Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc An Cư

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da An Cư Sự

Đường Nghĩa Tịnh dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Hạnh

***

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế tôn cùng chúng Bí-sô an cư ba tháng mùa mưa tại trú xứ này. Khi ấy, có nhiều chúng Bí-sô ngay trong hạ này đi đến xứ khác, du hành trong nhân gian, không khéo hộ trì thân, sát hại côn trùng. Các ngoại đạo phát sinh sự chê bai, phát biểu:

– Sa môn Thích tử này không có từ bi, du hành trong mùa hạ, sát hại các loại côn trùng, không khác gì người thế tục. Các cầm thú trong bốn tháng còn ở trong hang ổ, không đi ra bên ngoài, nhưng các Sa môn trọc đầu này không chịu an cư, không biết thu nhiếp ở yên một chỗ. Họ đã không có phép tắc, ai lại đem y thực bố thí cho bọn họ.

Các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật, Phật dạy:

– Nay Ta nhân sự việc này, chế định các Bí-sô tác pháp an cư, ngay trong ba tháng ở yên một trú xứ.

Các Bí-sô nghe lời dạy này, không biết làm thế nào tác pháp an cư. Phật dạy:

– Trước hết, vào ngày mười lăm tháng năm, ngay tại trú xứ nên quét dọn thanh tịnh, dùng phân bò đắp nền, tập hợp tất cả ngọa cụ hiện có lại một chỗ, kể cả bồn rửa chân.

Sau khi đại chúng tập hợp, nên sai một Bí-sô làm người chấp chưởng ngọa cụ. Nếu người nào có năm việc thì không được sai.

Thế nào là năm? – Nghĩa là: có ái, nhuế, bố, si và không biết ngọa cụ nào nên chia hay không nên chia.

Người nào ngược với năm điều trên thì nên sai vị ấy.

Nên sai như thế này:

– Trải tòa, đánh kiền chùy, đại chúng tập họp, nói lên vấn đề, trước hết hỏi Bí-sô… có thể vì Tăng già an cư mùa hạ phân ngọa cụ không?

Vị kia đáp:

– Được.

Thứ đến, một Bí-sô trước tiên tác bạch rồi sau đó Yết-ma:

– Đại đức Tăng già lắng nghe: Bí-sô này tên… vui lòng phân ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng đồng ý. Nay Tăng già sai Bí-sô tên… vì Tăng già an cư mùa hạ làm Bí-sô phân ngọa cụ. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí sô này tên… vui lòng phân ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ. Nay Tăng già sai Bí-sô tên… vì Tăng già an cư mùa hạ làm Bí-sô phân ngọa cụ. Nếu các cụ thọ đồng ý Bí-sô tên… làm người phân ngọa cụ cho Tăng già an cư mùa hạ thì im lặng. Nếu người nào không đồng ý, nói ra.

Tăng già đã đồng ý vị tên… vì Tăng già an cư mùa hạ làm Bí-sô phân ngọa cụ. Tăng già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi thọ trì như vậy.

Phật dạy:

– Nay Ta vì các Bí-sô chế ra pháp phân ngọa cụ: Người thọ sự trước tiên vì Tăng già sắm thẻ. Sau đó, vào sáng hôm sau, trải tòa, đánh kiền chùy, trình bày vấn đề với chúng. Hai đầu thẻ nên cột hoa, rắc bột thơm, đặt trong hộp bằng tre, xông băng hương thơm, phủ vải trắng quý lên trên. Thẻ dài một gang tay, đặt trước Thượng tọa. Sau đó, tuyên bố pháp lệnh: Đại đức Tăng già lắng nghe! Ngay tại trú xứ này có chế pháp lệnh. Nếu các đại đức vui lòng an cư ở đây, không được vi phạm.

Ngay lúc này nhận thẻ. Các chúng Bí-sô, ở ngay trong hạ này không nên trách cứ lẫn nhau về phá kiến, phá giới, phá chánh hạnh, phá chánh mạng. Như những vị nhân đức nào biết co người phạm thì ngay bây giờ có thể bàn luận về việc này. Ngay trong hạ không được cùng nhau khơi dậy việc phát sinh phiền nào, làm các Bí-sô không được sống an lạc.

Khi báo cáo như trên xong, sau đó phân ngọa cụ. Sai một Bí-sô bưng mâm thẻ đi trước. Người thu thẻ bưng mâm không đi sau. Đặt một thẻ đầu tiên tại chỗ Đại sư giáo chủ. Sau đó đi đến đứng trước Thượng tọa. Thượng tọa phải bước ra khỏi chỗ một chút, quỳ xuống chấp tay thọ thẻ của mình. Sau đó nhẹ nhàng đặt thẻ lên mâm không. Thứ lớp như vậy đi, cho đến người cuối cùng. Nếu có cầu tịch tự thân không đến, thì A Giá Lợi Da, Ô Ba Đà Da đại diện lấy thẻ cho họ. Sau đó, lấy thẻ của thiên thần hộ chùa. Sau khi hành thẻ tất cả xong, nên thu số thẻ ấy, bạch đại chúng rằng:

“Ngay tại trú xứ này, những người hiện tại nhận thẻ, Bí-sô có bao nhiêu vị, cầu tịch có bao nhiêu vị?”

Bí-sô phân ngọa cụ cầm các chìa khóa, đặt trước Thượng tọa, thưa rằng:

“Đại đức, phòng số… có y, có lợi, như ngài vui lòng thì nhận”.

Nếu Thượng tọa không nhận phòng này, nên chuyển cho đệ nhị Thượng tọa.

Nếu đệ nhị Thượng tọa nhận phòng này thì giao phòng vị này đã ở trước đây cho đệ tam Thượng tọa…

Triển chuyển như vậy cho đến người cuối cùng trong chúng Tăng.

Khi đệ nhất Thượng tọa thấy đưa phòng cho đệ nhị Thượng tọa, liền đòi lại. Khi đòi lại lần thứ nhất, không nên cho. Đòi lần thứ hai cũng không nên cho. Đòi lần thứ ba, nên cho. Nhưng Thượng tọa bị tội ác tác.

Triển chuyển như vậy cho đến người cuối cùng trong chúng.

Nếu xảy ra trường hợp như trên, vị nào phạm phải bị tội vượt pháp. Căn cứ ở trên thì rõ.

Nhưng ngay tại trú xứ có phòng xá, đều nhận hết, Bí-sô khách đến, không còn phòng để phân, Thế tôn dạy rằng:

– Nên lưu lại một phòng cùng với ngọa cụ dự phòng cho Bí-sô khách.

Khi ấy, các Bí-sô giữ lại phòng dưới cổng, bên dưới hiên, bên thềm trước nhà, đường đi bộ… để cho Bí-sô khách, Phật dạy:

– Không được để chỗ dưới cổng, lối đi, v.v… cho Bí-sô khách, hay là nơi chim chóc ở, không phải chỗ ở của người.

Phật dạy:

– Nên khiến một Bí-sô biết lợi dưỡng của Tăng già, lưu lại một phòng riêng, an trí ngọa cụ, nhưng Bí-sô này phải tự giữ gìn vật dụng đã có. Lại nên xem xét trùng và tổ ong. Ong ra khỏi tổ thì nên bỏ đi. Ong con còn trong tổ thì treo tổ lên, an trí nơi khác, chúng trưởng thành tự bay đi.

Có khách Bí-sô đến, nên cấp ngọa cụ. Nếu ít người thì mỗi người một cái. Nếu nhiều người thì hai người dùng chung một cái. Hoặc ba người dùng một cái.

Có các Bí-sô kỳ túc, được cấp nệm lớn, dày, di chuyển rất khó, không biết phải làm thế nào, Phật dạy:

– Nếu Bí-sô kỳ túc không thể di chuyển, có Bí-sô trẻ nên khiến làm y chỉ.

Sau khi phân ngọa cụ xong, nên bảo rằng:

“Không có vật lót, không nên nằm. Cũng không nên dùng vật nhỏ, bẩn mồ hôi, hư nát, mỏng manh… để thay vào ngọa cụ của Tăng”.

Người thọ sự tuần phòng xem xét, thấy ai làm việc phi lý, căn cứ vào sự việc mà trị phạt. Nếu là người còn nhỏ, nên nói với hai thầy của họ để khiển trách.

Bí-sô xem xét phòng xá, vào ngày mười lăm mỗi tháng phải tuần phòng quan sát. Nếu thấy người nào thọ dụng ngọa cụ không như pháp thì bạch đại chúng biết, thu ngọa cụ lại, lại còn trị phạt. Nếu những người còn y chỉ thì bảo với thầy họ thu ngọa cụ lại.

Khi đại chúng hòa hợp vân tập lại, nên bạch rằng:

– Này các cụ thọ, nay tại trú xứ này có số người… như thế này, sẽ y cứ vị tên… làm thí chủ. Y vào thôn xóm… làm chỗ khất thực. Lấy vị tên… làm người doanh sự, vị tên… làm người xem bệnh. Ngay tại trú xứ này tác pháp an cư.

Khi ấy, các Bí-sô nên xem xét những nơi thôn xóm khất thực ở lân cận. Sau khi xem xét, tâm tình vui vẻ, nên tự nghĩ rằng: “Ta ở trú xứ này, an cư ở đây cùng với các vị đồng phạm hạnh, không sinh ưu não; nếu có phát sinh, mau trừ diệt. Những sự an lạc chưa sinh, làm cho sinh; đã sinh, làm cho phát triển. Những chỗ thôn phường khất thực, không sanh lao khổ. Nếu ta bệnh hoạn có người giúp đỡ, cung cấp thuốc men cho ta. Sự cần dùng về ăn uống đều được đầy đủ”.

Sau khi suy nghĩ như thế, Bí-sô nên vào chỗ thuận tiện, đối trước một Bí-sô đầy đủ uy nghi, tùy tuổi hạ mà làm lễ, ngồi xổm, chắp tay nói rằng:

– Cụ thọ ghi nhớ cho, hôm nay ngày mười sáu tháng năm, an cư mùa hạ. Tôi, Bí-sô tên… ngay trong cương giới của trú xứ này tiền an cư ba tháng mùa hạ, lấy người tên… làm thí chủ, người tên… làm doanh sự, người tên… làm người xem bệnh. Ngay trong hạ này, tôi an cư ở đây.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Bí-sô đối thủ kia nên nói:

– Thiện.

Đáp:

– Lành thay!

Nếu có nhân duyên không kịp tiền an cư, cho phép hậu an cư, căn cứ tiền an cư mà tiến hành. Đã an cư rồi, ban đêm không được ra khỏi cương giới. Nếu có nhân duyên cần phải ra khỏi cương giới về đêm, không được ở lại suốt đêm bên ngoài.

Bấy giờ, trong thôn Tượng có trưởng giả tên là Ưu Đà Diên, gia đình giàu có, tài sản rất nhiều. Khi ấy, trưởng giả đem y phục và thức ăn trong nhà để riêng vào một kho, chuẩn bị để cúng dường Bí-sô Tăng già.

Trưởng giả đưa tin đến thành Thất La Phiệt thỉnh các Bí-sô Tăng già: Tại thôn tên… có trưởng giả tên… thưa như thế này: “Trong gia đình của con có nhiều y phục, thức ăn, nay muốn cúng dường Đại đức. Ngưỡng mong từ bi thu nạp”.

Các Bí-sô bảo với sứ giả:

– Nhà của trưởng giả ấy cách đây gần hay xa?

Đáp:

– Đến đó xa hơn ba du-thiện-na.

Các Bí-sô đều suy nghĩ:

– Đến đó xa quá. Chúng ta muốn đến, không biết chiều có về kịp không?

Họ đều nói:

– Đến đó xa quá, không thể về kịp trong buổi chiều. Thế tôn chế định cho chúng tôi an cư, không được ở đêm bên ngoài cương giới.

Không biết phải làm thế nào, do đó họ không đi.

Bấy giờ, bên cạnh thôn Tượng có Bí-sô ở riêng an cư tại nơi đó. Vị này được thọ thỉnh, vị này được nhiều y phục, thực phẩm. Sau khi mãn an cư ba tháng mùa hạ, vị này mặc y, mang bát đến thành Thất La Phiệt, từ từ du hành, đến một chùa trong thành. Các Bí-sô trong chùa ra nghênh tiếp, đỡ lấy y bát an trí trong phòng.

Chủ nhân hỏi:

– Thầy từ đâu đến? An cư ở đâu?

Đáp:

– Chúng tôi ở bên cạnh thôn Tượng, an cư xong ba tháng, từ đó đi đến đây.

Chủ nhân hỏi:

– Quý thầy an cư có được hòa hợp, khất thực được dễ dàng không?

Đáp:

– Chúng tôi an cư ở đó rất là an lạc; y phục, thực phẩm rất đầy đủ, không khổ cực gì cả.

Hỏi:

– Tại sao quý thầy an cư ở đó có y thực đầy đủ, không thiếu thốn vậy?

Đáp:

– Bên cạnh trú xứ ấy có một tụ lạc, gọi là Tượng thôn. Trong thôn có trưởng giả tên Ưu Đà Diên rất giàu có. Với tín tâm sâu, làm phước nghiệp ấy, mang nhiều thức ăn uống và y phục đến cúng dường, vì vậy nên rất đầy đủ.

Khi ấy, các Bí-sô nói rằng:

– Nhưng trưởng giả kia cũng từng đến đây thỉnh.

Lại hỏi Bí-sô khách:

– Đến đó xa bao nhiêu?

Đáp:

– Ba du-thiện-na.

Họ tự nghĩ: “Nếu đến chỗ kia, sợ đêm không trở lại được. Thế tôn không cho phép trong an cư được ở đêm bên ngoài cương giới”. Do đó họ không đi.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật tự nghĩ: “Đệ tử Thanh văn của Ta tuy không có tâm tham trước đối với y thực, nhưng để cho họ an trú lợi lạc, lại làm cho thí chủ được thọ hưởng phúc, nên cho phép ra ngoài bảy ngày để dự việc mời thỉnh”.

Nhân đó, Phật tập hợp Tăng già, bảo các Bí-sô rằng:

– Trong thời gian an cư, nếu có việc cần phải ra ngoài cương giới, nên cho phép đi từ một ngày đến bảy ngày.

Phật cho phép đi, nhưng Bí-sô không biết những việc gì được đi, đem sự việc bạch Phật, Phật dạy:

– Đây là việc thuộc cận sự nam, cận sự nữ, Bí-sô, Bí-sô ni, Thức xoa ma na, cầu tịch nam, cầu tịch nữ…

Các Bí-sô không biết thế nào là các việc thuộc cận sự nam, v.v… , Phật dạy:

– Nếu trong nhà cận sự nam có việc, họ mặc y phục, sắp đặt thức ăn uống, sai người đến mời các Bí-sô:

“Ngưỡng mong Thánh giả đến thọ cúng dường”.

Đây gọi là cận sự nam sự. Nên đối trước một Bí-sô, ngồi xổm, chắp tay thọ trì pháp đi bảy ngày. Đây là duyên sự thuộc cận sự nam.

Nếu cận sự nam muốn cúng dường các Bí-sô ngọa cụ các vật và các loại y thực, gọi Bí-sô:

“Ngưỡng mong Thánh chúng từ bi thọ y thực của con”.

Phật dạy:

– Bí-sô nên thọ trì pháp đi bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là duyên sự thuộc cận sự nam.

Nếu có cận sự nam vì các Bí-sô không có ẩm thực nên làm ra các món ăn uống ngon, đến mới Bí-sô, Phật dạy:

– Được thọ trì pháp đi ra ngoài cương giới trong bảy ngày. Đây gọi là cận sự nam sự

Lại có cận sự nam xây cất tháp, muốn đặt đà-đô (?) và sắp đặt các loại hương hoa, đến thỉnh Bí-sô:

“Ngưỡng mong Đại đức hỗ trợ công đức của con”.

Phật dạy:

– Bí-sô nên thọ trì pháp bảy ngày để đi. Đây gọi là vì cận sự nam cùng Phật sự.

Lại có các cận sự nam xây cất tháp, an trí tướng pháp luân, hoặc tràng phan, lọng, hoặc đem các loại đàn hương, uất hương, v.v… cúng dường tháp, cùng đem ẩm thực, y phục cúng dường, đến thỉnh Bí-sô. Phật dạy:

– Nên thọ trì pháp bảy ngày để đi. Đây gọi là cận sự nam sự.

Hoặc có cận sự nam ghi chép kinh để tu học, hoặc chép luận để tu học và những lời Phật dạy. Khi chép xong, muốn thiết cúng dường, đến thỉnh Bí-sô, Phật dạy:

– Nên thọ trì pháp bảy ngày để đi. Đây gọi là cận sự nam sự.

Nếu cận sự nam đối với giáo pháp tóm lược, có các nghi ngờ không quyết đoán được, muốn hỏi Bí-sô về ý nghĩa các câu pháp, họ xếp đặt món ăn uống, đến mời Bí-sô để trừ sự nghi ngờ. Bí-sô được thọ trì bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là cận sự nam sự và pháp sự.

Nếu cận sự nam bỗng nhiên sinh tà kiến, không tin nhân quả, đến thỉnh Bí-sô để trừ tà kiến. Phật dạy:

– Bí-sô nên thọ trì pháp bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là cận sự nam sự.

Nếu cận sự nam vợ có thai, sợ sinh tai nạn, muốn cho mẹ con được bình an, đến thỉnh Tăng già đ? bát cúng dường. Phật dạy:

– Bí-sô nên thọ trì pháp bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là cận sự nam sự.

Nếu cận sự nam vì bệnh hoạn, xếp đặt các món ăn uống và bố thí y phục, đến thỉnh Bí-sô, bạch rằng:

“Con bệnh, sợ phải chết, xin cúng dường Tăng già những sự việc như vậy”.

Phật dạy:

– Bí-sô được thọ trì bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là cận sự nam sự.

Thế nào là cận sự nữ sự? – Rộng như cận sự nam sự.

Thế nào là Bí-sô sự?

– Như có Bí-sô sáng tạo trú xứ cùng viên lâm cúng dường cho tứ phương Tăng già. Nhân khi khánh thành, xép đặt thức ăn uống và y phục cúng dường Tăng già. Khi họ sai người mời các Bí-sô đến, các Bí-sô nên thọ trì pháp bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là duyên sự thuộc Bí-sô.

Lại có duyên sự do Bí-sô sau khi cúng dường các Bí-sô vườn, lại cúng dường ngọa cụ, thường thỉnh và cúng dường. Hoặc vì xá lợi nên xây tháp. Hoặc vì các loại bột thơm đồ đàn, uất kim. Hoặc bố trí tướng pháp luân, tràng phan, bảo cái và xếp đặt cúng dường bốn bộ chúng, v.v… ghi chép kinh điển… Do các duyên sự trên, đến thỉnh. Bí-sô nên thọ trì bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là Bí-sô duyên sự.

Lại có Bí-sô muốn trị phạt người ác, tiến hành các pháp Yết-ma, đến thỉnh Bí-sô Tăng già đến hỗ trợ. Bí-sô Tăng già nên thọ trì bảy ngày ra ngoài cương giới. Đây gọi là Bí-sô duyên sự.

Nếu Tăng già Bí-sô muốn trị phạt người ác nên làm Yết-ma. Họ đến thỉnh Bí-sô:

“Thầy hãy đến giúp tôi”.

Bí-sô nên thọ trì pháp đi bảy ngày. Đây gọi là Bí-sô Tăng già duyên sự.

Nếu có Bí-sô bị bệnh nặng, đau đớn, sai người đến thỉnh Bí-sô:

“Hãy thuyết pháp cho tôi”, và thỉnh cùng nhau chăm sóc, Phật dạy:

– Bí-sô nên thọ pháp đi bảy ngày. Đây gọi là Bí-sô duyên sự.

Thế nào là các duyên sự thuộc Bí-sô ni?

– Bí-sô ni duyên đồng Bí-sô, trong đó có sự khác biệt như: cúng dường Bí-sô Tăng già, cúng dường pháp, khi bố thí vật và học Phật pháp, cùng với khi Thức xoa ma na nữ muốn thọ cận viên, đến thỉnh Bí-sô cùng Bí-sô ni:

“Ngưỡng mong đến cùng tôi truyền thọ cận viên cho họ”.

Khi ấy, hai chúng nên thọ trì pháp đi bảy ngày. Đây gọi là Bí-sô ni và Thức xoa ma na các duyên.

Thế nào là cầu tịch duyên?

– Đồng như pháp ở trước.

Thế nào là cầu tịch nữ duyên?

– Ngoài các điều đồng như trước, có sự khác biệt như: nếu phụ nữ đã từng có chồng – tuổi đủ mười hai và đồng nữ tuổi mười tám – thỉnh Bí-sô Tăng già:

“Xin truyền thọ sáu pháp và sáu tùy pháp cho con”

Bí-sô nên đi.

Đây là duyên sự cầu tịch nữ.

Nếu Bí-sô an cư xong, hoặc tự nghĩ: “Ta an cư chỗ này không người cung cấp thức ăn cho ta, có thể bị chết”. Hoặc có người chưa từng học kinh, cần phải học; chưa từng tập định, cần phải tư duy. Hoặc người chưa chứng, cần chứng; chưa thấy, cầu thấy; chưa đắc, cầu đắc. Nếu có các duyên trên, muốn rời trú xứ, Phật dạy:

– Không phạm, cũng không phá an cư.

Sau khi đã tác pháp an cư, bỗng nhiên sinh bệnh chết, biết không có thầy thuốc và thuốc nên vẫn ở lại, sợ mạng sống không bảo đảm. Đây là các duyên thuộc mạng nạn để đi ra ngoài. Phật dạy:

– Không phạm, cũng không phá an cư.

Nếu Bí-sô đã tác pháp an cư, có bệnh phát sinh, tuy có thuốc thang nhưng không có người xem bệnh, sợ bị chết, Phật dạy:

– Cho phép đi, không phá an cư.

Nếu Bí-sô tác pháp an cư xong, có người nữ đến chỗ ở của Bí-sô, nói rằng:

“Tôi có phụ nữ trẻ và nô tỳ, muốn cúng dường cho Đại đức”.

Bí-sô tự nghĩ: “Nếu ta không bỏ đi, sợ mất phạm hạnh và mạng nạn…sẽ phát sinh”.

Đây là các duyên thuộc phạm hạnh nạn… Phật dạy:

– Không phạm, cũng không phá an cư.

Nếu có các duyên thuộc đàn ông, huỳnh môn, căn cứ trên thì rõ.

Nếu Bí-sô đã tác pháp an cư, thấy có nữ nhân, sinh dục tưởng, không thể ngăn chận phiền não, sợ mất phạm hạnh, cũng nên bỏ đi nơi khác.

Nếu Bí-sô tác pháp an cư xong, thấy có vật ở chỗ kín, liền tự nghĩ: “Ta ở đây sợ sẽ không giữ được tâm mình, sẽ lấy vật kia”, Phật dạy:

– Đi chỗ khác không có tội.

Nếu Bí-sô trong lúc an cư, bỗng nhiên có bà con quyến thuộc đến can ngăn Bí-sô ở đây, Bí-sô cơ hiềm, đi ở nơi khác. Như ở trước, không có lỗi.

Lại nữa, Bí-sô có nam nữ, bán trạch ca, v.v… đến thỉnh an cư, sau khi đã thọ thỉnh, nhưng thí chủ này – hoặc mắc nợ vật của người khác, hoặc sát hại người khác, hoặc cướp tài vật của người khác, hoặc ở ngay tại trú xứ có cọp, sói, sư tử, các loài ác thú, các nạn… đến khủng bố thí chủ, thí chủ hoặc bỏ chạy, hoặc bị chết, khi ấy Bí-sô kia tự nghĩ: “Thí chủ này thỉnh ta an cư, lại phát sinh các tai nạn như trước. Nay ta ở đây, hoặc mất phạm hạnh, hoặc mất mạng, v.v…”, vị này rời bỏ chỗ cũ, đi đến nơi khác an cư, đồng như trước, không phạm.

Nếu gặp lúc trong trú xứ sinh ra nhiều bệnh hoạn, Bí-sô trú ở đây không được an lạc, Phật dạy:

– Dời đến nơi khác an cư. Đồng như trước không phạm.

Lại có nam nữ, bán trạch ca… đến thỉnh Bí-sô cùng tập hợp lại an cư. Nếu có vua đến bắt thí chủ kia, hoặc giết, hoặc chiếm tài vật, bấy giờ thí chủ chạy đến chỗ khác, Bí-sô tự nghĩ: “Thí chủ này gặp phải sự khủng bố, đã chạy trốn. Nếu ta ở đây, hoặc bị mất mạng, hoặc bị mạng nạn các duyên, v.v…”, vị này đi đến chỗ khác, đồng như trước không phạm.

Nếu có thí chủ đến thỉnh Bí-sô an cư, nhưng nhà của thí chủ này bỗng nhiên bị hỏa hoạn, có khi bị chết, có khi phải chạy đi, Bí-sô tự nghĩ: “Thí chủ này bỗng nhiên bị hỏa hoạn, hoặc chết, hoặc chạy đi, ta ở đây một mình, sợ bị hoạn nạn hay phạm hạnh nạn”, đi đến chỗ khác, như trước không phạm.

Nếu có thí chủ đến thỉnh Bí-sô tác pháp an cư, tại trú xứ này ẩm thấp, nhiều nước, sợ sau này sinh bệnh, đi đến nơi khác an cư, đồng như trước không phạm.

Nếu có thí chủ đến thỉnh Bí-sô an cư, nhưng ở tại trú xứ này có lời nói dèm pha:

“Cần gì phải cạo đầu ở đây, chịu các đói khổ, ở trong rừng, dưới gốc cây… Hãy trở về nhà, làm các phước nghiệp, không cần xuất gia”.

Bí-sô tự nghĩ: “Nếu ta ở đây lâu, hoặc mất phạm hạnh”. Nếu có duyên sự này, cho phép bỏ đi, không tội.

Bí-sô đang an cư, hoặc có vua ra lệnh bốn loại binh đến trú xứ này bắt Bí-sô. Họ nói rằng: “Phải tuân theo việc lao dịch như thế tục”

Hoặc bắt hoàn tục, hoặc bắt lấy vợ, hoặc đoạt lấy y bát, hoặc làm các việc não hại khác… Nếu có các mạng nạn như vậy xảy ra, được phép bỏ đi ngay lúc ấy, không phạm và cũng không phá an cư.

Bí-sô ở trú xứ của mình, có nam tử, nữ nhân, bán trạch ca đến thỉnh Bí-sô an cư và cung cấp y phục, thực phẩm. Sau đó, vì nạn vua đến, v.v… đều tự bỏ chạy, không người cung cấp. Do duyên sự này, Bí-sô muốn đi đến trú xứ khác, không phạm.

Bí-sô đang an cư, có giặc đến trộm bò, dê, v.v… và sát sinh, làm các việc phi pháp. Họ đến chỗ ở của Bí-sô, nói rằng:

“Các người hãy đi nơi khác, ta muốn ở đây”.

Nếu có ác tặc như vậy đến ở trong chùa, não loạn Bí-sô, nên bỏ đi ngay, không phạm.

Nếu Bí-sô y chỉ nam nữ, hoàng môn, v.v… để an cu. Bấy giờ thí chủ kia bị người khác bắt giữ, oan gia trói buộc, phi nhân khủng bố, nên họ chạy sang nơi khác, nhân đó họ qua đời. Khi ấy, các Bí-sô tự nghĩ: “Ta an cư ở đây có những hoạn nạn như vậy, lại không có thí chủ, do nhân duyên này, làm khiếm khuyết phạm hạnh của ta”. Vì nạn duyên của Sa môn, đi đến trú xứ khác, không bị tội phá an cư. Chỗ mới đến, được phép an cư thì nên tác pháp an cư ở đấy, không nên ra ngoài cương giới.

Lại nữa, nếu trước đây là trú xứ của phi nhân, Bí-sô tác pháp an cư ở đây, có những kẻ già trẻ không hiểu biết, vào trong chùa phóng uế bất tịnh, không thể thân cận; lại gần sông nước, nước lụt dâng lên cao làm tổn thất y vật, tài sản của thí chủ, hoặc chết, hoặc bỏ đi, Bí-sô tự nghĩ: “Thí chủ này gặp phải tai nạn nước lụt. Nếu ta ở đây, tất có sinh ra mạng nạn, phạm hạnh nạn”. Bí-sô bỏ đi nơi khác, như trước không phạm.

Nếu có Bí-sô đang an cư, thấy có Bí-sô dạy Bí-sô khác hoặc tự làm các việc phá Tăng già, hay khuyến khích mọi người và tạo ra các phương tiện phá Tăng. Bấy giờ Bí-sô kia tự nghĩ: “Nay tại trú xứ này hiện có việc phá Tăng già. Nếu ta an cư ở đây, nhưng Bí-sô kia muốn phá Tăng già, hoặc ra lệnh ta phá, hoặc khuyến hóa ta phá và tạo ra các phương tiện…”.

Vị này lại tự nghĩ: “Nay nếu ta dùng lời lẽ thiện để khuyến hóa, họ tất không nghe theo, lại đối xử xấu với ta. Nếu ta ở lâu tại đây, sự việc như trên sinh ra thì những điều ta đã học được trước đây tất nhiên mất hết. Những điều ta chưa học, không thể tiến bộ được. Ta không nên ở đây nữa, nên đi đến chỗ khác”.

Vị này đến an cư chỗ khác, như trước, không phạm.

Nếu Bí-sô đang an cư, nghe có Bí-sô muốn làm việc phá Tăng. Bí-sô ấy lại là thân hữu tri thức của mình, vị này tự nghĩ: “Nếu ta nhận lời họ, sợ có việc phá Tăng thì mắc tội. Nếu ta không nhận lời, họ lại là tri thức của ta”. Vị này nên thọ trì bảy ngày đi ra ngoài cương giới. Nếu đủ bảy ngày nhưng sự việc chưa chấm dứt, quá bảy ngày ở ngoài cương giới không bị tội. Nếu không bỏ đi, bị tội vượt pháp.

Nếu có Bí-sô nghe Bí-sô nói: trú xứ kia ba tháng an cư được nhiều lợi vật, Bí-sô này lại muốn an cư nơi đó. Lại có Bí-sô nói: “Ở trú xứ này cũng có nhiều lợi dưỡng. Đằng kia được lợi dưỡng cũng như ở đây, không nên đến trú xứ kia làm gì”. Bí-sô này an cư ở đây không được lợi dưỡng. Bí-sô nói trước bị tội vượt pháp.

Nếu có Bí-sô nghe Bí-sô khác nói: tại trú xứ có chỗ an cư tốt, Bí-sô này liền đến trú xứ ấy. Sau khi vị này nhận thẻ xong nhưng không được phân lợi vật. Bí-sô nói trước bị tội vượt pháp.

Nếu có Bí-sô nghe các Bí-sô nói: trú xứ tên… có chỗ tiền an cư ba tháng. Bí sô nghe thế, liền đến trú xứ kia. Sau khi thọ thẻ, không được phân ngọa cụ, cũng không thể ở được, Bí-sô nói kia bị tội đột-sắc-ngật-lý-đa.

Nếu có Bí-sô nghe Bí-sô nói: tại trú xứ tên… có chỗ tiền an cư ba tháng. Vị này đến đó, sau khi thọ thẻ, được phân ngọa cụ xong, lại theo hành động khác, đến ở trú xứ khác, lại không chịu an cư, bị tội ác tác, không thành an cư.

Nếu Bí-sô nghe Bí-sô nói trú xứ tên… có chỗ tiền an cư ba tháng, vị này liền đến đó, cùng nhau thọ thẻ, phân ngọa cụ. Tác pháp an cư xong, tự có duyên sự, không thọ trì pháp bảy ngày, tự tiện đi ra ngoài cương giới, không thành tiền an cư, bị tội ác tác.

Nếu có Bí-sô nghe Bí-sô khác nói rằng: “Tại trú xứ tên…. có tiền an cư ba tháng”, liền đến chỗ kia. Sau khi đến nơi, thọ thẻ, phân ngọa cụ xong, an cư ở đó; có duyên sự, thọ trì bảy ngày ra ngoài cương giới.

Trú xứ tên… lại không chịu an cư ba tháng.

Do vì người nói trước mắc tội đột-sắc-ngật-lý-đa. Bí-sô thọ trì pháp bảy ngày, quá bảy ngày không trở lại, phá an cư.

Sáu pháp tiền an cư này không khác pháp hậu an cư, đều căn cứ tiền an cư thi hành. Chỉ nói khác đi là: hậu an cư ba tháng. Ngoài ra như đã thuyết minh rõ trong sách Nhất Yết Ma.

    Xem thêm:

  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ-Nại Da Tạp Sự (trọn bộ 40 quyển) - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 2. Tạp Sự - Luật Tạng
  • Các Cấp Độ Của Giới Pháp - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 4 – Lời Cảnh Giác Và Khích Lệ Của Thiền Sư Quy Sơn - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 39 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1C - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1B - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Bật Sô Ni Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Yết Sỉ Na Y - Luật Tạng