QUYỂN 547
XI. PHẨM MA SỰ 02
Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn qua phương khác, nơi an ổn, giàu có, an vui, không có tai nạn. Người nghe pháp muốn đi theo người thuyết pháp. Người thuyết pháp phương tiện nói thử: “Tuy ngươi vì lợi muốn đi theo ta, nhưng ngươi đến đó đâu hẳn đã vừa lòng! Nên suy nghĩ cẩn thận, đừng để sau này hối hận.” Người nghe pháp sau khi nghe nói như vậy, suy nghĩ: Thầy này chẳng muốn để ta cùng đi. Nếu như ta cố tình đi theo thì chắc gì đã được nghe pháp. Vì sự việc này mà người nghe pháp chẳng đi theo. Cả hai không hòa hợp nên không thể dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.
Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn qua phương khác phải đi qua con đường hoang vu, hiểm trở, có nhiều nạn giặc cướp và những sự khủng bố của kẻ hung dữ, ác thú, thợ săn, rắn độc v.v… Người nghe pháp muốn cùng đi theo. Người thuyết pháp phương tiện nói thử: “Vì sao bỗng dưng ngươi muốn theo ta đến những nơi có nhiều nguy hiểm như vậy? Hãy nên suy nghĩ cẩn thận, đừng để sau này lo âu, hối hận.” Người nghe pháp nghe rồi suy nghĩ: Thầy này chẳng muốn cho ta đi theo, nếu như ta cố tình đi theo chắc gì đã được nghe pháp. Vì nguyên nhân này mà người nghe pháp chẳng đi theo. Cả hai không hòa hợp nên không thể dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.
Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp có nhiều thí chủ luôn luôn cùng theo kề cận. Người nghe pháp đến thỉnh thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc thỉnh biên chép, thọ trì, đọc tụng, như lời dạy tu hành. Nhưng người thuyết pháp có nhiều việc trở ngại, không rảnh để dạy bảo. Vì vậy, người nghe pháp sanh tâm ghét hờn, mặc dù sau đó có được dạy bảo nhưng chẳng thèm nghe. Cả hai không hòa hợp nên không thể dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.
Này Thiện Hiện! Có các ác ma hóa ra đủ thứ hình dạng đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy hay giảng nói cho người khác được.
Thế nên, này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường có những sự trở ngại, nên biết đều là việc ma của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao mà ác ma hóa thành các hình tướng đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy hay giảng nói cho người khác được?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có khả năng sanh ra trí nhất thiết trí của chư Phật. Tất cả trí nhất thiết trí của chư Phật sanh ra lời dạy của Phật. Lời dạy của Phật sanh ra vô lượng, vô số Bát-nhã hữu tình. Bát-nhã hữu tình chứng vô biên các phiền não đoạn. Người đã đoạn tận phiền não thì tất cả ác ma chẳng thể làm hại được. Vì tất cả ác ma chẳng làm hại được nên sanh nhiều buồn khổ, như bị mũi tên đâm vào tim chúng. Chúng nghĩ: Chớ để cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này làm trống khuyết cảnh giới của ta. Thế nên ác ma hóa thành các hình tướng đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy hay giảng nói cho người khác được.
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Ác ma hóa thành các hình tướng đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại như thế nào?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Có các ác ma hóa ra hình tướng Sa-môn đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó chán bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Sa-môn giả đó nói như vầy: “Kinh điển vô tướng mà ngươi tu tập, tụng đọc chẳng phải là chơn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Kinh điển hữu tướng ta tu tập, tụng đọc là chơn Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi chúng nói lời như vậy, có các Bồ-tát chưa được thọ ký, mới học Đại thừa trí tuệ thấp kém, hạn hẹp liền sanh tâm nghi hoặc đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì nghi hoặc nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sanh tâm chán bỏ. Vì có tâm chán bỏ nên chẳng biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho người khác. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.
Này Thiện Hiện! Có các ác ma hóa ra hình tướng Bí-sô đến chỗ Bồ-tát, nói với Bồ-tát: “Những Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chỉ chứng thật tế đắc quả Dự lưu, cho đến đắc quả Ðộc giác Bồ-đề chứ không bao giờ có thể chứng đắc quả Phật vô thượng. Vì sao phải đối với Bát-nhã này hoài công nhọc nhằn?” Bồ-tát nghe như vậy liền bỏ, chẳng biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho người khác. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.
Thế nên, này Thiện Hiện! Khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có rầt nhiều những việc ma, Bồ-tát nên biết rõ như vậy, nên tinh tấn chánh niệm, chánh tri, tìm cách xa lìa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy! Khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có rất nhiều việc ma. Ví như ngọc Thần châu đại bảo vô giá, tuy có sức thù thắng nhưng cũng có nhiều giặc oán. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa này tuy có phước đức thù thắng nhưng cũng có nhiều trở ngại. Các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa, vì ít phước đức nên khi biên chép v.v… có ác ma đến làm trở ngại, mặc dù có tâm ưa thích thực hiện nhưng không thành tựu được. Vì sao? Vì có người ngu si bị ma làm mê hoặc, khi các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bị kẻ đó làm trở ngại.
Bạch Thế Tôn! Kẻ ngu si đó tuệ giác ít ỏi nên không thể nghĩ bàn pháp Phật rộng lớn bao la. Chính họ không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy lắng nghe giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa được, mà còn muốn làm trở ngại sự biên chép của người khác nữa.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Có kẻ ngu si bị ma sai khiến, chưa trồng căn lành, phước tuệ ít mỏng, chưa phát nguyện rộng lớn đối với Phật, chưa được bạn lành bảo hộ, chính mình đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể biên chép cho đến giảng nói được, còn làm cho các thiện nam tử mới học Đại thừa bị trở ngại khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Vào thời tương lai có các thiện nam tử, thiện nữ v.v… phước tuệ nông cạn, căn lành ít ỏi, đối với công đức rộng lớn của chư Như Lai tâm chẳng ưa thích. Chính mình đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy lắng nghe, hỏi, giảng nói, lại còn muốn làm trở ngại sự biên chép v.v… của người khác. Nên biết những loại người đó bị mắc vô biên tội.
Này Thiện Hiện! Có các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bị nhiều việc ma làm trở ngại, làm cho sự biên chép chẳng được thành tựu. Do đó, công đức không được viên mãn, vì phước tuệ ít ỏi và căn lành chưa thành thục.
Có các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa, lúc biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà không có việc ma, nên biết đều nhờ vào thần lực từ bi hộ niệm của chư Phật. Vì sao? Vì ác ma và bè lũ của chúng tuy luôn tìm đủ mọi cách muốn hoại diệt Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng chư Phật Thế Tôn cũng luôn luôn phương tiện từ bi hộ niệm, làm cho các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa khi biên chép v.v… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có các chướng ngại và được mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
XII. PHẨM THẾ GIAN
Này Thiện Hiện! Ví như người phụ nữ có nhiều con, hoặc năm, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, hoặc trăm, hoặc ngàn v.v… Người mẹ bị bệnh, các người con mỗi người đều đi tìm thuốc chữa, họ đều suy nghĩ: Làm sao bệnh của mẹ ta được thuyên giảm, mạng sống bình an, được sống lâu, an lạc, không bị đau khổ. Tất cả những hạnh phúc an vui đều đến với mẹ ta. Vì sao? Vì mẹ đã sanh dưỡng chúng ta, đã chịu những nỗi gian nan, khổ sở nhất của đời này.
Suy nghĩ như vậy, họ đua nhau tìm đủ mọi cách để tìm sự an ổn, bảo vệ cho mẹ, không để cho những việc khó chịu như: Muỗi, nhặng, rắn, bò cạp, gió mưa, người chẳng phải người v.v… xúc chạm đến. Họ ân cần gia tâm sửa sang những gì làm cho mẹ hết bệnh, sáu căn thanh tịnh, những lo khổ không còn. Họ lại đem những đồ vui tốt đẹp nhất cung kính cúng dâng và nói thế này: Tình tương của mẹ bao la, sanh dưỡng chúng ta, dạy dỗ chỉ bày tất cả sự nghiệp ở đời, chúng ta làm sao mà chẳng đáp đền ơn mẹ.
Cũng vậy, Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác thường đem các thứ phương tiện thiện xảo hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói không biếng mỏi, Như Lai cũng đem vô số phương tiện ân cần gia tâm hộ niệm để cho không bị tổn não.
Trong các thế giới mười phương hiện tại, tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều thương xót, lợi ích an vui cho các hữu tình, cũng đem các phương tiện thiện xảo hộ niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm cho các ác ma không thể hủy diệt, được an lạc, lợi ích dài lâu nơi tất cả thế gian. Đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cũng vậy, đều đem các phương tiện thiện xảo hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, có thể chân chính hiển bày trí nhất thiết trí, có thể thể hiện thật tướng của các pháp thế gian. Trí nhất thiết trí cũng từ đó sanh ra.
Thiện Hiện nên biết! Tất cả chư Phật Thế Tôn thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này tinh tấn tu học để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ta thuở xưa cũng nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tinh tấn tu học để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, có thể chân chánh hiển bày trí nhất thiết trí, có thể hiện thật tướng của các pháp thế gian.
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác? Có thể hiển bày thật tướng của các pháp thế gian?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh trí nhất thiết trí của Như Lai và các công đức khác, cho nên nói là Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, có thể hiển bày thật tướng của các pháp thế gian, nghĩa là có thể hiển bày thật tướng của ngũ uẩn thế gian.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng của ngũ uẩn thế gian?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể hiển bày thật tướng ngũ uẩn như sắc v.v… của thế gian không biến hoại, cho nên nói là Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian. Vì sao? Vì ngũ uẩn như sắc v.v… không có tự tánh cho nên gọi là không, vô tướng, vô nguyện, vô tạo, vô tác, vô sanh, vô diệt, tức chơn pháp giới. Chẳng phải Không v.v… pháp có thể biến hoại, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể như thật chứng biết khắp tất cả sự thiết lập khác nhau của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết tâm hành sai khác của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình chẳng có tự tánh, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm không chỗ trụ, cũng như hư không, không nương tựa vào đâu, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết tâm đơn giản của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, và tận, lìa tâm tánh không đơn giản, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết tâm tán loạn của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình. Do pháp tánh, tâm tánh không tán loạn, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có những tâm nhiễm ô, không thể hiển bày tâm tánh vô nhiễm được, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình tâm chẳng nhiễm ô, vì bản tánh thanh tịnh, không có tánh nhiễm ô xen vào, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm thấp kém. Vì không thể tiềm ẩn tâm tánh không thấp kém được, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm nâng cao. Vì không thể đo lường tâm tánh không nâng cao, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm hữu lậu, vì không có tự tánh, không phân biệt được, không có tánh hữu lậu, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm vô lậu, vì không có tự tánh, không cảnh giác nên không phải tánh vô lậu, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm tham. Vì tánh như thật chẳng có tâm tham, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm ly tham. Vì tánh như thật không phải tâm ly tham, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm sân. Vì tánh như thật chẳng có tâm sân, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm ly sân. Vì tánh như thật chẳng phải tâm ly sân, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm si. Vì tánh như thật chẳng có tâm si, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm ly si. Vì tánh như thật chẳng phải tâm ly si, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm nhỏ mọn, không đến không đi cũng không hệ lụy, lệ thuộc. Vì tâm tánh không nhỏ mọn nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình bao nhiêu tâm rộng lớn, tự tánh bình đẳng, gọi là tánh bình đẳng. Vì không có tâm tánh rộng lớn nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình bao nhiêu tâm hẹp hòi, không sanh phương tiện, không bị ràng buộc, hệ lụy. Vì tâm tánh không hẹp hòi nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có bao nhiêu tâm quảng đại, không tăng, không giảm, cũng không xa lìa. Đã xa lìa nên tâm tánh không quảng đại, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có những tâm hạn lượng. Vì tự tánh không, nên chẳng có tánh hạn lượng, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm vô lượng, không sanh, không diệt, không trụ, không khác, như hư không mênh mông, không có chỗ dừng hay nương tựa. Vì chẳng phải tâm vô lượng nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm có thấy, tự tánh bình đẳng, năm loại mắt không hoạt động. Vì tâm không có thấy nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm không thấy, không tướng có thể thấy, vì xa lìa các cảnh nên tâm thấy tất cả, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm có đối đãi, vì hư vọng phân biệt, chẳng tự tại nơi cảnh sở duyên. Vì không có tâm đối đãi nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm không đối đãi, vì như thật không cùng tận, cũng không sanh khởi. Vì tâm có đối đãi nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm tăng thượng. Tánh như thật không có sự lo âu, suy nghĩ. Vì không có tâm tăng thượng nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có các tâm không tăng thượng, xa lìa những bàn luận vu vơ, một phần nhỏ tâm tánh cũng bất khả đắc. Vì tâm đều có tăng thượng nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình các tâm bất định, vì tánh như thật không thể sánh bằng. Vì tâm bất định nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm định, vì tánh bình đẳng như thật, bình đẳng cũng như hư không. Vì tâm tánh không định nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình không có tâm giải thoát, vì tự tánh viễn ly, lấy vô tánh làm tự tánh, chẳng có tâm giải thoát, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình có tâm giải thoát, vì tánh như thật chẳng có tâm tánh suy tìm ba đời đều bất khả đắc, không có tâm giải thoát, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình không thể thấy tâm, vì không có tự tánh nên không thể thấy. Vì không chơn thật nên vượt qua căn cảnh, vì không biết rõ nên không thành tựu viên mãn. Tuệ nhãn, thiên nhãn còn không thể thấy tâm, huống gì là nhục nhãn! Dùng tất cả mắt đều không thể thấy, nên gọi là không thể thấy. Không thể thấy này cũng bất khả đắc. Vì không thể nói, không thể thấy tâm, nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Thế nên, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi.
Thiện Hiện! Thế nào gọi là tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết tâm và tâm sở pháp của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình đều nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh ra. Cũng vậy, Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi.
Thiện Hiện! Thế nào là tâm và tâm sở pháp của các loài hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi đều nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh ra? Nghĩa là tâm và tâm sở pháp của các hữu tình, hoặc có kẻ nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp Như Lai sau khi tịch hoặc có, hoặc chẳng có; cũng có cũng chẳng có; chẳng có, chẳng không có; cho rằng đây là đúng sự thật, ngoài ra đều là ngu si, hư vọng.
Hoặc có kẻ nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian là thường, hoặc vô thường; cũng thường, cũng vô thường; chẳng thường, chẳng vô thường; cho rằng đây là đúng sự thật, ngoài ra đều là ngu si, hư vọng.
Hoặc có kẻ nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian hoặc hữu biên, hoặc vô biên; cũng hữu biên, cũng vô biên; chẳng hữu biên, chẳng vô biên; cho rằng đây là đúng sự thật, ngoài ra đều là ngu si, hư vọng.
Hoặc có kẻ nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức chấp mạng tức là thân, hoặc thân khác; cho rằng đây là đúng sự thật, ngoài ra đều là ngu si, hư vọng.
Thế nên, này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết tâm và tâm sở pháp của vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi đều nương vào tưởng sai khác của sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi.
Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật chứng biết vô lượng, vô số, vô biên hữu tình hoặc sanh ra hoặc mất đi thế nào? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như là chơn như, không hai không khác.
Thiện Hiện nên biết! Chơn như Như Lai tức chơn như ngũ uẩn; chơn như ngũ uẩn tức chơn như thế gian. Vì sao? Vì như Thế Tôn dạy, nương tựa ngũ uẩn lập tên thế gian.
Thế nên, này Thiện Hiện! Chơn như ngũ uẩn tức chơn như thế gian; chơn như thế gian tức chơn như quả Dự lưu; chơn như quả Dự lưu tức chơn như quả Nhất lai v.v… lần lượt cho đến chơn như tất cả hạnh Đại Bồ-tát tức chơn như của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; chơn như quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật tức chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác; chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác tức chơn như của tất cả hữu tình.
Thiện Hiện nên biết! Hoặc chơn như của tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, hoặc chơn như của tất cả hữu tình, hoặc chơn như của tất cả pháp, chơn như như vậy đều chẳng rời nhau, chẳng phải một, chẳng phải khác. Vì chẳng phải một, chẳng phải khác nên không cùng tận, không hai, cũng không hai phần, không thể phân biệt.
Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa chứng chơn như tất cả pháp rốt ráo cho đến chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do đây nên nói: Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh chư Phật, là mẹ của chư Phật, có thể hiển bày thật tướng thế gian của chư Phật.
Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật biết chơn như của các pháp tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng thay đổi. Do như thật biết tướng chơn như nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Sự chứng chơn như của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng thay đổi, cực kỳ sâu xa, khó thấy khó biết. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều dùng chơn như để phân tích trình bày quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Chơn như này rất là sâu xa, rất là vi diệu, ai mà có thể tin hiểu được. Chỉ có các Đại Bồ-tát Bất thối chuyển và các đại A-la-hán hạnh nguyện viên mãn cùng các thiện nam tử v.v… đầy đủ chánh kiến, nghe Phật dạy chơn như sâu xa này mới có thể tin hiểu được. Như Lai vì người đó nương vào tướng chơn như đã chứng của Ngài để phân tích chỉ bày.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Vì sao? Vì chơn như vô tận cho nên rất sâu xa. Chỉ có Như Lai hiện Ðẳng chánh giác, tướng chơn như vô tận sâu xa, vì các chúng Đại Bồ-tát khai thị giảng nói cho họ sanh lòng tin hiểu.
Khi ấy, trời Ðế Thích thống lãnh mười ngàn Thiên tử cõi Dục, Đại Phạm Thiên Vương thống lãnh hai vạn Thiên tử cõi Sắc cùng đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên, đồng thanh bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Các pháp sâu xa mà Thế Tôn đã dạy, lấy gì làm tướng?
Phật dạy các Thiên tử:
– Pháp Ta đã dạy lấy không, vô tướng, vô nguyện, vô tạo, vô sanh, vô diệt, tịch diệt, Niết-bàn, pháp giới làm tướng. Vì sao? Vì pháp Phật dạy không có chỗ nương tựa, ví như hư không, không thể biểu thị được.
Thiên tử nên biết! Như Lai đã dạy pháp tướng sâu xa, chẳng rơi vào sắc số, cũng chẳng rơi vào thọ, tưởng, hành, thức số; chẳng nương nơi sắc, cũng chẳng nương thọ, tưởng, hành, thức.
Thiên tử nên biết! Như Lai đã dạy pháp tướng sâu xa mà trời, người, A-tu-la v.v… ở thế gian không thể an lập, cũng không thể hoại diệt. Vì sao? Vì trời, người, A-tu-la v.v… ở thế gian đều là hình tướng. Những gì là có tướng đối với tướng vô tướng thì không thể an lập, cũng không thể hoại diệt.
Thiên tử nên biết! Như Lai đã thuyết pháp tướng sâu xa, không thể dùng tay xây dựng hay phá hoại, cũng không thể dùng các pháp khác để an lập hay phá hoại.
Thiên tử nên biết! Giả sử có người hỏi: “Ai lập hư không và ai có thể phá hoại hư không?” Người hỏi như vậy là hỏi có đúng không?
Các Thiên tử thưa:
– Bạch Thế Tôn! Người đó hỏi như vậy là không đúng. Vì sao? Vì hư không là vô thể, vô tướng, vô vi nên không thể an lập hay phá hoại được.
Phật dạy các Thiên tử:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thiên tử nên biết: Pháp tướng sâu xa Ta đã thuyết giảng cũng lại như vậy, không thể an lập, không thể phá hoại. Có Phật hay không có Phật thì vạn pháp của pháp giới cũng như vậy. Đối với pháp tướng này, đức Phật như thật biết rõ, cho nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.
Các Thiên tử bạch Phật:
– Đức Như Lai đã biết các tướng như vậy rất là sâu xa, khó thấy, khó biết. Như Lai hiện tướng biết như vậy nên đối với tất cả pháp chuyển trí vô ngại. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trụ tướng như vậy để phân tích, chỉ bày Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và vì các hữu tình tập hợp các pháp tướng, dùng phương tiện khai thị làm cho họ đắc trí vô ngại nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là chỗ của các đức Như Lai thường thực hành. Vì là chỗ thường thực hành của đức Như Lai cho nên chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, phân biệt khai thị cho các hữu tình.
Phật dạy các Thiên tử:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thiên tử nên biết! Như Lai như thật biết tất cả pháp tướng là vô tướng. Vì nhân duyên này mà Ta nói chư Phật đắc trí vô ngại, không ai sánh kịp được.
Khi ấy, Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:
– Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ của chư Phật, có thể chỉ bày thật tướng các pháp của thế gian. Thế nên Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nương pháp mà an trụ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, bảo vệ, hộ trì nương tựa vào pháp. Pháp đó tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều y chỉ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, bảo vệ, hộ trì. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh chư Phật, có thể cùng chư Phật làm chỗ y chỉ, có thể chỉ bày thật tướng các pháp của thế gian.
Thiện Hiện nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác là người biết ơn và người đền ơn. Nếu có người hỏi: Ai là người biết ơn và đền ơn? Nên trả lời thẳng: Đức Phật là người biết ơn và đền ơn. Vì sao? Vì sự biết ơn và đền ơn không ai hơn Phật.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Thế nào là sự biết ơn và đền ơn của đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cỡi xe như vậy, đi trên con đường như vậy để đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đạt giác ngộ rồi, luôn luôn cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, bảo vệ, hộ trì xe ấy, chưa từng tạm bỏ. Xe ấy, đường ấy nên biết tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa, gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác biết ơn và đền ơn.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biết tất cả pháp thật không có tác dụng, vì kẻ tạo tác đều vô sở hữu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biết tất cả pháp không có sự thành tựu, vì các hình chất bất khả đắc.
Thiện Hiện nên biết! Vì chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác biết nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này nên hiểu tất cả pháp đều không có tác dụng, không có sự thành tựu. Trong tất cả mọi lúc đều cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, bảo vệ, hộ trì chưa từng gián đoạn, cho nên gọi là chơn thật biết ơn và đền ơn.
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp chuyển trí vô tác, vô thành, vô sanh, và có thể biết nguyên nhân không chuyển này. Vì thế nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, cũng có thể hiển bày tướng như thật của thế gian.
Thiện Hiện bạch Phật:
– Đức Như Lai thường dạy: Tất cả pháp, tánh không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Như vậy làm sao có thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, cũng có thể hiển bày tướng như thật của thế gian?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi đức Như Lai nghĩa lý sâu xa như vậy. Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, tất cả pháp tánh, không sanh, không khởi, không biết, không thấy, nương vào thế tục để nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, cũng có thể hiển bày tướng như thật của thế gian.
Thế nào Thiện Hiện! Tất cả pháp tánh, không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Vì tất cả pháp Không nên không sở hữu, không chỗ nương tựa và không có sự lệ thuộc. Do nhân duyên này nên không sanh, không khởi, không biết, không thấy.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mặc dù có thể sanh ra Phật và hiển bày tướng thế gian nhưng không có sự sanh, cũng không có sự hiển bày.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì không thấy sắc cho nên gọi là hiển bày tướng sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức cho nên gọi là hiển bày tướng thọ, tưởng, hành, thức. Do nghĩa này nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thấy sắc cho nên gọi là hiển bày tướng sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức cho nên gọi là hiển bày tướng thọ, tưởng, hành, thức?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa do chẳng duyên sắc mà sanh nơi thức, bởi vì không thấy sắc nên gọi là biểu hiện tướng sắc. Chẳng duyên thọ, tưởng, hành, thức mà sanh nơi thức, bởi vì không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên gọi là biểu hiện tướng thọ, tưởng, hành, thức. Do nghĩa này nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể hiển bày thật tướng các pháp thế gian.
Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể hiển bày Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác thế gian Không, thế gian xa lìa, thế gian thanh tịnh, thế gian vắng lặng, cho nên nói có thể hiển bày thật tướng thế gian. Vì sao? Vì Không, xa lìa, thanh tịnh, vắng lặng là các tướng như thật của thế gian.
XIII. PHẨM BẤT TƯ NGHÌ
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn nên xuất hiện ở đời, vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở đời, vì việc không thể đo lường nên xuất hiện ở đời, vì việc không số lượng nên xuất hiện ở đời, vì việc không thể so sánh nên xuất hiện ở đời.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
Thiện Hiện! Thế nào là vì việc lớn nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa xuất hiện ở đời? Nghĩa là tất cả chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều vì cứu giúp tất cả hữu tình, vì việc lớn này nên không phút giây nào tạm rời bỏ. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc này nên xuất hiện ở đời.
Thiện Hiện! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không thể nghĩ bàn vậy, vì việc không thể đo lường, vì việc không số lượng, vì việc không thể so sánh nên xuất hiện ở đời? Nghĩa là tánh Phật, tánh Như Lai, tánh giác tự nhiên, tánh trí nhất thiết của chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không số lượng, không thể so sánh. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì các việc này nên xuất hiện ở đời.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Chỉ có đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác có tánh Phật, tánh Như Lai, tánh giác tự nhiên, tánh trí nhất thiết đều không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không số lượng, không thể so sánh. Hay là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không số lượng, không thể so sánh được?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Không những Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác có tánh Phật, tánh Như Lai, tánh giác tự nhiên, tánh trí nhất thiết không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không số lượng, không thể so sánh, mà sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không số lượng, không thể so sánh. Vì sao? Vì ở trong tất cả pháp tánh chơn thật, tâm và tâm sở đều bất khả đắc.
Thiện Hiện nên biết! Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp đều không thể phô bày, không có số lượng, không so sánh. Vì sao? Vì các pháp như vậy không có tự tánh, bất khả đắc, vì tự tánh Không.
Này Thiện Hiện! Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp đều bất khả đắc, nên không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không số lượng, không thể so sánh. Vì sao? Vì các pháp này không có hạn lượng, không có sở hữu, vì tự tánh Không.
Này Thiện Hiện! Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp đều không có hạn lượng, nên không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vì nguyên nhân nào mà các sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp đều không hạn lượng?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào? Hư không có bị tâm và tâm sở pháp làm hạn lượng không?
Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Không.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp cũng lại như vậy, vì tự tánh Không nên tâm và tâm sở pháp không thể hạn lượng. Vì nhân duyên này nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp không có hạn lượng, đều không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh.
Thiện Hiện nên biết! Vì tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh nên tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều có pháp Phật, pháp Như Lai, pháp giác tự nhiên, pháp trí nhất thiết cũng không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh được.
Thiện Hiện nên biết! Các pháp này đều không thể nghĩ bàn vì đã chấm dứt sự nghĩ bàn, không thể đo lường vì đã chấm dứt sự đo lường, không có số lượng vì đã chấm dứt số lượng, không thể so sánh vì đã chấm dứt sự so sánh.
Thiện Hiện nên biết! Các pháp này đều không thể nghĩ bàn vì vượt quá sự nghĩ bàn, không thể đo lường vì vượt quá sự đo lường, không có số lượng vì vượt quá số lượng, không thể so sánh vì vượt quá sự so sánh.
Thiện Hiện nên biết! Không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh đó chỉ có khái niệm, hoàn toàn không chơn thật.
Thiện Hiện nên biết! Không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh đó đều như hư không, hoàn toàn vô sở hữu.
Do nhân duyên này mà tất cả pháp Phật, pháp Như Lai, pháp giác tự nhiên, pháp trí nhất thiết của Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh. Thanh văn, Ðộc giác, thế gian, trời, người, A-tu-la v.v… thảy đều không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh các pháp này.
Khi đức Phật thuyết pháp không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, không có số lượng, không thể so sánh, trong chúng có năm trăm Bí-sô, hai ngàn Bí-sô-ni những lậu hoặc không còn, tâm được giải thoát. Và có sáu mươi cận sự nam, ba mươi cận sự nữ, đối với các pháp xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh. Và có hai vạn Đại Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn. Ðức Thế Tôn thọ ký cho họ trong Hiền kiếp sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề Bất thối chuyển. Tức trước đã nói: Những cận sự nam, cận sự nữ đối với các pháp xa lìa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh, đức Phật cũng thọ ký cho họ chẳng bao lâu sẽ chứng đắc, vĩnh viễn đoạn tận các lậu, tâm và tuệ giải thoát.