QUYỂN 479
HỘI THỨ 3
I. PHẨM DUYÊN KHỞI
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ đức Bạc-già-phạm cùng năm ức đại chúng Bí-sô ở trên đỉnh núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá. Các đại Bí-sô đều là A-la-hán, đã sạch các lậu, không còn phiền não, được chơn tự tại. Tâm của các vị ấy hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, giống như ngựa khôn được điều phục, cũng như rồng lớn, những việc cần làm đã làm xong, những việc cần thành tựu cũng đã thành tựu rồi, quăng bỏ những gánh nặng, chứng đắc được tự lợi, không còn các kiết sử, được chánh trí giải thoát, đạt được tâm tự tại, cứu cánh đệ nhất. Trừ A-nan-đà là còn ở địa vị hữu học, Xá-lợi Tử làm thượng thủ.
Lại có năm trăm chúng Bí-sô-ni đều là A-la-hán, trong đó Da-thâu-đạt-la làm thượng thủ.
Lại có hơn ngàn cận sự nam, cận sự nữ đều đã thấy pháp.
Lại có vô lượng, vô số Đại Bồ-tát Tăng không thể tính, không thể lường, không thể nói, và tất cả đều đạt được đại Đà-la-ni, Tam-ma-địa.
Các ngài đều an trụ vào tánh Không, hành trong cảnh vô tướng, phát nguyện không phân biệt, chứng được nhẫn tánh bình đẳng của tất cả pháp, đầy đủ vô ngại giải, diễn nói ý nghĩa thâm sâu vi diệu, biện tài vô tận, năm thần thông tự tại, không còn thối lui. Hòa vui tao nhã, tất cả nhường nhịn, kính trọng nhau, siêng năng tinh tấn, không giải đãi, từ bỏ thân quyến, vứt hết của cải, quên thân bỏ mạng, không lấy sự hư dối để tham cầu, vì các hữu tình mà giảng nói chơn lý nhiệm mầu.
Các vị đã chứng pháp nhẫn sâu xa, đạt đến chỗ cao tột, được đại vô úy, thân tâm thanh thản, vượt ra khỏi những việc làm của chúng ma, chiến thắng địch phiền não, tận trừ các nghiệp chướng, tất cả luận phái khác không thể nào bẻ gãy được. Thanh văn, Ðộc giác không lường được công đức ấy. Đối với pháp, đối với tâm các vị ấy đều tự tại, giải thoát tất cả nghiệp phiền não chướng. Khi nói về các duyên không có việc nào mà không thấu đạt, hiểu rõ vào duyên khởi với ý nghĩa vô tận.
Các vị đã diệt trừ kiến tùy miên, đoạn hết các kiết sử, chứng hoàn toàn về trí của đế lý, đã trải qua nhiều phát thệ nguyện rộng lớn, trước khi nói, các vị mỉm cười, dung mạo thanh thản, giọng nói nhã nhặn, dịu dàng, nói năng khôn khéo vô cùng, cách cư xử rất tôn nghiêm, oai nghi đĩnh đạt, đi đứng có oai nghi từ tốn, thản nhiên không sợ sệt v.v… trải qua na-do-tha kiếp, khéo nói cũng không hết.
Các vị ấy quán các pháp môn giống như huyễn hóa, quáng nắng, cảnh trong mộng, trăng dưới nước, tiếng vang, lại giống như hoa đốm, như hình tượng trong gương, như bóng sáng, cũng giống như biến hóa và thành Tầm hương (ảnh ảo). Mặc dầu thật thể không có nhưng nó hiện lên giống như có, đối với lý sâu xa mà nói không sợ sệt, nói năng khéo léo, tâm không hèn hạ, biết rõ những hiểu biết sai khác vi tế mà tâm hành của hữu tình hướng đến và thông đạt đời sau một cách rõ ràng, không chướng ngại, thành tựu tối thắng vô sanh pháp nhẫn. Như thật ngộ nhập vào pháp tánh bình đẳng. Vô biên đại nguyện đều thâu nhiếp về cõi Phật. Vô số chư Phật trong mười phương thế giới, nhờ lực đẳng trì (định) nên thường chánh niệm. Tất cả chư Như Lai xuất hiện ra đời đều tôn thờ, không bỏ qua vị nào và cầu thỉnh chư Phật ấy trụ mãi trên thế gian, chuyển bánh xe Chánh pháp, độ vô lượng chúng sanh, chiến thắng tất cả sự trói buộc, dơ cấu của tùy miên và các sự trói buộc phiền não trong các kiến thú, phát sanh trăm ngàn đẳng trì du hý. Ðối với tất cả pháp môn đều ngộ nhập một cách dễ dàng. Chúng Đại Bồ-tát ấy đầy đủ vô lượng công đức như vậy, dù trải qua vô số kiếp khen ngợi cũng không hết.
Tên của các vị đó là Bồ-tát Hiền Thủ, Bồ-tát Bảo Tánh, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Nhơn Thọ, Bồ-tát Tinh Thọ, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Đế Thọ, Bồ-tát Thượng Tuệ, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Ðắc Ðại Thế Chí, Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Kim Cương Tuệ, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Từ Thị, vô lượng trăm ngàn câu chi (ức), na-do-tha (triệu) Đại Bồ-tát ấy làm thượng thủ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trải Ni-sư-đàn trên toà Sư Tử, ngồi kiết già, thân ngay thẳng, chánh niệm nhập vào Ðẳng trì vương diệu Tam-ma-địa. Các Tam-ma-địa đều từ trong Tam-ma-địa này mà lưu xuất ra.
Bấy giờ, đức Thế Tôn chánh tri chánh niệm ra khỏi Ðẳng trì vương một cách an tường. Ngài dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương, toàn cả thân vui vẻ. Từ tướng bánh xe ngàn căm, dưới hai chân của Ngài, đều phóng ra trăm ngàn câu-chi, na-do-tha ánh sáng. Từ mười ngón chân, hai mu bàn chân, hai gót chân, bốn mắt cá, hai cẳng chân, hai bắp vế, hai đầu gối, hai cổ vế, hai đùi vế, eo, hông, bụng, lưng, rốn, tim, ngực, chữ Vạn trên ngực, tướng Ðại sĩ phu, hai vú, hai nách, hai vai, hai bắp tay, hai khuỷu tay, hai cánh tay, hai cổ tay, hai bàn tay, mười ngón tay, cổ, yết hầu, má bên mép, cằm, hai má, trán, đỉnh đầu, hai lông mày, hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, bốn răng giữa, bốn mươi răng, tướng lông giữa chặn mày v.v… Mỗi phần thân thể đều phóng ra sáu mươi trăm ngàn câu-chi, na-do-tha ánh sáng. Mỗi ánh sáng đều chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Từ đây lần lượt chiếu khắp hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương. Trong đó, hữu tình nào gặp phải ánh sáng này nhất định chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bấy giờ, tất cả lổ lông của Thế Tôn đều sáng rực, phát ra sáu mươi trăm ngàn câu-chi, na-do-tha ánh sáng. Mỗi mỗi ánh sáng ấy chiếu đến ba ngàn đại thiên thế giới. Từ đây lần lượt chiếu đến hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương, chúng sanh trong đó nếu tiếp xúc ánh sáng này, nhất định chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bấy giờ, ánh sáng bình thường toàn thân Thế Tôn chiếu đến ba ngàn đại thiên thế giới. Từ đây lần lượt chiếu đến hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương. Trong đó, chúng sanh nào tiếp xúc ánh sáng này nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, từ miệng của Ngài xuất ra tướng lưỡi dài rộng che khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới, mỉm cười vui vẻ. Lại từ tướng lưỡi tỏa ra vô lượng trăm ngàn câu-chi, na-do-tha ánh sáng, ánh sáng ấy nhiều màu sắc xen lẫn. Trong mỗi ánh sáng nhiều màu sắc này hiện ra hoa sen báu, hoa ấy có ngàn cánh toàn bằng màu vàng ròng, được trang sức nhiều châu báu. Hoa ánh sáng ấy khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới. Từ đây lần lượt tỏa khắp đến hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương. Trong các đài hoa đều có hóa Phật ngồi kiết già nói pháp âm vi diệu. Mỗi pháp âm đều tương ưng sáu pháp Ba-la-mật-đa. Hữu tình nào nghe được, nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bấy giờ, Thế Tôn không rời khỏi tòa, lại nhập vào Sư tử du hý đẳng trì, hiện sức thần thông làm cho ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách: Phương Ðông vọt lên, phương Tây chìm xuống; Tây vọt lên, phương Ðông chìm xuống; phương Nam vọt lên, phương Bắc chìm xuống; phương Bắc vọt lên, phương Nam chìm xuống; giữa vọt lên, bốn bên chìm xuống; bốn bên vọt lên, giữa chìm xuống. Đất ấy thanh tịnh, ánh sáng sáng diệu làm cho các hữu tình được lợi ích an lạc.
Khi ấy, trong ba ngàn đại thiên thế giới này, tất cả hữu tình, tất cả địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ và vô số chỗ hiểm nạn khác đều được lìa khổ nạn. Từ các cõi ấy qua đời rồi, sanh vào cõi người và trời lục dục. Tất cả đều nhớ kiếp trước nên hoan hỷ vui mừng khôn xiết, cùng nhau đến Phật, đem tâm thuần tịnh mà đảnh lễ lạy dưới chân Phật. Từ đây lần lượt khắp cả hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương, nhờ thần lực của Phật, chấn động sáu cách mà tất cả hữu tình trong các cõi ác v.v… của thế giới đó đều lìa khỏi khổ nạn. Từ các cõi đó qua đời, được sanh vào cõi người và trời lục dục, tất cả đều nhớ kiếp trước nên vui mừng khôn xiết. Tất cả từ cõi của mình đồng đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Ngài.
Hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới và hằng hà sa số thế giới khắp mười phương, những người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người điên được nhớ, người loạn được định trí, người nghèo được giàu, người rách rưới được áo quần, người đói được ăn, người khát được uống, người bệnh được lành, người xấu xí được đẹp đẽ, người tàn tật được trọn vẹn, người thiếu căn được đầy đủ, người mê muội được tỉnh ngộ, người mỏi mệt được nhẹ nhàng.
Khi ấy, tâm của tất cả hữu tình đều xem nhau như cha, mẹ, như anh, em, như chị em, như bạn bè. Lìa bỏ nghiệp tà ngữ, tu tập nghiệp chánh ngữ. Lìa mười con đường ác, tu tập mười con đường lành. Bỏ những suy nghĩ ác, tu tập những suy nghĩ thiện. Lìa bỏ phi phạm hạnh tu tập chánh phạm hạnh. Thích trong sạch bỏ ô uế, ưa tịch tịnh bỏ ồn náo, thân tâm an vui, tự nhiên sanh diệu lạc, giống như người tu hành nhập vào định thứ ba. Lại có thắng tuệ tự nhiên hiện tiền, tất cả đều nghĩ như vầy: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, xa lìa phóng dật, tu hành phạm hạnh, từ, bi, hỷ, xả với các loài hữu tình không làm đau khổ cho nhau, há không tốt đẹp hay sao!?
Bấy giờ, đức Phật ngồi nơi tòa Sư Tử với ánh sáng thù thắng, oai đức vòi vọi, rực rỡ che khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới và hằng hà sa số thế giới quốc độ của chư Phật trong mười phương khác, làm cho núi Tô-mê-lô, núi Luân vi v.v… và tất cả cung điện của rồng, thần, trời cho đến cõi trời Tịnh cư đều không hiện, giống như trăng tròn mùa thu chói sáng các vì sao, giống như nắng mùa hạ làm mất đi các màu sắc, giống như núi Diệu cao sơn vương có bốn đại báu che lắp các núi khác và làm mất đi màu sắc sáng rỡ của các núi ấy. Đức Phật dùng thần lực hiện trở lại sắc thân cũ, làm cho tất cả hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới đều thấy.
Khi ấy, vô lượng, vô số chúng trời Tịnh cư trong ba ngàn đại thiên thế giới, dưới đến cõi Tứ đại vương chúng thiên ở Dục giới và tất cả người chẳng phải người v.v… khác đều thấy Như Lai ngồi tòa Sư Tử có oai đức ánh sáng rực rỡ giống như núi vàng ròng. Tất cả đều vui mừng khôn xiết chưa từng có và đem các loại hương hoa, vòng hoa, hương xoa thượng diệu và y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc và vô lượng các loại hoa ở cõi trời: Hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa sen thơm, hoa sen vàng, hoa sen hồng, hoa cây bằng vàng bạc và lá thơm cùng các loại hoa mọc trên đất, dưới nước, đi đến chỗ Phật dâng cúng dường và rải trên Phật. Do thần lực của Phật nên tất cả hoa, vòng hoa v.v… cùng tung lên hư không, kết lại thành một đài hoa sáng bằng ba ngàn đại thiên thế giới, thòng xuống nào hoa trời, bảo cái, tràng phan, chuông báu, lụa màu đỏ trang sức rất là đẹp mắt.
Lúc ấy, cõi Phật này được trang nghiêm vi diệu giống như thế giới Cực lạc ở phương Tây. Ánh sáng của Phật chiếu rực rỡ ba ngàn đại thiên, tất cả vật trong hư không đều là màu vàng ròng. Hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương cũng đều như vậy.
Bấy giờ, ba ngàn đại thiên cõi Phật này nhờ thần lực Phật mà tất cả trời, người đều thấy Phật đang ngồi trước mặt mình và cho là Như Lai chỉ nói pháp cho riêng mình.
Lúc này, Thế Tôn ngồi ngay nơi tòa, vui vẻ mỉm cười, từ miệng phóng ánh sáng lớn chiếu khắp ba ngàn đại thiên cõi Phật và hằng hà sa số thế giới. Khi ấy, tất cả hữu tình trong ba ngàn đại thiên thế giới cõi Phật này nhờ vào ánh sáng của Phật nên thấy khắp tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh và tất cả hữu tình, vô tình có từng phẩm loại riêng biệt khác nhau.
Khi ấy, tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương nhờ vào ánh sáng của Phật nên cũng thấy đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cõi này có chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh và tất cả hữu tình, vô tình có từng phẩm loại riêng biệt khác.
Bấy giờ, thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Ðông tên là Ða Bảo, Phật hiệu là Bảo Tánh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, hiện đang nói đại Bát-nhã ba-la-mật-đa cho các Đại Bồ-tát. Cõi đó có Bồ-tát tên là Phổ Quang, thấy ánh sáng lớn, đại địa chấn động và thấy thân tướng Phật, nên nghi ngờ, bèn đi đến chỗ Phật Bảo Tánh thưa:
– Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà có điềm lành này?
Phật Bảo Tánh dạy:
– Này Phổ Quang! Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận về phía Tây tên là Kham Nhẫn, Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, đang nói đại Bát-nhã ba-la-mật-đa cho các Đại Bồ-tát. Do thần lực của đức Phật đó mà có điềm lành này.
Nghe xong, Phổ Quang vui mừng khôn xiết, liền thưa:
– Bạch Thế Tôn! Nay con xin phép Ngài để đến thế giới Kham Nhẫn thăm viếng, lễ bái cúng dường đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai và chúng Bồ-tát, cúi xin Ngài chấp thuận.
Phật Bảo Tánh dạy Phổ Quang:
– Nay đã đúng thời, ông cứ đi tự nhiên.
Nói xong, Phật Bảo Tánh liền lấy một ngàn cành hoa sen màu vàng ròng, hoa ấy có ngàn cánh, được trang sức bằng những châu báu, trao cho Phổ Quang và dặn:
– Này Phổ Quang, ông hãy cầm hoa này đến chỗ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, theo lời của ta mà thưa: Bảo Tánh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác gởi rất nhiều lời thăm hỏi và gởi hoa sen này biếu Thế Tôn để làm Phật sự. Khi đến cõi đó, ông phải luôn luôn chánh tri, đừng đem tâm ngã mạn xem thường cõi Phật đó và cùng các đại chúng mà tự mình chuốt lấy tổn thương. Vì sao? Vì chư Đại Bồ-tát đó đã chứng đắc vô ngại giải, môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa, thần thông tự tại, nơi thân cuối cùng sẽ bước lên ngôi vị Phật. Oai đức của các vị ấy khó mà sánh bì, bi nguyện đã nguyện đã thấm nhuần vào tâm, vì nhân duyên lớn mà các vị đó sanh vào thế giới Kham Nhẫn kia.
Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Quang nhận hoa và phụng mạng Phật Bảo Tánh rồi cùng vô lượng trăm ngàn câu-chi, na-do-tha Đại Bồ-tát và vô số trăm ngàn đồng nam, đồng nữ, đảnh lễ dưới chân Phật Bảo Tánh đi nhiễu bên phải rồi tử giã ra đi. Tất cả đem vô lượng đồ cúng dường thượng diệu rồi lên đường. Trải qua thế giới chư Phật ở phương Ðông, đều cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen, không bỏ sót một vị Phật nào. Ðến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai, mọi người đảnh lễ dưới chân Phật và đi nhiễu một trăm một ngàn vòng, rồi đứng qua một bên.
Bồ-tát Phổ Quang đến trước Phật thưa:
– Bạch Thế Tôn! Thế giới cuối cùng trong Hằng hà sa số thế giới tận phương Ðông tên là Ða Bảo, Phật hiệu là Bảo Tánh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, gởi rất nhiều lời vấn an Như Lai, Phật dạy đem một ngàn cành hoa sen màu vàng ròng này đến biếu Thế Tôn để làm Phật sự.
Khi đức Thích Ca Mâu Ni nhận hoa sen này rồi rải trở lại hằng hà sa số thế giới chư Phật ở phương Ðông, nhờ thần lực của Phật nên khiến cho hoa sen này khắp cả các cõi Phật. Trong các đài hoa đều có hóa Phật ngồi kiết già, nói pháp tương ưng với đại Bát-nhã ba-la-mật-đa cho chư Đại Bồ-tát. Hữu tình nào được nghe nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, Phổ Quang và những người đi theo thấy việc này rất vui mừng, khen ngợi chưa từng có. mọi người tùy theo căn lành mà cúng dường nhiều ít. Cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen Phật và Bồ-tát rồi, mọi người đều lui qua ngồi một bên. Ở thế giới phương Ðông như vậy.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Nam tên là Ly Nhất Thiết Ưu, Phật hiệu Vô Ưu Ðức, cõi đó có Bồ-tát tên là Ly Ưu.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Tây tên là Cận Tịch Tịnh, Phật hiệu là Bảo Diễm, ở đó có Bồ-tát tên Hành Tuệ.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Bắc tên là Tối Thắng, Phật hiệu Thắng Ðế, cõi đó có Bồ-tát tên là Thắng Thọ.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Ðông Bắc tên là Ðịnh Trang Nghiêm, Phật hiệu là Ðịnh Tượng Thắng Ðức, cõi đó có Bồ-tát tên Ly Trần Dõng Mãnh.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Ðông Nam tên là Diệu Giác Trang Nghiêm Thậm Khả Ái Lạc, Phật hiệu là Liên Hoa Thắng Ðức, cõi đó có Bồ-tát tên Liên Hoa Thủ.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Tây Nam tên là Ly Trần Tụ, Phật hiệu là Nhật Luân Biến Chiếu Thắng Ðức, cõi đó có Bồ-tát tên là Quang Minh.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương Tây Bắc tên là Chân Tự Tại, Phật hiệu là Nhất Bảo Cái Thắng, cõi đó có Bồ-tát tên là Bảo Thắng.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương dưới tên là Liên Hoa, Phật hiệu Liên Hoa Ðức, cõi đó có Bồ-tát tên Liên Hoa Thắng.
Thế giới cuối cùng trong hằng hà sa số thế giới tận phương trên tên là Hoan Hỷ, Phật hiệu là Hỷ Ðức, cõi đó có Bồ-tát tên là Hỷ Thọ.
Như vậy tất cả đều giống như phương Ðông.
Bấy giờ, thế giới Kham Nhẫn trong ba ngàn đại thiên thế giới này đầy khắp các châu báu, trên đất trải đầy các hương hoa thơm đẹp, chỗ nào cũng dựng tràng phan, bảo cái thẳng hàng: Nào cây hoa, cây quả, cây hương, cây vòng hoa, cây báu, cây y phục. Các cây trang hoàng lẫn lộn khắp nơi, trang trí rất là khả ái, giống như chỗ của Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Thiện Trụ Tuệ, và vô lượng Đại Bồ-tát có đại oai đức ở cõi Phật Phổ Hoa Như Lai trong thế giới chúng Liên Hoa.
II. PHẨM XÁ-LỢI TỬ 01
Bấy giờ, Thế Tôn biết các thế giới như là trời, ma, Phạm, các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Đại Bồ-tát kế thừa ngôi vị Thế Tôn, ngoài ra còn có tất cả người chẳng phải người v.v… có duyên với pháp đều đến hội họp, Ngài liền nói với cụ thọ Xá-lợi Tử:
– Đại Bồ-tát nếu muốn biết rõ các tướng của tất cả pháp thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nghe Phật nói như vậy, Xá-lợi Tử chấp tay cung kính bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát muốn biết rõ các tướng của tất cả pháp phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật dạy cụ thọ Xá-lợi Tử:
– Chư Đại Bồ-tát lấy vô trụ mà làm phương tiện để an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì năng trụ và sở trụ đều không thể đắc.
Nên lấy vô xả làm phương tiện để viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa, vì người cho và người nhận đều không thể đắc.
Nên lấy vô hộ trì mà làm phương tiện để viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa, vì tướng phạm hay không phạm không thể đắc.
Nên lấy vô thủ mà làm phương tiện để viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa, vì tướng động hay không động đều không thể đắc.
Nên lấy vô sách tấn mà làm phương tiện để viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa, vì thân tâm siêng năng, giải đãi không thể đắc.
Nên lấy vô suy nghĩ mà làm phương tiện để viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa, vì có ý vị ngọt hay không ý vị ngọt đều không thể đắc. Nên lấy vô chấp mà làm phương tiện để viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì tánh tướng hữu vô không thể đắc.
Lại nữa, Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát an trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Nên tu bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo.
Nên tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.
Nên tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.
Nên tu tám giải thoát, chín định thứ đệ.
Nên tu chín tưởng. Thế nào là chín? Nghĩa là tưởng phình trướng, tưởng nát rả, tưởng đỏ bầm, tưởng xanh bầm, tưởng mổ ăn, tưởng rơi rớt, tưởng hài cốt, tưởng thiêu đốt, tưởng hư hoại.
Nên tu mười tùy niệm. Thế nào là mười? Nghĩa là tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên, tùy niệm hơi thở ra vào, tùy niệm chán, tùy niệm chết, tùy niệm thân.
Nên học mười thứ tưởng. Thế nào là mười? Nghĩa là tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng tất cả thế gian không ưa thích, tưởng nhàm chán ăn uống, tưởng đoạn, tưởng xa lìa, tưởng diệt.
Nên tu mười một trí. Thế nào là mười một? Nghĩa là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí, pháp trí, loại trí, thế tục trí, tha tâm trí, như thuyết trí.
Nên tu Tam-ma-địa có tầm có tứ, Tam-ma-địa không tầm có tứ, Tam-ma-địa không tầm không tứ.
Nên tu vị tri căn, đương tri căn, dĩ tri căn và trụ tri căn.
Nên tu quán bất tịnh xứ, quán biến xứ trí thất thiết trí.
Nên tu thiền chỉ và thiền quán.
Nên tu ba minh, bốn sự hiểu biết thông suốt, bốn điều không sợ.
Nên tu bất thối chuyển, năm thần thông.
Nên tu sáu pháp Ba-la-mật-đa, bảy Thánh tài, tám điều giác ngộ của bậc Ðại sĩ, trí chín cõi hữu tình.
Nên tu mười lực của Như Lai, mười tám pháp Phật bất cộng.
Nên tu đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.
Nên tu trí nhất thiết tướng, trí vi diệu v.v… vô lượng, vô biên bất khả tư nghì công đức của chư Phật. Vì tất cả pháp như vậy đều không có thể đắc.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát muốn mau chứng đắc trí thất thiết trí, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Muốn mau viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, nhất thiết hữu tình tâm hành tướng trí, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Muốn nhổ sạch tất cả tập khí phiền não nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn nhập vào vị chính quyết định của Bồ-tát nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn vượt lên những địa của Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn trụ vào địa Bồ-tát Bất thối chuyển nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn đạt được sáu loại thần thông thù thắng nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn biết tâm hành của tất cả hữu tình thay đổi sai khác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn vượt qua tác dụng trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn chứng tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng nhất tâm tùy hỷ để vượt qua tất cả sự bố thí của Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng tâm nhất niệm tùy hỷ để vượt qua tất cả tịnh giới của Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng tâm nhất niệm tùy hỷ để vượt qua tất cả định tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến của Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng tâm nhất niệm tùy hỷ để vượt qua tịnh lự, giải thoát, đẳng trì v.v… cho đến các pháp lành của các pháp, cho đến các pháp lành của Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng pháp lành tu trong một niệm để vượt qua các pháp lành của tất cả dị sanh, Thanh văn, Ðộc giác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn hành chút phần nhỏ về bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã, vì các hữu tình mà dùng phương tiện thiện xảo bình đẳng hồi hướng lên trí thất thiết trí được vô lượng, vô số công đức nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát muốn tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được viên mãn và lìa các chướng ngại nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn được đời đời thường thấy chư Phật, luôn nghe chánh pháp, được Phật giác ngộ, được Phật nhớ nghĩ, truyền trao, dạy bảo nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn được như thân Phật trang nghiêm đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn sanh vào ngôi nhà Phật ở địa vị đồng chơn, không bao giờ xa lìa chư Phật, Bồ-tát nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng những căn lực thắng thiện tùy ý đem những vật cúng dường thượng hạng đến cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, để những căn lành mau được viên mãn nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn cho tất cả hữu tình được mãn nguyện nhu cầu như: ăn uống, y phục, giường chiếu, mền mùng, thuốc thang trị bệnh, những loại hương hoa, đèn đuốc xe cộ, vườn rừng, nhà cửa, của cải, trân bảo, đồ trang sức, kỹ nhạc và những vật dụng ưa thích thượng diệu mà những vị vua sử dụng, cho đến các vi diệu của thế gian và xuất thế gian nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào muốn an lập tất cả hữu tình trong tận hư không giới, pháp giới, thế giới đều được an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, và vô biên pháp lành thù thắng khác nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn đạt được công đức khi phát sanh một tâm niệm thiện, cho đến ngồi tòa diệu Bồ-đề, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không cùng tận nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn được tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và các Đại Bồ-tát trong thế giới chư Phật ở mười phương đều khen ngợi, hộ niệm ban cho sức lực nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn một khi phát tâm thì có thể đến khắp hằng hà sa số thế giới để cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và chúng Đại Bồ-tát làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn dùng một âm thanh có thể vang khắp hằng hà sa số thế giới trong mười phương để ngợi khen chư Phật, giáo hóa hữu tình nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Muốn kế thừa hạt giống Tam bảo để không bị đoạn tuyệt làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào muốn thông đạt pháp nội Không, ngoại Không, nội ngoại Không, đại Không, Không Không, thắng nghĩa Không, hữu vi Không, vô vi Không, tất cánh (rốt ráo) Không, vô tế Không, tán vô tán Không, bản tính Không, tự cộng ướng Không, nhất thiết pháp Không, vô tính Không, vô tính tự tính Không, và sở duyên Không, tăng thượng duyên Không… vô Không… nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn thông đạt tất cả pháp, chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn biết tất cả đại địa, hư không, núi, biển, sông, ao, hồ, đầm, rạch, khe, hang, đất, nước, lửa, gió v.v… cho đến các loại rất nhỏ nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thấy kiếp hỏa khởi, cháy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, làm cho trời đất đỏ rực, Đại Bồ-tát muốn thổi để dập tắt nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thấy kiếp phong nổi lên, làm cho chỗ nương ba ngàn đại thiên thế giới rớt xuống chỗ phong luân, gặp gió thổi đánh vọt lên, khiến cho núi Tô-mê-lô, núi Luân vi v.v… và tất cả những vật trong ba ngàn đại thiên thế giới bị vụn nát, rơi như lá mục, Đại Bồ-tát muốn dùng ngón tay ngăn cản sức gió ấy để dừng lại, không cho nổi dậy nữa thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, một khi ngồi kiết già thì đầy khắp hư không nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn lấy một sợi lông cột giữ núi Tô-mê-lô, núi Luân vi v.v… và tất cả vật trong ba ngàn đại thiên thế giới ném qua vô lượng, vô biên, vô số thế giới khác mà không làm tổn hại hữu tình nào trong đó nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn lấy một miếng ăn, một chút hương thơm, một cánh hoa, một vòng hoa, một chiếc áo, một cái phướn, một cái lọng, một ngọn đèn v.v… những vật cúng dường đó, đem cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tất cả hằng hà sa số Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và đệ tử của các Ngài trong mười phương đều được đầy đủ nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn an lập hằng hà sa hết thảy các loại hữu tình trong mười phương thâu vào giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn, hoặc trụ vào quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề, cho đến khiến họ nhập vào Vô dư y Niết-bàn hoàn toàn an lạc nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể như thật tri mà tu hành bố thí thì được quả báo lớn. Nghĩa là như thật biết bố thí như vậy được sanh vào đại tộc Sát-đế-lợi. Bố thí như thế được sanh vào đại tộc Bà-la-môn. Bố thí như thế được sanh vào đại tộc Trưởng giả. Bố thí như thế được sanh vào đại tộc Cư sĩ.
Lại như thật biết bố thí như thế được sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng. Bố thí như thế được sanh lên tầng trời thứ Ba mươi ba. Bố thí như thế được sanh lên cõi trời Dạ-ma. Bố thí như thế được sanh lên cõi trời Đâu-suất-đà. Bố thí như thế được sanh lên cõi trời Lạc biến hóa. Bố thí như thế được sanh lên cõi trời Tha hóa tự tại.
Lại như thật biết nhờ bố thí như vậy mà chứng được định sơ thiền, hoặc thiền thứ hai, hoặc thiền thứ ba, hoặc thiền thứ tư. Lại như thật biết nhờ bố thí này mà chứng định Không vô biên xứ, định Thức vô biên xứ, định Vô sở hữu xứ, định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lại như thật biết nhờ bố thí như vậy mà phát sanh ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần. Do đó mà chứng được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán, hoặc Ðộc giác Bồ-đề, hoặc chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Nếu như thật biết tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã thì được quả báo lớn cũng như vậy.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, có thể như thật biết bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa. Bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Lại như thật biết tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo như thế có thể viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể như thật biết bố thí như vậy là phương tiện thiện xảo để viên mãn bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa? Có thể như thật biết tịnh giới cho đến Bát-nhã như vậy là phương tiện thiện xảo có thể thành tựu viên mãn tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật dạy Xá-lợi Tử:
– Này Xá-lợi Tử! Vì lấy vô sở đắc làm phương tiện. Nghĩa là Đại Bồ-tát khi hành bố thí thông đạt rõ ràng tất cả tướng người cho, người nhận, và vật cho không thể đắc, cho nên có thể thành tựu viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa. Tướng phạm không phạm không thể đắc, nên có thể thành tựu viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa. Tướng động hay không động đều không thể đắc, nên có thể thành tựu viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa. Thân tâm siêng năng hay biếng nhác đều không thể đắc, nên có thể thành tựu viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa. Bị loạn hay không loạn đều không thể đắc, nên có thể thành tựu viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa. Tánh tướng của các pháp đều không thể đắc, nên có thể thành tựu viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử! Ðó là Đại Bồ-tát khi hành bố thí làm phương tiện thiện xảo có thể viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Như vậy, Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát khi hành tịnh giới cho đến khi tu hành Bát-nhã làm phương tiện thiện xảo đều có thể thành tựu viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát muốn được công đức thù thắng của tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn thông đạt hữu vi, vô vi, thành tựu rốt ráo đến bờ bên kia, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn thông đạt các pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, vô sanh, thật tế trong quá khứ, vị lai, hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn thường làm người dẫn đầu cho Thanh văn, Ðộc giác, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn làm người thị giả gần gũi chư Phật nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn làm dòng dõi quyến thuộc với chư Phật, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn đời đời có nhiều quyến thuộc vĩ đại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn thường được làm quyến thuộc với Bồ-tát, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn làm ruộng phước chơn chánh, thanh tịnh cho thế gian, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn chiến thắng tâm xan tham, dứt bỏ tâm sân giận, xả bỏ tâm biếng nhác, làm yên tịnh tâm tán loạn, gạt bỏ tâm ác tuệ, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu an lập tất cả hữu tình một cách chu đáo vào phước nghiệp sự của tánh bố thí, phước nghiệp sự của tánh trì giới, phước nghiệp sự của tánh tu hành, phước nghiệp sự của tánh cúng dường và y vào sự phước nghiệp sự, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nếu muốn được năm loại mắt. Thế nào là năm? Nghĩa là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát muốn dùng thiên nhãn thấy tất cả thân tướng tốt đẹp của chư Phật trong hằng hà sa số thế giới ở mười phương nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn dùng thiên nhĩ nghe pháp giải thoát mà chư Phật trong hằng hà sa số thế giới ở mười phương thuyết pháp nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn như thật biết về tâm, tâm sở pháp của tất cả Như Lai trong hằng hà sa số thế giới ở mười phương nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn được nghe chư Phật trong mười phương thế giới thuyết pháp, cho đến khi chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bao giờ gián đoạn, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn thấy tất cả quốc độ trong mười phương chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn đối với các kinh mà mười phương chư Phật trong quá khứ, vị lai, hiện tại thuyết như: Khế Kinh, Ứng tụng, Thọ ký, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Bổn sự, Bổn sanh, Phương quảng, Hy hữu, Thí dụ, Luận nghị mà các Thanh văn chưa từng được nghe, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với hết thảy pháp môn mà mười phương chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai thuyết, Đại Bồ-tát muốn tự thọ trì hoàn toàn thông suốt, theo đó mà tu hành, lại như thật mà nói rõ, khuyến khích người khác tu hành, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với hằng hà sa số thế giới tối tăm trong mười phương, hoặc trong thế giới không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng, Đại Bồ-tát muốn làm ánh sáng cho những nơi đó, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn hết thảy chúng sanh trong hằng hà vô lượng thế giới khắp mười phương bị tà kiến, không nghe danh hiệu Phật, Pháp, Tăng, không tin nhân quả mà có thể giáo hóa hướng dẫn để họ sanh chánh kiến, nghe tên Tam bảo tin sâu nhân quả, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đối với hằng hà sa số thế giới hữu tình trong mười phương, Đại Bồ-tát muốn dùng oai lực của mình làm cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người điên được nhớ, người loạn được định, người nghèo được giàu, người rách rưới được áo, người đói được ăn, người khát được uống, người bệnh được mạnh, người xấu được tốt đẹp, người tàn tật được đầy đủ, người thiếu căn được trọn vẹn, người chết giấc được tỉnh lại, người mỏi mệt được thư thái, tất cả hữu tình đều đem lòng từ đối xử với nhau, người đọa vào đường ác được sanh vào cõi lành, người tập theo nghiệp ác được tu sửa lại nghiệp thiện, những người phạm giới được an trụ giới uẩn, người chưa được định thì được an trụ trong định uẩn, người có ác tuệ thì an trụ trong tuệ uẩn, người không giải thoát thì an trụ trong giải thoát uẩn, người không giải thoát trí kiến thì an trụ trong giải thoát trí kiến uẩn, người chưa thấy Thánh đế thì được chứng quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc Ðộc giác Bồ-đề, hoặc kế tiếp chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát nếu muốn học oai nghi thù thắng của Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, khiến cho các hữu tình nhìn thấy không chán mà bỏ ác tu thiện, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: Khi nào ta mới được như bậc long tượng với thái độ ung dung, đàng hoàng khi nhìn, khi im lặng, khi thuyết pháp cho đại chúng, thân, khẩu, ý nghiệp theo trí tuệ tu hành đều được thanh tịnh. Khi đi kinh hành chân không đạp đất, cách chừng bốn ngón tay. Muốn được những việc ấy nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: Khi nào ta được vô lượng trăm ngàn câu-chi, na-do-tha trời Tứ đại thiên vương chúng, trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Lạc biến hóa, trời Tha hoá tự tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Ðại phạm, trời Quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng, trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh, cùng nhau đi đến gốc cây Bồ-đề. Chúng trời đó đem áo trời làm tòa ngồi, ta ngồi kiết già trên tòa ấy, tay được trang sức những tướng tốt đẹp, rồi vỗ xuống đại địa, làm cho thần đất và quyến thuộc của họ cùng một lúc vọt hiện, chiến thắng quân ma oán, được chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Từ đó về sau khi ta đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi thì đất chỗ đó đều thành kim cương. Muốn thành tựu việc đó nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, suy nghĩ như vầy: Khi nào ta từ bỏ gia đình để xuất gia, thì ngày đó chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, và cũng ngày ấy chuyển diệu pháp luân, làm cho vô lượng, vô số hữu tình xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh. Lại khiến cho vô lượng, vô số hữu tình diệt sạch các lậu, tâm tuệ hoàn toàn giải thoát; cũng làm cho vô lượng, vô số hữu tình đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chứng Bất thối chuyển. Muốn thành tựu việc này nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: Khi nào ta chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, có vô lượng, vô số Thanh văn, Bồ-tát làm chúng đệ tử, một khi ta nói pháp, khiến cho vô lượng, vô số hữu tình chứng A-la-hán ngay tại chỗ, lại khiến cho vô lượng, vô số hữu tình ngay chỗ ngồi đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chứng Bất thối chuyển. Muốn thành tựu việc này nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: Khi nào ta được sống lâu vô tận, được trang sức bằng vô biên ánh sáng tướng tốt, người thấy không chán. Khi đi mặc dù có ngàn cánh hoa sen nâng đỡ chân, nhưng khiến trên mặt đất lại hiện bánh xe ngàn căm; khi kinh hành cất bước thì làm cho đại địa chấn động nhưng không quấy nhiễu hữu tình ở trên đất; khi muốn quay nhìn thì toàn thân đều chuyển theo; nơi mà chân đạp lên đều là kim cương, giống như bánh xe di chuyển theo đất. Những chi tiết của toàn thân đều phóng ra ánh sáng, chiếu khắp vô biên thế giới trong mười phương, chiếu đến chỗ nào thì làm cho hữu tình nơi ấy được lợi ích lớn. Muốn thành tựu việc này nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: Khi ta chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cho chỗ cư ngụ đều không có tên của tất cả tham dục, sân giận, ngu si v.v… hữu tình cõi đó hoàn toàn được trí tuệ sáng suốt. Nhờ năng lực trí tuệ đó mà tư duy: Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã, xa lìa các phóng dật, siêng năng tinh tấn tu phạm hạnh, từ, bi, hỷ, xả không xúc não đến hữu tình giống như cõi Phật khác, há không tốt thay! Việc giáo hóa đã chu tất, sau khi nhập Niết-bàn chánh pháp không có thời kỳ diệt tận, luôn làm lợi ích lớn cho hữu tình. Muốn thành tựu việc này nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ như vầy: Khi ta chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nguyện cho tất cả hữu tình trong vô lượng hằng hà sa số thế giới ở mười phương, ai nghe đến tên ta đều được chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Muốn thành tựu việc này nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát nếu muốn được vô lượng, vô biên công đức thù thắng này nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa.