Kinh Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập V – Thiên Ðại Phẩm

***

Mục lục tập 5

Chương 1: Tương Ưng Ðạo Chương 7: Tương Ưng Như Ý Túc
Chương 2: Tương Ưng Giác Chi Chương 8: Tương Ưng Anuruddha
Chương 3: Tương Ưng Niệm Xứ Chương 9: Tương Ưng Thiền
Chương 4: Tương Ưng Căn Chương 10: Tương Ưng Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra
Chương 5: Tương Ưng Chánh Cần Chương 11: Tương Ưng Dự Lưu
Chương 6: Tương Ưng Lực Chương 12: Tương Ưng Sự Thật

[45] Chương I: Tương Ưng Ðạo

-ooOoo-

I. Phẩm Vô Minh

1.I. Vô Minh (S.v,1)

1. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Thắng Lâm, trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) — Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo. Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ-kheo, tà kiến sanh. Ðối với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh. Ðối với kẻ có tà tư duy, tà ngữ sanh. Ðối với kẻ có tà ngữ, tà nghiệp sanh. Ðối với kẻ có tà nghiệp, tà mạng sanh. Ðối với kẻ có tà mạng, tà tinh tấn sanh. Ðối với kẻ có tà tinh tấn, tà niệm sanh. Ðối với kẻ có tà niệm, tà định sanh.

4) Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo. Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ-kheo, chánh kiến sanh. Ðối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh. Ðối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh. Ðối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh. Ðối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh. Ðối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh. Ðối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh. Ðối với vị chánh niệm, chánh định sanh.

2.II. Một Nửa (Upaddham) (S.v,1)

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Sakkara.

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyàsamittatà), thiện bạn đãng (kalyànasahàyatà), thiện thân tình (kalyàsam-pavankatà).

3) — Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ananda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, này Ananda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn.

4) Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Thánh đạo Tám ngành? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập chánh tư duy… tu tập chánh ngữ… tu tập chánh nghiệp… tu tập chánh mạng… tu tập chánh tinh tấn… tu tập chánh niệm… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ananda, là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

5) Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Do Ta lấy thiện làm bạn hữu, này Ananda, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ananda, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.

3.III. Sàriputta (S.v,3)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

— Toàn bộ Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, chính là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này.

3)– Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta! Chính toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này. Này Sàriputta, với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho viên mãn.

4-5) (Như đoạn số 4, số 5 của kinh trên, chỉ khác: đây là Tôn giả Sàriputta chớ không phải Tôn giả Ananda)

4.IV. Bà La Môn (S.iv,4)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.

3) Rồi Tôn giả Ananda thấy Bà-la-môn Jànusoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe. Trắng là những đồ trang sức. Trắng là cỗ xe. Trắng là những bộ phận tùy thuộc (parivàro). Trắng là những sợi dây cương. Trắng là cây gậy thúc ngựa. Trắng là cái lọng. Trắng là cái khăn đội. Trắng là những quần áo. Trắng là giày mang. Và được quạt với cái quạt trắng. Quần chúng thấy vậy, liền nói: “Thật là cỗ xe thù thắng. Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc!”

4) Rồi Tôn giả Ananda đi khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy Bà-la-môn Jànusoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe… Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể nói lên cỗ xe thù thắng trong Pháp và Luật này?

Thế Tôn nói:

— Có thể được, này Ananda. Thánh đạo Tám ngành này, này Ananda, là đồng nghĩa với cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp này. Vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận.

5) Chánh tri kiến, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh tư duy, này Ananda, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh ngữ… Chánh nghiệp… Chánh mạng… Chánh tinh tấn… Chánh niệm… Chánh định, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.

Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu như thế này: “Cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Ai được tín, trí tuệ,
Thường xuyên liên kết lại,
Lấy hổ thẹn làm cán,
Lấy ý làm ách xe.
Niệm là người đánh xe,
Biết hộ trì, phòng hộ,
Cỗ xe lấy giới luật
Làm vật dụng cho xe.
Thiền là trục bánh xe,
Tinh tấn là bánh xe,
Xả là định thường hằng,
Vô dục là nệm xe.
Vô sân và vô hại,
Viễn ly là binh khí,
Nhẫn nhục là áo giáp,
An ổn khỏi khổ ách,
Làm mục đích đạt đến,
Cỗ xe được chuyển vận.
Pháp này tự ngã làm,
Trở thành thuộc tự ngã.
Là cỗ xe thù thắng,
Vô thượng, không sánh bằng.
Ngồi trên cỗ xe ấy,
Bậc Trí thoát ly đời,
Chắc chắn, không sai chạy,
Họ đạt được chiến thắng.

5.V. Với Mục Ðích Gì? (S.v,6)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo đến hỏi chúng con: “Này chư Hiền, vì mục đích gì, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư Hiền, với mục đích liễu tri đau khổ, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama”. Ðược hỏi như vậy và trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con trả lời đúng với lời nói Thế Tôn, chúng con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, chúng con trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích?

4) — Này các Tỷ-kheo, các Ông được hỏi như vậy và trả lời như vậy là các Ông trả lời đúng với lời của Ta, các Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật, các Ông trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, do mục đích liễu tri đau khổ mà Phạm hạnh được sống dưới Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông: “Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?” Ðược hỏi vậy, thời các Ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư Hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này”.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.

6) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.

6.VI. Một Tỷ Kheo Khác (1) (S.iv,7)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn…

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?

— Này Tỷ-kheo, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.

7.VII. Một Tỷ Kheo Khác (2) (S.iv,8)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến…

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

–“Nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Ðồng nghĩa với gì, bạch Thế Tôn, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si?

— Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.

4) Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Bất tử, bất tử”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Thế nào là bất tử, bạch Thế Tôn? Thế nào là con đường đưa đến bất tử?

— Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ-kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến… chánh định.

8.VIII. Phân Tích (S.iv,8)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng và phân tích Thánh đạo Tám ngành này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến… chánh định.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.

8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.

9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.

10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.

9.IX. Sùka (Râu lúa mì) (S.iv,10)

1-2) Tại Sàvatthi…

— Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc.

3) Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt hướng chân chánh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến được đặt hướng chân chánh.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết-bàn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy do kiến được đặt hướng chân chánh, do con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết-bàn.

10.X. Nandiya (S.iv,11)

1) Tại Sàvatthi.

2) Rồi du sĩ Nandiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu pháp được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn?

4) — Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này Nandiya, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn.

5) Khi được nói vậy, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống… từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.


II. Phẩm Trú

11.I. Trú (1) (S.v,12)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền định trong nửa tháng, không có ai đến yết kiến Ta, trừ độc nhất người mang đồ ăn khất thực.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến yết kiến Thế Tôn, trừ một người người mang đồ ăn khất thực lại.

3) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy và gọi các Tỷ-kheo:

— Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.

4) Như vậy, Ta rõ biết những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến… những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên tầm (vitakka), những gì được cảm thọ do duyên tưởng (sannà).

5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, thời tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ, do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để được chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

12.II. Trú (2) (S.v,13)

1-2) Ở Sàvatthi…

— Này các Tỷ-kheo, Ta muốn sống Thiền tịnh trong ba tháng…

3) Sau ba tháng, Thế Tôn từ Thiền tịnh đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:

— Với sự an trú, Ta đã trú khi Ta mới chứng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng Ta chỉ trú một phần thôi.

4) Như vậy, Ta rõ biết (pajànàmi) những gì được cảm thọ do duyên tà kiến, những gì được cảm thọ do duyên tà kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến, những gì được cảm thọ do duyên chánh kiến được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tà định, những gì được cảm thọ do duyên tà định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên chánh định, những gì được cảm thọ do duyên chánh định được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên ước muốn (chanda), những gì được cảm thọ do duyên ước muốn được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tầm, những gì được cảm thọ do duyên tầm được tịnh chỉ, những gì được cảm thọ do duyên tưởng, những gì được cảm thọ do duyên tưởng được tịnh chỉ.

5) Khi ước muốn không tịnh chỉ, tầm không tịnh chỉ, tưởng không tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, nhưng tầm chưa được tịnh chỉ, tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, nhưng tưởng chưa được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ. Và khi ước muốn được tịnh chỉ, tầm được tịnh chỉ, tưởng được tịnh chỉ; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

6) Ðối với người chưa chứng đạt, cần phải tinh tấn để chứng đạt. Trong trường hợp đã được chứng đạt; do duyên như vậy, có được những cảm thọ.

13.III. Hữu Học (S.v,14)

1) Ở Sàvatthi.

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn…

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Hữu học, hữu học”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là bậc hữu học?

4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến của bậc hữu học… đầy đủ chánh định của bậc hữu học. Cho đến như vậy, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc hữu học.

14.IV. Sanh Khởi (1)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Có tám pháp này được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi, có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

15.V. Sanh Khởi (2) (S.v,14)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

3) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, nếu chưa được sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

16.VI. Thanh Tịnh (1) (S.v,15)

1-2) Tại Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ khi nào Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác xuất hiện.

17.VII. Thanh Tịnh (2) (S.v,15)

1-2) Tại Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng… có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

4) Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, thanh tịnh, trong sáng, không có cấu uế, ly các phiền não, nếu chưa sanh khởi có thể sanh khởi, nhưng chỉ trong giới luật của bậc Thiện Thệ.

18.VIII. Vườn Gà (1) (Kukkutàràma) (S.v,15)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ananda, Tôn giả Bhadda trú tại Vườn Gà, tại Pàtaliputta.

2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ananda:

— “Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh”, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?

— Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm (ummagga) của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!

4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phi Phạm hạnh, phi Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Thế nào, thưa Hiền giả, là phi Phạm hạnh?” chăng?

— Thưa vâng, Hiền giả.

5) — Này Hiền giả, con đường tà đạo tám ngành này là phi Phạm hạnh. Tức là tà tri kiến… tà định.

19.IX. Vườn Gà (2) (S.v,16)

1-2) Nhân duyên ở Pàtaliputta…

3)– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?

— Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay, là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!

4) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?” chăng?

— Thưa phải, Hiền giả.

5) — Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là cứu cánh Phạm hạnh này.

20.X. Vườn Gà (3) (S.v,16)

1-2) Nhân duyên tại Pàtaliputta…

3)– “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, thưa Hiền giả, như vậy được nói đến. Thưa Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?

4) — Lành thay, lành thay, Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là đường hầm của Hiền giả! Hiền thiện thay là lời biện tài! Tốt đẹp thay, là câu hỏi!

5) Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Phạm hạnh, Phạm hạnh, này Hiền giả Ananda, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là người hành Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?” chăng?

— Thưa phải, Hiền giả.

6) — Này Hiền giả, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này Hiền giả, ai đầy đủ Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là người hành Phạm hạnh. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.


III. Phẩm Tà Tánh

21.I. Tà Tánh (S.v,17)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà tánh và chánh tánh. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà tánh? Tức là tà tri kiến… tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà tánh.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tánh? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tánh.

22.II. Pháp Bất Thiện (S.v,18)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về bất thiện pháp và thiện pháp. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bất thiện pháp? Tức là tà tri kiến… tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bất thiện pháp.

5) Thế nào là thiện pháp? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Ðây gọi là thiện pháp.

23.III. Ðạo Lộ (S.v,18)

1-2) Sàvatthi.

Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà đạo lộ và chánh đạo lộ. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo lộ? Tức là tà tri kiến… tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo lộ.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo lộ? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo lộ.

24.IV. Ðạo Lộ (2) (S.v,18)

1-2) Sàvatthi.

Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta không tán thán tà đạo lộ.

4) Người tại gia hay người xuất gia, theo tà hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy (àràdhaka) chánh lý (nàyam), pháp (dhammam), và thiện (kusatam). Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo lộ? Tức là tà tri kiến… tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo lộ. Ðối với người tại gia hay người xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán tà đạo lộ.

5) Người tại gia hay người xuất gia theo tà hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì tà hạnh và nhân tà hạnh, vị ấy không phải là người phát huy chánh lý, pháp và thiện.

6) Và này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay với người xuất gia, Ta tán thán chánh đạo lộ.

7) Người tại gia hay người xuất gia theo chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì chánh hạnh và nhân chánh hạnh, vị ấy là người phát triển chánh lý, pháp và thiện. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo lộ? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo lộ. Và này các Tỷ-kheo, với người tại gia hay người xuất gia, Ta tán thán chánh đạo lộ.

8) Người tại gia, hay người xuất gia, theo chánh hạnh, này các Tỷ-kheo, do vì chánh hạnh và do nhân chánh hạnh, vị ấy trở thành người phát huy chánh lý, pháp và thiện.

25.V. Không Phải Chân Nhân (1) (Asappurisa) (S.v,19)

1-2) Ở Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về phi chân nhân và chân nhân. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, là tinh tấn, tà niệm, tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến, theo chánh tư duy, theo chánh ngữ, theo chánh nghiệp, theo chánh mạng, theo chánh tinh tấn, theo chánh niệm, theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.

26.VI. Không Phải Chân Nhân (2) (S.v,20)

1-2) Ở Sàvatthi…

Ở đấy, Thế Tôn nói như sau:

3) — Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về phi chân nhân và tệ hơn phi chân nhân. Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về chân nhân và tốt hơn chân nhân. Hãy lắng nghe…

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến… theo tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến… theo tà định, theo tà trí, theo tà giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến… theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến… theo chánh định, theo chánh trí, theo chánh giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn các bậc chân nhân.

27.VII. Cái Bình (S.v,20)

1-2) Ở Sàvatthi…

3)– Này các Tỷ-kheo, ví như một cái bình, nếu không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó nghiêng ngã. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu tâm không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó nghiêng ngã.

4) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là giá chống đỡ cho tâm? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến… chánh định. Ðây gọi là cái giá chống đỡ tâm.

5) Này các Tỷ-kheo, ví như cái bình không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó bị nghiêng ngã. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu tâm không có cái giá chống đỡ thời dễ bị nghiêng ngã, nếu có cái giá chống đỡ thời khó bị nghiêng ngã.

28.VIII. Ðịnh (S.v,21)

1-2) Ở Sàvatthi…

Rồi Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về chánh định với sở y (saupanisam), với tư lường (saparikkhàram). Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định với sở y, với tư lường? Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.

5) Nhứt tâm, này các Tỷ-kheo, có bảy chi phần này làm tư lường. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh chánh định với sở y, với tư lường.

29.IX. Thọ (S.v,21)

1-2) Ở Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ này.

4) Muốn liễu tri ba thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Muốn liễu tri thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành.

30.X. Uttiya hay Uttika (S.v,22)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…

3) Rồi Tôn giả Uittiya đi đến Thế Tôn…

4) Ngồi một bên, Tôn giả Uttiya bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên: “Năm dục công đức được Thế Tôn nói đến, và năm dục công đức được Thế Tôn nói đến là gì?”

5 — Lành thay, lành thay, này Uttiya! Năm dục công đức này được Ta nói đến, này Uttiya. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận nhận thức… các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Năm dục công đức này, này Uttiya, được Ta nói đến.

6) Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành này.


IV. Phẩm Về Hạnh (Patipattivagga)

31.I. Hạnh (Patipatti) (S.v,23)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…

Thế Tôn nói như sau:

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về tà hạnh và về chánh hạnh. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà hạnh? Tức là tà tri kiến… tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà hạnh.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh hạnh? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh hạnh.

32.II. Người Hành Trì (S.v,23)

1-2) Ở Sàvatthi…

Ở đây, Thế Tôn nói như sau:

3) — Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về người tà hạnh và người chánh hạnh. Hãy lắng nghe.

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là người tà hạnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến… theo tà định. Ðây gọi là người tà hạnh.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chánh hạnh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là người chánh hạnh.

33.III. Thối Thất (Viraddha) (S.v,23)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành bị thối thất, đối với họ, bị thối thất là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành được thực hiện (àraddho), đối với họ, được thực hiện là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Ðối với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành bị thối thất, bị thối thất là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Với những ai, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành được thực hiện, đối với họ, được thực hiện là Thánh đạo Tám ngành, con đường chân chánh đưa đến đoạn tận khổ đau.

34.IV. Ðến Bờ Bên Kia (S.v,25)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Có tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia (apàràpa ramgamanàya). Thế nào là tám? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Tám pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia.

4) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Ít thay là những người,
Ðạt đến bờ bên kia.
Phần lớn quần chúng khác,
Chạy qua lại bờ này.

2) Những ai theo thuyết giảng,
Chánh pháp khéo tuyên thuyết,
Họ đến bờ bên kia,
Khéo vượt cảnh giới Ma.

3) Ðoạn tận các hắc pháp,
Bậc trí tu bạch pháp,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Trong độc cư, khó lạc.

4) Ở đây, muốn hưởng lạc,
Hãy bỏ mọi dục vọng,
Bậc trí tự thanh lọc,
Tự tâm khỏi phiền não.

5) Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,
Từ bỏ các chấp trước,
Hoan hỷ không chấp thủ,
Lậu hoặc tận, chói sáng,
Ðạt tịch tịnh ở đời.

35.V. Sa Môn Hạnh (1) (S.v,25)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Sa-môn hạnh và quả Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Sa-môn hạnh.

5) Và này các Tỷ-kheo, theá nào là quả Sa-môn hạnh? Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quả Sa-môn hạnh.

36.VI. Sa Môn Hạnh (2) (S.v,25)

1-2) Ở Sàvatthi…

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Sa-môn hạnh và mục đích Sa-môn hạnh. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn hạnh? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Sa-môn hạnh.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là mục đích Sa-môn hạnh? Này các Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Ðây gọi là mục đích Sa-môn hạnh (sàmannattho).

37-38.VII-VIII.Bà La Môn Hạnh (1-2) (S.v,25-26)

(Giống như 35-36, chỉ khác: các kinh trước nói đến Sa-môn hạnh, các kinh này nói đến Bà-la-môn hạnh)

39-40.IX-X. Phạm Hạnh (1-2) (S.v,26)

(Giống như kinh 35-36, chỉ khác: các kinh trước nói đến Sa-môn hạnh, các kinh này nói đến Phạm hạnh)


Ngoại Ðạo Trung Lược

41.I. Ly Tham. (S.v,27)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) Rồi nhiều Tỷ-kheo… bạch Thế Tôn.

3) — Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Do mục đích đoạn tận tham, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama”.

4) Này các Tỷ-kheo, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư Hiền, đưa đến đoạn tận tham?” Ðược hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham”.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham. Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.

42.II. Kiết Sử (Samyojanam) (S.v,28)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Vì mục đích đoạn tận các kiết sử, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama..”.

43.III. Tùy Miên (S.v,28)

1) …

2) “… Vì mục đích nhổ sạch lên các tùy miên, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..”.

44.IV. Hành Lộ (Addhànam) (S.v,28)

1) …

2) “… Vì mục đích liễu tri hành lộ, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..”.

45.V. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (S.v,28)

1) …

2) “… Vì mục đích đoạn tận các lậu hoặc, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..”.

46.VI. Ðược Giải Thoát Nhờ Minh (Vijjàvimutti) (S.v,28)

1) …

2) “… Vì mục đích chứng ngộ được quả giải thoát nhờ minh, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..”.

47.VII. Trí (S,v,28)

1) …

2) “… Vì mục đích tự kiến, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn..”.

48.VIII. Không Chấp Thủ (S.v,29)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại ấy như sau: “Vì mục đích hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn”.

3) Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: “Có con đường nào, này chư Hiền, có đạo lộ nào đưa đến hoàn toàn tịch tịnh không có chấp thủ?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, này chư Hiền, có đạo lộ đưa đến hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ”.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến tịch tịnh hoàn toàn không có chấp thủ? Chính Thánh đạo Tám ngành này, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến hoàn toàn tịch tịnh, không có chấp thủ. Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.


Mặt Trời Lược Thuyết (Suriyassa peyyàlam)

Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.

I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly.

49.I. Thiện Hữu (1) (S.v,29)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông (arunuggam); cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước sự sanh khởi của Thánh đạo Tám ngành, chính là bạn hữu với thiện.

3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định… hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

50.II. Gíới Hạnh (2) (S.v,30)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi chính là sự thành tựu giới hạnh.

3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thời chờ đợi rằng… (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).

51.III. Ước Muốn (1) (Chanda) (S.v,30)

1-2) … Tức là sự đầy đủ ước muốn (chanda-sampadà) … (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).

52-54.IV.VI. Ngã, Kiến, Không Phóng Dật. (1) (S.v,30)

(Ðầy đủ ngã… đầy đủ kiến… đầy đủ không phóng dật, với những thay đổi cần thiết)…

55.VII. Như Lý (1) (Yoniso). (S.v,31)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi chính là đầy đủ như lý tác ý (yonisomana-sikàrasampadà).

3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý này, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

II. Nhiếp Phục Tham (Ràgavinaya).

56.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2) (S.v,31)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc… chính là bạn hữu với thiện.

3) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si… tu tập chánh định, với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

57.IX. Gíới Hạnh (2) (S.v,31)

1-2)– Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước… chính là sự thành tựu giới hạnh… (như trên).

58.X. Ước Muốn (2) (Chanda) (S.v,32)

1-2) — Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước… chính là sự đầy đủ ước muốn… (như trên)…

59.XI. Ngã (2) (S.v,32)

1-2) — Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước… chính là sự đầy đủ ngã… (như trên)…

60.XII. Kiến (2) (S.v,32)

1-2) — Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước… chính là sự đầy đủ kiến… (như trên)…

61.XIII. Không Phóng Dật (2) (S.v,32)

1-2) … chính là sự đầy đủ không phóng dật… (như trên)…

62.XIV. Như Lý (2) (S.v,32)

1) …

2)–…Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước… chính là sự đầy đủ như lý tác ý.

3) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý này, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý… tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si… Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.


Một Pháp Trung Lược I

Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.

I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly

63.I. Bạn Hữu Với Thiện (1) (S.v,32)

1) …

2)– Có một pháp, này các Tỷ-kheo, lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành được sanh khởi. Thế nào là một pháp? Chính là bạn hữu với thiện.

3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

64.II. Gíới Hạnh (1) (S.v,33)

1) …

2) — Có một pháp, này các Tỷ-kheo, lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành sanh khởi. Và thế nào là một pháp lợi ích nhiều cho Thánh đạo Tám ngành sanh khởi?… (như trên)…

65.III. Ưóc Muốn (1) (S.v,33)

1-2) … tức là đầy đủ ước muốn…

66.IV. Ngã (1) (S.v,33)

1-2) … tức là đầy đủ ngã…

67.V. Kiến (1) (S.v,33)

1-2) … tức là đầy đủ kiến…

68.VI. Không Phóng Dật (1) (S.v,33)

1-2) … tức là đầy đủ không phóng dật…

69.VII. Như Lý (1) (S.v,33)

1-2) … tức là đầy đủ như lý tác ý…

3) Với các Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, được chờ đợi là Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

II. Nhiếp Phục Tham

70.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2). Cho đến

76.XVI. Như Lý (2) (S.v,34-35)

1) Ở Sàvatthi…

(Hoàn toàn giống như từ số 63 đến số 69).


Một Pháp Trung Lược II

Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi…

I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly

77.I. Bạn Hữu Với Thiện (1) (S.v,35)

1) …

2) — Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành chưa khởi lên được sanh khởi, hay Thánh đạo Tám ngành khởi lên rồi được đi đến tu tập sung mãn. Pháp ấy tức là bạn hữu với thiện.

3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

78-83.II-VII. (S.v,36)

(Như các đoạn trước với những thay đổi cần thiết).

II. Nhiếp Phục Tham

84.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2) (S.v,37)

1) …

2) — Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành được tu tập, được làm cho viên mãn. Chính là bạn hữu với thiện.

3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si… tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

85-90.II-VII. (S.v,37)

(Như những đoạn trước với những thay đổi cần thiết).

Hằng Hà Lược Thuyết

Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi…

I. Liên Hệ Ðến Viễn Ly

91.I. Phương Ðông (1) (S.v,38)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

92-96.II-VI. Hướng Ðông (2-6) (S.v,38-39)

(Như kinh 91, chỉ khác tên các con sông Yamunà, Aciiravatii, Sarabuu, Mahii, các sông lớn như các sông Hằng, Yamunà, Aciiravattii, Sarabhuu, Mahii…)

97-102.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,39-40)

(Như các kinh 91-96, chỉ khác, ở đây là hướng về biển, không phải hướng về hướng Ðông).

II. Nhiếp Phục Tham

103-108.I-VI. Hướng Ðông (1-6) (S.v,40)

109-114.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,40)

1-2) …

3) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si… (như trên với những thay đổi cần thiết) …

III. Nhập Vào Bất Tử (Amatogadha)

115-120.I-VI. Hướng Ðông (1-6) (S.v,41)

121-126.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,41)

1-2) …

3)– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, nhập vào bất tử, hướng về bất tử, cứu cánh là bất tử.

IV. Thiên Về Niết Bàn

127-132.I-VI. Hướng Ðông (1-6) (S.v,41)

133-138.VII-XII. Biển (1-6) (S.v,41)

1-2) …

3) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn… Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành… thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

V. Phẩm Không Phóng Dật

139.I. Như Lai (S.v,41)

I. Viễn Ly

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) — Cũng như, này các Tỷ-kheo, đối với tất cả loại hữu tình không chân, hai chân bốn chân, hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay không có tưởng và không không có tưởng; Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thiện pháp gì, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, đều lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ. Không phóng dật được gọi là tối thượng đối với tất cả pháp ấy.

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo tám ngành được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. (Ba kinh khác về viễn ly, cũng được thuyết tương tự).

II. Nhiếp Phục Tham

1-2-3) …

4) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, lấy nhiếp phục tham làm cứu cánh, lấy nhiếp phục sân làm cứu cánh, lấy nhiếp phục si làm cứu cánh… tu tập chánh định, lấy nhiếp phục tham làm cứu cánh, lấy nhiếp phục sân làm cứu cánh, lấy nhiếp phục si làm cứu cánh…

III. Bất Tử.

1-2-3) …

4) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, lấy bất tử làm chỗ hội nhập, lấy bất tử làm mục đích, lất bất tử làm cứu cánh… tu tập chánh định, lấy bất tử làm chỗ hội nhập, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh.

IV. Niết Bàn

1-2-3) …

4) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn… tu tập chánh định thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn…

140.II. Dấu Chân (I-IV) (S.v,43)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những dấu chân của các loại chúng sanh bộ hành nào, tất cả đều hội tập (samodhànam gachanti) trong chân con voi, vì chân con voi được gọi là tối thượng trong tất cả loại chân, tức là về phần to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật được gọi là tối thượng trong tất cả thiện pháp.

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn.

141.III. Chóp Mái (I-IV) (S.v,43)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, các đòn tay nào của một ngôi nhà có mái nhọn, tất cả đều đi đến mái nhọn, hướng đến mái nhọn, quy tụ vào mái nhọn. Mái nhọn đối với chúng được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo… (như kinh trên)

142.IV. Gốc Rễ (I-IV) (S.v,44)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại rễ hương nào, loại chiên-đàn đen (kàlànu-sàriyam) được gọi là tối thượng. Cũng vậy… (như trên) …

143.V. Lõi Hương (I-IV) (S.v,44)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại lõi hương nào, loại chiên-đàn đỏ (lohitacandanam) được gọi là tối thượng. Cũng vậy… (như trên) …

144.VI. Hạ Sanh Hoa (Bông huệ: vassikam) (I-IV) (S.v,44)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những loại hoa hương nào, hoa huệ được gọi là tối thượng. Cũng vậy… (như trên) …

145. VII. Vua (I-IV) (S.v,44)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những tiểu vương nào (kuttaràjàno), tất cả đều tùy thuộc Chuyển luân vương. Vua Chuyển luân đối với họ được gọi là tối thượng. Cũng vậy… (như trên) …

146.VIII. Mặt Trăng (I-IV) (S.v,44)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm ánh sáng của bất cứ loại sao nào, tất cả đều không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng đối với chúng được gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo… (như trên) …

147.IX. Mặt Trời (I-IV) (S.v,44)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, vào mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên hư không, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, bừng sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo… (như trên) …

148.X. Vải (I-IV) (S.v,45)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có vải gì được dệt, vải dệt ở Ba-la-nại được gọi là tối thượng… Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật được gọi là tối thượng trong tất cả thiện pháp.

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.


VI. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh

Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.

149. I. Sức lực (S.v,45)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hành động gì muốn làm cần phải có sức lực, tất cả những hành động ấy đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

(Ðoạn này giống với đoạn “Hằng hà lược thuyết”, được thuyết rộng thêm).

150.II. Các Hột Giống (1) (S.v,46)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hột giống nào, những cây mạ nào (bhùtagàmà) tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại, tất cả đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại trong các pháp?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành và đạt đến tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp.

151.III. Con Rắn (Nàga) (S.v,47)

1) …

2) — Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ; sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ; sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn; sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp…

152.IV. Cây (S.v,47)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có cây thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông, khi bị chặt từ gốc, cây ấy sẽ rơi về hướng nào?

— Bạch Thế Tôn, về phía nó thiên về, về phía nó hướng về, về phía nó xuôi về.

3) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

153.V. Cái Ghè (S.v,48)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè, nếu bị nghiêng đổ, nước đã bị đổ ra không thể đổ vào lại được. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly,… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không có thể đổ vào lại được.

154.VI. Râu Lúa Mì (Sukiya) (S.v,48)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu lúa mì, hay sợi râu lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay chân đè vào, có thể đâm thủng tay chân, hay có thể làm đổ máu. Sự tình này có xảy ra. Vì sao? Vì sợi râu được đặt hướng chân chánh.

3) Cũng vậy, Tỷ-kheo nhờ đặt hướng chân chánh, tu tập con đường chơn chánh, thời vô minh được cắt đoạn, minh sẽ được khởi lên, Niết-bàn sẽ được chứng đắc. Sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì tri kiến được đặt hướng một cách chân chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo nhờ chân chánh đặt hướng tri kiến, nhờ chân chánh đặt hướng con đường tu tập nên đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh đặt hướng tri kiến, chân chánh đặt hướng con đường tu tập, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn.

155.VII. Hư Không (S.v,49)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, trên không trung, có nhiều loại gió thổi, gió từ phương Ðông thổi, gió từ phương Tây thổi, gió từ phương Bắc thổi, gió từ phương Nam thổi, gió có bụi thổi, gió không bụi thổi, gió lạnh thổi, gió nóng thổi, gió nhỏ thổi, gió thật lớn thổi.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời bốn niệm xứ được tu tập, đi đến viên mãn, bốn chánh cần… bốn như ý túc… năm căn… năm lực… bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn… bốn chánh cần… bốn như ý túc… năm căn… năm lực… bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn, bốn chánh cần… bốn như ý túc… năm căn… năm lực… bảy giác chi được tu tập đi đến sung mãn.

156.VIII. Mây Mưa (1) (S.v,50)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, vào cuối tháng mùa hạ, bụi mù bay lên, rồi có đám mây lớn trái mùa thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh (uppannuppanne) lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ.

157.IX. Mây Mưa (2) (S.v,50)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngọn gió lớn thỉnh thoảng làm cho đám mây mưa lớn khởi lên bị tiêu tan, tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi, khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định… hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ.

158.X. Chiếc Thuyền (S.v,51)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển, đầy đủ cột buồm, và dây buồm (vettabandhanabandhàya), và bị mắc cạn trên bờ, trong sáu tháng bị nước làm cho hao mòn. Còn trong mùa khô, các dây buồm bị gió và mặt trời làm cho hư hại. Rồi trong mùa mưa, bị thấm ướt (abhippavutthàni) bởi cơn mưa giông, rất dễ (appakasiraneva) bị yếu, hư và mục nát. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly… hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát.

159.XI. Các Khách (S.v,51)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có một nhà khách, ở đấy có người từ phương Ðông tới ở, có người từ phương Tây tới ở, có người từ phương Bắc tới ở, có người từ phương Nam tới ở, có người Sát-đế-lị tới ở, có người Bà-la-môn tới ở, có người Phệ-xá tới ở, có người Thủ-đà tới ở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, họ nhờ thắng trí liễu tri các pháp ấy; với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; với các pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ các pháp ấy nhờ thắng trí; với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí? Cần phải được trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí? Vô minh, hữu và ái (bhavatanhà), những pháp này cần phải đoạn tận nhờ thắng trí.

5) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí? Minh và giải thoát, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí.

6) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải tu tập nhờ thắng trí? Chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải tu tập nhờ thắng trí.

7) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri, họ liễu tri được các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí?

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, vị ấy liễu tri những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, vị ấy đoạn tận những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, vị ấy tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.

160.XII. Con Sông (S.v,53)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông. Rồi có một quần chúng lớn đến cầm cuốc và giỏ nói rằng: “Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng này thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây”. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, quần chúng lớn ấy có thể làm cho sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Vì sao? Vì rằng sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông, không dễ gì có thể làm sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây. Quần chúng lớn ấy chỉ phải khổ nhọc, phiền não mà thôi.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời các vua, đại thần của vua, bằng hữu, đồng nghiệp, thân thích hay quyến thuộc cùng một huyết thống, đem tài sản đến mời mọc: “Hãy đến, này Bạn ! Sao để những cà-sa này làm phiền não Bạn? Sao lại bộ hành với đầu trọc và y bát? Hãy hoàn tục, hưởng các tài sản và làm các công đức”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy đã lâu ngày thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, không thể nào có thể trở lại hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Và thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.


VII. Phẩm Tầm Cầu (Esanavaggo)

1) Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.

161.I. Tầm Cầu (S.v,54)

I. Thắng Trí

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu về dục, tầm cầu về hữu, tầm cầu về Phạm hạnh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu. Chính do thắng tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo tám ngành này được tu tập. Thế nào là Thánh đạo tám ngành được tu tập?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính do thắng tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành này được tu tập.

4-5) … Tu tập chánh định, với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si.

6-7) … Tu tập chánh định, thể nhập vào bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử.

8-9) … Tu tập chánh định, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

II. Liễu Tri: Parinnà

10-17) — Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu về dục, tầm cầu về hữu, tầm cầu về Phạm hạnh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu. Chính vì liễu tri ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.

III. Ðoạn Diệt: Parikkaya.

18-25) — Này các Tỷ-kheo, có ba loại tầm cầu. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh. Chính vì mục đích đoạn tận ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.

IV. Ðoạn Tận: Pahàna

26-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh. Chính vì mục đích đoạn tận ba tầm cầu này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập.

162.II. Kiêu Mạn (Vidhà) (I-IV) (S.v,56)

1) … Sàvatthi…

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba kiêu mạn. Thế nào là ba? Kiêu mạn: “Tôi hơn”; kiêu mạn: “Tôi bằng”; kiêu mạn: “Tôi thua”. Này các Tỷ-kheo, đó là ba kiêu mạn này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành được tu tập?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

163.III. Lậu Hoặc (I-IV) (S.v,56)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, đó là ba lậu hoặc này. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba lậu hoặc này mà Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

164.IV. Hữu (I-IV) (S.v,56)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba hữu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

165.V. Khổ Tánh (Dukkhatà) (I-IV) (S.v,56)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba khổ tánh này. Thế nào là ba? Khổ khổ tánh, hành khổ tánh, hoại khổ tánh. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba khổ tánh này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

166.VI. Hoang Vu (Khilà) (I-IV) (S.v,57)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba hoang vu này. Thế nào là ba? Tham hoang vu, sân hoang vu, si hoang vu. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba hoang vu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

167.VII. Cấu Nhiễm (Malam) (I-IV) (S.v,57)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba cấu nhiễm này. Thế nào là ba? Tham cấu nhiễm, sân cấu nhiễm, si cấu nhiễm. Này các Tỷ-kheo, đó là ba cấu nhiễm này. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba cấu nhiễm này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

168.VIII. Dao Ðộng (I-IV) (S.v,57)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba dao động này. Thế nào là ba? Tham giao động, sân dao động, si dao động. Này các Tỷ-kheo, đó là ba dao động này. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba dao động này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

169.IX. Thọ (I-IV) (S.v,57)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đó là ba thọ này. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba thọ này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

170a.X. Khát Ái (Tanhà) (I-IV) (S.v,57)

1) …

2-3) — Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này. Thế nào là ba? Dục khát ái, hữu khát ái, phi hữu khát ái. Này các Tỷ-kheo, đó là ba khát ái này. Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba khát ái này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, liên hệ đến đoạn tận, hướng đến từ bỏ.

Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba khát ái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

170b.XI. Khát Ái (Tasinà hay Tanhà) 2-4 (I-IV) (S.v,58)

1-2-3) …

4-33) — Có ba khát ái này, này các Tỷ-kheo… Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba khát ái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham… liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si… tu tập chánh định với mục đích là thể nhập bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử… tu tập chánh định thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn… Chính vì mục đích thắng tri… liễu tri… đoạn diệt… đoạn tận ba khát ái này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.


VIII. Phẩm Bộc Lưu

1) Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi…

171.I. Bộc Lưu (Ogha). (S.v,59)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn bộc lưu này. Chính vì mục đích muốn thắng tri, muốn liễu tri, muốn đoạn diệt, muốn đoạn tận bốn bộc lưu này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

3-33) (Như đoạn về Tầm cầu…)

172.II. Ách Phược (Yogo) (S.v,59)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có bốn ách phược này. Thế nào là bốn? Dục ách phược, hữu ách phược, kiến ách phược, vô minh ách phược. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn ách phược này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn ách phược này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

173.III. Chấp Thủ (S.v,59)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có bốn chấp thủ. Thế nào là bốn? Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn chấp thủ này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn chấp thủ này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

174.IV. Hệ Phược (Ganthà) (S.v, 59)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có bốn hệ phược này. Thế nào là bốn? Tham thân hệ phược, sân thân hệ phược, giới cấm thủ thân hệ phược, chấp đây là sự thực thân hệ phược. Này các Tỷ-kheo, đó là bốn hệ phược này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bốn hệ phược này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.

175.V. Tùy Miên (S.v,60)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy miên này. Thế nào là bảy? Dục tham tùy miên (kàmaràgànusaya), hận tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên (bhavaràgànusaya), vô minh tùy miên. Này các Tỷ-kheo, đó là bảy tùy miên này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận bảy tùy miên này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

176.VI. Dục Công Ðức (S.v,60)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… Các hương do mũi nhận thức… Các vị do lưỡi nhận thức… Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Này các Tỷ-kheo, đó là năm dục công đức này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm dục công đức này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này phải được tu tập.

177.VII. Các Triền Cái (S.v,60)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này. Thế nào là năm? Dục tham triền cái (kàmacchandaniivaranà), sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỷ-kheo, đó là năm triền cái này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

178.VIII. Uẩn (S.v,60)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

Này các Tỷ-kheo, đó là năm thủ uẩn này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thủ uẩn này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

179.IX. Hạ Phần Kiết Sử (S.v,61)

1) …

2-33) — Này các Tỷ-kheo, có năm hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm? Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỷ-kheo, đó là năm hạ phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Thánh đạo tám ngành này cần phải tu tập.

180.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,61)

1) …

2) — Có năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?

3-17) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

Ví như, này các Tỷ-kheo, con sông Hằng…

18) Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đó là năm thượng phần kiết sử này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành cần phải tu tập?

19-33) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến… tu tập chánh định với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si… thể nhập vào bất tử, hướng đến bất tử, với cứu cánh là bất tử… thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập.

[46] Chương II: Tương Ưng Giác Chi

-ooOoo-

I. Phẩm Núi

1.I. Tuyết Sơn (S.v,63)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi …

Thế Tôn nói như sau :

3) — Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ. Sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn. Sau khi đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn. Sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy, thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp.

2.II. Thân (S.v,64)

I

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú.

4) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tịnh tướng (subhanimittam), ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời tịnh tướng này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

5) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với sân chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có đối ngại tướng (patighanimittam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đối ngại tướng này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

6) Này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hôn trầm thụy miên chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có sự không hân hoan, biếng nhác (tandi), uể oải (vijambhità), ăn quá no, tâm rụt rè (linàttam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

7) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạo hối chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm không được tịnh chỉ. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

8) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với nghi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với nghi đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính các pháp này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; hay đối với nghi hoặc đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

9) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.

II

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.

11) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

12) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạch pháp giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng (kanhàsukkasa-ppatibhàgà). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

13) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu), tinh cần giới (mikkamadhàtu), cần dõng giới (parakkamadhàtu). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

14) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

15) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

16) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

17) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.

3.III. Giới (S.v,67)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào cụ túc giới, cụ túc định, cụ túc tuệ, cụ túc giải thoát, cụ túc giải thoát tri kiến, Ta nói rằng ai thấy các Tỷ-kheo ấy thì có rất nhiều lợi ích.

3) Ai nghe các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai yết kiến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai thân cận các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai nhớ nghĩ đến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai tùy thuận các Tỷ-kheo ấy xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích.

4) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, khi nghe pháp từ các Tỷ-kheo như vậy, vị nào sống viễn ly (vupakattho), được hai sự viễn ly : viễn ly về thân và viễn ly về tâm. Vị sống viễn ly như vậy thì sẽ tùy niệm (anussarati) pháp ấy, tùy tầm pháp ấy.

5) Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống viễn ly như vậy, tùy niệm, tùy tầm pháp ấy; trong lúc ấy, niệm giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy.

6) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát pháp ấy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động (asallinam) bắt đầu phát khởi nơi vị ấy.

7) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất (piti niràmisà) khởi lên.

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an.

9) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh.

10) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thân khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, định giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập định giác chi; trong khi ấy, định giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn (sự vật) (sàdhukam ajjhupekkhità).

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm định tĩnh, khéo trú xả nhìn (sự vật) như vậy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập xả giác chi; trong khi ấy, xả giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

12) Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, thời bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?

13) Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu được chánh trí; nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí.

14) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn (antaràparinibbàyi).

15) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian bát Niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại (upahacca) Bát-niết-bàn.

16) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không chứng được chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phầm kiết sử, chứng được Vô hành Bát-niết-bàn (asankhàraparinibbàyi)

17) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt được năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-hàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.

18) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại bát Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là bậc thượng lưu (uddhamsoto), đạt được Sắc cứu cánh thiên.

19) Này các Tỷ-kheo, do tu tập bảy giác chi như vậy, do làm cho sung mãn như vậy nên được chờ đợi bảy quả này, bảy lợi ích này.

4.IV. Chuyển (Vatta) (S.v,70)

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, vườn ông Anàthapindika.

2) Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

— Chư Hiền giả Tỷ-kheo.

— Thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau :

3) — Này chư Hiền, có bảy giác chi này. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này chư Hiền, đó là bảy giác chi này.

4) Ðối với bảy giác chi này, này chư Hiền, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi chiều.

5) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này.

6-10) … (như trên, với các giác chi khác) …

11) Nếu là xả giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này.

12) Ví như, này chư Hiền, hòm áo của vua hay vị đại thần của vua đầy những loại áo có màu sắc sai biệt. Nếu vị ấy muốn mặc loại áo nào vào buổi sáng, vị ấy mặc loại ấy vào buổi sáng. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi trưa, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi trưa. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi chiều, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi chiều.

13) Cũng vậy, này chư Hiền, đối với bảy giác chi này, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, ta an trú giác chi ấy vào buổi chiều.

14) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết… (như trên đoạn số 5)

15-19) … (như trên đoạn số 6-10)

20) Nếu là xả giác chi… (như trên đoạn số11)

5.V. Vị Tỷ-Kheo (S.v,72)

1) …

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến… ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

–“Giác chi, giác chi”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?

— Này Tỷ-kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

4) Do vị ấy tu tập bảy giác chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên : “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ : “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

5) Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên chúng được gọi là giác chi.

6.VI. Kundaliya (Người đeo vòng tai) (S.v,73)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Ancana, vườn Lộc Uyển.

2) Rồi du sĩ Kundaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :

3) — Thưa Tôn giả Gotama, tôi sống gần khu vườn, giao du với hội chúng. Sau khi ăn buổi sáng xong, thưa Tôn giả Gotama, như sau là sở hành (àcàra) của tôi. Tôi bộ hành, tôi du hành, từ khóm vườn này qua khóm vườn khác, từ khu vườn này qua khu vườn khác. Tại đấy, tôi thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về lợi ích thoát ly các tranh luận (itivàdapamokkànisamsam) và lợi ích cật vấn (upàrambhànisamsam). Còn Tôn giả Gotama sống có lợi ích gì?

— Này Kundaliya, Như Lai có quả lợi ích của minh và giải thoát (vịjjàvimuttiphalà- nisamsam).

4) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?

— Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

5) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

— Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

6) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn?

— Này Kundaliya, ba thiện hành (sucaritàni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

7) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

— Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. Nhưng này Kundaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

8) Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

9-12) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc…

13) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi ý biết pháp khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và Tỷ-kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

14) Này Kundaliya, khi nào Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát… khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết pháp, đối với các pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát. Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.

15) Và này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành; đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành; đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành. Này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

16) Và này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các thọ… quán tâm trên các tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

17) Và này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

18) Khi được nói vậy, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :

— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama… từ nay cho đến trọn đời con xin quy ngưỡng.

7. VII Nóc Nhà (S. v, 75)

1-2) …

3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, các cây đà, cây kèo của ngôi nhà có nóc nhọn; tất cả cây đà, cây kèo ấy đều thiên về nóc nhọn, hướng về nóc nhọn, xuôi về nóc nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

4) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi như thế nào, làm cho sung mãn bảy giác chi như thế nào, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về về Niết-bàn.

8.VIII. Upavàna (S.v,76)

1) Một thời Tôn giả Upavàna và Tôn giả Sàriputta sống ở Kosambi, tại vườn Ghosita.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Upavàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Upavàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upavàna.

3)– Thưa Hiền giả Upavàna, Tỷ-kheo có thể biết được chăng, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú?

4) — Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo bắt đầu trong ta, đưa đến lạc trú. Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu niệm giác chi, biết được : “Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn giác chi đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng (atthikatvà), ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất (linàm)”… Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu xả giác chi, biết được : “Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn giác chi đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng, ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất”. Cũng vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú.

9.IX. Sanh (1) (S.v,77)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Thế nào là bảy?

3) Niệm giác chi… xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác.

10.X. Sanh (2) (S.v,77)

1) …

2) — Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ. Thế nào là bảy?

3) Niệm giác chi… xả giác chi. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ.


II. Phẩm Về Bệnh

11.I. Sanh Loại (S.v,78)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có những loại hữu tình (pàna) theo bốn cử chỉ, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm. Tất cả những sanh loại ấy y cứ vào đất, an trú vào đất; mà thực hiện bốn cử chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

12.II. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,78)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện. Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng : bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

13.III. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,79)

1) …

2) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn.

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

14.IV. Bệnh (1) (S.v,79)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa :

— Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?

— Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.

5) — Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn… Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

— Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.

6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy.

15.V. Bệnh (2) (S.v,80)

1-6) (Hoàn toàn giống kinh trên, chỉ khác đây là trường hợp ngài Mahà Moggalàna).

16.VI. Bệnh (3) (S.v,81)

1) Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Tôn giả Mahà Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Cunda đang ngồi một bên :

— Này Cunda, hãy thuyết về giác chi.

5) — Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Bạch Thế Tôn, niệm giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn… Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

— Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi.

6) Tôn giả Mahà Cunda thuyết như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Và Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy. (Kinh Hán Tạng: Tăng, Ðại 2,73la)

17.VII. Ðến Bờ Bên Kia Hay Không Có Hơn Nữa (S.v,81)

1) …

2) — Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia… Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia.

3) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Ít thay là những người,
Qua được bờ bên kia,
Phần lớn quần chúng khác,
Chạy qua lại bờ này.

2) Những ai khéo thuyết giảng,
Chánh pháp khéo tuyên thuyết,
Họ đến bờ bên kia,
Khéo vượt cảnh Ma giới.

3) Ðoạn tận các hắc pháp,
Bậc trí tu bạch pháp,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Trong độc cư an lạc.

4) Ở đây muốn hưởng lạc,
Hãy bỏ mọi dục vọng,
Bậc trí tự thanh lọc,
Tự tâm khởi phiền não.

5) Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,
Từ bỏ các chấp trước,
Hoan hỷ, không chấp thủ,
Lậu hoặc tận, chói sáng,
Ðạt tịch tịnh ở đời.

18.VIII. Thối Thất (Virdddha) hay Tấn Tu (Aradda) (S.v,82)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất bảy giác chi thì cũng thối thất Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Này các Tỷ-kheo, những ai tấn tu bảy giác chi thì cũng tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Thế nào là bảy? Niệm giác chi,… xả giác chi.

3) Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất hay tấn tu bảy giác chi thì cũng thối thất hay tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ.

19.IX. Thánh (S.v,82)

1) …

2) — Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ. (Niyyànikà : Ðưa đến giải thoát), dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi… Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ, dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

20.X. Nhàm Chán (S.v,82)

1) …

2) — Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi… Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.


III. Phẩm Udàyi

21.I. Giác (Bodhanà) (S.v,83)

1) …

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến… rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Giác chi, giác chi”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?

— Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên được gọi là giác chi.

4) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Ðưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, cho nên được gọi là giác chi.

22.II. Thuyết Giảng (Tạp 26,17 Ðại 2, 196a) (S.v,83)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy giác chi. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi… xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này.

23.III. Trú Xứ (Thànà) (Tạp 26,71 Ðại 2, 190b) (S.v,84)

1) …

2) — Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho dục và tham (kàmaràga), này các Tỷ-kheo, nên dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

3) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho sân, này các Tỷ-kheo, nên sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

4) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, nên hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

5) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho trạo hối, này các Tỷ-kheo, nên trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

6) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, nên nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

7) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, nên niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

8) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho xả giác chi, này các Tỷ-kheo, nên xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

24.IV. Phi Như Lý (Ayoniso) (Tạp 27, 14 Ðại 2, 195b) (S.v,84)

1) …

2)– Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh khởi đi đến tăng trưởng, quảng đại.

3) … sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

4) … hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

5) … trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

6) … nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

7) … và niệm giác chi chưa sanh không sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh bị đoạn diệt… xả giác chi chưa sanh không sanh khởi; và xả giác chi đã sanh bị đoạn diệt.

8) … Và này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, dục tham chưa sanh không thể sanh khởi; và dục tham đã sanh bị đoạn tận.

9) … sân chưa sanh không thể sanh khởi; và sân đã sanh bị đoạn tận.

10) … hôn trầm thụy miên chưa sanh không thể sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh bị đoạn tận.

11) … trạo hối chưa sanh không thể sanh khởi; và trạo hối đã sanh bị đoạn tận.

12) … nghi hoặc chưa sanh không thể sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh bị đoạn tận.

13) … Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn… xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

25.V. Không Tổn Giảm (Aparihàni) (1) (S.v,85)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy pháp không tổn giảm. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không tổn giảm? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là bảy pháp không tổn giảm.

26.VI. Ðoạn Tận (Khaya) (S.v,86)

1) …

2) — Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.

3) Và con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.

4) Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :

— Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến đoạn tận khát ái?

5) — Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.

6-11) … trạch pháp giác chi… tinh tấn giác chi… hỷ giác chi… khinh an giác chi… định giác chi…

12) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Ðối với vị tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.

13) Như vậy, này Udàyi, do khát ái đoạn tận nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận.

27.VII. Ðoạn Diệt (Tạp 27, 18 Ðại 2, 196a) (S.v,87)

1) …

2) — Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn diệt khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.

3) Và này các Tỷ-kheo, con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn diệt khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.

4) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ,… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái.

28.VIII. Thể Nhập (Nibbedha). (S.v,87)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường thể nhập phần (nibbedhabhàgiyam). Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thể nhập phần? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.

4) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :

— Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến thể nhập?

5) — Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập niệm giác chi, đâm thủng được (nibbijjhati), phá vỡ được (padàleti) tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ… Tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập xả giác chi, đâm thủng được, phá vỡ được tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ.

6) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này Udàyi, bảy giác chi đưa đến thể nhập.

29.IX. Một Pháp (S.v,88)

1) …

2) — Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. Ðó chính là bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi.

3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly,… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp có khả năng sanh kiết sử? Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước (ajjhosanà), sai sử, trói buộc (samyojanavinibandhà) … Ý là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước, sai sử, trói buộc.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp có khả năng sanh kiết sử.

30.X. Udàyi (S.v,89)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa những người Sumbha, tại một thị trấn của những người Sumbha tên là Setaka.

2) Rồi Tôn giả Udàyi, đi đến Thế Tôn… ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :

3) — Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Xúc động nhiều thay (bahukatam), bạch Thế Tôn, là lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí của con đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, trước khi con còn là người tại gia, con không có nhiều xúc động (bahukata) đối với Pháp, không có nhiều xúc động đối với Tăng. Nhưng, bạch Thế Tôn, khi con cảm thấy (sampassamàno) lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí đối với Thế Tôn, thời con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và Thế Tôn thuyết pháp cho con : “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt… Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thức đoạn diệt”.

4) Rồi, bạch Thế Tôn, con đi đến chỗ nhà trống, và trong khi tùy quán (samparivattento) theo sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, con như thật thắng tri : “Ðây là khổ”. Con như thật thắng tri: “Ðây là khổ tập khởi”. Con như thật thắng tri: “Ðây là khổ diệt”. Con như thật thắng tri : “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

5) Pháp, bạch Thế Tôn, được con hoàn toàn chứng tri (abhisamito). Con đường được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đắc như vậy (tathattàya). Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Bạch Thế Tôn, con chứng được niệm giác chi. Niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết được rằng : “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”… Con chứng được, bạch Thế Tôn, xả giác chi. Xả này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Bạch Thế Tôn, con đường này được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.

6) — Lành thay, lành thay, này Udàyi ! Con đường này, này Udàyi, Ông chứng được, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ dắt dẫn Ông, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, Ông sẽ rõ biết rằng : “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.


IV. Phẩm Triền Cái

31.I.Thiện (1) (S.v,91)

1) …

2) — Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ; không phóng dật được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy.

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

32.II. Thiện (2) (S.v,91)

1) …

2) — Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy như lý tác ý làm chỗ quy tụ; như lý tác ý được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy.

3) Với Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

33.III. Cấu Uế (1) (S.v,92)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo có năm cấu uế này đối với vàng. Do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn (pabhangu), và không chân chánh chịu sử dụng.

3) Sắt, này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm… chịu sử dụng.

4) Ðồng (loham), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm… chịu sử dụng.

5) Thiếc (tipu), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm…

6) Chì (siisam), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm…

7) Bạc (sajjhum), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng.

8) Chính cấu uế của vàng, này các Tỷ-kheo, do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm cấu uế này của tâm, chính những cấu uế ấy khiến tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

9) Dục tham (kàmachanda), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của tâm. Do cấu uế ấy, tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

10-13) … (Với sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi)

14) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm cấu uế của tâm. Chính do những cấu uế ấy, tâm không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

34.IV. Các Cấu Uế (2) (Tạp 26,67, Ðại 2,189b) (S.v,93)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy?

3) Có niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát… Xả giác chi không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

4) Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

35.V.Như Lý (1) (S.v,93)

1) …

2) — Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchando) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

3) … sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

4) … hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

5) … trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

6) Và này các Tỷ-kheo, do phi như lý tác ý, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại. 

36.VI. Như Lý (2) (S.v,94)

1) …

2) — Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn… xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. 

37.VII. Tăng Trưởng Hay Không Giảm Thiểu (Tạp 26,67, Ðại 2, 189b) (S.v,94)

1) …

2)– Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. Thế nào là bảy?

3) Niệm giác chi… Xả giác chi.

4) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. 

38.VIII. Chướng Ngại, Triền Cái (Tạp 26, 69, Ðại 2, 189c) (S.v,94)

1) …

2) — Có năm chướng ngại, triền cái, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm?

3) Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái… Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái… Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái… Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ.

4) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm và làm yếu ớt trí tuệ.

5) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy?

6) Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát… Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

7) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng (atthim katvà) tác ý, tập trung tất cả tâm ý (sabbacetaso sammannàharitvà), lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Và bảy giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

9) Năm triền cái nào, trong khi ấy, không có hiện hữu? Dục tham triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Sân triền cái… Hôn trầm thụy miên triền cái… Trạo hối triền cái… Nghi hoặc triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Năm triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu trong vị ấy.

10) Bảy giác chi nào, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn? Niệm giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn… Xả giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng tác ý, tập trung tất cả tâm ý, lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Bảy giác chi này, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

39.IX. Cây (Tạp 26,70, Ðại 2, 190a) (S.v,96)

1) …

2) — Có những cây lớn, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống.

3) Và này các Tỷ-kheo, những cây lớn nào sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác, các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống? Ví như cây Bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara), cây bách hướng (kacchaka), cây kapitthaka; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có thiện nam tử đoạn trừ các dục vọng, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng bị những dục vọng ấy, hay bị những dục vọng tệ hại hơn làm cho người ấy bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống.

5) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? Dục tham (kàmacchanda), này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên… Trạo hối… Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, năm chướng ngại, triền cái này bao trùm tâm và làm cho yếu ớt trí tuệ.

6) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát… Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

40.X. Triền Cái (Tạp 26, 68, Ðại 2, 189c) (S.v,97)

1) …

2) — Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là năm? Dục tham triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Sân triền cái… Hôn trầm thụy miên triền cái… Trạo hối triền cái… Nghi hoặc triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.

3) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Trạch pháp… Tinh tấn… Hỷ… Khinh an… Ðịnh… Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.


V. Phẩm Chuyển Luân

41.I. Các Kiêu Mạn (Vidhà) (Tạp 27, 19, Ðại 2, 196a) (S.v,98)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) — Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, đã đoạn tận ba kiêu mạn (vidhà); tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi. Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong tương lai, sẽ đoạn tận ba kiêu mạn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi. Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong thời hiện tại, đoạn tận ba kiêu mạn này; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi này.

3) Thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi… Xả giác chi.

4) Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, đã đoạn tận ba kiêu mạn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi này.

42.II. Chuyển Luân (Tạp 27, 10. Ðại 2, 194a) (S.v,99)

1) …

2) — Cùng với sự xuất hiện của vua Chuyển luân, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy báu. Thế nào là bảy?

3) Sự xuất hiện của bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, sự xuất hiện của tướng quân báu. Cùng với sự xuất hiện của vua Chuyển luân, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy báu này.

4) Cùng với sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy báu giác chi. Thế nào là bảy?

5) Niệm giác chi báu xuất hiện… Xả giác chi báu xuất hiện. Cùng với sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy giác chi báu này.

43.III. Màra (S.v,99)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường đưa đến chinh phục Ma quân. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến chinh phục Ma quân? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… Xả giác chi. Ðây là con đường, này các Tỷ-kheo, đưa đến chinh phục Ma quân.

44.IV. Liệt Tuệ (Duppanna) (S.v,99)

1) …

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến… ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

3) — “Kẻ liệt tuệ ngu đần, kẻ liệt tuệ ngu đần”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là liệt tuệ ngu đần?

4) — Do bảy giác chi không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Tỷ-kheo, nên được gọi là liệt tuệ ngu đần. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… Xả giác chi.

5) Này các Tỷ-kheo, chính do bảy giác chi này không được tu tập, không được làm cho sung mãn, nên được gọi là liệt tuệ ngu đần.

45.V. Có Trí Tuệ (S.v,100)

1-2) …

3) — “Có trí tuệ không ngu đần, có trí tuệ không ngu đần”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là có trí tuệ không ngu đần?

4) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, được gọi là có trí tuệ không ngu đần. Thế nào là bảy giác chi này? Niệm giác chi… Xả giác chi.

5) Do tu tập, do làm cho sung mãn bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được gọi là có trí tuệ không ngu đần.

46.VI. Bần Cùng (Daliddo) (S.v,100)

1-2) …

3) — “Bần cùng, bần cùng”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bần cùng?

4) — Do không tu tập, do không làm cho sung mãn bảy giác chi, nên được gọi là bần cùng. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… Xả giác chi.

5) Do không tu tập, không làm cho sung mãn bảy giác chi này, này Tỷ-kheo, được gọi là bần cùng.

47.VII. Không Bần Cùng (S.v,100)

1-2) …

3) — “Không bần cùng, không bần cùng”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là không bần cùng?

4) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bảy giác chi, này Tỷ-kheo, được gọi là không bần cùng. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… Xả giác chi.

5) Chính do tu tập, làm cho sung mãn bảy giác chi này nên được gọi là không bần cùng.

48.VIII. Mặt Trời (S.v,101)

1) …

2) — Cái này là điềm đi trước, này các Tỷ-kheo, cái này là tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, cái này là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện (kalyànamittatà).

3) Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, được tu tập bảy giác chi, được làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

49.IX. Chi Phần (1) (Tạp 27, 20, Ðại 2, 196a) (S.v,101)

1) …

2) — Sau khi làm thành nội chi phần, này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một phần nào khác khiến bảy giác chi được sanh khởi, này các Tỷ-kheo, thành phần ấy tức là như lý tác ý.

3) Với Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

50.X. Chi Phần (2) (S.v,102)

1) …

2) — Sau khi làm thành ngoại chi phần, này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một chi phần nào khác khiến bảy giác chi được sanh khởi, này các Tỷ-kheo, chi phần ấy tức làm bạn với thiện.

3) Với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.


VI. Phẩm Tổng Nhiếp Giác Chi

1) Tất cả nhân duyên ở Sàvatthi…

51.I. Ðồ Ăn (Tạp 27, 4, Ðại 2, 192a) (S.v,102)

1) …

2) — Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, các món ăn và không phải món ăn của năm triền cái và bảy giác chi. Hãy lắng nghe.

I. Món Ăn Của Các Triền Cái

1-2) …

3) — Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có tịnh tướng, này các Tỷ-kheo. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

4) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có chướng ngại tướng (patighanimittam), này các Tỷ-kheo. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

5) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm uể oải. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

6) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có tâm chưa được chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

7) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có các pháp trú xứ của nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

II. Món Ăn Cho Các Giác Chi

8) — Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn.

9) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Có những pháp thiện và bất thiện, này các Tỷ-kheo, có những pháp có tội và không có tội, có những pháp liệt và thắng, có những pháp dự phần đen và trắng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

10) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Có phát cần giới, này các Tỷ-kheo, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

11) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có những pháp trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

12) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

13) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

14) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

III. Không Phải Món Ăn Cho Các Triền Cái

15) — Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có bất tịnh tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

16) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có từ tâm giải thoát. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

17) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

18) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm chỉ tịnh. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

19) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có pháp thiện và bất thiện, có pháp có tội và không có tội, có pháp liệt và thắng, có pháp dự phần vào đen và trắng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

IV. Không Phải Là Món Ăn Cho Các Giác Chi

20) — Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

21) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp thiện và bất thiện, có tội và không có tội, liệt và thắng, dự phần vào đen và trắng. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

22) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

23) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

24) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu phi như lý tác ý, làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

25) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

26) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

52.II. Pháp Môn (Pariyàya) (Tạp 27, 4, Ðại 2, 192a) (S.v,108)

1) …

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y, mang y bát đi vào Sàvatthi để khất thực.

3) Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ : “Nay còn quá sớm để đi vào Sàvatthi khất thực, vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo”.

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên :

5) — Này chư Hiền, Sa-môn Gotama có thuyết pháp như sau cho các đệ tử : “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận năm triền cái là những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy như thật tu tập bảy giác chi”. Này chư Hiền, chúng tôi cũng thuyết pháp như vậy cho các đệ tử : “Hãy đến, này chư Hiền, sau khi đoạn tận năm triền cái là những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy như thật tu tập bảy giác chi”.

6) Ở đây, này chư Hiền, cái gì là đặc thù (viseso), cái gì là thù thắng (abhippayo), cái gì là sai biệt giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, tức là về thuyết pháp hay về giáo giới?

7) Rồi các Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ, không bác bỏ lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy họ ra đi với ý nghĩ : “Chúng ta sẽ được biết ý nghĩa lời nói này từ nơi Thế Tôn”.

8) Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi đi khất thực ở Sàvatthi, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, họ đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

9) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

— Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, rồi chúng con suy nghĩ : “Nay còn quá sớm để đi vào Sàvatthi khất thực. Vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo”. Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Rồi bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với chúng con đang ngồi một bên : “Này chư Hiền, Sa-môn Gotama thuyết pháp như sau… tức là về thuyết pháp hay về giáo giới?”

10) Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con không tán thán, không bác bỏ lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy chúng con ra đi với ý nghĩ : “Chúng ta sẽ được hiểu lời nói này từ Thế Tôn”.

11) — Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải trả lời với các du sĩ ngoại đạo như sau : “Này chư Hiền, có pháp môn nào, do pháp môn ấy, năm triền cái được trở thành mười, bảy giác chi được trở thành mười bốn?” Ðược đáp như vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo sẽ không thể cắt nghĩa được, sẽ rơi vào khó khăn.

12) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, vấn đề này vượt ngoài giới vức của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai ở Thiên giới, thế giới này, ở Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể làm thỏa mãn tâm với câu trả lời cho những câu hỏi này, ngoại trừ Như Lai, hay đệ tử Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị ấy.

I. Năm Trở Thành Mười

13) — Và này các Tỷ-kheo, pháp môn nào, do y cứ pháp môn ấy, năm triền cái trở thành mười?

14) Cái gì thuộc nội dục tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại dục tham, cái ấy là triền cái. Gọi là dục tham triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

15) Cái gì thuộc về nội sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại sân, cái ấy là triền cái. Gọi là sân triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

16) Cái gì thuộc về nội hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại hôn trầm thụy miên, cái ấy là triền cái. Gọi là hôn trầm thụy miên là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

17) Cái gì thuộc nội trạo hối, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại trạo hối, cái ấy là triền cái. Gọi là trạo hối triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

18) Cái gì thuộc về nội nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại nghi hoặc, cái ấy là triền cái. Gọi là nghi hoặc triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

19) Này các Tỷ-kheo, chính là pháp môn này, do pháp môn này, năm triền cái trở thành mười.

II. Bảy Trở Thành Mười Bốn

20) — Và này các Tỷ-kheo, pháp môn nào, do y cứ pháp môn ấy, bảy giác chi trở thành mười bốn?

21) Cái gì là niệm đối với nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là niệm giác chi. Cái gì là niệm đối với ngoại pháp, cái ấy là niệm giác chi. Gọi là niệm giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

22) Cái gì là quyết trạch, tư sát, quán sát với trí tuệ đối với các nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là trạch pháp giác chi. Cái gì là quyết trạch, tư sát, quán sát đối với các ngoại pháp, cái ấy là trạch pháp giác chi. Gọi là trạch pháp giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

23) Cái gì là thân tinh tấn, này các Tỷ-kheo, cái ấy là tinh tấn giác chi. Cái gì là tâm tinh tấn, cái ấy là tinh tấn giác chi. Gọi là tinh tấn giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

24) Cái gì là hỷ có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là hỷ giác chi. Cái gì là hỷ không tầm, không tứ, cái ấy là hỷ giác chi. Gọi là hỷ giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

25) Cái gì là thân khinh an, này các Tỷ-kheo, cái ấy là khinh an giác chi. Cái gì là tâm khinh an, cái ấy là khinh an giác chi. Gọi là khinh an giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

26) Cái gì là định có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là định giác chi. Cái gì là định không tầm, không tứ, cái ấy là định giác chi. Gọi là định giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

27) Cái gì là xả đối với các nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là xả giác chi. Cái gì là xả đối với các ngoại pháp, cái ấy là xả giác chi. Gọi là xả giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

28) Này các Tỷ-kheo, chính là pháp môn này, y cứ pháp môn này, bảy giác chi trở thành mười bốn.

53.III. Lửa (Tạp 27,3, Ðại 2, 191c) (S.v,112)

1) …

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.

3-10) … (Giống như kinh Pháp Môn 52)

11) — Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo cần được trả lời như sau : “Này chư Hiền, khi tâm thụ động (linam), trong khi ấy, tu tập giác chi nào là không phải thời, trong khi ấy, tu tập giác chi nào là phải thời? Nhưng, này chư Hiền, trong khi tâm dao động (uddhatam), trong khi ấy, tu tập giác chi nào là không phải thời, trong khi ấy, tu tập giác chi nào là phải thời?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo sẽ không thể cắt nghĩa được, sẽ rơi vào khó khăn.

12) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, vấn đề này vượt ngoài giới vức của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai ở Thiên giới, thế giới này, ở Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể làm thỏa mãn tâm với câu trả lời cho những câu hỏi này, ngoại trừ Như Lai, hay đệ tử Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị ấy.

I. Phi Thời

13)– Trong khi tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, không phải thời là tu tập khinh an giác chi, không phải thời là tu tập định giác chi, không phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Khi tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, thật khó làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

14) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn đốt lên một ngọn lửa nhỏ, người ấy ném vào đấy cỏ ướt, phân bò ướt, củi ướt, để ngọn lửa ấy giữa mưa, gió và rắc bụi lên trên; người ấy có thể nhen đỏ ngọn lửa nhỏ ấy không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, không phải thời là tu tập khinh an giác chi, không phải thời là tu tập định giác chi, không phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, khi tâm thụ động, thật khó làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

II. Phải Thời

15) — Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

16) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn đốt lên một ngọn lửa nhỏ, người ấy ném vào đấy cỏ khô, phân bò khô, củi khô, dùng miệng thổi, không có rắc bụi lên trên; người ấy có thể nhen đỏ ngọn lửa ấy không?

— Thưa có, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

III. Không Phải Thời

17) — Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, không phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, không phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, không phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tâm dao động, thật khó được tịnh chỉ do những pháp ấy.

18) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn dập tắt một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ khô, phân bò khô và củi khô, lấy miệng thổi, và không rắc bụi lên trên. Người ấy có thể dập tắt đống lửa lớn ấy không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, không phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, không phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, không phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động, thật không dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp ấy.

IV. Phải Thời

19) — Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động thật dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp này.

20) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người muốn dập tắt một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ ướt, ném vào phân bò ướt, ném vào củi ướt, để giữa gió và mưa, và rắc bụi lên trên. Người ấy có thể dập tắt ngọn lửa lớn ấy không?

— Thưa có, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động, thật dễ được tịnh chỉ nhờ các pháp này.

21) Nhưng đối với niệm, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lợi ích trong mọi trường hợp.

54.IV. Từ (Tạp 27,32, Ðại 2, 197b) (S.v,115)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn của dân Koliya tên là Haliddavasana.

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y cầm y, bát đi vào Haliddavasana để khất thực.

3) Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ : “Thật là quá sớm để đi vào Haliddavasana khất thực. Vậy, chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo”.

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, họ liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

5) — Này chư Hiền, Sa-môn Gotama có thuyết pháp như sau cho các đệ tử : “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, với phương thứ hai; cũng vậy, với phương thứ ba; cũng vậy, với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân… với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… với tâm câu hữu với xả; cũng vậy, với phương thứ hai; cũng vậy, với phương thứ ba; cũng vậy, với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân”.

6) Này chư Hiền, chúng tôi cũng thuyết pháp cho các đệ tử như sau : “Hãy đến, này chư Hiền, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ… với tâm câu hữu với bi… với tâm câu hữu với hỷ… với tâm câu hữu với xả… không hận, không sân”.

7) Ở đây, này chư Hiền, cái gì là đặc thù, cái gì là thù thắng, cái gì là sai biệt giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, tức là về thuyết pháp hay về giáo giới?

Rồi các Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ, không bác bỏ lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy, họ ra đi với ý nghĩ : “Chúng ta sẽ được biết ý nghĩa lời nói này từ nơi Thế Tôn”.

8) Rồi các Tỷ-kheo ấy sau khi đi khất thực ở Haliddavasana, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, họ đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

9) — Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, vào buổi sáng, đắp y cầm y bát đi vào Haliddavasana để khất thực. Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau : “Thật là quá sớm để đi vào Haliddavasana khất thực. Vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo”. Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo… (như trên) … Rồi chúng con, bạch Thế Tôn, không hoan hỷ, không bác bỏ lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chúng con ra đi với ý nghĩ : “Chúng ta sẽ được biết ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn”.

10) — Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau :

“Nhưng này chư Hiền, từ tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào? Và này chư Hiền, bi tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào? Và này chư Hiền, hỷ tâm giải thoát… xả tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào? ” Khi được hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo sẽ không thể cắt nghĩa được, sẽ rơi vào khó khăn.

11) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, vấn đề này vượt ngoài giới vức của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai ở Thiên giới, thế giới này ở Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể làm thỏa mãn tâm với câu trả lời cho những câu hỏi này, ngoại trừ Như Lai, hay đệ tử Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị ấy.

12) Và này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với từ… tu tập xả giác chi câu hữu với từ, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn : “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : “Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm và pháp ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : “Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm và pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : “Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác”, vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác, hay đạt đến giải thoát được gọi là thanh tịnh, vị ấy an trú. Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát là thanh tịnh tối thượng, Ta tuyên bố như vậy. Ở đây là trí tuệ đối với Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn.

13) Và này các Tỷ-kheo, bi tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với bi… tu tập xả giác chi câu hữu với bi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn : “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm… Nếu vị ấy muốn : “Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác”, vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác. Vượt qua một cách hoàn toàn các sắc tưởng, chấm dứt các tưởng đối ngại, không tác ý các tưởng sai biệt, vị ấy nghĩ rằng : “Hư không là vô biên”, vị ấy đạt đến và trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng từ tâm giải thoát lấy Không vô biên xứ làm tối thắng. Ở đây là trí tuệ của Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn.

14) Và này các Tỷ-kheo, tu tập hỷ tâm giải thoát như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với hỷ… tu tập xả giác chi câu hữu với hỷ liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm… Nếu vị ấy muốn: “Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác”, vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác… Vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, vị ấy đạt đến và trú Thức vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hỷ tâm giải thoát lấy Thức vô biên xứ làm tối thắng. Ở đây là trí tuệ của Tỷ-kheo không đạt tơùi giải thoát cao hơn.

15) Và này các Tỷ-kheo, tu tập xả tâm giải thoát như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với xả… tu tập xả giác chi câu hữu với xả liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm và pháp không ghê tởm”, vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: “Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác”, vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác. Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn với ý nghĩ: “Không có vật gì”, vị ấy chứng đạt và trú Vô sở hữu xứ. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, xả tâm giải thoát lấy Vô sở hữu xứ làm tối thắng. Ở đây là trí tuệ của Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn.

55. V. Sangàrava (S.v,121)

1) Sàvatthi…

2) Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, vị ấy liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Bà-la-môn Sangàrava thưa với Thế Tôn:

3) — Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật (mantà) mà tôi học thuộc lòng lâu ngày (sajjhàyakatà:đọc tụng) lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật mà tôi không học thuộc lòng lâu ngày, lại nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật được học thuộc lòng?

I

4) — Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham (kàmaràga) xâm chiếm, bị dục tham chi phối và không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

5) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị sân xâm chiếm… Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

6) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi hôn trầm thụy miên đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

7) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi trạo hối đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

8) Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy sự lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy sự lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy sự lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

9) Ðây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

II

10) — Này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm, không bị dục tham chi phối, lại như thật rõ biết sự xuất ly của dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ đến, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

11) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không được lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

12) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối… còn nó gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

13) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

14) Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trừng tịnh, trong sáng, không bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ đến, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

15) Ðây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày lại có thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

16) Có bảy giác chi này, này Bà-la-môn, không chướng ngại, không triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Bà-la-môn, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát… Xả giác chi, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Bảy giác chi này, này Bà-la-môn, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

17) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!… từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

56. VI. Abhaya (Vô úy) (Tạp 27,1, Ðại 2,191a) (S.v,126)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Linh Thứu.

2) Rồi hoàng tử Abhaya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, hoàng tử Abhaya bạch Thế Tôn:

3) — Bạch Thế Tôn, Puurana Kassapa nói như sau:

— “Không có nhân, không có duyên để không biết, không thấy. Không biết, không thấy không có nhân, không có duyên. Không có nhân, không có duyên để biết, để thấy. Biết và thấy không có nhân, không có duyên”. Ở đây, Thế Tôn đã nói như thế nào?

4) — Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để không biết, để không thấy. Không biết, không thấy có nhân, có duyên. Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để biết, để thấy. Biết và thấy có nhân, có duyên.

I

5) — Do nhân nào, do duyên nào, bạch Thế Tôn, để không biết, để không thấy? Như thế nào không biết, không thấy có nhân, có duyên?

6) — Này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối và như thật không biết, không thấy sự xuất ly khỏi dục và tham đã sanh; đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để không biết, để không thấy. Như vậy, không biết, không thấy có nhân, có duyên.

7) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối…

8) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối…

9) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối…

10) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và thật sự không biết, không thấy sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã sanh; đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để không biết, không thấy. Như vậy, không biết, không thấy có nhân, có duyên.

11) — Bạch Thế Tôn, pháp môn này được gọi là gì?

— Này Hoàng tử, được gọi là các triền cái.

— Thật vậy, chúng là triền cái, bạch Thế Tôn. Thật vậy, chúng là triền cái, bạch Thiện Thệ. Chỉ bị chinh phục bởi một triền cái mà thôi, bạch Thế Tôn, cũng không có thể biết như thật, thấy như thật, còn nói gì bị cả năm triền cái chinh phục.

II

12) — Nhưng, bạch Thế Tôn, do nhân nào, do duyên nào để biết, để thấy? Như thế nào biết và thấy có nhân, có duyên?

13) — Ở đây, này Hoàng tử, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập niệm giác chi nên như thật biết và thấy. Ðây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để biết, để thấy. Như vậy, biết và thấy có nhân, có duyên.

14-18) Lại nữa, này Hoàng tử, Tỷ-kheo…

19) Lại nữa, này Hoàng tử, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập xả giác chi nên như thật biết và thấy. Ðây là nhân, đây là duyên để biết, để thấy. Như vậy, thấy và biết có nhân, có duyên.

20) — Bạch Thế Tôn, pháp môn này được gọi là gì?

— Này Hoàng tử, được gọi là các giác chi.

— Thật vậy, chúng là giác chi, bạch Thế Tôn. Thật vậy, chúng là giác chi, bạch Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn, chỉ được đầy đủ với một giác chi mà thôi đã có thể như thật thấy và biết, còn nói gì đầy đủ cả bảy giác chi.

Bạch Thế Tôn, sự mệt nhọc về thân và mệt nhọc về tâm khi con leo lên núi Linh Thứu đã đươc khinh an, nhẹ nhàng và pháp đã được con hoàn toàn chứng đắc.


VII. Phẩm Hơi Thở Vô Hơi Thở Ra

57. I. Bộ Xương (Tạp 27,38, Ðại 2,198a) (S.v,129)

I. Quả Lớn, Lợi Ích Lớn

1) Sàvatthi…

2) — Tu tập cốt tưởng, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn.

3) Này các Tỷ-kheo, cốt tưởng tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, đưa đến quả lớn, đưa đến lợi ích lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với cốt tưởng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập xả giác chi câu hữu với cốt tưởng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Này các Tỷ-kheo, cốt tưởng được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, có quả lớn, có lợi ích lớn.

II. Trí Và Bất Hoàn (Annàsativà)

1) …

2) — Tu tập, làm cho sung mãn cốt tưởng, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

3) Tu tập cốt tưởng như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với cốt tưởng… tu tập xả giác chi câu hữu với cốt tưởng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Tu tập cốt tưởng như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

III. Nghĩa Lợi Lớn

1) …

2) — Cốt tưởng, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nghĩa lợi lớn.

3) Cốt tưởng, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghĩa lợi lớn?… (Như số 4,5 đoạn trên).

IV. An Ổn Lớn Khỏi Khổ Ách

(Như kinh trên, chỉ khác là đưa đến an ổn lớn, khỏi khổ ách)

V. Hứng Khởi Lớn (Samvegà) (S.v,130)

(Như trên, chỉ khác là đưa đến hứng khởi lớn)

VI. Lạc Trú (S.v,131)

(Như kinh trên, chỉ khác là đưa đến lạc trú)

58. II. Côn Trùng Ăn (Pulavaka)

I-VI) Tu tập tưởng bị côn trùng ăn, này các Tỷ-kheo…

59.III. Xanh Bầm (Vinilaka)

I-VI. Tu tập tưởng xác bị xanh bầm, này các Tỷ-kheo…

60. IV. Bị Nứt Nẻ (Vicchiddaka)

I-VI. Tu tập tưởng xác bị nứt nẻ, này các Tỷ-kheo…

61.V. Sưng Phồng Lên (Uddhumàtaka)

I-VI. Tu tập tưởng xác bị sưng phồng lên, này các Tỷ-kheo…

62. VI. Từ (Tạp 27,33, Ðại 2,197c)

I-VI. Tu tập từ tâm, này các Tỷ-kheo…

63. VII. Bi

I-VI. Tu tập bi tâm, này các Tỷ-kheo…

64. VIII. Hỷ

I-VI. Tu tập hỷ tâm, này các Tỷ-kheo…

65. IX. Xả

I-VI. Tu tập xả tâm, này các Tỷ-kheo…

66. X. Hơi Thở Vô Hơi Thở Ra

I-VI. Tu tập hơi thở vô hơi thở ra, này các Tỷ-kheo…

VIII. Phẩm Ðoạn Diệt (S.v,132)

67. I. Bất Tịnh (Tạp 27,30, Ðại 2,197a)

I-VI. Tu tập tưởng bất tịnh, này các Tỷ-kheo…

68.II. Chết (Tạp 27,31, Ðại 2,197b)

I-VI. Tu tập tưởng chết, này các Tỷ-kheo…

69. III. Ghê Tởm (Tạp 27,38, Ðại 2,198b)

I-VI. Tu tập tưởng ghê tởm đối với đồ ăn, này các Tỷ-kheo…

70. IV. Bất Khả Lạc Hay Toàn Thế Giới

I-VI. Tu tập tưởng bất khả lạc đối với toàn thế giới, này các Tỷ-kheo…

71.V. Vô Thường (Tạp 27,37, Ðại 2,198a)

I-VI. Tu tập tưởng vô thường, này các Tỷ-kheo…

72. VI. Khổ (Tạp 27,38, Ðại 2,198a)

I-VI. Tu tập khổ tưởng, này các Tỷ-kheo…

73. VII. Vô Ngã

I-VI. Tu tập tưởng vô ngã, này các Tỷ-kheo…

74. VIII. Ðoạn Tận

I-VI. Tu tập tưởng đoạn tận, này các Tỷ-kheo…

75. IX. Ly Tham

I-VI. Tu tập tưởng ly tham, này các Tỷ-kheo…

76. X. Ðoạn Diệt

I. Quả Lớn, Lợi Ích Lớn (S.v,133)

1) …

2) — Tu tập tưởng đoạn diệt, làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, được quả lớn, được lợi ích lớn.

3) Và này các Tỷ-kheo, tu tập tưởng đoạn diệt như thế nào…?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt…

5) Tu tập tưởng đoạn diệt như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, được quả lớn, được lợi ích lớn.

II. Trí Và Bất Hoàn

2) — Tu tập tưởng đoạn diệt, làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn tưởng đoạn diệt như thế nào, này các Tỷ-kheo…?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt…

5) Tu tập tưởng đoạn diệt như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo…

III. IV, V, VI. Nghĩa Lợi Lớn, An Ổn Lớn Khỏi Khổ Ách, Hứng Khởi Lớn, Lạc Trú (S.v,133)

1) …

2) — Tưởng đoạn diệt được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nghĩa lợi lớn, đưa đến an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến hứng khởi lớn, đưa đến lạc trú lớn.

3) Tu tập đoạn diệt tưởng như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, đưa đến nghĩa lợi lớn, đưa đến an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến hứng khởi lớn, đưa đến lạc trú lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt… tu tập xả giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ…

5) Tu tập tưởng đoạn diệt như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghĩa lợi lớn, đưa đến an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến hứng khởi lớn, đưa đến lạc trú lớn.


IX. Phẩm Sông Hằng Quảng Thuyết

77. I. Hướng Về Ðông (S.v, 134)

1) …

2) – Ví như, này các Tỷ Kheo, Sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Bảy Giác Chi làm cho sung mãn Bảy Giác Chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi…. tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

78-88. II – XII (S.v,134)

(Cho đến phẩm Tầm Cầu, như trên)


X. Phẩm Không Phóng Dật

89-98. I-X. (S.v,135)

— Này các Tỷ-kheo, như các loài hữu tình không chân, hay có hai chân, hay có bốn chân, hay có nhiều chân…

(Như trên, theo đoạn bảy giác chi)


XI. Phẩm Cần Dùng Sức Mạnh

99-100. I-XII. (S.v,135)

— Này các Tỷ-kheo, ví như các hành động cần phải dùng sức mạnh…

(Như trên, theo đoạn bảy giác chi)


XII. Phẩm Tầm Cầu

101-110. I-XII. (S.v,136)

— Có ba sự tầm cầu, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh…

(Như trên, theo đoạn bảy giác chi)


XIII. Phẩm Bộc Lưu

111-119 I-IX. (S.v,136)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) — Có bốn bộc lưu, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu…

120.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,136)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Này các Tỷ-kheo, vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.


XIV. Phẩm Sông Hằng Quảng Thuyết

121. I. (S.v,137)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo… xuôi về Niết-bàn.

122-132. II-XII.(S.v,138)

(Như trên, cho đến phẩm Tầm Cầu) …


XV. Phẩm Không Phóng Dật (Nhiếp phục tham)

132-142. I-X. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Chân Của Như Lai, Nóc Nhọn, Căn Rễ, Với Lõi, Cây, Hoa Lý, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, và Vải là thứ mười.


XVI. Phẩm Cần Dùng Sức Mạnh(Nhiếp phục tham)

143-154. I-XII. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Sức Mạnh, Hột Giống, Rắn, Cây, Ghè, Râu Lúa Mì, Hư Không, Mây, Tàu, Thuyền, Khách, Sông.


XVII. Phẩm Tầm Cầu (Nhiếp phục tham)

155-164 I-X (S.v, 139)

Gồm các kinh:

Tầm Cầu, Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ, Chướng Ngại, Vết Nhơ, Ðau Ðớn, Thọ, Ái, Khát.


XVIII.Phẩm Bộc Lưu

165-174. I-IX. (S.v,139)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu…

120.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,136)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?…

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Này các Tỷ-kheo, vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.


XIV. Phẩm Sông Hằng Quảng Thuyết

121. I. (S.v,137)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo… xuôi về Niết-bàn.

122-132. II-XII.(S.v,138)

(Như trên, cho đến phẩm Tầm Cầu) …


XV. Phẩm Không Phóng Dật (Nhiếp phục tham)

132-142. I-X. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Chân Của Như Lai, Nóc Nhọn, Căn Rễ, Với Lõi, Cây, Hoa Lý, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, và Vải là thứ mười.


XVI. Phẩm Cần Dùng Sức Mạnh (Nhiếp phục tham)

143-154. I-XII. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Sức Mạnh, Hột Giống, Rắn, Cây, Ghè, Râu Lúa Mì, Hư Không, Mây, Tàu, Thuyền, Khách, Sông.


XVII. Phẩm Tầm Cầu (Nhiếp phục tham)

155-164 I-X (S.v, 139)

Gồm các kinh:

Tầm Cầu, Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ, Chướng Ngại, Vết Nhơ, Ðau Ðớn, Thọ, Ái, Khát.


XVIII. Phẩm Bộc Lưu

165-174. I-IX. (S.v,139)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu..

175. X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,139)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Ðây là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, nhập vào bất tử, lấy bất tử làm tối thượng, lấy bất tử làm cứu cánh, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

5) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.

[47] Chương III: Tương Ưng Niệm Xứ

-ooOoo-

I. Phẩm Ambapàli

1. I. Ambapàli (Tạp 24,20, Ðại 2,174a) (S.v,141)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại rừng Ambapàli.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. “Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) — Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm… trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Con đường ấy tức là bốn niệm xứ.

6) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn nói.

2. II. Chánh Niệm (Tạp 24,6-7, Ðại 2,171b) (S.v,142)

1) Một thời Thế Tôn ở Vesàli, tại rừng Ambapàli.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui, đều tỉnh giác; khi nhìn tới, khi nhìn lui, đều tỉnh giác; khi co cánh tay, duỗi cánh tay, đều tỉnh giác; khi đắp y Tăng-già-lê, khi mang y bát, đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai nếm, đều tỉnh giác; khi đi tiểu tiện, đại tiện, đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.

6) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

3. III. Tỷ Kheo (Tạp 24,37, Ðại 2,176A) (S.v,142)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

3) — Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Và như vậy có thể có những người nghi ngờ pháp ấy và họ thẩm tra con; sau khi con nói pháp cho họ, họ nghĩ rằng đi theo con sẽ có lợi ích cho họ. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Chắc chắn con có thể hiểu lời Thế Tôn thuyết. Chắc chắn con có thể trở thành người thừa tự lời Thế Tôn dạy.

4) — Vậy này Tỷ-kheo, Ông phải gột sạch hai pháp cơ bản về các thiện pháp. Và thế nào là hai pháp cơ bản về các thiện pháp? Chính là giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực. Này Tỷ-kheo, khi nào Ông được giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực, này Tỷ-kheo, Ông hãy y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ theo ba cách. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Ông hãy trú, quán thân trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thân trên ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thân trên nội ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thọ trên các nội thọ… Hay Ông hãy trú, quán tâm trên các nội tâm… Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các nội pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các nội ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Này Tỷ-kheo, khi nào Ông y cứ trên giới, an trú trên giới và tu tập bốn niệm xứ theo ba cách như vậy; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc đêm hay ngày, chờ đợi là tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải là tổn giảm.

6) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

7) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

8) Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

4. IV. Sàlà (Tạp 24,29, Ðại 2,173c) (S.v,144)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên là Sàlà.

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo… Thế Tôn nói như sau:

3) — Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mới tu, xuất gia chẳng bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này; những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khích lệ (samàdapetabbà), cần phải được hướng dẫn, cần phải được an trú, tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) “Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, để có chánh trí như thật đối với thân. Hãy trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm để có chánh trí như thật đối với các thọ. Hãy trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, để có chánh trí như thật đối với tâm. Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, để có chánh trí như thật đối với các pháp”.

5) Này các Tỷ-kheo, có những Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách. Các vị ấy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm để liễu tri về thân. Các vị ấy trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm để liễu tri về thọ. Các vị ấy trú, quán tâm trên tâm… để liễu tri về tâm. Các vị ấy trú, quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm để liễu tri về các pháp.

6) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; các vị ấy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm, ly hệ phược đối với thân. Các vị ấy trú, quán thọ trên các thọ… Các vị ấy trú, quán tâm trên tâm… Các vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chuyên chú, với tâm thanh tịnh, định tĩnh, nhứt tâm, ly hệ phược đối với các pháp.

7) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào mới tu, xuất gia chẳng bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này; những vị ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khích lệ, cần phải được hướng dẫn, cần phải được an trú, tu tập bốn niệm xứ này.

5. V. Một Ðống Thiện (Tạp 24,28, Ðại 2,171b) (S.v,145)

1-2) Tại Sàvatthi. Ở đấy, Thế Tôn nói như sau:

3) — Ðống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là năm triền cái, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là năm triền cái. Thế nào là năm?

4) Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi hoặc triền cái. Ðống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là năm triền cái, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là năm triền cái.

5) Ðống thiện, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là bốn niệm xứ, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðống thiện này, này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói là bốn niệm xứ, người ấy nói một cách chơn chánh. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ.

6. VI. Con Chim Ưng (Sakunagghi) (Tạp 24,15, Ðại 2,172c) (S.v,146)

1-2)…

3) — Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một con chim ưng cái thình lình vồ xuống và chụp lấy một con chim cút.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút bị con chim ưng cái bắt, than khóc như sau:

“– Như thế này, thật bất hạnh cho tôi! Thật thiếu công đức cho tôi! Vì rằng tôi đã đi không phải chỗ hành xứ của mình, đi vào cảnh giới của người khác. Nếu tôi đi trong chỗ hành xứ của tôi, trong cảnh giới của cha mẹ tôi, thời con chim ưng này không thể hơn tôi, nếu phải đánh nhau”.

“– Này Chim cút, thế nào là chỗ hành xứ của ngươi, thế nào là cảnh giới của cha mẹ ngươi?”

— “Là vạt đất được lưỡi cày xới lên”.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái không có siết mạnh sức mạnh của mình, không có bóp chặt sức mạnh của mình, thả con chim cút rồi nói:

— “Hãy đi, này Chim cút. Sau khi đi tại chỗ ấy, ta sẽ không thả cho ngươi”.

6) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút đi đến vạt đất được lưỡi cày xới lên, leo lên một hòn đất lớn, đứng trên ấy và nói với con chim ưng:

“– Này, hãy đến ta, Chim ưng! Này, hãy đến ta, này Chim ưng!”

7) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái siết mạnh sức mạnh của mình, bóp chặt sức mạnh của mình, xếp cả hai cánh, thình lình vồ lấy con chim cút. Này các Tỷ-kheo, khi con chim cút biết được: “Con chim ưng này đang vồ mạnh xuống ta”, liền nấp sau hòn đất ấy. Này các Tỷ-kheo, ở đây, con chim ưng bị bể ngực.

8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai đi tới chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác. Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.

9) Này các Tỷ-kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dục công đức. Thế nào là năm?

10) Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức… Có các hương do mũi nhận thức… Có các vị do lưỡi nhận thức… Có các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác.

11) Này các Tỷ-kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến cảnh giới của cha mẹ mình, thời Ác ma không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng.

12) Và này các Tỷ-kheo, chỗ nào là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của cha mẹ? Chính là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

13) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú, quán thọ trên các thọ…; trú, quán tâm trên tâm…; trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.

7. VII. Con Vượn (Tạp 24,18, Ðại 2,173b) (S.v,148)

1-2)…

3) — Này các Tỷ-kheo, tại núi chúa Tuyết sơn có khoảnh đất gồ ghề, không thăng bằng, chỗ ấy không có các loài vượn, loài người qua lại.

4) Này các Tỷ-kheo, tại núi chúa Tuyết sơn có những khoảng đất ghồ ghề, không bằng phẳng, chỗ ấy chỉ có loài vượn qua lại, không có loài người.

5) Tại núi chúa Tuyết sơn, có những khoảnh đất bằng phẳng, khả ái. Tại chỗ ấy có các loài vượn và loài người qua lại. Tại đấy, này các Tỷ-kheo, những người thợ săn đặt các bẫy nhựa (lepam) trên những con đường có vượn qua lại để bắt các con vượn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, những con vượn nào tánh không ngu si, không tham ăn, thấy bẫy nhựa ấy liền tránh xa. Còn con vượn nào ngu si, tham ăn, thấy bẫy nhựa ấy, thò tay nắm lấy và bị dính vào đấy. “Ta sẽ gỡ bàn tay ra”, nó thò bàn tay thứ hai nắm lấy và bị dính ở đấy. “Ta sẽ gỡ hai tay ra”, nó giơ chân nắm lấy và bị dính ở đấy. “Ta sẽ gỡ hai bàn tay và bàn chân ra”, nó giơ bàn chân thứ hai nắm lấy và bị dính ở đấy. “Ta sẽ gỡ cả hai tay và hai chân”, nó dùng miệng ngậm lấy và bị mắc dính ở đấy.

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, con vượn bị bắt năm chỗ, liền rên la nằm xuống, rơi vào bất hạnh, rơi vào khổ não, bị người thợ săn muốn làm gì thì làm. Này các Tỷ-kheo, người thợ săn đâm chết nó, nướng nó trên đống than củi, và ra đi, theo sở thích của mình.

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là người đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác, Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.

8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không phải chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác? Tức là năm dục công đức. Thế nào là năm?

9) Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn… Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không phải là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, là chỗ cảnh giới của người khác.

10) Này các Tỷ-kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến chỗ cảnh giới của cha mẹ mình, Ác ma không nắm được cơ hội, Ác ma không nắm được đối tượng.

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành xứ của Tỷ-kheo, là cảnh giới của cha mẹ mình? Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

12) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời…; trú, quán thọ trên các cảm thọ…; trú, quán tâm trên tâm…; trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.

8. VIII. Người Ðầu Bếp (Tạp 24,14, Ðại 2,172b) (S.v,149)

I.

1)…

2-3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo, được giao lo liệu các thứ xúp sai khác cho vua hay cho các đại thần của vua, như xúp chua, đắng, cay, ngọt, chất kiềm, không phải chất kiềm (khàrikehi pi akhàrikehi pi), chất mặn, không phải chất mặn.

4) Này các Tỷ-kheo, người đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy không nắm được sở thích về việc ăn uống của người chủ của mình (bhattasa hay bhattuno?): “Hôm nay, chủ ta thích món xúp này”, hay: “Món xúp này chủ ta lấy ăn”, hay : “Món xúp này chủ ta dùng nhiều”, hay: “Chủ ta tán thán món xúp này”. “Hôm nay, chủ ta thích món xúp chua này”, hay: “Món xúp chua này chủ ta lấy ăn”, hay: “Món xúp chua này, chủ ta dùng nhiều”, hay : “Chủ ta tán thán xúp chua này”. “Hôm nay, chủ ta thích món xúp đắng này”… hay : “Hôm nay, chủ ta thích món xúp cay này”… hay: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp ngọt này”… hay: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp chất kiềm này”… hay: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp không phải chất kiềm này”… hay: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp không phải chất mặn này”, hay: “Món xúp không phải mặn này chủ ta lấy ăn”, hay: “Món xúp không phải mặn này chủ ta dùng nhiều”, hay: “Chủ ta tán thán món xúp không phải mặn này”.

5) Và này các Tỷ-kheo, người đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy không nhận được đồ mặc, không nhận được lương bổng, không nhận được tiền thưởng. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, kẻ đầu bếp ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy không nắm được sở thích về việc ăn uống của người chủ của mình.

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không khéo léo, trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Dầu vị ấy trú, quán thân trên thân, nhưng tâm không định tĩnh, các phiền não không được đoạn tận; vị ấy không học được tướng ấy. Dầu vị ấy trú, quán thọ trên các thọ.. quán tâm trên tâm… Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Dầu vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, nhưng tâm không định tĩnh, các phiền não không được đoạn tận; vị ấy không học được tướng ấy.

7) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy, không được lạc trú ngay trong hiện tại, không được tỉnh giác. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không khéo léo ấy, không học được tướng tâm của mình.

II.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo, được giao lo liệu các thứ xúp sai khác cho các vua hay cho các đại thần của vua, như xúp chua, đắng, cay, ngọt, chất kiềm, không phải chất kiềm, chất mặn hay không phải chất mặn. Này các Tỷ-kheo, người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo ấy nắm đươĩc sở thích về việc ăn uống của người chủ mình: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp này”, hay: “Món xúp này chủ ta lấy ăn”, hay : “Món xúp này chủ ta dùng nhiều”, hay: “Món xúp này chủ ta tán thán”, hay: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp chua này”, hay : “Món xúp chua này chủ ta lấy ăn”, hay: “Món xúp chua này chủ ta dùng nhiều”, hay : “Món xúp chua này chủ ta tán thán”. “Hôm nay, chủ ta thích món xúp đắng này”… “Hôm nay, chủ ta thích món xúp cay này”… “Hôm nay, chủ ta thích món xúp ngọt này”… “Hôm nay, chủ ta thích món xúp vị kiềm này”… “Hôm nay, chủ ta thích món xúp không vị kiềm này”…: “Hôm nay, chủ ta thích món xúp vị mặn này”… “Hôm nay, chủ ta thích món xúp không mặn này”, hay: “Món xúp không mặn này chủ ta lấy ăn”, hay: “Món xúp không mặn này chủ ta dùng nhiều”, hay: “Món xúp không mặn này chủ ta tán thán”.

9) Này các Tỷ-kheo, người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo ấy nhận được đồ mặc, nhận được lương bổng, nhận được tiền thưởng. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, người đầu bếp có trí, thông minh, khéo léo ấy nắm được sở thích về việc ăn uống của người chủ của mình.

10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo có trí, thông minh, khéo léo, trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, tâm được định tĩnh, các phiền não được đoạn tận; vị ấy học được tướng ấy. Vị ấy trú, quán thọ trên các thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, tâm được định tĩnh, các phiền não được đoạn tận; vị ấy học được tướng ấy.

11) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí, thông minh, khéo léo ấy, ngay trong hiện tại, chứng được lạc trú, chứng được chánh niệm tỉnh giác. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí, thông minh, khéo léo ấy, học được tướng tâm của mình.

9. IX. Bệnh (Trường 2, Ðại 1,15ab) (S.v,152)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại làng Beluva.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Hãy đến, này các Tỷ-kheo, hãy an cư vào mùa mưa xung quanh Vesàli, chỗ nào có bạn bè, có người quen biết (sandittham), có người thân thiết (sambhattam). Ở đây, Ta sẽ an cư mùa mưa tại làng Veluva này.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, an cư mùa mưa xung quanh Vesàli, tại chỗ có bạn bè, có người quen biết, có người thân thiết. Còn Thế Tôn thời an cư mùa mưa tại làng Beluva.

3) Trong khi Thế Tôn an cư mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, những cảm thọ khốc liệt gần như chết tiếp diễn. Ở đây, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, không có than vãn.

4) Rồi Thế Tôn suy nghĩ: “Thật không tương xứng đối với Ta, nếu Ta không báo trước các vị ủng hộ Ta và không từ giã chúng Tỷ-kheo mà nhập Niết-bàn. Vậy Ta hãy tinh tấn nhiếp phục trọng bệnh này, lưu giữ mạng hành (jìvitasankhàra) và sống”. Rồi Thế Tôn với sức tinh tấn nhiếp phục trọng bệnh ấy, lưu giữ mạng hành và sống.

5) Rồi Thế Tôn thoát khỏi cơn bệnh; thoát khỏi cơn bệnh không bao lâu, Ngài đi ra khỏi nhà bệnh, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, trong bóng im, sau lưng ngôi nhà.

6) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, con thấy Thế Tôn kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con thấy Thế Tôn chịu đựng! Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng. Pháp không được tỏ rõ cho con vì Thế Tôn bị bệnh. Nhưng bạch Thế Tôn, con được chút an ủi rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài không có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.

7) — Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta. Này Ananda, Ta giảng pháp không có phân biệt trong ngoài. Vì, này Ananda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo Sư còn nắm tay. Này Ananda, những ai nghĩ rằng Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo, hay : Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo”, hay “Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?

8) Này Ananda, Ta nay đã già, bậc trưởng thượng, bậc trưởng lão, đã đạt đến đoạn cuối của đời, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thừng chằng chịt. Cũng vậy, thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ dây thừng chằng chịt.

9) Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy, thân Như Lai được thoải mái. Vậy này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

10) Này Ananda, ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Ananda, như vậy là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

11) Này Ananda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

10. X. Trú Xứ Tỷ-Kheo Ni (Tạp 24,13, Ðại 2,172,172a) (S.v,154)

1) Tại Sàvatthi…

2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

Rồi một số đông Tỷ-kheo-ni đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo-ni ấy thưa với Tôn giả Ananda:

3) — Ở đây, bạch Thượng tọa Ananda, một số đông Tỷ-kheo-ni sống khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết (sampajànanti) quảng đại, trước sau thù thắng.

— Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! Này các Ðại tỷ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trong bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.

4) Rồi Tôn giả Ananda với bài pháp thoại, sau khi tuyên thuyết cho các Tỷ-kheo-ni ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

5) Rồi Tôn giả Ananda sau khi đi khất thực ở Sàvatthi, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni, sau khi đến, con ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi, bạch Thế Tôn, một số đông Tỷ-kheo-ni đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo-ni ấy thưa với con: “Ở đây, bạch Thượng tọa Ananda, một số đông Tỷ-kheo-ni sống khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng”. Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các Tỷ-kheo-ni ấy: “Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! Như vậy là phải, này các Ðại tỷ! này các Ðại tỷ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trong bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng”.

6) — Như vậy là phải, này Ananda! Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng. Thế nào là bốn?

7) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo sống, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán thân trên thân, hoặc thân sở duyên (kàyàrammano) khởi lên, hoặc thân nhiệt não (kàyasmin parilàho), hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán hướng ngoại (bahiddha va cittam vikkhipati); do vậy, này Ananda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín (pasàdaniyenimitta). Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan (pàmujjam: Thắng hỷ) sanh. Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có tâm khinh an, lạc thọ sanh. Người có tâm lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: “Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (patisamharàmi) (khỏi đối tượng tịnh tín)”. Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: “Không tầm, không tứ, nội tâm chánh niệm, ta được an lạc”.

8-9) Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo sống, quán thọ trên các thọ… sống, quán tâm trên tâm…

10) Vị ấy sống, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, hoặc thân sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại; do vậy, này Ananda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan sanh. Người có hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: “Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (khỏi đối tượng tướng tịnh tín)”. Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: “Không tầm, không tứ, nội tâm chánh niệm, ta được an lạc”.

11) Như vậy, này Ananda, là sự tu tập về hướng tâm.

12) Và này Ananda, thế nào là sự tu tập không có hướng tâm?

13) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: “Tâm ta không hướng ngoại”. Rồi vị ấy rõ biết: “Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau (pacchàpure), nhưng được giải thoát, không có hướng tâm”. Rồi vị ấy rõ biết: “Ta trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc”.

14) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: “Tâm ta không hướng ngoại”. Rồi vị ấy rõ biết: “Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm”. Rồi vị ấy rõ biết: “Ta trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc”.

15) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: “Tâm ta không hướng ngoại”. Rồi vị ấy rõ biết: “Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước… Rồi vị ấy rõ biết: “Ta trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc”.

16) Này Ananda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại… Rồi vị ấy rõ biết: “Ta trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc”.

17) Như vậy, này Ananda, là tu tập không có hướng tâm.

18) Như vậy, này Ananda, Ta thuyết tu tập có hướng tâm; Ta thuyết tu tập không có hướng tâm. Những gì, này Ananda, một bậc Ðạo Sư cần phải làm vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với các đệ tử, vì lòng từ mẫn khởi lên, những việc ấy, Ta đã làm cho các Ông. Này Ananda, đây là những gốc cây. Ðây là những nhà trống. Hãy tu Thiền, này Ananda. Chớ có phóng dật. Chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

19) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Ananda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.


II. Phẩm Nàlanda

11. I. Ðại Nhân (Tạp 24,12, Ðại 2,172a) (S.v,158)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn… Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

3) — “Ðại nhân, đại nhân”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đại nhân?

— Với tâm giải thoát, này Sàriputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân. Và này Sàriputta, thế nào là tâm giải thoát?

4) Ở đây, này Sàriputta, một Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán thân trên thân, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ;… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

5) Như vậy, này Sàriputta, là tâm giải thoát. Với tâm giải thoát, này Sàriputta, Ta gọi là đại nhân. Không có tâm giải thoát, Ta không gọi là đại nhân.

12. II. Nàlanda (Tạp 18,9 Ðại 2,130c) (S.v,159)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Nàlanda, tại rừng Pavàrikamba.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn… Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

3) — Như vậy, bạch Thế Tôn, là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác.

— Thật là đại ngôn (ulàra), này Sàriputta, là lời tuyên bố như con ngưu vương này của Ông, lời tuyên bố một chiều, tiếng rống của con sư tử: “Như vậy là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác”.

4) Này Sàriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, tất cả các vị Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông rằng: “Các bậc Thế Tôn ấy đã có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy đã giải thoát như vậy”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

5) — Này Sàriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời vị lai, tất cả các vị Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông: “Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy sẽ giải thoát như vậy”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

6) — Này Sàriputta, đối với các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời hiện tại, tất cả các bậc Thế Tôn ấy, Ông có thể biết rõ tâm niệm với tâm của Ông rằng: “Các bậc Thế Tôn ấy hiện có giới đức như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có pháp như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có tuệ như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có hạnh trú như vậy. Các bậc Thế Tôn ấy hiện có giải thoát như vậy”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

7) — Và này Sàriputta, ở đây, Ông không có chánh trí với tâm của Ông biết được tâm của các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quá khứ, vị lai, hiện tại; thời này Sàriputta, do ý nghĩa gì Ông lại thốt ra lời đại ngôn, lời tuyên bố như con ngưu vương, lời tuyên bố một chiều, tiếng rống tiếng con sư tử của Ông rằng: “Như vậy là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn. Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa-môn, hay Bà-la-môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh giác”?

— Bạch Thế Tôn, con không có chánh trí với tâm của con biết được tâm các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng bạch Thế Tôn, con biết được pháp truyền thống (dhammanvayo).

8) Ví như, bạch Thế Tôn, tại một thành ở biên giới, với những hào lũy kiên cố, vững chắc, với những thành quách, tháp canh kiên cố và chỉ có một cửa ra vào. Tại đấy, có một người gác cửa sáng suốt, thông minh, có trí, không cho vào những người lạ mặt, chỉ cho vào những người quen mặt. Trong khi người ấy đi tuần đến con đường xung quanh thành trì ấy để xem, không thấy có một khe hở ở tường nào, hay lỗ hổng ở tường nào, cho đến một con mèo có thể lọt qua được. Và người ấy suy nghĩ rằng: “Có những sinh loại thô lớn nào đi vào hay đi ra ngôi thành này, tất cả phải đi vào hay đi ra cửa này”. Như vậy, bạch Thế Tôn, là pháp truyền thống mà con được biết.

9) Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong thời quá khứ, tất cả bậc Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, đã chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong thời vị lai, tất cả các bậc Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, các pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, sẽ chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi, chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác.

10) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Ông hãy luôn luôn thuyết pháp thoại này cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ. Này Sàriputta, nếu có những người ngu si nào còn có những nghi ngờ, hay những do dự đối với Như Lai sau khi nghe pháp thoại này của Ta, sự nghi ngờ, do dự ấy của họ đối với Như Lai sẽ trừ diệt.

13. III. Cunda (Tạp 24,39, Ðại 2,176b) (S.v,161)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta trú ở Magadha, tại làng Nàla, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Và Sa-di Cunda là thị giả của Tôn giả Sàriputta.

3) Tôn giả nhập Niết-bàn vì bệnh ấy.

4) Rồi Sa-di Cunda cầm lấy y bát của Tôn giả Sàriputta đi đến Sàvatthi, Thắng Lâm, tại khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda, rồi ngồi xuống một bên. .. Ngồi một bên, Sa-di Cunda nói với Tôn giả Ananda:

— Bạch Thượng tọa, Tôn giả Sàriputta đã mệnh chung. Ðây là y bát của vị ấy.

5) — Này Hiền giả Cunda, đây là lý do để đến yết kiến Thế Tôn. Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, chúng ta hãy báo tin này cho Thế Tôn.

— Thưa vâng, Thượng tọa.

Sa-di Cunda vâng đáp Tôn giả Ananda.

6) Rồi Tôn giả Ananda và Sa-di Cunda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Sa-di Cunda này thưa như sau: “Bạch Thượng tọa, Tôn giả Sàriputta đã mệnh chung. Ðây là y và bát của vị ấy”. Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy (bàng hoàng) (madhurakajato). Các phương hướng không hiện ra rõ ràng đối với con. Pháp sẽ không được giảng cho con, khi con nghe tin Tôn giả Sàriputta đã mệnh chung.

7) — Này Ananda, Sàriputta có đem theo giới uẩn khi mệnh chung? Có đem theo định uẩn khi mệnh chung? Có đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung? Có đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung? Có đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung không?

— Bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta không đem theo giới uẩn khi mệnh chung, không đem theo định uẩn khi mệnh chung, không đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung. Nhưng bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta là vị giáo giới cho con, là vị đã vượt qua (bộc lưu), là bậc giáo thọ, là vị khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, là vị thuyết pháp không biết mệt mỏi, là vị hộ trì cho các đồng Phạm hạnh. Chúng con đều ức niệm rằng Tôn giả Sàriputta là tinh ba của pháp (dhammojam), là tài sản của pháp (dhammabhogam), là hộ trì của pháp.

8) — Này Ananda, có phải trước đây Ta đã từng tuyên bố với Ông rằng mọi pháp khả ái, khả ý đều có tánh chất khác biệt, có tánh chất ly tán, có tánh chất đổi khác? Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong rằng cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không xảy ra.

9) Ví như, này Ananda, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, một cành cây lớn bị gãy đổ. Cũng vậy, này Ananda, từ nơi chúng Tỷ-kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sàriputta bị mệnh chung. Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không xảy ra.

10) Do vậy, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác. Này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác?

11) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

12) Này Ananda, những ai hiện nay, hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

14. IV. Celam (Tạp 24, 40, Ðại 2,177a) (S.v,163)

1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Vajjii, tại Ukkacelà, trên bờ sông Hằng, với đại chúng Tỷ-kheo, sau khi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggalàna mệnh chung không bao lâu.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, xung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn, sau khi nhìn quanh chúng Tỷ-kheo im lặng, liền nói với các Tỷ-kheo:

3) — Này các Tỷ-kheo, chúng này của Ta được xem hình như trống không. Nay Sàriputta và Moggalàna đã mệnh chung, này các Tỷ-kheo, chúng của Ta thành trống không. Phương hướng nào Sàriputta và Moggalàna trú, phương hướng ấy không còn có ước vọng gì (anapekkhà).

4) Này các Tỷ-kheo, các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, các vị Thế Tôn ấy đã có một cặp đệ tử tối thắng như Ta có Sàriputta và Moggalàna. Này các Tỷ-kheo, các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nào trong đời vị lai, những bậc Thế Tôn ấy sẽ có một cặp đệ tử tối thắng như Ta có Sàriputta và Moggalàna.

5) Thật là vi diệu thay về các đệ tử, này các Tỷ-kheo! Thật hy hữu thay về các đệ tử, này các Tỷ-kheo! Họ thực hành những lời dạy của đức Bổn sư. Họ làm trách nhiệm giáo giới. Họ được bốn chúng ái kính, khả ý, khả kính, quý mến. Thật vi diệu thay, này các Tỷ-kheo, về Như Lai! Thật hy hữu thay, này các Tỷ-kheo, về Như Lai! Trong khi cặp đệ tử như vậy mệnh chung, Như Lai không có sầu buồn, hay không có than khóc. Làm sao, này Ananda, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không xảy ra.

6) Ví như, này các Tỷ-kheo, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, những cành cây lớn hơn bị gãy đỗ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, từ nơi đại chúng Tỷ-kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sàriputta và Moggalàna bị mệnh chung. Làm sao, này các Tỷ-kheo, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: “Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!”? Sự kiện như vậy không thể xảy ra.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình… (như trên số 10, kinh trước)…

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… không nương tựa một ai khác.

9) Này các Tỷ-kheo, những ai hiện nay, hay sau khi Ta diệt độ… nếu những vị ấy thiết tha học hỏi.

15. V. Bàhiya, hay Bàhika (Tạp 24,24, Ðại 2,175a) (S.v,165)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Bàhiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến… Ngồi một bên, Tôn giả Bàhiya bạch Thế Tôn:

— Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

— Như vậy, này Bàhiya, hãy làm cho thanh tịnh các pháp căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là các pháp căn bản trong các thiện pháp? — Giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực.

3) Và này Bàhiya, khi nào Ông có giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực; rồi này Bàhiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này Bàhiya, Ông hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hãy trú, quán thọ trên các thọ… Hãy trú, quán tâm trên tâm… Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Khi nào, này Bàhiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông tu tập như vậy bốn niệm xứ này. Do vậy, này Bàhiya, ban đêm hay bàn ngày, chờ đợi là các thiện pháp tăng trưởng, không phải tổn giảm.

5) Rồi Tôn giả Bàhiya hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

6) Rồi Tôn giả Bàhiya sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà người thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Chính là vô thượng Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

7) Rồi Tôn giả Bàhiya trở thành một vị A-la-hán nữa.

16. VI. Uttiya (Tạp 24,22, Ðại 2,174c) (S.v,166)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2-4) Rồi Tôn giả Uttiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến…

–. .. Do vậy, này Uttiya, Ông sẽ vượt khỏi giới vức của tử ma.

5-7) Rồi Tôn giả Uttiya trở thành một vị A-la-hán nữa.

17. VII. Bậc Thánh (Tạp 24,23, Ðại 2,176a) (S.v,166)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, là những Thánh dẫn đạo, dắt dẫn những ai thực hành theo, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, là những Thánh dẫn đạo, dắt dẫn những ai thực hành theo, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.

18. VIII. Phạm Thiên (Tạp 44,12, Ðại 2,322a; 24.3,171a; 410b; 494a) (S.v,167)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, tại cây bàng ajapàla, sau khi mới giác ngộ.

2) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tâm niệm tư tưởng như sau được khởi lên: “Ðây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ đau, chứng đạt chánh lý (nàya), chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ”. Thế nào là bốn?

3) — Này Tỷ-kheo, hãy trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ở đời. Ðây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ.

4) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm ý Thế Tôn, ví như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn. Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

5) — Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ… Tỷ-kheo trú, quán tâm trên tâm… Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ.

6) Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy. Nói như vậy xong, Phạm thiên Sahampati lại nói thêm:

Thấy con đường độc nhất,
Ðưa đến đoạn tận sanh.
Bậc lân mẫn chúng sanh,
Biết được con đường ấy.
Chính với con đường này,
Trước đã từng vượt qua,
Tương lai sẽ vượt qua,
Nay vượt khỏi bộc lưu.

19. IX. Sedaka, hay Ekantaka (Tạp 24,17, Ðại 2,173b) (S.v,168)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sumbha, tại Desakà, một thị trấn của dân chúng Sumbhà.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo:

— Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người nhào lộn với cây tre, sau khi dựng lên một cây tre, liền bảo người đệ tử tên là Medakathàlikà: “Này Medakathàlikà, hãy đến, leo lên cây tre và đứng trên vai ta” — “Thưa thầy, vâng”. Này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathàlikà vâng đáp người nhào lộn trên cây tre, leo lên cây tre và đứng trên vai của thầy.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, người nhào lộn trên cây tre nói với đệ tử Medakathàlikà: “Này Medakathàlikà, Ông hộ trì cho ta và ta sẽ hộ trì cho Ông. Như vậy, chúng ta nhờ che chở cho nhau, nhờ hộ trì cho nhau, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi tức và leo xuống cây tre một cách an toàn”.

4) Khi được nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, đệ tử Medakathàlikà nói với người nhào lộn trên cây tre: “Thưa thầy, không nên như vậy. Thưa thầy, nên như vầy: Thầy nên hộ trì tự ngã thầy và con sẽ hộ trì tự ngã con. Như vậy, chúng ta tự che chở cho mình, tự hộ trì cho mình, trình bày các tiết mục, thâu hoạch được lợi ích, và leo xuống cây tre một cách an toàn. Ðây là chánh lý (nàyo) cần phải làm”.

5) Thế Tôn nói:

— Này các Tỷ-kheo, như đệ tử Medakathàlikà đã nói với thầy của ông ấy: “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Chúng ta sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.

8) Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.

20. X. Quốc Ðộ (hay Ekantaka) (Tạp 24,21, Ðại 2,174b) (S.v,169)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sumbha, tại một thị trấn của dân chúng Sumbha tên là Sedaka.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!”. Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với tất cả sự quyến rủ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rủ của mình, hát cho họ nghe. Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát”. Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: “Này Ông, hãy xem đây. Ðây là cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống”. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

4) — Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành đất nền, làm cho tiếp tục an trú, làm cho tích tập, làm cho khéo có hiệu năng (susamàraddhà)”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.


III. Phẩm Giới Trú

21. I. Giới (Tạp 24,27, Ðại 2,175b) (S.v,171)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ananda và Tôn giả Bhadda trú ở Pàtaliputta, ở khu vườn Kukkuta.

2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu… nói với Tôn giả Ananda:

3) — Này Hiền giả Ananda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này vì mục đích gì được Thế Tôn nói đến?

— Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện là trí tuệ (ummagga) của Hiền giả, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện là biện tài (patibhànam) của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Này Hiền giả Ananda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, vì mục đích gì được Thế Tôn nói đến?” chăng?

— Thưa vâng, Hiền giả.

4) — Này Hiền giả Bhadda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, chính do tu tập bốn niệm xứ đưa lại, như Thế Tôn đã nói. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Hiền giả Bhadda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, chính do tu tập bốn niệm xứ đưa lại, như Thế Tôn đã nói.

22. II. Trú (Tạp 24,29, Ðại 2,173c) (S.v,172)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:

3) — Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền Giả Ananda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?

— Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là trí tuệ của Hiền giả! Hiền thiện là biện tài của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Có phải như vầy, này Hiền giả Bhadda, là câu hỏi của Hiền giả: “Này Hiền giả Ananda, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?” chăng?

— Thưa vâng, Hiền giả.

4) — Do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do không tu tập, không làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài. Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.

23. III. Tổn Giảm (Parihànam) (Tạp 24,28, Ðại 2,175b) (S.v,173)

1-2) Trú tại Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta…

3) — Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khiến cho Diệu pháp bị tổn giảm? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khiến cho Diệu pháp không bị tổn giảm?

… (giống như kinh trước, chỉ thay đổi câu hỏi và câu trả lời).

24. IV. Thanh Tịnh (Tạp 24,2, Ðại 2,171a) (S.v,173)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này.

25. V. Bà La Môn (S.v,174)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn ông Cấp Cô Ðộc.

2) Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:

3) — Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?

4-6) (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).

7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!… từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

26. VI. Một Phần (Tạp 24,26, Ðại 2,175a) (S.v,174)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Mahà Moggalàna và Tôn giả Anuruddha trú ở Sàketa, tại rừng Kantakii.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggalàna, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:

3) — “Hữu học, hữu học”, thưa Hiền giả Anuruddha, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là hữu học?

— Do tu tập một phần bốn niệm xứ, thưa Hiền giả, là bậc hữu học. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do tu tập một phần bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, là bậc hữu học.

27. VII. Hoàn Toàn (Samattam) (S.v,175)

1-2)… (như kinh trên, số 1 và 2)…

3) — “Vô học, vô học”, thưa Hiền giả Anuruddha, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là bậc vô học?

— Do tu tập hoàn toàn bốn niệm xứ, thưa Hiền giả, là bậc vô học. Thế nào là bốn?

4). .. (như kinh trên, số 4; chỉ đoạn sau có khác: Do tu tập một cách hoàn toàn bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, là bậc vô học)

28. VIII. Thế Giới (S.v,175)

1-2) … (như kinh trên, số 1 và 2)

3) — Do tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào, thưa Hiền giả Anuruddha, đại thắng trí được đạt tới?

— Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ, đại thắng trí được đạt tới. Thế nào là bốn?

4). .. (như kinh trên, số 4; chỉ khác đoạn cuối: Chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, tôi đạt được đại thắng trí).

5) Và thưa Hiền giả, do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi thắng tri được ngàn thế giới.

29. IX. Sirivaddha (Tạp 37,13, Ðại 2,270b) (S.v,176)

1) Một thời Tôn giả Ananda trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Sirivaddha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi gia chủ Sirivaddha bảo một người:

— Hãy đến, này Bạn. Hãy đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda và thưa: “Thưa Tôn giả, gia chủ Sirivaddha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Gia chủ cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, và thưa như vầy: ‘Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaddha vì lòng từ mẫn””.

— Thưa vâng, Gia chủ.

Người ấy vâng đáp gia chủ Sirivaddha, đi đến Tôn giả Ananda.

4) Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị ấy thưa với Tôn giả Ananda:

— Thưa Tôn giả Ananda, gia chủ Sirivaddha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Gia chủ cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda và thưa: “Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaddha vì lòng từ mẫn”.

Tôn giả Ananda im lặng nhận lời.

5) Rồi Tôn giả Ananda đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaddha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda nói với gia chủ Sirivaddha:

6) — Này Gia chủ, Gia chủ có thể kham nhẫn được chăng? Gia chủ có thể chịu đựng được chăng? Có phải các khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không có tăng trưởng?

— Thưa Tôn giả, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Các khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu; có dấu hiệu tăng trưởng, không có giảm thiểu.

7) — Vậy, này Gia chủ, hãy tự học tập như sau: “Tôi sẽ trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tôi sẽ trú, quán thọ trên các cảm thọ… Tôi sẽ trú, quán tâm trên tâm… Tôi sẽ trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời”. Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập.

8) — Thưa Tôn giả, bốn niệm xứ này được Thế Tôn thuyết giảng, những pháp ấy có ở trong con, và con hiện thực hành những pháp ấy. Thưa Tôn giả, con trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Con trú, quán thọ trên các cảm thọ… Con trú, quán tâm trên tâm… Con trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

9) Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng này, con không thấy có một pháp nào mà không được đoạn tận ở nơi con.

10) — Lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Này Gia chủ, Gia chủ đã tuyên bố về quả Bất lai.

30. X. Mànadinna (Tạp 37,16, Ðại 2,270c) (S.v,178)

1) Nhân duyên giống như trên.

2) Lúc bấy giờ, gia chủ Mànadinna bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3-6) Rồi gia chủ Mànadinna gọi một người và bảo…

7) — Dầu cho con phải cảm giác những khổ thọ như vậy, con vẫn trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

8) Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng này, con không thấy có một pháp nào chưa được đoạn tận nơi con.

9) — Thật lợi đắc thay, này Gia chủ! Thật khéo lợi đắc thay, này Gia chủ! Này Gia chủ, Gia chủ đã tuyên bố về quả Bất lai.


IV. Phẩm Chưa Từng Ðược Nghe

31. I. Chưa Từng Ðược Nghe (S.v,178)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi…

3) — “Quán thân trên thân này”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh. Quán thân trên thân cần phải tu tập này… Quán thân trên thân đã được tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh.

4) “Quán thọ trên các cảm thọ này”…

5) “Quán tâm trên tâm này”…

6) “Quán pháp trên các pháp này”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh. Quán pháp trên pháp cần phải tu tập này… Quán pháp trên pháp đã được tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, minh sanh, quang sanh.

32. II. Ly Tham (Tạp 24,34, Ðại 2,276a) (S.v,179)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, nếu tu tập, nếu làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

33. III. Thối Thất (Viraddha) (S.v,179)

1-2)…

3) — Với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ bị thối thất, đối với những người ấy, cũng bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

4) Với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được thực hành, đối với những người ấy, cũng được thực hành là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðối với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này bị thối thất, thời cũng thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt đau khổ. Ðối với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được thực hành, thời cũng được thực hành là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

34. IV. Tu Tập (S.v,180)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua đến bờ bên kia. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua đến bờ bên kia.

35.V. Niệm (S.v,180)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.

5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết rõ ràng các cảm thọ khởi lên, biết rõ ràng các cảm thọ an trú, biết rõ ràng các cảm thọ đi đến tiêu mất; biết rõ ràng các tưởng khởi lên, biết rõ ràng các tưởng an trú, biết rõ ràng các tưởng đi đến tiêu mất. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.

6) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

36. VI. Chánh Trí (S.v,181)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) — Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn niệm xứ.

4) Do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là một trong hai quả: Ngay trong hiện tại, chứng được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

37. VII. Ước Muốn (Chandam) (S.v,182)

1-2) Tại Sàvatthi…

3)– Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, ước muốn đối với thân được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

5) Vị ấy trú, quán thọ trên các cảm thọ… Do vị ấy trú, quán thọ trên các cảm thọ, ước muốn đối với thọ được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

6) Vị ấy trú, quán tâm trên tâm… Do vị ấy trú, quán tâm trên tâm, ước muốn đối với tâm được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

7) Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp… Do vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, ước muốn đối với các pháp được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

38. VIII. Liễu Tri (S.v,182)

1)…

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, thân được liễu tri. Do liễu tri thân nên chứng ngộ được bất tử… (Cũng vậy, đối với thọ, đối với tâm, đối với pháp).

39. IX. Tu Tập (Tạp 24,2, Ðại 2,171a) (S.v,182)

1)…

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tu tập bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tu tập bốn niệm xứ?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðối với các thọ… Ðối với tâm… Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập bốn niệm xứ này.

40. X. Phân Biệt (S.v,183)

1)…

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về niệm xứ, tu tập bốn niệm xứ và đạo lộ đưa đến tu tập bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm xứ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm xứ.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tu tập bốn niệm xứ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán tánh tập khởi trên thân; trú, quán tánh đoạn diệt trên thân; trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các cảm thọ; trú, quán tánh đoạn diệt trên các cảm thọ; trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các cảm thọ… trú, quán tánh tập khởi trên tâm… trú, quán tánh tập khởi trên các pháp; trú, quán tánh đoạn diệt trên các pháp; trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tu tập bốn niệm xứ.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo lộ đưa đến sự tu tập bốn niệm xứ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo lộ đưa đến tu tập bốn niệm xứ.


V. Phẩm Bất Tử

41. I. Bất Tử (Tạp 24,4 Ðại 2,171a) (S.v,184)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Nhưng các Ông chớ có bỏ mất bất tử. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, hãy trú, với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Nhưng các Ông chớ có bỏ mất bất tử.

42. II. Tập Khởi (Tạp 24,5, Ðại 2,171a) (S.v,184)

1). ..

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tập khởi của thân? Sự tập khởi của món ăn là sự tập khởi của thân. Sự đoạn diệt các món ăn là sự đoạn diệt của thân.

4) Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Sự đoạn diệt của xúc là sự chấm dứt của thọ.

5) Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của tâm. Sự đoạn diệt của danh sắc là sự chấm dứt của tâm.

6) Sự tập khởi của tác ý là sự tập khởi của các pháp. Sự đoạn diệt của tác ý là sự chấm dứt của các pháp.

43. III. Con Ðường (S.V,185)

1) Tại Sàvatthi…

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới cây bàng Ajapàla, khi vừa mới được giác ngộ.

3) Này các Tỷ-kheo, trong khi độc cư Thiền tịnh, tâm niệm, tư tưởng như sau khởi lên nơi Ta: “Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, giúp vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Tỷ-kheo hãy trú, quán thân trên thân… Hãy trú, quán thọ trên các thọ… Hãy trú, quán tâm trên tâm… Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là bốn niệm xứ.

4) Này các Tỷ-kheo, rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm niệm suy tư của Ta, ví như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên và hiện ra trước mặt Ta.

5) Rồi, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Ta và thưa với Ta: “Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Ðây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ”.

6) Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy, nói vậy xong, lại nói thêm như sau:

Thấy con đường độc nhất,
Ðưa đến đoạn tận sanh,
Bậc đại từ lân mẫn,
Rõ biết chính con đường.
Chính với con đường này,
Trước đã vượt được qua,
Tương lai sẽ vượt qua,
Và hiện vượt bộc lưu.

44. IV. Niệm (S.v,186)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy trú chánh niệm. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.

4) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú chánh niệm. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

45. V. Ðống Thiện (Tạp 24. 8, Ðại 2,171b) (S.v,186)

1)…

2) — Nói đến “Ðống thiện”, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh phải nói là bốn niệm xứ.

Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Nói đến “Ðống thiện”, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh phải nói là bốn niệm xứ này. Toàn bộ đống thiện này, này các Tỷ-kheo, chính là bốn niệm xứ.

46. VI. Pàtimokkha (S.v,187)

1)…

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến… Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

3) — Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp từ Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

— Vậy này Tỷ-kheo, hãy làm cho thanh tịnh căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là căn bản trong các thiện pháp?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn (Pàtimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh (àcàragocarasampanno), thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới. Này Tỷ-kheo, sau khi sống, hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới rồi, này Tỷ-kheo, y cứ trên giới, an trú trên giới, hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú, quán thân trên thân… Hãy trú, quán thọ trên các cảm thọ… Hãy trú, quán tâm trên tâm… Hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

6) Khi nào, này Tỷ-kheo, Ông y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm.

7) Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết…

8) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình…

9) Rồi Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

47. VII. Ác Hành (Tạp 24,11, Ðại 2,172a) (S.v,188)

1)…

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn…

3) — Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

— Vậy, này Tỷ-kheo, Ông hãy làm cho thanh tịnh những căn bản trong các thiện pháp. Và thế nào là căn bản trong các thiện pháp?

4) Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn tận thân ác hành, hãy tu tập thân thiện hành. Sau khi đoạn tận khẩu ác hành, hãy tu tập khẩu thiện hành. Sau khi đoạn tận ý ác hành, hãy tu tập ý thiện hành. Rồi này Tỷ-kheo, y cứ vào giới, an trú vào giới, Ông hãy tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Tỷ-kheo, Ông hãy trú, quán thân trên thân… Ông hãy trú, quán thọ trên các cảm thọ… Ông hãy trú, quán tâm trên tâm… Ông hãy trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

6) Này Tỷ-kheo, sau khi y cứ trên giới, an trú trên giới, Ông tu tập bốn niệm xứ này như vậy; thời này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm.

7-8). .. (như trên)…

9) Rồi Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

48. VIII. Thân Hữu (S.v,189)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu hay bà con, hay huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

4) Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập bốn niệm xứ.

49. IX. Các Cảm Thọ (S.v,189)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ.

3) Vì muốn liễu tri ba thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Chính để liễu tri ba cảm thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải tu tập.

50. X. Các Lậu Hoặc (S.v,189)

1)…

2) — Có ba lậu hoặc, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, đây ba là lậu hoặc.

3) Chính để đoạn tận ba lậu hoặc này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Chính để đoạn tận ba lậu hoặc này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này cần phải được tu tập.


VI. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

(Ðoạn này và bốn mục kế tiếp, cho đến cuối Tương Ưng này, đều được tóm tắt trong nguyên bản, chỉ có tên kinh mà thôi, trừ 51-62, I-XII)

51-62. I-XII. (S.v,190)

1)…

2) — Ví như sông Hằng, này các Tỷ-kheo, thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông… Cũng vậy, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ… xuôi về Niết-bàn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo… Niết-bàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp… Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo… xuôi về Niết-bàn.

(Tóm tắt các đề kinh)

(Sáu hướng về Ðông và sáu hướng về biển. Hai lần sáu thành mười hai, và mục này được gọi là như vậy. Các kinh được thuyết rộng về bốn niệm xứ, như các kinh trước).


VII. Phẩm Không Phóng Dật

63-72. I-X. (S.v,191)

Gồm các kinh:

Như Lai, Dấu Chân, Nóc Nhọn, Rễ Cây. Lõi Cây, Hoa Mưa Sanh, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, Vải, tất cả là mười kinh.

(Các kinh này được thuyết rộng theo bốn niệm xứ).


VIII. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh

73-82. I-X. (S.v,191)

Gồm các kinh:

Quả, Chủng Tử, Rồng, Cây, Ghè, Râu Mì, Hư Không, Khách, Sông.


IX. Phẩm Tầm Cầu

83-93. I-XI. (S.v,192)

Gồm các kinh:

Tầm Cầu, Kiêu Mạn, Lậu Hoặc, Khổ Tánh, Ba Chướng Ngại (khila), Cấu Uế, Khổ và Thọ, Ái và Khát, thành phẩm Tầm Cầu.


X. Phẩm Bộc Lưu

93-102. (I-IX) (S.v,191)

103. X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,191)

1)…

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… trú, quán thọ trên các cảm thọ… trú, quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn niệm xứ này phải tu tập.

(Các đề kinh: Bộc Lưu, Ách, Chấp Thủ, Hệ Phược, Tùy Miên, Dục Công Ðức, Triền Cái, Uẩn, Thượng, Hạ Phần Kiết Sử).

[48] Chương IV: Tương Ưng Căn

-ooOoo-

I. Phẩm Thanh Tịnh

1. I. Thanh Tịnh (Tạp 26,3, Ðại 2,182c) (S.v,193)

1-2) Tại Sàvatthi… Thế Tôn thuyết:

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn.

2. II. Dự Lưu (1) (Tạp 26,3, Ðại 2,182b) (S.v,193)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

3. III. Dự Lưu (2) (S.v,193)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

4. IV. A-La-Hán (1) (Tạp 26,4, Ðại 2,182b) (S.v,194)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị A-la-hán, lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

5. V. A-La-Hán (2) (S.v,194)

1) …

2) Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

6. VI. Sa Môn, Bà La Môn (1) (Tạp 26,9, Ðại 2,182c) (S.v,194)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly năm căn này; những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

7. VII. Sa Môn, Bà La Môn (2) (S.v,195)

1-2) …

3) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết tín căn, không như thật rõ biết tín căn tập khởi, không như thật rõ biết tín căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến tín căn đoạn diệt… không như thật rõ biết tấn căn… không như thật rõ biết niệm căn… không như thật rõ biết định căn… không như thật rõ biết tuệ căn, không như thật rõ biết tuệ căn tập khởi, không như thật rõ biết tuệ căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến tuệ căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết tín căn, như thật rõ biết tín căn tập khởi, như thật rõ biết tín căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến tín căn đoạn diệt; như thật rõ biết tấn căn… như thật rõ biết niệm căn… như thật rõ biết định căn… như thật rõ biết tuệ căn, như thật rõ biết tuệ căn tập khởi, như thật rõ biết tuệ căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến tuệ căn đoạn diệt; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay của Bà-la-môn hạnh.

8. VIII. Cần Phải Quán (Tạp 26,5, Ðại 2,182b) (S.v,196)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tín căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tín căn trong bốn chánh tín (Phật, Pháp, Tăng, và Giới).

4) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tấn căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tấn căn trong bốn chánh cần.

5) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán niệm căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán niệm căn trong bốn niệm xứ.

6) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán định căn trong bốn Thiền.

7) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

9. IX. Phân Biệt (Tạp 26,6, Ðại 2,182b (S.v,182b) (S.v,196)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp (anikkhittadhuro). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng (satinepakkena), ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

10. X. Phân Tích (Tạp 26,14, Ðại 2,183b) (S.v,197)

1) Tại Savatthi, … Thế Tôn thuyết

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ… an trú Thiền thứ hai… an trú Thiền thứ ba… từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.


II. Phẩm Có Phần Yếu Hơn (Mudutaravaggo)

11. I. Chứng Ðược (S.v,199)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc… Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Này các Tỷ-kheo, khi tu tập bốn chánh cần, thâu nhận tinh tấn; này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Này các Tỷ-kheo, khi tu tập bốn niệm xứ, thâu nhận niệm; này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), với trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn.

12. II. Tóm Tắt (1) (Tạp 26, 7, Ðại 2, 182c, 196c)(S.v,200)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện (samattà), này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Bất hoàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy tín hành.

13. III. Tóm Tắt (2) (Tạp 26, 11, Ðại 2,182a) (S.v,200)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán… là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự sai biệt về căn, có sự sai biệt về quả, có sự sai biệt về sức mạnh, có sự sai biệt về người.

14. IV. Tóm Tắt (3) (S.v,201)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm?

Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán… là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, ai làm viên mãn, được quả viên mãn. Ai làm từng phần, được quả từng phần. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng năm căn không phải trống không.

15. V. Rộng Thuyết(1) (S.v,201)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn (Upahacca parinibhàvii). Yếu nhẹ hơn là bậc Vô hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Hữu hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Thượng lưu, đạt đến Sắc cứu cánh thiên. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

16. VI. Rộng Thuyết (2) (S.v,201)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn… là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự sai khác về căn, sự sai khác về quả, sự sai khác về lực, sự sai khác về người.

17. VII. Rộng Thuyết (3) (S.v,202)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian bát Niết-bàn… Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, ai làm viên mãn, được quả viên mãn; ai làm từng phần, được quả từng phần. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng năm căn không phải trống không.

18. VIII. Thực Hành (Hướng: Patipanno) (Tạp 26.11,Ðại 2,183a) (S.v,202)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán (A-la-hán hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Bất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất lai (A-na-hàm hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất lai (Nhất lai hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Dự lưu (Dự lưu hướng).

4) Ðối với ai, này các Tỷ-kheo, năm căn này toàn bộ và toàn diện không có, thời Ta nói rằng người ấy là người đứng phía ngoài, là thuộc thành phần phàm phu.

19. IX. Tịch Tịnh (Upasanno) (S.v,202)

1) …

2) — Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

3) — “Căn đầy đủ, căn đầy đủ”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là căn đầy đủ?

4) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín căn, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ… tu tập tuệ căn, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ.

5) Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có căn đầy đủ.

20. X. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (Tạp 26.8, Ðại 2,182c) (S.v,203)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Do tu tập, do làm cho sung mãn năm căn này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.


III. Phẩm Sáu Căn

21. I. Không Có Tái Sanh, hay Người Có Trí (Tạp 26.9, Ðại 2,182c) (S.v,203)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

4) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người..

22. II. Mạng (S.v,204)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Nữ căn, nam căn, mạng căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn.

23. III. Chánh Lý (Tạp 26.1, Ðại 2,182a) (S.v,204)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn.

24. IV. Nhứt Thắng Trí, hay Nhứt Chủng Tử (Tạp 26. 12, Ðại 1,183) (S.v,204)

1) …

2) — Có năm căn này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Vô hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Hữu hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Thượng lưu đạt tới Sắc cứu cánh thiên. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhứt chủng. Yếu nhẹ hơn là bậc gia gia (kolankolo). Yếu nhẹ hơn là bậc phải tái sanh lại nhiều nhất là bảy lần. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

25. V. Thanh Tịnh (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là sáu căn.

26. VI. Dòng Nước Hay Dự Lưu (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn căn này; khi ấy, vị Thánh đệ tử được gọi là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết định đạt tới Chánh Ðẳng Giác.

27. VII. A-La-Hán (1) (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, được giải thoát, không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã gặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn diệt, chánh trí, giải thoát.

28. VIII. A-La-Hán hay Phật (2) (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta chưa như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới nhận biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

29. IX. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,206)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

30. X. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,206)

1-2) …

3) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết nhãn căn, không như thật rõ biết nhãn căn tập khởi, không như thật rõ biết nhãn căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến nhãn căn đoạn diệt… nhĩ căn… tỷ căn… thiệt căn… thân căn… không như thật rõ biết ý căn, không như thật rõ biết ý căn tập khởi, không như thật rõ biết ý căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến ý căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Nhưng những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết nhãn căn, như thật rõ biết nhãn căn tập khởi, như thật rõ biết nhãn căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến nhãn căn đoạn diệt… nhĩ căn… tỷ căn… thiệt căn… thân căn… như thật rõ biết ý căn, như thật rõ biết ý căn tập khởi, như thật rõ biết ý căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến ý căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.


IV. Phẩm Lạc Căn

31. I. Thanh Tịnh (S.v,207)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

3) Những pháp này,này các Tỷ-kheo, là năm căn.

32. II. Dòng Nước (S.v,207)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này; vị Thánh đệ tử ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết định đạt đến Chánh Ðẳng Giác.

33. III. A-La-Hán (S.v,208)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

3) Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

34. IV. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,208)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

35. V. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,208)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không rõ biết lạc căn, không rõ biết lạc căn tập khởi, không rõ biết lạc căn đoạn diệt, không rõ biết con đường đưa đến lạc căn đoạn diệt… không rõ biết xả căn, không rõ biết xả căn tập khởi, không rõ biết xả căn đoạn diệt, không rõ biết con đường đưa đến xả căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, rõ biết lạc căn, rõ biết lạc căn tập khởi, rõ biết lạc căn đoạn diệt, rõ biết con đường đưa đến lạc căn đoạn diệt… rõ biết xả căn, rõ biết xả căn tập khởi, rõ biết xả căn đoạn diệt, rõ biết con đường đưa đến xả căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

36. VI. Phân Tích (1) (S.v,209)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì lạc thuộc về thân, cái gì thích thú thuộc về thân, cái gì lạc do thân xúc sanh, cái gì thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là lạc căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì khổ thuộc về thân, cái gì không thích thú thuộc về thân, cái gì khổ do thân xúc sanh, cái gì không thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là khổ căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ căn (somanassa)? Này các Tỷ-kheo, cái gì lạc thuộc về tâm, cái gì thích thú thuộc về tâm, cái gì lạc do ý xúc sanh, cái gì thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hỷ căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ưu căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì khổ thuộc về tâm, cái gì không thích thú thuộc về tâm, cái gì khổ do ý xúc sanh, cái gì không thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là ưu căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì không thích thú và không không thích thú thuộc về thân hay thuộc về tâm được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là xả căn.

8) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

37. VII. Phân Tích (2) (S.v,209)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc căn?… (Như số 3, kinh trước).

4-7). .. (Như số 4 đến 7 của kinh trước) …

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, cái gì thuộc lạc căn và cái gì thuộc hỷ căn, cần phải xem là lạc thọ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, cái gì thuộc về khổ căn, và cái gì thuộc ưu căn, cần phải xem là khổ thọ. Ở đây, cái gì thuộc xả căn, cần phải xem là bất khổ bất lạc thọ.

9) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

38. VIII. Phân Tích (3) (S.v,210)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc căn?… (như trên) …

4-8) …(như trên) …

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các căn này, trước năm sau trở thành ba, trước ba sau trở thành năm, tùy theo pháp môn.

 39. IX. Cây Quay Ra Lửa (Arani) (S.v,211)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

3) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là lạc, khởi lên lạc căn. Khi cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác lạc thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là lạc ấy, lạc căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng (tajjam) được cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết lạc căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

4) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là khổ, khởi lên khổ căn. Khi cảm thọ là khổ, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác khổ thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là khổ ấy, khổ căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là khổ, người ấy rõ biết khổ căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

5) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là hỷ, khởi lên hỷ căn. Khi cảm thọ là hỷ, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác hỷ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là hỷ ấy, hỷ căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là hỷ, người ấy rõ biết hỷ căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

6) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là ưu, khởi lên ưu căn. Khi cảm thọ là ưu, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác ưu thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là ưu ấy, ưu căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là ưu, người ấy rõ biết ưu căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

7) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là xả, khởi lên xả căn. Khi cảm thọ là xả, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác xả thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là xả ấy, xả căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là xả, người ấy rõ biết xả căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, sự xúc chạm và sự cọ xát hai thanh củi, sức nóng sanh khởi, lửa được hiện hữu. Khi hai thanh củi ấy được tách rời, được ly khai, sức nóng thích ứng ấy được đoạn diệt, được tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là lạc, khởi lên lạc căn. Khi cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác lạc thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là lạc ấy, lạc căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết lạc căn ấy diệt, được tịnh chỉ. Do duyên xúc được cảm thọ là khổ, khởi lên khổ căn… Do duyên xúc được cảm thọ là hỷ, khởi lên hỷ căn… Do duyên xúc được cảm thọ là ưu, khởi lên ưu căn… Do duyên xúc được cảm thọ là xả, khởi lên xả căn. Khi cảm thọ là xả, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác xả thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là xả ấy, xả căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là xả, người ấy rõ biết xả căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

40. X. Sanh (S.v,213)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Khổ căn, ưu căn, lạc căn, hỷ căn, xả căn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên khổ căn, vị ấy rõ biết như vầy: “Khổ căn này khởi lên nơi ta”. Và khổ căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và khổ căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên sẽ khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy rõ biết khổ căn, rõ biết khổ căn tập khởi, rõ biết khổ căn đoạn diệt. Từ chỗ nào, khổ căn khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết khổ căn ấy. Và tại chỗ nào khổ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Ở đây, khổ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của khổ căn, tập trung tâm (upasamhàsi) để đạt tới điều kiện ấy.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên ưu căn, vị ấy rõ biết như vầy: “Trong ta khởi lên ưu căn này”. Và ưu căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và ưu căn ấy có thể khởi lên, không tướng, không nhân, không hành, không duyên; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy rõ biết ưu căn, rõ biết ưu căn tập khởi, rõ biết ưu căn đoạn diệt. Từ chỗ nào, ưu căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết ưu căn ấy. Và tại chỗ nào ưu căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Và ở đây, ưu căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của ưu căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên lạc căn; vị ấy rõ biết như vầy: “Lạc căn này khởi lên nơi ta”. Lạc căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và lạc căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên có thể khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy rõ biết lạc căn, rõ biết lạc căn tập khởi, rõ biết lạc căn đoạn diệt. Từ chỗ nào, lạc căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết lạc căn ấy. Và tại chỗ nào lạc căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Ở đây, lạc căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của lạc căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên hỷ căn; vị ấy rõ biết như sau: “Hỷ căn này khởi lên nơi ta”. Và hỷ căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và hỷ căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên có thể khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Vị ấy rõ biết hỷ căn, rõ biết hỷ căn tập khởi, rõ biết hỷ căn đoạn diệt. Từ chỗ nào khởi lên, hỷ căn được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết hỷ căn ấy. Và tại chỗ nào hỷ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Ở đây, hỷ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của hỷ căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên xả căn, vị ấy rõ biết như sau: “Xả căn này khởi lên nơi ta”. Và xả căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và xả căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên có thể khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Vị ấy rõ biết xả căn, rõ biết xả căn tập khởi, rõ biết xả căn đoạn diệt. Từ chỗ nào khởi lên, xả căn được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết xả căn ấy. Và tại chỗ nào xả căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt qua một cách hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Ở đây, xả căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của xả căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.


V. Phẩm Về Già

41. I. Già (S.v,216)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma, trong lâu đài của mẹ Migàra.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây.

3) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:

— Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời (sithilàni), nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

4) — Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

5) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

— Bất hạnh thay tuổi già! Ðáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập.

42. II. Bà-La-Môn Unnàbha (S.v,217)

1) Ở Sàvatthi…

2) Rồi Bà-la-môn Unnàbha đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Bà-la-môn Unnàbha thưa Thế Tôn:

3) — Có năm căn này, thưa Tôn giả Gotama, đối cảnh khác nhau (nànavisayàni), hành cảnh khác nhau (nànà – gocaràni), chúng không dung nạp (paccanubhoniti) hành cảnh đối cảnh của nhau. Thế nào là năm? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn. Thưa Tôn giả Goama, năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau, thời cái gì làm chỗ quy tựa cho chúng? Và cái gì dung nạp hành cảnh đối cảnh của chúng?

4) — Này Bà-la-môn, có năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau. Thế nào là năm? Nhãn căn… thân căn. Này Bà-la-môn, năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau, ý làm chỗ quy tựa cho chúng, ý dung nạp hành cảnh đối cảnh của chúng.

5) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho ý?

— Này Bà-la-môn, niệm là chỗ quy tựa cho ý.

6) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho niệm?

— Này Bà-la-môn, giải thoát là chỗ quy tựa cho niệm.

7) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho giải thoát?

— Này Bà-la-môn, Niết-bàn là chỗ quy tựa cho giải thoát.

8) — Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì là chỗ quy tựa cho Niết-bàn?

— Này Bà-la-môn, câu hỏi đi quá xa (ajjhaparam) không thể nắm được chỗ tận cùng của câu hỏi. Này Bà-la-môn, Phạm hạnh được sống để thể nhập Niết-bàn, Phạm hạnh lấy Niết-bàn làm mục đích, lấy Niết-bàn làm cứu cánh.

9) Rồi Bà-la-môn Unnàbha hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

10) Sau khi Bà-la-môn ra đi không bao lâu, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

11) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái nhà có nóc nhọn, hay một giảng đường có nóc nhọn, với cửa sổ hướng về phía Ðông, khi mặt trời mọc và các tia nắng chiếu vào ngang qua cửa sổ, chúng dựa vào chỗ nào?

— Chúng dựa trên bức tường phía Tây, bạch Thế Tôn.

12) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, lòng tin của Bà-la-môn Unnàbha hướng về, căn cứ, được an trú trên Như Lai. Lòng tin ấy kiên cố, không bị Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chiếm đoạt. Nếu trong lúc này, này các Tỷ-kheo, Bà-la-môn Unnàbha bị mệnh chung, không có một kiết sử nào có thể cột để kéo Bà-la-môn Unnàbha trở lui về đời này.

43. III. Sàketa (S.v,219)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Anjana, vườn Lộc Uyển.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, có pháp môn nào, y theo pháp môn ấy, năm căn tức là năm lực, và năm lực trở thành năm căn?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

3) — Này các Tỷ-kheo, có pháp môn, y theo pháp môn ấy, năm căn tức là năm lực, và năm lực trở thành năm căn. Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y theo pháp môn ấy, năm căn tức là năm lực, và năm lực trở thành năm căn?

4) Cái gì là tín căn, này các Tỷ-kheo, cái ấy là tín lực. Cái gì là tín lực, cái ấy là tín căn. Cái gì là tấn căn, cái ấy là tấn lực. Cái gì là tấn lực, cái ấy là tấn căn… Cái gì là tuệ căn, cái ấy là tuệ lực. Cái gì là tuệ lực, cái ấy là tuệ căn.

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông, và giữa con sông có hòn đảo. Này các Tỷ-kheo, có pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là một. Nhưng này các Tỷ-kheo, lại có pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là hai.

6) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y theo pháp môn ấy, được tính là một? Này các Tỳ-kheo, nước cuối phía Ðông và nước cuối phía Tây của hòn đảo ấy được tính là một dòng. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là một.

7) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y theo pháp môn ấy, dòng con sông ấy được tính là hai? Này các Tỷ-kheo, nước cuối phía Bắc và nước cuối phía Nam của hòn đảo ấy được tính là hai dòng. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn, y theo pháp môn ấy, dòng sông ấy được tính là hai.

8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái gì là tín căn, cái ấy là tín lực. Cái gì là tín lực, cái ấy là tín căn… Cái gì là tuệ căn, cái ấy là tuệ lực. Cái gì là tuệ lực, cái ấy là tuệ căn.

9) Này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn năm căn này, Tỷ-kheo đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có lậu hoặc.

44. IV. Pubbakotthaka (Ngôi nhà phía Ðông) (S.v,220)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Pubbakotthaka.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

3) — Ông có tin không, này Sàriputta, tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh…? Ông có tin không, này Sàriputta, tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh?

4) — Ở đây, bạch Thế Tôn, con không đi với lòng tin của Thế Tôn, rằng tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Với những ai, bạch Thế Tôn, không chứng trí, không thấy, không hiểu, không chứng ngộ, không đạt tới với trí tuệ; họ cần đi với lòng tin của kẻ khác (tin rằng) : “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”. Còn với những ai, bạch Thế Tôn, đã chứng tri, đã thấy, đã hiểu, đã chứng ngộ, đã đạt tới với trí tuệ; những người ấy, ở đây, không có nghi ngờ, không có phân vân (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”. Còn con, bạch Thế Tôn, đã chứng tri, đã thấy, đã hiểu, đã chứng ngộ, đã đạt tới với trí tuệ; con ở đây, không có nghi ngờ, không có phân vân (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.

5) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Với những ai, này Sàriputta, không chứng tri, không thấy, không hiểu, không chứng ngộ, không đạt tới với trí tuệ; ở đây, họ cần đi với lòng tin của kẻ khác (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”. Và còn với những ai, này Sàriputta, đã chứng tri, đã thấy, đã hiểu, đã chứng ngộ, đã đạt tới với trí tuệ; những người ấy, ở đây không có nghi ngờ, không có phân vân (tin rằng): “Tín căn… tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.

45. V. Vườn Phía Ðông (1) (S.v, 222)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, ở lầu đài của mẹ Migàra.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Bao nhiêu căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

3) — Do tu tập, do làm cho sung mãn chỉ một căn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Một căn ấy là căn gì?

4) Với vị Thánh đệ tử có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, tất nhiên (tadanvayà) tín được an trú, tất nhiên tinh tấn được an trú, tất nhiên niệm được an trú, tất nhiên định được an trú.

5) Do tu tập, do làm cho sung mãn chỉ một căn này, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.

46. VI. Vườn Phía Ðông (2) (S.v, 222)

1) Nhân duyên như trên.

2) — Bao nhiên căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

3) — Hai căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Thế nào là hai?

4) Thánh trí tuệ và Thánh giải thoát. Cái gì trong vị ấy, này các Tỷ-kheo, là Thánh trí tuệ, cái ấy là tuệ căn. Cái gì trong vị ấy, này các Tỷ-kheo, là Thánh giải thoát, cái ấy là định căn.

5) Hai căn này được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.

47. VII. Vườn Phía Ðông (3). (S.v, 223)

1) Nhân duyên như trên.

2) — Có bao nhiêu căn được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc có thể trả lời với chánh trí rằng: “Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

3-5) … (như trên, chỉ khác là kinh này nói đến bốn căn tức tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn…)

48. VIII. Vườn Phía Ðông (4) (S.iv,223)

… (như kinh trước, chỉ khác là đây chỉ năm căn tức tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn) …

49. IX. Pindolo (Kẻ tìm tòi các đống rác) (S.iv,224)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Pindolabhàradvàja tuyên bố với chánh trí như sau: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Ta rõ biết như vậy”.

3) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Tôn giả Pindolabhàradvàja đã tuyên bố với chánh trí như sau: “Ta rõ biết rằng: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Do thấy lý do gì (althavasam), bạch Thế Tôn, Tôn giả Pindolabhàradvàja lại tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”?

4) — Do tu tập, do làm cho sung mãn ba căn, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo Pindolabhàradvàja tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Ba căn ấy là gì?

5) Niệm căn, định căn, tuệ căn.

6) Chính do tu tập, do làm cho sung mãn ba căn này, này các Tỷ-kheo, khiến cho Tỷ-kheo Pindolabhàradvàja đã tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận… không còn trở lui trạng thái này nữa”.

7) Và này các Tỷ-kheo, ba căn này, chúng đi đến tận cùng ở đâu? Tận cùng đi đến đoạn diệt. Ði đến đoạn diệt cái gì? Ði đến đoạn diệt gì? — Sanh già và chết. Vì thấy sanh già và chết đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, nên Tỷ-kheo Pindolabhàradvàja đã tuyên bố với chánh trí rằng: “Ta rõ biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

50. X. Tín, hay Ngôi Chợ (S.v,225)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Anga, tại thị trấn của dân chúng Anga tên là Apana.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

— Này Sàriputta, có vị Thánh đệ tử nào đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy có thể có phân vân hay nghi ngờ đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai?

3) — Vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy không có thể phân vân hay nghi ngờ đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, được chờ đợi rằng: Vị ấy sẽ trú tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, tinh tấn, không có quăng bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.

4) Sự tinh tấn của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tấn căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin và tinh cần, tinh tấn, bạch Thế Tôn, được chờ đợi rằng: Vị ấy có niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức niệm, tùy niệm những điều làm đã lâu, nói đã lâu ngày.

5) Sự niệm của vị ấy, bạch Thế Tôn, là niệm căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, tinh cần, tinh tấn, với niệm được an trú, bạch Thế Tôn, được chờ đợi rằng: Sau khi từ bỏ pháp sở duyên, vị ấy sẽ được định, được nhứt tâm.

6) Ðịnh của vị ấy, bạch Thế Tôn, là định căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, an trú chánh niệm, với tâm Thiền định, bạch Thế Tôn, được chờ đợi như sau: Vị ấy rõ biết rằng vô thỉ là luân hồi, khởi điểm đầu tiên không thể chỉ rõ. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi. Sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn, ổ nhóm u ám ấy, là tịch tịnh của vị này, là thù thắng của vị này, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn tận tham ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.

7) Trí tuệ của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tuệ căn của vị ấy. Vị Thánh đệ tử có lòng tin ấy, tinh tấn, tinh cần như vậy; ức niệm, ức niệm như vậy; định tĩnh, định tĩnh như vậy; rõ biết, rõ biết như vậy; lòng thâm tín như sau sanh khởi: “Những pháp này mà trước kia ta từng được nghe, nay ta trú, tự thân chứng đạt những pháp ấy. Nay với trí tuệ, ta thể nhập chúng, ta thấy chúng rõ ràng”.

8) Lòng tin của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tín căn của vị ấy.

9) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Vị Thánh đệ tử nào, này Sàriputta, đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy không có phân vân, không có nghi ngờ gì đối với Như Lai, hay đối với lời dạy của Như Lai. Vị Thánh đệ tử nào có lòng tin, này Sàriputta, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ trú tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không quăng bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.

10-13) Sự tinh tấn của vị ấy, này Sàriputta, là tấn căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin và tinh cần, tinh tấn, này Sàriputta… Vị Thánh đệ tử có lòng tin ấy, tinh cần, tinh tấn như vậy; rõ biết, rõ biết như vậy; lòng thâm tín như sau sanh khởi: “Những pháp này trước kia ta từng được nghe, nay ta trú, tự thân chứng đạt những pháp ấy. Nay với trí tuệ, ta thể nhập chúng, ta thấy chúng rõ ràng”.

14) Lòng tin của vị ấy, này Sàriputta, tức là tín căn của vị ấy.


VI. Phẩm Thứ Sáu

51. I. Sàlà (S.v,227)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên Sàlà.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, trong các loài bàng sanh, con sư tử, vua các loài thú, được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, về tốc lực, về dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ?

4) Tín căn, này các Tỷ-kheo, là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Tấn căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Niệm căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Ðịnh căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ. Tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ.

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong các loài bàng sanh, con sư tử, vua các loài thú, được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, về tốc lực, về dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

52. II. Mallikà (Tạp 26,13, Ðại 2,183b) (S.v,228)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Mallikà, tại một thị trấn của dân chúng Mallikà tên là Uruvelakappa.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Cho đến khi nào Thánh trí chưa khởi lên nơi vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, bốn căn chưa được đẳng trú (santhiti), cho đến khi ấy, bốn căn chưa được an trú (avatthiti). Và cho đến khi nào Thánh trí khởi lên nơi Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, bốn căn được đẳng trú, cho đến khi ấy, bốn căn được an trú.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào xà ngang của một nhà có mái nhọn chưa được gác qua, cho đến khi ấy, các kèo nhà chưa được đẳng trú, cho đến khi ấy, các kèo nhà chưa được an trú. Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào xà ngang của một nóc nhà có mái nhọn được gác qua, cho đến khi ấy, các kèo nhà được đẳng trú, cho đến khi ấy, các kèo nhà được an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Thánh trí chưa khởi lên nơi vị Thánh đệ tử, cho đến khi ấy, bốn căn chưa được đẳng trú, cho đến khi ấy, bốn căn chưa được an trú. Và cho đến khi nào Thánh trí khởi lên nơi vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, bốn căn được đẳng trú, cho đến khi ấy, bốn căn được an trú. Thế nào là bốn? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn.

5) Với vị Thánh đệ tử có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, tất nhiên lòng tin được đẳng trú, tất nhiên tinh tấn được đẳng trú, tất nhiên niệm được đẳng trú, tất nhiên định được đẳng trú.

53. III. Hữu Học (S.v,229)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Có pháp môn nào, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”, Tỷ-kheo vô học (asekha) đứng trên vô học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc vô học”?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

3) — Có pháp môn, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa, có thể rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

4) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học trú trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học như thật rõ biết: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết : “Ðây là khổ tập khởi”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ đoạn diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt”. Ðây là pháp môn, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học suy nghĩ như sau: “Ngoài Tăng chúng này, có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể thuyết pháp thực như vậy, chân như vậy, như thị như vậy, như Thế Tôn hay không?”. Và vị ấy rõ biết như sau: “Ngoài Tăng chúng này, không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể thuyết pháp thực như vậy, chân như vậy, như thị như vậy, như Thế Tôn”. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo hữu học đứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

6) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học rõ biết năm căn: tín căn… tuệ căn. Nhưng về sanh thú, về tối thắng, về quả, về mục đích của chúng, vị ấy không có thể trú, tự thân thông đạt được, và không thể với trí tuệ, thông suốt chúng và thấy chúng rõ ràng. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo… rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

7) Và này các Tỷ-kheo, pháp môn ấy là gì, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa rõ biết: “Ta là bậc vô học”? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vô học rõ biết năm căn: tín căn… tuệ căn với sanh thú của chúng, với tối thắng của chúng, với quả của chúng, với mục đích của chúng. Và vị ấy trú, với tự thân thông đạt được, và với trí tuệ thông suốt chúng và thấy chúng rõ ràng. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, y cứ pháp môn ấy, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

8) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vô học rõ biết sáu căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn. Vị ấy rõ biết: “Sáu căn này được đoạn diệt, không có dư tàn, toàn bộ và toàn diện. Và sẽ không có sáu căn khác khởi lên, tại một chỗ nào và như thế nào”. Vị ấy rõ biết như vậy. Ðây là pháp môn, này các Tỷ-kheo, do pháp môn ấy, Tỷ-kheo vô học đứng trên vô học địa, rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

54. IV. Vết Chân (S.v,234)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các bàn chân của loài hữu tình bộ hành (jangalànam pànànam), tất cả bàn chân ấy nằm gọn trong bàn chân con voi. Bàn chân con voi được xem là tối thượng, trong các loại bàn chân, tức là về to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong tất cả bàn chân nào (padàni) đưa đến giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng về phương diện giác ngộ.

3) Và này các Tỷ-kheo, những bàn chân nào đưa đến giác ngộ? Tín căn, này các Tỷ-kheo, là bàn chân đưa đến giác ngộ. Tấn căn… niệm căn… định căn… tuệ căn là bàn chân đưa đến giác ngộ.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong bất cứ loại chân nào của những loài bộ hành, tất cả loại chân đều nằm gọn trong bàn chân của con voi. Bàn chân con voi được xem là tối thượng trong các loại bàn chân, tức là về to lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có bàn chân nào đưa đến giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng trong tất cả bàn chân, tức là về giác ngộ.

55. V. Lõi Cây (S.v,231)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương nào, cây chiên-đàn đỏ được xem là tối thượng trong tất cả lõi hương. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn là pháp tối thượng trong tất cả pháp ấy, tức là về phần giác ngộ.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Tín căn, này các Tỷ-kheo, là pháp thuộc phần giác ngộ, pháp ấy đưa đến giác ngộ… Tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, pháp ấy đưa đến giác ngộ.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương nào, cây chiên-đàn đỏ được xem là tối thượng trong các lõi hương. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, tuệ căn được xem là tối thượng trong các pháp ấy, tức là về giác ngộ.

56. VI. Y Chỉ , An Trú (S.v,232)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Tỷ-kheo y chỉ một pháp, này các Tỷ-kheo, năm căn được tu tập, được khéo tu tập. Một pháp ấy là gì? Là không phóng dật.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp không phóng dật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì tâm đối với các lậu hoặc và các pháp hữu lậu. Do vị ấy hộ trì tâm đối với các lậu hoặc và các pháp hữu lậu, nên tín căn được tu tập đi đến viên mãn… tuệ căn được tu tập đi đến viên mãn.

4) Tỷ-kheo y chỉ một pháp như vậy, này các Tỷ-kheo, năm căn được tu tập, đi đến viên mãn.

57. VII. Phạm Thiên (S.v,232)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvela, trên bờ sông Neranjara, dưới cây bàng Ajapàla, khi vừa mới giác ngộ.

2) Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền định, tâm tư suy tưởng sau đây được khởi lên: “Năm căn được tu tập, được làm sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là năm? Tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Tấn căn… Niệm căn… Ðịnh căn… Tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Năm căn này được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.

3) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm tư suy tưởng của Thế Tôn, ví như người lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

4) Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

— Thưa vậy là phải, bạch Thế Tôn. Thưa vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Năm căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là năm? Tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh… Tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh.

5) Thuở xưa, bạch Thế Tôn, con sống Phạm hạnh trong thời ngài Kassapa Chánh đẳng Chánh giác. Tại đấy mọi người biết con là: “Tỷ-kheo Sahaka, Tỷ-kheo Sahaka”. Và con, bạch Thế Tôn, nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn năm căn này, sau khi từ bỏ dục tham đối với các dục, sau khi thân hoại mạng chung, con được sanh lên thiện thú, Phạm thiên giới. Tại đấy, họ gọi con là: “Phạm thiên Sahampati, Phạm thiên Sahampati”.

6) Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Con biết như sau, con thấy như sau: “Năm căn này được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh”.

58. VIII. Hang Con Gấu (S.v,233)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Gijjhakuuta (núi Linh Thứu) trong hang Con Gấu (suukarakhatà).

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

— Do thấy lý do gì, này Sàriputta, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai?

— Vì thấy vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, bạch Thế Tôn, nên Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

3) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Do thấy vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, này Sàriputta, nên Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

4) Thế nào là vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, này Sàriputta, do thấy vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai hay lời giảng dạy của Như Lai?

5) — Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc tu tập tín căn, đưa đến an tịnh, đưa đến giác ngộ… tấn căn… niệm căn… định căn… tu tập tuệ căn, đưa đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Ðây là vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, bạch Thế Tôn, do thấy vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

6) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Cái này là vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, này Sàriputta, do thấy vậy, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai.

7) Và này Sàriputta, thế nào là sự tối thượng tôn kính mà Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai hay đối với lời giảng dạy của Như Lai?

8) — Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc sống tôn trọng, cung kính bậc Ðạo Sư; sống tôn trọng, cung kính Pháp; sống tôn trọng, cung kính chúng Tăng; sống tôn trọng, cung kính học giới; sống tôn trọng, cung kính Thiền định. Ðây là sự tối thượng tôn kính, bạch Thế Tôn, mà Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc; bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay lời giảng dạy của Như Lai.

9) — Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Cái này là tối thượng tôn kính mà Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc bày tỏ sự tối thượng tôn kính đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai.

59. IX Sanh (1) (S.v,235)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Năm căn này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, nếu chưa sanh khởi, sẽ được sanh khởi, nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

3) Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Năm căn này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, nếu chưa sanh khởi, sẽ được sanh khởi, nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

60. X. Sanh (2) (S.v,235)

1-2) Tại Sàvatthi. Tại đấy, Thế Tôn nói như sau:

3-4) — (Như kinh trên, chỉ khác, ở đây là không thể không có sự hiện hữu giới luật của bậc Thiện Thệ) …


VII. Phẩm Giác Phần

61. I. Kiết Sử (S.v,236)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Có năm căn này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các kiết sử.

62. II. Tùy Miên (S.v,236)

1-2) … đưa đến sự nhổ sạch các tùy miên.

63. III. Liễu Tri hay Con Ðường Ra Khỏi (S.v,236)

1-2) … đưa đến liễu tri con đường ra khỏi.

64. IV. Ðoạn Diệt Các Lậu Hoặc (S.v,236)

1) …

2) … đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.

3) — Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Năm căn này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các kiết sử, đưa đến nhổ sạch các tùy miên, đưa đến liễu tri con đường ra khỏi, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc.

65. V. Hai Quả (Tạp 27.23,27, Ðại 2,196b) (S.v,236)

1) …

2) — Có năm căn này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, có năm căn này.

3) Do tu tập, làm cho sung mãn năm căn này, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi như sau: Ngay trong hiện tại được chánh trí; hay nếu có dư tàn, được quả Bất lai.

66. VI. Bảy Lợi Ích (S.v,237)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, có năm căn này.

3) Do tu tập, làm cho sung mãn năm căn này, bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?

4) Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu chánh trí. Nếu ngay trong hiện tại không lập tức thành tựu chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí. Nếu ngay trong hiện tại không lập tức thành tựu chánh trí, thời sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn (Upahacca), chứng được Vô hành Niết-bàn, chứng được Hữu hành Niết-bàn, chứng được Thượng lưu, đạt được Sắc cứu cánh thiên.

Do tu tập, làm cho sung mãn năm căn này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi bảy quả này, bảy lợi ích này.

67. VII. Cây (1) (S.v,237)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tất cả cây sống ở Jambudipa (Diêm-phù-đề), cây Jambu (Diêm-phù) được xem là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Tín căn, này các Tỷ-kheo, là pháp thuộc phần giác ngộ, vì pháp ấy đưa đến giác ngộ… Tấn căn… Niệm căn… Ðịnh căn… Tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì pháp ấy đưa đến giác ngộ. Ví như, này các Tỷ-kheo, những cây sống trên cõi Diêm-phù-đề, cây Jambu được xem là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

68. VIII. Cây (2) (S.v,238)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những cây của chư Thiên cõi Ba mươi ba, cây Pàricchattaka được xem là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp thuộc phần giác ngộ? Tín căn, này các Tỷ-kheo, là pháp thuộc phần giác ngộ… Tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì pháp ấy đưa đến giác ngộ. Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những cây gì của chư Thiên cõi Ba mươi ba, cây Pàaricchattaka được xem là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.

69. IX. Cây (3) (S.v,238)

1-2-3) … (như kinh 68, chỉ khác, ở đây là những cây của các loài A-tu-la và cây Cittapàtali được xem là tối thượng, với những thay đổi cần thiết).

70. X. Cây (4) (S.v,238)

1-2-3) … (như kinh 68, chỉ khác, ở đây là những cây của các Supannà (Kim xí điểu) và cây Kuutasimbali được xem là tối thượng, với những thay đổi cần thiết) …


VIII. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

71. I. Viễn Ly (S.v,239)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, Tỷ-kheo tu tập năm căn, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và thế nào… xuôi về Niết-bàn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín căn liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tấn căn… niệm căn… định căn…. tuệ căn…. hướng đến từ bỏ.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo… thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

72-82 II-XII. (S.v,240)

… (giống như chương Ðạo Tương Ưng) …


IX. Phẩm Không Phóng Dật

83-92 I-X Viễn Ly (S.v,240)

Gồm các kinh:

Như Lai, Chân, Nóc Nhà, Gốc, Lõi, Hạ Sanh Hoa, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, Y; tất cả là mười. (Ðược thuyết rộng như các căn).


X. Phẩm Làm Việc Cần Sức Mạnh

93-104. I-XII Viễn Ly (S.v,240)

Gồm các kinh:

Lực, Chủng Tử, Rồng, Cây, Ghè, Mặt Trời, Hư Không, hai kinh Mây, Thuyền, Khách, Sông. (Ðược thuyết rộng như Căn Tương Ưng).


XI. Phẩm Tầm Cầu

105-117. I-XII. Viễn Ly (S.v,240)

Gồm các kinh:

Tầm Cầu, Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ (ba kinh), Chướng Ngại, Cấu Uế, Dao Ðộng, Thọ, Khát ái. (Ðược thuyết rộng như Căn Tương Ưng)


XII. Phẩm Bộc Lưu

118-127. I-IX. Viễn Ly (S.v,241)

128. X. Thượng Phần (S.v,241)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đây là năm thượng phần kiết sử. Ðể thắng tri, để liễu tri, để đoạn diệt, để đoạn tận các thượng phần kiết sử này, năm căn cần phải tu tập. Thế nào là năm?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín căn liên hệ đến viễn ly… tu tập tuệ căn liên hệ đến viễn ly… hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm căn này cần phải tu tập.

(Rộng thuyết như Căn Tương Ưng, phẩm Bộc Lưu)


XIII. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

129. I Tham (S.v,241)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng…

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín căn với cứu cánh nhiếp phục tham, với cứu cánh nhiếp phục sân, với cứu cánh nhiếp phục si… tu tập tuệ căn với cứu cánh… nhiếp phục si. Cũng vậy, Tỷ-kheo… thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

130-140. II-XII. (S.v,242)

(Tóm tắt đề kinh : Sáu thiên về phía Ðông, sáu thiên về biển, sông Hằng thành mười hai, phẩm được đặt tên như vậy).


XIV. Phẩm Không Phóng Dật

141-150. I-X. Tham (S.v,242)


XV. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh

151-162. I-XII. Tham (S.v,212)


XVI. Phẩm Tầm Cầu

163-175. I-XII. Tham (S.v,242)


XVII. Phẩm Bộc Lưu

176-184. I-IX. Tham (S.v,242)

185. X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,242)

1) …

2) — Có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đây là năm thượng phần kiết sử. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri, để liễu tri, để đoạn diệt, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm căn này cần phải tu tập.

(Phẩm Bộc Lưu được thuyết rộng theo Căn Tương Ưng về nhiếp phục tham)

[49] Chương V: Tương Ưng Chánh Cần

-ooOoo-

I. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

1-12.(I-XII) (S.v,244)

1-2) Tại Sàvatthi. Tại đấy, Thế Tôn nói như sau :

— Này các Tỷ-kheo, có bốn chánh cần này. Thế nào là bốn ?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

4) Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

5) Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

6) Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất (asammosàya), làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn chánh cần.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, bốn chánh cần tu tập làm cho sung mãn như thế nào, lại thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn ?

9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng; đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần… cố gắng; đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi… cố gắng; đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.


II. Phẩm Không Phóng Dật

13-22.I-X. (S.v,245)

Gồm các kinh :

Như Lai, Chân, Nóc Nhọn, Căn, Lõi Cây, Hạ Sanh Hoa, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, Vải; tất cả là mười.


III. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh

23-34.I-XII. (S.v,246)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những việc làm cần dùng đến sức mạnh mà làm tất cả công việc ấy, được làm y cứ vào đất, an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần.

3) Như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần ?

4-7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho sung mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần.


IV. Phẩm Tầm Cầu

35-44.I-X. (S.v,246)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba ? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba tầm cầu.

3) Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba tầm cầu này, này các Tỷ-kheo, bốn chánh cần này cần phải tu tập. Thế nào là bốn ?

4-7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh…; đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho sung mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

8) Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba tầm cầu này, bốn chánh cần này cần phải tu tập.


V. Phẩm Bộc Lưu

45-43.I-X (S.v,247)

54.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,247)

1) …

2) — Có năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm ? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử.

3) Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn chánh cần này cần phải tu tập. Thế nào là bốn ?

4-7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh…; đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

8) Chính để thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn chánh cần này cần phải tu tập.

[50] Chương VI: Tương Ưng Lực

-ooOoo-

I. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

1.I Viễn Ly (S.v,249)

1) …

2) — Có năm lực này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lực.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín lực liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tấn lực… niệm lực… định lực… tu tập tuệ lực liên hệ đến viễn ly… hướng đến từ bỏ.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

2-12.II-XII (S.v,250)

(Tóm tắt đề kinh: Sáu thiên về phương Ðông, sáu thiên về biển, sông Hằng thành mười hai, tên phẩm là như vậy).


II. Phẩm Không Phóng Dật

13-22.I-X Viễn Ly (S.v,250)

Gồm các kinh :

Như Lai, Bàn Chân, Nóc Nhà, Cội Gốc, Lõi Cây, Hạ Sanh Hoa, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, Vải; gồm tất cả là mười.


III. Phẩm Sức Mạnh (Viễn Ly)

23-34.I-XII (S.v,250)

Gồm các kinh:

Lực, Chủng Tử, Long, Cây, Ghè, Mặt Trời, Hư Không, hai kinh Mây, Thuyền, Khách, Sông.


IV. Phẩm Tầm Cầu

35-46.I-XII Viễn Ly (S.v,250)

Gồm các kinh :

Tầm Cầu, Kiêu Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ, Ba Uế Nhiễm, Chướng Ngại, Cấu Uế, Dao Ðộng, Thọ, Ái. (Phẩm Tầm Cầu được thuyết rộng như chương nói về Lực)


V. Phẩm Bộc Lưu

47-55.I-IX. Viễn Ly (S.v,251)

56.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,251)

1) …

2) — Có năm thượng phần kiết sử, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử. Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm lực cần phải tu tập. Thế nào là năm?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín lực liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm lực này cần phải tu tập.

(Tóm tắt đề kinh: Bộc Lưu, Ách, Chấp Thủ, Hệ Phược, Tùy Miên, Dục Công Ðức, Triền Cái, Uẩn, Thượng, Hạ Phần Kiết Sử).


VI. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

57.I. (S.v,251) Tham

1) …

2) — Có năm lực này. Thế nào là năm?

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông… Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo… thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo… xuôi về Niết-bàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín lực với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si… Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập năm lực, làm cho sung mãn năm lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

58-68.II-XII. (S.v,252)

(Tóm tắt đề kinh: Sáu thiên về phương Ðông, hai thiên về biển và sông Hằng thành mười hai. Tên phẩm là như vậy).


VII. Phẩm Không Phóng Dật

69-78.II-XII. (S.v,252) Tham

Gồm các kinh: Như Lai, Chân, Nóc Nhọn, Rễ, Lõi, Hạ Sanh Hoa, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, Vải, tất cả là mười.


VIII. Phẩm Lực

79-90.I-XII. (S.v,252) Tham

Gồm các kinh: Lực, Chủng Tử, Long, Cây, Ghè, Mặt Trời, Hư Không, hai kinh Mây, Thuyền, Khách, Sông.


IX. Phẩm Tầm Cầu

91-100.I-X. (S.v,252) Tham

Gồm các kinh: Tầm Cầu, Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ, Ba Chướng Ngại, Cấu Uế, Dao Ðộng, Thọ, Ái.


X. Phẩm Bộc Lưu

101-109 I-IX (S.v,53) Tham

110.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,243)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, đây là năm thượng phần kiết sử. Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm lực cần phải tu tập. Thế nào là năm?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín lực… tu tập tuệ lực với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si.

4) Này các Tỷ-kheo, để thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, năm lực cần được tu tập.

(Tóm tắt đề kinh: Bộc Lưu, Ách, Chấp Thủ, Hệ Phược, Tùy Miên, Dục Công Ðức, Triền Cái, Uẩn, Thượng, Hạ Phần Kiết Sử).

[51] Chương VII: Tương Ưng Như Ý Túc

-ooOoo-

I. Phẩm Càpàla

1.I. Bờ Bên Kia (Tăng 29. 7 Ðại 2, 658a) (S.v,254)

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tâm định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia.

2.II. Thối Thất (S.v,254)

1) …

2) — Với những ai bốn như ý túc bị thối thất, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Với những ai bốn như ý túc được thực hiện, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, được thực hiện là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành,… tinh tấn định,… tâm định… tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Với những ai bốn như ý túc này bị thối thất, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Với những ai bốn như ý túc này được thực hiện, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, được thực hiện là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.

3.III. Thánh (S.v, 255)

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

4.IV. Yếm Ly (S.v,255)

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

5.V. Một Phần (S.v,255)

1) …

2) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy đã làm như thế nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy sẽ làm như thế nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong hiện tại, này các Tỷ-kheo, có thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy đang làm như thế nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành; tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện một phần như ý túc… sẽ thực hiện… đang thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

6.VI. Toàn Diện (S.v,256)

1) …

2) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, đang thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện toàn diện như ý túc… sẽ thực hiện toàn diện như ý túc… đang thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

7.VII. Tỷ Kheo (S.v,257)

1) …

2) — Những Tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí đã chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả các vị ấy đều nhờ đã tu tập, đã làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những Tỷ-kheo nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, đã đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, sẽ tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những Tỷ-kheo nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Những Tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí, đã chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát… sẽ chứng đạt… đang chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này.

8.VIII. Phật hay A-La-Hán (S.v,257)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc.

3) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

9.IX. Trí (S.v,258)

1-2-3) …

4)– Với suy tư: “Ðây là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. Với suy tư: “Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành này cần phải tu tập”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. Với suy tư: “Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành này đã được tu tập”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

5) … (như trên, chỉ khác đây là tinh tấn định) …

6) … (như trên, chỉ khác đây là tâm định) …

7) … (như trên, chỉ khác đây là tư duy định) …

10.X. Cetiya (Ðền thờ) (Trường 2, Ðại 1, 15 b-c) (S.v,258)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, tại Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn.

2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Sau khi vào Vesàli để khất thực, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn gọi Tôn giả Ananda:

— Hãy cầm tọa cụ, này Ananda, Ta sẽ đi đến đền thờ Capàla để nghỉ trưa.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, cầm tọa cụ và đi theo sau lưng Thế Tôn.

3) Rồi Thế Tôn đi đến đền thờ Capàla; sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Tôn giả Ananda đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên.

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:

— Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền thờ Udena! Khả ái thay đền thờ Gotamaka! Khả ái thay đền thờ Sattambaka! Khả ái thay đền thờ Bahuputta! Khả ái thay đền thờ Sarandada! Khả ái thay đền thờ Càpàla! Này Ananda, những ai đã tu tập bốn như ý túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn như ý túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

5) Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn. Tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp. Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”, vì tâm Tôn giả Ananda bị Ma vương ám ảnh.

6-7) Lần thứ hai, Thế Tôn…

8) Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay Udena!… có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

9) Tuy vậy, Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu… vì tâm của Tôn giả Ananda bị Ác ma ám ảnh.

10) Rồi Thế Tôn nói Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, hãy đi và làm những gì Ông nghĩ là phải thời.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi đến một gốc cây không xa bao nhiêu.

11) Tôn giả Ananda đi ra chưa bao lâu, Ác ma liền đến chỗ Thế Tôn, khi đến xong, liền thưa với Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật, tự chủ, đạt được an ổn khỏi khổ ách, đa văn, trì pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống thuận Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể cật vấn và khéo hàng phục, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”.

Bạch Thế Tôn, nhưng nay những Tỷ-kheo của Thế Tôn đã trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật, tự chủ, đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đa văn, trì pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống thuận Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, họ đã có thể cật vấn và khéo hàng phục, đã có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

12) Như vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ, khi nào những Tỷ-kheo-ni của Ta chưa trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật..”.

13) “Khi nào những nam cư sĩ của Ta… khi nào nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật, tự chủ, đạt được an ổn khỏi khổ ách, đa văn, trì pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống thuận Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể cật vấn và khéo hàng phục, chưa có thể truyền bá chánh pháp thần diệu”. Bạch Thế Tôn, nay những nam cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì chánh pháp, đầy đủ Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, họ đã có thể cật vấn và khéo hàng phục, và có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

14) Như vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ, khi nào Phạm hạnh Ta giảng dạy chưa thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người”. Bạch Thế Tôn, nay Phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người. Như vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

15) Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma:

— Này Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng, bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.

16) Và tại chỗ Càpàla, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa). Khi Thế Tôn từ bỏ, không duy trì mạng sống thêm nữa, thời đại địa chấn động, ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy.

17) Thế Tôn nhận hiểu ý nghĩa của sự kiện ấy, lúc bấy giờ Ngài nói lên bài kệ cảm khái như sau:

Mạng sống có hạn hay vô hạn,
Ðạo sĩ từ bỏ không kéo dài,
Nội tâm chuyên nhất trú Thiền định,
Như thoát áo giáp đang mang mặc.


II. Phẩm Lầu Rung Chuyển

11.I. Trước hay Nhân (S.v,263)

1) Tại Sàvatthi.

2) — Trước khi Ta giác ngộ, này các Tỷ-kheo, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tu tập như ý túc?” Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, ý muốn (dục) của ta sẽ không quá thụ động và không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng (pacchàpure-sanni). Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó (apariyonaddhena), với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

4) Có người tu tập như ý túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, tinh tấn của ta sẽ không quá thụ động và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

5) Có người tu tập tập như ý túc câu hữu với tâm định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, tâm của ta sẽ không quá thụ động và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, không với tâm gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

6) Có người tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, tâm của ta sẽ không quá thụ động và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, không với tâm gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

7) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân; nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình, đi ngang qua tường, qua thành lũy, qua núi, không dính như đi ngang qua hư không; trồi lên, độn thổ, ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không nứt ra như đi trên đất liền; ngồi kiết-già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại thần lực, đại uy thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

8) Tu tập như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được thiên nhĩ thông thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, hoặc xa hoặc gần.

9) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo với tâm của mình rõ biết tâm của các chúng sanh, của những người khác. Với tâm có tham, vị ấy rõ biết là tâm có tham; với tâm không có tham, rõ biết là tâm không có tham; với tâm có sân, rõ biết là tâm có sân; với tâm không có sân, rõ biết là tâm không có sân; với tâm có si rõ biết là tâm có si; với tâm không có si, rõ biết là tâm không có si; với tâm co rút, rõ biết là tâm co rút; với tâm tán loạn, rõ biết là tâm tán loạn; với tâm đại hành, rõ biết là tâm đại hành; với tâm không đại hành, rõ biết là tâm không đại hành; với tâm hữu hạn, rõ biết là tâm hữu hạn; với tâm vô thượng, rõ biết là tâm vô thượng; với tâm Thiền định, rõ biết là tâm Thiền định; với tâm không Thiền định, rõ biết là tâm không Thiền định; với tâm không giải thoát, rõ biết là tâm không giải thoát; với tâm giải thoát, rõ biết là tâm giải thoát.

10) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ: Như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: ‘Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết.

11) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh: Vị ấy rõ biết chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang ; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các vị này làm những ác hạnh về thân, ngữ hay ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng: “Chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ”.

12) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ và chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

12.II. Quả Lớn (S.v,267)

1) …

2) — Bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn. Bốn như ý túc, này các Tỷ-kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (với ý nghĩ): “Như vậy, ý muốn của ta sẽ không quá thụ động, và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

4-6) … tinh tấn định… tâm định… tư duy định…

Bốn như ý túc được tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.

7-11) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… có thể tự thân bay đến Phạm thiên…

12) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

13.III. Ý Muốn (Chando) (S.v,268)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nương tựa dục được định, được nhứt tâm, đây gọi là dục định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn đoạn diệt, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là dục, đây là dục định, và những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành.

3) Nếu Tỷ-kheo nương tựa tinh tấn, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tinh tấn định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh… Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là tinh tấn, đây là tinh tấn định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành.

4) Nếu Tỷ-kheo nương tựa tâm, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tâm định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh… Ðối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là tâm, đây là tâm định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tâm định tinh cần hành.

5) Nếu Tỷ-kheo nương tựa tư duy, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tư duy định. Ðối với ác, bất thiện pháp chưa sanh… đối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là tư duy, đây là tư duy định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

14.IV. Moggalàna (S.v,269)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Ðông Viên, lâu đài của mẹ Migàra.

2) Lúc bấy giờ, một số Tỷ-kheo trú ở dưới lầu của mẹ Migàra, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm miệng, tạp thoại, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm mê loạn, các căn không chế ngự (pàkatindriyà).

3) Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Mahà Moggalàna:

— Này Moggalàna, những đồng Phạm hạnh ấy trú dưới lầu của mẹ Migàra, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm miệng, tạp thoại, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm mê loạn, các căn không chế ngự. Hãy đi, này Moggalàna, và làm cho họ hoảng hốt (samvejeti).

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Mahà Moggalàna vâng đáp Thế Tôn, thực hiện thần thông, với ngón chân lớn, làm cho rung động, rung chuyển, làm cho chấn động lâu đài của mẹ Migàra.

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, họ đứng về một bên và (la lớn): “Thật là vi diệu, chư Tôn giả! Thật là hy hữu, chư Tôn giả! Lâu đài của mẹ Migàra này được che chở khỏi gió, được khéo đào những nền móng thâm sâu, không có dao động, không có chuyển động. Tuy vậy, nó rung động, rung chuyển, chấn động!”

5) Rồi Thế Tôn đi đến các Tỷ-kheo ấy; sau khi đến nói với họ:

— Này các Tỷ-kheo, tại sao các Ông lại hốt hoảng, lông tóc dựng ngược, và đứng về một bên như vậy?

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Lâu đài của mẹ Migàra được che chở khỏi gió, được khéo đào thành những nền móng thâm sâu, không có dao động, không có chuyển động. Tuy vậy nó rung động, rung chuyển, chấn động.

6) — Này các Tỷ-kheo, chính do Tỷ-kheo Moggalàna muốn làm cho các Ông hoảng hốt, với ngón chân lớn, đã làm cho lâu đài này của mẹ Migàra bị rung chuyển, rung động, bị chấn động. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn những pháp nào, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo… sau khi nghe pháp, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

7) — Vậy hãy nghe, này các Tỷ-kheo. Chính do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc, Tỷ-kheo Moggalàna đã có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Thế nào là bốn?

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Moggalàna tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… Tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (với ý nghĩ): “Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động, cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, không với tâm gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

9) Này các Tỷ-kheo, chính do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy.

10) Và này các Tỷ-kheo, cũng chính do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna thực hiện nhiều loại thần thông… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

11) Và chính nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

12) (Sáu thần thông được thuyết rộng ra như vậy).

15.V. Bà-La-Môn (S.v,271)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita.

2) Rồi Bà-la-môn Unnàbha đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Bà-la-môn Unnàbha thưa với Tôn giả Ananda:

3) — Do mục đích gì, thưa Tôn giả Ananda, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?

— Với mục đích đoạn tận dục (chanda), này Bà-la-môn, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama.

4) — Có con đường gì, thưa Tôn giả Ananda, có đạo lộ gì đưa đến đoạn tận lòng dục?

— Có con đường này, này Bà-la-môn, có đạo lộ này đưa đến đoạn tận lòng dục.

5) — Con đường ấy là gì, thưa Tôn giả Ananda? Ðạo lộ ấy là gì đưa đến đoạn tận lòng dục?

— Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Ðây là con đường, này Bà-la-môn, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận lòng dục.

6) — Sự thể là vậy, thưa Tôn giả Ananda, thời một công việc liên tục (santaka), không có chấm dứt. Lấy dục mà trừ dục, sự kiện như vậy không xẩy ra.

— Này Bà-la-môn, về vấn đề này, tôi sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn, xin hãy trả lời.

7) Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Có phải trước có lòng dục (ý muốn) nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

— Có phải trước có tinh tấn nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn, tinh tấn ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

— Có phải trước có tâm nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn, tâm ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

— Có phải trước có tư duy nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn, tư duy ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

8) — Cũng vậy này Bày-la-môn, khi Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn, chánh trí, giải thoát. Lòng dục mà vị ấy có trước để chứng được A-la-hán thì khi chứng được A-la-hán rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ. Sự tinh tấn mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tinh tấn ấy được tịnh chỉ. Tâm mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tâm ấy được tịnh chỉ. Tư duy mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tư duy ấy được tịnh chỉ.

9) Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, sự thể là vậy, thời một công việc có chấm dứt liên tục hay là một công việc không chấm dứt?

— Thực vậy, thưa Tôn giả Ananda, sự thể là vậy, một công việc có chấm dứt, không phải là một công việc không chấm dứt.

10) Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda!… Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

16.VI. Sa-Môn, Bà-La-Môn hay Ðại Thần Thông (S.v,273)

1) …

2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, có thần lực lớn, có uy lực lớn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

3) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai, này các Tỷ-kheo, có thần lực lớn, có uy lực lớn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

4) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, có thần lực lớn, có uy lực lớn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

6) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ này các Tỷ-kheo, có đại thần lực… sẽ có đại thần lực, đại uy lực… có đại thần lực, có đại uy lực; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

17.VII. Sa-Môn, Bà-La-Môn hay Kiêu Mạn (S.v,274)

1) …

2) — Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua tường, qua thành lũy, qua núi như đi ngang hư không, trồi lên, độn thổ, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không nứt ra như đi trên đất liền, ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại thần lực, đại uy lực như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

3) Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… bay đến cõi Phạm thiên; tất cả những vị này đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

4) Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong hiện tại, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… bay đến cõi Phạm thiên; Tất cả những vị này đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

6) Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, đã thực hiện nhiều loại thần thông… sẽ thực hiện nhiều loại thần thông… thực hiện nhiều loại thần thông…; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này.

18.VIII Tỷ-Kheo (S.v,275)

1) …

2) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Chính nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

19.IX. Thuyết Pháp hay Tu Tập (S.v,276)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về như ý (Iddhi), về như ý túc, về tu tập như ý túc, và về con đường đưa đến tu tập như ý túc. Hãy lắng nghe.

3) Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý (Iddhi).

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý túc? Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến chứng được như ý, chứng đắc như ý. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tu tập như ý túc? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tu tập như ý túc.

6) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc? Ðây là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự tu tập như ý túc.

20.X. Phân Tích (S.v,276)

I

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bốn như ý túc này có quả lớn, có lợi ích lớn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta sẽ không có quá thụ động, sẽ không có quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng..”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động..”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

II

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá thụ động? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với biếng nhác, tương ưng với biếng nhác, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá thụ động.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá hăng say? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với trạo cử, tương ưng với dao động, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá hăng say.

6) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị co rút phía trong? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với hôn trầm thụy miên, tương ưng với hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị co rút phía trong.

7) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị phân tán phía ngoài? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, hướng về phía ngoài, duyên năm dục công đức, bị phân tán, bị phân ly, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị phân tán phía ngoài.

8) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú với tưởng trước sau đồng đẳng, trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tưởng trước sau của Tỷ-kheo được khéo nắm lấy, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trú với tưởng trước sau đồng đẳng, trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy.

9) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào thời dưới như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán thân này, từ bàn chân trở lên, từ đầu tóc trở xuống, bao bọc bởi da, đều đầy những vật bất tịnh; thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy.

10) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với hành tướng, đặc tướng, nhân tướng gì, thời ban đêm vị ấy tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với hành tướng, đặc tướng, nhân tướng ấy (yehi àkàrehi yehi lingehi yehi nimittehi). Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trú ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy.

11) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, quang tưởng (alokasannà) của Tỷ-kheo, được khéo nắm lấy, tưởng ban ngày được khéo an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

III.12-19; IV. 20-27; V.28-35.

(Giống như kinh 20 từ đoạn số 3 đến đoạn số 11. Chỉ khác là trước nói đến dục định, nay nói đến tinh tấn định, tâm định và tư duy định).

36) — Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bốn như ý túc này có quả lớn, có lợi ích lớn. Này các Tỷ-kheo, tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

37) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn bốn như ý túc như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.


III. Phẩm Thứ Ba

21.I. Ðạo (S.v,281)

1) Tại Sàvatthi.

2) — Ngày xưa, trước khi Ta giác ngộ, này các Tỷ-kheo, chưa thành Chánh giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Con đường gì, đạo lộ gì để tu tập như ý túc?” Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

3) Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, nghĩ rằng: “Như vậy, dục của Ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say… với tâm chói sáng tu tập tâm”.

4-5) … tinh tấn định… tâm định…

6) … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành, nghĩ rằng: “Như vậy, tư duy của Ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, vị ấy trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ngày thế nào, thời đêm như vậy; đêm thế nào, thời ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

7) Bốn như ý túc được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

8) Bốn như ý túc được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

9) … (Sáu thắng trí được thuyết rộng) …

22.II. Hòn Sắt (S.v,282)

1) Tại Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

3) — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra?

— Ta có biết, này Ananda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra.

4) — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại tác thành này?

— Ta có biết, này Ananda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại tác thành này.

5) — Thế Tôn có thể hóa thân (opapàti) với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra. Thế Tôn có thể rõ biết được với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do bốn đại hợp thành. Như vậy, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật là vi diệu, thật là hy hữu!

— Thật vậy, này Ananda, Như Lai thật là vi diệu, này Ananda, vì Như Lai đầy đủ vi diệu pháp. Như Lai thật hy hữu, này Ananda, vì Như Lai đầy đủ hy hữu pháp.

6) Khi nào, này Ananda, Thế Tôn định thân trên tâm và định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, càng nhu nhuyến hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn.

7) Ví như một hòn sắt (hâm nóng) cả ngày, trở thành nhẹ nhàng hơn, nhu nhuyễn hơn, kham nhận hơn, chói sáng hơn. Cũng vậy, này Ananda, khi nào Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân; trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, nhu nhuyễn hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn.

8) Trong khi, này Ananda, Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hóa thành nhiều thân, nhiều thân hóa thành một thân… tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

9) Ví như, này Ananda, hoa bông gòn hay hoa cỏ bông dại được gió thổi nhẹ, không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không. Cũng vậy, này Ananda, trong khi Thế Tôn định thân trên tâm, hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng, khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai không có gì mệt nhọc, có thể từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

23.III. Tỷ kheo (S.v,284)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữy với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc.

3) Nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

24.IV. Thanh Tịnh (S.v,284)

… (Giống như kinh trên 23) …

25.V. Quả (1) (S.v,285)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn?…

3) Tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là một trong hai quả: Ngay hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, được quả Bất lai.

26.VI. Quả (2) (S.v,285)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn?…

3) Tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?…

4) Ngay trong hiện tại, lập tức thành tựu chánh trí; nếu ngay trong hiện tại, không lập tức thành tựu chánh trí, thời khi mạng chung, thành tựu chánh trí; nếu khi mạng chung, không thành tựu chánh trí, thì sau khi diệt năm hạ phần kiết sử, được Trung gian Bát-niết-bàn, được Tổn hại Bát-niết-bàn, được Vô hành Niết-hàn, được Hữu hành Niết-bàn, được chứng Thượng lưu, sanh Cứu cánh thiên.

27.VII. Ananda (1) (S.v,285)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến… ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là sự tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

(Như trên chương II, kinh 19, từ đoạn số 2 đến đoạn số 6. Nguyên bản trang 276)

28.VIII. Ananda (2) (S.v,285)

1) …

2) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

(Như trên chương II, kinh 19, từ đoạn số 3 đến đoạn số 6. Nguyên bản trang 276).

29.IX. Tỷ-Kheo (1) (S.v,287)

1) …

2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

3-6) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập nhiều loại thần thông: Một thân trở thành nhiều thân… cho đến Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến như ý túc.

30.X. Tỷ-Kheo (2) (S.v,287)

(Như kinh trên 28 chỉ khác là ở đây chỉ cho nhiều Tỷ-kheo)

31. XI. Moggalàna (S.v,288)

1) …

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

3) — Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

4) — Do tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Moggalàna tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta không quá yếu đuối… với tâm chói sáng, tu tập tâm”.

6-7) … tinh tấn định… tâm định…

8) … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Tư duy của ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài..”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

9) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy.

10) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna thực hiện nhiều loại thần thông: Như một thân hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân… tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

11) Do tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

32.XII. Như Lai (S.v,289)

1) …

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

(Giống như kinh 31. Chỉ khác, đây là Như Lai)


IV. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

33.I – 44 XII (S.v,290-291)


V. Phẩm Không Phóng Dật

45 – 54.I-X. (S.v,291)


VI. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh

55 – 66.I-XII. (S.v,291)


VII. Phẩm Tầm Cầu

67 – 76.I-X. (S.v,291)


VIII. Phẩm Bộc Lưu

77 – 85.I-IX. (S.v,292)

(Tất cả đoạn này giống các đoạn trước, chỉ khác, ở đây là tu tập bốn như ý túc).

[52] Chương VIII: Tương Ưng Anuruddha

-ooOoo-

I. Phẩm Ðộc Cư

1.I. Ðộc Cư (1) (S.v,294)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Tôn giả Anuruddha trong khi độc cư Thiền tịnh, tâm tưởng suy tư sau đây được khởi lên: “Những ai thối thất bốn niệm xứ, cũng thối thất đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những ai thành tựu bốn niệm xứ thì cũng thực hiện được Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau”.

3) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna với tâm của mình biết được tâm của Tôn giả Anuruddha. Như người lực sĩ duỗi cánh tay co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Tôn giả Mahà Moggalàna hiện ra trước mặt Tôn giả Anuruddha.

4) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna nói với Tôn giả Anuruddha:

— Cho đến như thế nào, này Hiền giả Anuruddha, Tỷ-kheo thực hiện bốn niệm xứ?

5) — Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán tánh tập khởi trên nội thân… quán tánh đoạn diệt trên nội thân, quán tánh tập khởi, tánh đoạn diệt trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

6) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên ngoại thân… quán tánh đoạn diệt ngoại thân, quán tánh tập khởi, tánh đoạn diệt trên ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

7) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên nội ngoại thân… trú, quán tánh đoạn diệt trên nội ngoại thân… trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên nội ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

8) Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với pháp không nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với pháp nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng không nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với các pháp không nhàm chán và pháp nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với pháp nhàm chán và pháp không nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng không nhàm chán. Nếu vị ấy muốn: “Từ bỏ cả hai, không nhàm chán và nhàm chán, ta sẽ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác”; vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm, tỉnh giác.

9) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các nội thọ. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các nội thọ. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các nội thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

10) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các ngoại thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

11) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các nội ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các nội ngoại thọ. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các nội ngoại thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

12) Nếu vị ấy muốn…

13) … trên nội tâm…

14) … trên ngoại tâm…

15) … trên nội ngoại tâm…

16) Nếu vị ấy muốn…

17) … trên nội tâm…

18) … trên ngoại tâm…

19) Vị ấy trú, quán tánh tập khởi trên các nội ngoại pháp. Vị ấy trú, quán tánh đoạn diệt trên các nội ngoại pháp. Vị ấy trú, quán tánh tập khởi và tánh đoạn diệt trên các nội ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

20) Nếu vị ấy muốn: “Ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với pháp không nhàm chán”; vị ấy trú ở đây với tưởng nhàm chán… Ở đây, vị ấy trú xả, chánh niệm, tỉnh giác.

21) Cho đến như vậy, này Hiền giả, là Tỷ-kheo thực hiện bốn niệm xứ.

2. II. Ðộc Cư (2) (S.v,296)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Anuruddha, trong khi độc cư Thiền định, tâm tưởng, suy tư sau đây được khởi lên: “Những ai thối thất bốn niệm xứ, cũng thối thất đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những ai thành tựu bốn niệm xứ, cũng thành tựu đối với họ là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau”.

3) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna với tâm của mình biết tâm tư suy tưởng của Tôn giả Anuruddha. Như một nhà lực sĩ… hiện ra trước mặt Tôn giả Anuruddha.

4) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna nói với Tôn giả Anuruddha:

— Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là Tỷ-kheo thực hiện bốn niệm xứ?

5) — Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên nội thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán thân trên ngoại thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

6) Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các nội thọ…

7) Tỷ-kheo trú, quán tâm trên nội tâm…

8) Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các nội pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các ngoại pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các nội ngoại pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

9) Cho đến như vậy, này Hiền giả, là Tỷ-kheo thành tựu bốn niệm xứ.

3. III. Sutanu (S.v,297)

1) Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, trên bờ sông Sutanu.

2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Anuruddha:

— Tôn giả Anuruddha tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào đạt được đại thắng trí?

4) — Thưa các Hiền giả, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ nên tôi đạt được đại thắng trí. Ở đây, này chư Hiền, tôi trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này chư Hiền, chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi được đại thắng trí.

5) Và thưa chư Hiền, chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi chứng tri liệt pháp là liệt pháp, trung pháp là trung pháp, thắng pháp là thắng pháp.

4. IV. Katakì (1) (S.v,298)

1) Một thời Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggalàna trú ở Sàketa, tại rừng Kantakii.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggalàna, vào buổi chiều, từ độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:

— Thưa Hiền giả Anuruddha, Tỷ-kheo hữu học, sau khi đạt pháp gì, phải an trú pháp ấy?

— Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo hữu học, sau khi đạt bốn niệm xứ, phải an trú pháp ấy. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo trú, quán tâm trên tâm… Tỷ-kheo trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo hữu học, sau khi chứng đạt bốn niệm xứ này, phải an trú pháp ấy.

5. V. Kantakì (2) (S.v,299)

1-2) Nhân duyên ở Sàketa… Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Anuruddha:

3) — Thưa Hiền giả Anuruddha, Tỷ-kheo vô học, sau khi chứng đạt pháp gì, phải an trú pháp ấy?

— Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo vô học, sau khi chứng đạt bốn niệm xứ, phải an trú pháp ấy. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo vô học, sau khi chứng đạt bốn niệm xứ này, phải an trú pháp ấy.

6. VI. Kantakì (3) (S.v,299)

1-2) Tại Sàketa, ngồi xuống một bên, vị ấy nói như sau:

3) — Tôn giả Anuruddha do tu tập, làm cho sung mãn những pháp gì, đã đạt được đại thắng trí?

— Thưa Hiền giả, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ, tôi chứng đạt được đại thắng trí. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa Hiền giả, tôi trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi chứng đạt đại thắng trí.

5) Thưa Hiền giả, do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi thắng tri được một ngàn thế giới.

7. VII. Ái Tận (S.v,300)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) Tại đây, Tôn giả Anuruddha nói với các Tỷ-kheo:

3) — Bốn niệm xứ này, thưa chư Hiền, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận khát ái. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa chư Hiền, bốn niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận khát ái.

8. VIII. Nhà Bằng Cây Sàla (S.v,300)

1) Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại nhà làm bằng cây sàla.

2) Tại đây, Tôn giả Anuruddha gọi các Tỷ-kheo… nói như sau:

3) — Ví như, này chư Hiền, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Rồi một số đông quần chúng đến, cầm cuốc, thúng và nói: “Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng này thiên về phương Tây, hướng về phương Tây, xuôi về phương Tây”. Thưa chư Hiền, chư Hiền nghĩ thế nào, số đông quần chúng này có thể làm cho sông Hằng thiên về phương Tây, hướng về phương Tây, xuôi về phương Tây không?

— Thưa không, Hiền giả. Vì sao? Thưa Hiền giả, vì sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông, không dễ gì khiến cho thiên về phương Tây, hướng về phương Tây, xuôi về phương Tây được. Và quần chúng ấy chỉ mệt nhọc và tổn não mà thôi.

4) — Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ, làm cho sung mãn bốn niệm xứ. Dầu cho vua chúa, hay đại thần, hay thân hữu, hay bạn bè, hay bà con huyết thống có thể đến dâng các tài vật và mời: “Hãy đến, này Người tốt kia, sao để các áo vàng này hành hạ Ông? Sao lại đi biểu diễn với đầu trọc và bình bát? Hãy hoàn tục, thọ hưởng các tài vật và làm các phước đức!”; Tỷ-kheo ấy, thưa chư Hiền, được tu tập bốn niệm xứ, được làm cho sung mãn bốn niệm xứ, có thể từ bỏ giới trở lui hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì này chư Hiền, tâm người ấy đã lâu ngày thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, lại trở lại hoàn tục, sự kiện như vậy không xảy ra.

5) Và này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào? Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập bốn niệm xứ, làm cho sung mãn bốn niệm xứ.

9. IX. Tất Cả, hay Ambapàla (S.v,301)

1) Một thời Tôn giả Anuruddha và Tôn giả Sàriputta trú ở Vesàli, tại rừng Ambapàla.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy…

3) Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:

— Thưa Hiền giả Anuruddha, các căn của Hiền giả trong sáng, thanh tịnh, sắc mặt được sáng suốt. Tôn giả Anuruddha nay trú nhiều sự an trú gì?

— Thưa Hiền giả, nay tôi an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa Hiền giả, tôi trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả, nay tôi an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ.

5) Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt tới, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí, giải thoát; vị ấy an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ này.

6) — Thật lợi ích cho chúng tôi, thưa Hiền giả! Thật khéo lợi ích cho chúng tôi, thưa Hiền giả! Chúng tôi đối mặt với Tôn giả Anuruddha, đã được nghe tiếng nói như ngưu vương.

10. X. Bị Trọng Bệnh, hay Bệnh (S.v,302)

1) Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại rừng Andha, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Anuruddha và nói với Tôn giả Anuruddha:

— Tôn giả Anuruddha an trú với sự an trú gì, khiến cho khổ thọ về thân khởi lên, lại không có ảnh hưởng gì đến tâm?

— Thưa chư Hiền, do tôi trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng gì đến tâm. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, thưa chư Hiền, tôi trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa chư Hiền, do tôi trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng đến tâm.


II. Phẩm Thứ Hai

11. I. Một Ngàn (S.v,303)

1) Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, trong khu vườn ông Anàthapindika.

2-3) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm… nói với Tôn giả Anuruddha:

— Do tu tập, do làm cho sung mãn những pháp gì, Tôn giả Anuruddha đạt được đại thắng trí?

— Thưa chư Hiền, do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ, nên tôi chứng được đại thắng trí. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này chư Hiền, tôi trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, thưa chư Hiền, nên tôi nhớ được ngàn kiếp.

12. II. Như Ý Lực (1) (S.v,303)

5) — Thưa chư Hiền, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… có thể tự thân bay đến Phạm thiên giới.

13. III. Như Ý Lực (2) (S.v,304)

5) — Thưa chư Hiền, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi chứng được thiên nhĩ thông, thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe được hai thứ tiếng, chư Thiên và loài Người, hoặc xa hoặc gần.

14. IV. Với Tâm Của Mình (S.v,304)

5) — Thưa chư Hiền, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ, tôi với tâm của mình biết được tâm của nhiều loại hữu tình khác, nhiều loại người khác. Với tâm có tham, tôi rõ biết là tâm có tham… với tâm giải thoát, rõ biết là tâm giải thoát.

15. V. Xứ (1) (S.v,304)

5) — Thưa chư Hiền, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thực rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ.

16. VI. Xứ (2) (S.v,304)

— Thưa chư Hiền, do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thật rõ biết quả dị thục các nghiệp báo (kammasamadanam) quá khứ, vị lai, hiện tại tùy thuộc sở do (thànati) và tùy thuộc về thân (hetaso).

17. VII. Ðạo Lộ (S.v,304)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thật rõ biết con đường đưa đến tất cả cảnh giới.

18. VIII. Thế Giới (S.v,304)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thật rõ biết thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại sai biệt.

19. IX. Thắng Giải Sai Biệt (S.v,305)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thật rõ biết chỉ hướng sai biệt của các loại hữu tình.

20. X. Căn (S.v,305)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thật rõ biết các căn thượng hạ (indriyaparopariyattim) của các loại hữu tình và các loại người.

21. XI. Thiền (S.v,305)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi như thật rõ biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền chứng, về Thiền, về Giải thoát, về Ðịnh.

22. XII. Minh (1) (S.v,305)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi nhớ được nhiều đời quá khứ, như một đời, hai đời… nhiều đời sống quá khứ cùng các nét đại cương và các chi tiết.

23. XIII. Minh (2) (S.v,305)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi chứng được thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh.

24. XIV. Minh (3) (S.v,305)

5) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí, tôi chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

[53] Chương IX: Tương Ưng Thiền

-ooOoo-

I. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

1.I. Thanh Tịnh Thứ Nhất (S.v,307)

1-2) Tại Sàvatthi…

— Này các Tỷ-kheo, có bốn Thiền này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

4) Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm.

5) Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.

6) Ðoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn Thiền.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền như thế nào… xuôi về Niết-bàn?

9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm tịnh chỉ tầm và tứ… nội tĩnh, nhất tâm… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

2-12. II-XII. (S.v,308)

Như Sông Hằng Rộng Thuyết.


II. Phẩm Không Phóng Dật

13-22 I-X. (S.v,308)


III. Phẩm Làm Việc Cần Sức Mạnh

23-34. I-XII. (S.v,308)


IV. Phẩm Tầm Cầu

35-44. I-X. (S.v,309)


V. Phẩm Bộc Lưu

45. I. (S.v,309)

46-53. II-IX. (S.v,309)

54. X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,309)

1). ..

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm? Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bốn Thiền cần phải tu tập. Thế nào là bốn?

3-6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ… Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư.

7) Ðể thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, này các Tỷ-kheo, bốn Thiền cần phải tu tập.

[54] Chương X: Tương Ưng Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra

-ooOoo-

I. Phẩm Một Pháp

1.I. Một Pháp (S.v,311)

1) Tại Sàvatthi…

2) Ở đây… nói như sau:

3) — Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Thế nào là một pháp? Niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Và này các Tỷ-kheo, niệm hơi thở vô, hơi thở ra, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào thời có quả lớn, có lợi ích lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra.

5) Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”. Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết : “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”.

6) “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

7) “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

8) “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

9) “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

10) “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

11) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.

2. II. Giác Chi (S.v,312)

1-2) Tại Sàvatthi… Tại đấy… nói như sau:

3) — Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Và này các Tỷ-kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với niệm hơi thở vô, hơi thở ra, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi… ; tu tập tinh tấn giác chi… ; tu tập hỷ giác chi… ; tu tập khinh an giác chi…; tu tập niệm giác chi…; tu tập định giác chi…; tu tập xả giác chi câu hữu với niệm hơi thở vô, hơi thở ra, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.

3. III. Thanh Tịnh (S.v,313)

1-2) Sàvatthi… Ở đấy… thuyết như sau:

3) — Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như thế nào, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm hơi thở vô, chánh niệm hơi thở ra.

5-10) … như kinh 1, từ đoạn 5 đến đoạn 10…

11) — Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, thời có lợi ích lớn.

4. IV. Quả (S.v,313)

1-2) …

3) — Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như thế nào, niệm hơi thở vô, hơi thở ra có quả lớn, có lợi ích lớn?

4-10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

11) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.

12) Niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, được làm cho sung mãn như vậy, được chờ đợi một trong hai quả sau: Ngay trong hiện tại, được Chánh trí; nếu có dư y, chứng quả Bất lai.

5. V. Quả (2) (S.v,314)

1-2) …

3) — Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn?

4-10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

11) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.

12) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?

13) Ngay trong hiện tại, lập tức thành tựu Chánh trí. Nếu ngay trong hiện tại không lập tức thành tựu Chánh trí, thời khi mệnh chung, thành tựu Chánh trí. Nếu khi mệnh chung không thành tựu Chánh trí, thời sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được Trung gian Bát-niết-bàn, được Tổn hại Bát-niết-bàn, được Vô hành Bát-niết-bàn, được Hữu hành Bát-niết-bàn, được Thượng lưu, đạt đến Sắc cứu cánh thiên.

14) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích này.

6. VI. Arittha (S.v,314)

1-2) Tại Sàvatthi. Tại đấy, Thế Tôn… nói như sau:

— Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra.

3) Khi được nói vậy, Tôn giả Arittha bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra.

— Này Arittha, Ông tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra như thế nào?

4) — Bạch Thế Tôn, đối với các dục (kàma) quá khứ, con đoạn trừ dục tham (kàmacchanda). Ðối với dục tương lai, con từ bỏ dục tham. Ðối ngại tưởng (pàtighasanna), đối với nội ngoại pháp, được khéo nhiếp phục nơi con. Chánh niệm, con thở vô. Chánh niệm, con thở ra. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra.

5) — Ðây cũng là niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này Arittha, nhưng Ta tuyên bố là không phải. Này Arittha, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào là niệm hơi thở vô, hơi thở ra, được phát triển, được làm cho viên mãn. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Arittha vâng đáp Thế Tôn.

6) Thế Tôn nói như sau:

— Này Arittha, niệm hơi thở vô, hơi thở ra được phát triển, làm cho viên mãn như thế nào?

7-13) Ở đây, này Arittha, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già:… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

14) Như vậy, này Arittha, niệm hơi thở vô, hơi thở ra được phát triển, được làm cho sung mãn.

7. VII. Kappina (S.v,315)

1-2) Tại Sàvatthi…

3) Lúc bấy giờ Tôn giả Mahà Kappina đang ngồi kiết-già, không xa bao nhiêu, thân thẳng, để niệm trước mặt.

4) Thế Tôn thấy Tôn giả Mahà Kappina ngồi kiết-già, không xa bao nhiêu, thân thẳng, để niệm trước mặt. Thấy vậy, Ngài liền gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy Tỷ-kheo ấy, thân có rung động hay có dao động không?

5) — Bạch Thế Tôn, chúng con thấy vị Tôn giả ấy ngồi giữa Tăng chúng hay ngồi một mình, độc cư; chúng con không thấy vị Tôn giả ấy thân bị rung động hay dao động.

6) — Ðối với một vị có Thiền định như vậy, này các Tỷ-kheo, nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn, nên thân vị ấy không rung động hay dao động, nên tâm vị ấy không rung động hay dao động. Ðối với vị Tỷ-kheo ấy, được định như vậy, không có khó khăn, không có gian nan, không có mệt nhọc.

7) Và này các Tỷ-kheo, vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định nào mà thân không rung động, không dao động, hay tâm không rung động, không dao động? Này các Tỷ-kheo, do vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, nên thân không rung động, không dao động, hoặc tâm không rung động hay không dao động.

8) Và này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào mà thân không rung động hay không dao động, hoặc tâm không rung động hay không dao động?

9-15) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị ấy đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi-kiết già… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập, “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

16) Nhờ tu tập như vậy, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, nhờ làm cho sung mãn như vậy nên thân không bị rung động hay không dao động, hoặc tâm không rung động hay không dao động.

8. VIII. Ngọn Ðèn (S.v,316)

1-2) Sàvatthi… nói như sau:

3) — Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Và này các Tỷ-kheo, tu tập định niệm hơi thở vô, hơi thở ra như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào thời có quả lớn, có lợi ích lớn?

4-10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

11) Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời có quả lớn, có lợi ích lớn.

12) Này các Tỷ-kheo, Ta trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta trú nhiều với trú này. Này các Tỷ-kheo, do Ta trú nhiều với trú này, thân Ta và con mắt không có mệt nhọc; và tâm Ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

13) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng thân và mắt khỏi bị mệt mỏi, và mong rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”, thời định niệm hơi thở vô và hơi thở ra này cần phải khéo tác ý.

14) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng các niệm, các tư duy của ta được đoạn tận”, thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này phải được khéo tác ý.

15) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng ta sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với các pháp không nhàm chán”, thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.

16) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng ta sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với các pháp nhàm chán”, thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.

17) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Tôi sẽ trú với tưởng nhàm chán đối với các pháp không nhàm chán và nhàm chán”, thời định niệm…

18) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Tôi sẽ trú với tưởng không nhàm chán đối với các pháp nhàm chán và không nhàm chán”, thời định niệm…

19) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng sau khi từ bỏ cả hai không nhàm chán và nhàm chán, tôi sẽ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác”, thời định niệm…

20) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng ly dục, ly pháp bất thiện, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”, thời định niệm…

21) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm”, thời định niệm…

22) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ ba”, thời định niệm…

23) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Mong rằng đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”, thời định niệm…

24) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Vượt qua sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt đối ngại tưởng, không tác ý các tưởng sai biệt, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ”, thời định niệm…

25) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, tôi có thể chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ”, thời định niệm…

26) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: ‘Không có vật gì’, tôi sẽ chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ”, thời định niệm…

27) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, tôi sẽ chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”, thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.

28) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: “Vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, tôi sẽ chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định”, thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải được khéo tác ý.

29) Trong khi tu tập định niệm hơi thở vô, hơi thở ra như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi làm cho sung mãn như vậy, vị ấy cảm giác lạc thọ. Vị ấy rõ biết: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy rõ biết: “Không có chấp trước thọ ấy”. Vị ấy rõ biết: “Không có hoan duyệt thọ ấy”. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy rõ biết: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy rõ biết: “Không có chấp trước thọ ấy”. Vị ấy rõ biết: “Không có hoan duyệt thọ ấy”. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy rõ biết: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy rõ biết: “Không có chấp trước thọ ấy”. Vị ấy rõ biết: “Không có hoan duyệt thọ ấy”.

30) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, thọ ấy được cảm thọ không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy được cảm thọ không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, thọ ấy được cảm thọ không bị trói buộc. Khi vị ấy đang cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của thân, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của thân”. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng”. Khi thân hoại mạng chung, vị ấy rõ biết: “Ở đây, tất cả mọi cảm thọ đều không có gì được hân hoan, và sẽ trở thành mát lạnh”.

31) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu, duyên tim, một cây đèn dầu được cháy sáng. Nếu dầu và tim của ngọn đèn ấy đi đến tiêu diệt, nhiên liệu không được mang đến, thời ngọn đèn sẽ tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của thân, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của thân”. Khi Tỷ-kheo cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng”. Khi thân hoại mạng chung, vị ấy rõ biết: “Ở đây, tất cả những gì được cảm thọ đều không có gì được hân hoan, và sẽ trở thành mát lạnh”.

9. IX. Vesàli (S.v,320)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Vesàli, tại Ðại Lâm, ngôi nhà có nóc nhọn.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, tán thán sự tu tập bất tịnh.

3) Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

— Ta muốn sống Thiền tịnh một mình trong nửa tháng, không gặp một ai, trừ người đem đồ ăn cho Ta.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, không cho một ai đến thăm Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn.

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy được nghe Thế Tôn dùng nhiều pháp môn nói về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, nói lời tán thán sự tu tập bất tịnh, nên sống chuyên chú tu tập bất tịnh dưới nhiều hình thức sai biệt. Họ tủi hổ với thân này, tàm quý và nhàm chán, tầm cầu đem lại con dao. Mười Tỷ-kheo một ngày đem lại con dao… Hai mươi… Ba mươi Tỷ-kheo trong một ngày đem lại con dao.

5) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ Thiền tịnh đứng dậy và bảo Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, vì sao chúng Tỷ-kheo giảm thiểu như vậy?

6) — Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn dùng nhiều pháp môn thuyết cho các Tỷ-kheo về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, tán thán sự tu tập bất tịnh, nên các vị ấy sống chuyên chú tu tập bất tịnh dưới nhiều hình thức sai biệt. Họ tủi hổ với thân nầy, tàm quý và nhàm chán, tầm cầu đem lại con dao. Mười Tỷ-kheo trong một ngày đem lại con dao… Hai mươi… Ba mươi Tỷ-kheo trong một ngày đem lại con dao. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho pháp môn khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo được an trú vào chánh trí.

7) — Vậy này Ananda, hãy tập họp tại giảng đường tất cả các Tỷ-kheo trú xung quanh Vesàli.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn và mời tất cả Tỷ-kheo trú xung quanh Vesàli tập họp tại giảng đường, rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã tập họp. Nay Thế Tôn hãy làm những gì Thế Tôn nghĩ là phải thời.

8) Rồi Thế Tôn đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

9) — Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất (asecanako), lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức (thànaso).

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong cuối mùa hạ, bụi nhớp bay lên và một đám mưa lớn trái mùa lập tức làm chúng biến mất, tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức.

11) Và này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được biến mất và tịnh chỉ lập tức?

12-18) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

19) Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, và các ác, bất thiện pháp đã sanh được biến mất và tịnh chỉ lập tức.

10. X. Kimbila (S.v,322)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbila, tại Veluvana.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi Tôn giả Kimbila:

— Tu tập như thế nào, này Kimbila, làm cho sung mãn như thế nào, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra được quả lớn, được lợi ích lớn?

Khi được nói vậy, Tôn giả Kimbila im lặng.

3) Lần thứ hai, Thế Tôn…

4) Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Kimbila:

— Tu tập như thế nào, này Kimbila, làm cho sung mãn như thế nào, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời được quả lớn, được lợi ích lớn?

Lần thứ ba, Tôn giả Kimbila im lặng.

5) Ðược nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn. Nay đã đến thời, bạch Thiện Thệ. Mong Thế Tôn giảng dạy pháp tu tập định niệm hơi thở vô, hơi thở ra! Sau khi nghe Thế Tôn dạy, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

— Vậy này Ananda, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn.

6) Thế Tôn nói như sau:

— Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này Ananda, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào thời có quả lớn, có lợi ích lớn?

7-13) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

14) Tu tập như vậy, này Ananda, làm cho sung mãn như vậy, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.

15) Lúc nào, này Ananda, Tỷ-kheo thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Hay khi Tỷ-kheo thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”. Hay khi Tỷ-kheo thở vô ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô ngắn”. Hay khi Tỷ-kheo thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Này Ananda, sống quán thân trên thân, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vì sao?

16) Này Ananda, Ta tuyên bố rằng, tùy thuộc về thân, tức là hơi thở vô, hơi thở ra. Do vậy, này Ananda, quán thân trên thân, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

17) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo: “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi quán thọ trên các cảm thọ, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vì sao?

18) Này Ananda, Ta tuyên bố rằng, tùy thuộc về thọ, tức là hơi thở vô, hơi thở ra, được khéo tác ý. Do vậy, này Ananda, quán thọ trên các cảm thọ, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

19) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo: “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi quán tâm trên tâm, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vì sao?

20) Này Ananda, Ta tuyên bố rằng sự tu tập chánh niệm hơi thở vô, hơi thở ra không phải cho người thất niệm và không tỉnh giác. Do vậy, này Ananda, quán tâm trên tâm, Tỷ-kheo trong khi ấy, trú nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

21) Trong khi Tỷ-kheo, này Ananda, “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi quán pháp trên các pháp, này Ananda, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, đoạn tận các tham ưu; sau khi thấy với trí tuệ, vị ấy khéo trú xả. Do vậy, này Ananda, quán pháp trên các pháp, Tỷ-kheo trú như vậy, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

22) Ví như, này Ananda, một đống rác bụi lớn ở ngã tư đường, nếu từ phương Ðông, một cái xe (sakatam hay ràtha) đi đến và làm cho đống rác bụi ấy giảm bớt đi; nếu từ phương Tây…; nếu từ phương Bắc…; nếu từ phương Nam, một cái xe đi đến và làm cho đống rác bụi ấy giảm bớt đi. Cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo trong khi trú, quán thân trên thân, làm cho giảm bớt đi các ác, bất thiện pháp, khi trú, quán thọ trên các cảm thọ… khi trú, quán tâm trên tâm… khi trú, quán pháp trên các pháp… làm cho giảm bớt đi các ác, bất thiện pháp.


II. Phẩm Thứ Hai

11. I. Icchànangala (S.v,325)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Icchànangala, tại khóm rừng ở Icchànangala.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

— Ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn lại.

3) Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các Ông: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh niệm Ta thở vô, chánh niệm Ta thở ra.

5-10) Hay thở vô dài, Ta rõ biết: “Ta thở vô dài”. Hay thở ra dài, Ta rõ biết: “Ta thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở ra ngắn”… “Quán từ bỏ, Ta thở vô”, Ta rõ biết như vậy. “Quán từ bỏ, Ta thở ra”, Ta rõ biết như vậy.

11) Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.

12) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc. Và này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, ngay trong hiện tại, đưa đến lạc trú, chánh niệm tỉnh giác.

13) Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.

12. II. Nghi Ngờ (S.v,327)

1) Một thời Tôn giả Lomasavangìsa trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn Nigrodha.

2) Lúc bấy giờ Thích tử Mahànàma đi đến Tôn giả Lomasavangiisa; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Lomasavangiisa rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Thích tử Mahànàma thưa với Tôn giả Lomasavangìsa:

3) — Thưa Tôn giả, hữu học trú với Như Lai trú là một, hay hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác?

— Này Hiền giả Mahànàma, hữu học trú không phải là một với Như Lai trú. Này Hiền giả Mahànàma, hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác.

4) Này Hiền giả Mahànàma, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; sau khi đoạn tận năm triền cái, những vị ấy trú. Thế nào là năm? Ðoạn tận dục tham triền cái, các vị ấy trú. Ðoạn tận sân triền cái… Ðoạn tận hôn trầm thụy miên triền cái… Ðoạn tận trạo hối triền cái… Ðoạn tận nghi hoặc triền cái, các vị ấy trú. Này Hiền giả Mahànàma, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, trú với tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; sau khi đoạn tận năm triền cái này, những vị ấy trú.

5) Và này Hiền giả Mahànàma, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy đoạn tận năm triền cái, chặt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể khởi lên. Thế nào là năm? Dục tham triền cái được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây ta-la, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể khởi lên; sân triền cái được đoạn tận… hôn trầm thụy miên triền cái được đoạn tận… trạo hối triền cái được đoạn tận… nghi hoặc triền cái được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây ta-la, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể khởi lên. Này Hiền giả Mahànàma, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy đã đoạn tận năm triền cái này, đã chặt đứt từ gốc rễ, đã làm cho như thân cây ta-la, đã làm cho không thể tái sanh, đã làm cho không thể khởi lên.

6) Như vậy, với pháp môn này, này Hiền giả Mahànàma, Hiền giả cần phải hiểu rằng hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác.

7) 1. — Một thời, thưa Hiền giả Mahànàma, Thế Tôn trú ở Icchànangala, tại khu rừng Icchànangala.

8) 2. Rồi này Mahànàma, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

9) 3. Rồi Thế Tôn…

10) 4. “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta…

11-16) 5-10. Thở vô dài…

17) 11. Ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú…

18) 12. Những ai là những Tỷ-kheo hữu học…

19) 13. Ai muốn nói một cách chơn chánh..”.

20) Với pháp môn này, này Hiền giả Mahànàma, cần phải hiểu như sau: Hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác.

13. III. Ananda (1) (S.v,328)

1-2) Sàvatthi…

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn… Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

3) — Bạch Thế Tôn, có một pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp? Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp? Bảy pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp?

— Này Ananda, có một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp. Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp. Bảy pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp.

4) — Một pháp ấy là gì, bạch Thế Tôn, được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp? Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp? Bảy pháp được tu tập được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp?

— Này Ananda, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn niệm xứ. Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy giác chi. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn minh và giải thoát.

I

5) Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, làm cho viên mãn bốn niệm xứ?

6-12) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

13-14) Lúc nào, này Ananda, Tỷ-kheo thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài..”. Này Ananda, sống quán thân trên thân, Tỷ-kheo trong khi ấy trú nhứt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vì sao? (xem 10, đoạn số 15-16) …

15-16) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập… tham ưu ở đời. (xem 10, đoạn số 17-18)

17-18) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập… tham ưu ở đời. (xem 10, đoạn số 19-20)

19) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập… nhiếp phục tham ưu ở đời. (xem 10, đoạn số 21)

20) Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này Ananda, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, làm viên mãn bốn niệm xứ.

II

21) Tu tập như thế nào, này Ananda, làm cho sung mãn như thế nào, bốn niệm xứ làm cho viên mãn bảy giác chi?

22) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, niệm được an trú; khi ấy, này Ananda, Tỷ-kheo có niệm, không phải thất niệm. Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo an trú niệm, không phải thất niệm, thời niệm giác chi, đối với Tỷ-kheo ấy được thành tựu. Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, niệm giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn. Vị ấy trú chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán pháp ấy.

23) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát ấy; khi ấy, này Ananda, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ, quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi nơi vị ấy.

24) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị có tinh cần, có tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên.

25) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an.

26) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo với ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh.

27) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo có tâm khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; khi ấy, này các Tỷ-kheo, định giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi, Tỷ-kheo tu tập định giác chi; khi ấy, định giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn sự vật.

29) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm định tĩnh khéo trú xả nhìn sự vật như vậy; khi ấy, này Ananda, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập xả giác chi; khi ấy, xả giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

29-31) Trong khi, này Ananda, Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp… (như trên, từ đoạn số 22-28)

32) Tu tập như vậy, này Ananda, làm cho sung mãn như vậy, bốn niệm xứ làm viên mãn bảy giác chi.

III.

33) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bảy giác chi làm viên mãn minh và giải thoát?

34) Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

35) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, bảy giác chi làm viên mãn minh và giải thoát.

14. IV. Ananda (2)(S.v,333)

1) …

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn… Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

(Rồi Thế Tôn hỏi câu hỏi giống như trước và Ananda trả lời).

“Ðối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản..”..

(Rồi Thế Tôn lập lại toàn bộ như kinh trước, từ đoạn số 3-35)

15. V. Tỷ-Kheo (1) (S.v,334)

(Ở đây, các Tỷ-kheo hỏi cùng một câu hỏi ấy và được Thế Tôn trả lời toàn bộ đúng như kinh trước, từ đoạn số 3-35)

16. VI. Tỷ-Kheo (2) (S.v,335)

(Ở đây, Thế Tôn hỏi các Tỷ-kheo cùng một câu hỏi, các Tỷ-kheo trả lời các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…, rồi Thế Tôn trả lời toàn bộ đúng như kinh trước).

17. VII. Kiết Sử (S.v,340)

1) …

2) — Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các kiết sử.

18. VIII. Tùy Miên (S.v,340)

1) …

2) … đưa đến nhổ sạch các tùy miên.

19. IX. Con Ðường (S.v,340)

1) …

2) … đưa đến liễu tri con đường (ba kinh trên được giải thích như kinh kế tiếp).

20. X. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (S.v,340)

1) …

2) … đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

3) — Này các Tỷ-kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra đưa đến đoạn tận các kiết sử… đưa đến nhổ sạch các tùy miên… đưa đến liễu tri con đường… đưa đến đoạn tận các lậu hoặc?

4-10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

11) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra đưa đến đoạn tận các kiết sử… nhổ sạch các tùy miên… liễu tri con đường… đoạn tận các lậu hoặc.

[55] Chương XI: Tương Ưng Dự Lưu

-ooOoo-

I. Phẩm Veludvàra

1. I. Vua (S.v,342)

1-2) Sàvatthi. Ở đấy… nói như sau:

3) — Dầu cho, này các Tỷ-kheo, một vị Chuyển luân vương làm chủ tể và cai trị bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, thế giới này, cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba; tại đấy, vị ấy trú trong rừng Nandana, được chúng Thiên nữ đoanh vây, được đầy đủ, được cung cấp, được bao bọc năm thiên dục công đức, nhưng không được đầy đủ bốn pháp; tuy vậy, vị ấy chưa được giải thoát khỏi địa ngục, chưa được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, chưa giải thoát khỏi ngạ quỷ, và chưa thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

4) Nhưng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, dầu muốn sống bằng các miếng ăn khất thực, đắp với y nhiều tấm (nantakàni); vị ấy đầy đủ bốn pháp. Và vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.

6) Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.

7) Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

8) Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.

9) Vị ấy thành tựu bốn pháp này.

10) Và này các Tỷ-kheo, có sự lợi đắc của bốn châu và sự lợi đắc của bốn pháp. Sự lợi đắc bốn châu không đáng giá (agahati) một phần mười sáu lợi đắc bốn pháp.

2. II. Thể Nhập (S.v,343)

1-2) …

3) — Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không có thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng cúng,… Phật, Thế Tôn”.

5-6) Ðối với Pháp… Ðối với Tăng…

7) Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

8) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

9) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ thuyết vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Ai có tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Ðến thời chúng chín muồi,
Nhập Phạm hạnh, được lạc.

3. III. Dìghàvu (S.v,344)

1) Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi cư sĩ Dìghàvu thưa với cha là Jotika:

— Hãy đi, thưa Cha, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh con, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Cư sĩ Dìghàvu, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn”. Rồi Cha hãy thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến nhà cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!”

— Ðược, này Con.

Gia chủ Jotika nghe lời cư sĩ Dìghàvu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

4) Ngồi một bên, gia chủ Jotika bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!”

Thế Tôn im lặng nhận lời.

5) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống rồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Dìghàvu:

— Này Dìghàvu, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không tăng trưởng?

— Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Ðau đớn kịch liệt nơi con không có giảm thiểu, chúng tăng trưởng. Chúng có dấu hiệu tăng trưởng, không có dấu hiệu giảm thiểu.

6) — Do vậy, này Dìghàvu, Ông hãy học tập như sau: “Ta sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn. Ðối với Pháp… Ðối với chúng Tăng… Tôi sẽ thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định””. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.

7) — Bạch Thế Tôn, đối với bốn Dự lưu phần do Thế Tôn thuyết giảng, tất cả các pháp ấy đều có ở trong con. Con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn… Ðối với Pháp… đối với chúng Tăng… Tôi thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định”.

— Do vậy, này Dìghàvu, sau khi Ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, Ông hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (chavijjà-bhàgiye dhamme).

8) Ở đây, này Dìghàvu, Ông hãy trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.

— Bạch Thế Tôn, đối với sáu minh phần pháp được Thế Tôn thuyết giảng này, chúng đều có ở trong con và con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt.

9) Nhưng, bạch Thế Tôn, con có ý nghĩ sau đây: “Ta không có muốn gia chủ Jotika, ở đây khi ta chết phải rơi vào khốn khổ (vighàta)”.

— Này Dìghàvu, chớ có tác ý như vậy! Hãy nhìn, này Dighàvu! Những gì Thế Tôn đang nói cho con, con hãy khéo tác ý.

10) Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới cho cư sĩ Dìghàvu với lời giáo giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

11) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu liền mệnh chung.

12) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dìghàvu; sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Sanh thú cư sĩ ấy thế nào? Sanh xứ cư sĩ ấy chỗ nào?

— Hiền minh, này các Tỷ-kheo, là cư sĩ Dìghàvu! Cư sĩ Dìghàvu thực hiện các pháp và tùy pháp, không làm phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về pháp.

13) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này nữa.

4. IV. Sàriputta (1) (S.v,346)

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Ànanda trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika.

2) Rồi Tôn giả Ànanda, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy… ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda thưa với Tôn giả Sàriputta:

3) — Thưa Hiền giả Sàriputta, do nhân thành tựu bao nhiêu pháp, chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?

— Này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp nên chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc sẽ chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này Hiền giả, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… đầy đủ các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

5) Này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp này nên các chúng sanh ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

5. V. Sàriputta (2) (S.v,347)

1) …

2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi một bên:

3) — “Dự lưu phần, dự lưu phần”, này Sàriputta, được nói đến như vậy. Này Sàriputta, thế nào là Dự lưu phần?

— Thân cận bậc Chân nhân, bạch Thế Tôn, là Dự lưu phần. Nghe diệu pháp là Dự lưu phần. Như lý tác ý là Dự lưu phần. Thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.

— Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta! Thân cận bậc Chân nhân là Dự lưu phần… thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần.

4) “Dòng sông, dòng sông”, này Sàriputta, được nói đến như vậy. Này Sàriputta, thế nào là dòng sông?

— Bạch Thế Tôn, đây là dòng sông Thánh đạo Tám ngành. Tức là chánh tri kiến… chánh định.

— Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Này Sàriputta, đây là dòng sông Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định.

5) “Dự lưu, Dự lưu”, này Sàriputta, được gọi là như vậy. Này Sàriputta, thế nào là Dự lưu?

— Bạch Thế Tôn, ai thành tựu Thánh đạo Tám ngành này, người ấy gọi là Dự lưu, vị Tôn giả với tên như vậy, với họ như vậy.

— Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Này Sàriputta, ai thành tựu Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là bậc Dự lưu, vị Tôn giả với tên như thế này, với họ như thế này.

6. VI. Các Người Thợ Mộc (Thapataye) (S.v,348)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: “Khi y xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi, du hành”.

3) Lúc bấy giờ, Isidatta và Puràna, hai người thợ mộc trú ở Sàdhuka vì một vài công việc phải làm. Hai người thợ mộc Isidatta và Puràna nghe rằng nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi, du hành.

4) Rồi hai thợ mộc Isidatta và Puràna đặt một người đứng ở giữa đường và dặn:

— Này Ông, khi nào Ông thấy Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đi đến, hãy báo tin cho chúng tôi biết.

5) Sau khi đứng hai, ba ngày, người ấy thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền đi đến hai người thợ mộc Isidatta và Puràna và nói với họ:

— Thưa Quý vị, bậc Thế Tôn ấy đã đến, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Nay là thời Quý vị nghĩ phải làm gì.

6) Rồi hai người thợ mộc Isidatta và Puràna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đi theo sau lưng Thế Tôn.

7) Rồi Thế Tôn đi xuống đường, đến một gốc cây; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Isidatta và Puràna đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, hai người thợ mộc Isidatta và Puràna bạch Thế Tôn:

8) — Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ đi khỏi Sàvatthi để du hành giữa dân chúng Kosala”; khi ấy, chúng con không được hoan hỷ, có sự ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta”. Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: “Thế Tôn đã đi khỏi Sàvatthi, đang du hành giữa dân chúng Kosala”; khi ấy, chúng con không được hoan hỷ, có sự ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn đã ở xa chúng ta”.

9) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ đi khỏi dân chúng Kosala để du hành giữa dân chúng Malla”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta”. Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: “Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Kosala, và đang du hành giữa dân chúng Malla”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn đã ở xa chúng ta”.

10) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Malla để du hành giữa dân chúng Vajji”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta”; Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: “Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Malla, và đang du hành giữa dân chúng Vajji”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn đã ở xa chúng ta”.

11) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Vajji để du hành giữa dân chúng Kàsi”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta”. Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: “Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Vajji, và đang du hành giữa dân chúng Kàsi”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn đã ở xa chúng ta”.

12) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Kàsi để du hành giữa dân chúng Magadha”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ ở xa chúng ta”. Và khi, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe: “Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Kàsi, và đang du hành giữa dân chúng Magadha”; khi ấy, chúng con không hoan hỷ, có ưu buồn, nghĩ rằng: “Thế Tôn đã ở xa chúng ta”.

13) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Magadha để du hành giữa dân chúng Kàsi”; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ ở gần chúng ta”. Khi chúng con được nghe: “Thế Tôn đã ra đi khỏi dân chúng Magadha và đang du hành ở Kàsi”; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, (nghĩ rằng): “Thế Tôn đã ở gần chúng ta”.

14) … “khỏi dân chúng Kàsi để du hành ở giữa dân chúng Vajji..”.

15) … “khỏi dân chúng Vajji để du hành ở giữa dân chúng Malla..”.

16) … “khỏi dân chúng Malla để du hành ở giữa dân chúng Kosala..”.

17) Bạch Thế Tôn, khi chúng con được nghe: “Thế Tôn sẽ ra đi khỏi dân chúng Kosala, để du hành giữa dân chúng Sàvatthi”; khi ấy, chúng con được vui vẻ, có sự hoan hỷ, (nghĩ rằng): “Thế Tôn sẽ ở gần chúng ta”. Khi chúng con được nghe: “Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapindika”; khi ấy vô lượng là sự vui vẻ của chúng con, vô lượng là hoan hỷ của chúng con (nghĩ rằng): “Thế Tôn đã ở gần chúng ta”.

18) — Do vậy, này các người Thợ mộc, chật hẹp là đời sống ở gia đình, đầy những bụi đời! Phóng khoáng giữa trời là đời sống người xuất gia! Như vậy là vừa đủ, này các người Thợ mộc, để các Ông không có phóng dật.

19) — Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây chúng con có đàn áp khác, còn áp bức hơn, còn bội phần áp bức hơn.

— Thế nào là sự đàn áp khác, này các người Thợ mộc, còn áp bức hơn, còn bội phần hơn?

20) — Ở đây, bạch Thế Tôn, khi vua Pasenadi nước Kosala muốn đi ra viếng thăm khu vườn, thời các con voi của vua Pasenadi nước Kosala cần phải được chúng con chuẩn bị và trang sức, và các cung phi khả ái, khả ý của vua Pasenadi nước Kosala cần phải có chúng con đặt ngồi một người ngồi trước, một người ngồi sau. Bạch Thế Tôn, mùi hương của các cung phi ấy thật là thơm ngọt như một hộp nước hoa vừa được mở ra, các cung phi của vua được ướp với mùi thơm như vậy. Lại nữa, bạch Thế Tôn, thân xúc các cung phi này thật là mềm dịu như một túm bông hoa hồng, vì họ được nuôi dưỡng rất an lạc. Bạch Thế Tôn, trong lúc ấy, chúng con cần phải hộ trì cho voi, cần phải hộ trì cho các cung phi, cần phải hộ trì cho tự ngã nữa.

21) Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không rõ biết sự khởi lên ái tâm đối với các cung phi ấy. Ðây, bạch Thế Tôn, là đàn áp khác, còn áp bức hơn, còn bội phần áp bức hơn!

22) — Do vậy, này các người Thợ mộc, chật hẹp là đời sống ở gia đình, đầy những bụi đời! Phóng khoáng giữa trời là đời sống người xuất gia! Như vậy là vừa đủ, này các người Thợ mộc, để các Người không có phóng dật!

23) Này các người Thợ mộc, thành tựu bốn pháp, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

24) Ở đây, này các người Thợ mộc, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Vị ấy sống ở gia đình, với tâm gột sạch cấu uế, xan tham. Vị ấy thường bố thí, bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, thích được nhờ cậy, thích thú chia xẻ vật được bố thí. Thành tựu bốn pháp này, này các người Thợ mộc, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

25) Này các người Thợ mộc, các Người thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng. Trong gia đình các Người, phàm có vật được bố thí nào, tất cả đều được chia xẻ hoàn toàn và vô tư cho những vị có trì giới và các thiện nhân.

26) Các Ông nghĩ thế nào, này các người Thợ mộc, có bao nhiêu người ở tại Kosala có thể ngang bằng các Ông về phần chia vật bố thí?

27) — Thật lợi đắc cho chúng con, bạch Thế Tôn! Thật khéo lợi đắc cho chúng con, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn biết chúng con như vậy!

7. VII. Những Người Ở Veludvàra (S.v,352)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Veludvàra.

2) Các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra được nghe: “Sa-môn Gotama là Thích tử, đã xuất gia từ gia tộc họ Thích, đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đã đến Veludvàra”. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama: “Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Sau khi chứng ngộ, Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn, đầy đủ, trong sạch. Tốt lành thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!”

3) Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên; một số chấp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên với Thế Tôn tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; một số im lặng ngồi xuống một bên.

4) Ngồi một bên, các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi có ước vọng như thế này, có ước muốn như thế này, có chú tâm (adhippàya) như thế này: “Mong rằng chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con! Mong chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi! Mong rằng chúng tôi được trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp! Mong rằng chúng tôi được sử dụng vàng và bạc! Sau khi thân hoại mạng chung, mong rằng chúng tôi được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này!” Mong rằng Tôn giả Gotama hãy thuyết pháp cho chúng tôi, những người có ước vọng như vậy, có ước muốn như vậy, có chú tâm như vậy. Hãy thuyết pháp như thế nào để chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con, để chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi… để chúng tôi, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

5) — Vậy này các Gia chủ, Ta sẽ thuyết cho các Ông một pháp môn đưa đến lợi ích (tự lợi cho tự ngã) (attuupanàyikam). Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Các Bà-la-môn ở Veludvàra vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Này các Gia chủ, thế nào là pháp môn đưa đến lợi ích cho tự ngã?

6) Ở đây, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh (kotiparisuddham).

7) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

8) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

9) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

10) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi,như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

11) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

12) Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

13) Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc A-la-hán… Phật, Thế Tôn”.

14) … đối với Pháp…

15) … đối với chúng Tăng…

16) Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.

17) Này các Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử thành tựu bảy pháp này và bốn lời nguyện xứ này, nếu vị ấy muốn, vị ấy có thể tuyên bố về mình: “Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không có bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”.

18) Ðược nói vậy, các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn… từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

8. VIII. Giảng Ðường Bằng Gạch (1) (S.v,356)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Nàtika, trong ngôi giảng đường bằng gạch.

2) Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến… bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Sàlha đã mạng chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo-ni Nànda mệnh chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Sudatta mệnh chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào? Nữ cư sĩ Sujàtà mệnh chung, sanh thú thế nào, thọ sanh chỗ nào?

3) — Tỷ-kheo Sàlha, này Ànanda, đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Tỷ-kheo-ni Nànda, này Ànanda, mệnh chung, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui thế giới này. Cư sĩ Sudatta, này Ànanda, do đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất Lai, sau khi trở lui thế giới này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Nữ cư sĩ Sujàtà, này Ànanda, mạng chung, sau khi đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

4) Này Ànanda, thật không có gì lạ vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này, thời này Ànanda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai. Này Ànanda, vì vậy Ta sẽ giảng pháp môn Pháp kính (gương Chánh pháp) để vị Thánh đệ tử sau khi thành tựu pháp môn này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta đã chứng quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”.

5) Này Ànanda, pháp môn Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử thành tựu pháp môn ấy, nếu muốn, sẽ tự mình tuyên bố về mình như sau: “Ta đã đoạn tận địa ngục… Ta đã chứng quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”?

6) Ở đây, này Ànanda, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… với Pháp… với Tăng…. thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

7) Ðây là pháp môn Pháp kính, này Ànanda, thành tựu pháp môn này, vị Thánh đệ tử nếu muốn, tự mình tuyên bố về mình như sau: “Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”.

8) (Kinh này và hai kinh sau đều cùng một nhân duyên).

9. IX. Giảng Ðường Bằng Gạch (2) (S.v,358)

1-2) … ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Asokà đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào? Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo-ni Asokà đã mệnh chung… Nam cư sĩ Asokà đã mệnh chung… Nữ cư sĩ Asokà đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào?

3-6) — Này Ànanda, Tỷ-kheo Asokà đã mệnh chung, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát… (như kinh trên 8, đoạn số 3 với Tỷ-kheo-ni Asokà, nam cư sĩ Asokà và nữ cư sĩ Asokà) …

7) Này Ànanda, đây là pháp môn Pháp kính, thành tựu pháp môn này, vị Thánh đệ tử nếu muốn, tự mình tuyên bố về mình: “Ta đã đoạn tận địa ngục, ta đã đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ, ta đã đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”.

10. X. Ngôi Nhà Bằng Gạch (3) (S.v,358)

1-2) … ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

— Cư sĩ ở Nàtika tên Kakkata đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào? Cư sĩ ở Nàtika tên Kàlinga, bạch Thế Tôn, đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào? Cư sĩ ở Nàtika tên Nikata… Cư sĩ Katissaha… Cư sĩ Tuttha… Cư sĩ Santuttha… Cư sĩ Dhadda… Cư sĩ Subhadda ở Nàtika, bạch Thế Tôn, đã mệnh chung, sanh thú của vị ấy thế nào, sanh xứ chỗ nào?

3) — Cư sĩ Kakkata, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui cõi đời này. Cư sĩ Kàlinga, này Ànanda… Cư sĩ Nikata, này Ànanda… Cư sĩ Katissaha, này Ànanda… Cư sĩ Tuttha, này Ànanda… Cư sĩ Santuttha, này Ànanda… Cư sĩ Bhadda, này Ànanda… Cư sĩ Subhadda, này Ànanda, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui cõi đời này nữa. Tất cả đều cùng một sanh thú.

4) Hơn năm mươi cư sĩ ở Nàtika, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui cõi đời này nữa. Hơn chín mươi nam cư sĩ ở Nàtika, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, là bậc Nhứt Lai, sau khi trở lui thế giới này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Năm trăm lẻ sáu nam cư sĩ ở Sàkata, này Ànanda, đã mệnh chung, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

5-7) Này Ànanda, thật không có gì lạ vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung, Ông lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này; thời này Ànanda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai… (xem trên 9, đoạn số 4,5,6,7) … quyết chắc chứng quả giác ngộ.


II. Phẩm Một Ngàn, hay Vườn Vua

11. I. Một Ngàn (S.v,360)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại khu vườn Ràjaka.

2) Rồi một chúng gồm một ngàn Tỷ-kheo-ni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo-ni đang đứng một bên:

— Này các Tỷ-kheo-ni, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn pháp là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo-ni, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”.

5-6) … đối với Pháp… đối với Tăng…

7) Vị ấy thành tựu các giới được bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

8) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo-ni, bậc Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

12. II. Các Bà La Môn (S.v,361)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi.

3) — Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn trình bày một đạo lộ hướng thượng (udayagàminim). Họ khuyến khích các đệ tử như sau: “Hãy đến, này các Ông! Sáng sớm dậy, hãy đi hướng mặt về phía Ðông. Chớ có tránh những lỗ hổng, lỗ trũng, khúc cây, chỗ có gai, hố nước nhớp, chớ có tránh đường mương. Nếu có rơi vào các chỗ ấy và đi đến chết, như vậy, này các Ông, sau khi thân hoại mạng chung, các Ông sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này”.

4) Nhưng này các Tỷ-kheo, con đường ấy của các Bà-la-môn là con đường của kẻ ngu, con đường của kẻ si, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, nay Ta trình bày một đạo lộ hướng thượng trong luật của bậc Thánh, và con đường ấy nhứt hướng đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, đạo lộ hướng thượng ấy là gì, đạo lộ đưa đến nhứt hướng yếm ly… Niết-bàn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, …”…. đối với pháp… đối với chúng Tăng… Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

6) Ðây là đạo lộ đưa đến hướng thượng, này các Tỷ-kheo,… nhứt hướng yếm ly… đưa đến Niết-bàn.

13. III. Ànanda (S.v,362)

1) Một thời, Tôn giả Ànanda và Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ànanda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ànanda những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Tôn giả ngồi xuống một bên. Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Ànanda:

3) — Do đoạn tận những pháp nào, này Hiền giả Ànanda, do nhân thành tựu những pháp nào, quần chúng ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?

4) — Do đoạn tận bốn pháp, thưa Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp, quần chúng ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

5) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, không thành tựu tịnh tín đối với đức Phật, khi thân hoại mạng chung, sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy là không có tịnh tín đối với đức Phật. Và vị Ða văn Thánh đệ tử, thưa Hiền giả, thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Như vậy là tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”.

6) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, không thành tựu tịnh tín đối với Pháp, khi thân hoại mạng chung, sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy là không có tịnh tín đối với Pháp. Và vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp… Như vậy là tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết… chỉ người có trí mới giác hiểu”.

7) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, không thành tựu tịnh tín đối với chúng Tăng… Như vậy là tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn… vô thượng phước điền ở đời”.

8) Kẻ vô văn phàm phu, này Hiền giả, thành tựu ác giới… Như vậy là không có tịnh tín bất động… Như vậy tịnh tín bất động đối với các giới: “Các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định”.

9) Do đoạn tận bốn pháp này, này Hiền giả, do nhân thành tựu bốn pháp này, quần chúng ở đời này được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

14. IV. Ác Thú (1) (S.v,364)

1-2) …

3) — Do thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú. Thế nào là bốn?

4-7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

8) Do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú.

15. V. Ác Thú (2) (S.v,364)

1-2) …

3) — Do thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú, đọa xứ. Thế nào là bốn?

4-7) … (như đoạn số 4-7, kinh trên) …

8) Do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử vượt qua sợ hãi của tất cả ác thú, đọa xứ…

16. VI. Thân Hữu (1) (S.v,364)

1-2) …

3) — Tất cả những ai, này các Tỷ-kheo, các Ông có lòng từ mẫn, và những người mà các Ông nghĩ cần phải nghe theo, những ai là bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; tất cả những vị ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú trong bốn Dự lưu phần. Thế nào là bốn?

4) Họ cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú vào tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với Tăng… đối với các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

5) Những ai mà các Ông có lòng từ mẫn, này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông nghĩ là cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; các người ấy cần phải được khuyến khích, cần phải được áp đặt, cần phải được an trú trong bốn Dự lưu phần này.

17. VII. Bạn Bè Thân Hữu (2) (S.v,365)

1-2) …

3) — Những ai, này các Tỷ-kheo, các Ông có lòng từ mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; các người ấy cần phải được các Ông khuyến khích, áp đặt, an trú trong bốn Dự lưu phần. Thế nào là bốn?

4) Cần phải khuyến khích, cần phải áp đặt, cần phải an trú trong tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”. Dầu cho, này các Tỷ-kheo, bốn đại chủng địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại có đổi khác, nhưng nhất định không có thay đổi trong vị Thánh đệ tử đã thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật. Ở đây, sự đổi khác có nghĩa là: Một Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động như vậy sẽ sanh vào địa ngục, hay vào loài bàng sanh, hay vào hàng ngạ quỷ; sự kiện như vậy không xảy ra.

5-6) … đối với Pháp… đối với Tăng.

7) Cần phải khuyến khích, cần phải áp đặt, cần phải an trú vào các giới được các bậc Thánh ái kính. Dầu cho, này các Tỷ-kheo, bốn đại chủng địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại có đổi khác; nhưng nhất định không có sự đổi khác trong vị Thánh đệ tử đã thành tựu tịnh tín bất động đối với các giới được các bậc Thánh ái kính. Ở đây, sự đổi khác có nghĩa là vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, sẽ sanh vào địa ngục, hay các loài bàng sanh, hay các ngạ quỷ; sự kiện như vậy không xảy ra.

8) Những ai mà các Ông có lòng từ mẫn, này các Tỷ-kheo,… an trú trong bốn Dự lưu phần.

18. VIII. Du Hành Chư Thiên (S.v,366)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna, như nhà lực sĩ duỗi ra cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Tôn giả biến mất ở Jetavana và hiện ra ở cõi trời Ba mươi ba.

3) Rồi một số đông chư Thiên cõi Ba mươi ba đi đến Tôn giả Mohà Moggalàna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahà Moggalàna rồi đứng một bên. Tôn giả Mahà Moggalàna nói với chư Thiên đang đứng một bên:

4) — Lành thay, chư Hiền, là sự thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”. Do nhân thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

5-6) Lành thay, chư Hiền, là tịnh tín bất động đối với Pháp… đối với chúng Tăng…

7) Lành thay, chư Hiền, là sự thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Do nhân thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, chư Hiền, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

8) — Lành thay, Tôn giả Moggalàna, là sự thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”. Do nhân thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, thưa Tôn giả Moggalàna, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

9-11) Lành thay, Tôn giả Moggalàna, là sự thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp… đối với chúng Tăng… các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Do nhân thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, thưa Tôn giả Moggalàna, như vậy ở đây, một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

19. IX. Thăm Viếng Chư Thiên (1) (S.v,367)

1) Một thời Tôn giả Mahà Moggalàna trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của ông Anàthapindika.

2-7) Rồi Tôn giả Moggalàna, như người lực sĩ… (như trên) …

8-11) … (như trên) … một số chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

20. X. Thăm Viếng Chư Thiên (2) (S,v,357)

(Giống như kinh 18, chỉ khác, đây là Thế Tôn, không phải Mahà Moggalàna) …


III. Phẩm Saranàni

21. I. Mahànàma (1)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha.

2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

3) — Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, là phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng khắp nơi chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi con hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ-kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật bị hoang mang, tâm con nghĩ đến Pháp bị hoang mang, tâm con nghĩ đến chúng Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sanh thú của con là gì, sanh xứ đời sau chỗ nào?”

4) — Chớ có sợ, này Mahànàma! Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, tâm tu tập trọn vẹn về giới, tâm tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, dầu thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, hay giả-can ăn, hay các loại chúng sanh sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ, thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

5) Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè sữa bơ, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè hay mảnh vụn chìm xuống nước; nhưng sữa, bơ hay dầu thời nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, này Mahànàma, với ai đã lâu ngày, tâm được tu tập trọn vẹn về tín, tâm được tu tập trọn vẹn về giới, tâm được tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm được tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm được tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, đoạn diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, giả-can ăn hay các sanh loại sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ; thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.

6) Này Mahànàma, đã lâu ngày tâm Ông được tu tập trọn vẹn về tín, được tu tập trọn vẹn về giới, được tu tập trọn vẹn về sở văn, được tu tập trọn vẹn về thí xả, được tu tập trọn vẹn về trí tuệ. Chớ có sợ, này Mahànàma, chớ có sợ, này Mahànàma, không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông!

22. II. Mahànàma (2) (S.v,371)

1) Như vầy tôi nghe.

2) Rồi Mahànàma…

3) — Ở đây, bạch Thế Tôn, Kapilavatthu…

4)– Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông! Do thành tựu bốn pháp, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn..”…. đối với Pháp… đối với Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

6) Ví như, này Mahànàma, một cây thiên về phía Ðông, hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nếu bị chặt đứt từ gốc rễ, nó sẽ ngả về phía nào?

— Bạch Thế Tôn, về phía nào nó thiên, về phía nào nó hướng, về phía nào nó xuôi.

— Cũng vậy, này Mahànàma, do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

23. III. Godhà hay Mahànàma (3) (S.v,371)

1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.

2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến họ Thích Godhà; sau khi đến, nói với họ Thích Godhà:

3) — Này Godhà, theo như Hiền giả biết một người là bậc Dự lưu, thành tựu bao nhiêu pháp thời không bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?

— Này Mahànàma, theo như tôi biết một người là bậc Dự lưu thành tựu ba pháp thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

4) Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… là vô thượng phước điền ở đời. Này Mahànàma, do thành tựu ba pháp này, tôi được biết một người là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

5) Nhưng này Mahànàma, theo như Hiền giả biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bao nhiêu pháp thời không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ?

— Này Gohdà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn? Ở đây, này Godhà, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Này Godhà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp này thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

6) — Hãy chờ một lát, này Mahànàma, hãy chờ một lát, này Mahànàma. Thế Tôn biết rõ việc này, thành tựu hay không thành tựu những pháp này. Này Godhà, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn và sau khi đến, hãy hỏi về ý nghĩa này.

7) Rồi họ Thích Mahànàma và họ Thích Godhà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

8) — Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi đến họ Thích Godhà; sau khi đến, nói với họ Thích Godhà:

“– Này Godhà, theo như Hiền giả biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bao nhiêu pháp… giác ngộ?”

Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, họ Thích Godhà nói với con:

“–Này Mahànàma, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu ba pháp… giác ngộ. Thế nào là ba? Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: ‘Ðây là là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn’… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Này Mahànàma, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu ba pháp này thời không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Còn này Mahànàma theo như Hiền giả biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bao nhiêu pháp… giác ngộ?”

9) Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với họ Thích Godhàa

“– Này Godhà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp… giác ngộ. Thế nào là bốn? Ở đây, này Godhà, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: ‘Ðây là là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Này Godhà, theo như tôi biết, một người là bậc Dự lưu thành tựu bốn pháp… giác ngộ”.

Ðược nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, họ Thích Godhà, nói với con:

“– Hãy chờ một lát, này Mahànàma, hãy chờ một lát, này Mahanàma. Thế Tôn sẽ biết rõ việc này, là thành tựu hay không thành tựu những pháp này”.

10) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu nói vấn đề pháp sự khởi lên (dhamma samuppàda), và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo. Bên nào là Thế Tôn, bên ấy con theo. Vì bạch Thế Tôn, đó là tịnh tín của con. Mong Thế Tôn chấp nhận.

11) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo và chúng Tỷ-kheo-ni. Bên nào là Thế Tôn, bên ấy con theo. Vì bạch Thế Tôn… Mong Thế Tôn chấp nhận.

12) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni và nam cư sĩ. Bên nào là Thế Tôn… Mong Thế Tôn chấp nhận.

13) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni, và nữ cư sĩ. Bên nào là Thế Tôn… Mong Thế Tôn chấp nhận.

14) Ở đây, bạch Thế Tôn, nếu có vấn đề pháp sự khởi lên, và một bên là Thế Tôn, một bên là chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, chúng Thiên giới, chúng Ma giới, chúng Phạm thiên giới, quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Bên nào là Thế Tôn, bên ấy con theo. Vì bạch Thế Tôn, đó là tịnh tín của con. Mong Thế Tôn chấp nhận.

15) — Họ Thích Mahànàma đã nói như vậy, này Godhà, Ông có nói gì không?

— Họ Thích Mahànàma đã nói như vậy, con không có nói gì trừ lời nói “Thiện”, trừ lời nói “Tốt”.

24. IV. Sarakàni, hay Saranàni (1) (S.v,375)

1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.

2) Lúc bấy giờ, họ Thích Sarakàni mệnh chung và được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chứng quả giác ngộ.

3) Tại đấy, một số đông họ Thích tụ họp lại với nhau, chỉ trích, phê bình, bàn tán: “Thật là lạ lùng ! Thật là hy hữu! Ngày nay ai cũng có thể thành bậc Dự lưu, vì rằng họ Thích Sarakàni đã mệnh chung, được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Họ Thích Sarakàni đã phạm giới và uống rượu”.

4) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

5) — Ở đây, bạch Thế Tôn, họ Thích Sarakàni đã mệnh chung và được Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu… chứng quả giác ngộ. Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông họ Thích khi tụ tập lại với nhau, chỉ trích, phê bình, bàn tán: “Thật là lạ lùng! Thật là hy hữu!… Họ Thích Sarakàni đã phạm giới và uống rượu”

— Này Mahànàma, một cư sĩ lâu ngày qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng làm sao có thể đi đến đọa xứ được?

6) Này Mahànàma, nếu nói một cách chơn chánh: Người cư sĩ nào đã lâu ngày qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nói một cách chơn chánh phải nói là họ Thích Sarakàni. Này Mahànàma, họ Thích Sarakàni đã lâu ngày quy y Phật, quy y Pháp, qui y Tăng, làm sao có thể đi đến đọa xứ?

7) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng, có trí tuệ hoan hỷ (hàsapanna), có trí tuệ tốc hành và thành tựu giải thoát. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

8) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật. “Ðây là là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… có trí tuệ hoan hỷ, có trí tuệ tốc hành nhưng không thành tựu giải thoát. Vị ấy do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

9) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu lòng tịnh tin đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Vị ấy sau khi đoạn diệt ba kiết sử, sau khi làm cho muội lược tham, sân, thành bậc Nhất lai, chỉ trở lui đời này một lần nữa, đoạn tận khổ đau. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

10) Ở đây, này Mahànàma, có người thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật… đối với Pháp… đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Vị ấy sau khi đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

11) Ở đây, này Mahànàma, có người không có lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật… đối với Pháp… đối với Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành… không thành tựu giải thoát. Nhưng vị ấy có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn và những pháp này do Như Lai tuyên bố được thiểu phần kham nhẫn quán sát với trí tuệ. Người này, này Mahànàma, không đi đến địa ngục, không đi đến loài bàng sanh, không đi đến cõi ngạ quỷ, không đi đến ác sanh, ác thú, đọa xứ.

12) Ở đây, này Mahànàma, có người không thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, đối với pháp, đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Nhưng vị ấy có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, chỉ có lòng tin, chỉ có lòng ái mộ ở Như Lai. Người này, này Mahànama, không có đi đến địa ngục, không có đi đến loài bàng sanh, không có đi đến cõi ngạ quỷ, không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

13) Nếu những cây ta-la lớn này, này Mahànàma, biết những gì là thiện thuyết, ác thuyết, thời Ta cũng sẽ tuyên bố những cây ấy là những bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ, huống nữa là họ Thích Sarakàni. Này Mahàanàma, họ Thích Sarakàni, sau khi mệnh chung, đã chấp nhận học giới.

25.V. Sarakàni hay Saranàri (2) (S.v,378)

1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.

2-7) … (giống như đoạn số 2-7 kinh trên) …

8) — Nhưng ở đây, này Mahànàma, có người có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp, đối với chúng Tăng, có trí tuệ hoan hỷ, có trí tuệ tốc hành, thành tựu giải thoát. Vị này sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn, chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, chứng được Vô hành Niết-bàn, chứng được Hữu hành Niết-bàn, chứng được Thượng lưu, sanh ở Sắc cứu cánh thiên. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục… được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

9) Ở đây, này Mahànàma, có người có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… đối với Pháp… đối với chúng Tăng, không có trí huệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không có thành tựu giải thoát. Vị này sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, thành bậc Nhất Lai, chỉ một lần trở lui cõi đời này. Này Mahànàma, người này được giải thoát khỏi địa ngục… được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

10) Ở đây, này Mahànàma, có người có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: “Ðây là là bậc Ứng Cúng, …”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không có thành tựu giải thoát. Vị này sau khi đoạn diệt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Người này, này Mahànàma, được giải thoát khỏi địa ngục… được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

11) Ở đây, này Mahànàma, có người không có lòng nhứt hướng sùng tín đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Thế Tôn..”…. đối với Pháp, đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không có thành tựu giải thoát, nhưng có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Và những pháp do Như Lai tuyên bố được thiểu phần kham nhẫn, quán sát với trí tuệ. Người này, này Mahànàma, không có địa ngục… không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

12) Ở đây, này Mahànàma, có người không có lòng nhứt hướng sùng tín đối với đức Phật… đối với Pháp, đối với Tăng, không có thành tựu giải thoát, nhưng có những pháp này: Tín căn, tấn căn, tuệ căn, chỉ có lòng tin, lòng ái mộ đối với Như Lai. Người này, này Mahànàma, không có đi đến địa ngục… không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

13) Ví như, này Mahànàma, có đám ruộng xấu, đám đất xấu, các gốc cây chưa được phá hủy, các hột giống bị bể nát, bị hư thối, bị gió nắng làm cho hư hại, không thể nẩy mầm, không khéo cấy trồng, và trời không mưa lớn thích hợp; thời các hột giống ấy có thể lớn, tăng trưởng, lớn mạnh không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này Mahànàma, ở đây, pháp giảng kém, trình bày kém, không đưa đến xuất ly, không đưa đến an tịnh, không được một vị Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng. Ta nói rằng pháp này như ở đám ruộng xấu. Vị đệ tử ấy sống trong pháp ấy, thực hiện pháp và tùy pháp, chơn chánh thực hành, hành trì đúng pháp. Như vậy, Ta nói rằng, người này giống như hột giống xấu.

14) Ví như, này Mahànàma, một đám ruộng tốt, đất tốt, các gốc khéo phá hủy, các hột giống không bị bể nát, không bị hư thối, gió nắng không làm hư hại, có thể nẩy mầm, khéo cấy, khéo trồng và trời mưa lớn thích hợp. Như vậy, các hột giống ấy có lớn lên, có tăng trưởng, có lớn mạnh không?

— Thưa có, bạch Thế Tôn.

— Cũng vậy, này Mahànàma, ở đây, pháp được khéo giảng, khéo trình bày, đưa đến xuất ly, đưa đến an tịnh, được bậc Chánh Ðẳng Giác thuyết giảng, Ta nói pháp này như đám ruộng tốt. Vị đệ tử sống trong pháp ấy, thực hành theo pháp và tùy pháp, chơn chánh thực hành, hành trì đúng pháp. Như vậy, Ta nói rằng người này như hột giống tốt, huống nữa là họ Thích Sarakàni. Này Mahànàma, họ Thích Sarakàni, khi mạng chung, đã làm viên mãn học giới.

26.VI. Ác Giới, hay Anàthapindika (1) (S.v,380)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, gia chủ Anàthapindika đang bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi gia chủ Anàthapindika bảo một người:

— Hãy đến, này Bạn. Hãy đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sàriputta và thưa: “Gia chủ Anàthapindika, thưa Tôn giả, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sàriputta”; và thưa: “Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Sàriputta đi đến trú xứ của gia chủ Anàthapindika vì lòng từ mẫn!”

— Thưa vâng, Gia chủ.

Người ấy, vâng đáp gia chủ Anàthapindika, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.

4) Ngồi một bên, người ấy thưa với Tôn giả Sàriputta:

— Gia chủ Anàthapindika, thưa Tôn giả, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sàriputta, gia chủ thưa: “Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Sàriputta đi đến trú xứ của gia chủ Anàthapindika vì lòng từ mẫn!”

Tôn giả Sàriputta im lặng nhận lời.

5) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát với Tôn giả Ananda là Sa-môn tùy tùng, đi đến trú xứ của gia chủ Anàthapindika; sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Anàthapindika:

— Này Gia chủ, Gia chủ có kham nhẫn nổi không? Gia chủ có chịu đựng nổi không? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không có tăng trưởng?

— Thưa Tôn giả, con không thể kham nhẫn. Con không thể chịu đựng. Kịch liệt là khổ thọ nơi con. Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có dấu hiệu chúng tăng trưởng, không giảm thiểu.

6) — Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu lòng bất tín đối với Phật, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có lòng bất tín đối với Phật. Trái lại, Gia chủ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Nếu Gia chủ tự thấy lòng tịnh tín bất động của Gia chủ đối với đức Phật, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.

7) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu lòng bất tín đối với Pháp, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có lòng bất tín đối với Pháp. Trái lại, Gia chủ thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết… tự mình giác hiểu”. Nếu Gia chủ tự mình thấy lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.

8) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu lòng bất tín đối với chúng Tăng, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào ác sanh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có lòng bất tín như vậy đối với chúng Tăng. Trái lại, Gia chủ thành tựu tịnh tín đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn… là phước điền vô thượng ở đời”. Nếu Gia chủ tự mình thấy lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.

9) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu ác giới, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào… địa ngục. Nhưng Gia chủ không có ác giới như vậy. Trái lại, Gia chủ có giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Nếu Gia chủ tự thấy các giới được các bậc Thánh ái kính ấy, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.

10) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu tà kiến như vậy, nên sau khi thân hoại… địa ngục. Nhưng Gia chủ không có tà kiến như vậy. Trái lại, Gia chủ có chánh kiến. Nếu Gia chủ tự mình thấy chánh kiến của Gia chủ, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.

11-19) Vì rằng kẻ vô văn phàm phu, này Gia chủ, thành tựu tà tư duy… tà ngữ… tà nghiệp… tà mạng… tà tinh tấn… tà niệm… tà định… tà trí… tà giải thoát như vậy, nên sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nhưng Gia chủ không có từ tư duy… tà ngữ… tà nghiệp… tà mạng… tà tinh tấn… tà niệm… tà định… tà trí… tà giải thoát như vậy. Trái lại, Gia chủ có chánh tư duy… chánh ngữ… chánh nghiệp… chánh mạng… chánh tinh tấn… chánh niệm… chánh định… chánh trí… chánh giải thoát. Nếu Gia chủ tự mình thấy chánh tư duy… chánh ngữ… chánh nghiệp… chánh mạng… chánh tinh tấn… chánh niệm… chánh định… chánh trí… chánh giải thoát của Gia chủ, thời lập tức các cảm thọ của Gia chủ được an tịnh.

20) Rồi các cảm thọ của gia chủ Anàthapindika lập tức được an tịnh.

21) Rồi gia chủ Anàthapindika mời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Ananda dùng bữa ăn (từ nơi nồi nấu cơm của mình).

22) Sau khi Tôn giả Sàriputta ăn xong, tay đã rời khỏi bát, gia chủ Anàthapindika đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, lấy một ghế thấp và ngồi xuống một bên.

23) Tôn giả Sàriputta tán thán gia chủ Anàthapindika với những lời kệ này:

Ai tin tưởng Như Lai,
Bất động khéo an lập.
Ai có giới thiện lành,
Ðược bậc Thánh ái kính.
Ai tin tưởng chúng Tăng,
Sở kiến được chánh trực,
Người ấy gọi “Không nghèo”,
Ðời sống không uổng phí.
Do vậy, bậc Hiền minh
Cần tu tập tín giới,
Thấy rõ được Chánh pháp,
Không quên lời Phật dạy.

24) Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi nói lời hoan hỷ tán thán với các lời kệ này, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

25) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Aananda đang ngồi một bên:

26) — Này Ananda, Ông đi đâu để nghỉ trưa?

— Bạch Thế Tôn, gia chủ Anàthapindika đã được Tôn giả Sàriputta giáo giới với lời giáo giới như thế này, thế này…

— Hiền minh, này Ananda, là Sàriputta ! Ðại tuệ, này Ananda, là Sàriputta ! Vị ấy có thể chia chẻ bốn Dự lưu phần thành mười tướng.

27.VII. Ác Giới, hay Anàthapindika (2) (S.v,385)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, gia chủ Anàthapindika bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3-5) … (giống như kinh trước, chỉ khác, đây là Tôn giả Ananda chứ không phải Tôn giả Sàriputta, và Tôn giả Ananda đi chỉ có một mình, cho đến… có dấu hiệu tăng trưởng, không có giảm thiểu).

6) — Này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu bốn pháp nên run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Thế nào là bốn?

7) Ở đây, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu lòng bất tín đối với Phật. Khi vị ấy tự thấy lòng bất tín của mình đối với Phật, vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu lòng bất tín đối với Pháp. Khi vị ấy tự thấy lòng bất tín của mình đối với Pháp; vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu lòng bất tín đối với chúng Tăng. Khi vị ấy tự thấy lòng bất tín của mình đối với chúng Tăng; vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu thành tựu ác giới. Khi vị ấy tự thấy sự thành tựu ác giới của mình; vị ấy run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau. Do thành tựu bốn pháp này, này Gia chủ, kẻ vô văn phàm phu run sợ, hoảng hốt, sợ hãi về cái chết, về đời sau.

8) Do thành tựu bốn pháp, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử không có run sợ, không có hoảng hốt, không có sợ hãi về cái chết, về đời sau. Thế nào là bốn? Ở đây, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”. Khi tự thấy lòng tịnh tín bất động của mình đối với Phật, vị ấy không run sợ, không hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết… chỉ người có trí tự mình giác hiểu”. Khi tự thấy lòng tịnh tín bất động của mình đối với Pháp, vị ấy không run sợ, không hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ… lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là đệ tử của Thế Tôn… là phước điền vô thượng ở đời”… về đời sau. Lại nữa, này Gia chủ, vị Ða văn Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Khi tự thấy sự thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính của mình, vị ấy không run sợ, không hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau. Thành tựu bốn pháp này, này Gia chủ, bậc Ða văn Thánh đệ tử không có run sợ, không có hoảng hốt, không sợ hãi về cái chết, về đời sau.

9) — Thưa Tôn giả Ananda, con không sợ hãi. Sao con có thể sợ hãi? Con đã thành tựu lòng tịnh tín đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… thưa Tôn giả, phàm có những học giới hòa kính (sàmici) tại gia do Thế Tôn thuyết giảng, con thấy không có tự mình vi phạm một giới nào.

10) — Lợi đắc thay cho Gia chủ, này Gia chủ! Khéo lợi đắc thay cho Gia chủ, này Gia chủ ! Gia chủ đã tuyên bố về Dự lưu quả rồi.

28.VIII. Hận Thù, hay Anàthapindika (3) (S.v,387)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

3) — Khi nào vị Thánh đệ tử, này Gia chủ, làm cho tịnh chỉ năm sự sợ hãi, hận thù (pancabhayàni), thành tựu bốn Dự lưu phần, và nhờ trí tuệ, Thánh lý (nàya) được khéo thấy, được khéo thông đạt, nếu vị ấy muốn, sẽ tự mình tuyên bố về mình như sau: “Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận các loài bàng sanh; ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ; ta là bậc Dự lưu, không còn thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”. Thế nào là năm sự sợ hãi, hận thù được tịnh chỉ?

4) Sự sợ hãi, hận thù, này Gia chủ, ngay trong hiện tại khởi lên cho người sát sanh; do duyên sát sanh, sự sợ, hãi, hận thù khởi lên ở đời sau, sự khổ ưu do tâm người ấy cảm thọ. Với người từ bỏ sát sanh, thời sự sợ hãi, hận thù như vậy được tịnh chỉ.

… khởi lên cho người lấy của không cho…

… khởi lên cho người tà hạnh trong các dục…

… khởi lên cho người nói láo…

Sự sợ hãi, hận thù, này Gia chủ, ngay trong hiện tại khởi lên cho người say đắm rượu men, rượu nấu; do duyên say đắm rượu men, rượu nấu, sự sợ hãi, hận thù khởi lên ở đời sau, khổ ưu do tâm người ấy cảm thọ. Với người từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu, thời sự sợ hãi, hận thù như vậy được tịnh chỉ.

Năm sự sợ hãi, hận thù này được tịnh chỉ.

5) Với bốn Dự lưu phần nào, vị ấy được thành tựu?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn..”. đối với Pháp… đối với chúng Tăng… vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

Bốn Dự lưu phần này được thành tựu.

6) Thánh lý nào được vị ấy khéo thấy với trí tuệ, khéo thông đạt?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử khéo như lý tác ý lý duyên khởi: Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn, nên hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt… nên lão tử diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này vậy.

Ðây là Thánh lý, với trí tuệ, được khéo thấy, khéo thông đạt.

7) Khi nào vị Thánh đệ tử, này Gia chủ, được tịnh chỉ năm sự sợ hãi, hận thù này, được thành tựu bốn Dự lưu phần này, và Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, khéo thông đạt thời nếu muốn, vị ấy có thể tự mình tuyên bố về mình như sau: “Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận loài bàng sanh; ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ; ta đã đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”.

29.IX. Sợ Hãi, hay Vị Tỷ-Kheo (S.v,389)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) … (như kinh trên 28, chỉ khác, đây là một số đông Tỷ-kheo đến đức Phật và đức Phật thuyết cho các vị ấy) …

30.X. Lichavi, hay Nandaka (S.v,389)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, chỗ ngôi nhà có nóc nhọn.

2) Rồi đại thần người Licchavi tên là Nandaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Nandaka, vị đại thần người Licchavi đang ngồi một bên:

— Này Nandaka, thành tựu bốn pháp, một vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu… chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này Nandaka, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh… đưa đến Thiền định. Thành tựu bốn pháp này, này Nandaka, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

4) Thành tựu bốn pháp này, này Nadaka, vị Thánh đệ tử liên hệ đến tuổi thọ chư Thiên và loài Người, liên hệ đến dung sắc, liên hệ đến an lạc, liên hệ đến thanh danh, liên hệ đến lực tăng thượng (adhipateyya) chư Thiên và loài Người.

5) Ðiểm này, này Nandaka, Ta biết chứ không phải nhờ nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào rồi Ta tuyên bố. Chính do tự Ta biết, tự Ta thấy, tự Ta ý thức rồi Ta tuyên bố.

6) Khi được nghe nói vậy, một người thưa với Nandaka, vị đại thần người Licchavi:

— Thưa Ðại quan, nay đã đến giờ tắm.

— Thôi, nay đã vừa rồi, này Bạn, đó chỉ là sự tắm rửa bề ngoài. Tắm rửa bên trong này là vừa đủ cho ta, tức là lòng tịnh tín đối với Thế Tôn.


IV. Phẩm Phước Ðức Sung Mãn

31. I. Sung Mãn (1) (S.v,391)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng…Phật, Thế Tôn”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất.

4) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết… chỉ người có trí tự mình giác hiểu”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ hai.

5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn… là phước điền vô thượng ở đời”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ ba.

6) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

32. II. Sung Mãn (2) (S.v,391)

1-5) … (giống như kinh trên, đoạn 1-5) …

6) — Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

33. III. Sung Mãn (3) (S.v,392)

2-5) … (giống như kinh 31, đoạn 2-5) …

6) — Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

34. IV. Con Ðường Của Chư Thiên (1) (S.v,392)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Có bốn thiên đạo này của chư Thiên, này các Tỷ-kheo, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín đối với đức Phật… Ðây là thiên đạo thứ nhất của chư Thiên, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch.

4-6) … (như trên đối với Pháp, với chúng Tăng, với các giới) … ” Ðây là thiên đạo thứ tư của chư Thiên, khiến chúng… được thuần bạch.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn thiên đạo của chư Thiên, khiến chúng sanh… được thuần bạch.

35. V. Con Ðường Của Chư Thiên (2) (S.v,393)

1) …

2) — Có bốn thiên đạo của chư Thiên này, này các Tỷ-kheo, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”. Vị ấy suy tư như sau: “Thế nào là thiên đạo của chư Thiên? Nói rằng không sân hận là tối thượng. Ta không làm hại một ai, các chúng sanh di động hay các chúng sanh không di động. Thật vậy, ta sống thành tựu pháp của thiên đạo”. Ðây là thiên đạo thứ nhất của chư Thiên khiến các loài chúng sanh… được thuần bạch.

4-5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp… đối với chúng Tăng…

6) … thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị ấy suy tư như sau: “Thế nào là thiên đạo của chư Thiên?”. Vị ấy rõ biết như sau: “Ta nghe các chư Thiên nói rằng không sân hận là tối thượng. Ta không làm hại một ai, các chúng sanh di động hay các chúng sanh không di động. Thật vậy, ta sống thành tựu pháp của thiên đạo”. Ðây là thiên đạo thứ tư của chư Thiên, khiến các chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến các chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch.

7) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn thiên đạo của chư Thiên, khiến chúng sanh… được thuần bạch.

36. VI. Ði Ðến Bạn Bè (S.v,394)

1) …

2) — Chư Thiên, này các Tỷ-kheo, hoan hỷ nói chuyện bạn bè với ai thành tựu bốn pháp. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Chư Thiên nào thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, sau khi mệnh chung ở chỗ này, được sanh ở đây. Chư Thiên ấy suy nghĩ: “Như chúng ta thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, mệnh chung chỗ kia, được sanh chỗ này”. Vị Thánh đệ tử cũng thành tựu lòng tịnh tín bất động như vậy. Họ nói với vị ấy: “Hãy đến đây, đến gần chư Thiên”.

4-5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử… đối với Pháp… đối với chúng Tăng…

6) Vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Chư Thiên nào thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, sau khi mệnh chung ở chỗ này, được tái sanh chỗ kia. Họ suy nghĩ như sau: “Chúng ta thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính. Do vậy, chúng ta mệnh chung tại chỗ kia, sanh tại chỗ này”. Vị Thánh đệ tử cũng thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính như vậy. Họ nói với vị ấy: “Hãy đến đây, đến gần với chư Thiên”.

7) Những ai thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, chư Thiên hoan hỷ nói chuyện bạn bè với họ.

37. VII. Mahànàma (S.v,395)

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn cây bàng.

2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến… ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

3) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ?

— Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ.

4) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ giới?

— Này Mahànàma, người cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ giới.

5) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ tín?

— Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ tín.

6) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn là người cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?

— Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích chú chia xẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ bố thí.

7) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ?

— Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ.

38. VIII. Mưa (S.v,396)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, khi trên đầu núi có cơn mưa to lớn, nước mưa ấy chảy theo hướng xuôi của nó, tràn đầy các hang núi, khe núi; sau khi tràn đầy các hang núi, khe núi, nó tràn đầy hồ nhỏ; sau khi tràn đầy hồ nhỏ, nó tràn đầy hồ lớn; sau khi tràn đầy hồ lớn, nó tràn đầy sông nhỏ; sau khi tràn đầy sông nhỏ, nó tràn đây sông lớn; sau khi tràn đầy sông lớn, nó tràn đầy biển, đại dương.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị Thánh đệ tử, lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, và các giới được các bậc Thánh ái kính; những pháp này trôi chảy đến bờ bên kia, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc.

39. IX. Kàli (S.v,398)

1) Lúc bấy giờ Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Cây Bàng.

2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến nhà của Thích nữ Kàligodhà; sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.

3) Rồi Thích nữ Kàligodhà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Thích nữ Kàligodhà đang ngồi một bên:

— Thành tựu bốn pháp, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Vị này trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Này Godhà, thành tựu bốn pháp này, một nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

5) — Bốn Dự lưu phần được Thế Tôn thuyết giảng này, bạch Thế Tôn, chúng đều có trong con. Con thực hiện những pháp này. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Như Lai… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Phàm những vật gì được đem bố thí trong gia đình, tất cả đều được phân phát cho những người có giới và những người làm thiện.

6) — Lợi đắc thay cho Người, này Godhà! Thật khéo lợi đắc thay cho Người, này Godhà! Này Godhà, Người đã tuyên bố về Dự lưu quả.

40) X. Nandiyà (S.v,397)

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn Cây Bàng.

2) Rồi họ Thích Nandiyà đi đến Thế Tôn; sau khi đến… ngồi xuống một bên, họ Thích Nandiyà bạch Thế Tôn:

3) — Với vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, có thể được gọi là trú phóng dật không?

— Này Nandiyà, với ai toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; người ấy, Ta tuyên bố là người đứng ngoài, trong hàng ngũ kẻ phàm phu.

4) Tuy vậy, này Nandiyà, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào một Thánh đệ tử trú phóng dật và trú không phóng dật. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Họ Thích Nandiyà vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

5) — Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú phóng dật?

Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Vị ấy thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống phóng dật như vậy, nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị này thỏa mãn với những giới được các bậc Thánh ái kính, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy trú phóng dật như vậy nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không có khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật.

6) Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật?

Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”. Vị này không thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động ấy, cố gắng hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật, nên hân hoan khởi. Do vị ấy hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân khinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử đối với Pháp… đối với chúng Tăng… vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị ấy không thỏa mãn với các giới được các bậc Thánh ái kính, cố gắng tinh tấn hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật như vậy, hân hoan sanh. Vị ấy có hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân kinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Như vậy, này Nandiyà, là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật.


V. Phẩm Phước Ðức Sung Mãn Với Kệ

41. I. Sung Mãn (1) (S.v,399)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp… đối với Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

4) Với vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, này các Tỷ-kheo, thật không dễ đếm được vô lượng phước đức: “Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc”. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật không dễ đếm được số lượng nước trong biển lớn là có bao nhiêu thùng, hay có bao nhiêu trăm thùng, hay có bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, thật không dễ gì đếm được số lượng phước đức: “Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc”. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.

6) Thế Tôn nói như vầy:

Là đại dương, đại hải,
Nước mênh mông rộng lớn,
Ðầy rẫy những hãi hùng,
Chứa vô lượng trân châu,
Phục vụ trăm ngàn người,
Các con sông lớn, nhỏ,
Chúng tuôn chảy ồ ạt,
Chúng đổ về bể khơi.
Cũng vậy là những người,
Thí đồ ăn, uống, vải,
Bố thí giường, chỗ ngồi,
Mền, nệm, các đồ nằm,
Vô lượng nguồn phước đức,
Từ kẻ trí tuôn chảy,
Như sông hồ đầy nước,
Chảy tuôn ra bể cả.

42. II. Sung Mãn (2) (S.v,401)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

4) … (như đoạn số 4, kinh trên) …

5) Ví như, tại chỗ mà các con sông lớn này gặp nhau, nhập vào một dòng với nhau, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Sarabhuu, sông Mahi, thật không dễ gì đếm được số lượng nước tại chỗ ấy là có bao nhiêu thùng, bao nhiêu trăm thùng, bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập… đại uẩn phước đức.

6) Thế Tôn nói như vầy:

… (giống như hai bài kệ kinh trên) …

43. III. Sung Mãn (3) (S.v,401)

1) …

2) … (như đoạn số 2, kinh trên) …

3) … (đoạn đầu giống kinh trên về đối với Phật, Pháp, Tăng… ) có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

4) … (như đoạn số 4, kinh trước) …

5) Thế Tôn thuyết như vầy:

Ai ước muốn phước đức,
Vững trú trên điều thiện,
Tu tập theo con đường,
Ðưa đến đạt bất tử,
Chứng được lõi của pháp,
Thích thú đoạn lậu hoặc,
Vị ấy không run sợ,
Khi nghĩ đến thần chết.

44. IV. Rất Giàu Hay Giàu (1) (S.v,402)

1) …

2) — Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn. Thế nào là bốn?

3) … (như các kinh trước, nói về tịnh tín bất động đối với ba ngôi báu và các giới) …

4) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn.

45. V. Rất Giàu Hay Giàu (2) (S.v,402)

… (giống như kinh trước) …

46. VI. Tỷ-Kheo Hay Thanh Tịnh (S.v,403)

1) …

2) — Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

3) … (như các kinh trước, nói về tịnh tín đối với ba ngôi báu và các giới) …

4) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

47. VII. Nandiya (S.v,403)

1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.

2) Thế Tôn nói với họ Thích Nandiya đang ngồi một bên: “Thành tựu bốn pháp này, này Nandiya, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu… giác ngộ. Thế nào là bốn?”.

3) … (thành tựu tịnh tín đối với Ba Ngôi Báu và các giới) …

4) … (như đoạn số 4, kinh trước) …

48. VIII. Bhaddiya (S.v,403)

… (như kinh trước, chỉ khác, đây là họ Thích Bhaddiya ) …

49. IX. Mahànàma (S.v,404)

… (như kinh trước, chỉ khác, đây là họ Thích Mahànàma ) …

50. X. Phần (S.v,404)

1) …

2) — Có bốn Dự lưu phần này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?

3) Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp và tùy pháp.

4) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn Dự lưu phần.


VI. Phẩm Với Trí Tuệ

51. I. Với Bài Kệ (S,v,404)

1) …

2) — Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

3) … (Như các kinh trước, tịnh tín Ba Ngôi báu và thành tựu các giới) … Này các Tỷ-kheo, thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu… giác ngộ.

4) Thế Tôn nói như vậy…

Với ai tin Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Với ai giới thiện lành,
Bậc Thánh kính, tán thán.
Với ai tịnh tín Tăng,
Với tri kiến chánh trực,
Ðược nói: không phải nghèo,
Sống vậy không vô ích.
Do vậy, bậc Hiền minh,
Cần tu tập tín giới,
Thấy rõ được Chánh pháp,
Không quên lời Phật dạy.

52. II. An Cư Mùa Mưa (S.v,405)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo, sau khi an cư mùa mưa ở Sàvatthi xong, đi đến Kapilavatthu vì một vài công việc.

3) Các họ Thích ở Kapilavatthu được nghe một Tỷ-kheo, sau khi an cư mùa mưa xong ở Sàvatthi, đã đến Kapilavatthu.

4) Rồi các họ Thích ở Kapilavatthu đi đến Tỷ-kheo ấy; sau khi đến, đảnh lễ Tỷ-kheo ấy rồi ngồi xuống một bên. Các họ Thích ở Kapilavatthu thưa với Tỷ-kheo ấy:

5) — Thưa Tôn giả, Thế Tôn có sức khỏe không, có khỏe mạnh không?

— Này chư Hiền, Thế Tôn có sức khỏe, có khỏe mạnh.

— Thưa Tôn giả, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggallàna có sức khỏe không, có khỏe mạnh không?

— Này chư Hiền, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Moggalàna có sức khỏe, có khỏe mạnh.

— Thưa Tôn giả, chúng Tỷ-kheo có sức khỏe không, có khỏe mạnh không?

— Này chư Hiền, chúng Tỷ-kheo có sức khỏe, có khỏe mạnh.

6) — Thưa Tôn giả, trong dịp an cư này, Tôn giả có tự thân nghe, tự thân lãnh thọ gì từ Thế Tôn?

— Này chư Hiền, tôi có tự thân nghe, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn như sau: “Thật là ít, này các Tỷ-kheo, là các Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và nhiều hơn là các Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lại đời này nữa”.

7) Lại nữa, này chư Hiền, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn như sau: “Thật là ít, này các Tỷ-kheo, là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ đấy nhập Niết-bàn, không còn trở lại đời này nữa. Và nhiều hơn là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, chỉ một lần trở lui đời này nữa để chấm dứt khổ đau”.

8) Lại nữa, này chư Hiền, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn như sau: “Thật là ít, này các Tỷ-kheo, là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, thành bậc Nhất lai, chỉ một lần trở lui đời này nữa để chấm dứt khổ đau. Và nhiều hơn là những Tỷ-kheo, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”.

53. III. Dhammadinna (S.v,406)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, ở vườn nai.

2) Rồi cư sĩ Dhammadinna với năm trăm cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Dhammadinna bạch Thế Tôn:

3) — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho chúng con. Thế Tôn hãy giáo giới cho chúng con! Nhờ vậy chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

— Nếu vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, nghĩa lý thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

4) — Bạch Thế Tôn, thật không dễ gì cho chúng con, phải sống trong những ngôi nhà đầy những trẻ con, sử dụng hương chiên-đàn từ Kàsi, đeo các vòng hoa, hương và phấn sáp, thọ dụng vàng và bạc, đối với các kinh điển do Thế Tôn thuyết giảng thâm sâu, với ý nghĩa thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, có thể thường thường tìm đến những kinh điển ấy và học hỏi. Bạch Thế Tôn, chúng con là những người an trú trên năm học pháp, Thế Tôn hãy giảng cho chúng con các pháp khác!

5) — Do vậy, này Dhammadinna, các Ông hãy học tập như sau: “Chúng ta sẽ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn” … đối với Pháp… đối với chúng Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

— Bạch Thế Tôn, bốn Dự lưu phần này được Thế Tôn thuyết giảng, các pháp ấy có mặt ở nơi chúng con. Chúng con thực hiện các pháp ấy.

6) Bạch Thế Tôn, chúng con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp…. đối với chúng Tăng… chúng con thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

7) — Lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Này Dhammadinna, Ông đã tuyên bố về Dự lưu quả.

54. IV. Bị Bệnh (S.v,408)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng họ Thích, tại Kapilavatthu, khu vườn các cây bàng.

2) Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành.

3) Họ Thích Mahànàma được nghe: “Nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: “Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành””. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

4) — Bạch Thế Tôn, con được nghe nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: “Sau khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi du hành”. Chúng con chưa được tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn điều này. Bạch Thế Tôn, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được một cư sĩ có trí giáo giới như thế nào?

5) — Này Mahànàma, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được an ủi với bốn pháp an ủi như sau (assàsaniya dhamma): Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với Pháp… Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của của Tôn giả đối với chúng Tăng… Tôn giả hãy yên tâm, với các giới của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

6) Một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, này Mahànàma, phải được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp an ủi này. Cần phải nói như vậy.

7) Tôn giả ấy có lòng thương nhớ cha mẹ. Nếu vị ấy nói: “Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ”, thời nên nói với vị ấy như sau: “Thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả”.

8) Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với cha mẹ, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con hay không?” Nếu vị ấy nói: “Tôi có lòng thương nhớ vợ con”, thời vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả thế nào cũng chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ con của Tôn giả”.

9) Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với vợ con, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả có lòng thương tiếc năm dục công đức của loài Người không?” Nếu vị ấy nói như sau: “Tôi có lòng thương nhớ năm dục công đức của loài Người”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Các Thiên dục đối với nhân dục, còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn. Vậy tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi các nhân dục, và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương thiên”.

10) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ nhân dục và hướng đến Tứ đại thiên vương thiên”, vị ấy cần được nói như sau: “Chư Thiên ở cõi Ba mươi ba còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn Tứ đại thiên vương thiên. Tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Tứ đại thiên vương thiên và hướng tâm đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba”.

11-16) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ Tứ đại thiên vương thiên và hướng đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba”, vị ấy cần được nói như sau: “Chư Thiên Yamà, chư Thiên Tusità, chư Thiên Hóa lạc thiên, chư Thiên Tha hóa tự tại thiên còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba”.

17) … “Chư Thiên ở Phạm thế còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở Tha hóa tự tại thiên. Tốt hơn Tôn giả từ bỏ tâm khỏi chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm đến Phạm thế, Phạm thiên giới”.

18) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm về chư Thiên ở Phạm thế”, thời vị ấy cần phải được nói như sau: “Này Tôn giả, Phạm thiên giới là vô thường, không thường hằng, bị thân kiến giới hạn. Tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Phạm thế và hướng tâm đến đoạn diệt thân kiến (Sakkàya)”.

19) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ Phạm thế và hướng đến đoạn diệt thân kiến”; vị cư sĩ nói như vậy, này Mahànàama, và với Tỷ-kheo có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, Ta nói rằng không có gì sai biệt, tức là về phương diện giải thoát.

55. V. Bốn Quả (1) (S.v,410)

1) …

2) Có bốn pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến chứng ngộ quả Dự lưu. Thế nào là bốn?

3) Thân cận với bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hiện pháp và tùy pháp.

4) Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả Dự lưu.

56. VI. Bốn Quả (2) (S.v,411)

2) … (như kinh trên, chỉ khác, đây đưa đến chứng ngộ quả Nhất lai ).

57. VII. Bốn Quả (3) (S.v,411)

3) … (như kinh trên, chỉ khác, đây đưa đến quả Nhất lai )

58. VIII. Bốn Quả (4) (S.v,411)

4) … (như kinh trên, chỉ khác, đây đưa đến quả A-la-hán)

59. IX. Lợi Ðắc (S.v,411)

2) … đưa đến lợi đắc trí tuệ…

60. X. Tăng Trưởng (S.v,411)

2) … đưa đến tăng trưởng trí tuệ…

61. XI. Quảng Ðại (S.v,411)

2) … đưa đến quảng đại trí tuệ…


VII. Phẩm Ðại Trí Tuệ

62. I. Ðại (S.v,412)

4) … đưa đến đại trí tuệ…

63. II. Quảng Ðại (Puthu)(S.v,412)

4) … đưa đến quảng đại trí tuệ…

64. III. Tăng Trưởng(Vipula) (S.v,412)

4) … đưa đến tăng trưởng trí tuệ…

65. IV. Thâm Sâu (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ thâm sâu…

66. V. Không Có Ngang Bằng (Asamatta) (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ không có ngang bằng…

67. VI. Sung Mãn (Bhuuri) (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ sung mãn…

68. VII. Nhiều (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ sung túc…

69. VIII. Nhanh Lẹ (Sìgha) (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ nhanh nhẹn…

70. IX. Khinh An (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ khinh an…

71. X. Hoan Hỷ (Hàsa) (S.v,412)

4) … đưa đến trí tuệ hoan hỷ…

72. XI. Tốc Hành (S.v,413)

4) … đưa đến trí tuệ tốc hành…

73. XII. Sắc Bén (S.v,413)

4) … đưa đến trí tuệ sắc bén…

74. XIII. Thể Nhập (Nibbedhika) (S.v,413)

4) … đưa đến trí tuệ thể nhập. Thế nào là bốn? (như trên) …

[56] Chương XII: Tương Ưng Sự Thật

-ooOoo-

I. Phẩm Ðịnh

1.I. Ðịnh (S.v,414)

1) Ở Sàvatthi…

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết (pajànati). Và như thật rõ biết gì?

3) Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”. Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”. Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”. Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

4) Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”. Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”. Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”. Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

2. II. Thiền Tịnh (Patisallàna) (S.v,414)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy chú tâm tu tập Thiền tịnh. Tỷ-kheo tu tập Thiền tịnh, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết. Như thật rõ biết gì?

3) (Như đoạn số 3, kinh trên) …

4) Này các Tỷ-kheo, hãy chú tâm tu tập Thiền tịnh. Tỷ-kheo tu tập Thiền tịnh, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

3. III. Thiện Nam Tử (1) (S.v,415)

1) …

2) — Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy đã làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

3) Những thiện nam tử nào trong thời vị lai, này các Tỷ-kheo, sẽ chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy sẽ làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

4) Những thiện nam tử nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

5) Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình… sẽ chơn chánh xuất gia… tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế này. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… Một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

4. IV. Thiện Nam Tử (2) (S.v,415)

1) …

2) — Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy đã như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

3) … trong thời vị lai… sẽ như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

4) … trong thời hiện tại… như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

5) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, đã như thật chứng ngộ… sẽ như thật chứng ngộ… như thật chứng ngộ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

5. V. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,416)

1) …

2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã như thật chánh đẳng giác, tất cả những vị ấy như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.

3) … trong thời vị lai… sẽ như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.

4) … trong thời hiện tại… như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã như thật chánh đẳng giác… sẽ như thật chánh đẳng giác… như thật chánh đẳng giác; tất cả những vị ấy như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế này. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

6. VI. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,417)

1) …

2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã tuyên bố như thật chánh đẳng giác; tất cả những vị ấy đã tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.

3) … trong thời vị lai… sẽ tuyên bố như thật chánh đẳng giác…; tất cả những vị ấy sẽ tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế.

4) … trong thời hiện tại… tuyên bố như thật chánh đẳng giác…; tất cả những vị ấy tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã tuyên bố như thật chánh đẳng giác… sẽ tuyên bố… tuyên bố như thật chánh đẳng giác, tất cả những vị ấy đã tuyên bố… sẽ tuyên bố… tuyên bố như thật chánh đẳng giác bốn Thánh đế. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

7. VII. Các Tầm (S.v,417)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, chớ có suy tầm các tầm ác, bất thiện, như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Vì sao?

3) Các tầm ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, chúng không phải căn bản cho Phạm hạnh, chúng không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

4) Khi các Ông suy tầm, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tầm: “Ðây là khổ”… hãy suy tầm: “Ðây là Khổ tập”… hãy suy tầm: “Ðây là Khổ diệt”… hãy suy tầm: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Vì sao?

5) Các suy tầm ấy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, chúng là căn bản cho Phạm hạnh, chúng đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

8. VIII. Suy Tư (Cintà) (S.v,418)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, chớ có suy tư ác, bất thiện tầm: “Thế giới là thường hằng”, hay “Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng này, thân thể này là một”, hay “Sinh mạng này, thân thể này là khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Vì sao?

3) … (Như đoạn số 3, kinh trên) …

4) Và có suy tư, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tư: “Ðây là Khổ”… hãy suy tư: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Vì sao?

5) … Các suy tư ấy… (Như đoạn số 5, kinh trên) …

9. IX. Tranh Luận (Viggàhikà) (S.v,419)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau: “Ông không biết Pháp và Luật này. Tôi biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói tôi tương ưng. Lời nói Ông không tương ưng. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được”. Vì sao?

3) Những câu chuyện ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

4) Và này các Tỷ-kheo, nếu có nói, thời hãy nói: “Ðây là Khổ”… hãy nói: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Vì sao?

5) Các lời nói ấy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, làm căn bản cho Phạm hạnh… một cố gắng cần phải làm…

10. X. Lời Nói (S.v,419)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sanh, như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Vì sao?

3) Những câu chuyện này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

4) Có nói chuyện, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy nói chuyện: “Ðây là Khổ”… hãy nói chuyện: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”… Vì sao?

5) Các câu chuyện này, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.


II. Phẩm Chuyển Pháp Luân

11. I. Như Lai Thuyết (1) (S.v,420)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:

— Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

3) Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

4) Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

5) Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

6) Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

7) Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.

8) Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định.

9) Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

10) Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.

11) Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.

12) Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

13) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.

14) Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.

15) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt”.

16) Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời”.

17) Sau khi được nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, Tứ đại Thiên vương thiên lên tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời”.

18) Sau khi được nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba… chư Thiên Yàmà… chư Thiên Tusità… chư Hóa lạc thiên… chư Tha hóa tự tại thiên… chư Thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận… bất cứ một ai ở đời”.

19) Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên.

20) Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: “Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna!”

Như vậy Tôn giả Kondanna được tên là Annàta Kondanna (A-nhã Kiều-trần-như).

12. II. Như Lai Thuyết (2) (S.v,424)

1) …

2) — Thánh đế về Khổ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước đến nay các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Khổ đã được liễu tri này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.

3) Thánh đế về Khổ tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe…. quang sanh. Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.

4) Thánh đế về Khổ diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh.

5) Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe… quang sanh. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập này, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước các Như Lai chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.

13. III. Uẩn (S.v,425)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải được nói là năm thủ uẩn. Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập? Chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt? Chính là sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ diệt.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt? Ðây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

7) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là các Thánh đế. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

14. IV. Xứ (S.v,426)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này… Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải trả lời là sáu nội xứ. Thế nào là sáu? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ.

4-7) … (giống như đoạn số 4-7 của kinh trên).

15. V. Thọ Trì (1) (S.v,426)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, hãy thọ trì bốn Thánh đế Ta đã thuyết giảng cho các Ông.

3) Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, con có thọ trì bốn Thánh đế do Như Lai thuyết giảng.

4) Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ là Thánh đế thứ nhất do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ tập là Thánh đế thứ hai do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ diệt là Thánh đế thứ ba do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, con thọ trì Con Ðường đưa đến Khổ diệt là Thánh đế thứ tư do Thế Tôn thuyết giảng.

Như vậy, bạch Thế Tôn, con thọ trì bốn Thánh đế do Như Lai thuyết giảng.

5) — Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông thọ trì bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Này Tỷ-kheo, Khổ là Thánh đế thứ nhất do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì… Này Tỷ-kheo, Con Ðường đưa đến Khổ diệt là Thánh đế thứ tư do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì.

6) Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì như vậy bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

16. VI. Thọ Trì (2) (S.v,427)

1) …

2-3) … (giống như đoạn số 2-3 của kinh trên)

4) — Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ là Thánh đế thứ nhất do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: “Khổ này được Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ nhất. Tôi bác bỏ Khổ ấy là Thánh đế thứ nhất. Tôi sẽ tuyên bố một Khổ khác là Thánh đế thứ nhất”. Sự kiện như vậy không xảy ra.

5-6) Bạch Thế Tôn, con thọ trì Khổ tập là Thánh đế thứ hai… Khổ diệt là Thánh đế thứ ba…. không xẩy ra.

7) Bạch Thế Tôn, con thọ trì Con Ðường đưa đến Khổ diệt là Thánh đế thứ tư do Thế Tôn thuyết giảng. Bạch Thế Tôn, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: “Con Ðường đưa đến Khổ diệt này, được Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ tư. Tôi bác bỏ Con Ðường đưa đến Khổ diệt ấy là Thánh đế thứ tư. Tôi sẽ tuyên bố một Con Ðường đưa đến Khổ diệt khác là Thánh đế thứ tư”. Sự kiện này không xẩy ra.

8) Bạch Thế Tôn, như vậy con thọ trì bốn Thánh đế do Thế Tôn thuyết giảng.

9) — Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông thọ trì bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Khổ, này Tỷ-kheo, là Thánh đế thứ nhất, do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: “Khổ này do Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ nhất. Tôi bác bỏ Khổ này là Thánh đế thứ nhất. Tôi sẽ tuyên bố một Khổ khác là Thánh đế thứ nhất”. Sự kiện như vậy không xảy ra… “Khổ diệt Thánh đế… Con đường đưa đến khổ diệt”. Này Tỷ-kheo, là Thánh đế thứ tư do Ta thuyết giảng, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: “Con Ðường đưa đến Khổ diệt này do Sa-môn Gotama thuyết giảng không phải là Thánh đế thứ tư. Tôi bác bỏ Con Ðường đưa đến Khổ diệt này là Thánh đế thứ tư. Tôi sẽ tuyên bố một Con Ðường đưa đến Khổ diệt khác là Thánh đế thứ tư”. Sự kiện như vậy không xẩy ra.

10) Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì như vậy bốn Thánh đế do Ta thuyết giảng. Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

17. VII. Vô Minh (S.v,429)

1) …

2) Rồi một Tỷ-kheo… ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Vô minh, vô minh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Và cho đến như thế nào là đi đến vô minh (avijjàgato)?

4) — Này Tỷ-kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là vô minh. Cho đến như vậy là đi đến vô minh.

5) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

18. VIII. Minh (S.v,429)

1) …

2) … (như kinh trên) …

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— “Minh, minh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là minh? Và cho đến như thế nào là đi đến minh?

4) — Này Tỷ-kheo, chính là rõ biết Khổ, rõ biết Khổ tập, rõ biết Khổ diệt, rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là minh. Cho đến như vậy là đi đến minh.

5) Do vậy, này Tỷ-kheo… (như đoạn số 5, kinh trên) …

19. IX. Thi Thiết (Sankàsanà) (S.v,430)

1) …

2) — Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đã được Ta trình bày. Ở đây có vô lượng chữ (vannà), vô lượng văn (vyanjanà), vô lượng thi thiết (sankàsanà). Ðây là Thánh đế về Khổ.

3) … Ðây là Khổ tập…

4) … Ðây là Khổ diệt…

5) Ðây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đã được Ta trình bày. Ở đây có vô lượng chữ, vô lượng văn, vô lượng thi thiết. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

20. X. Như Thật (Tathà) (S.v,430)

1) …

2) Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật (avitathàni), không khác như thật (anannathàni). Thế nào là bốn?

3) Ðây là Khổ, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.

4) Ðây là Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.

5) Ðây là Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.

6) Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đây là như thật, không ly như thật, không khác như thật.

7) Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.


III. Phẩm Kotigàma

21.I. Minh (1) (S.v,431)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa các dân chúng Vajji, tại Kotigàma.

2) Tại đấy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn?

3) Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này.

4) Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ này đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ tập đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt. Ðược chặt đứt là hữu ái, được đoạn tận là những gì đưa đến tái sanh (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.

5) Thế Tôn thuyết giảng như vậy… bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Do không như thật thấy,
Bốn sự thật bậc Thánh,
Phải lâu ngày luân chuyển,
Trải qua nhiều đời sống.
Khi chúng được thấy rõ,
Mầm tái sanh nhổ sạch,
Gốc khổ được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.

22.II. Minh (2) (S.v,432)

1) …

2)– Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”, không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”, không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”, không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, thời này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, Bà-la-môn hạnh.

3) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, thời này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay của Bà-la-môn hạnh.

4) Thế Tôn thuyết giảng như vậy… bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Những ai không rõ biết,
Khổ và Khổ tập khởi,
Không rõ như thế nào,
Khổ đoạn tận không dư,
Không biết Con Ðường ấy
Ðưa đến chỉ tịnh Khổ.
Những vị ấy không có
Tâm và tuệ giải thoát,
Họ không thể chấm dứt,
Phải đi đến sanh già.
Những vị nào rõ biết,
Khổ và Khổ tập khởi,
Và rõ như thế nào,
Khổ đoạn tận không dư,
Rõ biết Con Ðường ấy
Ðưa đến chỉ tịnh khổ.
Tâm giải thoát thành tựu,
Và các tuệ giải thoát,
Họ có thể chấm dứt,
Không đi đến sanh già.

23.III. Chánh Ðẳng Giác (S.v,433)

1-2) Tại Sàvatthi…

— Có bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?

3) Thánh đế về Khổ,… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

4) Này các Tỷ-kheo, do như thật chánh giác bốn Thánh đế này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

24.IV. A-La-Hán (S.v,433)

1) Tại Sàvatthi…

2) — Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy đã như thật chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.

3) Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời vị lai, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy sẽ chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.

4) Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Ðẳng Giác; tất cả những vị ấy hiện đang chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

5) Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời quá khứ như thật đã chánh đẳng chánh giác… sẽ như thật chánh đẳng chánh giác, hiện như thật chánh đẳng chánh giác; tất cả những vị ấy… hiện đang chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

25.V. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (S.v,434)

1) …

2) — Với người biết, với người thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố các lậu hoặc được đoạn tận, không phải với người không biết, với người không thấy. Và do biết gì, do thấy gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận?

3) Do biết, do thấy: “Ðây là Khổ”, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận. Do biết, do thấy: “Ðây là Khổ tập”… “Ðây là Khổ diệt”… Do biết, do thấy: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, các lậu hoặc được đoạn tận.

4) Do biết vậy, do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

26.VI. Thân Hữu (S.v,434)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ cần nghe theo như bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay huyết thống, thì này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ những người ấy, huấn luyện, an trú các người ấy trong sự chứng ngộ như thật bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

3) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

4) Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn… như thật bốn Thánh đế.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

27.VII. Như Thật (S.v,435)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn?

3) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

4) Bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy, chúng được gọi là Thánh đế.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 5 kinh trên) …

28.VIII. Thế Giới (S.v,435)

1) …

2-3) … (Như đoạn số 2-3, kinh trên) …

4) — Này các Tỷ-kheo, trong các thế giới, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, và quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Như Lai là bậc Thánh, do vậy được gọi là Thánh đế.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 5, kinh trên) …

29.IX. Cần Phải Liễu Tri Hay Thắng Tri (S.v,436)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn Thánh đế này. Thế nào là bốn?

3) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

4) Trong bốn Thánh đế này, này các Tỷ-kheo, có Thánh đế cần phải liễu tri, có Thánh đế cần phải đoạn tận, có Thánh đế cần phải chứng ngộ, có Thánh đế cần phải tu tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế cần phải liễu tri?

5) Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, cần phải liễu tri. Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận. Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 5, kinh trên) …

30.X. Gavampati (S.v,436)

1) Một thời, một số đông Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Ceti tại Sahancanika.

2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo Thượng tọa sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong ngôi nhà tròn, câu chuyện sau đây được khởi lên: “Này chư Hiền, ai thấy Khổ, người ấy thấy Khổ tập, thấy Khổ diệt, thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

3) Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Govampati nói với các Tỷ-kheo Thượng tọa:

— “Tôi có tự thân nghe từ Thế Tôn, thưa chư Hiền, tự thân lãnh thọ như sau:

4) “Này các Tỷ-kheo, ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt”.


IV. Phẩm Rừng Simsapà

31.I. Simsapà (S.v,437)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà.

2) Rồi Thế Tôn lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapà, rồi bảo các Tỷ-kheo:

— Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapà mà Ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapà?

— Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapà mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapà.

3) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các Ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra!

4) Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy.

5) Và này các Tỷ-kheo, điều gì mà Ta nói? “Ðây là Khổ”, này các Tỷ-kheo, là điều Ta nói. “Ðây là Khổ tập”, là điều Ta nói. “Ðây là Khổ diệt”, là điều Ta nói. “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, là điều Ta nói.

6) Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

32.II. Cây Keo (Khandira) (S.v,438)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người nói như sau : “Với những lá cây keo, hay lá cây palàsa (một thứ cây có bông màu đỏ thắm mọc trước lá) hay lá cây kha-lê-lặc (àmalaka), tôi sẽ làm giỏ bằng lá để đem nước lại hay làm cái quạt”; sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… không như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

4) Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói như sau: “Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận Khổ đau”; sự kiện này có xảy ra.

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người nói như sau: “Với những lá sen hay lá pasàla hay lá màluva (một loại cây leo), tôi sẽ làm các giỏ bằng lá để đem nước lại hay làm cái quạt”; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: “Sau khi như thật chứng ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… sau khi như thật chứng ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận Khổ đau”; sự kiện này có xảy ra.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

33.III. Cái Gậy (S.v,439)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây gậy được quăng lên hư không, khi thì rơi xuống đầu gốc, khi thì rơi xuống chặng giữa, khi thì rơi xuống đầu ngọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, dong ruổi, luân chuyển, khi thì đi từ thế giới này đến thế giới kia, khi thì đi từ thế giới kia đến thế giới này. Vì sao? Vì rằng không thấy bốn Thánh đế. Này các Tỷ-kheo, bốn Thánh đế ấy là gì?

3) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như số 6, kinh trên) …

34.IV. Khăn Ðầu (S.v,440)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, khi khăn đầu hay đầu bị lửa cháy, thời phải làm gì?

— Bạch Thế Tôn, khi khăn đầu hay đầu bị bị lửa cháy, để dập tắt khăn đầu hay đầu bị lửa cháy cần phải có ước muốn tăng thượng (chanda), tinh tấn (vàyàmo), cố gắng (ussàho), nỗ lực (ussohii), không có thối thất (appativami), chánh niệm và tỉnh giác.

3) — Bỏ qua đầu và khăn bị cháy, này các Tỷ-kheo, không có tác ý để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế, chưa được chứng ngộ, cần phải có ước muốn tăng thượng, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, không thối thất, chánh niệm và tỉnh giác. Thế nào là bốn?

4) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

35.V. Một Trăm Cây Thương (Sattisata) (S.v,440)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người tuổi thọ đến một trăm năm, mạng sống đến một trăm năm. Có người đến nói với người ấy: “Này Ông, vào buổi sáng, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi trưa, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi chiều, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Này Ông, như vậy mỗi ngày Ông bị đâm ba trăm cây thương, với tuổi thọ đến một trăm năm, với mạng sống đến một trăm năm. Sau một trăm năm, Ông sẽ được giác ngộ bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngộ”. Này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử hiểu biết nghĩa lý (atthavasikena) có thể chấp nhận chăng? Vì sao?

3) Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Thế nào là bốn?

4) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

5) … (như đoạn số 5, kinh trên) …

36.VI. Sanh Loại (Pànà) (S.v,431)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người trên cõi Diêm-phù-đề này chặt cỏ, cây, cành, lá và chất thành một đống. Chất thành một đống xong, vị ấy làm thành những cây gậy có vót nhọn (sulàm). Sau khi làm thành những cây có vót nhọn, vị ấy đâm những sanh loại lớn trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn lớn; vị ấy đâm những sanh loại bậc trung trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn bậc trung; vị ấy đâm những sanh loại nhỏ trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn bậc nhỏ. Này các Tỷ-kheo, các sinh loại to lớn trong biển lớn không có thể cạn sạch hết. Dầu rằng tất cả cỏ, cây, cành, lá ở cõi Diêm-phù-đề có thể đem ra dùng hết sạch. Nhưng còn nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, là những sinh loại nhỏ trong biển lớn không dễ gì đâm chúng trên các gậy có vót nhọn. Vì sao?

3) Này các Tỷ-kheo, vì cá thể (attabhàva) của chúng rất tế nhị. Lớn vậy, này các Tỷ-kheo, là đọa xứ. Và này các Tỷ-kheo, được thoát khỏi đọa xứ lớn ấy là người nào đã thành tựu chánh kiến, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

37.VII. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,442)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật bốn Thánh đế, tức là chánh tri kiến…

3) Với Tỷ-kheo có chánh tri kiến này, này các Tỷ-kheo, chờ đợi là vị ấy sẽ rõ biết: “Ðây là Khổ”… Vị ấy sẽ rõ biết. “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 4, kinh trên) …

38.VIII. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,442)

1) …

2) — Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, mặt trăng, mặt trời không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám, không thể phân biệt đêm và ngày, không thể phân biệt tháng và nửa tháng, không thể phân biệt thời tiết hằng năm.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, mặt trăng, mặt trời hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Và có sự phân biệt đêm ngày, có sự phân biệt tháng và nửa tháng, có sự phân biệt thời tiết hằng năm.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, không có hào quang lớn. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám. Cho đến khi ấy, không có sự tuyên bố, không có sự thuyết giảng, không có sự trình bày, không có sự thiết lập, không có sự khai diễn, không có sự phân tích, không có sự hiển thị bốn Thánh đế.

5) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Cho đến khi ấy, có sự tuyên bố, có sự thuyết giảng, có sự trình bày, có sự thiết lập, có sự khai diễn, có sự phân tích, có sự hiển thị bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

6) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

39.IX. Cột Trụ (Indakhilo) (S.v,433)

1) …

2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ ngước nhìn mặt (ullokenti) một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một hột bông hay một hột bông kappàsa bị gió nhẹ thổi lên, rơi xuống đất bằng, và gió phía Ðông thổi nó qua phía Tây; gió phía Tây thổi nó qua phía Ðông; gió phía Bắc thổi nó qua phía Nam; gió phía Nam thổi nó qua phía Bắc. Vì sao? Vì hột bông kappàsa rất nhẹ, này các Tỷ-kheo.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt”. Họ ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”. Vì sao? Vì không chánh kiến bốn Thánh đế, này các Tỷ-kheo.

5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết : “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ không ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”.

6) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây cột sắt hay cây cột trụ, bàn tọa được đóng sâu (gambhiiranemo), khéo chôn sâu, bất động, không có lay chuyển; nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, cột trụ ấy không rung chuyển, không lay chuyển, không động chuyển…; nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, cột trụ ấy không có rung chuyển, không lay chuyển, không động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỷ-kheo.

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ không ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”. Vì sao? Vì bốn Thánh đế được khéo thấy, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?

8-9) … (xem đoạn số 6 và số 7 của kinh trên) …

40.X. Tranh Luận (S.v,445)

1) …

2) — Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt”. Nếu từ phương Ðông có Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng : “Ta sẽ tranh luận”, người này không thể làm cho rung chuyển, làm lay chuyển, làm động chuyển Tỷ-kheo ấy một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: “Ta sẽ tranh luận”; người này không thể làm rung chuyển, làm lay chuyển, làm động chuyển Tỷ-kheo ấy một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cột đá dài đến mười sáu khuỷu tay, và tám khuỷu tay được chôn dưới đất từ bàn tọa và tám khuỷu tay ở phía trên. Nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, không thể làm cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển, nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, không thể làm cho cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa cột trụ được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỷ-kheo.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nào như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Nếu từ phương Ðông có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: “Ta sẽ tranh luận”, vị ấy có thể làm cho Tỷ-kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: “Ta sẽ tranh luận”, vị ấy có thể làm cho Tỷ-kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Vì sao? Vì bốn Thánh đế đã được khéo thấy, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?

5-6) … (Giống như đoạn số 8, số 9, kinh 39) …


V. Phẩm Vực Thẳm

41.I. Tư Duy (S.v,446)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

— Thuở trước, này các Tỷ-kheo, một người đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: “Ta sẽ suy tư về thế giới”, và người ấy đi đến hồ sen sumàgadhà; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ sumàgadhà và suy tư về thế giới.

3) Này các Tỷ-kheo, người ấy trên bờ hồ sumàgadhà thấy một đoàn quân với bốn loại binh chủng (voi, ngựa, xe, bộ binh) đi vào trong một củ sen; thấy vậy, người ấy nghĩ: “Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời”.

4) Rồi người ấy, này Tỷ-kheo, đi vào trong thành và nói với một quần chúng lớn:

“– Này Quí vị, có lẽ ta phát cuồng; này Quí vị, có lẽ ta điên loạn. Nay ta thấy một điều không thể có ở đời!”

“– Như thế nào, này Bạn, Bạn phát cuồng? Như thế nào, Bạn điên loạn? Bạn đã thấy gì không thể có ở đời?”

5) “– Thưa Quí vị, tôi đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ suy tư về thế giới’. Tôi đi đến hồ sumàgadhà; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ sumàgudhà, suy tư về thế giới. Thưa Quí vị, tôi thấy trên bờ hồ sumàgudhà một đoàn quân với bốn loại binh chủng đi vào trong một củ sen. Thấy vậy, thưa Quí vị, tôi nghĩ: ‘Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời!'”

“– Thật vậy, này Bạn, Bạn đã phát cuồng. Thật vậy, Bạn bị điên loạn, Bạn đã thấy một điều không thể có ở đời!”

6) Này các Tỷ-kheo, điều mà người ấy đã thấy là có thật, không phải không thật. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên và loài Asura (A-tu-la) giàn trận để khai chiến. Và này các Tỷ-kheo, trong trận chiến ấy, chư Thiên thắng trận, các Asura bại trận. Các Asura bại trận, này các Tỷ-kheo, hoảng hốt đi vào thành Asura ngang qua củ sen vì quá sợ hãi chư Thiên.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có suy tư về thế giới: “Thế giới là thường còn”, hay: “Thế giới là vô thường”, hay: “Thế giới là hữu biên”, hay: “Thế giới là vô biên”, hay: “Mạng sống và thân thể là một”, hay: “Mạng sống và thân thể là khác”, hay: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay: “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, hay: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Vì sao?

8) Các điều suy tư ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

9) Nếu có suy tư, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy suy tư: “Ðây là Khổ”… “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Vì sao?

10) Các suy tư như vậy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, các suy tư ấy làm căn bản cho Phạm hạnh, các suy tư ấy đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

11) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

42.II. Vực Thẳm (S.v,448)

1) Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gìjjhakuuta (Linh Thứu).

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến Patibhànakuuta để nghỉ trưa.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Rồi Thế Tôn cùng số đông Tỷ-kheo đi đến Patibhànakàta. Một Tỷ-kheo thấy một vực thẳm ở Patibhànakuuta, thấy vậy, liền bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thật là lớn, vực thẳm này! Bạch Thế Tôn, thật là đáng sợ hãi, vực thẳm này! Bạch Thế Tôn, không biết có vực thẳm nào khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này?

— Này các Tỷ-kheo, có vực thẳm khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này.

— Bạch Thế Tôn, thế nào là vực thẳm khác, lớn hơn và đáng sợ hãi hơn vực thẳm này?

4) — Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ tạo dựng các hành đưa đến sanh, họ tạo dựng các hành đưa đến già… đưa đến chết,… do họ tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, nên họ rơi vào vực thẳm sanh, họ rơi vào vực thẳm già, họ rơi vào vực thẳm chết, họ rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.

5) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Do họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không rơi vào vực thẳm sanh; họ không rơi vào vực thẳm già; họ không rơi vào vực thẳm chết; họ không rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ liễu thoát khỏi đau khổ.

6) Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

43.III. Nhiệt Não (S.v,450)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có một địa ngục tên là Ðại nhiệt não, tại đấy con mắt thấy sắc gì, chỉ thấy bất khả lạc sắc, không phải khả lạc sắc, chỉ thấy bất khả hỷ sắc, không phải khả hỷ sắc, chỉ thấy bất khả ý sắc, không phải khả ý sắc. Tai có nghe tiếng gì… mũi có ngửi hương gì… lưỡi có nếm vị gì… thân có cảm xúc gì… ý có nhận thức pháp gì, chỉ nhận thức bất khả lạc pháp, không phải khả lạc pháp, chỉ nhận thức bất khả hỷ pháp, không phải khả hỷ pháp, chỉ nhận thức bất khả ý pháp, không phải khả ý pháp.

3) Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thật lớn thay, nhiệt não ấy! Bạch Thế Tôn, thật khéo to lớn thay, nhiệt não ấy! Bạch Thế Tôn, không biết có nhiệt não nào khác nữa, còn lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy?

— Này Tỷ-kheo, có nhiệt não khác còn đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy.

— Bạch Thế Tôn, nhiệt não khác ấy như thế nào, còn lớn hơn, và đáng sợ hãi hơn nhiệt não ấy?

4-6) … (như đoạn số 4,5,6 của kinh trước, có một thay đổi trong kinh trước, có nói: “Họ rơi vào vực thẳm sanh, vực thẳm già, vực thẳm chết, vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não”. Còn kinh này nói: ” Họ bị đốt cháy trong nhiệt não sanh… già… chết… sầu, bi, khổ, ưu, não ” với những thay đổi cần thiết khác).

44. IV. Nhà Có Nóc Nhọn (S.v,452)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi xây dựng tầng dưới của căn nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau”; sự kiện này có xảy ra.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

45. V. Chiggala (1) (Lỗ khóa hay sợi lông) (S.v,453)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

2) Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Vesàli để khất thực.

3) Tôn giả Ananda thấy một số đông thiếu niên người Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào.

4) Thấy vậy, Tôn giả suy nghĩ: “Thật có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng, từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên kia, không sai trượt lần nào”.

5) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi khất thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

6) — Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy rất nhiều thiếu niên Licchavi trong hội trường tập bắn cung, từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào. Thấy vậy con nghĩ như sau: “Thật có tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Thật khéo tập luyện, các thiếu niên Licchavi này! Vì rằng từ xa họ bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này nối tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào”.

7) — Ông nghĩ thế nào, này Ananda, cái gì khó làm hơn hay cái gì khó đạt đến (abhisambhava), từ xa bắn xuyên qua lỗ khóa nhỏ, từ lông đuôi mũi tên này tiếp lông đuôi mũi tên khác, không sai trượt lần nào, hay bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần?

— Việc này khó làm hơn, bạch Thế Tôn, khó đạt đến hơn, tức là bắn xuyên đầu một sợi lông được chia nhỏ một trăm lần.

8) — Cũng vậy, này Ananda, chúng đâm xuyên ngang qua một cái gì khó đâm xuyên hơn là những ai như thật đâm xuyên qua: “Ðây là Khổ”… như thật đâm xuyên qua: “Ðây là Con Ðường đưa đến sự Khổ diệt”.

9) Do vậy, này Ananda, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

46. VI. Hắc Ám (S.v,454)

1) …

2) — Có một hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.

3) Ðược nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

— Này Tỷ-kheo, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy.

— Bạch Thế Tôn, sự tối tăm khác ấy là gì, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

4-6) … (như đoạn số 4, số 5, số 6 kinh 42 có một thay đổi. Trong kinh trước có nói: “Họ rơi vào vực thẳm sanh, vực thẳm già, vực thẳm chết, vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn kinh này thời nói: ” Họ rơi vào tối tăm sanh, tối tăm già, tối tăm chết, tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não “).

47. VII. Lỗ Khóa (2) (S.v,455)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng hay không?

— Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài.

4) — Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao?

5) Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao?

6) Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

48. VIII. Lỗ Khóa (3) (S.v,456)

1) …

2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước và một người đến ném xuống đấy một khúc cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm nổi lên một lần.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng không?

— Thật khó được vậy, bạch Thế Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng ấy!

4) — Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.

5) Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm… (xem đoạn số 7, kinh trước).

49. IX. Núi Sineru (1) (Tu Di) (S.v,457)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đặt trên núi Sineru, vua các loài núi, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy hay núi chúa Sineru?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là vua núi Sineru. Rất ít là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy, chúng không có thể ước tính được, chúng không có thể so sánh được, chúng không có thể thành một phần nhỏ được, khi đem đặt các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu so sánh với núi chúa Sineru.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn này. Rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn. Tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: “Ðây là Khổ”… đã rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

50. X. Núi Sineru (2) (Tu Di) (S.v,458)

1) …

2) … Ví như, này các Tỷ-kheo, núi chúa Sineru đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, chỉ còn lại các viên sạn, lớn bằng bảy hạt đậu.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, núi chúa Sineru ấy đi đến đoạn tận, đi đến tiêu mòn hay các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu còn tồn tại?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Sineru đi đến đoạn tận, đi đến tiêu mòn. Và ít hơn là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được còn lại, không thể đem ước tính, không thể đem so sánh và không thể bằng một phần nhỏ, nếu so sánh các viên sạn lớn, bằng bảy hạt đậu còn lại với núi chúa Sineru đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu mòn.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, được tiêu mòn này; và rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn, tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: “Ðây là Khổ”… đã rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 5, kinh trước) …


VI. Phẩm Chứng Ðạt

51. I. Ðầu Móng tay (S.v,459)

1) …

2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo:

— Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy ở đầu móng tay, hay quả đất lớn này?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất mà Thế Tôn lấy ở đầu móng tay. Chúng không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất mà Thế Tôn lấy lên đầu móng tay.

3-4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng đạt, cái này là nhiều hơn… (xem đoạn số 4, số 5 kinh 49) …

52. II. Ao Hồ (S.v,460)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có một hồ nước bề dài năm mươi do tuần, bề rộng năm mươi do tuần, bề sâu năm mươi do tuần, đầy nước tràn trên bờ để con quạ có thể uống được. Từ nơi hồ nước ấy, có người lấy lên một ít nước trên đầu ngọn cỏ kusa.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một ít nước lấy lên trên đầu ngọn cỏ kusa, hay là nước trong hồ nước?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước trong hồ nước. Còn ít hơn là nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ kusa. Chúng không có thể ước tính, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước ở hồ nước với nước được lấy lên trên đầu ngọn cỏ kusa.

4-5) … (như kinh trên 49, đoạn số 4,5) …

53. III. Hợp Dòng (Sambhejja) (1) (S.v,460)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, tại chỗ mà các con sông lớn này nhập vào nhau, cùng chảy với nhau, tức là sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravatii, sông Sarabhuu, sông Mahii. Từ đấy, một người lấy lên hai hay ba giọt nước.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, hai hay ba giọt nước được lấy lên, hay là nước ở chỗ hợp dòng?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước ở chỗ hợp dòng. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước được lấy lên. Chúng không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước ở chỗ hợp dòng với hai hay ba giọt nước được lấy lên.

4-5) … Cũng vậy… (xem đoạn số 4-5, kinh 49)

54. IV. Hợp Dòng (2) (S.v,461)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, tại chỗ mà các con sông lớn này nhập vào nhau, cùng chảy với nhau, tức là sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatii, sông Sarabhuu, sông Mahii, nước sông ấy đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, trừ hai hay ba giọt nước còn sót lại.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, nước chỗ hợp dòng đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu diệt, hay là hai hay ba giọt nước còn sót lại?

— Cái này là nhiều hơn bạch Thế Tôn, tức là nước chỗ hợp dòng đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước chỗ hợp dòng đã đi đến đoạn tận, đã đi đến tiêu diệt, với hai hay ba giọt nước còn sót lại.

4-5) … (như đoạn số 4,5, kinh 49) …

55. V. Quả Ðất (1) (S.v,462)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đặt trên quả đất lớn các cục đất lớn bằng bảy hạt táo (sattakolatthimattiyo).

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, các cục đất lớn bằng bảy hạt táo đã được đặt lên như vậy, hay là quả đất này?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất này, còn ít hơn là các cục đất lớn bằng bảy hạt táo đã được đặt lên như vậy. Chúng không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể bằng một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn này với các cục đất lớn bằng bảy hạt táo được đặt lên như vậy.

4-5) … (như đoạn số 4,5, kinh 49) …

56. VI. Quả Ðất (2) (S.v,462)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, chỉ còn lại những cục đất lớn bằng bảy hạt táo.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều, quả đất lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, hay là các cục đất lớn bằng bảy hạt táo còn sót lại?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là các cục đất lớn bằng bảy hạt táo còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn đã đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt với các cục đất lớn bằng bảy hạt táo còn sót lại.

4-5) … (như đoạn số 4,5, kinh 49) …

57. VII. Biển (1) (S.v,463)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người lấy lên hai hay ba giọt nước từ biển lớn.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, hai hay ba giọt nước được lấy lên, hay là nước trong biển lớn?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước trong biển lớn. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước được lấy lên. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước trong biển lớn với hai hay ba giọt nước được lấy lên.

4-5) … (như số 4,5, kinh 49) …

58. VIII. Biển (2) (S.v,463)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, nước trong biển lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, trừ hai hay ba giọt nước còn sót lại.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, nước trong biển lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, hay là hai hay ba giọt nước còn sót lại?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là nước trong biển lớn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là hai hay ba giọt nước còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh nước trong biển đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, với hai hay ba giọt nước còn sót lại.

4-5) … (xem đoạn số 4,5, kinh 49) …

59. IX. Ví Dụ Với Núi (1) (S.v,464)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có người đặt trên núi chúa Tuyết Sơn các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải được đặt lên như vậy, hay là núi chúa Tuyết Sơn?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Tuyết Sơn. Còn ít hơn là những hòn sạn lớn bằng bảy hột cải được đặt lên như vậy. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh núi chúa Tuyết Sơn với các viên sạn lớn bằng bảy hột cải.

4-5) … (như đoạn số 4,5, kinh 49)

60. X. Ví Dụ Với Núi (2) (S.v,464)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, trừ các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải.

3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, hay là các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải còn sót lại?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt. Còn ít hơn là các hòn sạn lớn bằng bảy hột cải còn sót lại. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh núi chúa Tuyết Sơn đi đến đoạn tận, đi đến tiêu diệt, với hòn sạn lớn bằng bảy hột cải còn sót lại.

4-5) … (như đoạn số 4,5, kinh 49) …


VII. Phẩm Bánh Xe Lược Thuyết

61. I. Người Khác (S.v,465)

1) …

2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo:

3) — Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy lên trên đầu móng tay, hay là quả đất lớn này?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy lên trên đầu móng tay. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là những chúng sanh được tái sanh làm người. Còn nhiều hơn là những chúng sanh bị tái sanh ra khỏi loài Người. Vì sao?

5) Này các Tỷ-kheo, vì không thấy bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

62. II. Biên Ðịa (S.v,466)

1) …

2-3) … (giống như 2-3 của kinh trước)..

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh được tái sanh vào các quốc độ trung ương. Và nhiều hơn là các chúng sanh được tái sanh vào các biên địa, giữa những man di (mìlakkha Sk. mleccha) vô ý thức. Vì sao?

5-6) … (như đoạn số 5-6, kinh trên) …

63. III. Trí Tuệ (S.v,467)

1) …

2-3) … (giống như đoạn số 2-3, kinh trên) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh thành tựu tuệ nhãn của bậc Thánh. Và nhiều hơn là các chúng sanh đi đến vô minh, si ám. Vì sao?

5-6) … (như đoạn số 5-6, kinh trên) …

64. IV. Rượu (S.v, 467)

1) …

2-3) … (giống như đoạn số 2-3, kinh trên) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Vì sao?

5-6) … (như đoạn số 5-6, kinh trên) …

65. V. Sanh Ở Nước (S.v,467)

1) …

2-3) … (giống như đoạn số 2-3, kinh trên) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh được sanh trên đất liền (thalàjà). Và nhiều hơn là các chúng sanh được sanh ra trong nước. Vì sao?

5-6) … (giống như đoạn số 5-6, các kinh trên) …

66. VI. Hiếu Kính Mẹ (S,v,467)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ.

67. VII. Hiếu Kính Cha (S,v,467)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với cha.

68. VIII. Kính Trọng Sa-Môn (S,v,468)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh kính trọng các hàng Sa-môn. Và nhiều hơn là các chúng sanh không kính trọng các hàng Sa-môn.

69. IX. Kính Trọng Bà-La-Môn (S,v,468)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh kính trọng các hàng Bà-la-môn. Và nhiều hơn là các chúng sanh không kính trọng các hàng Bà-la-môn.

70. X. Kính Trọng Các Bậc Lớn Tuổi (S,v,468)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh kính trọng các bậc lớn tuổi trong gia tộc. Và nhiều hơn là các chúng sanh không kính trọng các bậc lớn tuổi trong gia tộc.


VIII. Phẩm Ít Người Từ Bỏ

71. I. Sanh Loại (S.v,468)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ sát sanh. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ sát sanh. Vì sao?

72. II. Lấy Của Không Cho(S.v,469)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ lấy của không cho. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ lấy của không cho. Vì sao?

73. III. Trong Các Dục Vọng (S.v,469)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ tà hạnh trong các dục. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ tà hạnh trong các dục. Vì sao?

74. IV. Nói Láo (S.v,469)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói láo. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói láo. Vì sao?

75. V. Nói Ly Gián (S.v,469)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói lời ly gián. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói lời ly gián. Vì sao?

76. VI. Nói Lời Thô Ác (S.v,469)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói lời thô ác. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói lời thô ác. Vì sao?

77. VII. Nói Lời Phù Phiếm (S.v,469)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nói lời phù phiếm. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nói lời phù phiếm. Vì sao?

78. VIII. Hột Giống (S.v,470)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ làm hại các hột giống và các loại cây cỏ. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ làm hại các hột giống và các cây cỏ. Vì sao?

79. IX. Phi Thời (S.v,470)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ ăn phi thời. Còn nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ ăn phi thời. Vì sao?

80. X. Hương Liệu (S.v,470)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, các đồ trang sức để mang, để đeo. Còn nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, các đồ trang sức để mang, để đeo. Vì sao?…


IX. Phẩm Lúa Gạo Sống Rộng Thuyết

81.I. Múa (S.v,470)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch.

82. II. Giường Nằm (S.v,471)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ các giường cao, các giường lớn. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ các giường cao, các giường lớn.

83. III. Bạc (S.v,471)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận vàng và bạc. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận vàng và bạc.

84. IV. Lúa Gạo (S.v,471)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận các lúa gạo sống. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận các lúa gạo sống.

85.V. Thịt (S.v,471)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận các thịt sống. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận các thịt sống.

86. VI. Con Gái (S.v,471)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận đàn bà, con gái. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận đàn bà, con gái.

87. VII. Nữ Tỳ (S.v,472)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận lấy các nô tỳ nữ, nô tỳ nam. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận các nô tỳ nữ, nô tỳ nam.

88. VIII. Dê, Dê Rừng (S.v,472)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận dê và dê rừng. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận dê và dê rừng.

89. IX. Gà, Heo (S.v,472)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận gà, heo. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận gà và heo.

90. X. Voi (S.v,472)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận voi, bò, ngựa, ngựa cái. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận voi, bò, ngựa, ngựa cái.


X. Phẩm Chúng Sanh Nhiều Hơn

91. I. Ruộng (S.v,473)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ nhận lấy ruộng đất. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ nhận lấy ruộng đất.

92. II. Mua Bán (S.v,473)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ mua bán. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ mua bán.

93. III. Ðưa Tin Tức (S.v,473)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ không phái người môi giới hay tự mình làm môi giới. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ phái người làm môi giới, hay tự mình làm môi giới.

94. IV. Cân Lường (S.v,473)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường.

95. V. Hối Lộ (S.v,473)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ hối lộ, gian trá, lừa đảo. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ hối lộ, gian trá, lừa đảo.

96-101. VI-XI. Sát Hại, Trộm Cắp, Cướp Phá (S.v,473)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Và nhiều hơn là các chúng sanh không từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không thấy bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

5) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.


XI. Phẩm Năm Sanh Thú

102. I. Năm Sanh Thú (S.v,474)

1) …

2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo:

3) — Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?

— Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất. Và ít hơn là một ít đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay, không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay.

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong địa ngục.

103) II. Năm Sanh Thú (S.v,474)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong loài bàng sanh.

104. III. Năm Sanh Thú (S.v,475)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ.

105-107. IV-VI. Năm Sanh Thú (S.v,475)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào địa ngục… phải tái sanh vào loài bàng sanh… phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ.

108-110. VIII-X. Năm Sanh Thú (S.v,475)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sanh giữa chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sanh trong địa ngục… phải tái sanh trong loài bàng sanh… phải tái sanh trong cõi ngạ quỷ.

111-113. XI-XIII. Năm Sanh Thú (S.v,475)

1-2-3) …

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sanh trong địa ngục… phải tái sanh trong loài bàng sanh… phải tái sanh trong cõi ngạ quỷ.

114-116. XIV-XVI. Năm Sanh Thú (S.v,475)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, bị tái sanh ở cõi địa ngục… bị tái sanh ở loài bàng sanh… bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.

117-119. XVII-XIX. Năm Sanh Thú (S.v,476)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, được tái sanh làm chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi địa ngục, bị tái sanh ở cõi địa ngục… bị tái sanh ở loài bàng sanh… bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.

120-122. XX-XXII. Năm Sanh Thú (S.v,476)

1-2-3) …

4)– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ các loài bàng sanh, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ các loài bàng sanh, bị tái sanh trong cõi địa ngục… bị tái sanh trong loài bàng sanh… bị tái sanh trong cõi ngạ quỷ.

123-125. XXIII-XXV. Năm Sanh Thú (S.v,476)

1-2-3) …

4)– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh, được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là chúng sanh, sau khi chết từ các loài bàng sanh, bị tái sanh trong cõi địa ngục… bị tái sanh trong loài bàng sanh… bị tái sanh trong cõi ngạ quỷ.

126-128. XXVI-XXVIII. Năm Sanh Thú (S.v,476)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở cõi địa ngục… bị tái sanh trong loài bàng sanh… bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.

129. XXIX. Năm Sanh Thú (S.v,476)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở địa ngục.

130. XXX. Năm Sanh Thú (S.v,477)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở loài bàng sanh.

131. XXXI. Năm Sanh Thú (S.v,477)

1-2-3) …

4) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, được tái sanh làm chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ cõi ngạ quỷ, bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì không thấy bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

5) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”. Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”. Một cố gắng cần phải làm rõ biết: “Ðây là khổ diệt”. Một cố gắng phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

— Hết Tương Ưng Bộ —


Mục Lục Tập 1 Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 9 – Chín Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 11 – Mười Một Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ Tập 3 – Thiên Uẩn - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 10 – Kinh Tu Ba (Subha Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ Tập 2 – Thiên Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 2 – Hai Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 10 – Mười Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 3 – Kinh Phật Tự Thuyết - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 88 – Kinh Bàhitika (Bàhitika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 17 – Kinh Ðại Thiện Kiến Vương (Mahà-Sudassana Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 59 – Kinh Nhiều Cảm Thọ (Bahuvedanìya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 5 – Năm Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 115 – Kinh Ða Giới (Bahudhàtuka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 4 – Bốn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 09 – Kinh Bố Sá Bà Lâu (Potthapàda Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 3 – Ba Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 6 – Sáu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 142 – Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinàvibhanga sutta) - Kinh Tạng