1
2
3
4
5

Quyển Thứ Tư

Phẩm Các Thí Dụ Phụ Thuộc Chánh Pháp thứ mười hai

Lúc bấy giờ Đức Thích Tôn lại bảo Ngài Huệ Mệnh A-Nan rằng: Ta khi chứng được Bồ Đề thì công đức lợi ích cũng như khi ta hành Bồ Tát hạnh vậy. Công đức lợi ích, Duyên Giác khó sánh hà huống Thanh Văn và các chúng sanh. Nầy A-Nan! Khi ta còn là Bồ Tát chuyên tu khổ hạnh, đã bỏ ngôi vua, vợ con, thể nữ cho đến thân mạng tay chân, đầu mắt tai mũi, máu thịt, xương cốt cho đến gặp không biết bao nhiêu bịnh khổ. Tất cả việc ấy cũng chỉ vì cầu chứng được A Nậu Đa La Ta Miệu Tam Bồ Đề.

Nầy A-Nan! Tất cả những gì khó bỏ, ta đã bỏ. Tất cả những khổ nhọc nầy cũng chỉ vì chúng sanh. Nầy A-Nan! Với công đức nầy. Nếu ta nói mãi cũng không cùng tận. Như có người nghe, tâm sẽ mê loạn huống gì nói đến. Nầy A-Nan! Nếu có chúng sanh nào khởi một niệm từ bi. Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri tự ngàn xưa tu hành Bồ Tát hạnh cực khổ mà nói rằng: Vì ta mà thọ lãnh vô lượng các loại bịnh khổ khó khăn. Nầy A-Nan! Ta nói họ là những kẻ đã phát tâm; tức nhiên cuối cùng sẽ chứng quả Niết Bàn, hà huống những kẻ đã trồng căn lành nơi ta.

Nầy A-Nan! Hoặc có kẻ ngu si kiêu mạng không tin, khi nghe ta tu hành khổ hạnh cho đến không sanh một niệm buồn khổ, không nói Như Lai có lợi ích lớn, cũng lại chẳng tin, mà kẻ nầy làm việc thù thắng thì cũng có thể chứng Niết Bàn. Nầy A-Nan! Những công đức lợi ích thù thắng như thế Duyên Giác không có hà huống tất cả Thanh Văn phàm phu mà có thể có được. Nầy A-Nan! Các việc tu Bồ Tát hạnh phải được lòng thương lớn, lại cũng không phải Duyên Giác mà có được. Nầy A-Nan! Như ta tu bồ tát hạnh được đại bi, mà khi đã được đại bi rồi thì sẽ chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đây gọi là pháp đại từ đại bi nhiếp hộ vậy. Đây là nhơn duyên mà Duyên Giác không có, là nghĩa như vậy. Người ấy không thể làm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biên Tri. Không đầy đủ 10 lực, 4 vô sở úy, Đại Từ Đại Bi. Nầy A-Nan! Ta biết từ xưa tu hành khổ hạnh chỉ cầu pháp lành mà trong sanh tử, tâm thường lo sợ; nên vì chúng sanh mà tu tâm đại bi, như trong giấc mộng thấy Đại Thiết Vi có băng giá vậy. Trong các thế giới ấy lại có các chúng sanh đang ở trong địa ngục. Trong ngục ấy bị giam cầm, thân thể bại hoại, chung quanh có lửa cháy vây quanh, thọ nhận nhiều sự khổ sở như mất mạng đi, ta đến nơi đó. Họ đều chắp tay lễ bái mà thưa rằng:

Nhơn giả! Ngài đang sung sướng còn chúng tôi thì thọ quả địa ngục, khổ não độc hại, khó nhẫn như bị chết đi. Không ai cứu, không ai giúp, không chỗ trở về, không nơi nương tựa. Bậc đại trượng phu! Nếu ta cứu được những kẻ khổ như vậy, quả là điều không ít. Nầy A-Nan! Ta lúc bấy giờ khởi lòng từ bi nơi những chúng sanh ở địa ngục, trong mộng ấy nước mắt chúng sanh trào dâng như nước sông Hằng. Ta an ủi chúng sanh và nói rằng:

Nầy các ngươi! Hãy đừng sợ hãi! Ta sẽ làm cho các ngươi thoát khỏi sự khổ. Nầy A-Nan! Lúc ấy ta bảo các chúng sanh ở địa ngục ở vào một nơi. Ta giơ tay trái lên làm hiệu và nói rằng: Nầy các ngươi! Hãy đừng sợ hãi! Ta nay sẽ cứu độ tất cả các ngươi. Sau khi nói lời ấy rồi, lửa ở địa ngục lúc ấy tắt mất, các chúng sanh tại nơi đó chỉ trong giây lát đã được an lạc. Nầy A-Nan! Ta lúc ấy từ nơi mộng mà ngộ cầm áo thâu nước mắt vào bình. Nầy A-Nan! Ta đã thực hành lòng từ bi khi tu bồ tát hạnh như vậy, hà huống bây giờ đã chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nầy A-Nan! Hãy nên biết các pháp hoặc không phải Duyên Giác cũng có thể có vậy, hà huống Thanh Văn, phàm phù v.v… Nầy A-Nan! Nếu người nào có pháp nầy, tức kẻ hành hạnh Bồ Tát. A-Nan, hãy xem trong quá khứ khi Như Lai tu Bồ Tát hạnh thì các chúng sanh đều đầy đủ lân mẫn lợi ích tâm đại bi. Những công đức như vậy nếu chính do từ miệng ta nói ra mãi mãi cũng không cùng tận. Nầy A-Nan! Trong đời quá khứ có 3 vị Thương Chủ vì tìm của quý đã cùng với các người lái buôn đi vào biển lớn. Nơi thuyền của họ có của quý đã đầy, đến giữa biển thì thuyền bị hư, lúc ấy tâm trạng của vị Thương Chủ sợ hãi và sanh phiền não. Trong thuyền nầy có người thì níu ván thuyền. Có người thì chết nổi lên mặt nước. Nầy A-Nan! Ta lúc bấy giờ đã làm cho Thương Chủ trong biển kia được an ổn nổi lên thì lúc ấy có 5 người gọi Thương Chủ mà rằng:

Đại Sĩ Thương Chủ! Mong Ngài làm cho chúng tôi đừng sợ. Nói lời ấy rồi. Lúc ấy Thương Chủ liền bảo rằng:

Các Trượng Phu! Đừng sanh sợ hãi! Ta từ trong biển lớn nầy đã qua được sợ hãi và được an ổn. Nầy A-Nan! Lúc ấy Thương Chủ mang kiếm nơi mình và nói rằng:

Trong biển lớn không dung chứa xác chết, cho nên ta tự bỏ thân mệnh để cho những người thương nhơn nầy được qua nạn khổ. Sau khi suy nghĩ như thế các thương nhơn liền được đưa vào nơi yên ổn. Những thương nhơn nầy có người cỡi lên vai, có người bao quanh chân. Lúc ấy Thương Chủ vì muốn thí cho họ sự không sợ hãi nên đã dùng tâm đại bi một cách dõng mãnh và tạo ra tâm lực và dùng kiếm ấy để dứt mạng căn và sau đó mạng chung. Sau đó xác chết bị trôi đến bờ của biển lớn. Lúc ấy 5 người thương nhơn liền được qua biển một cách an ổn sung sướng, tốt đẹp không nạn, trở lại Diêm Phù Đề.

Nầy A-Nan! Vị Thương Chủ lúc ấy đâu phải người nào khác! Chính là thân ta. Năm người lái buôn ấy, chính là 5 vị Tỳ Kheo, mà 5 vị Tỳ Kheo ấy, ngày xưa nơi đại hải đã được độ thoát. Bây giờ lại trong sanh tử biển lớn đã được qua khỏi, an ổn, không sợ, đến bên kia bờ Niết Bàn. Nầy A-Nan! Ta nay đang xem tu khổ hạnh nào mà đầy đủ! Có bao nhiêu công đức mà thành Bồ Tát Ma Ha Tát như vậy. Nầy A-Nan! Các công đức như thế phải lần lượt biết đến. Lại cũng chẳng phải Duyên Giác mà có thể thành tựu. Nầy A-Nan! Như các công đức của Bồ Tát là vậy. Các vị Bích Chi Phật cũng không có pháp nầy. Không làm nên Như Lai Ứng Cúng Chánh Biên Tri, không thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nầy A-Nan! Như thế đó ta đã lần lượt tu hành khổ hạnh, được gọi là Bồ Tát có lòng thương tưởng đến tất cả chúng sanh. Nầy A-Nan! Lại cũng có người ngu dại từ nơi chỗ Phật mà không sanh tín tâm. Do nhơn duyên nầy mà không chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề để làm hạt giống căn bản, lại cũng chẳng có thể vô thượng Niết Bàn. Nếu họ từ nơi ta mà sanh tâm kính tín thì liền được hạt giống Bồ Đề để chứng quả Niết Bàn. Nầy A-Nan! Tu phần ít thì được công đức ít. Tu đầy đủ thì sẽ được công đức đầy đủ. Nầy A-Nan! Ta nay đang nói việc làm là quyết định. Nếu có chúng sanh cho đến việc phát ra một lời kính tín thì với căn lành nầy sẽ là chủng tử, hà huống phải trồng thượng thiện căn. Nầy A-Nan! Nếu từ nơi Phật có kẻ trồng căn lành, cho đến phát tâm một niệm, niệm Phật thì ta nói rằng người ấy dụ như Cam Lồ tốt nhất trong Cam Lồ. A-Nan! Các hành giả nên một lòng trồng các công đức nhớ nghĩ nơi Như Lai và niệm những gì Như Lai niệm, như nhớ đến căn lành của Như Lai, nhớ đến tánh cách của Như Lai. Tánh nầy không giống loại ngọt bùi mà phát sanh tánh vậy. Tánh nầy là lìa các tối tăm, làm việc sáng suốt.

Nầy A-Nan! Ta sanh ra từ dòng họ Thích là tánh thanh tịnh. Nầy A-Nan! Hãy biết Như Lai sanh, nhớ nghĩ đến dòng dõi của Như Lai, nhớ đến họ của Như Lai, nhớ đến việc cất chứa tài sản của Như Lai đầy đủ, nhớ đến sự đoan chánh của Như Lai. Nhớ đến nơi sanh của Như Lai và tướng của Như Lai, nhớ đến tướng đẹp của Như Lai, nhớ đến mười lực của Như Lai, nhớ đến bốn đức không sợ của Như Lai, nhớ đến 18 pháp bất cộng của Như Lai, nhớ đến nơi sanh đầy đủ của Như Lai, nhớ đến sự đẹp đẽ của Như Lai, nhớ đến sự không ngu si của Như Lai, nhớ đến bổn hạnh đầy đủ của Như Lai, nhớ đến lời nguyện đầy đủ của Như Lai, nhớ đến giới định huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến đầy đủ của Như Lai, nhớ đến lòng từ bi hỷ xả đầy đủ của Như Lai, nhớ đến oai nghi đầy đủ của Như Lai.

Nầy A-Nan! Nếu có người tùy nơi niệm Phật mà được công đức và đại thần thông, lợi ích rộng lớn thì điều nầy dụ như Cam Lồ đệ nhứt trong Cam Lồ sau cùng. Nầy A-Nan! Ta từ xưa kia khi thực hành Bồ Tát hạnh đã thí Ba La Mật. Ta quán xem công đức tri kiến Phật không có bờ mé hà huống còn Tu giới Ba La Mật, Nhẫn nhục Ba La Mật, Tinh Tấn Ba La Mật, Thiền Ba La Mật và Bát Nhã Ba La Mật, tất cả như thế đều sanh công đức. Nếu có vị Bồ Tát chưa được thọ ký nơi công đức thì Phật quan sát không có chỗ dừng, hà huống là thọ ký thì công đức cho đến thành Phật có tất cả mọi công đức. Cho đến trăm ngàn ức Na Do Tha kiếp quán sát, chỉ bày không có giới hạn. Vì sao vậy? Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri công đức vô lượng như vậy. Nầy A-Nan! Ta nay thấy việc lợi ích nầy mà nói như vậy. Nếu có kẻ nhớ nghĩ đến lúc ta tu Bồ Tát hạnh mà phát sanh tín tâm thì được công đức lợi ích. Với căn lành nầy đương nhiên sẽ được vào Niết Bàn. Lại nữa A-Nan! Hãy đừng sầu bi! Ta đã vì chư thần, loài người làm việc lợi ích và đã nhiếp thọ nên mới dạy đạo cho. Làm cho mọi người chứng được vô thượng an ổn và ngày sau sẽ vào Niết Bàn. Các ngươi hãy khuyến tu phương tiện, không nên buông lung.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo các Thầy Tỳ Kheo rằng:

Sau đêm nay ta sẽ vào Niết Bàn! Các người bây giờ thấy ta lần cuối, thọ hóa lần cuối, gặp gỡ lần cuối. Các người từ bây giờ sẽ chẳng thấy ta, ta lại cũng chẳng thấy các ngươi. Nầy các Tỳ Kheo! Hãy đừng ưu bi! Tất cả những lời từ ái xưng tán đều phải chia lìa. Nầy các Tỳ Kheo! Pháp sanh ra là pháp được sanh. Phải biết phân biệt các pháp. Có nhơn duyên sanh ra tất phải có hoại. Nếu không hoại đi, tức không có đâu như vậy cả. Nầy chư Tỳ Kheo! Nếu sống lâu thì cũng phải ra đi thôi. Nầy chư Tỳ Kheo! Phàm có sanh thì không thể không chết. Tất cả các hành đều không có thường, cứu cánh không đổi. Nầy chư Tỳ Kheo! Hãy nên cố gắng tu hành, đừng có buông lung. Vì chư Phật Thế Tôn không có buông lung. Chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề cùng tất cả trợ đạo pháp lành là các ngươi đang lãnh thọ sự giáo hóa của ta vậy.

Lúc ấy đại chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Thiên, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương v.v… khi nghe lời dạy cuối cùng như thế sầu khổ không vui, liền lo nghĩ nhớ buồn và khóc lóc thảm thiết, la lớn lên và thưa rằng:

Bà Già Bà nhập Niết Bàn! Làm sao chịu được. Tu Già Đà nhập Niết Bàn, làm sao chịu được. Thế gian không có mắt, thế gian đui mù. Khổ sở lắm. Con và tất các chúng sanh làm sao mà chia lìa sớm quá như vậy?

Lúc bấy giờ Ngài A-Nan nghe lời ấy rồi, mắt hướng đến Đức Như Lai không rời, suy nghĩ buồn rầu, khóc lóc, gieo mình xuống đất, lấy đá bổ vào thân cây.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A-Nan rằng: Hãy dừng sầu khổ nữa. Ta hướng đến Niết Bàn như lời đã nói. Tất cả những sự trìu mến, thương yêu rồi cũng phải đi đến chỗ biệt ly. Pháp sanh ra, pháp tồn tại là pháp hữu vi. Phải biết pháp sai biệt và phải hiểu pháp. Các pháp do nhân duyên sanh thì phải tan rã. Nếu không mất đi, tức không đúng vậy.

Ngài Huệ Mệnh A-Nan sau khi nghe lời Phật dạy rồi liền bạch Phật rằng:

Bà Già Bà! Con làm sao không buồn được. Tu Già Đà! Con làm sao không thương được. Ngài là quý giá nhất của con và chúng sanh. Ngài đã cùng chúng sanh sống, đã là Thầy của chúng sanh. Nơi giúp đỡ cho thế gian. Nơi thế gian quay về. Đại Sư của Trời Người mà phải xa rời. Cho nên Bà Già Bà! Làm sao con không buồn được. Tu Già Đà! Làm sao con không thương được. Con làm sao không cảm được. Thế Tôn đã cùng vối tất cả chúng sanh có tâm đại bi thương xót thế gian như thân thuộc. Làm đuốc sáng soi đường cho thế gian mà nay biệt ly, con tự thấy tâm mình bị khủng hoảng trăm phần. Thế Tôn! Con chẳng muốn thấy Ngài mệnh chung nơi nầy. Thế Tôn! Con tự thấy thân thể của Ngài không thể hoại được. Thế Tôn! Con lại suy nghĩ, việc không vào Niết Bàn đều do thần lực của Như Lai vậy. Bà Già Bà! Con làm sao không sầu được. Tu Già Đà! Con làm sao chẳng buồn được! Ngài là vị Thầy của thế gian, đã thương tưởng thế gian, mai đây sẽ không còn nữa, không thấy được nữa.

Lúc bấy giờ Đức Phật lại bảo Ngài Huệ Mệnh A-Nan rằng: Ngươi có lòng thương ta ư?

A-Nan thưa: Thật nhiều Đức Bà Già Bà. Thật nhiều Đức Tu Già Đà.

Phật bảo: Nầy A-Nan! Thương ta là thương cái gì?

An-Nan thưa: Con thương Thế Tôn không thể dùng lời nói có thể diễn tả cùng tận được. Cũng chẳng có thể giải bày được làm sao rốt ráo Đức Bà Già Bà. Con thương Ngài như thế! Tu Già Đà! Con thương Ngài như vậy. Thế Tôn! Con vì Như Lai mà bỏ thân mệnh nầy cũng không hối tiếc. Bà Già Bà! Con thương Ngài như thế. Tu Già Đà! Con thương như vậy đó. Thế Tôn! Con thương Phật chỉ có Phật chứng tri thôi. Bà Già Bà! Con thương như vậy. Tu Già Đà! Con thương như vậy đó.

Lúc bấy giờ Đức Phật lại bảo A-Nan rằng: Nếu mà thương ta như vậy thì hãy đưa tay phải đây.

Lúc ấy Ngài A-Nan đưa tay phải ra. Lúc đó Đức Thế Tôn dùng tay phải của mình phóng quang màu hồng kim vi diệu từ tốn bảo A-Nan rằng:

Nếu ngươi thương ta thì hãy nên thương mọi vật, cũng giống như ngươi thương ta vậy. Ta đã từ trong vô lượng trăm ngàn ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp đã đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nay thì pháp bảo phụ thuộc nơi ngươi. Hãy tùy thuận như ta đã chuyển mà chuyển như vậy, hãy phát triển rộng mãi đừng cho đứt đoạn. Đừng làm cho thế gian pháp nầy bị mất. Nầy A-Nan! Ta nay vì ngươi mà sẽ giữ gìn. Hãy giữ chánh pháp Tỳ Ni như ta đã nói càng ngày càng tăng trưởng, đừng cho hoại diệt, đừng cho mất đi. Nay ta dụ rằng: Tất cả những người trí đều sẽ được hiểu, cũng giống như có nhà quý tộc kia của cải giàu có, tài sản có nhiều kho báu mà vẫn thấy vật ấy chưa đủ. Như vậy của quý kia sẽ không cùng ông ta mà có, tánh cách đầy đủ vẫn còn ở xa. Do nhân duyên sanh thì không thể nào đầy đủ cả. Như vậy đó, kẻ Trưởng Giả kia muốn sanh một người con. Con kia khôn lớn, không cho học hành, toán số, thư văn, cùng với nhiều loại nghề nghiệp và trí tuệ sâu xa. Đứa con học rồi, sau đó Trưởng Giả bảo đứa trẻ rằng: Ta nay đã vì ngươi mà làm xong rồi, như đã trải qua toán số, lịch sử, thư văn, nghề nghiệp và trí tuệ. Hôm nay ta dạy ngươi lời cuối cùng rằng tất cả của cải quý báu kia đã thuộc về ta, ta nay đương nhiên sẽ phó thác cho ngươi. Ngươi từ ngày hôm nay nên học ba việc có thể bảo tồn được gia tộc sự nghiệp. Thế nào gọi là ba. Một là ham muốn, hai là siêng năng và bà là không buông lung. Như vậy mới xứng đáng là một bậc Trưởng Giả giàu sang. Như vậy phương tiện mà dạy cho người con, tuy nhiên người con không tin và buông lung. Tài sản của cha mẹ phung phí đến tận cùng. Nầy A-Nan! Hãy xem như thế người con kia có nghe lời dạy dỗ của người cha không?

A-Nan thưa: Thưa không! Đức Bà Già Bà. Thưa không! Đức Tu Già Đà.

Phật bảo: Nầy A-Nan! Như vị Trưởng Giả kia có thể thay thế người cha dạy con làm việc ấy chăng?

Thưa đúng! Đức Bà Già Bà! Thưa đúng! Đức Tu Già Đà.

Phật bảo: Nầy A-Nan! Như Lai tức là cha của thế gian! Ngươi giống như người con. Ngày hôm nay lời giáo huấn nầy phụ thuộc vào ngươi đó. Ta đã từ trăm ngàn ức Na Do Tha, A Tăng Kỳ Kiếp đã huân tập vô thượng pháp bảo như những kho báu! Các ngươi phải học ba việc. Thế nào là ba? Một là ham muốn, hai là siêng năng và ba là không buông lung. Như thế đó nếu các ngươi vẫn giữ 3 việc nầy thì từ trong A Tăng Kỳ Kiếp việc ta huân tập vô thượng pháp bảo trong kho báu các ngươi sẽ gìn giữ lâu dài. Kẻ nào chưa được thuận pháp thì sẽ thông đạt. Khi đã thông đạt rồi thì đừng cho thối thất, chính là các ngươi vậy. Hãy nên kiên trì giữ gìn kho báu giáo pháp mà ta đã huân tập từ trong A Tăng Kỳ Kiếp để chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Chưa ở nơi 3 việc ấy thì nay sẽ ở. Chưa đạt được thuận pháp thì nay sẽ thông đạt. Người đã thông đạt rồi làm cho không còn thối hư nữa. Vì sao vậy? Bởi lẽ ta đã vì lòng thương chiếu cố, lợi ích cho tất cả thế gian vậy. Vì làm cho họ được an lạc. Nầy A-Nan! Ta cùng thế gian nầy đã làm công việc như người cha đã làm cho con vậy. Ta đã vì các ngươi làm những gì đã làm. Lại nữa A-Nan! Ta đã từ nơi A Tăng Kỳ Kiếp huân tập để được pháp A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Ba việc nhân duyên phải chìm xuống. Thế nào là ba?

Một là không có lòng tin, hai là làm việc không có tính cách quyết định và ba là không biết sám hối. Cho nên A-Nan! Hãy nên gìn giữ chánh pháp bảo tạng. Vì ở trong lòng tin sâu, quyết định và sám hối. Hãy làm cho tăng trưởng đừng có buông lung để tạo phương tiện cho ba việc trên. Như vậy đó các ngươi, mà ta được tôn xưng là cha lành của thế gian.

Như vì con trẻ muốn làm đã làm. Nầy A-Nan! Đây là nghĩa ấy. Ta cũng nói thêm rằng: Hãy làm cho chánh pháp bảo tạng nầy được thành tựu và lớn mạnh lên. Đó là ví dụ vậy. Tất cả những người trí khi nghe xong liền được rõ ràng. Lại được tăng trưởng lòng kính tin và liền nói rằng:

Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng con mà vào Niết Bàn, đoạn lấy tay mặt cầm tay A Nan mà phó chúc cho trong A Tăng Kỳ Kiếp nầy phải huân tập để thành pháp A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cũng giống như Thương Chủ đi xa trên con đường, đã làm những gì phải làm xong. Nầy A-Nan! Vì sao vậy? Vị Thương Chủ kia phải trở lại nhà hay ở giữa đường?

A-Nan thưa: Thế Tôn! Người ấy về nhà chứ không ở đường.

Nầy A-nan! Cũng như thế đó ta là cha của thế gian, là bạn của thế gian, là Thầy của thế gian, tức như vị Thương Chủ cũng vì giác ngộ cho muôn loài mà ta đã làm xong việc ấy, không có việc Phật nào là không làm và tất cả những chúng sanh nào đáng độ ta đã độ xong. Những người đã được độ thì không có ai khiếu nại nữa. Nầy A-Nan! Có đến 3 việc không đủ và không được mà Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri sẽ không vào Niết Bàn. Thế nào là ba?

Nghĩa là các vị Bồ Tát Ma Ha Tát chưa trụ ngôi bất thối chuyển. Nếu giáo pháp của Như Lai bị diệt đi rồi hoặc trải qua một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, trăm ngàn ức Na Do Tha kiếp mà vẫn chưa giác ngộ được. Tuy chư Phật Thế Tôn đến thời Niết Bàn; nhưng thấy thiện căn nơi Bồ Tát chưa thành thục thì phải làm cho thành thục để được bất thoái. Vì lực thần thông nơi thân được gia trì nên vẫn ở đời, không tịch diệt, chờ cho Bồ Tát chứng được bất thối rồi, tức thời lúc ấy mới bổ xứ, thọ ký cho ai chứng đạo và thành Phật. Lúc ấy Như Lai mới nhập vào Vô Dư Niết Bàn. Cho nên ta và Di Lặc tự vô lượng trăm ngàn ức Na Do Tha Bồ Tát Ma Ha Tát đã được thọ ký thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, làm cho ở mãi cho đến A Tỳ Bạt. Đây là điều chư Phật đã thương chúng sanh và đã làm rồi. Lại nữa A-Nan! Nếu các chúng sanh muốn cho Như Lai được giải thoát mà có kẻ chưa độ thì Như Lai sẽ không vào Niết Bàn. Nếu có Phật Thế Tôn biết từ vô lượng trăm ngàn ức kiếp, trừ khi Phật chưa xuất thế ở thế giới nầy hay thế giới kia. Tại 5 đường nơi có chúng sanh, hoặc qua một tuổi hoặc trăm tuổi, ngàn tuổi, trăm ngàn tuổi hoặc trăm ngàn ức Na Do Tha tuổi cho đến một kiếp hoặc hơn một kiếp; những người như thế đã được độ thoát. Không phải chỉ có tất cả Thanh Văn, Duyên Giác được độ thoát vì trí tuệ Phật, hãy biết như vậy. Vị Phật kia tuy Niết Bàn đã đến nhưng vẫn còn thương họ, dùng thần lực của mình làm cho thân mệnh kéo dài không mất, cho đến khi họ được thành thục rồi sau đó mới nhập diệt. Nầy A-Nan! Đây là điều thứ hai mà chư Phật Thế Tôn muốn làm, đã làm rồi. Cho nên mới vào Vô Dư Niết Bàn.

Lại nữa A-Nan! Ta đã nói rằng: Nếu là Kinh, là Luật là Luận phải hiểu nghĩa sâu nơi ấy; không học, không tu mà Thanh Văn và Đại Chúng hãy cùng nhau nghị luận. Nếu trong chúng hội có vị Tỳ Kheo sanh nghi hỏi lại. Vì kính trọng Phật mà khủng bố não loạn không trả lời phải vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Phật Tri Kiến vậy. Có vị hóa thành một vị Tỳ Kheo đến cạnh Như Lai và hỏi rằng:

Thế Tôn! Nơi đây làm việc gì phải làm?

Phật bảo vị hóa Tỳ Kheo ấy rằng: Nầy Tỳ Kheo! Nơi đây làm việc nên làm.

Nầy A-Nan! Đây là 3 việc mà chư Phật Thế Tôn tất định phải làm. Nếu việc chưa xong, chưa vào Niết Bàn. So ra ta đã làm tất cả những gì đã làm xong, không có việc gì là ta chưa nói. Nầy A-Nan! Ta nay đã vì các Thanh Văn mà nói hay gìn giữ tu học giới đức, cho đến cuối cùng vẫn là con đường chơn chánh. Nói và làm phải đúng với nhau. Cho nên A-Nan và các ông phải biết từ đây ta không nói nữa! Hãy cẩn thận. Việc nói năng bây giờ ta đoạn tuyệt. Nầy A-Nan! Những gì ta đã nói thì hãy nên học hỏi và làm theo. Hãy đừng buông lung quá độ! Nếu không buông lung, tức chứng đạo quả. Đây là nghĩa vậy. Ta dạy cho các ngươi đừng lo, đừng buồn.

Nầy A-Nan! Ta sau đêm nay sẽ vào Niết Bàn. Ta nay đang từ giã quốc độ và cảnh giới và không trở lại thế giới nầy nữa. Lại cũng chẳng đi đến thế giới khác. (Nơi thế giới kia, có người đời sau sanh vào, thì các người ấy từ bây giờ không thấy được ta và ta cũng không thấy họ nữa). Nầy A-Nan! Ta nay sẽ nhập vào Vô Dư Niết Bàn. Với Niết Bàn nầy yên lặng thanh lương, không bụi bặm, lìa dơ bẩn; tất cả khổ đều bỏ lại; không sanh, không già, không bệnh, không chết; không lo, không buồn, không khổ, không não. Không có gì không bằng lòng cũng chẳng có gì là hối hận; không ghét gặp nhau, không yêu lìa nhau giống như hằng hà sa Thế Tôn vậy. Lại cùng với tất cả ac1c Thanh Văn Duyên Giác đã qua, đương qua và sẽ qua. Nầy A-Nan! Nay ta đương xem và thích vào Vô Dư Niết Bàn. Nếu có kẻ ngu si phàm phu mà không thích ta vào chốn an lạc Niết Bàn nầy lại cũng chẳng có thể phát tâm tùy thuận giải thoát thì người đó cũng nên phát tâm. Đây là nhân duyên, là hạt giống để tương lai sẽ vào Niết Bàn. Nầy A-Nan! Tất cả phàm phu có được lực gì? Thật ra chẳng có gì cả. Nầy A-Nan! Ta xem tất cả những kẻ phàm phu giống như lúa mạch. Cho nên An-Nan! Kẻ ngu si làm sao có lực, làm sao an ổn, cho nên đã chẳng có thể phát tâm thì đây là chủng tử có thể quyết định sẽ vào được Niết Bàn.

Nầy A-Nan! Tất cả những người ngu si phàm phu không có giới lực, định lực và huệ lực. Nầy A-Nan! Ta đã đầy đủ vô lượng Phật lực, đã đầy đủ trong vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp không thể nghĩ bàn và không thể so sánh được, gồm có giới định huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến lực; lực hổ, lực thẹn, khó chứa tập lực; tri 1lực, xả lực, phước lực, huệ lực, căn lực, gia lực đầy đủ 10 lực, cho nên yêu thích Vô Dư Niết Bàn.

Nầy A-Nan! Có những người phàm phu ngu muội không trí nên đắm trước dục lạc sanh tử nơi ngục tối lưu chuyển cho đến không thể phát tâm nhớ nghĩ tùy thuận giải thoát. Thì nay họ cũng sẽ có chủng tử căn bản để vào Niết Bàn. Nầy A-Nan! Như Lai đã nói và đã tán thán như vậy. Tất cả những kinh điển lưu lại ở tương lai; nếu sau khi Phật diệt độ, ở trong đời sau có người được nghe, nghe rồi phát tâm, tức nhiên sẽ được chứng nhập vào cảnh giới chánh pháp bảo tạng Vô Dư Niết Bàn. Nầy A-Nan! Ta đương nói thí dụ làm cho tăng trưởng thêm sâu tín tâm.

Nầy A-Nan! Cũng giống như Thương Chủ và các thương nhơn đã qua được các nơi nguy hiểm, trừ khỏi được các nạn khó, đến nơi thành vô úy; nơi ấy có người bị mất tích lúc nửa đêm; lo lắng vô cùng đi tìm dấu tích. Các thương nhơn đều buồn khổ, sau đó được qua sự hiểm trở thấy lại bạn mình. Nầy A-Nan! Như vậy Như Lai thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề rồi, diễn thuyết các kinh điển lưu lại đời sau. Sau khi Phật diệt độ có các thiện nam tử và thiện nữ nhơn nếu được nghe qua, nghe rồi phát tâm sẽ đến được nơi ta lưu lại chánh pháp bảo thành, cảnh giới Vô Dư Niết Bàn. Sau khi đến thành chánh pháp rồi liền suy nghĩ và hộ trì nói rộng chánh pháp của ta. Nầy A-Nan! Ta chỉ có một người phò trì chánh pháp mà còn được như vậy huống gì vô lượng trăm ngàn chúng sanh, nơi mà ta đã tu tập hằng ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp để được chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề và chánh pháp bảo tạng. Các ngươi hãy nên đọc tụng thọ trì. Vì các thiện tín và 4 bộ đại chúng mà khai thị phân biệt. Đừng làm người hủy diệt Phật Pháp trong đời vậy.

Nầy A-Nan! Thời vị lai trong đời có các chúng sanh không nghe nghĩa lý của kinh điển nên sanh thoái tâm. Cho nên A-Nan! Ta sẽ nói thí dụ đây. Cũng giống như một vị Trưởng Giả giàu có, có nhiều kho báu chứa cất tràn đầy. Đồ đạc đầy đủ không thiếu thứ gì. Sau đó Trưởng Giả có một người con; nhưng phải đi xa. Lúc Trưởng Giả gặp bịnh nặng khổ cực vô cùng. Lúc lâm chung còn nhiều vật quý như Ma Nị, Chơn Châu, Lưu Ly, Xa cừ, vàng bạc, tiền nong phải gởi lại và Trưởng Giả liền nói rằng: Con ta đã đi xa nơi đây, nay ta thân phải mang bịnh nặng, phải mất nay mai. Ta vì con ta mà cũng cho nó vô lượng của báu tài sản nầy. Nếu như con ta trở lại, hãy vì ta mà bảo rằng đừng có buông lung! Hãy kiên nhẫn ở yên đừng có buông lung, sau đó mới giao cho những kho 1báu nầy. Lúc giao khi báu nên nói như thế nầy:

Hãy nên nhận lấy, đừng có buông lung! Hãy giữ gìn đồ vật đừng cho tổn thất. Sau khi nói lời nầy của ta rồi, thì đem tất cả những vật quý giá giao cho nó, và người kia đã lãnh thọ những đồ vật của Trưởng Giả. Thọ rồi chẳng bao lâu thì người con của Trưởng Giả từ xa về lại. Kẻ kia đã nhậm giùm của nơi Trưởng Giả không giao lại cho người con của Trưởng Giả. Nầy A-Nan! Vì sao vậy? Ai đã làm chuyện ấy?

Ngài Huệ Mệnh A-Nan thưa Phật: Kính bạch Thế Tôn! Người nhận lãnh giùm đã sai; không phải là người vậy. Tại sao? Vì người nhận giùm nầy, chính hắn đãi trực tiếp nhận lãnh những đồ quý giá từ Trưởng Giả mà không hoàn lại cho người con.

Phật bảo A-Nan! Hào quý Trưởng Giả dụ cho Như Lai. Khi mạng chung dụ cho Như Lai sắp vào Niết Bàn. Đứa con dụ cho đời sau có các tịnh tín thiện nam tín nữ. Người đi xa dụ như lưu chuyển trong 5 đường. Của quý báu dụ cho tạng pháp quý báu mà Như Lai đã tu trong ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp để được vô thượng. Thọ nhận nơi Trưởng Giả dụ cho các ngươi và các Đại Thanh Văn Bồ Tát Ma Ha Tát phần giữ gìn giáo pháp của ta. Vì đời sau mà các thiện nam tử thiện nữ nhơn hãy trao lại cho Ngài Đại Ca Diếp và Di Lặc cũng như chư Đại Bồ Tát. Nếu các ngươi hay theo lời dạy của ta thì trong đời vị lai đã nhận lãnh sự giáo hóa nầy thì các Phật Tử phải giữ gìn pháp bảo. Vì sao vậy? Nầy A-Nan! Vì lẽ trong các chúng sanh sau khi ta mất đi rồi sẽ thành thục mà thực hành Bồ Tát hạnh. Nếu có kẻ nghiệp ác bị đọa vào nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và những chúng sanh nầy sau khi Như Lai diệt độ cũng được ra khỏi đường dữ trở lại làm người và tu học cho các căn tăng trưởng thành thục vậy. Từ nơi pháp của ta có một ít nhân duyên để hay kính tin. Trong nầy cũng có người được xuất gia, khi nghe ta giảng kinh liền được thắng hạnh. Hoặc nơi Thanh Văn thừa hoặc nơi Duyên Giác thừa hoặc nơi Đại Thừa thì vào Niết Bàn.

Nầy A-Nan! Ta vì đời sai cho các thiện nam tử thiện nữ nhơn nầy, phụ thuộc nơi ta để tu trăm ngàn ức Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp, huân tập tu học vô thượng đại pháp bảo tạng. Làm cho họ được nghe. Vì sao vậy? Vì những chúng sanh kia! Nếu không nghe về chánh pháp nầy thì sẽ thoái tâm. Cho nên ta nay vì người đời sau phó thác cho họ Đại Bảo Tạng nầy. Nếu hay nghe được thì không thoái tâm. Vì nhân duyên nầy mà ta lại phải nói thí dụ.

Nầy A-Nan! Ví như Vua Chuyển Luân sẽ mở kho báu, ra lệnh cho triều thần rằng: Ta nay sẽ bố thí cho tất cả các Sa Môn, Bà La Môn cho đến những người bần cùng hành khất nơi đường sá. Theo ý nguyện mà được. Muốn ăn có thức ăn; muốn uống có thức uống. Muốn xe có xe cho đến hương hoa và đồ trang sức. Cũng như quần áo, giường nằm, phòng ốc thanh tịnh và các đồ lặt vặt đầy đủ. Các vị cai quản kho báu được lệnh ấy rồi liền chẳng bố thí. Nầy A-Nan! Vì sao vậy? Ai là người sai?

A-Nan thưa: Đại Đức Bà Già Bà. Những người giữ kho sai.

Sau khi biết điều ấy rồi thì hãy làm cho tăng trưởng vì trời người mà khai thị diễn nói vậy cho đến vì ngươi mà ta khai thị vậy. Phải vì sự kính tin của Sa Môn, Bà La Môn và tất cả phàm phu cầu nghĩa của pháp tất phải được nghe. Cho nên A-Nan! Ta nay giao phó tạng pháp bảo nầy cho người và phải triển khai rộng ra. Nếu ngươi không vì các kẻ tin thanh tịnh như Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ và các phàm phu mà vui vẻ tuyên dương quảng bá phân biệt ý nghĩa rộng rãi, tức là ngươi đã không làm đúng lời dạy của Như Lai. Vì sao vậy? Nầy A-Nan! Vì ta là Vô Thượng Pháp Chuyển Luân Vương có nhiều khi báu giáo pháp quý giá. Có các trợ đạo bảy phần giác ngộ, mười lực và vô úy đầy đủ. Từ trong pháp nầy mà được tự tại nên có tên al2 Pháp Vương. Ngươi hãy nên gìn giữ 84.000 chánh pháp tạng nầy, vì các tịnh tín Sa Môn, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, tịnh tín phàm phu, các Pháp sư v.v.. để cầu ý nghĩa của pháp mà phải diễn thuyết đầy đủ, không sanh phân biệt. Nếu không làm như vậy, tức pháp bị diệt. Cho nên A-Nan! Ngươi hãy nhớ đến việc tu tập của ta trong ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp, để chứng được vô thượng pháp bảo A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề mà hay hiển bày rộng rãi cho 4 chúng, tức là không làm sai lời dạy của Như Lai vậy. Nếu không nói rộng ra, tức làm sai lời của ta vậy.

Lại nữa A-Nan! Hoặc lậu hết A La Hán Tỳ Kheo đã chứng vô vi mà không thể vì kẻ khác phân biệt giải nói thì người nầy làm Thầy chẳng ích lợi gì cho giáo pháp của Như Lai cả. Lại cũng chẳng phải kẻ giữ gìn chánh pháp của ta. Cho nên ta nay phó chúc pháp nầy cho ngươi. Tại sao vậy? Nầy A-Nan! Dụ như có người trong đem tối mang đuốc bằng cỏ trở lại nhà mình. Lại có nhiều người muốn chỉ cho người mang đuốc đó, nương vào đuốc cỏ nầy mà độ cho qua khỏi chỗ tối tăm kia. Đến rồi rời nhà; nhưng trừ hắn ra. Nầy A-Nan! Vì sao vậy? Người nầy phải biết rằng đuốc cỏ cháy không thôi. Cũng biết rằng nhiều người muốn giúp mình, tự dùng đuốc nầy; nhưng không dùng được; nên gọi việc làm nầy không tốt vậy.

A-Nan thưa: Không phải thế Bà Già Bà. Không phải thế Tu Già Đà.

Phật bảo: Đúng vậy, đúng vậy. Nầy A-Nan! Nếu có Tỳ Kheo chứng A La Hán quả. Sau khi chứng pháp vô vi rồi, cũng biết việc độ cho chúng sanh qua khỏi sanh tử; nhưng không vì họ mà phân biệt chỉ bày. Ta đã vì tu tập mà làm cho pháp nầy rộng rãi lưu truyền trong A Tăng Kỳ Kiếp. Cho nên người nầy gọi là kẻ không làm lợi ích cho chúng sanh. Cũng là kẻ không nhiếp thọ giữ gìn chánh pháp của ta. Cho nên A-Nan! Ta nay phó chúc pháp nầy cho ông, mà ta đã tu tập trong Ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp, cho đến việc giữ gìn, tuyên thuyết rộng rãi ra. Đừng cho mất đi, đó là chánh đạo. Hãy đừng làm cho pháp nầy mất đi vậy.

A-Nan! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di mà từ nơi pháp nầy an trụ thì phải vì họ mà phân biệt giải bày làm cho pháp bảo của ta tu tập trong Ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp lãnh hội được từng phần. Cho nên A-Nan! Việc tu pháp lành của ta trong Ức Na Do Tha, A Tăng Kỳ Kiếp và lần thứ hai phó chúc nầy là vì chúng sanh đời sau vậy. Phải làm cho những chúng sanh không được nghe pháp nầy cũng đừng thối tâm.

Lại nữa A-Nan! Dụ như vị Trưởng Giả giàu có nhiều kho báu kia có Ma Ni, Chơn Châu, San Hô, Xà Cừ, tất cả các vật đều đầy đủ, lúc ấy có người tức giận thiêu đốt kho nầy. Trưởng Giả cũng rất giận dữ và nơi Trưởng Giả kia tâm thường vui vẻ trở nên không lợi ích. Kẻ không vui thì được vui. Kẻ không vui thì được an ổn. Như vậy sự giận dữ lúc thấy lửa đốt kho báu mặc nhiên xả bỏ không màn đến lửa; nhưng sau Trưởng Giả lại có tâm thương tưởng thân thiện làm lợi ích, làm cho mọi người an ổn trở lại, thấy lửa nầy rồi xả bỏ, mặc nhiên ở đãy, không muốn tắt đi. Nầy A-Nan! Điều ấy có nghĩa gì? Thân hữu nầy có thể gọi là chánh phát tùy thuận không?

A-Nan thưa! Thưa không! Đức Bà Già Bà. Thưa không! Đức Tu Già Đà.

Phật bảo: Nầy A-Nan! Họ là thân thích với nhau khi thấy lửa đốt cháy kho báu, hy sinh không cầu cạnh, lại gia tăng ý thức, làm cho thiêu hết tất cả các kho báu, phải không?

A-Nan thưa: Như vậy đó, Đức Bà Già Bà. Như vậy đó, Đức Tu Già Đà.

Phật bảo: Như vậy đó, như vậy đó. Nầy A-Nan! Ta đã tu tập Ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp vô thượng căn lành và khi pháp bảo hoại diệt rồi thì có các Tỳ Kheo tâm không kính tin, thường phá tịnh giới, tập làm các pháp ác như nơi ca múa thường hay tới lui, không vui tu theo thiền định, tâm không tán loạn, giãi đãi, đọa lạc; ít nghe giảng pháp, không vui tụng kinh, làm sao có thể vì người khác mà hay phân biệt giải bày, làm cho người nghe có thể giữ gìn pháp bảo được.

Lại nữa A-Nan! Quán Đảnh Sát Lợi Đại Vương chỉ có một con đi xa không hiện diện. Khi đó Sát Lợi Đại Vương thân gặp bịnh nặng. Biết bịnh nặng rồi liền giao kho báu các loại cho các vị Đại Thần giữ gìn và nói thế nầy: Nếu con ta trở lại, ngươi hãy nên phong vương cho con ta và nên giao tất cả kho báu cho nó. Các vị Đại Thần liền nhận chịu các việc vua giao. Sau khi nhận rồi, vua mất. Sau khi vua mất, người con về lên ngôi vua. Sau khi đăng quang rồi thì được tự tại; nhưng các vị Đại Thần không giao lại của báu cho ông ta và nói như thế nầy:

Tốt lắm Đại Vương! Phương pháp chính trị là bảo vật để cai trị cho chúng tôi.

A-Nan hiểu ý nầy không? Những vị Đại Thần thọ nhận của gởi của Trưởng Giả mà không giao lại cho con vua có đúng không?

A-Nan thưa: Bạch Đức Bà Già Bà, Đức Tu Già Đà. Họ là những người sai trái.

Phật bảo A-Nan! Sự việc ra đi xa nầy dụ cho 5 đường của chúng sanh. Bịnh dụ cho Phật sắp nhập Niết Bàn. Đa Bảo tạng dụ cho 37 phẩm trợ đạo. Đại Thần Trưởng Giả dụ cho các vị A La Hán. Bảo vật khác dụ cho ta đã phó chúc cho ngươi những pháp bảo mà ta đã tu tập trong Ức Na Do Tha A Tăng Kỳ Kiếp, cho đến vì đời sau cho các đệ tử vậy. Nầy A-Nan! Về đời sau trong đời có các chúng sanh, mà nơi ta từ xưa đã thành thục, nhưng vì ác nghiệp nên sanh vào địa ngục súc sanh ngạ quỷ. Sau khi ta diệt độ và họ sẽ được sanh trở lại làm người, sau đó các căn được tăng trưởng thành thục và vì trong pháp của ta mà phát sanh tín tâm, cho nên có kẻ được xuất gia. Còn kẻ tại gia thì chứng Tu Đà Hoàn cho đến có kẻ chứng A La Hán. Tại học địa nầy sau khi mệnh chung lại phát tâm sâu rộng sanh nơi đất Phật. Có nhiều căn lành với Trời Người, cho nên sẽ được đầy đủ lợi ích. Cũng đã phát tâm tin tưởng. Liền nói lời rằng:

Thế gian kia là cha lành của ta đã giúp ta, khi sanh ra lại có lòng kính tin rộng rãi. Nầy A-Nan! Ta đã vì họ mà nay thì tất cả pháp bảo nầy phó chúc cho ngươi đó. Cho đến làm cho họ nghe pháp tạng nầy. Cho nên A-Nan! Ta nay vì Đại Pháp tạng mà làm cho họ có tín tâm như các thiện nam tử thiện nữ nhơn đã được nghe vậy.

A-Nan! Những thiện nam tử và thiện nữ nhơn kia khi nghe Đại Pháp tạng nầy hoặc chứng thành thù thắng, hoặc được sanh đại ái lạc tâm, hoặc nghe rồi khóc lóc, lông dựng lên. Nầy A-Nan! Hoặc có kẻ nghe pháp môn nầy rồi. Niệm Phật công đức khóc lóc, lông dựng lên thì ta thọ ký cho họ rằng với tất cả những căn lành nầy sẽ được Niết Bàn.

***

    Xem thêm:

  • Pháp Bồ Tát Quán Tự Tại Đại Bi Trí ấn Chu Biến Pháp Giới Lợi Ích Chúng Sanh Huân Chơn Như - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đại Tì Lô Xá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Liên Hoa Thai Tạng Bi Sanh Mạn Đồ La Quảng Đại Thành Tựu - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Lai Biến Đổi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 140 – Kinh Giới Phân Biệt (Dhàtuvibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 136 – Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Mahàkammavibhanga) - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Bi - Kinh Tạng
  • Kinh Người Cày Ruộng Làm Biếng - Kinh Tạng
  • Kinh Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng Giả Thủ Ca - Kinh Tạng
  • Kinh Biến Chiếu Đại Lực Minh Vương Xuất Sanh Hết Thảy Pháp Nhãn Như Lai - Kinh Tạng
  • Kinh Phân Biệt Duyên Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Ðức Của Biển - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tịch Chiếu Thần Biến Tam Ma Địa - Kinh Tạng