại thần thán phục mưu kế hiếm có trên đời. Rất vui mừng, nhà vua tổ chức lễ lớn phong làm đại thần. Tất cả việc nước đều giao cho quyết đoán, tiếng tăm ngày càng vang dậy, xét rõ nhiều việc, xa gần tin tưởng, ai cũng ca ngợi.

Có Bà-la-môn nọ sớm thông luận thư, vì lấy vợ nên chi dụng quá nhiều tài sản. Ngay sau đó, người này suy nghĩ: “Ta vì cưới vợ tốn kém quá nhiều làm cho tài sản trong nhà không còn gì, đang bị nghèo túng, làm sao sinh sống”.

Ông ta đi đến nơi khác làm nghề huyễn thuật kiếm được năm trăm tiền vàng nên mang về nhà. Ðến gần làng, ông ta suy nghĩ: vợ ta trẻ tuổi xinh đẹp, xa nhau đã lâu, trong nhà không có đàn ông, sẽ mặc tình hành động, chẳng biết tâm của nó có đáng tin hay không. Số tiền vàng này, ta không nên mang về.

Vào lúc hoàng hôn, ông ta đi vào rừng vắng, đào lỗ chôn số tiền này dưới gốc cây Ða Căn rồi trở về nhà cũ.

Trước đây, người vợ đã tư thông với người ngoài tên Thiện Thính (nghe rõ) nên đêm ấy dọn thức ăn ngon để sau khi dùng xong ở lại với nhau.

Ðến nhà, Bà-la-môn gõ cửa kêu. Người vợ hỏi ra:

– Ai đó?

Ðáp:

– Tôi là …

Nghe báo tên, vợ vội dấu Thiện Thính dưới gầm giường rồi ra mở cửa, giả bộ vui mừng đưa chồng vào phòng, dọn thức ăn còn lại làm cho no nê.

Sau khi ăn, chồng suy nghĩ: “Hay là con này tư thông cùng người ngoài, vì sao ban đêm lại có thức ăn ngon thế này”.

Vốn trực tính, người chồng hỏi:

– Hiền thủ! Hôm nay không phải ngày tốt cũng không phải lễ hội, vì sao có món ăn ngon như vậy?

Vợ đáp:

– Hôm trước, nằm mộng thấy thiên thần bảo chàng sắp về, biết vậy nên thiếp làm món ăn ngon chờ đợi.

Chồng nói:

– Ta thật có phúc, vừa sắp vềø nhà, đã được thiên thần báo cho biết.

Sau khi ăn uống, lúc nằm trên giường thăm hỏi nhau, vợ nói:

– Chàng bỏ em đi đã nhiều năm tháng vậy có tìm kiếm được tiền bạc gì không?

Ðáp:

– Cũng được chút ít.

Vợ liền (dùng ám ngữ nói cho dưới giường nghe rằng Thiện Thính của em hãy biết số lượng ấy) hỏi:

– Ðem về được bao nhiêu?

Ðáp:

– Ðược năm trăm tiền vàng.

Hỏi:

– Ðể nơi nào mà không báo cho em biết?

Ðáp:

– Hãy yên tâm, sáng mai sẽ đem về.

Vợ nói:

– Thiếp cùng chàng là một, tại sao phải dấu không cho biết.

Tính như ruột ngựa, chồng liền đáp:

– Ðể ngoài thành.

Vợ dùng ám ngữ nói:

– Thiện Thính của em hãy biết chỗ để hỏi.

– Ðể nơi nào?

Ðáp:

– Dưới gốc cây Ða Căn trong rừng … .

Vợ nói:

– Thánh tử đi đường khổ nhọc, hãy an nghỉ đi.

Biết chồng đã ngủ say, người vợ nói:

– Này Thiện Thính! Nghe thế nào hãy mau làm như vậy.

Chui ra khỏi giường, đi đến dưới gốc cây Ða-căn, Thiện Thính lấy tiền mang vềø nhà mình.

Sáng hôm sau, Bà-la-môn đi đến nơi dấu tiền, chỉ thấy hố không chẳng còn gì cả nên bứt tóc đấm ngực khóc lớn đi về nhà. Thân thuộc và người quen cùng nhau đến hỏi:

– Vì sao buồn khổ vậy?

Ðáp:

– Tôi tìm kiếm rất lâu, khổ cực vô cùng mới được năm trăm tiền vàng, vào sau hoàng hôn hôm qua, lúc không còn ai đi lại, chôn nó dưới gốc cây ấy rồi trở về nhà ngủ. Nay đến đó lấy, nó đã bị giặc trộm mất.

Mọi người nói:

– Uẩn khúc này, người khác khó biết được, bạn nên hỏi Ðại Dược. Ông ta có trí tuệ siêu tuyệt hơn người. Nếu nhờ cậy, bạn sẽ có tiền lại. Ngoài ra, tôi không còn biết cách nào nữa.

Vừa đi vừa khóc lóc, đến nhà Ðại Dược, sau khi chào hỏi, Bà-la-môn đem sự việc trên thưa với vị này.

Vị này hỏi:

– Việc vừa rồi, ngài có nói với ai không?

Bà-la-môn để lại đầy đủ sự việc.

Sau khi nghĩ rằng chắc vợ ông ta tư thông với người ngoài, gây ra việc trái đạo lý này.

Ðại Dược an ủi:

– Hãy tạm nhẫn nại, đừng lo buồn nữa, tôi sẽ tìm lại vật đã mất cho ông.

Ðại Dược lại hỏi:

– Nhà ông có chó không?

Ðáp:

– Có.

Ông hãy về nhà báo với vợ:

– Trước đây, trước tượng Ðại Tự Tại Thiên, anh có nguyện rằng nếu được bình an trở về quê hương sẽ thỉnh tám vị Bà-la-môn để cúng dường. Em thỉnh bốn vị, phần còn lại để cho anh.

Sau khi nói với vợ như vậy, ông ta trở lại nói đầy đủ cho Ðại Dược biết.

Ðại Dược nói:

– Khi tám người ấy đến, đem một người ở nhà tôi đến đứng ở trước cửa. Lúc họ đi vào, bảo người này xem kỹ.

Ðại Dược lại bảo người nầy:

– Ngươi hãy xem kỹ tám người Bà-la-môn ấy, người nào bị chó sủa, người nào chó không sủa vẫy đuôi chạy đến. Thấy hiện tượng ấy, ngươi nên ghi nhớ kỹ. Hãy bảo người vợ tự tay dâng thức ăn, ngươi xem kỹ đến chỗ người nào cô ta liếc ngó nói cười.

Nghe dạy như vậy, sứ giả đến nhà ấy, đứng ngay cửa. Tám người được thỉnh lần lượt vào nhà, đều bị chó sủa ngoại trừ khi thấy Thiện Thính nó liền ngưng sủa chạy đến đón trước, lên tiếng vẫy đuôi vui mừng. Bấy giờ, sứ giả ghi nhớ Thiện Thính. Trong lúc ăn, người vợ dọn thức ăn, đến chỗ Thiện Thính liếc mắt mỉm cười khác với những người kia.

Trở về, sứ giả kể lại đầy đủ cho Ðại Dược. Nghe xong, búng tay nói:

– Lạ thật, vậy chính hắn trộm vật ấy rồi.

Ðại Dược liền bảo sứ giả gọi Thiện Thính đến trách rằng:

– Lẽ nào Bà-la-môn có pháp trộm vật của người lấy làm của mình, người hãy trả lại vật ấy cho họ.

Ðáp:

– Xin thề nặng là không lấy vật của người khác.

Bấy giờ, Ðại Dược bảo sứ giả:

– Ðây là kẻ ác, hãy nhốt vào ngục, tùy theo phép nước, trị cho thật đau khổ.

Nghe nói bị khổ hình nên rất sợ hãi, Thiện Thính thưa:

– Xin Ðại thần cứu cho, tôi sẽ trả lại vật ấy.

Người này lấy số tiền vàng còn nguyên chưa mở ra, giao cho Ðại Dược.

Sau khi được nhận lại số tiền vàng, Bà-la-môn vui mừng suy nghĩ: “Ta đã già cả, được lại tiền đã mất đều nhờ vào sức của Ðại Dược vậy nên báo đáp ân nặng ấy”.

Sau khi suy nghĩ, ông ta đem một nữa số tiền dâng cho Ðại Dược. Nhận xong, Ðại Dược phân phối hết, tuyên bố rằng ta cốt giúp người, nào phải cầu lợi riêng cho mình.

Bấy giờ, tiếng tốt của Ðại Dược lan rộng, vua cùng quần thần nhân dân … nghe biết như vậy đều nói:

– Chúng ta có phước nên được người tài giỏi này bảo hộ nên không bị xâm phạm oan uổng.

Có một người đi đến nước khác trở về chỗ ở cũ, nghỉ ngơi bên bờ hồ ngoài thành, lấy lương khô trong túi da ra để ăn, vội đi tiểu quên cột miệng túi lại. Có con rắn độc bò vào trong túi. Khi trở lại, người ấy không xem kỹ, cột túi lại mang về.

Tại ngoài cửa thành, gặp ông ta, tướng sư bảo rằng:

– Này anh kia, ta xem sắc diện anh sắp chết rồi.

Tuy nghe như vậy nhưng người kia vẫn không để ý. Ði một đoạn ngắn, vì hối hận không hỏi ra lẽ, anh ta suy nghĩ: ta nên đến hỏi Ðại Dược trước, sau đó về nhà. Ông ấy nhiều trí tuệ sẽ giải quyết cho ta.

Anh ta mang cả túi lương khô đếùn nhà Ðại Dược và trình bày sự việc.

Sau khi suy nghĩ … hay là trong túi có rắn độc nên tướng sư nói như vậy, ngay giữa mọi người, Ðại Dược bảo bỏ túi xuống đất, dùng gậy khều miệng túi ra. Từ trong túi, bò ra một rắn độc lớn phồng mang phun độc uốn thân phóng đi. Thấy vậy, mọi người đều thán phục cho là kỳ lạ.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 25 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 14 - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 34 - Luật Tạng