Như mọi Chủ nhật, sáng nay đang làm việc tại Thư viện Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, tôi nhìn ra cửa và thấy Hòa thượng Thích Thanh Kiểm cùng với một vị sư người Nhật từ trong nhà khách của Trường Cơ bản Phật học bước ra, theo sau là một đoàn người. Tôi nhận ra ngay đây là phái đoàn Phật giáo Nhật Bản sang thăm Việt Nam nhân dịp lễ Phật Ðản 2533 vừa qua. Thấy họ đang tiến về phía mình, tôi đoán là họ sẽ ghé vào thăm Thư viện nên đứng dậy chuẩn bị đón tiếp.
Ðúng như dự đoán, tôi ra chào đón và hướng dẫn đoàn vào tham quan Thư viện. Vì Hòa thượng Thanh Kiểm nói được tiếng Nhật nên đã giới thiệu trực tiếp với quý vị trong đoàn về kinh sách hiện có tại Thư viện. Trong lúc tham quan, dường như họ chú ý nhiều đến bộ Tục Tạng, Ðại Tạng của Trung Quốc và bộ Nam Truyền của Nhật Bản. Sau khi xem hỏi kỹ những bộ kinh này, đoàn dạo quanh một vòng gian ngoài rồi từ từ tiến sâu vào cuối phòng và dừng lại trước một tủ kính đựng kinh sách bằng chữ Hán loại cổ bản. Theo đề nghị của vị sư Nhật, Hòa thượng Thanh Kiểm mở cửa tủ và rút ra quyển “Giới Ðàn Tăng” đưa cho họ xem. Một ông cư sĩ Nhật lấy sổ tay ra vừa hỏi vừa ghi chép. Sau khi xem sơ hình dáng quyển sách, vị sư trao lại cho tôi. Vì chồng sách quá chật nên khi cất vào chỗ cũ có hơi khó khăn. Ðể giữ phép lịch sự trong lúc đoàn đang coi, tôi tạm để cuốn sách qua một bên rồi đứng về một phía. Tôi có tính hơi lạ là hễ khâm phục một quốc gia nào rồi, thì con người của quốc gia đó – không biết cá nhân họ như thế nào – khi qua Việt Nam tôi đều có cái nhìn thiện cảm. Do đó, sự hiện diện của vị sư Nhật hôm nay khiến tôi chú ý rất nhiều. Vì thế một cử chỉ rất nhỏ của ông tôi đều không bỏ sót.
Trong lúc Hòa thượng Thanh Kiểm đọc những tên sách cho vị cư sĩ người Nhật chép, tôi ngạc nhiên thấy vị sư cứ chăm chú, thấp thỏm như muốn lấy một vật gì trong tủ. Có lẽ ngài muốn xem một cuốn sách nào khác, nhưng vì ngại nên không tiện hỏi chăng? Tuy nói chuyện trao đổi với nhau thật vui vẻ, nhưng thật lạ, chốc chốc vị sư lại đưa mắt nhìn về phía tủ kinh với dáng vẻ như chưa hài lòng một điều gì đó. Và khi Hòa thượng Thanh Kiểm mở tủ lấy ra một quyển sách khác theo đề nghị của ông cư sĩ Nhật, thì lập tức vị sư cũng định đưa tay vào tủ. Rồi vì Hòa thượng Thanh Kiểm đã lấy sách ra nên vị sư bèn rụt tay trở lại. Thấy thế tôi càng thắc mắc và định nhờ người thông dịch hỏi xem vị sư cần coi quyển sách gì, tôi sẽ lấy giúp, nhưng rồi lại thôi.
Sau khi trao đổi với nhau đã thỏa mãn, Hòa thượng Thanh Kiểm cất quyển sách vào chỗ cũ, đóng cửa tủ lại chuẩn bị trở ra. Lúc này vị sư Nhật mắt vẫn không rời tủ kinh và bỗng nhiên ngài đưa tay khẽ mở tủ, rút ra quyển Giới Ðàn Tăng mà tôi để tạm qua một bên khi nãy, cố gắng nhét vào đúng chỗ của nó. Tôi chợt lặng người trước cử chỉ rất bình thường mà đáng phục này và tìm ra lời đáp. Cũng như tôi trước đó, vị sư loay hoay mãi vẫn không nhét được. Tôi thấy vậy liền đỡ lấy quyển sách và làm nhiệm vụ của mình. Ðợi khi quyển Giới Ðàn Tăng trở về đúng vị trí cũ vị sư Nhật mới cất bước, lúc này trên gương mặt đạo mạo của ông hiện lên những nét vui tươi thỏa mãn. Trước đây tôi chỉ nghe về đất nước và con người Nhật Bản. Hôm nay tôi mới thấy và hiểu họ nhiều hơn.
Cử chỉ của vị sư Nhật đã gợi nhớ lại trong tôi kỷ niệm thời niên thiếu khi còn ở tại gia. Ông thân tôi có tính sạch sẽ, mỗi khi đi làm về tới nhà thấy đồ đạc bừa bãi hoặc dơ bẩn, ông liền tự tay đi thu dọn. Tuy nhiên, không phải việc làm ấy của ông dễ dàng để chúng tôi quen thói lười biếng. Cứ mỗi lần như vậy, vừa làm ông vừa “lẩm bẩm” rất khó chịu. Thế rồi để khỏi bị “giáo dục”, cứ mỗi lần ông sắp đi làm về, chúng tôi đều phải lo dọn dẹp trong nhà cho thật gọn sạch. Và bây giờ đến lượt tôi, có lẽ đã thấm nhuần tính sạch sẽ đó, nên mỗi lần về chùa, thấy bừa bãi lại cũng… lẩm bẩm và rồi tự tay đi dọn theo thói quen “cha truyền con nối”.
Khi xuất gia tôi cũng đã ghi sâu câu “lấm rửa lệch kê” mà thầy đã huân tập hàng ngày cho tôi. Mỗi lần đứng dậy mà không xếp ghế lại chỗ cũ là bị rầy. Ði ngang qua một vật gì thấy lệch xéo mà không chỉnh đốn lại ngay ngắn là bị la v.v… Ðại để lấy câu “lấm rửa lệch kê” làm phương châm hành động. Nếu sai cứ bị nghe “thuyết pháp” dài dài. Và để trở thành thói quen, tôi cũng phải dày công “tu luyện”. Thật ra, thói quen ấy là kết quả của sự sợ bị “chỉnh” chứ chẳng phải tu luyện gì cả.
Suy mình ra người. Ðể có được một cử chỉ rất bình thường như vị sư Nhật vừa qua, theo tôi không phải ngẫu nhiên, mà chính là một thói quen đã được rèn luyện lâu ngày. Từ điều này tôi liên tưởng đến các Thiền sư, những vị đã hoàn toàn làm chủ lấy mình, hẳn mỗi nụ cười, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ… đều tỏa ra sự bình an, tự tại và tuyệt hảo. Ôi, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Ðức Phật đâu phải chuyện hão huyền!
Vị sư Nhật đã rời khỏi Thư viện và sẽ trở về nước trong nay mai. Chắc chắn thời gian sẽ làm phai mờ hình ảnh vị sư trong ký ức tôi, nhưng cử chỉ đáng quý ấy sẽ mãi mãi khắc sâu vào tận đáy lòng.
Trích trong tác phẩm “Bằng tất cả tấm lòng” / Thích Chân Tính