1
2
3
4

Kinh Luận Phát Tâm Bồ Đề

Việt dịch: Thích Trí Thủ

PHẨM THỨ NHẤT – KHUYẾN PHÁT

Kính lễ vô biên trần sát độ

Vị lai, quá khứ, hiện tại Phật,

Bậc trí bất động như hư không,

Đấng Cứu thế Đại bi Đại nguyện.

Có diệu pháp tối thượng đại phương đẳng, là pháp tu hành của đại Bồ tát Ma đắc lặc già tạng (1) là pháp khuyến khích ưa thích tu tập đạo vô thượng bồ đề, pháp ấy thường khuyến chúng sanh phát tâm sâu rộng, xây dựng thệ nguyện đến mức tuyệt đối trang nghiêm, xả bỏ thân mạng, của cải, thâu phục kẻ tham lẫn; tu năm tụ giới (2), hóa đạo kẻ phạm cấm; thực hành rốt ráo nhẫn nhục, điều phục những kẻ sân si; phát tâm dũng mãnh tinh tấn an lạc cho chúng sanh; tu tập các pháp thiền định, để soi thấu mọi tâm địa, tu hành trí huệ, diệt trừ vô minh; chứng nhập pháp môn chân như, hầu xa lìa các chấp trước; nêu rõ hạnh vô tướng thậm thâm, xưng tán công đức, làm cho Phật chủng không đoạn. Có vô lượng phương tiện như vậy để tán trợ làm pháp nhập môn thanh tịnh vào đạo bồ đề nên tôi vì tất cả những bậc Thượng thượng thiện nhơn phân biệt chỉ bày khiến hết thảy đề chứng quả vô thượng Chánh đẳng chánh giác (Phật quả).

Này các Phật tử ! Nếu các đệ tử của Phật, thọ trì lời Phật và vì chúng sanh diễn thuyết chánh pháp, thì trước tiên nên xưng dương tán thán công đức của Phật. Chúng sanh nghe rồi mới phát tâm cần cầu trí huệ Phật; nhờ sự phát tâm đó mà Phật chủng bất đoạn.

Nếu tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di trong khi tu đạo bồ tát nhớ nghĩ Phật, nhớ nghĩ pháp, lại nhớ nghĩ Như lai vì sự cần cầu chánh pháp, trải qua vô số kiếp chịu các cần khổ. Vì nhớ nghĩ như thế nên nói pháp cho các bồ tát nghe, dù chỉ một bài kệ, bồ tát được nghe pháp ấy hoan hỷ lợi ích (thị giáo lợi hỷ), trồng được căn lành, tu tập theo Phật pháp, chứng được quả vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Vì muốn đoạn trừ các khổ não vô thỉ sanh tử cho vô lượng chúng sanh cho nên đại bồ tát muốn thành tựu vô lượng thâm tâm tinh tấn tu tập phát nguyện rộng lớn, thi hành đại phương tiện, khởi đại từ bi, cầu đại trí tuệ tối thượng tuyệt đỉnh. Cầu đại pháp của chư Phật, như vậy thì nên biết pháp ấy là vô lượng vô biên. Vì pháp vô lượng nên phước đức quả báo cũng vô lượng. Như lai dạy rằng: các vị bồ tát lúc đầu phát tâm tuy chỉ trong một niệm rất sơ sài mà phước đức quả báo dầu nói đến trăm ngàn muôn kiếp cũng không hết, huống nữa một ngày một tháng một năm hay suốt đời phát tâm bồ đề tu tập tinh tấn thì phước đức quả báo đâu có thể nói hết được. Vì sao? Vì rằng chỗ sở hành của bồ tát là vô tận là muốn khiến cho tất cả chúng sanh đều an trú Vô sanh pháp nhẫn, được thật chứng Phật quả vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Nầy các Phật tử ! Bồ tát sơ thỉ phát tâm bồ đề, ví như biển lớn bắt đầu có , nên biết đó là chỗ an trú của ngọc như ý bảo châu, giá trị tăng dần từ hạ trung thượng cho đến vô giá, vì thứ bảo châu ấy đều từ biển lớn phát sanh. Bồ tát phát tâm bồ đề cũng như thế. Khi mới bắt đầu sanh khởi, sơ phát tuy nhỏ, nhưng nên biết đó là chỗ khởi thỉ của tất cả thiện pháp thiền định, trí huệ của nhơn, thiên, thanh văn, duyên giác, bồ tát và chư Phật.

Lại nữa, như tam thiên đại thiên thế giới, khi mới bắt đầu thành lập, nên biết về sau đó là chỗ che chở, nương tựa của tất cả chúng sanh trong 25 cõi. Bồ tát phát tâm bồ đề cũng như vậy. Khi bắt đầu sanh khởi, bồ đề tâm là chỗ y chỉ che chở và nương tựa cho tất cả vô lượng chúng sanh trong sáu cõi, bốn loài.Chánh kiến, tà kiến, tu thiện, làm ác, giữ giới, phạm giới, tôn thờ tam bảo hay hủy báng chánh pháp, tà ma ngọai đạo, phạm chí, sa môn, sát đế lợi, bà la môn, tỳ xá, thủ đà … Bồ đề tâm là y chỉ hết thảy.

Bồ tát phát tâm lấy lòng từ bi làm đầu. Lòng đại từ của bồ tát vô lượng vô biên nên sự phát tâm cũng vô lượng vô biên mênh mông như chúng sanh giới. Như hư không giói, không chỗ nào là không cùng khắp, sự phát tâm của bồ tát cũng như thế, vô luợng vô biên không có cùng tận. Hư không vô cùng tận cho nên chúng sanh cũng vô cùng tận. Chúng sanh không cùng tận cho nên bồ tát phát tâm cũng không cùng tận như chúng sanh giới…Giờ đây tôi xin vâng lãnh trình bày sơ lược để gợi một ý niệm về sự không cùng tận ấy, từ đây qua Đông phương cùng tột ngàn ức hằng hà sa vô lượng thế giới chư Phật, Tây, Nam, Bắc phương và bốn phíaThượng phương Hạ phương mỗi mỗi đều có ngàn ức hằng hà sa vô lượng thế giới chư Phật, mỗi mỗi thế giới đều nghiền vụn làm vi trần, các vi trần ấy nhỏ đến nổi mắt thường không trông thấy được. Rồi cho những chúng sanh ở trong trăm ngàn ức hằng hà sa vô lượng tam thiên đại thiên thế giới đến nhóm họp, chung nhau lấy một vi trần; cho đến chúng sanh ở trong hai trăm ngàn ức hằng hà sa số vô lượng tam thiên đại thiêân thế giớ cũng đến nhóm họp chung nhau lấy ra hai vi trần; cứ như thế lần lượt lấy hết trăm ngàn ức hằng hà sa số vi trần trong khắp mười phương thế giới chư Phật, số chúng sanh kia chỉ mới một phần ít thôi. Số vi trần ấy hết rồi, thế mà số chúng sanh kia vẫn còn chưa hết được. Lại nữa, ví như có người chẻ một sợi lông chia làm trăm phần, dùng một phần lông ấy nhúng vào biển lớn để lấy ra một giọt nước, tôi nay nói một phần ít chúng sanh thì các người nên hiểu phần ít ấy cũng chỉ bằng giọt nước, còn những chúng sanh chưa nói đến còn nhiều vô cùng vô tận, như nước trong biển cả, giả sử chư Phật ở trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, rộng nói thí dụ cũng không làm sao hết được số lượng chúng sanh. Bồ tát phát tâm thảy đều che chở cùng khắp số chúng sanh rộng lớn ấy.

Thế nào các thiện nam tử, tâm bồ đề ấy có cùng tận được không? Nếu có bồ tát nghe nói như vậy mà không kinh hãi, không lo sợ, không thối tâm, không tránh trút thì nên biết người đó quyết định phát bồ đề tâm được. Dù cho vô lượng chư Phật ở trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tán thán công đức kia cũng không thể hết được. Vì sao vậy? Vì tâm bồ đề kia không có hạn lượng không thể hết được.Có vô lượng lợi ích như thế đó, cho nên cần phải tuyên thuyết khiến cho chúng sanh thảy đều được nghe sự phát tâm bồ đề vậy.

PHẨM THỨ HAI – PHÁT TÂM

Bồ tát phát tâm như thế nào? Vì nhân duyên gì mà tu tập đạo Bồ đề?

Bồ tát phát tâm bằng cách thân cận thiện tri thức, cúng dường chư Phật, tu tập thiện căn, lập chí cầu chánh pháp, tâm thường nhu hòa, gặp khổ chịu nhẫn nhục được, từ bi thuần hậu, thâm tâm bình đẳng, ưa thích pháp đại thừa, mong cầu được trí huệ Phật. Nếu ai có đầy đủ mười điều nói trên mới có thể phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phát tâm tu tập vô thượng bồ đề lại cần có bốn duyên; một là suy nghĩ đến chư Phật; hai là quán các tội lỗi của tự thân; ba là thương xót chúng sanh; bốn là cầu quả tối thắng, tức quả Phật.Nhờ có bốn nhân duyên kia mà tâm bồ đề thêm kiên cố.

I. Suy nghĩ đến chư Phật lại có năm việc :

1. Nghĩ rằng các đức Phật trong ba đời mười phương, lúc mới bắt đầu phát tâm, cũng đầy dẫy phiền não như ta ngày nay, nhưng cuối cùng các ngài trọn thành được quả chánh giác để làm đấng Vô thượng tôn. Vì nhân duyên đó nên phát bồ đề tâm.

2.Nghĩ rằng hết thảy các đức Phật trong ba đời nhờ sự phát tâm đại dõng mãnh nên thảy đều chứng đạo quả vô thượng bồ đề; đạo quả bồ đề ấy đã là pháp có thể đạt được, thì ta ắt cũng phải đạt được. Vì nhân duyên đó nên phát bồ đề tâm.

3. Nghĩ rằng hết thảy các đức Phật trong ba đời, nguyện cũng chìm đắm trong cõi vô minh như ta, nhưng nhờ tích tập khổ hạnh, đập tan thành trì mê lầm, phát sanh trí huệ sáng ngời mà gầy dựng được tâm thù thắng và thảy đều tự cất mình vượt ra khỏi ba cõi. Vậy thì ta cũng phải bắt chước theo mà tự cứu độ. Vì nhân duyên đó nên phát bồ đề tâm.

4. Nghĩ rằng hết thảy các đức Phật trong ba đời, là những bậc đại hùng lực trong nhân gian, thảy đều thoát khỏi bể lớn sanh tử phiền não thì ta đây cũng là bậc trượng phu hẳn cũng có thể tự độ, cũng phải vượt khỏi bể lớn phiền não sanh tử. Vì nhân duyên đó nên phát bồ đề tâm.

5. Nghĩ rằng hết thảy các đức Phật trong ba đời phát tâm đại tinh tấn, xả bỏ thân mạng của cải để cầu nhứt thế trí, thì ta nay cũng nên học theo chư Phật để đạt được như Phật. Vì nhân duyên đó nên phát bồ đề tâm.

II. Quán sát tội lỗi của tự thân lại cũng có năm việc :

1. Quán sát tự thân ta là bởi năm uẩn bốn đại cấu hợp lại mà thành rồi vì nó, ta đã gây ra vô lượng ác nghiệp. Nay muốn xả bỏ nên phát bồ đề tâm.

2. Quán sát tự thân ta có chín lỗ thông, thường hay lưu xuất những đồ ô uế bất tịnh nên sanh tâm nhàm chán. Vì nhàm chán nên phát bồ đề tâm.

3. Quán sát tự thân ta có vô lượng phiền não tham sân si thường thiêu đốt thiện tâm. Vì muốn diệt trừ các phiền não ấy nên phát bồ đề tâm.

4. Quán sát tự thân ta không có gì là vững chắc mà chỉ là một chuỗi dài sanh diệt tiếp nối nhau, chờn vờn như mây bay, mong manh như bọt nổi, toàn là những pháp hư hoại vô thường. Vì muốn vứt bỏ các thứ ấy nên phát bồ đề tâm.

5. Quán sát tự thân ta bị vô minh bao phủ, thường tạo ác nghiệp, luân hồi trong sáu đường quanh quẩn mãi không làm được việc gì lợi ích. Vì không lợi ích đó nên phát bồ đề tâm.

III. Cầu quả tối thắng :

1. Thấy các đức Như lai tướng tốt trang nghiêm, hào quang chói lọi , kẻ nào trông thấy đều dứt trừ được phiền não. Vì muốn tu tập nên phát bồ đề tâm.

2. Thấy các đức Như lai pháp thân thường trú, thanh tịnh không bị nhiễm ô. Vì muốn tu tập nên phát bồ đề tâm.

3. Thấy các đức Như lai tu tập đủ năm pháp thanh tịnh là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Vì muốn tu tập nên phát bồ đề tâm.

4. Thấy các đức Như lai có đủ mười lực, bốn vô sở úy, đại bi và ba niệm xứ. Vì muốn tu tập nên phát bồ đề tâm.

5. Thấy các đức Như lai có nhứt thế trí, thương xót chúng sanh, đem lòng từ bi che chở khắp tất cả, có thể hướng dẫn tất cả kẻ ngu mê theo đường chánh đạo. Vì muốn tu tập nên phát bồ đề tâm.

IV. Thương xót chúng sanh lại cũng có năm việc

1. Thấy các chúng sanh bị vô minh ràng buộc nên phát bồ đề tâm.

2. Thấy các chúng sanh bị vô số khổ đau đoanh vây nên phát bồ đề tâm.

3. Thấy các chúng sanh chiêu tập các nghiệp bất thiện nên phát bồ đề tâm.

4. Thấy các chúng sanh tạo những tội cực ác nên phát bồ đề tâm.

5. Thấy các chúng sanh không tu chánh pháp nên phát bồ đề tâm.

V. Vô minh ràng buộc lại có bốn điều

a/ Thấy các chúng sanh bị si ác mê hoặc phải chịu đại kịch khổ.

b/ Thấy các chúng sanh không tin nhơn quả tạo tác ác nghiệp.

c/ Thấy các chúng sanh xa bỏ chánh pháp tin theo tà đạo.

d/ Thấy các chúng sanh trôi dạt trong sông phiền não bị bốn giòng nước sanh già bệnh chết lôi cuốn.

VI. Các khổ đoanh vây lại cũng có bốn điều

a/ Thấy các chúng sanh sợ sanh lão bệnh tử mà không cầu giải thoát lại gây thêm ác nghiệp.

b/ Thấy các chúng sanh lo buồn khổ não mà vẫn thường tạo nghiệp, không hề dừng nghỉ.

c/ Thấy các chúng sanh khổ vì ân ái chia lìa mà không giác ngộ để trừ nhiễm trước.

d/ Thấy các chúng sanh vì hay gặp gỡ oan gia mà vẫn thường ganh ghét nhau gây thêm oán hận mới.

VI. Chiêu tập nghiệp bất thiện lại cũng có bốn điều

a/ Thấy các chúng sanh vì lòng ái dục tạo các ác nghiệp.

b/ Thấy các chúng sanh biết tham dục sanh ra khổ mà chẳng chịu bỏ tham dục.

c/ Thấy các chúng sanh tuy muốn cầu an vui mà không chịu xây dựng giới hạnh,

d/ Thấy các chúng sanh tuy không ưa khổ não mà vẫn tạo nhơn khổ không ngừng.

VII. Tạo những tội cực ác lại cũng có bốn điều .

a/ Thấy các chúng sanh hủy phạm trọng giới, tuy là lo sợ nhưng vẫn buông lung.

b/ Thấy các chúng sanh tạo năm nghiệp vô gián rất ác độc, vẫn ngoan cố giấu che không sanh lòng tàm quí.

c/ Thấy các chúng sanh hủy báng chánh pháp phương đẳng đại thừa chuyên chấp lòng ngu khởi tâm kiêu mạn.

d/ Thấy các chúng sanh tuy có chút thông minh triết sĩ mà không có chánh tín, cứ dương dương tự đắc không biết hối cải.

VIII. Không tu chánh pháp lại cũng có bốn điều .

a/ Thấy các chúng sanh sanh trong tám nạn mà chẳng nghe chánh pháp, chẳng biết tu thiện.

b/ Thấy các chúng sanh may gặp Phật ra đời được nghe chánh pháp mà chẳng chịu thọ trì.

c/ Thấy các chúng sanh tập nhiễm theo ngoại đạo ép mình tu theo khổ hạnh không chịu thoát ly.

d/ Thấy các chúng sanh mới tu được định phi tưởng, phi phi tưởng mà đã cho là chứng niết bàn, nên khi thiện báo đã hết, trở lại sa đọa ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

Bồ tát thấy chúng sanh vì vô minh mà liên miên tạo nghiệp đêm dài chịu khổ, xa bỏ chánh pháp, me lầm đường xuất ly; vì các lẽ ấy, Bồ tát phát tâm đại từ bi, lập chí cầu đạo vô thượng bồ đề, vội vã như cứu lửa cháy trên đầu, nếu chúng sanh còn có người bị khổ não thì tức thời sẽ đến cứu vớt không bỏ sót một chúng sanh nào.

Nầy các Phật tử ! Như trên đây là ta chỉ mới nói sơ lược về sự duyên khởi phát tâm của các vị muốn tu tập hạnh bồ tát. Nếu quảng diễn ra cho rộng rãi thêm thì thật là vô lượng vô biên, không bao giờ nói hết được.

PHẨM THỨ BA – THỆ NGUYỆN

Bồ tát làm thế nào mà phát tâm xu hướng bồ đề và dùng hành động gì để thành tựu bồ đề? Người phát tâm bồ tát an trú địa vị Càn huệ (3) trước tiên phải có phát nguyện chơn chánh thâu nhiếp tất cả vô lượng chúng sanh. Ta cầu đạo vô thượng bồ đề là để cứu hộ độ thoát không phân biệt một loài nào đều được cứu cánh chứng vô dư niếtbàn (4) không bỏ sót một ai. Vậy nên sơ thỉ phát tâm lấy đại bi làm căn bản, vì do lòng đại bi ấy, cho nên có công năng nẩy nở lần lượt tăng thắng mười đại chánh nguyện.

Mười chánh nguyện ấy là những gì?

1. Nguyện ta đời trước cho đến đời này, có làm những thiện căn gì, xin đem thiện căn ấy ban bố cho tất cả vô biên chúng sanh đều cùng nhau hồi hướng quả vô thượng bồ đề; giữ thế nào cho nguyện ấy của ta mỗi niệm tăng trưởng chuyển đời nầy qua kiếp khác, sanh vào đâu cũng được sự thủ hộ của đại tổng trì, luôn luôn giữ ở lòng không vì một lẽ gì mà quên mất.

2. Nguyện ta hồi hướng đại bồ đề rồi, nhờ thiện căn ấy không sanh vào quốc độ không có Phật, hễ sanh ra thường được cúng dường hết thảy chư Phật.

3. Nguyện ta được sanh vào quốc độ chư Phật rồi, thường được thân cận hầu hạ tả hữu như bóng theo hình, không một giây lát xa rời chư Phật.

4. Nguyện ta được thân cận chư Phật rồi, tùy lòng mong muốn của ta mà chư Phật vì ta thuyết pháp, liền được thành tựu năm pháp thần thông của bồ tát.

5. Nguyện ta đã được năm pháp thần thông của bồ tát rồi, liền thông đạt giả danh lưu bố của thế đế (chơn lý thế tục) được trí chánh pháp đúng như tánh chơn thật mà chứng ngộ nhất nghĩa đế (chơn lý tuyệt đối).

6. Nguyện ta được trí chánh pháp rồi, đem tâm thích thú vì chúng sanh thuyết pháp, đều khiến cho khai giải ‘thị giáo lợi hỷ’ (khai thị chơn giáo lợi lạc hoan hỷ).

7. Nguyện đã khai giải cho chúng sanh được rồi, dùng sức thần thông của Phật, khắp đến mười phương vô tận thế giới cúng dường chư Phật và thỉnh thọ chánh pháp, nhiếp hóa mọi loài chúng sanh.

8. Nguyện ta ở trước chư Phật thỉnh thọ chánh pháp rồi, liền hay tùy theo căn cơ chuyển pháp luân thanh tịnh (thanh tịnh thuyết pháp); mười phương thế giới tất cả chúng sanh nghe ta thuyết pháp, nghe danh hiệu của ta, đều được phát tâm bồ đề, xả bỏ hết thảy phiền não.

9. Nguyện khi ta đã làm cho chúng sanh phát tâm bồ đề rồi, thường theo dõi hộ trì, trừ bỏ các việc không lợi ích, gây cho chúng sanh vô lượng nguồn vui chơn chánh, xả bỏ thân mạng, tài sản, phụ trách chánh pháp hóa độ chúng sanh.

10. Nguyện ta khi đã phụ trách với chánh pháp, tuy thực hành chánh pháp mà tâm không chấp trước chỗ sở hành; cũng như sự thực hành chánh pháp của các bồ tát, không chấp trước chỗ sở hành hay không sở hành, chỉ vì hóa độ chúng sanh mà không xa bỏ chánh nguyện.

Ấy gọi là mười đại chánh nguyện của bồ tát phát tâm. Mười đại chánh nguyện nầy cùng khắp chúng sanh giới thâu nhiếp tất cả hằng sa các nguyện, nếu chúng sanh giới hết, nguyện ta mới hết. Mà thật ra chúng sanh giới không khi nào hết, thì đại nguyện ấy của ta cũng không bao giờ hết.

Lại nữa, bố thí là nhơn của bồ đề, vì để nhiếp thủ tất cả chúng sanh. Trì giới là nhơn của bồ đề, vì được đầy đủ các điều thiện và thỏa mãn bản nguyện. Nhẫn nhục là nhơn của bồ đề, vì thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tinh tấn là nhơn của bồ đề, vì tăng trưởng hạnh lành, siêng năng giáo hóa mọi loài chúng sanh. Thiền định là nhơn của bồ đề, vì tự điều phục mình và biết được các tâm hạnh của chúng sanh. Trí huệ là nhơn của bồ đề, vì biết được đầy đủ tánh tướng của các pháp vậy. Nói tóm lại thì sáu pháp ba la mật là chánh nhơn của bồ đề, bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), ba mươi bảy phẩm trợ đạo và muôn hạnh lành là cùng nhau trợ thành bồ đề. Nếu bồ tát tu tập sáu pháp ba la mật, thì tùy năng lực thực hành lần lượt được đến gần đạo vô thượng bồ đề.

Các Phật tử ! Người cầu đạo vô thượng bồ đề không buông lung. Hành động buông lung nó bại hoại gốc lành, nếu bồ tát chế ngự sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) không để nó buông lung thì người ấy đủ năng lực tu sáu pháp ba la mật. Bồ tát phát tâm trước hết vận lòng chí thành, lập thề quyết định, Người đã lập thề quyết định thì không bao giờ còn buông lung giải đải, trễ nải, khinh lờn. Vì sao? Vì đã lập thề quyết định, thì có năm việc duy trì:

1. Tâm được kiên cố.

2. Chế ngự được phiền não.

3. Ngăn đón được sự buông lung.

4. Phá trừ được năm điều ngăn che (ngũ cái) [5]

5. Siêng năng tu hành sáu pháp ba la mật.

Như lời Phật đã tán thán

Như Lai bậc đại trí

Nói rõ các công đức

Nhẫn, huệ và phước nghiệp

Sức thệ nguyện hơn cả.

Lập thệ nguyện như thế nào? Nếu có người đến cầu xin các thứ, lúc bấy giờ ta tùy theođó mà ban cho, tuyệt nhiên không sanh tâm niệm bỏn sẻn, dù chỉ một niệm nhỏ nếu sanh ác ý thời gian chỉ như một gảy móng tay, dùng nhơn duyên bố thí ấy để cầu quả báo tốt, thì ta đã khinh dối mười phương thế giới vô lượng vô biên a tăng kỳ hiện tại chư Phật, qua đời vị lai cũng quyết chắc không thành quả vị vô thượng chánh đẳng bồ đề. Nếu ta trì giới gặp cảnh đến đổi mất thân mạng, quyết tâm thanh tịnh thề không thay đổi, thối hối. Nếu ta nhẫn nhục, thì dù có kẻ vô lý xâm hại, dù đến cắt da xẻo thịt đi nữa vẫn thường giữ lòng thương xót thề không sân hận. Nếu ta tu hạnh tinh tấn, rủi gặp khí hậu lạnh nóng, chính quyền hà khắc, giặc giả, lửa nước, sư tử, cọp beo, đại hạn mất mùa, lụt bão đói rét v.v… thì cần phải kiên gan trì chí thề quyết không thối chuyển. Nếu ta tu về thiền định bịngoại cảnh làm rối loạn không thể nhiếp tâm thì cần phải buộc tâm niệm vào một chỗ, thề quyết không bao giờ khởi loạn tưởng phi pháp. Nếu ta tu trí huệ, quan sát tánh như thật của tất cả các pháp, cương quyết tùy thuận thọ trị tánh như thật ấy, đối với thiện, bất thiện, hữu vi, vô vi, sanh tử, niết bàn v.v… không khởi tâm phân biệt kiến chấp bên này bên kia. Nếu tâm ta loạn tưởng thối hối bực tức chướng ngại, chỉ trong một gảy móng tay sanh khởi kiến chấp bên này bên kia, dùng tư tưởng ấy mà tu các hạnh như trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ v.v… để cầu quả báo tốt, thì ta đã khi dối mười phương thế giới vô lượng vô biên a tăng kỳ hiện tại chư Phật; qua đời vị lai cũng sẽ quyết không thành tựu được quả báo vô thượng bồ đề.

Bồ tát dùng mười đại nguyện hành trì chánh pháp và dùng sáu đại thệ chế ngự tâm buông lung, thì quyết đủ năng lực tinh tấn tu tập sáu pháp ba la mật thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề).

PHẨM THỨ TƯ – BỐ THÍ BA LA MẬT

Bồ tát tu hạnh bố thí như thế nào? Bố thí mà nếu vì tự lợi lợi tha và cả hai đều lợi, sự bố thí như thế mới có thể trang nghiêm được đạo bồ đề. Bồ tát sở dĩ tu hạnh bố thí là vì muốn điều phục chúng sanh, làm cho xa lìa sự khổ não. Người tu hạnh bố thí đối với tài vật của mình thường sanh lòng xả bỏ; đối với người đến cầu xin thường khởi tâm tôn trọng, tưởng như cha mẹ, sư trưởng, thiện tri thức; đối với người bần cùng hạ tiện thường khởi tâm lân mẫn tưởng như con một của mình và tùy sự cần dùng mà đem lòng cung kính hoan hỷ cung cấp. Thế mới gọi là sơ phát tâm tu hạnh bố thí của bồ tát. Sự bố thí như vậy, tiếng tốt đồn khắp, ngày sau sanh vào chỗ nào của cải cũng sung túc, ấy là tự lợi. Làm cho lòng chúng sanh được thỏa mãn, hoan hỷ, điều phục, giáo hóa mọi người không còn tâm bỏn sẻn, ấy gọi là lợi tha. Đem đức tu bố thí vô tướng lớn lao của mình cảm hóa chúng sanh khiến đồng tu như mình đồng hướng công đức lợi lạc lớn lao như mình, ấy gọi là cả hai đều lợi.

Nhơn tu hạnh bố thí, tương lai sẽ được quả vị Chuyển luân thánh vương, cảm hóa vô lượng chúng sanh, lần lượt hưởng được vô tận pháp tạng của chư Phật, ấy gọi là trang nghiêm được đạo bồ đề.

Bố thí có ba loại: Pháp thí (bố thí chánh pháp), Vô uý thí (bố thí sự an vui), Tài thí (bố thí bằng của cải).

Pháp thí là đánh tan tà kiến, chỉ rõ các tội lỗi chấp đoạn (chết là hết), chấp thường (hằng còn mãi mãi), phân biệt, giải thích ý nghĩa chơn lý tuyệt đối, tán thán công đức tinh tấn, chê trách tội ác buông lung, khuyến khích tu trì giới pháp, khêu gợi phát lòng xuất gia, ấy gọi là pháp thí.

Vô úy thí là khi thấy chúng sanh lâm vào cảnh sợ hãi như chánh quyền hà khắc, cọp beo thú dữ, nước lửa, giặc cướp, thiên tai nhơn họa v.v. bồ tát trông thấy hoàn cảnh ấy vận hết năng lực tìm mọi phương tiện cứu chữa, ấy gọi là vô úy thí.

Tài thí là đem tài vật thân mạng của mình bố thí cho mọi người mà không lẫn tiếc, trên từ thân thể, ngọc ngà châu báu, xe cộ ngựa voi, gấm vóc hàng lụa, gạo thóc cơm áo, dưới đến một cây kim, một ngọn cỏ v.v. hoặc nhiều hoặc ít, tùy sự cần dùng cung cấp thỏa mãn, gọi là tài thí.

Tài thí lại có năm thứ : 1, đem lòng chí thành mà bố thí. 2, đem lòng chánh tín mà bố thí. 3, tùy thời mà bố thí. 4, tự tay mình bố thí. 5, đúng như pháp mà bố thí. Ngược lại có năm việc không nên bố thí: của cải phi nghĩa không nên bố thí, vì đó là tài vật bất tịnh; rượu và thuốc độc không nên bố thí, vì làm tán loạn chúng sanh vậy; lưới bẩy nơm nò không nên bố thí, vì não hại chúng sanh vậy; gươm đao súng đạn không nên bố thí, vì sát hại chúng sanh vậy; âm nhạc mỹ sắc không nên bố thí, vì làm bại hoại tinh thần của chúng sanh vậy. Tóm lại, những của cải không hợp pháp, gây não loạn cho chúng sanh, không nên đem bố thí. Ngoài ra tất cả những gì làm cho chúng sanh được an vui thì gọi là bố thí đúng như pháp.

Những người ưa thích bố thí thì lại đượcnăm thứ danh dự thiện lợi:

1/ Thường được thân cận các bậc hiền thánh. 2/ Tất cả chúng sanh ưa thích nhìn thấy và gần gũi. 3/ Ở giữa đại chúng được mọi người tôn kính. 4/ Tiếng tốt khen ngợi đồn khắp mười phương. 5/ Gây nhơn thượng diệu cho quả vị bồ đề. Người tu hạnh bồ tát gọi là bố thí tất cả (nhất thiết thí).

Bố thí tất cả không phải là vụ nhiều của cải, mà chính là vụ lòng bố thí vậy. Đúng như pháp mà cầu tài để đem dùng vào việc bố thí, gọi là thí tất cả. Đem lòng thanh tịnh, không mưu cầu quanh co mà bố thí, gọi là bố thí tất cả. Thấy người bần cùng đem lòng thương xót mà bố thí, gọi là bố thí tất cả. Thấy người lâm tai ách, đem lòng từ bi mà bố thí, gọi là bố thí tất cả. Vật quý trọng ưa thích mà sẵn lòng bố thí, gọi là bố thí tất cả. Không cần biết trì giới hay phá giới phước điền hay không phước điền đều bình đẳng bố thí, gọi là bố thí tất cả. Không cầu quả báo an lạc cảnh nhơn thiên hoan hỷ bố thí, gọi là bố thí tất cả. Nhất chí cần cầu đạo vô thượng đại bồ đề mà bố thí, gọi là bố thí tất cả. Ưa thích bố thí, trong khi bố thí thì hoan hỷ, bố thí rồi không ân hận, gọi là bố thí tất cả.

Bố thí tất cả là gây nhơn lành: Nếu đem hoa mà bố thí là vì để đầy đủ pháp đà la ni thất giác hoa vậy. Nếu đem hương mà bố thí là vì muốn đầy đủ hương giới, định, huệ xông ướp vào thất vậy. Nếu đem quả (trái cây)ø bố thí là vì muốn đầy đủ thành tựu quả vô lậu vậy. Nếu đem đồ ăn uống bố thí là vì muốn đầy đủ mạng sống lâu dài, biện tài vô ngại, thân hình đẹp đẽ (sắc), sức lực dồi dào và an lành vui vẻ vậy. Nếu đem áo quần bố thí là vì muốn trang sức thanh tịnh, trừ bỏ sự hỗ thẹn vậy. Nếu đem đèn sáng mà bố thí là vì muốn được đầy đủ Phật nhãn soi rõ tất cả thật tánh và cácpháp vậy. Nếu đem ngựa voi xe cộø bố thí là vì muốn được vô thượng, đầy đủ thần thông vậy. Nếu đem anh lạc (chuỗi ngọc) mà bố thí là vì muốn đầy đủtám muơi vẻ đẹp của thân hình vậy. Nếu đem trân bảo bố thí là vì muốn đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của đấng trượng phu vậy. Nếu đem sức lực màbố thí là vì muốn đầy đủ mười sức lực và bốn vô sở úy của Phật vậy. Tóm lại, cho đến đem thành trì vợ con, đầu mắt tay chân, cả thân mạng màbố thí, lòng không lẫn tiếc là muốn đạt đến quả vị vô thượng bồ đề để cứu tất cả chúng sanh vậy.

Bồ tát Ma ha tát (Đại bồ tát) tu hạnh bố thí đến mức không thấy của cải bố thí, người bố thí, kẻ nhận bố thí, vì đức vô tướng đó, cho nên đầy đủ Đàn na Ba la mật (Bố thí thanh tịnh cứu cánh).

PHẨM THỨ NĂM – TRÌ GIỚI BA LA MẬT (Thi la ba la mật)

Thế nào là bồ tát tu hạnh trì giới ? Nếu vì tự lợi, lợi tha và cả hai điều lợi mà trì giới thì sự trì giới như thế mới trang nghiêm được đạo bồ đề. Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh khiến xa lìa khổ não cho nên trì giới.

Người tu hạnh trì giới là điêu luyện ba nghiệp: thân, khẩu, ý đều được thanh tịnh, xả bỏ tất cả hành vi bất thiện, luôn luôn thống trách các hạnh phá giới, trong lòng thường sợ hãi đối với những tội nhỏ; ấy gọi là bồ tát bắt đầu phát tâm trì giới. Vì sự tu trì giới hạnh mà xa lìa tất cả những tội lỗi xấu xa, thường được sanh vào cảnh giới tốt đẹp; ấy gọi là tự lợi. Cảm hóa chúng sanh, khiến đừng phạm các điều ác, ấy gọi là lợi tha. Dùng chỗ tu hành của mình hướng về quả vị bồ đề dắt dẫn chúng sanh đồng hưởng lợi lạc như mình, ấy gọi là cả hai đều lợi. Nhân sự trì giới lần lượtsẽ được xả bỏ dục vọng cho đến chứng quả vô lậu, thành bậc tối thượng chánh giác; ấy gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Giới có ba loại : Thân giới, khẩu giới và ý giới.

Thọ trì về thân giới là thường xa lìa hành vi ác như sát sanh, trộm cắp và dâm dục; không giết hại thân mạng người và vật, không chiếm đoạt của cải ai, không xâm phạm đến ngoại sắc, cũng không tạo các nhơn duyên và phương tiện sát hại, trộm cắp và dâm dục, không dùng cây, gậy, gạch, đá làm thương tổn chúng sanh. Nếu là tài vật thuộc về của người, người ta thọ dụng, dầu là một cây cỏ, một ngọn lá, họ không cholà không nên lấy. Cũng không nên liếc nhìn nữ sắc. Ở trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi phải dịu dàng cẩn trọng, gọi là thân giới.

Hành trì khẩu giới là đoạn trừ tất cả lời nói dối, lời nói hai lưỡi, lời nói thô dữ, lời nói thêu dệt, thường không gạt gẫm, ly gián sự hòa hợp, phỉ báng, chê bai, trau chuốt giọng lưỡi và tạo những phương tiện xúc não đến người; nói phải thành thật, êm dịu, ngay thẳng và lợi ích, khuyến hóa mọi người quay về điều thiện, gọi là khẩu giới.

Hành trì ý giới là phải diệt trừ lòng tham lam, sân hận và tà kiến; thường giữ tâm chân chánh, tu tập đức từ bi, không gây các tội lỗi, tin chắc rằng đã gây ra tội nghiệp thế nào cũng bị quả báo xấu, nhờ sức tư duy ấy mà không tạo các ác nhơn, đối với tội nhẹ tưởng nhưlà rất nặng, dù cho việc làm lầm lẫn cũng rất sợ hãi ăn năn; không bao giờ khởi tâm sân hận đến với chúng sanh, thấy chúng sanh liền sanh tâm aí hộ, nhớ đến ân chúng sanh lòng mong đền đáp mà không tiếc lẫn vật gì, thường ưa thích làm các phước đức để giáo hóa mọi người, luôn luôn tu tập từ tâm lân mẫn tất cả, gọi là ý giới.

Tu mười giới thiện nghiệp trên đây là sẽ có năm việc lợi ích: 1/ chế phục được hành vi ác. 2/ tạo nên những thiện tâm. 3/ ngăn đón được các phiền não. 4/ thành tựu được tịnh tâm. 5/ tăng trưởng được giới hạnh. Nếu ai khéo tu hạnh bất phóng dật (không buông lung) giữ niệm chơn chánh phân biệt thiện ác, nên biết người đó quyết định đủ năng lực tu mười thiện nghiệp giới. Tám vạn bốn ngàn vô lượng giới phẩm thảy đều thâu nhiếp vào trong mười giới thiện nghiệp cả. Mười thiện nghiệp này là căn bản cho tất cả điều thiện, nó đủ năng lực đoạn trừ tội ác của thân, khẩu và ý, chế phục tất cả những pháp bất thiện, cho nên gọi là giới.

Giới có năm loại: 1. Giới Ba la đề mộc xoa (Tàu dịch là biệt biệt giải thoát) . 2. Giới định cộng (do tu thiền định mà không phạm các tội lỗi).3. Giới vô lậu ( do tu trí huệ vô lậu mà không phạm các tội lỗi). 4. Giới nhiếp căn (thâu nhiếp các căn mắt tai mũi lưỡi, không buông lung). 5. Giới vô tác (một lần thọ giới, vĩnh viễn không tạo tội, không thọ giới lần thứ hai, nên gọi là vô tác).

Trước giới đàn, do tam sư thất chứng bạch tứ kiết ma cầu xin lãnh thọ, gọi là giới ba la đề mộc xoa. Tu theo bốn thiền căn bản, bốn thiền vị đáo, gọi là giới định cộng. Do tu thiền định, phát sinh trí huệ vô lậu, gọi là giới vô lậu. Thâu nhiếp các căn giữ lòng chánh niệm, thấy, nghe, hay, biết đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc không bị lôi cuốn quyến rũ, gọi là giới nhiếp căn. Dù bỏ thân mạng, quyết không gây các điều ác, gọi là giới vô tác.

Bồ tát tu tịnh giới không như Thanh văn, Độc giác, vì không chung cùng một giới, nên gọi là khéo trì giới. Vì khéo trì giới nên được lợi ích tất cả chúng sanh; vì từ tâm trì giới nên cứu hộ chúng sanh đều khiến an lạc; vì bi tâm trì giới, nhẫn thọ các khổ nên cứu vớt ách nạn cho tất cả; vì hỷ tâm trì giới, nên hoan hỷ tu điều thiện không bê trể, biếng nhác; vì xả tâm trì giới, nên người oán kẻ thân đều bình đẳng, xả bỏ được lòng thương ghét; vì ân huệ bố thí mà trì giới, cho nên điều phục giáo hóa được chúng sanh; vì nhẫn nhục mà trì giới, nên lòng thương êm dịu, không còn sân hận; vì tinh tấn mà trì giới, nên nghiệp thiện mỗi ngày mỗi tăng trưởng không còn thối lui; vì thiền định mà trì giới, nên xa lìa dục vọng không tốt, thiền quán được lên cao; vì trí huệ mà trì giới, nên căn bản đa văn không bao giờ nhàm chán; vì thân cận thiện tri thức mà trì giới, nêngiúp nhau chóng thành đạo vô thượng bồ đề; vì xa lìa ác tri thức mà trì giới, nên xả bỏ cảnh giới ba đường dữ và tám hoạn nạn.

Bồ tát tu hạnh trì giới thanh tịnh, không nương vào dục giới, không gần sắc giới, không trú trước vô sắc giới, gọi là giới thanh tịnh. Xả bỏ dục trần, diệt trừ sân nhuế ngu si, đánh tan vô minh chướng ngại, gọi là giới thanh tịnh. Không chấp trước những tướng giả danh của năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức , gọi là giới thanh tịnh. Không bận tâm đến nguyên nhân đầu tiên, không sanh khởi các tà kiến, không còn ngờ vực, gọi là giới thanh tịnh. Không còn ba căn bản phiền não tham sân si, gọi là giới thanh tịnh. Không còn ngã mạn, kiêu mạn, tăng thượng mạn, mạn quá mạn và đại mạn, khiêm tốn thuận hòa, gọi là giới thanh tịnh. Không bị khen chê lợi hại khổ vui, thương ghét khiến động tâm chí, gọi là giới thanh tịnh. Không nhiễm giả danh hư vọng của thế tục mà thường tùy thuận chơn lý, gọi là giới thanh tịnh. Không bứt rứt, không nóng nảy, trầm lặng, vô tư, gọi là giới thanh tịnh. Tóm lại, cho đến không tiếc thân mạng, quán sát lẽ vô thường, sanh tâm nhàm chán, dõng mãnh, tinh tấn, chuyên tu thiện nghiệp, gọi là giới thanh tịnh.

Bồ tát Ma ha tát tu hạnh trì giới, vì xa lìa được vọng tưởng, nên không còn thấy lòng mình được thanh tịnh, mới gọi là trì giới ba la mật (trì giới cứu cánh).

PHẨM THỨ SÁU – NHẪN NHỤC BA LA MẬT (Sàn đề ba la mật)

Bồ tát tu hạnh nhẫn nhục như thế nào ? Nếu vì tự lợi, lợi tha và cả hai điều lợi mà tu hạnh nhẫn nhục thì mới trang nghiêm được đạo bồ đề.

Bồ tát vì muốn điều phục chúng sanh làm cho đều xa lìa khổ não nên tu nhẫn nhục. Người tu nhẫn nhục, tâm thường khiêm nhường đối với tất cả chúng sanh, những hành vi tự đắc, kiêu mạn không còn tồn tại, thấy người thô ác thì khởi lòng lân mẫn, lời nói thường êm dịu để khuyến hóa mọi người tu theo điều thiện. Phân biệt giảng giải một cách rõ ràng sự sai khác tốt xấu giữa quả báo sân hận và hòa nhẫn, go5i la2 bồ tát sơ phát tâm tu hạnh nhẫn nhục. Vì tu nhẫn nhục mà xả bỏ tất cả các điều ác, nên thân tâm thường được an vui, như thế gọi là tự lợi. Cảm hóa chúng sanh khiến thảy đều hòa thuận, như thế gọi là lợi tha. Đem sự lợi ích của công phu tu vô lượng nhẫn nhục của mình giáo hóa chúng sanhđều hưởng lợi lạc như mình, như thế gọi là cả hai đều lợi. Nhờ nhơn tu hạnh nhẫn nhục mà được thân hình đẹp đẽ. mọi người trông thấy sanh lòng tôn kính mến yêu, lần lượt sẽ được tướng đẹp thiện diệu như chư Phât, như thế gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Nhẫn nhục có ba: nhẫn về thân, nhẫn về miệng và nhẫn về ý. Thế nào gọi là nhẫn về thân?Nếu gặp trường hợp bị người xâm phạm đánh đập gây thương tích đến thân thể, vẫn chịu đựng nhẫn nại không sân hận, thấy chúng sanh bị oai võ bức bách khủng bố, mình đem thân thay thế mà không tránh trút sợ hãi, như thế gọi là nhẫn về thân. Thế nào gọi là nhẫn về miệng ? Nếu nghe người chưởi rủa mà mình vẫn thản nhiên im lặng không trả lời, bị la mắng một cách phi lý mà vẫn dùng lời dịu ngọt hòa thuận ứng đáp lại, bị phao vu nhục nhã làm cho dư luận chê bai xôn xao mà vẫn thản nhiên thọ được tất cả, như thế gọi là nhẫn về miệng. Thế nào gọi là nhẫn về ý ? Thấy có người đối xử sân si với mình mà lòng vẫn không giận, bị người xúc não một cách vô lý mà lòng vẫn bất động, bị hủy báng tàn tệ mà lòng vẫn không oán trách, như thế gọi là nhẫn về ý.

Ở đời bị đánh đập có hai loại: một là đánh phải, hai là đánh ngang trái. Nếu mình có tội lỗi, bị người hiềm khích đánh đập, ta nên nhẫn thọ như uống cam lồ và phải sanh lòng cung kính đối với người ấy. Vì sao?Vì người ấy có lòng dạy dỗ điều phục ta, làm cho ta xa tránh được các tội lỗi. Nếu gặp trường hợp không phân biệt phải trái, bị xâm hại đánh đập một cách vô lý ngang ngược, thì nên suy nghĩ rằng ngày nay tuy ta vô tội nhưng biết đâu không vì túc nghiệp của đời quá khứ gây nên? Như vậy, cũng nên nhẫn nại. Lại nữa, nên suy nghĩ thêm rằng thân ta do bốn đại đất nước gió lửa và năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức cấu hợp giả dối tạo thành hoàn toàn vô ngã. Như thế, ai là người bị đánh? Lại nữa nên xem người đó như say, như điên, sanh lòng thương xót họ mới phải, sao lại không nhẫn nại?

Lại nữa, lời chưởi mắng cũng có hai thứ: một là đúng hai là sai. Nếu mắng chưởi mà đúng thì ta nên sanh lòng hỗ thẹn cải tiến, còn mắng chưởi không đúng thì có can hệ gì với ta? Mắng chưởi không đúng cũng như tiếng vang, như gió thoảng, không tổn hại gì đến ta cả. Vậy nên cần nhẫn nại. Sự sân si cũng thế, người ta sân si với mình, mình nên nhẫn thọ, nếu mình sân si lại với người ta, vì sự sân si ấy, đời sau sẽ đọa vào ác đạo, chịu quả báo khổ não vô lượng. Vì nhân duyên đó, nên dù thân ta có bị cắt xẻ phân ly cũng không nên sân hận, cần phải quan sát nhân duyên của nghiệp trước mà phát lòng từ bi thương xót tất cả. Cái khổ não nho nhỏ như vậy mà mình chưa nhẫn nại được, thì làm thế nào tự điều phục được tâm mình, huống nữa là điều phục chúng sanh, khiến tất cả được giải thoát hết thảy các pháp mà thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề.

Nếu là người trí ưa tu hạnh nhẫn nhục thì người ấy sẽ được dung nhan đẹp đẽ, giàu có của báu, ai trông cũng hoan hỷ kính phục. Lại nữa, quan sát những người thân hình tàn tật, nhan sắc xấu xí đui què mẻ sứt nghèo hèn thiếu thốn đều là kết quả của nhân duyên sân si gây nên. Vì những lý do đó, người có trí cần phải tu hạnh nhẫn nhục. Nhân duyên sanh trưởng nhẫn nhục có mười việc như sau:

1. Không còn thấy tướng ngã (ta) và vật sở hữu của ngã,

2. Không nhớ nghĩ đến dòng dõi,

3. Phá trừ các kiêu mạn,

4. Không báo thù điều ác,

5. Quán sát tướng vô thường,

6.Tu tập hạnh từ bi,

7. Tâm không buông lung,

8.Thản nhiên trước hoàn cảnh đói no, vui khổ,

9. Đoạn trừ sân hận,

10. Tu tập trí huệ,

Nếu người nào thành tựu được mười việc trên đây, nên biết người ấây tu tập được hạnh nhẫn nhục.

Bồ tát ma ha tát trong khi tu tập hạnh thanh tịnh nhẫn nhục rốt ráo, nếu chứng nhập không, vô tướng và vô tác mà không cùng hòa hợp với kiến, giác, nguyện, tác và cũng không ỷ trước vào không, vô tướng, vô nguyện và vô tác. Như vậy kiến, giác, nguyện, tác đều không. Nhẫn như vậy mới là nhẫn không hai tướng, gọi là nhẫn thanh tịnh rốt ráo.

Nếu chẳng nhập cảnh giới hết kiết phược hoặc chứng nhập cảnh giới tịch diệt mà không cùng hòa hợp với cảnh giới hết kiết phược sanh tử và cũng không ỷ trước vào cảnh giới hết kiết phược tịch diệt như vậy các kiết phược sanh tử đều không, nhẫn như vậy là nhẫn không hai tướng, gọi là nhẫn thanh tịnh rốt ráo.

Nhẫn như vậy là thuộc về tánh nhẫn, mà đã là tánh thì không phải tự nhiên mà có, không phải do cái khác mà có, không phải hòa hợp (tự nhiên và cái khác) mà có, cũng không phải là không có, nó là bất khả phá hoại. Vìlà bất khả phá hoại, nên nó là vô tận. Nhẫn như vậy là nhẫn không hai tướng, gọi là nhẫn thanh tịnh rốt ráo. Nhẫn ấy không còn có tác vi hay không tác vi, không chỗ ỷ trước, không phân biệt, không trang nghiêm, không tu trị, không tiến phát, hoàn toàn không tạo tác sanh khởi. Nhẫn như vậy gọi là ‘vô sanh nhẫn’. Bồ tát trong khi tu hạnh nhẫn như thế, tức là đã được thọ ký nhẫn.

Bồ tát ma ha tát tu hạnh nhẫn nhục, vì không thấy có chúng sanh nên tánh tướng đều không. Như thế gọi là đầy đủ sàn đề ba la mật, cứu cánh nhẫn nhục.

Chú thích:

[1] Luận tạng.

[2] Năm tụ giới, tức là năm loại giới hay năm phần giới.

[3] Càn huệ địa tức là địa vị thứ nhất trong thập địa của bồ tát. Chỉ có huệ nhiều mà định ít nên gọi là càn huệ (trí huệ khô, thiếu nước định)

[4] Vô dư niết bàn cũng gọi là ‘vô dư y niết bàn’; trạng thái cảnh giới giải thoát của những kẻ đã diệt trừ phiền não chứng đạt trí huệ, đã xả bỏ hoàn toàn chánh báo và y báo.

[5] Ngũ cái: tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi ngờ; năm thứ ấy che lấp bản tánh nên gọi là ngũ cái.

PHẨM THỨ BẢY – TINH TẤN BA LA MẬT

Bồ tát tu hạnh tinh tấn như thế nào ?

Tinh tấn mà nếu vì tự lợi, lợi tha và tự tha đều lợi, như thế mới hay trang nghiêm được đạo bồ đề. Bồ tát sở dĩ tu hạnh tinh tấn là vì muốn thuyết phục chúng sanh làm cho xa lìa sự khổ não. Người tu hạnh tinh tấn không quản thời gian, luôn luôn siêng năng tu tập thực hành phạm hạnh thanh tịnh, xả bỏ biếng nhác, lòng không buông lung, đối với việc lợi ích, dù cho gian nan, lòng vẫn tinh tấn không bao giờ thối lui. Thế mới gọi là sơ phát tâm tu hạnh tinh tấn của bồ tát. Vì tu tinh tấn nên được thiện pháp tối thượng nhiệm mầu ở thế gian và xuất thế gian, ấy gọi là tự lợi. Giáo hóa chúng sanh, làm cho mọi người phát tâm siêng năng tu thiện, gọi là lợi tha. Đem chánh nhơn tu tập đạo pháp bồ đề của mình, giáo hóa tất cả chúng sanh đều được lợi lạc như mình, gọi là cả hai đều lợi. Nhơn tu hạnh tinh tấn mà thu hoặch được quả nhiệm mầu, mỗi ngày càng tiến đến thanh tịnh, siêu việt các cấp bực, địa vị, thẳng tiến đến quả vị Toàn giác một cách mau chóng, ấy gọi là bồ tát trang nghiêm đạo bồ đề.

Tu hạnh tinh tấn có hai mục đích: 1 Vì cầu đạo vô thượng, 2 Vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh đang đau khổ.

Muốn phát tâm tu hạnh tinh tấn, bồ tát cần phải thành tựu mười điều tâm niệm sau đây: 1 Nhớ nghĩ Phật có vô lượng công đức. 2 Nhớ nghĩ chánh pháp là pháp giải thoát bất khả tư nghì. 3 Nhớ nghĩ chúng tăng là thanh tịnh vô nhiễm. 4 Nhớ nghĩ hạnh Đại từ là ban vui cho chúng sanh. 5 Nhớ nghĩ hạnh Đại bi là cứu khổ đau cho muôn loài. 6 Nhớ nghĩ chánh định là để khuyến khích chúng sanh ưa thích tu thiện. 7 Nhớ nghĩ chúng sanh đang mê theo tà định, khuyến khích quay trở về chánh pháp. 8 Nhớ nghĩ thương xót nỗi đau khổ đói khát của loài ngạ quỉ. 9 Nhớ nghĩ thương xót nỗi khổ đau của loài súc sanh. 10 Nhớ nghĩ thương xót cảnh nước lửa đau thương vô hạn của địa ngục. Đó là mười điều tâm niệm mà bồ tát phải luôn nhớ nghĩ. Bồ tát còn phải ghi nhớ công đức của Tam bảo ta phải tu học, từ bi, chánh định, ta phải khuyến khích; những chúng sanh mê theo tà định và nỗi khổ của ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ta phải cứu vớt. Bồ tát chuyên tâm suy nghĩ như vậy không xao lãng và ngày đêm phải siêng năng tu tập không ngừng, mới gọi là phát tâm chánh niệm tinh tấn.

Hạnh tinh tấn của Bồ tát lại còn có bốn việc cần làm theo. Nghĩa là tu hành theo bốn pháp chánh cần:

1. Những điều ác chưa sanh, ngăn ngừa đừng cho phát sanh.

2. Những điều ác đã sanh, phải liền trừ diệt

3. Những điều thiện chưa sanh, nên tìm cách làm cho phát sanh.

4. Những điều thiện đã sanh, nên cố gắng phát triển tăng tiến.

Bồ tát tu tập theo bốn pháp chánh cần như thế không dừng nghỉ, mới gọi là tu tinh tấn. Sư tinh tấn như thế có công năng phá hoại tất cả những chủng tử phiền não và được tăng trưởng chánh nhơn vô thượng bồ đề. Bồ tát nếu đủ năng lực chịu đựng tất cả các khổ não về tâm hồn cũng như thể xác, chỉ vì muốn đem lại an lạc cho tất cả chúng sanh, nên không từ mệt nhọc, ấy gọi là tinh tấn.

Bồ tát xa lìa sự tinh tấn tà vạy siểm khúc tội ác để tu hành tinh tấn chơn chánh, nghĩa là tu theo chánh tín, bố thí, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ, từ, bi, hỷ, xả, đã tu, đang tu và sẽ tu, thành tâm chuyên chú thường xuyên dũng tiến không ân hận, đối với các thiện pháp và sự cứu khổ cho chúng sanh, như cứu lửa cháy trên đầu, lòng không thối khuất, Ấy gọi là tinh tấn ba la mật.

Bồ tát tuy không tiếc thân mạng, nhưng vì cứu độ chúng sanh và truyền bá chánh pháp, nên cần phải bảo trọng giữ đúng oai nghi và thường tu thiện pháp, tâm không giải đải, dù mất thân mạng cũng không bỏ chánh pháp. Ấy gọi là bồ tát thực hành tinh tấn, tu đạo bồ đề. Những người giải đải, không thể nhất thời mà bố thí tất cả, cũng không thể trì giới, nhẫn nhục đối với khổ não mà siêng năng tinh tấn, thâu nhiếp thân tâm, nhớ nghĩ đến thiền định và phân biệt được thiện hay ác. Vậy nên nói rằng sáu pháp Ba la mật là nhờ có tinh tấn mới phát triển lớn lao. Nếu Bồ tát ma ha tát tu hạnh tinh tấn phát triển mạnh mẽ thời được mau chóng chứng đạo quả A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề (Vô thượng chánh đẳng chánh giác = Phật đà).

Bồ tát khởi tâm tu hạnh tinh tấn là vì phát tâm đại trang nghiêm, lại còn có bốn việc:

1- Phát đại trang nghiêm,

2- Tích tập dũng kiện,

3- Tu các thiện căn,

4- Giáo hóa chúng sanh.

Thế nào gọi là Bồ tát phát đại trang nghiêm? Bồ tát phát tâm chịu đựng tất cả sự khổ đau trong đường sống chết không kể đến số kiếp, dù phải trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na do tha hằng hà sa a tăng kỳ kiếp mới được thành Phật lòng vẫn không chán nản mệt nhọc biếng nhác, gọi là đại trang nghiêm tinh tấn.

Thế nào gọi là tích tập dũng kiện? Bồ táttích tập dũng mãnh thường hành tinh tấn. Giả như lửa dữ đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới, chỉ vì muốn thấy Phật, muốn nghe chánh pháp, muốn hướng dẫn và điều phục chúng sanh an trú vào thiện pháp mà cần phải đi qua đường lửa ấy do vì lòng từ bi thúc đẩy nên thề quyết vượt qua không quản sự thiêu đốt khổ sở, ấy gọi là dũng kiện tinh tấn.

Thế nào gọi là tu các thiện căn? Bồ tát chỉ muốn tu tập thiện căn nên khởi tâm tinh tấn, vì muốn thành tựu quả vị Nhất thiết trí nên đem tất cả thiện căn đã gieo trồng thảy đều hồi hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, ấy gọi là tu tập thiện căn tinh tấn.

Thế nào gọi là giáo hóa chúng sanh? Nghĩa là Bồ tát khi phát tâm khởi hạnh tinh tấn để giáo hóa chúng sanh, thì nên biết các tâm chúng sanh không thể kể xiết, thật là vô biên rộng rãi như hư không. Bồ tát lập thệ nguyện, ta sẽ cứu độ hết tất cả chúng sanh không bỏ sót một loài nào. Bồ tát sở dĩ chuyên cần tu hành tinh tấn là chỉ vì giáo hóa chúng sanh ấy mà thôi. Như thế gọi là tinh tấn giáo hóa chúng sanh.

Nói tóm lại, sở dĩ Bồ tát khởi tâm tinh tấn tu hành công đức mục đích là giúp cho sự tu hành Phật pháp thành tựu trí huệ vô thượng. Công đức của chư Phật vô lượng vô biên, nên Bồ tát ma ha tát phát tâm đại trang nghiêm tu hạnh tinh tấn cũng vô lượng vô biên.

Bồ tát ma ha tát tu hạnh tinh tấn không rời tâm từ chỉ vì cứu thoát sự khổ cho chúng sanh. Như thế mới cụ túc tinh tấn ba la mật.

PHẨM THỨ TÁM – THIỀN BA LA MẬT

Thế nào là tu tập thiền định ?

Tu tập thiền định, nếu vì tự lợi, lợi tha và tự tha đều lợi, thiền định như thế mới trang nghiêm được đạo Bồ đề. Bồ tát sở dĩ tu tập thiền định là vì muốn điều phục chúng sanh, khiến chúng sanh xa lìa khổ não. Người tu tập thiền định khéo thâu nhiếp lòng mình, hết thảy loạn tưởng không cho quấy động. Đi đứng nằm ngồi, luôn luôn giữ gìn chánh niệm, ngược xuôi quán sát, từ đầu đến cổ, xương sống, cánh tay, ngực, bụng, hông, rún, bàng quang, bắp vế, đầu ống chân, gối, bàn chân, hơi thở ra vào, tuần tự rõ ràng không còn chao động. Như vậy gọi là Bồ tát bắt đầu tu tập định tâm.

Nhờ tu định tâm nên không thọ các điều ác, mà tâm thì được thường vui vẻ; như vậy gọi là tự lợi. Giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh tu tập chánh niệm; như vậy gọi là lợi tha. Đem pháp tam muội thanh tịnh đã lìa khỏi ác giác ác quán của mình đã tu tập được mà hóa độ chúng sanh, khiến chúng sanh cũng đồng được lợi như mình; như vậy gọi là tự tha đều lợi.

Nhân tu thiền định, thu hoặch được tám món giải thoát, cho đến Thủ lăng nghiêm, Kim cang tam muội; như vậy gọi là trang nghiêm đạo Bồ đề.

Thiền định sanh ra là nhờ có ba pháp: một là văn huệ, hai là tư huệ, ba là tu huệ. Nhờ thực hành ba pháp ấy mà lần lần phát sanh hết thảy tam muội.

Thế nào gọi là Văn huệ ?

Như đối với giáo pháp đã được nghe sanh tâm ưa thích. Lại phải như thế này: Tất cả các Phật pháp như vô ngại, giải thoát v.v… cần phải nhờ nghe nhiều mới được thành tựu. Có được quan niệm như thế thời bất cứ lúc nào cũng học chánh pháp, lòng mình cũng càng thêm tinh tấn, ngày đêm thường thích nghe chánh pháp, không khi nào nhàm chán. Như vậy gọi là văn huệ.

Thế nào gọi là Tư huệ ?

Suy nghĩ quan sát hết thảy các pháp đúng như thật tướng. Đúng như thật tướng nghĩa là các pháp hữu vi đều vô thường, khổ, không, vô ngã và bất tịnh. Chúng vốn niệm niệm sanh diệt, tồn tại không lâu và rất chóng hư hoại. Chúng sanh không biết như thế để lòng bị trói buộc trong yêu ghét cầu lo theo các pháp ấy, chỉ vì lửa tham, sân, si thiêu đốt khiến tăng trưởng thêm nhiều khổ não, chồng chất cho kiếp sống vị lai. Nếu biết được rằng các pháp hữu vi chỉ là huyễn hóa không có thật tánh, thời đối với bất cứ pháp hữu vi nào, lòng mình cũng sanh nhàm chán, xa lìa càng thêm tinh tấn và xu hướng về trí huệ Phật. Xu hướng về trí huệ Phật bằng cách tư duy: trí huệ ấy bất khả tư nghì không thể đo lường, trí huệ ấy có một đại thế lực không ai hơn nổi. Nhờ tư duy như thế mà tự xây dựng được cho mình một thành trì an ổn lớn lao, khiến tâm kuhông lo sợ, không thối chuyển, lại cứu độ được vô lượng chúng sanh khổ não. Biết vì thấy trí huệ Phật vô lượng như thế, thấy các pháp hữu vi vô lượng như thế, chí nguyện cầu vô thượng đại thừa mới càng phaấn chấn thêm lên. Như vậy gọi là Tư huệ.

Thế nào gọi là Tu huệ ?

Từ khi bắt đầu quán sát cho đến khi đạt được quả vị A nậu đa la tam miệu tam bồ đề , gọi là Tu huệ .

1. Bắt đầu xa lìa các pháp bất thiện về dục giới, còn có giác, có quán ly sanh hỷ lạc, đi vào định sơ thiền.

2. Diệt hết giác và quán, bên trong được tâm thanh tịnh duy nhất, không còn giác và quán nữa nhờ thiền định và hỷ lạc, tức đi vào định nhị thiền.

3. Muốn xa lìa tâm hỷ lạc thô trọng nên tu hành xả; thân tâm an hưởng niềm vui tế nhị không thể mô tả, các bậc hiền thánh có nói ra cũng xả bỏ. Thường niệm thọlạc, tức đi vào định tam thiền.

4. Đoạn hết khổ và lạc, trước hết phải diệt sạch niệm mừng và lo, không còn khổ, không còn lạc, tu theo niệm hành xả được thanh tịnh, tức đi vào định tứ thiền.

5. Vượt qua hết thảy sắc tướng; diệt trừ hết thảy các tướng đối đải; không nhớ nghĩ hết thảy các tướng sai biệt; thấy được hư không vô biên, tức đi vào định sắc vô hư không.

6. Vượt qua hết thảy các tướng hư không, đến một cõi không còn thức nữa, tức đi vào định thức vô sắc.

7. Vượt qua hết thảy thức tướng, đến một cõi không còn sở hữu nữa, tức đi vào định vô sắc vô sở hữu.

8. Vượt lên một tầng qua các cõi vô sở hữu, đến một cõi không còn tưởng hay phi tưởng; an ổn trong cõi ấy tức đi vào định phi tưởng phi phi tưởng.

Trải qua các giai đoạn tu định trên đây, hành giả chỉ tùy thuận tu hành theo các pháp, tâm không đắm trước sự an vui của thiền định mà chỉ quyết cầu nguyện đạt đến vô thượng thừa để hoàn thành quả tối chánh giác. Như vậy gọi là Tu huệ.

Bồ tát theo ba pháp Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ mà tinh tấn điều nhiếp lòng mình, thời thành tựu được ‘Thông minh tam muộïi’ tức là Thiền Ba la mật.

Lại nữa, Bồ tát tu định còn phải thực hành thêm mười pháp không chung với hàng Thanh văn và Bích chi phật. Mười pháp ấy là những pháp nào?

1. Tu thiền định vì muốn đủ các thiền định của Phật trước hết phải dẹp bỏ ngã chấp riêng biệt.

2. Tu thiền định vì muốn xả bỏ tâm ô nhiễm, không cầu vui riêng cho mình nên không say đắm cảnh vui trong thiền định.

3. Tu thiền định vì muốn biết tâm hạnh của chúng sanh nên đầy đủ các hạnh nghiệp thần thông.

4. Tu thiền định vì muốn độ thoát chúng sanh nên cần phải biết tâm niệm của chúng sanh.

5. Tu thiền định vì muốn dứt trừ sự phiền não ràng buộc cho chúng sanh nên phải tu hạnh đại bi.

6. Tu thiền định vì muốn thiện xảo thấy biết sự nhập định, xuất định vượt ngoài tam giới, nên phải tu hết các thiền tam muội.

7. Tu thiền định vì muốn đầy đủ tất cả các thiện pháp, nên thường được tự tại.

8. Tu thiền định vì muốn thắng hơn các thiền tam muội của nhị thừa nên tâm thường vắng lặng.

9. Tu thiền định vì muốn thoát ngoài thế gian đến bờ cứu cánh nên thường trau dồi trí huệ.

10. Tu thiền định vì muốn hưng thạnh tam bảo khiến không đoạn tuyệt, nên thường tuyên dương chánh pháp.

Mười loại thiền định như vậy, không chung cùng với hàng Thanh văn và Bích chi phật.

Lại nữa, để biết tâm phiền não của hết thảy chúng sanh cho nên tu tập các pháp thiền định, giúp thành tâm an trú, khiến thiền định ấy an trú trong tâm bình đẳng; vì thế nên gọi là Định.

Các loại thiền định bình đẳng như thế, thời bình đẳng với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác. Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác bình đẳng thời chúng sanh bình đẳng. Chúng sanh bình đẳng thời các pháp bình đẳng. Vào trong chỗ bình đẳng như thế cho nên gọi là Định.

Lại nữa, Bồ tát tuy hành động thiệp thế nhưng không nhiễm theo đời. Bồ tát bỏ đời bước vào chánh pháp, cắt đứt sợi dây trói buộc, xa lìa những cảnh huyên náo, ưa thíchnơi vắng lặng. Tu hành thiền định như vậy, nên tâm bồ tát an ổn bình lặng, luôn luôn xa lìa mọi tác động phiền não của thế gian.

Lại nữa, Bồ tát thiền định, có đầy đủ thông trí và phương tiện huệ.

Thế nào gọi là thông trí?

Hoặc được thấy sắc tướng, hoặc nghe được âm thanh, hoặc biết được tha tâm, hoặc nhớ được quá khứ, hoặc soi khắp được các thế giới chư Phật, mhư vậy gọi là Thông. Còn nếu biết sắc tướng tức là pháp tánh, nếu biết rõ âm thanh là do tác động của tâm, nếu thấu suốt tánh tướng đều tịch diệt, ba đời thảy bình đẳng, nếu rõ các cõi Phật đồng với tướng hư không mà không bao giờ thiên về diệt tận; như vậy gọi là Trí.

Thế nào gọi là phương tiện huệ?

Khi vào thiền định, khởi đại từ bi, không xả bỏ thệ nguyện, tâm rắn như kim cương, quán sát thế giới chư Phật trang nghiêm Bồ đề đạo tràng; như vậy gọi là Phương tiện. Bấy giờ, tâm ấy vĩnh viễn vắng lặng, không còn tướng ngã và tướng chúng sanh, tư duy các pháp bản tánh vốn bất loạn, thấy thế giới chư Phật đồng với hư không, quán đạo tràng đồng với trang nghiêm đồng với tịch diệt; như vậy gọi là Huệ.

Các pháp tu như thế gọi là pháp tu thiền định thông trí và phương tiện sai biệt của Bồ tát. Thực hành một loạt tất cả bốn việc ấy, tức là đã gần được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Bồ tát tu hành thiền định, vân dụng pháp bất động nên không còn sót lại các tâm. Như vậy tức là đã hoàn thành đầy đủ các pháp Thiền na Ba la mật.

PHẨM THỨ CHÍN – BÁT NHÃ BA LA MẬT

Thế nào gọi là Bồ tát tu tập trí huệ ? Tu tập trí huệ, nếu vì tự lợi, lợi tha và tự tha đều lợi, trí huệ như thế mới hay trang nghiêm được đạo Bồ đề. Bồ tát sở dĩ tu tập trí huệ là vì muốn điều phục tất cả chúng sanh khiến xa lìa khổ não. Người tu tập trí huệ phải học tất cả công việc trong thế gian, dứt trừ tham sân si và tô bồi từ tâm. Thương xót và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Thường suy nghĩ, tìm phương tiện làm người hướng dẫn, dứu giúp cho tất cả; hay phân biệt, thuyết minh tà đạo, chánh đạo, thiện báo, ác báo. Như vậy gọi là Bồ tát sơ phát tâm tu trí huệ.

Vì tu tập trí huệ mà xa lìa được vô minh, diệt trừ được chướng ngại phiền não và chướng ngại trí huệ, như thế gọi là tự lợi. Giáo hóa chúng sanh khiến được điều phục, gọi là lợi tha. Đem phương pháp tu hành cầu đạo vô thượng bồ đề của mình, giáo hóa cho tất cả chúng sanh, khiến đồng được lợi lạc như mình, ấy gọi là tự, tha đều lợi. Nhơn tu tập trí huệ nên được chứng quả từ sơ địa cho đến trí huệ bát nhã, như vậy gọi là trang nghiêm đạo bồ đề.

Bồ tát tu hành trí huệ lần lượt xây dựng hai mươi tâm sau đây:

1. Tâm xa lìa kiêu mạn và buông lung.

2. Tâm tùy thuận lời dạy bảo và thích nghe chánh pháp.

3. Tâm nghe chánh pháp say sưa không chán và luôn luôn suy nghiệm nghĩa lý.

4. Tâm thật hành bốn phạm hạnh và tu tập chánh trí.

5. Tâm quán pháp bất định và nhàm chán xa lìa.

6. Tâm quán bốn đế và mười sáu thánh tâm.

7. Tâm quán mười hai nhân duyên và tu pháp minh huệ.

8. Tâm nghe các pháp ba la mật suy nghĩ muốn tu tập.

9. Tâm quán các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt.

10. Tâm quán không, vô nguyện, vô tác.

11. Tâm quán ấm, nhập, giới là nhiều tội lỗi.

12. Tâm hàng phục phiền não như là bạn lành.

13. Tâm giữ gìn các thiện pháp như là bạn ác.

14. Tâm đè nén các ác pháp khiến đều đoạn diệt.

15. Tâm tu tập chánh pháp khiến càng tăng trưởng.

16. Tâm tuy tu theo pháp nhị thừa nhưng thường xa lìa.

17. Tâm nghe bồ tát tạng ưa thích phụng hành.

18. Tâm tự lợi lợi tha, tùy thuận tăng tiến các thiện nghiệp.

19. Tâm tu trì hạnh chơn thật tham cầu tất cả Phật pháp.

20. Tâm phát sanh ưa thích việc thiện, gần gũi những bạn lành.

Thứ lại, Bồ tát tu hạnh trí huệ có mười thiện tư duy tâm, mười pháp này không cùng chung với hàng Thanh văn và Bích chi phật. Mười tư duy tâm là:

1. Suy nghĩ phân biệt căn bản định, huệ.

2. Suy nghĩ không bỏ hai biên kiến : đoạn, thường.

3. Suy nghĩ nhơn duyên sanh khởi các pháp.

4. Suy nghĩ không có tướng chúng sanh, ngã, nhơn, thọ, mạng.

5. Suy nghĩ không có pháp ba đời qua lại và dừng nghỉ.

6. Suy nghĩ không có phát hành mà không đoạn nhơn quả.

7. Suy nghĩ các pháp là không mà vẫn siêng năng gieo trồng việc lành.

8. Suy nghĩ vô tướng mà không bỏ phế việc cứu độ chúng sanh.

9. Suy nghĩ vô nguyện mà vẫn không xa bỏ chí cầu đạo bồ đề.

10. Suy nghĩ vô tác mà không bỏ sự hiện thọ thân.

Thứ lại, Bồ tát tu hạnh trí huệ có mười hai pháp thiện nhập pháp môn. Mười hai pháp ấy là:

1. Thiện nhập các pháp tam muội: không, vô tác, vô nguyện v.v… mà không đắm trước quả chứng.

2. Thiện nhập các pháp thiền tam muội mà không chướng ngại vì thiền.

3. Thiện nhập các thông trí mà không chứng pháp vô lậu.

4. Thiện nhập pháp nội quán mà không chứng quyết định.

5. Thiện nhập quán sát tất cả chúng sanh là không tịch, nhưng không bỏ lòng đại từ.

6. Thiện nhập quán sát tất cả chúng sanh là vô ngã mà không bỏ lòng đại bi.

7. Thiện nhập sanh vào các ác thú mà không phải vì nghiệp buộc.

8. Thiện nhập pháp ly dục mà không chứng pháp ly dục.

9. Thiện nhập xả bỏ những dục lạc mà không xả pháp lạc.

10. Thiện nhập xả bỏ tất cả cảm giác hý luận mà không bỏ các quán phương tiện.

11. Thiện nhập suy lường các pháp hữu vi là tội lỗi, mà không bỏ pháp hữu vi.

12. Thiện nhập pháp vô vi là thanh tịnh viễn ly, mà không trú trước vô vi.

Bồ tát khéo léo tất cả các pháp môn thiện nhập tức là hiểu rõ được ba đời là không, không có sở hữu. Nếu quán sát như thế là nhờ sức trí huệ mà quán sát ba đời là không vậy. Nếu đem vô lượng công đức đã gieo trồng trong ba đời chư Phật đều hồi hướng về đạo vô thượng Bồ đề, như vậy gọi là Bồ tát dùng phương tiện khéo léo quán sát ba đời.

Lại nữa, tuy hiểu rõ cùng tận các pháp quá khứ đến vị lai, mà thường tu thiện căn tinh tấn không giải đải, quán sát các pháp vị lai tuy là chưa đến, mà không rời tinh tấn, nguyện hướng đến quả Bồ đề, quán sát các pháp hiện tại tuy mỗi niệm mỗi niệm tiêu diệt không ngừng, nhưng tâm không xu hướng bồ đề. Như vậy gọi là Bồ tát dùng phương tiện khéo léo quán sát ba đời. Quá khứđã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không ngừng, tuy như vậy quán sát tâm vương tâm sở sanh diệt tan hoại, mà thường không bỏ sự chứa nhóm căn lành để trợ giúp cho pháp bồ đề. Đó gọi là Bồ tát dùng phương tiện khéo léo quán sát trong ba đời.

Lại nữa, Bồ tát quán sát tất cả các pháp thiện, bất thiện, ngã, vô ngã, thật, không thật, không, chẳng phải không, thể trú đế, chơn đế, chánh định, tà định, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, hắc pháp, bạch pháp, sanh tử, niết bàn, như tánh của pháp giới, là nhất tướng, vô tướng, trong ấy không có một pháp gì có thể gọi là vô tướng, cũng không có một pháp gì cho là vô vô tướng. Như vậy gọi là nhất thể pháp ấn, bất khả hoại ấn, ở trong ấn ấy cũng không có tướng ấn. Được như vậy gọi là chơn thật trí huệ phương tiện Bát nhã Ba la mật. Bồ tát Ma ha tát phát tâm bồ đề nên như thế mà tu học, nên như thế mà hành trì, hành trì được như thế mới gần gũi được đạo quả vô thượng bồ đề. Bồ tát Ma ha tát tu hạnh trí huệ an tâm bất động, pháp tánh thanh tịnh. Như vậy là đầy đủ Bát nhã Ba la mật.

PHẨM THỨ MƯỜI – PHÁP MÔN NHƯ THẬT

Nếu thiện nam, tín nữ nào tu tập sáu phép ba la mật, cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải xa lìa bảy pháp sau đây:

1. Xa lìa ác tri thức. Ác tri thức hay khuyên người bỏ mất đức chánh tín, lòng mong muốn và sức tinh tấn tối thượng chân chánh, để chạy theo dục vọng

2. Xa lìa nữ sắc, không tham đắm dục lạc và những tập tục theo thói đời.

3. Xa lìa ác giác. Ác giác là cảm giác sai lầm; tự quán hình dung, sanh tâm tham ái, luyến tiếc, chấp đắm và cho rằng có thể bảo tồn trường cửu.

4. Xa lìa sân nhuế, tàn bạo, kiêu căng , ganh ghét, khơi dậy sự tranh tụng, làm rối loạn thiện tâm.

5. Xa lìa sự buông lung, kiêu mạn, biếng nhác, tự ỷ có chút tiểu xảo khinh miệt kẻ khác.

6. Xa lìa sách luận ngoại đạo và những văn chương thêu dệt giả dối của thế tục, không nên tán tụng những lời không phải Phật dạy.

7. Không nên thân cận những kẻ tà kiến, ác kiến.

Bảy pháp kể trên Bồ tát phải nên xa lìa. Phật dạy: không thấy còn có pháp gì chướng ngại Phật đạo bằng bảy pháp trên, cho nên Bồ tát cần phải xa lìa.

Nếu muốn chóng đạt vô thượng bồ đề, nên tu bảy pháp sau đây:

1. Bồ tát cần phải thân cận thiện tri thức. Thiện tri thức là chư Phật, bồ tát, hoặc hàng thanh văn có công năng khiến Bồ tát an trú thâm nhập pháp tạng và các pháp ba la mật, gọi là bồ tá Thiện tri thức.

2. Bồ tát nên thân cận người xuất gia, cũng nên thân cận pháp a lan nhã, lánh xa nữ sắc và các thị dục, không cùng với người đời làm những điều tục lụy.

3. Bồ tát nên tự quán sát hình hài như đất, phân chứa đầy ô uế, phong đàm, nhiệt huyết, không nên tham đắm, nay còn mai mất mỗi ngày bước gần đến cửa chết, nghĩ thế mà nhàm chán cảnh vô thường, lo siêng năng tu đạo.

4. Bồ tát thường tu hạnh nhu hòa, nhẫn nhục, thuận thảo, cung kính và khuyên người khác cũng tu những pháp ấy.

5. Bồ tát nên tu hành tinh tấn, thường biết tàm quí, cung kính, phụng thờ sư trưởng, thân cận, xót thương những kẻ bần cùng; thấy người nguy khốn, đem thân mình thay thế.

6. Bồ tát cần phải tu tập Phương đẳng đại thừa bồ tát tạng và thọ trì đọc tụng những pháp Phật thường khen ngợi.

7. Bồ tát phải tu tập đệ nhất nghĩa đế (chơn lý tuyệt đối) nghĩa là thật tướng, nhất tướng, vô tướng.

Nếu Bồ tát muốn mau được quả vị vô thượng bồ đề phải luôn luôn thân cận thực hành bảy pháp nói trên.

Lại nữa, nếu người phát tâm bồ đề mà đem lại tâm hữu sự đắc trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập từ, bi, hỷ, xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nên biết người đó không thể lìa sanh tử cũng không đến được bồ đề. Vì sao? Vì có tâm sở đắc và các kiến chấp về sở đắc, kiến chấp ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới,kiến chấp ngã, kiến chấp nhơn, kiến chấp chúng sanh, kiến chấp thọ mạng, kiến chấp từ, bi, hỷ, xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Tóm lại, có kiến chấp Phật, pháp , tăng và kiến chấp niết bàn. Có những kiến chấp hữu sở đắc như thế tức là có tâm chấp trước, tức là tà kiến. Mà người tà kiến thì hằng bị luân chuyển trong tam giới khó giải thoát được. Người chấp trước cũng khó được giải thoát. Cuối cùng không thể chứng được vô thượng chánh đẳng bồ đề.

Ngược lại, nếu người phát tâm bồ đề phải nên quán xét tâm ấy là không tướng. Tâm ấy là gì? Và tại sao gọi là không tướng?

Tâm gọi là ý thức, tức là thức ấm, ý nhập và ý giới. Tâm không tướng là tâm không tướng tâm, cũng không tác giả. Vì sao? Vì tâm ấy thật tướng là không, không có tạo tác, không có sự sai sử tác giả. Nếu không tác giả thì làm gì có tác tướng. Nếu bồ tát hiểu rõ các pháp như thế thì đối với tất cả các pháp không còn chấp trước. Vì không chấp trước nên đối với các pháp thiện, ác, hiểu rõ, không bị quả báo, với các công đức tu tập lòng từ, tuyệt đối không còn ngã kiến; đức bi, tuyệt đối không còn chúng sanh kiến; đức hỷ, tuyệt đối không có thọ mạng kiến; đức xả, tuyệt đối không có nhơn kiến. Tuy thật hành bố thí, không thấy vật bố thí; tuy thật hành trì giới,không thấy tâm thanh tịnh; tuy thật hành nhẫn nhục, không thấy có chúng sanh;tuy thật hành tinh tấn, không thấy có tâm ly dục; tuy thật hành thiền định, không tâm trừ ác; tuy thật hành trí huệ, tâm an bấùt động. Đối vớ mười duyên đầu là trí huệ mà không chấp trước trí huệ, không sở đắc trí huệ, không thấy có trí huệ. Hành giả tu hành trí huệ như thế mà không thấy có chỗ tu, cũng không phải không tu. Vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện thực hành lục độ mà thật ra trong tâm thường thanh tịnh.

Hành giả khéo léo tu tập tâm niệm như thế, trong một khoảnh khắc gieo trong thiện căn, thì phước đức quả báo vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ kiếp không thể cùng tận, tự nhiên được gần đạo quả A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

PHẨM MƯỜI MỘT – KHÔNG VÔ TƯỚNG

Một hôm, đức Phật cùng đại chúng đông đảo vân tập tại rừng trúc Ca lan đà.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ban dạy chánh pháp, bảo Đại chúng rằng: “Như lai nói các pháp là vô tánh, không, không sở hữu. Tất cả thế gian khó hiểu và khó tin điều ấy. Vì sao? Vì sắc, không buộc không mở. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không buộc không mở. Sắc vô tướng, lìa các tường; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô tướng, lìa các tướng. Sắc vô niệm, lìa các niệm; thọ, tưởng, hành, thức cũng vô niệm, lìa các niệm. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, ý đối với pháp trần cũng đều như thế cả; không thủ, không xả, không nhớp, không sạch, không khứ, không lai, không mặt, không trái, không tối, không sáng, không ngu si, không trí huệ, không bờ bên này, không bờ bên kia và cũng không phải giữa dòng, ấy gọi là không trói buộc. Vì không trói buộc cho nên gọi là không. Không ấy gọi là vô tướng. Vô tướng ấy cũng không, mới gọi là không. Không ấy gọi là vô niệm. Vô niệm ấy cũng không, mới gọi là không. Trong cái ‘không’ ấy, không thiện, không ác, cho đến cái tướng ‘không’ cũng không, cho nên gọi là không. Bồ tát nếu rõ ngũ ấm, thập bát giới, lục nhập, tánh của nó là như thế, tức không còn chấp trước, bảo thủ, gọi là pháp nhẫn. Bồ tát nhờ pháp nhẫn này mà được thọ ký nhẫn.”

Các Phật tử ! Ví như có người viết lên giữa hư không, viết đủ mười hai bộ kinh của Phật. Trải qua vô lượng kiếp, Phật pháp đã diệt hết. Những người cầu chánh pháp hoàn toàn không thấy nghe gì cả, nên chúng sanh điên đảo, tạo ra vô biên ác nghiệp. Thì có một người trí huệ thanh tịnh ở phương khác đến, vì thương xót chúng sanh, cùng khắp tìm cầu Phật pháp, đi đến chỗ ấy thấy giữa hư không có chữ, văn tự rõ ràng, liền biết đó là Phật pháp, nên đọc tụng, thọ trì, y pháp tu hành và phân biệt quảng diễn lợi ích cho tất cả chúng sanh. Người viết giữa hư không và người biết chữ giữa hư không ấy khó mà nghĩ bàn được, huống nữa còn thọ trì, tu tập và đem truyền bá hướng dẫn chúng sanh khiến xa rời triền phược?

Lại nữa, Đức Phật dạy rằng: Về đời quá khứ, khi Ngài cầu đạo Bồ đề, được gặp 3.298.000 đức Phật, thời ấy Ngài đều làm chuyển luân thánh vương, dùng đủ tất cả các sự vui sướng cúng dường chư Phật và hàng chúng tăng, nhưng vì có tâm sở đắc nên không được thọ ký. Về sau tiếp tục. lại gặp được tám vạn bốn ngàn Bích chi phật, cũng trọn đời đem tứ sự cúng dường. Sau đó lại gặp 6 201 261 đức Phật nữa, Ngài vẫn làm chuyển luân thánh vương cũng đem tất cả các sự vui sướng, trọn đời cúng dường. Khi chưPhật diệt độ, lại xây tháp bằng bảy thứ báu để cúng dường xá lợi. Sau lại có Phật ra đời, Ngài vẫn cung phụng nghinh tiếp, ân cần khuyến thỉnh chuyển đại pháp luân. Liên tiếp cúng dường như thế, trải qua trăm ngàn vạn ức chư Phật. Các đức Phật ấy đều ở trong pháp không mà nói ra các pháp tướng, nhưng vì còn có tâm sở đắc, cho nên Ngài vẫn không được thọ ký.

Cứ lần lượt như thế cho đến khi gặp được đức Phật Nhiên Đăng ra đời, thấy Phật, nghe pháp mới chứng được nhất thiết vô sanh pháp nhẫn. Được vô sanh pháp nhẫn ấy rồi mới được thọ ký.

Đức Phật Nhiên Đăng cũng ở trong pháp không nói ra các pháp tướng, độ thoát vô lượng trăm ngàn chúng sanh mà không thấy mình có nói pháp, cũng không thấy có độ sanh.

Đức Phật Thích ca Mâu ni ra đời, cũng ở trong pháp không mà nói ra văn tự để khai thị chánh giáo, lợi lạc chúng sanh, khắp nơi đều được lãnh thọ tu hành, nhưng cũng không thấy có người hóa độ và người được độ. Nên biết pháp ấy, tánh, tướng, hoàn toàn không tịch, người viết cũng không, người biết cũng không, người nói cũng không, người hiểu cũng không, từ trước đến sau vốn không, về sau cũng không, hiện tại cũng chẳng có. Nhưng các hàng bồ tát nhờ sức phương tiện tinh tấn không ngừng tích tập muôn hạnh, công đức viên mãn, được chứng quả A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, điều ấy thật vô cùng khó khăn, không thể nghĩ bàn. Ở trong vô đắc, nói ra pháp hữu sở đắc, sự việc như thế là cảnh giới của chư Phật, phải dùng vô lượng trí mới hiểu được, chớ không phải dùng tâm phân biệt mà có thể hiểu thấu.

Bồ tát mới phát tâm, phải thành tâm kính ngưỡng ưa thích bồ đề, tin theo lời Phật dạy, dần dần mới được thâm nhập.

Phải tin như thế nào ?

Phải tin rằng quán tứ đế sẽ diệt trừ được các phiền não vọng kiến ràng buộc, chứng quả A la hán. Tin rằng quán mười hai nhân duyên sẽ diệt trừ được vô minh, sanh khởi các hạnh, chứng quả Bích chi phật. Tin rằng tu bốn vô lượng tâm, sáu ba la mật được chứng quả A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Như thế gọi là tín nhẫn.

Chúng sanh từ vô thỉ sống chết, bị vọng tưởng chấp trước mà không thấy được pháp tánh, nên trước hết phải quán sát tự thân do năm ấm giả hợp mệnh danh là chúng sanh, kỳ thật, trong đó không có ngã, không có chúng sanh. Vì sao thế?Vì nếu quả có ngã thì ngã ấy phải được tự tại, nhưng hiện tại chúng sanh thường bị sanh lão bệnh tử, không hề được tự tại. Vì thế, biết là vô ngã. Đã vô ngã, tức là không tác giả, không tác giả, tức là không thọ giả và không thọ giả thì pháp tánh thanh tịnh như thật thường trú. Quán sát như thế, dù chưa thành tựu cứu cánh, nhưng cũng gọi là thuận nhẫn.

Bồ tát tu tín thuận nhẫn ấy rồi, không bao lâu sẽ thành pháp nhẫn tối thượng.

PHẨM MƯỜI HAI – CÔNG ĐỨC THỌ TRÌ KINH

Bồ tát tu luyện đầy đủ về tâm vô tướng, nhưng chưa bao giờ an trú nơi tác nghiệp. Đối với nghiệp tướng, Bồ tát dù đã biềt rõ mà vẫn làm. Vì cầu đạo Bồ đề mà tu tập thiện căn, nên các Ngài không xa rời pháp hữu vi. Vì độ chúng sanh mà tu tập đại bi, nên không an trú nơi vô vi. Vì cầu diệu trí chơn thật của chư Phật, nên không rời sanh tử. Vì độ hết thảy vô biên chúng sanh, nên không an trú nơi niết bàn. Đấy là các vị bồ tát đem thân tâm cầu quả vị vô thượng bồ đề vậy.

Các Phật tử ! Bồ tát nhờ thành tựu mười pháp nên đối với đạo bồ đề không còn bị thối thất. Mười pháp ấy là:

1. Bồ tát phát tâm cầu vô thượng bồ đề một cách sâu xa, đồng thời giáo hóa chúng sanh cùng phát tâm bồ đề ấy.

2. Thường mong cầu thấy Phật để được gieo trồng thiện căn bằng cách đem trân bảo của mình cúng dường lên Phật.

3. Vì cầu chánh pháp nên đem tâm tôn kính cúng dường các vị pháp sư và nghe pháp không bao giờ nhàm chán.

4. Nếu thấy các thầy tỳ kheo phân chia làm hai bộ phái để tranh tụng công kích nhau, thì cố gắng tìm phương tiện khuyên giải để được hòa hợp.

5. Nếu gặp quốc độ đầy dẫy tà ác, làm cho Phật pháp phải suy vi, thì siêng năng đọc tụng, diễn giảng cho đến một bài kệ để làm cho chánh pháp không bị đoạn tuyệt, chuyên tâm hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng.

6. Thấy chúng sanh lâm cảnh sợ hãi khổ não thì phát tâm cứu độ ban bố lòng vô úy.

7. Phát tâm tu hành chuyên cần theo các kinh điển phương đẳng đại thừa tâm diệu trong bồ tát tạng.

8. Khi đã cầu được chánh pháp, phát tâm thọ trì đọc tụng, đúng như lời kinh dạy mà tu hành và an trú.

9. Khi mình đã an trú trong chánh pháp, lại khuyến dẫn chúng sanh cùng an trú trong chánh pháp.

10. Khi đã được an trú trong chánh pháp, nên diễn giảng chỉ bày điều ích lợi ra cho tất cả chúng sanh được khai ngộ vui mừng.

Các vị bồ tát thành tựu được mười pháp như trên thì đối với đạo vô thượng bồ đề không còn bị thối chuyển. Các vị bồ tát phải đúng như kinh này mà tu hành. Kinh điển này thật không thể nghĩ nghì, vì hay phát sanh tất cả hạt giống đại từ bi, hay khai ngộ dắt dẫn chúng sanh phát tâm bồ đề, hay làm nguyên nhân chính cho những người hướng về đạo bồ đề, hay thành tựu tất cả công hạnh của bồ tát, cũng là kinh được các đức Phật trong các đời đã qua, hiện tại và sẽ đến hộ niệm.

Nếu có nam hay nữ Phật tử nào muốn tu tập đạo vô thượng bồ đề, hãy nên thường xuyên hoằng dương và lưu truyền kinh điển này trong cõi Diêm phù đề cho vô lượng vô biên chúng sanh đều được nghe được biết.

Nếu có nam hay nữ Phật tử nào được nghe kinh điển này thì tất cả đều được đại trí huệ mãnh lợi và quả báo phúc đức bất khả tư nghị. Vì sao? Vì kinh này hay mở vô lượng thanh tịnh huệ nhãn, hay làm cho giống Phật tương tục không đoạn, hay cứu độ vô lượng chúng sanh khổ não, hay chiếu phá hết thảy vô minh, hay phá trừ tứ ma và tất cả ma nghiệp, hay phá trừ tất cả ngoại đạo tà kiến, hay dập tắt tất cả lửa dữ phiền não, hay tiêu trừ nhơn duyên sanh khởi các hành nghiệp, hay đoạn trừ sáu thứ trọng bệnh là xan tham, phá giới, sân nhuế, giải đãi, loạn ý, ngu si, hay đoạn trừ được các nghiệp chướng, pháp chướng, phiền não chướng, kiến chướng, vô minh chướng, trí chướng, tạp chướng. Tóm lại, kinh nầy hay tiêu diệt tất cả ác pháp không sót mảy may và làm cho thiện pháp ngày càng tăng trưởng mãnh liệt.

Nếu có nam hay nữ Phật tử nào sau khi nghe kinh này, phát tâm hoan hỷ ưa mến, nên biết người ấy đã từng cúng dường vô lượng đức Phật và đã gieo trồng thiện căn nhiều lắm. Vì sao? Vì kinh nầy là chỗ đi lại của ba đời các đức Phật. Vì thế nên người tu hành khi đã được nghe kinh nầy rồi, phải tự lấy làm vinh hạnh là được đại thiện lợi. Nếu người nào biên chép và đọc tụng kinh nầy, nên biết người ấy sẽ được phước báo vô lượng vô biên. Vì sao? Vì kinh nầy có sở duyên rộng rãi vô biên phát khởi vô lượng đại thệ nguyện, nhiếp thọ tất cả chúng sanh, trang nghiêm quả vị vô thượng bồ đề. Vì thế, người nào thọ trì kinh nầy sẽ được phước đức vô lượng vô biên không hạn lượng. Nếu còn thấu đạt được nghĩa lý và đúng như lời dạy mà tu hành thì dù tất cả các đức Phật ở trong vô lượng a tăng kỳ kiếp, dùng vô lượng trí mà diễn nói đến các phước báo kia cũng không cùng tận được. Nếu nơi nào có vị pháp sư giảng kinh nầy thì nơi đó hãy nên xây tháp cúng dường. Vì sao? Vì đó là nơi mà chánh pháp chơn thật phát sanh. Ở quốc độ, thành ấp, xóm làng, chùa miếu, tịnh xá nào có kinh nầy, nên biết nơi ấy có pháp thân. Nếu người nào đem cúng dường các thứ hương hoa, âm nhạc, tràng phan, bảo cái hoặc ca xướng tán thán, chấp tay cung kính, nên biết người ấy đã gieo giống Phật. Nếu còn thọ trì kinh nầy thì các người ấy thành tựu công đức trí huệ trang nghiêm, tương lai sẽ được thọ ký, thành tựu quả vị vô thượng bồ đề.

    Xem thêm:

  • Kinh Cha Mẹ Ân Trọng (Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Kinh Lăng Già Tâm Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Lợi Chi Thiên - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Đà La Ni Bồ Tát Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Hiệu Lượng Sổ Châu Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Lạo Đà La Ni Thân - Kinh Tạng
  • Pháp Niệm Tụng Bồ Tát Quán Thế Âm Như Ý Ma Ni Luân Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Ân Cha Mẹ Khó Đền Đáp - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán - Kinh Tạng
  • Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Giới Tiêu Tai – Thích Khánh Anh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 05 – Nhiếp Niệm - Kinh Tạng
  • Kinh Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kệ Chú Kinh Vô Lượng Thọ Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại thừa Duyên Sinh - Kinh Tạng