TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 14

(Tiếp theo tụng bốn trong tổng tụng thứ ba).

* Duyên xứ như trước. Vào mỗi buổi sáng, trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến rừng Thệ Ða, làm lễ Thế Tôn, sau đó quét dọn trong đất chùa. Một hôm, trưởng giả bận việc không vào chùa.

Ði kinh hành, Thế Tôn thấy mặt đất không sạch nên dùng tâm thế tục suy nghĩ: “Làm sao khiến cho thiên chủ Ðế Thích từ núi Hương Túy mang chổi lại đây!”

Thường pháp của chư Phật là khi vận dụng tâm thế tục, cho đến loài kiến cũng hiểu được ý Phật, nếu vận dụng tâm xuất thế, thì Thanh văn Ðộc giác còn không hiểu nổi huống chi hạng khác khó lường được.

Sau khi suy nghĩ vì sao Ðức Ðại sư vận dụng tâm thế tục, Thiên Ðế Thích biết Thế Tôn muốn đích thân quét mặt đất rừng Thệ Ða. Biết rõ ý Phật, Ðế Thích đến núi Hương Túy lấy năm trăm cây chổi đẹp nhẹ mịn như tơ, đem đến trước Phật.

Khi ấy, Thế Tôn muốn những chúng sinh thích phước, trồng tịnh nghiệp trong ruộng thù thắng, nên tự cầm chuổi muốn quét trong rừng.

Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên, Ðại Ca Nhiếp Ba, A Nan Ðà … các đại Thanh văn thấy như vậy đều cầm chổi quét vườn chùa. Sau khi đức Phật Thế Tôn và các đệ tử quét sạch các nơi xong, đi vào nhà ăn, an tọa. Phật dạy các Bí-sô:

– Việc quét dọn có năm công đức thù thắng. Ðó là:

1- Tự tâm thanh tịnh.
2- Làm tịnh tâm người khác.
3- Chư thiên hoan hỷ.
4- Trồng nghiệp đoan chính.
5- Sau khi qua đời, sinh lên cõi thiên.

Sau đó, khi đến vườn chùa, trưởng giả Cấp Cô Ðộc nghe Thế Tôn cùng các đại đệ tử đích thân cầm chổi quét vườn chùa, nên suy nghĩ: “Như Lai Ðại sư cùng các vị thánh chúng đích thân cầm chổi quét vườn chùa, làm sao ta dám bước chân lên “.

Khi ấy, với tâm niệm e sợ, trưởng giả đứng yên không dám bước tới. Biết nhưng đức Phật vẫn cố hỏi các Bí-sô:

– Ai đứng đó vậy?

Bí-sô bạch:

– Ðại Ðức! Ðó là trưởng giả Cấp Cô Ðộc. Nghe Phật Thế Tôn và đại đệ tử đều đích thân cầm chổi quét rừng Thệ Ða, nên trưởng giả có ý e sợ đứng tại chỗ không dám bước tới.

Phật bảo trưởng giả hãy tụng kinh pháp và bước tới, vì Phật Thế Tôn kính trọng pháp, các vị A-la-hán cũng đều kính trọng pháp.

Tụng kệ pháp, trưởng giả đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên. Thế Tôn thuyết diệu pháp khai thị hướng dẫn khen ngợi làm cho trưởng giả hoan hỷ. Sau khi nghe pháp, trưởng giả vui mừng từ giả trở về.

Khi ấy, các Bí-sô đều có nghi ngờ, thưa thỉnh Thế Tôn:

– Hy hữu thay! Ðại đức tự mình có tâm tôn trọng tán thán cung kính đối với chánh pháp.

Phật dạy:

– Ngày nay, Như Lai đã thoát ly nhiễm ô, sân si, xa lìa sinh lão tử, không còn ưu bi khổ não, đầy đủ Nhất thiết trí, tự tại trong tất cả cảnh giới, mà tôn trọng pháp, tán thán chánh pháp, chưa phải là hy hữu. Các thầy nên biết, trong thời quá khứ, khi Ta còn đầy đủ nhiễm ô sân si, chưa thoát ly sinh lão bệnh tử, đang bị ưu bi khổ não, với nhân duyên vì cầu pháp mà tự xả bỏ thân mạng. Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ kể lại.

Xưa kia, trong thành Bà La Nê Tư có vua tên Phạm Thọ dùng pháp trị đời. Nhân dân phồn thịnh an ổn vui vẻ … nói rộng như những nơi khác. Vua Phạm Thọ rất tin tưởng chánh pháp, bẩm tánh hiền thiện, làm lợi mình lợi người, thương xót tất cả, thường làm việc bố thí, có đại t? bi, xa lìa tâm nhiễm trước, không còn tham tiếc. Sau đó, phu nhân của vua có thai, phát sinh ý nghĩ cầu nghe diệu pháp nên tâu với vua. Vua ra gọi tướng sư hỏi vì sao như vậy. Họ tâu:

– Do đại phu nhân mang thánh thai nên có ý nghĩ ấy.

Khi ấy, nhà vua vì cầu pháp nên ra lệnh cho đại thần đem vàng đầy rương, đi khắp trong nước dùng vàng cầu pháp nhưng không toại ý. Ðủ tháng, phu nhân sinh người con dung mạo tuyệt trần, đầy đủ các tướng đẹp như nói ở nơi khác.

Với suy nghĩ: “Ðứa bé này xinh đẹp, ai cũng thích nhìn, khi nó chưa sinh ra, đã có việc mong cầu diệu pháp”, nhà vua hỏi:

– Thân tộc đã họp mặt vậy nên đặt tên nó là gì?

Ðại thần tâu:

– Khi vương tử chưa sinh ra đã mong cầu diệu pháp, vậy nên đặt tên là Cầu Diệu Pháp.

Vua sai tám bà nhũ mẫu nuôi dưỡng như chỗ khác đã nói đầy đủ. Ðứa bé như hoa sen lên khỏi mặt nước, theo năm tháng trưởng thành, thường cầu diệu pháp nhưng chưa toại ý. Sau khi vua cha băng hà, thái tử kế vị ngôi vua bảo quần thần:

– Các khanh hãy cầu diệu pháp cho ta.

Nhận sắc chỉ của vua, mang rương vàng đi khắp châu Chiêm Bộ, tìm cầu khắp nơi nhưng không được pháp gì, quần thần tâu vua:

– Ðã tìm khắp trong nước nhưng không có diệu pháp.

Vì không thỏa mãn ý nguyện nên vua Cầu Pháp rất sầu não.

Bấy giờ, biết ý nhà vua vì cầu pháp nên sầu não, Thiên Ðế Thích suy nghĩ: “Tuy như vậy, nhưng chưa biết tâm nhà vua chân hay giả, ta hãy đến thử”.

Thiên đế liền biến thành một đại Dược xoa vung tay trợn mắt hình dáng thật đáng sợ, đến đứng trước nhà vua nói kệ:

Thường tu tập thiện pháp
Không làm những việc ác,
Ðời này và đời sau
Thức, ngủ đều an lạc.

Nghe kệ này, tâm nhà vua rất hoan hỷ, thưa với Dược xoa:

– Xin nhân-giả hãy nói lại kệ ấy cho tôi được nghe.

Dược xoa đáp:

– Nếu vua làm theo lời ta, ta sẽ nói kệ.

Vua đáp:

– Xin vâng, mong ngài hãy nói, tôi không trái ý ngài.

Dược xoa nói:

– Ðại vương! Nếu ngài thật ưa thích pháp, hãy làm hố lửa, đốt lửa cháy rực đỏ trong bảy ngày đêm, và nhảy vào trong hố lửa ấy, ta sẽ nói lại bài kệ ấy.

Nghe như vậy, nhà vua rất vui mừng gấp bội, thưa với Dược xoa:

– Xin làm đúng như vậy.

Nhà vua ra lệnh báo khắp trong nước, ta vì muốn nghe diệu pháp, bảy ngày sau sẽ nhảy vào hố lửa. Tất cả những người có duyên, thích việc hy hữu hãy đến xem việc làm của ta. Sau khi lệnh truyền ra, cả nước đều biết. Có vô lượng chúng sinh cùng đến đúng lúc. Do nhà vua chí thành trọng pháp nên cảm ứng đến vô lượng trăm ngàn chư thiên đến trên hư không đánh trống tấu nhạc ca hát tung hoa thơm cúng dường mừng đón việc hy hữu. Tất cả vì tôn trọng sự chí thành của vua nên đều đến tập họp.

Mãn bảy ngày, Dược xoa liền bay lên hư không bảo với Bồ Tát vua:

– Ðã đến kỳ hạn xin ngài nhảy vào hố lửa.

Bấy giờ, nhà vua đưa thái tử lên kế vị ngôi vua, triệu khắp quần thần, họ đều hoan hỷ, cùng nhau từ biệt đi dần đến hố lửa. Khi đến bên bờ hố lửa, nhà vua nói kệ:

Hố lửa rực rỡ cháy thế này,
Ðỏ như mặt trời làm người sợ
Nay tôi hoan hỷ nhảy vào hố,
Cầu pháp nên tâm không hối, sợ.
Tôi tuy vào trong hố lửa cháy,
Chắc chắn cầu được pháp hy hữu,
Nguyện phước lợi này ích chúng sinh,
Lửa dữ hóa thành ao sen mát.

Nói kệ xong, nhà vua nhảy vào hố lửa. Khi thân nhà vua rơi vào, hố lửa lớn hóa thành ao sen mát mẻ khả ái. Bấy giờ, thân Bồ Tát không bị thương tổn gì cả.

Ðế Thích thấy sự việc hy hữu mà trời người đều quy kính như vậy, nên hóa trở lại thân Ðế Thích, nói lại bài kệ cho vua:

Thường tu tập thiện pháp
Không làm những việc ác,
Ðời này và đời sau
Thức, ngủ đều an lạc.

Nghe kệ xong, Bồ Tát ra khỏi ao, viết bài kệ trên lá bằng vàng, phổ biến khắp thành phố, làng xóm ở Chiêm Bộ Châu đều biết và tu học theo.

– Này các Bí-sô! Chớ có sinh nghi ngờ, vua Cầu Pháp ngày xưa, vì cầu pháp nên vứt bỏ thân mạng, nay chính là Ta, huống chi ngày nay đối với diệu pháp sao Ta lại không tôn trọng! Thế nên các thầy cần phải tu học việc Ta đối với diệu pháp cung kính cúng dường tôn trọng tán thán, phải thành tâm y vào pháp mà sống như vậy, tự lợi lợi người, thực hiện đầy đủ pháp.

Các Bí-sô nghe dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Thế Tôn dạy khi quét đất có năm điều lợi, có Bí-sô già cả bỏ việc tọa thiền tụng kinh vào rừng Thệ Ða tự mình quét đất. Phật dạy:

– Ta vì người tri sự nên nói như vậy, chẳng phải các Bí-sô già cả tu tập theo nghiệp ấy. Nhưng người nào đối với Ta, y theo thiện pháp luật mà xuất gia, có hai nghiệp để làm: Thứ nhất tu tập thiền định; Thứ hai tụng học kinh pháp.

Bí-sô nghe đức Phật vì người tri sự mà dạy riêng pháp này (nên họ không cùng quét), làm cho người tri sự không thể quét hết cả rừng Thệ Ða. Phật dạy:

– Tùy lúc cần nên quét. Vào ngày mồng tám hay mười lăm hàng tháng, nên đánh kiền chùy, tập họp hết chúng tăng cùng nhau quét dọn.

Các Bí-sô tuân theo lời Phật, nhưng trong lúc quét dọn bàn luận việc thế tục. Nghe việc hý luận nên thiên thần hộ chùa, phi nhân và các chúng khác sinh ý chê trách. Phật dạy:

– Không được hý luận, nên nói pháp ngữ hay im lặng như bậc thánh.

Khi các Bí-sô quét đất xong, dính bụi đất đầy người, làm cho người không kính tín sinh ý khinh chê. Phật dạy:

– Quét dọn xong, làm sạch đồ dơ, nên tắm rửa. Nếu ai không tắm rửa, phải lấy tay vốc nước, lau sạch bụi bặm, rửa tay chân như thường lệ.

Phật dạy:

– Hàng tháng vào ngày mồng tám, mười lăm, xem xét giường tòa.

Bí-sô nên cùng làm hết. Phật dạy:

– Không nên, hãy sai đệ tử xem xét kỹ, sợ có rận rệp và nhơ bẩn.

Như lời Phật dạy, thấy đất quét sạch nên tụng kinh mà đi qua. Bí-sô rưới nước ướt đất, sau đó quét sạch, làm nền sạch sẽ. Thấy vậy, người khác không dám bước lên. Phật dạy:

– Nên tụng kệ pháp, đi qua không phạm, chớ nghi ngại. Như vậy nên biết đối với các hương đài, điện, cây phướn, tháp, hình tượng Như Lai nên tụng kệ pháp sau đó mới đi qua. Nếu không làm như vậy, bị tội vượt pháp.

Khi ấy, phương Bắc có một quốc vương, đưa hai đồng tử tên là Ðà Sách Ca và Ba Lạc Ca sang vua Thắng Quang làm con tin. Ðà Sách Ca có khả năng làm thức ăn ngon. Bà Lạc Ca biết cách thiết trí sàng tòa. Người ở biên quốc tính ưa ăn uống, mỗi khi nhân việc đi lại nên vào chợ, họ lấy cơm thịt của người, ăn tùy ý, bị chủ hàng ăn đánh đập đau khổ. Hai đồng tử trở về gặp nhà vua, tâu:

– Ðại vương! Vừa rồi chúng thần vào chợ, lấy ít cơm thịt, bị chủ hàng đánh đập đau khổ muốn chết.

Nghe như vậy, vua ra ra lệnh người trong chợ:

– Các ngươi nên biết, tự mình phải giữ gìn kỹ thức ăn uống, không nên đánh đập hai đồng tử này của ta.

Vào một lúc khác, sau khi bãi triều, vua nghỉ ngơi một lúc. Hai đồng tử bên cạnh vua, cùng nhau xoa bóp uốn nắn chân vua. Thấy vua im lặng, một người nói vua đang ngủ, người kia cũng cho là như vậy. Nghe vậy, với suy nghĩ: “Có lẽ hai người này có chuyện nói riêng, vua giả bộ ngủ và theo dõi câu chuyện”.

Bấy giờ, Ðà Sách Ca bảo Ba Lạc Ca:

– Có đời sau không?

Ðáp:

– Làm sao có đời sau?!

Ba Lạc Ca hỏi Ðà Sách Ca:

– Thế gian có A-la-hán không?

Ðáp:

– Thế gian không có quả A-la-hán.

Nghe hai đồng tử nói xong, vua suy nghĩ: “Hai đồng tử này đều phát sinh ác kiến, một là đoạn-kiến, hai là tà-kiến”. Nhà vua bảo với đại thần chuyện này, đại thần truyền đi, làm cho khắp gần xa trong nước đều biết hai đồng tử của vua là kẻ tà ác kiến.

Bấy giờ, giữa đại chúng, trưởng giả Cấp Cô Ðộc rống lên tiếng sư tử phân minh bảo mọi người:

– Ai sống trong nhà tôi, khi qua đời đều được sinh Thiên.

Nghe như vậy, vua suy nghĩ: “Nếu trưởng giả đến đây, ta sẽ giao hai đồng tử này cho ông ấy”.

Sau đó, trưởng giả đến chỗ nhà vua, sai tiểu đồng mang theo vật lót ngồi. Sau khi trải chỗ ngồi xong, đồng tử này bỏ ra ngoài, cùng đùa giỡn với đồng tử kia.

Sau khi đồng tử đi khỏi, với suy nghĩ: “Nay đúng lúc giao hai đồng tử cho ông ấy, nhà vua ngầm bảo người giữ cửa:- Ðừng cho đồng tử của trưởng giả đi vào”.

Vâng lệnh vua, người giữ cửa không cho đồng tử kia vào.

Ngồi đã lâu, trưởng giả ý muốn về nhà nên đứng dậy và liếc tìm đồng tử theo hầu. Nhà vua hỏi: – Trưởng giả, ngài tìm gì?

Tâu:

– Ðại vương! Tôi tìm đồng tử theo hầu.

Vua nói:

– Trưởng giả! Trẫm có hai người hầu, nay giao cho trưởng giả, hãy nhận mang về.

Biết ý của vua, trưởng giả miễn cưỡng nhận về và suy nghĩ: “Vì sao đại vương giao hai đồng tử này cho ta?”. Ông lại suy nghĩ: “Trước đây, hai kẻ này là kẻ ác kiến, vua muốn thử, nên sai ta mang họ đi”.

Bấy giờ, trưởng giả cùng dẫn họ về. Ðến nhà, trưởng giả sai người giữ kho:

– Hãy cung cấp những vật cần dùng cho hai đồng tử này.

Trưởng giả lại bảo những người trong chợ:

– Nếu hai đồng tử này cần gì, bạn hãy cấp cho họ và gửi giấy tính chi phí, tôi sẽ thanh toán gấp bội.

Khi hai đồng tử đến gặp người giữ kho yêu cầu điều gì cũng được toại ý, họ hỏi:

– Tôi cần gì ông cũng cung cấp phải không?

Ðáp:

– Cung cấp tất cả.

Ðồng tử lại hỏi:

– Ai bảo như vậy?

Ðáp:

– Trưởng giả.

Hai đồng tử bảo nhau:

– Trưởng giả đối với ta không khác gì cha mẹ. Những yêu cầu của ta đều được thỏa mãn.

Vào lúc khác, cả hai dẫn nhau vào chợ. Trông thấy, mọi người đều gọi:

– Hai đồng tử hãy đến hàng của tôi, tùy ý ăn uống.

Hai đồng tử nói:

– Trước kia, trông thấy chúng tôi, các vị đã đậy mâm thức ăn lại. Hôm nay, thấy từ xa, đã gọi chúng tôi, việc này tất có lý do, xin nói ra cho.

Mọi người đáp:

– Trước kia các người giật lấy ăn, không trả lại một chút nào. Nay trưởng giả thanh toán gấp bội. Vì vậy, chúng tôi mời các vị ăn.

Nghe như vậy, đồng tử nói với nhau rằng: – Trưởng giả từ bi, nên biểu hiện sự thân ái sâu xa.

Họ đến thưa với trưởng giả:

– Nếu có việc gì làm, xin được ngài giao phó.

Ðáp:

– Tạm ở như vậy, sau có việc sẽ bảo làm.

Sau đó, trưởng giả dẫn hai đồng tử này vào rừng Thệ Ða, bảo họ cầm chổi quét đất chúng Tăng. Trưởng giả có việc cần phải về nhà, bảo hai đồng tử: – Ta có việc phải đi, các ngươi hãy ở lại quét sạch trong chùa và dọn đồ dơ ở chỗ khuất, làm việc ấy xong mới về nhà.

Hai người quét sạch đất xong, muốn dọn đồ dơ. Ðức Phật dùng thần lực làm cho chỗ dơ bẩn nhiều vô cùng. Khi ấy, hai đồng tử này vì hiếu kính với chủ nên dùng hết sức mình dọn đồ dơ, không nghỉ.

Ðức Phật bảo A Nan Ðà:

– Nên để dành tàn thực cho hai đồng tử này.

A Nan Ðà vâng lệnh và bảo họ ăn. Với suy nghĩ: “Cần phải dọn sạch đồ dơ xong, ta sẽ về nhà, hai đồng tử không ăn tàn thực này của thánh giả”.

Với thần lực, Phật làm cho khi hai người dọn bên bờ Ðông thì bờ Tây có lại như cũ, khi dọn bờ Tây thì bờ Ðông có lại như cũ. Họ cực khổ như vậy đến xế chiều.

Phật bảo A Nan Ðà:

– Hai đồng tử này sẽ nghĩ lại đêm gần bên thầy, thầy hãy bảo với các Bí-sô: “- Trước đây Ta dạy có việc thiện nên che dấu, làm việc ác phải phát lộ, nay muốn làm cho hai đồng tử này bỏ ác-kiến nên biểu hiện việc thiện của mình. Những Bí-sô nào có đắc định nên trú vào định của mình ngay từ đầu đêm”.

Sau khi A Nan Ðà tuyên bố lời Phật, vào đầu đêm các Bí-sô hoặc phóng ánh sáng, hoặc hiện tướng đặc biệt. Thấy như vậy, hai đồng tử hỏi A Nan Ðà:

– Ðây là cái gì?

A Nan Ðà đáp:

– Ðấy là các thần biến của các vị A La Hán biểu hiện.

Bấy giờ, hai đồng tử thưa:

– Thánh giả! Trong thế giới có bậc A La Hán hay sao?

A Nan Ðà nói:

– Chẳng phải chính hai người đã thấy, vậy còn nghi ngờ điều gì!

Trước đây, hai người này đã có tà-kiến là không có bậc Ứng Cúng, nay thấy thần biến này, tà kiến không còn, phát sinh chánh kiến.

Vào giữa đêm, đức Phật vận dụng tâm thế tục: – Làm sao khiến Thích, Phạm, Chư Thiên cùng đến nơi đây … như đã nói rõ ở trên.

Khi ấy, biết được ý nghĩ của Phật, chư Thiên đều đến chỗ Phật. Do uy lực của họ nên có ánh sáng lớn. Thấy như vậy, hai đồng tử hỏi A Nan Ðà:

– Ðây là ánh sáng gì?

Ðáp:

– Ðây là Phạm, Thích và chư Thiên đến gặp Phật nên hiện ánh sáng này.

Hỏi:

– Thánh giả! Có đời khác không?

Ðáp:

– Chính ông đã thấy có gì phải nghi ngờ.

Trước đây, hai đồng tử này có tà kiến cho rằng không có đời sau, nay thấy chu thiên liền phát sinh tâm chánh kiến, rất mừng rỡ, cùng đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn tùy theo căn tính của họ thuyết pháp Tứ-đế, chỉ dạy lợi ích, hoan hỷ làm cho được khai ngộ, dùng chày kim-cương phá tan núi 25 thân kiến, chứng quả Dự-lưu. Sau khi đắc quả, họ làm lễ sát chân Phật, thưa:

– Thế Tôn! Nay con xin nguyện được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Như Lai, thọ giới cận viên thành tựu tính Bí-sô, tinh cần tu tập phạm-hạnh.

Thế Tôn bảo họ:

– Lành thay! Này Ðà Sách Ca và Ba Lạc Ca hãy đến đây tu tập phạm hạnh.

Khi ấy, hai người này, ngay dưới chân Phật, râu tóc tự rụng, trên tay đủ bình bát. Khi cạo tóc xong, trong vòng bảy ngày, họ đi lại với đủ uy nghi như người một trăm tuổi hạ, nói kệ:

Thế Tôn bảo “Thiện lai!”
Tóc rụng, đủ pháp y.
Uy nghi như trăm hạ
Thành tựu như ý Phật.

Bấy giờ, được Thế Tôn đích thân dạy bảo, hai Bí-sô ấy siêng năng tinh tấn, trong thời gian không bao lâu đắc quả A-la-hán … nói rộng như chỗ khác… cho đến là nơi Ðế Thích, Phạm chư thiên cùng nhau kính trọng.

Sau khi Thế Tôn đã độ Ðà Sách Ca và Ba Lạc Ca xuất gia, nghe như vậy vua Thắng quang không vừa ý:

– Vì sao Thế Tôn độ hai kẻ tà-kiến ấy xuất gia! Ðây không phải là việc tốt vì ai cũng biết sự tà-kiến của họ.

Nghe như vậy, Thế Tôn suy nghĩ:

– Trong chúng của Ta, các đệ tử Thanh Văn đã đoạn trừ hết hoặc nghiệp, công đức đáng tôn trọng như núi Diệu Cao. Vì sao nhà vua sinh ý tưởng khinh mạn, đây thật là lỗi lớn. Nay, Ta hãy biểu dương công đức thù thắng của hai người kia.

Khi trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến làm lễ sát chân Thế Tôn rồi ngồi qua một bên, nghe Phật thuyết pháp chỉ dạy lợi ích hoan hỷ. Khi Thế Tôn đã im lặng, trưởng giả rời chỗ ngồi đứng dậy chắp tay cung kính bạch:

– Thế Tôn! Cầu mong Ðại sư và thánh chúng, sáng mai đến nhà con thọ sự cúng dường nhỏ mọn.

Phật im lặng nhận lời. Biết như vậy, trưởng giả làm lễ Phật, từ giã.

Ðức Phật bảo A Nan Ðà:

– Thầy hãy đến bảo với Ðà Sách Ca và Bà Lạc Ca rằng ngày mai hai vị đến nhà trưởng giả dọn dâng nước cho chúng Tăng.

Vâng lời Phật dạy, Tôn giả đến gặp hai người kia và nói lại lời sai bảo của Phật.

Tuân lời Phật dạy, hai vị này thưa với Tôn giả: – Chúng tôi xin phụng hành lời Phật dạy.

Họ suy nghĩ: “Vì sao Thế Tôn bỏ qua những vị kỳ túc và trung niên mà cố ý sai chúng ta dọn dâng nước, chẳng phải là Thế Tôn muốn biểu dương công đức thù thắng của ta hay sao! Chúng ta nên làm mãn nguyện của Thế Tôn”.

Vào đêm ấy, trưởng giả dọn đầy đủ các món ăn thơm ngon tinh khiết là năm món ăn nhai và năm món ăn cắn. Vào sáng sớm, bố trí chỗ ngồi, xếp đặt đủ nước dùng, trang trí hoàn tất, trưởng giả sai sứ đến bạch Phật:

– Trai phạn đã dọn xong, kính xin Phật định liệu.

Bấy giờ, Thế Tôn mặc y mang bát cùng chúng Bí-sô đến nhà trưởng giả. Ðến nơi, Ngài cùng đại-chúng ngồi vào chỗ ngồi đã dọn sẵn.

Trưởng giả cũng sai sứ đến tâu với vua Thắng-Quang:

– Hôm nay, tại tư gia, thần đã thỉnh Phật và chư Tăng, tổ chức lễ cúng dường nhỏ, xin đại vương bỏ chút thì giờ đến cùng tùy hỷ.

Nghe như vậy, nhà vua đưa thái tử, những người trong cung làm tùy tùng, đến nhà trưởng giả để cùng nhau tùy hỷ. Ðến nơi lễ Phật xong, vua an tọa.

Khi ấy, cụ thọ Ðà Sách Ca đứng trước thượng-tọa, tay cầm bình nước dùng thần lực gia trì, làm cho nước tự rót đến từ vị lớn đến vị nhỏ theo thứ tự để rửa tay. Cụ thọ Bà Lạc Ca đứng trước hạ tọa, tay cầm bình nước dùng thần lực gia trì cũng làm cho nước tự rót ra dâng từ vị nhỏ đến vị lớn để súc miệng.

Thấy như vậy, Vua Thắng Quang suy nghĩ:

– Ðây là đại đức Bí-sô kỳ túc nào mà dám hiện thần lực trước đức Phật vậy?

Vua tìm theo nước rót, đến bên Hạ-tọa, thấy Bà Lạc Ca tay cầm bình nước, lại tìm theo nước, đến bên Thượng-tọa, thấy Ðà Sách Ca đang đứng cầm bình nước. Lấy làm hy hữu, nhà vua đưa bàn tay phải ra, tán thán:

– Hy hữu Phật Ðà! Hy hữu Ðạt Ma, lành thay chánh pháp có khả năng ngay trong hi?n tại làm cho Ðà Sách Ca và Ba Lạc Ca xả bỏ tội ác-kiến, chứng đắc công đức thù thắng như vậy.

Thấy đại chúng đã an tọa, trưởng giả đích thân dọn các món ăn uống. Sau khi thọ trai, đại chúng rửa tay súc miệng, xỉa răng xong thu xếp bình bát. Trưởng giả đặt một chỗ ngồi nhỏ trước Phật, quỳ xuống nghe pháp.

Thế Tôn tùy theo căn cơ, thuyết pháp cho vua Thắng Quang và trưởng giả, làm cho lợi ích hoan hỷ, rồi đứng dậy từ giã.

Sau khi về trú xứ, các Bí-sô đều có nghi ngờ, bạch Thế Tôn:

– Ðà Sách Ca và Ba Lạc Ca đã gây nghiệp gì mà sinh nơi biên địa, một người thì đoạn-kiến, một người thì tà-kiến. Họ lại gây nghiệp gì mà được xuất gia trong Phật pháp, đoạn tận các hoặc, chứng quả A-la-hán?

Phật bảo các bí sô:

– Hai người này do nghiệp đã làm nay quả báo đã thành thục … nói rộng như trước… cho đến… tự nhận lấy quả báo. Các thầy hãy lắng nghe, thời quá khứ trong Hiền-kiếp này, khi loài người thọ hai vạn tuổi, có Phật Ca Nhiếp Ba xuất hiện trong đời. Hai người này xuất gia trong giáo pháp đức Phật ấy. Cùng nhau làm bạn, họ đi đến biên quốc, tự tu tập thiền định, nhưng không thầy dạy bảo, thật không chứng đắc lại tưởng mình chứng đắc. Khi lâm chung, họ phỉ báng Thánh-pháp, sinh tâm tà kiến, nói rằng: – Phật Ca Nhiếp Ba dối gạt thế gian (cho rằng) đoạn trừ các phiền não thì chứng A-la-hán. Ðối với các hoặc, ta không thể đoạn hết, làm sao người khác chứng A-la-hán được.

Này các Bí-sô chớ có nghi ngờ, hai người tu tập thiền định không có thầy ngày xưa, nay là Ðà Sách Ca và Ba Lạc Ca. Họ do phỉ báng Thánh pháp, sinh tà kiến nên bị đọa trong ác đạo nhiều đời, lại nhiều đời sinh ở nơi biên địa phát sinh tà kiến cho đến đời này lại sinh đến nơi biên địa và có tà kiến. Hai người này nhờ tụng tập thọ trì đạo lý về uẩn, giới, xứ, duyên sinh và thiện xảo về xứ cùng phi xứ, do sức nghiệp này được xuất gia tu tập trong giáo pháp của Ta, đoạn trừ các hoặc chứng quả A-la-hán. Tu tập thiền định không thầy hướng dẫn có lỗi như vậy, thế nên các thầy không nên tự tu tập thiền định mà không có thầy hướng dẫn. Ai cố ý tu học như vậy bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ tại thành Thất La Phiệt. Trưởng giả nọ cất một thất nhỏ trong chỗ Lan Nhã. Có một Bí-sô trú ở đó. Vào mùa xuân, tiết trời nóng bức, làm cho thân hình Bí-sô vàng vọt gầy ốm không có sức khỏe. Muốn đi đến nơi khác, Bí-sô thưa với trưởng giả:

– Ngài nên tự giữ, tôi muốn đi nơi khác.

Trưởng giả hỏi:

– Có điều gì thiếu sót mà ngài muốn đi nơi khác?

Ðáp:

– Tôi không thiếu thốn gì cả, chỉ vì trời quá nóng, không ở trong thất nhỏ được.

Trưởng giả nói:

– Nếu ngài sợ nóng, con sẽ làm hang đ?t.

Ðáp:

– Trưởng giả! Ðức Phật chưa cho phép.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Người nào cần hang đất, được làm tùy ý.

Trưởng giả làm hang. Ðến tháng mùa hạ khí lạnh ẩm ướt Bí-sô không thể ở được, lại nói với trưởng giả:

– Tôi muốn đi nơi khác …

Hỏi đáp như trước vì đất ẩm ướt sinh thêm bệnh ho đàm không thể ở được. Trưởng giả nói:

– Nếu vậy, con sẽ làm nhà lớn.

Bí-sô đáp:

– Thế Tôn chưa cho phép.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật cho phép làm nhà lớn. Trưởng giả làm nhà lớn, vì không làm hành lang nên cây chống trên cao muốn gãy. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Nên làm hành lang, nếu sợ gẫy nên làm trụ xiêng dùng đinh đóng giữ lại.

Nhiếp tụng năm trong biệt môn ba:

Thạch diêm an giác nội
Dược khí dụng cù du
An thế tụng kinh thời
Dĩ vật thừa kỳ túc.

Duyên khởi tại tinh xá Trúc Viên, thành Vương Xá. Sau khi xuất gia, Cụ thọ Tất Lân Ðà Bạt Ta thường bị bệnh. Có vị đồng phạm hạnh đến thăm hỏi:

– Thưa thượng tọa! Tứ đại ngài an ổn không?

Ðáp:

– Tôi bệnh hoạn làm sao an ổn!

Hỏi:

– Từ trước đến nay thượng tọa từng dùng thuốc gì?

Ðáp:

– Tôi từng dùng muối cục.

Hỏi:

– Vậy sao nay không dùng nữa?

Ðáp:

– Hiền thủ, đức Phật chưa cho phép.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nay Ta cho phép Bí-sô được cất giữ muối tiên đà bà.

Bí-sô để bừa bãi làm cho muối bị tiêu hao. Phật dạy:

– Không được để như vậy, phải để có nơi, nên cất trong ống.

Bí-sô để trong ống tre, muối cũng bị tiêu. Phật dạy:

– Nên dùng ống bằng sừng để muối bên trong.

Bí-sô dùng sừng mới, làm muối có mùi hôi. Phật dạy:

– Dùng nước nóng và phân bò khô nấu tẩy sạch sừng mới, thì không bị hư.

Như Phật dạy nên để muối cục trong sừng, Bí-sô không biết đậy, làm cho bụi đất rơi vào. Phật dạy:

– Nên đậy lại.

Bí-sô không hiểu cách làm. Phật dạy:

– Dùng sừng để đậy.

Nhân Bí-sô Tất Lân Ðà Bạt Ta bị bệnh … hỏi đáp như trước, cần phải dùng bát nhỏ đựng thuốc. Phật dạy:

– Ðược phép giữ.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Trưởng giả nọ lấy vợ chưa bao lâu sinh được một bé trai. Khi trưởng thành, cậu ấy xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, chỉ nằm giường trống chưa có tấm thảm lót.

Sau đó, trưởng giả vào chùa thăm viếng, thấy con mình chỉ nằm giường trống không có tấm lót, nên bảo:

– Thánh tử, các Bí-sô khác đều có tấm lót nằm, tại sao ông không có?

Ðáp:

– Các vị khác phần nhiều xuất gia kỳ cựu, đã trữ cất từ trước đến nay. Con mới xuất tục nên chưa có.

Nói:

– Nếu như vậy, nhà ta có tấm thảm tốt, hãy dùng để trải nằm.

Ðáp:

– Phật chưa cho phép.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Cho phép dùng tấm thảm lót.

Bí-sô không dùng tấm bọc, ở trần nằm lên làm có nhiều cấu bẩn. Khi vào chùa, trưởng giả thấy tấm thảm bị dơ bẩn, không còn nhận ra nên hỏi người con:

– Ông vừa có tấm thảm khác phải không?

Ðáp:

– Ðấy là tấm cũ.

Cha nói:

– Vì sao dơ bẩn đến như vậy?

Ðáp:

– Không có tấm bọc nên dơ như vậy.

Cha nói:

– Ðây là vật có giá trị mà làm cho hư hoại. Ông nên bọc lại rồi dùng.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Tuy là vật riêng nhưng cũng phải bọc lại, nếu không bọc lại bị tội vượt pháp.

Duyên xứ như trước. Phật dạy:

– Người nhận việc tụng kinh nên ngồi trên tòa cao. Người ấy ngồi trên tòa sư tử thả hai chân xuống nên bị mệt nhọc.

Phật dạy:

– Nên làm bệ đỡ chân.

Bí-sô không hiểu. Phật dạy:

– Nếu tòa cố định thì nên làm bệ gạch. Nếu tòa di chuyển thì làm bệ ván gỗ.

Tuy làm bằng ván gỗ nhưng khó khăn khi di chuyển, Phật dạy:

– Nên làm bốn vòng sắt ở bốn góc, tùy ý kéo đi.

Có Bí-sô cầu phước và người tục có tín tâm bôi bột thơm vào bốn chân tòa làm cho tụng kinh sư không dám bước chân lên. Phật dạy:

– Dùng cỏ hay lá cây lót ở trên rồi bước lên chớ nghi ngại.

Duyên khởi như trước. Phật dạy:

– Làm bệ đỡ chân.

Bí-sô ở rừng tìm vật này khó khăn, thả chân bị mõi mệt. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Dùng đá đỡ chân.

Nhiếp tụng sáu trong biệt môn ba:

Thức diện cân sơ bạc
Thóa bồn tinh sấn thể
Thiết tào thiết cơ địa
Nguyệt quang châu hoãn y.

* Duyên khởi tại thành Vương Xá. Bí-sô Tất Lân Ðà Bạt Ta bị bệnh nên đầu mặt bị cáu bẩn, hỏi đáp như trước … cho đến ... : Trước đây thượng tọa dùng vật gì?

Ðáp:

– Dùng khăn lau mặt.

Hỏi:

– Nay sao không dùng?

Ðáp:

– Phật chưa cho phép.

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Có bệnh hay không đều nên dùng khăn lau mặt.

* Duyên xứ như trước. Tất Lân Ðà Bạt Ta nóng khổ nên thân thể vàng vọt, hỏi đáp như trước cho đến … : Trước đây thượng tọa dùng vật gì?

Ðáp:

– Dùng y mỏng.

Hỏi:

– Nay sao không dùng?

Ðáp:

– Phật chưa cho phép.

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Khi trời nóng nên dùng y mỏng.

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Có Bí-sô bị bệnh ho đàm, khạc nhổ đờm dãi hai bên giường làm cho nhơ bẩn. Trời sắp sáng, môn nhân vào phòng, làm lễ thăm hỏi, bị đàm dính bẩn trán. Thấy vậy, Bí-sô hỏi, vị ấy nói lại sự việc trên. Sau khi nói: “- Ðể ta xem thử”, Bí-sô vào phòng, thấy đờm dãi cuả vị ấy bừa bãi bên cạnh giường, nên nói lại các Bí-sô. Họ cùng nhau sinh hiềm khích:

– Vì sao Bí-sô khạc nhổ nhơ bẩn trong phòng tăng!

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Chẳng phải chỗ để khạc nhổ, không nên khạc nhổ. Trong chỗ tối tăm không được lễ bái đầu đụng đất. Ai cần phải lễ kính nên nói: Kính chào ngài. Chỉ có thỉnh bạch đầu nên làm như vậy. Ai bị thương hàn phải khạc nhổ, nên dùng ống nhổ.

Khi bỏ vật vào ống nhổ bị nghiêng làm nhơ bẩn thêm, Phật dạy:

– Nên đặt trong vật giữ.

Họ đặt trong vòng dây nhưng vẫn bị nghiêng đổ. Phật dạy:

– Ống nhổ và chậu súc miệng hình dạng như chân voi, đáy lồi vào trong, đặt trên đất an ổn.

Khi đổ nước nhổ vào làm đáy lõm xuống, Phật dạy:

– Lót vật vào trong chậu.

Bí-sô không hiểu, Phật dạy:

– Nên cắt cỏ để vào hoặc để đất hay cát bên trong.

Có nhiều ruồi bu vào, Phật dạy:

– Nên quạt đuổi đi.

Trong bồn có mùi hôi, Phật dạy:

– Thường xuyên rửa cho sạch.

Sau khi rửa, không phơi khô nên có trùng sinh ra. Phật dạy:

– Nên phơi khô.

Lại có Bí-sô khạc nhổ không ngừng, chờ phơi ống nhổ khô, bỏ lỡ công việc. Phật dạy:

– Nên sắm hai cái dùng thay nhau.

Bí-sô tụng kinh, kinh hành dưới hiên nhà, khạc nhổ bừa bãi. Phật dạy:

– Không nên như vậy. Ai khạc nhổ bừa bãi bị tội vượt pháp. Nhưng tại chân của trụ ở bốn góc chùa nên đặt ống nhổ. Ai muốn khạc nhổ nên nhả vào đó.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Có Bí-sô tên Mao huyết. Thời quá khứ, vị này bị sinh tử trong năm trăm đời tại địa ngục, sau khi sinh vào loài người, sống đời thế tục thường ưa trang sức, hoan lạc không chán, không còn nghĩ đến địa ngục. Hiện nay, vị ấy xuất gia tu tập trong Phật pháp, nghe Phật thuyết pháp trong Tam tạng thánh giáo dạy về sự khác nhau của khổ địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, người trời. Khi nghe đến địa ngục, sự đau khổ của vị này liền hiện tiền, các lỗ chân lông đều chảy ra máu, làm ướt bẩn y phục nên có mùi hôi.

Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô như vậy nên dùng y lót thân.

Bí-sô dùng y lót trên y ngoài gây ra chê trách. Phật dạy:

– Nên mặc bên trong.

Bị ghẻ nhọt, họ dùng y để lau. Phật dạy:

– Không nên làm vậy, nếu có máu mủ nên dùng lá cây nấu nước nóng từ từ rửa sạch, thường xuyên giặt y lót thân và phơi cho khô.

Duyên khởi tại thành Vương Xá. Cụ thọ Tất Lân Ðà Bạt Ta thường bị bệnh. Có vị đồng phạm hạnh đến thăm hỏi như trước … cho đến … : Trước đây thượng tọa dùng vật gì?

Ðáp:

– Trước đây ngâm trong bồn sắt chứa nước thuốc nóng.

Hỏi:

– Vậy nay sao không dùng?

Ðáp:

– Phật chưa cho phép.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Người bệnh được dùng bồn sắt.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Vào mùa hạ trời mưa, các Bí-sô đi nhiễu tháp bị bùn làm bẩn chân.

Phật dạy:

– Nên lát gạch, bên trên dùng gạch vụn trộn bùn nện chặt, lại trải đá sỏi và tro bùn.

Tháp quá lớn không làm khắp được. Phật dạy:

– Làm vừa một tầm.

Như vậy cũng khó làm đủ. Phật dạy:

– Lót ván.

Khó tìm ván. Phật dạy:

– Nên xếp gạch từng bước đi.

Cửa chùa và trong chùa có nhiều vũng bùn. Phật dạy:

– Theo cách như trên mà lấp bằng.

* Duyên khởi như trước. Trưởng giả nọ làm một nhà nhỏ trong khu rừng yên tịnh cho Bí-sô ở nhờ. Gặp mùa lạnh, Bí-sô bị lạnh nên thân thể gầy yếu, đến bảo trưởng giả:

– Tôi muốn đi nơi khác.

Ðáp:

– Thánh giả, có việc gì thiếu thốn không?

Bí-sô nói:

– Không có gì thiếu thốn, chỉ khổ vì lạnh.

Trưởng giả nói:

– Ngài cứ ở lại đây, con sẽ đưa ngọc Nhật quang thường lấy ra lửa để dùng.

Ðáp:

– Trưởng giả! Phật chưa cho phép.

Trưởng giả nói:

– Ðức Phật đại từ bi chắc chắn cho phép nhận dùng.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu cần ngọc Nhật quang, cho phép cất giữ, tùy lúc lấy ra lửa.

Trưởng giả liền đưa ngọc cho Bí-sô xử dụng.

Bấy giờ, có năm trăm tên giặc muốn đánh thành nhỏ, đi qua chỗ Bí-sô, bảo:

– Cần lửa.

Ðáp:

– Hiện nay không có.

Giặc hỏi:

– Có cách gì được lửa?

Ðáp:

– Hiền thủ! Có ngọc Nhật quang có thể lấy ra lửa.

Bí-sô chỉ chỗ có ngọc.

Sau khi đi phá thành, giặc trở lại chỗ cũ, muốn đoạt ngọc nên hỏi ngọc ở đâu. Bí-sô đưa ngọc ra, giặc lấy mang đi mất. Bí-sô sợ lạnh đến gặp trưởng giả, nói:

– Tôi lạnh … như trên.

Trưởng giả nói:

– Ngọc ở đâu?

Ðáp:

– Bị giặc lấy mang đi rồi.

Trưởng giả nói:

– Ðó là vật quý giá, không cất giữ cẩn thận để cho giặc lấy mang đi, thật đáng tiếc.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Ngọc quý như vậy không nên chỉ cho giặc. Ngọc cho ra lửa như Nhật quang, Nguyệt quang cũng như vậy.

* Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô sai người giặc y tẩy giặt y phục. Người thợ giặc vì nhận nhiều y phục khác nên giặt không xong kịp. Vào buổi chiều sẩm, Ô Ba Nan Ðà cầm y dơ cũ, đến nhà người thợ giặt bảo:

– Hãy giặt y.

Ðáp:

– Ðang có nhiều y quá, sáng mai sẽ giặt.

Ô Ba Nan Ðà liền tức giận. Thợ nói:

– Xin đừng giận, hãy để lại đây rồi đi, tôi sẽ giặt ngay.

Vội vàng, người thợ ngâm y này chung với nhiều y phục khác làm cho màu đỏ nhiễm ố các y khác. Thấy vậy, người thợ ôm trán buồn rầu. Nhiều người đến thấy cùng nhau chê trách. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật suy nghĩ: “Do giặt y nên sinh ra nhiều việc chê trách “.

Ngài bảo các Bí-sô:

– Ô Ba Nan Ðà dùng y màu đỏ làm ố các y phục khác, thế nên các Bí-sô không nên sai người khác giặt y màu đỏ. Ai làm như vậy bị tội vượt pháp.

Nghe như vậy, Lục chúng đem y trắng đến cho họ giặt. Họ đem chà đập làm y bị hư. Phật dạy:

– Bí-sô không nên bảo thợ giặt giặt y của mình.

* Duyên xứ như trước. Lục chúng Bí-sô nghe Phật không cho phép Bí-sô bảo thợ giặt y cho mình, liền cầm y đến chỗ giặt y, lấy vật khác che phủ đầu, ngồi bên bờ hồ tự giặt y cho mình.Thấy vậy, mọi người chê trách. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không nên đến chỗ giặt y để giặt y phục. Ai làm vậy bị tội vượt pháp.

* Duyên khởi như trước. Bí-sô chà đập giặt y trên tấm ván lớn, làm cho y bị hư. Phật dạy:

– Không nên làm vậy, nên ngâm với nước nóng trong bồn, dùng tay vò giặt từ từ làm cho sạch.

Phật khiến giặt y bằng tay. Có Bí-sô không làm được, Phật dạy:

– Dùng chân.

Có người không thể dùng tay hay chân, Phật dạy:

– Nhờ người khác làm thì chính mình phải trông chừng.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 25 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 05 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 15 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 21 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 11 - Luật Tạng