1
2
3
4
5

Kinh Đại Bi

Cao Tề Na Liên Đề Da Xá dịch

Bản Việt dịch của Thích Như Điển

***

Quyển Thứ nhất

Phẩm Phạm Thiên thứ nhất:

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Câu Thi Na, ở giữa nơi hai cây Sa La song thọ. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn. Liền dạy cho Ngài A-Nan rằng:

– Hãy lấy đồ bày ra giữa hai cây Sa La song thọ.

Sau đó Đức Phật nằm xuống xoay đầu về bên mặt như dáng Sư Tử nằm và nói: Ta sẽ nhập Niết Bàn vào đêm nay. Nầy A-Nan, khi ta vào Niết Bàn sẽ đoạn trừ tất cả những lời nói. Ta đã làm những việc mà chư Phật đã làm. Nói pháp cam lồ làm lợi lạc quần sanh. Tịch diệt, vắng lặng, sâu xa vi diệu, khó thấy khó biết, khó có thể đo lường.

Người trí có thể hiểu được pháp của Thánh Hiền. Ta đã 3 lần chuyển pháp luân vô thượng. Nếu có Sa Môn Bà La Môn; nếu có Trời, Ma hoặc Phạm Vương hoặc loài người. Và đời cùng với người không thể chuyển pháp, ta đã giảng trống pháp, thời pháp loa, dựng pháp tràng, làm thuyền pháp, tạo cầu pháp, mưa pháp vũ. Ta đã chiếu sáng cho 3 ngàn đại thiên thế giới, diệt trừ chỗ tối tăm. Mở bày cho chúng sanh giải thoát, làm cho trời người được sung mãn chánh tín. Người nào có thể độ, đều đã được độ xong. Ta đã hàng phục tất cả ngoại đạo và các luận sự khác. Nơi Động Ma cung điện tuy có thế lực của ma; nhưng tiếng sư tử gầm đã làm các Phật sự. Làm cái việc của bậc trượng phu đã xong lời nguyện. Giúp đỡ giáo pháp Thanh Văn và thọ ký cho Bồ Tát. Chỉ vì tương lai giáo pháp của Phật không mất vậy. Nầy A-Nan! Ta nay đến sau không làm gì nữa, chỉ vào Đại Bát Niết Bàn”.

Lúc bấy giờ Ngài A-Nan nghe lời ấy rồi, liền buồn khổ vô cùng, khóc lóc sướt mướt mà bạch Phật rằng:

– Kính bạch Ngài! Bà Già Bà! Niết Bàn quá nhanh. Tu Già Bà! Niết Bàn quá nhanh. Mắt thế gian không còn nữa, thế gian cô độc. Thế gian không cứu được, không có người dẫn đường.

Lúc bấy giờ Đức Phật bảo Ngài Huệ Mệnh A-Nan rằng:

– Đừng có lo buồn! Pháp có sanh tất có diệt, phải có hoại. Nếu không mất thì không đúng vậy. Ta nói thêm rằng: Tất cả những ái nhiễm, đều khó xa lìa. Vậy A-Nan! Ta chỉ vì lòng từ không hai. Cả tâm và thân không có ác. Ngươi đã hiếu dưỡng tùy thuận làm thị giả giúp đỡ ta vô hạn. Nầy A-Nam! Nếu có Trời, Người, A-Tu-La v.v… cho việc cúng dường Thanh Văn Duyên Giác, nếu giảm một kiếp hoặc mãn một kiếp, lại cùng với việc phụng dưỡng Như Lai, đối với việc ấy phước lại nhiều hơn. Cho đến cúng dường các vị Phật có thần thông lớn và lúc vào Niết Bàn, thì được công đức rất lớn. Ví như Cam Lồ trong các Cam Lồ. Cuối cùng của Cam Lồ là Niết Bàn vậy. Như vầy đó A-Nam, hãy đừng buồn khổ.

Khi Ngài A-Nam lo buồn khóc than như thế thì Đức Như Lai đã ở giữa 2 cây Sa La song thọ. Giống như Sư Tử nằm xoay về hướng bên mặt trên chỗ nằm. Tức thời 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới, cho đến cây cối hoa cỏ trong vườn rừng, đều hướng về nơi Đức Phật Nhập Niết Bàn. Có kẻ muốn đến, muốn gần gũi, muốn đến chỗ Phật, cho đến cả 3 ngàn thế giới lớn nhỏ, cả những sông lớn sông nhỏ, ao hồ v.v… vì thần lực của Phật mà ngưng chảy. Trong 3 ngàn thế giới lớn nhỏ có các muông thú, vì thần lực của Phật mà mặc nhiên đứng yên không hót không ăn. Trong 3 ngàn thế giới lớn nhỏ mặt trời mặt trăng không di động. Các lửa dữ và lửa đang thiêu đốt vì thần lực của Phật mà không hiện hữu. Không có ánh sáng nào có thể chiếu nóng. Trong 3 ngàn thế giới nếu có lửa mạnh, nhờ vào thần lực của Phật mà tiêu diệt đi. Không thể tự đốt cháy được. Trong 3 ngàn thế giới nếu có lửa cháy trong địa ngục, nhờ thần lực của Phật mà tất cả trở nên mát mẻ. Tại các địa ngục nầy các chúng sanh trong khoảng sát na, nhờ thần lực của Phật mà được an lạc. Trong 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới có súc sanh, tất cả đều khởi tâm từ và tâm bi mẫn. Không có tướng si não làm hại tánh mạng. Tất cả ngạ quỷ không bị đói khát. Tất cả chúng sanh đều nhờ vào thần lực của Phật vậy. Thân tâm nhẹ nhàng lìa khổ được vui. Đầy đủ ý nghĩa đệ nhất an lạc. Lúc ấy Đức Phật đang nằm day về phía mặt; trong 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới có vua núi Tu Di, núi Thiết Vi và núi Đại Thiết Vi, núi Mục Chân Lân Đà, Hương Sơn Tuyết Sơn và Hắc Sơn, đất lớn biển lớn tất cả đều bị chấn động bởi sáu loại. Cho nên nhảy múa, khởi lên chấn động. Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới tất cả phong luân đều không xuy động. Tất cả chúng sanh trong khoảng sát na, bỏ tất cả nghiệp được ở trong niềm vui, lìa sự ngủ nghỉ, tâm không tán loạn. Muốn làm việc gì đều mặc nhiên không có tiếng. Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới có Thiên Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A-Tu-La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Phạm Thiên, Thích Thiên, Hộ Thế Thiên v.v…

Nhờ thần lực của Phật mà thấy được các cung điện, chỗ ngồi và vườn rừng. Các bóng tối đều không có cơ hội trở lại, không sanh ái lạc. Quyến thuộc của họ ưu não chẳng vui. Một ngàn thế giới chủ Phạm Thiên Vương, ba ngàn Đại Thiên Thế Giới chủ Đại Phạm Thiên Vương. Cao tâm tự thị làm như vậy và nhớ như vậy để làm. Nhớ nghĩ thế giới nầy và các chúng sanh, đều do ta làm và do ta hóa thành. Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới chủ Đại Phạm Thiên kia, nhờ thần lực của Phật mà thấy được cung điện của họ và chỗ ngồi v.v… Chỗ ám muội không có, không sanh ái lạc, Trời Ma Ê Thủ La ở cõi Tịnh Cư v.v… cũng đều như vậy. Lúc bây giờ Đức Chủ Phạm Thiên Vương của 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới nhớ nghĩ thế nầy. Lực nầy do ai mà sinh tướng nầy? Làm cho ta không vui, cung điện chỗ ở, tức thời Đức Đại Phạm Thiên Vương biến vào trong 3 ngàn thế giới hóa thành một vị Đại Tự Tại giàu có, biết rằng Đức Như Lai ứng cúng chánh biến tri, đêm nay sẽ vào Niết Bàn. Cho nên mới hiện nên những thần lực biến hóa không thể nghĩ bàn, việc nầy chưa từng có. Với thần lực nầy đúng là tướng của Như Lai sắp vào Niết Bàn. Lúc ấy Đức Đại Phạm Vương liền nghĩ rằng: Ưu sầu không vui, lo lắng có việc và các phạm chúng cùng đến nơi Phật. Cùng với 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới với các Phạm Thiên đều cùng tín thọ thánh pháp và an trụ nơi thánh pháp ấy.

Lúc bấy giờ Chủ Đại Phạm Thiên Vương của 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới đến trước Phật rồi dập đầu đảnh lễ, đoạn bạch Phật rằng: Kính mong Đức Thế Tôn, Ngài dạy cho con, phải sống và tu hành như thế nào? Nói lời ấy rồi, Như Lai tức thời hỏi vị Đại Phạm Vương rằng: Nầy Phạm Vương! Nay hãy làm và nghĩ như vầy Ta là Đại Phạm Thiên, ta hay thắng người, người không như ta, ta là người trí. Ta là đấng Đại Tự Tại trong 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới, ta đã tạo tác chúng sanh và hóa tác chúng sanh. Ta có thể tạo ra thế giới và biến đổi thế giới chăng?

Đại Phạm Thiên trả lời rằng: Như vầy Đức Bạt Già Phạm, như vầy Ngài Tu Già Đà.

Phật bảo: Này Phạm Thiên! Nên biết ai làm và ai biến hóa ra. Lúc ấy Phạm Thiên mặc nhiên đứng lặng. Phật thấy Phạm Thiên mặc nhiên đứng như thế, lại tiếp hỏi rằng:

Phạm Thiên có lúc 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới, làm kiếp lửa thiêu đốt hết trọi là ý thế nào? Đây có phải là việc làm, là việc hóa hiện chăng?

Lúc ấy Ngài Đại Phạm Thiên bạch Phật rằng: Không phải vậy, Thế Tôn.

Phật tiếp: Này Phạm Thiên! Như đại địa nương vào nước để tồn tại; nước nương vào gió; gió nương vào hư không; như vậy đại địa dày 6.800.000 do tuần không rời ra, không tan biến. Nầy Phạm Thiên! Ý đó ra sao? đây có phải là việc làm, việc hóa hiện chăng?

Phạm Vương trả lời rằng: Không phải vậy thưa Thế Tôn.

Phật tiếp: Nầy Phạm Thiên, trong 3 ngàn thế giới lớn nhỏ nầy trong khi có trăm ngàn ức mặt trời mặt trăng lưu chuyển thì Phạm Thiên thế nào? có phải hóa hiện ra chăng?

Phạm Thiên thưa rằng: Không phải thế! Bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Có lúc Nhựt Nguyệt thiên tử không ở tại cung điện, cung điện không hư.

Phạm Thiên! Điều ấy nghĩa gì? có phải do làm, có phải do hóa ra hay do thêm không?

Phạm Thiên bạch Phật: Không không như thế, bạch Đức Thế Tôn.

Đức Phật bảo: Nầy Phạm Thiên! Cũng giống như thời tiết Xuân Hạ Thu Đông. Vì sao vậy? Những điều nầy tự nhiên làm, tự nhiên hóa và tự nhiên thành tựu.

Phạm Thiên thưa rằng: Không phải thế, Thế Tôn.

Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Cũng giống như tấm kiếng của đèn dầu Ma Ni. Ngoài ánh sáng lên sắc vì kiếng trong sáng vậy. Cho nên đại địa, sơn hà, cây rừng, vườn nhà, cung điện, nhà cửa, tụ lạc, thành ấp, voi ngựa, nai hươu, chim muông, mặt trời mặt trăng, vì sao, Thanh Văn Duyên Giác, Bồ Tát, Như Lai, Thích Phạm, hộ thế, người và không phải người v.v… mỗi loại đều hiện lên sắc tướng. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Tự nó hay làm, hay biến hóa, hay thành tựu.

Phạm Thiên thưa rằng: Không phải vậy, kính bạch Đức Thế Tôn.

Phật bảo: Nầy Phạm Thiên! Giống như núi cao, hố sâu, các đồ dụng cụ ca múa lớn nhỏ, nai hươu, chim thú, người và chẳng phải người v.v… đều tạo nên âm thanh. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? tự nó tạo nên, tự nó biến hóa, tự nó thành tựu?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Phật bảo: Nầy Phạm Thiên! Như chúng sanh đang ở trong mộng thấy nhiều loài hình sắc khác nhau, nghe nhiều âm thanh như vậy, ngửi nhiều loại mùi hương, nếu nhiều vị khác nhau, hiểu nhiều loại cảm xúc, biết nhiều pháp, làm nên nhiều loại vui, nhiều loại tiếng khóc than, thọ những vui buồn lo sợ. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Vì chúng tự làm, tự biến hóa, tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Phật bảo: Nầy Phạm Thiên! Như 4 loại người đoan chánh, xấu xa, bần cùng, giàu có phước đức nhiều ít. Giới lành, giới dữ, huệ lành, huệ dữ. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải tự làm, tự biến hóa, tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy? Bạch Đức Thế Tôn!

Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Tất cả chúng sanh có sự lo lắng, khổ sở, não hại là vì nước, lửa, dao, gió lớn, độc dược, ác thú làm cho người cũng như không phải người sợ hãi cùng với nhiều loại nguy hại khác nhau. Hay gây nên nhiều sự sợ hãi. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải tự làm, tự biến hóa và tự thành tựu chăng?

Phạm Vương thưa: Không phải như thế, Thế Tôn.

Phật dạy rằng: Nầy Phạm Thiên! Chúng sanh tự có nhiều loại tật bịnh khác nhau. Ví như bịnh phong, lạnh, nóng và có nhiều bịnh khác. Do thời tiết thay đổi mà tứ đại không hòa. Nếu do tự làm hoặc do nghiệp báo từ trước, làm cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân bịnh. Lại cũng có chúng sanh bị khổ não bởi tâm ý khác nhau. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải tự làm, tự biến hóa và tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Phật bảo: Nầy Phạm Thiên! Chúng sanh gặp những sự nguy hiểm như nước, lửa, nạn khổ v.v… Hoặc trong kiếp đao binh bị tật bịnh lại sinh đói rét. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải tự làm, tự sanh và tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế tôn.

Đức Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Chúng sanh do sự khổ của tình thương yêu bị chia lìa. Do sự chia lìa với cha mẹ, huynh đệ, chị em, quyến thuộc, bạn hữu nên mới khổ. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải tự làm, có phải tự hóa hiện và tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Chúng sanh do tạo nhiều loại nghiệp ác khác nhau như mua rẻ, uống rượu, ngâm thuốc vào đồ ăn v.v… hoặc đi vào trong biển lớn gặp nơi nguy hiểm, đã dùng các phương thuật của tiên hoặc làm các phép diệt trừ. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải do tự làm, tự biến hóa, tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Do chúng sanh tạo tác nhiều đường dữ khác nhau. Đây là nguyên nhân vậy. Nên phải đầu thai vào các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hoặc làm trời người. Do chúng sanh từ thân, miệng, ý mà sinh ra việc lành việc dữ. Lại nữa thế gian cũng có 10 nghiệp ác. Đa phần chúng sanh không có tâm từ bi, làm các việc khổ não, không lợi ích cho nên là nhân duyên đọa vào đường ác. Do vì sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham si, tà kiến. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải do tự làm, tự biến hóa, tự thành tựu chăng?

Phạm Vương thưa: Bạch Thế Tôn, không phải thế.

Phật bảo Phạm Vương rằng: Chúng sanh nguyên là có nhiều sự khổ khác nhau. Ví dụ như về đầu, tay, chân, mũi, tai v.v… nơi đây luôn bài tiết ra. Nóng bức khó chịu, như trong lửa, nóng nực. Bị đao kiếm cắt xéo v.v… Bị giam vào ngục tối luôn luôn tranh tụng. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải việc nầy tự làm, tự biến hóa và tự thành tựu chăng?

Phạm Vương thưa: Kính bạch Đức Thế Tôn! Không phải vậy.

Đức Phật dạy rằng: Nầy Phạm Vương! Chúng sanh hay làm việc dâm dục tà hạnh. Hoại dâm với mẹ, chị em hoặc người giữ giới thanh tịnh và các nghiệp ác. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải việc nầy tự làm, tự biến hóa và tự thành tựu chăng?

Phạm Vương thưa: Kính bạch Đức Thế Tôn, không phải vậy.

Phật dạy: Nầy Phạm Vương! Chúng sanh lại có nhiều việc giết hại khác nhau. Ví như làm các thuốc độc để giết hoặc trù yếm bằng chú thuật các côn trùng. Cùng với nhiều loại ác nghiệp làm phương tiện và nhân duyên giết hại sinh mạng. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Điều ấy có phải do làm, do hóa hiện mà thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Kính bạch Thế Tôn, không phải vậy.

Phật bảo: Nầy Phạm Vương! Vì thế gian có sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não. Pháp vô thường, tận diệt và dễ biến đổi cùng với 4 tánh mà con người khó có thể quên được. Hay làm cho tất cả thương yêu, không yểm hoại. Nhiều vật bị bại hoại, ly tán. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải do làm, do biến hóa mà thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải thế, bạch Thế Tôn.

Phật bảo: Này Phạm Vương! Chúng sanh vì nghiệp chướng tham, sân, si mà nối kết cũng như liên hệ những loại phiền não khác nhau lại. Đây là nhân duyên để cho chúng sanh làm việc giận hờn và làm cho tâm bị mê hoặc vậy. Tạo tác rất nhiều các loại nghiệp khác nhau. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải đây là việc tự làm, tự biến hóa và tự thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Kính bạch Đức Thế Tôn, không phải vậy.

Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Phải vào 3 ác thú như Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Nơi nầy các chúng sanh vì những việc đã làm mà thọ những khổ não. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải do làm, do biến hóa mà thành tựu chăng?

Phạm Vương thưa: Không phải thế, bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy: Nầy Phạm Vương! Tất cả các mầm mống nếu không có thì không sanh. Ví như cây thì sanh giống thuốc, lúc có nước thì sanh ra hoa quả, hương thơm. Tất cả các vị ngọt đắng, chua, cay đều có. Tùy theo chúng sanh có ý hay không có ý mà tác hại như vậy. Nầy Phạm Vương! Vì sao vậy? Có phải do làm, do biến hóa mà thành tựu chăng?

Phạm Vương thưa: Không phải vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy: Nầy Phạm Vương! Năm đường lưu chuyển chết sống thành tựu và hoại diệt. Sở dĩ như vậy vì chúng sanh bị vô minh che đậy và tương ứng với ái dục mà có. Đọa lạc lưu chuyển trước sau khó biết. Cùng với đời sau sống chết cũng không rời khỏi chốn nầy. Có thể làm người, trời, hoặc ma, hoặc phản Sa Môn Bà La Môn. Điều nầy thế gian như đống chỉ rối. Thường hay lưu chuyển sanh chỗ nầy và qua chỗ kia. Khi các chúng sanh nầy lưu chuyển như thế không biết không ra khỏi. Nầy Phạm Thiên! Vì sao vậy? Có phải do làm, do biến hóa mà thành tựu chăng?

Phạm Thiên thưa: Không phải thế! Đức Bà Già Bà.

Đức Phật dạy: Nầy Phạm Thiên! Từ nhơn duyên gì mà làm việc nhớ nghĩ nầy? Phải biết các chúng sanh nầy do mình tạo ra, do mình biến hóa, do mình thành tựu; nên mới có thế giới nầy. Do ta tạo nên, do ta biến hóa và do ta thành tựu?

Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Vì con không có trí, tà kiến, có tâm chưa đoạn điên đảo. Cùng vì không hay nghe Như Lai nói chánh pháp vậy. Con đã từ lâu làm việc ác kiến và nói những việc ác. Các chúng sanh nầy như con, tự mình làm và tự mình biến hóa, cho nên mới có thế giới nầy. Chính con tự làm, chính con tự biến hóa vậy.

Bạch Đức Thế Tôn, con nay lại xin hỏi Phật nghĩa nầy. Như vậy với thế giới nầy, ai người làm ra, ai hóa hiện và tất cả chúng sanh do ai làm ra, do ai hóa hiện và do ai thành tựu? Do ai sanh ra?

Phật bảo: Phạm Thiên! Thế giới nầy do nghiệp tạo tác mà thành, do nghiệp biến hóa. Tất cả chúng sanh đều do nghiệp tạo tác và do nghiệp biến hóa và do nghiệp lực mà sanh ra. Vì sao vậy? Nầy Phạm Vương! Do vô minh nương vào hành, hành nương vào thức, thức nương vào danh sắc, danh sắc nương vào lục nhập, lục nhập nương vào xúc, xúc nương vào thọ, thọ nương vào ái, ái nương thủ, thủ nương hữu, hữu nương sanh, sanh nương vào lão tử, ưu lo khổ não. Do đây mà tập hợp lại các khổ. Nầy Phạm Thiên! Nếu vô minh mất cho đến ưu bi khổ não hết thì không có kẻ làm, cũng không có người làm và người bị làm. Chỉ có nghiệp chịu trách nhiệm về việc nầy. Do sự hòa hợp nhân duyên mà có chúng sanh. Nếu lìa nghiệp nầy thì pháp sẽ hòa hợp. Phải biết rằng người nầy có thể xa rời sanh tử mà lưu chuyển đi cõi khác. Nầy Phạm Vương! Như thế, nếu thế gian nghiệp hết, phiền não hết, sự khổ hết nghĩa là xuất ly sự khổ. Điều ấy có tên là tịch định Niết Bàn. Nầy Phạm Vương! Ai là người được Niết Bàn? Đó là người nghiệp đã dứt, phiền não đã lìa và xa rời các khổ. Như vậy gọi là pháp. Do thần lực của chư Phật vậy, chư Phật gia hộ vậy. Vì sao thế? Nầy Phạm Vương! Nếu không có chư Phật ra đời để nói pháp, tức không thể nghe được pháp như thế nầy. Nầy Phạm Thiên! Nếu khi chư Phật xuất hiện ở thế gian để nói pháp tịch định khó hiểu soi sáng pháp môn, nếu có chúng sanh nào khi nghe mà sanh pháp thì từ khi sanh đã được giải thoát. Được nghe các pháp về sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não. Chính từ các pháp lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não nầy mà được giải thoát. Nầy Phạm Thiên! Đây là việc mà chư Phật hiện làm và hiện thành tựu. Nầy Phạm Thiên! Chư Phật làm điều nầy để chỉ dạy. Cho nên các việc làm ví như ánh sáng, hay thay đổi không thường, không nhất định và chẳng cứu cánh. Cuối pháp sẽ sinh pháp. Ví như sau khi chư Phật diệt độ thì chánh pháp chìm xuống. Lại cũng như thế. Việc thị hiện cũng như vậy. Cho nên gọi chư hành giống như ánh sáng là vậy. Nếu Phật không ở đời, tất cả các hành đều cùng trong sát na giống như ánh sáng vậy. Tức không thể nói tất cả các hành giống như ánh sáng, như mộng, như tiếng vang. Nầy Phạm Thiên! Tất cả chư Phật đều biết tất cả các hành nầy; nên mới nói chư hành giống như ánh sáng, như mộng, như tiếng vang. Người trí hay biết tướng nầy vậy. Các tướng nầy đều do cái nghĩa từ nhân duyên vậy. Nên biết các hành vô thường chuyển động, đến pháp cuối thì thay đổi. Làm cho phân tán thời tiết bị hư hoại, trung từng sát na và cho đến ngày đêm nửa tháng cho đến một tháng, một năm hoặc trăm năm. Một kiếp cho đến một trăm kiếp, tất cả cuối cùng đều thay đổi. Có các loại lửa bị đổi thay. Nước đông lại. Gió lớn thổi lên, thế giới đất đai lại trở về không. Trong đó có núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, Tu Di Sơn và các Hắc Sơn v.v… đều trở thành không. Mặt trời, mặt trăng, sao mai và những quyến thuộc cũng trở về không. Không sáng, không chiếu trở lại đọa lạc. Cung điện của chư Thiên cũng bị tiêu mất, cùng các cung điện, thủ đô, thành ấp, cây cối, rừng rậm, ao hồ và các việc vui cũng đều bị hoại diệt. Chư Thiên sanh rồi lại mất, mất rồi lại sanh. Các bậc trí giả khi thấy việc nầy thường sanh tâm nhàm chán xa lìa. Vì đây do các hành không thường hay hư hoại biến đổi như vậy. Vì tâm bình đẳng và phát tâm bỏ nhà đi xuất gia. Chứng được các hành như là ánh sáng, như là mộng huyễn và tiếng vang. Cũng giống như xem trong nước thấy mặt trời, mặt trăng và ánh sao vậy. Tất cả đều bị tướng và bị các nhơn duyên mà đến được bồ đề vậy. Các bậc đại trí mong Phật chỉ giáo và mong đón nhận. Hoặc tự tư duy được hiểu biết các hành như ánh sáng, như mộng, như tiếng vang, sanh ra tín tâm, lìa nhà xuất gia. Hoặc có người chứng được Tu Đà Hoàn quả, Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả và A La Hán quả. Nếu có người Đại Thừa, hoặc chứng Sơ Nhẫn hoặc chứng đệ nhị đệ tam nhẫn. Tất cả đều hay chứng đến Vô Thượng Bồ Đề. Giả sử sau khi Đức Phật diệt độ. Ở trong thế gian nầy mà lại thuyết pháp lưu hành như vầy. Nếu có chúng sanh nào nghe được pháp nầy, sẽ chứng được Tam Thừa. Cũng có thể chứng Thanh Văn, Bích Chi Phật Thừa cũng như tất cả chủng trí, Vô Thượng Đại Thừa. Nầy Phạm Vương! Hãy nên biết rằng các pháp thứ lớp như thế. Lại cũng do chư Phật mà thành tựu vậy. Lại có những người thấy những việc nầy liền sanh tâm xa rời hay biết rằng các hành đều vô thường, sự khổ luôn thay đổi, không có cái cuối cùng và pháp sẽ sinh ra. Tất cả như ánh sáng, như mộng, như tiếng vang. Nầy Phạm Thiên! Những điều nầy đều do chư Phật tạo thành cảnh giới nầy. Có các chúng sanh do tu hành mà thành tựu vậy, được nghe tiếng nói của chánh pháp. Nương nơi Như Lai mà suy nghĩ kính tin. Tất cả các hành vô thường và hoại diệt, giống như ánh sáng, như mộng, như tiếng vang. Cũng có chúng sanh từ đây nương vào chư Phật mà thành kẻ phạm hạnh. Hoặc có người tại gia thọ trì giới cấm và từ nhân duyên đó giải thích rằng tất cả các hành đều vô thường hoại diệt. Giống như ánh sáng, như mộng, như tiếng vang. Biết vậy sanh tín tâm, bỏ tục xuất gia. Các Đức Phật tuy chưa ra đời; nhưng đã được chư Phật thành tựu như vậy. Vì lẽ chư Phật đều có các căn lành, đến được Bồ Đề. Nầy Phạm Thiên! Hãy biết như vậy. Tất cả đều là cảnh giới của chư Phật và sự thành tựu của chư Phật. Nầy Phạm Thiên! Trong 3 ngàn Đại Thiên Thế Giới nầy không có Phạm Vương cũng không có ngoại đạo lục sư, duy chỉ có chư Phật. Nầy Phạm Thiên! Ta từ xưa cho đến nay trong vô lượng trăm ngàn ức Na Do Tha, A Tăng kỳ kiếp đã tu Bồ Tát hạnh, Vô lượng A Tăng kỳ kiếp Như Lai đã trồng nhiều loại căn lành và trì cấm giới, khổ tu phạm hạnh và đã tu vô lượng trăm nghìn ức Na Do Tha khó làm những việc khổ hạnh như thế. Giữ đất Phật nầy làm cho thanh tịnh. Nếu các chúng sanh tu các căn lành thì tùy theo chỗ mà được thanh tịnh và tùy theo thời mà được độ vậy. Ta suốt canh thâu dùng tứ nhiếp để nhiếp hóa chúng sanh. Đó là Bố Thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Họ vì ta mà thệ nguyện vậy. Sanh vào đất Phật, nghe ta thuyết pháp mà hay tín giải, không nương về với Phạm Thích Hộ Thế các Thiên Vương vậy. Nầy Phạm Thiên! Hãy biết như thế. Đây là đất Phật. Nơi đó không có Phạm Thích Hộ Thế, lại cũng chả có lục sư ngoại đạo vậy.

Lúc bấy giờ, chủ cõi Thế giới Ta Bà là Đại Phạm Thiên Vương cùng với trăm ngàn phạm chúng luận tướng sầu bi nói lời như vầy. Chư Phật Thế Tôn thông đạt khó có thắng diệu pháp môn, là chủ của Đại Phạm Thiên Vương và hàng ngàn Đại Thiên Thế Giới. Vì Như Lai mà sanh tâm hy hữu. Chư Phật khó có và có vô lượng bất khả tư nghì các cảnh giới không cùng tận. Đại Phạm Thiên chủ tức thời quy y làm đệ tử Phật. Nương nơi Thế Tôn thỉnh cầu chỉ dạy và nói lời rằng: Đức Bà Già Bà là Thầy của con. Tu Già Đà là Thầy của con. Kính mong Thế Tôn chỉ dạy cho con trụ ở chốn nào, hành pháp môn gì?

Phật bảo Phạm Thiên: Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới nầy là đất của Phật. Ta nay phụ thuộc vào đây, hãy biết theo ta mà tạo sự chơn chánh, có mắt nhìn đời đoạn tuyệt. Vô Thượng Phật nhãn, Pháp nhân và Tăng nhân cũng nên đoạn tuyệt. Sau đó tự động sẽ biến thể. Nầy Phạm Thiên! Vị lai sẽ có vị Trưởng Tử đồng chơn Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát từ miệng Phật mà sanh, từ pháp hóa sanh. Vì tâm đại bi vô cùng mà làm lợi ích chúng sanh. Vì sự an lạc và sự an ổn của chúng sanh mà xuất hiện. Ngài vì 3 ngàn thế giới như pháp mà được bổ xứ, như ta nơi đây không sai khác, cũng hay tùy thuận như ta đang dạy, lại cũng thuận lợi đoạn tuyệt với pháp chơn đạo của Phật nhân, Pháp nhân và Tăng nhân. Vì sao vậy? Nầy Phạm Thiên! Chi đến các pháp căn bản nầy không đoạn tùy theo thời mà Phật nhân, Pháp nhân, Tăng nhân được phép không đoạn tuyệt. Mắt của Thích Phạm Thiên, mắt người giải thoát cho đến mắt Niết Bàn được không đoạn tuyệt. Này Phạm Thiên! Do vậy ta phụ thuộc vào Phật độ và ba ngàn Đại Thiên Thế Giới vậy. Nầy Phạm Thiên! Ta nay đã dạy, hãy nên tùy thuận. Vì đời người sau mà làm vậy. Lúc bấy giờ ba ngàn Đại Thiên Thế Giới có các Phạm Thiên và Đại Phạm Thiên, tất cả đều vì Thánh Pháp nầy mà được chánh tín. Chủ ba ngàn Đại Thiên Thế Giới là Đại Phạm Thiên liền trong Thánh Pháp nầy mà được chánh tín sâu xa.

***

Phẩm Thương Chủ thứ hai

Lúc bấy giờ có ma con tên là Thương Chủ qua lời Phật dạy đã kính tin một cách thâm sâu, khi nghe Phật nhập Niết Bàn tâm liền sầu khổ, tóc trên đầu dựng đứng lên. Liền đến chỗ Phật đê đầu đảnh lễ. Sau đó lui ra và hướng về phía Phật bạch rằng:

Duy nguyện Thế Tôn! Ngài có lòng từ đối với chúng sanh, làm cho chúng sanh an lạc, là bậc cứu giúp thế gian, cũng đã làm lợi ích cho Trời Người nữa. Mong Ngài hãy trụ thế thêm một kiếp nữa mới vào Niết Bàn. Con cùng với chư Thiên và loài người kính khuyến thỉnh Ngài như vậy. Kính bạch Thế Tôn. Khiến cho chúng sanh như mắt bị mờ; không có ai nói cho chúng con nghe; không có người dẫn đường, không có người cứu giúp, không có chỗ nương nhờ và không có chỗ đến nữa.

Sau khi Thương Chủ thưa lời ấy rồi, Phật liền bảo rằng:

Nầy Thương Chủ! Cho ngươi là Ba Tuần, trước đã thỉnh ta nhập Niết Bàn và đã nói rằng: Bà Già Bà! Hãy vào Niết Bàn. Tu Già Đà! Hãy và Niết Bàn, hãy vào Niết Bàn! Tu Già Bà. Nay đúng là lúc ta phải vào Niết Bàn. Nầy Thương Chủ! Điều ấy cha ngươi là Ba Tuần đã yêu cầu ta. Ta đã tùy theo lời đó mà hứa sẽ nhập Niết Bàn. Nầy Thương Chủ. Đó là nhân duyên. Ta nay đã đến lúc mà phải giữ lời hứa để vào Niết Bàn.

Thương Chủ lại bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Đó chính là Ma Ba Tuần chứ không phải phụ thân của con ma cũng chẳng phải là thiên hữu của con. Nếu hay làm chuyện sát hại, con sợ rằng gia đình con được hiểu là đại ác; thường muốn cho con không được an vui và hòa hợp yên ổn. Hãy làm cho việc nầy mất đi! Không có gì lợi ích cả, thưa Thế Tôn. Loài ma ấy vì con mà làm chuyện đại ác, ngăn chặn trời người, làm chuyện đáng lo. Hãy vì ánh sáng trí tuệ, ánh đại quang minh mà làm đèn tiêu diệt vậy. Kính bạch Thế Tôn! Nếu có kẻ nào nói lời như vậy, điều ấy có nghĩa là trong chư thiên, loài người đã xuất hiện nơi đời một người cực ác vậy. Đây phải biết là Ma Ba Tuần vậy. Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người đích thực nói lời ấy, có nghĩa là người ấy chẳng làm lợi ích gì cho cá nhân, cũng chẳng làm lợi ích cho kẻ khác và nhiều chúng sanh khác để phát tâm. Phải biết rằng kẻ đó chính là Ma Ba Tuần vậy! Kính bạch Thế Tôn! Nếu lại có người nói thật điều đó thì phải biết người đó chẳng vì sự lân mẫn lợi ích cho chư Thiên, loài người, Ma Phạm, A Tu La, Sa Môn, Bà La Môn và tất cả thế gian vậy. Lại cũng chẳng phải vì muốn hòa hợp an ổn, làm cho người phát tâm bị thối lui khổ não. Điều nầy phải biết đó là Ma Ba Tuần vậy. Kính bạch Thế Tôn. Con đã từng nghe Phật dạy như thế nầy: Có 2 loại người. Loại thứ nhất như pháp; loại thứ 2 không đúng pháp, mà Thế Tôn đã hứa vào Niết Bàn tức không như pháp vậy. Duy nguyện Thế Tôn! Hãy làm cho lời hứa nầy đừng phát sanh nữa. Có như thế mới làm lợi ích an ổn cho chư Thiên, loài người và tất cả chúng sanh. Hãy bỏ lời hứa nầy mà ở lại với đời một kiếp nữa. Nếu như Phật ở đời lâu dài thì chư Thiên, loài người được lợi ích an ổn vậy. Cho nên Đức Thế Tôn đừng vội vào Niết Bàn.

Phật bảo Thương Chủ rằng: Lành thay! Lành thay! Nếu mà được sự lợi ích cho chúng sanh thì đúng như vậy. Nầy Thương Chủ! Nếu có người cúng dường lễ quán đảnh cho Đại Vương, hoặc có kẻ cúng cho Vương Tử, Đại Thần hoặc cho kẻ phòng giữ đất nước, thành ấp, làng xóm v.v… thì người nầy mỗi mỗi thuộc về vua, sẽ thọ được tước hiệu phước lộc, mà các vị vua nầy thường hay vì người và con cháu thân thuộc, cũng lại đầy đủ phước lộ để giúp đời. Nầy Thương Chủ! Nếu nay vì Như Lai mà cúng dường vô thượng pháp vương thì tâm sinh thanh tịnh. Khi thanh tịnh rồi, Như Lai giống như phước lộc nầy vậy. Ta nay giống như việc nầy. Từ Phật mà phát sanh tín tâm thiện căn thanh tịnh. Như vậy nên biết! Nầy Thương Chủ! Hãy biết điều tịnh tín căn lành nầy. Sau khi ta diệt độ, vì đời sau mà làm Bích Chi Phật, tên là Từ Mẫn Thương Chủ. Sau khi ta nhập Niết Bàn, chánh pháp diệt rồi thì Ma Ba Tuần rất vui mừng. Vì sự vui thú ấy mà đọa lạc vào Ma cung, sinh vào A Tỳ địa ngục, phải chịu nhiều nỗi khổ sở khác nhau. Vì sao vậy? Vì lẽ Ma Ba Tuần đã thắng các ánh sáng, các sự yên ổn nên mới sinh tâm vui mừng như thế. Nầy Thương Chủ! Nếu có người đích thật nói với người khác như vậy thì chính người ấy cũng tự hại. Vì tự hại như vậy cho nên do việc làm nầy mà việc ác phát sanh. Phải biết rằng đây là Ma Ba Tuần vậy. Vì sao vậy? Nầy Thương Chủ! Sau khi ta diệt độ cho đến khi chánh pháp ở đời, tùy theo thời tiết mà Ma Ba Tuần được ở vào Ma cung. Khi pháp của ta đã diệt rồi thì ma rất vui và luôn có ý xưng tán. Chỉ trong một tít-tắc rơi vào cung Ma, đọa vào A Tỳ địa ngục. Nầy Thương Chủ! Ví như có người ở trên cây cùng cây và hoa quả đầy đủ, thì người nầy tự xưng hoa quả; sau khi thọ dụng rồi lại phải ở trên cây. Nầy Thương Chủ! Vì sao vậy? Có phải người ấy lúc bấy giờ có thể ở mãi trên cây chăng? tại trên cây nầy có được an lạc chăng? có được gọi là trí chăng?

Thương Chủ thưa: Không phải vậy, thưa Đức Bà Già Bà. Không phải, thưa Đức Tu Già Đà.

Phật bảo: Nầy Thương Chủ! Ma cũng vậy! Luôn muốn Như Lai vào Niết Bàn. Cho nên để được vui, Như Lai đã nói chánh pháp Tỳ Ni. Từ Thương Chủ cho đến chánh pháp trụ thế, Ma Ba Tuần cũng tùy theo thời tiết mà được ở cung Ma. Khi pháp của ta diệt rồi thì Ma Ba Tuần có vẻ hoan hỷ xưng tụng ý nầy. Xuống đến cung Ma vào nơi địa ngục A Tỳ. Nầy Thương Chủ! dụ như người kia ở trên cây tự làm hại mình như vậy đó. Ma cũng như thế! tự mình hại vậy! Cũng lại làm hại người khác nữa, mà nên phát tâm. Nầy Thương Chủ! Ma nầy sau đó tùy thời mà đọa vào địa ngục thọ nhiều khổ bịnh. Như cướp mạng khổ, làm khổ tiếp nhau. Lúc bấy giờ mới nhớ nghĩ đến Như Lai ứng cúng chánh biến tri. Đây là lời nói chân thật! Là kẻ thành thật. Người nói không khác! Không là lời hư dối. Nói lời tốt lành. Lành thay thân đứng đắn đúng luật nghi. Lành thay mộng đúng với luật nghi. Lành thay! ý đúng với giới luật. Thân làm việc đúng. Khẩu nói điều đúng. Ý nghĩ đều đúng! Cho nên có thể được vui, được điều ưa thích, được từ ái nơi quả báo của ý. Nếu thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác thì sẽ không được vui, không được sự mong cầu, không được yêu thương, không được xưng tán. Họ từ xưa cùng với thân kia đã làm điều ác, tương ứng với mộng với ý; nên đã thọ nghiệp báo và nay đọa vào địa ngục, thọ lãnh như vậy các cực hình của thân và tất cả những khổ não. Chịu không thể nổi như mới chết vào đường khổ. Lúc đó Ma Ba Tuần đang hiện hữu. Làm cho họ nhớ lời nói để được sinh tín tâm. Khi sanh tín tâm rồi tức thời từ địa ngục kia mệnh chung thác sanh vào cõi trời thứ 33. Vì sao vậy? Nầy Thương Chủ! Nếu có tâm ác thì nơi Như Lai làm cho các việc ấy qua đi, khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào đại địa ngục. Nếu lại có tâm từ biết cúng dường Như Lai với kẻ không cầu thì khi mạng chung sẽ vào đường lành như Trời Người v.v… Kẻ kia nhờ căn lành nầy mà được gần Phật. Khi gần Phật rồi, liền sanh căn lành, các căn lành nầy tiếp theo sẽ được vô lậu Niết Bàn. Nầy Thương Chủ! Từ Như Lai mà biết sanh tín tâm thanh tịnh. Từ thiện căn nầy mà gặp Đức Di Lặc xuất thế. Sau khi gặp Phật Di Lặc rồi thì có thể giác ngộ về những sự ngủ nghỉ, phóng dật (buông lung) của chúng sanh v.v… liền nói lời rằng: Này các chúng sanh hãy dũng mãnh và nên làm các nghiệp thiện. Như Lai ứng cúng chánh biến tri ra đời thật khó thay. Như Hoa Ưu Đàm chỉ một lần hiện. Như Lai cũng chỉ xuất hiện một lần, không có chốn Niết Bàn, có lúc nói rằng thân người khó được, 8 nạn khó lìa, được gần Phật mà sanh ra thật là hy hữu. Điều ấy cho nên hãy thận trọng, đừng có buông lung! Hãy siêng tu hành, sau nầy khỏi hối. Nầy Thương Chủ! Khi nhận lãnh lời dạy của Đức Phật Di Lặc hãy lãnh lấy điều ấy. Vì Ngài là Vô Thượng Pháp Vương cùng nhân dân nơi đó đương có tâm từ, không ác, không giận hờn, có tâm bi, tâm lạc và có cả tâm hộ trì dưỡng dục vậy. Do thiện căn nầy mà tại cung điện của Ma làm chủ các ma, giàu có hơn lên, làm Vua Tự Tại. Nầy Thương Chủ! Nếu có chúng sanh ở nơi Như Lai mà sanh các căn lành, cho đến được phát một niệm thanh tịnh thì chúng sanh đó đã có căn lành gần nơi Cam Lồ. Cam Lồ số một trên các Cam Lồ. Nầy Thương Chủ! Từ căn lành nầy mà được báo thân làm Trời Người, sau khi trải qua 80 kiếp, thân sau sẽ thành Bích Chi Phật, có tên là Bi Mẫn. Vì sao vậy? Nầy Thương Chủ! Vì sau khi nghe ta nhập Niết Bàn, từ chỗ ta mà sinh tâm thanh tịnh, từ chúng sanh mà sinh tâm Bi Mẫn. Vì tất cả chúng sanh mà được an lạc vậy. Cầu thỉnh ta ở lại đường vào Đại Bát Niết Bàn. Lại trong pháp hội của Đức Di Lặc cũng vì chúng sanh mà Bi Mẫn như thế. Làm cho chúng sanh khỏi hôn trầm và phóng dật. Luôn luôn nhớ nghĩ không sanh buông lung. Nói pháp lành xong, vì lẽ ấy mà được thọ ký thành Bích Chi Phật. Nầy Thương Chủ! Ta nay đang có những phước báo lành như vậy!

Lúc bấy giờ Thương Chủ lại bạch Phật rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu Phật không nhận lời thỉnh cầu của con mà vào Niết Bàn thì con nguyện từ bây giờ cho đến lúc pháp trụ sẽ lìa ngũ dục và chuyên trì hiếu đạo. Không du hí, không mặc áo khác, không cài hoa trên tóc và tẩm hương vào mình. Cũng không thọ dụng thắng báo của chư Thiên. Vì sao vậy? Như vậy Thế Tôn, chúng sanh là vật quý đã cùng với con xa lìa xứ khác, chưa thể gặp mặt. Chưa có trở lại, chưa thấy nhau. Kính bạch Đức Thế Tôn! Con có niềm vui nào và sự tươi cười nào đâu! Sao có thể vui, sao có thể xứng ý? Như vậy tối đại ánh sáng và trí tuệ quang minh! Nếu có người mất đi con sẽ vì họ mà làm những việc xưng tán hoan hỷ. Như vậy là mặt trời đại trí có vô lượng trăm ngàn ánh sáng quyến thuộc. Làm cho diệt trừ vô minh và tăm tối vậy, làm nên bậc có trí sáng suốt, như vầy chưa hết, con nay có nói cũng chẳng thể hết. Sao có niềm vui? sao có nụ cười. Con đã đối với các chúng sanh trân quý nầy biệt ly từ lâu mà so sánh chúng sanh thì chúng sanh chẳng giảm, lại trong chúng sanh đó cũng có nhiều chúng sanh không có tội, không ngu si, là chúng sanh vô thượng tối thượng chúng sanh, không giống chúng sanh, không so sánh được chúng sanh, hay cứu tất cả chúng sanh, chúng sanh vi diệu chúng sanh, chúng sanh cùng chung chúng sanh, cộng thừa chúng sanh, điều phục chúng sanh, lân mẫn chúng sanh, là kẻ giác ngộ, là người nói thật, là người đúng thời, nói đúng lúc, không nói lời khác, như thuyết mà tu hành, ở trong đại bi vì các chúng sanh mà tâm vô quái ngại. Vì các chúng sanh mà có tâm bình đẳng, không hí luận, không có ta và không thuộc về ta, kẻ không chứa nhóm, không giữ nhà cửa, không nương tựa, không hoang phí, không dơ; kẻ hay cứu tế, kẻ chỉ đường, kẻ hóa đạo, kẻ hay giúp đỡ, hay cởi trói, kẻ dưỡng dục, kẻ hay nhớ nghĩ đến chúng sanh, hay làm cho chúng sanh tỉnh ngộ, kẻ chỉ bày và hay thắng thế, kẻ xa lìa, là ông vua trị nội tâm, là kẻ cho nhiều thuốc hay, là người độ cứu cánh qua khỏi sự khổ, là bậc Thương Chủ đúng nghĩa, hiện ra nơi xứ lành, kẻ mang đồ nhẹ, kẻ mang ánh sáng, làm cho sáng thêm, tạo ra ánh sáng, kẻ chiếu sáng, kẻ cho mắt, kẻ dẫn đường làm cho đến nơi chốn yên ổn, xa lìa tất cả dơ bẩn, không khát ái dục, xa lìa chúng. Đó là tham, sân, si, là kẻ xa lìa phiền não, kiêu mạn, phẫn nộ. Đó chính là kẻ đại trượng phu, diệu đại trượng phu, cực đại trượng phu, làm đại trượng phu, mãnh đại trượng phu, liên hoa trượng phu, Phần Đà Lợi trượng phu, đại trượng phu rồng, đại trượng phu thầy của rồng, sư tử trượng phu, thượng thủ trượng phu, sợ hãi trượng phu, mạnh mẽ trượng phu, voi trượng phu, vô thượng trượng phu, vô thượng điều ngự trượng phu, với người cùng đi, với người tất cả sức mạnh, được 4 điều không sợ, được đầy đủ 18 pháp bất cộng, người chứng được trí tuệ rộng lớn, đầy đủ vô lượng giáo pháp, kẻ không có tật đố, không có tất cả chứng nạn, trong vô thượng đại thí chủ là thí chủ tối thắng, tâm không ngờ vực, người chứng được đại thiền định, người chứng đến cảnh giới tam muội Tam Ma Bạt Đề; người có vô lượng trí tuệ, người không có chứng nạn của trí tuệ, chứng được cảnh giới không so sánh, người không lay động; qua khỏi chỗ bùn dơ, kẻ đến bên kia bờ; người ở bờ bên kia, đến chỗ không sợ hãi, trừ tất cả sự sợ hãi của chúng sanh; người luôn luôn an ổn, những người hiền của chúng sanh, sau đêm nay thời xa lìa, không thể thấy được nữa. Kính bạch Đức Thế Tôn. Như Lai đang ở trong đại chúng, tiếng hống của sư tử ấy không còn nghe được. Con làm sao có thể giải thích hết được.

Kính bạch Đức Thế Tôn: Ví như người đã được phước lộ quán đảnh của Vua Sát Lợi. Sau khi vua băng, sanh tâm sầu khổ, hiểu ơn dưỡng dục của vua, nhớ ơn dưỡng dục của vua, nhận được ân huệ của vua mà các chúng sanh nầy vì vua chuyên giữ hiếu đạo, hoặc một ngày hai ngày cho đến bảy ngày, từ nửa tháng cho đến một tháng thường hay nhớ nghĩ than khóc. Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng như thế. Sau khi Như Lai diệt độ cho đến chánh pháp còn ở đời, tùy theo thời gian, xa rời 5 dục chuyên giữ đạo hiếu, không cười nói đùa giỡn, không thay đổi y phục, không cài hoa lên tóc, không xông hương vào mình và không thọ dụng quả báo của chư Thiên.

***

Phẩm Đế Thích thứ ba

Lúc bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhơn liền đến trước Phật, sau khi đảnh lễ lui ra và hướng về Phật bạch rằng: Duy nguyện Thế Tôn! Xin Ngài chỉ dạy cho con phải tu hành thế nào?

Đức Phật dạy: Thuở xưa có một lúc, có 4 vị vua Đại A Tu La ăn mặc đồ trận cùng với quyến thuộc đến nơi cõi trời thứ 33 muốn giao chiến. Lúc bấy giờ Ngài Thánh giả Mục Liên vẫn còn tại thế, như vầy chư Thiên và A Tu La lúc đánh với nhau, Thánh giả Mục Liên đến 4 nơi A Tu La đang đánh mà hàng phục họ. Liền sau đó chư Thiên và A Tu La liền được an ổn. Lại chẳng chiến đấu để làm khổ với nhau cũng như cùng nhau tranh luận vô ích. Phật tiếp, sau khi Mục Liên nhập diệt rồi và nay thì Như Lai muốn vào Niết Bàn, chúng con cũng như thế, ai ai cũng lại muốn đấu tranh và làm phản. Nguyện chỉ bày cho, nếu 4 A Tu La cùng con lâm chiến, con đối với kia phải làm thế nào?

Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhơn rằng: Kiều Thi Ca, hãy dừng! đừng ưu bi, đừng sầu não, đừng tư lự. Nếu có kẻ giữ giới thì nguyện sẽ thành vì tịnh giới thành tựu. Nếu không có tịnh giới, phạm hạnh thì sẽ không trở thành kẻ cao thượng, kẻ lìa dục mà chẳng lìa dục, người lìa sân mà chẳng lìa sân, người lìa si mà chẳng lìa si, là kẻ có trí hay kẻ không trí, như vậy mà thành tựu. Kiều Thi Ca! Ta từ nay sẽ gia bị cho Kiều Thi Ca cho đến khi chánh pháp của ta chưa diệt, nếu có chư Thiên cùng A Tu La chiến đấu với nhau, tùy theo lúc mà xưng danh hiệu ta thì chư Thiên sẽ thắng. Lúc lấy giờ 4 vị đại vương A Tu La nghe Phật nói việc gia hộ rồi, tâm họ sân hận vô cùng liền đến chỗ Phật. Sau khi đảnh lễ rồi lui ra và hướng về Phật bạch rằng:

Kính bạch Thế Tôn! Tại sao Đức Phật lại gia hộ việc nầy?

Phật bảo 4 đại A Tu La rằng: Nầy các ngươi! Đừng lo, đừng buồn! Có lúc quý vị cũng được Đại Tự Tại ở cõi trời thứ 33, sẽ không có chiến đấu, không tranh luận, không giày xéo nhau. Như vậy đó, không còn ham muốn chiến đấu, tất cả đều không muốn tranh luận. Hãy cải đổi tâm tánh lại bằng cách hãy dùng tâm từ bi, tâm lân mẫn mà tất cả đều đầy đủ. Nầy các ngươi! Cuộc sống không dừng lại, làm Tự Tại Chủ cũng bị vô thường. Nầy chư hiền giả! Thế gian nầy có tụ họp thì ắt có chia ly. Nầy chư hiền giả! Hãy xem Như Lai cũng lại vô thường, nên tất cả chúng sanh không nên sầu lo. Hãy đừng câu nệ tranh chấp mà nên hòa hợp. Tất cả chúng sanh nên pháp tâm một cách bình đẳng, đó là chưa kể căn lành còn mỏng lắm; nên đừng đấu chiến với nhau. Nầy các ngươi! Nếu có ai đó sanh tâm não hại người khác, thì kẻ nầy suốt đêm dài cũng bị não hại chi phối. Nầy các ngươi! Nếu có người ưa giết hại, thì kẻ ấy sẽ bị quả báo sống không lâu. Nếu kẻ nào ưa đấu tranh, người ấy bị chết vào nơi sợ hãi, không có đại gia đình, không có thế lực lớn. Nầy các ngươi! Lành dữ 2 nghiệp cuối cùng cũng không mất đi được. Cho nên vì lẽ ấy, từ nay về sau nên sống từ tâm, thân khẩu ý nên thể hiện nghiệp lành, không nên đấu tranh với nhau. Đây là nhân duyên. Cho nên suốt đêm dài sẽ được lợi ích an lạc. Sau nầy không hối, nói lời ấy rồi, 4 vị A Tu La lại hạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Như thế đó Đức Bà Già Bà. Như thế đó Ngài Tu Già Đà. Chúng con sẽ theo như lời dạy của Đức Như Lai, sẽ tu như vậy, sẽ sống như vậy. Bạch Thế Tôn, con từ nay về sau sẽ bỏ tất cả các khí cụ đấu tranh mà làm việc lành.

Lúc bấy giờ khi Thích Đề Hoàn Nhơn nghe Phật sắp nhập Niết Bàn liền ưu sầu khổ não, khóc than mà bạch Phật rằng:

Kính bạch Thế Tôn! Con từ nay cho đến ngày cuối không thọ ngũ dục, không vào nội cung, không mặc y phục khác. Kính bạch Đại Đức Bà Già Bà! Ví như người chủ nhà mất thì mọi người phải có bổn phận lo liệu, tâm sanh khổ não và nhớ nghĩ công đức. Từ việc hiếu dưỡng nầy mà buồn khóc rồi sanh ra hiếu đạo. Kính bạch Thế Tôn! Con nay cũng vậy, cho đến cuối đời tùy lúc tùy nơi mà khóc thương để chuyển qua hiếu đạo, không làm chuyện ngũ dục, không vào nội cung, không mặc y phục khác. Vì sao vậy? Vì lẽ vô thượng đạo sư sẽ ra đi, không thể thấy nữa, không thể gặp nữa. Sau khi Thích Đề Hoàn Nhơn nói lời ấy rồi liền cúi mặt xuống đất mà khóc.

***

    Xem thêm:

  • Pháp Bồ Tát Quán Tự Tại Đại Bi Trí ấn Chu Biến Pháp Giới Lợi Ích Chúng Sanh Huân Chơn Như - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đại Tì Lô Xá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Liên Hoa Thai Tạng Bi Sanh Mạn Đồ La Quảng Đại Thành Tựu - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Lai Biến Đổi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 140 – Kinh Giới Phân Biệt (Dhàtuvibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 136 – Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Mahàkammavibhanga) - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Bi - Kinh Tạng
  • Kinh Người Cày Ruộng Làm Biếng - Kinh Tạng
  • Kinh Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng Giả Thủ Ca - Kinh Tạng
  • Kinh Biến Chiếu Đại Lực Minh Vương Xuất Sanh Hết Thảy Pháp Nhãn Như Lai - Kinh Tạng
  • Kinh Phân Biệt Duyên Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Ðức Của Biển - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tịch Chiếu Thần Biến Tam Ma Địa - Kinh Tạng