(PPUD) Từ một làng thổ dân hẻo lánh Đà Lạt đã biến thành một đô thị tân tiến, một trung tâm du lịch, một thành phố văn hóa, một tài sản quý.
Thấm thoắt mà đã hơn một trăm năm rồi! Đà Lạt trước kia được ví như một mỹ nhân:
“Như là thiếu nữ mỹ miều
Khoác ngoài chiếc áo diễm kiều phương Tây
Nép mình quý phái bên cây
Yên bình đọc sách, tóc mây buông dài.”
(Tâm Minh)
Đến với thành phố Đà Lạt, rồi xa cách, rồi chia lìa, ai cũng có lòng nhung nhớ, nhất là những người tha hương. Không phải chỉ nhớ cảnh, nhớ người mà tưởng chừng như còn văng vẳng trong tâm hồn người cả tiếng chuông chùa thanh thoát nữa. Vì bên cạnh những cành hoa tươi đẹp nết na mỹ miều của Đà Lạt còn có những cành Hoa Đàm Vô Ưu lung linh nở hương đạo trước Phật Đài cổ kính. Đó là những ngôi chùa với lối kiến trúc cổ kính đã từ bao đời nay ấp ủ tình dân tộc. Trong số đó phải kể đến chùa LINH SƠN, một danh lam thắng cảnh bậc nhất của xứ hoa đào.
Chùa LINH SƠN tọa lạc trên một ngọn đồi giữa vườn trà xanh, cách trung tâm thành phố gần một cây số về phía Tây Bắc. Chùa được dựng vào năm 1936 và hoàn thành vào năm 1940. Chùa do ông Võ Đình Dung đứng ra điều khiển kỹ thuật và ông Nguyễn Văn Tiến cùng với công đức của thập phương bá tánh.
Được biết ông Võ Đình Dung đến Đà Lạt năm 1930 với hai bàn tay trắng, qua một thời gian ông đã trở thành một nhà tư sản, giàu có bậc nhất Đà Lạt. Ông là một nhà thầu khoán tên tuổi, ông đã từng thầu cất rất nhiều công trình ở Đà Lạt: dinh Bảo Đại, ga xe lửa…
Tuy giàu có nhưng đời sống của ông là đời sống rất mực thanh đạm của một cư sĩ, tu tại gia, làm nhiều việc nhân đức. Khu Mả Thánh, phần nghĩa địa với diện tích rất rộng lớn cũng do ông cúng dường cho âm linh của thành phố. Mả Thánh là một nghĩa trang Phật Giáo được thành lập năm 1938 trên một quả đồi gần cây số 4, trên đường đi Suối Vàng.”
Chùa LINH SƠN với lối kiến trúc Á Đông, giản dị và hài hòa, hai mái xuôi nghiêng, hơi cong ở phía cuối trên có hai con rồng đối xứng uốn khúc mềm mại giữa nền trời cao thường có mây trắng bay. Bên cạnh có ngôi tháp ba tầng hình bát giác và cách đó không xa là ngôi trường Phật học.
Thông thường cổng chùa thường xây theo cổng tam quan. Song cổng chùa Linh Sơn chỉ xây hai vách cao 4m, cách nhau 5m có mái lợp, bậc cấp được xây bằng đá, cửa cổng có thể hiến cho du khách một chỗ tạm nghỉ chân mà không sợ mưa nắngi.
Đường vào chùa được dẫn lên nhiều cấp, hai bờ đường là hai hàng cây thông, bạch đàn, sao, cao vút quanh năm thì thào với gió núi mây ngàn. Đêm về những ngọn đèn bên ngoài tỏa sáng mông lung trong sương lạnh điểm tiếng chuông ngân nga vang vọng làm cho cảnh trí Linh Sơn thêm phần trầm mặc, u nhàn.
Trên lối đi trước sân chùa cách cổng chính 30m có dựng một bức tương Quán Thế Âm Bồ Tát màu trắng đứng trên đài sen cao, khói hương nghi ngút, nơi chiêm bái của tín đồ và du khách vì tinh thần cứu khổ độ sinh là bản nguyện của Ngài.
Một con đường lát đá, tráng nhựa là đường dành cho xe cộ từ ngoài vào bọc quanh sân chùa, chạy qua sau lưng bức tượng và trước sân chùa rồi rẽ phải lên đến sân của cánh hậu tòa viện. Bên phải phần cuối con đường này là giả viên Lâm Tỳ Ni được trang trí rất nghệ thuật, có các giả sơn, có các thảo mộc quý. Giữa đám xanh của cây cỏ là một cái ao nhân tạo bên trong có hoa súng và cá vàng.
Qua sân cỏ là đường dẫn đến cầu thang có mười ba bực lên đến hành lang Phật đường. Hai bên cầu thang có bể nước trong đó nhô lên hòn non bộ có các cây kiểng gợi cảnh thiên nhiên. Xuôi theo cầu thang là cặp Rồng lớn há miệng được điêu khắc một cách nghệ thuật làm vị song thần gìn giữ ngôi chùa.
Trên điện Phật thờ tượng đức Thích Ca Mâu Ni bằng đồng xanh đang tham thiền nhập định trên một tòa sen đúc bằng đồng, nặng 1.250 kg, được đúc năm 1952.
Bên trái chính điện là Tổ đường – nơi thờ Ðạt Ma Sư Tổ, ngoài cái trống lớn có đường kính 0m75 thì đây cũng là nơi đặt bài vị các vị sư đã viên tịch và những người đã khuất mà thân nhân họ đưa vào chùa với niềm tin “để linh hồn được hưởng hương khói và nghe kinh mỗi ngày”.
Bên phải chính điện là tượng Hộ pháp Di Đà, gần đó đặt khung gỗ quý treo “Ðại Hồng Chung” nặng 450 ký. Lầu chuông và lầu trống được bố trí cách nhau 12m trước Phật đường. Quả chuông đúc vào năm 1950, cao 1m80 cân nặng 40 ký do các nghệ nhân “Phường Đúc Huế” tạo thành. Phía trái là ngôi tháp ba tầng đứng trên một nền cao 14m, hình bát giác góp phần vẻ tôn nghiêm, mỹ thuật cho chùa.
Trước tiền đường, trên các cột có treo nhiều cặp câu đối đượm ngát Thiền vị, như:
“Lâm Viên tại xứ tác Kỳ viên, Thái tử thọ, trưởng giả kim. Đương Niệm hiện thành, cổ kim như thị.
Đa Lạt bổn lai chân cực lạc, thất trùng lâu, bát đức thủy. Duy tâm nhược ngộ, bỉ thử hà phân.”
(Lâm viên ngay đấy chính Kỳ viên, thái tử dâng cây, trưởng giả hiến vàng. Một niệm tựu thành, xưa nay như thị.
Đa Lạt xưa nay là cực lạc, lâu đài bẩy lớp, nước báu tám đức. Riêng tâm tỏ ngộ, đây đó chẳng hai.)
Và cặp câu đối:
“Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện
Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền.”
(Màu núi nhạt theo người vào viện
Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền)
Chùa LINH SƠN do Hòa Thượng Trí Thủ khai sơn tạo dựng từ năm 1936 đến năm 1940 hoàn thành. Từ 1941 đến 1946 Trú trì là Hòa Thượng Thích Diệu Hoằng. Từ 1947 đến 1952 Trú trì là Hòa Thượng Thích Từ Mãn. Từ 1953 đến 1963 Trú trì là Hoà Thượng Thích Bích Nguyên. Từ 1964 đến 1975 và trở về sau trú trì là Hòa Thượng Thích Từ Mãn (thầy trở lại làm trú trì). Các ngài đều đã viên tịch.
Thầy Từ Mãn an nhiên thị tịch vào ngày 30 tháng 11 năm 2007 (1918-2007) và nhập tháp tại chùa Linh Sơn.
Chùa Linh Sơn là một danh lam thắng cảnh bậc nhất của xứ hoa đào. Hàng năm, chùa đón tiếp hàng vạn du khách và Phật tử khắp nơi đến vãn cảnh chùa và chiêm bái.
Tiếng chuông chùa Linh Sơn có ảnh hưởng gây xúc động trong tâm hồn những người nhạy cảm, những người đang có chuyện ưu tư hay phiền não. Giữa phố thị Đà Lạt với vô vàn sắc thanh hỗn tạp, tiếng chuông Linh Sơn nhắc nhở cho họ gợi lại trong tâm hồn một cảm giác yên bình trong lẽ đạo rằng mọi sự trên cõi đời trần tục này đều là vô thường, đâu có chi tồn tại mãi:
“Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm!
Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa!”
Chỉ cần lắng nghe tiếng chuông không thôi, cũng thấy phiền não vơi nhẹ trong lòng, xua tan đi tất cả những vấn vương tục luỵ, những nỗi trần tâm. Phiền não có vơi đi thì trí tuệ mới có cơ hội phát sáng, mà tâm bồ đề cũng nhờ đó mà phát sinh. Tiếng chuông chùa Linh Sơn mãi mãi còn lắng đọng trong lòng người Đà Lạt, nhất là những người hiện đang sống cuộc sống tha hương.
Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của một tu sĩ Phật giáo, nhà sư HUYỀN KHÔNG, người từng lưu trú tại chùa Linh Sơn trước kia. Nỗi nhung nhớ được ghi trong một cuốn sách xuất bản tại Los Angeles, Hoa Kỳ, vào năm 1985:
“Tôi đến Đà Lạt vào giữa năm 1953 và tôi đã giã từ Đà Lạt để đi Tokyo cũng vào giữa năm 1960. Trong những tháng năm dài đó, hồn Đà Lạt đã len vào người tôi tự bao giờ mà tôi không hay.
Thời gian đầu tôi ở đây, Đà Lạt chẳng phải là nơi dễ dàng đến thăm. Bởi vì ngày đó, Đà Lạt là Petit Paris của người Pháp. Thành phố sạch sẽ, nhà cửa xinh xắn, dân chúng Đà Lạt ăn mặc lịch sự bốn mùa.
Trung tâm thành phố Đà Lạt có một cái hồ thơ mộng rộng mênh mông, giống như lòng người mở ra để đón tiếp bạn bè từ muôn phương tới. Những buổi chiều ấm, tôi đã thường mang chiếu ra trải dưới chòm thông trên bãi cỏ xanh nằm nhìn qua hồ Đà Lạt, qua những đồi thông, qua trường Grand Lycée Yersin, qua Hotel Grand Palace, qua những chiếc Pédalo có buồm xanh buồm hồng mà nam thanh nữ tú đang đạp trên mặt hồ và qua bao nhiêu nhà cửa bên kia đồi. Cảnh trí thật đẹp, thật thơ mộng có khác gì Tây Phương đâu? Rồi nhìn lên trời xanh để thấy những tảng mây trắng từ xa lãng đãng bay về.
Hồ Đà Lạt này, đã một thời được trang trí chung quanh bờ bằng đèn nê-ông màu xanh và màu hồng. Ánh đèn chiếu xuống nước hồ làm cho cảnh trí vốn đã thơ mộng lại càng thơ mộng thêm lên…
Trước sân chùa Linh Sơn Đà Lạt có vài cây Mimosa, loại lá dài và loại lá tròn. Những đêm trăng hay những sáng sương mờ, tôi thường dạo quanh trước sân chùa. Hương của hoa Mimosa ngạt ngào và thơm dịu hiền. Một lần đi qua thành phố Ojai, nghe mùi hương của hoa Mimosa làm tôi nhớ về Đà Lạt… Tôi thích cảnh trí của chùa Linh Sơn, vì sân chùa là cả một vòng cung. Bao bọc vòng cung đó là những hoa những cỏ, điểm tô cho chùa Linh Sơn trở nên một thắng cảnh danh tiếng của thành phố này.
Đà Lạt với tôi không chỉ có chùa Linh Sơn. Thỉnh thoảng tôi đến thác Cam Ly, để hít thở không khí trong lành. Hay nhiều lúc tôi về giảng Phật Pháp một tuần cho Phật Tử Khuôn Phú Hội và tại đây hàng ngày tôi đã ôm chiếu ra thác Gougah nằm đọc sách và để nhìn màu ngũ sắc qua ánh nắng mặt trời chiếu trên những bọt nước trắng xóa như bông gòn. Tôi cũng thường dừng chân trên đèo Prenn để nhìn sự hùng vĩ của núi rừng. Thỉnh thoảng, tôi cũng ra ngồi dưới gốc thông, nhìn xuống hồ Than Thở (Lac des Soupirs) lắng nghe tiếng nước chảy róc rách như có ai đang than thở với đất trời…
Những tháng năm sống tại Nhật, thỉnh thoảng tôi có đến các thành phố Nikko, Hakkone… Hay như ở Mỹ này, tôi đã từng ngủ lại 3 đêm tại công viên Yosemite của California. Trong đêm yên lặng, tôi đã từng nghe tất cả cái xa vắng của núi rừng để nhớ về Đà Lạt, nhớ những chòm thông của thời nào rơi rắc những phấn thông vàng để rồi có câu thơ:
“Thông xanh rải rắc phấn vàng
Nghe chăng gió thoảng cung đàn biệt ly.”
Thơ là thơ của ngày xưa mà sao nghe chừng như của hôm nay. Xin cảm tạ Đà Lạt nghìn trùng đã sống như chưa từng chết.”
Sư VIÊN TRÍ, xuất thân từ chùa LINH SƠN của Đà Lạt những ngày tháng cũ, sau này cũng cảm khái viết:
“Khách trần ai viếng Linh Sơn tự
Hồn tục lâng lâng khỏi xứ phiền”
“Không biết có tự bao giờ nhưng từ lâu hai câu thơ trên đã thôi thúc khách hành hương tìm đến Linh Sơn mỗi dịp có nhân duyên đặt chân đến xứ anh đào thưởng ngoạn.
Hòa trong cấu trúc tự nhiên của cỏ cây, rừng núi, tọa lạc trên một dãy đồi cao cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 1km, Linh Sơn là mái chùa thân thiết đối với Phật tử và du khách hành hương từ mọi miền đất nước. Chập chùng trong làn sương sớm, Linh Sơn thoáng ẩn thoáng hiện sau những hàng thông ngập nắng ban mai như một hiện thể tâm linh gợi thức những tâm hồn tìm về nguồn cội.
Len lỏi trong cái lạnh buốt giá của canh khuya, tiếng chuông Linh Sơn không phải là âm thanh của Hàn Giang Tự khiến Trương Kế giật mình giữa đêm tối bao la, nhưng đã làm tỉnh thức bao tâm thế Việt Nam sau những cơn trường mộng.
Chất liệu khiến “hồn tục lâng lâng” khi viếng “Linh Sơn tự” hẳn là hương vị giải thoát lan tỏa từ dòng nước từ bi, trí tuệ ở “đỉnh Linh Sơn” hơn 2500 năm trước. Cảm thức thoát lụy liên đới mạnh mẽ với cảm thức cội nguồn khiến thế nhân dường như không hề khởi niệm phân biệt xưa và nay. Vì rằng giây phút lìa xa ái thủ là giây phút con người tìm thấy bản lai diện mục của mình ở đấy mọi ý niệm không và thời gian đều vắng bặt. Có lẽ trong ý nghĩa như vậy mà Linh Sơn đã hiện ra không khác một Linh Sơn Ấn Độ trong lòng nhiều thế hệ Phật tử Việt Nam.”
Trong một đoạn khác sư VIÊN TRÍ viết tiếp:
“…cuộc sống của Đà thành chắc chắn sẽ trở nên đơn điệu nếu tiếng chuông Linh Sơn không còn là một nét văn hóa tinh thần lưu chuyển trong mạch sống của người dân. Nhưng không! Chuông chùa Linh Sơn vẫn sáng tối đong đưa như tiếng hót thanh tao của chim hoàng oanh ngân vang, thẩm thấu trong mọi ngõ ngách cuộc sống của dân cư Đà Lạt; dòng nước từ bi, trí tuệ bắt nguồn từ sự chứng ngộ chân lý của đức Phật vẫn đang hiện hành giữa giòng đời sinh diệt. Ai lắng nghe được tiếng chuông giác tỉnh, ai lĩnh hội được diệu âm giải thoát này ắt hẳn sẽ cảm nhận được an lạc, hạnh phúc trong từng bước đi. Do vậy, đối với thế giới sinh diệt vô thường Linh Sơn mãi mãi là trú xứ tâm linh để thế nhân quay trở về tìm lại chân tâm, Phật tánh của mình, vì:
Ngàn năm gót ngọc vẫn còn
Ngàn năm mưa pháp từ non đổ về
Ngàn năm trôi nổi bến mê
Ngàn năm trần thế vọng về nguồn tâm.
Thi sĩ VIỆT TRANG trong một Mùa Báo Hiếu ghé thăm chùa Linh Sơn cũng cảm hứng đặt bút viết xuống những vần thơ và trịnh trọng ghi tiều đề là “Ánh Đạo Vàng”:
Trời thanh gió tịnh nét minh quang
Ánh đạo Linh Sơn, ánh đạo vàng
Giác Ngộ hồi chuông reo Phật pháp
Ưu Đàm tiếng kệ vọng Tăng đường
Chơn Tâm trì hướng lên Tam bảo
Thiện Trí chan hòa với Thập phương
Thân giữa đường trần bao ấm lạnh
Sáng ngời đuốc tuệ, cọng trầm vương.
BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN khi ghé thăm chùa cũng cảm khái đặt bút viết bài thơ: “Viếng chùa Linh Sơn, Đà Lạt ”:
a. Đến chùa chép mấy trang kinh
Săm soi muốn biết mặt mình xưa sau
Thấy chi ? Ngoài bọt sóng trào,
Tay ni vớt cánh hoa đào cuối khe…
b. Đến chùa thỉnh mấy pho kinh
Những mong thấu hiểu xưa mình là ai
Quẩn quanh kinh mất nào hay,
Ngẩn ngơ trước một giỏ đầy ánh trăng…
Hình ảnh chùa Linh Sơn Đà Lạt và tiếng chuông chùa ngày cũ cũng luôn lắng đọng trong lòng các nhạc sĩ MINH KỲ và LÊ DINH với bài hát tuyệt vời và bất hủ “Thương về miền đất lạnh” :
“Tôi nhớ Đà Lạt mơ. Ru lòng người lữ thứ với bao nhiêu ước mơ. Lưu luyến Đà Lạt thơ. Khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa…
Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều. Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào. Cho thế nhân thôi, ru hết u sầu. Để lòng quay về bến yêu.”
Cuộc sống tha hương gơi nhớ lại biết bao kỷ niệm yêu quý với chùa xưa, thầy cũ và các bạn đạo. Nhớ những lúc được học hỏi về Đạo với ân sư THÍCH TỪ MÃN và qúy Thầy, lại còn nhớ những lúc dạo bước quanh chùa cùng đàm đạo và xướng họa với các bạn thơ. Duyên thơ chẳng khi nào dứt…
Cùng gia đình lên lễ Phật, vãn cảnh và thăm chùa nhiều lần, nhớ đến chùa xưa trong dịp Xuân về, từ nơi đất khách cô quạnh TÂM MINH viết bài: “Xuân lữ thứ” như muốn gửi gấm chút tình về chốn cũ, về chùa Linh Sơn nơi thành phố sương mù Đà Lạt dấu yêu thuở nào:
“Thiên nhiên khởi sắc đón mùa sang
Lòng kẻ tha hương bỗng rộn ràng
Đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ
Quê người dù thiếu bóng mai vàng
Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa
Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang
Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm
Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.”
Virginia, USA
Tháng 6 năm 2013
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Theo Phật Pháp Ứng Dụng