Kinh Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập II – Kinh Pháp Cú

Dhammapada

-ooOoo-

MỤC LỤC

1. Phẩm Song Yếu 14. Phẩm Phật Ðà
2. Phẩm Không Phóng Dật 15. Phẩm An Lạc
3. Phẩm Tâm 16. Phẩm Hỷ Ái
4. Phẩm Hoa 17. Phẩm Phẫn Nộ
5. Phẩm Kẻ Ngu 18. Phẩm Cấu Uế
6. Phẩm Hiền Trí 19. Phẩm Pháp Trụ
7. Phẩm A-La-Hán 20. Phẩm Ðạo
8. Phẩm Ngàn 21. Phẩm Tạp Lục
9. Phẩm Ác 22. Phẩm Ðịa Ngục
10. Phẩm Hình Phạt 23. Phẩm Voi
11. Phẩm Già 24. Phẩm Tham Ái
12. Phẩm Tự Ngã 25. Phẩm Tỷ Kheo
13. Phẩm Thế Gian 26. Phẩm Bà-La-Môn

Giới thiệu:

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) trong Kinh tạng Pali (Suttanta Pitaka). Ðây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Pháp (Dhamma) có nghĩa là đạo lý, chân lý, lời dạy của Ðức Phật; Cú (Pada) là lời nói, câu kệ. Ngoài ra, trong ngữ văn Pali, “Pada” còn có nghĩa là con đường. Do đó, Dhammapada thường được dịch là Con đường Chân lý (Path of Truth), Con đường Phật Pháp (Path of the Buddha’s Teaching).

Dhammapada là tập hợp 423 bài kệ do đức Phật nói ra trong nhiều dịp khác nhau, trong suốt 45 năm hoằng dương Chánh Pháp của Ngài. Các bài kệ nầy được sắp xếp trong 26 phẩm, do các vị đại đệ tử thu xếp và tụng đọc trong Ðại hội Kết tập Kinh điển lần đầu tiên sau khi Ðức Phật nhập diệt. Mỗi bài kệ chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú, không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tra cứu các bản chú giải, và suy nghiệm từ các tu chứng tự thân thì mới mong thông ngộ và thấu đạt ý nghĩa của các lời dạy cao quý đó. Mỗi bài kệ là một nguồn cảm hứng cao đẹp, một lối đi mới lạ, một sức mạnh kỳ diệu giúp chúng ta có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến giác ngộ, giải thoát. (…)

Bình Anson,
tháng 6 – 1998,
Perth, Western Australia

1. Phẩm Song Yếu

1. “Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo “.

2. “Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình “.

3. “Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi ”
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

4. “Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi, ”
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

5. “Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu “.

6. “Người khác không hiểu biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai biết được
Tranh luận được lắng êm.”

7. “Ai sống nhìn tịnh tướng,
không hộ trì các căn,
ăn uống thiếu tiết độ,
biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
như cây yếu trước gió “.

8. “Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ,
có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió”

9. “Ai mặc áo cà sa,
tâm chưa rời uế trược,
không tự chế, không thực,
không xứng áo cà sa “.

10. “Ai rời bỏ uế trược,
giới luật khéo nghiêm trì,
tự chế, sống chơn thực,
thật xứng áo cà sa.”

11. “Không chân, tưởng chân thật,
Chân thật, thấy không chân
Họ không đạt chân thật
Do tà tư tà hạnh

12 “Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân.
Chúng đạt được chân thật,
do chánh tư, chánh hạnh.”

13 “Như ngôi nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.”

14 “Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập.”

15 “Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm.”

16 “Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui.
Người ấý vui, an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm.”

17 “Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than,
than rằng: “Ta làm ác ”
Ðọa cõi dữ, than hơn.”

18. “Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Mừng rằng: “Ta làm thiện “,
Sanh cõi lành, sướng hơn.”

19- “Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh.”

20- “Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh.”


2. Phẩm Không Phóng Dật

21. “Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết.
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật như chết rồi.”

22. “Biết rõ sai biệt ấy,
Người trí không phóng dật,
Hoan hỷ, không phóng dật,
An vui hạnh bậc Thánh.”

23. “Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn.
Bậc trí hưởng Niết Bàn,
Ách an tịnh vô thượng.”

24. “Nỗ lực, giữ chánh niệm,
Tịnh hạnh, hành thận trọng
Tự điều, sống theo pháp,
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng.”

25. “Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự.
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.”

26. “Họ ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý.”

27. “Chớ sống đời phóng dật,
Chớ mê say dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Ðạt được an lạc lớn.”

28. “Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng.”

29. “Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê.
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn.”

30. “Ðế Thích không phóng dật,
Ðạt ngôi vị Thiên chủ.
Không phóng dật, được khen;
Phóng dật, thường bị trách.”

31. “Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Bước tới như lửa hừng,
Thiêu kiết sử lớn nhỏ.”

32. “Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết Bàn.”


3. Phẩm Tâm

33. “Tâm hoảng hốt giao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên.”

34. “Như cá quăng trên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới;
Tâm này vũng vẫy mạnh,
Hãy đoạn thế lực Ma.”

35. “Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến.”

36. “Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến.”

37. “Chạy xa, sống một mình,
Không thân, ẩn hang sâu
Ai điều phục được tâm,
Thoát khỏi Ma trói buộc”

38. “Ai tâm không an trú,
Không biết chân diệu pháp,
Tịnh tín bị rúng động,
Trí tuệ không viên thành.”

39. “Tâm không đầy tràn dục,
Tâm không (hận) công phá,
Ðoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi,”

40. “Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí;
Giữ chiến thắng không tham”

41 “Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng.”

42. “Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân.”

43. “Ðiều mẹ cha bà con,
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn.”


4. Phẩm Hoa

44. “Ai chinh phục đất này
Dạ ma, Thiên giới này?
Ai khéo giảng Pháp cú,
Như người khéo hái hoa?”

45. “Hữu học chinh phục đất,
Dạ ma, Thiên giới này.
Hữu học giảng Pháp cú,
Như người khéo hái hoa.”

46. “Biết thân như bọt nước,
Ngộ thân là như huyễn,
Bẻ tên hoa của ma,
Vượt tầm mắt thần chết.”

47. “Người nhặt các loại hoa,
Ý đắm say, tham nhiễm,
Bị thần chết mang đi,
Như lụt trôi làng ngủ.”

48.Người nhặt các loại hoa,
Ý đắm say tham nhiễm,
Các dục chưa thỏa mãn,
Ðã bị chết chinh phục.”

49. “Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy.
Bậc Thánh đi vào làng “.

50. “Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn tự chính mình.
Có làm hay không làm.”

51. “Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc nhưng không hương.
Cũng vậy, lời khéo nói,
Không làm, không kết quả.”

52. “Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc lại thêm hương;
Cũng vậy, lời khéo nói,
Có làm, có kết quả.”

53. “Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được làm.
Cũng vậy, thân sanh tử,
Phải làm nhiều việc lành.”

54. “Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.”

55. “Hoa chiên đàn, già la,
Hoa sen, hoa vũ quý,
Giữa những hương hoa ấy,
Giới hương là vô thượng.”

56. “Ít giá trị hương này,
Hương già la, chiên đàn;
Chỉ hương người đức hạnh,
Tối thượng tỏa Thiên giới.”

57. “Nhưng ai có giới hạnh,
An trú không phóng dật,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Ác ma không thấy đường.”

58. “Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người.”

59. “Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với Tuệ Trí.”


5. Phẩm Ngu

60. “Ðêm dài cho kẻ thức,
Ðường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp.”

61. “Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.”

62. “Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu.”

63. “Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.”

64. “Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh.”

65. “Người trí, dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh.”

66. “Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.”

67. “Nghiệp làm không chánh thiện,
Làm rồi sanh ăn năn,
Mặt nhuốm lệ, khóc than,
Lãnh chịu quả dị thục.”

68. “Và nghiệp làm chánh thiện,
Làm rồi không ăn năn,
Hoan hỷ, ý đẹp lòng,
Hưởng thọ quả dị thục.”

69. “Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu chịu khổ đau.”

70. “Tháng tháng với ngọn cỏ,
Người ngu có ăn uống
Không bằng phần mười sáu
Người hiểu pháp hữu vi.”

71. “Nghiệp ác đã được làm,
Như sữa, không đông ngay,
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy.”

72. “Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu.
Vận may bị tổn hại,
Ðầu nó bị nát tan.”

73. “Ưa danh không tương xứng,
Muốn ngồi trước tỷ kheo,
Ưa quyền tại tịnh xá,
Muốn mọi người lễ kính.”

74. “Mong cả hai tăng, tục,
Nghĩ rằng (chính ta làm).
Trong mọi việc lớn nhỏ,
Phải theo mệnh lệnh ta ”
Người ngu nghĩ như vậy
Dục và mạn tăng trưởng.

75. “Khác thay duyên thế lợi,
Khác thay đường Niết Bàn.
Tỷ kheo, đệ tử Phật,
Hãy như vậy thắng tri.
Chớ ưa thích cung kính,
Hãy tu hạnh viễn ly.”


6. Phẩm Hiền Trí

76. “Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.”

77. “Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ác,
Ðược người hiền kính yêu,
Bị người ác không thích.”

78. “Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân.”

79. “Pháp hỷ đem an lạc,
Với tâm tư thuần tịnh;
Người trí thường hoan hỷ,
Với pháp bậc Thánh thuyết.”

80. “Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.”

81. “Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào giao động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động.”

82. “Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng, không khuấy đục,
Cũng vậy, nghe chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc.”

83. “Người hiền bỏ tất cả,
Người lành không bàn dục,
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không vui buồn.”

84. “Không vì mình, vì người.
Không cầu được con cái,
Không tài sản quốc độ,
Không cầu mình thành tựu,
Với việc làm phi pháp.
Vị ấy thật trì giới,
Có trí tuệ, đúng pháp.”

85. “Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.”

86. “Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát.”

87.Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng.
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc.”

88. “Hãy cầu vui Niết Bàn,
Bỏ dục, không sở hữu,
Kẻ trí tự rửa sạch,
Cấu uế từ nội tâm.”

89. “Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ.
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời.”


7. Phẩm A-La-Hán

90. “Ðích đã đến, không sầu,
Giải thoát ngoài tất cả,
Ðoạn trừ mọi buộc ràng,
Vị ấy không nhiệt não.”

91. “Tự sách tấn, chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn.”

92. “Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
“Không vô tướng, giải thoát, ”
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm.”

93. “Ai lậu hoặc đoạn sạch,
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xứ,
“Không, vô tướng giải thoát. ”
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm. “

94. “Ai nhiếp phục các căn,
Như đánh xe điều ngự,
Mạn trừ, lậu hoặc dứt,
Người vậy, Chư Thiên mến.”

95. “Như đất, không hiềm hận,
Như cột trụ, kiên trì,
Như hồ, không bùn nhơ,
Không luân hồi, vị ấy.”

96. “Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy.”

97. “Không tin, hiểu vô vi.
Người cắt mọi hệ lụy
Cơ hội tận, xả ly
Vị ấy thật tối thượng.”

98. “Làng mạc hay rừng núi
Thung lũng hay đồi cao,
La Hán trú chỗ nào,
Ðất ấy thật khả ái “.

99. “Khả ái thay núi rừng,
Chỗ người phàm không ưa,
Vị ly tham ưa thích,
Vì không tìm dục lạc.”


8. Phẩm Ngàn

100. “Dầu nói ngàn ngàn lời,
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn một câu nghĩa,
Nghe xong, được tịnh lạc.”

101. “Dầu nói ngàn câu kệ
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong, được tịnh lạc.”

102 “Dầu nói trăm câu kệ
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn một câu pháp,
Nghe xong, được tịnh lạc.”

103. “Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.”

104. “Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự.”

105. “Dầu Thiên Thần, Thát Bà,
Dầu Ma vương, Phạm Thiên
Không ai chiến thắng nổi,
Người tự thắng như vậy.”

106. “Tháng tháng bỏ ngàn vàng,
Tế tự cả trăm năm,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cùng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự.”

107. “Dầu trải một trăm năm,
Thờ lửa tại rừng sâu,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự.”

108. “Suốt năm cúng tế vật,
Ðể cầu phước ở đời.
Không bằng một phần tư
Kính lễ bậc chánh trực.”

109. “Thường tôn trọng, kính lễ
Bậc kỳ lão trưởng thượng,
Bốn pháp được tăng trưởng:
Thọ, sắc, lạc, sức mạnh.”

110.Dầu sống một trăm năm
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định.”

111. “Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định.
Tốt hơn sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định.”

112 “Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không tinh tấn,
Tốt hơn sống một ngày
Tinh tấn tận sức mình.”

113. “Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt.”

114. “Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử.”

115. “Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp tối thượng,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp tối thượng.”


9. Phẩm Ác

116. “Hãy gấp làm điều lành,
Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành,
Ý ưa thích việc ác.”

117. “Nếu người làm điều ác,
Chớ tiếp tục làm thêm.
Chớ ước muốn điều ác,
Chứa ác, tất chịu khổ.”

118. “Nếu người làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Chứa thiện, được an lạc.”

119. “Người ác thấy là hiền.
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác.”

120. “Người hiền thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi.
Khi thiện được chín muồi,
Người hiền thấy là thiện.”

121. “Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng “chưa đến mình “,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần.”

122. “Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng “Chưa đến mình, ”
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần.”

123. “Ít bạn đường, nhiều tiền,
Người buôn tránh đường hiểm.
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy.”

124. “Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc.
Không thương tích, tránh độc,
Không làm, không có ác.”

125. “Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi.”

126. “Một số sinh bào thai,
Kẻ ác sinh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Niết Bàn.”

127. “Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.”

128. “Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn khỏi tay thần chết.”


10. Phẩm Hình Phạt

129. “Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết.”

130. “Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người thích sống còn;
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.”

131. “Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Ðể tìm lạc cho mình,
Ðời sau không được lạc.”

132. “Chúng sanh cầu an lạc,
Không dùng trượng hại người,
Ðể tìm lạc cho mình,
Ðời sau được hưởng lạc.”

133. “Chớ nói lời ác độc,
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẩn nộ,
Ðao trượng phản chạm mình.”

134. “Nếu tự mình yên lặng,
Như chiếc chuông bị bể.
Ngươi đã chứng Niết Bàn
Ngươi không còn phẩn nộ.”

135. “Với gậy người chăn bò,
Lùa bò ra bãi cỏ;
Cũng vậy, già và chết,
Lùa người đến mạng chung.”

136. “Người ngu làm điều ác,
Không ý thức việc làm.
Do tự nghiệp, người ngu
Bị nung nấu, như lửa.”

137. “Dùng trượng phạt không trượng,
Làm ác người không ác.
Trong mười loại khổ đau,
Chịu gấp một loại khổ.”

138. “Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm.”

139. “Hoặc tai họa từ vua,
Hay bị vu trọng tội;
Bà con phải ly tán,
Tài sản bị nát tan.”

140. “Hoặc phòng ốc nhà cửa
Bị hỏa tai thiêu đốt.
Khi thân hoại mạng chung,
Ác tuệ sanh địa ngục.”

141. “Không phải sống lõa thể
Bện tóc, tro trét mình,
Tuyệt thực, lăn trên đất,
Sống nhớp, siêng ngồi xổm,
Làm con người được sạch,
Nếu không trừ nghi hoặc.”

142 “Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh, nhiếp phục,
Sống kiên trì, phạm hạnh,
Không hại mọi sinh linh,
Vị ấy là phạm chí,
Hay sa môn, khất sĩ.”

143. “Thật khó tìm ở đời,
Người biết thẹn, tự chế,
Biết tránh né chỉ trích
Như ngựa hiền tránh roi.”

144. “Như ngựa hiền chạm roi,
Hãy nhiệt tâm, hăng hái,
Với tín, giới, tinh tấn,
Thiền định cùng trạch pháp.
Minh hạnh đủ, chánh niệm,
Ðoạn khổ này vô lượng.”

145. “Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc tự điều, điều thân.”


11. Phẩm Già

146. “Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu?
Bị tối tăm bao trùm,
Sao không tìm ngọn đèn?”

147. “Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu.”

148. “Sắc này bị suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đỗ vỡ,
Chết chấm dứt mạng sống.”

149. “Như trái bầu mùa thu,
Bị vất bỏ quăng đi,
Nhóm xương trắng bồ câu,
Thấy chúng còn vui gì?”

150. “Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa.”

151. “Xe vua đẹp cũng già.
Thân này rồi sẽ già,
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện.”

152. “Người ít nghe kém học,
Lớn già như trâu đực.
Thịt nó tuy lớn lên,
Nhưng tuệ không tăng trưởng.”

153. “Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.”

154. “Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Ngươi không làm nhà nữa.
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.”

155. “Lúc trẻ, không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền.
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không tôm cá.”

156. “Lúc trẻ không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền;
Như cây cung bị gẫy,
Thở than những ngày qua.”


12. Phẩm Tự Ngã

157. “Nếu biết yêu tự ngã,
Phải khéo bảo vệ mình,
Người trí trong ba canh,
Phải luôn luôn tỉnh thức.”

158. “Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng.
Sau mới giáo hóa người,
Người trí khỏi bị nhiễm.”

159. “Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục!”

160. “Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược y chỉ khó được.”

161. “Ðiều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo.
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương, ngọc báu.”

162. “Phá giới quá trầm trọng,
Như dây leo bám cây
Gieo hại cho tự thân,
Như kẻ thù mong ước.”

163. “Dễ làm các điều ác,
Dễ làm tự hại mình.
Còn việc lành, việc tốt,
Thật tối thượng khó làm.”

164. “Kẻ ngu si miệt thị,
Giáo pháp bậc La Hán,
Bậc Thánh, bậc chánh mạng.
Chính do ác kiến này,
Như quả loại cây lau
Mang quả tự hoại diệt.”

165. “Tự mình, làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!”

166. “Chớ theo pháp hạ liệt.
Chớ sống mặc, buông lung;
Chớ tin theo tà kiến,
Chớ tăng trưởng tục trần.”


13. Phẩm Thế Gian

167. “Dầu lợi người bao nhiêu,
Chớ quên phần tư lợi,
Nhờ thắng trí tư lợi.
Hãy chuyên tâm lợi mình.”

168. “Nỗ lực, chớ phóng dật!
Hãy sống theo chánh hạnh;
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau.”

169. “Hãy khéo sống chánh hạnh,
Chớ sống theo tà hạnh!
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau.”

170. “Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như cảnh huyễn!
Quán nhìn đời như vậy,
Thần chết không bắt gặp.”

171. “Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say.”

172. “Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này.
Như trăng thoát mây che.”

173. “Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.”

174. “Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới.”

175. “Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời;
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này.”

176. “Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm.”

177. “Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Ðời sau, được hưởng lạc.”

178. “Hơn thống lãnh cõi đất,
Hơn được sanh cõi trời,
Hơn chủ trì vũ trụ,
Quả Dự Lưu tối thắng.”


14. Phẩm Phật Ðà

179. “Vị chiến thắng không bại,
Vị bước đi trên đời,
Không dấu tích chiến thắng,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi
Bậc không để dấu tích?”

180. “Ai giải tỏa lưới tham,
Ái phược hết dắt dẫn,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích?”

181. “Người trí chuyên thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Chư thiên đều ái kính,
Bậc chánh giác, chánh niệm.”

182. “Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp,
Khó thay, Phật ra đời!”

183. “Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.”

184. “Chư Phật thường giảng dạy;
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết bàn, quả tối thượng;
Xuất gia không phá người;
Sa môn không hại người.”

185. “Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy.”

186. “Dầu mưa bằng tiền vàng,
Các dục khó thỏa mãn.
Dục đắng nhiều ngọt ít,
Biết vậy là bậc trí.”

187. “Ðệ tử bậc chánh giác,
Không tìm cầu dục lạc,
Dầu là dục chư thiên,
Chỉ ưa thích ái diệt.”

188. “Loài người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp.”

189. “Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng.
Quy y các chỗ ấy,
Không thoát mọi khổ đau?”

190. “Ai quy y Ðức Phật,
Chánh pháp và chư tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế.”

191. “Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ não tận.”

192. “Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau.”

193. “Khó gặp bậc thánh nhơn,
Không phải đâu cũng có.
Chỗ nào bậc trí sanh,
Gia đình tất an lạc.”

194. “Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!”

195. “Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử,
Các bậc vượt hý luận,
Ðoạn diệt mọi sầu bi.”

196. “Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh, không sợ hãi,
Các công đức như vậy,
Không ai ước lường được.”


15. Phẩm An Lạc

197. “Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!”

198. “Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.”

199. “Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng.”

200. “Vui thay chúng ta sống,
Không gì, gọi của ta.
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm.”

201. “Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại.”

202. “Lửa nào sánh lửa tham?
Ác nào bằng sân hận?
Khổ nào sánh khổ uẩn,
Lạc nào bằng tịnh lạc.”

203. “Ðói ăn, bệnh tối thượng,
Các hành, khổ tối thượng,
Hiểu như thực là vậy,
Niết Bàn, lạc tối thượng.”

204 “Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng,
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng.
Niết Bàn, lạc tối thượng.”

205. “Ðã nếm vị độc cư,
Ðược hưởng vị nhàn tịnh,
Không sợ hải, không ác,
Nếm được vị pháp hỷ.”

206. “Lành thay, thấy thánh nhân,
Sống chung thường hưởng lạc.
Không thấy những người ngu,
Thường thường được an lạc.”

207. “Sống chung với người ngu,
Lâu dài bị lo buồn.
Khổ thay gần người ngu,
Như thường sống kẻ thù.
Vui thay, gần người trí,
Như chung sống bà con.”

208. “Bậc hiền sĩ, trí tuệ
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, Thánh nhân;
Hãy gần gũi, thân cận
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao.”


16. Phẩm Hỷ Ái

209. “Tự chuyên, không đáng chuyên
Không chuyên, việc đáng chuyên.
Bỏ đích, theo hỷ ái,
Ganh tị bậc tự chuyên.”

210. “Chớ gần gũi người yêu,
Trọn đời xa kẻ ghét.
Yêu không gặp là khổ,
Oán phải gặp cũng đau.”

211. “Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là ác;
Những ai không yêu ghét,
Không thể có buộc ràng.”

212. “Do ái sinh sầu ưu,
Do ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”

213. “Ái luyến sinh sầu ưu,
Ái luyến sinh sợ hải.
Ai giải thoát ái luyến
Không sầu, đâu sợ hải?”

214. “Hỷ ái sinh sầu ưu,
Hỷ ái sinh sợ hãi.
Ai giải thoát hỷ ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?

215. “Dục ái sinh sầu ưu,
Dục ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”

216. “Tham ái sinh sầu ưu,
Tham ái sinh sợ hãi.
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi.”

217. “Ðủ giới đức, chánh kiến;
Trú pháp, chứng chân lý,
Tự làm công việc mình,
Ðược quần chúng ái kính.”

218. “Ước vọng pháp ly ngôn
Ý cảm xúc thượng quả
Tâm thoát ly ác dục,
Xứng gọi bậc Thượng Lưu.”

219. “Khách lâu ngày ly hương,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng.”

220. “Cũng vậy các phước nghiệp,
Ðón chào người làm lành,
Ðời này đến đời kia.
Như thân nhân, đón chào.”


17. Phẩm Phẫn Nộ

221. “Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc.
Khổ không theo vô sản.”

222. “Ai chận được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ.”

223. “Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy.”

224. “Nói thật, không phẫn nộ,
Của ít, thí người xin,
Nhờ ba việc lành này,
Người đến gần thiên giới.”

225. “Bậc hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự,
Ðạt được cảnh bất tử,
Ðến đây, không ưu sầu.”

226. “Những người thường giác tỉnh,
Ngày đêm siêng tu học,
Chuyên tâm hướng Niết Bàn,
Mọi lậu hoặc được tiêu.”

227. “A-tu-la, nên biết,
Xưa vậy, nay cũng vậy,
Ngồi im, bị người chê,
Nói nhiều bị người chê.
Nói vừa phải, bị chê.
Làm người không bị chê,
Thật khó tìm ở đời.”

228. “Xưa, vị lai, và nay,
Ðâu có sự kiện này,
Người hoàn toàn bị chê,
Người trọn vẹn được khen.”

229. “Sáng sáng, thẩm xét kỹ.
Bậc có trí tán thán.
Bậc trí không tỳ vết,
Ðầy đủ giới định tuệ.”

230. “Hạnh sáng như vàng ròng,
Ai dám chê vị ấy?
Chư thiên phải khen thưởng,
Phạm Thiên cũng tán dương “.

231. “Giữ thân đừng phẫn nộ,
Phòng thân khéo bảo vệ,
Từ bỏ thân làm ác,
Với thân làm hạnh lành.”

232 “Giữ lời đừng phẫn nộ,
Phòng lời, khéo bảo vệ,
Từ bỏ lời thô ác,
Với lời, nói điều lành.”

233. “Giữ ý đừng phẫn nộ,
Phòng ý, khéo bảo vệ,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Với ý, nghĩ hạnh lành.’

234. “Bậc trí bảo vệ thân,
Bảo vệ luôn lời nói
Bảo vệ cả tâm tư,
Ba nghiệp khéo bảo vệ.”


18. Phẩm Cấu Uế

235. “Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Ðường trường thiếu tư lương.”

236. “Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Ðến Thánh địa chư Thiên.”

237. “Ðời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Ðường trường thiếu tư lương.”

238. “Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.”

239. “Bậc trí theo tuần tự.
Từng sát na trừ dần.
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình.”

240. “Như sét từ sắt sanh,
Sắt sanh lại ăn sắt,
Cũng vậy, quá lợi dưỡng
Tự nghiệp dẫn cõi ác.”

241. “Không tụng làm nhớp kinh,
Không đứng dậy, bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ sắc,
Phóng dật uế người canh”

242. “Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhớp kẻ thí,
Ác pháp là vết nhơ,
Ðời này và đời sau.”

243. “Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh, nhơ tối thượng,
Ðoạn nhơ ấy, tỷ kheo,
Thành bậc không uế nhiễm.”

244. “Dễ thay, sống không hổ
Sống lỗ mãng như quạ,
Sống công kích huênh hoang,
Sống liều lĩnh, nhiễm ô.”

245. “Khó thay, sống xấu hổ,
Thường thường cầu thanh tịnh.
Sống vô tư, khiêm tốn,
Trong sạch và sáng suốt.”

246. “Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người.”

247. “Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình.”

248. “Vậy người, hãy nên biết,
Không chế ngự là ác.
Chớ để tham phi pháp,
Làm người đau khổ dài.”

249. “Do tín tâm, hỷ tâm
Loài người mới bố thí.
Ở đây ai bất mãn
Người khác được ăn uống,
Người ấy ngày hoặc đêm,
Không đạt được tâm định?”

250. “Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy.
Người ấy ngày hoặc đêm,
Ðạt được tâm thiền định.”

251. “Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái! “

252. “Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó.
Lỗi người ta phanh tìm,
Như sàng trấu trong gạo,
Còn lỗi mình, che đậy,
Như kẻ gian dấu bài.”

253. “Ai thấy lỗi của người,
Thường sanh lòng chỉ trích,
Người ấy lậu hoặc tăng,
Rất xa lậu hoặc diệt.”

254. “Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không sa môn,
Chúng sanh thích hý luận,
Như lai, hý luận trừ.”

255. “Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không sa môn.
Các hành không thường trú,
Chư Phật không giao động.”


19. Phẩm Pháp Trụ

256. “Ngươi đâu phải pháp trụ,
Xử sự quá chuyên chế,
Bậc trí cần phân biệt
Cả hai chánh và tà!”

257. “Không chuyên chế, đúng pháp,
Công bằng, dắt dẫn người,
Bậc trí sống đúng pháp,
Thật xứng danh pháp trụ.”

258. “Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc trí.
An ổn, không oán sợ.
Thật đáng gọi bậc trí.”

259. Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì pháp,
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng pháp,
Không phóng túng chánh pháp,
Mới xứng danh trì pháp.”

260. Không phải là trưởng lão,
Dầu cho có bạc đầu.
Người chỉ tuổi tác cao,
Ðược gọi là: “Lão ngu.”

261. “Ai chân thật, đúng pháp,
Không hại, biết chế phục,
Bậc trí không cấu uế,
Mới xứng danh Trưởng Lão.”

262. “Không phải nói lưu loát,
Không phải sắc mặt đẹp,
Thành được người lương thiện,
Nếu ganh, tham, dối trá.”

263. “Ai cắt được, phá được
Tận gốc nhổ tâm ấy
Người trí ấy diệt sân,
Ðược gọi người hiền thiện.”

264. “Ðầu trọc, không sa môn
Nếu phóng túng, nói láo.
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi sa môn?”

265. “Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Ðược gọi là Sa môn.”

266. ” Chỉ khất thực nhờ người,
Ðâu phải là tỷ kheo!
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ.”

267. ” Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm Hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh tỷ kheo.”

268. “Im lặng nhưng ngu si,
Ðâu được gọi ẩn sĩ?
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành.”

269. ” Từ bỏ các ác pháp,
Mới thật là ẩn sĩ.
Ai thật hiểu hai đời
Mới được gọi ẩn sĩ.”

270. ” Còn sát hại sinh linh,
Ðâu được gọi Hiền thánh.
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền Thánh.”

271. “Chẳng phải chỉ giới cấm
Cũng không phải học nhiều,
Chẳng phải chứng thiền định,
Sống thanh vắng một mình.”

272. “Ta hưởng an ổn lạc,
Phàm phu chưa hưởng được.
Tỷ kheo, chớ tự tin
Khi lậu hoặc chưa diệt.”


20. Phẩm Ðạo

273. “Tám chánh, đường thù thắng,
Bốn câu, lý thù thắng.
Ly tham, pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng.”

274. “Ðường này, không đường khác
Ðưa đến kiến thanh tịnh.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn.”

275. “Nếu người theo đường này,
Ðau khổ được đoạn tận.
Ta dạy người con đường.
Với trí, gai chướng diệt.”

276. “Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma.”

277. “Tất cả hành vô thường ”
Với Tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh.”

278. “Tất cả hành khổ đau
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh.”

279. “Tất cả pháp vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh.”

280. “Khi cần, không nỗ lực,
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười
Chí nhu nhược, biếng nhác.
Với trí tuệ thụ động,
Sao tìm được chánh đạo?”

281. “Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo thánh nhân dạy.”

282. “Tu thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.”

283. “Ðốn rừng không đốn cây
Từ rừng, sinh sợ hãi;
Ðốn rừng và ái dục,
Tỷ kheo, hãy tịch tịnh.”

284. “Khi nào chưa cắt tiệt,
Ái dục giữa gái trai,
Tâm ý vẫn buộc ràng,
Như bò con vú mẹ.”

285. “Tự cắt giây ái dục,
Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh,
Niết-Bàn, Thiện Thệ dạy.”

286. “Mùa mưa ta ở đây
Ðông, hạ cũng ở đây,
Người ngu tâm tưởng vậy,
Không tự giác hiểm nguy.”

287. “Người tâm ý đắm say
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ. “

288. “Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở.”

289. “Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-Bàn.”


21. Phẩm Tạp Lục

290. “Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn.”

291. “Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng
Không sao thoát hận thù.”

292. “Việc đáng làm, không làm,
Không đáng làm, lại làm,
Người ngạo mạn, phóng dật,
Lậu hoặc ắt tăng trưởng.”

293. “Người siêng năng cần mẫn,
Thường thường quán thân niệm,
Không làm việc không đáng,
Gắng làm việc đáng làm,
Người tư niệm giác tỉnh,
Lậu hoặc được tiêu trừ.”

294. “Sau khi giết mẹ cha,
Giết hai Vua Sát lỵ,
Giết vương quốc, quần thần
Vô ưu, phạm chí sống.”

295. “Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà-la-môn,
Giết hổ tướng thứ năm
Vô ưu, phạm chí sống.”

296. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Phật Ðà thường niệm.”

297. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Chánh Pháp thường niệm”

298. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Tăng Già thường niệm.”

299. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng sắc thân thường niệm.”

300. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại.”

301. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán.”

302. “Vui hạnh xuất gia khó,
Tại gia sinh hoạt khó,
Sống bạn không đồng, khổ,
Trôi lăn luân hồi, khổ,
Vậy chớ sống luân hồi,
Chớ chạy theo đau khổ.”

303. “Tín tâm, sống giới hạnh
Ðủ danh xưng tài sản,
Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính.”

304. “Người lành dầu ở xa
Sáng tỏ như núi tuyết,
Người ác dầu ở gần
Như tên bắn đêm đen.”

305. “Ai ngồi nằm một mình.
Ðộc hành không buồn chán,
Tự điều phục một mình
Sống thoải mái rừng sâu.”


22. Phẩm Ðịa Ngục

306. “Nói láo đọa địa ngục
Có làm nói không làm,
Cả hai chết đồng đẳng,
Làm người, nghiệp hạ liệt.”

307. “Nhiều người khoác cà sa,
Ác hạnh không nhiếp phục.
Người ác, do ác hạnh,
Phải sanh cõi Ðịa ngục.”

308. “Tốt hơn nuốt hòn sắt
Cháy đỏ như lửa hừng,
Hơn ác giới, buông lung
Ăn đồ ăn quốc độ.”

309. “Bốn nạn chờ đợi người,
Phóng dật theo vợ người;
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Ðọa địa ngục, thứ bốn.”

310 “Mắc họa, đọa ác thú,
Bị hoảng sợ, ít vui.
Quốc vương phạt trọng hình.
Vậy chớ theo vợ người.”

311. “Như cỏ sa vụng nắm,
Tất bị họa đứt tay
Hạnh Sa môn tà vạy,
Tất bị đọa địa ngục.”

312. “Sống phóng đãng buông lung,
Theo giới cấm ô nhiễm,
Sống Phạm hạnh đáng nghi
Sao chứng được quả lớn?

313. “Cần phải làm, nên làm
Làm cùng tận khả năng
Xuất gia sống phóng đãng,
Chỉ tăng loạn bụi đời.”

314. “Ác hạnh không nên làm,
Làm xong, chịu khổ lụy,
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn.”

315. “Như thành ở biên thùy,
Trong ngoài đều phòng hộ
Cũng vậy, phòng hộ mình,
Sát na chớ buông lung.
Giây phút qua, sầu muộn.
Khi rơi vào địa ngục.”

316. “Không đáng hổ, lại hổ.
Việc đáng hổ, lại không.
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.”

317. “Không đáng sợ, lại sợ,
Ðáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú.”

318. “Không lỗi, lại thấy lỗi,
Có lỗi, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.”

319. “Có lỗi, biết có lỗi,
Không lỗi, biết là không,
Do chấp nhận chánh kiến,
Chúng sanh đi cõi lành.”


23. Phẩm Voi

320. “Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người.”

321. “Voi luyện, đưa dự hội,
Ngựa luyện, được vua cưỡi,
Người luyện, bậc tối thượng
Chịu đựng mọi phỉ báng.”

322. “Tốt thay, con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sin.
Ðại tượng, voi có ngà.
Tự điều mới tối thượng.”

323 “Chẳng phải loài cưỡi ấy,
Ðưa người đến Niết-Bàn,
Chỉ có người tự điều,
Ðến đích, nhờ điều phục.”

324. “Con voi tên Tài Hộ,
Phát dục, khó điều phục,
Trói buộc, không ăn uống.
Voi nhớ đến rừng voi.”

325. “Người ưa ngủ, ăn lớn
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi.”

326. “Trước tâm này buông lung,
Chạy theo ái, dục, lạc.
Nay Ta chánh chế ngự,
Như cầm móc điều voi.”

327. “Hãy vui không phóng dật,
Khéo phòng hộ tâm ý.
Kéo mình khỏi ác đạo,
Như voi bị sa lầy.”

328. “Nếu được bạn hiền trí
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy
Hoan hỷ sống chánh niệm.”

329. “Không gặp bạn hiền trí.
Ðáng sống chung, hạnh lành
Như vua bỏ nước bại,
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi.”

330. “Tốt Hơn sống một mình,
Không kết bạn người ngu.
Ðộc thân, không ác hạnh
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi.”

331. “Vui thay, bạn lúc cần!
Vui thay, sống biết đủ,
Vui thay, chết có đức!
Vui thay, mọi khổ đoạn.”

332. “Vui thay, hiếu kính mẹ,
Vui thay, hiếu kính cha,
Vui thay, kính Sa môn,
Vui thay, kính Hiền Thánh.”

333. “Vui thay, già có giới!
Vui thay, tín an trú!
Vui thay, được trí tuệ,
Vui thay, ác không làm.”


24. Phẩm Tham Ái

334. “Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như giây leo.
Nhảy đời này đời khác,
Như vượn tham quả rừng.”

335. “Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa.”

336. “Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen.”

337. “Ðây điều lành Ta dạy,
Các người tụ họp đây.
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi.
Chớ để ma phá hoại,
Như giòng nước cỏ lau.”

338. “Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài.”

339. “Ba mươi sáu dòng Ái,
Trôi người đốn khả ái.
Các tư tưởng tham ái.
Cuốn trôi người tà kiến.”

340. “Dòng ái dục chảy khắp,
Như giây leo mọc tràn,
Thấy giây leo vừa sanh,
Với tuệ, hãy đoạn gốc.”

341. “Người đời nhớ ái dục,
Ưa thích các hỷ lạc.
Tuy mong cầu an lạc,
Họ vẫn phải sanh già.”

342 “Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Họ sanh ái trói buộc,
Chịu khổ đau dài dài.”

343. “Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Do vậy vị tỷ kheo,
Mong cầu mình ly tham
Nên nhiếp phục ái dục.”

344. “Lìa rừng lại hướng rừng
Thoát rừng chạy theo rừng.
Nên xem người như vậy,
Ðược thoát khỏi buộc ràng.
Lại chạy theo ràng buộc.”

345. “Sắt, cây, gai trói buộc
Người trí xem chưa bền.
Tham châu báu, trang sức
Tham vọng vợ và con.”

346. “Người có trí nói rằng:
“Trói buộc này thật bền.
Rì kéo xuống, lún xuống,
Nhưng thật sự khó thoát.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ dục lạc, không màng.”

347. “Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ, không màng.”

348. “Bỏ quá, hiện, vị lai,
Ðến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già.”

349. “Người tà ý nhiếp phục,
Tham sắc bén nhìn tịnh,
Người ấy ái tăng trưởng,
Làm giây trói mình chặt.”

350. “Ai vui, an tịnh ý,
Quán bất tịnh, thường niệm,
Người ấy sẽ diệt ái,
Cắt đứt Ma trói buộc.”

351. “Ai tới đích, không sợ,
Ly ái, không nhiễm ô
Nhổ mũi tên sanh tử,
Thân này thân cuối cùng.”

352. “Ái lìa, không chấp thủ.
Cú pháp khéo biện tài
Thấu suốt từ vô ngại,
Hiểu thứ lớp trước sau.
Thân này thân cuối cùng
Vị như vậy được gọi,
Bậc Ðại trí, đại nhân.”

353. “Ta hàng phục tất cả,
Ta rõ biết tất cả,
Không bị nhiễm pháp nào.
Ta từ bỏ tất cả
Ái diệt, tự giải thoát.
Ðã tự mình thắng trí,
Ta gọi ai thầy ta?”

354. “Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!
Ái diệt, dứt mọi khổ!”

355. “Tài sản hại người ngu.
Không người tìm bờ kia
Kẻ ngu vì tham giàu,
Hại mình và hại người.”

356. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời.
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn.”

357. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân,
Do vậy được quả lớn.”

358. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Si làm hại người đời,
Bố thí người ly si,
Do vậy được quả lớn.”

359. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Dục làm hại người đời.
Bố thí người ly dục,
Do vậy được quả lớn.”


25. Phẩm Tỷ Kheo

360. “Lành thay, phòng hộ mắt!
Lành thay, phòng hộ tai.
Lành thay, phòng hộ mũi,
Lành thay, phòng hộ lưỡi.”

361. “Lành thay,phòng hộ thân!
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả.
Tỷ kheo phòng tất cả.
Thoát được mọi khổ đau.”

362. “Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định.
Ðộc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi tỷ kheo.”

363. “Tỷ kheo chế ngự miệng,
Vừa lời, không cống cao,
Khi trình bày pháp nghĩa,
Lời lẽ dịu ngọt ngào.”

364. “Vị tỷ kheo thích pháp,
Mến pháp, suy tư Pháp.
Tâm tư niệm chánh Pháp,
Không rời bỏ chánh Pháp.”

365. “Không khinh điều mình được,
Không ganh người khác được
Tỷ kheo ganh tị người,
Không sao chứng Thiền Ðịnh.”

366. “Tỷ kheo dầu được ít,
Không khinh điều mình được,
Sống thanh tịnh không nhác,
Chư thiên khen vị này.”

367. “Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp Ta, của Ta.
Không chấp, không sầu não.
Thật xứng danh Tỷ kheo.”

368. “Tỷ kheo trú từ bi,
Tín thành giáo Pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tỉnh.
Các hạnh an tịnh lạc.”

369. “Tỷkheo, tát thuyền này,
Thuyền không, nhẹ đi mau.
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết-Bàn.”

370. “Ðoạn năm, từ bỏ năm
Tụ tập năm tối thượng
Tỷ kheo vượt năm ái
Xứng danh “Vượt bộc lưu”

371. “Tỷ kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng
Bị đốt, chớ than khổ!”

372. “Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết-Bàn.”

373. “Bước vào ngôi nhà trống,
Tỷ kheo tâm an tịnh,
Thọ hưởng vui siêu nhân
Tịnh quán theo chánh pháp.”

374. “Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Ðược hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc bất tử biết.”

375. “Ðây Tỷ kheo có trí,
Tụ tập pháp căn bản
Hộ căn, biết vừa đủ,
Giữ gìn căn bản giới,
Thường gần gũi bạn lành,
Sống thanh tịnh tinh cần.”

376. “Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang.
Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau.”

377. “Như hoa Vassikà,
Quăng bỏ cánh úa tàn,
Cũng vậy vị Tỷ kheo,
Hãy giải thoát tham sân.”

378. “Thân tịnh, lời an tịnh,
An tịnh, khéo thiền tịnh.
Tỷ kheo bỏ thế vật,
Xứng danh “bậc tịch tịnh “.

379. “Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ kheo tự phòng hộ
Chánh niệm, trú an lạc.”

380. “Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền.”

381. “Tỷ kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc.”

382. “Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây.”


26. Phẩm Bà-La-Môn

383. “Hỡi này Bà là môn,
Hãy tinh tấn đoạn dòng,
Từ bỏ các dục lạc,
Biết được hành đoạn diệt,
Người là bậc vô vi.”

384. “Nhờ thường trú hai pháp
Ðến được bờ bên kia.
Bà-la-môn có trí,
Mọi kiết sử dứt sạch.”

385. “Không bờ này, bờ kia
Cả hai bờ không có,
Lìa khổ, không trói buộc
Ta gọi Bà-la-môn.”

386. “Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Ðạt được đích tối thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.”

387. “Mặt trời sáng ban ngày,
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát lỵ,
Thiền định sáng Phạm chí.
Còn hào quang đức Phật,
Chói sáng cả ngày đêm.”

388. “Dứt ác gọi Phạm chí,
Tịnh hạnh gọi Sa môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia.”

389. “Chớ có đập Phạm chí!
Phạm chí chớ đập lại!
Xấu thay đập Phạm chí
Ðập trả lại xấu hơn!”

390. “Ðối vị Bà-la-môn,
Ðây không lợi ích nhỏ.
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chận đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt,”

391. “Với người thân miệng ý,
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ,
Ta gọi Bà-la-môn.”

392. “Từ ai, biết chánh pháp
Bậc Chánh Giác thuyết giảng,
Hãy kính lễ vị ấy,
Như phạm chí chờ lửa.”

393. “Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh, tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn.”

394. “Kẻ ngu, có ích gì
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông.”

395. “Người mặc áo đống rác,
Gầy ốm, lộ mạch gân,
Ðộc thân thiền trong rừng.
Ta gọi Bà-la-môn.”

396 “Ta không gọi Phạm Chí,
Vì chỗ sanh, mẹ sanh.
Chỉ được gọi tên suông
Nếu tâm còn phiền não.
Không phiền não, chấp trước
Ta gọi Bà-la-môn.”

397. “Ðoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà-la-môn

398. “Bỏ đai da, bỏ cương
Bỏ dây, đồ sở thuộc,
Bỏ then chốt, sáng suốt,
Ta gọi Bà-la-môn.”

399. “Không ác ý, nhẫn chịu,
Phỉ báng, đánh, phạt hình,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà-la-môn.”

400. “Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục, thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn.”

401. “Như nước trên lá sen,
Như hột cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà-la-môn.”

402. “Ai tự trên đời này,
Giác khổ, diệt trừ khổ,
Bỏ gánh nặng, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.”

403. “Người trí tuệ sâu xa,
Khéo biết đạo, phi đạo
Chứng đạt đích vô thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.”

404. “Không liên hệ cả hai,
Xuất gia và thế tục,
Sống độc thân, ít dục,
Ta gọi Bà-la-môn.”

405. “Bỏ trượng, đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn.”

406. “Thân thiện giữa thù địch
Ôn hòa giữa hung hăng.
Không nhiễm, giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn.”

407. “Người bỏ rơi tham sân,
Không mạn không ganh tị,
Như hột cải đầu kim,
Ta gọi Bà-la-môn.”

408. “Nói lên lời ôn hòa,
Lợi ích và chân thật,
Không mất lòng một ai,
Ta gọi Bà-la-môn.”

409. “Ở đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà-la-môn.”

410. “Người không có hy cầu,
Ðời này và đời sau,
Không hy cầu, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.”

411. “Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thể nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà-la-môn.”

412. “Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà-la-môn.”

413 “Như trăng, sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu ái, được đoạn tận,
Ta gọi Bà là môn.”

414. “Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si,
Ðến bờ kia thiền định
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà-la-môn.”

415. “Ai ở đời, đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.”

416. “Ai ở đời đoạn ái
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Ái hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.”

417. “Bỏ trói buộc loài người,
Vượt trói buộc cõi trời.
Giải thoát mọi buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn.”

418. “Bỏ điều ưa, điều ghét,
Mát lạnh, diệt sanh y
Bậc anh hùng chiến thắng,
Nhiếp phục mọi thế giới,
Ta gọi Bà-la-môn.”

419. “Ai hiểu rõ hoàn toàn
Sanh tử các chúng sanh,
Không nhiễm, khéo vượt qua,
Sáng suốt chân giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.”

420. “Với ai, loài trời, người
Cùng với Càn thát bà,
Không biết chỗ thọ sanh
Lậu tận bậc La hán.
Ta gọi Bà-la-môn.”

421 “Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu không nắm,
Ta gọi Bà-la-môn.”

422. “Bậc trâu chúa, thù thắng
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, không nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.”

423. “Ai biết được đời trước,
Thấy thiên giới, đọa xứ,
Ðạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc mâu ni đạo sĩ.
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà-la-môn.”

1. Twin Verses

1. Mind precedes all knowables,
mind’s their chief, mind-made are they.
If with a corrupted mind
one should either speak or act
dukkha follows caused by that,
as does the wheel the ox’s hoof.

2. Mind precedes all knowables,
mind’s their chief, mind-made are they.
If with a clear, and confident mind
one should speak and act
happiness follows caused by that,
as one’s shadow ne’er departing.

3. Who bears within them enmity:
“He has abused and beaten me,
defeated me and plundered me”,
hate is not allayed for them.

4. Who bears within no enmity:
“He has abused and beaten me,
defeated me and plundered me”,
hate is quite allayed for them.

5. Never here by enmity
are those with enmity allayed,
they are allayed by amity,
this is the timeless Truth.

6. Still others do not understand
that we must perish in this world,
those who understand this,
their quarrels are allayed.

7. One who beauty contemplates,
whose faculties are unrestrained,
in food no moderation knows,
is languid, who is indolent:
that one does Mara overthrow
as wind a tree of little strength.

8. One who foulness contemplates,
whose faculties are well-restrained,
in food does moderation know,
is full of faith, who’s diligent:
that one no Mara overthrows,
as wind does not a rocky mount.

9. One who wears the stainless robe
who’s yet not free from stain,
without restraint and truthfulness
for the stainless robe’s unfit.

10. But one who is self-cleansed of stain,
in moral conduct firmly set,
having restraint and truthfulness
is fit for the stainless robe.

11. Conceiving the real in unreality
while seeing unreal the truly real,
roaming fields of thoughts ill-formed:
never they at the real arrive.

12. That which is real they know as real,
that unreal, to be unreal;
roaming fields of thought well-formed
they at the real arrive.

13. Even as the rain does penetrate
a house that’s badly thatched,
likewise lust does penetrate
the mind uncultivated.

14. As rain does never penetrate
a house that is well-thatched,
so lust does never penetrate
the mind well cultivated.

15. Here one grieves, one grieves hereafter,
in both ways does the evil-doer grieve;
one grieves and is afflicted,
one’s own base kammas seeing.

16. Here one joys, one joys hereafter,
in both ways does the merit-maker joy;
one joys and one rejoices,
one’s own pure kammas seeing.

17. Here one burns, one burns hereafter,
in both ways does the evil-doer burn;
evil I’ve done, remorsefully one burns,
and more one burns passed to realms of woe.

18. Here one’s glad, one’s glad hereafter,
in both ways is the merit-maker glad;
“Merit I’ve made”, serenely one is glad,
and more one’s glad passed to blissful states.

19. Though many sacred texts he chants
the heedless man’s no practicer,
as cowherd counting other’s kine
in samanaship he has no share.

20. Though few of the sacred texts he chants
in Dhamma does his practice run,
clear of delusion, lust and hate,
wisdom perfected, with heart well-freed,
not clinging to this or other world,
in samanaship he has a share


2. Heedfulness

21. Heedfulness is the Deathless path,
heedlessness, the path to death.
Those who are heedful do not die,
heedless are like the dead.

22. The wise then, recognizing this
as the distinction of heedfulness,
pleased with the spheres of Nobles Ones,
in heedfulness rejoice.

23. They meditate persistently,
constantly they firmly strive,
the steadfast to Nibbana reach,
the Unexcelled Secure from bonds.

24. Assiduous and mindful,
pure kamma making, considerate,
restrained, by Dhamma living,
and in heedfulness,
for one such spreads reknown.

25. By energy and heedfulness,
by taming and by self-control,
the one who’s wise should make as isle
no flood can overwhelm.

26. Foolish folk of little wit
in heedlessness indulge,
the one who’s wise guards heedfulness
kin to the greatest wealth.

27. Don’t indulge in heedlessness!
Don’t come near to sexual joys!
The heedful and contemplative
attains abundant bliss.

28. When one who’s wise does drive away
heedlessness by heedfulness,
having ascended wisdom’s tower
steadfast, one surveys the fools,
griefless, views the grieving folk,
as mountaineer does those below.

29. Among the heedless, heedful,
among the sleepy, wide awake.
As the swift horse outruns a hack
so one of good wisdom wins.

30. Heedfulness is always praised,
heedlessness is ever blamed.
By heedfulness did Magha go
to lordship of the gods.

31. The bhikkhu liking heedfulness,
seeing fear in heedlessness,
advances as a conflagration
burning fetters great and small.

32. The bhikkhu liking heedfulness,
seeing fear in heedlessness,
never will he fall away,
near is he to Nibbana.


3. Mind

33. Mind agitated, wavering,
hard to guard and hard to check,
one of wisdom renders straight
as arrow-maker a shaft.

34. As fish from watery home
is drawn and cast upon the land,
even so flounders this mind
while Mara’s Realm abandoning.

35. The mind is very hard to check
and swift, it falls on what it wants.
The training of the mind is good,
a mind so tamed brings happiness.

36. The mind is very hard to see
and find, it falls on what it wants.
One who’s wise should guard the mind,
a guarded mind brings happiness.

37. Drifting far, straying all alone,
formless, recumbent in a cave.
They will be free from Mara’s bonds
who do restrain this mind.

38. One of unsteady mind,
who doesn’t know True Dhamma,
who is of wavering confidence
wisdom fails to win.

39. One of unflooded mind,
a mind that is not battered,
abandoning evil, merit too,
no fear for One Awake.

40. Having known this urn-like body,
made firm this mind as fortress town,
with wisdom-weapon one fights Mara
while guarding booty, unattached.

41. Not long alas, and it will lie
this body, here upon the earth.
Discarded, void of consciousness,
useless as a rotten log.

42. Whatever foe may do to foe,
or haters those they hate
the ill-directed mind indeed
can do one greater harm.

43. What one’s mother, what one’s father,
whatever other kin may do,
the well directed mind indeed
can do greater good.


4. Flowers

44. Who will comprehend this earth,
the world of Yama, and the gods?
Who will discern the well-taught Dhamma
as one who’s skilled selects a flower?

45. One Trained will comprehend this earth,
the world of Yama, and the gods,
One Trained discerns the well-taught Dhamma
as one who’s skilled selects a flower.

46. Having known this froth-like body
and awakening to its mirage nature,
smashing Mara’s flowered shafts
unseen beyond the Death-king go.

47. For one who has a clinging mind
and gathers only pleasure-flowers,
Death does seize and carry away
as great flood a sleeping village.

48. For one of desires insatiate
who gathers only pleasure-flowers,
for one who has a clinging mind
Death the sovereign overpowers.

49. Just as a bee in a flower
harming neither hue nor scent
gathers nectar, flies away,
so in towns a Wise One fares.

50. Not others’ opposition
nor what they did or failed to do,
but in oneself should be sought
things done, things left undone.

51. Just as a gorgeous blossom
brilliant but unscented,
so fruitless the well-spoken words
of one who does not act.

52. Just as a gorgeous blossom,
brilliant and sweet-scented,
so fruitful the well-spoken words
of one who acts as well.

53. As from a mass of flowers
many a garland may be made,
so by one born mortal
should many good deeds be done.

54. The fragrance of flowers drifts with the wind
as sandalwood, jasmine of lavender.
The fragrance of the virtuous sweeps the wind,
all pervasive is virtue of the good.

55. Sandalwood or lavender,
lotus or the jasmine great,
of these many fragrances
virtue’s fragrance is supreme.

56. Faint is this fragrance
of lavender and sandalwood,
but fragrance of the virtuous
soars sublime amongst the gods.

57. Of those with perfect virtue
who dwell in heedfulness,
freed by Final Knowledge:
Mara cannot know their path.

58. As beside the highroad
where rubbish in a pit is flung
there flourishes the lotus bloom
fragrant and the mind’s delight.

59. So among rubbish-beings,
common humans blind-become,
the Perfect Buddha’s pupil
outshines with wisdom bright.


5. Fools

60. Long is the night for the sleepless,
long is the league for the weary one,
samsara’s way is long for fools
who know not the Dhamma True.

61. If a wayfarer fails to find
one better or equal,
steadfast he should fare alone
for a fool’s no fellowship.

62. “Sons have I, wealth have I”,
thus the fool is fretful.
He himself is not his own,
how then are sons, how wealth?

63. Conceiving so his foolishness
the fool is thereby wise,
while “fool” is called that fool
conceited that he’s wise.

64. Though all through life the fool
might wait upon the wise,
no more Dhamma can he sense
than spoon the taste of soup.

65. Though briefly one intelligent
might wait upon the wise,
quickly Dhamma he can sense
as tongue the taste of soup.

66. Fools of feeble wisdom fare
enemies to themselves,
making evil kamma
which is of bitter fruit.

67. That kamma’s not well-made
from which there is remorse,
of which one senses the result
with weeping and a tear-stained face.

68. But well-made is that kamma
which done brings no remorse,
of which one senses the result
with glad mind and with joy.

69. When evil kamma’s immature
the fool thinks it is honeyed,
but when the evil has matured
then to the fool comes dukkha.

70. Month after month with blady-grass tip
the fool may take his food;
he’s not worth the slightest bit
of one who Dhamma knows.

71. As milk, is evil kamma done,
so slowly does it sour.
Smouldering does it follow the fool
like fire with ashes covered.

72. Truly to his detriment
skill is born to the fool;
ruined is his better nature
and scattered are his wits.

73. For position a fool may wish:
among the bhikkhus precedence,
in monasteries authority,
from other families honours.

74. Both monks and laymen, let them think
“This was done by me,
whatever the works, both great and small,
let them depend on me”.
Such the intention of a fool,
swollen his greed and conceit.

75. One is the way to worldly gain,
another to Nibbana goes.
Clearly comprehending this
the bhikkhu, Buddha’s follower
should wallow not in proffered gifts,
surrendering instead to solitude.


6. The Wise

76. Should one a man of wisdom meet
who points out faults and gives reproof,
who lays a hidden treasure bare,
with such a sage should one consort.
Consorting so is one enriched
and never in decline.

77. Let him exhort, let him instruct,
and check one from abasement.
Dear indeed is he to the true,
not dear is he to the false.

78. Don’t go around with evil friends,
with rogues do not resort.
Spend your time with noble friends,
and worthy ones consort.

79. Happy is he who Dhamma drinks
with heart that’s clear and cool.
One so wise e’er delights
in Dhamma declared by the Noble.

80. Irrigators govern waters,
fletchers fashion shafts,
as joiners shape their timber
those who are wise tame themselves.

81. Just as a mighty boulder
stirs not with the wind,
so the wise are never moved
either by praise or blame.

82. Even as a fathomless lake,
a lake so calm and clear,
so dhammas having heard
serene the wise become.

83. Everything the good renounce,
the peaceful chatter not of fond delights,
and whether touched by pleasure or pain
nor joy or woe in the wise is seen.

84. Neither for one’s own, nor for another’s sake
one should wish for children, wealth and estate,
nor success desire by means unjust,
thus virtuous, and wise, righteous one would be.

85. Among folk they are few
who go to the Further Shore,
most among humanity
scurry on this hither shore.

86. But they who practise Dhamma
according to Dhamma well-told,
from Death’s Domain hard to leave
they’ll cross to the Further Shore.

87. Abandoning the Dhammas dark
the wise should cultivate the bright,
having from home to homeless gone
in solitude unsettling.

88. Let them desire that rare delight
renouncing pleasures, owing nought,
those wise ones should cleanse themselves
from all defilements of the mind.

89. Those who come to Wakening
with mind full-cultivated,
delight, no longer clinging,
in relinquishing attachment:
they, without pollution, radiant,
in this world have reached Nibbana.


7. The saints

90. With journey finished and sorrowless,
from everything completely free,
for one who has loosened all the ties
passion’s fever is not found.

91. Mindful Ones exert themselves,
in no abode do they delight,
as swans abandoning their lake
home after home they leave behind.

92. For those who don’t accumulate,
who well reflect upon their food,
they have as range the nameless and
the void of perfect freedom too.
As birds that wing through space,
hard to trace their going.

93. For whom pollutions are destroyed,
not attached to any food,
he has as range the nameless and
the void of perfect freedom too.
As birds that wing through space,
hard to trace his going.

94. Whose faculties are pacified
as steeds by charioteers well-tamed,
with pride abandoned, unpolluted,
to even devas this One’s dear.

95. Like earth is one who’s well-behaved,
secure and not resentful,
as city-post, as filth-free lake,
no wanderings-on for One Who’s Thus.

96. Peaceful his mind and peaceful
his speech and actions too,
perfect in knowledge of freedom,
One Thus is of utmost peace.

97. With no beliefs, the Unmade known,
with fetters finally severed,
with kammas cut and craving shed,
attained to humanity’s heights.

98. Whether in town or woods,
whether in vale, on hill,
wherever dwell the Arahants
so pleasing there the earth.

99. Delightful are the forests
where folk do not delight,
there the Passionless delight,
they’re not pleasure-seekers.


8. Thousands

100. Though a thousand speeches be
composed of meaningless lines,
better the single meaningful line
one hears, then comes to calm.

101. Though a thousand verses be
composed of meaningless lines,
better the single line of verse
one hears, then comes to calm.

102. Though a hundred verses chant
composed of meaningless lines,
better the single Dhamma line
one hears, then comes to calm.

103. Though thousand times a thousand men
in battle one may conquer,
yet should one conquer just oneself
one is the greatest conqueror.

104. Greater the conquest of oneself
than subjugating others,
that one who’s always well-restrained,
that one who’s tamed of self .

105. Neither deva nor minstrel divine,
nor Mara together with Brahma,
can overthrow the victory
of such a one as this.

106. Month by month for a hundred years
a thousand one might sacrifice,
but if for only a moment one
might honour the self-developed,
such honour then were better by far
than a century of sacrifice.

107. One might tend for a hundred years
the forest’s sacred fire,
but if for only a moment one
might honour the self-developed,
such honour then were better by far
than a century of sacrifice.

108. Whatever one who merit seeks
should for a year make sacrifice,
all comes not to a quarter part
of honouring the Noble.

109. For one of respectful nature
who ever the elders honours,
long life and beauty, joy and strength,
these qualities increase.

110. Though one should live a hundred years
foolish, uncontrolled,
yet better is life for a single day
moral and meditative.

111. Though one should live a hundred years
foolish, uncontrolled,
yet better is life for a single day
wise and meditative.

112. Though one should live a hundred years
lazy, of little effort,
yet better is life for a single day
strongly making effort.

113. Though one should live a hundred years
not seeing rise and fall,
yet better is life for a single day
seeing rise and fall.

114. Though one should live a hundred years
not seeing the Deathless State,
yet better is life for a single day
seeing Deathlessness.

115. Though one should live a hundred years
not seeing Dhamma Supreme,
yet better is life for a single day
seeing Dhamma Supreme.


9. Evil

116. Make haste towards the good
and check the mind from evil.
The one who’s is slow in making merit
delights in the mind in evil.

117. If one should some evil do
then do it not again and again.
Do not wish for it anew
for evil grows to dukkha.

118. If one should some merit make
do it again and again.
One should wish for it anew
for merit grows to joy.

119. As long as evil ripens not
even the evil one goodness knows,
but when the evil ripens
then that person evil knows.

120. As long as goodness ripens not
even the good one evil knows,
but when the goodness ripens
then that person knows the good.

121. Think lightly not of evil,
“It will not come to me”,
for by the falling of water drops
a water jar is filled.
The fool with evil fills himself,
he soaks up little by little.

122. Think lightly not of goodness,
“It will not come to me”,
for by the falling of water drops
a water jar is filled.
The sage with goodness fills himself,
he soaks up little by little.

123. As merchant on a perilous path,
great wealth having little guard,
as life-loving man with poison
so with evil heedful be.

124. If in the hand’s no wound
poison one may bear.
A woundless one is poisoned not,
non-doers have no evil.

125. Who offends the inoffensive,
the innocent and blameless one,
upon that fool does evil fall
as fine dust flung against the wind.

126. Some find birth within a womb,
evil-doer quicken in hell,
good-farers to the heavens go,
the Unpolluted wholly cool.

127. Neither in sky nor surrounding by sea,
nor by dwelling in a mountain cave,
nowhere is found that place in earth
where one’s from evil kamma free.

128. Neither in sky nor surrounding by sea,
nor by dwelling in a mountain cave,
nowhere is found that place in earth
where one’s by Death not overcome.


10. Punishment

129. All tremble at force,
of death are all afraid.
Likening others to oneself
kill not nor cause to kill.

130. All tremble at force,
dear is life to all.
Likening others to oneself
kill not nor cause to kill.

131. Whoever harms with force
those desiring happiness,
as seeker after happiness
one gains no future joy.

132. Whoever doesn’t harm with force
those desiring happiness,
as seeker after happiness
one then gains future joy.

133. Speak not harshly to other folk,
speaking so, they may retort.
Dukkha indeed is quarrelsome speech
and force for force may hurt you.

134. If like a broken gong
never you reverberate,
quarreling’s not part of you,
that Nibbana’s reached.

135. As with force the cowherds drive
their cattle out to graze,
like this decay and death drive out
the life from all beings.

136. When the fool does evil deeds
their end he does not know,
such kamma burns the one unwise
as one who’s scorched by fire.

137. Whoever forces the forceless
or offends the inoffensive,
speedily comes indeed
to one of these ten states:

138. Sharp pain or deprivation,
or injury to the body,
or to a serious disease,
derangement of the mind;

139. Troubled by the government,
or else false accusation,
or by loss of relatives,
destruction of one’s wealth;

140. Or one’s houses burn
on raging conflagration,
at the body’s end, in hell
arises that unwise one.

141. Not going naked, nor matted hair, nor filth,
nor fasting, not sleeping on bare earth,
no penance on heels, nor sweat nor grime
can purify a mortal still overcome by doubt.

142. Even though adorned, if living in peace
calm, tamed, established in the holy life,
for beings all laying force aside:
one pure, one peaceful, a bhikkhu is he.

143. Where in the world is found
one restrained by shame,
awakened out of sleep
as splendid horse with whip?

144. As splendid horse touched with whip,
be ardent, deeply moved,
by faith and virtue, effort too,
by meditation, Dhamma’s search,
by knowledge, kindness, mindfulness;
abandon dukkha limitless!

145. Irrigators govern water,
fletchers fashion shafts,
as joiners shape their timber
those of good conduct tame themselves.


11. Old Age

146. Why this laughter, why this joy,
when it’s ever blazing?
Shrouded all about by gloom
won’t you look for the light?

147. See this body beautiful
a mass of sores, a congeries,
much considered but miserable
where nothing’s stable, nothing persists.

148. All decrepit is this body,
diseases’ nest and frail;
this foul mass is broken up
for life does end in death.

149. These dove-hued bones
scattered in Fall,
like long white gourds,
what joy in seeing them?

150. This city’s made of bones
plastered with flesh and blood,
within are stored decay and death,
besmearing and conceit.

151. Even rich royal chariots rot,
the body too does rot, decay,
but undecaying’s Dhamma of the Good;
who to the good declare.

152. Just as the ox grows old
so this man of little learning:
his fleshiness increases,
his wisdom doesn’t grow.

153. Through many of samsara’s births
I hasten seeking, finding not
the builder of this house:
pain is birth again, again.

154. O Builder of this house, you’re seen!
you shall not build a house again;
all you beams have given away,
rafters of the ridge decayed,
mind to the Unconditioned gone,
exhaustion of craving has it reached.

155. Who have not led the holy life
nor riches won while young,
they linger on as aged cranes
around a fished-out pond.

156. Who have not led the holy life
nor riches won while young,
they languish on, worn-out bows,
sighing for the past.


12. Self

157. If one holds oneself as dear,
protected, one protects oneself.
One who’s wise should be aware
through all the watches three.

158. One should first establish
oneself in what is proper.
One may then teach others,
and wise, one is not blamed.

159. As one teaches others
so should one do oneself.
Well-tamed, on may tame others,
oneself to tame is hard.

160. Oneself is refuge of oneself,
who else indeed could refuge be?
By good training of oneself
one gains a refuge hard to gain.

161. By oneself is evil done,
it’s born of self and self-produced.
Evil grinds the unwise one
as diamond does the hardest gem.

162. He whose conduct’s very bad
like oak-tree choked with ivy,
so he does towards himself
what enemies would wish.

163. Easy is what’s bad to do,
what’s harmful to oneself.
But what is good, of benefit,
is very hard to do.

164. Whatever man unwise relies
on evil views and so condemns
the Teaching of the Arahants,
or Noble Ones who Dhamma live,
he, as a bamboo fruiting,
fruits to self-destruction.

165. By oneself is evil done,
by oneself defiled,
by oneself it’s left undone,
by self alone one purified.
Purity, impurity on oneself depend,
no one can purify another.

166. Let none neglect their good
for others’ good however great.
Know well oneself’s own good
and to that good attend.


13. World

167. Do not follow base desires,
nor live with heedlessness,
do not follow wrong beliefs
to grow in worldly ways.

168. Rouse yourself, be diligent,
in Dhamma faring well.
Who dwells in Dhamma’s happy
in this birth and the next.

169. Fare in Dhamma coursing well,
in evil courses do not fare.
Who dwells in Dhamma’s happy
in this birth and the next.

170. Just as a bubble may be seen,
just as a faint mirage,
so should the world be viewed
that the Death-king sees one not.

171. Come, look upon this world
like to a rich, royal chariot
wherein fools lounge at ease
but alert ones linger not.

172. Whoso was heedless formerly
but later lives with heedfulness
illuminates all this world
as moon when free of clouds.

173. Who by wholesome kamma
covers up the evil done
illumines all this world
as moon when free from clouds.

174. This world is blind-become
few are here who see within
as few the birds break free from net
so those who go to heavens.

175. Swans upon the sun’s path fly,
the powerful through space,
conquering Mara and his host
away from the world the wise are led.

176. For one who falsely speaks,
who disregards the Dhamma,
who other lives denies:
no evil this one will not do.

177. To heavenly realms the mean don’t fare,
fools magnanimity ne’er acclaim,
but the one of wisdom rejoices at giving
and happy will be in future lives.

178. Than o’er the earth sole sovereignty,
than going unto heaven,
than lordship over all the worlds:
better the Steam-winner’s Fruit.


14. The Buddha

179. That Buddha traceless of infinite range
whose victory none may e’er undo,
whose vanquished follow to no world,
then by which track will you trace him?

180. That Buddha traceless of infinite range
in whom’s no entangling craving
and no ensnaring not anywhere leading,
then by which track will you trace him?

181. E’er intent on concentration,
joyful in peace of letting go,
mindful, wise, the perfect Buddhas,
to even devas they are dear.

182. Human birth is hard to gain,
hard for mortals is their life,
to come to Dhamma True is hard,
rare the Buddhas’ arising.

183. Every evil never doing
and in wholesomeness increasing
and one’s heart well-purifying:
this is the Buddhas’ Teaching.

184. Patience’s the austerity supreme,
“Nibbana’s supreme” the Buddhas say.
One who irks or others harms
is not ordained or monk become.

185. Not reviling, neither harming,
well-restrained in Patimokha,
knowing reason in one’s food,
dwelling far in solitude,
and striving in the mind sublime:
this is the Buddhas’ Teaching.

186. Not by rain of golden coins
is found desires’ satiety,
desires are dukkha, of little joy,
thus a wise one understands.

187. Even with pleasures heavenly
that one finds no delight,
the perfect Buddha’s pupil
delights in craving’s end.

188. Many a refuge do they seek
on hills, in woods, to sacred trees,
to monasteries and shrines they go;
folk by fear tormented.

189. Such refuge isn’t secure,
such refuge isn’t supreme.
From all dukkha one’s not free
unto that refuge gone.

190. But going for refuge to Buddha,
to Dhamma and the Sangha too,
one sees with perfect wisdom
the tetrad of the Noble Truths:

191. Dukkha, its causal arising,
the overcoming of dukkha,
and the Eight-fold Path that’s Noble
leading to dukkha’s allaying.

192. Such refuge is secure,
such refuge is supreme.
From all dukkha one is free
unto that refuge gone.

193. Hard to find the pure and noble
who isn’t born just anywhere,
wherever one so wise is born
that family thrives happily.

194. Blessed is the birth of Buddhas,
blest True Dhamma’s Teaching,
blest the Sangha’s harmony
and blessed is their striving.

195. Who venerates the venerable
Buddhas or their disciples,
have overcome the manifold,
grief and lamentation left.

196. They who are “Thus”, venerable,
cool and free from every fear –
no one is able to calculate
their merit as “just-so-much”.


15. Happiness

197. We the unhating live
happily midst the haters,
among the hating humans
from hatred dwell we free.

198. We who are healthy live
happily midst the unhealthy,
among unhealthy humans
from ill-health dwell we free.

199. We the unfrenzied live
happily midst the frenzied,
among the frenzied humans
from frenzy dwell we free.

200. We for whom there’s nought
live indeed so happily,
joy-sustained we’ll be
like resplendent gods.

201. Victory gives rise to hate,
those defeated lie in pain,
happily rest the Peaceful
surrendering victory-defeat.

202. There’s no fire like lust,
no evil like aversion,
no dukkha like the aggregates,
no higher bliss than Peace.

203. Hunger is the greatest ill,
the greatest dukkha – conditionedness,
knowing this reality at it is:
Nibbana bliss supreme.

204. Health’s the greatest gain,
contentment, best of wealth,
trusting’s best of kin,
Nibbana bliss supreme.

205. Having drunk of solitude
and tasted Peace Sublime,
free from sorrow, evil-free,
one drinks of Dhamma’s joy.

206. So fair’s the sight of Noble Ones,
ever good their company,
by relating not to fools
ever happy one may be.

207. Who moves among fool’s company
must truly grieve for long,
for ill the company of fools
as ever that of foes,
but weal’s a wise one’s company
as meeting of one’s folk.

208. Thus go with the steadfast, wise, well-versed,
firm of virtue, practice-pure,
Ennobled “Such”, who’s sound, sincere,
as moon in wake of the Milky Way.


16. Affection

209. One makes an effort where none’s due
with nothing done where effort’s due,
one grasps the dear, gives up the Quest
envying those who exert themselves.

210. Don’t consort with dear ones
at any time, nor those not dear,
’tis dukkha not to see the dear,
’tis dukkha seeing those not dear.

211. Others then do not make dear
for hard’s the parting from them.
For whom there is no dear, undear
in them no bonds are found.

212. From endearment grief is born,
from endearment fear,
one who is endearment-free
has no grief — how fear?

213. From affection grief is born,
from affection fear,
one who is affection-free
has no grief — how fear?

214. From lustfulness arises grief,
from lustfulness springs fear,
one wholly free of lustfulness
has no grief — how fear?

215. From attachment grief is born,
from attachment fear,
one who is attachment-free
has no grief — how fear?

216. Out of craving grief is born,
out of craving fear,
one fully freed of craving
has no grief — how fear?

217. Perfect in virtue and insight,
firm in Dhamma, knower of Truth,
dear to the people’s such a one
who does what should be done.

218. One with a wish for the Undeclared,
with mind so well-pervaded,
a mind not bound in pleasures of sense,
an “upstream-goer’s” called.

219. One who’s long away from home
returns in safety from afar,
then friends, well-wishers, kinsmen too
are overjoyed at his return.

220. In the same way, with merit done
when from this world to another gone
those merits then receive one there
as relatives a dear one come.


17. Anger

221. Anger and pride should one forsake,
all fetters cast aside,
dukkha’s none where no desire,
no binding to body or mind.

222. Who checks arising anger
as with chariot away,
that one I call a charioteer,
others merely grip the reins.

223. Anger conquer by amity,
evil conquer with good,
by giving conquer miserly,
with truth the speaker of falsity.

224. Speak truth and be not angry,
from little give to one who asks,
by these conditions three to go
unto the presence of the gods.

225. Those sages inoffensive
in body e’er restrained
go unto the Deathless State
where gone they grieve no more.

226. For the ever-vigilant
who train by day and night
upon Nibbana e’er intent
pollutions fade away.

227. An ancient saying, Atula,
not only said today —
“They are blamed who silent sit,
who often speak they too are blamed,
and blamed are they of measured speech” —
there’s none in the world unblamed.

228. There never was, there’ll never be
nor now is ever found
a person blamed perpetually
or one who’s wholly praised.

229. But those who are intelligent
praise one of flawless conduct, sage,
in wisdom and virtue well-composed,
having observed him day by day.

230. Who’s to blame that one so fine
as gem from Jambu stream?
Even the devas that one praise,
by Brahma too is praised.

231. Rough action one should guard against,
be with body well-restrained,
bad bodily conduct having shed
train oneself in good.

232. Rough speaking one should guard against,
be in speaking well-restrained,
bad verbal conduct having shed
train oneself in good.

233. Rough thinking one should guard against,
be in thinking well-restrained,
bad mental conduct having shed
train oneself in good.

234. Restrained in body are the wise,
in speech as well they are restrained,
likewise are they restrained in mind,
they’re perfectly restrained.


18. Impurities

235. Now a withered leaf you are
and now Death’s men draw near,
now you stand at the parting gates
but waybread you have none.

236. Make an island of yourself,
quickly strive and wise become,
freed from stain and passionless
to go to the pure Abodes.

237. Even now the end draws near,
to the presence of death you’ve fared.
Along the path’s no place for rest
and waybread you have none.

238. Make an island of yourself,
quickly strive and wise become,
freed from stain and passionless
you’ll not return, take flesh, decay.

239. Little by little, time after time,
successively then let the sage
blow away all blemishes
just as a smith with silver.

240. As rust arisen out of iron
itself that iron eats away,
so kammas done beyond what’s wise
lead to a state of woe.

241. For oral tradition, non-recitation,
in household life, non-exertion,
the fair of form when slovenly,
a sentry’s sloth: all blemishes.

242. In woman, conduct culpable,
with givers, avariciousness,
all blemishes these evil things
in this world or the next.

243. More basic than these blemishes
is ignorance, the worst of all.
Abandoning this blemish then,
be free of blemish, monks!

244. Easy the life for a shameless one
who bold and forward as a crow,
is slanderer and braggart too:
this one’s completely stained.

245. But hard the life of a modest one
who always seeks for purity,
who’s cheerful though no braggart,
clean-living and discerning.

246. In the world who life destroys,
who words of falsity speaks,
who takes what is not freely given
or to another’s partner goes.

247. Or has distilled, fermented drinks:
Who with abandon follows these
extirpates the root of self
even here in this very world.

248. Therefore friend remember this;
Hard to restrain are evil acts,
don’t let greed and wickedness
down drag you long in dukkha.

249. People give as they have faith,
as they are bright with joyfulness.
Who’s troubled over gifts received,
the food and drink that others get,
neither in daytime nor by night
will come to a collected mind.

250. But who has severed envy’s mind,
uprooted it, destroyed entire,
indeed in daytime and by night
will come to a collected mind.

251. There is no fire like lust,
nought seizes like aversion,
unequalled is delusion’s net,
no river’s like to craving.

252. Other’s faults are easy to see
yet hard it is to see one’s own,
and so one winnows just like chaff
the faults of other people, while
hiding away those of one’s own
as crafty cheat the losing throw.

253. Who’s always seeing other’s faults,
taking offence, censorious,
pollutions spread for such a one
who’s far from their exhaustion.

254. In skies above there is no path,
no peaceful one’s without,
in manifoldness do folk delight,
Tathagatas are manifold-free.

255. In skies above there is no path,
no peaceful one’s without,
nothing conditioned ever lasts,
no Buddha’s ever shaken.


19. Established in Dhamma

256. Whoever judges hastily
does Dhamma not uphold,
a wise one should investigate
truth and untruth both.

257. Who others guides impartially
with carefulness, with Dhamma,
that wise one Dhamma guards,
a “Dhamma-holder’s” called.

258. Just because articulate
one’s not thereby wise,
hateless, fearless and secure,
a “wise one” thus is called.

259. Just because articulate
one’s not skilled in Dhamma;
but one who’s heard even little
and Dhamma in the body sees,
that one is skilled indeed,
not heedless of the Dhamma.

260. A man is not an Elder
though his head be grey,
he’s just fully ripe in years,
“aged-in-vain” he’s called.

261. In whom is truth and Dhamma too,
harmlessness, restraint, control,
he’s steadfast, rid of blemishes,
an “Elder” he is called.

262. Not by eloquence alone
or by lovely countenance
is a person beautiful
if jealous, boastful, mean.

263. But “beautiful” is called that one
in whom these are completely shed,
uprooted, utterly destroyed,
a wise one purged of hate.

264. By shaven head no Samana
if with deceit, no discipline.
Engrossed in greed and selfishness
how shall he be a Samana?

265. All evils altogether he
subdues both fine and gross.
Having subdued al evil he
indeed is called a “Samana”.

266. Though one begs from others
by this alone’s no bhikkhu.
Not just by this a bhikkhu
but from all Dhamma doing.

267. Who both good and evil deeds
has gone beyond with holy life,
having discerned the world he fares
and “Bhikkhu” he is called.

268. By silence one is not a sage
if confused and foolish,
but one who’s wise, as if with scales
weighs, adopts what’s good.

269. Shunning evil utterly
one is a sage, by that a sage.
Whoever both worlds knows
for that one’s called a “Sage”.

270. By harming living beings
one is not a “Noble” man,
by lack of harm to all that live
one is called a “Nobel One”.

271. Not by vows and rituals
or again by learning much
or by meditative calm
or by life in solitude.

272. Should you, O bhikkhu, be content,
“I’ve touched the bliss of letting go
not enjoyed by common folk”,
though you’ve not gained pollution’s end.


20. The Path

273. Of paths the Eight-fold is the best,
of truths the statement Four,
the passionless of teachings best,
of humankind the Seer.

274. This is the Path, no other’s there
for purity of insight,
enter then upon this path
bemusing Mara utterly.

275. Entered then upon this Path
you’ll make an end of dukkha.
Freed in knowledge from suffering’s stings
the Path’s proclaimed by me.

276. Buddhas just proclaim the Path
but you’re the ones to strive.
Contemplatives who tread the Path
are freed from Mara’s bonds

277. When with wisdom one discerns
transience of conditioned things
one wearily from dukkha turns
treading the Path to purity.

278. When with wisdom one discerns
the dukkha of conditioned things
one wearily from dukkha turns
treading the Path to purity.

279. When with wisdom one discerns
all knowables are not a self
one wearily from dukkha turns
treading the Path to purity.

280. Though time to strive, not striving,
while young and strong yet indeed,
weak-minded and irresolute:
one finds not wisdom’s way.

281. In speech ever watchful with mind well-restrained
never with body do unwholesomeness.
So should one purify these three kamma-paths
winning to the Way made known by the Seers.

282. From endeavour wisdom springs,
lacking effort wisdom wanes:
having known this two-fold path
either to progress or decline
so should one exhort oneself
that wisdom may increase.

283. The wood cut down but not a tree
since it’s from wood that fear is born.
Having cut wood and woodedness
O bhikkhus be without a wood.

284. As long indeed as woodedness
of man to women is not cut
so long in bondage is one’s mind
as milch-calf to the mother cow.

285. Cut off affection for oneself
as a hand a lily in the Fall.
Cultivate this peaceful Path,
Nibbana by the Buddha taught.

286. Here shall I spend the Rains,
here the Winter, here the Summer.
Thus speculates the fool,
the danger he knows not.

287. For one who has a clinging mind
and finds delight in babes and herds
Death does seize and carry away
as great flood a sleeping village.

288. No sons are there for shelter
nor father nor related folk,
one by the Death-king seized upon
in kin no shelter finds.

289. Having understood this fact
the wise by virtue well-restrained
swiftly then should clear the Path
leading to Nibbana.


21. Miscellaneous

290. If one should see great happiness
in giving up small happiness
one wise the lesser would renounce
the greater full-discerning.

291. Who so for self wants happiness
by causing others pain,
entangled in anger’s tangles
one’s from anger never free.

292. What should be done is left undone
and done is what should not be done,
ever the pollutions grow
of those ones proud and heedless.

293. But for who always practice well
bodily mindfulness,
do never what should not be done,
and ever do what should be done
for mindful ones, the full-aware,
pollutions fade away.

294. One’s mother and father having slain
and then two warrior kings,
a realm as well its treasurer,
one goes immune, a Brahmin True.

295. One’s mother and father having slain
and then two learned kings,
as well the fifth, a tiger fierce,
one goes immune, a Brahmin True.

296. Well awakened, they’re awake
ever the Buddha’s pupils
who constantly by day, by night
are mindful of the Buddha.

297. Well awakened, they’re awake
ever the Buddha’s pupils
who constantly by day, by night
are mindful of the Dhamma.

298. Well awakened, they’re awake
ever the Buddha’s pupils
who constantly by day, by night
are mindful of the Sangha.

299. Well awakened, they’re awake
ever the Buddha’s pupils
who constantly by day, by night
are mindful of the body.

300. Well awakened, they’re awake
ever the Buddha’s pupils
who constantly by day, by night
in harmlessness delight.

301. Well awakened, they’re awake
ever the Buddha’s pupils
who constantly by day, by night
in meditation take delight.

302. Hard’s the going-forth, hard to delight in it,
hard the household life and dukkha is it too.
Dukkha’s to dwell with those dissimilar
and dukkha befalls the wanderer.
Be therefore not a wanderer,
not one whom dukkha befalls.

303. Who’s full of faith and virtue,
of substance, high repute,
is honoured everywhere,
wherever that one goes.

304. Afar the true are manifest
like Himalayan range,
yet even here the false aren’t seen,
they’re arrows shot by night.

305. Alone one sits, alone one lies,
alone one walks unweariedly,
in solitude one tames oneself
so in the woods will one delight.


22. Hell

306. With one denying truth there goes to hell
that one who having done says “I did not”.
Both of them are making kammas base
are equal after death.

307. Many who wear the yellow robe
are unrestrained in evil things,
these evil ones by evil deeds,
in hell do they arise.

308. Better to eat a ball of iron
glowing as flame of fire
than one should eat country’s alms
immoral and unrestrained.

309. Four things befall that heedless one
sleeping with one who’s wed:
demerit gained but not good sleep,
third is blame while fourth is hell.

310. Demerit’s gained and evil birth,
scared man and women — brief their joy,
the king decrees a heavy doom:
so none should sleep with one who’s wed.

311. As blady grass when wrongly grasped
the hand does lacerate
so a mishandled monastic life
drags one off to hell.

312. Whatever of kammas slack,
whatever of vows corrupt,
a faltering in the holy life
never brings ample fruit.

313. If there’s aught that should be done
let it be done then steadily,
in truth a slack monastic life
all the more stirs up the dust.

314. Better an evil deed not done
for misdeed later on torments.
Better done is deed that’s good,
which done, does not torment.

315. Even as a border town
guarded within and without,
so should you protect yourselves.
Do not let this moment pass
for when this moment’s gone they grieve
sending themselves to hell.

316. They are ashamed where shame is not
but where is shame are not ashamed
so by embracing evil views
beings go to an evil birth.

317. They are afraid where fear is not
but where is fear are unafraid,
so by embracing evil views
beings go to an evil birth.

318. Faults they see where fault is not
but where is fault they see it not,
so by embracing evil views
beings go to an evil birth.

319. A fault they understand as such,
they know as well where fault is not,
so by embracing righteous views
beings go to a happy rebirth.


23. The Great

320. Many folks are ill-behaved
but I shall endure abuse
as elephant in battlefield
arrows shot from a bow.

321. The tusker tamed they lead in crowds,
the king he mounts the tamed,
noblest of humans are the tamed
who can endure abuse.

322. Excellent are mules when tamed
and thoroughbred from Sindh,
noble the elephant of state,
better still one tamed of self.

323. Surely not on mounts like these
one goes the Unfrequented Way
as one by self well-tamed
is tamed and by the taming goes.

324. Hard to check the tusker Dhanapala,
in rut with temple running pungently,
bound, e’en a morsel he’ll not eat
for he recalls the elephant-forest longingly.

325. A sluggard stupid, steeped in gluttony,
who’s sleep-engrossed, who wallows as he lies,
like a great porker stuffed, engorged with swill,
comes ever and again into a womb.

326. Formerly this wandering mind wandered
where it wished, where whim, where pleasure led.
Wisely this day I will restrain it
as trainer with hook an elephant in rut.

327. Do you delight in heedfulness
and guard your own mind well!
Draw yourselves from the evil way
as would elephant sunk in slough.

328. If for practice one finds a friend
prudent, well-behaved and wise,
mindful, joyful, live with him
all troubles overcoming.

329. If for practice one finds no friend
prudent, well-behaved and wise,
like king be leaving conquered land,
fare as lone elephant in the wilds.

330. Better it is to live alone
for with a fool’s no fellowship,
no evil do, be free of care,
fare as lone elephant in the wilds.

331. Blest to have friends when one’s in need,
blest contentment with whatever is,
blessed is merit when life’s at an end,
abandoning all dukkha is blessedness.

332. Respect for one’s mother brings happiness here
as well as respect for one’s father.
Here happiness comes from respecting the monks
and those of virtue excellent.

333. Blest is virtue till life’s end
and blest the faith standing firm,
blest the attainment of wisdom
and blest the non-doing of evils.


24. Craving

334. As creeping ivy craving grows
in one living carelessly.
Like this, one leaps from life to life
as ape in the forest seeking fruit.

335. Whomsoever in this world
this wretched clinging craving routs
for such a one do sorrows grow
as grass well-soaked with rain.

336. But whoever in this world
routs wretched craving hard to quell,
from such a one do sorrows fall
like water drops from lotus leaf.

337. Prosperity to you, I say,
to all assembled here!
When needing grass’s fragrant root
so craving extirpate.
Don’t let Mara break you again,
again as a torrent a reed!

338. As tree though felled shoots up again
it its roots are safe and firm
so this dukkha grows again
while latent craving’s unremoved.

339. For whom the six and thirty streams
so forceful flow to seemings sweet
floods of thought that spring from lust
sweep off such wrong viewholder.

340. Everywhere these streams are swirling,
up-bursting creepers rooted firm.
Seeing the craving-creeper there
with wisdom cut its root!

341. To beings there are pleasures streaming
sticky with desire,
steeped in comfort, happiness seeking,
such ones do come to birth, decay.

342. Who follow craving are assailed,
they tremble as the hare ensnared,
held fast by fetter and by bonds
so long they come to dukkha again.

343. Who follow craving are assailed,
they tremble as the hare ensnared,
so let a bhikkhu craving quell
whose aim is passionlessness.

344. Who without woodness inclines to the wood.
free in the wood to woodness returns.
Do now regard that person well
who free returns to fetter.

345. Neither of iron nor wood nor hemp
is bond so strong, proclaim the wise,
as passion’s yearn for sons, for wives,
for gems and ornaments.

346. That bond is strong, proclaim the wise,
down-dragging, pliable, hard to loose.
This passion severed, they wander forth
forsaking sensual pleasures.

347. Ensnared in passion back they fall
as spider on a self-spun web.
This passion severed, wander the wise
forsaking dukkha all.

348. Let go before, let go the after,
let go the middle, beyond the becoming.
With mind released in every way
you’ll come no more to birth, decay.

349. For one who’s crushed by thinking much
excessive lust from beauty’s sight,
for that one craving grows the more,
that one makes strong the bonds.

350. But who delights in subduing evil thoughts,
meditates on the impurities with mindfulness,
that one indeed will make an End,
and will sever Mara’s bonds.

351. One who’s fearless, reached the End,
of craving and of blemish free,
who has becoming’s thorn plucked out,
has this, a final body.

352. One of clinging-craving free,
who’s skilled in way of chanting,
knowing the wording-sequence,
of what precedes and follows,
possessed of final body,
one greatly wise, “Great Person”‘s called.

353. Beyond all beings, wise to all,
unsoiled by dhammas all am I,
left all and freed by craving’s end,
by self I’ve known, whom teacher call?

354. Gift of Dhamma surpasses all gifts,
the Dhamma, its taste all other tastes beats,
delight in the Dhamma bests other delights,
destruction of craving conquers all ill.

355. Riches ruin a foolish one
but not one seeking the Further Shore,
craving for wealth a foolish one
is ruined as if ruining others.

356. Weeds are a fault of fields,
lust’s a human fault,
thus offerings to the lustless
bear abundant fruit.

357. Weeds are a fault of fields,
hate’s a human fault,
hence offerings to the hateless
bear abundant fruit.

358. Weed are the fault of fields,
delusion, human’s faults,
so gifts to the undeluded
bear abundant fruit.

359. Weed are the fault of fields,
desire, human’s faults,
so gifts to the desireless
bear abundant fruit.


25. The Monk

360. Right is restraint in the eye,
restraint in the ear is right,
right is restraint in the nose,
restraint in the tongue is right.

361. Right is restraint in the body,
restraint in speech is right,
right is restraint in the mind,
everywhere restraint is right.
The bhikkhu everywhere restrained
is from all dukkha free.

362. With hands controlled and feet controlled,
in speech as well as head controlled,
delighting in inward collectedness
alone, content, a bhikkhu’s called.

363. Whatever bhikkhu tongue-controlled
speaks wisely and who is not proud,
who theory and practice can expound,
sweet as honey is his speech.

364. The bhikkhu who in Dhamma dwells,
in Dhamma delighting and pondering,
remembering the Dhamma — he
does not decline from Dhamma True.

365. He should not disdain his gains
nor live of others envious,
the bhikkhu who is envious
does not attain collectedness.

366. Disdaining not his gains,
though little he receives,
pure of life and keen
that bhikkhu devas praise.

367. For whom there is no making “mine”
towards all name and form,
who does not grieve for what is not,
he’s truly “bhikkhu” called.

368. The bhikkhu in kindness abiding,
bright in the Buddha’s Teaching
can come to the Place of Peace,
the bliss of conditionedness ceased.

369. O bhikkhu bail this boat,
when emptied it will swiftly go.
Having severed lust and hate
thus to Nibbana you’ll go.

370. Five cut off and five forsake,
a further five then cultivate,
a bhikkhu from five fetter free
is called a “Forder of the flood”.

371. Meditate bhikkhu! Don’t be heedless!
Don’t let pleasures whirl the mind!
Heedless, do not gulp a glob of iron!
Bewail not when burning, “This is dukkha”!

372. No concentration wisdom lacks,
no wisdom concentration lacks,
in whom are both these qualities
near to Nibbana is that one.

373. The bhikkhu gone to a lonely place
who is of peaceful heart
in-sees Dhamma rightly,
knows all-surpassing joy.

374. Whenever one reflects
on aggregates’ arise and fall
one rapture gains and joy.
‘Tis Deathless for Those-who-know.

375. Here’s indeed the starting point
for the bhikkhu who is wise,
sense-controlled, contented too,
restrained to limit freedom ways,
in company of noble friends
who’re pure of life and keen.

376. One should be hospitable
and skilled in good behaviour,
thereby greatly joyful
come to dukkha’s end.

377. Just as the jasmine sheds
its shrivelled flowers all,
O bhikkhus so should you
lust, aversion shed.

378. That bhikkhu calmed of body, speech,
calmed and well-composed of mind,
who world-enjoyments has renounced,
“one calmed” indeed is truly called.

379. By yourself exhort yourself!
By yourself restrain yourself!
So mindful and self-guarded too,
happily, bhikkhu, will you live.

380. Oneself is refuge of oneself
and one is a haven for oneself,
therefore one should check oneself
as a merchant with a splendid horse.

381. The bhikkhu full of joy and faith,
bright in the Buddha’s Teaching
can come to the Place of Peace,
the bliss of conditionedness ceased.

382. Surely that youthful bhikkhu who
strives in the Buddha’s Teaching
illuminates all this world
as moon when free from clouds.


26. The Brahmana

383. O brahmin, strive and cleave the stream,
desires of sense discard,
knowing conditioned things decay
be Knower-of-the-Uncreated.

384. When by the twofold Dhamma
a Brahmin’s gone beyond
all the bonds of One-who-Knows
have wholly disappeared.

385. For whom is found no near or far,
for whom’s no near and far,
free of fear and fetter-free,
that one I call a Brahmin True.

386. Seated stainless, concentrated,
who’s work is done, who’s free of taints,
having attained the highest aim,
that one I call a Brahmin True.

387. The sun is bright by day,
the moon enlights the night,
armoured shines the warrior,
contemplative the Brahmin True.
But all day and night-time too
resplendent does the Buddha shine.

388. By barring-out badness a “brahmin” one’s called
and one is a monk by conduct serene,
banishing blemishes out of oneself
therefore one’s known as “one who has left home”.

389. One should not a brahmin beat
nor for that should He react.
Shame! Who would a Brahmin beat,
more shame for any should they react.

390. For brahmin no small benefit
when mind’s aloof from what is dear.
As much he turns away from harm
so much indeed does dukkha die.

391. In whom there is no wrong-doing
by body, speech or mind,
in these three ways restrained,
that one I call a Brahmin True.

392. From whom one knows the Dhamma
by Perfect Buddha taught
devoutly one should honour them
as brahmin sacred fire.

393. By birth one is no brahmin,
by family, austerity.
In whom are truth and Dhamma too
pure is he, a Brahmin’s he.

394. Dimwit! What’s the coiled hair for?
For what your cloak of skins?
Within you are acquisitive,
you decorate without!

395. One enduring rag-robes, lean,
with body o’erspread by veins,
lone in the woods who meditates,
that one I call a Brahmin True.

396. I call him a brahmin though
by womb-born mother’s lineage,
he’s just supercilious
if with sense of ownership,
owning nothing and unattached:
that one I call a Brahmin True.

397. Who fetters all has severed
does tremble not at all,
who’s gone beyond all bond, unyoked,
that one I call a Brahmin True.

398. When cutting strap and reins,
the rope and bridle too,
tipping the shaft, he’s Waked,
that one I call a Brahmin True.

399. Who angerless endures abuse,
beating and imprisonment,
with patience’s power, an armed might:
that one I call a Brahmin True.

400. Who’s angerless and dutiful,
of virtue full and free of lust,
who’s tamed, to final body come,
that one I call a Brahmin True.

401. Like water on a lotus leaf,
or mustard seed on needle point,
whoso clings not to sensual things,
that one I call a Brahmin True.

402. Whoso in this world comes to know
cessation of all sorrow,
laid down the burden, freed from bonds,
that one I call a Brahmin True.

403. Whose knowledge is deep, who’s wise,
who’s skilled in ways right and wrong,
having attained the highest aim,
that one I call a Brahmin True.

404. Aloof alike from laity
and those gone forth to homelessness,
who wanders with no home or wish,
that one I call a Brahmin True.

405. Who blows to beings has renounced
to trembling ones, to bold,
who causes not to kill nor kills,
that one I call a Brahmin True.

406. Among the hostile, friendly,
among the violent, cool
detached amidst the passionate,
that one I call a Brahmin True.

407. From whomever lust and hate,
conceit, contempt have dropped away,
as mustard seed from a point of a needle,
that one I call a Brahmin True.

408. Who utters speech instructive,
true and gentle too,
who gives offence to none,
that one I call a Brahmin True.

409. Who in the world will never take
what is not given, long or short,
the great or small, the fair or foul,
that one I call a Brahmin True.

410. In whom there are no longings found
in this world or the next,
longingless and free from bonds,
that one I call Brahmin True.

411. In whom there is no dependence found,
with Final Knowledge freed from doubt,
who’s plunged into the Deathless depths,
that one I call a Brahmin True.

412. Here who’s gone beyond both bonds,
to goodness and to evil too,
is sorrowless, unsullied, pure,
that one I call a Brahmin True.

413. Who, like the moon, unblemished, pure,
is clear and limpid, and in whom
delights in being a consumed,
that one I call a Brahmin True.

414.Who’s passed this difficult path,
delusion’s bond, the wandering-on,
who’s crossed beyond, contemplative,
uncraving with no questioning doubt,
no clinging’s fuel so cool become,
that one I call a Brahmin true.

415. Who has abandoned lusting here
as homeless one renouncing all,
with lust and being quite consumed,
that one I call a Brahmin True.

416. Who has abandoned lusting here
as homeless one renouncing all,
with lust and being quite consumed,
that one I call a Brahmin True.

417. Abandoned all human bonds
and gone beyond the bonds of gods,
unbound one is from every bond,
that one I call a Brahmin True.

418. Abandoned boredom and delight,
become quite cool and assetless,
a hero, All-worlds-Conqueror,
that one I call a Brahmin True.

419. Who knows how clutching creatures die
to reappear in many a mode,
unclutching then, sublime, Awake,
that one I call a Brahmin True.

420. Whose destination is unknown
to humans, spirits or to gods,
pollutions stayed, an Arahant,
that one I call a Brahmin True

421. That one who’s free of everything
that’s past, that’s present, yet to be,
who nothing owns, who’s unattached,
that one I call a Brahmin True.

422. One noble, most excellent, heroic too,
great sage and one who conquers all,
who’s faultless, washed, one Awake,
that one I call a Brahmin True.

423. Who so does know of former lives
and sees the states of bliss and woe
and then who’s reached the end of births,
a sage supreme with wisdom keen,
complete in all accomplishments,
that one I call a Brahmin True.


Mục Lục Tập 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 21 – Kinh Ví Dụ Cái Cưa (Kakacùpama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 136 – Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Mahàkammavibhanga) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 41 – Kinh Sàleyyaka (Sàleyyaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 20 – Kinh An Trú Tầm (Vtakkasanthàna sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 9 – Kinh Chánh Tri Kiến (Sammàditthi sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 117 – Ðại Kinh Bốn Mươi (Mahàcattàrìsaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 105 – Kinh Thiện Tinh (Sunakkhatta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 4 – Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm (Bhayabherava sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 82 – Kinh Ratthapàla (Ratthapàla sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 12 – Kinh Lô Hi Gia (Lohicca Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 135 – Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Cùlakammavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 108 – Kinh Gopaka Moggallàna (Gopaka Moggallàna sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 31 – Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 75 – Kinh Màgandiya (Màgandiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 140 – Kinh Giới Phân Biệt (Dhàtuvibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 7 – Kinh Ví Dụ Tấm Vải (Vatthùpama sutta) - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 87 – Kinh Ái Sanh (Piyajàtika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 57 – Kinh Hạnh Con Chó (Kukkuravatika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ðại Thừa Phương Quảng Tổng Trì - Kinh Tạng