– “Mẹ ơi . . . !” Thằng Minh da cam kêu mẹ trong vô vọng, chán chường. Cố gắng nó vươn mình để với lấy chiếc ấm nước trên bàn, nhưng rồi nó đã thất bại và buông xuôi, bất lực với chính mình.
– “Thằng Minh da cam là người thực vật, tụi bây ơi!” Lũ trẻ trong làng chài nghèo la lớn và cười một cách hớn hở, không biết chúng cười vì chúng hạnh phúc được đầy đủ thân xác của một con người, hay chúng nó cười để chế giễu làm trò vui tiêu khiển.
Thằng Minh năm nay đã gần 30 tuổi. Thân mình nó gầy còm như cây tre nứa, hai chân dường như tê liệt hoàn toàn, chỉ có đôi tay là còn cử động được đôi chút, cái đầu của nó mềm như trứng nước.
Mới đầu nhìn Minh ai cũng ngờ ngợ không dám đến gần. Nó đã nằm im trên giường quá lâu không cử động, nên đôi khi trên người nó toát ra một mùi hôi lạ, thân mình nó dường như đã lỡ lát và nức nẻ toàn thân. Bởi thế mà người ta đã đặt cho Minh một cái tên rất ngộ: “Thằng Minh da cam”.
Nó đã bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin khi mở mắt chào đời, từ di truyền của cha nó – một người lính giải ngũ trong chiến tranh của những năm 1961-1971. Sau chiến tranh kết thúc, ông trở về lập gia đình và sinh ra thằng Minh.
Nhưng mỗi ngày trôi qua cha Minh phải đối diện trước nỗi đau của thân xác.Taychân và toàn thân của ông bị lỡ lói, đau nhức, vì ông đã bị nhiễm chất dioxin quá nặng, một thứ chất độc tàn bạo nhất mà con người đã tạo ra. Đêm về cha Minh chỉ biết khóc thầm trong vô vọng, với những suy nghĩ vu vơ lại cứ hiện mãi bên ông: “Nay mình đã thành người tàn phế. Mọi người ai cũng khiếp sợ, xa lánh. Sự đớn đau của căn bệnh… Một thằng con tật nguyền luôn sống trên nỗi cơ cực của người vợ…”. Nghĩ thế rồi cha Minh bật khóc.
Trong một đêm mưa gió bão bùng, người ta đã phát hiện được một cái xác chết của ai đó tấp vào mé biển. Khi vớt lên người ta mới thấy xác đó chính là cha của thằng Minh. Ông đã uống thuốc rầy và tiến thẳng ra biển để hòa quyện thể xác và linh hồn mình với đại dương. Đó là ước nguyện cuối cùng của ông để có thể quên đi tất cả những đớn đau của cuộc đời mình.
Nghe mọi người trong xóm báo tin, cụ Bền mẹ của Minh như người điêu đứng. Tinh thần bà bị khủng hoảng và bà không thể tin đó là sự thật, một sự thật phũ phàng, đớn đau của một người vợ khi nghe người chồng của mình đã chết.
Rồi đám tang của cha Minh diễn ra trong sự buồn tẻ cô liêu. Đông lắm chỉ được ít người đưa đám, và lũ con nít trong xóm ùa chạy theo để kiếm một ít bánh trái sau buổi tang. Từng bước chân nặng trĩu, cụ Bền khoác cho mình một bộ đồ tang trắng đi sau chiếc quan tài của chồng trong khổ đau, ngập tràn nước mắt. Còn thằng Minh da cam thì được ngồi trên chiếc xe tang cạnh quan tài của cha. Nó ngơ ngác chẳng hiểu tại sao nó lại ngồi ở đây. Đôi khi nó lại mỉm cười thấy vui, vì đã lâu lắm rồi nó mới được nhìn thấy người đông thế này và nó được ngồi trên xe nữa chứ!
Ngoài tiếng khóc lóc thảm thương của mẹ thằng Minh, gia đình bên phía nội, là tiếng cầu kinh của quý Thầy vang lên sao nghe thê lương, não nề, như muốn nhắc nhở cho cụ Bền và mọi người trong đám tang phải mau ngộ ra kiếp sống con người chỉ là tạm bợ phù du, sớm còn tối mất, có gì đâu mà tham đắm rồi khổ lụy triền miên.
Nỗi đau mất chồng và thằng con tật nguyền dường như đã làm cho cụ Bền thêm hụt hẫng và tuyệt vọng. Tuổi đã về chiều, cụ Bền nay đã gần 60 tuổi, cái tuổi mà người ta cho là đã tiến dần đến cái chết. Thân hình đen đúa, khắc khổ, lại còn mang trên mình chứng bệnh đau tim, thế mà hằng ngày cụ Bền phải đi làm từ sáng sớm, sau khi lo cho thằng Minh ăn uống xong.
Đi quanh mé biển, dầm nước mặn cả ngày cụ Bền mới mót được một ít cá còn sót lại sau cuộc trao đổi buôn bán của chủ tàu và lái buôn.
Cái khổ cái nghèo mãi đeo bám cụ Bền từ thời con gái. Từ khi đất nước còn trong chiến tranh loạn lạc, nay được giải phóng rồi mà nỗi khổ vẫn còn đeo bám cụ mãi. Căn nhà lá heo hút ở trong một góc đình dường như đối với cụ đã quá quen thuộc rồi.
Cụ Bền về đến nhà sau một ngày dầm mình trong nước mặn, và có được chút tiền lo cho thằng con tội nghiệp xấu số của mình. Đút cho thằng Minh ăn từng muỗng cháo, cụ Bền đau khổ kể lể: “Mẹ biết, cho dù mẹ có nói với con điều gì đi nữa, thì con cũng không hiểu được nỗi niềm tâm sự của mẹ. Nhìn con mà mẹ như muốn đứt từng đoạn ruột. Mẹ có lỗi với con nhiều lắm, khi sinh ra con với hình hài quái dị. Gia đình chồng bắt mẹ phải bỏ con đi, nếu không thì họ sẽ không nhìn nhận gia đình mình nữa. Họ cho rằng con sẽ là một mối họa về sau. Vì danh giá của dòng tộc, họ không muốn phải mang tai tiếng có một thằng cháu dị hình. Nhưng vì khúc ruột của mình đẻ ra, mẹ không nỡ từ bỏ con. Dù con có ra sao thì vẫn mãi là con của mẹ, và mẹ sẽ chấp nhận tất cả thị phi và hắt hủi của mọi người. Nghe được tiếng khóc chào đời của con, mẹ như đang đón nhận một ân huệ của Phật trời đã ban cho, cho dù ân huệ đó không được trọn vẹn như mọi người…
“Để rồi từ ấy gia đình nội hắt hủi và đuổi xô cha mẹ, vì đã không tuân lời của dòng tộc. Cha và mẹ ẳm con đi lang thang đầu đường xó trợ, làm tất cả mọi việc để kiếm tiền lo cho con được lớn lên như mọi người. Dành dụm mãi, cha mẹ mới mua được miếng đất nhỏ và dựng nên mái nhà ở sau góc đình, và cố gắng gượng sống để nuôi con. Nhưng nay cha con đã từ bỏ mẹ ra đi. Giữa trường đời vạn lối mẹ cảm thấy cô đơn và buồn tủi, để mọi khó khăn, đớn đau của cuộc đời mẹ giờ một mình phải đành ngậm ngùi chấp nhận vì con.
“Đã gần 23 năm đầy cơ cực, có lần mẹ quá hụt hẫng trong vô vọng, muốn tìm đến cái chết để được trở về với cha con. Nhưng khi về nhà nhìn thấy con đang nằm trên chiếc giường kêu mẹ, mẹ không đành lòng từ bỏ con. Nay mẹ đã già, còn mang trên mình chứng bệnh đau tim, mẹ không biết còn bao lâu nữa rồi mẹ sẽ ra đi. Mẹ biết, cái chết của mẹ sẽ đưa cuộc đời con vào bóng tối, sự đói khát, không người nuôi dưỡng, mọi người sẽ ghét bỏ và xa lánh con. Rồi đám trẻ trong làng ăn hiếp con thì còn mẹ đâu nữa mà bênh vực, ôm con vào lòng mỗi khi con khóc…” Vừa nói mà cụ Bền vừa khóc trong nghẹn ngào. Còn thằng Minh nó chỉ biết nhìn thấy mẹ khóc và khóc theo. Nó không hiểu mẹ nó đang nói gì với nó. Một hồi lâu nó đã cảm nhận được điều gì đó trong lòng rồi kêu “Mẹ! Mẹ khóc…”, rồi nó lại lặng im.
Màn đêm buông xuống là lúc cụ Bền phải chiến đấu với căn bệnh đau tim quái ác của mình. Căn bệnh đã đeo bám cụ sau khi chồng chết, do quá đau buồn và cố sức để đi làm, dầm mình giữa biển lạnh. Những cơn đau thấu tim, giữa bến bờ sống chết cụ Bền như một chiến sĩ ra trận đang bị hàng ngàn mũi tên đâm vào, nhưng vẫn còn hy vọng sau cùng là được sống…
Nhìn thằng con đang nằm co ro một mình trên giường mà cụ Bền đầm đìa rơi lệ. Căn nhà vách đất nghèo sau đình làng lúc nào cũng hoang vắng và phủ lên nó một nét u buồn mờ mịt, không lấy một bóng người qua lại, chỉ lâu lâu có lũ trẻ nghịch trong làng đến để trêu thằng Minh.
Bên ngoài trời gió to dữ dội, vì nay đã cuối mùa thu. Trong nhà dưới ánh đèn héo hắt, cụ Bền đang cố gắng khâu cho xong chiếc áo ấm cho thằng Minh mặc đỡ lạnh trong mùa Đông sắp đến. Đường chỉ cuối cùng cụ Bền đã khâu xong chiếc áo bông, cụ vui lắm liền khoe với thằng Minh: “Con ơi! Mẹ may xong cho con chiếc áo bông rồi nè! Đẹp lắm, để mùa Đông này con sẽ được ấm áp hơn”. Cụ Bền khoái chí khâu thêm ít chữ trên áo: ‘Dù con có ra sao, mẹ vẫn mãi bên con, con yêu của mẹ’.
Bên ngoài trời đã chuyển mưa, sấm chớp dữ dội. Không biết có phải bão hay không mà gió thổi mạnh làm cho những tán lá rụng bay mù trời, như muốn bao phủ cả ngôi nhà của hai mẹ con. Thấy trời lạnh cụ Bền mặc chiếc ấm mới cho thằng Minh, rồi trở về giường nằm nghỉ. Tim cụ đã bắt đầu nhói đau dữ dội. Cụ Bền cảm thấy sợ hãi, vì cuộc chiến giữa bến bờ sống chết lại đang tiếp tục diễn ra (Trong cuộc chiến này ai sẽ là người chiến thắng?).
Nỗi đau dằn vặt, cụ Bền chỉ biết cắn răng chịu đựng, cố gắng giữ chặt hai tay vào thanh giường để khỏi phải đánh thức giấc ngủ của thằng Minh. Sau một tiếng sấm vang lên, cụ Bền đã buông tay và nhắm mắt trong nỗi đớn đau và tuyệt vọng. Trong cuộc chiến giữa sinh tử, cụ Bền đã thất bại, và bất lực trước định luật vô thường mà không ai có thể từ chối hay trốn chạy được.
Cái không gian cả căn nhà vốn đã u buồn, nay càng u buồn hơn, khi thân xác của cụ Bền nằm im lìm trên giường, tê buốt và lạnh dần. Thằng Minh tỉnh dậy kêu “mẹ” hoài mà sao nó không thấy người phụ nữ hiền lành ấy đến bên nó như mọi ngày. Nó cố gắng kêu và kêu thật to, rồi nó im lặng, vì nó biết người phụ nữ ấy đã bỏ nó ra đi biền biệt, và sẽ không có một ngày trở về.
Linh hồn của cụ Bền chắc đang nhìn thằng Minh trong nỗi đớn đau, thương cho thằng con tội nghiệp của mình đang cố gượng kêu mẹ trong sự vô vọng. Từ đây thằng Minh đã trở thành thằng bé mồ côi không cha mẹ. Sự thiếu vắng và cô đơn sẽ mãi đeo bám nó cả cuộc đời.
Mùa đông đã đến. Chiếc áo ấm của cụ Bền đã được cô Hồng hàng xóm mặc vào cho thằng Minh. Dòng chữ ‘Dù con có ra sao, thì mẹ vẫn mãi bên con, con yêu của mẹ’ được cô Hồng đọc lên cho thằng Minh nghe. Nó nghe mà cảm nhận được nỗi đớn đau lạnh buốt và tê tái cõi lòng. Mồ côi rồi, Minh ơi! Con đã mồ côi!…Lời nói của cô Hồng đã làm cho thằng Minh bật khóc nức nở. Người phụ nữ hiền lành ngày nào cho nó ăn, rủ rỉ bên tai nó những âm thanh thật nhẹ nhàng và ấm áp, ôm nó vào lòng khi nó khóc,…giờ đây sao không thấy nữa, sao toàn là cảnh u buồn tịch mịch. Hình như tâm trí của thằng Minh đang muốn nói lên một điều gì đó. Nhưng rồi nó lại im lặng, vì thằng Minh không đủ khả năng để bộc lộ cảm xúc của mình bằng ngôn từ, ngoài những dòng nước mắt để biểu hiện sự cô đơn và buồn tủi của nó.
Sau cái chết của người cha bị nhiễm chất độc da cam mà tự vẫn, người mẹ bị chứng bệnh đau tim cũng qua đời. Giờ đây thằng Minh, một thằng bé tật nguyền, đang nằm hẩm hiu trong mái nhà lá không ai nuôi dưỡng. Hằng ngày nó sống nhờ vào bà con lối xóm chung quanh thương tình thằng bé mồ côi tật nguyền, mà cho nó những bữa cơm đạm bạc rau muối sống qua ngày. Lâu lắm nó mới được cô Hồng thương tình dắt đi tắm, vì cô Hồng còn lo cho gia đình, cuộc sống mưu sinh, nên thời gian đâu để quan tâm đến thằng Minh được như mẹ nó thuở nào.
Sáng nay khác mọi ngày. Nghe đâu có nhóm từ thiện của Thầy Tuấn ở thành phố hướng dẫn một nhóm Phật tử đi tặng quà từ thiện cho bà con nghèo ở trong xóm. Được mọi người giới thiệu, Thầy Tuấn mới tìm đến được ngôi nhà của thằng Minh da cam ở khuất sau mái đình. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt của Thầy Tuấn là một thằng bé dị hình, nằm co rút như đang tiến dần đến cái chết. Lúc đầu Thầy Tuấn còn ngờ ngợ không dám đến gần. Nhưng do đi nhiều những chuyến từ thiện ở những nơi nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh tật nguyền khó khăn, nên Thầy Tuấn đã cảm thấy gần gũi với Minh hơn. Ngồi bên cạnh thằng Minh, Thầy Tuấn chỉ biết nhìn mà không biết phải nói gì. Trước tình cảnh đầy bi thương của thằng bé mồ côi không ai nuôi dưỡng, trong tâm khảm của Thầy dấy lên những cảm xúc đớn đau và xót xa vô cùng, như tấm lòng của một vị Bồ tát đang chứng kiến tình cảnh của một chúng sanh đang lâm vào ngõ cuối của đường đời.
Còn thằng Minh nó nhìn Thầy mà mỉm cười, vì đã lâu lắm rồi nó mới cảm nhận được sự ấm áp thế này. Khuôn mặt từ hòa, đậm chất lạc an của Thầy dường như đang sưởi ấm lại cho tâm hồn của thằng Minh qua những tháng ngày lạnh giá, cô liêu. Cố nén tự đáy lòng thằng Minh đã kêu lên tiếng “Mẹ”! Tiếng kêu đầy hạnh phúc của thằng Minh đã làm cho Thầy Tuấn chạnh lòng xót xa cho Minh, bất giác Thầy bật khóc. Từng giọt nước mắt từ bi của Thầy chảy trên khóe mắt như những giọt nước cam lồ tươi mát, đang tưới tẩm một mầm sống được tiếp tục sinh trưởng và thành hình.
Giác Minh Luật