1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25

QUYỂN 480

II. PHẨM XÁ-LỢI TỬ 02

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đã phát sanh những công đức như vậy, thì khi ấy Tứ đại thiên vương trong ba ngàn đại thiên thế giới vui mừng khôn xiết, suy nghĩ như vầy: Hôm nay chúng ta nên đem bốn cái bát để cúng dường vị Bồ-tát này, giống như xưa kia Thiên vương đã dâng cúng bát cho đức Phật trước.

Lúc đó, ba ngàn đại thiên thế giới, cõi trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại sung sướng vui mừng suy nghĩ như vầy: Chúng ta hãy cung cấp hầu hạ, cúng dường vị Bồ-tát để bè đảng hung ác của A-tố-lạc bị tổn giảm, làm cho quyến thuộc của chư thiên được tăng trưởng lợi ích.

Lúc đó, ba ngàn đại thiên thế giới, trời Phạm chúng cho đến trời Ðại phạm; trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh, trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh, trời Quảng cho đến trời Quảng quả, trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh đều vui mừng phấn khởi suy nghĩ như vầy: Chúng ta nên thỉnh Bồ-tát này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển diệu pháp luân để làm lợi ích tất cả.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa làm tăng trưởng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và các pháp lành khác thì các thiện nam, thiện nữ nhơn v.v… ở thế giới kia vui mừng khôn xiết, suy nghĩ như vầy: Chúng ta xem vị Bồ-tát đó như là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, trí thức bạn lành của ta.

Khi ấy, thế giới trời Tứ đại vương chúng đó cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng cho đến trời Ðại phạm, trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh, trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh, trời Quảng cho đến trời Quảng quả, trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh đều vui mừng sung sướng suy nghĩ như vầy: Chúng ta nên bày mọi phương tiện để vị Bồ-tát ấy lìa bỏ pháp dâm dục. Từ khi mới phát tâm cho đến chứng đắc cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, luôn tu hành phạm hạnh, đối với pháp thuận lợi không sanh lòng đắm nhiễm. Vì sao? Vì tu hành chẳng phải phạm hạnh, sanh vào phạm thiên còn bị chướng ngại, thì làm sao chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Cho nên Đại Bồ-tát đoạn dục xuất gia tu phạm hạnh có thể chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ngoài ra không xuất gia mà tu hành thì chẳng phải là phạm hạnh.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát phải nhất thiết là có cha mẹ, vợ con, người thân bạn bè sao?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Có Bồ-tát đầy đủ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc mà tu hạnh Đại Bồ-tát, cũng có Bồ-tát không có vợ con từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật luôn tu phạm hạnh không làm mất đi bản chất đồng chơn; cũng có Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo ban đầu thị hiện hưởng thọ năm cảnh dục lạc, sau đó mới chán bỏ siêng năng tu phạm hạnh mới chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Xá-lợi Tử! Giống như thầy ảo thuật hoặc đệ tử của ông ta ảo thuật rất giỏi, có thể hoá làm đủ loại vui của năm dục, rồi trong năm dục huyễn hóa đó, tha hồ hưởng thọ khoái lạc. Ý ông thế nào? Những gì mà người ảo thuật làm ra là có thật không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát cũng vậy, dùng phương tiện thiện xảo là để thành tựu các hữu tình nên thị hiện thọ năm dục nhưng thật không bị nhiễm. Vì sao? Vì đối với năm dục, Đại Bồ-tát rất nhàm chán, không bị tội lỗi của năm dục làm ô uế, lại dùng vô lượng cách để quở trách, chê bai các dục, lại nghĩ như vầy: Ngũ dục giống như lửa dữ, dục như phân dơ, dục như kẻ đồ tể, dục như oán thù, dục như binh khí độc, dục như giếng sâu.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát dùng vô lượng cách chê bai, quở trách các dục như vậy, lẽ nào có các dục chân thật để mà hưởng thọ. Đó chỉ là phương tiện để làm lợi ích các hữu tình mà khiến có những việc hóa hiện lợi lạc như vậy.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên quán như vầy: Thật có Bồ-tát, nhưng không thấy có Bồ-tát, không thấy tên của Bồ-tát, không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy tên của Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy hành, không thấy không hành. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì tự tánh của Bồ-tát là không, tên của Bồ-tát là không. Vì sao? Tự tánh sắc là không, vì chẳng do không; tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không, vì chẳng do không. Không của sắc chẳng phải là sắc; không của thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Sắc không lìa không, không chẳng lìa sắc; thọ, tưởng, hành, thức không lìa không, không chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức. Sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức là không, không tức là thọ, tưởng, hành, thức.

Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Ðây chỉ có tên gọi là Bồ-đề, đây chỉ có tên gọi là Tát-đỏa, đây chỉ có tên gọi là Bồ-tát, đây chỉ có tên gọi là không. Như vậy, tự tánh không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, thì không thấy sanh, không thấy diệt, không thấy nhiễm, không thấy tịnh. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Đó chỉ là các tên khách giả lập để phân biệt riêng biệt các pháp. Do có sự phân biệt, mượn lập ra các tên nên theo đó mà nói. Giống như theo lời nói như vậy rồi sanh tâm chấp trước. Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với tất cả đều không thấy có cái tên chung và tên riêng. Do không thấy, nên không bị chấp trước.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên quán như vầy: Bồ-tát chỉ có tên, Phật chỉ có tên, Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ có tên. Sắc chỉ có tên; thọ, tưởng, hành, thức chỉ có tên. Tất cả các pháp chỉ có tên.

Này Xá-lợi Tử! Giống như ngã chỉ có tên, gọi đó là ngã, nhưng thật ra không thể đắc. Như vậy hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, nói rộng cho đến người biết, người thấy cũng chỉ có cái tên, nghĩa là hữu tình cho đến người thấy, thật không thể đắc. Vì không thể đắc là không. Nó chỉ theo thế tục để mượn là lập ra cái tên khách. Các pháp cũng vậy, không nên chấp trước. Cho nên Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy có ngã cho đến người thấy, cũng không thấy có tánh của tất cả pháp.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, ngoài tuệ của Phật ra thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác v.v… không thể nào sánh kịp. Vì sao? Vì đối với tên được gọi đó, Đại Bồ-tát đều không thể đắc, do không quán thấy nên không chấp trước.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát có thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, thì gọi là khéo hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Này Xá-lợi Tử! Giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông trong cõi châu Thiệm-bộ có trí tuệ nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mía, mè v.v… so với trí tuệ của Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, số phần, toán phần cho đến Ổ-ba-ni-sát-đàm phần (cực nhỏ) cũng không bằng một. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì trí tuệ của Đại Bồ-tát đó có thể làm cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác không thể sánh kịp.

Này Xá-lợi Tử! Gát cõi châu Thiệm-bộ qua một bên, giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông khắp cả bốn đại châu nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mè, mía v.v… so với trí tuệ của Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa trăm phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, số phần, toán phần cho đến Ổ-ba-ni-sát-đàm phần cũng không bằng một. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát ấy có thể khiến cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày, thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác không thể sánh kịp.

Này Xá-lợi Tử! Gát bốn đại châu qua một bên, giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông khắp trong hằng hà sa thế giới chư Phật trong mười phương nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mè, mía v.v… so với trí tuệ của Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, số phần, toán phần cho đến Ổ-ba-ni-sát-đàm phần cũng không bằng một. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát ấy có thể khiến cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác không thể sánh kịp.

Này Xá-lợi Tử! Gát một tam thiên đại thiên thế giới qua một bên, giả sử trí tuệ của các đại Thanh văn các ông khắp trong hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương nhiều như tre, cỏ, lúa, gạo, mè, mía v.v… so với trí tuệ của Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, số phần, toán phần cho đến Ổ-ba-ni-sát-đàm phần cũng không bằng một. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát ấy có thể khiến cho tất cả hữu tình trong mười phương hướng đến Niết-bàn.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa với trí tuệ tu trong một ngày thì trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác không thể sánh kịp.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tất cả trí tuệ của Thanh văn thừa, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, tất cả trí tuệ của Ðộc giác thừa, tất cả trí tuệ của Đại Bồ-tát, tất cả trí tuệ của chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, tất cả trí tuệ trên đều không sai khác nhau, không chống trái nhau, không sanh, không diệt, tự tánh nó đều không. Nếu pháp không sai biệt, không chống trái nhau, không sanh, không diệt, tự tánh đều không, thì lý của pháp sai biệt ấy không thể đắc. Vậy, vì sao Thế Tôn nói trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác không bằng trí tuệ của một Đại Bồ-tát tu tập hành Bát-nhã ba-la-mật-đa trong một ngày?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Sự nghiệp, trí tuệ được tu tập trong một ngày của một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa so với trí tuệ của tất cả Thanh văn, Ðộc giác có tác dụng như vậy không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Trí tuệ được tu tập trong một ngày của một Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể phát sanh đầy đủ trí nhất thiết tướng vi diệu, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình và giác ngộ tất cả tướng của tất cả pháp, dùng phương tiện lập ra cảnh giới Vô dư y Niết-bàn cho hết thảy hữu tình. Còn đối với trí tuệ Thanh văn, Ðộc giác có tác dụng như vậy không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Tất cả Thanh văn và Ðộc giác có suy nghĩ như vầy: Ta chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng phương tiện an lập cảnh giới Vô dư y Niết-bàn cho tất cả hữu tình không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Ý ông thế nào? Tất cả Thanh văn và Độc-giác có suy nghĩ như vầy: Ta sẽ tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo hóa các loài hữu tình, làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng phương tiện an lập vô lượng, vô biên, vô số hữu tình ở cảnh giới Vô dư y Niết-bàn không?

Xá-lợi Tử thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đều nghĩ như vầy: Ta sẽ tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo hóa hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng phương tiện an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.

Này Xá-lợi Tử! Giống như con đom đóm, không thể nghĩ: Ánh sáng của ta có thể làm ánh sáng lớn chiếu khắp châu Thiệm-bộ, Thanh văn, Ðộc giác cũng vậy, chưa từng phát tâm mà có thể nghĩ như vầy: Ta tu sáu pháp Ba-la-mật-đa để giáo hóa cho các hữu tình, làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng phương tiện an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.

Này Xá-lợi Tử! Ví như mặt trời có ánh sáng rực rỡ, vừa mới mọc liền chiếu khắp châu Thiệm-bộ. Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, nghĩ như vầy: Ta tu sáu pháp Ba-la-mật-đa giáo hóa cho các hữu tình, làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, viên mãn mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng phương tiện an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát có thể vượt qua các địa vị Thanh văn, Ðộc giác v.v… có thể chứng đắc địa vị Bồ-tát Bất thối chuyển, làm thanh tịnh đạo Bồ-đề?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Từ khi mới phát tâm tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát luôn trụ vào pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nên vượt qua địa vị Thanh văn, Ðộc giác v.v… có thể chứng đắc địa vị Bồ-tát Bất thối chuyển, làm thanh tịnh đạo Bồ-đề.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát trụ vào những địa vị nào mà có thể làm ruộng phước chơn tịnh cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Từ khi mới phát tâm tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa cho đến lúc ngồi tòa Bồ-đề, các Đại Bồ-tát thường làm ruộng phước chơn tịnh cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì nương vào các Đại Bồ-tát mà tất cả các pháp lành xuất hiện ở thế gian. Đó là tất cả mười thiện nghiệp đạo, năm giới cận sự, tám giới cận trụ. Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bốn trí Thánh đế, bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười lực Như Lai, sáu pháp Ba-la-mật-đa, mười tám pháp Phật bất cộng. Tất cả vô lượng, vô số, vô biên pháp lành như vậy xuất hiện ở thế gian. Nhờ các pháp lành của Đại Bồ-tát ấy mà thế gian có đại tộc Sát-đế-lợi, đại tộc Bà-la-môn, đại tộc Trưởng giả, đại tộc Cư sĩ. Trời Tứ đại thiên vương chúng cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng cho đến trời Ðại phạm, trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh, trời Tịnh cho đến Trời Biến tịnh, trời Quảng cho đến trời Quảng quả, trời Vô tưởng hữu tình, trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh, trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ xuất hiện ra đời. Lại nhờ các pháp lành của Bồ-tát nên có Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác, Bồ-tát và các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác xuất hiện trên thế gian.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát có cần làm thanh tịnh ruộng phước tự thân nữa không?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát không cần làm thanh tịnh ruộng phước tự thân nữa. Vì sao? Vì đã hoàn toàn thanh tịnh rồi. Nghĩa là thế nào? Này Xá-lợi Tử! Vì các Đại Bồ-tát là đại thí chủ, bố thí cho các hữu tình rất nhiều pháp lành thuộc thế gian và xuất thế gian, như bố thí cho hữu tình mười thiện nghiệp đạo, năm giới cận sự, tám giới cận trụ. Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bốn trí Thánh đế, bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, sáu pháp Ba-la-mật-đa, mười tám pháp Phật bất cộng, bố thí pháp lành vô lượng, vô số, vô biên như vậy nên nói Bồ-tát là đại thí chủ. Do đây mà Bồ-tát đã làm thanh tịnh ruộng phước tự thân, rồi phát triển vô lượng phước đức ở thế gian.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát phải tương ưng với những pháp nào mà nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

– Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với sắc không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với nhãn xứ không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với sắc xứ không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với nhãn giới không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với sắc giới không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với nhãn thức giới không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với Thánh đế khổ nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với Thánh đế tập, diệt, đạo không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với vô minh không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với tất cả pháp không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cùng tương ưng với pháp hữu vi, vô vi không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với bản tánh không, nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát cùng tương ưng với bảy pháp không như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi tương ưng với bảy pháp không như vậy mà không thấy sắc có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thọ, tưởng, hành, thức có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy sắc là pháp sanh hay pháp diệt; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh hay pháp diệt.

Không thấy sắc là pháp nhiễm hay pháp tịnh; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là pháp nhiễm hay pháp tịnh.

Không thấy sắc hợp với thọ, không thấy thọ hợp với tưởng, không thấy tưởng hợp với hành, không thấy hành hợp với thức.

Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Không có một pháp nhỏ nào mà hợp với pháp, vì bản tánh tất cả pháp đều không.

Này Xá-lợi Tử! Các sắc không chẳng phải là sắc; các thọ, tưởng, hành, thức không chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì các sắc không chẳng phải là tướng biến đổi và ngăn ngại. Các thọ không chẳng phải là tướng lãnh nạp. Các tưởng không chẳng phải là tướng nắm giữ, tưởng tượng. Các hành không chẳng phải là tướng tạo tác. Các hành thức chẳng phải là tướng liễu biệt.

Này Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Tướng không của các pháp ấy đều không sanh không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm; chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Như vậy, trong cái không đó, không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức. Không có nhãn xứ; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Không có sắc xứ; không có có thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Không nhãn giới; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Không có sắc giới; không có thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Không có nhãn thức giới, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Không có địa giới, không có thủy, hỏa, phong, không, thức giới. Không có vô minh cũng không có vô minh diệt. Không có hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh lão tử, không có hành cho đến lão tử diệt. Không có Thánh đế khổ, không có Thánh đế tập, diệt, đạo. Không có đắc, không có hiện quán. Không có Dự lưu, không có quả Dự lưu. Không có Nhất lai, không có quả Nhất lai. Không có Bất hoàn, không có quả Bất hoàn. Không có A-la-hán, không có quả A-la-hán. Không có Ðộc giác, không có Ðộc giác Bồ-đề. Không có Bồ-tát, không có hạnh của Bồ-tát. Không có Chánh đẳng giác, không có Chánh đẳng giác Bồ-đề.

Này Xá-lợi Tử! Vì Đại Bồ-tát tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy bố thí Ba-la-mật-đa có tương ưng hay không tương ưng. Không thấy tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy sắc có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thọ, tưởng, hành, thức có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy nhãn xứ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy sắc xứ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy nhãn giới có tương ưng hay không tương ưng; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy sắc giới có tương ưng hay không tương ưng; không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp giới có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy nhãn thức giới có tương ưng hay không tương ưng; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy Thánh đế khổ có tương ưng hay không tương ưng; không thấy Thánh đế tập, diệt, đạo có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy vô minh có tương ưng hay không tương ưng; không thấy hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy bốn niệm trụ có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy sáu phép thần thông có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy mười lực Phật có tương ưng hay không tương ưng. Không thấy bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng có tương ưng hay không tương ưng.

Không thấy trí nhất thiết tướng vi diệu có tương ưng hay không tương ưng; không thấy trí thất thiết trí có tương ưng hay không tương ưng.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với những pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không quán không hợp với không, cũng không tương ưng với không. Không quán vô tướng hợp với vô tướng, cũng không tương ưng với vô tướng. Không quán vô nguyện hợp với vô nguyện, cũng không tương ưng với vô nguyện. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì không, vô tướng, vô nguyện không hợp không phải hợp, cũng không tương ưng chẳng phải tương ưng.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nhập vào tự tướng không của tất cả pháp, không quán sắc có hợp hay tan; không quán thọ, tưởng, hành, thức có hợp hay tan.

Không quán sắc có hợp hay tan với khoảng trước. Vì sao? Vì không thấy khoảng trước.

Không quán sắc có hợp hay tan với khoảng sau. Vì sao? Vì không thấy khoảng sau.

Không quán sắc có hợp hay tan với khoảng giữa. Vì sao? Vì không thấy khoảng giữa.

Không quán thọ, tưởng, hành, thức có hợp hay tan với khoảng trước. Vì sao? Vì không thấy khoảng trước.

Không quán thọ, tưởng, hành, thức có hợp hay tan với khoảng sau. Vì sao? Vì không thấy khoảng sau.

Không quán thọ, tưởng, hành, thức có hợp hay tan với khoảng giữa. Vì sao? Vì không thấy khoảng giữa.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát không quán khoảng trước hợp hay tan với khoảng sau. Không quán khoảng trước hợp hay tan với khoảng giữa. Không quán khoảng sau hợp hay tan với khoảng trước. Không quán khoảng sau hợp hay tan với khoảng giữa. Không quán khoảng giữa hợp hay tan với khoảng trước. Không quán khoảng giữa hợp hay tan với khoảng sau. Không quán khoảng trước hợp hay tan với khoảng sau, khoảng giữa. Không quán khoảng giữa hợp hay tan với khoảng trước, khoảng sau. Không quán khoảng trước, khoảng sau, khoảng giữa hợp hay tan. Vì sao? Vì ba đời đều không.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không quán trí nhất thiết hợp hay tan với quá khứ. Vì sao? Vì quá khứ còn không thấy thì làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với quá khứ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với vị lai. Vì sao? Vì vị lai còn không thấy thì làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với vị lai.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với hiện tại. Vì sao? Vì hiện tại còn không thấy thì làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với hiện tại.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với sắc. Vì sao? Vì sắc còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với sắc.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với thọ, tưởng, hành, thức.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhãn xứ. Vì sao? Vì nhãn xứ còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhãn xứ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Vì sao? Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với sắc xứ. Vì sao? Vì sắc xứ còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với sắc xứ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Vì sao? Vì thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhãn giới. Vì sao? Vì nhãn giới còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhãn giới.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Vì sao? Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với sắc giới. Vì sao? Vì sắc giới còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với sắc giới.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Vì sao? Vì thanh, hương, vị, xúc, pháp giới còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với thanh, hương, vị, xúc, pháp giới.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhãn thức giới. Vì sao? Vì nhãn thức giới còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhãn thức giới.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Vì sao? Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới có hợp hay tan.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế khổ. Vì sao? Vì Thánh đế khổ còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế khổ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế tập, diệt, đạo. Vì sao? Vì Thánh đế tập, diệt, đạo còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với Thánh đế tập, diệt, đạo có hợp hay tan.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với vô minh. Vì sao? Vì vô minh còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với vô minh.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Vì sao? Vì hành cho đến lão tử còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với hành cho đến lão tử.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với bố thí Ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì bố thí Ba-la-mật-đa còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với bố thí Ba-la-mật-đa.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với bốn niệm trụ. Vì sao? Vì bốn niệm trụ còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với bốn niệm trụ.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Vì sao? Vì bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với sáu phép thần thông. Vì sao? Vì sáu phép thần thông còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với sáu phép thần thông.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với mười lực Phật. Vì sao? Vì mười lực Phật còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với mười lực Phật.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng còn không thấy, làm sao quán trí nhất thiết hợp hay tan với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng có hợp hay tan.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với Phật, cũng không quán Phật hợp hay tan với trí nhất thiết. Vì sao? Vì trí nhất thiết tức là Phật, Phật tức là trí nhất thiết.

Không quán trí nhất thiết hợp hay tan với Bồ-đề, cũng không quán Bồ-đề hợp hay tan với trí nhất thiết. Vì sao? Vì trí nhất thiết tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là trí nhất thiết.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không chấp trước sắc là hữu hay phi hữu; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là hữu hay phi hữu. Không chấp trước sắc là thường hay vô thường; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường. Không chấp trước sắc là vui hay khổ; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là vui hay khổ. Không chấp trước sắc là ngã hay vô ngã; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay vô ngã. Không chấp trước sắc là tịch tịnh hay không tịch tịnh; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là tịch tịnh hay không tịch tịnh. Không chấp trước sắc là không hay bất không; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là không hay bất không. Không chấp trước sắc là hữu tướng hay vô tướng; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là hữu tướng hay vô tướng. Không chấp trước sắc là hữu nguyện hay vô nguyện; không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức là hữu nguyện hay vô nguyện.

Này Xá-lợi Tử! Vì các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nghĩ như vầy: Ta hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không nghĩ như vầy: Ta không hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không nghĩ như vầy: Ta hành hoặc không hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không nghĩ như vầy: Ta chẳng hành cũng chẳng phải không hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì bố thí Ba-la-mật-đa mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không vì nhập vào chánh quyết định của Bồ-tát mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì đắc địa vị Bồ-tát Bất thối chuyển mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không vì thành tựu các hữu tình mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không vì bốn niệm trụ mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không vì mười lực Phật mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không vì pháp nội Không mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì pháp ngoại Không, nội ngoại Không, đại Không, Không Không, thắng nghĩa Không, hữu vi Không, vô vi Không, tất cánh (rốt ráo) Không, vô tế Không, tán vô tán Không, bản tính Không, tự cộng tướng Không, nhất thiết pháp Không, vô tính Không, vô tính tự tính Không mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không vì chơn như mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì pháp giới, pháp tánh, thật tế mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa vì không thấy sự sai khác của các pháp tánh.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không vì thiên nhãn trí chứng thông mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không vì thiên nhĩ, tha tâm, túc trụ, tùy niệm, thần cảnh, lậu tận trí chứng thông mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì khi các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì làm sao thấy sáu phép thần thông của Đại Bồ-tát và các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nghĩ như vầy: Ta dùng thiên nhãn trí chứng thông mà quán khắp tất cả hữu tình chết đây sanh kia có từng phẩm loại khác nhau trong hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương. Không nghĩ như vầy: Ta dùng thiên nhĩ trí chứng thông nghe những âm thanh riêng biệt của tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương. Không nghĩ như vầy: Ta dùng tha tâm trí chứng thông biết những ý nghĩ sai khác thuộc tâm và tâm sở của tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới chư Phật ở mười phương. Không nghĩ như vầy: Ta dùng túc trụ tùy niệm trí chứng thông nhớ kiếp trước sai khác của tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới chư Phật ở mười phương. Không nghĩ như vầy: Ta dùng thần cảnh trí chứng thông đến hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương để giảng nói chánh pháp cho các hữu tình. Không nghĩ như vầy: Ta dùng lậu tận trí chứng thông biết rõ tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới chư Phật ở mười phương lậu đã tận hay chưa tận.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa khi tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo có thể an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, làm cho tất cả ác ma và quyến thuộc của chúng không làm hại được, tất cả phiền não đều được diệt trừ, mong muốn những việc ở đời được thành tựu, được tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và các Đại Bồ-tát trong hằng hà sa số thế giới ở mười phương hộ niệm, không để cho Bồ-tát ấy thối lui rơi trở lại địa vị Thanh văn, Ðộc giác. Đại Bồ-tát ấy được Thanh văn, Ðộc giác, trời Tứ đại thiên vương chúng cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng cho đến trời Phạm thiên, trời Quang cho đến trời Cực quang tịnh, trời Tịnh cho đến trời Biến tịnh, trời Quảng cho đến trời Quảng quả, trời Vô phiền cho đến trời Sắc cứu cánh ủng hộ và bảo vệ.

Đại Bồ-tát ấy làm những việc gì không bao giờ bị chướng ngại mà lại mau thành tựu, tất cả bệnh khổ của thân tâm đều được tiêu trừ, giả sử có nghiệp tội, thọ quả báo ở đời tương lai, lại được chuyển chịu quả báo nhẹ ở hiện tại. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Đại Bồ-tát ấy có lòng từ bi khắp tất cả hữu tình.

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có đầy đủ đại thế lực, diệu dụng gia hạnh, thì có thể phát sanh tất cả môn Đà-la-ni thù thắng, tất cả môn Tam-ma-địa thù thắng. Nhờ thế lực này tùy ý phát sanh tất cả công đức thế gian hay xuất thế gian, sanh ra nơi nào thường được gặp, tôn thờ chư Phật Thế Tôn và các Đại Bồ-tát  cho đến khi chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Trong thời gian ấy, Đại Bồ-tát không bao giờ lìa Phật và chúng Đại Bồ-tát .

Xá-lợi Tử nên biết! Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba mật đa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì công đức lợi ích thù thắng như vậy.

Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nghĩ như vầy: Có pháp tương ưng hoặc không tương ưng, bằng nhau hoặc không bằng nhau với pháp. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Đại Bồ-tát ấy không thấy có pháp nào tương ưng hoặc không tương ưng, bằng hoặc không bằng với pháp.

Này Xá-lợi Tử! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với pháp như vậy nên nói tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa.           

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 93 – Kinh Assalàyana (Assalàyana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 27 – Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganana Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Xá Đầu Voi – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 90 – Kinh Kannakatthala (Kannakatthala sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Mười Pháp Tu Vãng Sanh Cực Lạc - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 28 – Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasàdaniya Sutta) - Kinh Tạng
  • Dị Bộ Tông Luân Luận - Kinh Tạng
  • Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 21 – Nghiệp Nhân - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Chú Giải Tác Phẩm Đông Hải Nhược - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 18 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 19 - Kinh Tạng
  • Du Tâm An Lạc Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 01 – Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 21 - Kinh Tạng
  • Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 03 – Kinh A Ma Trú (Ambattha Sutta) - Kinh Tạng