Tại sao chúng ta cứ để quá khứ ám ảnh và tương lai hù dọa? Tại sao ta cứ dai dẳng đeo bám vào hận thù và đau buồn đã qua, để những xúc tình đó ràng buộc, lấn át tâm mình?

Một câu chuyện Phật giáo kể rằng vị tu sĩ nọ đi cùng một người bạn. Đến đoạn đường bùn lầy rất khó đi, họ gặp một người phụ nữ đang mắc kẹt bên kia đường, không sao qua được. Thấy vậy, vị tu sĩ quyết định giúp đỡ, cõng cô vượt qua đoạn đường lầy lội và cô gái cảm kích vô cùng. Rất lâu sau, thấy người bạn đồng hành tỏ ra hết sức khó chịu, vị tu sĩ liền hỏi điều gì đã khiến anh bạn phiền lòng. Người bạn trả lời rằng anh rất bất bình vì địa vị của một người xuất gia không cho phép vị tu sĩ cõng phụ nữ như vậy. Đó thực sự là điều không nên làm.
Vị tăng mỉm cười nhìn bạn và nói rằng: “Này sư huynh, ta đã để cô gái ấy lại bên đường từ rất lâu rồi, cớ sao anh còn mang theo đến giờ?”.

tam chung ta nhu chu ngua hoang

Chúng ta thường lưu giữ trong tâm quá nhiều chuyện đã qua và không cần thiết. Mọi suy nghĩ về quá khứ hay tương lai đều chỉ là vọng tưởng, là mộng huyễn không thực. Dù vậy, giống như khi ngủ mơ, ta chẳng hề biết mình đang mơ mà cứ ngỡ những cảnh trong mơ là hoàn toàn có thật.

Tâm ta cũng như một chú ngựa hoang, chúng ta không thể bỏ mặc mà phải điều phục, thuần dưỡng nó.

Hạnh phúc chân thật sẽ được hiển lộ khi tâm bạn lắng xuống, tĩnh tại.
Nguồn hạnh phúc ấy có thể bị che lấp bởi vô số điều tiêu cực vô minh trong quá khứ, nhưng chúng chỉ là những thứ giả tạo hời hợt, những lăng xăng tạp loạn bề mặt, tựa như viên đá ném xuống làm xao động hồ nước mà thôi.

Giờ đây, hãy để mặt nước tĩnh lặng trở lại và khi đó, bạn có thể nhìn thấu tận đáy hồ, nơi bạn phát hiện một bảo báu vô giá – đó chính là tự tính tâm, là hạnh phúc trong tâm bạn, vốn luôn chân thật, tịnh tĩnh và vô nhiễm cho dù bất cứ điều gì xảy ra.

St