146. Kinh Giáo Giới Nandaka

(Nandakovàda sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Mahapajapati Gotami cùng với khoảng năm trăm Tỷ-kheo-ni đi đến bên Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới cho Tỷ-kheo-ni! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho Tỷ-kheo-ni! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho Tỷ-kheo-ni!

Lúc bấy giờ, các Thượng tọa (Trưởng lão) Tỷ-kheo thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni. Nhưng Tôn giả Nandaka không muốn thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni. Rồi Thế Tôn cho gọi Tôn giả Ananda và nói:

— Này Ananda, hôm nay đến phiên ai giáo giới Tỷ-kheo-ni?

— Bạch Thế Tôn, chính là phiên của Nandaka thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nandaka không muốn thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni.

Rồi Thế Tôn cho gọi Tôn giả Nandaka:

— Này Nandaka, hãy giáo giới Tỷ-kheo-ni! Này Nandaka, hãy giảng dạy Tỷ-kheo-ni! Này Bà-la-môn, hãy thuyết pháp cho Tỷ-kheo-ni!

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Nandaka ấy vâng đáp Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực ở Savatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, không có người thứ hai cùng đi, đi đến Rajakarama (Vương Tự). Các Tỷ-kheo-ni ấy thấy Tôn giả Nandaka từ xa đi đến, sau khi thấy liền sửa soạn chỗ ngồi và sắp đặt nước rửa chân. Tôn giả Nandaka ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn; sau khi ngồi, liền rửa chân. Các Tỷ-kheo-ni ấy sau khi đảnh lễ Tôn giả Nandaka, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Nandaka nói với các Tỷ-kheo-ni đang ngồi một bên:

— Các Hiền tỷ, sẽ có cuộc luận thuyết bằng cách đặt câu hỏi. Ở đây, những ai biết, hãy trả lời: “Tôi biết”. Những ai không biết, hãy trả lời: “Tôi không biết”. Nếu có ai nghi ngờ hay nghi hoặc, ở đây, ta cần được hỏi như sau: “Thưa Tôn giả, sự việc này là thế nào? Ý nghĩa việc này là gì?”

— Thưa Tôn giả, cho đến đây, chúng con rất hoan hỷ và thỏa mãn với Tôn giả Nandaka, vì rằng Tôn giả đã mời chúng con (hỏi).

— Các Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi xem cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả.

— Các Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tai là thường hay vô thường?… Mũi là thường hay vô thường?… Lưỡi là thường hay vô thường?.. Thân là thường hay vô thường?… Ý là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu nội xứ này là vô thường”.

— Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả.

— Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tiếng là thường hay vô thường?… Hương là thường hay vô thường?… Vị là thường hay vô thường?…. Xúc là thường hay vô thường?… Pháp là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu ngoại xứ này là vô thường”.

— Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả.

— Này các Hiền tỷ, nhĩ thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Tỷ thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Thân thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Ý thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu thức thân này là vô thường”.

— Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; ánh sáng là vô thường, chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: “Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng không chịu sự biến hoại”; chư Hiền tỷ, nói như vậy là có nói chân chánh không?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng là vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

— Như vậy là phải, này các Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: “Sáu ngoại xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này, tôi có cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

— Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, có cây to lớn đứng thẳng, có lõi cây, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, với bóng cây vô thường, chịu sự biến hoại. Nếu có người nói như sau: “Có cây lớn đứng thẳng có lõi cây này, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, nhưng bóng mát của cây ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu biến hoại”; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, cây to lớn đứng thẳng có lõi cây này, có rễ vô thường, chịu sự biến hoại, có thân cây vô thường; chịu sự biến hoại, có cành lá vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến bóng mát, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

— Như vậy là phải, này chư Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: “Sáu nội xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này tôi cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”; này các Hiền tỷ, người ấy có nói chân chánh không?

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này, cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

— Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, một người đồ tể giết bò thiện xảo hay người đệ tử; sau khi giết con bò, cắt con bò với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, mà không hư hại phần thịt ở trong, không hư hại phần da ngoài, rồi với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt mọi dây thịt phía trong; dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong; sau khi cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt và sau khi lột da ngoài, lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy rồi nói: “Con bò này đã được dính liền với da này như trước”; này các Hiền tỷ, nói như vậy có nói một cách chơn chánh không? “

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Dầu cho, thưa Tôn giả, người đồ tể giết bò thiện xảo ấy hay người đệ tử sau khi giết con bò… lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy lại có thể nói như sau: “Con bò này đã được dính liền với da này như trước”, con bò này đã bị lột ra khỏi da ấy.

— Ta làm ví dụ này, này các Hiền tỷ, là để nêu rõ ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa này như sau: Chư Hiền tỷ, thịt ở trong là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Chư Hiền tỷ, da ở ngoài là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ, Chư Hiền tỷ, dây thịt phía trong, dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong là đồng nghĩa với dục hỷ và tham. Chư Hiền tỷ, con dao đồ tể giết bò sắc bén là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Với Thánh trí tuệ này cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt nội phiền não, nội kiết sử, nội triền phược.

Chư Hiền tỷ, có bảy giác chi, do tu tập, làm cho sung mãn bảy giác chi này, vị Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng tri ngay trong hiện tại với thượng trí; chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là bảy? Ở đây, chư Hiền tỷ, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chư Hiền tỷ, bảy giác chi này, do tu tập, làm cho sung mãn, Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri ngay trong hiện tại, với thượng trí chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Rồi Tôn giả Nandaka, sau khi giáo giới các Tỷ-kheo ni ấy với lời giáo giới, liền cho giải tán: — Chư Hiền tỷ, hãy đi về, giờ đã đến rồi.

Rồi các Tỷ-kheo ni ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Nandaka dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Nandaka, thân phía hữu hướng về Tôn giả, rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo-ni ấy đang đứng một bên: — Này các Tỷ-kheo-ni, hãy đi. Giờ đã đến rồi.

Rồi các Tỷ-kheo-ni ấy, sau khi đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi Thế Tôn, sau khi các Tỷ-kheo-ni ấy ra đi không bao lâu, gọi các vị Tỷ-kheo và nói:

— Này các Tỷ-kheo, ví như vào ngày Bố-tát, ngày mười bốn, quần chúng không có nghi ngờ hay nghi hoặc rằng mặt trăng là không tròn hay mặt trăng là tròn vì khi ấy mặt trăng chưa tròn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dầu cho các Tỷ-kheo-ni ấy hoan hỷ với bài thuyết pháp của Nandaka, nhưng tâm trí của họ chưa được thỏa mãn.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Nandaka:

— Vậy này Nandaka, ngày mai, Ông sẽ giáo giới cho các Tỷ-kheo-ni ấy với bài giáo giới.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Nandaka vâng đáp Thế Tôn.

Rồi Tôn giả Nandaka, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi (Xá-vệ) để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Savatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, tự thân một mình đi đến Rajarama. Các vị Tỷ-kheo-ni ấy thấy Tôn giả Nandaka từ xa đi lại; sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và sắp đặt nước rửa chân. Tôn giả Nandaka ngồi trên chỗ đã soạn sẵn; sau khi ngồi, liền rửa chân. Các vị Tỷ-kheo-ni ấy đảnh lễ Tôn giả Nandaka rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Nandaka nói với các Tỷ-kheo-ni ấy đang ngồi một bên:

— Các Hiền tỷ, sẽ có cuộc luận thuyết bằng cách đặt câu hỏi. Ở đây, những ai biết hãy trả lời: “Tôi biết”. Những ai không biết, hãy trả lời “Tôi không biết”. Nếu ai có nghi ngờ hay do dự, ở đây, ta cần được hỏi như sau: “Thưa Tôn giả, sự việc này là thế nào? ” Ý nghĩa việc này là gì?”

— Thưa Tôn giả, cho đến đây, chúng con rất hoan hỷ và thỏa mãn với Tôn giả Nandaka, vì rằng Tôn giả đã mời chúng con (hỏi)!

— Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi xem cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả.

— Các Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tai là thường hay vô thường?… Mũi là thường hay vô thường?… Lưỡi là thường hay vô thường?.. Thân là thường hay vô thường?… Ý là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu nội xứ này là vô thường”.

— Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả.

— Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tiếng là thường hay vô thường?… Hương là thường hay vô thường?… Vị là thường hay vô thường?…. Xúc là thường hay vô thường?… Pháp là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu ngoại xứ này là vô thường”.

— Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả.

— Này các Hiền tỷ, nhĩ thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Tỷ thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Thân thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Ý thức là thường hay vô thường?

— Thưa Tôn giả, vô thường.

— Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Thưa Tôn giả, là khổ.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: “Sáu thức thân này là vô thường”.

— Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; ánh sáng là vô thường, chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: “Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng không chịu sự biến hoại”; chư Hiền tỷ, nói như vậy là có nói chân chánh không?

— Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng là vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

— Như vậy là phải, này các Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: “Sáu ngoại xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này, tôi có cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

— Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, có cây to lớn đứng thẳng, có lõi cây, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, với bóng cây vô thường, chịu sự biến hoại. Nếu có người nói như sau: “Có cây lớn đứng thẳng có lõi cây này, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, nhưng bóng mát của cây ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu biến hoại”; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, cây to lớn đứng thẳng có lõi cây này, có rễ vô thường, chịu sự biến hoại, có thân cây vô thường; chịu sự biến hoại, có cành lá vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến bóng mát, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

— Như vậy là phải, này chư Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: “Sáu nội xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này tôi cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”; này các Hiền tỷ, người ấy có nói chân chánh không?

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này, cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

— Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, một người đồ tể giết bò thiện xảo hay người đệ tử; sau khi giết con bò, cắt con bò với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, mà không hư hại phần thịt ở trong, không hư hại phần da ngoài, rồi với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt mọi dây thịt phía trong; dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong; sau khi cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt và sau khi lột da ngoài, lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy rồi nói: “Con bò này đã được dính liền với da này như trước”; này các Hiền tỷ, nói như vậy có nói một cách chơn chánh không? “

— Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Dầu cho, thưa Tôn giả, người đồ tể giết bò thiện xảo ấy hay người đệ tử sau khi giết con bò… lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy lại có thể nói như sau: “Con bò này đã được dính liền với da này như trước”, con bò này đã bị lột ra khỏi da ấy.

— Ta làm ví dụ này, này các Hiền tỷ, là để nêu rõ ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa này như sau: Chư Hiền tỷ, thịt ở trong là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Chư Hiền tỷ, da ở ngoài là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ, Chư Hiền tỷ, dây thịt phía trong, dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong là đồng nghĩa với dục hỷ và tham. Chư Hiền tỷ, con dao đồ tể giết bò sắc bén là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Với Thánh trí tuệ này cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt nội phiền não, nội kiết sử, nội triền phược.

Chư Hiền tỷ, có bảy giác chi, do tu tập, làm cho sung mãn bảy giác chi này, vị Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng tri ngay trong hiện tại với thượng trí; chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là bảy? Ở đây, chư Hiền tỷ, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chư Hiền tỷ, bảy giác chi này, do tu tập, làm cho sung mãn, Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri ngay trong hiện tại, với thượng trí chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Rồi Tôn giả Nandaka, sau khi giáo giới các Tỷ-kheo ni ấy với lời giáo giới, liền cho giải tán: — Chư Hiền tỷ, hãy đi về, giờ đã đến rồi.

Rồi các Tỷ-kheo ni ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Nandaka dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Nandaka, thân phía hữu hướng về Tôn giả, rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo-ni ấy đang đứng một bên: — Này các Tỷ-kheo-ni, hãy đi. Giờ đã đến rồi.

Thế Tôn, sau khi các Tỷ-kheo-ni ấy ra đi không bao lâu, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và nói:

— Này các Tỷ-kheo, ví như vào ngày Bố-tát, ngày rằm, quần chúng không có nghi ngờ hay phân vân rằng mặt trăng là không tròn hay mặt trăng là tròn, vì khi ấy mặt trăng đã tròn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni ấy hoan hỷ với bài thuyết pháp của Tôn giả Anandaka, và tâm tư của họ được thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, trong năm trăm Tỷ-kheo-ni ấy, Tỷ-kheo-ni cuối cùng chứng được Dự lưu, không còn bị đọa lạc, và chắc chắn đạt đến chánh giác.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Mục lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 142 – Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinàvibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 88 – Kinh Bàhitika (Bàhitika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 115 – Kinh Ða Giới (Bahudhàtuka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 59 – Kinh Nhiều Cảm Thọ (Bahuvedanìya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 9 – Chín Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 64 – Ðại Kinh Màlunkyà (Mahà Màlunkyà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 1 – Một Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 123 – Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 10 – Kinh Tu Ba (Subha Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 132 – Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả (Anandabhaddekaratta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 143 – Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc (Anàthapindikovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 17 – Kinh Ðại Thiện Kiến Vương (Mahà-Sudassana Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 26 – Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 83 – Kinh Makhàdeva (Makhàdeva sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 81 – Kinh Ghatìkàra (Ghatìkàra sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 3 – Ba Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 106 – Kinh Bất Động Lợi Ích (Anenjasappàya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 52 – Kinh Bát Thành (Atthakanàgara sutta) - Kinh Tạng