Nhưng phải chờ đến hơn ba trăm năm sau và qua sáu vị Tổ thì đạo giác ngộ mới nở hoa kết trái. Tuy nhiên hạt giống của Tổ Bồ-đề-đạt-ma gieo trên đất Trung Hoa là kinh Lăng-già nhưng nở hoa kết trái lại là kinh Kim cang. Tại sao lại có sừ sai biệt như vậy, dù rằng cả hai bộ kinh đều do Như Lai Thế Tôn thuyết giảng.

Có nhiều nhà giải thích nhưng hầu hết đều khập khiễng không thật sự thấy biết chỉ theo tri thức lý giải mà thôi. Có nhà giải thích cho rằng nội dung của kinh Kim cang  thích hợp với đặc tính tập quán của người Trung Hoa hơn kinh Lăng-già. Cho rằng bối cảnh Thế Tôn thuyết kinh Kim cang  nó bình dị hợp với thực tế hơn, ở đó không có những cảnh giới mà nhiều nhà cho rằng đó chỉ là sản phẩm tư tưởng riêng của người Ấn mà thôi. Còn người Trung Hoa thì chất phát bình dị nên không thích hợp. Đó là một trong những lý do để cho người sau không còn thắc mắc tại sao hạt giống như thế này lại trổ hoa như thế kia.

Bây giờ hãy thử  so sánh hai bộ kinh Lăng-già và Kim cang từ bối cảnh, lời kinh cho đến nhân vật thỉnh vấn cùng thính chúng.

Kinh Kim cang  nhân vật chính là ngài Tu Bồ Đề một đại Thanh Văn A-la-hán đắc Vô Tránh Tam Muội. Trong hàng mười đại đệ tử của Thế Tôn thì ngài là bậc đệ nhất giảng không và cũng là nhân vật chính trong bộ kinh vĩ đại Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đoạn kinh Kim cang  phát xuất là ngài nhận ra oai nghi tịch tĩnh bình thường hằng ngày của Đức Thế Tôn. Ngài mong muốn được như vậy và tu hành như thế nào để được như vậy nên ngài tán thán và đặt ra câu hỏi để mong Thế Tôn chỉ bày cho ngài và những vị tỳ kheo đang hiện hữu.

Là một đại đệ tử đã từng du hành một thời gian dài theo Đức Thế Tôn chuyển pháp luân nên ngài biết rất rõ ràng về Trí Tuệ Vô Thượng của Như lai Thế Tôn. Nên tuy đối diện với Đức Như lai nhưng ngài cũng biết rằng không thể nào học thẳng  vào được cái hạnh của Thế Tôn được. Nên câu hỏi của ngài rất có chừng mực có nghĩa là ngài không dám hỏi rằng làm thế nào, tu hành như thế nào để được trí tuệ vô thượng như Như Lai Thế Tôn mà ngài hỏi qua trung gian là sự tu hành của Bồ Tát. Vì vậy câu tán thán mở đầu của ngài là: “Đức Như lai Thế Tôn khéo hộ niệm các Bồ Tát hay khéo phó chúc các Bồ Tát”.

Câu kinh: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim cang  là khởi nguồn của đạo Thiền hay gọi là Thiền Tông Đông Độ. Được ngộ ra bởi vị Tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng từ đó được truyền thừa xuyên suốt cả ngàn năm trên toàn đất nước Trung Hoa rồi lan tới Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Thiền Tông có ảnh hưởng tới mức mà người ta trong một thời gian nào đó biết Thiền Tông còn hơn là biết Đạo Phật. Nói tới Đạo Phật là nói đến Thiền Tông đôi khi nó làm lu mờ luân cả Đạo Phật chính thống .

Lăng-già là một bộ kinh Đại Thừa có trước kinh Kim cang khoảng mười lăm hai mươi năm không xác định được. Nhân vật chính trong kinh là ngài Đại Bồ Tát Đại Huệ. Sau khi du hành qua các cõi Phật ngài ghé lại núi Lăng-già, vận lòng từ bi ngài bạch hỏi Đức Thế tôn những giáo pháp vi diệu sâu xa thuộc về tám ý thức mà phải là Bồ Tát Bất Động Địa trở lên mới thấu hiểu được.

Thính chúng  trong pháp hội là những đại Bồ Tát đến từ mười phương, tất cả chư thiên từ cõi trời Sắc Cứu Cánh Phạm Thiên Đế Thích cho đến Tứ Thiên Vương. Các vị Bát Bộ Hộ Pháp có Chư Long cho đến Càn Thát Bà Vương, nói chung hầu hết thính chúng đều là những nhân vật vô hình đối với năm giác quan.

Chính ở đoạn kinh này nhiều nhà viết luận cho rằng, những màu sắc đượm màu huyền bí đó nó không thích hợp với người Trung Hoa . Người Trung Hoa chân chất thành thật không màu sắc huyền bí như người Ấn nên câu chuyện Thiền được truyền tụng như thế này: “Có một Thiền Tăng đến ra mắt vị Thiền sư xin được chỉ dạy, vị Thiền sư hỏi vị Thiền Tăng rằng ông ăn cháo chưa vị Thiền Tăng đáp “dạ rồi”, Thiền sư nói rồi thì rửa bát đi. Qua câu nói của vị Thiền sư vị Thiền tăng liền giác ngộ. Chúng ta không có một tài liệu nào nói về cách đối đáp đó đã giác ngộ được bao nhiêu người xuyên suốt lịch sử của đạo Thiền hơn cả ngàn năm.

Thế Gian hằng như mộng

Do như hư không hoa

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng đại bi tâm

Đó là bốn câu đầu trong bài kệ ngợi khen tán thán Đức Thế Tôn cộng thêm 108 câu hỏi của ngài Đại Huệ Bồ Tát đã nói lên trình độ diệu giác của ngài. Thứ nhất bài tán thán ngợi khen Đức Như Lai phải là Bồ Tát đắc Như huyễn tam muội mới thấy được. Thứ hai 108 câu hỏi của ngài nếu không phải là bậc đắc Hậu đắc trí thì không thể nào hỏi được như vậy.

Với 108 câu hỏi trong kinh Lăng-già có những câu dường như ngớ ngẩn rồi có những câu thật là tầm thường. Tầm thường đến nỗi nhiều vị tri thức không hiểu được là tại sao trong bộ kinh huyền diệu như kinh Lăng-già lại có những câu hỏi ngớ ngẩn như vậy? Thật vậy 108 câu hỏi nó làm cho nhiều nhà viết luận cảm thấy hoang mang vì đối với những vị đó thấy nó chẳng có nhiều ý nghĩa gì với bộ kinh. Có nhiều vị còn đề nghị hãy bỏ nó ra ngoài, rồi còn có những vị giải thích bằng những danh – tích để  giảm đi sự thắc mắc mà không làm sao giải thích. Có vị cho rằng vị Pháp sư mang bộ kinh qua Trung Hoa thời đó vì không thông thạo Hoa ngữ nên mới có tình trạng như vậy.

Thật ra 108 câu Bồ Tát Đại Huệ hỏi Thế Tôn trong kinh Lăng-già cũng giống như ngài Ca Diếp Bồ Tát hỏi Thế Tôn trong kinh Đại Bát Niết Bàn ý nghĩa vô cùng thâm diệu. Phải có Hậu đắc trí thì mới thâm hiểu được vì đó là Sở tri chướng tập khí nên dù có đắc được căn bản trí thì cũng đứng ở bên ngoài mà thôi.

Bây giờ chúng ta so sánh thâm nghĩa của hai bộ kinh qua câu hỏi của hai nhân vật chính là ngài Tu Bồ Đề và ngài Đại Huệ Bồ Tát.

Câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề là: ” Bạch Thế tôn khi Thiện nam Thiện nữ phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì phải an trụ tâm và hàng phục tâm như thế nào?”.

Còn câu hỏi của ngài Đại Huệ Bồ Tát khởi nguồn cho bộ kinh Lăng-già là: “Bạch Thế tôn các thức có mấy thứ sanh trụ diệt”.

Câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề là bắt đầu học hỏi để thực hành Bồ Tát đạo.

Còn câu hỏi của ngài Đại Huệ là chi tiết hỏi về Nhất Thiết Chủng.

Từ lúc bắt đầu học hỏi thực hành Bồ Tát hạnh biết được cái tâm tổng quan không trụ vào đâu cho đến thấy được cái tâm chi tiết Nhất Thiết Chủng thì không phải dễ dàng một thời gian ngắn mà thành tựu được.

Trải qua bốn đời Tổ từ Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma cho đến vị Tổ thứ tư là ngài Đạo Tín, trong thời gian đó có phát dương giáo lý Lăng-già hay không? Nếu có thì tại sao vị Tổ thứ năm là Hoằng Nhẫn lại chấp nhân kinh Kim cang ? Còn nếu không thì cần phải xét lại tiến trình chuyển đổi bao quát hơn.

Chúng ta biết tất cả kinh điển Thế  Tôn thuyết giảng chỉ có một mục đích duy nhất là dẫn chúng sanh đến bờ giác ngộ. Tuy nhiên sự giác ngộ cũng có cạn có sâu tùy theo trình độ thính chúng trong pháp hội mà Thế Tôn thuyết pháp vì vậy mỗi bộ kinh cũng có sự thâm diệu sâu-cạn khác nhau không đồng.

So sánh hai bộ kinh Lăng-già với kinh Kim cang  thì sự thâm diệu khác nhau xa lắm, lời lời trong kinh Lăng-già là chi tiết phân tích về  Nhất Thiết Chủng, nói về sở tri chướng câu sanh tập khí của bản tâm tiêu biểu như đoạn kinh sau đây:

“Như nhãn thức chuyển thì tất cả vi trần , lỗ chân lông của tất cả các căn đều sanh, các cảnh giới khác theo đó sanh khởi cũng như thế. Ví như gương sáng hiện các sắc tướng, ví như gió lớn thổi được nước biển cả thì gió cảnh giới bên ngoài thổi biển của tâm, nổi lên làn sóng thức cũng như vậy. Bởi vì tướng sở tác khác hay chẳng khác do nghiệp duyên hòa hợp sanh tướng, lại chấp trước sâu vào. Chẳng thể biểu tri tự tánh của các sắc nên cái thân năm thức theo đó mà chuyển.

Đại Huệ! Cái thân năm thứ thức kia đều do là cái biết của tướng phần đoạn sai biệt mà có. Nên biết đó là cái thân của ý thức, cái thân chuyển kia chẳng tự cho là tướng ta chuyển. Vì tự tâm hiện vọng tưởng chấp trước mà chuyển, do phần đoạn sai biệt, phân biệt cảnh giới gọi là chuyển. Như  người tu hành vào Thiền chánh định, chuyển tập khí vi tế lại chẳng tự biết lại cho là thức diệt rồi mới nhập định. Thật ra thì thức chẳng diệt mà nhập chánh định vì chủng tử tập khí chẳng diệt nên cảnh giới chuyển mà thức chẳng diệt.

Đại Huệ! Bờ bến cứu cánh của tạng thức vi tế như thế. Ngoài chư Như lai và Trụ Địa Bồ Tát ra, các Thanh văn, Duyên gác, ngoại đạo tu hành sở đắc, dù có sức trí huệ của tam muội, tất cả chẳng đo lường liễu tri được.

Vì  vậy với  kinh Lăng-già phải là Đệ Bát Địa Bồ Tát và phải chứng được hậu đắc trí thì mới thâm nhập được.

Còn lời lời trong kinh Kim cang  là Tổng quan Thế tôn chỉ cho phương pháp tu hành như thế nào an trụ tâm hàng phục tâm. Ý nghĩa chính của kinh Kim cang  là chuyển cái tâm các vị A-la-hán từ chỉ lợi mình sang tu hành Bồ Tát đạo để được lợi mình lợi người, còn không thì ngôi vô thượng chánh đẳng chánh giác không có phần.

Qua bốn đời Tổ không gieo được hạt giống Lăng-già mọc rễ trên đất Trung Hoa .

Có bốn ý kiến cho rằng”

1-    Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người Ấn nên người Trung Hoa không chấp nhận.

2-    Hai nền văn hóa tư tưởng khác nhau.

3-    Kinh Lăng-già mang nặng màu sắc Ấn Độ.

4-    Người Trung Hoa  muốn có một mối đạo riêng cho chính dân tộc họ để không còn bị lệ thuộc vào Ấn Độ dù là đạo giác ngộ.

Ý kiến thứ nhất chắc chắn là vị học giả vì vị đó giải thích theo cảm tính , còn mang nặng chấp thủ vào hình tướng, mà còn mang nặng hình tướng thì không thể nào thấy được Đạo vì vậy không nên tin vào lối giải thích đó.

Thứ hai một vị tu hành trước khi giác ngộ thì tâm vị đó đã vượt qua các pháp thế gian, không còn mang theo phong tục tập quán không còn ranh giới biên cương không còn văn hóa đạo lý riêng của một quốc gia hay đất nước nào.Nếu còn chấp thủ thì không thể giác ngộ được, vì vậy câu giải thích thứ hai cũng không chấp nhận được.

Thứ ba mang nặng màu sắc Ấn Độ ở đây muốn nói đến những cảnh giới mà không thể nhận ra bằng năm giác quan. Thông thường mỗi bộ kinh Đại Thừa trước giờ Thế tôn thuyết pháp thì luôn luôn có những vị Đại Bồ Tát pháp thân từ thập phương đến hội tụ, các chư thiên từ nhiều cõi trời chư long thần hộ pháp, vừa hộ pháp vừa nghe Thế tôn thuyết giảng. Cảnh giới đó luôn luôn xảy ra nhưng những vị tu hành không đủ pháp lực thì không thể nào thấy được. Cũng giống như thời đại bây giờ những làn sóng điện radio những hình ảnh từ vệ tinh phóng xuống bao trùm khắp cả địa cầu chúng ta đang sống. Tuy nhiên nếu không có cái radio hay cái ti vi thì không thể nào nhận được. Thật ra nếu không có các vị Đại Bồ Tát pháp thân vô hình đó thì giờ này chúng ta không làm sao có được những bộ kinh Đại Thừa mà lời luận nghị trong kinh vô cùng thâm sâu màu nhiệm. Với tri thức của thế gian thật không có cửa vào, vì vậy câu giải thích thứ ba là thô thiển chỉ bằng cảm tính và luân lí mà thôi.

Câu thứ tư cũng chỉ đúng một phần, đối với những vị thật sự giác ngộ thì không  còn phân biệt. Vì vậy đối với những vấn đề mà người thế gian bám lấy như cương thổ, phong tục, tập quán, đạo lý luân thường … không còn hiện hữu trong tâm các vị thật sự giác ngộ. Còn với những vị không thật sự giác ngộ thì việc đó xảy ra vì dân tộc tính tự tôn và cái ngã vẫn còn trong họ.

Đã phân tích nội dung thâm diệu cạn sâu của hai bộ kinh. Bây giờ đi vào phần chính vì sao hạt giống Lăng-già lại nở hoa Kim cang .

Chúng ta bắt đầu vào Tổ Bồ-đề-đạt-ma ngài là người Ấn không xuất gia. Ngài từ Ấn Độ qua Trung Hoa  với tâm nguyện là gieo hạt giống giác ngộ cho người bản xứ ngoài ra không có điều kiện gì nữa hết. Giống như ngài Đại Huệ chu du khắp tất cả cõi Phật gặp nơi nào có đủ nhân duyên phước lực thì dừng lại.

Vị Tổ thứ hai là ngài Huệ Khả  tiếp tục theo bước chân ngài Bồ-đề-đạt-ma, rồi ngài Tăng xán thứ ba và ngài Đạo Tín tứ Tổ.

Sau mấy trăm năm các ngài không thể phát huy giáo pháp Lăng-già dù các ngài tận tâm tận lực.

Trong những bộ Tịnh luận không có tài liệu nào nói về ba vị Tổ có xuất gia hay an trụ ở tự viện nào. Chỉ có ngài ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trụ ở núi Hoàng Mai và đó chính là giai đoạn chuyển từ  kinh Lăng-già qua kinh Kim cang .

Sau mấy trăm năm đủ để vị Tổ thứ năm nhận ra rằng: ” Căn cơ trình độ của con người Trung Hoa  thời đó không đủ sức lãnh giáo pháp Lăng-già”. Vì vậy ngũ Tổ Hoằng Nhẫn mới trụ lại ở núi Hoàng Mai và hạ giáo pháp Lăng-già xuống Kim cang cho hợp căn cơ của người Trung Hoa thời đó.

Không ngoài sự thấy biết của ngài ngũ Tổ và do khế lí khế cơ nên Phật Pháp phát huy nở rộ trên toàn đất nước Trung Hoa và tiêu biểu là Thiền Tông sau này.

Ở  kinh Lăng-già Thế tôn vì Bồ Tát Đại Huệ mà phân tích giảng giải về ba tự tánh đó là biên kế chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh, lấy Như Lai tạng A-lại-da-thức làm sở nhân. Phải là Bồ Tát tu đủ mười Ba-la-mật và đắc Hậu đắc trí thì mới thâm nhập được, vì nó là biến dịch tập khí vô cùng vi tế. Nó thuộc về nhậm vận khởi nó không hiện hành không gây phiền não mà nó chỉ làm chướng Thánh Đạo nó làm cho những vị tu hành không chứng được vô trú xứ  Niết Bàn.

Còn kinh Kim cang  Đức Thế tôn vì muốn chuyển cái tâm của các vị A-la-hán  sang phát tâm tu tập thực hành Bồ Tát đạo. Trình độ giải thoát của các vị A-la-hán là mới dứt được tự phiền não thô bên trong, tuy rằng chư vị đó cũng có chứng được một phần chân lý nhưng đối với Như Lai tạng tánh A-lại-da thức, ba tự tánh thì không thể nào nhận ra được. Với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà không thực hành Bồ Tát Hạnh thì không thể nào xảy ra.

Trí tuệ của Như lai không trệ ngại thấy suốt từ vô thủy tới vô chung, vì vậy kinh điển do ngài thuyết giảng dù gần dù xa dù sâu dù cạn, trình độ của thính chúng dù có thiên sai vạn biệt nhưng ý nghĩa chính không hề lệch lạc. Lời lời, chữ chữ câu câu đều chỉ dẫn cho chúng sinh quay về bờ giác thấy được tự tánh của chính mình.

Hy hữu thay Thiện Thệ -hy hữu thay Đức Thế Tôn

Câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – hay đừng trụ cái tâm vào đâu hết của kinh Kim cang  là Đức Thế tôn đơn giản hóa từ cái gốc y tha khởi tánh từ kinh Lăng-già.

Để chuyển cái tâm của chư vị A-la-hán  thì Thế Tôn không thể thuyết giống như với Bồ Tát Đại Huệ.

Các vị A-la-hán  thì bắt đầu học cái tâm đó còn Đại Huệ Bồ Tát thì thì đang hành cái tâm đó.  Đối với các vị A-la-hán thì Thế tôn thuyết về cái tâm còn đối với ngài Đại Huệ thì thì Thế Tôn phân tích cái tâm. Vì vậy từ  kinh Lăng-già qua kinh Kim cang là giáo pháp đã hạ xuống nhiều bậc rồi vậy.

Mãn Tự Thiền Sư
Thuvienhoasen