Hỏi: Phước đức và công đức khác nhau như thế nào?
Đáp:
– Phước đức là những việc làm lành thiện được làm ở bên ngoài hình tướng như bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp ích cho mọi người…
– Công đức là sự xoay nhìn lại nội tâm, dùng trí sáng suốt, thấu rõ sự thật, dứt trừ mê lầm phiền não.
Hiện có rất nhiều người tuy làm phước rất nhiều, nhưng vì chưa có sự tu tập trí huệ, cho nên vẫn còn bị khổ đau phiền não chi phối. Hoặc có khi bám chấp vào những việc phước thiện đã làm của mình và làm gia tăng phiền não.
Tuy tu tập phước báo ở bên ngoài là một điều tốt, nhưng chưa thể giúp mình thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Chỉ có người biết tu tập công đức mới có thể vượt thoát sinh tử. Hơn nữa, tuy phước báo ở bên ngoài trợ giúp rất nhiều cho sự tu tập nội tâm, nhưng không thể vì đó mà có được công đức.
Khi xưa, tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ vượt biển sang Trung Quốc nhằm vào thời vua Lương Võ Đế. Ông ta nổi tiếng là người rất sùng mộ đạo Phật. Ông đã đem rất nhiều tiền của để cất chùa, dựng tháp, in ấn kinh điển cũng như giúp đỡ Tăng Ni xuất gia tu hành và làm rất nhiều việc phước đức khác. Khi nghe tin Tổ từ phương xa đến, ông bèn cho thỉnh vào cung để đãi tiệc. Vì muốn Tổ biết rằng ông đã làm được nhiều việc có ích cho Tam Bảo, cho nên ông đã hỏi:
– Bạch Hòa thượng! Trẫm đây in kinh, tạo tượng, xây chùa, dựng tháp, độ cho Tăng Ni xuất gia rất nhiều. Như vậy có công đức chăng?
Tổ đáp:
– Không có công đức.
Nhà vua hỏi thêm:
– Thế nào là công đức?
Tổ chỉ đáp:
– Tự tánh thanh tịnh, lặng lẽ trong sáng, không thể đem những việc làm hữu vi, hữu lậu ở bên ngoài mà tìm cầu.
Như vậy, nhưng việc làm phụng sự Tam Bảo ở bên ngoài của vua Lương chỉ có phước đức, mà không có công đức. Bởi vì những việc làm ở bên ngoài làm sao có thể so sánh với cái tâm tỉnh sáng, thấy rõ sự thật kia. Khi nhìn thấy các pháp đều giả dối, không còn chạy đuổi thì tâm sẽ được tỉnh sáng, tỏ rạng. Cái trí sáng, nhìn thấy mạng sống này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì liệu ai có thể cho mình? Chỉ tự mình xoay lại, nghiền ngẫm, thực hành tu tập và tự mình nhận được.
Trong kinh A-hàm, đức Phật có ví dụ: “Có người chạy rất nhanh trên đường và vì chạy nhanh, cho nên cảm thấy mệt, cho nên nghĩ là phải chạy chậm lại. Khi anh ta đã chạy chậm, nhưng vẫn thấy mệt, anh ta nghĩ là nên đứng lại. Khi đã đứng lại, anh ta vẫn cảm thấy mệt, cho nên muốn ngồi xuống. Khi đã ngồi xuống rồi, anh ta vẫn còn mệt, cho nên quyết định nằm xuống. Sau khi đã nằm xuống, nhưng sự mệt vẫn còn, cho nên anh ta nhắm mắt ngủ. Khi anh ta ngủ được rồi thì có thể trở nên rất khỏe”.
Ví dụ này dùng chỉ cho sự phóng tâm chạy nhảy khắp nơi để đi tìm thêm sự nhọc nhằn, mệt mỏi và kiếm thêm nhiều sự khổ đau, buồn bực của con người. Cho nên, khi có thể dừng được cái tâm vọng tưởng lăng xăng thì ngay chỗ đó là cảnh giới thanh tịnh, an lạc của công đức.
Không có công đức nào bằng công đức của tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn thấu sự thật. Công đức đó do chính đức Phật đã đạt được dưới cội Bồ Đề sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi yên lặng quán xét. Về sau, chư Tổ cũng tiếp nối thành tựu được công đức trí huệ bất diệt này, chẳng những mãi mãi không bị suy hao, mà càng ngày càng sáng tỏ. Ngày nay, chúng ta cũng cần phải tu từ bên trong nội tâm và làm mọi việc thiện lành ở bên ngoài là để hỗ trợ cho sự tu tập đó.
Như con chim phải có đủ hai cánh mới có thể cất cánh tung bay giữa bầu trời vô tận của hư không hoặc xe phải có hai bánh mới có thể chạy vượt đường xa ngàn dặm. Giống như con người có đủ hai chân, thì dù ở đâu cũng có thể đi tới.
Một chân tượng trưng cho phước đức và một chân tượng trưng cho trí huệ. Tu hành cũng vậy, phước huệ song tu, đầy đủ được cả trong lẫn ngoài, thì sự tu hành càng ngày càng an lạc. Người thường biết xoay lại xét nét thấy rõ thân này là tạm bợ, mạng sống chỉ trong một hơi thở là người có công đức chân thật và là bậc đại trí huệ.
Nguồn: Chùa Hoằng Pháp