132. Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả

(Anandabhaddekaratta sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda (A-nan) tại hội trường thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Tôn giả giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, ai tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ai đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết?

— Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Tôn giả đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết.

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

— Nhưng như thế nào, này Ananda, Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp? Ông có phải đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết?

— Ðúng vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Con đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Và này các Hiền giả, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là truy tìm quá khứ.

Và này các Hiền giả, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi… Như vậy là hành của tôi… Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là không truy tìm quá khứ.

Và này các Hiền giả, thế nào ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi… là hành của tôi… là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Hiền giả, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng… sẽ là hành… sẽ là thức của tôi trong tương lai, “và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là không ước vọng trong tương lai.

Và này các Hiền giả, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Hiền giả, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Hiền giả, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Và này các Hiền giả, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Hiền giả, có vị Ða văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ… không quán tưởng… không quán hành… không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Hiền giả, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Như vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo. Con đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết.

— Lành thay, lành thay, này Ananda! Lành thay, này Ananda! Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ông đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết.

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

— Và này Ananda, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ananda, là truy tìm quá khứ.

Và này Ananda, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi… Như vậy là hành của tôi… Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ananda, là không truy tìm quá khứ.

Và này Ananda, thế nào ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi… là hành của tôi… là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ananda, là ước vọng trong tương lai.

Và này Ananda, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng… sẽ là hành… sẽ là thức của tôi trong tương lai, “và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ananda, là không ước vọng trong tương lai.

Và này Ananda, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Ananda, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này Ananda, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Và này Ananda, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Ananda, có vị Ða văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ… không quán tưởng… không quán hành… không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này Ananda, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Mục lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 88 – Kinh Bàhitika (Bàhitika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 115 – Kinh Ða Giới (Bahudhàtuka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 59 – Kinh Nhiều Cảm Thọ (Bahuvedanìya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 123 – Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 143 – Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc (Anàthapindikovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 134 – Kinh Lomasakangiya Nhất Dạ Hiền Giả (Lomasakangiyabhaddekaratta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 64 – Ðại Kinh Màlunkyà (Mahà Màlunkyà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 147 – Tiểu Kinh Giáo Giới La Hầu La (Cùlaràhulovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 146 – Kinh Giáo Giới Nandaka (Nandakovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 42 – Kinh Veranjaka (Veranjaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 26 – Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 10 – Kinh Tu Ba (Subha Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 17 – Kinh Ðại Thiện Kiến Vương (Mahà-Sudassana Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 99 – Kinh Subha (Subha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 62 – Ðại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Mahà Ràhulovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 142 – Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinàvibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 86 – Kinh Angulimàla (Angulimàla sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 83 – Kinh Makhàdeva (Makhàdeva sutta) - Kinh Tạng