(PPUD) Ngày 26.11, báo The New York Times đưa tin giới khảo cổ vừa khai quật một ngôi đền cổ ở trung tâm khu vực vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) thuộc Nepal được cho là vị trí chính xác nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh.

Lâu nay, giới chuyên gia và các phật tử tin rằng Lâm Tì Ni là nơi Đức Phật ra đời, nhưng chưa thể khẳng định vị trí chính xác.

Công trình khảo cổ của GS Robin Coningham thuộc ĐH Durham ở Anh và cộng sự đã chỉ rõ vị trí một ngôi đền tại vườn Lâm Tỳ Ni vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Phát hiện này là bằng chứng đầu tiên giúp xác lập mối liên hệ giữa cuộc đời Đức Phật và khởi nguyên của đạo Phật với niên đại cụ thể.

Phát hiện ngôi đền cổ được cho là nơi chính xác Đức Phật đản sinh

Khách hành hương đến cúng bái ở đền cổ nơi được cho là Đức Phật ra đời. Ảnh: National Geographic

GS Coningham cho biết: “Có rất ít bằng chứng khoa học về cuộc đời của Đức Phật, ngoại trừ nguồn văn bản và khẩu truyền nên chúng tôi nghĩ tại sao không nhờ vào khảo cổ học để cố gắng trả lời những câu hỏi về truyền thuyết đản sinh của ngài.”

Phát hiện ngôi đền cổ được cho là nơi chính xác Đức Phật đản sinh

Di tích khảo cổ được phát hiện tại Lumbini (Vườn Lâm Tì Ni) – Theo NYTimes

Theo truyền thuyết, Hoàng hậu Maya Devi hạ sinh Phật khi bà vịn vào một cành cây trong vườn Lâm Tỳ Ni. Ông Coningham và cộng sự khai quật nơi này và phát hiện tàn dư của cơ cấu kiến trúc bằng gỗ mà trước đây chưa từng được biết đến trong khu vực Đền thờ Maya Devi ở Lâm Tỳ Ni.
Ông Coningham nói: “Điều thú vị là chúng tôi xác định được những mảnh ngói, tất cả đều nằm ở phần rìa xung quanh của ngôi đền chứ không ở vị trí trung tâm và điều đó chứng tỏ có gì rất dặc biệt quanh trung tâm ngôi đền. Khi chúng tôi bắt đầu khai quật thêm chúng tôi phát hiện một ngôi đền khác cổ hơn nằm bên dưới”.

Phát hiện ngôi đền cổ được cho là nơi chính xác Đức Phật đản sinh

Công trình khảo cổ này cũng xác nhận sự hiện diện của rễ cây cổ nằm bên dưới không gian mở tại trung tâm cơ cấu kiến trúc mới được phát hiện. Những mẫu than và hạt cát được xét nghiệm để xác định niên đại của cơ cấu kiến trúc gỗ bên dưới cũng như kiến trúc bằng gạch ở bên trên.

Kiến trúc cổ nhất còn tồn tại ở vườn Lâm Tỳ Ni nơi được đông đảo Phật tử trên thế giới đến chiêm bái hiện nay được xây dựng từ thời vua Asoka (A Dục), khoảng thế kỷ thứ III trước Công Nguyên.

(Theo NewYork Times)