Tình thương chân thật trong đạo Bụt gọi là tứ vô lượng tâm. Vô lượng có nghĩa là không thể đo lường, không có biên giới. Ta có thể dịch tứ vô lượng tâm là bốn tâm không biên giới. Bốn tâm ấy là tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Bốn tâm không biên giới này là tình thương chân thật, là bản tính chân thật của chúng ta.
Tính chất đặc thù của bốn tâm không biên giới là tính tương tức của chúng nghĩa là trong một tâm chứa đựng ba tâm kia. Bốn tâm không biên giới chỉ là bốn khía cạnh của cùng một thực tại gọi là tình thương chân thật. Không có niềm vui (tâm hỷ) thì ta không thể làm vơi đi nỗi khổ của người khác (tâm bi). Mỉm cười với người kia thì người ấy sẽ mỉm cười lại với ta. Nụ cười của ta giúp cho người ấy thoát ra khỏi tâm tư buồn chán và trở về sự bình an để tiếp xúc với niềm vui sống. Đó là tâm hỷ đi đôi với tâm từ, tức là đem niềm vui tới cho ta và người. Tình thương phe phái, cục bộ và kỳ thị đưa tới chia rẽ, mâu thuẫn chỉ tạo ra khổ đau, cho nên nó không có khả năng đem niềm vui tới cho người.
Đặc tính thứ hai của bốn tâm không biên giới là chúng được làm bằng chất liệu hiểu biết. Không hiểu biết thì không thể bao dung, tha thứ và vui vẻ được. Muốn làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của ta và người khác thì ta phải hiểu được bản chất của nỗi khổ, tức là những nguyên nhân gây ra nỗi khổ ấy. Mẹ không hiểu rằng con không ưa mặt áo màu đỏ mà cứ ép nó mặt thì chỉ tạo ra khổ đau cho cả hai mẹ con. Một Sư Cô trẻ trong khóa tu ở chùa Diệu Nghiêm do Thầy Nguyện Hải và tôi hướng dẫn tâm sự rằng: ‘‘Con rất thích tu tập theo pháp môn của Sư Ông. Con may mắn đã đọc được một số sách của Sư Ông và có tham dự mấy khóa tu ở chùa Từ Hiếu do các thầy và các sư cô ở bên Làng Mai hướng dẫn. Mỗi khi con thực tập thiền hành ở trong chùa để an tâm trở lại và trở về với chính mình thì các sư cô lớn thường hay nói rằng: ‘‘Điệu! Bộ mi thất tình, răng mà mi đi chầm chậm như người mất hồn rứa.” Con rất là buồn. Con thấy rằng các sư cô lớn đã không hiểu được ước ao tu tập của con mà lại hiểu lầm con như rứa. Nhưng tu ở trong chùa truyền thống, con không được cãi lại và không dám biện bạch.’’
Thương là phải hiểu. Đôi khi ta nhân danh tình thương để biểu lộ tính độc tài, uy quyền của ta. Ta nghĩ rằng ta thương người ấy, nhưng sự thật ta đang làm cho người ấy bị thương. Bác sĩ biết rõ bệnh xuống tinh thần (depression) chỉ có thể dứt trừ được bằng đời sống vui vẻ, thảnh thơi và hạnh phúc, chứ thuốc Tây không thể tiêu diệt hoàn toàn được chứng bệnh này. Ông đã khích lệ bệnh nhân tập sống đời sống nhẹ nhàng và vui tươi, cởi mở để chia sẻ và tâm sự với người chung quanh. Không hiểu rằng em ta đang nóng giận mà lại đùa giỡn nên đã tạo ra sự cãi vã giữa hai anh em.
Đặc tính thứ ba của bốn tâm không biên giới là đối tượng thương yêu đồng thời vừa là tự than, vừa là những người chung quanh, bởi vì tính chất xả, tức là không kỳ thị, không phân biệt nên tình thương cho ta cũng là tình thương cho người. Nụ cười có tác dụng thư giản sự căng thẳng trong thân tâm và đồng thời giúp người khác cảm nhận được niềm vui sống. Tình thương không biên giới thoát ra ngoài ý niệm về ta, người, bạn, thù… Tình thương này rộng lớn như hư không. Hư không ôm ấp, đi vào mọi hiện tượng trong sự sống một cách tự nhiên mà không có một chút chướng ngại gì cả.
Từ là đem niềm vui cho ta và người chung quanh. Ta tập sống vui vẻ. Ta tặng cho ta nụ cười thường xuyên trong ngày. Thức dậy ta mỉm cười. Ý thức rằng ta đang còn sống, đang thở không khí trong lành của núi rừng. Đôi mắt ta vẫn còn sáng, và những tia nắng ấm áp vẫn còn trở về. Mỗi ngày là một ngày mới, là tặng phẩm quí giá của sự sống đang chờ ta sống cho sâu sắc… Tâm từ được nuôi dưỡng bằng ánh sáng chánh niệm. Sự suy nghĩ, nói năng, tâm tư, cách sống, cái nhìn… đi đôi với tâm từ sẽ trở thành một nguồn năng lượng từ tâm thấm khắp toàn thể thân tâm để nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc trong từng giây từng phút của đời sống hằng ngày.
Ta ý thức rằng đôi mắt ta vẫn còn trong sáng, mẹ ta vẫn còn sống, trái tim còn đập bình thường, hơi thở còn ngon ngọt, hai chân vẫn còn nguyên vẹn để đi thiền hành trên trái đất xanh tươi, đẹp đẽ này… Ý thức những yếu tố lành mạnh và hạnh phúc phát xuất từ tâm từ, ta cảm thấy sung sướng. Mạch nguồn từ tâm cứ trào lên khắp cả châu thân như mạch nước ở trong lòng đất phun lên nên ta cảm thấy thương yêu mọi người thật nhiều. Ta cầu mong cho người khác cũng nở được nụ cười như ta. Mong cho họ ý thức được những yếu tố tươi mát, lành mạnh và thương yêu trong sự sống như bầu trời xanh ngắt, không khí trong lành, mẹ già thân yêu, đôi mắt tinh anh, một ngày đẹp trời, một đám mây trôi, một bông hoa nhỏ… Ta cầu mong cho họ được sức khỏe, biết an trú trong chánh niệm để nếm được tình thương của sự sống mà tạo ra được niềm vui sống và biết ơn trong thân tâm người ấy. Ta gửi tâm từ trong sự cầu nguyện, ước mong và suy tư tới cho những người và mọi loài chung quanh.
Người kia đang đau khổ nên cứ cau có và lạnh lùng với ta. Hiểu rõ điều ấy ta không hờn giận mà ngược lại cảm thấy tội nghiệp và xót thương cho người ấy. Ta đã không ngần ngại chào hỏi bằng một nụ cười và biểu lộ niềm vui với người ấy. Trong khóa tu an cư Kiết Ðông năm nay, có một sư em rất vui vẻ với tôi. Những ngày đầu, anh em vui chơi với nhau thật thoải mái và hạnh phúc. Tôi rất trân quí sự chuyển hóa tốt đẹp của sư em. Tôi đã tặng cho sư em ấy một trăm đô la. Đó là cách biểu lộ tình thương của tôi. Tôi không có nhiều tiền, bởi vì bao nhiêu tiền dành dụm tôi đã cho những người nghèo khổ ở Việt Nam trong tháng trước. Một trăm đô này là tiền của một sư em khác tặng cho tôi. Nhưng sau đó, tôi không hiểu vì lý do gì mà sư em ấy trở nên lạnh lùng với tôi. Mỗi lần gặp nhau, tôi cố gắng chào hỏi và mỉm cười nhưng sư em vẫn nghiêm mặt một cách lạnh lùng và khó chịu. Phản ứng đầu tiên của tôi là không thích thái độ như thế. Tôi thầm nghĩ trong tâm rằng: con người gì mà vui buồn bất chợt, mới ngày nào đó vào phòng để uống trà và ăn bánh mà sao bây giờ tự nhiên mặt lạnh như tiền và vung vãi năng lượng nặng nề lên người khác. Tôi đã cố tránh né sư em ấy. Tôi tự hỏi mình đã làm lầm lỡ gì hay không? Lầm lỡ thì chắc chắn tôi không tránh khỏi, nhưng tôi không nhớ là mình đã từng nói hay suy nghĩ gì không tốt về sư em. Chính sư anh trụ trì đã làm chứng cho điều ấy, bởi vì sư anh ở chung phòng với tôi. Tôi biết trong quá khứ sư em này đã từng lên xuống, nóng lạnh bất thường. Người nào trong đại chúng cũng đều rõ tính tình của sư em nên tôi chỉ cảm thấy thương xót cho sư em. Người như thế chắc là hạnh phúc không trọn vẹn và bền bỉ lắm đâu!
Tâm ý ta thường hay đòi hỏi người khác phải chú ý và vui vẻ với ta. Nếu người khác không biểu lộ tình cảm và sự niềm nở thì ta tránh né họ. Ðó là tâm lý thông thường biểu lộ tính ích kỷ và tự ái. Cứ nghĩ rằng ta là người quan trọng nên mọi người phải chú ý và ngưỡng mộ đến ta. Do đó mở trái tim ra đến với người khác là sự thực tập chuyển hóa tính ích kỷ nơi ta. Sự niềm nở và vui tươi của ta giúp người kia mở cõi lòng, tạo sự vui vẻ giữa anh em. Mong sao cho người kia đừng giận hờn, trách móc và đau khổ. Mong sao cho người ấy biết mỉm cười với người chung quanh. Mong sao người kia tiếp xúc được với niềm vui sống, thở được không khí trong lành, thấy được bầu trời trong xanh… Đó là sự thực tập tâm từ.
Bi là giúp ta và người bớt khổ. Đối tượng của tâm bi trước hết là chính bản thân. Ta có những nỗi khổ đau trong thân tâm và mong ước cho ta bớt đau khổ. ‘‘Mong sao cho tôi được mạnh khỏe, ít đau nhức và nhẹ nhàng trong thân thể. Mong sao cho tâm của tôi không có giận hờn, phiền muộn, trách móc, sợ hãi và lo âu. Mong sao cho thân tâm tôi được nhẹ nhàng và an lạc.’’[1] Ta niệm tâm bi, nhớ tới tâm bi để chất liệu xót thương, săn sóc và lân mẫn thấm vào khắp thân tâm làm vơi đi những niềm đau nỗi khổ trong thân tâm. Nghĩ tới tâm bi thì chất liệu mát mẻ, lành mạnh tuôn ra như dòng nước làm khỏe nhẹ con người của ta. Nghĩ tới dâm dục thì chất liệu đam mê, ham muốn trở thành cơn sốt làm xáo trộn, căng thẳng thần kinh của ta. Do đó, thực tập biến chất liệu từ bi trở thành sức sống trong ta. Ta sống có chánh niệm trong mọi hành động, lời nói và suy tư để chế tác cho được mạch nước cam lộ trong ta.
Ta tập thể dục, chạy bộ, ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc đều độ. Ta tắm rửa và giữ gìn thân thể cho mạnh khỏe. Ta thật sự biết chăm sóc cho đời sống của ta. Nếu có những đau nhức ta sẽ biết xoa bóp, buông thư và nghỉ ngơi để chữa trị những cơn đau ấy. Cũng như thế, mỗi khi buồn chán ta mở cửa để đi dạo trong thiên nhiên. Không khí trong lành và trời đất xanh tươi sẽ giúp chuyển hóa cơn buồn chán ấy. Ta thực tập hơi thở ý thức với nỗi buồn. Đời sống của ta là nghệ thuật nuôi dưỡng tâm từ, tức là đem lại niềm vui và tâm bi là lấy đi nỗi khổ.
‘‘Mong sao cho thân người kia được mạnh khỏe. Mong sao cho tâm người kia không có buồn giận, phiền não, sợ hãi và lo âu. Mong sao cho thân tâm người ấy được an lạc và nhẹ nhàng.’’[2] Tâm bi bây giờ được gửi tới cho người kia. Trong lúc suy nghĩ về người ấy, ta cầu nguyện cho người ấy cũng được sống vui và mạnh khỏe trong thân tâm. Tâm bi là thuốc để chữa lành cơn bệnh hờn giận, trách móc và lên án trong ta. Ta tới với người kia để thăm hỏi và săn sóc. Sự niềm nở và vui tươi của ta có thể giúp người kia thoát ra khỏi tâm trạng lo âu và buồn chán. Nếu người ấy đang gặp khó khăn và bế tắc trong thân tâm thì ta có cơ hội thực tập lắng nghe cho sâu sắc rồi tìm phương pháp thực tế giúp cho người ấy. Bằng sự thực tập có mặt và lắng nghe của ta cũng đủ làm vơi đi hết sầu muộn của người ấy rồi.
Mùa an cư Kiết Ðông năm nay, có một khóa tu cho người da màu và một khóa tu cho giới văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh… ‘‘Khóa tu da màu’’ là một khóa tu rất đặc biệt. Những người tham dự khóa tu này là những thành phần đau khổ và thiệt thòi nhất của xã hội. Thầy cảm nhận và thấu hiểu được niềm đau ấy nên Người đã giảng rất sâu sắc về những vấn đề kỳ thị, bất công xã hội, lạc loài và quê hương chân thật. Người ta đau khổ nhiều nên họ chia sẻ trong những buổi pháp đàm rất cảm động. Cũng giống như đất ở tu viện Lộc Uyển vừa cằn cỗi vừa khô khan cho nên nó sinh ra những loài cỏ cây hoa lá có hương sắc thật nồng nàn, thơm tho và xinh đẹp. Mỗi loài cỏ cây đều có hương sắc khác nhau đã làm cho cả núi rừng thơm tho ngào ngạt! Không biết nước Diệu Hương của Bụt Diệu Hương Quang có thơm tho và thanh tịnh như Lộc Uyển hay không? Núi rừng Lộc Uyển đã cho tôi thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và thương yêu.
Ngày áp chót của khóa tu, tôi đã cho ba người tham vấn và người cuối cùng là một cô gái Hoa Kỳ còn trẻ tuổi. Tôi mời chị ấy chia sẻ. Một phần thực tập quan trọng trong buổi tham vấn là để cho người tham vấn nói ra những khổ đau đang nóng bỏng ở trong lòng. Ngồi lắng nghe thật trầm lặng với đôi mắt thương yêu và bình thản là một sự thực tập quan trọng và sâu sắc. Lắng nghe như thế là một sức mạnh tâm linh có thể làm vơi nhẹ khổ đau của người kia. Lắng nghe hết lòng như thế tôi mới thật sự hiểu được hoàn cảnh và tâm tư của người tham vấn.
Chị nói: ‘‘Con rất đau khổ. Con phá thai đã bốn năm rồi mà niềm đau khổ ấy vẫn còn bám riết lấy con. Em bé cứ trở về ám ảnh con bằng sự khóc than, trách móc và đau khổ. Con phá thai bởi vì bạn trai của con hăm dọa sẽ tự sát nếu con sinh em bé. Mọi người đều khuyến khích con phá thai. Trong tình trạng như thế, tâm con rối loạn nên đã quyết định sai lầm và bây giờ con rất đau khổ. Con muốn có một đứa con với người bạn trai mới nhưng anh ấy chưa sẵn sàng và con đã làm cho anh đau khổ. Thầy giúp cho con. Làm sao chữa lành được vết thương và khi nào con mới có được đứa con?’’ Trong lúc nói, nước mắt của chị chảy ràn rụa. Tôi cũng xúc động vô cùng và nước mắt của tôi cũng tự động ứa ra. Thấy tôi khóc, nước mắt của chị tuôn tràn ra nhiều như những giọt nước mưa. Tuy xúc động mạnh, tôi vẫn thực tập được hơi thở ý thức để làm vơi đi nỗi khổ và yểm trợ cho chị.
Tôi nói rằng không có ai trên cõi đời này mà không từng lầm lỡ. Có lỡ lầm nhỏ nhưng có lỡ lầm lớn. Không ít thì nhiều, ta phải trả một giá rất đắt cho những lỡ lầm nhưng lỡ lầm nào cũng có thể làm mới lại, vết thương nào cũng có thể chữa trị. Quyết định phá thai của chị không phải chỉ một mình chị chịu trách nhiệm, anh chàng ấy cũng phải chịu trách nhiệm, những người đề nghị phá thai cũng có phần trách nhiệm… Xã hội bây giờ người ta xem chuyện phá thai là chuyện thường. Người ta không muốn có con vì sinh con và nuôi con là một bổn phận phiền toái và cực nhọc. Cho nên hễ không muốn em bé thì người ta quyết định phá nó đi. Sự tàn nhẫn ấy lan tràn khắp nơi, đã gây ra nhiều khổ đau và vết thương trong lòng những người trẻ. Chị hãy nói cho mọi người biết rằng phá thai không phải là chuyện thường. It is not okay. It is painful anh suffering.
Em bé không chết được dù chị không muốn cho nó ra đời. Em bé đang đau khổ và chị cũng đang đau khổ. Chị hãy chữa lành vết thương ấy cho em bé. Chị hãy an trú trong nguồn suối thương yêu của hiện tại để tiếp xúc và nuôi dưỡng bằng năng lượng lành mạnh, tươi mát và an vui trong đời sống để chữa trị vết thương. Chị hãy tập mở trái tim ra để cho nắng mai chữa trị, không khí chữa trị, thiên nhiên chữa trị… Sự sống của ta làm bằng năng lượng (energy) và những yếu tố hóa học (chemistry). Nếu ta biết mở tung cánh cửa ngục tù của quên lãng và đau thương thì năng lượng tươi mát và lành mạnh của sự sống khắp nơi sẽ đi vào để nuôi dưỡng và chữa trị cho ta.
Ta không nên giam mình lại trong ngục tù của hối hận và thương đau. Năng lượng là năng lượng chung, đang đi vào và đi ra để trao đổi và chuyển hóa. Những chất hóa học trong ta và chung quanh đang cấu kết với nhau làm ra sự sống linh động và tinh khôi. Ta hãy mở lòng ra để đón nhận. Sự sống con người thật là giàu có và mầu nhiệm. Cứ mỗi tháng có một chiếc trứng chín rụng xuống từ buồng trứng trong tất cả người nữ sau tuổi dậy thì. Nếu biết giữ gìn tâm ý cho mạnh khỏe và an lạc thì ta sẽ giúp cho chiếc trứng ấy có một cơ hội lành mạnh để thụ tinh. Tâm khỏe mạnh kéo theo sự mạnh khỏe của thân thể và chiếc trứng sẽ có cơ hội trở thành một em bé.
Em bé vẫn còn đó. Hãy nói chuyện với em bé đi. Hãy nói rõ tại sao mẹ không cho bé ra đời. Nói tất cả những nguyên nhân xa gần để em bé thông cảm. Hãy thở và mỉm cười với em bé. Hãy tập nuôi dưỡng bằng những niềm vui sống. Tiếp xúc với nắng mai, ngồi yên tĩnh để thở, bước những bước chân thanh thản… Tất cả yếu tố lành mạnh này sẽ chữa lành vết thương cho chị và khi vết thương đã lành lặn thì em bé biết rằng mẹ đã sẵn sàng cho em chào đời. Chị hãy chia sẻ với người yêu về nỗi khổ niềm đau ấy và thực tập xây dựng lại một tương lai tốt đẹp. Chị đừng buộc người yêu theo ý riêng của mình. Chị muốn có con để bù đắp lỗi lầm trong quá khứ nhưng em bé biết mẹ chưa thật sự lành mạnh, mẹ còn thương đau, giận hờn và trách móc nên em bé không muốn biểu hiện. Mỗi khi khổ đau ta thường làm khổ người khác và người kia cũng sẽ làm khổ lại chính ta. Khổ đau cứ tiếp tục leo thang và luân hồi trong ta mãi mãi. Muốn chấm dứt khối khổ đau ấy ta hãy thực tập chánh niệm trong đời sống để nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc và nhìn thật kỹ vào những nguyên nhân xa gần của khổ đau để chuyển hóa.
Bao nhiêu khổ đau của chị được vơi đi bởi những giọt nước mắt, và đôi mắt chị tươi lên trong lúc lắng nghe. Một tia ánh sáng của niềm tin chợt sống dậy rằng khổ đau có thể chuyển hóa và vết thương có thể chữa lành bằng những phương pháp sống đơn giản như hơi thở ý thức, nụ cười thương yêu, bước chân thảnh thơi… Niềm tin lớn lao và sung sướng nhất của chị là em bé vẫn có thể chào đời.
Một bác sĩ giỏi là người có khả năng hiểu được tình trạng thật về sức khỏe của bệnh nhân. Bác sĩ phải dùng kỹ thuật y khoa để chẩn bệnh và hỏi han trực tiếp về những đau nhức trong cơ thể của bệnh nhân. Hỏi han một cách thân thiện và lân mẫn thì không những bác sĩ chữa được bệnh tật trong thân mà còn lấy đi những đau khổ trong tâm của bệnh nhân. Theo tâm lý học bây giờ tất cả bệnh tật và đau ốm trong cơ thể phần lớn đều phát sinh từ những khó khăn và khổ đau trong lĩnh vực tâm lý. Trong khi đang đau ốm, có người ân cần hỏi han và chăm sóc, ta cảm thấy đỡ nhiều lắm. Nếu người ấy là bác sĩ thì ta cảm thấy rất an tâm. Những lo âu, sợ hãi vơi nhẹ nhờ vậy cơn bệnh giảm liền. Tâm an là một nguồn năng lực vô biên có thể chuyển đổi tình trạng của cơ thể. Ðây là chữa bệnh bằng tình thương.
Có một câu chuyện về hai người bệnh nhân, một người bệnh ung thư trầm trọng và người kia chỉ bệnh xoàng mà thôi. Sau khi khám bệnh xong, bác sĩ bảo hai người hãy đi về và ông sẽ gửi thư báo cáo thực trạng sức khỏe của họ. Bác sĩ đã vô ý bỏ lộn nội dung hai lá thư cho hai bệnh nhân, người bệnh nặng thì được báo rằng: ”bệnh anh ta không sao hết, anh chỉ cần ăn uống và hoạt động điều hòa thì sức khỏe sẽ hồi phục lại” còn người bệnh nhẹ thì nhận được thư rằng: ”bệnh anh trầm trọng đến độ nguy hiểm và anh không còn sống được bao lâu nữa, anh hãy sống vui vẻ những ngày tháng còn lại.” Nhận được thư của bác sĩ, người bệnh nặng cảm thấy phấn khởi, vui tươi và hạnh phúc. Anh cứ ca hát và mỉm cười suốt ngày. Nhờ tâm lý yêu đời và tươi vui ấy, bệnh tình của anh thuyên giảm rất nhiều nên anh lành hẳn bệnh. Trái lại người bệnh nhẹ cảm thấy lo âu và buồn khổ, không ngờ bệnh tình của ta tệ dữ vậy. Anh đâm ra chán nản, khổ đau và tuyệt vọng. Bởi thế anh ta chết trong vài ba tháng. Ðiều này chứng tỏ rằng tâm ta có khả năng trị liệu rất lớn. Mỗi lời nói, mỗi nụ cười, mỗi cử chỉ bằng sự săn sóc và thương yêu có thể giúp người khác vơi đi rất nhiều khổ đau, phát xuất từ tình thương chân thật gọi là tâm bi.
Hỷ là niềm vui và hiến tặng niềm vui cho người. Hỷ không phải chỉ là tùy hỷ tức là vui theo niềm vui của người khác. Cố nhiên sự thực tập là vui niềm vui của người khác nhưng nếu không có niềm vui trong tự thân thì làm sao biểu lộ được niềm vui đến với người khác. Ta hãy thực tập nụ cười hàm tiếu để nuôi dưỡng niềm vui sống. Một nụ cười nở trên môi sẽ ảnh hưởng tới tất cả các tế bào trong cơ thể và làm tươi vui tất cả tâm hồn.
Mẹ tôi là người có nhiều niềm vui. Mẹ gặp ai cũng chào hỏi rất dễ thương và hoan hỷ. Mẹ không biết tiếng Anh gì cả thế mà người Mỹ nào gặp mẹ cũng chào hỏi thân mật và vui tươi. Tôi cảm thấy sung sướng được có một bà mẹ hạnh phúc. Ở bên mẹ, tôi hưởng niềm vui ấy rất rõ ràng từ nụ cười dễ thương và nét mặt tươi mát của mẹ. Tôi thấy tôi không bằng mẹ, bởi vì tôi còn hà tiện nụ cười và sự niềm nở với những người chung quanh. Tôi hy vọng sẽ làm được như mẹ.
Tuy nhiên tôi cũng hưởng được một chút xíu hạt giống hoan hỷ của mẹ. Thấy một thầy có tài và tổ chức khóa tu giỏi, điều khiển một buổi họp hay gắn hệ thống âm thanh tốt đẹp, tôi cảm thấy sung sướng và quí mến. Tôi không có những tài năng như thế nhưng tôi không có tâm niệm ganh tỵ với thầy ấy. Mỗi khi thấy một thầy khác có liên hệ tốt với nhiều anh em và mọi người, tôi cảm thấy hạnh phúc và mừng cho thầy ấy. Thấy một sư em làm việc hết lòng và tận tụy trong nhà bếp, tôi cảm động và thương quí sư em vô cùng. Tôi luôn luôn kính trọng tâm từ bi và hạnh bồ tát của sư chị Chân Không. Hai bàn tay sư chị có thể với tới biết bao nhiêu người khổ đau và nghèo đói. Chỉ có tâm đại bi mới có thể làm được trăm công ngàn việc mỗi ngày như vậy để đem niềm vui, làm vơi bớt khổ đau cho nhiều người. Khóa tu nào sư chị cũng giúp cho nhiều người bớt khổ bằng phương pháp thiền lạy, thiền buông thư. Tiếng hát của sư chị biểu lộ chất liệu thiền vị, êm dịu và ngọt ngào do bao nhiêu năm tháng tu tập nuôi dưỡng hạt giống từ bi. Thiền sinh, kể cả những người Tây phương, rất ưa nghe sư chị hát. Sư chị còn cho nhiều người tham vấn mà không hề biết mệt mỏi là gì. Nhờ vậy sư chị đã giúp hòa giải cho không biết bao nhiêu gia đình và chuyển hóa những khó khăn và khổ đau trong lòng người. Nghĩ tới sư chị, tôi cảm thấy hạnh phúc, thương yêu và quí kính. Đồng thời cũng giúp tôi nuôi dưỡng thêm năng lượng tu tập để làm được như sư chị theo khả năng của mình.
Ta cùng vui với những niềm vui của người khác, và ta cùng cười với những nụ cười của họ. Thực tập như thế ta sẽ tưới tẩm và nuôi lớn hạt giống hạnh phúc và vui tươi trong ta. Ta muốn gần gũi và ngồi chơi với những người hạnh phúc bởi vì ta cảm thấy hạnh phúc và vui lây. Ta tán dương và khích lệ những người ấy cho tâm ta cởi mở để không bị chi phối bởi những tâm niệm ganh tỵ và tranh đua.
Xả là tình thương không theo phe phái. Ta thực tập tiếp xúc thân thương với mọi người chứ không phải chỉ thân thiết và niềm nở với một vài người trong khi đó ta tránh né và lạnh lùng với những người khác.
Ðối với bản thân ta cũng vậy, ta thực tập để chấp nhận tất cả những gì trong con người toàn vẹn của ta. Ta không tạo ra tranh chấp và mâu thuẫn trong ta. Có lúc ta vui nhưng cũng có lúc ta buồn. Nỗi buồn từ đâu ùn ùn kéo tới do đó ta thực tập hơi thở ý thức để tiếp đón nỗi buồn ấy một cách thân thiện và dễ thương. Ta không xua đuổi nỗi buồn mà cũng không chìm đắm vào nó để tạo ra năng lượng nặng nề cho người chung quanh.
Xả là không kỳ thị, không phê phán, không chia rẽ. Ta thường đối xử dễ thương và từ ái với những người mới gặp, trong khi đó ta ôm một khối khổ đau, giận hờn và nội kết với những người đã sống chung với ta. Ta dễ giận hờn, trách móc và lên án người đang sống với ta. Ta chỉ để ý tới những lỗi lầm, vụng về của họ và thường ưa bắt bẻ, lý luận để buộc tội người khác. Ta nói xa nói gần, nói bóng nói gió để tạo ra một khối nội kết và thành kiến trong tâm. Cuối cùng ta chịu không nổi và cố tình xa lánh những người đang sống chung với ta. Trong khi đó ta ân cần và niềm nở với những người mới quen. Tình thương này không phải là tình thương theo tinh thần xả mà chỉ là thứ tình cảm xã giao. Xả là tình thương sâu sắc khi ta đã đi ngang qua những khó khăn và hờn tủi. Ta đã chuyển hóa những khối nội kết và thành kiến đối với những người đã từng sống với ta. Những nội kết và thành kiến kia có thể đã có sẵn từ bên trong, và những người chung quanh chỉ là ảo ảnh do ta tạo nên mà thôi. Ðập tan những bức thành kiên cố ấy ta mới thật sự biết thương yêu. Ta thương người ấy chứ không đặt điều kiện gì với người ấy. Dù người ấy dễ thương hay không dễ thương thì tình thương của ta vẫn còn nguyên vẹn và trong sáng.
Như vậy muốn thương, muốn hiểu và muốn tạo ra sự hòa điệu với những người chung quanh, ta phải hiểu được những hiện tượng tâm lý trong ta và từ đó làm căn bản để xây dựng tình thương chân thật. Thiếu căn bản đó, ta không thể làm ra được tình thương chân thật. Bản ngã vẫn ngàn đời là bản ngã, tự ái vẫn ngàn đời là tự ái và tình thương của ta là một thứ tình cảm ích kỷ, vướng mắc và độc tài mà thôi. Cho nên ta nguyện tu tập để nhận diện những chất liệu tiêu cực trong tình yêu để chuyển hóa và làm cho tình yêu càng ngày càng nhẹ nhàng, ngọt ngào và thanh thản hơn.
Pháp Đăng