Luận Duyên Sanh

Uất Lăng Ca tạo, Tùy Đạt Ma Cấp Đa dịch

Bản Việt dịch của Thích Như Điển

***

LỜI TỰA VỀ LUẬN DUYÊN SANH

Nguyên chỉ một tâm tạo ra ba cõi, si mê chảy mãi càng xa, gốc khổ chứa càng cao. Muốn xét cho kỹ, khó lượng gốc này. Cửa vào thật tướng của lý ấy, cuối cùng cũng chỉ là lĩnh vực giả danh. Năm nhân bảy quả, mười hai pháp duyên sanh. Tổng cộng nơi này, phàm vì mê khởi vọng. Thánh vì ngộ nên rõ chơn, bên dưới như nổi trôi, bên trên như voi lớn. Lành thay Diệu Giác, chẳng hề rỗng tận, Thập Địa cùng Song lâm đều thông suốt, nghe nơi thành cùng với cỏ cây hoặc chỗ ngồi, cho đến kinh này riêng bọc lại cho kia, chỗ kia chưa nói. Điều này sẽ diễn nói đầy đủ, phan duyên là việc đầu, đối trị để sau. Tổng cộng có 111 cửa và rộng có 120 câu hỏi. Đây toàn là chỗ nhỏ mà mật, lời nói ấy làm ổn thỏa, kinh ấy là cương mục, nhiếp lấy chỗ ấy. Lại có Thánh giả Uất Lăng Già (Ullanga) theo kinh này mà tạo luận để làm cho rõ sự phát luận này vậy. Biến cả ý của ba thừa, chẳng chấp vào một phần nôm na, đầu tiên lập thành kệ, sau đó mới giải thích luận. Kệ có 30, cho nên lại có tên là 30 luận vậy. Vào tháng 10 năm thứ hai Đại Nghiệp, người Nam Thiên Trúc là pháp sư Đạt Ma Gấp Đa cùng với các pháp sư phiên dịch kinh ấy. Ở Đông Đô nơi miền Thượng Lâm, nương vào bản chữ Phạn gốc Ấn Độ nhặt được ở Lâm Ấp rồi theo đó mà dịch, phải cần đến ba năm chín tháng mới hoàn thành. Kinh này có hai quyển, luận một quyển, Tam tạng sư câu luận rõ ràng, nghĩa giải thâm mật. Còn tổng pháp sư thì chuyên thông kinh luận lại giỏi Phạn văn, để đối chiếu với bản chính, liền được giống nhau, một lời chẳng khác, ba chỗ chứa nhóm, ngôn từ giản đơn, ý lại đầy đủ.

Đây là lời người xưa chẳng sai chẳng mất, rõ viết đèn pháp, đủ xưng trí tạng, nguyện cùng đời sau thường làm lợi ích thế gian. Rằng vậy.

LUẬN DUYÊN SANH

Từ một sanh ra ba

Từ ba chuyển sanh sáu

Sáu hai hai lần sáu

Từ sáu lại sanh sáu

Từ sáu có nơi ba

Ba này lại có ba

Ba lại sanh làm bốn

Bốn lại sanh làm ba

Từ ba lại sanh một

Một kia lại sanh bảy

Trong đó lại có khổ

Mâu Ni nói nhiếp hết

Mười hai loại sai biệt

Thiện tịnh nói là không

Duyên sanh phân lực vậy

Nên biết mười hai pháp

Vô trí cùng nghiệp thức

Danh sắc căn ba hòa

Biết khát và lấy thủ

Tập xuất thục hậu biên

Đầu tám chín phiền não

Thứ hai thứ mười nghiệp

Ngoài bảy đều là khổ

Ba nhiếp mười hai pháp

Đầu hai là quá khứ

Sau hai lúc vị lai

Còn tám là hiện tại

Đây nghĩa ba thời pháp

Não khởi nghiệp hoặc báo

Báo lại sanh phiền não

Phiền não lại sanh nghiệp

Lại do nghiệp có báo

Lìa não có nghiệp gì

Nghiệp hoại lại chẳng báo

Vô báo tức lìa não

Đây ba mỗi tự diệt

Năm phần nhân sanh quả

Tên gọi phiền não nghiệp

Bảy phần lấy làm quả

Bảy loại khổ nên nhớ

Không nhân thì không quả

Trong nhân lại chẳng nhân

Trong quả không có nhân

Trong quả lại không quả

Nhân quả cả hai không

Trí giả giống như thế

Trong đời chia bốn loại

Nhân quả hợp nên có

Phiền não nghiệp quả hợp

Nhớ dục làm sáu phần

Có loại chỗ nhiếp ấy

Hai tiết và ba bớt

Nhân quả tạp làm tiết

Ba bốn tiết tổng lược

Hai hai ba ba hai

Khổ thì có năm pháp

Kẻ tạo thai cảnh giới

Phát chuyển sanh lưu hành

Mê hoặc sanh ra quả

Báo lưu quả làm hai

Tương ưng với căn phần

Một một ba hai phần

Nhiệt não quả nghèo khó

Chuyển xuất tân lưu quả

Tương ưng với phần kia

Hai một một một pháp

Hữu này mười hai loại

Các lực duyên tự sanh

Không chúng sanh không mệnh

Không động dùng trí huệ

Vô ngã vô ngã sở

Vô ngã vô ngã nhân

Bốn loại vô trí không

Phần dư lại cũng vậy

Đoạn thường nhị biên lìa

Đây tức là Trung Đạo

Nếu giác này thành tựu

Giác thể là chư Phật

Giác này ở trong chúng

Tiên Thánh nói vô ngã

Từng nơi thành dụ kinh

Đạo sư nói nghĩa này

Ca Chiên Diên kinh nói

Chánh kiến và không kiến

Phá La Cụ Nị kinh

(Bản chính thiếu một hàng)

Lại nói không thù thắng

Duyên sanh nếu rõ biết

Từ kia tương ưng không

Duyên sanh nếu chẳng rõ

Lại chẳng rõ không kia

Nơi không lại khởi kiêu

Liền chẳng sợ thọ chúng

Nếu có kia không thấy

Liền mê nghĩa duyên sanh

Duyên sanh chẳng mê vậy

Lìa mạn kia rõ không

Và sợ thọ chúng khổ

Chẳng mê nghiệp quả hợp

Nghiệp tạo duyên sanh tiếp

Lại chẳng phải duyên này

Không duyên chính có này

Nghiệp báo thọ đầy đủ

Mười hai phần sai biệt

Trước đã nói duyên sanh

Phiền não nghiệp khổ kia

Trong ba như pháp nhiếp

Trong ba sanh làm hai

Trong hai sanh làm bảy

Trong bảy lại sanh ba

Có xe chuyển như thế

Nhân quả các cõi đời

Chẳng riêng có chúng sanh

Chỉ là nơi pháp không

Lại tự sanh không pháp

Tịch duyên sanh phiền não

Tịch duyên lại sanh nghiệp

Tịch duyên lại sanh báo

Không một chẳng có duyên

Tụng, đèn, dấu, âm, kiếng

Ánh sáng cùng hạt mầm

Chúng tiếp không siêu đến

Trí nên quán hai kia

Duyên Sanh Tam Thập Luận Bổn Cảnh

Luận về 30 Duyên Sanh ta sẽ tùy thuận lần lượt giải thích:

Từ một sanh làm ba

Từ ba chuyển sanh sáu

Sáu hai hai lại sáu

Từ sáu lại sanh sáu

Từ một sanh làm ba nghĩa là: Một đó là vô trí, vô trí này còn gọi là vô minh. Ở nơi Khổ, Tập, Diệt, Đạo chẳng hề rõ biết, cho nên gọi tên là vô trí. Do vô minh cho nên có phước, không phước, bất động. Đây gọi là ba hành, gồm thân hành, khẩu hành và tâm hành. Rồi từ đây chuyển sanh. Từ ba chuyển sanh thành sáu nghĩa là: Từ ba hành sanh sáu thức của thân, đó gọi là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu hai nghĩa là sáu thức này ở thân chuyển sanh làm hai loại, đó là danh sắc. Hai lại sáu có nghĩa là danh sắc hai loại chẳng sanh vào lục nhập, đó gọi là nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập và ý nhập. Từ sáu lại sanh sáu nghĩa là từ sáu nhập kia chẳng sanh vào sáu xúc, đó là nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.

Từ sáu có nơi ba

Ba này lại có ba

Ba lại sanh làm bốn

Bốn lại sanh làm ba

Từ sáu có nơi ba nghĩa là từ sáu xúc kia chẳng sanh thành ba thọ, đó là lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Ba này lại có ba nghĩa là trở lại từ ba thọ ấy chuyển sanh thành ba loại khát ái, đó là dục khát ái, hữu khát ái và vô hữu khát ái. Ba lại sanh làm bốn nghĩa là từ ba loại khát ái này sanh ra bốn thủ, đó là dục thủ, kiến thủ, giới khổ hạnh thủ, ngã ngữ thủ. Bốn lại sanh làm ba nghĩa là từ bốn thủ kia chuyển sanh ba hữu, đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Từ ba sanh nơi một

Từ một lại sanh bảy

Trong đó lại có khổ

Mâu Ni nói nhiếp hết

Từ ba sanh nơi một nghĩa là trở lại ba hữu kia tạo duyên, sanh vị lai một loại sanh. Một kia lại sanh bảy nghĩa là trở lại từ một kia rồi có lão, tử, ưu, bi, khổ, não, khốn bảy loại. Trong đó lại có khổ và Mâu Ni nói nhiếp hết nghĩa là ở trong ấy vô minh vốn là đầu và khốn khổ là cuối. Thế Tôn lược nói, đều nên nhiếp hết chỗ ấy

Mười hai loại sai biệt

Thiện tịnh nói là không

Duyên sanh phân lực vậy

Nên biết mười hai pháp

Mười hai loại sai biệt lành tịnh nói, là không nghĩa, là vô trí này cùng các loại khác không tạp có 12 phần. Lại kia tất cả tự tánh không, nên phải rõ đúng. Như chỗ này đã nói rõ chỉ là pháp không. Tự tánh không pháp, duyên sanh phân lực nên biết 12 pháp nghĩa là: Nếu lấy lần lượt sanh ra phần lực thì 12 pháp kia như thế mà nên rõ. Trong ấy tướng mê hoặc là vô minh, tạo ra chỗ hành kia rồi tích tập có tướng. Đây là hành rồi tạo thành thức, lần lượt thọ sanh phần chuyển thành tướng, ấy là thức. Đó là chỗ gọi danh sắc. Danh thân sắc thân hòa hợp với tướng và đây gọi là danh sắc. Chỗ lục nhập kia là tướng ở yên gọi là lục nhập. Xúc kia tụ lại cùng với nhãn sắc thức cùng tướng tụ lại ấy là xúc. Nơi thọ câu hội và ái chẳng ái dùng tướng ấy để thọ. Sự khát ái câu hội tại đó cùng với tướng vô yểm túc, gọi là khát ái. Đó là nơi của thủ, chấp giữ tướng nhiếp thủ ấy là thủ. Nơi đó là chỗ của hữu, cùng với tướng của danh thân, sắc thân, ấy là hữu. Sự sanh kia câu hội năm tướng bày ra, ấy gọi là sanh. Chỗ già câu hội, rồi tướng thành thục gọi là lão. Chỗ chết kia câu hội, mệnh căn mất đi đây gọi là tử. Chỗ lo lắng kia ở và đưa cao tướng ấy lên nên gọi là ưu. Chỗ bi kia ở, khi nghe tiếng khóc lại buồn. Chỗ khổ kia ở cùng với tướng của thân đốt cháy nên bị khổ. Não kia lại tụ họp, đó là tướng của tâm bị bức bách nên não. Chỗ khốn khổ kia câu hội, lấy tướng mệt nhọc khổ sở, ấy là sự khốn khổ.

Vô trí cùng nghiệp thức

Danh sắc căn ba hòa

Biết khát và lấy thủ

Tập xuất thục hậu biên

Ở trong này vô trí chính là vô minh, nghiệp nghĩa là hành, thức tức là giải, danh sắc có nghĩa là năm chúng tổng tụ, căn tức là nhập. ba hòa ở đây nghĩa là xúc, trí ấy tức là thọ, khát ấy là sự khát ái, thủ ấy là sự chấp giữ, tập ấy là hữu, xuất nghĩa là sanh, thục ấy nghĩa là già, hậu biên đó chính là sự chết.

Lại những loại này có tướng nhiếp sai biệt, ta sẽ lần lượt nói. Đối với nghiệp phiền não báo sai biệt.

Đầu tám chín phiền não

Thứ hai thứ mười nghiệp

Ngoài bảy đều là khổ

Ba nhiếp mười hai pháp

Ba phiền não ấy là: Vô minh, khát ái và thủ, hai nghiệp ấy là hành và hữu, bảy báo là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử. Trong 12 pháp này có ba loại nhiếp, lại có lúc sai biệt.

Đầu hai là quá khứ

Sau hai lúc vị lai

Còn tám là hiện tại

Đây nghĩa ba thời pháp

Vô minh, hành là hai loại đầu của quá khứ. Sanh, lão tử là hai loại sau thuộc về thời tương lai. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ , khát ái, thủ, hữu gồm đủ tám loại, thời hiện tại. Lại mỗi mỗi thứ này lần lượt tương sanh.

Não khởi nghiệp hoặc báo

Báo lại sanh phiền não

Phiền não lại sanh nghiệp

Lại do nghiệp có báo

Phiền não, nghiệp, báo ba loại như trước đã nói, do phiền não ấy nên có nghiệp, do nghiệp nên có báo. Trở lại do báo nên có phiền não, do phiền não cho nên có nghiệp, do nghiệp cho nên có báo.

Hỏi rằng: Do phiền não hết, mỗi mỗi tịch diệt, nghĩa này như thế nào?

Đáp rằng:

Lìa não có nghiệp gì

Nghiệp hoại lại chẳng báo

Vô báo tức lìa não

Đây ba mỗi tự diệt

Nếu tâm này không có phiền não nhiễm, tức chẳng huân tập nghiệp. Nếu chẳng tạo nghiệp tức chẳng thọ báo. Nếu báo mất nghĩa là lại chẳng sanh phiền não. Như thế ba loại này mỗi mỗi tự diệt. Lại những thứ này có phân chia nhân quả.

Năm phần nhân sanh quả

Tên gọi phiền não nghiệp

Bảy phần lấy làm quả

Bảy loại khổ nên nhớ

Năm loại nhân gọi phiền não nghiệp nghĩa là như trước đã nói gồm có: Vô minh, hành, khát ái, thủ và hữu vậy. Bảy loại quả chuyển sanh nghĩa là cũng như trước đã nói, bảy loại khổ đó là: Thức, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử vậy. Lại đây là nhân quả hai loại không.

Không nhân thì không quả

Trong nhân lại chẳng nhân

Trong quả không có nhân

Trong quả lại không quả

Nhân quả cả hai không

Trí giả giống như thế

Nếu ở đây là chỗ nói về nhân quả hai loại, thì ở trong ấy nếu nhân không quả, thì quả ấy lại cũng không có nhân. Như vậy nhân ấy lại không nhân và quả ấy lại không quả. Đối với bốn loại vi tế lại giống nhau, lại đây liền có phần phân biệt.

Trong đời chia bốn loại

Nhân quả hợp nên có

Phiền não nghiệp quả hợp

Nhớ dục làm sáu phần

Trong đời có chia ra làm bốn loại nhân quả hợp lại nên việc ấy có nghĩa là:

Trong đạo năm loại nhân và bảy loại quả hòa hợp nên tổng lược làm bốn loại, rồi thứ lớp có bốn loại được chia ra. Ở trong đó vô minh, hành thuộc về thời quá khứ. Hai pháp ấy là phần thứ nhất, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là thời hiện tại. Đây là phần thứ hai. Khát ái, thủ, hữu cũng thuộc về hiện tại chia làm phần thứ ba. Sanh, lão tử thuộc về thời vị lai. Hai pháp này lại chia ra làm bốn phần. Đây gọi là bốn chủng phần vậy. Phiền não nghiệp quả hợp với niệm dục làm sáu, có nghĩa là phiền não nghiệp báo ba loại hòa hợp theo thứ đệ vậy, mà hai căn bản có chia ra sáu loại. Trong ấy vô minh là chỗ nhiếp, cho đến thọ lấy vô minh làm gốc. Khát ái là chỗ nhiếp, cho đến già lấy khát ái làm gốc. Trong gốc vô minh thì vô minh chính là phần của phiền não, hành tức là phần của nghiệp, thức, danh sắc, lục nhập, thọ tức là báo phần. Trong gốc của khát ái thủ là phần của phiền não. Sanh, lão tử là báo phần. Lại nói tổng lược về các phần nhỏ.

Có loại chỗ nhiếp ấy

Hai tiết và ba bớt

Nhân quả tạp làm tiết

Ba bốn tiết tổng lược

Hữu tiết làm gốc phát khởi hai tiết, cho nên có sanh ra hai bên, làm tiết thứ nhất, hành thức hai bên làm tiết thứ hai. Hai này cùng làm với nghiệp quả tiết. Trong thọ, khát ái nhân quả cùng tạp, là tiết thứ ba. Trong ba tiết này lại tổng lược thành bốn loại gồm vô minh, hành hai loại, là tổng lược thứ nhất. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ năm loại là phần tổng lược thứ hai. Khát ái, thủ, hữu ba loại là phần tổng lược thứ ba. Sanh, lão tử hai loại là phần tổng lược thứ tư. Đây nghĩa là ba tiết và bốn tổng lược. Lại trong những pháp này thời gian trụ lại sai biệt.

Hai hai ba ba hai

Khổ thì có năm pháp

Kẻ tạo thai cảnh giới

Phát chuyển sanh lưu hành

Hai hai pháp có nghĩa là nói về vô minh và hành làm hai loại. Thức, danh sắc nói làm hai loại nữa. Ba ba có nghĩa là lục nhập, xúc, thọ nói làm ba loại, khát ái, thủ, hữu nói làm ba loại nữa. Lại có hai nghĩa là sanh, lão tử nói làm hai loại. Những điều này là năm pháp, tức là lúc khổ ấy tạo ra thai tạng cảnh giới rồi phát chuyển sanh ra, rồi từ đó lưu hành, như hơi thở như việc rõ biết. Ở trong đó vô minh và hành hai loại, nói rằng khi khổ thì tạo ra, rồi nên thấy như thế. Thức, danh sắc hai loại nói là khổ lúc ở trong thai tạng, nên thấy như thế. Lục nhập, xúc, thọ ba loại nói là lúc khổ ở trong cảnh giới. Khát ái, thủ, hữu ba loại, nói là lúc khổ ở trong sự phát chuyển. Sanh, lão tử nói hai loại rồi lúc khổ lại trong ấy sinh ra, lại có quả sai biệt.

Mê hoặc sanh ra quả

Báo lưu quả làm hai

Tương ưng với căn phần

Một một ba hai phần

Như trước đã nói: Gốc của vô minh này và gốc của khát ái. Ở nơi gốc vô minh chia ra phần thứ nhất mê hoặc phát khởi báo lưu, gọi là bốn loại quả. Một một hai ba trong số phần ấy lần lượt tùy theo sự tương ưng, trong ấy vô minh là quả của sự mê hoặc. Hành là quả phát khởi, thức, danh sắc, lục nhập là quả của báo. Xúc, thọ là quả tân lưu (lưu nhuận). Lại có quả sót lại

Nhiệt não quả nghèo khó

Chuyển xuất tân lưu quả

Tương ưng với phần kia

Hai một một một pháp

Như trước đã nói về phần gốc của khát ái thứ hai, nhiệt não nghèo hèn chuyển sanh trở lại làm quả. Tùy theo những phần số gồm hai một một một. Ở trong những pháp này sẽ được tương ưng. Trong đây sự khát ái, thủ chính là quả của nhiệt não, hữu là quả của sự nghèo nàn, sanh là quả của sự chuyển xuất, lão tử là quả của tân lưu. Như thế những loại này tức có tám quả.

Hữu này mười hai loại

Các lực duyên tự sanh

Không chúng sanh không mệnh

Không động dùng trí huệ

Như thế vô minh đứng đầu, lão tử ở cuối, có 12 phần bình đẳng hết vậy. Mỗi mỗi duyên sanh, mà không chúng sanh thì không có thọ mệnh và không có sự tạo tác, lấy huệ nên rõ. Ở trong ấy không có chúng sanh nghĩa là dùng sự không kiên cố vậy. Vô thọ mệnh nghĩa là dùng vô ngã vậy, vô động tác tức là khôngcó kẻ gây ra vậy.

Vô ngã vô ngã sở

Vô ngã vô ngã nhân

Bốn loại vô trí không

Phần dư lại cũng vậy

Ở trong vô ngã không trí, trong vô ngã sở không trí, trong vô ngã không trí, trong vô ngã nhân không trí. Trong đây dùng vô ngã vậy, bốn loại vô trí không. Như thế bốn loại lần lượt vô trí không, tức là hành cùng với những loại khác dư ra, lại đều cũng không. Nên biết như vậy.

Đoạn thường nhị biên lìa

Đây tức là Trung Đạo

Nếu giác này thành tựu

Giác thể là chư Phật

Hữu là hay thường nhiếp, vô là đoạn nhiếp, như hai biên này kia tạo duyên và xứ kia. Xứ kia do hữu chuyển sanh, lìa hai biên này tức là Trung Đạo. Nếu các ngoại đạo vô trí tức rơi vào biên. Nếu giác ngộ điều này tức là chư Phật Thế Tôn. Đấy chính là giác thể, ở thế gian này xúc hay thành tựu. Ngoài người ra tức không có nghĩa này.

Giác này ở trong chúng

Tiên Thánh nói vô ngã

Từng nơi thành dụ kinh

Đạo sư nói nghĩa này

Kia cũng ở nơi Trung Đạo này rõ biết rồi, ở nơi các chúng sanh, Phật nói vô ngã, cho nên các Tỳ kheo có ngã, ngã sở. Con nít phàm phu không nghe những loại như thế, nên tùy thuộc giả danh, ở trong ấy là không có ngã và ngã sở. Tỳ kheo! Lúc sanh thì do khổ sanh ra, lúc diệt là lúc khổ diệt, như ở nơi thành nói kinh ví dụ. Đạo sư đã nói nghĩa này, lại nói:

Ca Chiên Diên kinh nói

Chánh kiến và không kiến

Phá La Cụ Nị kinh

Lại nói không thù thắng

Đây là ba kinh cùng với các nơi khác với các tướng như thế, Thế Tôn đã nói, kia lại như đây:

Duyên sanh nếu rõ biết

Tri kia tương ưng không

Duyên sanh nếu chẳng rõ

Lại chẳng rõ không kia

Như trước đã nói về duyên sanh, nếu có rõ biết, kia biết không khác, kia lại rõ điều gì ? Nghĩa là rõ biết không. Duyên sanh nếu chẳng rõ lại chẳng biết không kia nghĩa là ở nơi duyên sanh này nếu lại chẳng biết, lại ở nơi không kia cũng chẳng thể giải nhập được. Nên phải biết vậy.

Nơi không lại khởi kiêu

Liền chẳng sợ thọ chúng

Nếu có kia không thấy

Tức mê nghĩa duyên sanh

Đối với không mà khởi lên kiêu mạn tức chẳng sợ thọ chúng nghĩa là: Nếu khởi lên kiêu mạn, tức đối với năm thọ chúng không sanh sự xa lìa. Nếu có kia không thấy, tức mê nghĩa duyên sanh. Nghĩa là: Nếu lại do chỗ không thấy và mê nghĩa duyên sanh này, tức đối với trong bốn loại thấy, theo chấp thấy cái gì ? Một là đoạn kiến, hai là thường kiến, ba là tự tại hóa ngữ, bốn là chỉ nương vào đời trước để làm.

Duyên sanh chẳng mê vậy

Lìa mạn kia rõ không

Và sợ thọ chúng khổ

Chẳng mê nghiệp quả hợp

Duyên sanh chẳng mê nên lìa mạn kia và rõ về không, nghĩa là như trước đã nói, trong mỗi mỗi duyên sanh nếu không có tâm mê và lại nhiếp thủ ngã, ngã sở và nếu được lìa kiêu mạn thì kia sẽ như pháp có thể nhập vào nơi không ấy. Và lo thọ chúng khổ nên chẳng mê nghiệp quả hợp. Có nghĩa là trong năm thọ ấy nhiếp thủ ngã và ngã sở, nên biến thế gian luân chuyển chẳng dừng nghỉ. Đối với các thọ kia khởi sự xa lìa vậy, với nghiệp quả này luôn tương tục, liền không điên đảo lại chẳng mê hoặc.

Lại hỏi rằng: Nghĩa này như thế nào?

Nghiệp tạo duyên sanh tiếp

Lại chẳng phải duyên này

Không duyên chính có này

Nghiệp báo tạo đầy đủ

Nghiệp tạo ra duyên và liên tục sanh, lại chẳng phải duyên này nghĩa là: Phiền não nghiệp nhiễm ô như trước đã nói. Kia như thế thanh tịnh và bất tịnh nghiệp, tới lui chúng sanh, cứ thế trên dưới liên tục mà sanh. Nếu chẳng phải nghiệp này tức chẳng tạo ra duyên, nếu không là như vậy tức chưa tạo xong mà đến và nếu tạo xong rồi lại mất. Không duyên chính có nầy, nghiệp báo thọ đầy đủ nghĩa là: Nếu do những việc này là tính bất tịnh nghiệp, có báo thọ dụng tức tự tánh ấy là không. Gốc không có ngã tạo duyên phát sanh, tự tánh kia không. Lại cũng nên rõ biết, nghĩa kia bây giờ liền nói lược qua.

Mười hai phần sai biệt

Trước đã nói duyên sanh

Phiền não nghiệp khổ kia

Trong ba như pháp nhiếp

Vô minh làm đầu, lão tử ở cuối. Đây là 12 phần duyên sanh sai biệt như trước đã nói, trong ấy có ba thuộc phiền não, hai thuộc nghiệp, bảy thuộc về khổ. Tất cả đều nhiếp vào nhập.

Trong ba sanh làm hai

Trong hai sanh làm bảy

Trong bảy lại sanh ba

Cỗ xe chuyển như thế

Vô minh, khát ái, thủ là ba loại chỗ để sanh. Hành, hữu hai loại là hai chỗ sanh. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử gồm bảy phần và trong bảy phần ấy như đã nói ở trước. Sanh lại làm ba loại, ba kia lại thành hai, hai này lại là bảy. Cho nên hai loại lần lượt chẳng diệt. Điều này như chiếc xe, cứ như thế mà chuyển.

Nhân quả các cõi đời

Chẳng riêng có chúng sanh

Chỉ là nơi pháp không

Lại tự sanh không pháp

Nhân quả các cõi đời chẳng riêng có chúng sanh nghĩa là: Vô minh, hành, khát ái, thủ, hữu năm loại này gọi là nhân. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử bảy loại này gọi là quả. Những thứ này thường hay phổ biến trong cuộc đời, nếu ta, chúng sanh, thọ mạng và sự sanh kia cùng với phàm phu hay người hoặc kẻ tạo tác. . . những cái này lấy làm đầu, rồi lần lượt phân biệt những điều này chỉ là hư dối, như thế nên rõ biết. Kia sanh như thế nào? Chỉ là từ nơi pháp không rồi trở lại tự tánh không pháp. Nghĩa là trong tự tánh không ấy giả danh phiền não nghiệp quả. Chỉ có riêng không, giả gọi. Phiền não nghiệp quả pháp sanh, đây là nghĩa này

Tịch duyên sanh phiền não

Tịch duyên lại sanh nghiệp

Tịch duyên lại sanh báo

Không một chẳng có duyên

Nếu có phiền não tức có nhiều loại nghiệp khác nhau, rồi nhiều loại nghiệp sanh ra quả báo. Tất cả những thứ kia đều cùng nhân cùng duyên, nên rõ biết điều này. Chẳng có một nơi nào mà không có nhân duyên vậy. Lại vì muốn rõ nghĩa kia, nên bây giờ liền nói ví dụ:

Tụng đèn dấu âm kiếng

Ánh sáng cùng hạt mầm

Chúng tiếp không siêu đến

Trí nên quán hai kia

Như tụng có dạy tụng và người thọ nhận việc tụng, chỗ có dạy tụng, chẳng đến nhận tụng. Vì sao vậy? Dạy tụng nghĩa là như ở yên vậy, sự dạy tụng này lại cũng chẳng liên tục. Vì sao vậy? Tự chẳng sanh vậy, như ngọn đèn lần lượt sanh, chẳng phải là ngọn đèn đầu tiên, đến khỏi lại chẳng phải là ngọn đèn thứ hai. Không nhân mà sanh như thế ấn ấy cùng với tượng là hai loại. Mặt và gương (kiếng) là hai loại. Âm và tiếng dội là hai loại. Mặt trời cùng lửa là hai loại. Hạt giống và mầm là hai loại. Thù tạc và nước dãi là hai loại. Những điều này đều có chỗ chẳng qua đến, lại chẳng phải không sanh, lại chẳng phải không có nhân mà sanh ra hai loại kia. Khi năm thọ ấy cùng đến liên tục thì chẳng phải là thọ đầu, qua khỏi đến mà là thọ thứ hai. Lại cũng chẳng phải không sanh, lại cũng chẳng phải không nhân mà sanh ra kẻ trí. Mà những thọ này chúng tương tục chẳng khởi, mà lần lượt đến, nên rõ quán như thế.

Lại thọ dụng trong ngoài có đầy đủ 10 loại, tất cả nên thấy. Ở bên ngoài ấy có 10 loại, một là phi thường, hai là phi đoạn, ba là bất siêu đáo, bốn là vô trung gian, năm là phi bỉ thể, sáu là phi biệt dị, bảy là vô tác giả, tám là phi vô nhân, chín là niệm niệm không, mười là đồng loại quả tương phồn. Ở bên ngoài kia có chủng tử diệt không dư như: Mầm mống của không thường xuất sanh, chủng tử phi đoạn diệt, không dư ra. Mầm mống này không có và làm cho có sanh rồi chẳng siêu đáo. Kia là chỗ tương tục, chẳng có đoạn tuyệt. Nhân quả tương phồn nên không trung gian, mầm chủng tử sai biệt nên không thể có kia. Từ kia xuất sanh, nên chẳng sai biệt. Nhân duyên hòa hợp nên vô tác giả. Chủng tử làm nhân nên chẳng phải không nhân. Hạt giống, mầm, cành lá, hoa quả v.v… truyền từ sự sống nên niệm niệm đều không. Lưỡi nếm mùi vị đắng cay là tùy theo nhân sai biệt và quả chẳng đổi, giống loại quả tiếp tục lớn mạnh trong ấy.

Bên trong cũng có 10 loại, một là bên cạnh sự chết các thọ đều mất, chẳng còn dư lại cái gì, nên nói là chẳng thường. Hai là được lần lượt sanh phần các thọ nên phi đoạn. Ba là khi chết các thọ diệt không còn lại gì rồi lại sanh phồn thọ khác. Gốc không làm cho có sanh nên chẳng siêu đáo. Bốn là những thọ ấy tương tục chẳng có đoạn diệt, nhân quả tương phồn cho nên vô trung gian. Năm là khi chết sanh ra các loại thọ sai biệt nên chẳng phải thể kia. Sáu là từ kia xuất sanh nên chẳng dị biệt. Bảy là nhân duyên hòa hợp cho nên không có kẻ tạo ra. Tám là phiền não nghiệp làm nhân nên chẳng phải là không có nhân. Chín là Ca La La, Át Phù Đà Tỷ Hộ, Già Gia Đỗ Khư, xuất thai, nhân con trai, con gái, thiếu niên, người lớn .v.v. truyền truyền tương sanh, nên niệm niệm không. Mười là thành huân tập. Tùy theo nhân sai biệt mà quả chuyển xuất nên đồng loại quả tương phồn. Lại có bài kệ như sau:

Như lửa cháy chuyền sang

Thức thân cũng như vậy

Ban đầu cùng sau rốt

Lại chẳng có tụ tập

Vô sanh lại có sanh

Phá hoại vô tướng trước

Sanh rồi lại chẳng trụ

Mà do tác nghiệp chuyển

Nếu ở kia duyên sanh

Mà nên quán rõ không

Là dạy cho điều này

Kia lại là Trung Đạo

Ở trong vô minh, hành, khát ái, thủ, hữu. Đây chính là Tập đế. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử. Đây chính là Khổ đế: Trong 12 phần ấy mất đi là Diệt đế. Nếu ở nơi duyên sanh rõ biết như thật thì đây là Đạo đế.

    Xem thêm:

  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Về Đại Thừa Duyên Sanh - Luận Tạng
  • Luận Về Nhơn Duyên Bích Chi Phật - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Luận Bồ Đề Tư Lương - Luận Tạng
  • Luận Thích Ma Ha Diễn - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Thiền Ba La Mật - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ - Luận Tạng
  • Luận Về Tịnh Độ Sanh, Vô Sanh - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Sớ Luận Toát Yếu Kinh Kim Cang Bát Nhã - Luận Tạng
  • Luận Về Sự Hiểu Biết Rõ Ràng - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 3: Phân Biệt Thế Gian - Luận Tạng
  • Thành Duy Thức Luận - Luận Tạng
  • Đại Thừa Khởi Tín Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Tứ Đế - Luận Tạng