Một buổi sáng mùa xuân mềm mại dang đôi cánh màu khói hương ôm ấp ngôi chùa Hồng Ân nằm trên đỉnh đồi. Chuông chùa nhả từng giọt chầm chậm, tiếng chuông loang trong không trung như những giọt mực nhòa trên giấy thấm. Sư ông trụ trì dáng tiên phong đạo cốt, cà sa lam, mũ ni nâu, mắt lim dim, chập chờn trong ánh nến, mùi hương, say sưa thuyết pháp. Chúng đệ tử kính cẩn quì nghe kinh.
Sư Ông:
– “Thế gian duy tâm tạo” nghĩa là cái tâm của ta nó tạo ra thế gian này. Mọi thứ mà chúng đệ tử nhìn thấy, sờ thấy, nghe thấy, nếm ngửi thấy chung quanh đây đều là hư, là huyễn, là không có thực …
Chú tiểu Nguyên Bích mười hai tuổi quì ở hàng đầu tiên, nghe thầy giảng, ngạc nhiên, lẩm bẩm:
– Ủa tại sao lại có sự lạ lùng như vậy hè?
Tiểu Nguyên Bích tên thực là Hèo, mười hai tuổi, con nhà nghèo, cho vào chùa tu để kiếm cơm . Hèo lên chùa mới được mấy tháng, chưa thọ pháp Sa Di, chưa được cạo trọc, chỉ mới để chỏm, thầy ban cho cái tên Phật là Nguyên Bích. Tiểu quì mọp trước mặt thầy, trông buồn cười và tội nghiệp như con cóc ngồi chờ mối ở cửa hang. Thầy hỏi:
– Đệ tử đã lĩnh hội được chưa?
– Bạch sư phụ con chẳng hiểu chi cả!
Sư ông nhẫn nại giảng thêm ba bảy hai mươi mốt lần nữa, hỏi:
– Hiểu chưa?
Tiểu vẫn một mực thưa:
– Bạch sư phụ con chẳng hiểu chi cả!
Sư cụ nổi trận lôi đình hét:
– Ngu chi mà ngu rứa?
Tiểu bẻn lẻn cúi gầm mặt nhìn chỗ lõm trên nền đá xanh trước chính điện, ngẫm nghĩ: Nơi đây bao nhiêu năm qua, bao nhiêu con người, sớm chiều công phu tịnh độ, tu trì tụng niệm đến nỗi đá núi cũng phải mòn, huống gì ta chân ướt chân ráo vào chùa hiểu sao nổi lẽ huyền vi của đạo? Sư ông dẹp cơn thịnh nộ, đứng lên thở dài, rủ áo ra đi. Sư nghĩ: Đạo chẳng thể dùng lời. Hãy để cho đệ tử tự mình thắp lên ngọn đuốc tuệ đi tìm chân lí…
Tiểu đứng lên, ra sau trù phòng lấy đôi thùng gỗ quảy xuống suối gánh nước. Lúc này bên ngòai bảo điện trời đã sáng tỏ, có tiếng chim mai tan trong làn sương sớm. Đôi thùng gỗ rất cũ, lên nước láng bóng. Thùng làm bằng nhiều mảnh gỗ dài ghép lại bằng ba vòng mây, bôi dầu rái. Người trong chùa nói sư cụ chùa này, ngày còn để chỏm vào chùa làm tiểu, cũng đã gánh đôi thùng xuống suối. Trước đó thùng đã qua tay nhiều người, thùng có tuổi hơn trăm năm. Sư Ngô Minh nói, cặp thùng tuy nhỏ đã gánh cạn nước biển đông, công đức vô lượng. Nó cũng sắp được hóa kiếp! Sáng nay tiểu hạ sơn, nó vấp phải hòn đá đau điếng. Tiểu ôm chân xúyt xoa. Tiểu tức mình hỏi đá:
– Ngươi con cái nhà ai, vô cớ sao lại làm ta đau?
Tiểu hỏi đôi ba lần, đá ngậm câm không thưa. Tiểu nhặt đá lên ngắm nghía, chợt nhớ lời thầy “Thế gian duy tâm tạo” giật mình, vậy té ra hòn đá này là do cái tâm của ta tạo ra. Nguyên Bích lẩm bẩm, nó là con ta hèn chi ta hỏi nó con cái nhà ai nó chẳng trả lời. Ôi cái tâm của ta sinh ra đứa con chết tiệt, nó đã hại ta rồi! Tiểu cầm đá lên nói:
– Mầy là đá cuội, mầy do tao sinh ra, mầy lại hại ta, mầy là đứa bất hiếu. Tao đặt cho mầy cái tên “Thạch phá thiên “đá chọi trời. Thôi đi đi, hãy tìm nơi tu luyện, ngày sau thóat nghiệp đá, hóa vàng, mầy đã là cục vàng, không ai để mày nằm đường …
Tiểu vung tay ném đá lên trời. Hòn cuội bay rất cao rơi xuống cốc một cái nhằm đầu tiểu đau điếng. Tiểu sờ cục u nơi trn to như cái trứng gà, ngẫm nghĩ: Nó là con ta, dù là đứa hoang đàng cũng không thể đuổi nó đi hại người khác, thôi hãy giữ nó lại mà giáo huấn. Cũng cần đổi lại tên cho nó. Từ nay gọi nó là “Đá chọi đầu”. Tiểu lấy vạt áo nâu lau đá, lận lưng, ung dung xuống núi
Rừng ban mai vui lắm. Những giọt sương lấm tấm trên chiếc lá to bảng, nắng lên sương lõang ra chạy ùa vào với nhau góp lại thành giọt nước lớn, sóng sánh màu sáng bạc chao đảo trên lớp lơng tơ óng mịn. Những giọt sương như còn lưu luyến, chẳng nở rời, đọng lại cuối lá, một lúc sau mới chịu trở về với đất. Tấm lá rùng mình vẫy tay trong cuộc chia li trong veo thủy tinh. Tiếng chim sáng nay nghe lanh lảnh, cao hơn, trong hơn, ngân dài theo con suối. Những lá khô lá vàng hóa thân làm con thuyền bập bềnh trôi theo dòng nước. Những chiếc lá xoay tròn, va vào nhau, cận kề, trò chuyện nắng mưa rồi rời nhau trong một cuộc chia li miên viễn màu lá úa. Chú tiểu thẫn thờ bên suối. Bao nhiêu sự lạ trong buổi sáng mùa xuân hôm nay còn vang vọng mãi trong đầu.”Tâm” là cái gì nhỉ? Nó có vợ có chồng hay sao mà hòai thai sinh ra những đứa con làm ra cả cái thế gian dễ chịu, dễ thương, dễ sống và đẹp như buổi mai này…
“Tâm” là cái gì mà sen vẫn là sen của muôn vàn thế kỉ bỗng trở nên xinh đẹp hơn trước con mắt của tiểu, kể từ khi sư ông giao cho tiểu săn sóc ao sen nhà chùa. Còn nữa, đứa con gái nhà cuối sơn thôn, vẫn là cô gái của một đời lam lũ lại đẹp lên kể từ khi nàng dâng hoa cúng Phật mỗi lần tiểu khất thực đi ngang qua. Tiểu tự nhủ, ôi thôi rắc rối quá, nghĩ ngợi làm chi, làm việc cái đã!
Tiểu cầm cây đòn gánh xuống nưỡc. Nước suối mai lạnh lẽo sắc như dao. Tiểu cầm đòn gánh quơ, nước suối tách ra như một vết thương một hồi sau mới khép miệng. Tiểu trầm mình, nước dâng đến đâu thanh tẩy cho hình hài tiểu sạch sẽ, đến nỗi trong ra như một khối thủy tinh, thấy cả ruột gan. thấy trái tim. Cái “Tâm” của tiểu đã sáng nhưng vẫn còn ám khói, giống như mạng nhện bao quanh cái bóng đèn trong trù phòng (nhà bếp). Phải làm cho cái “tâm” trong sáng thì nó mới sinh ra được những đứa con khôn ngoan, không như cái con bất hiếu, thứ đá chọi đầu. Tiểu biết đến khi nào cái trái tim của mình không còn vướng chút bụi mờ thì lúc ấy đạo hạnh mới viên mãn.
Tiểu lên bờ rủ nước, thấy hình hài mình nhẹ tênh, cảm như có thể quạt tay bay lên được. Ấy thế nhưng khi tiểu cúi xuống đặt cái đòn gánh lên vai thì than thầm: Ôi chao, cái gì làm cho nươc suối nặng thế này? Chẳng lẽ nước nặng cũng tại cái tâm của ta? Tiểu gánh nước lên dốc nó dần mò từng bước, bấm mấy ngón chân trần trên phiến đá rêu phong vạn cổ, mệt nhọc, thở hồng hộc. Tiểu thấy thương mình rồi thương cả chúng sinh. Trên nền đá ẩm một con sên ì ạch vác cái ngôi nhà của mình leo lên dốc, để lại phía sau con đường lấp lánh.
Tiểu bỗng nhớ lại lão Ngộ. Lão không phải là người xuất gia đi tu, lão chỉ lên chùa nấu cơm chẻ củi làm công quả. Lão này mỗi lần giá cái rìu lên bổ xuống đều đếm một, hai, ba, bốn … Lão tin khi nào lão chém được một muôn, hai ức, ba vạn, bốn ngàn, năm trăm, sáu mươi bảy cái thì thành chính quả. Sư đệ trong chùa đem việc đó ra mà cười cợt cái ý tưởng ngô nghê viển vông . Lão nói: ”Đức Thích ca từng dạy: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Cái lão già nghèo nàn dốt nát, không thuộc nửa câu kinh, nấu cơm chẻ củi chẳng lẽ không phải là chúng sinh hay sao?” Mùa Thu năm ngóai, vào một chiều lão ngồi mài cái rìu thép cho thật bén để lão chém chín lần chín tám mươi mốt cái nữa là đủ số. Khi lão nâng rìu lên chém xuống lần cuối cùng thì lưỡi rìu thép bay ra, trúng nhằm cái đầu đầy mơ mộng về một thế gian chỉ có điều tốt lành. Lão chết. Sư ông nói lão không chết, lão đã “hoá”, về miền cực lạc. Mộ của lão nằm ở sau chùa.
Bây giờ tiểu Nguyên Bích không biết quảy đôi gánh xuống suối gánh nước lên chùa như mình, mấy muôn mấy vạn đôi nước thì thành Phật? Tiểu biết đến lúc ấy dù chưa thành Phật thì bàn chân tiểu cũng đã hóa kim cương bất họai, bước trên đá lún xuống để lại dấu chân như trên đất sét nhão.
Tiểu lên đến chùa đổ nước vào hồ nuôi cá. Bầy cá ngóc đầu lên chờ mồi. Tiểu ném cho chúng mấy hạt cơm khô, cá bỏ đi. Tiểu biết cá chỉ thích con giun con dế, nhưng làm sao được, làm thế mắc tội sát sinh. Tiểu hứa với cá: ”Ta mà gánh nước đủ số thành Phật ta sẽ “độ” cho chúng mầy khỏi mang vảy và ở dưới nước. Ta cũng sẽ độ cho lòai sên vứt bỏ ngôi nhà trên lưng, sống kiếp người an nhàn tự tại như ta” Tiểu giật mình tự nhủ: Sư phụ dặn người đi tu đừng có” thương”. Cái chữ ”Ái” nó đọa con người trầm luân mãi mãi. Người đi tu phải biết “cát ái từ thân”. Hoa sen, con cá, con sên, cô gái nơi sơn thôn cũng không được phép “Ai”. Ôi chao, rắc rối quá. Đi ngủ cái đã!
Chú tiểu mang võng ra vườn chùa. Cái võng này làm bằng gai do lão Kéo bện ra. Lão này cũng là người không xuất gia, lên chùa làm công quả, không chịu qui y, không nhận pháp danh, cứ giữ mãi cái tục danh không mấy êm tai là “Kéo”. Ở chùa nhưng lão không chịu ăn chay, tối về nhà ngủ với vợ, ăn mặn. Lão thường ngồi dưới gốc cây bồ đề bện võng. Lão làm việc suốt một ngàn ngày mới xong, thực là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại kiên trì ghê gớm.Vườn chùa trồng rất nhiều cây gai. Lá gai non giã ra trộn với bột nếp làm bánh ít lá gai đen như hạt huyền, rất ngon, dùng để cúng rằm, mồng một. Thân cây gai ngâm nước tướt vỏ làm sợi. Lão Kéo xe sợi trên đùi. Sau ba năm làm việc da đùi lão dày như mo, cứng như da trâu. Làm chiếc võng xong lão chỉ có một ước nguyện: Ai nằm trên chiếc võng nầy đong đưa vài cái là có ngay giấc mơ tùy thích và rất đẹp. Lão chưa bao giờ đặt lưng mình lên chiếc võng này. Lão nghĩ mình không xứng đáng .
Tiểu Nguyên Bích móc võng dưới gốc cây bồ đề. Ngày trước Phật tổ ngồi dưới gốc bồ đề tìm ra chân lí. Ngày nay tiểu nằm dưới gốc bồ đề để thực hiện một cuộc chu du kì thú do cái “tâm” dẫn dắt. Tiểu ao ước được ngồi thuyền đi chơi trên sông. Đó là một ham muốn hòan tòan vô lí. Nơi đây cao nguyên Lang Bian, cao hơn mực nước biển cả ngàn mét. Chùa Hồng Ân cất trên một ngọn đồi cao, đất trắng khô khan như sọ người, đến nước tưới cây cũng phải gánh từ dưới suối lên, thế mà tiểu cứ mơ đi thuyền trên núi. Và thế là tiểu nhắm mắt lại để cho cái “Tâm” đưa đi trên con thuyền tưởng tượng.
Chiếc võng gai, công trình của một ngàn ngày lao động vất vả lắc nhè nhẹ, con thuyền bập bềnh trên sóng, Gió rung trên mặt nước thổi tung lên những giọt bụi li ti như sương ve vuốt da thịt chú tiểu mát mẻ vô cùng. Tiểu nghe thấy trong làn gió mát rười rượi trên sông có mùi bùn non ở hai bên bờ lau lách. Trong gíó còn chứa đựng cả mùi tanh tanh của vãy cá. Mùi mấy cái thúng chai phơi cả ngày trong nắng chang chang, bốc lên mùi cá ươn cọng với mùi dầu rái. Đến đây con thuyền đã rời bến ra giữa dòng với làn gió thổi dọc theo sông.
Nằm trên võng nó nghe được khúc hát của dòng sông, tiếng mái chèo khua nước, tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng người hò khoan và cả tiếng những người thợ mộc kéo thuyền lên bãi sửa chữa..
Xa xa từ nơi nào đưa đến tiếng khóc trẻ con nghe như từ một khoan thuyền tăm tối đầy khói thổi cơm chiều. Có một người mẹ vừa nhóm lửa vừa cho con bú. Đứa bé khóc vì khói cay mắt. Đây là kiểu thuyền dùng làm nhà, có cái chuồng heo cột bên hông, trên chuồng có anh gà trống đứng vươn cổ gáy trong ánh hòang hôn. Gần chỗ tiểu nằm có tiếng đàn bà thì thầm, nghe như mấy người phụ nữ ngồi trên bãi cát vá lưới. Họ kể chuyện những chuyến đi biển trở về cá đầy khoang, những chuyến đi gặp bão dữ không về. Ngọn gió trưa thổi vào vật dụng nào đó hình ống nghe ong ong như gió thổi vào ống tre trên thuyền dùng làm giàn phơi cá. Lại có tiếng gió xào xạc nơi bờ tre nhà chùa nghe giống như gió hai bên bờ tre chứa đầy bóng tối như mái tóc rủ ôm trong lòng một vùng nước xanh đậm, chảy lờ đờ đầy lá tre khô. Có tiếng người kêu ơi ới dưới đồi vọng lên. Họ nói gì nghe không rõ nhưng rất giống với tiếng người trên hai con thuyền trôi ngược nhau, chồm qua nói chuyện con nước lớn ròng, con trăng đầy vơi. Một vài gịot nước tưới cây rơi xuống khiến cho tiểu Nguyên Bích thấy mình đang nằm trên mui con đò, nước từ mái chèo khua bắn lên trong một đêm xuôi đò dọc qua khúc sông uốn quanh như cổ cò.
Chú tiểu để mình trôi tự do trên dòng sông tâm tưởng. Chú trôi đi thực xa, quay lại không còn thấy tháp chuông chùa Hồng An.
Đến chiều, cả chùa không thấy tiểu về thọ trai, huynh đệ trong chùa rất lo lắng, đi tìm. Khuya lại mọi người trở về chùa, không có tin tức, ai cũng nghĩ tiểu nhỏ người ham chơi vào rừng cọp tha mất rồi.
Đêm đó sư ông tụng kinh cầu an cho tiểu đệ tử. Gần sáng sư ông mệt mỏi quá, bỗng nhiên nghe tiếng sóng reo, tiếng mái chèo khua nước phía sau chùa. Lạ thực nơi đây đồi cao rừng xanh sông biển đâu mà có tiếng sóng? Đây chính là hiện tượng giao hưỡng tâm linh, người thế gian gọi là thần giao cách cảm. Ngài hối đệ tử thắp đuốc ra sau vườn chùa. Tới nơi thấy Nguyên Bích nằm dưới đất, trên lớp lá khô, bên cái võng đứt. Hai cánh tay hắn đưa lên khóac rất nhịp nhàng, hai chân đạp như chân nhái, miệng nghiêng về một phía thở như người đang bơi phun nước phèo phèo. Thấy sư phụ, Nguyên Bích mừng rỡ đưa tay lên vuốt mặt chưa chịu đứng lên cứ lội bơi trên cạn. Tiểu nói:
– Đệ tử ngồi thuyền thả trôi dọc dòng sông, đêm xuân trăng sáng, cực kì vui thú. Đến cuối sông gặp phải gió to sóng lớn, có con kình ngư vẫy đuôi làm đắm thuyền. Đệ tử bơi chênh chếch vào bờ.
Sư đệ trong chùa ai cũng cười ngất, bảo nó điên. Đạo hữu Diệu Không nói: ”Người ta đồn cây thị sau chùa có hồn ma cô gái thắt cổ. E có khi tiểu tăng bị ma quái hớp hồn?” Thí chủ Phong Vân lại nói cách khác: ”Chú tiểu nằm ngủ ngòai trời trúng sơn lam chướng khí đổ bệnh rồi, mau đem vô chùa hơ lửa cạo gió” Lại có người than: ”Nằm võng đong đưa từ chiều tới khuya đến nỗi đứt võng té u đầu“
Sư ông đưa tay ra đỡ, tiểu đứng lên, rũ lớp nước tưởng tượng trên người. Tiểu bước đi xiêu vẹo, hắn nói:
– Ngồi thuyền lâu say sóng chóng mặt quá!
Ai cũng tưởng nó nói xàm. Chỉ có sư ông trụ trì nét mặt vô cùng rạng rỡ. Sư ông hối đệ tử nửa đêm mở cửa ngôi chính điện, xông một lò trầm thiên niên thực thơm, thắp hai cây đại hồng lạp. Đốt một nén kì hương nghi ngút khói. Sư ông gióng ba hồi chuông trống bát nhã, mừng đệ tử học đạo đã thành./.
Quý Thể