Nổi tiếng bậc nhất miền Tây Nam bộ với lối kiến trúc Ấn – Hồi độc đáo, Tây An Tự nằm uy nghiêm dưới chân núi Cấm (An Giang)

Không hào nhoáng như kiến trúc của các đình đài, lăng tẩm ở những chốn kinh thành xưa, nhưng chùa Tây An mang đến du khách thập phương những cảm xúc bất ngờ.

Tây An Tự - Ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Tây Nam Bộ

Kiến trúc độc đáo

Từ thị xã Châu Đốc (An Giang) đi xe về hướng tây chừng 5km sẽ thấy núi Sam hiện ra trước mắt với độ cao khiêm tốn 248m. Nơi đây nổi tiếng với miếu Bà Chúa Xứ thu hút hàng triệu du khách thập phương đến viếng và tham quan hằng năm. Cách đó vài chục mét là ngôi chùa nguy nga với ngôi lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nổi bật. Chùa theo phái Đại Thừa, có 11.270 bức tượng Phật bằng gỗ lớn nhỏ.

Ngôi giữa là chánh điện thờ Phật, hai bên là lầu chuông và lầu trống tọa lạc trên thềm cao thoáng rộng. Đi qua công viên nhỏ ta gặp ngay tượng người mẹ bồng con miêu tả tích xưa Quan Âm Thị Kính. Trước sân chùa là hai con voi bằng ximăng lớn như voi thật, con trắng sáu ngà, con đen hai ngà.

Trước chùa có ba vọng cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, hai cửa hai bên có hai biển đề “Tây An cổ tự”, bên trong cửa là sân chùa có một cột phướn cao 16m. Bước lên bậc thềm cao vào chùa, các tượng Phật, Bồ Tát, Thánh Tiên… được sơn son thếp vàng, mỗi người mỗi vẻ, thờ kính trang nghiêm. Ngôi chùa toát lên không khí yên tĩnh, khói hương nghi ngút tạo thành vẻ huyền ảo của chốn thanh tịnh.

Tây An Tự - Ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Tây Nam Bộ

Đông Lang ở phía phải là chùa Địa Tạng Vương Bồ Tát theo kinh Địa Tạng. Tây Lang là nhà ngói rộng rãi trên nền đất cao, phía trước đặt hai tượng Quan Âm. Ở chánh điện thờ Phật theo dòng Thiền Lâm Tế, ngoài tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa còn có các tượng Di Đà, Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí và các vị Bồ Tát. Hai bên và phía trước là các vị La Hán, Bát Bộ Kim Cang, Tam Hoàng Ngũ Đế…

Phía sau chánh điện thờ các vị sư trụ trì chùa Tây An. Tượng các ngài được tạc bằng gỗ trong dáng uy nghiêm. Tượng hòa thượng Thích Bửu Thọ phía bên phải là người có công lớn trong việc trùng tu ngôi chùa, được tạc như dáng người thật đang ngồi bàn viết, tay cầm gậy trông rất sinh động. Chính giữa là điện thờ Phật thầy Tây An có pho tượng ngài đang ngồi dáng vẻ hiền triết sau làn khói hương nghi ngút.

Bên hông chánh điện là dãy tháp mộ của các vị sư trụ trì chùa Tây An được xây dựng với lối kiến trúc cổ kính, tôn nghiêm. Trong đó đáng chú ý nhất là mộ Phật thầy Tây An. Thầy tên là Đoàn Minh Huyên quê ở Tòng Sơn (Sa Đéc), sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Bính Thìn (1856), là người có tinh thần cải cách tôn giáo.

Lịch sử thăng trần

Ra đời theo lời nguyện của một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng (1820) là tổng đốc Nguyễn Nhật Ánh, ngôi chùa đã trải qua nhiều thăng trầm theo dòng lịch sử. Theo lời nguyện này, khi triều đình phái ông đi Cao Miên, ông đã khấn rằng nếu chuyến đi thành công sẽ trở về xây dựng một ngôi chùa thờ Phật ngay dưới chân núi Sam.

Lúc đầu ra đời, chùa được dựng bằng tre do vị hòa thượng Nguyễn Văn Giác, pháp hiệu Hải Tịnh, đến trụ trì. Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), chùa thỉnh thêm hòa thượng Đoàn Minh Huyên (một chí sĩ yêu nước), pháp hiệu Pháp Tang, đến trụ trì. Ông viên tịch sớm vài năm sau đó nhưng đã làm được nhiều việc như lập nhiều trang trại và đồng ruộng để khẩn hoang, sản xuất và trở thành một căn cứ chống thực dân Pháp.

Tây An Tự - Ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Tây Nam Bộ

Trong thời gian tu hành, ông miệt mài nghiên cứu và bào chế nhiều bài thuốc trị bệnh cho nhân dân rất hiệu quả. Do đó ông đã được nhân dân trong vùng suy tôn hòa thượng với pháp danh Phật thầy Tây An và được mọi người tôn kính đến ngày nay.

Năm 1847, tổng đốc Doãn Uẩn đã cho xây dựng kiên cố để cầu bình an vùng đất phía tây nam Tổ quốc. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn giới thiệu về chùa như sau: “Chùa ở định phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, nguyên tổng đốc mưu lược tướng Trung Tĩnh Tử Doãn Uẩn kiến trúc năm Thiệu Trị thứ 7 (1847).

Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng ngắt, cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh thiền lâm vậy”. Năm 1962, hòa thượng Nhất Thừa tiến hành trùng tu chánh điện và hậu tổ. Hòa thượng Bửu Thọ đứng ra vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng ba ngôi lầu cổ với lối kiến trúc Ấn Độ và Hồi giáo kết hợp với kiến trúc của dân tộc.

Ngay nay, các Phật tử gần xa hay khách thập phương đến đây cúng viếng đều được chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ của một ngôi chùa hàng trăm năm tuổi. Người xem sẽ bị choáng ngợp bởi những hoa văn, chi tiết và đường nét của nhiều lối kiến trúc đan xen nhau một cách hợp lý đã mang lại cho nơi đây những chấm phá mới lạ.

Sưu tầm