Trong một buổi pháp đàm nọ, có một thầy chia sẻ về phương pháp hộ trì sáu căn.  Thầy chia sẻ rất thật về những khó khăn của Thầy. Thầy nói rằng: ”Mỗi khi ngồi trên máy bay tôi ngủ không được.  Máy bay thường có những chương trình phim ảnh cho hành khách giải trí. Tôi thật sự không có chủ ý muốn xem phim nên tôi đã không mướn ống nghe nhưng mà ngồi trước màn ảnh, đôi mắt tôi tự nhiên cứ nhìn về phía ti vi.  Nội dung của bộ phim cũng lành mạnh và nhẹ nhàng, thỉnh thoảng mới có vài đoạn trữ tình.  Những hình ảnh và cử chỉ yêu thương nồng nàn ấy ở lại trong tâm tôi khá lâu.  Một lần khác, hai anh em vào một tiệm sách ở Tây Ban Nha, trong lúc sư em đang nói chuyện với người bán, tôi đi dạo một vòng rồi lên lầu trên.  Tôi thấy một cuốn sách vẽ hình về thân thể và chuyện tình tứ của con người.  Vì tính tò mò nên tôi đã xem từ đầu cho đến cuối những bức vẽ ấy.  Những hình ảnh khiêu gợi và bậy bạ ấy cứ bám sát tâm ý tôi khá lâu và tác động những hạt giống ham muốn trong tâm thức, đã làm chướng ngại cho sự tu tập của tôi.’’  Thầy ấy kết luận rằng tâm ý con người rất dễ bị quấy phá, bởi những hình ảnh và âm thanh bên ngoài vì thế chúng ta nên thực tập hộ trì sáu căn cho kỹ lưỡng mỗi khi đi ra khỏi tu viện.

Sau khi nghe câu chuyện dễ thương và thật thà của thầy ấy, có một sư em vốn là bác sĩ trước khi đi tu cũng muốn chia sẻ mặc dầu thời giờ đã hết rồi.  Sư em nói rằng: ”hộ trì sáu căn là phải biết tâm ý của mình.  Một hôm sư em thấy một vài cô thiền sinh Mỹ ăn mặc quá sít sao và lộ liễu thì sư em cảm thấy thương cho các thầy và sư chú ở trên Xóm Vững Chãi.  Ðối với sư em người nam có ăn mặc như thế nào đi nữa cũng không kích thích tới sự ham muốn của sư em nhưng phía nam dễ bị kích thích bởi cơ thể của người nữ.  Theo sư em, ta phải quán chiếu về thân thể để thấy được bản chất của nó.  Sự vướng mắc và ham muốn của ta có thể do sự tưởng tượng về cơ thể của người khác phái.”  Sư em nói rằng: ”Khi mổ bất cứ bộ phận nào của cơ thể con người, ta chỉ thấy toàn mỡ, thịt và máu.  Cơ thể hấp dẫn kia cũng là mỡ mà thôi.  Thấy được như vậy ta sẽ không còn ham muốn nữa.”

Nghe hai vị chia sẻ về vướng mắc và ham muốn, tôi cũng có cái thấy về vấn đề này.  Hồi mới vào tu viện, tuy đã xuất gia với nguyện ước sống đời sống tịnh hạnh nhưng tình cảm vướng mắc trong tôi vẫn còn mạnh.  Tôi để ý đến một người, tự nhiên tôi cứ muốn được nhìn người ấy và cảm thấy sung sướng.  Thỉnh thoảng tôi bực mình về tình cảm vướng mắc trong tôi.  Có lúc tôi muốn xua đuổi hình ảnh thương thương nhớ nhớ trong tâm để tu học cho yên ổn nhưng càng muốn xua đuổi thì người trong mộng lại càng muốn xuất hiện.  Ngược lại cũng thế, mùa hè năm 1993 có một cô gái người Romania cứ chú ý tới tôi và tìm cách để gần gũi tôi.  Cô bảo là cô thương tôi và muốn được ôm tôi vào lòng.  Ðã nếm được niềm vui trong đời sống tu tập nên tình thương nóng bỏng ấy không dễ gì quyến rũ được tôi.  Trước khi rời Làng, cô đã khóc nức nở nên tôi đã chấp nhận cho cô ấy ôm với sự có mặt của anh Hoàng và anh Cường.  Cô xúc động mạnh quá!  Trái tim của cô đập thình thịch, và thân thể cô nóng như nắng ấm mùa hè.  Tôi không cảm thấy nao núng, xúc động hay quyến luyến gì cả, nhưng tối hôm ấy tôi không ngủ được.  Nét mặt, đôi mắt và những giọt nước mắt của cô cứ trở lại trong tâm hồn của tôi, và tôi cảm thấy xôn xao trong lòng, có một cảm giác thương thương, nhớ nhớ và tội nghiệp cho cô gái mới quen ấy.  Tôi đã ngồi thiền suốt đêm và khám phá ra rằng cô chỉ thương hình ảnh đẹp của người tu chứ chẳng thương riêng gì tôi.  Biết bao nhiêu anh chàng trai khác còn bảnh bao hơn tôi nhiều, tại sao cô cứ bám riết lấy tôi trong suốt thời gian ở lại Làng.  Nghĩ được như thế cảm giác nao núng, xôn xao và quyến luyến từ từ vơi đi đã giúp tôi ngủ một giấc ngon lành.  Sợi dây chuyền có tượng Bụt bằng gỗ trầm hương thơm ngát là món quà duy nhất do hai bàn tay cô đeo vào cổ của tôi, tôi sẽ đem về Mỹ tặng cho mẹ.  Tình yêu ấy thuộc về mẹ.

Cho nên theo tôi, hộ trì sáu căn không phải đóng hết cánh cửa giác quan và không tiếp xúc với những đối tượng bên ngoài.  Hộ trì sáu căn là biết được những gì đang xảy ra trong tâm ý mỗi khi tiếp xúc với ngoại cảnh.  Ngoại cảnh có thể chỉ là sự phản ảnh của tâm ý, chối từ ngoại cảnh ta không thể nào thấy rõ được tâm ý của ta.  Ðiều quan trọng là phải biết sự vận hành của tâm ý trước khi ta muốn tiếp xúc với ngoại cảnh.  Tại sao ta lại muốn chú ý tới người ấy?  Tại sao ta lại đi đến quầy sách ấy vốn chỉ có những sách báo không lành mạnh?  Ta phải nhận diện được sự thúc đẩy ở trong chiều sâu tâm ý trước khi tiếp xúc với đối tượng bên ngoài thì tự nhiên ta biết hộ trì.

Nhìn cơ thể theo kiểu mổ xẻ của một vị bác sĩ giải phẫu, thì tôi cảm thấy thê lương và tội nghiệp quá!  Con người là một hợp thể thật mầu nhiệm, là một biểu hiện tuyệt vời của sự sống, là một tác phẩm nghệ thuật của cha mẹ, tổ tiên và dòng họ.  Ðường nét và cấu trúc của cơ thể đúng là một nghệ thuật tỉ mỉ và tuyệt tác, chứa đựng tinh ba sáng tạo của sự sống.  Cơ thể con người cũng như bất cứ hiện tượng nào trong sự sống đều biểu lộ tính sáng tạo một cách tuyệt hảo.  Bởi thế, cho nên trong thánh kinh, người ta ca tụng rằng: “Thượng đế là người sáng tạo, và tất cả chúng ta là sáng tạo phẩm.”[1]  Đạo Bụt dạy rằng: ‘‘Con người là sự biểu hiện mầu nhiệm của nhân và duyên.  Nhân duyên hội tụ đầy đủ thì con người biểu hiện, nhân duyên khiếm khuyết thì con người ẩn tàng.  Con người tuy vô thường, mong manh mà cũng là biểu hiện tuyệt vời của chân như.  Tất cả mọi hiện tượng trong sự sống đều như thế.  Không có pháp nào hơn pháp nào.  Tất cả đều thể hiện tính chất ‘diệu hữu’, nghĩa là sự có mặt mầu nhiệm.’’ 

Tính vướng mắc và ham muốn trong ta là một nhu yếu rất tự nhiên, nhưng ta vẫn còn có nhiều nhu yếu khác nữa.  Vì sợ vướng víu và nhớ nhung mà nhìn một tác phẩm đẹp đẽ như thân thể người nữ bằng cách mổ xẻ theo phép giải phẫu thì thật là thê lương quá!  Ta có nhu yếu thương yêu và được thương yêu.  Ta nhìn người ấy có thể không phải, vì người ấy đẹp mày đẹp mặt mà có thể người ấy biểu lộ cái đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng và hồn nhiên.  Người ấy có thể có nét hơi giống một trong những người thương của ta.  Đôi mắt long lanh, sóng mũi dọc dừa giống như đôi mắt và sóng mũi của chị Hai, nhưng đặc biệt là mái tóc đen huyền và dài thướt tha ấy sao mà giống hệt mái tóc của chị, vì thế ta đã để ý tới người ấy.  Sau khi đi tu rồi, ta không còn hưởng được sự săn sóc và cái nhìn trìu mến của chị Hai nữa cho nên ta cảm thấy thiếu thốn.  Những nét đẹp trong sáng và tình thương ngọt ngào của chị Hai đã trở thành một phần hiện hữu trong ta.  Và, bây giờ ta nhận ra tình thương và nét đẹp thâm sâu đang hiện rõ trên người ấy.  Ta thương người ấy bởi vì nàng tỏa ra những đức tính hiền từ và độ lượng của mẹ.  Người ấy biết hy sinh, cần mẫn trong cách nói năng, tiếp xử và suy nghĩ.  Người ấy biết xót thương người nghèo khổ.

Thế thì, tình thương là cửa ngõ để hiểu được bản chất chân thật của ta, cũng là cửa ngõ đưa tới trí tuệ và giải thoát.  Nhìn người kia, ta sẽ có cơ hội thấy rõ được dòng sông cảm thọ, tình cảm và tâm ý cho nên ta không nên sợ hãi người nữ làm gì.  Cố nhiên ta không cần phải luôn luôn nhìn người này hoặc ngó người kia.  Khi cần nhìn một người nào đó thì ta cứ nhìn với tất cả con người bằng năng lực chánh niệm.  Ta sẽ học được rằng con người cũng mầu nhiệm, đẹp đẽ và tươi sáng như bất cứ hiện tượng nào trong sự sống.  Nhìn một bông vừa chớm nở, ta cảm thấy dễ chịu.  Nhìn một đám mây trắng bay, ta cảm thấy thanh thoát, tự do và nhẹ nhàng.  Nghe tiếng chim ca, ta cảm thấy phơi phới cả tâm hồn.  Như thế sự sống có muôn ngàn đối tượng lành mạnh để tiếp xúc.  Nếu đóng hết các cánh cửa giác quan trong vỏ sò cô độc, ta sẽ không thưởng thức được những nét đẹp tuyệt vời của sự sống.  Ðôi mắt của em bé còn xinh đẹp hơn cả những bông hoa bên đường.  Cái miệng, đôi má thật là dễ thương và tươi mát như một buổi bình minh.  Cho nên cơ thể con người không tạo ra chướng ngại mà chính hạt giống ham muốn và đam mê mới trói buộc ta.  Vì không thấy rõ bản chất của ham muốn và đam mê nên ta mới trốn chạy những hình ảnh ở bên ngoài.  Ta nghĩ rằng những hình ảnh này làm rối loạn tâm ý của ta, hình ảnh kia làm ô nhiễm tâm ý của ta và cứ như thế càng cố ý tránh né ngoại cảnh bao nhiêu thì tâm ý càng khao khát bấy nhiêu. 

Tuy nhiên những hình ảnh có tính chất phá hoại đưa tới sự thù hận và ham muốn thì ta nên tránh.  Thời đại bây giờ, phim ảnh chứa đựng quá nhiều chất liệu bạo động, thèm khát và thù hận.  Mỗi khi tiếp xúc với những chương trình thiếu lành mạnh ấy, những hạt giống bạo động, thèm khát trong ta sẽ lớn lên và làm cho ta đau khổ.  Cho nên ta phải biết chọn lựa đối tượng để tiếp xúc.  Tiếp xúc với cái gì thì ta là cái ấy.  Nhìn bầu trời xanh, tâm ta sẽ thênh thang.  Nhìn bãi cỏ xanh non, tâm ta sẽ mát mẻ.

Hộ trì sáu căn là sự thực tập chánh niệm để biết rõ đối tượng tiếp xúc và sự ảnh hưởng trong tâm ý.  Ðối tượng đưa tới an lạc, nhẹ nhàng và tươi mát thì ta biết rõ ràng như thế.  Ðối tượng đưa tới bất an và thèm khát thì ta cũng nhận diện như vậy.  Từ đó, ta mới có thể khám phá ra được bản chất của đối tượng bên ngoài và đồng thời hiểu được hoạt động tâm ý trong ta.  Bụt dạy: ”ta là thế giới, thế giới là ta.”  Nhìn thấy cảnh, dù là một người hay một vật, thì ta nên thấy được đường đi nẻo về của tâm ý và tình cảm của chính mình.

Pháp Đăng